Con Chó- Nguyễn Thị Thêm

CON CHÓ

 
Từ trong một góc nhà, con Lu nhảy bổ ra, sủa vang lên rồi cắn chặt vào ống quần người lạ mặt. Nó dùng hết sức kéo ghì người kia không cho bước tới.
Bất ngờ và vô cùng hoảng sợ, gã thanh niên la lên kinh hoàng:
– “Chó, chó’.
Có lẽ cú ngoạm vừa rồi quá mạnh nên hắn ta thấy đau.  Hắn la lớn lên
– “Chó! Chó cứu tôi, cứu tôi”
Má từ dưới nhà tất tả chạy ra. Bà thấy con Lu đang kéo người đàn ông với sự hung dữ hiếm có. Má la lớn:
-Lu!  Lu, nhả ra.
 
Con Lu nhìn má rồi nhả ống quần người đàn ông kia ra. Nó lùi lại mấy bước, nhìn chăm chăm vào gã và nhe răng gừ gừ đe dọa.
Má ngó người đàn ông lạ mặt. Trên tay hắn cầm cái búa đóng đinh , cái kìm và cái cưa nhỏ mà hôm qua ba đang sửa cái chái nhà chưa kịp cất vào.
Má hỏi:
-Chú là ai, sao lại vào nhà tôi và lấy mấy cái đồ này.
Gã đàn ông mặt tái xanh vì sợ, hắn lắp bắp:
-Da! Cháu đi mua ve chai, thấy mấy món này tưởng bác bỏ nên cháu lượm.
– Bỏ gì mà bỏ, Ba sắp nhỏ tui để trên cái bàn đàng hoàng mà,  chiều về ổng làm tiếp. Mà chú có bị gì không?
Hắn kéo ống quần, hàm răng con Lu in dấu trên bắp chuối. Cũng may không sâu và cũng chưa chảy máu nhiều.
Má kêu gã đàn ông đi vào, ngồi xuống cái ghế đặt sẵn bên hiên nhà. Hắn bước đi mà hai chân vẫn còn run. Con Lu vẫn gầm gừ. Rồi nó đi theo hắn với một khoảng cách vừa đủ để thủ thế. Nó nằm xuống, nghếch mặt về phía hắn như đe dọa.
Má vô nhà lấy một con dao phai, bà hơ sơ lên lửa rồi dùng bề nằm con dao ấy đẩy nhẹ lên vết máy chảy. Không biết bà học cách trị này từ đâu, nhưng bà nói đó là bài thuốc gia truyền đề phòng chó dại. Con Lu nhà tôi không phải chó dại, nó bình thường, ngoan ngoãn. Nhưng làm như vậy an toàn hơn. Xong vài lần làm phép má lấy dầu cù là bôi lên vết thương của gã. Má nói từ tốn:
-Thôi! Chú đi đi, từ nay đừng vô nhà người khác lấy đồ nữa nghen. Con chó này nó dọa chú thôi nếu nó cắn thiệt chắc chú phải đi nhà thương.
Gã đàn ông đã để mấy món đồ trở lại trên bàn. Hắn bẽn lẽn:
  • Xin lỗi bác. Con đi.
Và hắn ngừng lại một giây, hắn lí nhí:
  • Bác ngó chừng con chó dùm con.
Má tôi cười tự tin:
  • Không sao đâu, Chú cứ đi tự nhiên. Tay chú không cầm món gì là nó không cắn chú.
Gã đàn ông đi ra hướng cổng nhà. Con Lu ngồi bật dậy, lửng thửng đi theo tiễn đưa. Mắt nó dịu lại bình thường, không có vẽ gì là hung dữ.
Gã đi khuất, nó trở vào đi lại gần bên má, dáng sợ sệt như chịu tội. Má cười vuốt đầu nó:
  • Không có gì. Con không sai.
  • Giỏi lắm, nếu không chiều ổng về lấy gì mà cưa với đóng.
Con Lu liếm liếm bàn tay của má như cám ơn, rồi lửng thửng trở vào nằm bên cạnh gốc Lê Ki Ma sai oằn những trái.
 ……..
Nó là con chó Lu, con của con chó Ki nhà tôi. Con Ki là con chó cái má nuôi từ lúc nó còn nhỏ xíu.
Ở nhà quê chỉ nuôi loại chó thường để giữ nhà. Họ không biết nhiều và kén chọn về các giống chó. (Mà nghèo quá trời, tiền đâu mà nuôi chó kiểng, chó nhà giàu). 
Chó thường thả rông trong nhà, trong xóm. Chẳng cao lương mỹ vị, chẳng có thức ăn riêng, cũng chẳng hề dắt đi dạo hay tập luyện chi cả.
Nuôi chó theo suy nghĩ đơn giản nơi xóm làng tôi là để chống trộm, để bắt chuột, bắt chồn, bắt cáo bảo vệ đàn gà và…. với một số người là để ăn thịt.
Cho chó ăn gì ư? Đơn giản lắm. cả nhà ăn cơm, xương vứt xuống, chó chực sẵn để ăn. Cả nhà ăn xong, còn tí cơm nguội hay trẻ con bỏ mứa, chan vô tí nước cá hay thức ăn thừa bỏ vào thau nhỏ hay tô riêng của nó. Chắc chắc ở miệng vài cái kêu nó, là nó chạy tới ăn.
Đôi khi túng quá không có gì cho chó, vô nồi cám heo, múc cho cho một bát. Thế cũng xong. 
Nó ăn đơn giản như người dân nhà nghèo-“Có gì ăn đó”
 
 Còn một kiểu ăn của chó nghe ra rất kỳ cục mà vô cùng bình thường, tiện lợi ở xứ VN ta, là cho chúng ăn cứt của trẻ con. Dường như đó là món cao lương mỹ vị của loài chó, vì không có con chó nào chê. Các em bé cứ ngồi làm một bãi, chủ nhà chắc chắc vài tiếng là nó tới liếm sạch. Chả cần dọn dẹp hay sợ hôi thúi gì cả. 
Ở ngoài sân ư? Lấy chút đất cát, phủ lên một lớp là xong. Ở trong nhà thì dùng khăn ướt hay giấy báo lau là sạch như thường. Có bà làm biếng, còn đưa cả mông con chó liếm rồi mới đem con đi rửa.
 Người VN ta coi chó là con vật dơ dáy, nên ít khi rờ rẫm thương yêu. (Nhưng không bao giờ tắm, kỳ cọ cho nó). Nhiều con chó thân thể lở loét vì có rất nhiều bọ chét cắn hút máu. Nó chỉ biết lấy miệng nhăn nhăn mà không biết làm sao tiêu diệt. 
Nếu con chó ở các nước Âu Mỹ được ngủ trong nhà, có giường nệm, được chủ bế chủ bồng, đôi khi ngủ chung với chủ. Thì con chó VN ngủ bên hiên nhà hay một góc nào đó ở nhà sau. Mắt trừng trừng nhìn vào bóng đêm để canh trộm. Khi đau yếu hay bệnh hoạn thì phó mặc cho trời. Gặp ông chủ bất nhân, còn đập cho nó chết sớm để ăn thịt hoặc bán cho mấy tiệm Cầy Tơ.  Tội nghiệp cho “kiếp chó”
………
 Con Lu là con chó đực, nó có bộ lông vàng và tướng thon gọn. Nó là con chó giỏi nhất trong bầy. Khi còn nhỏ nó không ỉa bậy trong nhà, biết nghe lời và rất thính hơi mỗi khi có con nào lạ xuất hiện. Đặc biệt con Lu rất mến chủ và ăn uống nết na. Nó không ăn vụng hay ăn hỗn, khi cho phép nó mới dám ăn. Ba chọn nó vì nó không hay sủa bậy. Khi nó sủa là có chuyện gì đó. Còn chúng tôi thích nó vì nó rất thân thiện với tất cả mọi người.
 Con Lu khôn và dữ hơn con Ki mẹ nó. Mỗi sáng ba tôi thường dậy sớm đi làm. Hôm nào lỡ ngủ quên là mẹ con nó cào cửa kêu ba tôi dậy. Ba tôi uống cà phê sớm, thỉnh thoảng còn chút cặn ông đổ vào tô cho con Lu.
Trong xóm ai tới nhà tôi cũng được, hai mẹ con con Lu vẫn nằm im nhìn theo. Nó không gầm gừ hay sủa lớn tiếng làm dữ. Dường như mọi người trong xóm trở thành thân thuộc, quen biết. Nếu ai vào nhà má tôi không ra đón, thì con Lu sẽ đứng dậy để đi theo. Nó chỉ đi theo và ngoắc đuôi ve vẩy như vui mừng chứ không làm gì hết.
 Nhưng nếu khách lấy một món đồ nào đó trong nhà mà đi ra một mình nó sẽ kéo quần lôi lại. Tốt nhất xin hoặc mượn món gì cầm trên tay phải có người nhà đưa ra cửa, nó mới tin và nằm im cho đi. Nhiều khi bận tay không ra được. Má la lớn lên:
  • Lu! Cho bác đi, má đây nè.
Thế là an toàn nó không làm khó dễ.
 
Rồi con Ki già đi, một hôm ba tôi ra vườn con Ki đi theo. Một con rắn hổ mang nhào ra tấn công ba tôi. Con Ki nhảy vào chiến đấu. Hai con quần nhau kịch liệt và có thể con rắn đã cắn trúng con Ki. Con rắn đã thua, nhưng con Ki cũng không toàn vẹn. Đem nó vào nhà nó yếu hẳn ra, thở thoi thóp và sau đó nó chết.
Chị em tôi khóc quá chừng vì thương nó. Ba nói đừng cho ai biết hết. để chiều tối mình đem nó đi chôn.
Thời sau 75 người ta đói cái gì cũng ăn. Sự ăn tạp lan tràn không lý giải được. Mèo chết cũng ăn, Chó bị thuốc chết cũng ăn. Chó chôn rồi cũng lén đào lên làm thịt.
Cho nên ba tôi không dám cho biết chó nhà đã chết. Chạng vạng tối, ba đào một cái hố bên cạnh gốc cây điều. Con Ki được khiêng ra bỏ xuống. Ba lấp đất, nện thật chặt. Má đóng một cái cây làm dấu rồi đốt nhang khấn vái nó.
Nhà tôi buồn trông thấy, con chó cũng như một thành viên gia đình. Nó đã sống với chúng tôi thật lâu. Tình nghĩa thật đầy. Nó chết vì bảo vệ chủ. Nghĩa cử của nó nhiều khi con người cũng không bằng.
 Khi gia đình tôi làm giấy tờ và chuẩn bị xuất ngoại. Không biết con Lu có hiểu hay không mà nó đổi tính. Nó không hoạt bát như lúc trước. Nó buồn bã hơn và hay đi rong.
Mấy lần bà Hạnh nhà đối diện cứ than mất hột gà. Bà sáng đi sớm, chiều mới về. Bà nuôi hai con gà mái đẻ. Bà làm cho gà một cái ổ ngay bên nhà bếp. Bà không thấy gà đẻ thêm mà cũng không thấy gà ấp. Thỉnh thoảng lại mất thêm một trứng. Ban đầu bà tưởng rắn tới tha đi. Nhưng rắn đâu có ăn từng trứng như vậy.
Một hôm bà về sớm để rình. Y như rằng anh Lu nhà tôi vào tha trứng đem đi. Bị bắt quả tang má tôi la con Lu một trận và đền tiền cho bà Hạnh.
 Nó tiu nghỉu nằm yên chịu phạt. Chúng tôi cũng không hiểu nó làm vậy để làm gì? Chỉ biết đôi mắt nó thật buồn nhìn má tôi như muốn khóc.
 Ba má tôi sang nhà và vườn đất lại cho cậu Hai, người em bà con của má. Bán lại cũng như cho vì không thể làm khác hơn. Bỏ hết tất cả chỉ đem theo ít quần áo để ra đi định cư tại Mỹ. Ông bà ngoại bảo đem con Lu về ông bà nuôi cho. Nhưng con Lu đã quen với xóm giềng, căn nhà và bà con nơi này. Nên cậu Hai nói hãy để nó ở đây như xưa. Cậu hứa sẽ săn sóc nó thật tốt.
 Thư từ qua lại mới biết ngay sáng nhà tôi bỏ đồ lên xe ra đi. Con Lu chạy theo ra tới cuối con đường. Nó về nằm bẹp một chỗ chẳng ăn uống. Ngày nào nó cũng ra đầu ngõ ngóng chủ xưa. Không ai dụ nó ăn được. Cậu hai tới gần tính cột nó lại không cho đi nữa, nó làm dữ như muốn cắn người. Được hơn 1 tháng thì nó mất.
Không biết họ có đem nó ra làm thịt ăn không, tôi không nghe cậu Hai nói.
 Con Ki, con Lu là chó mà nó có nghĩa có tình, biết lẽ phải biết đúng, biết sai. Nó là một thành viên trong gia đình tôi. Nói theo thuyết nhà Phật, nó có duyên với chúng tôi. Duyên tận, nó chết. Đành phải chịu.
 Người ta hay ví von:’Ngu như chó” nhưng theo tôi, chó không ngu, nó khôn nhất trong các loài thú. Đi xa mấy nó cũng biết đường trở về nhà.  Nó trung thành và hết lòng bảo vệ chủ, Nó biết ngoắc đuôi mừng vui khi chủ về nhà. Nó biết nằm xuống chịu chủ phạt mỗi khi lầm lỗi. Nó biết đau buồn, nhịn ăn chịu chết khi chủ bỏ đi.
Biết bao nhiêu con chó đã liều mình hộ chủ. Có những con chó đã là những đội quân khuyển tinh anh. Có con chó đã trung kiên dẫn người chủ mù đi đường hàng ngày. Và cũng có biết bao con chó đã lập thành tích trong những buổi biểu diễn nghệ thuật.
Con chó còn là đứa con yêu dấu của người cha người mẹ không con cái khi tuổi về già. Nó là người bạn chung thủy của những người cô đơn hay khuyết tật. Nó không thể nói, nhưng đôi mắt và cử chỉ của nó đã nói biết bao điều.
 Con Lu đối với tôi thân thiết như một người em nhỏ trong nhà. Chúng tôi có nhiều trò chơi vui vẻ, rượt đuổi nhau chạy khắp vườn. Tôi ra đi bỏ lại nó cô độc lẻ loi đến chết. Trong tôi, nó như một người thân đã vĩnh viễn ra đi. Tiếc nuối, hoài niệm, nhớ thương và cảm thấy mình bạc bẽo, có lỗi với nó.
 Mong rằng kiếp sau nó đầu thai làm người. nếu vẫn không thoát khỏi kiếp chó, xin cho nó được sinh ra ở Nhật, ở Mỹ, hay ở những nước văn minh. Nơi đó họ coi chó như bạn và chó sẽ có những điều kiện chăm sóc thật tốt như con người.
 
Một câu cuối cùng, tôi xin viết để chấm dứt bài này:” XIN ĐỪNG ĂN THỊT CHÓ “
 
 Nguyễn thị Thêm.

 

 

 

 

 

July 18, 2020