Từ Bruxelles, Belgique đến Washington DC, USA Đào Hiếu Thảo

Từ Bruxelles, Belgique đến Washington DC, USA

November 6, 2019 luongtruong VănVăn Hóa 0
Đào Hiếu Thảo/ Đỗ Hiếu
Với mẩu nhắn tin ngắn trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong xuất bản tại Hoa Kỳ do TTM nhờ đăng mà một buổi trưa, khi nhận được báo biếu, Giáo sư Vũ Ký đã đến tìm tôi ở văn phòng trường Đại học Bruxelles vào cuối tháng 8 năm 1995.  Như một cơn gió lốc!  Sau khi kiểm chứng thì đúng là Diệu Hòa, người yêu đầu đời của tôi. Quen nhau từ thuở vừa 17, cùng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Giác Minh ở Quận 3 Saigon năm 1964.  Gần 30 năm rồi, chưa một lần biết tin nhau.  Tôi,  muốn sang Mỹ!

Nhà báo Đào Hiếu Thảo & phu nhân.
Qua liên lạc với các bạn cùng khoá Không Quân đang định cư tại Hoa Kỳ, được biết VOA đang cần tuyển thêm phát thanh viên Việt Ngữ, làm việc tại thủ đô Washington, DC.  Tức tốc gởi đơn xin dự thi, đúng một tháng sau, tôi được gọi đến toà đại sứ Mỹ tại Bruxelles, cuộc thi tuyển mà tôi là ứng viên duy nhất, với các phần dịch tin tức, viết bài feature, soạn cuộc phỏng vấn và ghi âm giọng đọc của mình qua băng cassette.
Theo ông Johnson, tuỳ viên báo chí sứ quán Hoa Kỳ thì toàn bộ bài thi của tôi được gởi về VOA chấm điểm và thẩm định. Hai tháng sau, tôi nhận được văn thư báo tin trúng tuyển và họ sẽ mời sang Hoa Kỳ cộng tác với đài,  khi có chỗ trống.
Tháng 9 năm 1996, tôi có mặt tại Fruitland, Idaho.  Thăm người của hơn 30 năm trước.  Đến gần ngày trở về Bruxelles thì  bắt liên lạc được với người bạn thân cùng khoá Không Quân, anh Huy Phương một cộng tác viên lâu năm ở VOA, anh cho biết đài Á Châu Tự Do/RFA mới thành lập, cần tuyển xướng ngôn viên cho Ban Việt Ngữ (Vietnamese Service/VNS), điều kiện ắt có và đủ: phải là phái nam với giọng miền Nam Việt-Nam và có bằng cử nhân Báo Chí hay Anh Văn.  Anh giới thiệu tôi với giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Giám Đốc VNS, nguyên Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã Việt Nam Cộng Hòa.
Qua cuộc điện đàm, tôi trình bày với giáo sư Bích về thời gian và kinh nghiệm nhiều năm làm xướng ngôn viên tại các đài phát thanh và truyền hình Saigon, đài phát thanh Quân Đội; cũng như sau khi tình nguyện vào Không Quân Năm Mậu Thân 1968, làm phóng viên chiến trường và sĩ quan ngành chiến tranh chính trị, thông tin báo chí, tâm lý chiến tại Bộ Tư Lệnh Không Quân Việt Nam trong Tân Sơn Nhất.
Suốt thời gian 15 năm định cư tại vương quốc Bỉ, tôi thường xuyên tham gia các sinh hoạt cộng đồng, hoạt động đấu tranh với các anh em cựu quân nhân VNCH tại Âu Châu, nên có dịp may quen biết các quý vị lãnh đạo tinh thần, thân hào, nhân sĩ và gặp gỡ các chiến hữu cùng gia đình sinh sống ở các nước Bắc Âu và Tây Âu.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích gửi cho tôi đơn xin việc qua máy fax, dặn kèm lý lịch, giấy tờ chứng minh gởi gấp về RFA và chuẩn bị một chuyến đến Washington dự thi khả năng chuyên môn.
Ngày 3 tháng 3 năm 1997 từ Bruxelles tôi hạ cánh tại Washington, DC.  6 tháng 3 là cuộc thi tuyển ở RFA. Chỉ hai người, anh Lê Quang Nghĩa từ London, Anh Quốc và tôi từ Bruxelles, vương quốc Bỉ.
Các đề tài thi kéo dài 5 tiếng đồng hồ, cô Tamara Bagley làm giám thị và cũng là người phỏng vấn tôi. Cuộc thi khá cam go, phân vân không biết sẽ ra sao!  Tôi bay về Fruitland, Idaho để tìm sự an bình trong thời gian chờ đợi.
Sáu hôm sau ngày thi, giáo sư Bích gọi điện thoại đến Idaho, ông nói: ”Chúng tôi cần anh, anh có thể bay về DC nhận việc trong thời hạn sớm nhất”. Thật là một niềm vui khó tả.  Số là trước đó, bạn gái của tôi phải trải qua hai lần giải phẫu, có thể nói là thập tử nhất sinh và đã thoát cơn  hiểm nguy, sức khoẻ dần bình phục nên tôi ở lại hai tuần trước khi rời Idaho đi DC nhận nhiệm sở vào những ngày cuối tháng tư năm 1997.
26 tháng 4 năm 1997, là ngày đầu tiên tôi được hân hạnh góp tiếng nói trong chương trình phát thanh với thời lượng 30 phút của anh chị em Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, qua short wave về Việt Nam và toàn thế giới. Sau 22 năm xa rời cái micro của radio & TV/Saigon, trải qua  bao thăng trầm thế sự, có lúc tưởng chừng như kề với cái chết trong chốn ngục tù cộng sản hai miền Nam Bắc suốt 6 năm trời.  Tôi may mắn được trở lại với cái duyên? hay cái nghiệp? của ngành truyền thông mà tôi đã bắt đầu từ lứa tuổi đôi mươi,  khi trúng tuyển vào làm xướng ngôn viên tin tức, thời sự tại Đài Phát Thanh Saigon năm 1966,  sau được biệt phái sang đài truyền hình Saigon năm 1968.
Thời gian 3 tháng đầu nhận việc, tôi được anh chị Khanh Lan cho tá túc, lúc ấy cháu Tuấn Anh con anh chị mới lên bậc trung học, sau này được dịp chúc mừng cháu tốt nghiệp đại học, có công việc thích hợp, rồi lập  gia đình, nay vợ chồng Tuấn Anh đã có bé gái đầu lòng và quý tử sau đó. Xin cám ơn anh chị Khanh Lan đã tận tình giúp tôi trong công việc và đời sống khi “chân ướt, chân ráo” đến lập nghiệp ở Washington, DC.  Vùng Đất Hứa, thủ đô của chính trị, của ngoại giao và là quyền lực của Thế Giới Tự Do.
Làm lại cuộc sống trên xứ lạ lúc tuổi đời đã gần 50 đòi hỏi rất nhiều cố gắng, nhất là trong công việc hàng ngày tại RFA, luôn chạy theo đồng hồ, không thể nào chậm trễ dù là chỉ vài giây ngắn ngủi, hơn nữa, đây cũng là một trọng trách phục vụ cho hàng triệu thính giả người Việt khắp năm châu, nên càng phải vô cùng thận trọng trong mọi “lời ăn, tiếng nói, ngôn từ, giọng điệu, lập trường, quan điểm” theo nguyên tắc và đạo đức của đài.
Trong suốt thời gian gần 10 năm làm công chức tại Viện Đại Học Bruxelles, tôi chưa có cơ hội sử dụng đến computer, đánh máy thì chỉ mổ cò bằng hai ngón nên lúc đầu, tự đánh máy tin tức, bài vở là một chuyện căng thẳng làm đau đầu thường xuyên. Mặt khác, lúc ở quê nhà phục vụ các đài phát thanh và truyền hình quốc gia,  cộng tác trong phần hành làm xướng ngôn viên tin tức, thời sự, bình luận, có nghĩa là chỉ đọc những nội dung do các biên tập viên, phóng viên cung cấp, vấn đề kỹ thuật do các hoà âm viên, chuyên viên vô tuyến điện phụ trách.
Sang Mỹ làm việc cho Đài Á Châu Tự Do, mọi thứ đều thay đổi: thức giấc lúc 4 giờ sáng, lên đường từ 5 giờ, trời mùa đông cũng như tiết hè, đến sở là gấp rút search tin tức, chọn lựa những “hoa hậu, á hậu” tức là tin nổi bật, nóng bỏng, đáng chú ý, loại bớt những tin xoàng, tin muộn, tin nhảm. Kế đó là phải đọc thật  nhanh, tìm ý chính chất chứa trong nguyên bản tiếng Anh, tóm lược, viết lại trên computer, nói cho người Việt mình nghe và dễ hiểu.
Việc update (cập nhật) tin tức cũng hết sức cần thiết vì không thể bỏ sót những tin sốt dẻo đang xảy ra dồn dập trên toàn cầu, phải chạy đua với các đài bạn VOA, BBC, RFI để loan tải nhanh chóng kịp thời và đúng lúc.
Xong phần tin tức là bắt tay ngay vào việc viết bài feature (một hai năm đầu RFA/VNS còn dùng bài chay, không cần gắn sound bite (thực âm). Ngoài việc viết tin, bài nằm, anh chị em cũng được huấn luyện thông thạo trong công tác làm producer, ráp bài vở, gắn nhạc, tính giờ cho thật chính xác để sẵn sàng gởi tiếng nói đến đồng hương ở Việt Nam và khắp các châu lục. Trong những năm đầu, chương trình Việt Ngữ RFA có thời lượng 30 phút, phát “live”, sau tăng lên 60 phút. Các bài feature và magazine luôn được thu thanh và hoàn chỉnh trước.
Theo học chương trình Pháp từ mẫu giáo, tôi được cho học tiếng Anh vỡ lòng năm 1957, lúc lên 10 với Đại Đức Thích Quảng Độ, khi thầy mở lớp bình dân tại Chùa Giác Minh đường Phan Thanh Giản, Quận 3 Saigon, đối diện với hẻm nhà tôi, xóm lao động Bàn Cờ.  Sau này, tuy tôi có được du học ngành thông tin báo chí tại Hoa Kỳ lúc phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Không Quân/Tân Sơn Nhất và cũng có cơ hội làm việc chung với các cố vấn Mỹ, cố vấn Đài Loan, nhưng sau 6 năm tù cộng sản, 15 năm định cư tại Âu Châu, hàng ngày chỉ sử dụng tiếng Pháp và Hoà Lan, tôi không có dịp nói hay viết tiếng Anh, nên tất cả công việc dồn dập, tới tấp, tại RFA khiến tôi bị “điên đầu”, lắm lúc muốn buông tay, bỏ cuộc.
Những khi xuống tinh thần, tôi lại nghĩ tới hàng trăm ngàn đồng hương chìm đắm trong lòng đại dương trên bước đường đi tìm tự do, hàng trăm ngàn chiến hữu, thương, phế binh, cô nhi, quả phụ còn sống lây lất, đói kém nơi quê nhà, nhớ tới lời khấn nguyện trước vong linh các bậc đàn anh đã gục ngã trong chốn ngục tù cộng sản trên khắp mọi miền đất nước và… cái ước mơ được gặp lại người bạn gái đầu đời tại Mỹ đã toại nguyện, tôi trở về với thực tại, quyết tâm và tự hứa phải cố gắng, phải tiến bước vững vàng, không được nản lòng, không được bó tay hay bỏ cuộc.
Dù làm bất cứ việc gì nặng nhọc, mệt mỏi, cơ cực như thời còn làm 15 tiếng mỗi này trong nhà bếp, rồi nhà in ở Bruxelles, vương quốc Bỉ, hay khi bị đày đoạ trong hoả ngục cộng sản suốt 6 năm phải lao động khổ sai, sống kiếp như loài trâu ngựa chứ không phải là con người, nay đã đến được Washington, tôi quá sức may mắn, thật là một diễm phúc, một sự màu nhiệm, một phép lạ của Ơn Trên, dù đó là từ Đức Chúa hay Đức Phật ban cho tôi.
Nhờ sự khuyến khích, nâng đỡ, tiếp tay của Ban Giám Đốc VNS/RFA, của các anh chị em đồng nghiệp, trong đó có những người tôi quen biết hay cùng sinh hoạt nơi quê nhà và người bạn đời luôn bên cạnh đồng cam, cộng khổ, săn sóc tôi từ miếng cơm, tấm áo, bác sĩ, thuốc men, nên những khó khăn, rắc rối, trở ngại, khó nhọc đã làm tôi điên đầu được giải toả dần với thời gian, giúp tôi thấy say mê, thích thú, gắn bó với công việc truyền thông đại chúng, hầu nói lên tất cả sự thật một cách trung thực, nhanh chóng để góp phần tích cực trong công cuộc vận động Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền cho quê hương Việt Nam.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập và buổi phát thanh đầu tiên vào ngày 5 tháng 2 năm 1997, chương trình Việt Ngữ/RFA được đón nghe hàng ngày bởi hàng triệu thính gỉa và là món ăn tinh thần quý giá, không thể thiếu vắng, được sự tin cậy từ phía người nghe.
Mặc dù đã về hưu từ bẩy năm nay, hàng ngày tôi vẫn theo dõi và biết là RFA/VNS luôn có sáng kiến mới trong việc thực hiện tin tức, phóng sự, tạp chí, bằng video, phát qua Youtube, qua cell phone, audio now, internet và computer, nên số khán, thính, đọc giả đã tăng tới trên 7 triệu lượt người nghe, xem và đọc các nội dung hàng tháng. Hiện nay, RFA đang thực hiện show TV thời sự quốc tế và Việt Nam mỗi ngày.
Dù sinh sau, đẻ muộn so với các đài phát thanh quốc tế như VOA, BBC, RFE, RFI, nhưng RFA đã nhanh chóng bắt kịp các đồng nghiệp và tạo được cho mình những kỷ lục tuyệt vời, đáng khích lệ.
Ngày nay, bất cứ diễn biến thời sự nào xảy ra tại Việt Nam, RFA/VNS có ngay tin tức cập nhật với những thực âm ghi nhận tại chỗ từ các nhân chứng, nạn nhân, người trong cuộc như các cuộc biểu tình, những phiên toà xét xử lãnh đạo tôn giáo, tù nhân lương tâm, nhân vật bất đồng chính kiến, những blogger, các vụ đàn áp, sách nhiễu, bắt bớ, ám hại những tiếng nói đối lập trong nước, tức khắc đài Á Châu Tự Do có bài tường thuật với đầy đủ chi tiết và hình ảnh.
Từ bước đầu vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm thực âm (sound bite), ngày nay do sự tin cậy vào uy tín của RFA, các viên chức cao cấp trong chính quyền Hà Nội kể cả cấp bộ trưởng, thứ trưởng, viện trưởng, tổng giám đốc, giám đốc cũng mạnh dạn lên tiếng, khi được yêu cầu. Bên cạnh đó các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, những nhân vật dân chủ, tiếng nói đối lập, dân oan, người người đều sẵn sàng cung cấp thông tin nhanh chóng, xác thực, cụ thể và liên tục lên tiếng về những “điều mắt thấy tai nghe” qua RFA, họ không còn sợ hãi trước bạo quyền, tù đầy, súng đạn, hơi cay, vì: chân lý, lẻ phải, sự thật, công bằng đang đẩy lui chế độ toàn trị, độc đoán, khắc nghiệt của Bắc Bộ Phủ.
Không chế độ phi nhân, bạo ngược nào có thể tồn tại mãi mãi mà, sẽ sớm bị xóa bỏ bởi trào lưu tiến hóa của nhân loại.
Kính dâng Hương Linh Giáo Sư Tâm Việt Nguyễn Ngọc Bích.
Đào Hiếu Thảo/Th2
April 22, 2020