Mối Tình Trong Đời- Thuý Messegee

Mối Tình Trong Đời

Nhiều thập niên đã qua đi… Khi bước vào mùa thu của cuộc đời, những gì ta ấp yêu trân trọng chỉ còn là những kỷ niệm đẹp. Hành trang này sẽ trân trọng mang theo khi rời khỏi thế gian này .

Hạnh phúc thay, và may mắn thay khi trong đời có được một tình yêu kỳ diệu, xoa dịu những phút giây nghiệt ngã đau buồn, vực dậy những lúc vấp ngã, nâng đỡ dìu dắt từng bước đi. Diễm phúc đó đến chỉ một lần trong đời, và có khi chẳng bao giờ đến cho nhiều người. Ân sủng này xin được trân quí.

…1972

Suốt thời gian ở tuổi mới lớn, tôi là một con mọt sách ngu ngơ và quê mùa. Nhan sắc không có gì, quần áo đơn giản, không có phương tiện se sua chải chuốt như chúng bạn. Bảy năm dài chúng tôi được giáo dục trong môi trường đầy ắp tình thương của thày cô nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Nhiệm vụ chính của học sinh là học, học, và học. Không được se sua chưng diện, không được cắt tóc thời trang, không được mang giày cao gót, không được phấn son trang điểm, giao tiếp bạn trai, v.v..

Trong môi trường khắt khe như dòng nữ tu kín ấy, tôi hồn nhiên sống như một bông hoa dại bên đường. Tôi không phải là loài kiểng quí được nâng niu cắt tỉa để nở ra những đóa hoa mãn khai rực rỡ làm vừa lòng khách tao nhân. Quê mùa, đơn giản đến tội nghiệp.

…1973

Ngày thi đỗ tú tài II rồi ra trường, tôi bước vào một thế giới hoàn toàn khác hẳn bên ngoài.  Tôi lại phải đương đầu với kinh tế khó khăn trong gia đình. Vì có được một mùa hè dài hơn bình thường, từ khi trung học bãi trường cho đến khi đại học nhập trường, mẹ tôi tìm cách tìm việc làm cho tôi để kiếm tiền mua sách vở trong năm học tới. Mẹ tôi đến gặp một “ông chú” làm giám đốc tại Bộ Công Chánh. Người Việt có rất nhiều “ông chú” như thế. Bố chú là bạn với ông tôi, nên chú nghiễm nhiên trở thành “chú” trong gia đình.  Mẹ tôi xin chú có việc làm tạm nào cho tôi làm trong mấy tháng hè. Chú ôn tồn cho biết chính phủ không tuyển nhân viên tạm, chỉ tuyển nhân viên lâu dài qua các kỳ thi chính ngạch. Tuy nhiên, chú sẽ giới thiệu tôi đến xin việc thông dịch tại một công ty cố vấn USAID đang cần người dịch tài liệu kinh tế.

Một buổi sáng tôi mặc áo dài trắng, đồng phục ngày xưa, còn hằn dấu phù hiệu trường khâu vào áo trong những năm đi học vừa mới được tháo ra, hồi hộp cùng mẹ tôi đến công ty DMJM trên đường Công Lý, rụt rè gõ cửa vào xin việc.

Cửa mở, một ông manager người Mỹ nhìn tôi. Tôi lấy hết can đảm cất giọng nói to:

  • Tôi là cháu của chú Túc, giám đốc Nha Kiều lộ tại Bộ Công Chánh. Chú Túc gửi tôi đến đây xin thông dịch tài liệu cho các ông.

Ông manager tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng lịch sự bảo tôi chờ. Một lát sau, một người khác, đứng tuổi,  hơi lùn, to chắc, mặc complet bốn túi như dân thuộc địa Pháp ngày xưa, ra bắt tay tôi, niềm nở lên tiếng:

  • Bonjour mademoiselle! Comment allez-vous?

  • Uh…Je vais bien…merci!

Quái lạ, tôi đang lập cập tóm thu vốn liếng tiếng Anh đã học tại Hội Việt Mỹ bấy lâu để được khảo hạch, thì lại phải đối đáp tiếng Pháp thế này? Là sao?

Thế rồi hai bên trao đổi qua lại cứ như chơi đùa! Ông cho biết đã từng làm việc tại các xứ Đông dương như Lào, Campuchia, v.v. nên hay nói tiếng Pháp. Tôi bị lôi cuốn vào cái tự nhiên, vui vẻ, hoà đồng, ân cần của người phỏng vấn. Tôi buột miệng:

  • C’est curieux! Il y a quelqu’un qui parle français dans un bureau américain! (Thật là lạ, công ty Mỹ mà lại có người nói tiếng Pháp!)

Ông bật cười lớn:

  • – Mais oui, comme c’est curieux, n’est-ce-pas? (Ờ nhỉ, lạ lùng quá phải không?)

 

Được một lúc ông hỏi:

  • Bao giờ thì cô bắt đầu làm việc được?

Ý Trời, tôi đã đỗ kỳ khảo hạch rồi sao? Không có bài thi, không có bản tiếng Anh để dịch thử, viết, xóa, nộp lên, qua 2 giám khảo độc lập chấm điểm, v.v.?

Tôi luống cuống chào từ giã rồi cùng mẹ tôi ra về, lòng vẫn chưa bàng hoàng với diễn biến vừa qua. Cũng chẳng biết công việc của mình là gì, lương hướng ra sao!

Ngày hôm sau, vẫn trong chiếc áo dài trắng, tôi đạp xe đạp đến “sở”. Tôi được đưa vào một căn phòng rộng dùng làm phòng họp để ngồi đó một mình. Người ta mang vào năm bộ sách dày cộm, năm bộ kế hoạch phát triển kinh tế ngũ niên cho Việt Nam Cộng hòa, từ 1975 đến năm 2000, tất cả 25 năm. Thuở ấy nói đến năm 2000 thấy xa vời làm sao!

Rồi người ta đưa tôi một tập giấy và cây bút chì để tôi bắt đầu dịch. Trời ơi, trong đời chưa bao giờ tôi lâm vào nghịch cảnh khủng khiếp như thế. Tài liệu khô khan, toàn những từ kinh tế chuyên môn tôi không hiểu ngay cả trong tiếng Việt, làm sao dịch ra tiếng Anh đây? Thà rằng người ta khảo hạch tôi trong buổi phỏng vấn và đánh rớt cho rồi! Tôi lại ngố đến độ không dám hỏi xem văn phòng có tự điển hay không, sợ rằng phải dùng tự điển là chứng tỏ mình dốt!

Cuối buổi tôi thất thểu ra về mang theo hai trang giấy chi chít những từ “bí”. Tôi òa khóc với ba tôi:

  • Con làm không được đâu! Chắc thế nào cũng bị đuổi! Khó quá!

Ba tôi chậm rãi cầm hai trang giấy của tôi lên xem:

  • Ba biết những từ này bằng tiếng Pháp, mình sẽ dùng từ điển Pháp-Anh truy ra tiếng Anh cho con!

Thế là mỗi ngày tôi dịch những trang giấy đầy lổ hổng trong sở, hết buổi cầm bảng từ khó về nhà, rồi hôm sau trở lại “điền vào chỗ trống”.

Ngày ngày tôi thui thủi làm việc cặm cụi trong phòng họp rộng lớn lạnh lẽo. Tôi nghe tiếng nhân viên người Việt cười nói rộn rã bên ngoài, nhưng họ không có gì để trao đổi với tôi nên để mặc tôi một mình.

Một tuần sau ông manager đưa vào phòng tôi một nhân vật mới. Chú Bằng cho biết ông đã từng làm thông dịch cho hãng RMK-BRJ trong 10 năm qua, một công ty thầu lớn tại Việt Nam thời đó. Ông bê vào phòng độ chục bộ tự điển đồ sộ, Anh-Việt, Việt-Anh, Việt-Pháp, Pháp-Anh, tự điển kinh tế, chính trị, công nghệ, v.v. đủ thứ trên đời.

Mặt tôi tái xanh. Thôi, bây giờ tôi đã thấu hiểu sự tình. Người ta phải cho tôi vào ngồi vì tôi là cháu của “chú Túc”. Chú Túc đại diện Bộ Công Chánh giao tài liệu cho công ty dịch ra tiếng Anh để nộp lên USAID xin viện trợ. Chú gửi cháu gái đến thì công ty phải “biết điều” nhận vào, còn công việc thật sự thì phải để người chuyên nghiệp phụ trách.

Hôm đó tôi lại về nhà khóc với ba tôi. Ba an ủi: đến đâu hay đến đó con ạ.

Đã gần một tháng từ ngày vào làm việc tôi mới gặp lại người đã ”phỏng vấn và tuyển dụng” tôi. Gordon cho biết ông vắng mặt thời gian qua vì đi công tác về đồng bằng sông Cửu Long thu thập tài liệu cho chương trình “Người Cày Có Ruộng”, một chính sách dùng tiền viện trợ Mỹ mua lại điền đất từ các địa chủ rồi cấp không cho tá điền, win-win cho cả đôi bên. Chủ điền không bị thiệt thòi mà tá điền được ruộng đất để canh tác.

Gặp lại Gordon, nhìn bộ mặt nhân hậu vui vẻ, nghe tiếng nói đầm ấm chân tình, tôi mới chợt biết thời gian qua âm thầm làm việc một mình trong phòng họp tôi “nhớ” ông đến dường nào. Công việc khô khan bỗng trở nên thú vị trở lại. Gordon ân cần hỏi thăm tôi trong thời gian vừa qua, hỏi thăm “chú Túc” có khoẻ không, làm tôi thẹn đỏ mặt. Chú Túc là tấm bình phong cho tôi mượn cớ xin việc làm. Từ ngày ông tôi và bố chú mất đi thì gia đình chú và gia đình tôi rất ít liên lạc, tôi nào biết thời gian qua chú có khoẻ hay không!

Thế rồi Gordon bắt đầu xem lại bài dịch của tôi và chú Bằng. Ông nói riêng cho tôi biết đọc bài của tôi thì ông hiểu được các ý, còn bài của chú Bằng có văn phong tiếng Anh “hóc búa” đối với ông, phải hỏi đi hỏi lại cho rõ. Ôi, công trình luyện ngữ pháp của tôi bao năm qua tại trường và Hội Việt Mỹ cũng có một kết quả nào đó! Quả là mình luôn bị đè nặng mặc cảm tự ty. Nhưng mặc cảm này đã tan biến khi được nghe những lời nhận xét công tâm và nhân hậu của Gordon!

Đến ngày lĩnh lương, bà office manager đi cùng tài xế lên ngân hàng lãnh một bao bố nhỏ tiền mặt về, đếm cho mỗi người một phong bì. Tôi lãnh được 30 nghin tháng đó, sau này biết được thì là mức lương thấp lè tè, và dĩ nhiên là thua xa lương chú Bằng. Tôi không màng! Đó là một món tiền lớn trong đời, do công sức tôi khó nhọc làm ra. Ngoài ra, công việc tôi còn kèm theo một bonus quí giá vô cùng. Gordon ngày ngày ti mỉ chỉ cho tôi xem cách ông chỉnh sửa câu cú của tôi, dạy tôi những thành ngữ đặc biệt, khiến tôi cảm thấy như mình có được gia sư thật giỏi kèm thêm hằng ngày không tốn tiền. Còn gì tốt đẹp hơn trên đời nữa, được giao tài liệu cao cấp để thực hành, được người giỏi lỗi lạc kèm thêm chu đáo, cuối tháng còn được lĩnh lương nữa!

Sau 7 năm “tu kín” dưới mái trường trung học, tôi ngu ngơ bước vào thế giới mới lạ thần kỳ với Gordon. Hằng ngày ông ân cần hỏi thăm tôi mọi việc, chỉ bảo chuyên môn, trân trọng công việc dịch của tôi, bàn chuyện thế sự, học hỏi từ tôi về lịch sử, văn hóa, chiến tranh Việt Nam. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy rằng mình quan trọng, rằng những ý kiến buột ra từ cửa miệng không bị cười là ngây ngô mà được cẩn trọng chú tâm, những câu đùa giỡn trêu ghẹo tinh quái của tôi làm cho ông giật mình sửng sờ. Tôi thấy mình oai quá! Tôi xứng đáng quá! Dưới mắt Gordon, tôi là một thiếu nữ thông minh, sắc sảo, giỏi giang, chẳng còn là đứa con gái út ăn chưa no lo chưa tới trong gia đình. Gordon bảo ông đã từng bôn ba gần khắp thế giới nhưng chưa gặp được người nào thông minh, hồn nhiên, đồng thời cũng bộc lộ bản tínnh mạnh mẽ và láu lỉnh như tôi.

Mỗi chiều tan sở tôi ra về với bao kỷ niệm đẹp trong ngày. Mỗi đêm tôi thầm mong cho mau đến sáng để chóng vào sở làm việc, nói chuyện, và học hỏi với “Papa Gordon”.

Thỉnh thoảng các nhân viên nhân viên cao cấp trong công ty lại lên văn phòng USAID gần vườn Tao đàn họp hành tiếp xúc với đối tác trên đó. Dạo sau này mỗi lần Gordon đi lên đó ông lại mang tôi theo, bảo rằng cần tôi đi theo để ghi chép lại những buổi họp. Thật ra tôi nghĩ Gordon chỉ muốn cho tôi được đi đấy đi đó học hỏi thêm, có dịp rời khỏi công việc chuyên môn khô khan, ra ngoài “đổi gió” một chút.

Gordon là dân Mỹ nhưng thuộc loại francophile, thích nói tiếng Pháp, uống rượu Tây, vừa làm việc vừa vui chơi, không nghiêm túc khô khan như nhiều người Mỹ khác. Mỗi khi họp xong, ông cho tôi xuống cafeteria uống nước hay ăn nhẹ một chút rồi mới trở về công ty. Tôi trố mắt với khung cảnh đèn màu tối mờ, máy lạnh mát rượi, ghế nệm dày êm, mùi thức ăn thơm dịu toả khắp nơi. Chắc là mùi bơ cộng với các hương liệu nấu ăn của Mỹ. Đó là những “bữa tiệc” đối với con bé quê mùa chỉ biết các bữa cơm gia đình và những tô phở, hủ tíu bình dân. Khoai tây nghiền trộn bơ sao mà ngon đến thế. Bò nướng cắt lát mỏng mềm thật là mềm, đổ nước sốt hành tây lên, trên cả tuyệt vời. Ly nước coke ngọt lịm!

Tài liệu phát triển kinh tế cho VNCH từng trang lại từng trang được dịch ra tiếng Anh, chỉnh sửa bởi Gordon, rồi đánh máy lại ngay ngắn. Mùa hè trôi qua, từng ngày lạI từng ngày. Tôi mải mê trong công việc cùng với Gordon, quên hẳn bạn bè, quên hẳn bài vở sau lưng, chẳng nghĩ gì đến chương trình đại học sắp tới.

Rồi cũng đến lúc tựu trường!

Tôi buồn rầu báo cho Gordon biết đã đến lúc phải từ giã để trở về trường. Gordon giật mình sửng sốt. Ông biết tôi xin vào làm việc tạm mùa hè, nhưng cũng như tôi, ông mải mê tận hưởng thời gian làm việc và chỉ bảo tôi nên quên mất mọi sự! Nhìn vẻ mặt buồn xo của ông tôi cảm động vô cùng. Tôi quan trọng đến thế ư? Tôi tưởng chỉ mình tôi là mất mát khi phải giũ áo ra đi. Chợt gương mặt Gordon sáng hẳn lên. Ông nở nụ cười tươi tắn cho tôi biết ông đã có giải pháp tuyệt vời. Tôi cứ tiếp tục làm việc bán thời gian, khi nào có lớp hay phải học bài thì đi học, khi nào rảnh thì đến sở, bao nhiêu giờ một tuần cũng được, lúc nào đến, lúc nào đi cũng được. Ông bảo đó là một win-win proposal, hai bên đều thắng lợi. Tôi cũng nhoẻn nụ cười tươi gật đầu liền. Tôi không phải chia lìa Papa Gordon yêu mến của tôi.

Từ đó tôi là “nhân viên đặc biệt”, chạy qua chạy lại giữa nhà trường và sở. Cạnh bàn giấy rộng lớn của Gordon là một chỗ ngồi nhỏ dành cho riêng tôi. Mỗi lần tôi bước vào văn phòng là mặt Gordon tươi hẳn, bảo rằng từ sáng đến giờ ông cứ nhìn chỗ ngồi của tôi đang vắng lặng không biết bao giờ “Gigi”mới đến.

Gigi là tên Gordon đặt cho tôi. Lúc đó tôi chỉ thấy thích cái tên Tây nghe dễ thương, tôi nào biết nó là một chuyện tình lãng mạn giữa một người đàn ông trải đời và một cô gái ngây thơ hồn nhiên trong tác phẩm của Colette. Sau này khi Gordon đã rời khỏi Sài gòn đầu tháng tư 1975, tôi lang thang vào thư viện mượn được cuốn Gigi mang về đọc, mới khám phá ra ý nghĩa của cái tên mà Gordon từng âu yếm gọi tôi hằng ngày. Tôi bị cuốn hút vào cuộc tình không ngờ trước được giữa một nam và một nữ tại Paris 30 năm trước. Người đàn ông trải đời Gaston đã biết qua bao phụ nữ giàu có và mưu chước luôn tìm cách “bẫy” ông, nhưng ông đủ khôn ngoan và đủ nhàm chán để vẫn giữ nếp sống độc thân. Gigi, cô gái mới lớn, ngây thơ khờ dại, luôn quan tâm đến “chú Gaston” và say mê theo dõi những cuộc tình tai tiếng của chú đăng trên báo lá cải hằng ngày như những chuyện phiêu lưu của người lớn mà cô chưa được phép tham dự. Thế rồi một ngày Gaston ngẩn ngơ nhận ra mình đã bị cái hồn nhiên trong trắng của Gigi cuốn hút. Gigi cũng bỗng chốc ngẩn ngơ nhận ra minh đã bị chú Gaston hớp hồn, biết mình đã yêu chú Gaston. Tôi phân vân không biết có phải Gordon vô tình buột miệng gọi tôi là Gigi, có phải phần số đã khiến xui như thế, hay có phải Gordon đã nhìn thấy con đường định mệnh trước mặt hai chúng tôi khi đặt tên Gigi cho tôi?

Môi trường Đại học Văn khoa quả là rất lộn xộn và choáng ngợp. Lớp học cũ kỹ tân trang lại từ thành lính Cộng hòa, mỗi lớp chỉ có chỗ ngồi cho độ 50 người, trong khi sĩ số ghi danh là 400-500. Để chiếm được ghế ngồi trong lớp 8 giờ sáng, tôi phải đến trường từ 5 giờ rưỡi sáng, chui rào vào bên trong vì cổng trường chưa mở, thì mới có được một chỗ ngồi khi lớp bắt đầu. Đến đúng giờ thì chỉ có ngồi dưới chân thầy cô, hay đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Học hành như thế thật là vất vả và chán nản, trong khi đến làm việc với Gordon thì vui biết dường nào.

Trong khóa học về Văn Minh Văn chương Mỹ, thầy Duane Hauch cho chúng tôi viết bài phân tích về nhân vật Blanche trong vở kịch A Streetcar Named Desire của Tennessee Williams. Theo bạn, Blanche là một nạn nhân đáng thương hay là một người đàn bà mưu xảo?

Từ những năm tiểu học, tôi đã được dạy cách viết bài luận có hai cách lựa chọn. Em thích ở đồng quê hay thích ở thị thành? Chúng ta nên sống theo lý trí hay sống theo tình cảm? Chúng tôi được dạy kỹ không bao giờ đâm đầu vào một lựa chọn dứt khoát ngay từ đầu. Làm như thế là bộp chộp không đắn đo. Trước hết phải phân tích những cái hay và dở của đời sống đồng quê. Sau đó bàn đến cái hay và dở của đời sống thị thành. Cuối cùng là chọn lựa của mình và giải thích lý do. Tôi cứ theo nguyên tắc làm việc này mà khai triển bài essay của giáo sư Hauch. Truớc hết tôi nêu ra những cách điệu đàng mồi chài của Blanche đối với cậu em rể Stanley. Sau đó tôi bàn đến hoàn cảnh sa sút tội nghiệp của cô ấy, những khát vọng níu kéo quá khứ vàng son của mình bằng mọi giá, và những mê muội ảo tưởng đã khiến Blanche cuối cùng bị Stanley hãm hại.

Bài của tôi nhận được con D! Thầy Hauch phê vào bài rằng tôi không “dứt khoát tư tưởng”, chao đảo khi thế này khi thế khác, rằng bài của tôi khởi đầu như một bài viết đầy hứa hẹn nhưng rồi kết thúc một cách đáng thất vọng! Sau này đi học trường Mỹ tôi mới biết mình phải dứt khoát một lập trường và lý luận bằng mọi cách để bênh vực lập trường đó, đồng thời đả phá lập trường đối ngược, không được ba phải kiểu dĩ hòa vi quí của người Á đông. Đó là cách tranh luận của người Mỹ!

Khỏi nói tôi buồn đến thế nào. Tôi đưa bài cho Gordon đọc khi ông hỏi han về chuyện học hành của tôi. Gordon phản ứng mạnnh: “Gigi, đây là một bài xứng đáng điểm A. Để tôi nói chuyện với thầy của cô!” Ơ! Cái gì? Sao lại phản ứng mạnh thế? Tôi chỉ mang ra chia sẻ thôi mà. Thầy cô được chúng tôi kính trọng tuyệt đối, còn xem trọng hơn cả cha mẹ, ông đừng làm thế. Gordon nguôi dần, nhưng vẫn phàn nàn tôi bị xử oan. Sao lại có ngườI ủng hộ tôi đến độ mù quáng đến như thế nhỉ? Khiếp, thật là vô lý dễ sợ, nhưng mà con người này sao đáng yêu vô cùng!

Thời ấy nạn trộm cắp xe tràn lan khắp Sài gòn. Trong bảy năm trung học, tôi không bao giờ phải khóa xe, cứ vào sân trường là để xe tại nhà xe, đến gờ tan lớp ra dắt xe đi. Sau khi làm mất liên tiếp hai chiếc xe đạp tại đại học Văn khoa vì mải lo chạy vào lớp tranh chỗ ngồi không kịp gửi xe, ba tôi tức giận bắt tôi di chuyển bằng xe buýt một tháng ròng để học tính cẩn thận biết giữ của.

Không sao, Gordon bảo. Ông sẽ đưa tôi đi học! Ông bảo tôi lập một bảng thời khóa biểu các lớp học để trên bàn trước mặt ông. Đến giờ học, Gordon cầm tay tôi ra đường đón taxi đưa đến trường. Đúng là tôi được nuông chìu hết mức. Có hôm đang đọc một bức thư cho tôi viết để đánh máy gửi đi, Gordon nhìn vào thời khóa biểu rồi hốt hoảng la lên: “Thôi chết rồi, đến giờ đi học rồi. Sao Gigi không lên tiếng? Nào! Đi! Nhanh lên!”

Tôi chơi vơi trong thế giới được yêu thương chìu chuộng. Tôi không biết tình cảm của mình đối với người ấy là gì, chỉ biết không muốn rời xa, chỉ biết ngày nào cũng muốn gặp mặt. Làm sao tôi sống được khi không nhận được những quan tâm chăm sóc chân tình như thế?

Thời mộng mơ tuổi học trò chúng tôi thuộc lòng đoạn thơ của Xuân Diệu: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” Bây giờ nếu ai hỏi tôi khi nào biết được rằng ta đã yêu, tôi sẽ trả lời rất dễ dàng: khi nào không gặp mặt được mà nhớ nhung không chịu được, thì đó là đã yêu.

Sau hơn một năm, công trình dịch thuật hoàn tất, project giải tán. Chúng tôi xếp dọn và “chia gia tài”. Tôi xin hai quyển tự điển trong văn phòng. Gordon nắn nót ghi lời đề tặng: “To Gigi, to whom I can never say ‘Thank You’ well enough”. Thay vì trở về Mỹ như nhiều nhân viên khác, Gordon tìm việc khác tại Sài gòn. Một hôm ông báo cho tôi biết ông đã được việc làm tại một công ty khác, và đồng thời cũng đã xin được việc cho tôi. Ông cho công ty ấy biết rằng ông có một thư ký riêng rất giỏi giang, rằng muốn nhận ông thì phải nhận cả hai người như một “package”. Thế là tôi lại tiếp tục gắn bó với Gordon.

Tháng 2, 1975

Sinh nhật 21 tuổi. Trên giấy tờ tôi đã trưởng thành, không còn bé thơ nữa, và đang đắm đuối trong tình yêu viết bằng chữ hoa, một mối tình thách đố mọi giao ước, với một người đàn ông khác chủng tộc, lớn hơn tôi vài chục tuổi, đã có gia đình. Chẳng còn gì có thể thêm được vào bảng liệt kê dài những điều cấm kỵ nữa. Tôi biết đó là tình vô vọng, rằng đến một lúc nó sẽ tan biến theo giọt sương long lanh đầu ngày. Tôi không có những giây phút hẹn hò, cầm tay giung giăng giung giẻ đi chơi, ăn kem, xem hát. Không có một bức thư tình, không có một lời tỏ tình hay thề nguyền. Chỉ biết có những phút giây được chăm sóc tràn đầy, được hết lòng tin yêu, được tin tưởng vào trí thông minh, khả năng xét đoán, được quí trọng vì tấm lòng trong sáng đáng yêu, những đức tính quí giá mà tôi không bao giờ dám nghĩ là mình có được, nhưng có người biết đến cho tôi.

Khi nhận lời chúc tụng sinh nhật 21 tuổi, tôi thu hết can đảm bày tỏ rằng tôi rất cảm kích những tình cảm tốt đẹp dành cho tôi, rằng nhờ có Gordon nâng đỡ và tin tưởng trong mấy năm qua mà tôi thoát ra khỏi vỏ ốc nghèo nàn đầy nhút nhát mặc cảm và vươn ra một thế giới tốt đẹp phấn khởi vô cùng. Tôi rất biết ơn và bảo sẽ không bao giờ quên.

Gordon nhìn thẳng vào mắt tôi rồi hỏi: “Chỉ có lòng biết ơn thôi sao? Còn gì nữa không? Sao em không nói?” Tôi cúi đầu im lặng. Rồi tôi mạnh dạn ngẩng lên nhìn thẳng vào Gordon, “nói” bằng mắt: “Còn! Còn rất nhiều…!“ Tình  yêu không thốt ra lời, nhưng để ánh mắt chuyên chở vào tim nhau. Giây phút đó cả hai chúng tôi đang cùng với nhau, nhìn thẳng vào mắt nhau, và chấp nhận tình yêu, không chối bỏ, không trốn tránh, không thắc mắc, không lo toan tương lai.

Không có tương lai, không thể, không dám nghĩ đến tương lai. 

Tháng 4, 1975

Miền Nam biến động. Các tỉnh miền Trung mất dần, quân đội di tản về Sài gòn. USAID và các công ty Mỹ vội vã thu xếp đưa nhân viên rời khỏi Sài gòn.  Gia đình Gordon đã có tên lên máy bay ngày 5 tháng tư.

Trước khi ra đi, Gordon bảo tôi ngồi yên lắng nghe ông phân tích tình hình, bảo tôi không được “cụp tai lại”, như tôi vẫn thường làm mỗi khi phải nghe những lời nghịch nhĩ từ ông.

 

Bằng một giọng ôn tồn nhưng nghiêm nghị chưa từng thấy, Gordon cho biết thời thế sẽ thay đổi, chính quyền VN sẽ thay đổi, nhưng ông tin những người trẻ và có học như tôi sẽ được chính quyền mới trọng dụng để kiến tạo đất nước sau chiến tranh. Tôi và bè bạn sẽ trở nên rất hữu dụng, rất cần thiết cho đất nước, và tất cả sẽ có một tương lai xáng lạn.

Rồi ông bắt tôi hứa phải hoà nhập mà sống, không được đứng bên lề để lịch sử trôi qua bỏ mình lại sau.

Tôi tự hỏi, ông đang nói những gì thế nhỉ? Chính quyền sẽ thay đổi? Có nghĩa là VNCH sẽ sụp đổ? Việt Cộng sẽ thắng? Làm gì có chuyện đó!

Thế rồi…

Sáng ngày 30 tháng Tư, tôi nằm trong nhà khóc ngất. Thế giới VNCH trong đó tôi lớn lên đã bỗng chốc không còn nữa, không còn gì nữa thật rồi. Và rồi tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại người ta. Thà rằng tử biệt còn hơn sinh ly. Thà rằng biết người ta không còn trên thế gian này nữa, mình sẽ cố gắng quên đi. Nhưng biết người ấy vẫn còn ở một góc trời nào đó mà mình suốt đời sẽ không có dịp tái ngộ thì thật đau đớn vô cùng.

Lao đao, hụt hẫng, không còn hơi sức, nhưng nhớ lời dặn dò, tôi cố bước ra đường, hoà nhập vào đám đông reo hò đón chào đoàn quân giải phóng…

Ngày tháng trôi qua…

Tôi trở lại trường, học tập chính trị. Thầy cô Sài gòn người đã di tản, người ở lại đi học chính trị giống như học trò của mình. Thỉnh thoảng một bạn trong lớp biến đi. Mỗi lần vắng bóng một bạn là cả lớp lại ngẩn ngơ trong cảnh tan đàn xẻ nghé, đầu óc lan man một thời gian mới hoàn hồn lại được, để rồi lại chứng kiến một bạn khác biến đi. Khi một vị thầy hay cô biến đi thì lớp lại càng tan tác như đàn gà con mất mẹ.

…1978

Tôi ra trường đỗ đầu lớp, được lãnh bằng đỏ, nên cùng với một số sinh viên tốt nghiệp với số điểm cao khác được giữ lại trường học thêm một năm nữa rồi ra dạy lại năm thứ nhất các trường đại học.

Lúc chia tay năm xưa, tôi ngỡ sẽ xa cách đến trọn đời, nhưng vừa khoảng tháng năm 1975, Gordon đã dùng được dịch vụ một ngân hàng Nga tại Singapore chuyển về một số tiền. Tôi cảm động đến nghẹn lời.

Số tiền ấy đã giúp đỡ rất nhiều, nhưng quan trọng hơn nữa là tấm lòng quan tâm chăm sóc, dù không có được một lời tâm tình trao đổi với nhau, nhưng đã giúp tôi vững tin và có thêm nghị lực sống. Không nhớ đến bao giờ liên lạc thư từ mới nối kết lại, nhưng những việc làm của tôi, những thất bại hay thành công của tôi đã được chia xẻ với bên kia bờ đại dương.

Từ ấy thỉnh thoảng lại có một món tiền gửi về, cho đến khi tôi ra trường đi dạy năm 1978 thì tôi tự ái dân tộc bảo đừng gửi nữa. Dạo ấy đời sống khốn khó vô cùng, đồng lương chết đói không đủ đâu vào đâu. Quà phương xa được xem như cứu tinh cho kinh tế gia đình, nhưng đã đi làm có lương mà cứ ngửa tay nhận giúp đỡ mãi như thế thì đến bao giờ mới thôi đây?

…1982

Đến năm 1982 thì tôi quyết định ra đi. Phong trào đi bán chính thức thịnh hành những năm 1977-78. Phong trào vượt biên dấy lên mạnh những năm 79-81. Đến 82-83 là đã gần hết ”mùa”.

Tại sao tôi lại muốn ra đi vào thời điểm đó? So với nhiều người khác tôi đã có số phần tốt hơn nhiều, có thể nói là thành phần ưu đãi của chế độ. Tôi cũng đã ra sức hội nhập vào cuộc sống mới theo lời dặn dò ngày chia tay. Đời sống đói kém vất vả, nhưng tôi biết nếu có niềm tin vào tương lai thì cho dù đói kém người ta cũng vẫn chịu được.

Qua 7 năm thì thực tế hiện ra khá rõ ràng. Tôi không còn tin tưởng vào chế độ nữa. Một điều đập vào mắt, vào tai tôi hằng ngày là hình như mọi người ai cũng có hai bộ mặt, hai giọng nói: vào cơ quan thì phát biểu đúng bài bản, tự đáy lòng thì nghĩ khác. Sao mà hay thế, không ai bảo ai, cứ giữa những buổi họp chính thức, toàn là những phát biểu báo cáo đẹp đẽ tâng hứng lẫn nhau, mặc dù chẳng ai tin vào chúng cả.

Tôi viết thư cho Gordon bảo nếu có lòng giúp đỡ thì xin gửi về cho 3 cây vàng. Tôi muốn “dọn nhà mới”, thành công tôi hứa sẽ hoàn lại tất cả không thiếu một xu, còn nếu lỡ thất bại, xin báo trước là suốt đời sẽ không bao giờ trả được.

Tháng 8 năm 1982 tôi “bước chân xuống thuyền” mặc cho số phận đẩy đưa. Cuộc vượt biên gian nan tưởng chừng đã bỏ thây giữa biển. Tàu xuất phát từ Bến Tre nhưng bị chết máy lênh đênh trên sóng, đi dọc theo hải phận Việt nam suốt 18 ngày đêm, nương gió nồm trôi ra tận… Hồng Kông!

Gordon trở lại nghề hàng hải sau khi rời Việt nam. Thời gian thuyền tôi lênh đênh trên sóng nước, ông ở trên tàu ông đang chỉ huy theo dõi khí tượng vùng duyên hải Việt Nam, thấy có cơn bão “Gordon” đang hoành hành. Ông thức trắng đêm, theo sát từng chuyển biến và cầu nguyện cho tôi.

…1983

Tôi sang định cư ở Mỹ nhưng lúc ấy Gordon đang dong duỗi trên biển cả. Nửa năm sau ông về phép thì tôi từ chối gặp lại. Cuộc đời lầm than tủi cực ban đầu của kẻ tỵ nạn khiến tôi mở mắt ra. Người ta vướng bận gia đình, mình là kẻ ngoài lề. Sống giữa khó khăn muôn bề, không thức tỉnh mà lo cho thân mình, còn mơ tưởng gì, vương vấn gì đến mối tình lãng mạn ngang trái thuở xưa? Where were you when I needed you?

1987

Cho đến một ngày…

 

Gordon mang tàu sang đại tu trong thời gian 2 tháng tại Oakland, California. Ông liên lạc với tôi, và lần này tôi bằng lòng gặp mặt. Người ta là khách đến “lãnh địa” của mình, mình không thể lạnh lùng làm ngơ. Tôi tự dặn lòng mối tình xưa đã qua rồi, lần này gặp mặt như bạn. Thế mà khi gặp lại tôi mới nhận thấy rằng từ ngày xa nhau tôi chưa gặp được người nào tâm đầu ý hợp như thế, nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời sao mà vui, sao mà ấm áp đến như vậy.  Thật khác hẳn với James, anh bạn trai người Hoa hiền lành đã hẹn hò với tôi trong mấy năm qua. Anh ngỏ lời cầu hôn nhưng tôi trì hoãn, mượn cớ còn phải viết thư về VN xin phép gia đình. Mỗi lần gặp Gordon tôi lại tự dặn lòng: ngày tàu nhỗ neo ra đi cũng là lúc để vĩnh viễn khép lại câu chuyện, mỗi người tìm lấy closure cho mình. Có thể tôi sẽ thành hôn với James.

Thế rồi, một hôm sáng chủ nhật, tôi đang ở chơi nhà dì tôi vào ngày cuối tuần thì được dì đánh thức dậy, đưa điện thoại bảo có người gọi. Gordon gọi từ miền Đông nên sớm hơn tôi 3 tiếng ở Cali. Nơi ông ở “mặt trời đã lên khỏi ngọn cau”, còn tôi còn đang ngủ khò bị đánh thức dậy. Ông gọi về nhà tôi và xin chị roommate cho số điện thoại hiện tôi đang ở đâu để gọi có chuyện khẩn. Mắt nhắm mắt mở vì vừa mới bị đánh thức dậy, tôi nhận được một tin ngắn gọn và lạ lùng: “Xin tạm đừng suy tính chuyện tương lai gì cho mình vào lúc này. Đợi lúc gặp mặt sẽ nói rõ.”

Tuần sau Gordon bay sang California gặp tôi và cho biết ông đang xin ly dị và muốn được xây dựng tương lai với tôi. Ông không muốn sống thiếu tôi nữa. Tôi bủn rủn tê liệt cả người! Phản ứng bất thần của tôi khiến cho Gordon, và cả chính tôi, bàng hoàng không ngờ: tôi bật khóc ròng, khóc to, khóc nức nở không dừng lại được. Sau này Gordon kể lại lúc ấy ông hoảng sợ thấy tôi như sắp ngất đi, suýt nữa đã gọi xe cứu thương cho tôi. Bao nhiêu năm nay ba mẹ thày cô tôi đã dạy không bao giờ được làm hại đến người khác, mà nay tôi đã phá hoại hạnh phúc gia đình Gordon. Tại sao tôi còn giữ liên lạc? Tại sao tôi tìm cách sang Mỹ? Tôi cứ nghĩ tình yêu này không chối bỏ được nhưng “vô hại” và sẽ không bao giờ tiến quá xa. Bây giờ đến nước này thì tính sao đây?

Tôi cứ khóc không chịu nhận lời. Nhìn Gordon lủi thủi bay về tàu đang đóng tại miền Đông mà lòng tôi đau xót, cho ông và cho tôi. Rồi một hôm ông bất ngờ bay sang tìm tôi lần nữa để thuyết phục. Ông phải gặp đề đốc thống lãnh miền Đông xin phép đặc biệt, vì thuyền trưởng đã nhận tàu thì phải gắn bó ngày đêm với tàu suốt nhiệm kỳ, cho đến khi có thuyền trưởng khác đến thế, thường là suốt một năm ròng, không thể bất chợt bỏ tàu đi vắng vài ngày như thế được. Lần này thì tôi đầu hàng. Tôi run rẩy nhận lời. Tôi sẽ cố can đảm sống với tình yêu của tôi dành cho ông và của ông dành cho tôi. Tôi không đành lòng để ông có những hành động làm hại đến sự nghiệp như thế được.

…1990

Chúng tôi thành hôn. Tôi một mình bay sang Hawaii cùng với chiếc áo cưới. Tàu Gordon cặp bến theo lịch trình công tác. Đám cưới giản dị có 20 nhân viên trong thủy thủ đoàn. Gordon rạng rỡ tuyên bố với quan khách: “Tôi đã chạy đuổi theo cô ấy 17 năm trời nay mới bắt được.” Gặp nhau năm 1973 khi vừa xong trung học. Trải qua bao cuộc bể dâu, đến 1990 mới hưởng hạnh phúc muộn màng. Chúng tôi có với nhau một bé gái năm 1994.

…2008

Sức khoẻ Gordon những năm sau suy yếu dần. Tôi một mình vừa làm vợ, làm mẹ, làm y tá, phục dịch, vừa lo kinh tế gia đình. Những đức tính ngày xưa Gordon khám phá và vun đắp cho tôi, mà tôi tưởng mình không hề có, như tự tin, can đảm, nghị lực, chịu khó, ngày nay đã giúp tôi gồng gánh trách nhiệm của mình.

 

Năm 2008, sau một cơn đột quỵ tại nhà, Gordon được đưa vào bệnh viện. Các y tá trong phòng săn sóc đặc biệt ghi vào bảng bullentin treo trên tường ba câu hỏi để biết thêm về gia cảnh bệnh nhân.

  1. How would you like to be called? – Gordon

  2. Where is your home? – Fremont. (Lúc ấy chúng tôi đã dọn sang tiểu bang Maryland vì công việc làm của tôi, nhưng Gordon không còn tỉnh táo nên vẫn nghĩ là mình còn ở Fremont, California).

  3. What is the most important thing in your life? – My wife!

Với tình yêu sâu đậm dành cho tôi đó, Gordon nhẹ nhàng từ giã cõi đời. Lần tử biệt này là vĩnh viễn, khác với cuộc sinh ly năm 1975, nhưng tôi thấy êm ả và mãn nguyện. Chúng tôi có được 18 năm hạnh phúc bên nhau, sau khi ông bỏ 17 năm kỳ công chạy đuổi theo tôi.

Tôi cảm ơn Trời Phật cho tôi được yêu và được Gordon yêu, có được một mối tình kỳ diệu trong đời.

Thúy Messegee

December 22, 2020