Thăm Viếng New Delhi, Ấn Độ- Ngọc Hạnh

Thăm Viếng New Delhi, Ấn Độ.

Chúng tôi bay đi New Delhi sau 10 ngày ở Luân Đôn, Anh Quốc. Đến New Delhi đã 10 giờ tối. Phi trường Heathrow sáng sủa, sinh động, nhân viên nhanh nhẹn, tươi cười. Khác hẳn phi trường New Delhi cũng rộng nhưng thiếu vẻ nhộn nhịp, nhân viên có vẻ nghiêm nghi, lạnh lùng như…Ăng Lê. Nơi đổi tiền và lấy hành lý thì đông khách, phải đứng chờ tới lượt mình. Khách vãng lai thưa thớt. Một số khách du lịch da trắng, và người Á Châu kiên nhẫn xếp hàng làm giấy nhập cảnh với chúng tôi, so với số khách người Ấn ồn ào. Nhân viên phi viên phi trường nói tiếng Anh thông thạo.

Trên phi cơ hành khách người Ấn nhiều hơn so với các sắc dân khác. Phụ nữ mặc y phục Ấn độ dài tha thướt, đeo nữ trang bằng vàng óng ánh. Nam giới quấn khăn trắng có nhiều lớp trên đầu, có người chỉ đội cái mũ đơn sơ. Người trẻ mặc Âu phục gọn gàng. Hành lý họ nhiều lắm. Ngoài những va li bình thường họ còn thêm những thùng carton to tướng buộc dây nhợ chằng chịt bên ngoài. Tôi nghĩ họ phải đóng thêm tiền phạt. Trẻ con cũng đông. Trên phi cơ ồn ào tiếng khóc trẻ con và tiếng cha mẹ dỗ dành hay la mắng con trẻ. Có thể họ đem các con về thăm quê hương vì đang mùa nghỉ hè. Chúng tôi được người của khách sạn đến đón vì đã đặt tour trước bao gồm khách sạn và chuyên chở. Nghe nói ban đêm giá xe taxi đắt hơn.

Trước khi rời khách sạn chú tài xế cũng là tour guide nhắc nhở chúng tôi là không nên uống nước trong vòi nước, chỉ uống nước trong chai hay nước đun sôi – trong khách sạn có bình nấu nước sôi bằng điện – và chỉ nên ăn loại trái cây gọt bỏ vỏ như xoài, chuối… Không cho tiền người ăn xin vì cho một người cả nhóm sẽ bu quanh rất phiền phức. Chú hẹn 8 giờ sáng hôm sau gặp lại để đi thăm một vòng thủ đô nước Ấn. Nên đi sớm cho mát.

Sáng hôm sau hai tài xế đến đúng giờ, có lẽ không có xe lớn đủ cho 8 người nên đem 2 xe nhỏ. Tôi thấy xe này giống như xe Renault của Pháp thời xưa, có máy lạnh, nước sơn còn đen bóng. Chúng tôi phải chia ra, xe nào cũng có người lớn và trẻ con, mỗi xe 4 người. Hai người tài xế đạo Hindu, 45 tuồi, không ăn thịt từ nhỏ đến giờ, nhưng ăn tôm, trứng, phó mát, bơ… Cả hai đều tròn trịa, khỏe mạnh, da ngâm ngâm chứ không đen nhiều như những người Ấn làm gác dan ở Việt Nam. Họ nói tiếng Anh thông thạo.

Anh tài xế tên Raj cho biết Ấn độ là quốc gia đông dân hạng nhì trên thế giới, gần 1.2 tỷ dân, gồm 2000 giống dân, có ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Hiện nay con trai nhiều hơn con gái chút ít (1000 con trai / 920 con gái). Tuy cùng người Ấn nhưng khác thổ ngữ nên khi nói chuyện không hiểu nhau đươc. Người thành thị dù thổ ngữ nào cũng biết tiếng Anh ít hay nhiều. Anh ngữ được dùng trong thương mại và lãnh vực y tế. Anh Raj nói bằng cấp Đại học của Ấn được Anh, Mỹ công nhận. Tôi không biết điều này có đúng không hay anh phóng đại, vì sinh viên ngoại quốc đến Mỹ được phép thi lấy bằng tương tự, không phải đi học lại là mừng lắm rồi.

Ấn Độ có mùa đông, mùa hè, mùa mưa. Không thấy anh nói mùa xuân. Mùa hè tứ tháng 4 đến tháng 10, nóng khoảng 104 độ F, mùa đông tháng 1 đến 3, trời khô và lạnh, khí hậu khoảng 34 độ F. Những tháng còn lại hay có mưa. Người Ấn theo đạo Hindu nhiều nhất, 86%, kế đến là đạo Hồi 6.3 %. Còn lại là người theo đạo Thiên Chúa hay đạo Phật. Nhà thờ Thiên Chúa Sacred Heart Cathedral ở New Delhi to và đẹp.

NEW DELHI

Thủ đô Ấn độ là New Delhi rộng 42,700 cây số vuông, đông dân nhất nước.. có nhiều trường Đại Học. Các cơ sở quốc tế tâp trung ở New Delhi như Unesco, Unicef, World Bank, … thư viện. Bảo Tàng Viện Quốc Gia lớn nhất nước nằm ở New Delhi. Tại thủ đô người đông, xe nhiều, xe hơi, xe bus, xe điện ngầm, xe taxi và còn loại xe richshaw chở khách chỉ thấy ở Ấn độ. Dân chúng thường dùng xe rickshaw để di chuyển vì rẻ hơn taxi..

Anh Raj vừa lái xe vừa thuyết minh. Anh đi theo xe phía trước chở 4 người trong gia đình. Hai xe, chiếc chạy trước chiếc chạy   sau, cả hai xe cùng chạy ra khu phố chợ. Con đường khu khách sạn tương đối vắng, đến gần chợ thì người đông vô kể. Xe bóp còi liên tục, luồn lách tài tình. Các tiệm buôn 2 bên đường có bảng hiệu phần lớn chữ Ấn, vài nơi có tiếng Anh. Không có cửa kính trưng bày hàng hóa như các tiệm Âu Mỹ, nhìn qua không thể biết là hiệu buôn vì giống như nhà dân cư ngụ. Khu dành cho người ngoại quốc, cửa kính sáng trưng như nơi bán hàng (gift shop) trong khách sạn chúng tôi ở… Hàng hóa, quần áo, nữ trang bày trong tủ kính sáng choang, hấp dẫn du khách.

Anh tài xế tìm chỗ đậu xe, đưa chúng tôi vào một trong các căn phố… Vỉa hè các căn phố này lót gạch đỏ au và rộng rãi, nhiều người đi bộ qua lại. Trên vỉa hè những phụ nữ bày bán nhiều loại vặt vãnh lung tung như cái mẹt đựng xoài, chuối, cà chua, các loại rau, bánh v… v… Anh Raj nói họ bày hàng bất hợp pháp, cảnh sát đến họ chạy, cảnh sát đi họ lại bày hàng trở lại, không dẹp hết được. Các phụ nữ người gầy gò nhưng ngón tay đeo đầy nhẫn và cổ tay lỉnh kỉnh các chiếc vòng kim khí xanh, đỏ, tím, vàng… Có lẽ đó là thói quen và niềm vui của phụ nữ Ắn. Có tiền mang trang sức quý, nghèo mang đồ vật rẻ, nhưng vui còn hơn để tay không (tôi đoán mò).

Chúng tôi theo Raj vào tiệm tơ lụa. Anh gõ cửa, một người trung niên ra mở cửa chẳng nói năng chi… Chúng tôi theo 2 tài xế qua gian phòng bày cái bình hoa và mấy cái ghế, chẳng thấy hàng hóa chi cả. Kế tiếp là gian phòng khác thật rộng rãi la liệt nhung gấm tơ lụa. Trên kệ dọc theo tường gian phòng, và các quầy trên sàn nhà đầy những cây lụa đắt tiển màu sắc khác nhau, óng ả, vui mắt. Tranh treo tường toàn tranh thêu phong cảnh hay hình chân dung. Không thấy tranh vẽ. Chao ơi là đẹp! Người bán hàng là thiếu nữ và vài phụ nữ xinh đẹp tươi cười… Toàn tiệm chỉ có một người đàn ông, nói năng lịch sự, có lẽ là chủ tiệm?

Tôi thấy phụ nữ bán hàng có nốt son đỏ au trên trán. Hỏi thì Raj cho biết phụ nữ có vết son là đã có gia đình nên dù cô ấy còn trẻ hay xinh đẹp cũng không ai dám sàm sỡ hay chọc ghẹo, tán tỉnh. Cô bán hàng lấy khúc lụa, chỉ chúng tôi cách quấn sarong cho phụ nữ, đơn giản và nhanh. Cô quấn lụa cho con gái tôi theo cách thức người Ấn. Cháu mang y phục Ấn thấy lạ nhưng không giống người Ấn vì mũi họ cao, mắt to, lông mi vừa dài vừa cong. Tôi mua khúc lụa đem về Mỹ làm kỷ niệm. Ngoài ra tiệm còn bán một số vật dụng bằng da, ví, cặp táp, dép phụ nữ đính hạt cườm hay kim tuyến lóng lánh, mâm bạc to sáng trưng …

Chúng tôi theo Raj ra chợ xéo tiệm tơ lụa, lớn như chợ An Đông, Chợ Lớn… Thật ra chúng tôi chỉ đi một góc chợ vì đông lắm, người ra vào chen chúc. Tôi thấy họ bán mía đặt dưới mặt đường một đống như chợ Cầu Ông Lãnh, Sài gòn. Hoa tươi, quần áo, khăn quàng, giầy dép, món nào cũng nhiều. Có lẻ họ bán sỉ chứ nếu bán cho từng người thì đến bao giờ mới hết hàng. Chúng tôi thấy nhóm người trẻ và trung niên, đứng gom một chỗ ở góc phố, anh Raj cho biết họ đứng chờ người gọi đi làm như xây nhà, dọn dep, khuân vác … có thể trọn ngày hay vài giờ. Những người này thu nhập bấp bênh, bữa có bữa không. Còn có người phụ nữ ẵm em bé gầy gò đi xin ăn.

Mọi người lên xe , xe chạy ngang các cửa hiệu bán thảm. Các tiệm này mở cửa rộng, tôi thấy thảm to, bé, lớp treo trên tường, lớp để trên sàn nhà, nhiều lắm. Tài xế chạy một qua nhà bưu điện, nhà thờ, trường học… Đến viện bảo tàng, anh ngừng lại cho mọi người chụp ảnh. Theo anh Viện Bảo Tàng Quốc Gia to nhất nước, chứa hơn 200,000 cổ vật, tranh ảnh, y phục tài liệu cổ xưa quý giá, có món cả 1000 năm tuổi. Các vật trưng bày sản xuất từ Ấn Độ và một số của ngoại quốc. Xe chạy đến Khải Hoàn Môn lại ngừng để chụp ảnh. Kiến trúc này chắc chắn, bệ vệ tuy được xây từ 1931, nhìn chung giống như khải hoàn môn của Pháp ở Paris. Tài xế bảo Ấn lấy đề tài kiến trúc từ Pháp nhưng khác là Pháp xây để chào đoàn quân thắng trận trở về còn Ấn xây để tưởng nhớ hơn 90000 chiến sĩ đã hy sinh trong thế chiến thứ I.

OLD DELHI

Xe chạy qua khu Old Delhi trước khi quay về khách sạn. Trước kia, Old Delhi là nơi vua quan Ấn cư ngụ. Thủ phủ Ấn, thành lập từ thế kỷ 17. Nơi này vua Shah Jahan xây Red Fort chu vi tới 2.2 cây số, nằm bên bờ sông Yamuma. Bên trong thành có công viên, cung điện lâu đài xinh đẹp. Vào thành Red Fort có 2 lối đi, bằng ngõ Delhi Gate và Lahore Gate. Nay Red Fort là nơi buôn bán sầm uất, nhà cửa, tiệm buôn chen chúc. Khu Meena Bazar nhiều tiệm bán các loại hàng hóa đồ cổ, tranh ảnh, nữ trang, tiệm bán các vật dụng bằng bạc, bán thảm, tuy người và phố xá đông đúc nhưng nhỏ hơn ở New Delhi.

Tôi ngậm ngùi nghĩ đến sự còn mất của đời người. Vua Ấn giầu sang uy quyền tột đỉnh đã qua đời từ nhiều thế kỷ. Nay thành lũy, cung điện, hư hao, chỉ còn các di tích lịch sử ghi dấu thời kỳ vàng son của vị vua trị vì quốc gia dân đông, đất rộng …

Chúng tôi trở về khách sạn nghỉ ngơi để hôm sau đi Agra thăm Taj Mahal, ngôi mộ bằng đá trắng còn được gọi là ”Lâu Đài Tình Yêu“ do vua Shah Jahan khởi công xây cất từ nhiều thế kỷ trước .

Ngọc Hạnh

 

THĂM VIẾNG TAJ MAHAL, ẤN ĐỘ.

Ấn độ có nhiều di tích lịch sử, đền thờ nguy nga tráng lệ. Taj Mahal là một trong các điểm nóng thu hút du khách nên ai đến New Delhi cũng đi thêm mấy tiếng nữa để thăm viếng kiến trúc nổi tiếng trên thế giới. Có nhiều phương tiện di chuyển đi đến Agra để thăm Taj Mahal như xe bus, xe lửa ,rẻ nhưng chen chúc chật chội, xe đò cũng thế. Đi máy bay nhanh nhất độ 45 phút nhưng không thấy phong cảnh hai bên đường. Từ New Delhi đi Agra thăm Agra Fort và Taj Mahal cũng mất khoảng 3 tiếng lái xe, nếu nghỉ ngơi dọc đường thì lâu hơn.

Hôm viếng đền Taj Mahal, khách sạn giới thiệu chúng tôi một hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp từ chiều hôm trước. Anh cho biết muốn xem đền lúc mặt trời mọc nên đi sớm khoảng 6g30, còn không 8 giờ anh có mặt tại khách sạn. Chúng tôi dặn anh đến 8 giờ vì chúng tôi có 2 bác tài có thể đưa đi xem sớm nếu muốn. Sáng sớm Raj đưa 2 người con lớn và tôi đi xem đền lúc ánh dương hồng vừa xuất hiện nơi chân trời . Hai vợ chồng người em ở lại khách sạn với các cháu nhỏ .

Chúng tôi đến Taj Mahal khi ngọn cỏ còn đẫm ướt sương đêm nhưng đã có nhiều du khách đến trước chúng tôi Đền bằng đá marble trắng, dưới ánh bình minh ngôi đền có màu vàng nhạt. Các cháu và tôi đi vòng quanh chụp ảnh góc nọ góc kia xong trở về khách sạn dùng điểm tâm với gia đình. Buổi sáng, khách sạn có thức ăn Ấn và thức ăn Âu Mỹ, bánh croissant, trứng chiên, jambon, oatmeal, các loại cereals, sữa chua, trái cây, nước trái cây, cà phê, trà … miễn phí. Ăn trưa và ăn tối phải trả tiền thêm. Chiều hôm qua chúng tôi ăn tối ở khách sạn thay vì ngoài phố như dự tính. Tôi xin kể chuyện hôm qua. Nguyên nhân sau khi đi xem Agra Fort xong, về tắm rửa nghỉ ngơi chốc lát, 2 bác tài đã đưa chúng tôi đi một vòng phố phường, xem các tiệm bán quà lưu niêm, bán vật dụng bằng da, tiệm nữ trang. Ấn độ là nơi sản xuất các loại hồng ngọc (ruby) và bích ngọc (emerald) nên giá tương đối rẻ hơn ở Mỹ và trong khách sạn. Tôi nghĩ 2 bác tài có thể quen thuộc với các tiệm buôn vì nhân viên có vẻ vui mừng khi gặp 2 bác ấy. Cô em tôi mua ít quà lưu niệm, ví cầm tay bằng da, một bộ trang sức bằng bạc sáng ngời để làm quà cho bạn bè ở Mỹ. Hai bác tài cũng đưa chúng tôi đi qua các đền thờ Hồi, Ấn, và Thiên Chúa giáo. Nơi thờ phượng nào cũng lộng lẫy, chạm khắc công phu khéo léo. Những người Ấn đến đền thờ mặc y phục nhiều màu sắc rực rỡ, vui mắt. Mấy bà có chấm đỏ ở trán giữa 2 chân mày.

Trong khách sạn nơi gift shop hàng gì cũng có, khăn quàng tơ, cây rọc giấy bằng bạc, giầy dép, hồng ngọc, kim cương, quần áo tơ lụa … Cái gì cũng đẹp, tốt, không sợ mua lầm, trả hớ nhưng đắt hơn tiệm ngoài phố. Mua hàng các tiệm buôn nên đi với hướng dẫn viên vì không biết giá sẽ mua đắt . Không nên mua hàng hóa của người bán hàng rong trên vỉa hè. Trên đường đi từ New Delhi đến Agra tôi thấy dân nông thôn gầy và đen nhưng ở đô thị, mấy ông bà chủ tiệm và người Ấn đi ngoài đường phần lớn tròn trịa, có người rất là tròn . Không thấy ai gầy nhom dù là người lao động kéo xe. Hai bác tài lái xe cho chúng tôi ăn rau từ bé đến lớn nhưng người cũng đầy đặn. Phụ nữ Ấn ở Agra có người làn da sáng đẹp, có thể gọi là trắng cũng đúng.

Xin trở lại chuyện Taj Mahal và anh hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp. Anh đến đúng giờ. Anh giới thiệu tổng quát nước Ấn để chúng tôi có khái niệm như đất rộng, đứng thứ 7, dân đông thứ 2 trên thế giới. Ấn Độ có tài nguyên thiên nhiên phong phú, lắm di tích lịch sử và thắng cảnh, nhiều kiến trúc cổ xinh đẹp, đền, nhà thờ đồ sộ, trang nghiêm. Ấn thường có lễ hội và nhiều sắc tộc khác nhau, thờ nhiều vị thần linh, thần chim, thần rắn, thờ linh vật Linga. Phong tục tập quán Ấn cũng đăc biệt thú vị so với các quốc gia trên thế giới, thí dụ em bé trai Ấn từ khi ra đời đến 1 tuổi không ai được phép cắt tóc em. Phải xin phép thầy tu của gia đình, hẹn ngày để được thầy làm lễ cắt tóc lần đầu tiên. Gia đình và họ hàng dự lễ có khi đến 30, 40 người hay hơn, tùy gia đình đông hay ít và tình trạng tài chánh của mỗi gia đình. Phải mang lễ vật trang trọng theo trong ngày lễ. Nếu đền ở trên đồi, núi, ông bà của bé già yếu không đi được thì thuê người cõng.   Buổi lễ cắt tóc rất trân trọng trong khi các nước khác việc cắt tóc trẻ con thật tầm thưòng không cần lễ nghi chi hết. Không phải tất cả mọi người Ấn đều theo tập quán đó mà tùy theo sắc tộc và tôn giáo. Anh cũng kể môt số địa điểm du lịch hấp dẫn du khách ở Ấn mà Taj Mahal là một. Anh nhắc nhở khi đến đền thờ hay lăng mộ Ấn, du khách không nên biểu lộ tình cảm hay có cử chỉ quá thân mật nơi chốn trang nghiêm …

TAJ MAHAL

Hướng dẫn viên cho biết Taj Mahal là lăng mộ bằng đá marble trắng nổi tiếng thế giới một phần do kiến trúc đặc biệt và một phần vì mối tình thơ mộng của hoàng đế Jahan, vua đất nước phồn thịnh thời bấy giờ. Vua Mughal Shah Jahan xây cho hoàng hậu yêu quý Mumtaz ngôi mộ đẹp và tốn kém nhất khi bà vĩnh biệt đời sống hoa gấm và người chồng chung thủy lúc sanh người con thứ 14.

Anh tặng nhà vua danh hiệu “vị đế vương chung thủy “ vì ở Ấn một người trung lưu khi vợ chết, chồng cưới vợ khác là việc bình thường và được xã hội chấp nhận. Một vị vua thời phong kiến ngoài hoàng hậu (thê) còn có 3 bà phi (thiếp) và cả ngàn nàng hầu, cung nữ. Nghe đây đến cô em nói nhỏ với tôi là nếu vua có nhiều bà như thế chắc còn xương với da, làm sao mà lo việc nước được? Vua Shah Jahan từ lúc hoàng hậu qua đời tới lúc vua chết mấy chục năm sau không thấy sử sách nào ghi ông lập hoàng hậu khác. Như thế tình yêu thương vợ của nhà vua thật đáng quý, đáng nể và đáng được ghi vào lịch sử. Chuyện tình lãng mạn của nhà vua cũng là nguồn cảm hứng cho các thi, văn sĩ trong và ngoài nước viết thành áng văn hay bài thơ hay, ca ngợi mối tình tuyệt đẹp nhà vua.

Sai cho biết Taj Mahal xây năm 1632 và hoàn thành năm 1653 với cả ngàn công nhân, kỹ sư, kiến trúc sư tham dự. Có hơn 1,000 voi dùng để chuyên chở vật liệu xây cất. Các thợ thủ công, các nhà điêu khắc tài giỏi, các thợ đá trong nước đươc vời đến thủ đô xây lăng mộ. Vật liệu có thứ mua tận Tây tạng, Sri Lanka, có loại đá quý mua tận bên Trung quốc như cẩm thạch.

Taj Mahall hình vuông, mỗi cạnh 55 mét bằng đá marble trắng xây trên nền đá trắng cao. Bên trong Taj Mahal chia làm nhiều phòng. Gian giữa rộng nhất, là ngôi mộ hoàng hậu Mumta, lớn hơn mộ vua Jahan gần bên về phía tay trái từ cửa chính đi vào. Ở mỗi góc nền lăng có một cột tháp (Minaret) như ở các thánh đường Hồi giáo. Sai nói cột này cao khoảng 40 m và chia làm 3 phần bằng nhau. Giữa lăng có mái vòm hình củ hành. Đỉnh mái vòm trang trí 1 cột nhỏ và nhọn, dát vàng thật cho đến đầu thế kỷ thứ 19. Nay thì chóp nhọn của cột trên đỉnh tháp Taj Mahal bằng đồng. Sai cũng không biết triều đại nào đã thay đổi từ vàng thành đồng. Lăng mộ đổi màu tùy theo ánh nắng mặt trời, buổi sáng có màu vàng nhạt khi mặt trời mới mọc, trưa màu trắng khi ánh nắng lên cao và màu hồng lúc xế chiều. Dưới ánh trăng, màu trắng ngôi mộ thành màu sáng bạc. Vách tường, nền đá, mái vòm, cột đều chạm khắc hoa lá hay các hàng chữ không biết là kinh hay một bài thơ, đoạn văn?

Bức tường và cột trước lăng khảm hồng ngọc, kim cương, bích ngọc, cẩm thạch và các lọai đá quý. Tất cả 28 loại nhưng không viên đá quý nào còn nguyên vẹn, hầu hết bị cạy gỡ sứt mẻ lem nhem. Theo Sai có giả thuyết cho là đá quý bị quân sĩ Anh cạy lấy trong thời kỳ chiếm đóng hay do kẻ xấu địa phương ăn cắp cạy ra.   Chung quanh lăng có tường rào, cửa mở về phía bờ sông. Trước mặt lăng là hồ nước bằng đá marble hình vuông dài, sân cỏ gần hồ nước xanh mướt, cắt tỉa gọn gàng xinh xắn. Những cây kiểng trồng dọc theo lối vào lăng lá xanh tươi, ngọn cây được cắt ngang bằng phẳng. Lúc chúng đến trước lăng có nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, máy ảnh sẵn sàng, chờ được thi thố tài năng. Sai nói các du khách không ai chụp ảnh Taj Mahal đẹp bằng những người này. Họ hành nghề nhiếp ảnh tại ngôi đền hàng chục năm, biết rõ góc cạnh nào để chụp hình cho đẹp, thí dụ họ cho du khách đứng đưa tay thế nào để khi ra hình giống như tay khách sờ đụng đỉnh nhọn trên nóc tháp.

Theo ý quê của tôi, các lâu đài Pháp, Mỹ huy hoàng lộng lẫy vì sự sạch sẽ, phòng ốc rộng rãi, tranh ảnh màu sắc đẹp. Cung điện Thái Lan rưc rỡ gây sự chú ý du khách vì mảnh thủy tinh, kính màu lóng lánh gắn lên tường, lên cửa, màu vàng sáng chói trên nóc cung điện nhưng chưa nơi nào kể trên dùng kim cương, bích ngọc, hồng ngọc gắn lên cột, lên cửa như ở Ấn. Có thể tôi giống như “ người mù sờ voi “, không biết các lâu đài sang trọng xa hoa ở những nơi chốn khác nhưng tôi thật sư ngưỡng mộ sự khéo léo, trang trí công phu và đẹp mắt, các công trình xây cất tuyệt vời của người Ấn thuở xưa.

Chúng tôi chia tay với người hướng dẫn khi về đển khách sạn và chuẩn bị hành lý để 2 bác tài đưa gia đình đi Jaipur: một thành phố Ấn có phong tục tập quán khác lạ, vào buổi sáng hôm sau.

Ngọc Hạnh

January 14, 2021