Những Ngày Đầu Trên Đất Mỹ
Mới đấy mà đã hơn 30 năm…
Ngày bé tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ sang một quốc gia khác mưu cầu cuộc sống. Mỗi lần đi ngang nhà bảo sanh Ngô Liên đường Trần quang Khải, Tân Định, mẹ tôi hay cầm tay anh em tôi chỉ vào trong: “Má sanh hai đứa trong này”. Trong tuổi thơ mơ mộng, tôi thả hồn tưởng tượng sau này lớn lên mình cũng lấy chồng, cũng vào nhà bảo sanh này sinh con, rồi sau khi “đi biển mồ côi một mình” sẽ có một ông mặc quân phục oai vệ tươi cười bước vào ngắm tác phẩm của hai người, giống như bố mẹ tôi ngày xưa. Những lần quét nhà, nấu cơm, tôi nghĩ sẵn trong đầu sẽ làm món ăn gì dọn lên cho gia đình chồng ngày về làm cô dâu mới (món mướp xào miến, tôi đã chọn sẵn như thế).
Ngày nay con số trên dưới triệu người Việt tha hương khắp toàn cầu không khiến ta bâng khuâng tự hỏi: những con chim nhỏ bé phải xa rời tổ ấm này đã đương đầu với phong ba bão tố ra sao trong những năm tháng đầu trên miền đất lạ? Chắc chắn là thấm đẫm mồ hôi nước mắt. Mỗi người sẽ có một câu chuyện đặc sắc không trùng lặp với ai để góp phần vào trang sử ly hương của người Việt trên toàn cầu.
Cuộc đổi đời long trời lỡ đất năm 75 khiến tôi hụt hẫng, rơi vào tâm trạng “lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”. Sau 7 năm học làm công dân mới, tập ăn gạo mốc, khoai sùng, bo bo, đường chảy, v.v. và sau khi đã cạn kiệt niềm tin thì tôi liều mình “bước chân xuống thuyền”. Một thân một mình, không người trong gia đình đồng hành, không ruột thịt đón chờ ở bến bờ bên kia.
Từ trại tỵ nạn Hong Kong tôi được nhận vào nước Mỹ theo diện tỵ nạn. Sau khi đặt chân đến Mỹ, tôi đến văn phòng USCC (US Catholic Charities – một cơ quan thiện nguyện Công giáo chuyên giúp người tỵ nạn) “trình diện đăng ký” và xem có được giúp đỡ gì về trường học hay việc làm không. Tôi được một bác social worker người Việt, ngày xưa là đại tá trong quân đội, tiếp chuyện và vẽ ra cho tôi một viễn cảnh tối tăm ảm đạm. “Giờ này cháu còn sang đây làm gì nữa? Đã lỡ làng hết rồi, cơ hội còn gì đâu. Ráng mà tìm được việc gì thì làm đi, đừng chê khen kén chọn, cuộc sống bây giờ khó khăn lắm”. Ông còn nói nhiều lắm, rồi sau cùng bắt tay từ biệt, chúc tôi may mắn. Nghe ông nói chuyện xong, nếu yếm thế thì chắc tự tử cho rồi, nếu thực tế thì nên tìm cách quay trở về Việt nam, còn người không biết xử thế như tôi thì… khóc cho thân phận mình!
Sau vài tháng tạm trú nơi gia đình bảo trợ với nhiều động chạm vì khác biệt văn hóa và sự tủi thân của kẻ đang bơ vơ không nơi nương tựa, lại không tìm được việc gì làm để sống tự lập, tôi dứt áo ra đi đến làm công cho một nhà hàng người Việt.
Tôi được cho ăn ở ngay trong nhà ông bà chủ, hằng ngày ra nhà hàng làm bus girl. Phận sự của tôi là chuyên đi nhặt bát chén thực khách đã dùng rồi mang đi, lãnh $2.65/giờ, độ $500 một tháng. Nhà hàng bán kiểu buffet nên bát chén dùng nhiều lắm, dọn không bao giờ hết. Gia đình chủ ăn uống trong nhà hàng, không nấu nướng ở nhà, nên họ đặt một giường cót trong nhà bếp cho tôi nằm, treo một bức màn che chỗ cửa đi vào, mỗi tháng trừ lương 100 đồng.
Mỗi sáng ông bà chủ lên xe ra nhà hàng thì tôi nhảy lên ngồi băng sau, đến nơi cắm cúi làm việc, đến giờ đóng cửa thì lại quá giang xe chủ về. Lúc nhà hàng chưa mở cửa thì tôi đẩy xe đi từng bàn châm muối, tiêu, tương ớt, xì dầu, lau dọn bàn ghế, v.v. Thỉnh thoảng ông chủ ngồi ngó qua ngó lại tư lự rồi vẫy tay kêu tôi đến dạy dỗ: “Cô Thúy này, tôi nói cho cô biết nhé. Cô làm nhanh lên nhé. Cô làm ăn chậm lụt thế này thì có mà ra đường cạp đất mà ăn!” Đêm về tôi khóc thầm cả đêm, sáng ra mắt sưng vù không giấu được, nhưng vẫn phải lên xe ra nhà hàng làm việc chẳng trốn đi đâu được.
Đến giờ mở cửa đón khách vào thì nhà hàng ồn ào náo nhiệt như vỡ chợ. Nhà hàng đăng báo cho coupon giá rẻ, $4.99 ăn bao bụng. Thực khách xếp hàng dài đợi trước cửa, vừa mở ra là tíu tít xông vào. Thế là chén bay đĩa bay, nửa ăn nửa bỏ, chen lấn trước quầy buffet, đơm đơm bới bới. Từng tảng thịt bò nướng bỗng chốc hết vèo, từng nồi súp nóng bỗng chốc cạn queo vì những vị khách ăn như rồng cuốn này. Nhân viên tất tả châm thức ăn, bus boy bus girls tất bật thu bê đĩa bát, quần quật từ trưa đến tối mịt. Hằng đêm đôi khi đang ngủ tôi chợt thức giấc, thấy tay mình đang thoa bóp bàn chân đau nhức vì chạy suốt ngày. Tuy nhiên những đau nhức thể xác cũng không sánh bằng những nỗi nhói buốc trong tim, những lời “răn đe” dọa đuổi, những la mắng trên đầu trên cổ.
Gia đình chủ cũng khá phức tạp. Ông chủ làm thầu cung cấp cho quân đội Mỹ ở Sài gòn, thu được sản nghiệp kha khá thì đưa gia đình sang Mỹ mở nhà hàng lập nghiệp từ trước 1975. Đến tháng tư 75 ông bà đón các em vợ di tản sang và giúp đỡ bước đầu. Thế rồi ông lấy cô em vợ. Cô chị uất ức bỏ nhà đi, bỏ lại các con cho chồng và cô em nuôi dưỡng. Cô có kinh nghiệm làm nhà hàng lâu năm nên đến các nhà hàng khác làm hầu bàn tự mưu sinh. Được cái cô em cũng rất thương yêu các cháu, và chúng cũng rất quí mến dì. Khi tôi vào làm việc trong nhà hàng thì cô chị đã trở về, nhưng cô ở riêng một bên của nhà đôi (duplex) nơi tôi đang ngụ trong nhà bếp, và mỗi tối sau khi nhà hàng đóng cửa, dọn cơm cho tất cả mọi người ăn tối thì cô không chịu ngồi chung với gia đình. Cô ngồi ăn ở bàn nhỏ riêng một góc với tôi. Tôi cũng thích như thế, vì tôi cũng chẳng muốn ngồi cùng với ông chủ.
Ông chủ cưng chiều và sợ cô em một nước, thường bị cô quở trước mặt mọi người. Mỗi lần như thế thì ông quay lại trút xuống đầu nhân viên. Tôi lãnh chịu nhiều hơn mọi người vì tôi cô thân yếu đuối, và chỉ hay khóc chứ không biết đanh đá quật lại. Những nhân viên kia kỳ cựu hơn, có gia đình 3, 4 cha con đều làm trong nhà hàng, nên họ có “thần thế” và thâm niên hơn. Tôi nhập vào mới biết thì đã muộn rồi mà không biết tìm lối ra. Sau này tôi cứ khuyên những người mới đến Mỹ: Nếu đói thì vào McDonald hay những nhà hàng fast food của Mỹ mà làm. Họ trả lương tối thiểu nhưng đối xử với mình không tối thiểu, họ vẫn tôn trọng mình như một con người. Thấy sợ cho cái tình đồng hương! Những nhân viên người Việt cùng làm trong nhà hàng với tôi cũng chẳng ưa gì gia đình chủ, lúc nào bất mãn thì chúng trả thù bằng cách đập vỡ bát đĩa hay vứt bỏ thức ăn vào thùng rác. Thế mà sau ngày làm việc chúng lại xâu vào canh bạc đỏ đen, khuya vật ra ngủ, sáng dậy muộn là vừa đến giờ vào lại nhà hàng làm việc. Tôi nhìn chúng mà ái ngại không biết bao giờ những thanh niên ấy mới thoát ra được cảnh sống cùng đường này.
Mà phần tôi cũng có lối thoát nào đâu. Sau lần ông chủ dọa cho tôi “ra đường cạp đất mà ăn”, tôi nhìn quanh quất tìm kế thoát thân. Ngay đầu ngõ nhà chủ nơi tôi ở có một tiệm 7-Eleven đang đăng bảng tuyển người. Ngày nghỉ trong tuần tôi bước vào xin một lá đơn. Về nhà hý hoáy điền tên họ, đến đoạn bằng lái xe số… cấp ngày… thì tôi khựng lại. Tôi đã có dịp nào học lái xe đâu. Người ta thuê mình thì phải tin tưởng là mình có phương tiện đi lại đàng hoàng để bảo đảm đến tiệm đúng giờ chứ nhỉ. Rồi tôi nghĩ tiếp, nếu mình xin việc được thì tiền đâu ra thuê apartment ở, ở trong nhà bếp của chủ như hiện tại nhất định là không được rồi, tiền đâu đi học lái xe, mua xe đi làm, v.v. Thế là tôi chán nản xé bỏ tờ đơn.
Ngày vượt biên ra đi tôi chẳng mang được bằng cấp giấy tờ gì theo. Trong những ngày lênh đênh trên biển khơi cận kề cái chết, tôi nhìn mọi người chung quanh không biết ai sẽ “đi” trước ai. Lòng nghĩ thầm bao giờ đến lúc mỏi mòn cạn kiệt, đến “phiên” mình thì sẽ bỏ giấy căn cước vào trong quần lót, hy vọng ai vớt được xác có thể thông báo cho gia đình dùm. Thế nên tôi đến nước Mỹ không một mảnh bằng cấp trong tay. Thời ấy người ở Việt Nam ra đi chính thức rất hiếm hoi, phần đông là người có quốc tịch Pháp hay ngoại quốc mới được cấp giấy, và người nào người ấy giấu kỹ tin mật không dám khoe ai, sợ giờ chót có gì cản trở chăng. Họ lại càng không dám nhận giấy tờ của người khác gửi cầm theo, sợ ra đến phi trường bị xét là rắc rối. Vì thế mẹ tôi chẳng nhờ ai cầm bằng cấp của tôi sang cho tôi được. Tôi cảm thấy tuyệt vọng không lối thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại. Không biết bao giờ có phép lạ mang tôi ra khỏi nơi này?
Dù vậy, ngày ngày tôi vẫn dậy sớm tập đánh máy tiếng Pháp trên chiếc máy đánh chữ tiếng Pháp hiệu IBM do cô tôi là em họ của bố gửi xuống từ Washington D.C. cho mượn. Cô tôi làm việc tại World Bank. Ngày tôi mới sang cô khuyến khích cố gắng tập đánh tiếng Pháp cho giỏi rồi cô sẽ giúp tìm việc nơi cô đang làm, vì World Bank cần người biết tiếng Pháp và đánh máy tiếng Pháp. Khổ nỗi ngày tôi rời nhà bảo trợ ra đi thì cô lại đến kỳ về Pháp nghỉ hè thường niên. Cô hứa tháng sau trở lại Mỹ sẽ đón tôi lên W.D.C. ở với cô tìm việc. Ngày đêm tôi cắn răng ở lại nhà hàng, đếm từng ngày từng giờ cho đến ngày cô về lại Mỹ. Một tháng trôi qua, rồi hai tháng trôi qua. Tôi chẳng nhận được tin tức gì của cô. Số điện thoại của cô tôi có trong sổ tay, nhưng tôi nhất quyết không gọi. Nếu cô không giữ lời hứa đón cháu thì cháu sẽ không nhắc nhở xin xỏ gì nữa đâu. Sau này tôi đã sang ngã rẽ khác, gọi báo tin cho cô thì mới biết trong lúc đang ở bên Pháp thì cô phải vào nhà thương mổ ruột dư nên hoãn ngày về cả tháng. Cuộc đời thật trớ trêu!
Thỉnh thoảng tôi có nghĩ đến người ấy, chỉ thoáng qua rồi nhất quyết gạt ra khỏi tâm tưởng. Ngày tôi đến Mỹ anh còn đang lái tàu lênh đênh trên đại dương. Sau này anh về phép và muốn gặp tôi. Mối tình lãng mạn oan trái ngày xưa tại Việt Nam tôi không bao giờ quên, nhưng từ ngày sang Mỹ cuộc đời đã dạy tôi nhiều bài học cay đắng. Thân mình sống không ra hồn, còn tơ tưởng gì đến chuyện tình ái lãng mạn không lối thoát, đến người đã vướng bận gia đình, dù mình biết rằng người ta yêu thương thật lòng? Lúc mình cùng đường bí lối anh có giúp được gì không? Where were you when I needed you? Tôi viết một bức thư dài cho anh trước ngày tàu anh cập bến lại trên đất Mỹ. Tôi cho biết cuộc sống của tôi hiện giờ rất khó khăn, tôi chỉ mong được yên thân để mưu sinh. Xin cho tôi được sống yên trong thế giới hiện tại của tôi, và xin cho tôi được dứt bỏ quá khứ ngày xưa. Ngày về phép anh gọi vào nhà hàng nơi tôi đang làm việc xin nói chuyện. Khi nhận ra ai đang ở đầu dây bên kia, tôi một mực lặng thinh trong khi bên ấy tiếp tục: “Hello! Hello! Are you there?” Rồi tôi cúp máy.
Có những lần thực khách trong nhà hàng ái ngại cầm tay tôi ân cần hỏi: “Are you ok? You look so sad!” Tôi mới giật mình chỉnh lại khuôn mặt mình, không ngờ đã để lộ ra cả như vậy. Tôi chợt nhớ ngày xưa đã có những lần mình ngửa cổ tít mắt cười khanh khách với chúng bạn trong trường. Tôi đấy sao? Tiếng cười hồn nhiên thời con gái biến đâu mất rồi?
Ngày ngày tôi vẫn thức dậy sớm tập đánh máy. Ngày nghỉ trong tuần (tôi được một ngày nghỉ nhưng không được nghỉ thứ bảy hay chủ nhật là ngày đông khách) tôi xin theo cô con gái của chủ nhà đến đại học cộng đồng nơi cô bé học để vào thư viện đọc sách. Mỗi người có một cuộc đời mà mình phải tự sống lấy, tôi viết thư về triết lý vụn với bạn bè ở Việt Nam. Trong những lúc cùng cực nản lòng nhất, tôi vẫn can trường biết rằng mình đã làm đúng khi dứt áo ra đi khỏi Việt Nam, và nếu phải làm lại từ đầu thì tôi cũng sẽ làm y như vậy. Đó là niềm an ủi lớn để tôi cố chịu đựng thời gian thử thách.
Thời gian trôi qua…
Từ từ rồi bằng cấp giấy tờ của tôi cũng được gửi sang. Tôi được dì ở Cali là em họ của mẹ tôi giúp xin việc làm tại học khu nơi dì đang dạy học. Ở Cali có nhiều dân Việt Nam nên họ cần giáo viên nói tiếng Việt. Ngày tôi từ giã gia đình chủ ra đi, tôi nghe ông bà bàn nhau hôm sau sẽ xuống thành phố lớn đến văn phòng USCC xem có người Việt nào mới sang cần tìm việc làm không. Tôi thầm chúc phúc cho kẻ kế tiếp.
Chuyện không định trước, mười bảy năm sau kể từ ngày đầu tiên gặp người ấy tại Sài gòn, bảy năm sau ngày tôi cầm điện thoại mà không nói một lời khi người ấy gọi cho tôi, chúng tôi kết hôn. Mối tình vô vọng tưởng đã chôn vùi lại được kết nối. Cuộc đời có những ngã rẽ không ngờ!
Bây giờ nhìn lại những ngày cơ cực khi xưa, tôi thấy mình có nhiều cái dở, nhưng bù lại cũng được cuộc đời ưu đãi nhiều mặt. Cái dở thứ nhất là ngày ấy là tôi còn giữ quá nhiều “hành trang sĩ diện”, cứ bị cái quá khứ trí thức làm cô làm thầy ở Việt Nam đeo đẳng nên không sẵn lòng quẳng đi hết để chấp nhận bước khởi nghiệp thấp kém ban đầu trên xứ lạ. Tôi ôm quá nhiều tự ái, hay tủi thân tủi phận, hay dằng dặc tổn thương mà không biết tập muối mặt tỉnh bơ để sống. Tôi bị thiệt thòi hơn người là tứ cố vô thân, không có gia đình ruột thịt, không có bè bạn nâng đỡ tinh thần. Và tôi có cái dở nữa là cứ đành chịu cô đơn, không biết kết bạn, không biết tìm hỗ trợ nơi tha nhân. Trong những ngày tháng tôi sống đau khổ tại nhà hàng nọ, tôi đã rơi vào một cơn trầm cảm nặng nề mà không biết định bệnh hay tìm cách chữa trị. Cuối cùng thì những cái dở hơi, những điều thiệt thòi của tôi lại được đền bù bằng rất nhiều may mắn và nhiều cơ hội tốt để vươn lên, khiến tôi không phải phụ lòng những người đã hết lòng giúp đỡ tôi.
Người ta bảo nước Mỹ là xứ cơ hội. Tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng. Gia đình, bạn bè, đồng hương quen biết của tôi đều đến vùng đất hứa này với hai bàn tay trắng, nhưng ngày nay tất cả đều có được một cuộc sống ổn định trên quê hương thứ hai này. Chúng tôi cũng luôn cố gắng đóng góp lại phần mình để giúp lại kẻ khác và giữ cho cái vòng ân nghĩa của nhân loại trên đời luôn nối tiếp.
Thuý Messegee