Ngoài giờ công vụ
Đào Hiếu Thảo
Saigon 1972
Để chuẩn bị cho kế hoạch tái thiết và phát triển quốc gia thời hậu chiến, chính phủ và quân lực Việt Nam Cộng Hoà khuyến khích các công chức, quân nhân, cán bộ học hỏi thêm ngoài giờ công vụ. Đạt kết quả xuất sắc trong việc trau dồi thêm khả năng và kiến thức chuyên môn, các viên chức quân, dân, chính được tưởng thưởng xứng đáng như thăng ngạch, trật, cấp bậc và bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng hơn. Ngoài ra, chính phủ cũng cấp học bổng xuất ngoại du học cho những ứng viên tốt nghiệp bậc cử nhân sau một cuộc khảo sát để học bằng Master tại Hoa Kỳ. Một số sĩ quan Không Quân Việt Nam được gởi qua Mỹ theo ngành truyền tin, điện tử, khí tượng, quản trị, tài ngân, giáo dục, khoa học, kỹ thuật…
Một trong những Niên trưởng đi du học Hoa Kỳ là Trung tá Cung Thúc Cần, tức nhà thơ Không Quân Cung Trầm Tưởng được bà con biết đến qua bài thơ nổi tiếng “Tiễn Em” do Phạm Duy phổ nhạc. Tôi có duyên được gặp ông ba lần trong những hoàn cảnh khác biệt, lần đầu là trên chuyến bay hồi năm 1970 từ San Francisco về Saigon, ông Cần mới tốt nghiệp bằng cao học ngành khí tượng ở Colorado, tôi vừa hoàn tất khoá học căn bản ngành thông tin báo chí từ Indiana. Lần gặp nhau sau này là lúc hai anh em cùng bị Việt Cộng dồn xuống tàu Sông Hương tại Tân Cảng Thủ Đức vào tháng 7 năm 1976 để di chuyển ra miền Bắc mà các anh em gọi là đi “Đại Hộc Máu” lấy bằng “Phó Tiến Sĩ Lao Động Khổ Sai”. Trung tá Cần và tôi không gặp nhau trong ngục tù nào ở miền Bắc cho đến khi Việt Cộng phóng thích tôi năm 1981. Rời những trại tù ngoài Bắc, xuôi Nam rồi đến trình diện xin việc tại Trung Tâm dịch thuật ở đường Pasteur, Saigon, tôi gặp lại ông ở đây, nơi mà nhiều trí thức thời VNCH chờ đợi hàng ngày, mong có được một việc làm chính thức để được vào “hộ khẩu” tức tờ khai gia đình và có nghĩa là mua được gạo theo tiêu chuẩn với giá chính thức thay vì ngoài chợ đen đắt gấp 10 lần, được trả lại “quyền công dân” và không bị đày đi “Vùng Kinh Tế Mới” ở Miền Tây, Miền Đông, Vùng Cao Nguyên nơi rừng thiêng nước độc để khai khẩn đất đai, làm ruộng, đào kênh, chăn nuôi, đốn gỗ…
Trở lại chuyện chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến, ngoài các sĩ quan xuất ngoại du học, nhiều bạn trong khoá Không Quân chúng tôi được gởi về Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ học các ngành kỹ sư công chánh, công nghệ, hoá học… Tất cả đều hưởng lương theo cấp bậc hiện tại trong lúc học toàn thời gian. Tôi không được cái may xuất ngoại du học hay học tiếp trong nước vì không có học bổng ngành khoa học nhân văn, báo chí, ngoại ngữ hay văn chương nên tôi chỉ có thể tự túc trở lại trường sau giờ hành chánh.
Sau khi hoàn tất khoá học thông tin báo chí, từ Mỹ trở về nước năm 1970, tôi ghi tên theo học Ban Pháp Văn tại Đại Học Văn Khoa Saigon. Tuy nhiên trong nhiệm vụ binh nghiệp đầu đời, làm phóng viên chiến trường, sĩ quan thông tin, giao tế báo chí, tôi thường đi công tác xa trên khắp bốn Vùng Chiến Thuật, có khi ở các mặt trận ngoại biên, mà trường Đại Học Văn Khoa thì lại không hoạt động ngoài giờ hành chánh nên việc học hỏi của tôi lúc ấy rất khó thực hiện.
Đến năm 1972, Viện Đại Học Vạn Hạnh của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất mở ra nhiều phân khoa và môn học mới, trong đó có Ban Báo Chí thuộc ngành Khoa Học Nhân Văn do Giáo sư Nguyễn Đăng Thục làm Khoa Trưởng. Thầy Thục từng là Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon và giảng dạy môn Triết, Văn Chương, Văn Minh Việt Nam mà tôi từng theo học.
Để tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời khuyến khích những quân nhân, công chức muốn học thêm, Đại Học Vạn Hạnh Saigon chấp thuận cho các ứng viên đã hoàn tất chương trình hai năm đầu đại học được thu nhận vào ngay năm thứ 3 để theo học hai năm chót bậc cử nhân. Đại Học Vạn Hạnh cũng tổ chức những lớp học ngoài giờ hành chánh và mở cửa suốt ngày thứ bảy.
Nhờ những sáng kiến được đại học tư thục này áp dụng mà giới “sinh viên già” gồm các công chức, quân nhân, cán bộ như chúng tôi hưởng ứng nhanh chóng. Trong ngày khai giảng niên khoá mới, lúc bước vào lớp học buổi tối tôi thấy rất nhiều anh em trong quân phục thuộc Hải, Lục, Không Quân, Cảnh sát Quốc gia, vài anh thương phế binh ngồi cạnh các bạn trẻ sinh viên thuần tuý vừa xong năm thứ 2 Ban Báo Chí. Một trong những người bạn học là Hải quân Đại uý Nguyễn Văn Tần, sau này có lúc anh là Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc Gia tại Vùng Washington DC, Maryland và Virginia. Anh bạn quân nhân thứ hai là Thiếu tá Tạ Trần Quân, xuất thân khoá 17 trường Võ bị Quốc gia Dalat, nguyên là Tuỳ viên Quân sự toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Malaysia. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, đã tốt nghiệp Cao học Ngoại giao cũng ghi tên cùng theo học.