Một Kiếp Ở Tương Lai- Vương Vũ

 
 

          MỘT                    KIẾP           Ở                TƯƠNG               LAI

 
VÀO TRUYỆN
Trên sân thượng tầng ba của căn biệt thự nhà Minh bạn bè đã tới đầy,  đứng ngồi gần chật cái sân thượng.  Tùng đi một đường trống lả lướt để gây chú ý cho Thanh, trưởng ban nhạc cũng là bạn thân của Minh cẩm micro giới thiệu,
 “Allo, allo.  Anh Minh sẽ hát bản đầu tiên để mở đầu buổi tiệc hôm nay.  Không cần giới thiệu, ai cũng biết anh Minh là ca sĩ nổi danh của Đại Học Văn Khoa.  Mời Minh.”
Dù bước chậm Minh vẫn cảm thấy nhói đau ở đầu gối, chàng đỡ lấy micro trong tiếng vỗ tay rào rạt của mọi người.  Thúy đứng cạnh Trang nói vào tai bạn,
“Ê, tôi ghen với bồ rồi nhen.  Đã đẹp gái mà còn cua được anh Minh.  Không phải mình tui ghen đâu nhe, mấy đứa khác còn ghen ác ôn hơn tui nữa đó.”
Trang vừa hãnh diện vừa mắc cỡ đấm nhẹ vào vai Thúy,
 “Muốn không tui cho luôn đó.”
“Thiiệt không đó bà?  Nghe ảnh ca mà trái tim tui muốn rớt ra ngoài.  Cho rồi cấm đòi lại dó nhen!”
Trang không trả lời, nhìn vào đôi mắt Minh lúc đó đang hướng về mình, bỗng thấy hơi bất an.  Dù Minh đang nhìn nàng, nhưng ánh mắt  như hướng về một nơi xa xôi nào đó.  Trang linh cảm Minh đang muốn giấu một điều gì, một điều rất quan trọng.  Sự sợ hãi đến đột ngột làm Trang không biết Minh hát gì; đôi mắt nàng ráng nắm giữ một khuôn mặt mà mãi tới lúc này nàng nghĩ sẽ hoàn toàn thuộc về mình.  Xung quanh nàng, Thúy và nhiều bạn gái khác đang bị mê hoặc.
Minh cầm đàn dạo khúc và hát…từ lúc Minh bắt đầu cất tiếng,, không gian như im lặng cho đến khi chàng ngưng tiếng, rồi tiếng vỗ tay như pháo nổ vang lên.  Từ hàng xóm phía dưới, vài tiếng huýt sáo và vỗ tay lẻ tẻ vọng lên.  Đứng ở một góc, Hoàng nói với Tâm,
“Tao không hiểu tại sao thằng Minh không muốn làm ca sĩ.  Nó mê hát mà còn hát hay gấp mấy ca sĩ thượng thặng.  Không đi hát thiệt uổng quá.”
Tâm vẫn theo dõi từng cử chỉ của Trang, nhún vai,
“Thằng khùng đó mày nói làm chi.  Ông Trí dạy triết nói nó không chừng đắc đạo trước Thượng Tọa Thích hoàng Tông.”
Mẹ Minh, đứng gần đó đưa mắt nhìn chồng và bắt gặp đôi mắt buồn của ông nhìn lại.  Bà đưa tay kéo nhẹ ông Đức; hai người len lén len qua đám đông đi xuống phòng mình.  Đóng cửa phòng xong, ông Đức quay lại hỏi vợ một câu mà hai người nhắc lại không biết bao nhiêu lần,
“Bà nghĩ sao về đề nghị của nó?”
 
Ông xem như già thêm mấy tuổi, bà cũng chẳng kém gì.  Với đôi mắt đã bắt đầu long lanh nước, bà Hoa chậm chạp trả lời,
“Tui thiệt chẳng suy nghĩ được gì.  Mỗi lần nhớ tới tui thiệt đau lòng quá.  Mình có một mình nó mà nó nỡ muốn bỏ mình, tui…”
Ông Đức khẽ ôm đôi vai đang rung lên của vợ—ước gì mình có thể đổi tất cả để con chuyển ý—ông nói với vợ mà không tin vào lời của chính mình,
“Tui cũng đau lòng lắm, nhưng nghĩ tới nghĩ lui cũng không có cách gì.  Cả tuần nay, ngày nào nó cũng quỳ gối mấy tiếng lạy lục xin xỏ bà với tui.  Tui thấy chí nó đã quyết rồi.  Nếu cản quá không chừng nó sinh bịnh hay làm bậy thì còn tệ hơn.  Tui tính mình đặt điều kiện bắt nó tu ở chùa Phật Quang.  Hổng chừng chú Thanh nói giúp cho mình được.  Rồi còn thêm mấy thầy nữa, cũng thân như người nhà, nhờ mấy thầy lựa lời khuyên bảo.  Hổng chừng nó ngộ ra rồi đổi ý.”
Mấy câu cuối ông Đức ráng nói hăng hái cho vợ an tâm, chứ ông thực tình hiểu tính Minh từ nhỏ làm gì cũng suy nghĩ cặn kẽ.  Nếu Minh không quyết tâm thì không thể quỳ xin ông bà mỗi ngày mấy tiếng.  Ông hơi hối hận là đã dắt Minh đi chùa sớm quá.  Bà Hoa cũng biết tính con mình, dù không tin vào lời ông mấy, nhưng cũng ráng hy vọng và bà cũng không muốn làm ông buồn thêm.  Bà nghĩ biết đâu chừng kiếp trước nó đã tu hành gần đắc đạo mà kiếp này mình cản thì mang tội.
Minh vừa hát vừa nhìn theo cha mẹ dắt tay nhau xuống lầu.  Chàng biết ông bà có ý riêng khi tổ chức bữa tiệc hôm nay.  Không muốn mọi người thấy mình sắp chảy nước mắt, Minh ngước lên trời cao.  Không trung thăm thẳm làm con người thấy mình bé nhỏ, thấy những tranh giành, đố kỵ, yêu thương, ganh ghét của con người thêm nhỏ nhoi.  Minh quyết tâm thoát ra khỏi những ràng buộc này.  Cơn đau dù còn đó nhưng đã dịu lại nhiều.
 
Sân thượng đã trống trơn.  Trang cùng Minh đứng dựa lưng vào ban công nhìn ngàn sao lung linh.  Họ im lặng đã lâu.  Trang sợ bất cứ câu nói nào được nói ra, rồi nàng nghe tiếng Minh khó khăn nuốt nước bọt.  Trang chờ đợi, nghe tim mình như thắt lại,
“Anh… anh có chuyện muốn nói với Trang…anh đang xin ba mẹ để được đi tu.”
Trang như mất một lúc mới hiểu được, và gần ngã xuống nếu Minh không kịp đỡ.  Minh dìu Trang tới ghế rồi ngồi kế bên.  Nàng khóc mãnh liệt, trừ những tiếng nấc làm vai rung lên từng chập, Trang cố gắng giữ tiếng khóc trong lòng.  Té ra là thế, những ánh mắt mông lung, sâu thẳm đó là để nhìn vào một thế giới khác — một thế giới không có nàng trong đó.
Minh chưa từng thấy Trang khóc cũng như chưa thấy một người nào có thể khóc thê thảm tới như vậy.  Chàng buông vai Trang, dùng hai tay bóp chặt thái dương chặn cơn đau đầu.  Nỗi đau này lớn hơn so với nỗi đau từ niềm hối hận chàng dành cho cha mẹ; chàng nghĩ nếu không chết chàng sẽ vĩnh viễn thoát khỏi những ràng buộc, yêu thương, đau đớn này.  Chỉ có hai đường — chết hoặc tu — đau một lần đến chết hay đời này kiếp khác không bao giờ đau khổ nữa.
Khi có thể nói được, Trang hỏi trong tiếng nấc,
 
“Lỗi tại em hay lỗi tại ba má?”
Câu hỏi của Trang làm Minh choáng váng, làm cơn đau tăng thêm.  Chàng buông tay khỏi đầu để nâng niu bàn tay Trang; giọng chàng run rẩy,
“Em và ba má anh không có lỗi.  Tất cả là tại anh.  Khi một người nhận ra tình yêu đang trói buộc cái lý tưởng của họ thì sẽ làm họ đau đớn gấp đôi.”
Minh cắn chặt hàm răng, hít một hơi dài, nhìn lên bầu trời thăm thẳm.  Rồi khi hơi thở tù túng cuối cùng thoát ra, Minh đứng lên, khoác tay lên vai Trang, nhẹ nhàng nói,
 “Anh xin lỗi.  Anh xin lỗi em ngàn vạn lần.  Để anh đưa em về kẻo muộn.”
Khi Minh trở lại, chàng dừng bước trước phòng ngủ của cha mẹ, nhẹ nhàng quỳ xuống như chàng đã quỳ hàng tuần nay.  Chàng đè nén cái đau từ chỗ sưng lên ở đầu gối.  Đêm im ắng tới mức lâu lâu Minh nghe được tiếng trăn trở của cha mẹ — và những tiếng thở dài mệt mỏi.  Khi đã thầm đọc nhiều lần bài kinh “Báo Hiếu Phụ Mẫu”, Minh chống tay đứng dậy, nhưng lại khụy xuống.  Chàng vịn tường leo cầu thang từng bước về phòng, tinh thần giao động sức lực kiết quệ Minh nhanh chóng thiếp đi.
.                           
Bà Ba đánh thức Minh dậy với giọng vui vẻ,
“Ông bà đương ngồi chờ cậu ăn sáng dưới nhà.  Cha, hôm nay tui vui hết sức, cả tuần nay mới thấy hai ổng bả cười được chút it.  Cả cậu nữa, xuống sắc quá chừng.  Hổm rày tui lo muốn chết.”
Minh nghe thấy mừng thầm, nhưng cũng xấu hổ vì đã gây ra bao lo lắng cho mọi người,
“Dì Ba đừng lo.  Mọi chuyện rồi sẽ êm xuôi.”
 Đúng như dì Ba nói, cha mẹ Minh sắc mặt tươi hơn mọi hôm.  Minh chào hỏi hai người rồi ngồi đối diện với cha.  Ông Đức nói,
“Dì Ba ngồi xuống ăn với chúng tôi cho vui.”
“Cám ơn ông hai.  Ông bà với cậu cứ ăn trước đi.  Tôi đi chợ mua chút đồ rồi sẽ ăn sau.”
Đợi dì Ba đóng cổng rồi ông Đức mới lên tiếng,
“Ăn đi con.  Ăn kẻo thức ăn nguội hết ngon.  Ba mẹ ăn xong rồi.”
Minh vừa nhai vừa hồi hộp chờ đợi, tránh nhìn vào mắt cha mẹ.  Ông Đức nói,
“Ba mẹ đã suy nghĩ kỹ rồi.  Ba mẹ đồng ý cho con đi tu với điều kiện…”
Tim Minh đập mạnh, miệng khô quánh.  Ông Đức tiếp,
“…điều kiện là con phải tu ở chùa Phật Quang và nếu con thấy không hợp với đời sống tu hành ở chùa, con phải trở về với ba mẹ.”
 
Minh ngước lên nhìn cha với đôi mắt biết ơn, trả lời,
“Con cám ơn ba mẹ đã chấp thuận cho con.  Con hứa sẽ vâng lời ba mẹ.  Nếu con thấy tu ở chùa không được, con sẽ về tu ở nhà với ba mẹ.”
Quay sang mẹ, Minh thấy nước mắt bà đã dàn dụa.  Chàng bước qua phía mẹ, ôm tay và quỳ bên cạnh, tha thiết nói,
“Mẹ đừng buồn.  Con tu ở đó mấy thầy sẽ cưng lo cho con đầy đủ.  Ba mẹ muốn thăm con lúc nào cũng được.  Mẹ không nhớ mẹ con mình từng nghe thầy giảng ‘tu là cõi phúc’ hay sao.”
Vẫn đang quỳ, Mình quay sang cha, chàng cúi đầu cám ơn lần nữa.
Ông Đức cố làm vui, nhưng giọng nói vẫn nghèn nghẹn,
“Thôi đứng lên đi con.  Ăn xong rồi lên lầu dọn dẹp.  Ở chơi tới chiều rồi ba mẹ chở con lên gặp thầy.”
“Để con ở đây nói chuyện với ba mẹ cho vui.  Con tính chỉ mang theo mấy cuốn sách thôi ba à.”
Bà Hoa nước mắt đã chảy tràn xuống má.  Bà biết không bao giờ Minh sẽ trở lại căn nhà này.  Bà biết đời là một chuỗi chia ly, nhưng cái hiểu biết ấy không có thể ngăn được dòng lệ nóng.
                            
Thượng Tọa Thích Như Thanh ngồi nói chuyện với ông bà Đức dưới bóng mát của cây điệp.  Ngôi chùa kế bên bờ sông, gió thổi mát rượi.  Khuôn viên chùa vắng vẻ trong buổi xế trưa.  Thượng Tọa Thanh nói đều đặn,
“Hai cháu đừng có lo, chú sẽ luôn luôn tìm cách khuyên bảo nó trở về.”
Ngưng một lát ông nói tiếp,
“Nhưng chú khuyên hai cháu đừng có hy vọng nhiều.  Chú thấy nó cương quyết lắm; cả tuần nay nó siêng năng tu hành, đọc kinh sớm hôm.  Có gì không hiểu, gặp ai cũng hỏi.  Coi bộ nó có căn cơ tu hành.”
Bà Hoa lại chảy nước mắt vì lời nói của người chú họ xa.  Ông Đức vẫn nài nỉ,
“Thầy ráng giúp tụi con.  Con biết nó có căn cơ tu hành, nhưng tụi con chỉ có mỗi một mình nó.”
Bà Hoa đưa tay gạt nước mắt nói,
“Xin thầy cứ nói thêm cho tui con một lần nữa, nếu nó không nghe thì tụi con cũng đành chịu.  Hổng chừng ý trời đã định, muốn tụi con trả nợ cho nó được tu hành thành đạo.”
Ông Đức hơi ngạc nhiên đưa mắt nhìn bà nhưng không nói gì.  Thượng Tọa Thanh hứa chắc,
“Chú sẽ khuyên bảo nó nhiều lần nữa.  Nếu nó có duyên có nghiệp thì mình cũng nên khuyến khích nó.  Biết đâu đắc đạo rồi nó sẽ phụ trì cho mình được nhiều phước đức trong kiếp tới.  Con phải tin vào đó nếu không con sẽ buồn mà nó cũng sẽ buồn.”
                  
Minh tần ngần nói với Đại Đức Thích Trí Huệ,
“Thưa thầy con có nên ra hay không?  Con chưa thấy mình đủ định lực để gặp lại Trang trong lúc này.”
Đại Đức Huệ khuyến khích,
“Người tu hành phải đối diện với ma chướng, phải coi đó là cơ hội cho mình thực tập.  Con cứ ra gặp cô ta đi.  Nếu có gì không ổn thì cứ gặp thầy.”
Nói xong thầy Huệ bỏ đi, để mặc Minh đứng cúi đầu.  Lát sau, Minh hít một hơi dài, đẩy cửa bước ra, đi vòng theo chánh điện.  Dưới bóng cây điệp, Tâm ngồi trên yên chiếc xe máy, Trang đứng gần đó.  Cả hai đều có vẻ bồn chồn khi thấy dáng Minh.  Bước chân Minh dừng lại khi chạm bóng mát của cây điệp cũng làm dừng bước chân vội vã của Trang, và nước mắt nàng trào ra trước khoảng cách giữa hai người.  Tâm phá tan im lặng,
“Chào Minh, lâu quá mới gặp.  Để mình ra bờ sông ngồi chơi một lát.  Có gì thì gọi mình.”
Minh gật đầu cám ơn, nhưng không nói tiếng nào chỉ nhìn chăm chú vào khuôn mặt Trang và những giọt nước mắt.  Trang gầy và đẹp hơn những hình ảnh mà chàng ráng xua đuổi trong vài tháng qua.  Minh ráng nhớ, nhưng lời dặn dò của Đại Đức Huệ không còn ý nghĩa gì.  Nỗi đau Minh cảm nhận lần cuối khi gặp Trang trở lại.  Những dòng nước mắt không ngưng kia chứng tỏ Trang nhớ Minh đến mức nào và Minh bỗng thèm được ôm nàng trong vòng tay, được lau những giọt nước mắt khổ đau, được hôn lên làn môi đang run rẩy. 
Trang chỉ nói được câu,
“Anh…anh gầy quá…”
Sự cố gắng tận cùng của nàng chỉ đến đó,  Trang òa khóc, chạy đến ôm Minh.  Ôm nàng trong vòng tay, Minh biết nếu buông ra Trang sẽ không đứng vững được.  Trời đất như không hiện diện.  Phật pháp như tan biến trong hư vô.  Nỗi đau như không giới hạn.  Minh quay cuồng giữa nỗi đau, thân hình Trang và quyết định của mình.  Trang cảm nhận ngay được tình yêu nóng bỏng của Minh khi vòng tay ôm xiết mỗi lúc mỗi mạnh mẽ.  Nàng tin rằng chỉ cần vài phút nữa thôi, Minh sẽ quay trở lại.  Nàng hòa tan vào Minh, vặn vẹo trong tay chàng và nức nở lớn tiếng hơn.
Giữa lúc đó, Đại Đức Huệ gióng tiếng chuông mở đầu buổi tụng kinh trưa.  Trang nghe và biết.  Nàng hận mình không thể hét to lên một lần, chửi một câu thật nặng nề vào sự giả dối, vào nơi nhân danh tình thương và giải thoát để tước đoạt đi tình yêu của nàng.  Thay vào đó, Trang thấy chân mình mềm nhũn đi, nàng nghĩ nàng đã ngất đi trong giây lát.  Vòng tay
 
 
Minh nhẹ dần.  Trang thấy một bên vai hơi ướt và lời Minh nghe như vọng về từ một nơi không có thật,
“Anh yêu em vô cùng.”
Thật tình Minh muốn đi thật lẹ tới chánh điện cùng tụng kinh với thầy Huệ, nhưng bước chân không theo ý chàng; nó nặng nề lê trên nền xi-măng nóng; nó kéo dài nỗi đau khổ của Trang và Minh.  Minh nghe tiếng chân Tâm quay trở lại.  Minh nghe tiếng Trang khóc òa lên, có lẽ nàng đang dựa vào Tâm — có lẽ nàng sẽ quên! 
Minh khép cửa chánh điện sau lưng, tiếng mõ, chiêng, và lời tụng kinh của thầy Huệ nhận chìm tất cả.  Minh không ngồi như mọi khi mà quỳ phía sau thầy, trán chàng gục trên sàn chánh điện.  Giọt nước mắt đã lăn xuống vẫn chưa khô, những giọt khác lại tiếp tục tràn ra…Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Phật.  Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Phật…
                            
Minh ngồi đối diện với thầy Huệ lòng dâng lên bao nỗi tôn kính.  Thầy ngồi bán già, lưng thẳng, nhìn ra dòng sông trước mặt.  Minh cũng ngồi bán già, lưng thẳng và nghe tiếng sông chảy, nhưng Minh thấy ngoài những hành động giống nhau cái phong cách thì khác xa diệu vợi.  Cách thầy Huệ đi, đứng, nói, ngồi đều tự nhiên như đứa trẻ mới sinh.  Nhiều người nói Minh có cách giống thầy, nhưng tự Minh hiểu mỗi cử động của chàng là một cố gắng.  Hình như chẳng ai thấy như vậy.  Đối với họ thầy Huệ, ngoài cái tình tình dịu dàng, dễ mến, chẳng có gì đáng nhớ.
Minh nhìn ly nước trà trong tay, trầm tư hỏi,
“Bạch thầy, con đã tu hơn một năm rồi, không lúc nào dám sao lãng.  Con ráng nghiên cứu bao nhiêu kinh sách, nhưng không bao giờ dám nghĩ mình có căn bản học thức mà không nghe lời khuyên dạy.   Lúc con đọc kinh, nghe giảng thì thông hiểu.  Biết là nếu vứt bỏ tất cả thì sẽ không còn khổ đau, nhưng sao trong lòng chưa bao giờ yên ổn lâu dài.  Thật ra sự tiến bộ của con còn tệ hơn so với sự tiến bộ của ba mẹ con và Trang.  Con không hiểu mình đã sai ở chỗ nào?”
Đại Đức Huệ mỉm cười, nhấp một ngụm trà, thong thả trả lời,
“Con đã chăm chỉ tu học không hề sao lãng hơn một năm nay.  Sự quyết tâm của con hơn nhiều người mà thầy biết, kể cả chính thầy.  Theo con nghĩ thì sau một năm cố gắng như vậy con nên đạt đến trình độ nào?”
“Bạch thầy, con không dám xảo ngôn, nhưng nếu bây giờ con đạt được một phần nhỏ của thầy thì con cũng hài lòng lắm rồi.”
“Nếu con đã dùng thầy để so sánh thì không biết thầy có nên nói với con điều này không?”
Minh náo nức,
“Xin thầy cứ nói.  Con hứa sẽ không thất vọng hay hy vọng quá mức để sao lãng việc tu tập.”
 
Thầy Huệ vẫn mỉm cười nhìn vào Minh, giọng nói ung dung, hiền từ, thầy bảo,
“Nếu thầy nói với con đã qua bao năm chuyên cần tu học thầy vẫn chưa vượt được cái ngã, và cũng không biết khi nào mình có thể vượt qua được cái bản ngã này thì con nghĩ thế nào?”
Minh cung kính trả lời,
“Bạch thầy, con đã được dậy rằng biết bao vị cao tăng đức hạnh tu hành chuyên cần gian khổ cũng nhiều lần đã đầu hàng trước cái ngã của mình.  Con không dám so sánh điều này với thầy và các cao tăng mà con đã học hỏi và tôn kính.”
“Này Minh, thầy biết con có ước nguyện lớn và thành tâm theo đuổi nó, nhưng thầy nghĩ con chỉ mới học, hiểu mà chưa có dịp đối diện với cái ngã của chính mình.  Thầy tin con sẽ đi xa hơn thầy, nhưng nếu con chưa đối diện và khắc phục cái ngã của mình thì con cũng sẽ như thầy đành phải tiếp tục vào kiếp khác.”
Minh hoang mang suy nghĩ về câu nói của thầy Huệ và kiểm lại hành động của mình từ lúc vào chùa.   Một lúc sau Minh như choàng tỉnh, chàng thưa,
“Xin lỗi thầy con đang cố nhớ lại từ lúc vào chùa, con luôn luôn kiểm soát Thọ, Tưởng, Hành và Thức.  Dù con không nghĩ mình có thể diệt được cái bản ngã, nhưng dầu sao con đã hằng giờ quán tưởng và đối diện nó, nên con thật sự không hiểu ý của thầy.”
Khuôn mặt trang nghiêm, dễ mến của thầy Huệ không thay đổi cũng như giọng nói của thầy,
“Khi nó tới rồi con sẽ biết Minh ạ.”
Thầy Huệ trầm ngâm thêm một lúc nữa rồi mới tiếp,
“Thưc ra ở tuổi con thầy đã dành nhiều thì giờ để chiến đấu với sắc dục hơn với cái ngã của mình.
Minh thấy hơi kiêu ngạo trong lòng.  Chàng đã vượt qua sắc đẹp của Trang, đã cắt đứt được tình yêu với hoa khôi để đến với đạo, và chàng thầm nghĩ chắc cái ngã đó cũng không khó hơn được cái sắc đẹp, tình yêu và sự đụng chạm thể chất.  Minh thấy tự tin hơn.
Thầy Huệ nhìn Minh và biết chàng nghĩ gì, thầy định không nói, nhưng nhớ về sự tranh đấu với cái ngã của mình, thầy nén thở dài, nói tiếp,
“Có lúc thầy tưởng đã phải dùng tới sự hành xác để vượt qua cái cám dỗ đó.”
Minh à lên một tiếng,
“Thầy làm con nhớ tới chuyện ông thầy Trí dậy Triết của con kể, có một vị thánh bên Thiên Chúa giáo đã phải dùng gai đập vào thân thể từng đêm để vượt qua sự cám dỗ về sắc dục.”
Chàng cảm động nói,
 
 
“Con cám ơn thầy đã chia sẻ cho con những kinh nghiệm đó của chính mình.  Con bây giờ thực sự chỉ lo lắng làm sao có đủ thì giờ để học hỏi và hiểu lời Phật dậy.”
Thầy Huệ đứng lên chuẩn bị cho công phu chiều, trước khi đi thầy nói,
“Con còn nhớ đức phật nói dây đàn căng quá hay chùng quá đều không tốt hay không?”
Cái băn khoăn, suy nghĩ của Minh về lời nói của thầy Huệ mau chóng rời khỏi chàng.  Minh đang lo cho buổi công phu chiều.  Chàng hy vọng các thầy sẽ dùng cơm mau chóng hơn mọi ngày để chàng còn có thể nghiên cứu thêm về cái ngã mà chàng nghĩ mình đã hiểu nó rất sâu sắc.  Tối nay sau khi các thầy đã yên ngủ, ngoài bài kinh báo hiếu như chàng đã tụng hàng đêm, Minh sẽ chọn một bài về ngã để tụng cho đến khi cái bản ngã của chàng biến thành hạt cát rồi tan biến trong hư vô.  Sau đó chàng sẽ tắm bên bờ sông cho tỉnh táo, tiếp theo là hành thiền.  Nhiều đêm Minh không biết mình đã ngủ lúc nào.  Một ngày trôi qua quá nhanh, không đủ thời gian cho Minh tu tập thêm, tăng tiến thêm.  Minh không có thì giờ ngủ nghê, nhưng tâm hồn càng lúc càng thảnh thơi, chàng nghĩ, “Mình đã may mắn được cha mẹ cho phép tu hành, đã không bị Trang làm gục ngã để yên tâm tu.   Bây giờ có chút mệt mỏi nào có thấm gì với những đau đớn về tinh thần và ham muốn của thể chất trước khi đi tu đâu.  Hơn nữa mình đã tự hứa chỉ có chết hoặc đạt đạo thì những cái này chỉ là muỗi đốt ngoài da thôi.”
                            
Minh hấp tấp theo chân ông Phú, phó chủ tịch ban quản trị chùa, lên gặp Thượng Tọa Thanh.  Trong phòng họp của chùa, thượng tọa đương ngồi xem cuốn sổ chi thu cùng ông Nam, chủ tịch ban quản trị.  Chưa kịp chào thượng tọa đã bảo,
“Ngồi xuống đây đi con.  Thầy muốn hỏi xế trưa con có thể sắp xếp đi với ban hộ niệm của anh Phú tụng kinh siêu độ cho gia đình ông Chữ được không?”
Minh vui mừng trả lời,
“Kính bạch thượng tọa, con đã nhiều lần muốn xin thượng tọa cho con học hỏi thêm kinh nghiệm ngoài đời mà chưa có dịp.”
“Thì thầy cũng phải đợi cho con học thuộc vài câu kinh kệ đã chứ.   Sư đi siêu độ mà phải có quyển kinh mới tụng được thì người ta cười cho.”
Mọi người cùng cười với câu nói giỡn của thượng tọa.  Ông Phú nói,
“Thầy Minh không cần phải lo.  Đám này nhỏ lắm.  Tôi xin với Thượng Tọa làm giúp người ta để lấy phước và để thầy có dịp làm quen chứ nhà chùa chẳng được lợi lộc gì.”
TTọa như quá quen với những thủ tục xã hội, không để ý tới câu nói của ông Phú, dặn dò,
“Con cứ nghe theo lời anh Phú.  Thầy thấy tụng kinh A Di Đà và một bài chú Vãng Sanh là được rồi.  Điều quan trọng là con tập làm quen được với nghi lễ ngoài đời rồi dần dần thầy sẽ dậy con thêm.”
 
Ông Nam phụ họa,
“Có thượng tọa đỡ đầu, thầy Minh chỉ cần làm theo chẳng cần lo gì cũng thành công.”
Minh im lặng nghe lời thượng tọa trong lòng không được vui vì câu nói của ông Phú và ông Nam; chàng nghĩ tới đó rồi sẽ liệu.
Ông Phú lái chiếc xe cũ mèm, kêu và thở những tiếng cuối trong đời, chở ban hộ niệm năm người và Minh ra bìa thành phố.  Đã lâu không bước chân ra khỏi chùa, Minh thấy mọi thứ vừa xa lạ, vừa gần gũi.  Sau vài phút mê mải tìm lại hình bóng xưa, Minh bình tâm, nhắm mắt, chú ý theo dõi hơi thở của mình.  Trong xe ồn ào tiếng nói, bà Hoàng nói vói lên,
“Lần này được đi hộ niệm với thầy Minh vui thiệt nha.  Tôi nghe nói thầy tụng kinh thiệt hay mà chưa được nghe lần nào.  Lần này chắc nghe đã tai.”
Bà Bích phụ họa,
“Tui cũng dzậy.  Tui nghe nói giọng thầy hay lắm.”
Các bà khác ồn ào nói theo, ông Phú lớn tiếng,
“Mấy bà nói nhỏ nhỏ dùm, thầy đang nhắm mắt dưỡng thần.  Chắc lần đầu thầy đi nên hồi hộp.  Hồi nãy tui có nói với thượng tọa là thầy đừng lo.  Có tui với mấy bà rành nghi lễ quá có gì mà lo.”
Đề tài của câu chuyện thay đổi.  Ban hộ niệm đã làm việc thiện nguyện bên nhau nhiều năm trời, tới nhiều nhà, nhiều chùa.  Họ biết nhiều thứ.  Gặp nhau trong mỗi chuyến đi ai cũng nói nhiều, rất vui, nhưng đôi khi vô tình hay cố ý họ cãi nhau rồi lại làm huề như cũ.  Khó ai bỏ được ban hộ niệm.  Mỗi khi được gia chủ cung kính đón tiếp trong khung cảnh trang nghiêm, họ thấy như mình trở thành người khác trong xã hội, không còn là những người phải khó khăn lo cơm ăn áo mặc hàng ngày.
Dù cố gắng Minh không thể không nghe những câu chuyện thế nhân, và chàng nghe rõ hơn một chút những khi ban hộ niệm nói đến mình.  Minh nhớ đến thầy Huệ, thầy chắc chẳng bao giờ động lòng với những lời khen, chê, bình phẩm thế này.  Chàng mỉm cười khi nhớ đến lời nói của thầy, lẩm bẩm ra miệng,
“Chắc nó đang tới.”
                            
Chiếc xe đậu xa ngoài ngõ, ban hộ niệm phải đi một khoảng xa mới tới nhà bác Chữ.  Căn nhà, nhỏ bé, xiêu vẹo và thấp lè tè.  Tuy vậy, đó chưa phải là căn nhà tệ nhất xóm này.  Bác Chữ gái cảm động và hãnh diện ra mặt khi thấy có cả một thầy đi cùng, ra tận cửa đón phái đoàn, chắp tay xuýt xoa thưa với Minh,
“Thật là quý hóa quá.  Cả nhà con đội ơn thầy.  Con đâu dám làm phiền tới các thầy.  Chú Phú thật là…”
 
Rồi quay sang ông Phú và ban hộ niệm, bà nói liên thanh,
“Cám ơn chú Phú, cám ơn các ông bà có lòng tốt thương tới gia đình chúng tôi, tới đây tụng kinh cho ông nhà tôi.  Trời phật rồi sẽ trả công cho thầy, cho chú Phú và cho các ông bà.  Mời thầy và các ông bà ngồi chơi…”
Ông Phú cắt ngang,
“Thầy Minh và chúng tôi còn bận nhiều việc.  Chị hãy chuẩn bị để chúng tôi tụng kinh cho anh rồi thầy còn về nghỉ ngơi.”
Bà Chữ hơi tiu nghỉu.  Dù biết ông Phú sẽ không bao giờ chịu ở lâu ở nhà bà, nhưng bà vẫn hy vọng lần này ông Chữ chết ông sẽ ở lại lâu hơn.  Như thế sau đó bà sẽ có cớ để khoe với hàng xóm là bà đã lo cho đám ma ông được tươm tất như thế nào.
Hàng xóm bắt đầu bu quanh, vài người quen thân cố chen vào; đã lâu họ chưa thấy một đám ma trịnh trọng như thế ở cái xóm nghèo nàn này.
Trừ câu chào đáp lễ gia chủ, Minh giữ im lặng.  Chàng và ban hộ niệm tiến lại gần quan tài theo bước đi của ông Phú.  Trong bộ đồ thường ngày, ông Chữ được che mặt bằng một miếng vải cũ, dúm dó.  Nằm trong chiếc quan tài ọp ẹp bằng gỗ tạp, tay chân và người ông không được thẳng thắn, thoải mái.  Hình dáng nghèo khổ theo ông từ lúc nhỏ vẫn không lìa bỏ ông lúc cuối cuộc đời.
Căn nhà nhỏ thấp nóng hầm hập và dù mới mất ngày hôm qua, thi thể đã hơi bốc mùi.  Ông Phú cùng ban hộ niệm nhăn mũi, ngừng lại khá xa chiếc quan tài.  Minh nhìn những đứa nhỏ đứng gần chiếc quan tài với nước mắt, mũi lấm lem, tưởng tượng ra chuyện có thể xảy ra cho cha mình.  Chàng tiến lại gần quan tài, và không đợi ông Phú lên tiếng, bắt đầu tụng bài chú Vãng Sanh.  Trừ ông Phú, ban hộ niệm sau vài giây lúng túng bị giọng Minh như thôi miên cũng nhanh chóng chắp tay, bắt theo bài chú mà họ đã tụng ngàn lần.
Khi nhìn thấy thái độ trang nghiêm và thành kính của Minh, ông Phú bỏ ý định muốn Minh làm theo ý mình .  Ông nhìn xung quanh, mọi người đang chắp tay cúi đầu lắng nghe.  Họ dường như quên buổi trưa nắng nực, quên cái nghèo nàn của mình.  Chưa bao giờ ông Phú trải qua một lần tương tự.  Một lúc sau, ông ngạc nhiên khi thấy mình cũng đang chắp tay tụng theo thầy Minh và ban hộ niệm.  Trong lòng ông cảm nhận được sự bình an mà ông it có.
                            
Ông Tín đi trước, bước theo sau là bác sĩ Trần và hai người y tá khép nép cách họ vài bước .  Bà quả phụ Trâm, gầy ốm, nằm yên lặng trong phòng bệnh rộng rãi sang trọng.  Hai em trai và em gái của ông Tín, ngồi trên chiếc sa-lông nhỏ gần giường mẹ.  Họ đứng lên, cất tiếng chào anh mình, và kéo ghế xa ra.  Bác sĩ Trần kiểm tra sức khỏe bà cụ trong khi ông Tín đứng nhìn lơ đãng.  Bà Trâm có vẻ tươi tắn hơn mọi ngày, bà bảo,
“Thôi, ông bác sĩ khỏi phải khám thêm.  Hôm nay tui thấy khỏe muốn nói chuyện với mấy đứa một chút.”
 
Bác sĩ Trần nói vuốt theo,
“Vâng, cháu thấy cụ đang khỏe dần, không chừng mai mốt cụ đã có thể về nhà rồi đấy ạ.”
“Thôi, ông đừng nói giỡn chơi.  Tui biết mình tui lắm rồi.”
Bác sĩ Trần vừa định nói thêm thì ông Tín đã ngắt lời,
“Cám ơn anh Trần, anh cứ để cụ ở đây với chúng tôi.  Cần gì tôi sẽ gọi.”
Bác sĩ Trần chào mọi người, bước ra cùng hai cô y tá và không quên khép cánh cửa phòng lại.
Ông Tín cúi xuống cầm tay mẹ, nhẹ nhàng nói,
“Anh Trần nói đúng đó má.  Con thấy má hôm nay coi bộ mạnh khỏe nhiều.  Hổng chừng vài hôm là mình xuất viện được rồi.”
Rồi ông quay ra phía sau nhìn mấy đứa em hỏi,
“Phải không tụi bay…ay?”
Mấy người em cười vui vẻ, tranh nhau nói,
“Phải đó anh hai, tụi em thấy má bữa nay thiệt là mạnh rồi.”
Cụ Trâm cười vì nghe ông Tín gọi em là “tụi bay”, đã lâu trong nhà không ai dùng từ đó,
“Ờ há thằng Tín nó nói làm tao nhớ hồi “tụi bay” còn nhỏ, ba má đi làm, hổng ai coi tụi bay, thằng Tín phải dắt mấy đứa qua chùa Phật Quang chơi cho tới chiều tối mới dìa.”
Lời bà cụ dắt ông Tín đi về một thủa xưa cực khổ mà thân yêu.  Ông nói chuyện với má và ba em mà đầu óc cứ hiện lên hình ảnh một ngôi chùa nhỏ, nghèo, bên bờ sông và một ông thầy chùa lâu lâu lại cho anh em ông chút cơm khi ba má ông về trễ.
Bà cụ được ngày khỏe, nhân lúc nhớ chuyện xưa, vui vẻ cùng các con ôn chuyện cũ tới lúc mệt ngủ thiếp đi.  Mọi người đi về trừ ông Tuấn, anh ba ở lại trông nom.  Ông Tín ra tới cửa thì ông Tuấn gọi giật lại,
“Anh hai, ờ quên, hồi sáng trung tướng Long lại thăm má, ảnh có gởi lời hỏi thăm anh.”
Ông Tín gật đầu nói,
“Ờ, để chiều anh gọi lại ảnh để cám ơn.  Nhớ coi chừng má cẩn thận, có gì gọi cho anh.  Thôi anh về.”     
 
Lên xe, ông Tín hỏi người tài xế,
“Chú có biết chùa Phật Quang bên quận Tư không?”
 
Anh Quang trả lời,
“Thưa ông em hông biết.  Ông để em hỏi mấy người bán hàng ở đây, hổng chừng họ biết.”
“Khỏi cần chú cứ nghe tui chỉ là được rồi.  Lâu rồi tui hổng tới, nhưng chắc còn nhớ.  Cũng dễ chứ không khó.”
Trí nhớ ông Tín không tệ lắm, chỉ một lần đi lạc, họ đã tới nơi.  Ông Tín dặn,
“Anh đậu xe hơi xa một chút cho tui.”
Anh Quang ngạc nhiên vâng lời, đậu xe dưới một bóng cây cao, rồi bước xuống mở cửa xe cho ông Tín.  Trước khi xuống, ông Tín cởi bỏ chiếc áo vét, cà-vạt, vài chiếc cúc và xăn tay áo lên.  Buổi trưa vắng lặng không một bóng người ngoài đường.  Mãi khi đi ngang chánh điện ông mới nghe thấy tiếng khá to của một người đàn bà vọng ra từ một căn phòng lớn mà ông đoán là phòng họp của chùa,
“Ông làm ơn cho tôi gặp thầy Minh đi.  Tội nghiệp tôi quá mà, tôi đi xe lam từ sáng tới giờ mới tới được đây.  Tôi thiệt tình có chuyện quan trọng muốn nói với thầy Minh mà.”
Ông Tín không nghe rõ tiếng người đàn ông trả lời.  Không muốn dính líu tới chuyện thiên hạ, ông bước thẳng ra phía bờ sông.  Từ lúc bước tới cổng chùa, mỗi bước chân gợi một kỷ niệm, ông Tín xúc động vô cùng, thầm tiếc mình đã bỏ quên những kỷ niệm dấu yêu khá lâu.  Ngôi chùa không thay đổi  nhiều, ngoài vài căn phòng được cất thêm lên sau chánh điện, và cái cây điệp nhỏ xíu bây giờ đã trở thành đại thụ.  Khi ông bước gần đến cây điệp thì nghe tiếng kêu của người đàn bà vang lên mừng rỡ,
“Kìa ổng kìa, ổng ra kìa.”
Rồi bà ta la giật giọng,
“Thầy Minh…thầy Minh, thầy chờ tôi một chút…tôi kiếm thầy từ sáng đến giờ.”
Ông Tín quay sang phía bên phải thấy một thầy tu còn trẻ, đầu cúi, bước ra khỏi chánh điện đi về phía phòng tăng, hơi ngập ngừng chậm bước khi nghe tiếng kêu của người đàn bà.  Từ phòng họp, một bà trung niên, quần áo cũ kỹ, đi đôi dép nhựa chạy nhanh ra.  Chậm chạp phía sau bà ta là một ông ăn mặc chững chạc, vừa đi vừa càu nhàu,
“Bà làm gì mà như ăn cướp vậy.  Từ từ rồi người ta sẽ cho gặp… “
Người đàn bà không để ý đến ông ta, chạy ngay tới chỗ thầy Minh, hai tay nắm chặt tay thầy, vừa kéo vừa nói,
“Trời ơi gặp thầy tôi mừng quá.  Tôi tưởng uổng công mình bữa nay rồi chứ.  Tôi tới cám ơn thầy bữa hôm tới tụng kinh cho ông nhà tôi.  Thầy biết không, ổng linh lắm, hôm qua ổng hiện về nói với tôi là ổng được siêu thoát rồi.  Ổng nói nhờ thầy tụng kinh cho mới được siêu thoát lẹ.  Ổng nói tôi lên cám ơn thầy.  Ổng nói…”
 
                  
Nói tới đây, người đàn bà xúc động quỳ xuống trên nền xi-măng nóng, gục đầu vào bàn tay thầy Minh, nghẹn lời trong tiếng khóc.  Người đàn bà hành động, nói năng lẹ làng.  Mãi đến lúc bà ta quỳ xuống, thầy Minh muốn kéo bà ta lại nhưng không kịp.  Ông Tín nghe thầy Minh năn nỉ,
“Bà Chữ, bà cứ bình tĩnh, đứng lên rồi hãy nói.”
Nhưng bà Chữ không nghe lời, bà ta cứ quỳ ôm tay thầy Minh mà nói.  Ông Tín vừa hơi cảm động vừa thấy thú vị vì dường như đối với bà Chữ, ông thầy trẻ tuổi kia là một vị phật tái sinh.  Tới giờ thấy chưa ai để ý đến sự hiện diện mình, ông Tín muốn biết đầu đuôi câu chuyện nên nép phía sau cây điệp lắng nghe tiếng đối thoại.
Người đàn ông càu nhàu,
“Thầy Minh, thầy quỳ xuống làm gì.  Kệ bả chứ.”
Ông Tín ló đầu ra nhìn, trước mặt bà Chữ, thầy Minh đã đang quỳ trên xi-măng, hai tay nắm lại tay bà ta.  Bà Chữ giọng hoảng hốt, đứng dậy kéo thầy Minh đứng lên, bà ta thay đổi cách xưng hô,
“Trời ơi tội nghiệp con quá thầy Minh ơi.  Thầy mà quỳ trước mặt con thì con làm sao đầu thai được.  Con xin lỗi thầy…”
Khi hai người đứng lên, bà Chữ cúi xuống phủi bụi đất cho thầy Minh, nhưng khi bị cản thì bà ta không dám làm nữa.  Ông Tín nhìn thầy Minh dịu dàng khuyên nhủ người bà Chữ.  Ông thấy sự thành kính trong lời nói và hành động của nhà sư trẻ với người đàn bà nghèo nàn trong khi người đàn ông, mà ông nghe gọi là ông Nam, rõ ràng là rất khó chịu với sự hiện diện của bà ta.  Khi bà Chữ đã bớt xúc động, hai người đàn ông dắt bà ta đi về phía phòng họp.  Ông Tín thấy hết hứng thăm chùa.  Trên đường về, ông băn khoăn về những lời của bà Chữ.  Ông không tin nhiều vào tôn giáo, nhưng ông đã thấy nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra cho người quen và ngay cả chính ông.  Những chuyện mà con người không giải thích được.  Má ông càng già càng tin vào tôn giáo.  Mấy tháng nằm trong bệnh viện đã nhiều lần bà nhắc về chùa chiền, và đã từng nói về chuyện ma chay của mình.  Ông lẩm bẩm, “Biết đâu bữa nay mình trở lại chùa Phật Quang lại là một chuyện lạ khác?”
 
“Bạch thầy, tối qua lúc tụng kinh con buồn ngủ quá tụng không được, phải đổi cách tụng gần như hát thì lại thấy tỉnh ngủ.  Có điều con cảm thấy cách tụng đó không được trang nghiêm, nhất là ở chánh điện.”
Minh bẽn lẽn nói với thầy Huệ.  Hai người có thói quen uống trà chung với nhau sau bữa trưa.  Thầy Huệ nhìn dòng sông, điềm đạm nói,
“Nếu lòng mình không trang nghiêm thì dù có tụng kiểu gì cũng vậy thôi.”
Rồi thầy quay sang hỏi han Minh,
 
 
“Dạo này con đi hộ niệm nhiều, con có nên bớt những việc khác không?  Thầy thấy con có vẻ mệt mỏi và ốm hơn trước.”
Minh cảm động trước sự ân cần của thầy, suy nghĩ một lát rồi trả lời,
“Con cứ suy nghĩ về chuyện này mãi.  Nhưng trước khi vào tu, con đã nguyện là dù có cực khổ đau đớn đến đâu cũng một lòng cố gắng cho đến khi hiểu đạo, đạt đạo mới thôi, dù có phải hy sinh chính mình con cũng cam chịu.”
Giọng thầy Huệ vẫn đều đặn như tiếng của dòng sông,
“Thầy chỉ muốn nhắc con về chuyện căng dây đàn của đức phật.”
 
Tối đó khi Minh dùng giọng hát của mình để tụng kinh cho khỏi buồn ngủ, chàng chú tâm giữ lòng cho thật trang nghiêm, để lòng tôn kính vào từng câu, “A Di Đà Phật”, để tâm trí vào từng chữ, “…sắc bất dị không, không bất dị sắc…”.  Minh thấy lòng mình khoan khoái, càng tụng càng say mê, Minh thấy như mình đang biểu diễn một bản hát, lời kinh cứ như một bài tình ca mà chàng đã từng ưa thích vang lên…vang lên trong đêm vắng, tranh đua với tiếng cóc, nhái, ễnh ương,…
 
Ông Chúc không kìm được sự bực bội, than phiền với thầy Huệ,
“Cái bà Bảo thật làm xấu mặt chùa mình.  Cả mấy chục năm nay chùa mình nghèo mà có tai tiếng gì đâu.  Ban hộ niệm bây giờ cũng chia năm xẻ bảy.  Cũng may là phần lớn phật tử ở đây và thầy vẫn luôn luôn tốt, nếu không chắc con đi chùa khác hay ở nhà luôn quá.”
Thầy Huệ  khuyên nhủ,
“Ông Chúc à, không có cái quả nào mà không đến từ một cái nhân trước đó.  Nếu mình không giúp được bà ta thì hãy coi như bà ta đang giúp mình.  Đừng có phiền lòng vì nó nhiều quá sẽ có hại cho việc tu hành.”
Chiếc xe đã chật người, nhưng bà Bảo vẫn cố chen lên.  Các bà trên xe la lên phản đối.  Bà Bích dẫu môi,
“Thôi bà Bảo ơi, xe chật cả rồi, xuống đi, để lần sau tôi nhường cho.”
Bà Bảo vừa chen lên vừa trả lời,
“Ối dào, có chật gì đâu.  Các bà chịu khó nhích vào một tí là có chỗ cho tôi rồi, còn không tôi ngồi dưới sàn cũng được.  Mình đi tụng kinh cho người để lấy phước thì chật một tí đã sao nào.”
Bà Lan nói mỉa,
“Ấy bên thầy Huệ cũng có một đám sao hồi nãy bà không theo để làm phước.  Hay là…”
 
Bà Hoàng cướp lời,
“Có mà năn nỉ bà ấy cũng chẳng đi.  Bây giờ đi với thầy Minh thì có đủ thứ, ăn uống thỏa thuê, mà lại có tí quà thì ai mà chẳng muốn.  Ngược lại ngày xưa …”
Ông Phú vừa lái xe vừa nói chõ xuống,
“Ôi mấy bà ồn quá.  Để tôi và anh Nam coi lại rồi chia ban hộ niệm thành từng nhóm cho rõ ràng là hết cãi.”
Nghe thế các bà càng ồn hơn, bà Bảo to tiếng,
“Cái gì cũng phải công bằng mới được.  Tôi theo sau nhưng hết lòng với thầy Minh, có thầy đây làm chứng cho.  Ông phải để tôi vào ban hộ niệm của thầy Minh mới đúng.”
Các bà khác nhao nhao lên cãi, ông Phú can thiệp,
“Các bà nhỏ mồm cho thầy nghỉ.  Thầy đã mệt nhọc cả ngày đêm, chỉ mới có nhắm mắt một chút mà đã không yên với mấy bà rồi.”
Minh vẫn nhắm mắt dưỡng thần như những lần khác đi theo ban hộ niệm.  Chàng cố gắng tĩnh tâm, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác dễ chịu về những lời khen càng lúc càng nhiều và càng quá đáng của ban hộ niệm.  Tuy có đôi lúc Minh thấy mắc cở về những lời khen này, nhưng thường thì chàng làm ngơ làm như không nghe thấy.
Tiếng ông Phú vọng lên căn dặn,
“Hôm nay là ngày quan trọng, tôi dặn mấy bà lần chót.  Người quá cố là cha ông quận trưởng.  Đám này lớn lắm, nhiều người chức phận tới dự, mấy bà đừng làm gì để mất mặt chùa, mất mặt thầy Minh hay mất mặt tôi là tôi không nể đâu.”
Bà Lan kéo dài giọng nói,
“Ai cũng biết rồi ông khỏi phải nhắc.  Miễn là không có người thấy đồ ăn ngon lén lấy thêm mang về nhà thì chẳng có gì mà mất mặt.”
Ông Phú liếc thấy Minh cau mày, vội nói,
“Thôi!  Bỏ qua hết đi.  Mọi người cứ làm theo lời thầy Minh dạy thì chẳng có ai dám nói gì.  Nhớ đấy!”
 
Quận trưởng Tưởng ra tận cửa đón ông Tín, cám ơn ông Tín về lời chia buồn rồi đưa ông lên thư phòng ở lầu trên.  Vừa mở cửa phòng đã nghe tiếng ông Kiếm, quận trưởng quận hai,
“…tôi vẫn không đồng ý với việc mời thầy Minh tụng kinh cho bác.  Anh ta chưa có chức vị gì mà còn trẻ quá.”
 
 
Ông Tín nhìn quanh toàn bè bạn cả, ông chào mọi người rồi tham gia ngay vào câu chuyện đang diễn ra sôi nổi,
“Khoan, khoan, đợi anh Tưởng kể thêm đã.  Mới đầu tui cũng nghĩ như anh vậy.”
Ông Tưởng mặt mày nhăn nhó,
“Thì cũng như tui nói cho mấy anh nghe cả tuần nay rồi.  Thiệt rầu, trong nhà hổm rày cũng vì chuyện này mà lộn xộn quá trời, nhưng mà bà già bả quyết định rồi ai dám cãi.  Tất cả là tại bà dì, bả đi chùa tối ngày rồi nghe người ta ca tụng ông thầy Minh này, bả mới tới nghe rồi mê luôn.  Rồi rủ bà già tui đi…”
Giọng ông trở nên nghi hoặc,
“…nhưng mà lạ nhe, tui bực quá đi dò mới nghe nhiều chuyện lạ về ông thầy này.  Mấy người đi theo ổng coi ổng như thần thánh.  Rồi nhiều người kể, nhiều gia đình được ổng tụng niệm nói họ nằm mơ thấy người thân được đầu thai hay giải thoát sớm…”
Nhìn một số người bạn lắc đầu tỏ vẻ không tin, giọng ông Tưởng trở nên hăng hái,
“…ờ mà cũng không dễ đâu nghe, bây giờ ổng nổi tiếng nhiều người đặt cọc.  Nếu Thượng Tọa Thanh không nể tình gia đình tui mà ép ổng thì ổng cũng đi tụng nơi khác bữa nay rồi.  Nhưng để mọi chuyện êm xuôi tui cũng nhờ mấy Thượng Tọa, Đại Đức bên chùa Quốc Tự đến tụng trước.”
Trung tướng Long lên tiếng,
“Chắc cũng mấy người nghèo, mê tín dị đoan mới mời anh ta thôi chứ trong đám mình tôi mới nghe có anh mời anh ta lần đầu tiên. Mà anh nói thượng tọa Thanh phải ép anh ta.  Tôi tưởng anh phải nói, anh ta mong được làm lễ cho bác trai?”
Ông Tín đứng đó trầm ngâm nhớ tới cảnh bà Chữ và thầy Minh quỳ đối diện nhau hôm nào.  Ông  nóng ruột muốn tận mắt thấy Minh cử hành buổi lễ, chen vào nói,
 “Không, anh Tưởng nói đúng đó.  Nếu tôi không lầm về thầy Minh thì nếu thượng tọa Thanh không ép thì chắc không mời được đâu.”
Ông Tước, bộ trưởng bộ giáo dục chen vào,
“Tôi thì thấy anh Long nói đúng.  Tôi cũng mới nghe tới tên anh ta lần đầu.  Để xem anh ta làm ăn ra làm sao.”
 
Minh hơi cúi đầu, mắt nhìn thấp, nhịp chân đều nhưng không quá chậm, dẫn đầu bước về phía quan tài.  Ban hộ niệm mặt mày nghiêm trang, đi sát vào nhau dưới cặp mắt quan sát của những người ăn mặc sang trọng dự đám tang.  Tang gia đông đúc đứng phía sau và dưới chân quan tài, bạn thân ông Tưởng, cùng nhiều người nghe phong phanh về chuyện của
 
Minh, tò mò quan sát họ.  Đâu đó những câu, “…đẹp trai quá…”, “…trẻ quá…”, được nhắc tới nhiều lần.
Cũng như những lần khác, Minh tiến hành nghi lễ ngay sau vài lời chia buồn với tang quyến, rồi chàng nghiêm trang, thành kính thi hành bổn phận của mình, không chú ý tới hoàn cảnh xung quanh.  Và khi Minh cất tiếng tụng niệm, lời kinh không còn là tiếng ê-a, một hình thức tôn giáo giống như khi các vị Thượng Tọa, Đại Đức của chùa Quốc Tự tụng nữa.  Cùng với khuôn mặt và hành động của Minh, lời kinh vang lên như xuất phát tự một tấm lòng đã tin trọn vẹn vào lòng từ bi của đức Thế Tôn, vào sự dẫn dắt của người đưa vong linh tới miền an lạc.  Giọng Minh truyền lời kinh vào tim của người nghe, mang bình an tới cho tất cả mọi người.
Trung tướng Long chăm chú nhìn Minh từ đầu đến chân, từ nét mặt tới cử động của ngón tay.  Ông lắng nghe những lời bình phẩm của người khác.  Ông hài lòng trước sự khép nép của ban hộ niệm nghèo và cau mày trước thái độ dửng dưng của Minh.  Ông hơi tức giận vì so với thái độ cao quí và khiêm cung của các thượng tọa, đại đức chùa Quốc Tự, Minh làm ra vẻ ta đây để che thân phận hèn mọn của mình.  Ông lẩm bẩm tán thưởng giọng chàng khi Minh bắt đầu tụng niệm, nhưng khó chịu với cách tụng như hát.  Ông nhìn xung quanh và cảm thấy mọi người đang bị lừa gạt.  Nhưng họ đã quá nghiêm trang và ông biết rằng phá vỡ niềm tin của đám đông xuẩn ngốc là một hành động ngu ngốc gấp bội, vì thế ông đứng yên và quan sát thêm để có bằng chứng thuyết phục bạn bè.  Một lúc sau, ông lơi cảnh giác và tức thì bị lôi cuốn vào tiếng tụng kinh của Minh.  trung tướng Long thấy đầu óc dịu lại, nhớ lại những giây phút thanh thản hiếm có trong đời, những giây phút ông nghe những bản nhạc ưa thích trong yên lặng, những giây phút mà ông không phải tìm kiếm một lý do chống đối để khẳng định chính mình.  Ông Long cảm thấy khuôn mặt mình giãn ra, hạnh phúc, nhưng ông lại sợ người ta thấy ông như vậy lại nghĩ là ông tán thưởng thầy Minh, nên ông nghiêm nét mặt lại.  Một lúc sau ông lại thấy cảm giác bình an trở lại, ông len lén nhìn xung quanh và an tâm khi thấy không ai chú ý đến mình.  Ông liếc sang các bạn và thấy họ đều đang chắp tay, cúi đầu; từ đó ông không suy nghĩ thêm nữa mà để mình làm theo mọi người.
Ông Tín chắp tay trước ngực, chìm trong tiếng tụng kinh, một lát sau tò mò liếc sang thì thấy trung tướng Long, bộ trưởng Tước cũng chắp tay trước ngực—bây giờ ông đã biết tại sao.  Thầy Minh là một cục nam châm và giọng thầy là liều thuốc phiện.
Một tuần sau lễ an táng, ông Tưởng tiếp các bạn thân của mình ở thư phòng.  Ông Tưởng thở dài một hơi, rót cho mình một ly rượu vang rồi thả mình xuống ghế cạnh cửa sổ.  Ông Tín lên tiếng xua bầu không khí nặng nề,
“Mấy anh thấy thầy Minh thế nào.  Tôi thấy bác gái có vẻ mến thầy nhiều.”
Ông Tưởng nói,
“Mến gì mà mến!  Phải nói bả mê thầy Minh mới đúng.  Nhưng tui cũng mừng, thẩy nói gì bả cũng nghe, mà thầy nói toàn những điều hay mới độc chứ.  Hai hôm trước bả nằng nặc đòi tui đưa lên chùa trả lễ…”
 
Tướng Long xen vào,
“Ừ, bà xã tui và bà già cũng muốn lên tụng kinh với thầy Minh.”
Ông Tưởng ngăn,
“Khoan đã.  Cái chùa nhỏ, nghèo lắm.  Mình đưa mấy bả lên đó hơi bất tiện.”
Bộ trưởng Tước đưa ý kiến,
“Vậy thì mình phải làm gấp mới được.  Bà xã anh Long đã muốn đi thì chắc bà xã tôi cũng theo đuôi liền đó.”
 
Ông Nam nhìn vào cuốn sổ chi thu mà không tin vào mắt mình, ông ngửng đầu nhìn lên thấy thượng tọa Thanh mở miệng cười hớn hở,
“Ông ngạc nhiên lắm phải không.  Tôi cũng vậy.  Số tiền cúng dường này chỉ để dành mua thêm đất, xây lại chùa—tất cả: từ chánh điện đến tăng phòng.  Nay mai sẽ có kiến trúc sư tới cho mình chọn kiến trúc mới của chùa.  Vị ân nhân tạm thời không ra mặt chỉ cho người đại diện báo cho mình biết.  Ông đoán thử xem ai cho mình và tại sao?”
Ông Nam trả lời ngay,
“Bạch thầy chả cần đoán con cũng biết là tại vì thầy Minh, còn người cho thi con nghĩ chắc là ông quận trưởng Tưởng, nhưng con không ngờ gia đình ổng giầu dữ vậy.”
 
Thượng tọa Thanh tiếp ông Tín tại tăng phòng của thầy.  Gian phòng bày biện và trang trí gần giống hệt như tăng phòng của Minh.  Họ ngồi đối diện ở bộ xa lông cuối phòng, thượng tọa Thanh vui vẻ than phiền,
“Chúng tôi rất biết ơn ông Tín cùng bạn bè đã giúp cho chùa trở nên to lớn, trang nghiêm xứng đáng cho phật tử các nơi tới cung bái.  Trời phật sẽ trả ơn cho các ông và gia đình nhiều lần hơn thế.  Duy có điều là chúng tôi tu hành đã lâu không quen với tiện nghi sang trọng nên có hơi bỡ ngỡ.  Nhất là thầy Mình một hai đòi ngủ lại trên cái giường cũ và chỉ cần bộ bàn ghế gỗ để tiếp khách.”
Ông Tín hơi cau mày, trả lời,
“Thưa thầy, tôi thấy là mấy thầy chưa quen thôi.  Ở những chùa lớn khác chuyện ấy là thường.  Ở đó, các vị hòa thượng, thượng tọa thường xuyên phải tiếp các cụ lớn tuổi, sang trọng, sức khỏe kém cần  đủ tiện nghi ở các mọi nơi.  Bây giờ chùa mình cũng lớn, cũng nổi tiếng, chẳng bao lâu nữa các thầy sẽ phải tiếp các cụ như vậy nên mình sửa soạn trước là vừa.  Mình giúp cho các cụ ấy được thoải mái, được mạnh khỏe tu hành thì mấy cụ giúp lại chùa mình nhiều lần hơn nữa.  Với lại mấy thầy tu hành cực khổ cũng phải có chút tiện nghi để giữ gìn sức khỏe.”
 
Thượng tọa Thanh tỏ vẻ hiểu biết,
“Tôi đồng ý với ông Tín.  Cái vấn đề là thầy Minh còn trẻ, chưa hiểu đời.  Thầy nói nếu tôi không cho đổi thì thầy sẽ nằm đất.  Thầy ấy còn phân bì với đại đức Huệ …”
Ông Tín nóng ruột cắt ngang,
“Tôi nghĩ thầy Minh chỉ nên chú trọng vào việc tu hành của chính mình, không nên so bì với thầy Huệ làm gì.  Thầy thử khuyên giải thầy ấy như tôi nói thử xem.  Hay mình cứ để như vậy một thời gian cho thầy ấy quen đi.”
Thượng tọa Thanh có vẻ khó xử,
“Tôi và cha mẹ thầy Minh đã khuyên nhiều lần rồi.  Nhưng được, chúng tôi sẽ cố gắng thêm.  Tôi sẽ cho ông biết.”
Ông Tín cáo từ ra về nhớ lại chính mình đã đề nghị với nhóm bạn hữu về việc ép thầy Minh có một tăng phòng sang trọng.  Ông tò mò muốn biết đạo hạnh của Minh đã đến đâu.
Tối hôm đó, thượng tọa Thanh gọi đại đức Huệ và Minh lên nói chuyện.  Câu chuyện chấm dứt khi đại đức Huệ nói,
“Ai mà có thể giữ tâm trong sáng giữa nhung lụa thì sự thành đạo rất cao lớn.  Con tự cảm thấy mình chưa đạt tới mức đó nên không dám nhận lãnh.  Ngoài ra con cảm thấy mình không có công trong chuyện này.”
Lần đầu tiên Minh thấy không phục và muốn làm trái ý thầy Huệ, chàng quyết định chấp nhận sống trở lại trong nhung lụa và giữ vững lòng tin của mình.
Ngay sau khi nói xong, đại đức Huệ biết mình sẽ phải sám hối rất lâu.  đại đức không hiểu sao đôi khi mình thua chính cái ngã của mình trong những trường hợp dễ dàng như thế này, đại đức tự nhủ,
“Cái ngã đó mạnh mẽ quá, nó luôn tiềm tàng trong mình chỉ chờ cơ hội để ngóc đầu lên.  Lâu nay mình ráng quá mức để kiềm chế nó có thể mình đã làm không đúng.  Không biết phải tu tập thế nào mới thoát được cái bản ngã xấu xí này?”
 
Trang lại thăm ông bà Đức, ba má Minh, một mình.  Trước khi đi nàng bảo Tâm,
“Em không muốn anh tới vì sự hiện diện của anh sẽ làm ba má anh Minh buồn vì nhớ lại anh ấy, chứ em không có ý gì khác.  Em không muốn thấy từ nay mỗi lần em thăm hai bác lại thấy anh mang cái mặt đám ma đó nữa.”
Trang hài lòng khi thấy Tâm nghe lời, lủi thủi bỏ về không dám cãi một tiếng.  Tâm biết Trang lâu lâu vẫn đến thăm ông bà Đức, tuy nhiên chàng làm như không biết.  Hôm nay Tâm muốn thử phản ứng của Trang.  Chàng làm như tình cờ biết được và muốn được đi cùng. 
 
Phản ứng của Trang mãnh liệt hơn Tâm dự trù.  Chàng ra về thấy tức tối đến nghẹn họng mà chẳng dám nghĩ thẳng là mình đang tức ai.  Tâm luôn cảm thấy mối tình của mình như một
cái bong bóng xà phòng lớn, cực đẹp và mong manh.  Lúc nào nghĩ rằng nó có thể sẽ vỡ là Tâm cảm thấy đau ở ngực.
Sau này thấy ba má Minh bớt buồn và cuộc tình với Tâm thêm sâu, Trang đã đỡ nhớ Minh.  Lòng nàng vẫn chua xót khi thầm cầu nguyện cho Minh được đắc đạo, nhưng nàng ước gì mình có thể cầu cho Minh xuống địa ngục.  Gần tới nhà Minh, Trang thấy dì Ba đứng đợi bên hai chiếc cổng sắt mở rộng và ông bà Đức đang bước lên xe, Trang hớt hải bấm còi inh ỏi.  Đợi khi xe nàng đến bên cạnh, bà Hoa vui vẻ hỏi,
“Cháu đến thiệt đúng lúc, hai bác đang đinh lên chùa thăm thằng Minh, cháu có rảnh không đi cho vui.  Hôm nay trên chùa lễ lớn, vui lắm”
Tiếc cho công lao đến thăm, và cũng chẳng có gì làm trong buổi chiều, Trang hồi hộp nhận lời; nàng chưa hề đến thăm Minh sau lần đó.
Chùa đông nghẹt người, dù công trình xây cất đã gần xong, nhưng vật liệu vẫn còn để ngổn ngang chắn lối làm buổi lễ càng thêm vui vẻ, lộn xộn.  Những người trẻ hãy còn tìm cách nói chuyện, nhìn ngắm nhau; trẻ con chạy chơi khắp nơi.  Trang bước theo ông bà Đức vào chánh điện rộng lớn với tám cột bê tông với hình rồng đắp nổi.  Dưới chân các tượng phật và kệ thờ là một bậc thềm cao hơn; phía dưới sàn nhà xếp chừng cả trăm cái bồ đoàn.  Phần lớn các cụ già đã ngồi rải rác trong chánh điện với bạn bè hay gia đình nói chuyện to nhỏ với nhau.  Trang ngại ngùng nhưng vẫn theo ông bà Đức ngồi gần chỗ đối diện với bậc thềm cao; tim nàng lại một phen đập nhanh khi tưởng tượng xem Minh sẽ ngồi ở đâu.
Giây phút quan trọng rồi cũng tới, ông Nam đứng thẳng, hướng vào phía hậu điện thông báo,
“Xin mời quý vị phật tử đứng dậy, cung kính cung thỉnh chư tăng.” Thượng tọa Thanh dẫn đầu một phái đoàn hơn hai chục tăng ni chùa Phật Quang và chùa bạn tươi cười giơ tay vẫy chào mọi người.  Trang dõi mắt tìm thấy Minh đi gần cuối hàng gần thầy Huệ.  Trong phút chốc, Trang muốn mọi thứ trở lại như ngày xưa; trong phút chốc, nàng biết, nàng không nên đến đây.
 
Cuối cùng Minh cũng thấy nàng, chàng hơi mỉm cười ngạc nhiên, hơi cúi đầu như chào hỏi, nhưng không đợi câu trả lời mà lại mau chóng nhìn xuống khoảng không trước mặt của mình.  Trang thất vọng vô cùng, ánh mắt chàng như có nhận ra một người quen cũ—một người quen không mấy thân thiết.
Trang đã nhiều lần muốn bỏ ra ngoài, nhưng vẫn cố ngồi lại.  Nàng ngắc ngứ ê a theo mọi người, nhưng cứ liên tục liếc nhìn về phía Minh trong vô vọng.  Trang khổ sở…Trang giận dữ…Trang tội nghiệp cho chính mình…Lâu lâu tim nàng nhói lên, bụng nàng thắt bóp, thái dương đau nhức…Nàng muốn khóc giữa những lời xưng tụng lòng từ bi của đức phật đến muôn loài.  Nhưng Trang phải dồn nén tất cả, và trước những khuôn mặt an vui của mọi người trong ngày lễ lớn, nàng không những cảm thấy bị hành phạt mà còn bị ruồng bỏ—Trang đã tìm thấy địa ngục của mình ở gần niết bàn.
         
Như một nghiệp chướng, như một người cai ma túy trở lại hút lần đầu, Trang trở lại chùa một mình buổi sáng hôm sau.  Nàng giả vờ như người vãn cảnh, nhưng cặp mắt liếc vội và chân bước nhanh qua những chỗ không có Minh.  Tới gần trưa Trang tuyệt vọng ngồi nghỉ trong phòng họp.  Từ phía sau vọng lên giọng tiếc nuối lẫn chút bực bội của một người đàn bà đứng tuổi,
“Gớm, tôi chỉ chậm một chút là mấy bà ấy đã tranh nhau lấy mất chỗ đi hộ niệm với thầy Minh hôm nay…”
Người bạn bà ta cắt lời,
“Bà Bảo à, lần nào thầy Minh đi hộ niệm cũng có bà.  Lâu lâu cũng nên nhường cho người khác với chứ.  Nếu bà muốn làm công quả thì thiếu gì việc để làm, cần gì cứ phải theo thầy Minh mới được.”
“Ấy tôi có muốn theo thầy ấy đâu.  Bởi vì tôi ở trong ban hộ niệm của thầy nên tôi phải đi thế thôi.  Cái đáng trách là người khác không phải trong ban hộ niệm mà cũng dành kìa.”
Một người đàn ông xía vào,
“Ôi mấy bà, mấy cô cứ thấy thầy Minh là xúm vào như ong bu mật.  Lần sau bà có muốn theo thì tới sớm.  Tới đúng giờ thì đừng hòng chen nổi với mấy cô tre trẻ.”
Một cụ già lên tiếng trách,
“Các ông các bà không sợ có tội à, nói xấu thầy Minh lúc thầy không có mặt?  Tôi chưa thấy thầy một lần nhìn bà nào, nhìn cô nào hơn một lần.  Không có thầy thì chùa này còn lâu mới được như vầy.  Nếu các ông bà không thích thì cứ tới chùa khác mà giúp.”
Bà cụ già dường như có chút địa vị ở đây, Trang nghe người đàn ông cười giả lã, nói cầu hòa,
“Thưa cụ con có dám nói gì đâu.  Uy tín và đạo đức thầy Minh thì cả nước ai mà chẳng biết.  Nói chi tới đàn bà con gái, con thấy cả các ông quận trưởng, bộ trưởng còn kính phục thầy chưa hết nữa mà.”
Bà cụ có vẻ hài lòng,
“Ông nói đúng đấy.  Tôi nghe mấy ông ấy thuyết phục được thượng tọa Thanh phong thầy làm Đại Đức mà thầy còn chưa chịu.  Tôi thật may, mãi đến cuối đời lại có phước theo hầu một người như thầy.”
Trang có cảm tưởng như đang ở trên mây, có cảm tưởng như họ đang khen gián tiếp về nàng.  Một người nàng đã từng ôm trên tay, từng nói những tiếng âu yếm với nàng, hôm nay là thần tượng của mọi người.  Minh trong lòng nàng như tỏa ra hào quang sáng chói.  Chập chờn trong trí óc nàng, hình ảnh công chúa Da Du Đà La (Yashodara, tên vợ của đức phật) đang thành kính chăm sóc cho Đức Thích Ca Mâu Ni.
 
Cách vài ngày Trang lại lên chùa một lần cho đến khi Tâm nghi ngờ và theo dõi, chàng không tìm được một điều gì đáng trách từ Minh.  Lúc nào có dịp Tâm cũng ráng tâng bốc Minh trước mặt Trang, và mỗi lần như vậy những nỗi giận vô cớ bốc lên gần như không kìm chế được.  Tâm sống trong hoảng loạn, chờ đợi một thảm họa mà chàng tin chắc chắn sẽ xảy ra.
 
Những người bạn của Bích phải bước lui lại tránh đường cho người đi ngược chiều.  Bích có vẻ thông thạo nói,
“Bây giờ chùa lúc nào cũng đông người, vậy mà cách đây chừng hơn hai năm nó vắng như chùa bà đanh.”
Thắm chu cái môi son đỏ, làm điệu với một nam phật tử đi ngược chiều đang nhìn mình chăm chăm, điệu bộ nói,
“Chắc nhờ có thầy Minh.  Nếu không có thầy tu ở đây chắc tui cũng hổng tới.”
Cô Điệp hăm dọa,
“Tui cảnh cáo bà đó nhe.  Quyến rũ người tu hành là tội nặng lắm đó nhe!”
Cô Thắm quay đầu nhìn theo chàng thanh niên trẻ tuổi đang bước qua, dù mắc cở nhưng mắt không rời khỏi nàng, giọng lẳng lơ,
“Nếu là người tu hành thiệt thì mười tui cũng không dụ dỗ được.  Chỉ sợ khi tui mới tới gần thì ổng cũng, ngoài miệng nam mô mà trong bụng thì quánh lô tô, thì ráng chịu thôi.”
 
Nghe có khách tới, Minh ráng giương mắt lên, và định ngồi lên tiếp, nhưng Thắm đã nhanh nhẹn bước qua tất cả ngồi bên bờ giường, dịu dàng nhấn vai Minh xuống trong tiếng khuyên ngăn của mọi người,
“Trời ơi, thầy ngồi dậy làm chi, cứ nằm nghỉ ngơi đi.  Tui…tụi con đến thăm mà thầy phải ngồi tiếp thì kỳ tới tụi con không dám tới đâu.”
Minh hơi nhấc người ra khỏi tay Thắm và nhúc nhích người mỗi khi bàn tay Thắm chỉ chờ những cơ hội để đụng chạm vào người chàng.  Minh không sợ những đụng chạm đó.  Sau này Mình phải đối phó với những đụng chạm phần lớn là cố ý từ nữ phật tử gần như mỗi ngày.  Rất ít trường hợp làm Minh rung động, thường thì chàng cười vào những cám dỗ sơ đẳng đó và thấy thương hại cho họ—thương hại cho họ đã gặp phải một vị chân tu.  Trong căn phòng tăng lữ, rộng rãi, sang trọng còn mới mùi sơn, chiếc giường của Minh rộng gấp ba chiếc giường cũ.  Sa tanh phủ trắng tất cả, mịn màng, tinh khiết, cao cả và mời gọi.  Minh nắm sát vào trong một chút để Thắm và Bích ngồi ở lề giường.  Mặt chàng quay nghiêng, tiếp chuyện họ.
 
 
Thắm thấy trên chiếc giường phủ sa-tanh trắng tinh khiết đó, nổi lên màu vàng quý phái của chiếc áo tăng, và trong đó là một thân thể hơi gầy, cao mà thanh thoát.  Ló ra phía dưới là hai bàn chân gầy với những ngón chân thon dài đẹp đẽ.   Và gối đầu trên cái gối sa-tanh trắng mịn là cái đầu trọc đẹp trai đầy nam tính, quyến rũ đến mức không cần đến sự trang điểm của mái tóc.
Vẻ sang trọng của căn phòng ở chốn tôn nghiêm gây cho Thắm cảm giác bị kích thích; vẻ kính trọng đến nịnh bợ của mọi người đối với một ông thầy chùa không chức vị làm Thắm xúc động, và khi nhìn thấy Minh thi Thắm nghe trái tim mình đập bình bịch, bình bịch liên hồi; nàng suýt bật ra cửa miệng những gì đang suy nghĩ trong đầu,
“Chời Ơi!  Chời ơi!  Đi tu có cần đẹp trai như dzậy hông trời?”
Thắm tranh nói với những người khác để được Minh chú ý dù chẳng biết mình nói gì, và nàng cũng chẳng biết giọng mình đã trở nên nũng nịu đến mức làm Bích phải mắc cỡ.  Nàng nói để ngăn sự xúc động, để không ai nghe được tiếng nàng đang suy nghĩ,
“Thầy Minh ơi, thầy là của con.  Thầy là của một mình con.  Người nào muốn chiếm thầy thì phải bước qua xác con trước.”
Ngay sau đó ý nghĩ của nàng chuyển sang,
“ Minh ơi, em yêu anh.  Hãy cho em hy sinh tất cả vì anh.” 
 
Thắm không thể kiểm soát được tư tưởng cũng như bàn tay nàng.  Cái bàn tay tìm đủ mọi cách để chạm vào người Minh, lúc thì bàn tay, bắp tay, rồi vai, rồi ngay cả bụng và ngực chàng.  Cũng may Thắm biết Minh không thích qua những cái ngọ ngoạy người, và cũng vì sợ Minh giận nên nàng không làm tới, nhưng mặt nàng nóng hừng hực, người như bốc lửa.
Minh chỉ muốn ngủ thêm một giấc, sự thiếu ngủ làm đầu óc chàng lâng lâng khó chịu.  Chàng hơi bực mình vì bị phá giấc ngủ trưa.  Từ lúc các cụ được phép vào tận phòng tăng đã làm thành một tiền lệ xấu cho các thầy và phật tử khác.  Phần lớn họ muốn gặp riêng Minh tại tăng phòng để cho mọi người thấy họ trung thành với chàng, như bà Bảo.  Nhưng vài nữ phật tử đã ngầm có thái độ thân mật quá mức với Minh khi họ có cơ hội ở riêng với chàng.  Thái độ suồng sã của Thắm làm Minh khó chịu thêm, chàng chưa biết làm sao thì may quá ông Phú có chuyện muốn nói.  Minh nhìn ông ta, mắt hơi nháy và tỏ chút bực mình.  Không ngờ ông Phú dường như hiểu được cái mệnh lệnh không lời đó, to tiếng mời mọi người ra ngoài.  Khi mọi người ra hết, Minh thở phào, và sau khi trao đổi với ông Phú vài câu, chàng trằn trọc tìm lại giấc ngủ.  Căn phòng mát rượi; dù vậy sức nóng giữa trưa tạo cảm giác ngột ngạt, và giấc ngủ cần thiết bị gián đoạn nửa chừng làm Minh không giữ được sự bình tĩnh thường ngày.  Chàng khó chịu với mùi nước hoa của Thắm còn sót lại; chàng bực mình với ý nghĩ Thắm đã coi thường mình, đã không thấy vẻ chân tu của mình và—nhất là: Thắm đẹp và hấp dẫn hơn tất cả mọi nữ phật tử chàng đã gặp.
Thắm sang trọng, giàu có vì những tình nhân của nàng giàu có, sang trọng, có quyền hành đang say mê nàng. Thắm phách lối và kiêu ngạo vì nàng biết mình qúa đẹp, qúa quyến rũ. 
 
Dẫu vậy Thắm vẫn là một người đàn bà Á Đông.  Thể xác và tâm hồn nàng làm đĩ chín phương, nhưng vẫn chừa một phương để tới chùa.  Có thể nàng đã tạo nhiều oan nghiệp; nên thay vì tìm thấy bình an ở chùa, nàng đã tìm thấy oan gia của chính mình.  Nàng đã thấy người làm cho nhịp tim nàng lỗi nhịp, làm ánh mắt nàng lạc thần và làm người nàng như bị thiêu đốt—thầy Minh—người đã nhìn nàng với cặp mắt thương hại!
Thắm chạy xe ra khỏi chùa với ánh mắt đó của Minh trong đầu, nàng tự hứa,
“Anh Minh ơi, không có ai được nhìn Thắm với cặp mắt thương hại đâu.  Nên dù em sẵn lòng đưa cổ chết chém thay cho anh, em sẽ làm nước mắt anh chảy ra từ cặp mắt hút hồn đó.”
 
Đầu óc Minh bị ám ảnh bởi Thắm, chàng cố nhớ tới chuyện đức phật và nàng Abhirupa Nanda để vượt qua sự cám dỗ <trích từ cuốn kinh…>
Nàng Nanda hãy nhìn
Tấm thân chỗ quy tụ
Nhiều bịnh hoạn bất tịnh
Đầy hôi hám thối nát
Tâm nàng hãy tu tập
Quán tri, tánh bất tịnh
Đạt cho được nhất tâm
Tâm tư khéo thiền định.
Hãy tu tập vô tướng
Hãy bỏ mạn tùy miên
Do thắng tri được mạn
Sư sẽ sống an tịnh.
 
Minh tụng bài kệ về nàng Nanda cho tới khi chàng nhìn được chính mình già nua như Ttọa Thanh và Thắm già như bà Bảo, đầy người ghẻ lở, hôi hám, chàng mới thấy sự bình an trở lại.
Ngày hôm đó Minh đã phải tụng bài kinh này nhiều lần, lúc thì ra miệng, lúc thì trong tâm tưởng.  Mỗi ngày bóng dáng Thắm mỗi mờ dần, Minh hài lòng với sự chiến thắng của chính mình, chưa bao giờ chàng gặp một cám dỗ lớn như vậy—đã có vài đêm Minh vật vã tìm giấc ngủ, dù mệt đến rã rời.
 
Chưa tới bốn giờ chiều thứ Bảy, chùa đã đông phật tử đến dự lễ sám hối.  Một số người đến sớm để có cơ may được dùng cơm chay với thầy Minh rồi sau đó nếu may mắn hơn được hầu chuyện với thầy.  Nhưng thấy Minh lại khác, thầy bồn chồn không duyên cớ; thầy đi tới đi lui lơ đãng chào hỏi, lơ đãng tiếp chuyện với tất cả, nhưng chẳng nói với ai lâu.  Chốc chốc thầy lại về phòng để hành thiền, hay vào chánh điện để tụng kinh.  Thầy Huệ thấy tất cả, mỉm cười thương hại Minh rồi tự trách mình đã để cái ngã lần nữa đánh bại mình, đại đức Huệ về phòng hành thiền và chỉ bước ra khi có người thông báo đã đến giờ làm lễ.
 
Minh theo các thầy vào chánh điện.  Ngay lập tức chàng nhìn thấy Thắm, nàng nổi bật lên trong đám phật tử dù chỉ với cái áo dài giản dị.  Tim Minh đập mạnh hơn.  Lần thứ hai chàng nhìn Thắm thì thấy Thắm đang liếc lại mình.  Minh nhìn thấy nụ cười trong đó…thấy sự mừng rỡ, si mê… và Minh gần như không biết mình đang ở đâu.  Chàng không thấy Trang đang ngồi đối diện bệ thềm ngưỡng mộ nhìn chàng, và chợt như có linh tính nàng quay ngoắt lại phía sau tìm kiếm.
Cái linh tính của Trang bén nhạy đến mức lần đầu tiên gặp Thắm trong phòng Minh nàng biết ngay đó là người có thể thay nàng làm công chúa Da Du Đà La.  Và dường như Thắm biết rõ Trang là tình cũ của Minh, nhưng không coi Trang bằng nửa con mắt.  Lần đó Thắm ỏng ẹo nói,
“Thầy Minh ui, nếu thầy có mệt mỏi thì để con đấm bóp cho nhen.  Con mới học lớp đấm bóp tuần trước.  Con đấm bóp đã lắm.”
Và dù cố gắng, giọng Minh vẫn không được tự nhiên, chàng nghiêm trang trả lời,
“Cám ơn cô Thắm, tôi không thấy mệt.”
Nhưng khi Trang hay các nữ phật tử trẻ khác đề nghị đấm bóp, chàng cười vui vẻ trả lời,
“Cám ơn Trang (hoặc Thúy, Bích, …), thầy chẳng có bao giờ mệt cả.  Chỉ có nghe mấy cô nói là thầy mới thấy mệt thôi.”
Thường thì trả lời Thắm xong chàng nhìn đi chỗ khác, nhưng Trang kín đáo thấy Minh ngầm liếc Thắm sau đó.  Còn Trang và các người khác, cái nhìn của chàng thẳng thắn.  Trang biết, Thắm cũng biết, cả hai đều biết Thắm đang chờ một dịp nào đó để ra tay.
Nhiều tháng nay, Trang cũng có một cố gắng tương tự.  Trước khi Thắm tới, những ý nghĩ đó chỉ tiềm tàng trong đầu, và nàng còn ráng xô đuổi khi nó xuất hiện.  Nhưng vài tháng nay, một sự so kình, một sự chạy đua ngấm ngầm, nhưng gấp gáp giữa hai người.  Lý do chính để Thắm không dùng du đãng dằn mặt Trang
 
Trang đang phụ rửa chén cùng các phật tử trụ cột khác sau bữa tối, đột nhiên nàng ngửng đầu lên theo dõi một bóng người tiến về phía tăng phòng—đúng là Thắm!  Thắm đang bước những bước mạnh mẽ và quyết đoán về phía đó.  Trang cuống quít rửa tay, lấy cớ đi vệ sinh, rồi vòng qua phía sau ép sát tai vào cửa sổ phòng Minh.  Phía ngoài đã tối và bóng cây che dấu Trang, nhưng trong phòng, qua ánh đèn mờ, Trang thấy Thắm đối diện với Minh.  Trang thở phào khi thấy hai người còn đứng cách xa nhau.  Gương mặt Thắm lộ vẻ lẳng lơ,giận dữ, van lơn, còn Minh thì vẫn cứ, hay đang cố gắng bình thản.  Trang không nghe rõ được họ nói gì, nàng quyết định đứng nhìn hai người và sẽ bỏ đi cùng lúc với Thắm.  May mắn thay, sau đó Trang thấy Thắm dang tay tiến lại trong khi Minh lùi và giơ tay cản lại, cùng một lúc tiếng Thắm lớn lên, vang ra, đứt quãng,
“….cho em một đứa con…”
 
Trang choáng váng muốn xỉu, tim nàng đập như trống làng, và nàng định xông vào ngăn cản hành động bất chính của Thắm, nhưng vì Minh lùi lại nên nàng cũng yên tâm chờ đợi.  Trang rủa thầm trong miệng,
“Con quỷ cái, mày mà làm hại…”
Ý tưởng xoay chuyển, đột nhiên Trang đổi ý—nàng muốn thấy Minh đầu hàng!  Nàng muốn thấy Minh phạm tội khi nàng có mặt.  Bên trong sức chống đỡ của Minh yếu dần, và Thắm đã để được tay mình trên hai vai Minh trong lúc hai người đang nói chuyện.  Lửa ghen bùng lên như thiêu đốt. Tim Trang lại đập như trống làng.  Bao nhiêu ý nghĩ trái ngược dồn dập, quay cuồng, nàng không biết mình đang suy nghĩ gì nữa.  Rồi dường như tất cả mọi thứ đều chao đảo, Trang chóng mặt kinh khủng.  Trang không muốn khuỵu xuống trong lúc này, hai tay nàng bám vào thành cửa sổ trong khi người cứ từ từ rớt xuống.  Khi Trang tỉnh dậy, không một tiếng động vọng ra.  Xung quanh nàng tiếng giun, dế, và vọng lại từ chánh điện là tiếng tụng kinh như xa như gần.   Nàng gượng đứng dậy, vịn thành cửa sổ nhìn vào căn phòng tối thui.  Thấy còn chóng mặt, Trang vội ngồi thụp xuống rồi gượng đứng lên ra về, không nghe thấy tiếng rên rỉ nho nhỏ phía sau bức tường gần chỗ nàng đứng.
 
Minh đầy phẫn nộ với chính mình, bước tới bước lui trong căn phòng.  Đầu óc như muốn nổ tung lên, và tim chàng đau với từng ý nghĩ,
“Tại sao mình lại có thể đầu hàng dễ dàng như thế trước Thắm?  Thế ra những tu tập cố gắng bao nhiêu năm nay chỉ được có thế thôi?  Thế mà lâu nay mình vẫn tưởng mình vẫn tưởng mình là vị chân tu, sắp sửa thành chánh đạo đến nơi rồi.  Thế mà mình dám có lúc nghĩ là mình đã hơn Đại Đức Huệ và nhiều thầy khác.  Thầy Huệ đã từng cảnh cáo mình về cái ngã, mà mình vẫn khinh thường.  Mình cứ tưởng mình sắp thành quả La Hán tới nơi,…”
Minh rủa xả mình, càng lúc càng bị khích động, muốn lớn tiếng khóc mà không được,
“Ai là người gây tiếng động ngoài cửa sổ?  Mình chẳng thấy ai, nhưng chắc chắn là có người theo dõi và gây tiếng động lúc mình sắp đầu hàng Thắm.  Người đó là ai?  Thầy Huệ?  Trang?…Ai??  Liệu họ có mang chuyện kể cho tất cả mọi người hay không?  Người ta sẽ nhìn mình bằng cặp mắt gì??”
Minh muốn điên lên chàng muốn đập phá một cái gì đó, đôi mắt chàng dừng lại trên chiếc bình bông, trên bàn giữa bộ xa lông.  Thay vì cầm bình bông ném xuống cho dịu cơn điên, trong vô thức, Minh nhấc lên cái bông hồng rực rỡ, đẹp nhất, và thơm nhất.  Ngón tay cái của Minh vướng vào gai buốt nhói.  Minh cầm bông hoa lên, đưa bàn tay mình lại gần nhìn màu đỏ của máu và màu đỏ thẫm của bông như màu son môi của Thắm.  Bỗng chàng chợt nhớ ra— Minh đặt cuống hoa giữa lòng bàn tay và bóp mạnh.
 
Một cơn đau nhức buốt chạy thẳng lên óc, Minh buông rơi bông hoa xuống sàn, nếu không kịp cắn   răng vào tay áo thì chàng đã la thất thanh rồi.  Ngoài cái đau ra, Minh không nghĩ được gì khác, chàng lại ngồi cạnh thành giường, ghì cổ tay, nhìn vào bàn tay đầm đìa máu. 
 
Khi cơn đau dịu xuống Minh mới chợt nhớ là chàng đã quên Thắm, Trang, thầy Huệ và tất cả những gì vừa xảy ra.  Chàng nhặt cái bông lên, bước lại tắt đèn, cởi chiếc áo tăng bào bước đến cạnh tường ngồi thiền.  Minh ngoái tay để cái bông hồng giữa bức tường và lưng mình rồi từ từ ép vào, chàng nghiến răng rên rĩ nhè nhẹ theo từng cử động—trong Minh chẳng còn gì ngoài những cơn đau buốt óc.
 
Hôm sau khi thầy Huệ thấy cái băng tay đẫm máu của Minh và vẻ mặt mắc cở của chàng, thầy đã đoán ra gần hết câu chuyện.  Hai người đã từ lâu không còn uống trà chung với nhau nữa.  Minh cúi đầu thưa với thầy Huệ,
“Xin thầy nói với thượng tọa và mọi người là con không được khỏe, con sẽ tu tập trong phòng vài ngày.”
Thầy Huệ gật đầu,
“Ừ, con đừng lo, thầy sẽ xin cho và nhờ người mang cơm vào phòng cho con.”
Suốt ngày hôm đó thầy Huệ nhớ về vết thương của Minh.  Thầy nhớ tới lúc Minh vào chùa, sự thành tâm của chàng, sự tận tụy và lòng thương của chàng đối với mọi người.  Rồi thầy nhớ lại những cám dỗ mình đã trải qua thời trai trẻ.  Thầy so sánh và thấy chúng nhỏ bé trước những đối tượng mà Minh đang gặp.  Lòng thầy nổi lên tình thương vô hạn, và nguyện thay Minh chịu cái đau thể xác để giúp Minh phần nào khi đối diện với cái nghiệp của chàng.  Khi thầy Huệ vào thiền buổi tối, thầy nghĩ về nỗi đau của Minh, ngay lập tức thầy thấy cảm giác nhức buốt từ lòng bàn tay và lưng.  Thầy hiểu, cắn răng chịu đựng và ráng tiếp tục trú tâm trong lòng từ bi.  Nhưng cái đau bất thình lình làm mất sự tập trung—trong nháy mắt mọi chuyện đã trở lại bình thường.  Thầy Huệ muốn hét lên vì sung sướng dù chưa bao giờ phải chịu đựng một cái đau ghê gớm đến như vậy—thầy lờ mờ thấy mình vừa trải qua một kinh nghiệm để phá vỡ cái ngã kinh tởm.  Từ đó trở đi bất cứ lúc nào rảnh rỗi là thầy chú tâm nguyện, xin nhận chia xẻ những đau khổ thể xác của Minh.
 
Minh nghiến răng cắt một cành hồng khác.  Mỗi cử động còn làm những vết gai đâm cũ đau nhức, Minh thấy sợ những chiếc gai của những bông hồng đẹp đẽ này, nhưng chàng không làm khác được.  Mấy ngày hôm nay, chàng vẫn ngửi được mùi hương của Thắm, vẫn còn nổi gai ốc khi nhớ tới lúc Thắm sắp ôm lấy mình, và vẫn còn thở mạnh khi tưởng về bóng dáng của nàng.  Minh đã đọc thêm không biết bao nhiêu bài kinh, đã thiền không biết bao nhiêu giờ, nhưng chỉ có những cái gai này mới trị được dục vọng trong người chàng.  Minh vẫn nghĩ hành hạ xác thân để kiềm chế dục vọng không phải là phương pháp đức phật khuyến khích nên chàng vẫn cố gắng hành thiền để tìm đường thoát.  Đôi khi chàng thấp thoáng thấy có một cách, nhưng trước khi chàng nhận biết được điều gì thì nó lại bay mất.
Minh đang sắp xếp những bông hồng vào bình thì Thắm bước vào, mặt nàng hớn hở, tươi vui.  Bao nhiêu mơ tưởng đẹp đẽ đang gần trong tay với, giọng Thắm dịu dàng gần như lời thì thầm,
 
“Thầy Minh…anh Minh.”
Minh không quay lại ngay.  Bao nhiêu cảm xúc khác biệt làm Minh run rẩy.  Vết thương của gai buốt lên khi Minh đứng thẳng và quay người lại đột nhiên làm chàng nổi giận, Minh gằn giọng,
“Tại sao cô còn trở lại?  Tôi tưởng cô không còn mặt mũi nào nhìn lại tôi lần nữa.”
Không ngờ phản ứng và lời nói đầu tiên của Minh sau bao ngày không gặp lại như thế, Thắm thấy đau, thấy tức, và nước mắt như chờ sẵn đã trào ra.  Tuy vậy Thắm vẫn lấy hết can đảm, quay lưng, khóa cửa phòng, trước khi tiến đến đối diện với Minh.  Minh liếc vội lên những hạt nước mắt trên khuôn mặt đẹp, và lên thân hình mà chàng vẫn mơ thấy hàng đêm rồi nhanh chóng cúi xuống, người chàng run lên, chàng lạnh lùng nói,
“Hay cô tưởng cô có thể thắng tôi?  Cô tưởng với cái thân hình như thế cô có thể cám dỗ được tôi?  Cô lầm rồi.  Tôi đã từng ôm ấp hàng trăm lần cái thân hình như vậy mà vẫn bỏ đi được.  Đừng nghĩ là mình đặc biệt hơn người.  Tôi không coi cô ra gì đâu.”
 
Thắm chỉ có khóc và cũng không dám khóc lớn—nàng thấy đau đớn, thấy nhục nhã vì lời nói của Minh.  Nàng nghĩ Minh bất công với nàng vì nàng cảm được sự xúc động của Minh khi gặp nàng.  Thắm có thể cảm thấy được sự ham muốn làm người Minh rung lên từng nhịp, cảm thấy được lòng thương nhớ qua từng câu chì chiết, nàng chỉ không hiểu tại sao người ta phải chống đối lại tình yêu; nhưng Thắm không dám cãi, nàng giữ tất cả trong lòng, chỉ cầu khẩn,
“Em đâu có dám làm hại anh đâu, anh Minh.  Em chỉ muốn xin anh một đứa con thôi mà.”
Minh muốn cười mà không cười nổi, không hiểu sao đàn bà thường không thấy những mâu thuẫn trong lời nói của họ, nhưng bây giờ chàng có cảm giác mình hiểu nàng, hiểu cái si mê đáng sợ mà chàng đang chiến đấu với.  Chỉ giọng nói thôi chàng đã thấy sự khẩn cầu, van lơn, và khi nhìn vào đôi mắt kia, chàng thấy tận cùng của sự mong muốn, sự sẵn sàng đánh đổi tất cả, bất chấp kết qủa sẽ ra sao, và Minh thấy sợ.  Chàng biết rằng chỉ một lần thôi, một lần này thôi sẽ quyết định đời mình.  Minh hít vào rồi thở ra, giọng nói trở lại tự nhiên,
“Cô nói nghe tức cười nhỉ.  Nếu tôi muốn có con tôi đã không vào chùa đi tu. Người tu hành phải rời xa sắc dục và những vui sướng tạm bợ để được giải thoát khỏi luân hồi.
Thắm cãi,
“Tình yêu và con cái đâu phải tạm bợ, mình phải nuôi phải lo cho tụi nó tới già tới chết chớ đâu có bỏ được.  Ông phật cũng đâu có bỏ vợ bỏ con ổng luôn đâu.  Em biết có nhiều thầy cũng có con vậy, đâu có sao.”
 
 
 
Minh ngạc nhiên, chàng nghĩ Thắm chỉ biết có tiền và sắc đẹp, dù cách hiểu biết của nàng chỉ dùng cho lợi ích cá nhân, chàng không ngờ vì mình mà Thắm đã phải tìm hiểu thêm về đạo phật.  Minh cố giữ nghiêm trang trả lời,
“Đức phật lấy vợ sinh con trước khi đi tu.  Đã tu hành rồi thì không lấy vợ được.  Bởi vì không ai bỏ được vợ con nên tôi không muốn mình tạo nên nghiệp chướng.  Còn chuyện mấy thầy khác tôi không biết tới, tôi lo thân tôi còn chưa xong nữa à.”
Thắm quỳ xuống muốn ôm chân Minh, nhưng chàng lùi ra xa.  Thắm lấy tay chặn tiếng khóc đang òa ra, nàng nức nở,
“Anh Minh, em thương anh thiệt nhiều mà.  Em biết anh cũng thương em chút đỉnh.  Em không ép anh lấy em đâu, em chỉ xin anh một đứa con thôi rồi em không dám quấy rầy anh nữa. Ai cũng có con, đức phật cũng có con mà anh Minh.  Có trước có sau cũng là có mà.  Em cầu xin anh mà anh Minh.”
Minh nhìn vai nàng rung lên thấy xúc động vô cùng, chàng không hiểu tại sao con người phải tự hành hạ mình như vậy.  Chàng ngẩng mặt nhìn lên và dù trần nhà che chắn bầu trời, Minh vẫn nhớ cái cảm giác muốn thoát ra cái vòng luân hồi, chàng cố gắng,
“Thôi, cô đi đi.  Tôi đã nói rồi; cô là ma vương, quỷ sứ.  Đừng quấy nhiễu tôi nữa, đi đi.”
Thắm đứng dậy, lau nước mắt, không nói một câu.  Nàng kéo màn cửa sổ xuống, bước tới kiểm soát cái khóa cửa rồi quay trở lại.  Minh không cản, tim đập mạnh theo dõi Thắm và chờ đợi.  Khi hai người đối diện nhau, Minh thấy sự cương quyết trong mắt nàng, và chàng cũng sẵn sàng.
Thắm nhìn chăm chăm vào Minh một lát rồi nàng tréo tay mở chiếc fẹc-ma-tua sau lưng chiếc áo đầm và nhẹ tay kéo nó rớt xuống sàn—trên người nàng không có một cái đồ lót nào.
 
Thoạt tiên Thắm lấy tay che lại, đã lâu nàng mới thấy mắc cỡ khi trần truồng trước mặt đàn ông; ngay sau đó nàng buông tay xuống, hơi ưỡn ngực, nhưng đôi mắt tránh mắt Minh.
Ánh sáng xuyên qua tấm màn cửa đủ mạnh để Minh thấy hết, chàng không ngờ Thắm lại đẹp và quyến rũ đến thế.  Ngay lập tức, Minh nhắm mắt, chàng nghe hơi thở mình vang khắp phòng; nó làm chàng mắc cỡ với Thắm, với chính mình.  Minh lập tức hít một hơi dài, dồn xuống bụng rồi từ từ thở ra.  Tim và hơi thở chàng điều hòa trở lại, Minh chậm chạp mở mắt.  Chàng thấy Thắm tránh nhìn mình để mình tự do ngắm nàng, tim Minh không đập mạnh như trước nữa.  Bỗng nhiên chàng thấy cái giải pháp trấn áp dục vọng mà chàng sợ sẽ vỡ vụn trước sắc đẹp của Thắm bây giờ trở nên vững chắc .  Minh mừng không sao tả xiết—từ nay sẽ không bị hình phạt hoa hồng nữa!  Minh biết chàng sẽ thắng, chàng muốn kết thúc mọi chuyện hôm nay.  Lấy giọng mỉa mai, thách thức, Minh lên tiếng,
 
 
“Thân hình cô quyến rũ lắm, nhưng cô không thắng được tôi đâu.  Tôi muốn mình đánh cá với nhau.  Cô muốn làm gì thì làm.  Nếu cô quyến rũ tôi được thì tôi sẽ cho cô đứa con, còn không thì từ nay đừng có đến gặp tôi nữa, chịu không?”
Thắm ngẩng đầu lên, ngạc nhiên vì không ngờ Minh lại nói câu này.  Nàng thấy đôi mắt Minh cố tình nhìn vào ngực mình với vẻ khi dễ, lửa giận ở đâu bùng lên như cháy rừng, nhưng trong đó có chút mừng rỡ, ráng giữ giọng lễ độ, Thắm trả lời,
“Anh thiệt tình không hối hận?”
Đợi Minh gật đầu, Thắm tiếp,
“Được rồi.  Nếu em không quyến rũ anh được bữa nay thì em không phá anh nữa, nhưng nhớ là nếu anh thua thì phải giữ lời đó nhe.  Nhưng anh phải luôn luôn nhìn em nhe…”
Rồi nàng mắc cỡ giao điều kiện tiếp,
“…anh nhớ là anh nói em làm gì cũng được đó nhe.”
Minh thấy tim mình đập mạnh hơn, cổ chàng khô lại, nhưng vẫn mạnh dạn gật đầu.  Vừa thấy vậy, đôi mắt đẹp của Thắm lóe sáng, mặt ngước lên kiêu kỳ, môi trễ ra khêu gợi; toàn mặt một vẻ trẻ trung, thách thức, dễ thương, nhõng nhẽo, mời gọi.  Thắm nhìn vào mắt Minh, ưỡn ngực, xoay người, bước vòng quanh và gần lại chàng, nàng giơ cao tay rồi nhẹ nhàng đặt nó lên vai Minh.  Mùi thơm da thịt Thắm tỏa ra như dịu dàng, như gay gắt làm người Minh nóng lên, chàng gạt tay nàng ra, bước lùi lại và nhắm mắt.  Giọng Thắm nũng nịu bên tai,
“Anh không được quyền gạt em ra hay nhắm mắt.  Anh phải nhìn ngực, nhìn bụng em nè.”
Minh biết tai mình bị nung đỏ bởi hơi thở, và tay chàng nơi ngực Thắm đụng vào bị cháy bỏng, môi và cổ họng Minh khô ran, chàng nuốt nước miếng, mở mắt ra để thấy da Thắm như nhung, như lụa.  Chân Minh khuỵu xuống và chàng nhân đà ngồi luôn trong thế bán già.  Kệ cho Thắm khiêu khích, Minh nhắm mắt lại, hít thở vài hơi thật sâu.  Khi Minh mở mắt, chàng dịu dàng bảo Thắm,
“Cô Thắm cứ tự nhiên đi.  Tôi sẽ ngồi đây ngắm cô từ đầu đến chân, và nếu tôi không chịu nổi cám dỗ thì cô muốn gì cũng được.”
Thắm đã nghe hơi thở mạnh của Minh, thấy khuôn mặt chàng đỏ rực, cảm được hơi ấm của người chàng lan qua.  Nàng bị cuốn hút và kích động bởi trò chơi của chính mình.  Mắt Thắm long lanh, nàng nói qua hơi thở,
“Đó là anh nói đó nhe, cục cưng.”
Thắm đi lại như trong mơ, nàng phô bày tất cả những gì đã giúp nàng đánh gục những người đàn ông lão luyện nhất, nàng biểu diễn những động tác khêu gợi mà nàng nghĩ ra hay học được từ bạn bè, và nàng luôn miệng nũng nịu những câu yêu đương gợi cảm—Thắm làm tất cả và chờ dấu hiệu đầu hàng của Minh.
 
Minh giữ lời, chàng nhìn Thắm từ đầu đến chân rồi ngược lại, nhưng trong đầu chàng tụng bài kệ về nàng Nanda và ráng tưởng tượng mặt Thắm sẽ già, da nàng nhăn nheo, và ngực nàng xệ xuống.  Khi Minh nghĩ tới và thấy thấp thoáng ngực nàng thõng dài xuống, bụng to và nhăn nheo, chàng biết mình đã thắng, và Minh đi xa hơn nữa nghĩ về Thắm những lúc bị khó khăn khi đi vệ sinh.  Khi Minh tưởng tượng được nét mặt nhăn nhó của Thắm lúc đó, chàng không ngăn được cái mỉm cười biến thành cái cười chế giễu.
Thắm đang ngất ngây thì nàng nghe tiếng cười nhẹ của Minh.  Nàng dừng lại chết đứng trong cái mỉa mai của nụ cười và ánh mắt chàng.  Nàng tự nhủ,
“Mình không thể té được.  Thắm ơi mày cũng không được khóc.  Không ai có thể mỉa mai, chế giễu được con Thắm này.  Không ai có thể sỉ nhục con Thắm này, dù đó là anh Minh!”
Thắm nhìn lại Minh lần nữa, người nàng rung lên nhè nhẹ.  Nàng yên lặng hồi lâu, rồi cuối cùng lên tiếng, không nũng nịu, không giận dỗi; Minh nghe một giọng trầm sâu, chậm chạp, nhưng chàng không nhận được sự phẫn nộ vô bờ của nó,
“Anh Minh, anh đã thắng em lần này, nhưng em chưa cam chịu.  Nếu em phải bỏ đi bây giờ em sẽ chết.  Anh đã hứa sẽ để cho em muốn làm gì thì làm.  Em sẽ cố gắng lần chót.  Em thề với Trời Phật, nếu em thua lần này, em sẽ bỏ đi, em sẽ không bao giờ lại phá anh nữa dù em sẽ thương anh suốt đời, suốt kiếp.”
Minh không trả lời, chàng thấy nhẫn tâm, nhưng biết đây là cơ hội duy nhất, nếu mình thắng lần này thì không bao giờ có một ai khơi được dục vọng của mình.  Chàng hít sâu một hơi và chờ đợi trong căng thẳng, nhưng chàng tin vào phương pháp mới vừa giúp chàng hạ gục Thắm trong hiệp đầu.k
Đúng như chàng nghĩ, Thắm bước lại thả người xuống lòng chàng, vòng tay ôm lấy Minh.  Nàng dụi đầu vào ngực Minh thỏ thẻ những lời yêu đương.  Ngửi mùi da thịt nàng, cảm được bầu ngực trần của nàng đụng ngực mình, và trên cổ hơi thở nồng nàn của Thắm như tiêm chất thuốc kích thích vào người Minh.  Đầu óc chàng trở nên mụ mị, cả người chàng trở nên căng cứng.  Tất cả những gì Minh suy nghĩ bây giờ không còn đúng với sự thật nữa—khi sự hiểu biết con người còn trong giới hạn thì sự thành công dựa trên đó không được bảo đảm khi mang nó ra thực hành.
Ngồi trong lòng Minh, ước mơ sâu thẳm của Thắm trỗi dậy mãnh liệt.  Những giấc mơ của thời con gái: được yêu và được làm vợ.  Thắm có cảm tưởng như đây là đêm tân hôn.  Chỉ còn tình yêu dâng lên trong tim, Thắm rạo rực trong ý tưởng dâng hiến và chiếm đoạt; nàng rên rỉ; nàng quằn quại; nàng ôm xiết Minh như sợ chàng vuột mất, tan biến.
Thắm nghe cơ thể Minh nóng dần lên và run rẩy, nàng tin tưởng, nàng chờ đợi…cho đến khi bàn tay Minh đặt lên đùi nàng và những giọt nước mắt đầu tiên rớt trên vùng ngực thì nàng mới sững sờ.  Thắm run lên vì sợ, bao dục vọng biến mất, nàng không hiểu tại sao trong lúc hạnh phúc nhất người yêu nàng lại khóc.
Nàng ngước mặt lên, và thấy Minh đang cắn môi đến bật máu, khuôn mặt chàng rúm ró.  Máu và nước mắt trộn vào nhau nhỏ xuống ngực nàng.  Chưa bao giờ Thắm thấy đau đớn
 
như vậy.  Nàng nghĩ ngay lúc đó nếu nàng có thể chết cho Minh hết đau thì cái chết sẽ làm nàng sung sướng hơn.
Minh không biết những gì đang xảy ra cho Thắm, chang vừa nhắm mắt khóc vừa bóp đùi nàng càng lúc càng mạnh tới mức làm nàng đau.  Thắm ngắm nhìn và chợt bật tiếng cười thích thú, nàng lăn người ra, đứng dậy, ưỡn người, chống tay, nói với Minh,
“Em tha cho anh lần này nhe, chỉ một lần này thôi, anh nhớ nhe.”
Giọng nàng vang đầy hạnh phúc, bao dung, vui vẻ, và nuối tiếc.  Thấy Minh không còn cắn môi hay rung động nữa, nhưng mắt hãy còn nhắm, Thắm tiến tới, ôm chàng ghì vào người mình cho tới lúc cả hai thở hổn hển mới buông ra, nàng nói trong hơi thở gấp gáp, trong khi mặc lại quần áo,
“Thôi em về nhen…lần tới em không chịu về không đâu nhen…anh Minh nhe, em thương anh nhiều lắm đó nhe…còn hơn em thương em nữa đó…em không nói với ai đâu…anh nhớ đừng ruồng bỏ em nhen.”
 
Tâm đi theo sau Trang vào chùa, trong tay chàng là cuốn sách dày.  Nghe Trang nói sẽ tới giúp làm cơm cho mấy thầy hôm nay, Tâm đòi đi theo.  Chàng không thích những câu chuyện khen, chê, tâng bốc mấy thầy, nhất là thầy Minh, của đám đàn bà dưới bếp nên định sẽ đọc sách ở phòng họp để chờ Trang.  Dù vậy Tâm cũng đi theo đến tận bếp nhìn Trang làm việc.  Đang loay hoay cố gắng làm ra vẻ tự nhiên thì bà Nhân đã lên tiếng, nói trống không,
“Gớm, chẳng biết có giúp được gì không hay chỉ có chắn lối.”
Tâm liếc nhanh về phía Trang thấy nàng tức giận nhìn mình; chàng vội quay mình bỏ đi.  Trang bước vội đến chỗ rửa chén, nàng lên tiếng nói nịnh,
“Các bác đang bận để cháu rửa mấy cái chén dĩa này cho.”
Cũng như mọi lần, Trang rửa chén nhưng nàng chú ý tới tăng phòng của Minh nhiều hơn.  Mấy ngày hôm nay Trang không dò xét được gì ngoài chuyện Minh bị ốm và bị gai đâm tay.  Cả chùa không một tiếng thị phi và Thắm cũng không thấy bén mảng, nhưng Trang không dám lơ là.  Bất cứ lúc nào có dịp là Trang lên chùa, nàng theo dõi Minh xem có một nữ phật tử nào, nhất là Thắm, có ở gần Minh hay không. 
Khi còn vài cái chén trong chậu thì nàng thấy Thắm từ tăng phòng Minh bước ra.  Nhìn bộ điệu của Thắm, Trang linh cảm có chuyện khác thường.  Tim nàng lại đập loạn lên, Trang vội vàng tráng sơ những cái chén còn lại.  Lấy cớ đi vệ sinh, nàng đánh một vòng xa, quay ngược lại phòng Minh, nhìn trước, nhìn sau, nhanh chóng bước vào phòng rồi đóng cửa lại.
Từ chỗ sáng vội vàng bước vào chỗ tối, tí nữa Trang đụng phải Minh còn đang ngồi thiền giữa phòng.  Trang nghe như Minh đang rên nho nhỏ, nàng hoảng sợ vội đến mở màn cửa sổ.  Ánh sáng chiếu vào khuôn mặt khổ não của Minh với hàng nước mắt và máu còn đọng
 
 
lại.  Trang lờ mờ đoán thử những gì đã xảy ra giữa Thắm và Minh, và những suy nghĩ đó làm cho Trang run rẩy.
Nàng cố nâng Minh dậy đi lại giường, chàng lom khom tựa vào Trang đi từng bước.  Mùi thơm và thân thể quen thuộc gợi nhớ những đụng chạm thể xác xa xưa; cảm xúc cuối cùng khi Thắm ôm chàng bị Trang khơi lại.  Từ lúc có quan hệ xác thịt với Tâm, Trang hiểu những gì Minh đang trải qua và nàng quyết nắm lấy cơ hội.
Minh ngả nằm sấp lên giường.  Trang nằm xuống kế bên, nửa người tựa lên Minh, nàng thoa bóp và dùng đùi mình để giữ những cựa quậy phản kháng của Minh.  Khi thấy chàng nắm yên và thở gấp hơn, Trang luồn tay vào chiếc áo tăng bào để vuốt ve Minh và cảm thấy những vết thương trên lưng .  Mặc kệ những phản đối có lệ của Minh, Trang nhổm dậy lật áo tăng bào chàng để nhìn tận mắt những vết thương chưa liền da kia.  Nàng đột nhiên hiểu ra và xót xa với sự chiến đấu của Minh.  Một ước muốn mãnh liệt nổi lên—nàng muốn Minh không bao giờ phải tàn hại thân thể mình vì bất cứ lý do gì.  Với những vết thương, khuôn mặt đau khổ, tiếng rên và cách ngồi thiền của Minh—nàng hiểu cơ hội của mình có thể sẽ qua mau và không bao giờ trở lại.  Chỉ một tích tắc, chỉ cần một tiếng động nào nhắc nhở Minh về đất phật là nàng sẽ phải bỏ đi như Thắm và Minh sẽ trở lại với sự hành xác vô tận.  Trang nhanh chóng cởi bỏ quần áo trong khi vẫn giữ sự đụng chạm liên tục của hai cơ thể rồi nàng nằm đè nhẹ lên người chàng, thỏ thẻ bên tai chàng,
“Anh Minh ơi, đừng làm khổ mình vì những chuyện không đáng như vậy.  Hãy coi nó như một cách cúng dường của em dâng lên cho anh, của một phật tử dâng lên cho người thầy kính yêu mà thôi.  Nhiều nơi các thầy còn phải bắt buộc ăn thịt để sống còn, để phụng sự phật pháp.  Nếu anh cứ hành hạ mình thế này mãi có ngày anh sẽ bị bịnh nặng, uổng công anh đã từ bỏ tất cả để tìm đạo.  Ba mẹ mà biết được sẽ rất đau lòng mà anh cũng trở nên bất hiếu nữa.”
Trang vừa nói vừa cởi bỏ tăng phục của Minh; nàng khiêu khích chàng tới cực độ.  Nàng không để Minh có thì giờ hay khả năng để suy nghĩ, hối hận.  Trang nói tiếp câu cuối cùng,
“Chuyện này chỉ có hai chúng ta biết mà thôi, em sẽ giữ gìn rất cẩn thận.”
Trang lo tất cả cho Minh, nàng cố gắng làm mọi chuyện thật mau chóng.  Chỉ cần một lần thôi, Minh sẽ là của nàng mãi mãi, Minh sẽ không bao giờ phải hành hạ chính mình.
Khi Trang đã thành công, các gánh nặng như được bỏ xuống, người nàng thoải mái vô hạn, nàng ôm Minh, vỗ về, ve vuốt để khuyến khích chàng, nhưng tâm hồn nàng như bay bổng ở một nơi nào khác.
Bất thình lình nàng sợ hãi nhìn ra cửa sổ—khuôn mặt khủng khiếp,rúm ró đầy nước mắt của Tâm đã ở đó không biết tự lúc nào.  Người Trang lạnh ngắt, cứng đơ; nàng ôm chặt Minh đến mức những vết thương cũ bật máu trở lại.  Minh kêu lên một tiếng đau đớn, nhưng khi nhìn theo hướng mắt nàng thì chàng hiểu rõ.
 
 
 
Không ngờ Minh lại bình tĩnh đến như vậy.  Chàng thong thả mặc quần áo và ra hiệu cho Trang làm theo.  Trong lúc Trang đang lập cập vừa mặc đồ, vừa run rẩy hỏi,
“Làm sao bây giờ anh?…làm sao bây giờ…lỗi của em tất cả…lỗi của em tất cả…em xin lỗi anh…”
Minh tiến tới cửa sổ ra hiệu mời Tâm vào phòng và trấn an Trang,
“Trang không có lỗi gì cả.  Tất cả là tại tôi.  Trang hãy rời đây ngay để tôi tiếp chuyện với Tâm.  Đừng lo, mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa cả thôi.”
Khi y phục đã chỉnh tề, Minh đẩy nàng ra cửa, trấn an thêm vài câu rồi đóng cửa phòng chờ đợi.  Mươi phút chờ đợi mà dài như thế kỷ.  Mới đầu Minh chỉ nghe văng vẳng tiếng khóc, tiếng kể lể của Tâm, nhưng trong giây phút, sự ồn ào huyên náo bùng lên như que diêm châm vào xăng, tiếng ồn như một cái chợ đang họp tiến về phía phòng Minh; dương như tất cả mọi người có mặt ở chùa đều muốn thấy mặt chàng.  Minh ngồi yên lặng bên thành giường đối diện với cửa phòng, mắt chàng nhìn xuống đất, người chàng bất động, nhưng hàm răng Minh nghiến chặt, và mồ hôi chảy thành từng đường trên khắp người chàng.
Đại Đức Huệ, nghe những lời khóc kể của Tâm, thầy đóng chiếc cửa sổ lại và bắt đầu ngồi thiền trước bàn thờ phật, chỉ xin một điều là được chia sẻ sự đau khổ của Minh—ngay lập tức một cơn đau ập tới, thầy đưa tay ôm ngực, miệng há hốc ra thở.  Xoa bóp ngực được mấy cái, thầy Huệ ngã xuống sàn bất tỉnh.
Ông Nam và ông Phúc mở cửa dẫn đường cho thượng tọa Thanh, Tâm và Trang tiến vào.  Minh lại nghe tim minh bị bóp nghẹt; té ra nàng đã không thoát được và chàng bắt đầu chảy nước mắt.  Đưa tay lên gạt cả mồ hôi lẫn nước mắt, Minh đứng lên chắp tay xá Trang và Tâm, giọng chàng rõ ràng không run rẩy,
“Tôi xin lỗi Tâm.  Tôi xin lỗi Trang.  Con xin lỗi thượng tọa và mọi người.”
Mọi người ồ lên trước câu nhận lỗi của chàng.  Tâm la lối,
“Tao không cần mày xin lỗi.  Mày tưởng chỉ một câu xin lỗi là phủi hết trách nhiệm sao?  Từ lâu mày đã tìm cách chiếm đoạt tất cả những gì tao có.  Tao đã nghi ngờ mày chỉ giả danh tu hành để cưỡng hiếp gái đẹp thì ra đúng như thế.  Cái đồ sư hổ mang…”
Kệ cho mọi người can ngăn, Tâm tiếp tục chửi rủa lớn tiếng, đây là cơ hội hiếm hoi đã đặt Tâm lên trên Minh và chàng muốn cho cả thế giới biết.  Phật tử thấy Minh trang nghiêm chắp tay, mặt đầy hối lỗi để mặc Tâm chửi mắng.  Họ cầu mong chàng lên tiếng chối bỏ để được tin chàng như cũ, và thất vọng khi nghe lời nhận tội của chàng.  Nhưng vẫn còn khá nhiều người, phần lớn những cụ lớn tuổi, vẫn nghĩ là có những khuất khúc bên trong bởi vì Trang cứ bai bải cãi dù khuôn mặt sợ hãi đầy nước mắt kia tố cáo gần hết lời lẽ của nàng.  Cụ Lý không chen vào được, bực qúa nói với vài cụ cũng đang đứng ngoài rìa,
“Tôi sẽ nói cho thằng quận trưởng Tưởng biết, để nó cho thằng mất dạy đó vào tù.  Taị sao nó dám vu cáo thầy Minh…”
 
Một ông phật tử luống tuổi gần đó lanh chanh, ra vẻ hiểu biết,
“Nhưng thưa cụ, thầy Minh đã nhận tội rồi.”
“Nhận cái gì mà nhận,” cụ Nghĩa chặn ngang, “Đã biết rõ ra sao mà nói, thầy Minh là người tu hành gần đắc đạo, tội tày trời thầy còn nhận cho người khác, huống chi cái tội cỏn con này.  Cái con kia nó có khác gì con Thị Màu, nó lên chùa ỏng ẹo để quyến rũ thầy.  Thí dụ có chuyện gì đi nữa thì thầy cũng chỉ là người thôi, thầy chẳng có tội gì cả.  Bộ ông thấy nó đẹp, nó trẻ lại thấy thương, thấy tội nghiệp cho nó à.”
Ông kia sợ qúa im miệng lảng ra chỗ khác.
Cụ Lý kết luận,
“Tôi từng này tuổi đâ đi biết bao chùa mà chẳng thấy ai bén gót thầy Minh.  Thầy đã tu hành gần đắc đạo nên bọn ma vương quỷ sứ này tới phá đây mà,” rồi cụ nói chắc như đinh đóng cột, “tôi sẽ nói với thằng quận trưởng Tưởng bỏ tù tuị nó cho biết thân.”
Ông Hên đứng cách vài vòng người, níu vai người đứng trước nhìn vào, kiễng chân giơ tay hăm dọa Tâm,
“Thằng chó đẻ, mày dám chửi thầy hả, mày ra đây, tao quánh chết cha mày luôn.”
Ông Hên một phật tử trung thành và qúa khích, không bao giờ chịu được ai nói xấu tôn giáo mình, nhất là nói xấu thầy mình.  Gần đây, ông may mắn được Minh giao làm vài chuyện nên ông tự nhủ, dù có phải chết ông cũng phải bảo vệ chàng, nhưng câu hăm dọa của ông không được nhiều người hưởng ứng.
Thượng tọa Thanh quay lại, giơ hai tay xua mọi người trong phòng ra khỏi cửa,
“Xin các ông bà đợi dùm ở ngoài, xúm vào đông quá, nóng thở không nổi.  Tôi sẽ tra xét ngọn ngành rồi nói cho mọi người biết sau.”
Tâm vung tay la lối,
“Tại sao mấy người không dám để cho mọi người nghe thấy?  Mấy người có muốn che dấu đến đâu tôi cũng lôi hết ra để cho bàn dân thiên hạ đều biết nó vào đây tu hành để làm gì.”
Mặc cho Tâm phản đối, đám đông phật tử nghe lời thượng tọa,  của ông Phú và ông Nam đi ra ngoài.  Ông Nam đóng cửa rồi trở lại đứng nghe.  thượng tọa Thanh nói với Minh,
“Đâu con kể lại hết mọi chuyện từ đầu cho mọi người nghe xem sao.”
Minh quỳ xuống, dập đầu trước mặt thượng tọa Thanh,
“Bạch thầy, tất cả mọi chuyện do con.  Con đã không kiềm chế được dục vọng nên đã làm liên lụy tới cô Trang và làm anh Tâm đau khổ.  Cô Trang không có lỗi trong việc này…”
Nghe tới đây, Trang nức nở, ngắt lời Minh,
 
“Lỗi tại em…tất cả là lỗi tại em…”
Minh quay sang quỳ lạy Trang và ngắt lời nàng,
“Xin cô Trang đừng tự trách mình.  Tôi là người tu hành đã không kiềm chế được dục vọng thì đó là lỗi tại tôi.  Nếu không phải cô thì tôi có thể cũng làm lỗi với người khác.  Tôi rất có lỗi với cô, xin cô tha thứ cho tôi.”
Đáp lại câu nói của Minh là tiếng nức nở lớn hơn từ Trang.  Nàng nhìn cái lưng Minh khom trước mặt và những vết máu thấm qua chiếc tăng bào, và nàng thấy mình cũng đau như vậy.  Nàng ước gì mình đã không ngu xuẩn, nhưng tất cả đã quá trễ—sự căm thù Tâm dâng lên ngùn ngụt trong lòng Trang.
Vẫn quỳ như vậy, Minh xoay sang Tâm, chàng thành khẩn nói,
“Tôi biết dù có nói gì cũng không xoa dịu sự đau khổ của anh.  Tôi thành tâm xin lỗi anh và mong anh đại lượng tha cho Trang.  Dù anh có muốn hành phạt tôi thế nào tôi cũng cam chịu.”
Tâm hừ lên một tiếng và nhổ một bãi nước bọt lên người Minh,
“Mày xin lỗi thì hay lắm nhưng có thay đổi được gì không.  Mày đã phá vỡ hạnh phúc mà tao đã cố công gầy dựng chỉ vì cái bề ngoài đẹp trai và giọng hát của mày, mày dùng chúng để tạo dựng danh vọng cho chính mình, để dụ dỗ đàn bà con gái.  Tội mày có xuống mười tám từng địa ngục cũng chưa xứng.”
Tất cả mọi người cau mày trước thái độ và lời nói của Tâm, ánh mắt Trang như tóe lửa.  Trong khi ông Nam lấy giấy chùi tạm nước miếng trên người Minh, ông Phú lên tiếng,
“Anh không được nhổ nước miếng lên người thầy Minh và nói với thầy những lời như vậy.  Dù thầy có làm gì chăng nữa, thầy cũng thành tâm hối lỗi, xin lỗi anh đủ điều rồi anh còn muốn gì nữa.  Chúng tôi chưa biết ngọn ngành của câu chuyện, không chừng có gì khuất tất phía sau cũng nên.  Tôi không nói là thầy Minh không phạm lỗi, nhưng tôi muốn nói là chưa chắc thầy Minh đã là nguồn gốc của tội lỗi…tôi không muốn đổ lỗi cho ai hết, nhưng cô Trang nói khác, chúng tôi biết tin ai đây.  Bây giờ tất cả chúng ta nên ra khỏi phòng để thầy Minh bình tĩnh đã.”
Tâm phản đối,
“Tôi không chịu đi đâu hết nếu câu chuyện chưa ngã ngũ.”
Ông Phú nghiêm khắc nói,
“Anh có quyền gì mà ở đây?  Dù có chuyện gì đi nữa thì anh cũng không phải chồng cô Trang.  Hơn nữa cô Trang không đổ lỗi cho thầy Minh.  Tốt hơn anh nên về đi, chúng tôi sẽ điều tra thêm rồi cho anh biết.  Thượng tọa Thanh sẽ có hình phạt thích đáng nếu thầy Minh có tội.”
 
         
Tâm dùng dằng, nhưng ông Nam đã đẩy anh ta ra phía cửa.  Trang quỳ xuống trước mặt Minh, người nàng như gãy vụn, nếu không vì ước muốn bảo vệ Minh chắc nàng đã ngất đi.  Nàng quỳ đó mong mình được tan biến khỏi cuộc đời Minh; trong tiếng khóc nàng nức nở và hy vọng Minh hiểu cho lòng nàng,
“Anh Minh em đã làm hại anh rồi, em xin lỗi anh.  Xin anh tha lỗi cho em.”
Nàng nói và đập đầu xuống sàn gạch; Minh hãy còn úp mặt và nghe mỗi cái đập đầu của Trang như những nhát búa bổ vào đầu chàng nhức buốt.  Chàng tự hỏi mình,
“Làm sao?  Làm sao để Trang bớt đau khổ?  Làm sao để chuộc lỗi với Tâm?  Rồi còn ba mẹ mình nữa?  Làm sao đây???”
 
Minh không buồn khóa cửa; chàng nằm vật trên giường từ lúc mọi người bỏ đi.  Chàng không nhắm mắt được trừ những lúc mọi thứ quay cuồng đến phát ói và làm đầu óc nhức buốt.  Trên trần nhà hiện ra vô số khuôn mặt đau khổ nhìn chàng và Minh không biết làm sao cho họ bớt khổ.  Minh không suy nghĩ được gì; chàng chỉ nhìn thấy những hình ảnh khổ đau—nước mắt trào ra từ đuôi mắt, rồi cạn, rồi tràn.
Chàng không trả lời câu mời ăn cơm tối; một người thò đầu vào xem xét rồi đóng cửa bước đi.  Câu chuyện cứ quay đi quay lại trong đầu Minh và cuối cùng dừng lại ở câu nói của Tâm, nó lập đi lập lại,  vang lên rõ ràng, “…chỉ vì cái bề ngoài đẹp trai và giọng hát của mày, mày dùng chúng để tạo dựng danh vọng cho chính mình, để dụ dỗ đàn bà con gái ….”  Càng lúc Minh càng thấy Tâm nói rất đúng—đó là nguồn gốc tội lỗi của mình, và chàng bật dậy mở cửa đi ra ngoài.
 
Đại Đức Huệ cũng không ăn tối.  Sau khi tỉnh lại thầy ngồi liên tục niệm kinh xen kẽ với những lời cầu nguyện cho Minh.  Nhiều tiếng sau, thầy thấy hiển hiện dáng Minh nằm trên giường và những giọt nước mắt; thầy cũng thấy những suy nghĩ  cạn kiệt của chàng, và thầy thấy mình đi theo chàng xuống bếp.  Trong suốt hành trình đó, những lời kinh và lời cầu nguyện không dứt thoát ra khỏi cặp môi khô nức nẻ của thầy.  Đại Đức Huệ vẫn thấy cái đau của Minh, nhưng nó không còn làm thầy gục ngã nữa; nó chỉ làm dậy lên một tình thương xót sâu xa cho sự lầm lỡ mà thầy sẵn lòng hy sinh để giúp Minh vượt qua.
 
Minh bật cái đèn nhỏ và cẩn thận không gây ra tiếng động lớn làm phiền mọi người.  Đêm đã khuya, tiếng côn trùng và tiếng réo của giòng sông nghe rõ mồn một.  Chàng tìm que diêm, đốt cháy một thanh củi nhỏ, cầm ngọn đuốc nhỏ đó đi kiếm một con dao, và khi thấy được con dao, Minh vẫy tắt ngọn lửa, đầu cây củi lộ một khúc than hồng.
Minh bắt đầu lấy con dao rạch một đường chéo trên mặt.  Vết cắt đi xuyên qua mắt trái, mũi và phần lớn má phải làm con mắt và thịt bị lồi ra ngoài.  Rồi chàng há miệng và nhấn chiếc
 
củi hồng sâu trong họng.  Minh không nghe thấy tiếng xèo xèo của củi tắt, nhưng cơ thể chàng giật nẩy lên té quỳ trên sàn bếp.  Minh cong người lại, giữ cho tiếng nôn ọe không
vang ra xa, chống tay đứng lên, và lảo đảo bước ra phía bờ sông.  Trừ những co giật do phản ứng của cơ thể trên những vết thương trầm trọng, Minh không cảm thấy cái đau ghê gớm do vết thương gây ra, gần như chàng làm những điều đó trên một cái xác chết.
Những giọt máu tí tách rớt xuống áo tăng bào và xuống đất thành một vệt dài từ bếp ra tới bờ sông nơi chàng thường tắm buổi tối.  Giòng nước lạnh thấm vào người làm Minh tỉnh táo đôi chút; chàng chắp tay lên ngực khấn nguyện,
“Con đã được phước báu sinh ra làm người.  Hơn nữa con còn có phước thừa hưởng vẻ đẹp của ba mẹ thêm vào một giọng nói dễ nghe.  Vậy mà thay vì dùng chúng để tạo thêm phước con đã chịu thua dục vọng để tạo bao oan nghiệt.  Con đã làm đau khổ cho những người yêu thương con, con đã quá bất hiếu với ba mẹ mình.  Cái tội lỗi đó quá mức mà con có thể chịu đựng được; con chỉ biết đi tìm cái chết để chuộc lỗi của mình dù biết tự tử là trốn tránh cái nghiệp, là không tốt, nhưng con không có cách nào khác.  Nếu kiếp sau được làm người, con nguyện sẽ trả món nợ này, và con xin chư phật chấp nhận cho con được đầu thai xấu xí và câm nín như vầy.”
Chàng quay về hướng nhà mình, vái ba cái, nghẹn ngào trong câm lặng chàng dâng lên ba mẹ những lời cuối cùng,
“Ước mong ba mẹ mãi mãi mạnh khỏe, vui vẻ.  Con bất hiếu xin từ giã ba mẹ.”
Minh ngả người xuống, bơi ra gần giữa dòng rồi úp mặt cho mình chìm xuống.  Chiếc áo tăng thấm ướt nặng nề làm chàng chìm mau.  Minh sặc sụa, nhưng không giãy giụa, một lát sau chàng không biết gì nữa.
 
Giọng tụng kinh của thầy Huệ dồn dập và lớn hơn.  Tâm thức thầy theo Minh chìm xuống dòng sông và thầy thấy mình đối diện với tối tăm, với cái chết, nhưng thầy không thấy ghê rợn hay sợ hãi.  Chấp tay quá đầu, thầy khom lưng trước bàn thờ phật cầu xin,
“Lỗi một phần là tại con đã không biết hướng dẫn đệ tử để tránh tội lỗi.  Nguyện xin đức phật từ bi cho Minh được tiếp tục tu hành để chuộc lỗi trong kiếp này.  Con xin được đánh đổi công lao tu hành trong kiếp này để đỡ lấy nghiệp cho Minh.”
Cùng lúc đó Minh nghe văng vẳng bên tai lời gọi,
“Này tỳ kheo Manu!”
Như chợt tỉnh, Minh mở mắt thấy một màu đen kịt, và mình đang sặc sụa trong nước, chàng cố gắng cởi bỏ chiếc tăng bào, khua đập chân tay liên tục.  Khi lên tới mặt nước, Minh thả ngửa và hít từng hơi thở trong lành.  Chàng thấy hàng vạn vì sao lấp lánh, bầu trời như bao la hơn và đẹp hơn bao giờ; cơn đau vật chất bây giờ mới bắt đầu hành hạ, nhưng cũng như thầy Huệ, Minh không còn gục ngã bởi vì nó nữa.  Dòng nước như che chở, như ôm ấp đưa Minh đi vào một thế giới khác.
Đại Đức Huệ nhìn thấy Minh nổi lên và trôi theo dòng sông, thầy biết mình vừa trải qua được một tầng lớp nữa.  Thầy đứng lên, vươn vai vài cái cho bớt nhức mỏi rồi sau khi uống một ly nước thầy ngồi viết lá thư từ biệt tới thượng tọa Thanh.  Sau đó thầy bước ra khỏi chùa mà không mang theo gì cả.
 
Ông Tư ngồi bó gối nhìn theo sợi dây câu căng ra theo dòng cuốn của nước sông, và theo con mắt nhà nghề ông thấy một xác người vừa trôi qua. Trời đã hơi ửng sáng, đủ để ông thoáng nhận ra hình như người đó chưa chết, ông hấp tấp rút sào và chèo xuồng thật mau theo sau. Khi bắt kịp, ông nhận ra đó là một nhà sư với vết chém còn mới sâu trên mặt, con mắt bên trái đã hư và hơi lồi ra.  Ông Tư há hốc mồm khi thấy nhà sư đưa con mắt còn lại nhìn ông và mỉm cười.
Phải chật vật lắm ông Tư mới giúp cho nhà sư lên xuồng mình được vì ông ta xem ra rất yếu.  Quần áo nhà sư ướt đẫm và da thịt lạnh ngắt, chứng tỏ ông ta đã ở dưới nước rất lâu.  Ông Tư đỡ nhà sư nằm dưới lòng ghe, có nhiều câu hỏi, nhưng bản tánh quen yên lặng, ông chờ đợi nhà sư kể lại câu chuyện.  Xui xẻo thay, nhà sư chỉ ú ớ rồi lấy tay chỉ vào miệng mình.  Ông Tư lẩm bẩm,
“Ồ ông bị câm hả?”
Nhà sư mỉm cười gật đầu.  Ông Tư nhìn kỹ vết thương, có chỗ sâu cả đốt ngón tay, con mắt và thịt thì bị cắt hở hơi lồi ra, chỉ có cái lạ là ông không thấy máu chảy.  Ông Tư coi mà thấy ớn lạnh, nhưng nhà sư chẳng tỏ vẻ đau đớn hay khó chịu dù khuôn mặt luôn bị co giật, ông lên tiếng hỏi,
“Bộ ông bị chém hả?”
Cái lắc đầu của nhà sư làm ông Tư tò mò thêm,
“Vậy tự ông chém mình ên?”
Nhà sư gật đầu, bấy giờ khuôn mặt mới hiện ra nét ra đau khổ và ông ta chắp tay, nhìn xuống, từ con mắt còn lại một dòng nước mắt chảy xuống.  Ông Tư nói,
“Thôi bỏ đi.  Nếu ông có làm lỗi gì thì bấy nhiêu cũng đủ trả hết nợ rồi.  Bây giờ ông muốn đi đâu?”
Nhà sư lộ vẻ cám ơn và tỏ ý suy nghĩ; một lát sau ông ta chỉ lên bờ lên những đám cây hoang vu, chấp tay gục gặc cái đầu và môi nhúc nhích như cúng vái.  Ông Tư đoán,
“Ông muốn chỗ tu hả?”
Nhà sư mừng rỡ gật đầu.  Ông Tư nói,
 
“Ông ở đây chờ tui câu xong, tui sẽ chở ông về thành phố rồi ông đi kiếm chùa mình ên.”
Nhà sư lắc đầu chỉ về một khu hoang vắng phía dưới dòng sông.  Ông Tư tỏ vẻ suy nghĩ,
“Ở đây hoang vắng lắm, mình đi thêm gần tiếng nữa thì mới tới khu có người.”
Một lúc lâu sau, ông Tư không chèo nữa, bảo nhà sư đứng dậy, ông chỉ về phía bên mặt,
“Người ở đây cũng thưa thớt lắm.  Ông thấy bụi cây ô rô hông?  Tui nghe nói thì tuốt sâu trỏng có một xóm nhỏ, ông tới đó mà hỏi thăm.”
Nhà sư gật đầu; ông Tư kiếm một chỗ trống cặp bờ, ái ngại giúp nhà sư xuống ghe rồi lật đật cản không cho nhà sư quỳ gối đảnh lễ mình.  Ông Tư nhìn thẳng vô con mắt còn lại của nhà sư nói,
“Không cần phải đại lễ hay cám ơn, cám huệ gì hết.  Giúp được người là tui mừng rồi.  Nếu ông muốn trả ơn tui, hay trả nợ cho người đã bị mình làm hại thì cứ coi như mình chết rồi đi.  Tui không phải người biết ăn nói, mong tui nói ít ông hiểu nhiều, mà cũng đừng buồn tui lên mặt dậy đời.”
Trái với lời lẽ khiêm tốn của ông Tư, nhà sư như nhận ra một chân lý, mắt ông ta sáng lên và mặc kệ ông Tư lôi kéo cũng ráng quỳ xuống vái ông Tư vài lậy.
 
Minh đi theo hướng ông Tư chỉ, băng ngang bụi ô rô gai góc làm xước tay chân và móc rách quần áo.  Trời sáng đã lâu, bụng đói và mệt, vết thương trên mặt bây giờ mỗi chút lại đau buốt làm khuôn mặt chàng co giật.  Trái với bề ngoài thảm hại, đã lâu Minh chưa thấy tinh thần được bình an như lúc này.  Đi thêm vài tiếng nữa, băng ngang một cánh đồng cỏ dại mọc cao quá hông, Minh bắt đầu thấy con đường mòn nhỏ mà cỏ dại đã chen lấn quá nửa lòng đường.
Đầu cúi xuống vì mệt, cứ thế Minh lê bước đi thêm cả tiếng đồng hồ nữa trên con đường mòn thì thấy bên trái mình là một bãi tha ma bỏ hoang.  Chàng mừng rỡ khi thấy một thứ giống như cái am nhỏ bằng gạch coi hãy còn chắc chắn nằm giữa những ngôi mộ ngổn ngang.  Chàng bước lẹ hơn và khi vừa vào trong Minh nằm vật trên sàn xi-măng rồi thiếp đi.
Trời đã rất khuya khi Minh thức dậy, chàng mơ thấy ba mẹ, Trang và Tâm khóc lóc vì tội lỗi của mình.  Nước mắt dàn dụa, Minh ngồi dậy, chắp tay và tụng kinh sám hối, rồi chàng nhớ lại lời khuyên của ông lái đò.  Minh từ từ lấy lại được sự bình an.  Chàng ngồi thiền chờ trời sáng để bắt đầu cuộc đời mới.
 
Bị cái đói cồn cào đánh thức khi trời tờ mờ sáng, nhưng chàng ráng nhịn tới khi sáng tỏ mới bắt đầu vào xóm.  Mấy đứa nhỏ đang chơi trong cái sân đất thấy Minh đi tới thì lùi tít ra xa trong khi vẫn chăm chú nhìn chàng.  Những đứa nhỏ bắt đầu cất tiếng khóc, trong khi những đứa lớn đưa cặp mắt thù ghét theo dõi nét mặt của Minh.  Nếu không vì sợ cái vết cắt ngang mặt còn mới nguyên chắc chúng nó đã lên tiếng chửi rủa và lấy đá chọi rồi.  Thấy vậy, Minh ngừng lại ở đầu sân, cách chàng chừng chục bước là cái giếng nằm ở giữa cái sân vuông được bao bọc ba phía bằng những căn nhà lá thấp bé, xiêu vẹo.  Khát nước qúa, Minh đi lại múc một gàu nước, uống hết, rồi đứng yên đó chắp tay trước ngực chờ đợi.  Nắng bắt đầu gay gắt làm vết cắt thêm đau nhức, cái đói thêm cồn cào, chân Minh run rẩy.
Ngay lúc Hương vác cái bụng bầu lặc lè bước ra khỏi cửa thì nàng thấy chân ông thầy tu qụy xuống rồi ông ta ngã ra.  Cũng may ở đây toàn đất, dù vậy máu từ vết thương trên mặt cũng tứa ra khi đầu ông ta đập xuống.  Hương chẳng thấy sợ hãi hay thương hại, chỉ hơi ngạc nhiên vì người này giống ông sư.  Ở cái xóm nhỏ này, người hiền không dám tới, và người tới thì không hiền.  Hương quan sát ông ta nãy giờ và tin ông ta là nhà sư.  Với nàng một người bị chém như vậy phải là một tay anh chị, tới đây, nếu không phải để trả thù thì cũng để trốn lánh cảnh sát.
Hương cúi xuống lay ông ta và nói lớn,
“Ê cha nội, giả bộ hả!  Tới đây tính ăn cướp hay ăn trộm đây ta?  Ê…ê, tỉnh dậy đi cha nội…”
Hương quay lưng về phía xóm để không ai thấy nàng đang quan sát khuôn mặt thanh cao, hiền hậu và đẹp trai của nhà sư.  Chắc chắn họ sẽ kể lại cho thằng chồng hờ của nàng, và nàng không muốn bị đánh nhiều hơn mọi ngày dù nàng cảm thấy lần này có bị đòn cũng đáng. 
Nhà sư mở mắt nhìn Hương và đưa tay chỉ vào miệng.  Hương chống tay đứng dậy, vừa đi vào nhà vừa chừi rủa lớn tiếng,
“Đ.m. hết chỗ chết sao tính tới đây ám qủe.  Tao cho mày một chén rồi ráng lết đi chỗ khác mà chết nhen con.”
Nàng bước tới chạn thức ăn và không hiểu taị sao mỉnh laị bới một chén đầy với những thừc ăn ngon nhất để dành cho Hai Thẹo mà không nghĩ đến hậu qủa, trong đầu nàng đầy ắp hình ảnh của nhà sư.  Chưa bao giờ Hương có cơ hội tiếp xúc, làm ơn cho một người cao sang như vậy.  Nàng quên đi chính mình, vừa xới cơm vừa nghe ngóng, và khi nghe tiểng chửi thề của Dũng Đen chen giữa tiếng ồn ào của nhiểu người, Hương nóng nảy vội vàng lùa miếng thịt kho cuối cùng vào bát cơm rổi bước vội ra.  Tới ngưỡng cửa đã thấy đám đông bu quanh nhà sư, Hương chửi thề,
“Đ.M. tuị bây làm gì mà bu đông vậy làm sao chả thở cho nổi.  Tránh ra, tránh ra cho tao coi.”
Đám con nít dạt qua chừa lối nhỏ, Hương khó khăn lách qua với cái bụng bầu và chén cơm đầy, nàng thấy Dũng Đen đang lấy chân đạp vào người nhà sư, ráng lật ngửa ông ta, Hương chửi thêm,
“Đ.M. mày Dũng Đen, mày làm gì người ta dậy?  Hổng thấy thằng chả đang bị thương gần chết hay sao mà còn nỡ đạp người ta?”
Dũng Đen cất tiếng cười đểu giả trả lời,
 
“Trời đất sao bữa nay chi Hai tui nổi lòng từ bi qúa ta.  Chà thằng thầy chùa này bị chém mà coi còn được dữ nghen bây, hèn chi chị Hai tui nổi ‘khẩu xà tâm phật’ lên liền.”
Đám đông cười ồ lên, mặt Hương nóng đỏ, nàng hăm dọa,
“Đ.M. mày nghe Dũng Đen, mày ăn nói bậy bạ gì vậy, tao mà nói Hai Thẹo là nó chém mày tan xác.”
Dũng Đen cười to trả lời,
“Hổng biết nó chém tui hay chém chị trước.”
Mọi người lại cười lớn phụ họa, Hương không trả lời, nàng ngồi xổm gắp cơm cho nhà sư, nhưng ông ta mím môi, quay đầu ra phía khác.  Hương bực mình chửi nhỏ trong khi cố ép nhà sư ăn.  Mấy người xung quanh cũng khá ngạc nhiên, chợt bà Tư lên tiếng,
“Mền ơi, con Hai ơi, ổng đi tu mà mày cho ăn cá thịt thì làm sao ổng ăn được.”
Hương mừng qúa tự chửi rủa mình rồi tiếc nuối xúc phần lớn cơm mặn đưa cho thằng Thừa cháu bà Tư.  Thằng nhỏ hí hửng giữ phần ăn quí báu chạy về sân nhà, một đám nhóc theo đuôi nó bỏ lại hận thù, đố kỵ đằng sau cho đám người lớn .
Minh nặng nhọc, nhai vài caí rồi nuốt từng miếng cơm nhỏ, những vết thương còn nhức buốt theo từng cử động.  Ăn xong hơn nửa chén cơm, sức lực như tăng lên bội phần, và thấy khát trở lại, dù vậy chàng không dám ra hiệu, chỉ sợ Hương lại làm thế.  Chàng thoáng thấy trong mắt Hương những gì đã thấy trong mắt Thắm, Trang và nhiều nữ phật tử khác.  Dáng điệu của Hương càng làm cho lời châm chọc đúng hơn, nhưng Minh không hiểu, Hương chưa gặp mình bao giờ, chưa hề biết Minh là ai, chưa bao giờ nghe giọng chàng nói, và giờ đây với khuôn mật ghê tởm như vậy…tại sao???  Chàng hận mình đã không ghạch thêm vài nhát nữa lên mặt.
Minh chống tay chân bò lại cái giếng, khi chàng sắp tới thì bà Tư đã nhanh nhẩu thả cái gầu xuống, múc nước đưa cho chàng.  Minh đỡ lấy, tham lam uống từng ngụm lớn đến mức bị mắc nghẹn ho sặc sụa.  Đám đông nãy giờ vẫn theo dõi ùa cười ồ lên.  Hương dằng lấy chiếc gầu, và đập lưng cho Minh đỡ ho.
Dũng Đen lại lên tiếng,
“Chà, cha sư này có phước ghê ta.  Đói có người đẹp cho ăn, ho có người đẹp đấm bóp.  Ê cha nội!  Tu ở chùa nào vậy, cho tui đi theo luôn nhe.”
 
Như bị một cơn bão lốc xuyên qua, trước khi đám đông ngậm miệng trước câu nói hài hước, một dúm người đứng gần cửa nhà Hai Thẹo bị xô té, tóc của Hương bị giật ngược và nàng bị kéo lê trên đất như một con chó, như một con vật, và chuyện đó không phải là chuyện lạ ờ xóm này. 
 
 
Hai Thẹo đã về nhà được một lúc bằng cửa sau.  Nghe tiếng ồn ào, hắn núp sau vách ván nhìn qua khe hở—thấy hết, nghe hết.  Cái đầu nóng như lửa cháy, Hai Thẹo lẩm bẩm trong
miệng dọa giết Hương và Dũng Đen.  Câu chọc ghẹo cuối của Dũng Đen như lưỡi dao thọc vào hông Hai Thẹo, hắn lao ra ngoài như cơn lốc xoáy.
Sự giằng co qúa mạnh so với bình thường làm khó dễ Hai Thẹo, hấn buông nắm tóc rồi tiện tay đẩy mạnh Hương xuống đất, và bồi thêm cú đá vào mặt.  May mắn, cú đá vội vàng trúng vào bả vai làm Hương té xấp mặt.  Mặt, mũi, miệng mồm Hương dính đầy đất cát, đầu óc quay cuồng.   Không hiểu sao, Hương bỗng nhiên lại thấy hiện lên hình ảnh ba nàng chạy lại đỡ khi bị má đánh đòn.  Giọng nói và caí nhìn của cha làm nàng có cảm tưởng ông còn bị đau hơn chính mình.  Nàng thấy mình quan trọng như thế nào—mình đã là một con người, không phải một con vật.  Hương nằm xấp mặt níu kéo cảm giác dịu dàng ấy, không muốn đứng lên.
Hai Thẹo hét lớn,
“Đ.m. con đĩ ngựa, mày muốn giả chết hả?  Tao quánh cho mày chết luôn.”
Hương lồm cồm bò dậy, thay vì nhìn Hai Thẹo, chỉ tay xỉa xói, chửi bới bậy bạ như những lần trước bị đánh, nàng nhìn ông sư; trong ánh mắt xót xa của ông ta một lần nữa nàng lại thấy mình là con người—và nàng muốn được trở thành con người vô cùng.
Mọi người ngạc nhiên vì tia nhìn dịu dàng của Hương dành cho nhà sư, và Hai Thẹo như một con thú trong chuồng liên tiếp bị chọc giận, hắn quay sang đá tới tắp vào đầu vào cổ Minh.  Hương la lên,
“Mày có giỏi thì quánh tao nè, quánh người té xuống là hèn lắm.”
Hai Thẹo ngưng lại, từ từ nhìn sang Hương, không nói gì, nhưng mọi người thấy những bắp thịt trên mặt hắn cuộn lại, cặp mắt đỏ sọng, và tim Minh như ngưng đập nhìn Hương dồn tàn lực chạy về phía Hai Thẹo.  Mắt Hương nhắm lại, người nàng như bay bổng về phía hình ảnh người cha đang giơ tay chờ đón.
Hai Thẹo nhớ laị cú đá nổi tiếng của mình, hắn xoay người nhắm vào cái bụng thè lè của Hương, co chân rồi đạp mạnh ra…thật mạnh…mạnh hết sức bình sinh.
 
Hai Thẹo cầm chai rượu gầm gừ,
“Đ.M. không ai nhờ tụi bây giúp, có làm thì ngậm miệng mà làm, nói láng cháng tao quánh thấy mẹ.”
Hai người đàn ông è ạch khiêng Hương bước qua khung cửa hẹp, ráng né Hai Thẹo đang ngồi ngay đó, mắt hắn đỏ ké như màu máu ứa ra từ miệng Hương.  Họ nhẹ nhàng đặt nàng lên chiếc giường tre, những giọt máu từ đũng quần nàng loang ra, nhỏ xuống nền đất nện.  Ông Tư ái ngại nói với cái lưng của Hai Thẹo,
 
“Tui thấy coi bộ chị hổng xong rồi nhen anh Hai.”
Hai Thẹo nốc thêm một ngụm rồi trả lời ráo hoảnh,
“Đ.M. cho nó chết luôn, nó dám phản bội tao thì nó hổng chết tao cũng quánh cho nó chết.”
 
Nửa đêm Hai Thẹo đánh thức cả xóm dậy, tiếng rú của hắn làm người lớn nổi da gà, và con nít co rúm, ôm chặt mẹ, không dám khóc,
“Có ma!  Trời ơi có ma!  Có ai không làm ơn cứu tui với!”
Rồi hàng xóm nghe tiếng chân huỳnh huỵch, tiếng đổ vỡ vọng ra từ nhà Hai Thẹo, sau đó là một tiếng, “rầm” thật lớn như thể Hai Thẹo tông xập cửa để thoát ra ngoài, rồi tiếng chân hắn nện mạnh và nhanh kèm theo những tiếng kêu rú kinh hoàng không ngừng nghỉ,
“Có ma….Cứu tui với có ma…”
Bà Tư ôm chồng cứng ngắt, đầu bà dụi vào ngực ông mà cả người cứ rung lên từng chập như bị nóng lạnh,
“Ghê qúa ông ơi!  Ghê qúa ông ơi…Chắc hồn con Hương… nó về báo oán…thôi ông đừng có ra…ông đừng có ra…lỡ nó bắt lộn ông…nó thè lưỡi quắn cổ ông chết luôn đó…”
Bà Tư càng nói càng sợ càng ôm chặt chồng hơn chỉ sợ ông anh hùng đi ra coi rồi bị Hương giết ẩu, sau đó hổng chừng còn đi vô nhà kiếm bà nữa, nhưng nếu bà không sợ qúa thì bà cũng thấy người ông Tư đang run nhè nhẹ — cái tiếng kêu thất thanh của Hai Thẹo nghe thật kinh khủng — có lẽ ngay cả khi đối diện cái chết người ta cũng không sợ đến như vậy.  “Hổng chừng có ma thiệt!”, nghĩ tới đây ông thấy rõ ràng cái lưỡi của Hương dài lòng thòng, ngoe nguẩy như con rắn đang tiến về phía cổ mình, mắt mũi và miệng nàng ứa đầy máu tươi, ông rên lên một tiếng và thấy đùi mình ẩm ướt.
Hai Thẹo chạy về phía nghĩa trang, hắn vừa chạy vừa la thất thanh, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn laị.  Sau lưng hắn một đàn ma quỷ do Hương dẫn đầu đuổi theo sát rạt.  Một tay nàng bồng đứa bé mà cuống rốn lủng lẳng gần chạm đất, dù không nhìn kỹ, Hai Thẹo cũng thấy thằng nhỏ mới đẻ mà răng nanh nó đã mọc dài trắng hếu.  Hai Thẹo tự biết thằng nhỏ không cần bú sữa, khi đám qủy đó bắt được hắn, thẳng nhỏ sẽ no nê với máu tươi của ba nó.  Còn má nó, Hương đang cố gắng thò tay ra nắm Hai Thẹo.  Cái tay trắng bệch, quặt quẹo như không xương, và móng tay dài còn nhỏ xuống những giọt máu từ bụng Hai Thẹo.  Hai Thẹo hãy còn thấy đau ghê gớm ở đó, nếu không vì những khuôn mặt ghê rợn đuổi theo phía sau thì hắn đã qụy xuống từ lâu.
Chạy được một quãng, Hai Thẹo chợt nhớ ra ma qủy sợ trời phật, rồi hắn nhờ tới Minh, một tia hy vọng lóe lên, hắn hét cuống cuồng,
“Ông sư ơi!, ông thầy ơi, cứu tui với…”
 
                  
Hình như tiếng kêu cứu với nhà sư làm đám ma qủy sợ chậm lại, Hai Thẹo thấy chúng không còn bám sát như trước, thấy vậy hắn càng gào to hơn và chạy nhanh hơn quên đi caí nhức nhối từ vết thương ở bụng.  Một lát sau, Hai Thẹo chạy tới nghĩa trang, đang lo sợ sẽ có đám ma qủy ở đó hiện lên chặn đường thì hắn thấy ánh sáng vàng trước cửa ngôi miếu hoang, và Minh đang đứng giữa vòng ánh sáng đó.
Minh giơ tay đỡ Hai Thẹo rồi cả hai cùng té trên nền xi-măng.  Hai Thẹo lắp bắp nói không lên tiếng, một tay hắn lay Minh, còn tay kia run run chỉ về phía cổng, bọn ma qủy chỉ còn cách hai người bốn năm bước.  Với những con mắt nhỏ máu tươi, khuôn mặt gớm giếc, ruột gan lòi ra ngoài, miệng chúng mở to, gào thét, than khóc những tiếng chói tai, ghê rợn.  Hai Thẹo quay người ôm chặt Minh, dấu mặt trong ngực chàng, run lên từng chập.
Minh nhìn đám cô hồn rên khóc, chàng thương xót cho họ và mừng rỡ vô cùng vì đã được chứng kiến những gì trước giờ chỉ nghe thấy, đọc được.  Chàng mỉm cười với họ và nói chậm rãi,
“Xin các vong linh hãy chờ tôi một chút.”
Nghe tiếng nói dịu dàng, điềm tĩnh của Minh Hai Thẹo ngạc nhiên, hé mắt nhìn chàng rồi nhìn đám qủy dữ, hắn an tâm khi thấy Minh có vẻ trị được họ.  Hắn chống tay định ngồi dậy thì bỗng thét lên một tiếng, ngã xuống, lăn lộn trên sàn.  Cứ mỗi lần tay hắn chạm vào bụng lại giật ra kèm theo tiếng thét thót gan.  Cố gắng mãi Minh cũng không thể giữ hắn nằm yên để xem xét.  Một lúc lâu sau, Hai Thẹo không còn sức lăn lộn nữa,  mới lật áo lên coi được, chàng suýt ói khi thấy vết cào trên bụng hắn bây giờ đã sưng đỏ lên như nắm tay, dưới đó dường như có hàng trăm, hàng ngàn con dòi bò lúc nhúc làm làn da chuyển động không ngừng.
Hai Thẹo thều thào,
“Ông thầy ơi cứu tui…cứu con…con đau qúa…con chết mất…con Hương nó ác qúa…nó cào con…ông thầy ơi…”
Nhưng mỗi lần Minh chạm tay vào thì người Hai Thẹo lại cong lên như bị dội nước sôi, và hắn thét lên như bị chọc tiết, chàng chưa biết phải làm sao thì thấy cục sưng bể ra một lỗ nhỏ và từ đó từng con dòi vàng nhạt chui ra.  Cứ một con chui ra là Hai Thẹo thấy như bị dứt một cái móng tay, hắn năn nỉ, rồi lên tiếng chửi rủa Minh tàn tệ vì chàng đang loay hoay chưa biết làm gì.
Minh nhìn một lúc rồi chợt vui mừng, chàng nhớ tới lời ông lái đò, dù sống cái thân chỉ là tạm bợ huống chi cái thân của người coi như chết rồi, còn lo gì việc làm ô uế nó, còn cái tâm thì chỉ có mình mới làm cho nó dơ bẩn được mà thôi.  Cái sự ghê tởm hiện lên rồi tan biến, chàng niệm phật cám ơn ông lái đò, cám ơn Hai Thẹo đã mang cơ duyên đến cho mình rồi mỉm cười cúi xuống thận trọng mút từng con dòi trong vết thương ra và cẩn thận nhả chúng xuống một bên.  Hai Thẹo nghe mát rợi, cơn đau dịu hẳn, hắn mở mắt nhìn Minh, lần đầu tiên trong đời hắn chảy nước mắt vì biết được trên đời qủa thật có những người giống như trong chuyện cổ tích, những con người mà tình thương không có giới hạn, hắn khào khào trong họng,
 
“Con cám ơn ông thầy, xin ông thầy tụng cho con một bài kinh.”
Hai Thẹo thở hắt ra, nghẻo đầu sang một bên, hắn chết trước khi Minh mút hết những con dòi ra.  Minh chắp tay, niệm A Di Đà Phật bên thi thể Hai Thẹo.
Khi Minh đứng lên, chàng thấy người sảng khoái như chưa hề bị đánh đập, chàng bước ra cửa, tiến về phía những vong linh.  Bọn họ bây giờ hết còn hò hét, nét mặt cũng dễ coi hơn, nhìn Minh nửa như van lơn, nửa như sợ hãi, từ từ lùi bước mỗi khi chàng tới gần.  Bây giờ Minh mới để ý có vừng sáng vàng quanh mình, và nhữg vong linh cố tránh không để ánh sáng chạm tới.  Thấy vậy Minh ngừng lại cất tiếng,
“Đừng sợ, đừng sợ, hãy vào trong đi, tôi sẽ tụng kinh siêu độ cho các linh.”
Chàng quay trở lại, bế xác Hai Thẹo lại vách tường nhìn ra cửa.  Đặt xác hắn nằm kế bên, Minh ngồi kiết già và bắt đầu tụng bài kinh sám hối.
Ở ngoài, Hương ngập ngừng rồi rón rén bước vào trong, những vong linh khác nhìn theo và khi thấy không có gì xảy ra cho Hương, họ cũng rón rén làm theo, xếp bằng trước mặt Minh và chắp tay trước ngực.
Minh nở nụ cười an lạc, chàng thấy màn ánh sáng vàng lan rộng ra, khuôn mặt những vong linh được nó bao phủ, đang từ kinh dị, khủng khiếp dần dần trở lại bình thường, hiền lành.  Càng lúc Minh cành thấy nhiều thêm vong linh đến, nhưng ánh vàng chỉ lan xa hơn cửa một chút rồi ngưng lại, những vong linh đứng ngoài vòng ánh sáng, không chen lấn xô đẩy, la hét, Minh thấy những dòng nước mắt rơi trên những khuôn mặt kinh tởm đó, chàng nhắm mắt lại tụng kinh và thành khẩn nguyện xin cho phật pháp đến được với họ, cho tâm ý họ chuyển đổi, cho mỗi kiếp sau họ sống một cuộc đời hướng thiện hơn…hơn nữa.
Khi chàng ngưng tụng niệm, mở mắt nhìn thì trời đã mờ sáng, trong ngôi miếu hoang, không một bóng hình trừ cái xác Hai Thẹo.  Minh đứng dậy bước ra cửa, không cần sờ mặt chàng cũng biết những vết sẹo đã biến mất, rồi cả chàng nữa — tất cả đều là hư vô–chỉ còn lại cái tâm mà thôi.
 
“Manu, thầy tỉnh giấc chưa?”
Manu mở mắt, ngước nhìn thầy Hafiz đang đứng nhin mình với ánh mắt dò hỏi.  Xung quanh hai người, ánh nắng dịu dàng buổi sớm mai xuyên qua cành lá của khu rừng thưa; những vị tu sĩ khác đã rửa mặt xong xuôi chuẩn bị cho một ngày mới, chỉ còn Manu là hãy còn ngồi ngủ dưới gốc cây.  Chưa bao giờ Manu là người thức dậy sau cùng từ khi chàng được nhận vào đoàn tăng lữ, hôm nay sau một ngày qúa xúc động, chàng đã ngủ mê mệt.
 
Đám gia nhân đứng sau cánh cửa lớn của lâu đài dòng họ Das lên tiếng xầm xì khi thấy Manu trong đoàn tăng lữ đến tụng kinh cho đức ông Rohit.  Chúng bàn tán nho nhỏ nhưng
 
 
sôi nổi, trông chờ một biến cố chắc chắn sẽ xảy ra.  Tại sao trên đời lại có người xấu xa đến thế, thấp bé, đen đủi, mặt rỗ chằng chịt,…, từ đầu đến chân không tìm nổi một chỗ xem vừa mắt.  Nhưng tệ hại nhất là ai lại cả gan gởi một con quỷ gớm ghiếc như thế đến lâu đài thân vương dòng họ Das.  Không lẽ trong thành phố này còn có một người ngu tới mức không biết trong lâu đài này chỉ có người và vật đẹp đẽ, dễ coi mới được vào; có một người ngu tới mức không biết ngay đến gia nhân trong lâu đài này cũng có thể đánh đập gần như mọi người trong thành phố mà không ai dám làm gì?  Bọn gia nhân bàn tán và chờ đợi, chúng không dám xua đuổi Manu ngay vì chàng đi trong đám tu sĩ đến tụng kinh cho đức ông Rohit, và vì thân vương Ajit đang bận rộn không ai dám đến làm phiền ngài.
Ajit Das qúa bận rộn trong một ngày trọng đại như thế này, ông không có ngay cả thì giờ để đau buồn, thương nhớ tới người cha thân yêu vừa qua đời.  Đức thân vương, Rohit Das, luôn để ý tới sĩ diện của gia đình, ngài sẽ rất xấu hổ nếu Ajit làm điều gì lầm lỡ trong ngày tang lễ của ngài.  Cái đau khổ lớn nhất đeo đuổi ngài Rohit nhiều năm trời trước khi mất là phải bỏ laị của caỉ, tỳ thiếp, và quyền lực, nhưng ngài chưa bao giờ phaỉ lo âu Ajit sẽ làm mất mặt mình.  Nếu đức ông Rohit yêu sĩ diện một thì thân vương Ajit yêu nó gấp mười.
Và ngày hôm nay thân vương Ajit có dịp chứng tỏ cho mọi người trong thành phố thấy sự cao quý của dòng họ Das.  Không một ai được mặc áo cũ, kể cả đứa gia nhân hạ tiện nhất, không một bức tranh nào được nghiêng lệch, không một kẻ xấu xí, thô kệch nào được đứng trước quan tài, và chỉ có ca nhân đẹp nhất, hay nhất mới được mướn đọc những bài thơ ca tụng công đức ngài Rohit Das.  Đích thân thân vương Ajit trông coi từng chi tiết một, đã mấy ngày nay tinh thần thân vương rất căng thẳng, mọi lỗi lầm đều bị trừng trị nghiêm khắc.
 
Hôm nay, ngày cuối của tang lễ, thân vương Ajit qúa mệt mỏi, ngài ngồi mơ màng trên chiếc gối lớn, bên cạnh quan tài cha, nghỉ ngơi trong khi chờ nghe các nhà sư làm lễ, và chợt giật bắn người khi nghe tiếng Manu tụng kinh, cái giọng chói tai mà lại lớn nhất, nghe như tiếng ai đập vào miếng sắt mỏng giữa đêm khuya.  Không phaỉ Manu muốn vậy, nhưng giọng chàng vẫn vậy từ lúc mới sinh.  Thân vương Ajit giật mình vì tiếng chói tai đó, mở mắt nhìn, và khi thấy khuôn mặt Manu, người nổi cơn điên, đứng ngay dậy chỉ vào mặt Manu, tiếng hét làm ù tai moị người,
“Hãy đập con chó ghẻ này một trận và liệng nó ra khỏi đây.  Đuổi luôn đám thầy chùa này cho ta.”
Lệnh của thân vương cấp tấp được thi hành, Manu bị đánh nhừ tử và liệng ra ngoài đường như một con chó ghẻ, những nhà sư khác không bị đánh nhưng cũng bị chửi rủa và xô đuổi.  Tất cả bỏ đi về mặc Manu nằm đấy, một số còn lên tiếng oán trách Manu đã gây tai họa cho họ và làm xấu mặt sư sãi.  Chỉ còn người thầy của chàng, đại đức Hafiz bên cạnh, nhưng mặc cho thầy khuyên bảo, Manu vẫn cứ lăn lộn trên đường gào khóc.  Manu thấy đau đớn vô cùng tận, không phải vì đòn đánh, vì bị sỉ nhục, nhưng vì chàng nghĩ mình đã là nguyên nhân gây ra bi kịch hôm nay—tất cả chỉ vì ngoại hình và giọng nói của chính mình.
Manu kiên định như vậy, nên sau một hồi lăn lộn khóc lóc, chàng quỳ xuống chắp tay, ngửa mặt lên trời, thành kính cầu xin,
 
“Con nguyện đời đời, kiếp kiếp theo học đức Thích Ca, dù gian nan cực nhọc tới đâu con cũng không nản chí, nhưng khi độ trì tam bảo, giảng giải cho chúng sinh, tụng niệm cho sinh linh, con cần có một khuôn mặt dễ coi, một giọng nói dễ mến để dễ gần gũi họ rồi lựa lời mà giảng.  Con chưa bao giờ dám chê bai hình hài và giọng nói của mình, và biết rằng tất cả rồi sẽ bị huỷ diệt, nhưng con đã nguyện đời đời kiếp kiếp đi siêu độ chúng sinh, mà như hôm nay, con chưa đọc hết một câu kinh không những đã bị đánh đập, chửi rủa mà còn làm hại đến thầy mình và các sư thầy khác.  Nay con xin thỉnh cầu chư Phật gia ơn cho con kiếp sau có một khuôn mặt dễ mến và một giọng nói dễ nghe để con có thể hoằng dương đạo pháp.”
Đại đức Hafiz đợi cho Manu nguyện xong, mới nắm tay chàng kéo dậy, trên đường về khu rừng thưa, nơi hai người tu tập, đại đức Hafiz dịu dàng nói với chàng,
“Này Manu, con có biết con vừa mới tạo nên một nghiệp rất nặng không.  Ta hy vọng con sẽ đổi ý, nhưng nếu cái nghiệp nó tới sớm thì ta nguyện sẽ ở bên con.”
 
Đại đức Hafiz thấy Manu đã mở mắt nhìn mình, nhưng chưa trả lời, người nhắc lại,
“Này Manu, thầy đã hoàn toàn tỉnh táo chưa, tôi muốn biết thầy có còn nguyện xin mặt đẹp, giọng hay nữa không?”
Manu ngước nhìn thầy với cặp mắt biết ơn, chàng nhẹ nhàng lắc đầu.
                             HẾT
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
          MỘT                    KIẾP           Ở                TƯƠNG               LAI
 
VÀO TRUYỆN
Trên sân thượng tầng ba của căn biệt thự nhà Minh bạn bè đã tới đầy,  đứng ngồi gần chật cái sân thượng.  Tùng đi một đường trống lả lướt để gây chú ý cho Thanh, trưởng ban nhạc cũng là bạn thân của Minh cẩm micro giới thiệu,
 “Allo, allo.  Anh Minh sẽ hát bản đầu tiên để mở đầu buổi tiệc hôm nay.  Không cần giới thiệu, ai cũng biết anh Minh là ca sĩ nổi danh của Đại Học Văn Khoa.  Mời Minh.”
Dù bước chậm Minh vẫn cảm thấy nhói đau ở đầu gối, chàng đỡ lấy micro trong tiếng vỗ tay rào rạt của mọi người.  Thúy đứng cạnh Trang nói vào tai bạn,
“Ê, tôi ghen với bồ rồi nhen.  Đã đẹp gái mà còn cua được anh Minh.  Không phải mình tui ghen đâu nhe, mấy đứa khác còn ghen ác ôn hơn tui nữa đó.”
Trang vừa hãnh diện vừa mắc cỡ đấm nhẹ vào vai Thúy,
 “Muốn không tui cho luôn đó.”
“Thiiệt không đó bà?  Nghe ảnh ca mà trái tim tui muốn rớt ra ngoài.  Cho rồi cấm đòi lại dó nhen!”
Trang không trả lời, nhìn vào đôi mắt Minh lúc đó đang hướng về mình, bỗng thấy hơi bất an.  Dù Minh đang nhìn nàng, nhưng ánh mắt  như hướng về một nơi xa xôi nào đó.  Trang linh cảm Minh đang muốn giấu một điều gì, một điều rất quan trọng.  Sự sợ hãi đến đột ngột làm Trang không biết Minh hát gì; đôi mắt nàng ráng nắm giữ một khuôn mặt mà mãi tới lúc này nàng nghĩ sẽ hoàn toàn thuộc về mình.  Xung quanh nàng, Thúy và nhiều bạn gái khác đang bị mê hoặc.
Minh cầm đàn dạo khúc và hát…từ lúc Minh bắt đầu cất tiếng,, không gian như im lặng cho đến khi chàng ngưng tiếng, rồi tiếng vỗ tay như pháo nổ vang lên.  Từ hàng xóm phía dưới, vài tiếng huýt sáo và vỗ tay lẻ tẻ vọng lên.  Đứng ở một góc, Hoàng nói với Tâm,
“Tao không hiểu tại sao thằng Minh không muốn làm ca sĩ.  Nó mê hát mà còn hát hay gấp mấy ca sĩ thượng thặng.  Không đi hát thiệt uổng quá.”
Tâm vẫn theo dõi từng cử chỉ của Trang, nhún vai,
“Thằng khùng đó mày nói làm chi.  Ông Trí dạy triết nói nó không chừng đắc đạo trước Thượng Tọa Thích hoàng Tông.”
Mẹ Minh, đứng gần đó đưa mắt nhìn chồng và bắt gặp đôi mắt buồn của ông nhìn lại.  Bà đưa tay kéo nhẹ ông Đức; hai người len lén len qua đám đông đi xuống phòng mình.  Đóng cửa phòng xong, ông Đức quay lại hỏi vợ một câu mà hai người nhắc lại không biết bao nhiêu lần,
“Bà nghĩ sao về đề nghị của nó?”
 
Ông xem như già thêm mấy tuổi, bà cũng chẳng kém gì.  Với đôi mắt đã bắt đầu long lanh nước, bà Hoa chậm chạp trả lời,
“Tui thiệt chẳng suy nghĩ được gì.  Mỗi lần nhớ tới tui thiệt đau lòng quá.  Mình có một mình nó mà nó nỡ muốn bỏ mình, tui…”
Ông Đức khẽ ôm đôi vai đang rung lên của vợ—ước gì mình có thể đổi tất cả để con chuyển ý—ông nói với vợ mà không tin vào lời của chính mình,
“Tui cũng đau lòng lắm, nhưng nghĩ tới nghĩ lui cũng không có cách gì.  Cả tuần nay, ngày nào nó cũng quỳ gối mấy tiếng lạy lục xin xỏ bà với tui.  Tui thấy chí nó đã quyết rồi.  Nếu cản quá không chừng nó sinh bịnh hay làm bậy thì còn tệ hơn.  Tui tính mình đặt điều kiện bắt nó tu ở chùa Phật Quang.  Hổng chừng chú Thanh nói giúp cho mình được.  Rồi còn thêm mấy thầy nữa, cũng thân như người nhà, nhờ mấy thầy lựa lời khuyên bảo.  Hổng chừng nó ngộ ra rồi đổi ý.”
Mấy câu cuối ông Đức ráng nói hăng hái cho vợ an tâm, chứ ông thực tình hiểu tính Minh từ nhỏ làm gì cũng suy nghĩ cặn kẽ.  Nếu Minh không quyết tâm thì không thể quỳ xin ông bà mỗi ngày mấy tiếng.  Ông hơi hối hận là đã dắt Minh đi chùa sớm quá.  Bà Hoa cũng biết tính con mình, dù không tin vào lời ông mấy, nhưng cũng ráng hy vọng và bà cũng không muốn làm ông buồn thêm.  Bà nghĩ biết đâu chừng kiếp trước nó đã tu hành gần đắc đạo mà kiếp này mình cản thì mang tội.
Minh vừa hát vừa nhìn theo cha mẹ dắt tay nhau xuống lầu.  Chàng biết ông bà có ý riêng khi tổ chức bữa tiệc hôm nay.  Không muốn mọi người thấy mình sắp chảy nước mắt, Minh ngước lên trời cao.  Không trung thăm thẳm làm con người thấy mình bé nhỏ, thấy những tranh giành, đố kỵ, yêu thương, ganh ghét của con người thêm nhỏ nhoi.  Minh quyết tâm thoát ra khỏi những ràng buộc này.  Cơn đau dù còn đó nhưng đã dịu lại nhiều.
 
Sân thượng đã trống trơn.  Trang cùng Minh đứng dựa lưng vào ban công nhìn ngàn sao lung linh.  Họ im lặng đã lâu.  Trang sợ bất cứ câu nói nào được nói ra, rồi nàng nghe tiếng Minh khó khăn nuốt nước bọt.  Trang chờ đợi, nghe tim mình như thắt lại,
“Anh… anh có chuyện muốn nói với Trang…anh đang xin ba mẹ để được đi tu.”
Trang như mất một lúc mới hiểu được, và gần ngã xuống nếu Minh không kịp đỡ.  Minh dìu Trang tới ghế rồi ngồi kế bên.  Nàng khóc mãnh liệt, trừ những tiếng nấc làm vai rung lên từng chập, Trang cố gắng giữ tiếng khóc trong lòng.  Té ra là thế, những ánh mắt mông lung, sâu thẳm đó là để nhìn vào một thế giới khác — một thế giới không có nàng trong đó.
Minh chưa từng thấy Trang khóc cũng như chưa thấy một người nào có thể khóc thê thảm tới như vậy.  Chàng buông vai Trang, dùng hai tay bóp chặt thái dương chặn cơn đau đầu.  Nỗi đau này lớn hơn so với nỗi đau từ niềm hối hận chàng dành cho cha mẹ; chàng nghĩ nếu không chết chàng sẽ vĩnh viễn thoát khỏi những ràng buộc, yêu thương, đau đớn này.  Chỉ có hai đường — chết hoặc tu — đau một lần đến chết hay đời này kiếp khác không bao giờ đau khổ nữa.
Khi có thể nói được, Trang hỏi trong tiếng nấc,
 
“Lỗi tại em hay lỗi tại ba má?”
Câu hỏi của Trang làm Minh choáng váng, làm cơn đau tăng thêm.  Chàng buông tay khỏi đầu để nâng niu bàn tay Trang; giọng chàng run rẩy,
“Em và ba má anh không có lỗi.  Tất cả là tại anh.  Khi một người nhận ra tình yêu đang trói buộc cái lý tưởng của họ thì sẽ làm họ đau đớn gấp đôi.”
Minh cắn chặt hàm răng, hít một hơi dài, nhìn lên bầu trời thăm thẳm.  Rồi khi hơi thở tù túng cuối cùng thoát ra, Minh đứng lên, khoác tay lên vai Trang, nhẹ nhàng nói,
 “Anh xin lỗi.  Anh xin lỗi em ngàn vạn lần.  Để anh đưa em về kẻo muộn.”
Khi Minh trở lại, chàng dừng bước trước phòng ngủ của cha mẹ, nhẹ nhàng quỳ xuống như chàng đã quỳ hàng tuần nay.  Chàng đè nén cái đau từ chỗ sưng lên ở đầu gối.  Đêm im ắng tới mức lâu lâu Minh nghe được tiếng trăn trở của cha mẹ — và những tiếng thở dài mệt mỏi.  Khi đã thầm đọc nhiều lần bài kinh “Báo Hiếu Phụ Mẫu”, Minh chống tay đứng dậy, nhưng lại khụy xuống.  Chàng vịn tường leo cầu thang từng bước về phòng, tinh thần giao động sức lực kiết quệ Minh nhanh chóng thiếp đi.
.                           
Bà Ba đánh thức Minh dậy với giọng vui vẻ,
“Ông bà đương ngồi chờ cậu ăn sáng dưới nhà.  Cha, hôm nay tui vui hết sức, cả tuần nay mới thấy hai ổng bả cười được chút it.  Cả cậu nữa, xuống sắc quá chừng.  Hổm rày tui lo muốn chết.”
Minh nghe thấy mừng thầm, nhưng cũng xấu hổ vì đã gây ra bao lo lắng cho mọi người,
“Dì Ba đừng lo.  Mọi chuyện rồi sẽ êm xuôi.”
 Đúng như dì Ba nói, cha mẹ Minh sắc mặt tươi hơn mọi hôm.  Minh chào hỏi hai người rồi ngồi đối diện với cha.  Ông Đức nói,
“Dì Ba ngồi xuống ăn với chúng tôi cho vui.”
“Cám ơn ông hai.  Ông bà với cậu cứ ăn trước đi.  Tôi đi chợ mua chút đồ rồi sẽ ăn sau.”
Đợi dì Ba đóng cổng rồi ông Đức mới lên tiếng,
“Ăn đi con.  Ăn kẻo thức ăn nguội hết ngon.  Ba mẹ ăn xong rồi.”
Minh vừa nhai vừa hồi hộp chờ đợi, tránh nhìn vào mắt cha mẹ.  Ông Đức nói,
“Ba mẹ đã suy nghĩ kỹ rồi.  Ba mẹ đồng ý cho con đi tu với điều kiện…”
Tim Minh đập mạnh, miệng khô quánh.  Ông Đức tiếp,
“…điều kiện là con phải tu ở chùa Phật Quang và nếu con thấy không hợp với đời sống tu hành ở chùa, con phải trở về với ba mẹ.”
 
Minh ngước lên nhìn cha với đôi mắt biết ơn, trả lời,
“Con cám ơn ba mẹ đã chấp thuận cho con.  Con hứa sẽ vâng lời ba mẹ.  Nếu con thấy tu ở chùa không được, con sẽ về tu ở nhà với ba mẹ.”
Quay sang mẹ, Minh thấy nước mắt bà đã dàn dụa.  Chàng bước qua phía mẹ, ôm tay và quỳ bên cạnh, tha thiết nói,
“Mẹ đừng buồn.  Con tu ở đó mấy thầy sẽ cưng lo cho con đầy đủ.  Ba mẹ muốn thăm con lúc nào cũng được.  Mẹ không nhớ mẹ con mình từng nghe thầy giảng ‘tu là cõi phúc’ hay sao.”
Vẫn đang quỳ, Mình quay sang cha, chàng cúi đầu cám ơn lần nữa.
Ông Đức cố làm vui, nhưng giọng nói vẫn nghèn nghẹn,
“Thôi đứng lên đi con.  Ăn xong rồi lên lầu dọn dẹp.  Ở chơi tới chiều rồi ba mẹ chở con lên gặp thầy.”
“Để con ở đây nói chuyện với ba mẹ cho vui.  Con tính chỉ mang theo mấy cuốn sách thôi ba à.”
Bà Hoa nước mắt đã chảy tràn xuống má.  Bà biết không bao giờ Minh sẽ trở lại căn nhà này.  Bà biết đời là một chuỗi chia ly, nhưng cái hiểu biết ấy không có thể ngăn được dòng lệ nóng.
                            
Thượng Tọa Thích Như Thanh ngồi nói chuyện với ông bà Đức dưới bóng mát của cây điệp.  Ngôi chùa kế bên bờ sông, gió thổi mát rượi.  Khuôn viên chùa vắng vẻ trong buổi xế trưa.  Thượng Tọa Thanh nói đều đặn,
“Hai cháu đừng có lo, chú sẽ luôn luôn tìm cách khuyên bảo nó trở về.”
Ngưng một lát ông nói tiếp,
“Nhưng chú khuyên hai cháu đừng có hy vọng nhiều.  Chú thấy nó cương quyết lắm; cả tuần nay nó siêng năng tu hành, đọc kinh sớm hôm.  Có gì không hiểu, gặp ai cũng hỏi.  Coi bộ nó có căn cơ tu hành.”
Bà Hoa lại chảy nước mắt vì lời nói của người chú họ xa.  Ông Đức vẫn nài nỉ,
“Thầy ráng giúp tụi con.  Con biết nó có căn cơ tu hành, nhưng tụi con chỉ có mỗi một mình nó.”
Bà Hoa đưa tay gạt nước mắt nói,
“Xin thầy cứ nói thêm cho tui con một lần nữa, nếu nó không nghe thì tụi con cũng đành chịu.  Hổng chừng ý trời đã định, muốn tụi con trả nợ cho nó được tu hành thành đạo.”
Ông Đức hơi ngạc nhiên đưa mắt nhìn bà nhưng không nói gì.  Thượng Tọa Thanh hứa chắc,
“Chú sẽ khuyên bảo nó nhiều lần nữa.  Nếu nó có duyên có nghiệp thì mình cũng nên khuyến khích nó.  Biết đâu đắc đạo rồi nó sẽ phụ trì cho mình được nhiều phước đức trong kiếp tới.  Con phải tin vào đó nếu không con sẽ buồn mà nó cũng sẽ buồn.”
                  
Minh tần ngần nói với Đại Đức Thích Trí Huệ,
“Thưa thầy con có nên ra hay không?  Con chưa thấy mình đủ định lực để gặp lại Trang trong lúc này.”
Đại Đức Huệ khuyến khích,
“Người tu hành phải đối diện với ma chướng, phải coi đó là cơ hội cho mình thực tập.  Con cứ ra gặp cô ta đi.  Nếu có gì không ổn thì cứ gặp thầy.”
Nói xong thầy Huệ bỏ đi, để mặc Minh đứng cúi đầu.  Lát sau, Minh hít một hơi dài, đẩy cửa bước ra, đi vòng theo chánh điện.  Dưới bóng cây điệp, Tâm ngồi trên yên chiếc xe máy, Trang đứng gần đó.  Cả hai đều có vẻ bồn chồn khi thấy dáng Minh.  Bước chân Minh dừng lại khi chạm bóng mát của cây điệp cũng làm dừng bước chân vội vã của Trang, và nước mắt nàng trào ra trước khoảng cách giữa hai người.  Tâm phá tan im lặng,
“Chào Minh, lâu quá mới gặp.  Để mình ra bờ sông ngồi chơi một lát.  Có gì thì gọi mình.”
Minh gật đầu cám ơn, nhưng không nói tiếng nào chỉ nhìn chăm chú vào khuôn mặt Trang và những giọt nước mắt.  Trang gầy và đẹp hơn những hình ảnh mà chàng ráng xua đuổi trong vài tháng qua.  Minh ráng nhớ, nhưng lời dặn dò của Đại Đức Huệ không còn ý nghĩa gì.  Nỗi đau Minh cảm nhận lần cuối khi gặp Trang trở lại.  Những dòng nước mắt không ngưng kia chứng tỏ Trang nhớ Minh đến mức nào và Minh bỗng thèm được ôm nàng trong vòng tay, được lau những giọt nước mắt khổ đau, được hôn lên làn môi đang run rẩy. 
Trang chỉ nói được câu,
“Anh…anh gầy quá…”
Sự cố gắng tận cùng của nàng chỉ đến đó,  Trang òa khóc, chạy đến ôm Minh.  Ôm nàng trong vòng tay, Minh biết nếu buông ra Trang sẽ không đứng vững được.  Trời đất như không hiện diện.  Phật pháp như tan biến trong hư vô.  Nỗi đau như không giới hạn.  Minh quay cuồng giữa nỗi đau, thân hình Trang và quyết định của mình.  Trang cảm nhận ngay được tình yêu nóng bỏng của Minh khi vòng tay ôm xiết mỗi lúc mỗi mạnh mẽ.  Nàng tin rằng chỉ cần vài phút nữa thôi, Minh sẽ quay trở lại.  Nàng hòa tan vào Minh, vặn vẹo trong tay chàng và nức nở lớn tiếng hơn.
Giữa lúc đó, Đại Đức Huệ gióng tiếng chuông mở đầu buổi tụng kinh trưa.  Trang nghe và biết.  Nàng hận mình không thể hét to lên một lần, chửi một câu thật nặng nề vào sự giả dối, vào nơi nhân danh tình thương và giải thoát để tước đoạt đi tình yêu của nàng.  Thay vào đó, Trang thấy chân mình mềm nhũn đi, nàng nghĩ nàng đã ngất đi trong giây lát.  Vòng tay
 
 
Minh nhẹ dần.  Trang thấy một bên vai hơi ướt và lời Minh nghe như vọng về từ một nơi không có thật,
“Anh yêu em vô cùng.”
Thật tình Minh muốn đi thật lẹ tới chánh điện cùng tụng kinh với thầy Huệ, nhưng bước chân không theo ý chàng; nó nặng nề lê trên nền xi-măng nóng; nó kéo dài nỗi đau khổ của Trang và Minh.  Minh nghe tiếng chân Tâm quay trở lại.  Minh nghe tiếng Trang khóc òa lên, có lẽ nàng đang dựa vào Tâm — có lẽ nàng sẽ quên! 
Minh khép cửa chánh điện sau lưng, tiếng mõ, chiêng, và lời tụng kinh của thầy Huệ nhận chìm tất cả.  Minh không ngồi như mọi khi mà quỳ phía sau thầy, trán chàng gục trên sàn chánh điện.  Giọt nước mắt đã lăn xuống vẫn chưa khô, những giọt khác lại tiếp tục tràn ra…Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Phật.  Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Phật…
                            
Minh ngồi đối diện với thầy Huệ lòng dâng lên bao nỗi tôn kính.  Thầy ngồi bán già, lưng thẳng, nhìn ra dòng sông trước mặt.  Minh cũng ngồi bán già, lưng thẳng và nghe tiếng sông chảy, nhưng Minh thấy ngoài những hành động giống nhau cái phong cách thì khác xa diệu vợi.  Cách thầy Huệ đi, đứng, nói, ngồi đều tự nhiên như đứa trẻ mới sinh.  Nhiều người nói Minh có cách giống thầy, nhưng tự Minh hiểu mỗi cử động của chàng là một cố gắng.  Hình như chẳng ai thấy như vậy.  Đối với họ thầy Huệ, ngoài cái tình tình dịu dàng, dễ mến, chẳng có gì đáng nhớ.
Minh nhìn ly nước trà trong tay, trầm tư hỏi,
“Bạch thầy, con đã tu hơn một năm rồi, không lúc nào dám sao lãng.  Con ráng nghiên cứu bao nhiêu kinh sách, nhưng không bao giờ dám nghĩ mình có căn bản học thức mà không nghe lời khuyên dạy.   Lúc con đọc kinh, nghe giảng thì thông hiểu.  Biết là nếu vứt bỏ tất cả thì sẽ không còn khổ đau, nhưng sao trong lòng chưa bao giờ yên ổn lâu dài.  Thật ra sự tiến bộ của con còn tệ hơn so với sự tiến bộ của ba mẹ con và Trang.  Con không hiểu mình đã sai ở chỗ nào?”
Đại Đức Huệ mỉm cười, nhấp một ngụm trà, thong thả trả lời,
“Con đã chăm chỉ tu học không hề sao lãng hơn một năm nay.  Sự quyết tâm của con hơn nhiều người mà thầy biết, kể cả chính thầy.  Theo con nghĩ thì sau một năm cố gắng như vậy con nên đạt đến trình độ nào?”
“Bạch thầy, con không dám xảo ngôn, nhưng nếu bây giờ con đạt được một phần nhỏ của thầy thì con cũng hài lòng lắm rồi.”
“Nếu con đã dùng thầy để so sánh thì không biết thầy có nên nói với con điều này không?”
Minh náo nức,
“Xin thầy cứ nói.  Con hứa sẽ không thất vọng hay hy vọng quá mức để sao lãng việc tu tập.”
 
Thầy Huệ vẫn mỉm cười nhìn vào Minh, giọng nói ung dung, hiền từ, thầy bảo,
“Nếu thầy nói với con đã qua bao năm chuyên cần tu học thầy vẫn chưa vượt được cái ngã, và cũng không biết khi nào mình có thể vượt qua được cái bản ngã này thì con nghĩ thế nào?”
Minh cung kính trả lời,
“Bạch thầy, con đã được dậy rằng biết bao vị cao tăng đức hạnh tu hành chuyên cần gian khổ cũng nhiều lần đã đầu hàng trước cái ngã của mình.  Con không dám so sánh điều này với thầy và các cao tăng mà con đã học hỏi và tôn kính.”
“Này Minh, thầy biết con có ước nguyện lớn và thành tâm theo đuổi nó, nhưng thầy nghĩ con chỉ mới học, hiểu mà chưa có dịp đối diện với cái ngã của chính mình.  Thầy tin con sẽ đi xa hơn thầy, nhưng nếu con chưa đối diện và khắc phục cái ngã của mình thì con cũng sẽ như thầy đành phải tiếp tục vào kiếp khác.”
Minh hoang mang suy nghĩ về câu nói của thầy Huệ và kiểm lại hành động của mình từ lúc vào chùa.   Một lúc sau Minh như choàng tỉnh, chàng thưa,
“Xin lỗi thầy con đang cố nhớ lại từ lúc vào chùa, con luôn luôn kiểm soát Thọ, Tưởng, Hành và Thức.  Dù con không nghĩ mình có thể diệt được cái bản ngã, nhưng dầu sao con đã hằng giờ quán tưởng và đối diện nó, nên con thật sự không hiểu ý của thầy.”
Khuôn mặt trang nghiêm, dễ mến của thầy Huệ không thay đổi cũng như giọng nói của thầy,
“Khi nó tới rồi con sẽ biết Minh ạ.”
Thầy Huệ trầm ngâm thêm một lúc nữa rồi mới tiếp,
“Thưc ra ở tuổi con thầy đã dành nhiều thì giờ để chiến đấu với sắc dục hơn với cái ngã của mình.
Minh thấy hơi kiêu ngạo trong lòng.  Chàng đã vượt qua sắc đẹp của Trang, đã cắt đứt được tình yêu với hoa khôi để đến với đạo, và chàng thầm nghĩ chắc cái ngã đó cũng không khó hơn được cái sắc đẹp, tình yêu và sự đụng chạm thể chất.  Minh thấy tự tin hơn.
Thầy Huệ nhìn Minh và biết chàng nghĩ gì, thầy định không nói, nhưng nhớ về sự tranh đấu với cái ngã của mình, thầy nén thở dài, nói tiếp,
“Có lúc thầy tưởng đã phải dùng tới sự hành xác để vượt qua cái cám dỗ đó.”
Minh à lên một tiếng,
“Thầy làm con nhớ tới chuyện ông thầy Trí dậy Triết của con kể, có một vị thánh bên Thiên Chúa giáo đã phải dùng gai đập vào thân thể từng đêm để vượt qua sự cám dỗ về sắc dục.”
Chàng cảm động nói,
 
 
“Con cám ơn thầy đã chia sẻ cho con những kinh nghiệm đó của chính mình.  Con bây giờ thực sự chỉ lo lắng làm sao có đủ thì giờ để học hỏi và hiểu lời Phật dậy.”
Thầy Huệ đứng lên chuẩn bị cho công phu chiều, trước khi đi thầy nói,
“Con còn nhớ đức phật nói dây đàn căng quá hay chùng quá đều không tốt hay không?”
Cái băn khoăn, suy nghĩ của Minh về lời nói của thầy Huệ mau chóng rời khỏi chàng.  Minh đang lo cho buổi công phu chiều.  Chàng hy vọng các thầy sẽ dùng cơm mau chóng hơn mọi ngày để chàng còn có thể nghiên cứu thêm về cái ngã mà chàng nghĩ mình đã hiểu nó rất sâu sắc.  Tối nay sau khi các thầy đã yên ngủ, ngoài bài kinh báo hiếu như chàng đã tụng hàng đêm, Minh sẽ chọn một bài về ngã để tụng cho đến khi cái bản ngã của chàng biến thành hạt cát rồi tan biến trong hư vô.  Sau đó chàng sẽ tắm bên bờ sông cho tỉnh táo, tiếp theo là hành thiền.  Nhiều đêm Minh không biết mình đã ngủ lúc nào.  Một ngày trôi qua quá nhanh, không đủ thời gian cho Minh tu tập thêm, tăng tiến thêm.  Minh không có thì giờ ngủ nghê, nhưng tâm hồn càng lúc càng thảnh thơi, chàng nghĩ, “Mình đã may mắn được cha mẹ cho phép tu hành, đã không bị Trang làm gục ngã để yên tâm tu.   Bây giờ có chút mệt mỏi nào có thấm gì với những đau đớn về tinh thần và ham muốn của thể chất trước khi đi tu đâu.  Hơn nữa mình đã tự hứa chỉ có chết hoặc đạt đạo thì những cái này chỉ là muỗi đốt ngoài da thôi.”
                            
Minh hấp tấp theo chân ông Phú, phó chủ tịch ban quản trị chùa, lên gặp Thượng Tọa Thanh.  Trong phòng họp của chùa, thượng tọa đương ngồi xem cuốn sổ chi thu cùng ông Nam, chủ tịch ban quản trị.  Chưa kịp chào thượng tọa đã bảo,
“Ngồi xuống đây đi con.  Thầy muốn hỏi xế trưa con có thể sắp xếp đi với ban hộ niệm của anh Phú tụng kinh siêu độ cho gia đình ông Chữ được không?”
Minh vui mừng trả lời,
“Kính bạch thượng tọa, con đã nhiều lần muốn xin thượng tọa cho con học hỏi thêm kinh nghiệm ngoài đời mà chưa có dịp.”
“Thì thầy cũng phải đợi cho con học thuộc vài câu kinh kệ đã chứ.   Sư đi siêu độ mà phải có quyển kinh mới tụng được thì người ta cười cho.”
Mọi người cùng cười với câu nói giỡn của thượng tọa.  Ông Phú nói,
“Thầy Minh không cần phải lo.  Đám này nhỏ lắm.  Tôi xin với Thượng Tọa làm giúp người ta để lấy phước và để thầy có dịp làm quen chứ nhà chùa chẳng được lợi lộc gì.”
TTọa như quá quen với những thủ tục xã hội, không để ý tới câu nói của ông Phú, dặn dò,
“Con cứ nghe theo lời anh Phú.  Thầy thấy tụng kinh A Di Đà và một bài chú Vãng Sanh là được rồi.  Điều quan trọng là con tập làm quen được với nghi lễ ngoài đời rồi dần dần thầy sẽ dậy con thêm.”
 
Ông Nam phụ họa,
“Có thượng tọa đỡ đầu, thầy Minh chỉ cần làm theo chẳng cần lo gì cũng thành công.”
Minh im lặng nghe lời thượng tọa trong lòng không được vui vì câu nói của ông Phú và ông Nam; chàng nghĩ tới đó rồi sẽ liệu.
Ông Phú lái chiếc xe cũ mèm, kêu và thở những tiếng cuối trong đời, chở ban hộ niệm năm người và Minh ra bìa thành phố.  Đã lâu không bước chân ra khỏi chùa, Minh thấy mọi thứ vừa xa lạ, vừa gần gũi.  Sau vài phút mê mải tìm lại hình bóng xưa, Minh bình tâm, nhắm mắt, chú ý theo dõi hơi thở của mình.  Trong xe ồn ào tiếng nói, bà Hoàng nói vói lên,
“Lần này được đi hộ niệm với thầy Minh vui thiệt nha.  Tôi nghe nói thầy tụng kinh thiệt hay mà chưa được nghe lần nào.  Lần này chắc nghe đã tai.”
Bà Bích phụ họa,
“Tui cũng dzậy.  Tui nghe nói giọng thầy hay lắm.”
Các bà khác ồn ào nói theo, ông Phú lớn tiếng,
“Mấy bà nói nhỏ nhỏ dùm, thầy đang nhắm mắt dưỡng thần.  Chắc lần đầu thầy đi nên hồi hộp.  Hồi nãy tui có nói với thượng tọa là thầy đừng lo.  Có tui với mấy bà rành nghi lễ quá có gì mà lo.”
Đề tài của câu chuyện thay đổi.  Ban hộ niệm đã làm việc thiện nguyện bên nhau nhiều năm trời, tới nhiều nhà, nhiều chùa.  Họ biết nhiều thứ.  Gặp nhau trong mỗi chuyến đi ai cũng nói nhiều, rất vui, nhưng đôi khi vô tình hay cố ý họ cãi nhau rồi lại làm huề như cũ.  Khó ai bỏ được ban hộ niệm.  Mỗi khi được gia chủ cung kính đón tiếp trong khung cảnh trang nghiêm, họ thấy như mình trở thành người khác trong xã hội, không còn là những người phải khó khăn lo cơm ăn áo mặc hàng ngày.
Dù cố gắng Minh không thể không nghe những câu chuyện thế nhân, và chàng nghe rõ hơn một chút những khi ban hộ niệm nói đến mình.  Minh nhớ đến thầy Huệ, thầy chắc chẳng bao giờ động lòng với những lời khen, chê, bình phẩm thế này.  Chàng mỉm cười khi nhớ đến lời nói của thầy, lẩm bẩm ra miệng,
“Chắc nó đang tới.”
                            
Chiếc xe đậu xa ngoài ngõ, ban hộ niệm phải đi một khoảng xa mới tới nhà bác Chữ.  Căn nhà, nhỏ bé, xiêu vẹo và thấp lè tè.  Tuy vậy, đó chưa phải là căn nhà tệ nhất xóm này.  Bác Chữ gái cảm động và hãnh diện ra mặt khi thấy có cả một thầy đi cùng, ra tận cửa đón phái đoàn, chắp tay xuýt xoa thưa với Minh,
“Thật là quý hóa quá.  Cả nhà con đội ơn thầy.  Con đâu dám làm phiền tới các thầy.  Chú Phú thật là…”
 
Rồi quay sang ông Phú và ban hộ niệm, bà nói liên thanh,
“Cám ơn chú Phú, cám ơn các ông bà có lòng tốt thương tới gia đình chúng tôi, tới đây tụng kinh cho ông nhà tôi.  Trời phật rồi sẽ trả công cho thầy, cho chú Phú và cho các ông bà.  Mời thầy và các ông bà ngồi chơi…”
Ông Phú cắt ngang,
“Thầy Minh và chúng tôi còn bận nhiều việc.  Chị hãy chuẩn bị để chúng tôi tụng kinh cho anh rồi thầy còn về nghỉ ngơi.”
Bà Chữ hơi tiu nghỉu.  Dù biết ông Phú sẽ không bao giờ chịu ở lâu ở nhà bà, nhưng bà vẫn hy vọng lần này ông Chữ chết ông sẽ ở lại lâu hơn.  Như thế sau đó bà sẽ có cớ để khoe với hàng xóm là bà đã lo cho đám ma ông được tươm tất như thế nào.
Hàng xóm bắt đầu bu quanh, vài người quen thân cố chen vào; đã lâu họ chưa thấy một đám ma trịnh trọng như thế ở cái xóm nghèo nàn này.
Trừ câu chào đáp lễ gia chủ, Minh giữ im lặng.  Chàng và ban hộ niệm tiến lại gần quan tài theo bước đi của ông Phú.  Trong bộ đồ thường ngày, ông Chữ được che mặt bằng một miếng vải cũ, dúm dó.  Nằm trong chiếc quan tài ọp ẹp bằng gỗ tạp, tay chân và người ông không được thẳng thắn, thoải mái.  Hình dáng nghèo khổ theo ông từ lúc nhỏ vẫn không lìa bỏ ông lúc cuối cuộc đời.
Căn nhà nhỏ thấp nóng hầm hập và dù mới mất ngày hôm qua, thi thể đã hơi bốc mùi.  Ông Phú cùng ban hộ niệm nhăn mũi, ngừng lại khá xa chiếc quan tài.  Minh nhìn những đứa nhỏ đứng gần chiếc quan tài với nước mắt, mũi lấm lem, tưởng tượng ra chuyện có thể xảy ra cho cha mình.  Chàng tiến lại gần quan tài, và không đợi ông Phú lên tiếng, bắt đầu tụng bài chú Vãng Sanh.  Trừ ông Phú, ban hộ niệm sau vài giây lúng túng bị giọng Minh như thôi miên cũng nhanh chóng chắp tay, bắt theo bài chú mà họ đã tụng ngàn lần.
Khi nhìn thấy thái độ trang nghiêm và thành kính của Minh, ông Phú bỏ ý định muốn Minh làm theo ý mình .  Ông nhìn xung quanh, mọi người đang chắp tay cúi đầu lắng nghe.  Họ dường như quên buổi trưa nắng nực, quên cái nghèo nàn của mình.  Chưa bao giờ ông Phú trải qua một lần tương tự.  Một lúc sau, ông ngạc nhiên khi thấy mình cũng đang chắp tay tụng theo thầy Minh và ban hộ niệm.  Trong lòng ông cảm nhận được sự bình an mà ông it có.
                            
Ông Tín đi trước, bước theo sau là bác sĩ Trần và hai người y tá khép nép cách họ vài bước .  Bà quả phụ Trâm, gầy ốm, nằm yên lặng trong phòng bệnh rộng rãi sang trọng.  Hai em trai và em gái của ông Tín, ngồi trên chiếc sa-lông nhỏ gần giường mẹ.  Họ đứng lên, cất tiếng chào anh mình, và kéo ghế xa ra.  Bác sĩ Trần kiểm tra sức khỏe bà cụ trong khi ông Tín đứng nhìn lơ đãng.  Bà Trâm có vẻ tươi tắn hơn mọi ngày, bà bảo,
“Thôi, ông bác sĩ khỏi phải khám thêm.  Hôm nay tui thấy khỏe muốn nói chuyện với mấy đứa một chút.”
 
Bác sĩ Trần nói vuốt theo,
“Vâng, cháu thấy cụ đang khỏe dần, không chừng mai mốt cụ đã có thể về nhà rồi đấy ạ.”
“Thôi, ông đừng nói giỡn chơi.  Tui biết mình tui lắm rồi.”
Bác sĩ Trần vừa định nói thêm thì ông Tín đã ngắt lời,
“Cám ơn anh Trần, anh cứ để cụ ở đây với chúng tôi.  Cần gì tôi sẽ gọi.”
Bác sĩ Trần chào mọi người, bước ra cùng hai cô y tá và không quên khép cánh cửa phòng lại.
Ông Tín cúi xuống cầm tay mẹ, nhẹ nhàng nói,
“Anh Trần nói đúng đó má.  Con thấy má hôm nay coi bộ mạnh khỏe nhiều.  Hổng chừng vài hôm là mình xuất viện được rồi.”
Rồi ông quay ra phía sau nhìn mấy đứa em hỏi,
“Phải không tụi bay…ay?”
Mấy người em cười vui vẻ, tranh nhau nói,
“Phải đó anh hai, tụi em thấy má bữa nay thiệt là mạnh rồi.”
Cụ Trâm cười vì nghe ông Tín gọi em là “tụi bay”, đã lâu trong nhà không ai dùng từ đó,
“Ờ há thằng Tín nó nói làm tao nhớ hồi “tụi bay” còn nhỏ, ba má đi làm, hổng ai coi tụi bay, thằng Tín phải dắt mấy đứa qua chùa Phật Quang chơi cho tới chiều tối mới dìa.”
Lời bà cụ dắt ông Tín đi về một thủa xưa cực khổ mà thân yêu.  Ông nói chuyện với má và ba em mà đầu óc cứ hiện lên hình ảnh một ngôi chùa nhỏ, nghèo, bên bờ sông và một ông thầy chùa lâu lâu lại cho anh em ông chút cơm khi ba má ông về trễ.
Bà cụ được ngày khỏe, nhân lúc nhớ chuyện xưa, vui vẻ cùng các con ôn chuyện cũ tới lúc mệt ngủ thiếp đi.  Mọi người đi về trừ ông Tuấn, anh ba ở lại trông nom.  Ông Tín ra tới cửa thì ông Tuấn gọi giật lại,
“Anh hai, ờ quên, hồi sáng trung tướng Long lại thăm má, ảnh có gởi lời hỏi thăm anh.”
Ông Tín gật đầu nói,
“Ờ, để chiều anh gọi lại ảnh để cám ơn.  Nhớ coi chừng má cẩn thận, có gì gọi cho anh.  Thôi anh về.”     
 
Lên xe, ông Tín hỏi người tài xế,
“Chú có biết chùa Phật Quang bên quận Tư không?”
 
Anh Quang trả lời,
“Thưa ông em hông biết.  Ông để em hỏi mấy người bán hàng ở đây, hổng chừng họ biết.”
“Khỏi cần chú cứ nghe tui chỉ là được rồi.  Lâu rồi tui hổng tới, nhưng chắc còn nhớ.  Cũng dễ chứ không khó.”
Trí nhớ ông Tín không tệ lắm, chỉ một lần đi lạc, họ đã tới nơi.  Ông Tín dặn,
“Anh đậu xe hơi xa một chút cho tui.”
Anh Quang ngạc nhiên vâng lời, đậu xe dưới một bóng cây cao, rồi bước xuống mở cửa xe cho ông Tín.  Trước khi xuống, ông Tín cởi bỏ chiếc áo vét, cà-vạt, vài chiếc cúc và xăn tay áo lên.  Buổi trưa vắng lặng không một bóng người ngoài đường.  Mãi khi đi ngang chánh điện ông mới nghe thấy tiếng khá to của một người đàn bà vọng ra từ một căn phòng lớn mà ông đoán là phòng họp của chùa,
“Ông làm ơn cho tôi gặp thầy Minh đi.  Tội nghiệp tôi quá mà, tôi đi xe lam từ sáng tới giờ mới tới được đây.  Tôi thiệt tình có chuyện quan trọng muốn nói với thầy Minh mà.”
Ông Tín không nghe rõ tiếng người đàn ông trả lời.  Không muốn dính líu tới chuyện thiên hạ, ông bước thẳng ra phía bờ sông.  Từ lúc bước tới cổng chùa, mỗi bước chân gợi một kỷ niệm, ông Tín xúc động vô cùng, thầm tiếc mình đã bỏ quên những kỷ niệm dấu yêu khá lâu.  Ngôi chùa không thay đổi  nhiều, ngoài vài căn phòng được cất thêm lên sau chánh điện, và cái cây điệp nhỏ xíu bây giờ đã trở thành đại thụ.  Khi ông bước gần đến cây điệp thì nghe tiếng kêu của người đàn bà vang lên mừng rỡ,
“Kìa ổng kìa, ổng ra kìa.”
Rồi bà ta la giật giọng,
“Thầy Minh…thầy Minh, thầy chờ tôi một chút…tôi kiếm thầy từ sáng đến giờ.”
Ông Tín quay sang phía bên phải thấy một thầy tu còn trẻ, đầu cúi, bước ra khỏi chánh điện đi về phía phòng tăng, hơi ngập ngừng chậm bước khi nghe tiếng kêu của người đàn bà.  Từ phòng họp, một bà trung niên, quần áo cũ kỹ, đi đôi dép nhựa chạy nhanh ra.  Chậm chạp phía sau bà ta là một ông ăn mặc chững chạc, vừa đi vừa càu nhàu,
“Bà làm gì mà như ăn cướp vậy.  Từ từ rồi người ta sẽ cho gặp… “
Người đàn bà không để ý đến ông ta, chạy ngay tới chỗ thầy Minh, hai tay nắm chặt tay thầy, vừa kéo vừa nói,
“Trời ơi gặp thầy tôi mừng quá.  Tôi tưởng uổng công mình bữa nay rồi chứ.  Tôi tới cám ơn thầy bữa hôm tới tụng kinh cho ông nhà tôi.  Thầy biết không, ổng linh lắm, hôm qua ổng hiện về nói với tôi là ổng được siêu thoát rồi.  Ổng nói nhờ thầy tụng kinh cho mới được siêu thoát lẹ.  Ổng nói tôi lên cám ơn thầy.  Ổng nói…”
 
                  
Nói tới đây, người đàn bà xúc động quỳ xuống trên nền xi-măng nóng, gục đầu vào bàn tay thầy Minh, nghẹn lời trong tiếng khóc.  Người đàn bà hành động, nói năng lẹ làng.  Mãi đến lúc bà ta quỳ xuống, thầy Minh muốn kéo bà ta lại nhưng không kịp.  Ông Tín nghe thầy Minh năn nỉ,
“Bà Chữ, bà cứ bình tĩnh, đứng lên rồi hãy nói.”
Nhưng bà Chữ không nghe lời, bà ta cứ quỳ ôm tay thầy Minh mà nói.  Ông Tín vừa hơi cảm động vừa thấy thú vị vì dường như đối với bà Chữ, ông thầy trẻ tuổi kia là một vị phật tái sinh.  Tới giờ thấy chưa ai để ý đến sự hiện diện mình, ông Tín muốn biết đầu đuôi câu chuyện nên nép phía sau cây điệp lắng nghe tiếng đối thoại.
Người đàn ông càu nhàu,
“Thầy Minh, thầy quỳ xuống làm gì.  Kệ bả chứ.”
Ông Tín ló đầu ra nhìn, trước mặt bà Chữ, thầy Minh đã đang quỳ trên xi-măng, hai tay nắm lại tay bà ta.  Bà Chữ giọng hoảng hốt, đứng dậy kéo thầy Minh đứng lên, bà ta thay đổi cách xưng hô,
“Trời ơi tội nghiệp con quá thầy Minh ơi.  Thầy mà quỳ trước mặt con thì con làm sao đầu thai được.  Con xin lỗi thầy…”
Khi hai người đứng lên, bà Chữ cúi xuống phủi bụi đất cho thầy Minh, nhưng khi bị cản thì bà ta không dám làm nữa.  Ông Tín nhìn thầy Minh dịu dàng khuyên nhủ người bà Chữ.  Ông thấy sự thành kính trong lời nói và hành động của nhà sư trẻ với người đàn bà nghèo nàn trong khi người đàn ông, mà ông nghe gọi là ông Nam, rõ ràng là rất khó chịu với sự hiện diện của bà ta.  Khi bà Chữ đã bớt xúc động, hai người đàn ông dắt bà ta đi về phía phòng họp.  Ông Tín thấy hết hứng thăm chùa.  Trên đường về, ông băn khoăn về những lời của bà Chữ.  Ông không tin nhiều vào tôn giáo, nhưng ông đã thấy nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra cho người quen và ngay cả chính ông.  Những chuyện mà con người không giải thích được.  Má ông càng già càng tin vào tôn giáo.  Mấy tháng nằm trong bệnh viện đã nhiều lần bà nhắc về chùa chiền, và đã từng nói về chuyện ma chay của mình.  Ông lẩm bẩm, “Biết đâu bữa nay mình trở lại chùa Phật Quang lại là một chuyện lạ khác?”
 
“Bạch thầy, tối qua lúc tụng kinh con buồn ngủ quá tụng không được, phải đổi cách tụng gần như hát thì lại thấy tỉnh ngủ.  Có điều con cảm thấy cách tụng đó không được trang nghiêm, nhất là ở chánh điện.”
Minh bẽn lẽn nói với thầy Huệ.  Hai người có thói quen uống trà chung với nhau sau bữa trưa.  Thầy Huệ nhìn dòng sông, điềm đạm nói,
“Nếu lòng mình không trang nghiêm thì dù có tụng kiểu gì cũng vậy thôi.”
Rồi thầy quay sang hỏi han Minh,
 
 
“Dạo này con đi hộ niệm nhiều, con có nên bớt những việc khác không?  Thầy thấy con có vẻ mệt mỏi và ốm hơn trước.”
Minh cảm động trước sự ân cần của thầy, suy nghĩ một lát rồi trả lời,
“Con cứ suy nghĩ về chuyện này mãi.  Nhưng trước khi vào tu, con đã nguyện là dù có cực khổ đau đớn đến đâu cũng một lòng cố gắng cho đến khi hiểu đạo, đạt đạo mới thôi, dù có phải hy sinh chính mình con cũng cam chịu.”
Giọng thầy Huệ vẫn đều đặn như tiếng của dòng sông,
“Thầy chỉ muốn nhắc con về chuyện căng dây đàn của đức phật.”
 
Tối đó khi Minh dùng giọng hát của mình để tụng kinh cho khỏi buồn ngủ, chàng chú tâm giữ lòng cho thật trang nghiêm, để lòng tôn kính vào từng câu, “A Di Đà Phật”, để tâm trí vào từng chữ, “…sắc bất dị không, không bất dị sắc…”.  Minh thấy lòng mình khoan khoái, càng tụng càng say mê, Minh thấy như mình đang biểu diễn một bản hát, lời kinh cứ như một bài tình ca mà chàng đã từng ưa thích vang lên…vang lên trong đêm vắng, tranh đua với tiếng cóc, nhái, ễnh ương,…
 
Ông Chúc không kìm được sự bực bội, than phiền với thầy Huệ,
“Cái bà Bảo thật làm xấu mặt chùa mình.  Cả mấy chục năm nay chùa mình nghèo mà có tai tiếng gì đâu.  Ban hộ niệm bây giờ cũng chia năm xẻ bảy.  Cũng may là phần lớn phật tử ở đây và thầy vẫn luôn luôn tốt, nếu không chắc con đi chùa khác hay ở nhà luôn quá.”
Thầy Huệ  khuyên nhủ,
“Ông Chúc à, không có cái quả nào mà không đến từ một cái nhân trước đó.  Nếu mình không giúp được bà ta thì hãy coi như bà ta đang giúp mình.  Đừng có phiền lòng vì nó nhiều quá sẽ có hại cho việc tu hành.”
Chiếc xe đã chật người, nhưng bà Bảo vẫn cố chen lên.  Các bà trên xe la lên phản đối.  Bà Bích dẫu môi,
“Thôi bà Bảo ơi, xe chật cả rồi, xuống đi, để lần sau tôi nhường cho.”
Bà Bảo vừa chen lên vừa trả lời,
“Ối dào, có chật gì đâu.  Các bà chịu khó nhích vào một tí là có chỗ cho tôi rồi, còn không tôi ngồi dưới sàn cũng được.  Mình đi tụng kinh cho người để lấy phước thì chật một tí đã sao nào.”
Bà Lan nói mỉa,
“Ấy bên thầy Huệ cũng có một đám sao hồi nãy bà không theo để làm phước.  Hay là…”
 
Bà Hoàng cướp lời,
“Có mà năn nỉ bà ấy cũng chẳng đi.  Bây giờ đi với thầy Minh thì có đủ thứ, ăn uống thỏa thuê, mà lại có tí quà thì ai mà chẳng muốn.  Ngược lại ngày xưa …”
Ông Phú vừa lái xe vừa nói chõ xuống,
“Ôi mấy bà ồn quá.  Để tôi và anh Nam coi lại rồi chia ban hộ niệm thành từng nhóm cho rõ ràng là hết cãi.”
Nghe thế các bà càng ồn hơn, bà Bảo to tiếng,
“Cái gì cũng phải công bằng mới được.  Tôi theo sau nhưng hết lòng với thầy Minh, có thầy đây làm chứng cho.  Ông phải để tôi vào ban hộ niệm của thầy Minh mới đúng.”
Các bà khác nhao nhao lên cãi, ông Phú can thiệp,
“Các bà nhỏ mồm cho thầy nghỉ.  Thầy đã mệt nhọc cả ngày đêm, chỉ mới có nhắm mắt một chút mà đã không yên với mấy bà rồi.”
Minh vẫn nhắm mắt dưỡng thần như những lần khác đi theo ban hộ niệm.  Chàng cố gắng tĩnh tâm, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác dễ chịu về những lời khen càng lúc càng nhiều và càng quá đáng của ban hộ niệm.  Tuy có đôi lúc Minh thấy mắc cở về những lời khen này, nhưng thường thì chàng làm ngơ làm như không nghe thấy.
Tiếng ông Phú vọng lên căn dặn,
“Hôm nay là ngày quan trọng, tôi dặn mấy bà lần chót.  Người quá cố là cha ông quận trưởng.  Đám này lớn lắm, nhiều người chức phận tới dự, mấy bà đừng làm gì để mất mặt chùa, mất mặt thầy Minh hay mất mặt tôi là tôi không nể đâu.”
Bà Lan kéo dài giọng nói,
“Ai cũng biết rồi ông khỏi phải nhắc.  Miễn là không có người thấy đồ ăn ngon lén lấy thêm mang về nhà thì chẳng có gì mà mất mặt.”
Ông Phú liếc thấy Minh cau mày, vội nói,
“Thôi!  Bỏ qua hết đi.  Mọi người cứ làm theo lời thầy Minh dạy thì chẳng có ai dám nói gì.  Nhớ đấy!”
 
Quận trưởng Tưởng ra tận cửa đón ông Tín, cám ơn ông Tín về lời chia buồn rồi đưa ông lên thư phòng ở lầu trên.  Vừa mở cửa phòng đã nghe tiếng ông Kiếm, quận trưởng quận hai,
“…tôi vẫn không đồng ý với việc mời thầy Minh tụng kinh cho bác.  Anh ta chưa có chức vị gì mà còn trẻ quá.”
 
 
Ông Tín nhìn quanh toàn bè bạn cả, ông chào mọi người rồi tham gia ngay vào câu chuyện đang diễn ra sôi nổi,
“Khoan, khoan, đợi anh Tưởng kể thêm đã.  Mới đầu tui cũng nghĩ như anh vậy.”
Ông Tưởng mặt mày nhăn nhó,
“Thì cũng như tui nói cho mấy anh nghe cả tuần nay rồi.  Thiệt rầu, trong nhà hổm rày cũng vì chuyện này mà lộn xộn quá trời, nhưng mà bà già bả quyết định rồi ai dám cãi.  Tất cả là tại bà dì, bả đi chùa tối ngày rồi nghe người ta ca tụng ông thầy Minh này, bả mới tới nghe rồi mê luôn.  Rồi rủ bà già tui đi…”
Giọng ông trở nên nghi hoặc,
“…nhưng mà lạ nhe, tui bực quá đi dò mới nghe nhiều chuyện lạ về ông thầy này.  Mấy người đi theo ổng coi ổng như thần thánh.  Rồi nhiều người kể, nhiều gia đình được ổng tụng niệm nói họ nằm mơ thấy người thân được đầu thai hay giải thoát sớm…”
Nhìn một số người bạn lắc đầu tỏ vẻ không tin, giọng ông Tưởng trở nên hăng hái,
“…ờ mà cũng không dễ đâu nghe, bây giờ ổng nổi tiếng nhiều người đặt cọc.  Nếu Thượng Tọa Thanh không nể tình gia đình tui mà ép ổng thì ổng cũng đi tụng nơi khác bữa nay rồi.  Nhưng để mọi chuyện êm xuôi tui cũng nhờ mấy Thượng Tọa, Đại Đức bên chùa Quốc Tự đến tụng trước.”
Trung tướng Long lên tiếng,
“Chắc cũng mấy người nghèo, mê tín dị đoan mới mời anh ta thôi chứ trong đám mình tôi mới nghe có anh mời anh ta lần đầu tiên. Mà anh nói thượng tọa Thanh phải ép anh ta.  Tôi tưởng anh phải nói, anh ta mong được làm lễ cho bác trai?”
Ông Tín đứng đó trầm ngâm nhớ tới cảnh bà Chữ và thầy Minh quỳ đối diện nhau hôm nào.  Ông  nóng ruột muốn tận mắt thấy Minh cử hành buổi lễ, chen vào nói,
 “Không, anh Tưởng nói đúng đó.  Nếu tôi không lầm về thầy Minh thì nếu thượng tọa Thanh không ép thì chắc không mời được đâu.”
Ông Tước, bộ trưởng bộ giáo dục chen vào,
“Tôi thì thấy anh Long nói đúng.  Tôi cũng mới nghe tới tên anh ta lần đầu.  Để xem anh ta làm ăn ra làm sao.”
 
Minh hơi cúi đầu, mắt nhìn thấp, nhịp chân đều nhưng không quá chậm, dẫn đầu bước về phía quan tài.  Ban hộ niệm mặt mày nghiêm trang, đi sát vào nhau dưới cặp mắt quan sát của những người ăn mặc sang trọng dự đám tang.  Tang gia đông đúc đứng phía sau và dưới chân quan tài, bạn thân ông Tưởng, cùng nhiều người nghe phong phanh về chuyện của
 
Minh, tò mò quan sát họ.  Đâu đó những câu, “…đẹp trai quá…”, “…trẻ quá…”, được nhắc tới nhiều lần.
Cũng như những lần khác, Minh tiến hành nghi lễ ngay sau vài lời chia buồn với tang quyến, rồi chàng nghiêm trang, thành kính thi hành bổn phận của mình, không chú ý tới hoàn cảnh xung quanh.  Và khi Minh cất tiếng tụng niệm, lời kinh không còn là tiếng ê-a, một hình thức tôn giáo giống như khi các vị Thượng Tọa, Đại Đức của chùa Quốc Tự tụng nữa.  Cùng với khuôn mặt và hành động của Minh, lời kinh vang lên như xuất phát tự một tấm lòng đã tin trọn vẹn vào lòng từ bi của đức Thế Tôn, vào sự dẫn dắt của người đưa vong linh tới miền an lạc.  Giọng Minh truyền lời kinh vào tim của người nghe, mang bình an tới cho tất cả mọi người.
Trung tướng Long chăm chú nhìn Minh từ đầu đến chân, từ nét mặt tới cử động của ngón tay.  Ông lắng nghe những lời bình phẩm của người khác.  Ông hài lòng trước sự khép nép của ban hộ niệm nghèo và cau mày trước thái độ dửng dưng của Minh.  Ông hơi tức giận vì so với thái độ cao quí và khiêm cung của các thượng tọa, đại đức chùa Quốc Tự, Minh làm ra vẻ ta đây để che thân phận hèn mọn của mình.  Ông lẩm bẩm tán thưởng giọng chàng khi Minh bắt đầu tụng niệm, nhưng khó chịu với cách tụng như hát.  Ông nhìn xung quanh và cảm thấy mọi người đang bị lừa gạt.  Nhưng họ đã quá nghiêm trang và ông biết rằng phá vỡ niềm tin của đám đông xuẩn ngốc là một hành động ngu ngốc gấp bội, vì thế ông đứng yên và quan sát thêm để có bằng chứng thuyết phục bạn bè.  Một lúc sau, ông lơi cảnh giác và tức thì bị lôi cuốn vào tiếng tụng kinh của Minh.  trung tướng Long thấy đầu óc dịu lại, nhớ lại những giây phút thanh thản hiếm có trong đời, những giây phút ông nghe những bản nhạc ưa thích trong yên lặng, những giây phút mà ông không phải tìm kiếm một lý do chống đối để khẳng định chính mình.  Ông Long cảm thấy khuôn mặt mình giãn ra, hạnh phúc, nhưng ông lại sợ người ta thấy ông như vậy lại nghĩ là ông tán thưởng thầy Minh, nên ông nghiêm nét mặt lại.  Một lúc sau ông lại thấy cảm giác bình an trở lại, ông len lén nhìn xung quanh và an tâm khi thấy không ai chú ý đến mình.  Ông liếc sang các bạn và thấy họ đều đang chắp tay, cúi đầu; từ đó ông không suy nghĩ thêm nữa mà để mình làm theo mọi người.
Ông Tín chắp tay trước ngực, chìm trong tiếng tụng kinh, một lát sau tò mò liếc sang thì thấy trung tướng Long, bộ trưởng Tước cũng chắp tay trước ngực—bây giờ ông đã biết tại sao.  Thầy Minh là một cục nam châm và giọng thầy là liều thuốc phiện.
Một tuần sau lễ an táng, ông Tưởng tiếp các bạn thân của mình ở thư phòng.  Ông Tưởng thở dài một hơi, rót cho mình một ly rượu vang rồi thả mình xuống ghế cạnh cửa sổ.  Ông Tín lên tiếng xua bầu không khí nặng nề,
“Mấy anh thấy thầy Minh thế nào.  Tôi thấy bác gái có vẻ mến thầy nhiều.”
Ông Tưởng nói,
“Mến gì mà mến!  Phải nói bả mê thầy Minh mới đúng.  Nhưng tui cũng mừng, thẩy nói gì bả cũng nghe, mà thầy nói toàn những điều hay mới độc chứ.  Hai hôm trước bả nằng nặc đòi tui đưa lên chùa trả lễ…”
 
Tướng Long xen vào,
“Ừ, bà xã tui và bà già cũng muốn lên tụng kinh với thầy Minh.”
Ông Tưởng ngăn,
“Khoan đã.  Cái chùa nhỏ, nghèo lắm.  Mình đưa mấy bả lên đó hơi bất tiện.”
Bộ trưởng Tước đưa ý kiến,
“Vậy thì mình phải làm gấp mới được.  Bà xã anh Long đã muốn đi thì chắc bà xã tôi cũng theo đuôi liền đó.”
 
Ông Nam nhìn vào cuốn sổ chi thu mà không tin vào mắt mình, ông ngửng đầu nhìn lên thấy thượng tọa Thanh mở miệng cười hớn hở,
“Ông ngạc nhiên lắm phải không.  Tôi cũng vậy.  Số tiền cúng dường này chỉ để dành mua thêm đất, xây lại chùa—tất cả: từ chánh điện đến tăng phòng.  Nay mai sẽ có kiến trúc sư tới cho mình chọn kiến trúc mới của chùa.  Vị ân nhân tạm thời không ra mặt chỉ cho người đại diện báo cho mình biết.  Ông đoán thử xem ai cho mình và tại sao?”
Ông Nam trả lời ngay,
“Bạch thầy chả cần đoán con cũng biết là tại vì thầy Minh, còn người cho thi con nghĩ chắc là ông quận trưởng Tưởng, nhưng con không ngờ gia đình ổng giầu dữ vậy.”
 
Thượng tọa Thanh tiếp ông Tín tại tăng phòng của thầy.  Gian phòng bày biện và trang trí gần giống hệt như tăng phòng của Minh.  Họ ngồi đối diện ở bộ xa lông cuối phòng, thượng tọa Thanh vui vẻ than phiền,
“Chúng tôi rất biết ơn ông Tín cùng bạn bè đã giúp cho chùa trở nên to lớn, trang nghiêm xứng đáng cho phật tử các nơi tới cung bái.  Trời phật sẽ trả ơn cho các ông và gia đình nhiều lần hơn thế.  Duy có điều là chúng tôi tu hành đã lâu không quen với tiện nghi sang trọng nên có hơi bỡ ngỡ.  Nhất là thầy Mình một hai đòi ngủ lại trên cái giường cũ và chỉ cần bộ bàn ghế gỗ để tiếp khách.”
Ông Tín hơi cau mày, trả lời,
“Thưa thầy, tôi thấy là mấy thầy chưa quen thôi.  Ở những chùa lớn khác chuyện ấy là thường.  Ở đó, các vị hòa thượng, thượng tọa thường xuyên phải tiếp các cụ lớn tuổi, sang trọng, sức khỏe kém cần  đủ tiện nghi ở các mọi nơi.  Bây giờ chùa mình cũng lớn, cũng nổi tiếng, chẳng bao lâu nữa các thầy sẽ phải tiếp các cụ như vậy nên mình sửa soạn trước là vừa.  Mình giúp cho các cụ ấy được thoải mái, được mạnh khỏe tu hành thì mấy cụ giúp lại chùa mình nhiều lần hơn nữa.  Với lại mấy thầy tu hành cực khổ cũng phải có chút tiện nghi để giữ gìn sức khỏe.”
 
Thượng tọa Thanh tỏ vẻ hiểu biết,
“Tôi đồng ý với ông Tín.  Cái vấn đề là thầy Minh còn trẻ, chưa hiểu đời.  Thầy nói nếu tôi không cho đổi thì thầy sẽ nằm đất.  Thầy ấy còn phân bì với đại đức Huệ …”
Ông Tín nóng ruột cắt ngang,
“Tôi nghĩ thầy Minh chỉ nên chú trọng vào việc tu hành của chính mình, không nên so bì với thầy Huệ làm gì.  Thầy thử khuyên giải thầy ấy như tôi nói thử xem.  Hay mình cứ để như vậy một thời gian cho thầy ấy quen đi.”
Thượng tọa Thanh có vẻ khó xử,
“Tôi và cha mẹ thầy Minh đã khuyên nhiều lần rồi.  Nhưng được, chúng tôi sẽ cố gắng thêm.  Tôi sẽ cho ông biết.”
Ông Tín cáo từ ra về nhớ lại chính mình đã đề nghị với nhóm bạn hữu về việc ép thầy Minh có một tăng phòng sang trọng.  Ông tò mò muốn biết đạo hạnh của Minh đã đến đâu.
Tối hôm đó, thượng tọa Thanh gọi đại đức Huệ và Minh lên nói chuyện.  Câu chuyện chấm dứt khi đại đức Huệ nói,
“Ai mà có thể giữ tâm trong sáng giữa nhung lụa thì sự thành đạo rất cao lớn.  Con tự cảm thấy mình chưa đạt tới mức đó nên không dám nhận lãnh.  Ngoài ra con cảm thấy mình không có công trong chuyện này.”
Lần đầu tiên Minh thấy không phục và muốn làm trái ý thầy Huệ, chàng quyết định chấp nhận sống trở lại trong nhung lụa và giữ vững lòng tin của mình.
Ngay sau khi nói xong, đại đức Huệ biết mình sẽ phải sám hối rất lâu.  đại đức không hiểu sao đôi khi mình thua chính cái ngã của mình trong những trường hợp dễ dàng như thế này, đại đức tự nhủ,
“Cái ngã đó mạnh mẽ quá, nó luôn tiềm tàng trong mình chỉ chờ cơ hội để ngóc đầu lên.  Lâu nay mình ráng quá mức để kiềm chế nó có thể mình đã làm không đúng.  Không biết phải tu tập thế nào mới thoát được cái bản ngã xấu xí này?”
 
Trang lại thăm ông bà Đức, ba má Minh, một mình.  Trước khi đi nàng bảo Tâm,
“Em không muốn anh tới vì sự hiện diện của anh sẽ làm ba má anh Minh buồn vì nhớ lại anh ấy, chứ em không có ý gì khác.  Em không muốn thấy từ nay mỗi lần em thăm hai bác lại thấy anh mang cái mặt đám ma đó nữa.”
Trang hài lòng khi thấy Tâm nghe lời, lủi thủi bỏ về không dám cãi một tiếng.  Tâm biết Trang lâu lâu vẫn đến thăm ông bà Đức, tuy nhiên chàng làm như không biết.  Hôm nay Tâm muốn thử phản ứng của Trang.  Chàng làm như tình cờ biết được và muốn được đi cùng. 
 
Phản ứng của Trang mãnh liệt hơn Tâm dự trù.  Chàng ra về thấy tức tối đến nghẹn họng mà chẳng dám nghĩ thẳng là mình đang tức ai.  Tâm luôn cảm thấy mối tình của mình như một
cái bong bóng xà phòng lớn, cực đẹp và mong manh.  Lúc nào nghĩ rằng nó có thể sẽ vỡ là Tâm cảm thấy đau ở ngực.
Sau này thấy ba má Minh bớt buồn và cuộc tình với Tâm thêm sâu, Trang đã đỡ nhớ Minh.  Lòng nàng vẫn chua xót khi thầm cầu nguyện cho Minh được đắc đạo, nhưng nàng ước gì mình có thể cầu cho Minh xuống địa ngục.  Gần tới nhà Minh, Trang thấy dì Ba đứng đợi bên hai chiếc cổng sắt mở rộng và ông bà Đức đang bước lên xe, Trang hớt hải bấm còi inh ỏi.  Đợi khi xe nàng đến bên cạnh, bà Hoa vui vẻ hỏi,
“Cháu đến thiệt đúng lúc, hai bác đang đinh lên chùa thăm thằng Minh, cháu có rảnh không đi cho vui.  Hôm nay trên chùa lễ lớn, vui lắm”
Tiếc cho công lao đến thăm, và cũng chẳng có gì làm trong buổi chiều, Trang hồi hộp nhận lời; nàng chưa hề đến thăm Minh sau lần đó.
Chùa đông nghẹt người, dù công trình xây cất đã gần xong, nhưng vật liệu vẫn còn để ngổn ngang chắn lối làm buổi lễ càng thêm vui vẻ, lộn xộn.  Những người trẻ hãy còn tìm cách nói chuyện, nhìn ngắm nhau; trẻ con chạy chơi khắp nơi.  Trang bước theo ông bà Đức vào chánh điện rộng lớn với tám cột bê tông với hình rồng đắp nổi.  Dưới chân các tượng phật và kệ thờ là một bậc thềm cao hơn; phía dưới sàn nhà xếp chừng cả trăm cái bồ đoàn.  Phần lớn các cụ già đã ngồi rải rác trong chánh điện với bạn bè hay gia đình nói chuyện to nhỏ với nhau.  Trang ngại ngùng nhưng vẫn theo ông bà Đức ngồi gần chỗ đối diện với bậc thềm cao; tim nàng lại một phen đập nhanh khi tưởng tượng xem Minh sẽ ngồi ở đâu.
Giây phút quan trọng rồi cũng tới, ông Nam đứng thẳng, hướng vào phía hậu điện thông báo,
“Xin mời quý vị phật tử đứng dậy, cung kính cung thỉnh chư tăng.” Thượng tọa Thanh dẫn đầu một phái đoàn hơn hai chục tăng ni chùa Phật Quang và chùa bạn tươi cười giơ tay vẫy chào mọi người.  Trang dõi mắt tìm thấy Minh đi gần cuối hàng gần thầy Huệ.  Trong phút chốc, Trang muốn mọi thứ trở lại như ngày xưa; trong phút chốc, nàng biết, nàng không nên đến đây.
 
Cuối cùng Minh cũng thấy nàng, chàng hơi mỉm cười ngạc nhiên, hơi cúi đầu như chào hỏi, nhưng không đợi câu trả lời mà lại mau chóng nhìn xuống khoảng không trước mặt của mình.  Trang thất vọng vô cùng, ánh mắt chàng như có nhận ra một người quen cũ—một người quen không mấy thân thiết.
Trang đã nhiều lần muốn bỏ ra ngoài, nhưng vẫn cố ngồi lại.  Nàng ngắc ngứ ê a theo mọi người, nhưng cứ liên tục liếc nhìn về phía Minh trong vô vọng.  Trang khổ sở…Trang giận dữ…Trang tội nghiệp cho chính mình…Lâu lâu tim nàng nhói lên, bụng nàng thắt bóp, thái dương đau nhức…Nàng muốn khóc giữa những lời xưng tụng lòng từ bi của đức phật đến muôn loài.  Nhưng Trang phải dồn nén tất cả, và trước những khuôn mặt an vui của mọi người trong ngày lễ lớn, nàng không những cảm thấy bị hành phạt mà còn bị ruồng bỏ—Trang đã tìm thấy địa ngục của mình ở gần niết bàn.
         
Như một nghiệp chướng, như một người cai ma túy trở lại hút lần đầu, Trang trở lại chùa một mình buổi sáng hôm sau.  Nàng giả vờ như người vãn cảnh, nhưng cặp mắt liếc vội và chân bước nhanh qua những chỗ không có Minh.  Tới gần trưa Trang tuyệt vọng ngồi nghỉ trong phòng họp.  Từ phía sau vọng lên giọng tiếc nuối lẫn chút bực bội của một người đàn bà đứng tuổi,
“Gớm, tôi chỉ chậm một chút là mấy bà ấy đã tranh nhau lấy mất chỗ đi hộ niệm với thầy Minh hôm nay…”
Người bạn bà ta cắt lời,
“Bà Bảo à, lần nào thầy Minh đi hộ niệm cũng có bà.  Lâu lâu cũng nên nhường cho người khác với chứ.  Nếu bà muốn làm công quả thì thiếu gì việc để làm, cần gì cứ phải theo thầy Minh mới được.”
“Ấy tôi có muốn theo thầy ấy đâu.  Bởi vì tôi ở trong ban hộ niệm của thầy nên tôi phải đi thế thôi.  Cái đáng trách là người khác không phải trong ban hộ niệm mà cũng dành kìa.”
Một người đàn ông xía vào,
“Ôi mấy bà, mấy cô cứ thấy thầy Minh là xúm vào như ong bu mật.  Lần sau bà có muốn theo thì tới sớm.  Tới đúng giờ thì đừng hòng chen nổi với mấy cô tre trẻ.”
Một cụ già lên tiếng trách,
“Các ông các bà không sợ có tội à, nói xấu thầy Minh lúc thầy không có mặt?  Tôi chưa thấy thầy một lần nhìn bà nào, nhìn cô nào hơn một lần.  Không có thầy thì chùa này còn lâu mới được như vầy.  Nếu các ông bà không thích thì cứ tới chùa khác mà giúp.”
Bà cụ già dường như có chút địa vị ở đây, Trang nghe người đàn ông cười giả lã, nói cầu hòa,
“Thưa cụ con có dám nói gì đâu.  Uy tín và đạo đức thầy Minh thì cả nước ai mà chẳng biết.  Nói chi tới đàn bà con gái, con thấy cả các ông quận trưởng, bộ trưởng còn kính phục thầy chưa hết nữa mà.”
Bà cụ có vẻ hài lòng,
“Ông nói đúng đấy.  Tôi nghe mấy ông ấy thuyết phục được thượng tọa Thanh phong thầy làm Đại Đức mà thầy còn chưa chịu.  Tôi thật may, mãi đến cuối đời lại có phước theo hầu một người như thầy.”
Trang có cảm tưởng như đang ở trên mây, có cảm tưởng như họ đang khen gián tiếp về nàng.  Một người nàng đã từng ôm trên tay, từng nói những tiếng âu yếm với nàng, hôm nay là thần tượng của mọi người.  Minh trong lòng nàng như tỏa ra hào quang sáng chói.  Chập chờn trong trí óc nàng, hình ảnh công chúa Da Du Đà La (Yashodara, tên vợ của đức phật) đang thành kính chăm sóc cho Đức Thích Ca Mâu Ni.
 
Cách vài ngày Trang lại lên chùa một lần cho đến khi Tâm nghi ngờ và theo dõi, chàng không tìm được một điều gì đáng trách từ Minh.  Lúc nào có dịp Tâm cũng ráng tâng bốc Minh trước mặt Trang, và mỗi lần như vậy những nỗi giận vô cớ bốc lên gần như không kìm chế được.  Tâm sống trong hoảng loạn, chờ đợi một thảm họa mà chàng tin chắc chắn sẽ xảy ra.
 
Những người bạn của Bích phải bước lui lại tránh đường cho người đi ngược chiều.  Bích có vẻ thông thạo nói,
“Bây giờ chùa lúc nào cũng đông người, vậy mà cách đây chừng hơn hai năm nó vắng như chùa bà đanh.”
Thắm chu cái môi son đỏ, làm điệu với một nam phật tử đi ngược chiều đang nhìn mình chăm chăm, điệu bộ nói,
“Chắc nhờ có thầy Minh.  Nếu không có thầy tu ở đây chắc tui cũng hổng tới.”
Cô Điệp hăm dọa,
“Tui cảnh cáo bà đó nhe.  Quyến rũ người tu hành là tội nặng lắm đó nhe!”
Cô Thắm quay đầu nhìn theo chàng thanh niên trẻ tuổi đang bước qua, dù mắc cở nhưng mắt không rời khỏi nàng, giọng lẳng lơ,
“Nếu là người tu hành thiệt thì mười tui cũng không dụ dỗ được.  Chỉ sợ khi tui mới tới gần thì ổng cũng, ngoài miệng nam mô mà trong bụng thì quánh lô tô, thì ráng chịu thôi.”
 
Nghe có khách tới, Minh ráng giương mắt lên, và định ngồi lên tiếp, nhưng Thắm đã nhanh nhẹn bước qua tất cả ngồi bên bờ giường, dịu dàng nhấn vai Minh xuống trong tiếng khuyên ngăn của mọi người,
“Trời ơi, thầy ngồi dậy làm chi, cứ nằm nghỉ ngơi đi.  Tui…tụi con đến thăm mà thầy phải ngồi tiếp thì kỳ tới tụi con không dám tới đâu.”
Minh hơi nhấc người ra khỏi tay Thắm và nhúc nhích người mỗi khi bàn tay Thắm chỉ chờ những cơ hội để đụng chạm vào người chàng.  Minh không sợ những đụng chạm đó.  Sau này Mình phải đối phó với những đụng chạm phần lớn là cố ý từ nữ phật tử gần như mỗi ngày.  Rất ít trường hợp làm Minh rung động, thường thì chàng cười vào những cám dỗ sơ đẳng đó và thấy thương hại cho họ—thương hại cho họ đã gặp phải một vị chân tu.  Trong căn phòng tăng lữ, rộng rãi, sang trọng còn mới mùi sơn, chiếc giường của Minh rộng gấp ba chiếc giường cũ.  Sa tanh phủ trắng tất cả, mịn màng, tinh khiết, cao cả và mời gọi.  Minh nắm sát vào trong một chút để Thắm và Bích ngồi ở lề giường.  Mặt chàng quay nghiêng, tiếp chuyện họ.
 
 
Thắm thấy trên chiếc giường phủ sa-tanh trắng tinh khiết đó, nổi lên màu vàng quý phái của chiếc áo tăng, và trong đó là một thân thể hơi gầy, cao mà thanh thoát.  Ló ra phía dưới là hai bàn chân gầy với những ngón chân thon dài đẹp đẽ.   Và gối đầu trên cái gối sa-tanh trắng mịn là cái đầu trọc đẹp trai đầy nam tính, quyến rũ đến mức không cần đến sự trang điểm của mái tóc.
Vẻ sang trọng của căn phòng ở chốn tôn nghiêm gây cho Thắm cảm giác bị kích thích; vẻ kính trọng đến nịnh bợ của mọi người đối với một ông thầy chùa không chức vị làm Thắm xúc động, và khi nhìn thấy Minh thi Thắm nghe trái tim mình đập bình bịch, bình bịch liên hồi; nàng suýt bật ra cửa miệng những gì đang suy nghĩ trong đầu,
“Chời Ơi!  Chời ơi!  Đi tu có cần đẹp trai như dzậy hông trời?”
Thắm tranh nói với những người khác để được Minh chú ý dù chẳng biết mình nói gì, và nàng cũng chẳng biết giọng mình đã trở nên nũng nịu đến mức làm Bích phải mắc cỡ.  Nàng nói để ngăn sự xúc động, để không ai nghe được tiếng nàng đang suy nghĩ,
“Thầy Minh ơi, thầy là của con.  Thầy là của một mình con.  Người nào muốn chiếm thầy thì phải bước qua xác con trước.”
Ngay sau đó ý nghĩ của nàng chuyển sang,
“ Minh ơi, em yêu anh.  Hãy cho em hy sinh tất cả vì anh.” 
 
Thắm không thể kiểm soát được tư tưởng cũng như bàn tay nàng.  Cái bàn tay tìm đủ mọi cách để chạm vào người Minh, lúc thì bàn tay, bắp tay, rồi vai, rồi ngay cả bụng và ngực chàng.  Cũng may Thắm biết Minh không thích qua những cái ngọ ngoạy người, và cũng vì sợ Minh giận nên nàng không làm tới, nhưng mặt nàng nóng hừng hực, người như bốc lửa.
Minh chỉ muốn ngủ thêm một giấc, sự thiếu ngủ làm đầu óc chàng lâng lâng khó chịu.  Chàng hơi bực mình vì bị phá giấc ngủ trưa.  Từ lúc các cụ được phép vào tận phòng tăng đã làm thành một tiền lệ xấu cho các thầy và phật tử khác.  Phần lớn họ muốn gặp riêng Minh tại tăng phòng để cho mọi người thấy họ trung thành với chàng, như bà Bảo.  Nhưng vài nữ phật tử đã ngầm có thái độ thân mật quá mức với Minh khi họ có cơ hội ở riêng với chàng.  Thái độ suồng sã của Thắm làm Minh khó chịu thêm, chàng chưa biết làm sao thì may quá ông Phú có chuyện muốn nói.  Minh nhìn ông ta, mắt hơi nháy và tỏ chút bực mình.  Không ngờ ông Phú dường như hiểu được cái mệnh lệnh không lời đó, to tiếng mời mọi người ra ngoài.  Khi mọi người ra hết, Minh thở phào, và sau khi trao đổi với ông Phú vài câu, chàng trằn trọc tìm lại giấc ngủ.  Căn phòng mát rượi; dù vậy sức nóng giữa trưa tạo cảm giác ngột ngạt, và giấc ngủ cần thiết bị gián đoạn nửa chừng làm Minh không giữ được sự bình tĩnh thường ngày.  Chàng khó chịu với mùi nước hoa của Thắm còn sót lại; chàng bực mình với ý nghĩ Thắm đã coi thường mình, đã không thấy vẻ chân tu của mình và—nhất là: Thắm đẹp và hấp dẫn hơn tất cả mọi nữ phật tử chàng đã gặp.
Thắm sang trọng, giàu có vì những tình nhân của nàng giàu có, sang trọng, có quyền hành đang say mê nàng. Thắm phách lối và kiêu ngạo vì nàng biết mình qúa đẹp, qúa quyến rũ. 
 
Dẫu vậy Thắm vẫn là một người đàn bà Á Đông.  Thể xác và tâm hồn nàng làm đĩ chín phương, nhưng vẫn chừa một phương để tới chùa.  Có thể nàng đã tạo nhiều oan nghiệp; nên thay vì tìm thấy bình an ở chùa, nàng đã tìm thấy oan gia của chính mình.  Nàng đã thấy người làm cho nhịp tim nàng lỗi nhịp, làm ánh mắt nàng lạc thần và làm người nàng như bị thiêu đốt—thầy Minh—người đã nhìn nàng với cặp mắt thương hại!
Thắm chạy xe ra khỏi chùa với ánh mắt đó của Minh trong đầu, nàng tự hứa,
“Anh Minh ơi, không có ai được nhìn Thắm với cặp mắt thương hại đâu.  Nên dù em sẵn lòng đưa cổ chết chém thay cho anh, em sẽ làm nước mắt anh chảy ra từ cặp mắt hút hồn đó.”
 
Đầu óc Minh bị ám ảnh bởi Thắm, chàng cố nhớ tới chuyện đức phật và nàng Abhirupa Nanda để vượt qua sự cám dỗ <trích từ cuốn kinh…>
Nàng Nanda hãy nhìn
Tấm thân chỗ quy tụ
Nhiều bịnh hoạn bất tịnh
Đầy hôi hám thối nát
Tâm nàng hãy tu tập
Quán tri, tánh bất tịnh
Đạt cho được nhất tâm
Tâm tư khéo thiền định.
Hãy tu tập vô tướng
Hãy bỏ mạn tùy miên
Do thắng tri được mạn
Sư sẽ sống an tịnh.
 
Minh tụng bài kệ về nàng Nanda cho tới khi chàng nhìn được chính mình già nua như Ttọa Thanh và Thắm già như bà Bảo, đầy người ghẻ lở, hôi hám, chàng mới thấy sự bình an trở lại.
Ngày hôm đó Minh đã phải tụng bài kinh này nhiều lần, lúc thì ra miệng, lúc thì trong tâm tưởng.  Mỗi ngày bóng dáng Thắm mỗi mờ dần, Minh hài lòng với sự chiến thắng của chính mình, chưa bao giờ chàng gặp một cám dỗ lớn như vậy—đã có vài đêm Minh vật vã tìm giấc ngủ, dù mệt đến rã rời.
 
Chưa tới bốn giờ chiều thứ Bảy, chùa đã đông phật tử đến dự lễ sám hối.  Một số người đến sớm để có cơ may được dùng cơm chay với thầy Minh rồi sau đó nếu may mắn hơn được hầu chuyện với thầy.  Nhưng thấy Minh lại khác, thầy bồn chồn không duyên cớ; thầy đi tới đi lui lơ đãng chào hỏi, lơ đãng tiếp chuyện với tất cả, nhưng chẳng nói với ai lâu.  Chốc chốc thầy lại về phòng để hành thiền, hay vào chánh điện để tụng kinh.  Thầy Huệ thấy tất cả, mỉm cười thương hại Minh rồi tự trách mình đã để cái ngã lần nữa đánh bại mình, đại đức Huệ về phòng hành thiền và chỉ bước ra khi có người thông báo đã đến giờ làm lễ.
 
Minh theo các thầy vào chánh điện.  Ngay lập tức chàng nhìn thấy Thắm, nàng nổi bật lên trong đám phật tử dù chỉ với cái áo dài giản dị.  Tim Minh đập mạnh hơn.  Lần thứ hai chàng nhìn Thắm thì thấy Thắm đang liếc lại mình.  Minh nhìn thấy nụ cười trong đó…thấy sự mừng rỡ, si mê… và Minh gần như không biết mình đang ở đâu.  Chàng không thấy Trang đang ngồi đối diện bệ thềm ngưỡng mộ nhìn chàng, và chợt như có linh tính nàng quay ngoắt lại phía sau tìm kiếm.
Cái linh tính của Trang bén nhạy đến mức lần đầu tiên gặp Thắm trong phòng Minh nàng biết ngay đó là người có thể thay nàng làm công chúa Da Du Đà La.  Và dường như Thắm biết rõ Trang là tình cũ của Minh, nhưng không coi Trang bằng nửa con mắt.  Lần đó Thắm ỏng ẹo nói,
“Thầy Minh ui, nếu thầy có mệt mỏi thì để con đấm bóp cho nhen.  Con mới học lớp đấm bóp tuần trước.  Con đấm bóp đã lắm.”
Và dù cố gắng, giọng Minh vẫn không được tự nhiên, chàng nghiêm trang trả lời,
“Cám ơn cô Thắm, tôi không thấy mệt.”
Nhưng khi Trang hay các nữ phật tử trẻ khác đề nghị đấm bóp, chàng cười vui vẻ trả lời,
“Cám ơn Trang (hoặc Thúy, Bích, …), thầy chẳng có bao giờ mệt cả.  Chỉ có nghe mấy cô nói là thầy mới thấy mệt thôi.”
Thường thì trả lời Thắm xong chàng nhìn đi chỗ khác, nhưng Trang kín đáo thấy Minh ngầm liếc Thắm sau đó.  Còn Trang và các người khác, cái nhìn của chàng thẳng thắn.  Trang biết, Thắm cũng biết, cả hai đều biết Thắm đang chờ một dịp nào đó để ra tay.
Nhiều tháng nay, Trang cũng có một cố gắng tương tự.  Trước khi Thắm tới, những ý nghĩ đó chỉ tiềm tàng trong đầu, và nàng còn ráng xô đuổi khi nó xuất hiện.  Nhưng vài tháng nay, một sự so kình, một sự chạy đua ngấm ngầm, nhưng gấp gáp giữa hai người.  Lý do chính để Thắm không dùng du đãng dằn mặt Trang
 
Trang đang phụ rửa chén cùng các phật tử trụ cột khác sau bữa tối, đột nhiên nàng ngửng đầu lên theo dõi một bóng người tiến về phía tăng phòng—đúng là Thắm!  Thắm đang bước những bước mạnh mẽ và quyết đoán về phía đó.  Trang cuống quít rửa tay, lấy cớ đi vệ sinh, rồi vòng qua phía sau ép sát tai vào cửa sổ phòng Minh.  Phía ngoài đã tối và bóng cây che dấu Trang, nhưng trong phòng, qua ánh đèn mờ, Trang thấy Thắm đối diện với Minh.  Trang thở phào khi thấy hai người còn đứng cách xa nhau.  Gương mặt Thắm lộ vẻ lẳng lơ,giận dữ, van lơn, còn Minh thì vẫn cứ, hay đang cố gắng bình thản.  Trang không nghe rõ được họ nói gì, nàng quyết định đứng nhìn hai người và sẽ bỏ đi cùng lúc với Thắm.  May mắn thay, sau đó Trang thấy Thắm dang tay tiến lại trong khi Minh lùi và giơ tay cản lại, cùng một lúc tiếng Thắm lớn lên, vang ra, đứt quãng,
“….cho em một đứa con…”
 
Trang choáng váng muốn xỉu, tim nàng đập như trống làng, và nàng định xông vào ngăn cản hành động bất chính của Thắm, nhưng vì Minh lùi lại nên nàng cũng yên tâm chờ đợi.  Trang rủa thầm trong miệng,
“Con quỷ cái, mày mà làm hại…”
Ý tưởng xoay chuyển, đột nhiên Trang đổi ý—nàng muốn thấy Minh đầu hàng!  Nàng muốn thấy Minh phạm tội khi nàng có mặt.  Bên trong sức chống đỡ của Minh yếu dần, và Thắm đã để được tay mình trên hai vai Minh trong lúc hai người đang nói chuyện.  Lửa ghen bùng lên như thiêu đốt. Tim Trang lại đập như trống làng.  Bao nhiêu ý nghĩ trái ngược dồn dập, quay cuồng, nàng không biết mình đang suy nghĩ gì nữa.  Rồi dường như tất cả mọi thứ đều chao đảo, Trang chóng mặt kinh khủng.  Trang không muốn khuỵu xuống trong lúc này, hai tay nàng bám vào thành cửa sổ trong khi người cứ từ từ rớt xuống.  Khi Trang tỉnh dậy, không một tiếng động vọng ra.  Xung quanh nàng tiếng giun, dế, và vọng lại từ chánh điện là tiếng tụng kinh như xa như gần.   Nàng gượng đứng dậy, vịn thành cửa sổ nhìn vào căn phòng tối thui.  Thấy còn chóng mặt, Trang vội ngồi thụp xuống rồi gượng đứng lên ra về, không nghe thấy tiếng rên rỉ nho nhỏ phía sau bức tường gần chỗ nàng đứng.
 
Minh đầy phẫn nộ với chính mình, bước tới bước lui trong căn phòng.  Đầu óc như muốn nổ tung lên, và tim chàng đau với từng ý nghĩ,
“Tại sao mình lại có thể đầu hàng dễ dàng như thế trước Thắm?  Thế ra những tu tập cố gắng bao nhiêu năm nay chỉ được có thế thôi?  Thế mà lâu nay mình vẫn tưởng mình vẫn tưởng mình là vị chân tu, sắp sửa thành chánh đạo đến nơi rồi.  Thế mà mình dám có lúc nghĩ là mình đã hơn Đại Đức Huệ và nhiều thầy khác.  Thầy Huệ đã từng cảnh cáo mình về cái ngã, mà mình vẫn khinh thường.  Mình cứ tưởng mình sắp thành quả La Hán tới nơi,…”
Minh rủa xả mình, càng lúc càng bị khích động, muốn lớn tiếng khóc mà không được,
“Ai là người gây tiếng động ngoài cửa sổ?  Mình chẳng thấy ai, nhưng chắc chắn là có người theo dõi và gây tiếng động lúc mình sắp đầu hàng Thắm.  Người đó là ai?  Thầy Huệ?  Trang?…Ai??  Liệu họ có mang chuyện kể cho tất cả mọi người hay không?  Người ta sẽ nhìn mình bằng cặp mắt gì??”
Minh muốn điên lên chàng muốn đập phá một cái gì đó, đôi mắt chàng dừng lại trên chiếc bình bông, trên bàn giữa bộ xa lông.  Thay vì cầm bình bông ném xuống cho dịu cơn điên, trong vô thức, Minh nhấc lên cái bông hồng rực rỡ, đẹp nhất, và thơm nhất.  Ngón tay cái của Minh vướng vào gai buốt nhói.  Minh cầm bông hoa lên, đưa bàn tay mình lại gần nhìn màu đỏ của máu và màu đỏ thẫm của bông như màu son môi của Thắm.  Bỗng chàng chợt nhớ ra— Minh đặt cuống hoa giữa lòng bàn tay và bóp mạnh.
 
Một cơn đau nhức buốt chạy thẳng lên óc, Minh buông rơi bông hoa xuống sàn, nếu không kịp cắn   răng vào tay áo thì chàng đã la thất thanh rồi.  Ngoài cái đau ra, Minh không nghĩ được gì khác, chàng lại ngồi cạnh thành giường, ghì cổ tay, nhìn vào bàn tay đầm đìa máu. 
 
Khi cơn đau dịu xuống Minh mới chợt nhớ là chàng đã quên Thắm, Trang, thầy Huệ và tất cả những gì vừa xảy ra.  Chàng nhặt cái bông lên, bước lại tắt đèn, cởi chiếc áo tăng bào bước đến cạnh tường ngồi thiền.  Minh ngoái tay để cái bông hồng giữa bức tường và lưng mình rồi từ từ ép vào, chàng nghiến răng rên rĩ nhè nhẹ theo từng cử động—trong Minh chẳng còn gì ngoài những cơn đau buốt óc.
 
Hôm sau khi thầy Huệ thấy cái băng tay đẫm máu của Minh và vẻ mặt mắc cở của chàng, thầy đã đoán ra gần hết câu chuyện.  Hai người đã từ lâu không còn uống trà chung với nhau nữa.  Minh cúi đầu thưa với thầy Huệ,
“Xin thầy nói với thượng tọa và mọi người là con không được khỏe, con sẽ tu tập trong phòng vài ngày.”
Thầy Huệ gật đầu,
“Ừ, con đừng lo, thầy sẽ xin cho và nhờ người mang cơm vào phòng cho con.”
Suốt ngày hôm đó thầy Huệ nhớ về vết thương của Minh.  Thầy nhớ tới lúc Minh vào chùa, sự thành tâm của chàng, sự tận tụy và lòng thương của chàng đối với mọi người.  Rồi thầy nhớ lại những cám dỗ mình đã trải qua thời trai trẻ.  Thầy so sánh và thấy chúng nhỏ bé trước những đối tượng mà Minh đang gặp.  Lòng thầy nổi lên tình thương vô hạn, và nguyện thay Minh chịu cái đau thể xác để giúp Minh phần nào khi đối diện với cái nghiệp của chàng.  Khi thầy Huệ vào thiền buổi tối, thầy nghĩ về nỗi đau của Minh, ngay lập tức thầy thấy cảm giác nhức buốt từ lòng bàn tay và lưng.  Thầy hiểu, cắn răng chịu đựng và ráng tiếp tục trú tâm trong lòng từ bi.  Nhưng cái đau bất thình lình làm mất sự tập trung—trong nháy mắt mọi chuyện đã trở lại bình thường.  Thầy Huệ muốn hét lên vì sung sướng dù chưa bao giờ phải chịu đựng một cái đau ghê gớm đến như vậy—thầy lờ mờ thấy mình vừa trải qua một kinh nghiệm để phá vỡ cái ngã kinh tởm.  Từ đó trở đi bất cứ lúc nào rảnh rỗi là thầy chú tâm nguyện, xin nhận chia xẻ những đau khổ thể xác của Minh.
 
Minh nghiến răng cắt một cành hồng khác.  Mỗi cử động còn làm những vết gai đâm cũ đau nhức, Minh thấy sợ những chiếc gai của những bông hồng đẹp đẽ này, nhưng chàng không làm khác được.  Mấy ngày hôm nay, chàng vẫn ngửi được mùi hương của Thắm, vẫn còn nổi gai ốc khi nhớ tới lúc Thắm sắp ôm lấy mình, và vẫn còn thở mạnh khi tưởng về bóng dáng của nàng.  Minh đã đọc thêm không biết bao nhiêu bài kinh, đã thiền không biết bao nhiêu giờ, nhưng chỉ có những cái gai này mới trị được dục vọng trong người chàng.  Minh vẫn nghĩ hành hạ xác thân để kiềm chế dục vọng không phải là phương pháp đức phật khuyến khích nên chàng vẫn cố gắng hành thiền để tìm đường thoát.  Đôi khi chàng thấp thoáng thấy có một cách, nhưng trước khi chàng nhận biết được điều gì thì nó lại bay mất.
Minh đang sắp xếp những bông hồng vào bình thì Thắm bước vào, mặt nàng hớn hở, tươi vui.  Bao nhiêu mơ tưởng đẹp đẽ đang gần trong tay với, giọng Thắm dịu dàng gần như lời thì thầm,
 
“Thầy Minh…anh Minh.”
Minh không quay lại ngay.  Bao nhiêu cảm xúc khác biệt làm Minh run rẩy.  Vết thương của gai buốt lên khi Minh đứng thẳng và quay người lại đột nhiên làm chàng nổi giận, Minh gằn giọng,
“Tại sao cô còn trở lại?  Tôi tưởng cô không còn mặt mũi nào nhìn lại tôi lần nữa.”
Không ngờ phản ứng và lời nói đầu tiên của Minh sau bao ngày không gặp lại như thế, Thắm thấy đau, thấy tức, và nước mắt như chờ sẵn đã trào ra.  Tuy vậy Thắm vẫn lấy hết can đảm, quay lưng, khóa cửa phòng, trước khi tiến đến đối diện với Minh.  Minh liếc vội lên những hạt nước mắt trên khuôn mặt đẹp, và lên thân hình mà chàng vẫn mơ thấy hàng đêm rồi nhanh chóng cúi xuống, người chàng run lên, chàng lạnh lùng nói,
“Hay cô tưởng cô có thể thắng tôi?  Cô tưởng với cái thân hình như thế cô có thể cám dỗ được tôi?  Cô lầm rồi.  Tôi đã từng ôm ấp hàng trăm lần cái thân hình như vậy mà vẫn bỏ đi được.  Đừng nghĩ là mình đặc biệt hơn người.  Tôi không coi cô ra gì đâu.”
 
Thắm chỉ có khóc và cũng không dám khóc lớn—nàng thấy đau đớn, thấy nhục nhã vì lời nói của Minh.  Nàng nghĩ Minh bất công với nàng vì nàng cảm được sự xúc động của Minh khi gặp nàng.  Thắm có thể cảm thấy được sự ham muốn làm người Minh rung lên từng nhịp, cảm thấy được lòng thương nhớ qua từng câu chì chiết, nàng chỉ không hiểu tại sao người ta phải chống đối lại tình yêu; nhưng Thắm không dám cãi, nàng giữ tất cả trong lòng, chỉ cầu khẩn,
“Em đâu có dám làm hại anh đâu, anh Minh.  Em chỉ muốn xin anh một đứa con thôi mà.”
Minh muốn cười mà không cười nổi, không hiểu sao đàn bà thường không thấy những mâu thuẫn trong lời nói của họ, nhưng bây giờ chàng có cảm giác mình hiểu nàng, hiểu cái si mê đáng sợ mà chàng đang chiến đấu với.  Chỉ giọng nói thôi chàng đã thấy sự khẩn cầu, van lơn, và khi nhìn vào đôi mắt kia, chàng thấy tận cùng của sự mong muốn, sự sẵn sàng đánh đổi tất cả, bất chấp kết qủa sẽ ra sao, và Minh thấy sợ.  Chàng biết rằng chỉ một lần thôi, một lần này thôi sẽ quyết định đời mình.  Minh hít vào rồi thở ra, giọng nói trở lại tự nhiên,
“Cô nói nghe tức cười nhỉ.  Nếu tôi muốn có con tôi đã không vào chùa đi tu. Người tu hành phải rời xa sắc dục và những vui sướng tạm bợ để được giải thoát khỏi luân hồi.
Thắm cãi,
“Tình yêu và con cái đâu phải tạm bợ, mình phải nuôi phải lo cho tụi nó tới già tới chết chớ đâu có bỏ được.  Ông phật cũng đâu có bỏ vợ bỏ con ổng luôn đâu.  Em biết có nhiều thầy cũng có con vậy, đâu có sao.”
 
 
 
Minh ngạc nhiên, chàng nghĩ Thắm chỉ biết có tiền và sắc đẹp, dù cách hiểu biết của nàng chỉ dùng cho lợi ích cá nhân, chàng không ngờ vì mình mà Thắm đã phải tìm hiểu thêm về đạo phật.  Minh cố giữ nghiêm trang trả lời,
“Đức phật lấy vợ sinh con trước khi đi tu.  Đã tu hành rồi thì không lấy vợ được.  Bởi vì không ai bỏ được vợ con nên tôi không muốn mình tạo nên nghiệp chướng.  Còn chuyện mấy thầy khác tôi không biết tới, tôi lo thân tôi còn chưa xong nữa à.”
Thắm quỳ xuống muốn ôm chân Minh, nhưng chàng lùi ra xa.  Thắm lấy tay chặn tiếng khóc đang òa ra, nàng nức nở,
“Anh Minh, em thương anh thiệt nhiều mà.  Em biết anh cũng thương em chút đỉnh.  Em không ép anh lấy em đâu, em chỉ xin anh một đứa con thôi rồi em không dám quấy rầy anh nữa. Ai cũng có con, đức phật cũng có con mà anh Minh.  Có trước có sau cũng là có mà.  Em cầu xin anh mà anh Minh.”
Minh nhìn vai nàng rung lên thấy xúc động vô cùng, chàng không hiểu tại sao con người phải tự hành hạ mình như vậy.  Chàng ngẩng mặt nhìn lên và dù trần nhà che chắn bầu trời, Minh vẫn nhớ cái cảm giác muốn thoát ra cái vòng luân hồi, chàng cố gắng,
“Thôi, cô đi đi.  Tôi đã nói rồi; cô là ma vương, quỷ sứ.  Đừng quấy nhiễu tôi nữa, đi đi.”
Thắm đứng dậy, lau nước mắt, không nói một câu.  Nàng kéo màn cửa sổ xuống, bước tới kiểm soát cái khóa cửa rồi quay trở lại.  Minh không cản, tim đập mạnh theo dõi Thắm và chờ đợi.  Khi hai người đối diện nhau, Minh thấy sự cương quyết trong mắt nàng, và chàng cũng sẵn sàng.
Thắm nhìn chăm chăm vào Minh một lát rồi nàng tréo tay mở chiếc fẹc-ma-tua sau lưng chiếc áo đầm và nhẹ tay kéo nó rớt xuống sàn—trên người nàng không có một cái đồ lót nào.
 
Thoạt tiên Thắm lấy tay che lại, đã lâu nàng mới thấy mắc cỡ khi trần truồng trước mặt đàn ông; ngay sau đó nàng buông tay xuống, hơi ưỡn ngực, nhưng đôi mắt tránh mắt Minh.
Ánh sáng xuyên qua tấm màn cửa đủ mạnh để Minh thấy hết, chàng không ngờ Thắm lại đẹp và quyến rũ đến thế.  Ngay lập tức, Minh nhắm mắt, chàng nghe hơi thở mình vang khắp phòng; nó làm chàng mắc cỡ với Thắm, với chính mình.  Minh lập tức hít một hơi dài, dồn xuống bụng rồi từ từ thở ra.  Tim và hơi thở chàng điều hòa trở lại, Minh chậm chạp mở mắt.  Chàng thấy Thắm tránh nhìn mình để mình tự do ngắm nàng, tim Minh không đập mạnh như trước nữa.  Bỗng nhiên chàng thấy cái giải pháp trấn áp dục vọng mà chàng sợ sẽ vỡ vụn trước sắc đẹp của Thắm bây giờ trở nên vững chắc .  Minh mừng không sao tả xiết—từ nay sẽ không bị hình phạt hoa hồng nữa!  Minh biết chàng sẽ thắng, chàng muốn kết thúc mọi chuyện hôm nay.  Lấy giọng mỉa mai, thách thức, Minh lên tiếng,
 
 
“Thân hình cô quyến rũ lắm, nhưng cô không thắng được tôi đâu.  Tôi muốn mình đánh cá với nhau.  Cô muốn làm gì thì làm.  Nếu cô quyến rũ tôi được thì tôi sẽ cho cô đứa con, còn không thì từ nay đừng có đến gặp tôi nữa, chịu không?”
Thắm ngẩng đầu lên, ngạc nhiên vì không ngờ Minh lại nói câu này.  Nàng thấy đôi mắt Minh cố tình nhìn vào ngực mình với vẻ khi dễ, lửa giận ở đâu bùng lên như cháy rừng, nhưng trong đó có chút mừng rỡ, ráng giữ giọng lễ độ, Thắm trả lời,
“Anh thiệt tình không hối hận?”
Đợi Minh gật đầu, Thắm tiếp,
“Được rồi.  Nếu em không quyến rũ anh được bữa nay thì em không phá anh nữa, nhưng nhớ là nếu anh thua thì phải giữ lời đó nhe.  Nhưng anh phải luôn luôn nhìn em nhe…”
Rồi nàng mắc cỡ giao điều kiện tiếp,
“…anh nhớ là anh nói em làm gì cũng được đó nhe.”
Minh thấy tim mình đập mạnh hơn, cổ chàng khô lại, nhưng vẫn mạnh dạn gật đầu.  Vừa thấy vậy, đôi mắt đẹp của Thắm lóe sáng, mặt ngước lên kiêu kỳ, môi trễ ra khêu gợi; toàn mặt một vẻ trẻ trung, thách thức, dễ thương, nhõng nhẽo, mời gọi.  Thắm nhìn vào mắt Minh, ưỡn ngực, xoay người, bước vòng quanh và gần lại chàng, nàng giơ cao tay rồi nhẹ nhàng đặt nó lên vai Minh.  Mùi thơm da thịt Thắm tỏa ra như dịu dàng, như gay gắt làm người Minh nóng lên, chàng gạt tay nàng ra, bước lùi lại và nhắm mắt.  Giọng Thắm nũng nịu bên tai,
“Anh không được quyền gạt em ra hay nhắm mắt.  Anh phải nhìn ngực, nhìn bụng em nè.”
Minh biết tai mình bị nung đỏ bởi hơi thở, và tay chàng nơi ngực Thắm đụng vào bị cháy bỏng, môi và cổ họng Minh khô ran, chàng nuốt nước miếng, mở mắt ra để thấy da Thắm như nhung, như lụa.  Chân Minh khuỵu xuống và chàng nhân đà ngồi luôn trong thế bán già.  Kệ cho Thắm khiêu khích, Minh nhắm mắt lại, hít thở vài hơi thật sâu.  Khi Minh mở mắt, chàng dịu dàng bảo Thắm,
“Cô Thắm cứ tự nhiên đi.  Tôi sẽ ngồi đây ngắm cô từ đầu đến chân, và nếu tôi không chịu nổi cám dỗ thì cô muốn gì cũng được.”
Thắm đã nghe hơi thở mạnh của Minh, thấy khuôn mặt chàng đỏ rực, cảm được hơi ấm của người chàng lan qua.  Nàng bị cuốn hút và kích động bởi trò chơi của chính mình.  Mắt Thắm long lanh, nàng nói qua hơi thở,
“Đó là anh nói đó nhe, cục cưng.”
Thắm đi lại như trong mơ, nàng phô bày tất cả những gì đã giúp nàng đánh gục những người đàn ông lão luyện nhất, nàng biểu diễn những động tác khêu gợi mà nàng nghĩ ra hay học được từ bạn bè, và nàng luôn miệng nũng nịu những câu yêu đương gợi cảm—Thắm làm tất cả và chờ dấu hiệu đầu hàng của Minh.
 
Minh giữ lời, chàng nhìn Thắm từ đầu đến chân rồi ngược lại, nhưng trong đầu chàng tụng bài kệ về nàng Nanda và ráng tưởng tượng mặt Thắm sẽ già, da nàng nhăn nheo, và ngực nàng xệ xuống.  Khi Minh nghĩ tới và thấy thấp thoáng ngực nàng thõng dài xuống, bụng to và nhăn nheo, chàng biết mình đã thắng, và Minh đi xa hơn nữa nghĩ về Thắm những lúc bị khó khăn khi đi vệ sinh.  Khi Minh tưởng tượng được nét mặt nhăn nhó của Thắm lúc đó, chàng không ngăn được cái mỉm cười biến thành cái cười chế giễu.
Thắm đang ngất ngây thì nàng nghe tiếng cười nhẹ của Minh.  Nàng dừng lại chết đứng trong cái mỉa mai của nụ cười và ánh mắt chàng.  Nàng tự nhủ,
“Mình không thể té được.  Thắm ơi mày cũng không được khóc.  Không ai có thể mỉa mai, chế giễu được con Thắm này.  Không ai có thể sỉ nhục con Thắm này, dù đó là anh Minh!”
Thắm nhìn lại Minh lần nữa, người nàng rung lên nhè nhẹ.  Nàng yên lặng hồi lâu, rồi cuối cùng lên tiếng, không nũng nịu, không giận dỗi; Minh nghe một giọng trầm sâu, chậm chạp, nhưng chàng không nhận được sự phẫn nộ vô bờ của nó,
“Anh Minh, anh đã thắng em lần này, nhưng em chưa cam chịu.  Nếu em phải bỏ đi bây giờ em sẽ chết.  Anh đã hứa sẽ để cho em muốn làm gì thì làm.  Em sẽ cố gắng lần chót.  Em thề với Trời Phật, nếu em thua lần này, em sẽ bỏ đi, em sẽ không bao giờ lại phá anh nữa dù em sẽ thương anh suốt đời, suốt kiếp.”
Minh không trả lời, chàng thấy nhẫn tâm, nhưng biết đây là cơ hội duy nhất, nếu mình thắng lần này thì không bao giờ có một ai khơi được dục vọng của mình.  Chàng hít sâu một hơi và chờ đợi trong căng thẳng, nhưng chàng tin vào phương pháp mới vừa giúp chàng hạ gục Thắm trong hiệp đầu.k
Đúng như chàng nghĩ, Thắm bước lại thả người xuống lòng chàng, vòng tay ôm lấy Minh.  Nàng dụi đầu vào ngực Minh thỏ thẻ những lời yêu đương.  Ngửi mùi da thịt nàng, cảm được bầu ngực trần của nàng đụng ngực mình, và trên cổ hơi thở nồng nàn của Thắm như tiêm chất thuốc kích thích vào người Minh.  Đầu óc chàng trở nên mụ mị, cả người chàng trở nên căng cứng.  Tất cả những gì Minh suy nghĩ bây giờ không còn đúng với sự thật nữa—khi sự hiểu biết con người còn trong giới hạn thì sự thành công dựa trên đó không được bảo đảm khi mang nó ra thực hành.
Ngồi trong lòng Minh, ước mơ sâu thẳm của Thắm trỗi dậy mãnh liệt.  Những giấc mơ của thời con gái: được yêu và được làm vợ.  Thắm có cảm tưởng như đây là đêm tân hôn.  Chỉ còn tình yêu dâng lên trong tim, Thắm rạo rực trong ý tưởng dâng hiến và chiếm đoạt; nàng rên rỉ; nàng quằn quại; nàng ôm xiết Minh như sợ chàng vuột mất, tan biến.
Thắm nghe cơ thể Minh nóng dần lên và run rẩy, nàng tin tưởng, nàng chờ đợi…cho đến khi bàn tay Minh đặt lên đùi nàng và những giọt nước mắt đầu tiên rớt trên vùng ngực thì nàng mới sững sờ.  Thắm run lên vì sợ, bao dục vọng biến mất, nàng không hiểu tại sao trong lúc hạnh phúc nhất người yêu nàng lại khóc.
Nàng ngước mặt lên, và thấy Minh đang cắn môi đến bật máu, khuôn mặt chàng rúm ró.  Máu và nước mắt trộn vào nhau nhỏ xuống ngực nàng.  Chưa bao giờ Thắm thấy đau đớn
 
như vậy.  Nàng nghĩ ngay lúc đó nếu nàng có thể chết cho Minh hết đau thì cái chết sẽ làm nàng sung sướng hơn.
Minh không biết những gì đang xảy ra cho Thắm, chang vừa nhắm mắt khóc vừa bóp đùi nàng càng lúc càng mạnh tới mức làm nàng đau.  Thắm ngắm nhìn và chợt bật tiếng cười thích thú, nàng lăn người ra, đứng dậy, ưỡn người, chống tay, nói với Minh,
“Em tha cho anh lần này nhe, chỉ một lần này thôi, anh nhớ nhe.”
Giọng nàng vang đầy hạnh phúc, bao dung, vui vẻ, và nuối tiếc.  Thấy Minh không còn cắn môi hay rung động nữa, nhưng mắt hãy còn nhắm, Thắm tiến tới, ôm chàng ghì vào người mình cho tới lúc cả hai thở hổn hển mới buông ra, nàng nói trong hơi thở gấp gáp, trong khi mặc lại quần áo,
“Thôi em về nhen…lần tới em không chịu về không đâu nhen…anh Minh nhe, em thương anh nhiều lắm đó nhe…còn hơn em thương em nữa đó…em không nói với ai đâu…anh nhớ đừng ruồng bỏ em nhen.”
 
Tâm đi theo sau Trang vào chùa, trong tay chàng là cuốn sách dày.  Nghe Trang nói sẽ tới giúp làm cơm cho mấy thầy hôm nay, Tâm đòi đi theo.  Chàng không thích những câu chuyện khen, chê, tâng bốc mấy thầy, nhất là thầy Minh, của đám đàn bà dưới bếp nên định sẽ đọc sách ở phòng họp để chờ Trang.  Dù vậy Tâm cũng đi theo đến tận bếp nhìn Trang làm việc.  Đang loay hoay cố gắng làm ra vẻ tự nhiên thì bà Nhân đã lên tiếng, nói trống không,
“Gớm, chẳng biết có giúp được gì không hay chỉ có chắn lối.”
Tâm liếc nhanh về phía Trang thấy nàng tức giận nhìn mình; chàng vội quay mình bỏ đi.  Trang bước vội đến chỗ rửa chén, nàng lên tiếng nói nịnh,
“Các bác đang bận để cháu rửa mấy cái chén dĩa này cho.”
Cũng như mọi lần, Trang rửa chén nhưng nàng chú ý tới tăng phòng của Minh nhiều hơn.  Mấy ngày hôm nay Trang không dò xét được gì ngoài chuyện Minh bị ốm và bị gai đâm tay.  Cả chùa không một tiếng thị phi và Thắm cũng không thấy bén mảng, nhưng Trang không dám lơ là.  Bất cứ lúc nào có dịp là Trang lên chùa, nàng theo dõi Minh xem có một nữ phật tử nào, nhất là Thắm, có ở gần Minh hay không. 
Khi còn vài cái chén trong chậu thì nàng thấy Thắm từ tăng phòng Minh bước ra.  Nhìn bộ điệu của Thắm, Trang linh cảm có chuyện khác thường.  Tim nàng lại đập loạn lên, Trang vội vàng tráng sơ những cái chén còn lại.  Lấy cớ đi vệ sinh, nàng đánh một vòng xa, quay ngược lại phòng Minh, nhìn trước, nhìn sau, nhanh chóng bước vào phòng rồi đóng cửa lại.
Từ chỗ sáng vội vàng bước vào chỗ tối, tí nữa Trang đụng phải Minh còn đang ngồi thiền giữa phòng.  Trang nghe như Minh đang rên nho nhỏ, nàng hoảng sợ vội đến mở màn cửa sổ.  Ánh sáng chiếu vào khuôn mặt khổ não của Minh với hàng nước mắt và máu còn đọng
 
 
lại.  Trang lờ mờ đoán thử những gì đã xảy ra giữa Thắm và Minh, và những suy nghĩ đó làm cho Trang run rẩy.
Nàng cố nâng Minh dậy đi lại giường, chàng lom khom tựa vào Trang đi từng bước.  Mùi thơm và thân thể quen thuộc gợi nhớ những đụng chạm thể xác xa xưa; cảm xúc cuối cùng khi Thắm ôm chàng bị Trang khơi lại.  Từ lúc có quan hệ xác thịt với Tâm, Trang hiểu những gì Minh đang trải qua và nàng quyết nắm lấy cơ hội.
Minh ngả nằm sấp lên giường.  Trang nằm xuống kế bên, nửa người tựa lên Minh, nàng thoa bóp và dùng đùi mình để giữ những cựa quậy phản kháng của Minh.  Khi thấy chàng nắm yên và thở gấp hơn, Trang luồn tay vào chiếc áo tăng bào để vuốt ve Minh và cảm thấy những vết thương trên lưng .  Mặc kệ những phản đối có lệ của Minh, Trang nhổm dậy lật áo tăng bào chàng để nhìn tận mắt những vết thương chưa liền da kia.  Nàng đột nhiên hiểu ra và xót xa với sự chiến đấu của Minh.  Một ước muốn mãnh liệt nổi lên—nàng muốn Minh không bao giờ phải tàn hại thân thể mình vì bất cứ lý do gì.  Với những vết thương, khuôn mặt đau khổ, tiếng rên và cách ngồi thiền của Minh—nàng hiểu cơ hội của mình có thể sẽ qua mau và không bao giờ trở lại.  Chỉ một tích tắc, chỉ cần một tiếng động nào nhắc nhở Minh về đất phật là nàng sẽ phải bỏ đi như Thắm và Minh sẽ trở lại với sự hành xác vô tận.  Trang nhanh chóng cởi bỏ quần áo trong khi vẫn giữ sự đụng chạm liên tục của hai cơ thể rồi nàng nằm đè nhẹ lên người chàng, thỏ thẻ bên tai chàng,
“Anh Minh ơi, đừng làm khổ mình vì những chuyện không đáng như vậy.  Hãy coi nó như một cách cúng dường của em dâng lên cho anh, của một phật tử dâng lên cho người thầy kính yêu mà thôi.  Nhiều nơi các thầy còn phải bắt buộc ăn thịt để sống còn, để phụng sự phật pháp.  Nếu anh cứ hành hạ mình thế này mãi có ngày anh sẽ bị bịnh nặng, uổng công anh đã từ bỏ tất cả để tìm đạo.  Ba mẹ mà biết được sẽ rất đau lòng mà anh cũng trở nên bất hiếu nữa.”
Trang vừa nói vừa cởi bỏ tăng phục của Minh; nàng khiêu khích chàng tới cực độ.  Nàng không để Minh có thì giờ hay khả năng để suy nghĩ, hối hận.  Trang nói tiếp câu cuối cùng,
“Chuyện này chỉ có hai chúng ta biết mà thôi, em sẽ giữ gìn rất cẩn thận.”
Trang lo tất cả cho Minh, nàng cố gắng làm mọi chuyện thật mau chóng.  Chỉ cần một lần thôi, Minh sẽ là của nàng mãi mãi, Minh sẽ không bao giờ phải hành hạ chính mình.
Khi Trang đã thành công, các gánh nặng như được bỏ xuống, người nàng thoải mái vô hạn, nàng ôm Minh, vỗ về, ve vuốt để khuyến khích chàng, nhưng tâm hồn nàng như bay bổng ở một nơi nào khác.
Bất thình lình nàng sợ hãi nhìn ra cửa sổ—khuôn mặt khủng khiếp,rúm ró đầy nước mắt của Tâm đã ở đó không biết tự lúc nào.  Người Trang lạnh ngắt, cứng đơ; nàng ôm chặt Minh đến mức những vết thương cũ bật máu trở lại.  Minh kêu lên một tiếng đau đớn, nhưng khi nhìn theo hướng mắt nàng thì chàng hiểu rõ.
 
 
 
Không ngờ Minh lại bình tĩnh đến như vậy.  Chàng thong thả mặc quần áo và ra hiệu cho Trang làm theo.  Trong lúc Trang đang lập cập vừa mặc đồ, vừa run rẩy hỏi,
“Làm sao bây giờ anh?…làm sao bây giờ…lỗi của em tất cả…lỗi của em tất cả…em xin lỗi anh…”
Minh tiến tới cửa sổ ra hiệu mời Tâm vào phòng và trấn an Trang,
“Trang không có lỗi gì cả.  Tất cả là tại tôi.  Trang hãy rời đây ngay để tôi tiếp chuyện với Tâm.  Đừng lo, mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa cả thôi.”
Khi y phục đã chỉnh tề, Minh đẩy nàng ra cửa, trấn an thêm vài câu rồi đóng cửa phòng chờ đợi.  Mươi phút chờ đợi mà dài như thế kỷ.  Mới đầu Minh chỉ nghe văng vẳng tiếng khóc, tiếng kể lể của Tâm, nhưng trong giây phút, sự ồn ào huyên náo bùng lên như que diêm châm vào xăng, tiếng ồn như một cái chợ đang họp tiến về phía phòng Minh; dương như tất cả mọi người có mặt ở chùa đều muốn thấy mặt chàng.  Minh ngồi yên lặng bên thành giường đối diện với cửa phòng, mắt chàng nhìn xuống đất, người chàng bất động, nhưng hàm răng Minh nghiến chặt, và mồ hôi chảy thành từng đường trên khắp người chàng.
Đại Đức Huệ, nghe những lời khóc kể của Tâm, thầy đóng chiếc cửa sổ lại và bắt đầu ngồi thiền trước bàn thờ phật, chỉ xin một điều là được chia sẻ sự đau khổ của Minh—ngay lập tức một cơn đau ập tới, thầy đưa tay ôm ngực, miệng há hốc ra thở.  Xoa bóp ngực được mấy cái, thầy Huệ ngã xuống sàn bất tỉnh.
Ông Nam và ông Phúc mở cửa dẫn đường cho thượng tọa Thanh, Tâm và Trang tiến vào.  Minh lại nghe tim minh bị bóp nghẹt; té ra nàng đã không thoát được và chàng bắt đầu chảy nước mắt.  Đưa tay lên gạt cả mồ hôi lẫn nước mắt, Minh đứng lên chắp tay xá Trang và Tâm, giọng chàng rõ ràng không run rẩy,
“Tôi xin lỗi Tâm.  Tôi xin lỗi Trang.  Con xin lỗi thượng tọa và mọi người.”
Mọi người ồ lên trước câu nhận lỗi của chàng.  Tâm la lối,
“Tao không cần mày xin lỗi.  Mày tưởng chỉ một câu xin lỗi là phủi hết trách nhiệm sao?  Từ lâu mày đã tìm cách chiếm đoạt tất cả những gì tao có.  Tao đã nghi ngờ mày chỉ giả danh tu hành để cưỡng hiếp gái đẹp thì ra đúng như thế.  Cái đồ sư hổ mang…”
Kệ cho mọi người can ngăn, Tâm tiếp tục chửi rủa lớn tiếng, đây là cơ hội hiếm hoi đã đặt Tâm lên trên Minh và chàng muốn cho cả thế giới biết.  Phật tử thấy Minh trang nghiêm chắp tay, mặt đầy hối lỗi để mặc Tâm chửi mắng.  Họ cầu mong chàng lên tiếng chối bỏ để được tin chàng như cũ, và thất vọng khi nghe lời nhận tội của chàng.  Nhưng vẫn còn khá nhiều người, phần lớn những cụ lớn tuổi, vẫn nghĩ là có những khuất khúc bên trong bởi vì Trang cứ bai bải cãi dù khuôn mặt sợ hãi đầy nước mắt kia tố cáo gần hết lời lẽ của nàng.  Cụ Lý không chen vào được, bực qúa nói với vài cụ cũng đang đứng ngoài rìa,
“Tôi sẽ nói cho thằng quận trưởng Tưởng biết, để nó cho thằng mất dạy đó vào tù.  Taị sao nó dám vu cáo thầy Minh…”
 
Một ông phật tử luống tuổi gần đó lanh chanh, ra vẻ hiểu biết,
“Nhưng thưa cụ, thầy Minh đã nhận tội rồi.”
“Nhận cái gì mà nhận,” cụ Nghĩa chặn ngang, “Đã biết rõ ra sao mà nói, thầy Minh là người tu hành gần đắc đạo, tội tày trời thầy còn nhận cho người khác, huống chi cái tội cỏn con này.  Cái con kia nó có khác gì con Thị Màu, nó lên chùa ỏng ẹo để quyến rũ thầy.  Thí dụ có chuyện gì đi nữa thì thầy cũng chỉ là người thôi, thầy chẳng có tội gì cả.  Bộ ông thấy nó đẹp, nó trẻ lại thấy thương, thấy tội nghiệp cho nó à.”
Ông kia sợ qúa im miệng lảng ra chỗ khác.
Cụ Lý kết luận,
“Tôi từng này tuổi đâ đi biết bao chùa mà chẳng thấy ai bén gót thầy Minh.  Thầy đã tu hành gần đắc đạo nên bọn ma vương quỷ sứ này tới phá đây mà,” rồi cụ nói chắc như đinh đóng cột, “tôi sẽ nói với thằng quận trưởng Tưởng bỏ tù tuị nó cho biết thân.”
Ông Hên đứng cách vài vòng người, níu vai người đứng trước nhìn vào, kiễng chân giơ tay hăm dọa Tâm,
“Thằng chó đẻ, mày dám chửi thầy hả, mày ra đây, tao quánh chết cha mày luôn.”
Ông Hên một phật tử trung thành và qúa khích, không bao giờ chịu được ai nói xấu tôn giáo mình, nhất là nói xấu thầy mình.  Gần đây, ông may mắn được Minh giao làm vài chuyện nên ông tự nhủ, dù có phải chết ông cũng phải bảo vệ chàng, nhưng câu hăm dọa của ông không được nhiều người hưởng ứng.
Thượng tọa Thanh quay lại, giơ hai tay xua mọi người trong phòng ra khỏi cửa,
“Xin các ông bà đợi dùm ở ngoài, xúm vào đông quá, nóng thở không nổi.  Tôi sẽ tra xét ngọn ngành rồi nói cho mọi người biết sau.”
Tâm vung tay la lối,
“Tại sao mấy người không dám để cho mọi người nghe thấy?  Mấy người có muốn che dấu đến đâu tôi cũng lôi hết ra để cho bàn dân thiên hạ đều biết nó vào đây tu hành để làm gì.”
Mặc cho Tâm phản đối, đám đông phật tử nghe lời thượng tọa,  của ông Phú và ông Nam đi ra ngoài.  Ông Nam đóng cửa rồi trở lại đứng nghe.  thượng tọa Thanh nói với Minh,
“Đâu con kể lại hết mọi chuyện từ đầu cho mọi người nghe xem sao.”
Minh quỳ xuống, dập đầu trước mặt thượng tọa Thanh,
“Bạch thầy, tất cả mọi chuyện do con.  Con đã không kiềm chế được dục vọng nên đã làm liên lụy tới cô Trang và làm anh Tâm đau khổ.  Cô Trang không có lỗi trong việc này…”
Nghe tới đây, Trang nức nở, ngắt lời Minh,
 
“Lỗi tại em…tất cả là lỗi tại em…”
Minh quay sang quỳ lạy Trang và ngắt lời nàng,
“Xin cô Trang đừng tự trách mình.  Tôi là người tu hành đã không kiềm chế được dục vọng thì đó là lỗi tại tôi.  Nếu không phải cô thì tôi có thể cũng làm lỗi với người khác.  Tôi rất có lỗi với cô, xin cô tha thứ cho tôi.”
Đáp lại câu nói của Minh là tiếng nức nở lớn hơn từ Trang.  Nàng nhìn cái lưng Minh khom trước mặt và những vết máu thấm qua chiếc tăng bào, và nàng thấy mình cũng đau như vậy.  Nàng ước gì mình đã không ngu xuẩn, nhưng tất cả đã quá trễ—sự căm thù Tâm dâng lên ngùn ngụt trong lòng Trang.
Vẫn quỳ như vậy, Minh xoay sang Tâm, chàng thành khẩn nói,
“Tôi biết dù có nói gì cũng không xoa dịu sự đau khổ của anh.  Tôi thành tâm xin lỗi anh và mong anh đại lượng tha cho Trang.  Dù anh có muốn hành phạt tôi thế nào tôi cũng cam chịu.”
Tâm hừ lên một tiếng và nhổ một bãi nước bọt lên người Minh,
“Mày xin lỗi thì hay lắm nhưng có thay đổi được gì không.  Mày đã phá vỡ hạnh phúc mà tao đã cố công gầy dựng chỉ vì cái bề ngoài đẹp trai và giọng hát của mày, mày dùng chúng để tạo dựng danh vọng cho chính mình, để dụ dỗ đàn bà con gái.  Tội mày có xuống mười tám từng địa ngục cũng chưa xứng.”
Tất cả mọi người cau mày trước thái độ và lời nói của Tâm, ánh mắt Trang như tóe lửa.  Trong khi ông Nam lấy giấy chùi tạm nước miếng trên người Minh, ông Phú lên tiếng,
“Anh không được nhổ nước miếng lên người thầy Minh và nói với thầy những lời như vậy.  Dù thầy có làm gì chăng nữa, thầy cũng thành tâm hối lỗi, xin lỗi anh đủ điều rồi anh còn muốn gì nữa.  Chúng tôi chưa biết ngọn ngành của câu chuyện, không chừng có gì khuất tất phía sau cũng nên.  Tôi không nói là thầy Minh không phạm lỗi, nhưng tôi muốn nói là chưa chắc thầy Minh đã là nguồn gốc của tội lỗi…tôi không muốn đổ lỗi cho ai hết, nhưng cô Trang nói khác, chúng tôi biết tin ai đây.  Bây giờ tất cả chúng ta nên ra khỏi phòng để thầy Minh bình tĩnh đã.”
Tâm phản đối,
“Tôi không chịu đi đâu hết nếu câu chuyện chưa ngã ngũ.”
Ông Phú nghiêm khắc nói,
“Anh có quyền gì mà ở đây?  Dù có chuyện gì đi nữa thì anh cũng không phải chồng cô Trang.  Hơn nữa cô Trang không đổ lỗi cho thầy Minh.  Tốt hơn anh nên về đi, chúng tôi sẽ điều tra thêm rồi cho anh biết.  Thượng tọa Thanh sẽ có hình phạt thích đáng nếu thầy Minh có tội.”
 
         
Tâm dùng dằng, nhưng ông Nam đã đẩy anh ta ra phía cửa.  Trang quỳ xuống trước mặt Minh, người nàng như gãy vụn, nếu không vì ước muốn bảo vệ Minh chắc nàng đã ngất đi.  Nàng quỳ đó mong mình được tan biến khỏi cuộc đời Minh; trong tiếng khóc nàng nức nở và hy vọng Minh hiểu cho lòng nàng,
“Anh Minh em đã làm hại anh rồi, em xin lỗi anh.  Xin anh tha lỗi cho em.”
Nàng nói và đập đầu xuống sàn gạch; Minh hãy còn úp mặt và nghe mỗi cái đập đầu của Trang như những nhát búa bổ vào đầu chàng nhức buốt.  Chàng tự hỏi mình,
“Làm sao?  Làm sao để Trang bớt đau khổ?  Làm sao để chuộc lỗi với Tâm?  Rồi còn ba mẹ mình nữa?  Làm sao đây???”
 
Minh không buồn khóa cửa; chàng nằm vật trên giường từ lúc mọi người bỏ đi.  Chàng không nhắm mắt được trừ những lúc mọi thứ quay cuồng đến phát ói và làm đầu óc nhức buốt.  Trên trần nhà hiện ra vô số khuôn mặt đau khổ nhìn chàng và Minh không biết làm sao cho họ bớt khổ.  Minh không suy nghĩ được gì; chàng chỉ nhìn thấy những hình ảnh khổ đau—nước mắt trào ra từ đuôi mắt, rồi cạn, rồi tràn.
Chàng không trả lời câu mời ăn cơm tối; một người thò đầu vào xem xét rồi đóng cửa bước đi.  Câu chuyện cứ quay đi quay lại trong đầu Minh và cuối cùng dừng lại ở câu nói của Tâm, nó lập đi lập lại,  vang lên rõ ràng, “…chỉ vì cái bề ngoài đẹp trai và giọng hát của mày, mày dùng chúng để tạo dựng danh vọng cho chính mình, để dụ dỗ đàn bà con gái ….”  Càng lúc Minh càng thấy Tâm nói rất đúng—đó là nguồn gốc tội lỗi của mình, và chàng bật dậy mở cửa đi ra ngoài.
 
Đại Đức Huệ cũng không ăn tối.  Sau khi tỉnh lại thầy ngồi liên tục niệm kinh xen kẽ với những lời cầu nguyện cho Minh.  Nhiều tiếng sau, thầy thấy hiển hiện dáng Minh nằm trên giường và những giọt nước mắt; thầy cũng thấy những suy nghĩ  cạn kiệt của chàng, và thầy thấy mình đi theo chàng xuống bếp.  Trong suốt hành trình đó, những lời kinh và lời cầu nguyện không dứt thoát ra khỏi cặp môi khô nức nẻ của thầy.  Đại Đức Huệ vẫn thấy cái đau của Minh, nhưng nó không còn làm thầy gục ngã nữa; nó chỉ làm dậy lên một tình thương xót sâu xa cho sự lầm lỡ mà thầy sẵn lòng hy sinh để giúp Minh vượt qua.
 
Minh bật cái đèn nhỏ và cẩn thận không gây ra tiếng động lớn làm phiền mọi người.  Đêm đã khuya, tiếng côn trùng và tiếng réo của giòng sông nghe rõ mồn một.  Chàng tìm que diêm, đốt cháy một thanh củi nhỏ, cầm ngọn đuốc nhỏ đó đi kiếm một con dao, và khi thấy được con dao, Minh vẫy tắt ngọn lửa, đầu cây củi lộ một khúc than hồng.
Minh bắt đầu lấy con dao rạch một đường chéo trên mặt.  Vết cắt đi xuyên qua mắt trái, mũi và phần lớn má phải làm con mắt và thịt bị lồi ra ngoài.  Rồi chàng há miệng và nhấn chiếc
 
củi hồng sâu trong họng.  Minh không nghe thấy tiếng xèo xèo của củi tắt, nhưng cơ thể chàng giật nẩy lên té quỳ trên sàn bếp.  Minh cong người lại, giữ cho tiếng nôn ọe không
vang ra xa, chống tay đứng lên, và lảo đảo bước ra phía bờ sông.  Trừ những co giật do phản ứng của cơ thể trên những vết thương trầm trọng, Minh không cảm thấy cái đau ghê gớm do vết thương gây ra, gần như chàng làm những điều đó trên một cái xác chết.
Những giọt máu tí tách rớt xuống áo tăng bào và xuống đất thành một vệt dài từ bếp ra tới bờ sông nơi chàng thường tắm buổi tối.  Giòng nước lạnh thấm vào người làm Minh tỉnh táo đôi chút; chàng chắp tay lên ngực khấn nguyện,
“Con đã được phước báu sinh ra làm người.  Hơn nữa con còn có phước thừa hưởng vẻ đẹp của ba mẹ thêm vào một giọng nói dễ nghe.  Vậy mà thay vì dùng chúng để tạo thêm phước con đã chịu thua dục vọng để tạo bao oan nghiệt.  Con đã làm đau khổ cho những người yêu thương con, con đã quá bất hiếu với ba mẹ mình.  Cái tội lỗi đó quá mức mà con có thể chịu đựng được; con chỉ biết đi tìm cái chết để chuộc lỗi của mình dù biết tự tử là trốn tránh cái nghiệp, là không tốt, nhưng con không có cách nào khác.  Nếu kiếp sau được làm người, con nguyện sẽ trả món nợ này, và con xin chư phật chấp nhận cho con được đầu thai xấu xí và câm nín như vầy.”
Chàng quay về hướng nhà mình, vái ba cái, nghẹn ngào trong câm lặng chàng dâng lên ba mẹ những lời cuối cùng,
“Ước mong ba mẹ mãi mãi mạnh khỏe, vui vẻ.  Con bất hiếu xin từ giã ba mẹ.”
Minh ngả người xuống, bơi ra gần giữa dòng rồi úp mặt cho mình chìm xuống.  Chiếc áo tăng thấm ướt nặng nề làm chàng chìm mau.  Minh sặc sụa, nhưng không giãy giụa, một lát sau chàng không biết gì nữa.
 
Giọng tụng kinh của thầy Huệ dồn dập và lớn hơn.  Tâm thức thầy theo Minh chìm xuống dòng sông và thầy thấy mình đối diện với tối tăm, với cái chết, nhưng thầy không thấy ghê rợn hay sợ hãi.  Chấp tay quá đầu, thầy khom lưng trước bàn thờ phật cầu xin,
“Lỗi một phần là tại con đã không biết hướng dẫn đệ tử để tránh tội lỗi.  Nguyện xin đức phật từ bi cho Minh được tiếp tục tu hành để chuộc lỗi trong kiếp này.  Con xin được đánh đổi công lao tu hành trong kiếp này để đỡ lấy nghiệp cho Minh.”
Cùng lúc đó Minh nghe văng vẳng bên tai lời gọi,
“Này tỳ kheo Manu!”
Như chợt tỉnh, Minh mở mắt thấy một màu đen kịt, và mình đang sặc sụa trong nước, chàng cố gắng cởi bỏ chiếc tăng bào, khua đập chân tay liên tục.  Khi lên tới mặt nước, Minh thả ngửa và hít từng hơi thở trong lành.  Chàng thấy hàng vạn vì sao lấp lánh, bầu trời như bao la hơn và đẹp hơn bao giờ; cơn đau vật chất bây giờ mới bắt đầu hành hạ, nhưng cũng như thầy Huệ, Minh không còn gục ngã bởi vì nó nữa.  Dòng nước như che chở, như ôm ấp đưa Minh đi vào một thế giới khác.
Đại Đức Huệ nhìn thấy Minh nổi lên và trôi theo dòng sông, thầy biết mình vừa trải qua được một tầng lớp nữa.  Thầy đứng lên, vươn vai vài cái cho bớt nhức mỏi rồi sau khi uống một ly nước thầy ngồi viết lá thư từ biệt tới thượng tọa Thanh.  Sau đó thầy bước ra khỏi chùa mà không mang theo gì cả.
 
Ông Tư ngồi bó gối nhìn theo sợi dây câu căng ra theo dòng cuốn của nước sông, và theo con mắt nhà nghề ông thấy một xác người vừa trôi qua. Trời đã hơi ửng sáng, đủ để ông thoáng nhận ra hình như người đó chưa chết, ông hấp tấp rút sào và chèo xuồng thật mau theo sau. Khi bắt kịp, ông nhận ra đó là một nhà sư với vết chém còn mới sâu trên mặt, con mắt bên trái đã hư và hơi lồi ra.  Ông Tư há hốc mồm khi thấy nhà sư đưa con mắt còn lại nhìn ông và mỉm cười.
Phải chật vật lắm ông Tư mới giúp cho nhà sư lên xuồng mình được vì ông ta xem ra rất yếu.  Quần áo nhà sư ướt đẫm và da thịt lạnh ngắt, chứng tỏ ông ta đã ở dưới nước rất lâu.  Ông Tư đỡ nhà sư nằm dưới lòng ghe, có nhiều câu hỏi, nhưng bản tánh quen yên lặng, ông chờ đợi nhà sư kể lại câu chuyện.  Xui xẻo thay, nhà sư chỉ ú ớ rồi lấy tay chỉ vào miệng mình.  Ông Tư lẩm bẩm,
“Ồ ông bị câm hả?”
Nhà sư mỉm cười gật đầu.  Ông Tư nhìn kỹ vết thương, có chỗ sâu cả đốt ngón tay, con mắt và thịt thì bị cắt hở hơi lồi ra, chỉ có cái lạ là ông không thấy máu chảy.  Ông Tư coi mà thấy ớn lạnh, nhưng nhà sư chẳng tỏ vẻ đau đớn hay khó chịu dù khuôn mặt luôn bị co giật, ông lên tiếng hỏi,
“Bộ ông bị chém hả?”
Cái lắc đầu của nhà sư làm ông Tư tò mò thêm,
“Vậy tự ông chém mình ên?”
Nhà sư gật đầu, bấy giờ khuôn mặt mới hiện ra nét ra đau khổ và ông ta chắp tay, nhìn xuống, từ con mắt còn lại một dòng nước mắt chảy xuống.  Ông Tư nói,
“Thôi bỏ đi.  Nếu ông có làm lỗi gì thì bấy nhiêu cũng đủ trả hết nợ rồi.  Bây giờ ông muốn đi đâu?”
Nhà sư lộ vẻ cám ơn và tỏ ý suy nghĩ; một lát sau ông ta chỉ lên bờ lên những đám cây hoang vu, chấp tay gục gặc cái đầu và môi nhúc nhích như cúng vái.  Ông Tư đoán,
“Ông muốn chỗ tu hả?”
Nhà sư mừng rỡ gật đầu.  Ông Tư nói,
 
“Ông ở đây chờ tui câu xong, tui sẽ chở ông về thành phố rồi ông đi kiếm chùa mình ên.”
Nhà sư lắc đầu chỉ về một khu hoang vắng phía dưới dòng sông.  Ông Tư tỏ vẻ suy nghĩ,
“Ở đây hoang vắng lắm, mình đi thêm gần tiếng nữa thì mới tới khu có người.”
Một lúc lâu sau, ông Tư không chèo nữa, bảo nhà sư đứng dậy, ông chỉ về phía bên mặt,
“Người ở đây cũng thưa thớt lắm.  Ông thấy bụi cây ô rô hông?  Tui nghe nói thì tuốt sâu trỏng có một xóm nhỏ, ông tới đó mà hỏi thăm.”
Nhà sư gật đầu; ông Tư kiếm một chỗ trống cặp bờ, ái ngại giúp nhà sư xuống ghe rồi lật đật cản không cho nhà sư quỳ gối đảnh lễ mình.  Ông Tư nhìn thẳng vô con mắt còn lại của nhà sư nói,
“Không cần phải đại lễ hay cám ơn, cám huệ gì hết.  Giúp được người là tui mừng rồi.  Nếu ông muốn trả ơn tui, hay trả nợ cho người đã bị mình làm hại thì cứ coi như mình chết rồi đi.  Tui không phải người biết ăn nói, mong tui nói ít ông hiểu nhiều, mà cũng đừng buồn tui lên mặt dậy đời.”
Trái với lời lẽ khiêm tốn của ông Tư, nhà sư như nhận ra một chân lý, mắt ông ta sáng lên và mặc kệ ông Tư lôi kéo cũng ráng quỳ xuống vái ông Tư vài lậy.
 
Minh đi theo hướng ông Tư chỉ, băng ngang bụi ô rô gai góc làm xước tay chân và móc rách quần áo.  Trời sáng đã lâu, bụng đói và mệt, vết thương trên mặt bây giờ mỗi chút lại đau buốt làm khuôn mặt chàng co giật.  Trái với bề ngoài thảm hại, đã lâu Minh chưa thấy tinh thần được bình an như lúc này.  Đi thêm vài tiếng nữa, băng ngang một cánh đồng cỏ dại mọc cao quá hông, Minh bắt đầu thấy con đường mòn nhỏ mà cỏ dại đã chen lấn quá nửa lòng đường.
Đầu cúi xuống vì mệt, cứ thế Minh lê bước đi thêm cả tiếng đồng hồ nữa trên con đường mòn thì thấy bên trái mình là một bãi tha ma bỏ hoang.  Chàng mừng rỡ khi thấy một thứ giống như cái am nhỏ bằng gạch coi hãy còn chắc chắn nằm giữa những ngôi mộ ngổn ngang.  Chàng bước lẹ hơn và khi vừa vào trong Minh nằm vật trên sàn xi-măng rồi thiếp đi.
Trời đã rất khuya khi Minh thức dậy, chàng mơ thấy ba mẹ, Trang và Tâm khóc lóc vì tội lỗi của mình.  Nước mắt dàn dụa, Minh ngồi dậy, chắp tay và tụng kinh sám hối, rồi chàng nhớ lại lời khuyên của ông lái đò.  Minh từ từ lấy lại được sự bình an.  Chàng ngồi thiền chờ trời sáng để bắt đầu cuộc đời mới.
 
Bị cái đói cồn cào đánh thức khi trời tờ mờ sáng, nhưng chàng ráng nhịn tới khi sáng tỏ mới bắt đầu vào xóm.  Mấy đứa nhỏ đang chơi trong cái sân đất thấy Minh đi tới thì lùi tít ra xa trong khi vẫn chăm chú nhìn chàng.  Những đứa nhỏ bắt đầu cất tiếng khóc, trong khi những đứa lớn đưa cặp mắt thù ghét theo dõi nét mặt của Minh.  Nếu không vì sợ cái vết cắt ngang mặt còn mới nguyên chắc chúng nó đã lên tiếng chửi rủa và lấy đá chọi rồi.  Thấy vậy, Minh ngừng lại ở đầu sân, cách chàng chừng chục bước là cái giếng nằm ở giữa cái sân vuông được bao bọc ba phía bằng những căn nhà lá thấp bé, xiêu vẹo.  Khát nước qúa, Minh đi lại múc một gàu nước, uống hết, rồi đứng yên đó chắp tay trước ngực chờ đợi.  Nắng bắt đầu gay gắt làm vết cắt thêm đau nhức, cái đói thêm cồn cào, chân Minh run rẩy.
Ngay lúc Hương vác cái bụng bầu lặc lè bước ra khỏi cửa thì nàng thấy chân ông thầy tu qụy xuống rồi ông ta ngã ra.  Cũng may ở đây toàn đất, dù vậy máu từ vết thương trên mặt cũng tứa ra khi đầu ông ta đập xuống.  Hương chẳng thấy sợ hãi hay thương hại, chỉ hơi ngạc nhiên vì người này giống ông sư.  Ở cái xóm nhỏ này, người hiền không dám tới, và người tới thì không hiền.  Hương quan sát ông ta nãy giờ và tin ông ta là nhà sư.  Với nàng một người bị chém như vậy phải là một tay anh chị, tới đây, nếu không phải để trả thù thì cũng để trốn lánh cảnh sát.
Hương cúi xuống lay ông ta và nói lớn,
“Ê cha nội, giả bộ hả!  Tới đây tính ăn cướp hay ăn trộm đây ta?  Ê…ê, tỉnh dậy đi cha nội…”
Hương quay lưng về phía xóm để không ai thấy nàng đang quan sát khuôn mặt thanh cao, hiền hậu và đẹp trai của nhà sư.  Chắc chắn họ sẽ kể lại cho thằng chồng hờ của nàng, và nàng không muốn bị đánh nhiều hơn mọi ngày dù nàng cảm thấy lần này có bị đòn cũng đáng. 
Nhà sư mở mắt nhìn Hương và đưa tay chỉ vào miệng.  Hương chống tay đứng dậy, vừa đi vào nhà vừa chừi rủa lớn tiếng,
“Đ.m. hết chỗ chết sao tính tới đây ám qủe.  Tao cho mày một chén rồi ráng lết đi chỗ khác mà chết nhen con.”
Nàng bước tới chạn thức ăn và không hiểu taị sao mỉnh laị bới một chén đầy với những thừc ăn ngon nhất để dành cho Hai Thẹo mà không nghĩ đến hậu qủa, trong đầu nàng đầy ắp hình ảnh của nhà sư.  Chưa bao giờ Hương có cơ hội tiếp xúc, làm ơn cho một người cao sang như vậy.  Nàng quên đi chính mình, vừa xới cơm vừa nghe ngóng, và khi nghe tiểng chửi thề của Dũng Đen chen giữa tiếng ồn ào của nhiểu người, Hương nóng nảy vội vàng lùa miếng thịt kho cuối cùng vào bát cơm rổi bước vội ra.  Tới ngưỡng cửa đã thấy đám đông bu quanh nhà sư, Hương chửi thề,
“Đ.M. tuị bây làm gì mà bu đông vậy làm sao chả thở cho nổi.  Tránh ra, tránh ra cho tao coi.”
Đám con nít dạt qua chừa lối nhỏ, Hương khó khăn lách qua với cái bụng bầu và chén cơm đầy, nàng thấy Dũng Đen đang lấy chân đạp vào người nhà sư, ráng lật ngửa ông ta, Hương chửi thêm,
“Đ.M. mày Dũng Đen, mày làm gì người ta dậy?  Hổng thấy thằng chả đang bị thương gần chết hay sao mà còn nỡ đạp người ta?”
Dũng Đen cất tiếng cười đểu giả trả lời,
 
“Trời đất sao bữa nay chi Hai tui nổi lòng từ bi qúa ta.  Chà thằng thầy chùa này bị chém mà coi còn được dữ nghen bây, hèn chi chị Hai tui nổi ‘khẩu xà tâm phật’ lên liền.”
Đám đông cười ồ lên, mặt Hương nóng đỏ, nàng hăm dọa,
“Đ.M. mày nghe Dũng Đen, mày ăn nói bậy bạ gì vậy, tao mà nói Hai Thẹo là nó chém mày tan xác.”
Dũng Đen cười to trả lời,
“Hổng biết nó chém tui hay chém chị trước.”
Mọi người lại cười lớn phụ họa, Hương không trả lời, nàng ngồi xổm gắp cơm cho nhà sư, nhưng ông ta mím môi, quay đầu ra phía khác.  Hương bực mình chửi nhỏ trong khi cố ép nhà sư ăn.  Mấy người xung quanh cũng khá ngạc nhiên, chợt bà Tư lên tiếng,
“Mền ơi, con Hai ơi, ổng đi tu mà mày cho ăn cá thịt thì làm sao ổng ăn được.”
Hương mừng qúa tự chửi rủa mình rồi tiếc nuối xúc phần lớn cơm mặn đưa cho thằng Thừa cháu bà Tư.  Thằng nhỏ hí hửng giữ phần ăn quí báu chạy về sân nhà, một đám nhóc theo đuôi nó bỏ lại hận thù, đố kỵ đằng sau cho đám người lớn .
Minh nặng nhọc, nhai vài caí rồi nuốt từng miếng cơm nhỏ, những vết thương còn nhức buốt theo từng cử động.  Ăn xong hơn nửa chén cơm, sức lực như tăng lên bội phần, và thấy khát trở lại, dù vậy chàng không dám ra hiệu, chỉ sợ Hương lại làm thế.  Chàng thoáng thấy trong mắt Hương những gì đã thấy trong mắt Thắm, Trang và nhiều nữ phật tử khác.  Dáng điệu của Hương càng làm cho lời châm chọc đúng hơn, nhưng Minh không hiểu, Hương chưa gặp mình bao giờ, chưa hề biết Minh là ai, chưa bao giờ nghe giọng chàng nói, và giờ đây với khuôn mật ghê tởm như vậy…tại sao???  Chàng hận mình đã không ghạch thêm vài nhát nữa lên mặt.
Minh chống tay chân bò lại cái giếng, khi chàng sắp tới thì bà Tư đã nhanh nhẩu thả cái gầu xuống, múc nước đưa cho chàng.  Minh đỡ lấy, tham lam uống từng ngụm lớn đến mức bị mắc nghẹn ho sặc sụa.  Đám đông nãy giờ vẫn theo dõi ùa cười ồ lên.  Hương dằng lấy chiếc gầu, và đập lưng cho Minh đỡ ho.
Dũng Đen lại lên tiếng,
“Chà, cha sư này có phước ghê ta.  Đói có người đẹp cho ăn, ho có người đẹp đấm bóp.  Ê cha nội!  Tu ở chùa nào vậy, cho tui đi theo luôn nhe.”
 
Như bị một cơn bão lốc xuyên qua, trước khi đám đông ngậm miệng trước câu nói hài hước, một dúm người đứng gần cửa nhà Hai Thẹo bị xô té, tóc của Hương bị giật ngược và nàng bị kéo lê trên đất như một con chó, như một con vật, và chuyện đó không phải là chuyện lạ ờ xóm này. 
 
 
Hai Thẹo đã về nhà được một lúc bằng cửa sau.  Nghe tiếng ồn ào, hắn núp sau vách ván nhìn qua khe hở—thấy hết, nghe hết.  Cái đầu nóng như lửa cháy, Hai Thẹo lẩm bẩm trong
miệng dọa giết Hương và Dũng Đen.  Câu chọc ghẹo cuối của Dũng Đen như lưỡi dao thọc vào hông Hai Thẹo, hắn lao ra ngoài như cơn lốc xoáy.
Sự giằng co qúa mạnh so với bình thường làm khó dễ Hai Thẹo, hấn buông nắm tóc rồi tiện tay đẩy mạnh Hương xuống đất, và bồi thêm cú đá vào mặt.  May mắn, cú đá vội vàng trúng vào bả vai làm Hương té xấp mặt.  Mặt, mũi, miệng mồm Hương dính đầy đất cát, đầu óc quay cuồng.   Không hiểu sao, Hương bỗng nhiên lại thấy hiện lên hình ảnh ba nàng chạy lại đỡ khi bị má đánh đòn.  Giọng nói và caí nhìn của cha làm nàng có cảm tưởng ông còn bị đau hơn chính mình.  Nàng thấy mình quan trọng như thế nào—mình đã là một con người, không phải một con vật.  Hương nằm xấp mặt níu kéo cảm giác dịu dàng ấy, không muốn đứng lên.
Hai Thẹo hét lớn,
“Đ.m. con đĩ ngựa, mày muốn giả chết hả?  Tao quánh cho mày chết luôn.”
Hương lồm cồm bò dậy, thay vì nhìn Hai Thẹo, chỉ tay xỉa xói, chửi bới bậy bạ như những lần trước bị đánh, nàng nhìn ông sư; trong ánh mắt xót xa của ông ta một lần nữa nàng lại thấy mình là con người—và nàng muốn được trở thành con người vô cùng.
Mọi người ngạc nhiên vì tia nhìn dịu dàng của Hương dành cho nhà sư, và Hai Thẹo như một con thú trong chuồng liên tiếp bị chọc giận, hắn quay sang đá tới tắp vào đầu vào cổ Minh.  Hương la lên,
“Mày có giỏi thì quánh tao nè, quánh người té xuống là hèn lắm.”
Hai Thẹo ngưng lại, từ từ nhìn sang Hương, không nói gì, nhưng mọi người thấy những bắp thịt trên mặt hắn cuộn lại, cặp mắt đỏ sọng, và tim Minh như ngưng đập nhìn Hương dồn tàn lực chạy về phía Hai Thẹo.  Mắt Hương nhắm lại, người nàng như bay bổng về phía hình ảnh người cha đang giơ tay chờ đón.
Hai Thẹo nhớ laị cú đá nổi tiếng của mình, hắn xoay người nhắm vào cái bụng thè lè của Hương, co chân rồi đạp mạnh ra…thật mạnh…mạnh hết sức bình sinh.
 
Hai Thẹo cầm chai rượu gầm gừ,
“Đ.M. không ai nhờ tụi bây giúp, có làm thì ngậm miệng mà làm, nói láng cháng tao quánh thấy mẹ.”
Hai người đàn ông è ạch khiêng Hương bước qua khung cửa hẹp, ráng né Hai Thẹo đang ngồi ngay đó, mắt hắn đỏ ké như màu máu ứa ra từ miệng Hương.  Họ nhẹ nhàng đặt nàng lên chiếc giường tre, những giọt máu từ đũng quần nàng loang ra, nhỏ xuống nền đất nện.  Ông Tư ái ngại nói với cái lưng của Hai Thẹo,
 
“Tui thấy coi bộ chị hổng xong rồi nhen anh Hai.”
Hai Thẹo nốc thêm một ngụm rồi trả lời ráo hoảnh,
“Đ.M. cho nó chết luôn, nó dám phản bội tao thì nó hổng chết tao cũng quánh cho nó chết.”
 
Nửa đêm Hai Thẹo đánh thức cả xóm dậy, tiếng rú của hắn làm người lớn nổi da gà, và con nít co rúm, ôm chặt mẹ, không dám khóc,
“Có ma!  Trời ơi có ma!  Có ai không làm ơn cứu tui với!”
Rồi hàng xóm nghe tiếng chân huỳnh huỵch, tiếng đổ vỡ vọng ra từ nhà Hai Thẹo, sau đó là một tiếng, “rầm” thật lớn như thể Hai Thẹo tông xập cửa để thoát ra ngoài, rồi tiếng chân hắn nện mạnh và nhanh kèm theo những tiếng kêu rú kinh hoàng không ngừng nghỉ,
“Có ma….Cứu tui với có ma…”
Bà Tư ôm chồng cứng ngắt, đầu bà dụi vào ngực ông mà cả người cứ rung lên từng chập như bị nóng lạnh,
“Ghê qúa ông ơi!  Ghê qúa ông ơi…Chắc hồn con Hương… nó về báo oán…thôi ông đừng có ra…ông đừng có ra…lỡ nó bắt lộn ông…nó thè lưỡi quắn cổ ông chết luôn đó…”
Bà Tư càng nói càng sợ càng ôm chặt chồng hơn chỉ sợ ông anh hùng đi ra coi rồi bị Hương giết ẩu, sau đó hổng chừng còn đi vô nhà kiếm bà nữa, nhưng nếu bà không sợ qúa thì bà cũng thấy người ông Tư đang run nhè nhẹ — cái tiếng kêu thất thanh của Hai Thẹo nghe thật kinh khủng — có lẽ ngay cả khi đối diện cái chết người ta cũng không sợ đến như vậy.  “Hổng chừng có ma thiệt!”, nghĩ tới đây ông thấy rõ ràng cái lưỡi của Hương dài lòng thòng, ngoe nguẩy như con rắn đang tiến về phía cổ mình, mắt mũi và miệng nàng ứa đầy máu tươi, ông rên lên một tiếng và thấy đùi mình ẩm ướt.
Hai Thẹo chạy về phía nghĩa trang, hắn vừa chạy vừa la thất thanh, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn laị.  Sau lưng hắn một đàn ma quỷ do Hương dẫn đầu đuổi theo sát rạt.  Một tay nàng bồng đứa bé mà cuống rốn lủng lẳng gần chạm đất, dù không nhìn kỹ, Hai Thẹo cũng thấy thằng nhỏ mới đẻ mà răng nanh nó đã mọc dài trắng hếu.  Hai Thẹo tự biết thằng nhỏ không cần bú sữa, khi đám qủy đó bắt được hắn, thẳng nhỏ sẽ no nê với máu tươi của ba nó.  Còn má nó, Hương đang cố gắng thò tay ra nắm Hai Thẹo.  Cái tay trắng bệch, quặt quẹo như không xương, và móng tay dài còn nhỏ xuống những giọt máu từ bụng Hai Thẹo.  Hai Thẹo hãy còn thấy đau ghê gớm ở đó, nếu không vì những khuôn mặt ghê rợn đuổi theo phía sau thì hắn đã qụy xuống từ lâu.
Chạy được một quãng, Hai Thẹo chợt nhớ ra ma qủy sợ trời phật, rồi hắn nhờ tới Minh, một tia hy vọng lóe lên, hắn hét cuống cuồng,
“Ông sư ơi!, ông thầy ơi, cứu tui với…”
 
                  
Hình như tiếng kêu cứu với nhà sư làm đám ma qủy sợ chậm lại, Hai Thẹo thấy chúng không còn bám sát như trước, thấy vậy hắn càng gào to hơn và chạy nhanh hơn quên đi caí nhức nhối từ vết thương ở bụng.  Một lát sau, Hai Thẹo chạy tới nghĩa trang, đang lo sợ sẽ có đám ma qủy ở đó hiện lên chặn đường thì hắn thấy ánh sáng vàng trước cửa ngôi miếu hoang, và Minh đang đứng giữa vòng ánh sáng đó.
Minh giơ tay đỡ Hai Thẹo rồi cả hai cùng té trên nền xi-măng.  Hai Thẹo lắp bắp nói không lên tiếng, một tay hắn lay Minh, còn tay kia run run chỉ về phía cổng, bọn ma qủy chỉ còn cách hai người bốn năm bước.  Với những con mắt nhỏ máu tươi, khuôn mặt gớm giếc, ruột gan lòi ra ngoài, miệng chúng mở to, gào thét, than khóc những tiếng chói tai, ghê rợn.  Hai Thẹo quay người ôm chặt Minh, dấu mặt trong ngực chàng, run lên từng chập.
Minh nhìn đám cô hồn rên khóc, chàng thương xót cho họ và mừng rỡ vô cùng vì đã được chứng kiến những gì trước giờ chỉ nghe thấy, đọc được.  Chàng mỉm cười với họ và nói chậm rãi,
“Xin các vong linh hãy chờ tôi một chút.”
Nghe tiếng nói dịu dàng, điềm tĩnh của Minh Hai Thẹo ngạc nhiên, hé mắt nhìn chàng rồi nhìn đám qủy dữ, hắn an tâm khi thấy Minh có vẻ trị được họ.  Hắn chống tay định ngồi dậy thì bỗng thét lên một tiếng, ngã xuống, lăn lộn trên sàn.  Cứ mỗi lần tay hắn chạm vào bụng lại giật ra kèm theo tiếng thét thót gan.  Cố gắng mãi Minh cũng không thể giữ hắn nằm yên để xem xét.  Một lúc lâu sau, Hai Thẹo không còn sức lăn lộn nữa,  mới lật áo lên coi được, chàng suýt ói khi thấy vết cào trên bụng hắn bây giờ đã sưng đỏ lên như nắm tay, dưới đó dường như có hàng trăm, hàng ngàn con dòi bò lúc nhúc làm làn da chuyển động không ngừng.
Hai Thẹo thều thào,
“Ông thầy ơi cứu tui…cứu con…con đau qúa…con chết mất…con Hương nó ác qúa…nó cào con…ông thầy ơi…”
Nhưng mỗi lần Minh chạm tay vào thì người Hai Thẹo lại cong lên như bị dội nước sôi, và hắn thét lên như bị chọc tiết, chàng chưa biết phải làm sao thì thấy cục sưng bể ra một lỗ nhỏ và từ đó từng con dòi vàng nhạt chui ra.  Cứ một con chui ra là Hai Thẹo thấy như bị dứt một cái móng tay, hắn năn nỉ, rồi lên tiếng chửi rủa Minh tàn tệ vì chàng đang loay hoay chưa biết làm gì.
Minh nhìn một lúc rồi chợt vui mừng, chàng nhớ tới lời ông lái đò, dù sống cái thân chỉ là tạm bợ huống chi cái thân của người coi như chết rồi, còn lo gì việc làm ô uế nó, còn cái tâm thì chỉ có mình mới làm cho nó dơ bẩn được mà thôi.  Cái sự ghê tởm hiện lên rồi tan biến, chàng niệm phật cám ơn ông lái đò, cám ơn Hai Thẹo đã mang cơ duyên đến cho mình rồi mỉm cười cúi xuống thận trọng mút từng con dòi trong vết thương ra và cẩn thận nhả chúng xuống một bên.  Hai Thẹo nghe mát rợi, cơn đau dịu hẳn, hắn mở mắt nhìn Minh, lần đầu tiên trong đời hắn chảy nước mắt vì biết được trên đời qủa thật có những người giống như trong chuyện cổ tích, những con người mà tình thương không có giới hạn, hắn khào khào trong họng,
 
“Con cám ơn ông thầy, xin ông thầy tụng cho con một bài kinh.”
Hai Thẹo thở hắt ra, nghẻo đầu sang một bên, hắn chết trước khi Minh mút hết những con dòi ra.  Minh chắp tay, niệm A Di Đà Phật bên thi thể Hai Thẹo.
Khi Minh đứng lên, chàng thấy người sảng khoái như chưa hề bị đánh đập, chàng bước ra cửa, tiến về phía những vong linh.  Bọn họ bây giờ hết còn hò hét, nét mặt cũng dễ coi hơn, nhìn Minh nửa như van lơn, nửa như sợ hãi, từ từ lùi bước mỗi khi chàng tới gần.  Bây giờ Minh mới để ý có vừng sáng vàng quanh mình, và nhữg vong linh cố tránh không để ánh sáng chạm tới.  Thấy vậy Minh ngừng lại cất tiếng,
“Đừng sợ, đừng sợ, hãy vào trong đi, tôi sẽ tụng kinh siêu độ cho các linh.”
Chàng quay trở lại, bế xác Hai Thẹo lại vách tường nhìn ra cửa.  Đặt xác hắn nằm kế bên, Minh ngồi kiết già và bắt đầu tụng bài kinh sám hối.
Ở ngoài, Hương ngập ngừng rồi rón rén bước vào trong, những vong linh khác nhìn theo và khi thấy không có gì xảy ra cho Hương, họ cũng rón rén làm theo, xếp bằng trước mặt Minh và chắp tay trước ngực.
Minh nở nụ cười an lạc, chàng thấy màn ánh sáng vàng lan rộng ra, khuôn mặt những vong linh được nó bao phủ, đang từ kinh dị, khủng khiếp dần dần trở lại bình thường, hiền lành.  Càng lúc Minh cành thấy nhiều thêm vong linh đến, nhưng ánh vàng chỉ lan xa hơn cửa một chút rồi ngưng lại, những vong linh đứng ngoài vòng ánh sáng, không chen lấn xô đẩy, la hét, Minh thấy những dòng nước mắt rơi trên những khuôn mặt kinh tởm đó, chàng nhắm mắt lại tụng kinh và thành khẩn nguyện xin cho phật pháp đến được với họ, cho tâm ý họ chuyển đổi, cho mỗi kiếp sau họ sống một cuộc đời hướng thiện hơn…hơn nữa.
Khi chàng ngưng tụng niệm, mở mắt nhìn thì trời đã mờ sáng, trong ngôi miếu hoang, không một bóng hình trừ cái xác Hai Thẹo.  Minh đứng dậy bước ra cửa, không cần sờ mặt chàng cũng biết những vết sẹo đã biến mất, rồi cả chàng nữa — tất cả đều là hư vô–chỉ còn lại cái tâm mà thôi.
 
“Manu, thầy tỉnh giấc chưa?”
Manu mở mắt, ngước nhìn thầy Hafiz đang đứng nhin mình với ánh mắt dò hỏi.  Xung quanh hai người, ánh nắng dịu dàng buổi sớm mai xuyên qua cành lá của khu rừng thưa; những vị tu sĩ khác đã rửa mặt xong xuôi chuẩn bị cho một ngày mới, chỉ còn Manu là hãy còn ngồi ngủ dưới gốc cây.  Chưa bao giờ Manu là người thức dậy sau cùng từ khi chàng được nhận vào đoàn tăng lữ, hôm nay sau một ngày qúa xúc động, chàng đã ngủ mê mệt.
 
Đám gia nhân đứng sau cánh cửa lớn của lâu đài dòng họ Das lên tiếng xầm xì khi thấy Manu trong đoàn tăng lữ đến tụng kinh cho đức ông Rohit.  Chúng bàn tán nho nhỏ nhưng
 
 
sôi nổi, trông chờ một biến cố chắc chắn sẽ xảy ra.  Tại sao trên đời lại có người xấu xa đến thế, thấp bé, đen đủi, mặt rỗ chằng chịt,…, từ đầu đến chân không tìm nổi một chỗ xem vừa mắt.  Nhưng tệ hại nhất là ai lại cả gan gởi một con quỷ gớm ghiếc như thế đến lâu đài thân vương dòng họ Das.  Không lẽ trong thành phố này còn có một người ngu tới mức không biết trong lâu đài này chỉ có người và vật đẹp đẽ, dễ coi mới được vào; có một người ngu tới mức không biết ngay đến gia nhân trong lâu đài này cũng có thể đánh đập gần như mọi người trong thành phố mà không ai dám làm gì?  Bọn gia nhân bàn tán và chờ đợi, chúng không dám xua đuổi Manu ngay vì chàng đi trong đám tu sĩ đến tụng kinh cho đức ông Rohit, và vì thân vương Ajit đang bận rộn không ai dám đến làm phiền ngài.
Ajit Das qúa bận rộn trong một ngày trọng đại như thế này, ông không có ngay cả thì giờ để đau buồn, thương nhớ tới người cha thân yêu vừa qua đời.  Đức thân vương, Rohit Das, luôn để ý tới sĩ diện của gia đình, ngài sẽ rất xấu hổ nếu Ajit làm điều gì lầm lỡ trong ngày tang lễ của ngài.  Cái đau khổ lớn nhất đeo đuổi ngài Rohit nhiều năm trời trước khi mất là phải bỏ laị của caỉ, tỳ thiếp, và quyền lực, nhưng ngài chưa bao giờ phaỉ lo âu Ajit sẽ làm mất mặt mình.  Nếu đức ông Rohit yêu sĩ diện một thì thân vương Ajit yêu nó gấp mười.
Và ngày hôm nay thân vương Ajit có dịp chứng tỏ cho mọi người trong thành phố thấy sự cao quý của dòng họ Das.  Không một ai được mặc áo cũ, kể cả đứa gia nhân hạ tiện nhất, không một bức tranh nào được nghiêng lệch, không một kẻ xấu xí, thô kệch nào được đứng trước quan tài, và chỉ có ca nhân đẹp nhất, hay nhất mới được mướn đọc những bài thơ ca tụng công đức ngài Rohit Das.  Đích thân thân vương Ajit trông coi từng chi tiết một, đã mấy ngày nay tinh thần thân vương rất căng thẳng, mọi lỗi lầm đều bị trừng trị nghiêm khắc.
 
Hôm nay, ngày cuối của tang lễ, thân vương Ajit qúa mệt mỏi, ngài ngồi mơ màng trên chiếc gối lớn, bên cạnh quan tài cha, nghỉ ngơi trong khi chờ nghe các nhà sư làm lễ, và chợt giật bắn người khi nghe tiếng Manu tụng kinh, cái giọng chói tai mà lại lớn nhất, nghe như tiếng ai đập vào miếng sắt mỏng giữa đêm khuya.  Không phaỉ Manu muốn vậy, nhưng giọng chàng vẫn vậy từ lúc mới sinh.  Thân vương Ajit giật mình vì tiếng chói tai đó, mở mắt nhìn, và khi thấy khuôn mặt Manu, người nổi cơn điên, đứng ngay dậy chỉ vào mặt Manu, tiếng hét làm ù tai moị người,
“Hãy đập con chó ghẻ này một trận và liệng nó ra khỏi đây.  Đuổi luôn đám thầy chùa này cho ta.”
Lệnh của thân vương cấp tấp được thi hành, Manu bị đánh nhừ tử và liệng ra ngoài đường như một con chó ghẻ, những nhà sư khác không bị đánh nhưng cũng bị chửi rủa và xô đuổi.  Tất cả bỏ đi về mặc Manu nằm đấy, một số còn lên tiếng oán trách Manu đã gây tai họa cho họ và làm xấu mặt sư sãi.  Chỉ còn người thầy của chàng, đại đức Hafiz bên cạnh, nhưng mặc cho thầy khuyên bảo, Manu vẫn cứ lăn lộn trên đường gào khóc.  Manu thấy đau đớn vô cùng tận, không phải vì đòn đánh, vì bị sỉ nhục, nhưng vì chàng nghĩ mình đã là nguyên nhân gây ra bi kịch hôm nay—tất cả chỉ vì ngoại hình và giọng nói của chính mình.
Manu kiên định như vậy, nên sau một hồi lăn lộn khóc lóc, chàng quỳ xuống chắp tay, ngửa mặt lên trời, thành kính cầu xin,
 
“Con nguyện đời đời, kiếp kiếp theo học đức Thích Ca, dù gian nan cực nhọc tới đâu con cũng không nản chí, nhưng khi độ trì tam bảo, giảng giải cho chúng sinh, tụng niệm cho sinh linh, con cần có một khuôn mặt dễ coi, một giọng nói dễ mến để dễ gần gũi họ rồi lựa lời mà giảng.  Con chưa bao giờ dám chê bai hình hài và giọng nói của mình, và biết rằng tất cả rồi sẽ bị huỷ diệt, nhưng con đã nguyện đời đời kiếp kiếp đi siêu độ chúng sinh, mà như hôm nay, con chưa đọc hết một câu kinh không những đã bị đánh đập, chửi rủa mà còn làm hại đến thầy mình và các sư thầy khác.  Nay con xin thỉnh cầu chư Phật gia ơn cho con kiếp sau có một khuôn mặt dễ mến và một giọng nói dễ nghe để con có thể hoằng dương đạo pháp.”
Đại đức Hafiz đợi cho Manu nguyện xong, mới nắm tay chàng kéo dậy, trên đường về khu rừng thưa, nơi hai người tu tập, đại đức Hafiz dịu dàng nói với chàng,
“Này Manu, con có biết con vừa mới tạo nên một nghiệp rất nặng không.  Ta hy vọng con sẽ đổi ý, nhưng nếu cái nghiệp nó tới sớm thì ta nguyện sẽ ở bên con.”
 
Đại đức Hafiz thấy Manu đã mở mắt nhìn mình, nhưng chưa trả lời, người nhắc lại,
“Này Manu, thầy đã hoàn toàn tỉnh táo chưa, tôi muốn biết thầy có còn nguyện xin mặt đẹp, giọng hay nữa không?”
Manu ngước nhìn thầy với cặp mắt biết ơn, chàng nhẹ nhàng lắc đầu.
                             HẾT
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
July 19, 2020