Truyền Thông: Cái Duyên hay Cái Nghiệp? Đào Hiếu Thảo

Truyền thông: Cái Duyên hay Cái Nghiệp

                                                                         Đào Hiếu Thảo/Đỗ Hiếu

Xong cái tú tài 2 ban Pháp Văn năm 1965, tự thấy mình không đủ sức thi tuyển vào các đại học như Y, Dược, Nha, hoặc Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ với các ngành kỹ sư công chánh, công nghệ, hàng hải, hoá học, đại học sư phạm, quốc gia hành chánh, nông lâm súc, vả lại vì mê văn chương, triết học và ngoại ngữ, nên chỉ còn đường duy nhất là ghi tên vào đại học Văn khoa Saigon.
Chọn ban nhiệm ý Pháp Văn, với ý tưởng sau này làm thầy giáo dạy ngoại ngữ ở trung học đệ nhất, đệ nhị cấp, các trường công, bán công hay tư. Những môn học được giảng dạy gồm Pháp văn là chính,  kế đó là Anh văn, triết Đông và Tây (thay cho Sử Địa) và Việt văn.
Năm đầu tôi lên đại học, niên khoá 1965-1966, sao thấy thoải mái, tự do chi lạ, muốn đến trường thì đến, không đi học cũng không sao, còn giờ thì nhận kèm tiếng Pháp nhiều nơi, thù lao khá, ngoài phụ với mẹ lo cho các em còn rủng rỉnh quà bánh. Nhớ lại khuôn phép gò bó, không khí căng thẳng, kỷ luật thép, khi ở trường Jean Jacques Rousseau, mỗi khi phạm lỗi lầm, bị mấy ông thầy có máu “thực dân Tây” khẻ tay, bắt úp mặt vào góc tường, có ông còn bắt phạt phải đến trường vào ngày nghỉ, làm thêm bài tập. Lúc viết luận văn, nếu dùng chữ lập đi lập lại nhiều lần, trong cùng một đoạn thì thầy đánh bằng thước kẻ, có lẽ nhờ vậy mà mãi về sau này, tôi luôn nhớ biện pháp mạnh đó mỗi khi viết bài, điều này cũng giúp tôi thường được chấm hạng nhất,  khi nộp bài thi luận văn hàng thàng và  mỗi tam cá nguyệt.
Niên khoá đó cũng là năm học ngắn ngủi nhất trong cuộc đời sinh viên của tôi, vỏn vẹn có bốn tháng, ảnh hưởng bởi phong trào đấu tranh của các sinh viên, học sinh xuống đường, biểu tình rầm rộ chống chế độ “quân phiệt, độc tài” do Đại tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo, người chủ trương “Cuộc Chỉnh Lý” ngày 30 tháng giêng năm 1964 và “ Hiến Chương Vũng Tàu”,  hầu củng cố quyền lực của phe nhóm.
Trường Văn khoa Saigon là cơ sở cũ của Thành Cộng Hoà, tọa lạc ở đầu đường Thống Nhất, đối diện với Dinh Thủ tướng và là nơi lực lượng an ninh đóng quân, có nhiệm vụ bảo vệ Dinh Độc Lập nên thường xuyên bị phong toả bằng giây thép gai, được canh phòng cẩn mật, mọi cuộc tập họp đều bị ngăn cản, khi cần thì bị giải tán bằng hơi cay, dùi cui.     
Năm học thất bại, một phần vì hoàn cảnh chính trị bất ổn của đất nước với bao cuộc bãi thị, đình công, biểu tình, chống thi cử, cộng với sự xao lãng chuyện học hành của cá nhân, thiếu cố gắng, không tập trung, kém chuyên cần, nên tôi phải đi tìm việc làm chắc chắn, hơn là cứ bay nhảy đi kèm trẻ học, không tương lai nhất định. 
Cuối năm 1966, Cục Vô Tuyến Truyền Thanh Việt Nam, đài phát thanh Saigon tuyển nam, nữ xướng ngôn viên tin tức thời sự, nói giọng miền Nam, trình độ học vấn tú tài 2 trở lên. Thông báo tuyển dụng nhân viên  được phổ biến qua các chương trình phát thanh hàng ngày suốt 24 giờ, cũng như trên một số nhật báo thời đó.  Tôi nộp đơn xin dự thi.
Ngày thi tuyển, khi đến trước đài phát thanh ở số 4 đường Phan Đình Phùng, quận Nhất, Saigon, tôi do dự, phân vân, không biết mình có nên  vào trình diện? Tần ngần, suy nghĩ mãi, đến phút chót, mới lấy hết can đảm bước vào.
Tổng số thí sinh ghi tên dự thi  lên tới gần 100, bài thi gồm luận văn với đề tài “vì sao bạn muốn làm xướng ngôn viên?”, tôi được giao cho đọc nhiều bản văn, thể loại khác nhau như: bình luận thời cuộc, tin tức, phóng sự, đọc truyện. Trong một số bài được giao có nhiều chữ Anh, Pháp và những con số thật dài.
Thi xong, rời đài phát thanh, không hy vọng gì sẽ quay trở lại nơi ấy.
Kết quả kỳ thi tuyển nam, nữ xướng ngôn viên tin tức thời sự, phục vụ tại đài phát thanh trung ương Saigon được phổ biến trong các buổi phát thanh và đăng tải trên vài nhật báo vùng thủ đô.
Còn nhớ ba thí sinh trúng tuyển gồm có: Trần Lê Phúc, Đặng Thị Ánh  Nguyệt và Đào Hiếu Thảo, được yêu cầu trình diện để hoàn tất thủ tục hành chánh và nhận việc trong thời hạn sớm nhất.
Thế mà, tính đến nay đã 53 năm trong nghề xướng ngôn viên phát thanh và truyền hình, từ trong nước ra đến hải ngoại, kể cả khi ở tù cộng sản trên đất Bắc, cũng có lúc ban giám thị giao cho việc đọc báo (Nhân Dân) đến bạn tù trong các buổi họp kiểm thảo hàng đêm để tuyên truyền những tin tức về xã hội bên ngoài.
Làm xướng ngôn viên là một công việc khá thích hợp đối với tôi vì gần với văn chương, chữ nghĩa, lại gần trường Văn khoa Saigon, chỉ 5 phút chạy xe Solex, qua lại sở làm và trường học. Anh Phúc bỏ nghề ít lâu sau, vì được tuyển vào Nha Hàng Không Dân sự, Ánh Nguyệt (RFI) và tôi vẫn phục vụ ngành truyền thông cho đến lúc nghỉ hưu (RFA).
Ngày đến trình diện nhận việc, gặp nhạc sĩ Lê Dinh, ông xếp trực tiếp đầu đời của tôi, Chủ sự Phòng Sản Xuất thuộc Sở Chương trình do nhà thơ Thái Thuỷ phụ trách. Tổng Giám đốc Cục Vô Tuyến Truyền Thanh Việt Nam là Trung tá Không Quân Vũ Đức Vinh, tốt nghiệp cùng khoá 1 trường sĩ quan Nam Định với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Phụ tá của Trung tá Vinh là Đại uý Vũ Đức Minh, cùng khoá 4 sĩ quan trừ bị Thủ Đức với Trung tướng Ngô Quang Trưởng.
Sau năm 1975, ông Minh, cấp bậc Thiếu Tá,  bị giam cầm ngoài Bắc với anh em chúng tôi,  nay ông sinh sống tại California, viết sử sách tài liệu qua bút hiệu Minh Võ.
Công việc hàng ngày của tôi là đến trình diện sở làm đúng 8 giờ sáng, ngồi chờ được phân công, trong khi đó có thể mang sách học và bài vở ra làm.
Các chương trình tôi đọc đều được ghi âm trước như chương trình Hương Quê, Gia Đình, Hải Ngoại, giới thiệu nhạc, đọc truyện Cổ Học Tinh hoa, Gia Đình Bác Tám, Nhật Ký truyền thanh…
Hoà âm viên là người chịu trách nhiệm thu băng nhựa, với kích thước bằng một đĩa bàn, đường kính trên 25 cm, đọc hư đoạn nào, được cho nghe lại và đọc tiếp. Mỗi lần vấp váp, cần thu lại cho hoàn chỉnh là mỗi lần khó nhọc, nên phải cố gắng dò trước cho thông suốt, tránh làm phiền đồng nghiệp, làm việc cam go suốt ngày, nếu cứ sai hoài, dễ đâm ra khó chịu, gắt gỏng.
Làm việc một thời gian nơi Phòng Sản Xuất, mỗi khi có dịp nghe lại tiếng nói, giọng đọc của chính mình qua radio, tôi không nhận ra tiếng của tôi, thấy ngượng ngùng, thiếu tự nhiên, không trung thực, nên tự hỏi không biết mình chọn đúng nghề chưa, hay đài phát thanh trung ương Saigon chấm thi, tuyển dụng nhân viên không chính xác, giọng nói này có xứng đáng để “duy trì tiếng nói quốc gia qua làn sóng phát thanh?” như bản tuyên dương công trạng mà Thủ tướng Trần Văn Hương ân thưởng cho một số nhân viên hữu công, xuất xắc, sau trận tổng công kích của cộng quân vào những ngày đầu xuân Mậu Thân 1968, trong đó có xướng ngôn viên Đào Hiếu Thảo.
Khi bắt đầu cảm thấy nhàm chán với công việc thu âm đều đặn mỗi ngày, không có gì hấp dẫn, hứng thú, hay mới lạ, tôi lại toan tính bay nhảy, thay đổi công việc. Bỗng dưng,  một dịp may hiếm có lại chờ đón tôi, Phòng Điều Hợp do nhạc sĩ Hoài An phụ trách đang cần xướng ngôn viên đọc live, phần sở này có các xướng ngôn viên bậc đàn anh, đàn chị như Đại uý Văn Thiệt, người chuyên đọc nhật lệnh của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, anh Trần Nam, anh Văn Hưng, anh Hồng Phúc, chị Mai Liên, Minh Tần, Minh Diệu, Cúc Hoa, Song Hạnh, Nghi Xuân, Ngọc Nga… Tôi xin thử việc và được nhận đọc tin tức thời sự live tức là không cần phải ghi âm trước nữa.
Mỗi đầu giờ, suốt 24 tiếng trong ngày, 7 ngày một tuần, đều có bản tin từ 7 đến 10 phút, đặc biệt lúc 7 giờ sáng, một giờ trưa, 7 giờ chiều, 10 giờ tối, có phần tin quốc nội và quốc tế,  tình hình chiến sự, bản tin thường kéo dài trên 30 phút . Đến 11 giờ đêm có phần tổng kết tin tức thời sự trong ngày, từ 25 đến 35 phút. Tất cả các bản tin trong suốt 24 giờ đồng hồ đều do anh chị em  xướng ngôn viên đọc live, ngay cả lúc giữa đêm khuya.
Chiến cuộc ngày một leo thang, quân lực Hoa Kỳ và đồng minh Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn, Thái Lan trực tiếp tham chiến tại Việt Nam.  Đài Loan cũng gởi các cố vấn bên cạnh những đại đơn vị, quân binh chủng Việt Nam, có lúc quân số tổng cộng lên tới trên 5 trăm ngàn người, để đương đầu với đối phương miền Bắc đã gia tăng các cuộc pháo kích, đắp mô, gài mìn, sử dụng võ khí hiện đại do Nga-Tàu cung cấp và mở những đợt tấn kích khắp các vùng chiến thuật của Việt Nam Cộng Hoà, từ Cà Mau ra đến Bến Hải.
Năm 1968, Tết Mậu Thân, quân đội chính quy Miền Bắc phối hợp với quân “giải phóng Miền Nam”, du kích, đặc công, đồng loạt tấn công bất ngờ, giữa lúc quân dân Miền Nam, tin tưởng vào lệnh hưu chiến, ngừng bắn để vui xuân đón Tết,  thiếu cảnh giác, lơ là chuyện phòng thủ.
Thủ đô Saigon cùng với tất cả các vùng chiến thuật, tiểu khu, chi khu bị bộ đội Bắc Việt tràn ngập, họ bắt bớ, bắn giết thường dân vô tội, mấy ngàn người dân bị chôn sống, bị thảm sát ở Cố Đô Huế. Ngay trên đường phố trung tâm Saigon, các quận nội thành đều bị bộ đội và du kích cộng sản xâm nhập, nhiều thường dân bị bắn chết trên khắp nẻo đường.
Đài phát thanh Saigon là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu mà cộng quân lấn chiếm, nửa đêm họ giả dạng lính quân cảnh giết nhân viên an ninh, với ý định buộc chuyên viên kỹ thuật cho phát băng ghi âm chúc Tết “đồng bào ruột thịt Miền Nam” của Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là mật lệnh tổng tấn công toàn lãnh thổ VNCH.
Vì không thông suốt kỹ thuật phát thanh, đối phương không ngờ rằng chiếm được Đài phát thanh Saigon họ cũng không thể phát những nội dung đã chuẩn bị sẵn, mà phải cần đến trung tâm phát tuyến Quán Tre, đặt trong nội vi trung tâm nhập ngũ Quang Trung, thường xuyên có hàng chục ngàn khoá sinh thụ huấn. Vì thế chuyện Việt Cộng muốn phát băng lời ông Hồ hoàn toàn thất bại.
Trận tổng công kích đợt ấy bị  quân dân Miền Nam bẻ gẫy tan tành, thế phản công như “chẻ tre”, chính quyền Saigon ổn định nhanh chóng tình hình, san bằng hoang tàn, đổ vỡ và tái thiết một đất nước tự do, dân chủ.
Nhớ lại những ngày cả nước bị rơi vào cảnh loạn lạc, máu đổ, thịt rơi, trong lúc đang mừng đón Tết Mậu Thân, ngồi nhà nghe thông báo trên Đài phát thanh Saigon, cần gấp các xướng ngôn viên tin tức thời sự, tôi đến trình diện phần sở, nhận ngay công tác, tình nguyện ở lại đó, sống nhờ cơm nước do các anh lính Dù, lính Biệt Động chia sẻ.
Chung quanh cơ sở đài, những bức tường, mái ngói, cột nhà đổ sụp,  nằm ngổn ngang, chắn hết lối đi, mùi khét của những căn nhà cháy dở, hoà cùng với thuốc súng còn phảng phất đâu đây. Bên ngoài nhiều xác chết của các anh lính Dù, của thường dân xấu số, còn nằm đó,  chưa được di chuyển.
Phòng vi âm được đơn vị Công binh dựng tạm bằng những mền len  màu áo trận (cứt ngựa), ghế ngồi được đóng bằng các thanh gỗ palette. Nhờ một số lớn nhân viên tình nguyện, khẩn cấp trở lại nhiệm sở, nên chương trình phát thanh được nhanh chóng tái lập, quan trọng và cần thiết nhất là các bản tin cập nhật, những mục nhắn tin, chương trình nhạc quân hành, lời kêu gọi của các cấp lãnh đạo quốc gia, những đoàn thể chính trị, tôn giáo, xã hội… Gia đình biết tôi còn sống và vẫn làm việc, nhờ nghe các bản tin đều đặn mỗi giờ.
Ngồi đọc tin suốt mấy chục phút trong lều căng bằng mền, mặc quần đùi, xoay trần cả ngày, mồ hôi nhễ nhại, vẫn cảm thấy mình còn may mắn hơn bao nhiêu anh chiến sĩ khác phải trực tiếp đương đầu với địch quân và hàng hàng lớp lớp đồng bào vô tội khác gục ngã trước họng súng oan nghiệt của bộ đội Miền Bắc, vì tham vọng điên cuồng của lãnh đạo Bắc Bộ Phủ.
Tình cờ bước vào nghề truyền thông và sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, song song với công việc ở đài phát thanh, tôi được tuyển đọc cả tin tức, thời sự tại đài truyền hình Saigon, thì thấy mình gắn bó, yêu nghề hơn, cần học hỏi, tăng tiến thêm với hy vọng được phục vụ lâu dài và hữu hiệu sau này. Thế mới biết trong cuộc sống, suốt một kiếp người, gần như mọi việc đều có sự an bài, sắp đặt từ trước mà mình không thể đoán biết, tiên liệu hay định đoạt được. 
Ông “Xếp đầu đời” tại đài phát thanh Saigon là Nhạc sĩ Lê Dinh, ông “Xếp cuối đời” Nhà Binh của tôi là Chuẩn tướng Võ Dinh, Tham Mưu Trưởng Không Quân VNCH, một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt nhiệm mầu nào?     
(Bài được đăng trong Tuyển Tập Văn Bút Miền Đông Bắc Hoa Kỳ 2019)
April 22, 2020