Rồi… Xuôi Nam- Đào Hiếu Thảo

Rồi … Xuôi Nam

                                      Đào Hiếu Thảo/Th2

Sau sáu năm bị VC giam cầm trong nhiều trại tù lao động khổ sai từ Hóc Môn qua Long Giao (Long Khánh) rồi ra tận vùng Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Nghệ Tĩnh.  Đầu tháng giêng năm 1981, họ phóng thích chúng tôi từ trại K3 ở xã Lạc, huyện Tân Kỳ, khoảng 30 người chúng tôi bị lùa lên xe vận tải Molotova để ra nhà ga Vinh.  Đường xe chạy gồ ghề, khúc khuỷu, nhiều  đoạn chúng tôi phải xuống, xăn ống quần lội nước, xúm lại ỳ ạch đẩy cho xe vượt qua đầy rẫy những hố sâu trên suốt quãng đường dài trên 80 cây số.

 

Hình minh họa: xe lửa (tàu hỏa) của Việt Nam 50 năm trước

Đến sân ga Vinh lúc xế trưa, anh cán bộ công an đưa cho nhóm chúng tôi vé xe lửa và giấy ra tù, trên giấy ghi rõ là phải trình diện chính quyền địa phương trong thời hạn sớm nhất khi về đến nhà.  Rồi anh ta quay lưng đáp ngay chuyến xe đò trở về Hà Nội.

Ngồi chờ đến gần 12 giờ khuya thì có chuyến tàu chợ chạy về Huế. Đoàn tàu vừa dừng lại, hàng trăm hành khách chen lấn nhau lên wagon, thấy họ tranh giành, sợ không đủ chỗ phải chờ cả ngày sau mới có chuyến kế tiếp, anh em chúng tôi cũng bắt chước theo.  Sát bên tôi là anh Phạm Văn Sắc, Khóa 16 Võ Bị Quốc Gia/Dalat, thuộc Thuỷ Quân Lục Chiến, nguyên Quận Trưởng Thủ Đức, bỗng nghe tiếng gọi lớn: “Bác ơi đưa cháu đỡ hộ túi hành lý của bác, cháu giữ chỗ cho bác nhé”, mừng quá anh chuyền ngay cái ba lô của mình qua cửa sổ toa tàu, tay thanh niên sốt sắng nâng lấy nó. Xô đẩy một hồi, mấy anh em mới lọt vào bên trong tàu hoả, anh Sắc dòm ngó quanh mình mong tìm “người tốt bụng kia”, nhưng y đã mất hút từ lúc nào. Từ bài học cay đắng ấy, nhóm chúng tôi ôm chặt lấy túi hành lý của mình trước ngực, ai nấy ngồi la liệt trên sàn gỗ mà không dám chợp mắt.

Đêm hôm sau, đoàn tàu chợ vào đến nhà ga Huế, nhóm chúng tôi xuống xe tại đây, chờ đoàn tàu Thống Nhất… xuôi Nam. Đang lớ ngớ, đầu óc, thân thể mệt mỏi vì thiếu ăn, mất ngủ, trong suốt hành trình trên xe lửa từ Vinh tới Huế, tôi tìm một chỗ trên nền xi măng, dựa tường, ngồi nghỉ tạm, trước khi lo bước kế tiếp xem mình phải làm gì thì trước mắt tôi một cảnh tượng thương tâm đến không ngờ, một cô gái khoảng đôi mươi, đầu tóc rối bời, gương mặt xanh xao, gầy gò, thân thể cô chỉ được che bằng cái bao bố gai thủng lỗ tròng qua đầu, dài đến đầu gối, hai cánh tay như xương ống thò ra ngoài. Chân không giày dép, cô lê bước đi  không muốn nổi trên bãi sình lầy, tay cầm cái lon sữa bò để xin ăn… trời thì đang mùa đông mưa lất phất đến tê buốt trên cố đô Huế. Phận mình cũng có gì hơn để giúp đỡ cô!

Xã hội chủ nghĩa Việt Nam “ưu việt, văn minh, tiến bộ” bây giờ là thế sao ?!?!

Người dân địa phương cho chúng tôi biết mỗi tuần chỉ có hai chuyến xe lửa tốc hành Hà Nội-Saigon, đoàn tàu Thống Nhất Bắc-Nam này có ghé qua Huế đón khách, nhưng gay go lắm mới kiếm được vé hay “đăng ký” chỗ ngồi, vì nạn mua bán chợ đen đang hoành hành trong ngành hoả xa.

Để dễ dàng lúc xê dịch, tránh tụ họp một nhóm đông người, anh em chúng tôi phân thành toán nhỏ, ba bốn người bám theo nhau trong thời gian dừng chân tại Huế, chờ mong tàu Thống Nhất sớm đưa về Saigon. Tôi thuộc nhóm 4 người do anh Lâm Tùng dẫn đắt, anh nguyên là một Tiểu Đoàn Trưởng thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh, từng chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Đông Hà. Việc đầu tiên là kiếm chút gì lót dạ, khác với những bữa ăn trong tù, mà hấp dẫn nhất là bún bò Huế, ly cà phê đen, chung trà nóng và điếu thuốc thơm Thái Lan Samit.

Bước vào một quán nhỏ ven đường với ngọn đèn dầu leo lét, lúc ấy đã gần 2 giờ sáng, anh Tùng chào hỏi, mở lời với bà chủ quán, nói cho bà biết là chúng tôi vừa ra khỏi trại tù từ Nghệ An, đang trên đường về lại Miền Nam. Bà bỗng nghẹn ngào, rơi lệ, mừng cho chúng tôi “chết đi sống lại”, bà nói  hiện vẫn còn mấy ngàn anh em “lính tráng Miền Nam” bị đày đoạ tại các nhà tù khổ sai quanh vùng Thừa Thiên-Huế, ở Đập Đá, Mang Cá… Bà hạ thấp giọng, kể lại rằng dân tình nghèo khổ, khốn đốn trăm bề, thiếu ăn thiếu mặc, bà con mặc toàn áo vá, “than trời không thấu” từ khi Miền Nam “được Bác và Đảng giải phóng”.

Bà cho con cái dọn thức ăn, mời cà phê, châm điếu thuốc, chúng tôi trả chút tiền bà không nhận, mấy đứa con bà còn tặng luôn bao thuốc lá mới mở và nói: “mấy chú ở tù khổ lắm rồi, cứ hút thoải mái đi”. Là những người khách cuối cùng, chúng tôi hỏi đường để tìm tới chỗ trọ nghỉ qua đêm, nhưng chủ quán bảo các con đóng chặt cửa, dọn dẹp bàn, ghế đẩu, trải chiếu trên sàn nhà cho bốn đứa chúng tôi tạm ngả lưng.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi được xách nước giếng, tắm gội và thưởng thức tách cà phê đen rồi đi bộ ra nhà ga chờ guichet mở cửa để trình vé, ghi danh lấy số trên chuyến tàu Thống Nhất Bắc-Nam. Đến nơi thì đã thấy bao nhiêu người xếp hàng chờ đợi, lúc ấy chúng tôi mới biết có nhiều hành khách ngủ lại ở ga để giữ chỗ. Cám ơn các tấm lòng vàng đã nhường cho anh em chúng tôi lên xếp hàng phía trên.

Chờ đợi từ sáng tới chiều mới xong các thủ tục, mười mấy đứa tôi rất vui mừng khi đã nắm trong tay vé tàu để trở về quê quán.

Lúc đi ngang qua bến xe xích lô đậu chờ khách, tình cờ một anh đạp xích lô nhận ra anh Tùng, bước tới chào anh và nhắc lại rằng anh tên Phong, cựu Trung uý, trước đây anh là một thuộc cấp của anh Tùng, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 bị tù vài năm ở trại Đập Đá, nay anh Phong sống bằng nghề đạp xích lô. Anh cho anh Tùng và tôi lên xe đạp lòng vòng quanh thành phố để có dịp thấy tận mắt Huế giờ ra sao và hàn huyên thêm, nói chung là quang cảnh vắng lặng, đổ nát.

Một dịp may vô cùng hiếm có đối với anh Tùng và tôi là được anh Phong đưa đến sân vận động Huế nơi Trung tá Phạm Văn Đính đang làm Giám đốc. Trung tá Đính, nguyên xuất thân từ khoá 9 trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức là một sĩ quan ưu tú, lập nhiều chiến công, thăng cấp rất nhanh chỉ 5 năm từ cấp Thiếu uý anh đã lên Trung tá, được ân thưởng một số huy chương kỷ lục. Chức vụ sau cùng của anh là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 56 thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Trong một trận đánh ác liệt hồi tháng 4 năm 1972 nơi vùng hoả tuyến, đơn vị do Trung tá Đính chỉ huy bị quân chính quy Bắc Việt bao vây nhiều ngày, hứng mỗi ngày vài ngàn quả đạn pháo kích gây thương vong trầm trọng cho binh lính. Không được Quân Đoàn 1 cho tăng viện, không được Sư Đoàn 3 Bộ binh tiếp ứng, trong tình thế cam go, tuyệt vọng, Trung tá Đính họp khẩn 13 sĩ quan dưới quyền lấy quyết định chung là quyết tử thủ, mở đường máu hoặc đầu hàng cộng sản? Một sĩ quan duy nhất là Thiếu tá Tôn Thất Mãn, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1, cùng vài chục binh sĩ không chịu đầu hàng, được trực thăng Mỹ bốc về hậu cứ, thành phần còn lại gồm có gần 2000 sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ của Trung Đoàn 56 đã kéo cờ trắng tại căn cứ Carroll, Tân Lâm, Quảng Trị và đầu hàng “phía bên kia chiến tuyến” để bảo toàn sinh mạng  đơn vị mình, trong một hoàn cảnh vô vọng chẳng đặng đừng.

 

 

Hình bìa: Thiếu tá Phạm Văn Đính và Đại úy Trần Ngọc Huế được ân thưởng huy chương Hoa Kỳ tại Quân Đoàn I năm 1968

Lâu ngày đột ngột gặp lại các chiến hữu cũ, Trung tá Đính được dịp trút bầu tâm sự, phơi bày nỗi niềm, sự oan khiêng mà anh phải  gánh chịu khi nắm trong tay mạng sống của mấy ngàn thuộc cấp cùng vợ con họ. Lúc chia tay với Trung tá Đính, anh chúc anh em chúng tôi bình an, may mắn. Trong đôi mắt anh, không dấu được sự nghĩ ngợi, đăm chiêu, một thoáng buồn và nhiều tiếc nuối… Anh Đính đã qua đời hơn 12 năm nay tại Saigon, thọ 68 tuổi, nhớ đến anh, tôi tin tưởng là con người có phần số, từ một anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, anh bất đắc dĩ trở thành “kẻ bội phản”  tuy nhiên phía bên kia luôn nghi ngại anh nên đã phân tán mỏng Trung Đoàn do anh chỉ huy, giao cho các thuộc cấp của anh những công tác hậu cần, không được cầm súng, riêng Trung tá Phạm Văn Đính thì cộng sản Hà Nội chuyển anh về làm Trưởng sân vận động ở Huế.

Mấy anh em chúng tôi quay trở lại quán cóc bên đường, xin tá túc thêm một đêm nữa vì hôm sau mới có tàu vào Saigon. Bà con Huế báo cho chúng tôi biết là nếu hên gặp đoàn tàu Thống Nhất do toán anh chị em tiếp viên người Nam thì kể như “trúng số”, trái lại nếu xui xẻo mà gặp nhóm tiếp viên người miền Bắc thì “khó sống”. Người dân trong Nam thì xem chúng tôi là “người nhà”, còn người dân Bắc thì nhìn chúng tôi như “bọn nguỵ, phản động”. Họ còn nói theo lịch được phân công thì nếu lượt đi từ Nam ra Bắc, nhóm tiếp viên là người Nam thì lượt về từ Bắc vào Nam là người Bắc, hoặc ngược lại. Không hiểu vì sao, lúc ấy Cục Đường Sắt VC không có sự cắt đặt nhân sự hoà hợp của cả hai Miền, để phục vụ trên các tuyến xe lửa Thống Nhất?

Cái may lại đến một lần nữa với chúng tôi, nhóm tù vừa được thả, khi phóng lên xe lửa thì gặp các nam nữ tiếp viên trong đồng phục nói giọng Nam, ngay phút đầu tiên họ nhận ra tức khắc chúng tôi là tù khổ sai mới được phóng thích, thế là bọn mình “trúng số” rồi. Sau khi thăm hỏi làm quen thì các anh chị tiếp viên nói nhìn quần áo, dáng điệu và qua câu chuyện  họ đã biết chúng tôi là ai.

Thế là trên suốt đoạn đường mấy ngàn cây số, anh em chúng tôi được các anh chị tiếp viên “Toán Người Nam” mua cho thức ăn, nước uống, thuốc lá…dư dùng. Tôi tự hỏi, như vậy trong cuộc chiến Quốc-Cộng, giữa  Nam-Bắc, kéo dài trên 20 năm với cái gọi là chiến thắng của Hà Nội, “giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước”, ai thắng ai? Lòng dân nghiêng về phía nào trong cuộc chiến Quốc-Cộng? Vì sao đám trẻ nít mắng chửi, ném đá cuội vào bộ đội cộng sản, còn dân chúng thì tung bánh kẹo cho đám tù chúng tôi, khi đoàn xe tải Molotova băng qua khu vực Hố Nai, Gia Kiệm giữa năm 1976?  Và bây giờ đã mấy năm sau, lúc dừng chân tại Đất Thần Kinh, Xứ Huế, mấy anh em tù lại được bà chủ quán tiếp đãi ân cần, cho ăn ở miễn phí, đến cả đoàn tiếp viên người Nam trên tuyến tàu Thống Nhất cũng mua tặng đủ thứ bánh trái, nước giải khát, thuốc lá… cho đến khi đoàn tàu ngừng lại ở ga Bình Triệu, Thủ Đức.

Vậy là sao?  Có phải nhà nhà, người người đã thật sự thấy thế nào là những con người theo chủ nghĩa cộng sản? Đã thấy những gì người cộng sản nói và làm? Và, niềm tin vào cái gọi là “độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc ” đã vỗ cánh bay cao như những con diều băng vào vũ trụ bao la, vô định!

Để tạm kết thúc loạt bài về ngục tù cộng sản, xin được gợi lại những con số thống kê do công luận quốc tế đúc kết về tổng số nạn nhân bị giết hại từ khi cộng sản lên cầm quyền tại Nga vào năm 1917 và sau đó lan rộng qua các Châu Lục khác.

Le Livre Noir Du Communiste tức Sách Đen Về Chủ Nghĩa Cộng Sản do các tác giả Stephane Courtois, Mark Kramer và nhóm chuyên gia, học giả cùng biên soạn, dày 858 trang, do nhà xuất bản Robert Laffont phát hành tại Pháp năm 1997 cho biết trong thế kỷ 20, chế độ cộng sản quốc tế đã giết hại hơn 100 triệu nạn nhân trên khắp hoàn cầu.

Tại Việt Nam thì trên các trang mạng xã hội có thông tin đúc kết về thiệt hại nhân mạng sau hơn 75 năm đảng cộng sản thống trị miền Bắc rồi đến cả miền Nam bằng sắt máu và bạo lực. Xin được gợi lại các chi tiết đó như sau:

Những con số kinh hồn

Nhà văn Yung Krall, tác giả Thousand Tears Falling, đã dựa vào những tài liệu của quốc tế, liệt kê và sơ kết ra con số sau:
Từ 1975 dến 1987 Cộng Sản Viet Nam đã :
_Đày đi tù cải tạo: 1,040,000 .
_Chết trong tù cải tạo 95,000.
_CS xử tử hình hơn 100,000.
_Đày ải hơn 100.000 người đi Vùng KINH TẾ MỚI
_Vượt biên chết trên biển 500,000.
Con số người Việt chết vì Cộng Sản sau khi “hòa bình” lập lại gần 750.000 người Việt Nam !!
Một hậu chiến đầy tù đày và chết chóc dù tiếng súng không còn
.

  

     

                    

     

 

 

  

 

 

 

 

December 20, 2020