Trưởng Khóa và Trách Nhiệm – Đào Hiếu Thảo

Trưởng khoá và Trách nhiệm

                                                Đào Hiếu Thảo

(Kính tưởng niệm anh linh các bạn cùng khoá 7/68 KQVN đã  dũng cảm hy sinh vì Tổ Quốc)

                                                      “Luyện Tập Để Chiến Thắng”

Hệ thống tự chỉ huy được áp dụng tại các quân trường Việt Nam Cộng Hoà, theo đó khoá sinh bầu chọn những người đại diện cho mình ở mỗi cấp để điều hành đơn vị, sĩ quan cán bộ phụ trách công việc giám sát, hướng dẫn và đôn đốc tổng quát.

30 Tháng 9 năm 1968, lần đầu trong đời tôi đặt chân đến Trại Nhập Ngũ Số 3 ở Quán Tre, Hóc Môn – Gia Định, nơi này được thành lập từ năm 1953. Ngày kế tiếp chúng tôi được khám sức khoẻ, chích ngừa, nhỏ mắt, nhỏ mũi chớp nhoáng một cách máy móc sau đó được giao lo vệ sinh doanh trại, vệ sinh cá nhân rồi chuẩn bị cho lễ khai giảng khoá vào ngày 7 tháng 10 năm 1968.

Khoá 7/68 Không Quân gồm gần 300 sinh viên sĩ quan phi hành và không phi hành được chia thành tiểu đội 12 người, trung đội 60 người và đại đội  khoảng 240 người.

Mấy hôm sau, chúng tôi được di chuyển sang Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nhập vào tiểu đoàn Nguyễn Huệ, một đơn vị khét tiếng là sắt thép, gương mẫu, kỷ luật bậc nhất tại quân trường này, khoá chúng tôi được đặt cho danh hiệu Đại Đội 78 Không Quân.

Đêm đầu tiên sinh hoạt đơn vị ở Quang Trung, mục bầu chọn người Trưởng khoá để  đại diện cho Đại đội được tiến hành. Mỗi tiểu đội bầu một đại diện, 5 tiểu đội chọn ra 5 người để dự tranh một đại diện trung đội, bốn đại diện trung đội bầu một sinh viên sĩ quan làm Trưởng khoá 7/68 Không Quân.

Sau nhiều vòng tiến cử gay go, bầu cử qua từng nhóm, bắt đầu từ cấp tiểu đội, trung đội, đại đội, kết quả chung cuộc tôi được trúng cử giữ chức đại diện Đại Đội 78  kiêm nhiệm Trưởng khoá 7/68 Không Quân.

Chưa biết trách  nhiệm của một người Trưởng khoá là phải làm những gì, nhưng với kinh nghiệm sinh hoạt trên 10 năm trong Phong Trào Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tham dự nhiều khoá huấn luyện huynh trưởng, chăm lo cho hàng trăm đoàn sinh, tôi hy vọng công việc trước mắt sẽ không mấy khó khăn, phức tạp.

Với tâm niệm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, công việc huấn luyện tân binh, đào tạo sĩ quan vừa được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH/ Tổng Cục Quân Huấn nghiên cứu, chỉnh đốn, cải tiến toàn bộ, áp dụng phương pháp rèn luyện mới từ những quân trường nổi tiếng của Âu Mỹ, nhiều sĩ quan cán bộ được cử du học, tu nghiệp tại West Point, Fort Benning… Mặt khác, muốn chiến thắng chủ trương của cộng sản Bắc Việt hiếu chiến muốn “nuốt trọn” miền Nam Việt Nam bằng mọi giá, bằng chứng trước mắt là trận chiến khốc liệt Tết Mậu Thân 1968. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cần có những chiến binh tinh nhuệ, dũng cảm để giữ vững Miền Nam Việt Nam Tự Do.

Con đường huấn luyện chiến binh thật cam go, đòi hỏi nhiều cố gắng, thử thách,  hy sinh gian khổ đang chờ đón chúng tôi.

Những quân nhân từng thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung chắc khó mà quên những giờ “chà láng” giao thông hào chung quanh doanh trại bằng đất sét, bùn và nước từ tờ mờ sáng, thật là vô lý và vô ích, nhưng có biết đâu việc làm máy móc đó cốt là để tạo cho mình sự tập trung, kiên nhẫn, trì chí, trong mọi hoàn cảnh cần thiết sau này. Ngoài việc “chà láng”, giai thoại “cá mối nhà bàn” cũng được loan truyền về tới Saigon, vì ngày hai bữa, cá mối kho muối ớt là món ăn chính được cung cấp nơi phòng ăn tập thể của khoá sinh. Cá mối là loại rẻ tiền nhất, khó tiêu thụ ngoài chợ, nên được nhà thầu giao đến quân trường để nuôi cơm mấy chục ngàn khoá sinh hàng ngày. Mùi tanh của cá mối rất khó chịu, cố nuốt để sống rồi bị dị ứng, ho hen suốt ngày đêm, trong nhiều tuần lễ.

Mỗi ngày phải dậy từ 4 giờ sáng tập thể dục và “chà láng” kế đó là chương trình luyện tập chiến thuật, địa hình, cơ bản thao diễn, võ khí, tác xạ, đoạn đường chiến binh, bò hoả lực, vượt sông … Có những ngày học tập đến 10 giờ đêm mới về lại doanh trại.

Công việc ưu tiên của Trưởng khoá là phải bắt tay ngay vào chuyện ổn định cuộc sống của các bạn đồng khoá, trước hết lo nơi ăn chốn ở cho tử tế, thoải mái, trong ý nghĩa tương đối của nó, hầu giúp họ yên tâm mà dồn nỗ lực cho những ngày luyện tập cam go, lao tâm, lao lực sắp đến.

Hàng ngày tôi phải lập danh sách phân công nhân sự, nào là: khoá sinh thu dọn doanh trại, người lãnh bánh mì, đường cát, chuối cho đại đội  điểm tâm, người nhận và phân phối súng đạn ban sáng cũng như thu lại và kiểm soát cho đầy đủ lúc cuối ngày, người kiểm soát, nhận thực phẩm tại nhà bếp chung của trại và người thì sáng, chiều lo di chuyển bữa ăn ra bãi tập. Về việc điều hành câu lạc bộ nào là chuẩn bị nước uống, thức ăn nhẹ để bán cho khán giả lính, biên soạn tiết mục ca nhạc, sắp đặt các ca nhạc sĩ như sinh hoạt của một “phòng trà thực thụ”.  Số tiền lời thu được chúng tôi tặng chút thù lao cho các bác lao công lo vệ sinh, tu bổ doanh trại.

Vậy nghĩa là trong trách nhiệm mới tôi phải quán xuyến công việc hành chánh tổng quát như xem văn thư đi và đến, việc thu chi ngân quỹ của khoá, lo trang trí doanh trại, mua sắm vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu tinh thần và vật chất của gần 300 dự bị sĩ quan khoá chúng tôi, từ quân trang, quân dụng trang bị đến hai bữa ăn ngoài bãi tập, cũng như các chương trình văn nghệ và giải trí…

Đa đoan với những công việc phức tạp suốt ngày, trong lúc các bạn cùng khoá dầm mưa chịu gió, dãi nắng phơi sương nơi thao trường, tôi phải trực văn phòng đại đội, đảm trách và giải quyết những công việc không tên trong thời gian học tập ở quân trường Quang Trung.

Đối với người chiến binh, việc “huấn nhục” khắt khe, gian khổ đã là một hình phạt nhưng  “ghê gớm nhất” đối với anh em chúng tôi là bị cúp phép, không được thong thả về Saigon và … lỡ hẹn với người yêu!

Trong một buổi thực tập ngoài trời, đại đội chúng tôi đã xao lãng, hàng ngũ mất trật tự, nhiều khoá sinh bỏ ra ngoài mua quà bánh, do gia đình các binh sĩ cơ hữu bày bán. Quan sát từ đồi cao, qua ống dòm Thiếu tướng Chỉ Huy Trưởng Lê Ngọc Triễn nhìn rõ sự việc, không thể chấp nhận trong kỷ cương của một quân trường, ông quyết định cúp phép cuối tuần của chúng tôi và thêm giờ học tập.

Ai nấy đều cho đó là “tiếng sét đánh ngang tai”, bao nhiêu mộng mơ, bao nhiêu xếp đặt, tính toán đều đổ vỡ,  rất khó ăn nói, không làm sao bắn tin, liên lạc gấp được với Saigon, biết làm sao bây giờ  đây ?! …

Sau nhiều phiên họp gay go giữa sĩ quan cán bộ, đại diện Bộ Chỉ Huy với anh em chúng tôi, một phương cách duy nhất may ra có thể tháo gỡ lệnh cấm đi phép là khoá chúng tôi phải trách nhiệm tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ trước toàn thể khoá sinh của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vào khoảng 10 ngàn quân nhân.

Hú vía!  Mọi nỗ lực được đưa vào dự thảo của chương trình, phụ thiết lập, trang trí sân khấu rồi anh em phân công nhau về Saigon mời các ca nghệ sĩ tên tuổi tham gia vào buổi trình diễn, có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Một số ca nghệ sĩ hoan hỷ nhận lời hát giúp chúng tôi đồng thời cũng để ủng hộ tinh thần anh em binh sĩ sắp mãn khóa, ra đơn vị chiến đấu.

Mời được chị Phan Tuỳ, Xướng Ngôn Viên đài Truyền Hình Saigon, cùng chúng tôi làm MC với sự góp mặt của nhiều ca nghệ sĩ như:  Thanh Lan, Thanh Tuyền, Lệ Thu, Phương Hồng Quế, Thu Thuỷ … Tôi cũng gồng mình, xin hát “24 Giờ Phép” của Trúc Phương, bài này diễn tả tâm trạng của chúng tôi lúc ấy, ai cũng ao ước có được 16 giờ để mà… “bỏ trời đất bơ vơ”!

Buổi văn nghệ thành công ngoài mong đợi, được đánh giá là “xuất sắc” và Bộ Chỉ Huy thưởng khoá chúng tôi 24 giờ phép “vàng ngọc” cuối tuần đó. Mọi người hớn hở vì ai nấy đều đóng góp tích cực phần của mình trên sân khấu cũng như sau “cánh gà”.

Thật là có thức đêm mới biết đêm dài, sau này tôi mới nghiệm ra trong bất cứ vai trò, vị trí, chức vụ nào, không hề có chuyện suông sẻ, êm thắm và trôi chảy…

Trước lễ mãn khoá, tôi có dịp chân thành cám ơn các bạn  khoá 7/68 Không Quân đã tin cậy và giúp tôi hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm của một người Trưởng khoá. Sau 8 tuần lễ rèn luyện làm lính ở Quang Trung, chúng tôi tiếp tục lên đường vào Trường Bộ Binh Thủ Đức để học làm “Quan”.  

Tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, khóa chúng tôi nhập vào Tiểu Đoàn 3, Đại Đội 38,  thủ tục bầu cử vào các vị trí tự quản gồm có đại diện Trung Đội, đại diện Đại Đội được tiến hành như ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau cuộc bầu cử sôi nổi, các bạn tiếp tục tín nhiệm tôi  Đại Diện cho Đại Đội.

Công việc tổng quát mà tôi phải đảm nhiệm hàng ngày với sự tiếp tay của các sinh viên sĩ quan đặc trách về vũ khí, tiếp liệu, hành chánh, y tế cũng như trách nhiệm ở Quang Trung cộng thêm những cuộc họp bàn với Ban Đại Diện Tiểu Đoàn trong công tác tổ chức các chương trình diễn hành, trình diễn văn nghệ, lễ gắn Alpha và lễ mãn khóa…

Sau khi hoàn thành giai đoạn huấn luyện căn bản Bộ Binh, tốt nghiệp Trường Thủ Đức với cấp bậc Chuẩn úy, những quân nhân nào theo ngành chuyên môn được gởi đi thụ huấn tại các quân trường trong nước và Hoa Kỳ.

Khi đến trình diện Phòng Du Học/ Khối Huấn Luyện/ Bộ Tư Lệnh Không Quân nhận Lệnh Di Chuyển ra Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang để học Anh Ngữ, căn cứ theo hồ sơ từ Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được đề cử làm Trưởng Toán phụ trách 54 tân Chuẩn úy. So với trách nhiệm của mình trong thời gian thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và Trường Bộ Binh Thủ Đức thì ở đây quả là đơn giản và nhẹ nhàng. Đã tốt nghiệp khóa sĩ quan nay chỉ chuyên học ngoại ngữ và văn hóa nên nhóm chúng tôi được miễn giai đoạn “huấn nhục” sống trong cư xá bên ngoài quân trường. Hàng ngày đến lớp học Anh Ngữ, chiều khổ luyện Vovinam, may là sau đó chúng tôi tha hồ tắm biển để thư giãn, ngắm cảnh, ngắm người, cuộc sống thoải mái không khác nào đang đi du lịch miền duyên hải trong kỳ nghỉ phép thường niên.

Ở quân trường Nha Trang, tôi nhận lệnh từ Liên Đoàn Khóa Sinh để phổ biến đến các bạn trong nhóm, duy trì quân phong, quân kỷ, hướng dẫn họ đến lớp học, đến võ đường và tham dự lễ thượng kỳ mỗi sáng thứ bảy.  Tháng nào tôi cũng được bay về Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Tân Sơn Nhất lãnh lương cho cả nhóm.  Sau khi tốt nghiệp khóa Anh Ngữ vào tháng 9 năm 1968, tôi lên đường du học ngành Thông Tin, Báo Chí tại Lackland Air Force Base, San Antonio, Texas & Fort Benjamin Harrison, Indiana, Hoa Kỳ.

(Thật đúng là “ Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”…mọi chuyện đều có sự an bài…Tôi làm tròn nhiệm vụ  nhờ Gia Đình Phật Tử, Chùa Giác Minh, Saigon … biết rõ cá tính từng người trong khóa … nhờ có trí nhớ và tuổi trẻ.  Giờ đây, ngồi xuống với bữa cơm chiều, có khi còn không nhớ nổi mình đã ăn gì bữa trưa nay!) 

 

                                      Đào Hiếu Thảo/ Th2

November 25, 2020