Nguyễn Tú

Tình Người Trong Mùa Đại Dịch

Nguyễn Tú

 

Khắp nơi tình thương nở hoa

Tương trợ cùng nhau góp sức

Hình ảnh đẹp vương tỏa dễ thương

Áo trắng áo xanh người y sĩ

Trải ngày đêm chăm sóc bệnh nhân

Hy sinh ly cách gia đình nhỏ

Chạm tay con qua cửa kiếng mà thương

Dấn thân không màng bao nguy hiểm

Lây lan sinh tử vốn chực chờ

Người lành bệnh tiễn đưa trong hạnh phúc

Cảm ơn ai, người cảm nghĩa ghi lòng

Bao thí điểm, nơi nơi chung sức

Phân phát đỡ đần thực phẩm, khẩu trang

Người dân đem nhu yếu ra đường

Bày miễn phí cho ai cần đến

Quan tâm đến người già dưỡng lão

Không được viếng thăm sinh hoạt cách ly

Đàn, trống, hát ca loa gọi gợi mời

Chung cư rộn rã cùng nhau hưởng ứng

Các em nhỏ vẽ tranh viết thiệp

Gửi tuyên dương người ở tuyến đầu

Mở quán nước quyên tiền cứu giúp

Góp bàn tay nhỏ bé yêu thương

Tiệm Nail cũng gieo duyên tương trợ

May khẩu trang gửi khắp muôn phương

Ca sĩ không show ngồi hát tại nhà

Gửi tình cảm, lòng cảm ơn thân ái

Ở bên kia đại dương  xa thẳm

Tình người với người vẫn ấm vẫn nồng

Góp bàn tay, phát gạo, phát mì

Cho người nghèo tương thân tương ái

Rồi nơi kia siêu thị Hạnh phúc

Hàng hóa xếp đều thật đẹp thật đầy

Mọi người đến đây được nhận được mời

Cảm nghĩa tình người, cám cảnh yêu thương

Quán ăn tình thương, no bụng ấm lòng

Của những tấm lòng người gọi là vàng

Thật lạ đầu tiên có gạo ATM

Máy ATM cho gạo người nghèo

Sáng kiến thật hay, cũng ở lòng vàng

An ủi tha nhân đời còn hạnh phúc

Trong gian khó hiểm nguy thiếu thốn

Tình người với người hoa nở tâm khai

Đại dịch lịch sử lần đầu phát tán!

Câu hỏi, trả lời …sự thật nơi đâu?

Ảnh hưởng khắp nơi, kinh tế suy tàn

Khẩu trang máy thở nhà thương giường bệnh

Xưởng chế tạo xe nay ra máy thở

Khẩu trang được may ở khắp nơi nơi

Thế giới ngày đêm tìm phương thuốc chữa

Mong được một ngày hạnh phúc bình an

No more stay home

Cách ly an toàn

Reopen, tự do sinh hoạt

Cha mẹ, ông bà xum vầy con cháu

Bạn bè họp mặt tâm sự hàn huyên

Khắp nơi nhộn nhịp bình thường sinh hoạt

Thầy cô rộn rã mừng đón học trò

Nhân loại thương yêu, tương trợ đỡ nâng

Ngưỡng cầu ơn trên thương nhận lời cầu

 

Nguyễn Tú

Mùa đại dịch

Lịch Sử Thêm Một Tháng Tư Đen

Nguyễn Tú
 
Tháng tư đen 1975! khúc quanh lịch sử không ai có thể quên!
 Mỗi người trong chúng ta đều có nỗi lòng và kỷ niệm!
Bao câu chuyện được kể, những vần thơ, nét nhạc, chuyển tải bao nỗi niềm.
Hành trình biển đông, đoạn đường tỵ nạn. Nói làm sao cho hết, viết bao nhiêu cho vừa, dù đã bốn mươi lăm năm.
Có đúng là phải qua bốn giai đoạn mới gọi là đủ để nếm trải cuộc đời tỵ nạn không?
Mất nước, ở lại với chế độ để thấy, biết, nghe thực tế, để có dịp hát nghêu ngao:
Tổ Quốc ơi ăn khoai mì ngán quá
Từ trận thắng hôm nay
Ta ăn độn dài dài
Từ trận thắng hôm nay
Ta ăn độn bằng hai!
Những đêm họp tổ dân phố phải phát biểu. Ngoại giơ tay cho ý kiến “Cám ơn cách mạng. May mà giải phóng vô, không thôi tụi Việt Cộng nó pháo kích tụi tui cũng  chết. Rồi cán bộ chửi mấy anh lính là chó của chế độ cũ để bị nghe anh Sáu biệt động quân phản pháo “Hồi đó tụi tui là  chó coi vậy mà chó no, bây giờ mấy ông vô tụi tui là mấy con chó đói”…
Còn biết bao chuyện cười ra nước mắt.
Tìm đường vượt biên phải trầy da tróc vẩy, bị gạt, bị tù, sạch tiền, hết bạc, tiêu vàng!
Cả đám vượt biên bị bắt nhốt trong chánh điện của một ngôi chùa. Cán bộ nói “coi có ông Phật nào hiện xuống cứu tụi bay không?” rồi điểm danh tra hỏi đến một anh người Hoa
Cán bộ  hét: “ động cơ nào thúc đẩy mày đi vượt biên?”. Anh ta mất hồn trả lời liền: “ Dạ động cơ Yahama 3 lóc bạc”.  Động cơ của tàu vượt biên đó bà con.
Cán đi rồi cả đám ôm nhau mà cười.
May mà vượt thoát, lênh đênh vô định.
Biển Đông đói khát, chết chóc…cướp biển
Bao thảm cảnh không còn dám nghĩ, nhớ đến. Nước mắt chan hòa với máu thuyền nhân.
Người ta nói vượt biên cũng phải có số. Có người đi một lần là  được, có người vô tình bị ép buộc phải đi không được một  lời từ biệt người thân, không mất một phân vàng.
Còn bao người lâm cảnh tù đày, của tiền mất hết vẫn chưa hết lao đao.
Trại tỵ nạn là nơi tạm dung cũng có may rủi số phần.
Trại thiên đường như ở Singapore, sống trong phố được các nhà hảo tâm đến thăm, tiếp tế liên tục. Mỗi ngày, được phát tiền theo đầu người trong gia đình. Chiều được ra phố chơi có người còn đi làm chui. Mới đến trại có mấy tuần đã có thùng quà gửi về Việt Nam, còn được đi định cư rất nhanh.
Đến nỗi có chuyện bên lề tỵ nạn khi họ đến nước thứ ba định cư, người bảo trợ ra đón thiếu điều muốn lẳng lặng tránh né luôn.
Người tỵ nạn từ cửa bước ra quần áo bảnh bao va li túi sách, cổ đeo máy ảnh xịn, đồng hồ, mắt kiếng sang trọng đắt tiền.
Người bảo trợ ngơ ngác. Họ còn giàu hơn cả mình!
Bên cạnh, những số phận kém may mắn, thiếu thốn, không tình người.
Trải qua biết bao gian truân trắc trở mới ổn định được cuộc sống. Có người hiện nay vẫn còn lang thang với kiếp sống vô Tổ quốc.
Có phải mỗi người đều có một số phần chăng? Không có gì tự nhiên.
Đã bốn mươi lăm năm rồi, như một giấc mộng dài. Nhắc lại chuyện cũ chỉ thêm đau lòng!
Năm nay 2020 chúng ta có một tháng Tư cách ly vì đại dịch. Chắc chắn đến ngày 30 sẽ đen như đêm trừ tịch.
Sẽ không có họp mặt sinh hoạt kỷ niệm ngày mất nước, không có chào cờ không có phút mặc niệm cùng nhau.
Ở bên kia cũng đừng mong được tụ tập tưng bừng ăn mừng ngày giải phóng.
Hoàn cảnh hiện nay, chưa bao giờ có ai ngờ được là chúng ta đang ở một cường quốc tự do mà phải hạn chế mọi sinh hoạt.
Bao người phải chết trong cô đơn không có người thân bên cạnh.
Nhà dưỡng lão, nội bất xuất, ngoại bất nhập không được thăm viếng họp mặt, con cháu chỉ phải ở bên ngoài nhìn vào vẫy tay nhau.
Có những bàn tay nhỏ bé áp vào cửa kiếng chạm vào bên kia là bàn tay lớn của cha của mẹ em những người còn đang dấn thân vào việc phục vụ cho tha nhân, phải cách ly.
Tháng Tư, mùa ra trường của những học sinh sau bao năm miệt mài đèn sách.
Mong đợi háo hức để có một đêm hội họp sinh hoạt cùng nhau, tưng bừng vui vẻ.
Không được súng sính trong bộ áo ra trường, đội trên đầu chiếc mũ chờ đến giờ tung lên cùng nhau lễ mãn khóa.
Có mất mát nào to lớn hơn không?
Những hàng anh đào rực rỡ của tháng Tư phải chịu vắng lặng buồn hiu lả tả bay trong gió. Còn đâu cảnh nhộn nhịp đông đúc của những người thưởng ngoạn hàng năm.
Tháng Tư của Lễ Phục Sinh, ngày Chúa sống lại
Tháng Tư của Lễ Phật Đản, Đức Phật giáng trần
Mà năm nay nhân loại chịu cảnh cách ly, sợ hãi!
Thánh Lễ của nhà thờ vắng bóng con Chiên, mọi người phải ở cách xa nhau hướng về một nơi có những hồi chuông giáo đường thánh thót.
Chánh điện chùa cũng vắng lặng bất thường, không còn cảnh Phật tử tề tựu thật đông để cung thỉnh Chư Tăng Ni về hành lễ.
Năm nay mọi tôn giáo, mọi người sẽ cùng hiệp thông một lòng cầu nguyện cho đại dịch qua đi, trả  lại cuộc sống an lành cho nhân loại.
Mọi người cũng đang thể hiện tương trợ và tình thương khắp nơi.
Những người hy sinh âm thầm trong nhiệm vụ được giao phó ở tuyến đầu.
Bao người góp bàn tay thiện nguyện, san sẻ từng chiếc khẩu trang, từng thùng bao tay chuyển đi cứu trợ.
Họ phân phát lương thực, nấu những bữa ăn phục vụ khắp nơi.
Hình như ai cũng muốn quên đi chính bản thân mình cùng góp công, góp của, tương trợ cho nhau cùng mong một ngày đến bình an.
Tháng Tư còn phải “Stay Home”
Đại gia đình phải tạm thời không họp mặt. Nhìn cảnh cha mẹ ngồi bên chiếc bánh và cô đơn ước điều sinh nhật, con cháu ở bên ngoài cách ly hát bài chúc tụng mà thương.
Các bé cưng sinh nhật mùa này cũng chỉ bên gia đình nhỏ, gửi cho bà tấm ảnh dễ thương và nói với bà “ Không sao đâu, con cũng vui mà”, nghe càng thương hơn.
“ Stay Home!” Mọi người có thêm một tháng Tư lịch sử 2020.
Cũng đen như tháng Tư của năm 1975.
Nguyện cầu Bình an và Hạnh phúc cho mọi người
 

Tháng Tư đen 1975-2020

May 15, 2020