Tiếng Khóc Trẻ Thơ- Nguyễn Tường Cường

Bài 7-NC
Tiếng Khóc Trẻ Thơ
Ngọc Cường
Khám phá khảo cổ điêu khắc bằng ngà voi ma-mút ở Đức cho thấy nghệ thuật đã xuất hiện trên trái đất ít nhất hơn ba, bốn chục ngàn năm, và từ đó luôn hiện diện xung quanh chúng ta như bầu không khí, làm đẹp mọi vật dụng sinh hoạt hàng ngày; đồng thời thăng hoa hoạt động tâm hồn và trí tuệ con người…Thế mà cho đến nay chưa có một định nghĩa nào hoàn toàn xác định nghệ thuật một cách thỏa đáng cả . Là một phạm trù triết học cho nên nghệ thuật cuối cùng cũng mơ hồ như cuộc đời !
Tuy nhiên, không ai có thể chối cãi : vì lẽ nghệ thuật đã phản ánh cuộc sống ( hết sức diệu kỳ), và nó luôn cụ thể diễn tả tâm hồn vô cùng phong phú và phức tạp của con người, cho nên bao gồm vô số chủ đề: từ chuyện bàng quan thiên hạ, cho đến tình cảm thầm kín của cá nhân người sáng tạo ra nó.
Qua văn, thơ, người nghệ sĩ đôi khi mô tả những cảm giác nhẹ nhàng, mong manh như hơi thở của một cơn gió heo may. Ở chỗ khác, diễn giải sâu xa những suy tư về thân phận và hệ lụy của con người. Cho dù không có chủ đích nào khác hơn là mua vui ( Lời quê chấp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh, Truyên Kiều ), và cốt chỉ giải trí, song nghệ thuật vô tình đã khai mở cho diễn trình tạo ra văn minh loài người . Tuy nhiên, nhiều triết gia, nhà truyền giáo và chính trị gia đã xử dụng, hay đúng hơn là lợi dụng nghệ thuật để truyền đạt tư tưởng , ngụ ý thuyết phục hay giáo dục kẻ thưởng ngoạn.
May mắn được Trời cho một tâm hồn đa sầu đa cảm, cộng thêm khả năng sáng tạo, người nghệ sĩ diễn tả tình yêu riêng tư một cách lâm ly, bi đát, không những đã mua vui , mà còn làm xao xuyến, rung động bao con tim, đưa câu chuyện thầm kín của tác giả như thể là tâm tư của chính kẻ thưởng ngoạn. Nếu không một ai có thể sống được hai kiếp, nhưng nghệ thuật đã tạo cho kẻ thưởng thức có cơ hội vượt thời gian và không gian, đi vào trong thế giới hư cấu của tác phẩm , và lôi cuốn họ như đang sống bên cạnh  các một nhân vật của câu truyện hay cuốn phim, và đó là sự kỳ diệu của nghệ thuật !
 Người nghê sĩ có thể đứng ở nhiều vị thế để quan sát thế gian: Có khi là một kẻ bàng quan sáng tác như một chứng nhân, để mô tả tha nhân và kể chuyện thiên hạ … Có khi với tư cách một người thân của gia đình,ở vai trò  người anh, chị, em và hay cha, mẹ, để mô tả những  hệ lụy thành nhiều áng văn, bản nhạc ca tụng tình mẫu tử , sự hy sinh của người cha…,và  đôi khi  những xung đột giữa  anh, chị em nữa…
Riêng trong tòa lâu đài của thi ca nhạc kịch, đề tài về tình yêu đã và còn đang ngự trị như một nàng công chúa muôn thuở,  nhưng, rất hiếm có tác giả ở cương vị của một ông ( hay bà)  để diễn tả tâm tư tình cảm dành cho đàn cháu nội hay ngoại? Như trong văn học sử của nước ta chỉ có một Nguyễn Trãi (1380- 1442) trong Gia Huấn Ca ?
Tại sao thế nhỉ ? Phải chăng do quan hệ giữa ông bà, và các cháu tuy có phần sâu sắc và đậm đà, nhưng không thể sôi nổi như tình yêu trai gái…Hay có thể vì nghệ sĩ sáng tác hăng say lúc còn sung sức,  con tim sôi nổi còn dễ rung động; và một khi đã có tuổi tâm hồn trở nên nguội lạnh, chai đá và cạn đi nguồn cảm hứng? Cũng có thể  vốn tính lãng mạn, sống bạt mạng bất cần đời nên quý nghệ sĩ thường mệnh yểu, chết trước khi có đàn cháu, và ( đặc biệt ở Thế Kỷ trước ) việc trông nom con cháu trong nhà thường được giao cho các nội tướng ( hoặc gia nhân ) nên quý ông văn thi sĩ không có cơ hội gần gũi các con cháu chăng?
Đặc biệt trong văn học của nước Pháp, vào năm 1877,  văn hào Victor Hugo có sáng tác 18 bài thơ, gom lại thành một tuyển tập có tên là “ Nghệ Thuật Làm Ông Nội “ (1) , khi đó nhà văn đã có tuổi mà vẫn có cảm hứng để diễn tả tình cảm sâu đậm đối với đàn cháu nội, bất ngờ ông phải trông nom sau khi người con trai và con dâu đột ngột qua đời sớm. Có lẽ đây là trường hợp hiếm có trong văn đàn thế giới, và may mắn cho hậu thế, có một tác phẩm riêng về tương quan giữa hai thế hệ ông bà và cháu…Tiếc thay đó cũng là tác phẩm cuối cùng của Hugo!
(1) L’Art d’être grand-père , Victor Hugo, 1877.
Không đủ khả năng trả lời những câu hỏi nêu trên, tác giả chỉ xin có đôi lời tâm sự, vài suy tư vụn vặt, và một kinh nghiệm nhỏ nhoi khi trải qua quá trình làm một ông ngoại, để cùng chia sẻ, mua vui cho độc giả, và nhân đây xin có lời cảm tạ cụ Nguyễn Trãi và nhà văn Victor Hugo đã cho kẻ hèn này nguồn cảm hứng!
                                                                    *
 
Cách đây vào khoảng hai thập niên, một cách đều đặn, theo thứ tự từ cô chị cả tới đứa em út trong gia đình, và cứ hai năm một, mấy cô con gái của chúng tôi lần lượt rời khỏi mái ấm gia đình, lên đường đi học xa nhà. Rồi sau khi tốt nghiệp và lại may mắn xin được việc làm ngon lành, cô con gái lớn của chúng tôi khệng khạng đi trước, cho mấy cô bé lẽo đẽo theo sau: Như một đàn vịt con cùng nhau lớn lên, chúng  kéo nhau lần lượt lập gia đình, túa ra tứ phương trong những dòng sống mới .
May mắn cho chúng tôi là có hai cô lấy chồng gần, mua nhà lập cư cùng thành phố với cha mẹ…Rồi sau ba năm chờ đợi im hơi lặng tiếng, vào một ngày đẹp trời, một cô báo tin là đã có bầu: Hân hoan khi được tin vui, và như đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước, tôi xin nghỉ việc, lấy hưu non để ở nhà phụ con gái trông nom cháu…
Đến một buổi sáng vừa sang Đông, ở thành phố Dayton nơi chúng tôi ở, bầu trời âm u giăng đầy mây và như thời tiết dự đoán sẽ có cơn mưa tuyết đầu mùa…Bỗng có tiếng điện thoại reo, tôi bất ngờ được tin con gái mình chuyển bụng vừa vào nhà thương, sau khi mang bầu được có 29 tuần lễ , như vậy sớm 10 tuần (thông thường là 39 đến 40 tuần thai nghén) !
Vợ chồng chúng tôi vội chạy vào thăm: Trong căn phòng nhỏ hẹp ở khu sản khoa của nhà thương, gia đình nội – ngoại quây quần tụ họp, lo lắng hồi hộp chờ đợi tin …
Khi vị bác sĩ sản khoa bước vào dáng điệu long trọng và quyền uy như một thiên thần, với giọng ôn tồn tự tin của kẻ có tài, ông chậm rãi lên tiếng trấn an : Mặc dầu sanh ra thiếu tháng, cháu bé nặng chỉ gần 3 cân Anh rưỡi, nhưng cả hai mẹ con đều khỏe, và tình trạng của cháu ngoại gái an toàn, không có vấn đề gì đáng lo ngại, tuy vậy , nhà thương rất cẩn trọng săn sóc em bé…Mọi người nhẹ nhõm thở phào, yên tâm nhìn nhau tươi cười và tranh nhau ngỏ lời cảm tạ vị thầy thuốc .
Tất nhiên bắt đầu là tiếng khóc, tiếng khóc chào đời, nhưng cháu sanh ra  mang lại niềm hân hoan bất ngờ cho mọi người có mặt, nhất là cha và mẹ của nó…Lần đầu nhìn thấy, cô bé nhỏ như chú mèo con, đỏ hỏn như con chuột nhắt. Cô đang nằm ngủ vùi trong cái lồng kính: đôi mắt còn bị che, mũi có ống thở, trông nó mong manh như hơi thở phập phồng trên cái ngực nhỏ xíu, khiến chúng tôi  trền miên bàng hoàng … Quả thiên nhiên và khoa học thật là kỳ diệu: dù sanh non nhưng nhờ tiến bộ của Y-Khoa, cộng với sự tận tụy của nhân viên nhà thương mà cháu nó chóng lớn và dần dần phục hồi như bình thường.
Chúng tôi vội vã báo tin cho gia đình thân thuộc và thân hữu được biết, một người bạn bên kia đầu điện thoại chia vui ngay :” Xin chúc mừng anh, chị nhé…Mà coi chừng nhé: trông cháu còn thú vị hơn nuôi con đấy ! Hai ông bà sẽ đặc biệt mê mẩn lắm đó”…và sau khi nghe tôi khoe với hai vợ chồng hàng xóm, anh bạn vong niên này đã ngập ngừng một lát… rồi chân thật chia sẻ quan niệm riêng:” Chúng tôi không chủ trương babysit các cháu , vì vợ chồng tôi cho rằng mình đã   trên hai chục năm nuôi con khôn lớn, bây giờ cả vợ lẫn chồng đều đã bước vào tuổi già, phải thì đến lượt con cháu nên tự làm tròn trách nhiệm của chúng nó…Tụi tôi đến thăm chơi, mua quà cho các cháu, là xong !”.
Chuyện đời  luôn luôn không hề thiếu những phức tạp.Mỗi người chúng ta đều có triết lý sống riêng biệt. Giữa hai quan điểm đại loại nêu trên, không hề có thể kết luận ai đúng ai sai, và xin nhường quyền phán xét cho độc giả…Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh : trong gia đình có được các ông bà nội ngoại trông nom mấy cháu miễn phí, để cho vợ chồng các con còn trẻ bận rộn đi làm,là một cơ hội lý tưởng, rất hợp tình, hợp lý. Chẳng vậy sao nhiều anh bạn HO của chúng tôi ở bên Cali, khi có tuổi, họ đã tự nguyện trở thành một babysitter chuyên nghiệp cho con và tài xế thường trực cho vợ.
Cùng là chiến hữu lâu năm một thời chinh chiến, cùng bị nhốt tù thêm bốn năm năm, nên mỗi khi có dịp qua chơi Bolsa, tôi luôn nô nức gọi phôn rủ rê anh em cà-phê cà pháo buổi sáng mỗi ngày…Và hết sức ngạc nhiên là tôi thường bị mấy ông bạn tù từ chối phăng !
Mấy ông anh bạn HO đưa lý do như  thế này :” Xin lỗi bạn nhá, lúc …giờ sáng, tôi phải lái xe đưa vợ đi làm neo. Sau đó về lại nhà thì phải trông nom cháu cho con gái mình cũng đi làm neo nữa…Còn trưa hả? Cũng kẹt. Phải quay lại tiệm neo đón vợ về nhà ,xong ghé qua chợ rồi về phụ vợ nấu cơm…Làm sao rảnh gì được! ” Làm như thể là mấy anh bạn tôi hiện đang cố gắng tận hưởng hai thứ quan trọng nhất trên đời: thời gian (gần gũi vợ con) và tiền của ( bảo đảm cho cuộc sống luôn bấp bênh). Hai thứ đó trong quá khứ của một thời chinh chiến thì chúng tôi, những tên lính nghèo của VNCH, đã không có được, nên ngày nay có cơ hội thì ta phải tận dụng ngay. Kiếm thật nhiều tiền để bù đắp cho vợ con thủa hàn vi cơ cực; và cố gắng níu kéo lấy lại thời gian lâu dài đã bị đánh mất khi ở tù cải tạo, phải xa vợ con…Và, hôm nay, chuyện cà-phê cà-pháo la cà hãy tạm gác lại …Nghĩ vậy, tôi cũng đành phải thông cảm thôi !
Nếu ví cuộc đời như một vở kịch, bất chợt tôi được trao thêm một vai mới, vai một ông ngoại… Và thêm vào đó,  một nhân vật mới xuất hiện: đó là một em bé ngây thơ vô tội ( ở đây là vai cháu ngoại của tôi )… đang hứa hẹn màn mới của vở tuồng sẽ hấp dẫn, chứa nhiều tình tiết éo le …Tất nhiên thay đổi mang đến nhiều thử thách mới và thử thách nào thì cũng gây ra nhiều rối rắm, cần phải được điều chỉnh lại cho cuộc sống, và đồng thời cũng đem lại mầm hy vọng và tiến bộ.  Hoàn cảnh của tôi chỉ có toàn là con gái nên không có may mắn được làm ông nội. Than thở như vậy với một người bạn có toàn con trai thì anh lại đã an ủi tôi :” Ông ơi, người ta thường nói cháu nội là cháu người ta, chỉ có cháu ngoại mới ra cháu mình…”. Hiển nhiên cháu ngoại do con gái mình đẻ ra, thì chắc chắn sẽ mang một phần genes của huyết thống, còn cháu nội do con dâu sanh, thì có thể không có genes của con trai mình??!
 Tuy thật sự có được “thú vị được làm ông ngoại” nhưng tác giả bài viết này cũng xin thổ lộ : Trong tương quan vai trò ông và các cháu không đơn giản là lúc nào cũng “thú vị” như đã nêu ở phần trên, mà đôi khi cũng nhức đầu với nhiều cảm xúc lo âu, xao xuyến (đến lạ lùng) khi trông nom đàn cháu. Chẳng hạn gần gũi các em bé ngây ngô nhiều khi cũng đưa đến cho mình nhiều khám phá kỳ lạ,  như mở ra được một cánh cửa bí mật, đưa  mình vào một căn phòng mới của tâm hồn, để từ đó dẫn đến nhiều bài học, nhiều suy tư  thú vị cho chính mình, và làm thay đổi cái nhìn của ông ngoại về cuộc sống đang diễn ra.
Vì vậy, tôi tự hỏi : Ai đã dậy dỗ cho ai nhỉ? Ông dậy cháu, hay ngược lại cháu đã dậy cho ông?
 
Ngắm nhìn bé gái nằm ngủ êm đềm trong cái lồng kính, tôi cảm thấy may mắn được định cư ở đây:Tuy tha hương nhưng lại có điều kiện sống trong một xã hội đầy đủ an toàn…mà thoáng nghĩ ngay đến bao nhiêu em bé xấu số, cho dù đã hiện diện đủ ngày tháng trong bụng mẹ như ở bên Phi-Châu, hay ở quê hương Việt-Nam bây giờ, nhưng sanh ra đời bị đói khát, thiếu sữa mẹ, vì chính người mẹ đã không có gì để ăn, để có đủ sữa cho con bú, nên các em nhỏ bé ốm yếu đến độ không còn sức để khóc nữa, chúng khô héo chết lịm dần trên tay người mẹ đau khổ! Có đoạn trường nào đau đớn bằng cảnh đó chứ ? Phải chăng cùng một lúc mà địa ngục ở đó và ngược lại, niềm vui đang ở chốn này?
Sự kiện chưa có ai nghe được tiếng cười của em bé lúc lọt lòng mẹ, khiến nhiều người đã coi “tiếng khóc chào đời ” như thể hiện cho Đệ Nhất trong Tứ Diệu Đế của Đạo Pháp,  “Đời là bể khổ ”: Chúng ta luôn luôn bắt đầu bằng tiếng khóc lúc sinh ra, và kéo dài suốt đời cho đến khi từ trần, không một ai có thể tránh khỏi cuộc sống đầy đau khổ ( trừ các bậc đắc đạo sống giữa đời này mà lại thấy mình trong cõi niết bàn ?) !
Tiếng khóc chào đời, nếu giải  thích theo Khoa Học , theo các nhà nghiên cứu cho rằng tiếng khóc báo hiệu phổi cuả trẻ sơ sinh bắt đầu hoạt động và  máu bắt đầu lưu thông trong huyết quả của trẻ, đồng thời nhắc nhở cho người mẹ biết về đứa con mình mới sanh ra, nó đang hiện diện bên cạnh, xin bà mẹ đừng bỏ bê quên con. Và thường sau tiếng khóc chào đời ấy trẻ đã mệt nhoài sau khi được sanh ra, nó chuyển mình từ trong lòng mẹ êm ấm an toàn ra đến bên ngoài lạnh lẽo , mong manh và đầy bất trắc. đứa bé sẽ lăn ra ngủ một giấc dài.
Là một phật tử chưa thuần thành, tôi không thông hiểu Đạo Pháp (dường như nằm ngoài vòng của lý  luận, không thể giải nghĩa được) nên khó chấp nhận lời giảng “ đời là bể khổ”…Tôi nghĩ, chả lẽ cứ toàn khổ đau như vậy thì còn gì là thích thú mà sống làm gì nữa ? Hay khổ hoặc sướng, là 2 bộ mặt của cuộc đời, như hình với bóng…;và trong cuộc tranh chấp giữ hai thái cực đó, cuối cùng thì đau khổ sẽ thắng mà không một ai thoát ra được như Đạo Pháp đã dậy. Như vậy, tựu chung, đời lắm khổ đau và có đôi chút vui sướng, như một kẻ đi casino , thắng được ít ván…nhưng cuối cùng cũng sẽ thua hết vốn,  vậy mà tại sao ta cứ phải chạy đến sòng bạc như con thiêu thân, như con người mãi mãi phải sống trong vòng bể khổ?
Trong một bài giảng,  một vị “Phật Sống”, đã dậy chúng ta về tiếng khóc của trẻ thơ ở một khía cạnh khác: “Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc. Sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ. Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí. Sức mạnh của vua chúa là quyền uy. Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa. Sức mạnh của người đa văn hóa là thẩm sát. Sức mạnh của sa môn là nhẫn nhịn…” ( Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14)
 Tiếng khóc của trẻ thơ là một thứ vũ khí độc đáo, vô hình nhưng còn sắc nhọn hơn lưỡi dao thật, mó xuyên sâu hơn viên đạn :Khó một người mẹ nào, kể cả kẻ xa lạ, có thể dửng dưng, không siêu lòng khi trông thấy và nghe tiếng khóc của đứa bé đang đói! Chưa biết nói, tiếng khóc là lời báo động người mẹ về cơn đói đang thúc dục được cho bú; và cần được thay tã. Đôi lúc cháu bé khóc đơn giản là muốn được ôm ấp, bế ru ngủ…mà cũng có khi vì cháu không được khỏe, hay vì   buồn ngủ mà cháu ré lên… rồi đôi khi tự nhiên cháu lăn ra ngủ say sưa như một con mèo, trông thật ngây thơ và êm đềm yên lành như người ta đang mơ một kinh nghiệm vui.
Mới sanh bé ngủ cả ngày, tha hồ cho chúng tôi chiêm ngưỡng. Bé nằm êm ấm trong nôi, say sưa trong giấc ngủ yên lành như một thiên thần…Thế mà đột nhiên, nó nhếch mép như cười, khiến bà xã vội vui rộn và reo lên :” Anh lại đây xem này, nó vừa cười xong!”. Nhưng tôi không tin  là nó cười thật sự,giống như chúng ta  gặp chuyện vui vậy, mà tôi cho đó chỉ là một phản xạ của đôi môi mấp máy một cách vô cảm ? Nhưng biết đâu cũng có thể nó cười thật ở trong một giấc mơ vui nào đó ? Không biết các nhà nghiên cứu Tâm Lý trẻ em đưa ra lý thuyết gì để giải thích hiện tượng nàychưa ? Nhưng dù thế nào đi nữa thì bà xã tôi vẫn cứ tranh cãi để giành lây phần thắng về mình như các khoa học gia, vì vợ tôi đứng ở phe triết lý theo bản năng của thiên nhiên, cũng như người Mỹ thường nói là “ mother nature “ vậy, Mặc dù cách giải thích ấy có thể sai,  nhưng tôi vẫn tin ở “nội tướng của tôi hơn hẳn mấy ông bác sĩ, tiến sĩ ( vì chính mấy ông này thường tranh cãi nhau và thay đổi lập trường luôn luôn)!
Riêng về giấc ngủ của trẻ em thì ở nước ta, từ ngàn xưa, các bà mẹ ( hoặc bà ) thường vẫn ôm ấp và ru bé ngủ, họ còn nằm chung với con cháu một cách hết sức tự nhiên và giản dị như mọi con vật trong thiên nhiên vẫn nằm la liệt cùng nhau trong tổ ấm. Đấy là hiện tượng được hướng dẫn bởi bản năng sinh tồn. Ngày nay việc cho con nít ngủ chung với cha mẹ là điều cần tránh, vì sự kiện này có ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả đứa con lẫn cha mẹ, có thể gây chết ngạt bất ngờ cho cháu bé. Tuy vậy, trẻ em ngủ riêng trong nôi thì cũng vẫn có thể bị đột tử  (SID, sudden infant death ). Để tránh tai nạn ( hay căn bệnh này ) này, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo là nên để các em nằm ngửa khi ngủ, đừng để bất cứ vật gì trong nôi ( với một vài điều cẩn trọng khác như giữ căn phòng thoáng mát v.v..).
Cách đây hai, ba thập niên, các chuyên gia về nhi khoa khuyên rằng nên để em bé nằm ngủ sấp…mà nay thì họ lại nói nên cho nằm ngửa ! Tất nhiên lý thuyết Khoa Học luôn luôn thay đổi, ngày càng tiến bộ và cho dù không hoàn hảo thì vẫn có sức thuyết phục. Trong khi đó, phe theo luật tự nhiên thì vẫn ngàn năm không thay đổi !
 
Sau ba tháng ở nhà, con gái chúng tôi hết phép nghỉ, bắt đầu đi làm trở lại. Và như đã thỏa thuận trước, tôi sẽ lại được giao phó việc trông nom cháu cả ngày, từ sáng đến chiều.
Buổi sáng, đúng giờ và long trọng như người đi làm, tôi đến sớm để bàn giao ca sáng. Con gái tôi dặn dò đủ thứ cần thiết: mây chỗ để sữa, bình , thuốc bổ, tã v.v…rồi thức ăn cho ông ngoại. Xong xuôi đâu đấy, cô chìa cho tôi cái remote tivi,rồi vội vã như sợ trễ, cô ra xe phóng đi làm.
Một mình trong nhà, tôi nghe ngóng: Trên gác vẫn yên tĩnh, có nghĩa là còn sớm, cháu bé còn ngủ…Thế là ông ngoại, tay trái cầm tách cà-phê, tay phải bấm lia lịa, mở truyền hình ra… Tin tức ngày nào cũng từng đó chuyện, không lụt lội ở tiểu bang này thì lại chiến tranh ở xứ kia… Xem mãi cũng chán, tôi chợt có  ý định viết thử một truyện ngắn, với hy vọng một ngày đẹp trời sau này có thể trở thành một nhà văn !
Cám ơn đứa cháu gái đầu tiên đã cho ông ngoại thêm cơ hội thực hiện một thú tiêu khiển thanh cao.
Đang mơ màng thì chợt nghe có tiếng ọ ọe, tôi vội phóng ngay lên gác như con lật đật để sẵn sàng thực hành việc thay tã…Hé cửa bước nhẹ nhàng vô căn phòng còn tối, tôi  rón rén đến gần cái nôi, cúi nhìn thấy cháu bé đang ngọ nguậy rồi mở đôi mắt thật to.Tôi đưa hai tay nhấc nó lên, ..nhưng chợt có cảm giác như sáng nay nó nặng hơn trước- hay là vì chính tôi mơ tưởng như thế-Cho chắc, tôi đặt bé qua giường bên cạnh, nơi dùng để thay tã. Nó vùng vằng không chịu nằm yên; và như phởn chí hay sao , nó uốn éo thân hình, nhất định không cho cởi áo ngoài…Thành ra hai ông cháu cùng vui đùa với nhau trên giường: Cháu đã bắt đầu biết lẫy và nhất là đôi chân rất khỏe, nó vùng vằng lật, xuýt nữa thì nó lọt xuống sàn…Ông cũng hú hồn, bắt đầu chỉ muốn thay tã sao cho nhanh, nhưng em bé khó chịu khóc ré lên. Mất kiên nhẫn, tôi đè nó ra mà cởi đồ ngủ, thay vì phải tháo tã đã ướt sũng…
Sáng nào thì cũng từng đó chuyện, thế mà tôi vẫn luôn phải vật lộn với cháu. Nó vẫn khóc mỗi lần được thay tã…Cho đến một hôm, bà nội tướng của tôi xin nghỉ làm ở nhà để sẵn dịp cùng tôi trông nom cháu.
Hai vợ chồng già đang ngồi xem truyền hình thì có tiếng khóc trên lầu. Như mọi sáng, tôi vội đứng bật dậy…Bỗng một bàn tay nắm kéo tôi xuống, bà xã cản:”Anh để yên, còn hơi sớm. Để cho nó ngủ thêm được một chút nữa đã…Đừng chạy lên ngay ! Anh lúc nào cũng lật đật như gà  mắc đẻ ”…Đã quen nghe lời vợ, tôi ép mình ngồi xuống …Quả nhiên, sau một phút tiếng khóc  không còn nữa …Trên gác yên lặng,…nghĩa là cháu ó đã ngủ lại…Sự thể này đối với tôi như  là một phép lạ !
Độ chừng nửa tiếng sau, có tiếng khóc lại vọng xuống; lần này thì cả hai vợ chồng tôi đều bước lên gác. Tôi đi sau nhường cho vợ mở cửa vào trước…Rón rén bước đến gần nôi, bà ngoại tươi cười reo khẽ lên :” Em à, em à… Bà ơi đây này…” Em bé đang lật qua  lật lại ,quay đầu về hướng tiếng động và trông thấy bà , cả hai chân đạp và hai tay lắc lia lịa, mừng rỡ…Bà ngoại vội bồng cháu lên ôm vào ngực.Hai bà cháu đùa giỡn với nhau một chập rồi mới đặt bé lên giường. Nằm ngửa, đứa bé nắm ngón tay của vợ tôi một cách thích thú khi bà vừa lắc lư ngón tay vừa âu yếm reo “Ái cha…ái cha…Em à, em à…” Trong khi tôi đứng yên, ngạc nhiên trước sự vui đùa của hai bà cháu. không thấy bà xã thay tã, tôi nóng lòng giục : “Thay tã chứ? Đầy nhóc đây này…” Không trả lời  và cứ tiếp tục đùa chơi với cháu…, đến vài phút sau, vợ tôi chậm rãi lên tiếng :”Từ từ thôi, đi đâu mà vội. Để nó tiểu thêm rồi thay, như vậy đỡ tốn thêm cái tã. Tã đắt lắm, anh biết không !”
Hai bà cháu cứ thế mà quần thảo vui đùa với nhau độ năm mười phút, bà mới nhẹ nhàng cởi áo và thay tã cho cháu bé…tự nhiên như chơi, không hề có sự phản kháng gì của em bé. Ngạc nhiên và trong bụng thầm phục vợ, nhưng vì tự ái, tôi không thốt ra lời khen. Tất nhiên từ đó về sau, theo bài học này của vợ, tôi nhận ra rằng cần phải kiên nhẫn với cháu.
Phải chăng ngay tình yêu là kiên nhẫn?
Đúng là một bài học cho tôi. Và đàn ông chúng tôi thiếu kiên nhẫn như mấy bà ? Chợt cảnh chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp ở Cần Thơ hiện ra trong tâm tư của tôi: Trên cửa sông rộng mênh mông, nơi bảy nhánh nhập lại, với hằng hà sa số ghe thuyền bập bềnh trôi nổi vui nhộn, đủ mọi màu sắc của nông sản, trái cây, ồn ào y như cảnh chợ Tết trên cạn…Nhưng quan sát kỹ lại , chỉ thấy mấy ông lái ghe, còn toàn mấy bà đang bận rộn trả giá, mặc cả buôn bán với nhau? Bây giờ tôi mới hiểu vì sao mấy bà chủ động, vì chỉ có các bà mới đủ kiên nhẫn kỳ kèo từng đồng, từng bó. Nếu giao việc buôn bán cho mấy đấng mày râu thì chắc khỏi ai cần mặc cả gì cả, trả lời một tiếng là xong ngay, Đối với các ông, hơn thua gì mấy đồng cắc, mua bán gì lè lẹ cho xong đi để còn về nhà nhậu lai rai chứ !
Được vợ dậy dỗ và thêm mấy cô con gái huấn luyện, tôi bắt đầu quen công việc hàng ngày : Thay tã, pha bình sữa và cho cháu bú …Riêng vụ tắm rửa thì ít đến phiên tôi phụ trách; có lẽ mấy người cho rằng ông ngoại già cả, không đủ sức giữ an toàn khi cháu vẫy vùng tung hoành trong bồn tắm, lý do em ăn nhanh chóng lớn và trở nên nặng ký ?
Trong sinh hoạt hàng ngày, thú vị nhất là sau khi ăn uống no nê rồi, em bé được bế cao đầu lên, chờ cho nó ợ thành tiếng xong để nằm ngửa ra, ông ngoại ôm ru em ngủ: Nó nằm gọn trong vòng tay, ấm áp, ru nhè nhẹ trong mỗi bước đi nhẹ nhàng, quay căn phòng nhỏ có kê cái nôi thơm tho sạch sẽ trắng toát..Đôi khi nó khóc thét lên vì quá giấc..Nhưng thường thì chỉ sau chốc lát là lờ đờ rồi nhíu mắt lại, em bé từ từ chìm dần vào giấc ngủ, dễ dàng như cánh cửa hé mở để rồi cứ thế mà bị cuốn trôi vào thế giới thần tiên của mộng mơ.
Nhìn thoáng qua, việc trông nom một em bé như thế xem ra có vẻ đều đặn và bình thường. Nhưng sống lâu gần với cháu, chúng tôi mới nhận ra rằng ai cũng luôn thay đổi như một dòng sông: có khúc chảy êm ả, mà cũng có đoạn nổi sóng …Như khi cháu lên cơn sốt thì cũng khiến  bà ngoại bấn loạn như kẻ mất hồn, quên khuấy đi hết cả bao nhiêu kinh nghiệm nuôi con mà vội đưa đi khám bác sĩ…Hóa ra nó chỉ là sắp mọc hai cái răng sữa!
Khi được hơn một tuổi, cháu vẫn ngủ nhiều vào ban ngày và thêm cái nạn thức giấc ban đêm để đòi bú, làm cho mẹ nó thường mất ngủ…  Vấn đề điều chỉnh giấc ngủ cho bé lại được đặt ra, nhất là khi con gái tôi bắt đầu đi làm trở lại và cần ngủ đủ giấc vào ban đêm. Thế là con gái và con rể tôi phải nghiên cứu sách vở, dò hỏi bác sĩ nhi khoa, xem làm cách nào để cho bé ngủ thẳng giấc ban đêm…
Thay đổi đầu tiên xảy ra khi cậu con rể chúng tôi ỷ thế là một thầy thuốc mà quyết định rằng cứ đúng giờ vào buổi tối là phải cho cháu vô giường ( cái nôi thì đúng hơn ),  mặc kệ cho cháu khóc…Và quả nhiên mấy đêm đầu, cháu cứ nức nở trên lầu khiến ông bà già ở dưới nhà cũng khóc thầm trong bụng. Nghe tiếng khóc được một chập, cảm thấy nóng lòng, bà rón rén bước lên cầu thang…Nhưng liền bị cậu con rể chặn lại ngay. Bà lên tiếng như năn nỉ : “Em nó khóc lâu rồi, để bà lên bồng cho nó ngủ?” Lắc đầu, con rể đáp nhẹ nhàng : “ Bà làm thế thì không tài nào điều chỉnh được giấc ngủ của nó…Bà cứ yên tâm, vài đêm nữa là nó sẽ quen .”
Thế là bà bấm bụng lẽo đẽo đi xuống…Nhưng về phòng nằm mà lại cứ nghe tiếng khóc trẻ thơ rả rích vang xuống, nghe thảm thiết não nề, ông bà ngoại thì thầm với nhau: “Sao cha mẹ nó nhẫn tâm quá vậy, để cho nó khóc vậy mãi được sao!” Rồi đâm giận lên, bà dọa : “ Tụi nó muốn nuôi con theo kiểu văn minh khoa học thì mình khỏi đến phụ cho tụi nó nữa!” Nhưng tôi biết  bà xã đang sốt ruột mà dọa vậy, chứ ngày mai đâu lại vào đấy… Không biết làm gì hơn, ông bà chỉ biết đau đớn trong lòng, lắng tai nghe ngóng, mong sao cho cháu mệt quá rồi sẽ lả người đi mà chìm vào giấc ngủ…Nhưng nó cứ dai dẳng khóc, có lẽ phải đến hơn nửa tiếng, rồi sau đó mới yên lặng, có lẽ mệt mà đã lịm vào giấc ngủ…
Sáng hôm sau, bà ( cố ý tránh đứa con rể) chỉ than riêng với con gái, thì nó tỉnh bơ trả lời  mẹ : ”Mẹ yên tâm , con nít khóc là chuyện thường, tụi con phải huấn luyện cho nó , chỉ vài đêm nữa là nó sẽ lại ngủ đúng giấc tối mà sẽ không thức dậy ban đêm nữa. Sách vở nói như vậy đó.”.
An phận như người già cả, ông bà ngoại tâm lý không muốn thay đổi, sợ thử thách. Còn đối với hai vợ chồng con gái còn trẻ nên chúng coi thử thách là hấp dẫn, mang đến tiến bộ và hy vọng. Nếu như ở vào thế kỷ trước, còn ở bên nhà, có lẽ chúng tôi dùng uy quyền làm cha mẹ để quyết liệt phản đối. Nhưng ở thời đại đảo lộn của thế kỷ 21 này, khi mà ông bà thường phải xin phép con cái để được gặp cháu, chúng tôi chỉ còn cách cùng nhìn nhau than thở …
Theo truyền thống Nho Giáo, cha mẹ có quyền trực tiếp trong sinh hoạt với con cái, và ràng buộc kéo dài cho đến các cháu chắt, đúng lời dậy của “vị thầy của muôn thủa” ( vạn thế sư biểu, Khổng Tử ) từ hai ngàn năm qua. Cho đến gần đây, khi còn ở trong nước, bố mẹ có trừng phạt con cháu là chuyện thường tình, thậm chí còn  dùng cả roi vọt trong phương thức dậy dỗ, nhưng khi đã qua đến bên trời Tây Mỹ tái định cư thì cứ như thế là vi phạm luật lệ, cha mẹ sẽ phải bị trừng phạt ( thay vì đứa con hư ) ! Ngoài ra, dưới con mắt của Pháp Luật của xã hội phương tây này, việc nuôi nấng và dậy dỗ là đặc quyền dành cho cha mẹ, ông bà không được đụng đến. Như ta đã nghe đến những lệnh Tòa Án bênh con cái mà cấm cha mẹ đến thăm cháu, tạo nên những trường hợp thương tâm….
Thấm thoát thời gian qua mau, nhất là khi hân hoan vui vẻ như câu “ngày vui qua mau”, mấy cô em tiếp tục theo chị mà đua nhau mang bầu, sanh thêm…Chúng tôi lại có thêm cháu trai, rồi lại cháu gái nữa…Cho đến khi tôi viết ra những giòng chữ này thì vợ chồng tôi đã có tất cả 9 đứa cháu ngoại: 5 gái và 4 trai !
Hôm nay cháu ngoại gái đầu đã 8 tuổi, đứa nhỏ nhất đã lên một. Dù không có con trai nhưng chúng tôi vốn thương cháu đồng đều gái cũng như trai, cháu nào cũng khiến chúng tôi vui thú như nhau. Tuy nhiên, có một cháu trai đặc biệt luôn nhắc tôi đến một ông anh của tôi mất đã lâu,  trong thời chinh chiến 53 năm trước. Cậu cháu trai này cũng có đôi mắt to đen đó, cái môi hơi dầy mà linh động…Nhưng chắc chắn tính tình nó khác hẳn anh tôi; nó phá như giặc và còn dữ nữa; ngược lại anh tôi thì  vốn đã hiền quá ! Linh hồn anh tôi đã hiện về và đã đầu thai vào nó chăng?
Người ta thường cho rằng người hiền lành dễ mệnh yểu, tôi tin như vậy. Có thể một cách vô thức nào đó khiến tôi rất chiều các cháu, chúng đòi gì được nấy, nhất là mục cho ăn kẹo cả ngày…đến độ cha mẹ chúng đếu than là tôi đã làm hư răng của chúng!
 Dù phải trả giá bằng nhiều lo âu, tốn hao công sức nhưng thời gian được ở cạnh con cháu đối với tôi rất xứng đáng, đã và đang chiếm vị trí ưu tiên trong đời, và làm giàu cuộc sống nội tâm, khiến hiểu biết được mình hơn, đúng như từ ngàn năm trước nhà hiền triết Hy Lạp đã phán :”Hãy tự biết mình rồi sẽ thông hiểu vũ trụ và các thần linh !” ( Connais-toi toi-même, Socrate )
Xin cho phép tôi được chia sẻ ở đây một khám phá mới lạ: Một ông ngoại già đầu, sống gần hết cuộc đời nhưng chẳng hề dậy dỗ được các cháu điều gì, mà trái lại, chính chúng ( gián tiếp) dậy cho ông ngoại điều quan trọng nhất trên đời, đó là ý nghĩa của tình yêu ; và trong cuộc sống, quan trọng nhất là gì vậy?
Tình thương các cháu đã thay đổi ông ngoại ( cá nhân tôi) , xác tín lời của linh mục Dominici, phục vụ ở trại  tỵ nạn Galang vào năm 1980,  khi người nói với tác giả “ Chỉ có tình yêu mới làm thay đổi được con người”. Tuy chỉ mong manh, mơ hồ như bầu không khí chung quanh nhưng tình yêu cần thiết cho sự sống, bao trùm lấy mọi người, và một cách yên lặng nó xâm chiếm tâm hồn chúng ta và đã thay đổi chúng ta một cách bất ngờ, không hề được báo trước.
Nhờ các cháu ngoại, tôi hiểu mình hơn, biết cả tính xấu lẫn yếu điểm, và giúp tăng thêm chút kiên nhẫn cho một kẻ lật đật như gà sắp đẻ.
 Để chấm dứt  tâm sự dài dòng của một ông ngoại, xin chào tạm biệt độc giả bằng lời của nhà văn Victor Hugo :“ Người cha có thể bỏ bê con cái, nhưng một ông nội (hay ngoại) không bao giờ lơ là các cháu được.”./.

 

June 17, 2020