Phan Khâm

PHAN KHÂM

Sinh năm 1942 tại Quảng Trị

Khóa 22 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Du học Hoa Kỳ năm 1970

Định cư tại Hoa Kỳ năm 1991.

Trong ban chủ biên Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm từ 1995.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

-Thi tập Bên Dòng Thạch Hãn do Cơ sở Văn Học Cỏ Thơm xuất bản năm 2002.

-Góp mặt trong Cụm Hoa Tình Yêu Thi tập( Flower of Love- Fleurs d’Amour) do Vietnamese International Poetry Society xuất bản năm 1992.

-Góp mặt trong Lưu Dân Thi Thoại bút luận 25 năm thơ Việt hải ngoại do Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn xuất bản tại California năm 2003.

-Góp mặt trong Thi tập Hòai Cảm ( Thơ Đường Luật xướng họa) do Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm xuất bản năm 2003.

-Góp mặt trong Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Hải Ngoại tập 5 do Nhóm Văn Hóa Việt Pháp xuất bản tại Paris năm 2005.

– Thi tập Dòng Sông Thao Thức do Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm xuất bản năm 2007.

– Thi tập Một Trăm Lẽ Một Tỏ Bày tác giả phát hành năm 2008

– CD, DVD Ước Mơ và Mùa Cổ Tích  Thơ phổ nhạc với  các Nhạc sĩ Nhật Bằng, Huy Lãm, Nguyễn Tuấn, Hồ Bảng, Nguyễn Hữu Tân, Phan Anh Dũng, Nguyễn Tất Vịnh, Nguyễn Túc  Nguyễn Mạnh Bích, Vĩnh Điện, Hoàng Cung Fa, Đỗ Hồng Anh.

Kính mời quý vị thưởng thức các thi phẩm của Phan Khâm

TA NHỚ EM

Ta nhớ triền miên ánh mắt em

Cầu vòng bảy sắc vắt lên trên

Em long lanh sáng dìu ta dậy

Cứ ngỡ còn ngàn lẽ một đêm

 

Ta nhớ mõi mòn đôi mắt em

Vào khuya trong vắt giọt sương đêm

Nâng niu ta đợi hồn cây cỏ

Thanh thoát cho mình được gọi tên

 

Ta nhớ cuồng say nháy mắt đen

Như chum nho chín đã lên men

Ta dâng rượu đỏ mời em uống

Mười ngón thiên thần nở đóa sen

 

Ta nhớ dại khờ khóe mắt nai

Suối mây cuồn cuộn phủ bờ vai

Ta về lững thững trong rừng vắng

Gào thét muôn chiều chả gặp ai

 

Da diết nhớ em mắt phượng dài

Đổi đời ta áo mũ cân đai

Em nhìn rực lửa như mùa hạ

Xô đẩy ta về chốn khổ sai.

PHAN KHÂM

 THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG HỌA

CAO MỴ NHÂN – PHAN KHÂM

CHUYỂN HÓA
Xướng
Trời quang mây lặng đã từ lâu
Sao lại ngồi nghe tiếng gió sầu
Khắp chốn nắng vàng đan cánh mộng
Muôn nơi thơ ngọc nhả lời châu
Bàn tay vẫy gọi bao cung bậc
Âm điệu vang đưa mấy nhịp cầu
Người có thấy chăng vầng nhật nguyệt
Đang rời kiếp trước đến đời sau
Cao Mỵ Nhân

SA LẦY HÓA KIẾP
Họa
Cuộc tình đày đọa đã bao lâu
Phù thủy yêu ma rợn đỉnh sầu
Suối biếc cuộn trôi vòng mã não
Biển xanh chìm đắm hạt trân châu
Thác reo quay quắt lời ao ước
Gió hú ngất ngư tiếng nguyện  cầu
Hố thẳm sa lầy từ kiếp trước
Vẫn còn khổ lụy tới mai sau
Phan Khâm

TÀ DƯƠNG
Xướng
 Dặm dài hoảng hốt bóng tà dương
Lê gót chân đau nửa đoạn đường
Lá rụng gió lùa run rẩy tiếc
Hoa rơi mưa phủ luyến lưu thương
Ngả lưng đêm xuống đen cơn mộng
Chợp mắt ngày lên trắng giọt sương
Tình nghĩa còn nhau xin giữ lại
Nơi nào giao điểm mối tơ vương
Phan Khâm

 BIỂN CHIỀU
 Họa
Chiều tà lại tối ngắm trùng dương
Một bóng kim ô tỏa mấy đường
Hướng bắc mơ hồ mây diễm ảo
Phương nam huyền hoặc lửa bi thương
Sau lưng thuyển đợi dâng nguồn cảm
Trước mặt triều xô dãn vạt sương
Biển có vì ai thăm thẳm nhớ
Ba mươi năm chẵn vẫn sầu vương
Cao Mỵ Nhân

TẾT SÀI GÒN 2002
Xướng
Trở về tìm lại mùa xuân cũ
Thấp thoáng đào hoa lạt sắc xưa
Những cội mai già thêm khắc khổ
Vài phong pháo nhỏ mãi hoang sơ
Áo quần vá chắp rời dân tộc
Xe cộ đua chen vượt bến bờ
Chúc tụng qua loa cho có vẻ
Tết ơi, tâm sự nặng hồn thơ
Cao Mỵ Nhân

MỘT BÀI THƠ
Họa
Trăng tròn mười sáu bên thềm cũ
Quỳnh nở đêm về nhớ dáng xưa
Em ngả hồn nhiên giờ khởi thủy
Anh nâng nồng cháy phút ban sơ
Say nhìn hoa mộng trôi tràn bến
Tỉnh ngắm suối mơ chảy ngập bờ
Nhan sắc khôi nguyên vùng diễm ảo
Tương  phùng xin họa một bài thơ
Phan Khâm

KIẾP DÃ TRÀNG
Xướng
Xe cát biển ơi kiếp dã tràng
Cả đời duyên nợ chốn trần gian
Giận hờn phút đó còn lưu luyến
Thương nhớ giờ đây đã xóa tan
Chân yếu sóng xô nào ngại khó
Lưng còng nước cuốn chẳng từ nan
Mãi hoài suốt tháng ngày như thế
Theo bóng thời gian cứ vội vàng
Phan Khâm

CHUỖI NGỌC TRÀNG
Họa
Cổ tự trăng treo chuỗi ngọc tràng
Sáng ngời đạo hạnh giữa không gian
U tình kiếp trước thôi bôi vẽ
Chân lý đời nay lại hợp, tan
Hỉ xã bởi hoài mong tĩnh lặng
Suy tư thành cứ phải gian nan
Mười phương Chư Phật an nhiên, hỏi
Sóng gió sao tâm vẫn vững vàng.
Cao Mỵ Nhân

Tà Dương

Dặm dài hoảng hốt bóng tà dương
Lê gót chân đau nửa đoạn đường
Lá rụng gió lùa run rẩy tiếc
Hoa rơi mưa phủ luyến lưu thương
Ngả lưng đêm xuống đen cơn mộng
Chợp mắt ngày lên trắng giọt sương
Tình nghĩa còn nhau xin giữ lại
Nơi nào giao điểm mối tơ vương

Phan Khâm 

Nỗi Niềm

Mây chiều tím ngát phủ vần dương
Dăm sợi hồng giăng trải vệ đường
Quê cũ nhìn về đong luyến nhớ
Xứ người ngoảnh lại gánh sầu thương
Xuân lai xuân khứ đau trời nước
Nguyệt ửng nguyệt tà tủi gió sương
Đành trút vào thơ niềm khắc khoải
Đêm về diện bích đối buồn vương

Phương Hoa

Bài Họa:
Biển Chiều

 

Chiều tà lại tối ngắm trùng dương
Một bóng kim ô tỏa mấy đường
Hướng bắc mơ hồ mây diễm ảo
Phương nam huyền hoặc lửa bi thương
Sau lưng thuyển đợi dâng nguồn cảm
Trước mặt triều xô dãn vạt sương
Biển có vì ai thăm thẳm nhớ
Ba mươi năm chẵn vẫn sầu vương


Cao Mỵ Nhân

Lạc Khúc Tình Vương

Bàng hoàng gió gọi níu vần dương
Chậm chút, đừng theo đến cuối đường!
Mượn dúm ráng hồng đan nỗi nhớ
Xin vài vân tím dệt niềm thương
Sao đang lỗi hẹn chim gào tuyết
Đành nỡ quên thề vạc khóc sương
Trọn kiếp ái ân đà lỗi nhịp
Muôn đời lạc nốt khúc tình vương


Phương Hoa 
DEC 8th, 2020

EM TỪ LỤC BÁT BƯỚC RA

PHAN KHÂM
 
 
 
1
Em từ lục bát bước ra
Em hai mươi tuổi anh ba mươi rồi
Bốn mươi năm sau…cuộc đời
Hôm qua ấp ủ tuyệt vời hôm nay
 
2
Em từ lục bát bước ra
Bài thơ nhắc chuyện Kinh Kha sang Tần
Dù cho bão nổi mây vần
Nơi nao cũng thế đang cần chính nhân
  
3
Em từ lục bát bước ra
Màu thời gian anh muốn pha thế nào?
Anh đang pha mực tím vào
Nhớ thời cắp sách…ngọt ngào thơm tho
 
4
Em từ lục bát bước ra
Em đi như thế đã ba ngày đường
Một đêm trời rất nhiều sương
Dừng chân em đọc “Đoạn Trường Tân Thanh”
 
5
Em từ lục bát bước ra
Bài thơ chiếc nón đúng là Huế thương
Nghìn đời mặt nước sông Hương
Qua cơn dâu bể vấn vương tơ lòng
 
  
6
Em từ lục bát bước ra
Bụi tre vàng,  tre la ngà đó em
Đêm về ở một vùng ven
Nằm nghe rõ tiếng dế mèn phiêu lưu
 
7
Em từ lục bát bước ra
Đầu xuân tươi thắm mùa hoa anh đào
Gặp em chưa mở lời chào
Mà em đã trói anh vào hôn mê
 
8
Em từ lục bát bước ra
Bóng hồng tới cõi người ta đây rồi
Xin em luôn nở nụ cười
Hồn anh đang muốn vẽ vời thi ca
 
  
9
Em từ lục bát bước ra
Này em cứ để cho tà áo bay
Chớm thu trời thấy hay hay
Hoàng hoa xin hẹn một ngày sang sông
 
 
10
Em từ lục bát bước ra
Nhìn anh nơi chốn ta bà bâng khuâng
Anh đang rũ áo phong trần
Làm sao trả hết nợ nần vương mang
 
 
 
 
11
Em từ lục bát bước ra
Khuôn trăng bầu bỉnh ngỡ là Thúy Vân
Còn đâu nữa đám mây Tần
Sao em ngấn lệ mấy vần thơ xưa
 
 
 
12
Em từ lục bát bước ra
Túi thơ bầu rượu chiếu hoa bàn cờ
Giờ hoàng đạo cứ nằm mơ
Hữu duyên thiên lý đâu ngờ gặp nhau
 
13
Em từ lục bát bước ra
Kề bên khóm trúc xinh là thật xinh
Đọc câu thơ nhắc chuyện tình
Hồn anh hóa bướm giật mình ngất ngây
 
14
Em từ lục bát bước ra
Kìa em, tiếng hót sơn ca trên cành
Hiền như Bụt, đẹp như tranh
Xuân tươi,  mắt biếc,  cây xanh,  môi hồng
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
15
Em từ lục bát bước ra
Ví von điệu lý câu ca… đêm nào
Này em sao quá ngọt ngào
Bồ đào mỹ tửu, mời vào cạn ly
 
 
16
Em từ lục bát bước ra
Mừng xuân em cứ xuýt xoa vườn hồng
Đưa em đi hết một vòng
Bao nhiêu ý hợp tâm đồng ra thơ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
17
Em từ lục bát bước ra
Cùng em đi tới vườn cà đơm bông
Phía bên nầy một nhánh sông
Dòng thơ con nước nặng lòng thủy chung
 
18
Em từ lục bát bước ra
Đêm nay mười sáu tháng ba trăng tròn
Không còn gác tía lầu son
Từng câu thơ thẩn lối mòn rong rêu
 
19
Em từ lục bát bước ra
Bài thơ tả cảnh hóa ra tả tình
Ngại ngùng chi chuyện chúng mình
Cho dù hương lửa ba sinh kiếp nào
 
20
Em từ lục bát bước ra
“Gió đưa cành trúc la đà” Huế ơi
Gió chiều nào phượng thắm rơi
Bên bờ loang lổ màu vôi cổng trường
 
21
Em từ lục bát bước ra
Chỉ xin em một sát na tuyệt vời
Còn bao nhiêu của đất trời
Anh xin an phận đừng cười đừng lo
 
22
Em từ lục bát bước ra
Chờ em bóng mát cây đa đầu làng
Qua con khe tắm nắng vàng
Em ơi nhè nhẹ dưới hàng dừa xanh
 
 
 
 
 
23
Em từ lục bát bước ra
Hoàng hôn nhạt nắng chiều tà đó em
Khoảng không gian thật êm đềm
Xin gieo hạt giống cho đêm nẩy mầm
 
 
24
Em từ lục bát bước ra
Hình như ngọn cỏ muốn va chạm vào
Gót son môi đỏ má đào
Hồng trần … quen tự thuở nào… hồng nhan
 
 
 
  
25
Em từ lục bát bước ra
Thất ngôn tứ tuyệt liếc qua ngó về
Còn anh nhìn sững một bề
Có người đang đứng bên lề giăng tơ
  
26
Em từ lục bát bước ra
Một thời con gái kiêu sa vẫn còn
Mặc rong rêu phủ lối mòn
Riêng anh vó ngựa đầu non phong trần
 
27
Em từ lục bát bước ra
Con đường góc phố ly cà phê đen
Quên rồi nhớ, nhớ rồi quên
Đôi bờ mi ướt mưa đêm đèn vàng
 
28
Em từ lục bát bước ra
Trung thu Chú Cuội Hằng Nga đèn lồng
Mình đi về phía đồi thông
Bài thơ gởi gắm tay bồng tay mang
 
  
29
Em từ lục bát bước ra
Đường xưa lối cũ hai nhà gần nhau
Em còn nhớ chuyện vườn sau
Tình không biên giới… rổ rau chưa đầy
 
30
Em từ lục bát bước ra
Một đôi chim sáo vừa sà xuống đây
Đẹp ơi là phút giây nầy
Không sao quên được “ vòng tay học trò”
 
31
Em từ lục bát bước ra
Xin trao em một món quà đầu xuân
Bức thư họa viết chữ TÂM
Trăm năm chỉ có một lần nầy thôi
 
32
Em từ lục bát bước ra
Đường tơ óng ả lụa là áo em
Xuống thuyền ghé quán làng bên
Mái chèo con nước giao duyên đôi bờ
 
33
Em từ lục bát bước ra
Mát cây mát cỏ mát da mát lòng
Kề vai vào giữa cánh đồng
Bỗng dưng nóng hổi theo dòng thời gian
 
34
Em từ lục bát bước ra
Nhìn đi em thấy phù sa bên bồi
Bên lở, lỡ cả cuộc đời
Biết bao nhiêu chuyện ông trời bất công
 
35
Em từ lục bát bước ra
Những ngày xưa ấy nước da mặn mòi
Thời gian sau cuộc đổi đời
Câu thơ nét chữ con người còn đây
 
36
Em từ lục bát bước ra
Điều anh muốn nói nhưng mà lại thôi
Chắc em hiểu ý anh rồi
Hàng cây chim hót thay lời ví von
 
 
37
Em từ lục bát bước ra
Ghé Liên Hoa Quán uống trà mạn sen
Trăng rằm vừa mới mọc lên
Mùi hương dan díu vào đêm hẹn hò
 
 
 
38
Em từ lục bát bước ra
Tai nghe mắt thấy ôi a tuyệt vời
Dòng sông trôi giữa dòng đời
Có anh đứng lại viết lời tụng ca
 
39
Em từ lục bát bước ra
Nhìn đôi mắt ướt nhớ nhà làm sao
Thấy con châu chấu, cào cào
Nơi bờ ruộng lúa em gào thét lên
 
 
40
Em từ lục bát bước ra
Khách mời ghé quán mạch nha kẹo gừng
Nhìn em sao thấy ngượng ngùng
Không ưa của ngọt thì dùng của chua
 
41
Em từ lục bát bước ra
Anh từ Khe Gió đôi ta đi cùng
Đi về nơi chốn tương phùng
Lung lay anh níu, bao dung em cười
 
 
 
42
Em từ lục bát bước ra
Nhìn lên bất tận bao la mây trời
Em ơi vật đổi sao dời
Cái còn cái mất cõi đời phù du
 
43
Em từ lục bát bước ra
Nghe chuông, niệm Phật Di Đà… Nam Mô
Vừa nghe em muốn bước vô
Nơi khung cửa rộng một bồ Tạng Kinh
 
 


44
Em từ lục bát bước ra
Vào vườn lê táo mít na cam xoài
Môi em sao cứ ngọt hoài
Ngọt ơi là ngọt từ ngoài vào trong
 
45
Em từ lục bát bước ra
Ngại chi bóng ngả cây già tìm nhau
Ở đời có trước có sau
Có đen có trắng có màu thiên thanh
 
46
Em từ lục bát bước ra
Mồng năm,  mười bốn,  hăm ba… ngại gì
Anh cười nghe nói phải chi!
Không hò không hẹn không đi bước nào
  
47
Em từ lục bát bước ra
Mười hai bến nước đây là bên mô?
Có người tứ tuyệt bước vô
Mười hai bến nước nhấp nhô bến nầy
 
 
 
 
 
 48
Em từ lục bát bước ra
Hồn thơ lai láng tràn qua biên thùy
Lắng nghe hai tiếng tại vì
Em đang sung mãn tới kỳ đơm bông
 
49
Em từ lục bát bước ra
Đường lên phố núi trăng tà đầu non
Sương mù bàng bạc sơn thôn
Cầm đôi guốc mộc thấy hồn nhẹ tênh
 
 
50
Em từ lục bát bước ra
Này em tần số giao thoa đâu rồi
Trong vùng phủ sóng anh ơi
Nằm ngay tâm điểm đỉnh đồi giao duyên
 
51
Em từ lục bát bước ra
Lên tàu đi tiếp về ga Đông Hà
Gió Nam phải không anh à?
Mang theo cơn nóng xuyên qua Hạ Lào
 

52

Em từ lục bát bước ra
Mình về thăm lại sân ga con tàu
Nhớ nơi mình tiễn đưa nhau
Mây mù giăng kín một màu thê lương
  
53
Em từ lục bát bước ra
Trời làm mưa mãi nhạt nhòa môi em
Vì sao anh muốn mưa đêm
Nói chi thì nói bắt đền anh đây
 
 
54
Em từ lục bát bước ra
Vừa đi vừa nhớ canh gà Thọ Xương
Chùa Thiên Mụ mấy hồi chuông
Rong rêu mặt nước Sông Hương đây rồi
 
55
Em từ lục bát bước ra
Đêm nay em sẽ ngâm nga Hồ Trường…
Anh chờ rót rượu Đông Phương
Rót về đâu nữa anh nhường cho em

56
Em từ lục bát bước ra
Nghe em thưa chuyện nhập gia phải tùy
Anh xin hai chữ tùy nghi

Đôi khi tùy tục có khi tùy thời

 
57
Em từ lục bát bước ra
Đầu đông nhìn giọt mưa sa xuống thuyền
Hình như mình vẫn còn duyên
Ai người khất nợ mất quyền tối cao

58
Em từ lục bát bước ra
Làm chi cho hết mưa qua hôm nầy
Hay là ngồi nhổ cỏ may
Cánh đồng bội ước lưu đày thân em

59
Em từ lục bát bước ra
Mua hương hoa cúng Ông Bà Tổ Tiên
Sáng trời mồng bốn tháng giêng
Hết ba ngày Tết còn nguyên nỗi buồn

60
Em từ lục bát bước ra
Làm sao ai bảo phôi pha lâu rồi
Bao nhiêu nghịch cảnh ở đời
Đẻ đau mang nặng rối bời trong thơ

61
Em từ lục bát bước ra
Nơi hò hẹn, Hồ Thiên Nga hẹn hò
Mơ ước tròn trịa ước mơ

Mải mê, mê mãi, tình thơ, thơ tình

 

62
Em từ lục bát bước ra
Hành trang nặng trĩu nề hà chi mô
Chỉ còn có một nỗi lo
Mong rằng anh sẽ hiểu cho… tấm lòng
 
63
Em từ lục bát bước ra
Mơ tà áo trắng hay tà áo xanh
Vuốt ve từng chút mong manh
Ước chi nơi đó trở thành trăm năm
 
 
64
Em từ lục bát bước ra
Em ơi phú quý vinh hoa không còn
Chỉ mong thơ viết có hồn
Ngại chi thân xác bỏ cồn liễu xanh
 
65
Em từ lục bát bước ra
Khi em vừa tới mưa qua sông nầy
Vườn ai lá đã rơi đầy
Tình thu em muốn giải bày điều chi
 
66
Em từ lục bát bước ra
Muốn về thăm lại căn nhà Mẹ quê
Căn nhà hun hút bờ đê
Hình dung nương rẫy, lũy tre, đình làng
 
67
Em từ lục bát bước ra
Nhìn đi, ruột bỏ ngoài da… đây nè
Trời đang đứng bóng, trưa hè
Thả hồn ở đậu tiếng ve đôi ngày
 
68
Em từ lục bát bước ra
Đường về nhà nguyện không xa sân đình
Người từ tâm dễ tự tình
Chắt chiu nuôi nấng giữ gìn thủy chung
 
69
Em từ lục bát bước ra
Cầu ao trăng rụng, hiên nhà lá bay
Vô tình em dụi mắt cay
Làm ơn đừng để chân mày cheo leo
 
70
Em từ lục bát bước ra
Nhất ma, nhì quỷ, thứ ba học trò
Thế mà… lo lắng, dặn dò
Đường tên, mũi đạn: giữ tờ thư xanh
 
 
71
Em từ lục bát bước ra
Chiếu thơ vuông vắn, quỳnh hoa thơm lừng
Trăng sao cũng thấy vui mừng
Điều chi ấp úng xin đừng giấu nhau…
 
72
Em từ lục bát bước ra
Nửa đời sau đẹp như là bông lan
Qua rồi bạc phận hồng nhan
Nở hoa ở giữa không gian bốn chiều
 
73
Em từ lục bát bước ra
Bao năm nâng trứng hứng hoa một lần
Nhẹ nhàng như hạt mưa xuân
Như cơn gió thoảng, như vầng trăng non
 
 
74
Em từ lục bát bước ra
Trùng phùng cuối hạ ngôi nhà ca dao
Này đây một giọt máu đào
Còn hơn nước lã mấy ao… lạnh lùng
 
75
Em từ lục bát bước ra
Nơi đâu tìm được ruột rà ấm êm
Mẹ nằm bên ướt hàng đêm
Con lăn bên ráo không quên đường về
 
76
Em từ lục bát bước ra
Quay lui nhìn tới nghĩ xa lo gần
Chần chờ giây phút hồi xuân
Ngẩn ngơ ôm hết bâng khuâng theo cùng.
 
77
Em từ lục bát bước ra
Này em nhớ khúc Tỳ bà…. Chiêu Quân
Cả hồn lẫn xác xin dâng
Điều chi anh ví tấm thân ngọc ngà…
 
78
Em từ lục bát bước ra
Anh về thưa Mẹ đừng la chúng mình
Mẹ ơi! nghe lục-bát-tình
Mẹ cười hai đứa rập rình theo nhau
 
79
Em từ lục bát bước ra
Vườn xưa có mấy loài hoa nở rồi
Nhớ không em hoa mặt trời
Hướng dương hay hướng vào môi em hồng
 
80
Em-Anh lục bát đèo bồng
Bao nhiêu ấp ủ trong lòng… nói ra
Đừng chờ nở nhụy khai hoa
Từng giây từng phút… ngọc ngà chắt chiu!
 
81
Anh nằm mắc võng hiên nhà
Em từ lục bát bước ra ngập ngừng
Con nhờ mẹ giữ cục cưng
Trời trong anh thấy bừng bừng nắng lên
 
82
Nhìn anh bước thấp bước cao
Em từ lục bát dẫm vào bước mô?
Nghĩ suy đợt sóng xô bồ
Bao lâu anh sẽ tới bờ đại dương
83
Em từ lục bát đông phương
Vào mùa hoa bưởi  mùi hương thơm lừng
Câu thơ  để  muối chắm gừng
“ Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”
 
84
Anh vừa cột mấy buồng cau
Em từ lục bát ra sau vườn trầu
Buộc vào đâu, trói vào đâu
Dây duyên dây nợ hai đầu dính nhau
85
Mãi mê mấy nụ hoa đào
Em từ lục bát xé rào ghé qua
Thôi thì cứ gọi Tố Nga
Đầu lòng hay thứ cũng là duyên văn
 
86
Trăng khuyết rồi lại trăng tròn
Em từ lục bát thả hồn đi hoang
Nơi nầy là cõi nhân gian
Mặc em thân xác vương mang nợ đời
87
Nợ bút nghiên chẳng than trời
Em từ lục bát gởi lời phân minh
Bao nhiêu cắt nghĩa chữ tình
Em đòi cắt nữa thành hình chi đây
 
88
Em từ lục bát xuống đồi
Anh rời yên ngựa vừa rời nhớ nhung
Cỏ cây run rẩy tương phùng
Anh đưa em tới tận cùng nước non
 
89
Em từ lục bát bước ra
Bên nầy con suối là hoa anh trồng
Không quên giây phút chạnh lòng
Bồi hồi nhớ ngọn cỏ bồng đâu đây
 
  
90
Anh đang ngồi đọc cổ thi
Em từ lục bát nhu mì bước ra
Anh chờ cả trăm năm qua
Tường xiêu gạch đổ miễn là hoa tươi
 
91
Em từ lục bát qua đường
Đường ngay ngọ thẳng anh thường tới lui
Em quên hết Ngọ tới Mùi
Nỗi buồn bất chợt, niềm vui bất ngờ
92
Em từ lục bát bước ra
Mùa đông lạnh ngắt hít hà đó anh
Tìm không ra nỗi màu xanh
Nhìn cây trụi lá, thấy cành hết bông
 
93
Em từ lục bát qua sông
Nằm mơ vừa tới cánh đồng mạ non
Tốt tươi mát mẻ mê hồn
Thời gian hạnh ngộ qúy hơn vàng mười
 
94
Em từ lục bát về nơi
Bến xuân anh đã tới rồi hay chưa?
Làn gió nhẹ điểm mưa thưa
Nửa khuya em đã giao thừa lộc xanh
95
Em từ lục bát nhìn quanh
Biết rồi  ánh mắt để dành đừng cho
Dù sao anh vẫn còn lo
Gửi câu sáu tám nhả tơ giăng buồm
 
96
Em từ lục bát về nguồn
Anh ơi em phải rập khuôn mẫu nào
Theo hình chữ S đi vào
Trào dâng cơn sóng thét gào tự do
 
97
Người ta chia lửa cho nhau
Em từ lục bát ra sau ngó vào
Trong anh còn đốm lửa nào
Đêm nay thắp nến anh hào khí lên
98
Em từ lục bát bước ra
Còn mơ nhân dáng rất là Hiếu Giang
Cuồng lưu đưa đẩy cát vàng
Đẩy đưa luôn những dung nhan Đông Hà
 
99
Em từ lục bát bước ra
Nắng xuyên cành lá lân la mạn thuyền
Em đùa mái tóc làm duyên
Giọt sương long lánh một miền rất thơ
 
100
Miên man sóng vỗ chân cầu
Đong đưa anh muốn vẽ màu thi ca
Em từ lục bát bước ra
Cầu vòng bảy sắc chan hòa đó em
 
101
Một trăm lẻ một …tỏ bày
Dòng sông thao thức tràn đầy  ước mơ
Bước ra từ đó tới giờ
Em ơi lục bát bến bờ hợp hôn 
 
 Phan Khâm
 

 Maryland, USA
 Tháng 9/2013 

 

Kính mời quý vị xem những hồi đáp của văn hữu sau khi thưởng thức 

EM TỪ LỤC BÁT BƯỚC RA

của thi sĩ Phan Khâm

HOA THƠM MỘNG BƯỚM

Chữ nghĩa ngọt ngào hồn quê hương
Sóng bạc đầu tiên thiên nhất phương
Thơ ngây hồn mộng hoa thơm bướm
Lục bát tình ca hôn mê thường…

MD.05/31/20
LuânTâm
Thân mến tặng Phan Khâm 
nhân đọc tác phẩm đặc sắc”Em Từ Lục Bát Bước Ra” 

Anh từ lục bát mang vào
Vườn hoa Văn Bút ngọt ngào thênh thang
Anh làm nhớ Động hoa vàng …
Thiên Thư thuở đó , Phan Khâm lúc này
Sao Khuê

Em từ lục bát bước ra

 Xinh xinh mang một bó hoa màu hồng

       Vào thăm Văn Bút Miền Đông

    Cám ơn quý vị tấm lòng thơ văn…

                    Phan Khâm

XUÂN VỀ ĐÓ, CÒN XUÂN TA CÒN NỢ…

ĐẾN BAO GIỜ TRẢ HẾT NỢ GIAI NHÂN

 

Có còn xuân trên những cồn lau sậy

Theo tháng ngày bạc thếch giữa bơ vơ

Có còn xuân nụ hôn nào thức giấc

Gởi cho đời Xuân êm ả giấc mơ

 

Nắng mở ngõ để hồn mê lồng lộng

Chuỗi Xuân tình xin dâng trọn nàng thơ

Bướm và hoa như mê man còn mộng

Tóc em dài óng ả vấn vương tơ

 

Mùi lịch mới nhả hương thơm mời mọc

Mở trang đầu hồng phơi phới trinh nguyên

Vòng tay nối tình Xuân trong ngà ngọc

Cõi giao thừa ân sủng một bình yên

 

Đất trời Xuân và em có còn Xuân?

Xin dòng đời dừng trôi chảy bâng khuâng

Xuân về đó còn Xuân ta còn nợ

Đến bao giờ trả hết Nợ Giai Nhân…

 

                                                  Phan Khâm

Thơ Phan Khâm

Nhạc Hồ Bảng

Ca sĩ Mai Thiên Vân

                             trình bày

 

 

 

Mùa Xuân Cội Mai Già

Thơ: Phan Khâm

Nhạc: Trần Đại Bản

ƯỚC MƠ

Ai ngồi mơ mận mơ đào

Tôi mơ tôi ước ngọt ngào dung nhan

Nghe rơi rơi thấm vào hồn

Đôi môi em mộng nét son kinh kỳ

Đẹp như một đoa trà mi

Da ngà mắt ngọc dậy thì xuân xanh

Xin đừng là thoáng mong manh

Giữa ta vô ngã chung quanh vô thường

Nẻo về trăm nhớ ngàn thương

Nẻo đi giăng lối tơ vương ban đầu

Kiếp sau cho tôi nguyện cầu

Thế nào em cũng nhiệm mầu đi qua

Chắc rằng thở đó đôi ta

Yêu em xõa tóc nết na ngại ngùng

Lưng đồi nắng xuống rưng rưng

Níu tay em lại xin đừng hoàng hôn

Phan Khâm

 
 

Chiếc lá mùa Thu

Thơ: Phan Khâm

Nhạc: Nguyễn tất Vịnh

Ca sĩ: Tuyết Mai

MỘT MAI TRỞ LẠI…

Một mai trở lại Sông Hằng

Có còn hạt cát tôi nằm đáy sông?

Hay vào sa mạc mênh mông

Bay về dưới cội xương rồng ngẩn ngơ

Đêm nào ngọn gió vu vơ

Không chừng gió xoáy qua bờ vực sâu

Ngày kia trở lại nương dâu

Xin quên đi chuyện thương đau đời thường

Xin làm hạt bụi tầm dương

Ngày xa vời vợi vô thường tri âm

Cõi nào còn giữ thâm tâm?

Khi tầm tay với phù vân muộn màng

Ngày kia trở lại địa đàng

Luân hồi tới bến bàng hoàng trông nhau

Bên bờ một bụi bông lau

Bạc phơ như chuyện qua cầu đắng cay

Thôi về cây cỏ mảy may

Ngủ yên đi nhé đời nầy nghe em!

PHAN KHÂM

 

Một mai trở lại (Thơ Phan Khâm, Nhạc Nguyễn Tuấn, Ca sĩ: Mai Thiên Vân)

Khi Em Đến Tìm Tôi

Thơ: Phan Khâm

Nhạc: Trần Đại Bản

Cố hương, Tình Yêu và Hoài Niệm: 101 bài lục bát của  Phan Khâm

                                                                               G.s. Phạm Trọng Lệ giới thiệu

Hình ảnh quê hương in trong tâm khảm khiến người xa xứ lúc nào cũng khắc khoải nhớ nơi chôn rau cắt rốn, con đê ngoài làng, chiều quê cậu bé chờ mẹ đi chợ về, và khi trưởng thành, hình ảnh người yêu bên bụi tre: đó là những hình ảnh mà nhà thơ Phan Khâm như một nhà đạo diễn quay lại những đoạn phim ngắn hồi tưởng lại kỷ niệm cũ.

Mỗi đoạn phim là một bài lục bát bốn câu mà câu đầu, trừ 18 bài, còn thì toàn bắt đầu bằng:

                      Em từ lục bát bước ra

Em từ lục bát bước ra

Màu thời gian anh muốn pha thế nào?

Anh đang pha mực tím vào

Nhớ thời cắp sách…ngọt ngào thơm tho

(bài số 3)

Ai cũng nhớ thời cắp sách ngày xưa, trong giờ viết tập Écriture, học sinh dùng ngòi bút sắt giống đầu lá tre, chấm vào lọ mực tím viết trên giấy có dòng kẻ ô đều đặn. Các em lớp năm lớp tư còn được thầy hay cô giáo nắn nót chỉ cho cách viết từng chữ.  

Khó mà lựa ra những bài mình ưng ý như khi xem bức họa trăm ngựa, mỗi con có một vẻ đẹp và dáng riêng, hay khi bước vào một gia đình đông con, ướm hỏi gia chủ trong những đứa con trong gia đình, ông hay bà thương đứa nào nhất. Người đọc tập thơ của Phan Khâm cũng lưỡng lự, và sự lưỡng lự đó có thể hiểu được. 

Em từ lục bát bước ra

Ðầu xuân tươi thắm mùa hoa anh đào

Gặp em chưa mở lời chào

Mà em đã trói anh vào hôn mê

(bài 7)

Ðây là “tiếng sét ái tình”: yêu mà “mê” tức là không còn lý luận, mà có thể không cần lý trí; chữ “trói” cho tình yêu một sức mạnh vô hình ràng buộc kẻ yêu nhau.   

Em từ lục bát bước ra

Hoàng hôn nhạt nắng chiều tà đó em

Khoảng không gian thật êm đềm

Xin gieo hạt giống cho đêm nẩy mầm

(bài 23)

Hễ đã đọc xong một bài là sức thơ lôi cuốn khiến tự nhiên muốn đọc bài tiếp, như người uống ngụm rượu ngon lại muốn hớp thêm ngụm nữa. Tôi cũng thích những bài số 22, 38 và 61.  

Một nhà ngữ học Mỹ là Benjamin Lee Whorf (1897-1941) có đưa ra một thuyết về ngôn ngữ và văn hoá gọi là Nguyên tắc Tương đối Ngôn ngữ (linguistic relativity principle), theo đó, một cách tóm tắt, mỗi con người trong một nền văn hoá từ bé đến khi khôn lớn, đã thấm nhuần những nét đặc thù về ngôn ngữ và văn hoá và những nét đặc thù này ảnh hưởng đến thế giới quan và nhận thức của người đó. Tỉ như khi ở xa miền đất mình sinh trưởng thì có lòng nhớ thương. Quốc văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị, trang 171, kể câu chuyện một người du lịch nhiều nơi khi trở về quê, họ hàng hỏi ông, đi xa thấy nơi nào là đẹp. Ông trả lời chỗ quê hương đẹp hơn cả. Có khi mối ràng buộc trong tâm khảm đó là  những hình ảnh hay vật dụng như nhà thi sĩ Pháp Lamartine có viết trong bài Milly ou la terre natale: “Objets inanimés, avez vous donc une âme? Qui s’attache à nôtre âme et la force d’aimer?” Vật vô tri hẳn có hồn /Khiến lòng ta phải yêu thương chẳng rời?

Những hình ảnh hay kỷ vật ta yêu thương ấy có khi là con đường làng dưới chân bờ đê nơi cậu bé ngóng mẹ đi chợ chiều về, có khi là bụi tre la ngà chàng đứng cùng người yêu, có khi là mùi hương áo cũ (như xưa vua Tự Ðức nhớ nàng cung nữ: “Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”), hay giọng nói, tiếng chim sơn ca trên cành, hoàng hôn nhạt nắng lưng đồi chàng níu tay xin người yêu nán lại, hay xin thời gian chậm trôi, có khi là bên ly cà phê người quân nhân ngồi cùng đồng đội trong quán cà phê ở phố núi ở một tỉnh cao nguyên, có khi là quán ăn kẹo mạch nha hay kẹo gừng, có khi là hình ảnh người vợ đang kỳ “đơm bông nở nhụy” với những lời nói trìu mến, nũng nịu (“bắt đền anh đây” –bài 53, hay “Nhìn đi, ruột bỏ ngoài da đây nè”–bài 67). Những hình ảnh đó như những mảnh kính mầu tạo nên một tấm khảm hay một thứ kính vạn hoa.

Một mặt khác, một nhà nghiên cứu về huyền thoại (mythology), ông Joseph Campbell (1904-1987, tác giả cuốn the Power of Myth, 1988 và The Hero of a Thousand Faces, 1949),  còn đi một bước xa hơn Whorf, nói rằng con người tuy văn minh mà vẫn còn bị ràng buộc bởi những huyền thoại  như những bộ lạc xưa mà khi một dân tộc đều tin vào những huyền thoại chung thì có thể thành một sức mạnh ràng buộc nhau (thí dụ huyền thoại con Rồng cháu Tiên của người Việt, Thái dương Thần nữ của người Nhật).

Giáo sư E. D. Hirsch của trường U-Va, đồng tác giả cuốn sách tên là Dictionary of Cultural Literacy (Houghton Mifflin Co., 1988), nói rằng một dân tộc như Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ phải có một khối văn hoá hay kiến thức chung để cùng chia xẻ (shared common knowledge), nếu họ muốn giao tiếp đàm thoại với nhau; đó là những ngữ vựng chung, ngôn ngữ thể thao, ngôn ngữ của những trường đại học danh tiếng gọi là ivy-league, và ông gọi đó là một “ngôn ngữ” chung, hay hiểu biết văn hoá. Nghĩa là theo ông phải có một vốn liếng tối thiểu về ngôn ngữ, lịch sử gọi là cultural literacy, như địa dư, thể thao, văn chương, truyện thần thoại, các bài dân ca, truyện nhân gian, căn bản luật pháp, âm giọng của một phương ngữ để có thể tương tác với nhau. Nếu giả thuyết của Benjamin Lee Whorf, lý thuyết về mythology của nhà huyền thoại học Joseph Campbell, và lập luận về văn hoá của g.s. Hirsh về kiến thức chung của một dân tộc có điều hợp lý thì chúng ta có thể coi những hình ảnh, ẩn dụ và ngôn ngữ trong thơ của thi sĩ Phan Khâm trong tập thơ 101 Bài Lục Bát cũng nhằm ghi lại cho ta khỏi quên tiếng nói, hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, mùi vị, phương ngữ, một quá khứ xa xưa của một xã hội có trật tự. Nếu như vậy thì thơ ông ngoài mục đích đem lại cho người đọc niềm hân hoan, khoái cảm mỹ học như là một thứ “elixir of love”, còn giúp ta khỏi quên những nét tinh tế của tiếng mẹ, những nét đẹp của quê hương, như cảm giác vui thú khi ta nhìn những mảnh kính mầu tạo nên một mô-sa-íc của một bức kính mầu trên cửa sổ một nhà thờ cổ. Thi sĩ đã nối những hình ảnh đẹp với người đọc, mỗi bài thơ như một thông điệp tới người đọc rằng họ có một thời trong quá khứ ở một nơi cùng gọi là quê hương và đã có những kỷ niệm chung.        

Thi sĩ Phan Khâm cũng là tác giả một số tập thơ, trong đó có bài dường như thuộc phái ấn tượng impressionism, cũng có bài có vẻ thuộc phái tượng trưng symbolism, có bài lan qua cả siêu thực surrealism (Xem: Bên Dòng Thạch Hãn (2002), Dòng Sông Thao Thức (2007) do Cơ Sở Cỏ Thơm xuất bản; cuốn thứ 2 do nhà văn Hồ Trường An viết lời giới thiệu rất tỉ mỉ. Ngoài ra thi sĩ Phan Khâm cũng có nhiều CD & DVD thơ phổ nhạc bởi nhiều nhạc sĩ hữu danh).

Cách đây hơn hai tháng thi sĩ Phan Khâm có gửi cho tôi bản thảo của tập thơ gồm 101 bài thơ lục bát và ngỏ ý muốn tôi viết “vài lời giới thiệu”. Tôi rất hân hạnh và đọc nhiều lần những bài thơ trong tập “Em Từ Lục Bát Bước Ra” gồm 101 bài lục bát: lời thơ óng chuốt, mượt mà và giầu hình ảnh, gợi tình, gợi cảm. Tôi muốn dùng chữ sensual. Như khi ta đọc đoạn vịnh Kiều gặp Kim Trọng trong tiết Thanh Minh của Chu Mạnh Trinh: “Dãy hoa nép mặt gương lồng bóng/Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình”.) Tuy nhiên, tập thơ không phải chỉ là những lời thơ tình yêu mà thôi mà còn gửi gấm trong đó những hình ảnh của một quê hương nề nếp, yên bình, có mẹ hiền, có người yêu, có chim sơn ca, có ánh nắng vỗ vào mạn thuyền, có tà áo dài bay như dải bờ biển cong hình chữ S, có chén trà mạn sen cùng người yêu ngồi uống trên chiếu cạp điều …

Tóm lại, đây là những kỷ niệm của một quá khứ trong một xã hội — có thể thiếu thốn về vật chất — nhưng có trật tự của một nếp sống văn minh. Ðây là những nuối tiếc của những người phải bỏ xứ ra đi tìm tự do và đất sống, lúc rảnh rỗi ngồi nghe những dòng nhạc của một thời được những ca sĩ hay nhạc sĩ nổi danh trình bày mà mình ưa thích. Như hình ảnh mầu xanh chen lẫn mầu vàng trên những ống tre la ngà trong bài lục bát số 6 làm tôi nhớ đến bài Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn qua lời ca của ca sĩ Hà Thanh, giọng Huế khó quên. Thấp thoáng đâu đó, người đọc thơ thấy những vần lục bát của Kiều, nhưng đây là những vần lục bát được làm mới. Ðây là những vần thơ đọc lên, như thi sĩ Trần Mộng Tú đã viết, thấy “thơm tho cả miệng”, lòng thêm trong sáng, óc thêm sảng khoái.    

Nếu độc giả đang cầm trong tay tập thơ của thi sĩ Phan Khâm, minh hoạ bởi nhà thư họa Vũ Hối, xin hãy nâng tập thơ nhỏ lên, bên ấm trà thơm, và bình hoa xuân, chậm rãi đọc hay ngâm to từng bài cho mình hay người đối ẩm nghe, lâu lâu ngừng lại, hớp một ngụm trà, rồi đọc tiếp. Trong khoảng không gian yên tĩnh giữa ta với thơ, bên cạnh những câu thơ sáu tám giầu hình ảnh, ta cũng thưởng thức những nét tung hoành của nhà thư họa Vũ Hối. Ta hãy nghe những vần thơ gợi cho ta những hình ảnh xưa của một chỗ gọi là quê nhà. Ta sẽ yêu những vần thơ lục bát văng vẳng như lời ca dao, lời ru của mẹ hiền, hay lời thủ thỉ của người yêu. Ta sẽ có cảm giác lâng lâng như được nâng bổng lên từng cao của mỹ cảm. Ðây là quà tặng của tiếng Việt, qua lời thơ lục bát thuần Việt, cho người Việt đau đáu trong tim những hình ảnh dịu hiền của một quê hương xa xưa. Mà vì ở xa cố hương, cuộc sống vội vã của một xứ tiện nghi càng làm ta nghĩ tới những hình ảnh của một quá khứ mà ta không thể níu lại, kể cả những nét của một thời thanh xuân, nhưng tiếng nói của thơ, ngôn ngữ thơ với khả năng kỳ diệu của nó, hình như đã làm sống lại những kỷ niệm và hình ảnh của thời gian đã mất, xoa dịu nỗi khắc khoải và tăng thêm nguồn hứng khởi trong tim ta.

Cám ơn thi sĩ Phan Khâm và nhà thư họa Vũ Hối và hân hạnh giới thiệu Em Từ Lục Bát Bước Ra.

–Virginia 3/22/2016.–PTLệ

 

Ước Mơ
Lưng đồi
nắng xuống rưng rưng
Níu tay em lại
xin đừng hoàng hôn
Phan Khâm

The Dream
On the shoulder of the hill
Orange twilight hues glow
Tears brim my eyes
As I cling to your hands
Begging the setting sun not to go
Phạm Trọng Lệ

Le rêve
Sur l’épaule de la colline
Orange crépuscule lueur teintes
Les larmes brim mes yeux
Comme je m’accroche à vos mains
Suppliant le soleil couchant de ne pas aller
Minh Châu

 THẾ GIỚI THI CA CỦA PHAN KHÂM
QUA THI TẬP
DÒNG SÔNG THAO THỨC 
Thi tập Dòng Sông Thao Thức là tác phẩm thứ hai của Phan Khâm vào thời kỳ anh đã có tên tuổi trên thi đàn và cũng vào thời điểm thi tài anh bắt đầu nở hoa. Từ  Bên Dòng Thạch Hãn cho đến Dòng Sông Thao Thức thi ca của anh tiến một bước dài . Tuy anh không làm cho độc giả chúng ta có cảm tưởng anh như Tôn Hành Giả dùng phép cân đấu vân nhảy một bước trên mây, ném mình xa tới vạn dậm. Nhưng khi đem hai thi tập ra so sánh, chúng ta thấy thi tập thứ hai có một cuộc lột xác ngoạn mục hơn. Cũng có thể bảo rằng anh có canh tân hóa một vài yếu tố trong thi ca dù ngay lúc anh đi theo đuờng cũ lối mòn đi nữa. Chẳng hạn ở những bài thất ngôn bát cú với thể điệu cổ kính, anh vẫn vận dụng những lối chơi chữ rất lạ lẫm và cực kỳ gợi cảm. Thơ của Phan Khâm ở mọi thể điệu mà tôi sắp trích ra Lời Giới Thiệu này rất là… phan khâm, không vướng một sợi tóc một mảy lông của thơ ai khác. Những ngôn từ của anh trong những bài thơ chọn lọc này sao là bình đạm, không một làn mây văn chương uyên bác mỏng nhẹ nào lướt qua huống chi là trà trộn lẩn lộn vào. Vậy mà chúng đẹp bất ngờ và sống động hẳn lên:
 Cô tịch thềm hoang vỡ giọt mưa
 Chuyển mùa tàu lá cứ đong đưa
 Vòng tay hối hả rời chưa sáng
 Bong bóng phập phồng chạy giữa trưa
 Vuốt tóc ướt mèm căn gác cũ
 Tắm hồn khô héo bến sông xưa
 Ngược dòng nước chảy vào tâm thức
 Xoáy xuống đáy sâu chuyện dối lừa.

 (bài Vũng Xoáy)
Phan Khâm làm một cuộc chơi chữ rất thống khoái, rất điêu luyện. Anh khoác lên vóc dáng thơ chiếc áo cẩm bào hay bộ nhung y của trang mã thượng hào hoa:
Nửa khuya tay vuốt lưng chừng
Bơi theo sợi tóc ngập ngừng nhánh rong
Mơ hồ nửa đục nửa trong
Lăn tròn cuội đá lưu vong nửa đời

(bài Một Nửa)
Đố ai hiểu nguyên vẹn ý nghĩa của bài thơ? Nhưng chúng ta lại cảm nhận được cái âm điệu du dương, cách chơi chữ (jeu de mots) tuy đơn giản mà thập phần truyền cảm của tác giả. Ít khi Phan Khâm dùng ngôn từ hào nhoáng và hoa lệ cho thi ca của anh. Anh làm cho chúng ta nghĩ đến công việc moi lớp cơm nhạt nhẽo trong hột loại trái nam mai (tức là loai mù u) để phơi nắng, chắt lọc thứ dầu đặc sánh như mật ong. Đó là một loại hương du dùng đốt đèn để chúng ta cảm nhận được mùi thơm man mác. Và ngọn lửa thắp bằng dầu mù u cháy trên bấc sáng trắng hơn ngọn lửa vàng ẻo và lù mù thắp bằng dầu hỏa.
 Tiếp theo đây, xin cùng đọc bài thơ Ngọn Nến Giao Thừa. Bài thơ này có một bức màn sương mộng ảo che khuất những điều bộc lộ quá cởi mở để đưa thơ vào khúc nhạc ân tình cực kỳ âu yếm:
 Tôi thắp ngọn nến giao thừa
 Môi em một nụ hoa vừa mở ra
 Theo dòng ký ức nguy nga
 Hồn tôi diệu vợi ngân hà đêm nao
 Mở tung cánh cửa ngàn sao
 Suối tóc trừ tịch cuộn vào ý thơ
 Vin cành nẩy lộc mối tơ
 Trắng tinh con bướm đầu giờ hợp hôn.
 

Vẫn là những đề tài quen thuộc, nhưng tác giả không để cho ý lẫn lời cũ mèm để khỏi làm buồn ngủ cho người đọc. Và tuyệt vời thay, đọc lên nhũng bài thơ với đề tài xưa sao nay vậy ấy, chúng ta biết ngay là thơ của Phan Khâm rồi. Thơ anh có bản sắc riêng. Khi sáng tác thơ, anh quan sát cảnh vật, nhân vật và tình người rất tinh nhuệ. Anh tìm những góc cạnh độc đáo, những màu sắc đặc biệt để đưa vào thơ của mình. Cái xưa sao nay vậy bị san bằng tức khắc. Cái tai hại nhất của một nhà thơ là sáng tác những bài thơ từ nội dung đến hình thức trùng lẫn vào thơ của nhiều kẻ khác, không tạo được cái cá biệt rực rỡ cho nó. Phan Khâm tránh được cái tai hại đó để thơ mình thăng hoa vào cõi nghệ thuật xán lạn huy hoàng.
 Chúng ta đã gặp trong Dòng Sông Thao Thức những bài thơ ngợi ca quê hương, những bài thơ thương nhớ kinh dâng mẹ hiền, những bài thơ ký thác tâm sự và giao cảm với người yêu v.v…
 Quê hương đi vào thi ca của Phan Khâm gợi nên phấn đồng hương nội, phấn tỏa mùi hương đam đam, hoa phô sắc thanh thanh, nhưng có sức truyền cảm mãnh liệt ở những hình ảnh chạm sâu vào cõi ấn tượng của người đọc. Đôi khi những bài thơ ấy còn ẩn dụ con người trầm luân trong hệ lụy, trong phiền não đa đoan:
 À ơi.. con nước, con đò
 Trên sông ai thả câu hò lửng lơ
  Cát bồi cát lỡ tương tư
  Con hàu, con hến ngất ngư phận đời.

(bài Lửng Lơ Câu Hò).
Trong Dòng Sông Thao Thức, quê hương thường được tác giả lồng vào hình ảnh người mẹ hiền. Dường như trong thâm sâu của tiềm thức anh, Quê Hương là Đất Mẹ, là một hoá thân mầu nhiệm của Mẹ Việt Nam chúng ta Bà Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng ấy sáng rực trong tấm lòng của người yêu quê mến đất và trong niềm tin tưởng của đứa con hiếu hạnh trong gia đình đã nhập vào bà mẹ đã banh da xé thịt để sinh ra đương sự một cách tuyệt vời.
Nhớ con cu gáy đậu cành tre
Cái tiếng cúc cu bóng mẹ về
Tan buổi chợ chiều chân bước vội
Một đời của mẹ với làng quê
Cu gáy không còn tiếng cúc cu
Từ ngày vĩnh biệt mẹ… thiên thu
Thân tre đã chẻ làm dây buộc
Trôi chặt linh hồn mẹ thế ư!!!
(Bài Nhớ Con Cu Gáy)
Con đường làng dưới chân đê
Chiêm bao thấy bóng mẹ về nghiêng nghiêng
Đầu mùa cây trái tháng giêng
Từ trong mắt mẹ một thuyền hoa xuân.

(bài Một Thuyền Hoa Xuân)
Tình yêu thương đối với mẹ của Phan Khâm đâu phải sản sinh từ mạch đất sỏi đá khô cằn quê ương anh.  Vậy mà nó còn mở  cho ta những tư tưởng lạ  về kiếp nhân sinh, đưa thơ anh vào một vũ trụ thăm thẳm bao la hơn. 
 Còng lưng mẹ
 xuống hoàng hôn
 qua con sông cạn
 tới cồn cỏ khô
 trượt chân
 mẹ hỏng cơ đồ
 ngã nghiêng
 giữa mấy nấm mồ
 tan hoang…
(bài Mẹ)
Trong “Dòng Sông Thao Thức”, thơ tình yêu chiếm khá lớn rộng. Tác giả yêu nồng đậm, có khi đến chỗ hổn hển, nhiệt cuồng, dữ dội. Từ tình yêu, anh cầm lòng không đậu truợt ngã qua tình dục một cách ngon ơ, một cách tỉnh bơ.  Có như thế, anh mới hóa thân một người tình tuyệt vời đúng nghĩa chứ bộ!
Lộ ra một nửa vầng trăng
Giữa vùng ngực nóng em căng dậy thì
Vườn xuân đốn ngã cây si
Cỏ non mơn mởn… em đi lấy chồng
Thấy tôi đứng đó khóc ròng
Như thằng con nít ai bồng bế tôi.

(bài Vườn Xuân)
 Căng tròn hai quả táo
 Em bảo của trời cho
 Đứng dưới triền mộng ảo
 Ngước nhìn cũng đủ no

(bài Hai Quả Táo)
Nhưng tác giả không sống với cơn đam mê trường cữu hoài hủy đâu. Anh vẫn có nhiều lúc bình tĩnh lại, lòng êm ả như mặt gương hồ thu để đón cảnh sắc lãng mạn như trời xanh lẫn vào nước biếc.  Như hình ảnh những áng mây đẹp  như gấm vóc, như reng thêu bay về soi bóng dãi sông xuân:
Sợi thương cuộn tròn ăn năn
Vòng vo như bánh xe lăn đường về
 Sợi xưa còn mái tóc thề
 Lược ngà óng ả bên lề nhớ nhung
 Sợi vương mặt gối tương phùng
 Em ơi vuốt tới tận cùng tơ duyên

(bài Sợi Tóc)
Thơ của Phan Khâm không trống trải bộc tuệch, chữ đâu nghĩa đó. Nó cũng không quá bưng bít, tối tăm, hũ nút. Nó chập chờn phiêu diễu, khi ẩn khi hiện, thấp tha thấp thoáng như chiếc bóng trong mơn như huyễn ảnh trong đáy nước, quyến rũ vô cùng. Thơ lục bát của anh thường đi thẳng vào lòng người, bởi lẽ nó vuơng vấn hoặc đượm nhuần tinh thần và âm vọng ngọt ngào tình ý của loại ca dao.  Đọc loại thơ như thế, chúng ta có cảm tưởng trái tim mình như cỏ lá tẩm sương, như chất mật ong thấm vào tấm bánh nướng.
*
Điều đáng nói là loại thi ca nói lên phận người, nói lên những trái cựa trong cuộc sống, những cái phức tạp và mâu thuẩn của con người đã làm sáng tỏ cái tài hoa trên đà phát triển sung mãn của Phan Khâm sau thi tập Bên Dòng Thạch Hãn. Thơ quê hương, thơ kính dâng mẹ hiền, thư gửi người yêu của anh dù đi thẳng vào cõi thưởng ngoạn cùng ấn tượng của người đọc, dù chúng rung cảm tâm hồn họ hay làm lay động trái tim họ đi nữa; nhưng chúng vẫn chưa đào cho chính chúng một chiều sâu đáng kể. Đọc chúng xong, chúng ta không bần thần suy nghĩ lâu, không tra vấn cái bí nhiệm của cuộc sống được. Chính những bài thơ ăm ắp suy tư về phận người, những bài thơ tra vấn hiện hữu mới đưa anh lên địa vị cao sáng hơn trên thi đàn.
 Bóng núi chìm trong sương
 Bóng người mờ trong gương
 Còn bao nhiêu nhân ảnh
 Nổi trên bờ nhiễu nhương.

(bài Bóng Núi)
Phan Khâm đưa chúng ta đối diện với cái ý niệm về không gian vô biên và về thời gian ngút ngàn gần như vô tận qua một mảnh tim đá:
 Nhặt một mảnh tình hai tỉ năm
 Đào sâu ừ một cõi xa  xăm
 Mảnh tình hóa thạch tim ai đó
 Ai bảo thời gian chảy mất tăm

(bài Hóa Thạch)
Vào thời đại nầy, tâm hồn các nhà văn nhà thơ thường bị trăn trở và xáo trộn bởi nhung cái rối reng của thời cuộc, của trăm đường lối chính trị phiền toái hổn tạp, dằn co nhau.  Cho nên các tác phẩm văn chương nói chung, các thi tập nói riêng bị ảnh hưỏng bởi cái chi phối của thế hệ nhiễu nhương, bởi niềm ưu thời mẫn thế. Phan Khâm chọn một đường lối khác để anh tìm về sự bình an của nội giới, để anh nhìn sâu vào tâm cảnh, tâm thức của mình và để anh tra vấn những vấn đề siêu hình, tâm linh và tôn giáo.
Xin đọc bài Chuyện Dòng Sông. Có thể đây là một tác phẩm tiêu biểu nếp suy tư huớng về cái chân ngã của anh hơn:
 Dòng đời là chuyện của dòng sông
 Xuống thác lên ghềnh tới biển đông
 Nhớ nước có nguồn, cây có cội
 Dòng đời là chuyện của dòng sông.
 Cứ sống theo nhau những nhịp cầu
 Biết rằng còn lắm nỗi thương đau
 Bao nhiêu hệ lụy đang ràng buộc
 Cứ sống theo nhau những nhịp cầu.
 Hàng vạn dòng sông giữa cuộc đời
 Bọt bèo phiêu bạt, nước đang trôi
 Vẫn mang thân phận người lưu lạc
 Hàng vạn dòng sông giữa cuộc đời.
 Ngày nào không nói chuyện dòng sông
 Ngày đó hoang vu giữa cánh đồng
 Ngày đó đồng không, không tất cả
 Ngày nào không nói chuyện dòng sông
 Bài này có nghĩa chánh là con nguời lưu lạc nhìn dòng sông nhớ về quê cha đất tổ. Nhưng qua một liên tưởng tuyệt vời dựa trên một ẩn dụ đặc biệt, chúng ta có thể nghĩ đến chúng sanh rời bỏ cái Chân Tâm (một trong những cái tên của Niết Bàn) trôi lăn vào dòng sanh tử luân hồi, chẳng biết bao giờ trở lại.
Cũng vậy, ở bài Điểm Nghiêng, Phan Khâm khai triển thêm con đường tìm về cái cuộc chứng ngộ vào Chân Tâm, thoát khỏi nẻo sanh tử luân hồi. Đó là cái điểm đứng. Nhưng duới cái nhìn điên đảo mộng tưởng của chúng sanh thì đó là cái điểm nghiêng. Nhưng quý hồ là ta gặp những điểm nghiêng để rồi có ngày nhờ tu chứng tinh tấn mà chúng hóa thành một điểm đứng duy nhất đưa chúng ta và cơn chứng ngộ bất khả tư nghì.
 Hai ba lần lỗi hẹn
 Chưa về tới điểm nghiêng
 Con tàu nào rời bến
 Nhổ neo bờ nhân duyên.
 Hai ba lần lỗi hẹn
 Bóng chiều về điểm nghiêng
 Tiếng chim nào nghèn nghẹn
 Bay đôi cánh tật nguyền.
 Hai ba lần lỗi hẹn
 Con dã tràng đi nghiêng
 Điểm nào còn nguyên vẹn
 Sóng tràn chưa xóa tên.
 Xin lần nầy đi tới
 Vo tròn lại điểm nghiêng
 Đem từ tâm duyên khởi
 Hóa thân những lời nguyền.
Xin lần nầy cùng đến
Mắt nhìn thẳng điểm nghiêng
 Như sao trời thắp nến
 Từ một cõi vô biên.
 Xin lần nầy tao ngộ
 Xâu thành chuỗi điểm nghiêng
 Nguyện cho thành điểm đứng
 Giữa thanh âm diệu huyền.

*
Với thi tập Dòng Sông Thao Thức, Phan Khâm đã chứng tỏ khách yêu thơ một bản lĩnh không nhỏ.  Trong thi tập có nhiều bài thơ xướng họa thù tạc với nhau, chỉ lấy cái chân tình làm gốc, chứ không lấy cái tinh xảo làm mục đích . Tuy nhiên, nói chung, thi tập dù không hẳn là kỳ trân dị bảo cũa thi giới Việt Nam ở hải ngoại, nhưng nó vẫn là một món quà đặc sắc dành cho hiến lễ mùa thơ năm Bính Tuất (2006) vậy.
HỒ TRƯỜNG AN
(Troyes, France)
Cung thị Lan upload on May 31,2020 and updated on Dec 08,2020
May 31, 2020