Nha Trang, Miền Thuỳ Dương Cát Trắng mênh mông, diện tích hơn 500 km2, cách Saigon gần 400 km, nước biển xanh trong vắt, nắng ấm quanh năm, trăng thanh gió mát với nhiều thắng cảnh thơ mộng nổi tiếng như Bãi Tầm Dương, Thuỳ Dương, Hòn Chồng, Hòn Yến, Hòn Tre, Hòn Mun, Hang Dơi, Cầu Đá, Chợ Đầm… cùng với di tích lịch sử quý hiếm, kiến trúc cầu kỳ từ thời các vị Vua Chiêm Thành thuộc vương quốc Champa để lại như Tháp Bà linh nghiệm, được dựng lên từ thế kỷ thứ 9, lâu nay vẫn thường xuyên thu hút bao du khách thập phương. Xa hơn chút nữa là bãi biển Ninh Hoà, Đại Lãnh, Phú Yên, được liệt kê vào danh sách những vùng biển đẹp nhất thế giới và Cam Ranh, cách Nha Trang 40 km là một vị trí chiến lược hàng đầu được nhiều cường quốc Nhật, Nga, Mỹ chiếu cố từ hàng trăm năm trước.
Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hoà có Viện Hải Dương Học, Viện Pasteur, nhiều cơ sở tôn giáo, chủng viện và các trường trung học nổi tiếng như Võ Tánh, Taberd, Lý Thường Kiệt…
Ngoài những nét chính được biết đến như một trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, du lịch, Nha Trang từng được ví là “Hòn Ngọc Biển Đông”. Nơi đây còn là nơi đặt nhiều quân trường đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thuộc các quân, binh chủng Hải Quân, Không Quân, Biệt Động Quân, Pháo Binh, Truyền Tin, trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Dục Mỹ…
Nha Trang cũng là nơi đồn trú của Sư Đoàn 2 Không Quân yểm trợ phi pháo, hoả lực và cung cấp phương tiện trực thăng vận cho các tỉnh thuộc Quân Khu 2 Việt Nam Cộng Hoà gồm: Kontum, Bình Định, Pleiku, Phú Bổn, Phú Yên, Khánh Hoà, Darlac, Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận.
Vì nhu cầu đào tạo lúc bấy giờ, Quân Trường Nha Trang không còn chỗ tiếp nhận chúng tôi nên khóa 7/68 Không Quân được gởi thụ huấn tại các quân trường Lục Quân. Sau khi tốt nghiệp khoá sĩ quan căn bản Bộ Binh ở quân trường Thủ Đức, chúng tôi về trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân/Tân Sơn Nhất chờ phân phối ra đơn vị hay theo học các khoá chuyên môn trong nước hoặc Hoa Kỳ, tuỳ từng ngành nghề đã được trắc nghiệm và phân loại.
Một số sĩ quan được đào tạo trong nước cho hành chánh, tài chánh, tổng quản trị, quân cảnh, phòng thủ, vũ khí, huấn 1uyện, quân y, quân báo, an ninh, chiến tranh chính trị…
Những ngành du học ở Mỹ như bảo toàn phi cơ, không lưu, khí tượng, quản đốc nhân lực, tiếp liệu, truyền tin điện tử, thông tin báo chí, viễn thông, chuyển vận…
Các bạn trong ngành phi hành đều đi Hoa Kỳ để học điều khiển trực thăng, vận tải, khu trục, phản lực cơ. Chỉ riêng với loại quan sát cơ L-19, phi công được đào tạo tại trường bay Phi Yến thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang.
Trước khi lên đường thụ huấn ở Hoa Kỳ, các ứng viên đều phải học thêm Anh Ngữ cấp tốc tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội. Số khoá sinh không ngừng gia tăng nên không đủ trường lớp và giảng viên để cung ứng kịp thời cho nhu cầu, nhiều khách sạn ở Saigon được sử dụng làm trường dạy Anh Văn. Việc bảo vệ an ninh cho những địa điểm này rất phức tạp vì nằm trong khu vực đông dân cư, nhiều vụ tấn công bằng chất nổ, lưu đạn đã xảy ra liên tục bởi đặc công cộng sản nằm vùng trà trộn.
Tập họp cùng lúc đến vài ngàn quân nhân, nguyên lo chỗ ăn ở, tổ chức dạy Anh Ngữ, duy trì quân phong, quân kỷ đã không đơn giản nhất là trong khi chiến tranh lúc càng leo thang. Mặt khác, theo quy định của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH thì chỉ những sĩ quan mới được về nhà hàng ngày, sinh viên sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ phải sinh sống tập thể, được quản lý chặt chẽ, như trong các quân trường.
Bởi những lý do ấy, “Tent City” tức “Thành Phố Lều” thật lớn được Công Binh Kiến Tạo dựng lên gấp rút tại vùng Gò vấp, Ngã Ba Chú Ía, gần Quân y viện Cộng Hoà, có sức chứa vài ngàn khoá sinh. “Tent City” này tương tự như những trại tỵ nạn cộng sản ở các quốc gia Châu Á, Úc, như Indonesia, Hồng Kông, Philippines, Malaysia, Australia mà chúng ta thấy sau năm 1975 đã mau chóng mọc lên như nấm để tiếp nhận làn sóng hàng trăm ngàn “Boat People” dồn dập đến!
Nhờ xuất thân từ Trường Bộ Binh Thủ Đức, mang cấp bậc Chuẩn uý, đã qua những cuộc thi trắc nghiệm, có chỉ số chuyên môn và được phân ngành cũng như đã lượng định trình độ ngoại ngữ, nhóm chúng tôi 54 Chuẩn uý, được vận tải cơ quân sự C-47 đưa đến Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang để trao dồi Anh Ngữ cho chuyến du học Hoa Kỳ. Anh em chúng tôi thường đùa với nhau là không ngờ mình lại thảnh thơi, nhàn hạ như thế, thật là con người “có số” làm lính mà vừa học, vừa chơi.
Nhưng…nhiều mâu thuẫn bất ngờ đang chờ đón, chúng tôi bị xem là “hiện tượng lạ” vì Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang chưa bao giờ chứng kiến sự có mặt của những quân nhân như vậy. Từ lúc thành lập dưới thời quân đội Pháp hồi đầu thập niên 50 đến lúc đó, chỉ những ứng viên dân sự vừa gia nhập Quân Chủng Không Quân mới đặt chân đến đây để bắt đầu học tập thành lính Tàu Bay, tất cả đều phải nếm mùi “huấn nhục” gian khổ cộng với những hình phạt khắt khe vô lý nhất đối với xã hội bên ngoài đến mức mà nhiều người đã bỏ cuộc vì không kham nổi.
Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang
Giờ đây, với “những quan đất mới toanh” chúng tôi, bất ngờ xuất hiện! Đại tá Chỉ Huy Trưởng Nguyễn Ngọc Oánh đã nghiêm khắc ban lệnh dành riêng cho 54 “thằng chúng tôi” phải qua “huấn nhục” trong thời gian ở Nha Trang. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang đón những khoá sinh KQ tốt nghiệp từ các trường Sĩ Quan Lục quân, nên theo Bộ Tư Lệnh Không Quân việc đối xử không thể được áp dụng theo đúng truyền thống, có nghĩa là “không có chuyện bị lột lon, bắt bò” như các ứng viên dân sự mới đặt chân đến quân trường này.
Trong tình hình chính trị và ngoại giao biến chuyển dồn dập, chiến sự bùng phát mãnh liệt do áp lực nặng nề từ phía cộng sản Miền Bắc và thiếu thiện chí của đồng minh Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà vùng vẫy để cố giữ vững Miền Nam bằng mọi giá nên dù muốn dù không, Saigon gấp rút ban hành nhiều biện pháp chống đỡ, hầu kịp thời ứng phó với hoàn cảnh nghiêng ngửa lúc đó.
Kế hoạch đưa chúng tôi ra Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang học Anh Văn cũng là một chuyện chẳng đặng đừng, rất khó xử cho mọi cấp, được xem là chuyện “khó tin nhưng có thật”. Sống chung khu barrack với các sinh viên sĩ quan là điều khó chấp nhận, ra vào gặp nhau, khó ăn nói. Ban đêm, các sinh viên sĩ quan “huấn nhục” chung quanh dãy nhà chúng tôi ở cho đến sáng, làm ảnh hưởng đến chúng tôi ít nhiều.
Sau nhiều phiên họp bàn gay go, xin ý kiến từ Bộ Tư Lệnh Không Quân/Tân Sơn Nhất, Bộ Chỉ Huy Quân Trường Nha Trang quyết định: giao nhóm chúng tôi cho Đại uý Tôn Thất Lăng, sĩ quan khoá 16 Trường Võ Bị Dalat, từ Thuỷ Quân Lục Chiến thuyên chuyển về Không Quân, trực tiếp chỉ huy. Trung tá Lê Bá Toàn, Giám Đốc trường Anh Ngữ, phụ trách phần văn hoá, sinh ngữ. Tôi được chỉ định là Trưởng khoá, điều hành tổng quát trong nội bộ, kể cả việc mỗi tháng bay về Saigon, lãnh lương ra phát lại cho các bạn. Toàn bộ 54 Chuẩn uý phải dọn gấp ra khỏi phạm vi quân trường Nha Trang, đến tá túc nơi trạm xá của Y sĩ Trung tá Bùi Quốc Trụ, trong suốt thời gian thụ huấn.
Chương trình học Anh ngữ bắt đầu từ 8 giờ sáng đến một giờ trưa mỗi ngày, thứ 2 đến thứ 6, nhân số mỗi toán có 10 người. Huấn luyện viên là quân nhân Hoa Kỳ và các giảng viên Không Quân Việt Nam đã được thụ huấn nhiều khoá chuyên môn ở Mỹ. Nội dung gồm phần đàm thoại, đối đáp, làm bài tập văn phạm, ngữ vựng, thi ECL (English Comprehension Level), luyện giọng, xem phim tiếng Anh rồi thuật lại trước lớp.
Sau cơm trưa, đi luyện tập Vovinam với Thầy Minh và Thầy Long, nếu chọn Tae Kwon Do thì học với Thầy người Đại Hàn. Hứng những cú đấm, cú đá thần tốc, ngàn cân, buổi khổ luyện nào cũng có người bị “bầm dập”, xây xát đầy mình nhưng cái lợi của võ thuật là phương cách rèn luyện cứng cỏi hữu hiệu, giúp mình tự vệ và bảo vệ người khác khi cần thiết, nhất là đối với người lính chiến cần luôn đề cao cảnh giác. Thật là may mắn chúng tôi được bình yên học hành, cùng lúc bao thanh niên đồng lứa tuổi đôi mươi như mình đang chiến đấu ngoài mặt trận, nơi rừng sâu, ngoài biển khơi, trên vùng trời và không ít người hy sinh đền Nợ Nước trong độ tuổi thanh xuân.
Mỗi sáng thứ bảy, mọi người trong quân phục Kaki vàng chỉnh tề tham dự lễ Chào Quốc Kỳ, nghe đọc “Nhật Lệnh” của Chỉ Huy Trưởng rồi “tan hàng, cố gắng”. Sau đó, như những khách du lịch, ra tắm biển, phơi nắng, ngắm các người đẹp qua lại cứ như mình đi nghỉ hè nơi Miền Thuỳ Dương Cát Trắng. Buổi tối có trình diễn văn nghệ ngoài trời do các sinh viên sĩ quan thực hiện, có phim giải trí hay vào câu lạc bộ thư giãn với ly cà phê và kể cho nhau nghe những chuyện thế sự vui buồn.
Với thời gian, tình chiến hữu, huynh đệ chi binh chan hoà, các anh em sinh viên sĩ quan không còn xem chúng tôi là “quan đất” chưa nếm mùi huấn nhục dưới ánh nắng thiêu đốt của Nha Trang mà trở thành bạn bè thân thiết, giúp đỡ nhau chân tình cho đến mãi về sau. Một số các bạn sinh viên sĩ quan Không Quân đã vào quân trường này từ hai hay ba năm trước mà không được gởi học bay ở Hoa Kỳ vì không hội đủ điều kiện sức khoẻ, tiêu chuẩn an ninh hay trình độ Anh ngữ… Một số được chọn học bay quan sát cơ L-19 tại Nha Trang, số khác học ngành không phi hành, có người chuyển sang Bộ Binh. Xét chung, họ đã gia nhập Không Quân trước ngày chúng tôi vào lính năm 1968, họ thuộc các khoá 1965, 1966 hoặc 1967.
Sau kỳ thi tốt nghiệp khoá Anh Ngữ thực hành, từ giã quân trường Nha Trang với bao kỷ niệm, kinh nghiệm, vốn liếng kiến thức thu thập được, hàng ngày cắp sách đến lớp, những buổi luyện tập võ thuật, những giờ rảnh rỗi rong chơi từng ngõ ngách miền Nha Trang dấu yêu.
Máy bay C-119 lao vào tầng mây, bờ biển Nha Trang hiền hòa mất hút trong tầm mắt, hẹn một ngày tái ngộ không xa. Lúc ấy, từng lời ca quen thuộc trong “Không Quân Việt Nam Hành Khúc” của nhạc sĩ Văn Cao vọng lại trong tâm tư: “Lúc đất nước muốn, bao người con thân yêu ra đi, hối tiếc tấm thân làm chi? Đoàn ta càng đi càng xa, quyết khi về, đem lại đây chiến công, dù thân vùi quên lấp chìm…”
Về Tân Sơn Nhất làm thủ tục du học Hoa Kỳ, trong số 12 sĩ quan Không Quân ngành Chiến Tranh Chính Trị, anh Hải và tôi học Anh Ngữ ở Nha Trang, 10 bạn theo học Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị ở Dalat. Anh Chu Văn Hải và tôi du học Hoa Kỳ tháng 10 năm 1969, chặng đầu đến Lackland Air Force Base, San Antonio, Texas, kế đó là Defense Information School, Fort Benjamin Harrison, Indiana.
USA, một khung trời rộng mở trong thế giới tự do, cường quốc số 1 của nhân loại mà ai cũng ra sức phấn đấu để đặt chân đến. Nghiền ngẫm câu nói của ông bà “may hơn khôn” thật chí lý trong hoàn cảnh của tôi, mồ côi cha rất sớm, hoàn toàn tự lập, không thế lực, đơn độc bước vào đời lính chỉ với một vốn liếng khiêm nhường và hai bàn tay trắng.
Kính dâng Hương Linh Ba Má, xin cảm tạ các Cô Chú, Cậu Dì đã cưu mang, nuôi nấng bốn anh chị em con suốt cả cuộc đời.