Đọc Cát Bụi Lăn Trầm
của Huỳnh Công Ánh Lãm Thúy
Tám năm trước, nhân dịp về Texas họp Đại Hội Văn Bút, trong một dạ tiệc, Lãm Thúy được biết Huỳnh Công Ánh. Anh vừa là nhạc sĩ mà cũng vừa là ca sĩ. Anh đã để lại trong đầu Lãm Thúy một dấu ấn quan trọng. Đó là sự ngưỡng mộ một tài năng.
Vài năm gần đây, gặp lại anh, nghe nói anh làm thơ và có ra mắt thơ ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, vào dịp đó Lãm Thúy không có mặt để tham dự.
Nhớ những năm đầu mới sang định cư ở Hoa Kỳ, một người bạn gửi tặng quyển nguyệt san Làng Văn, thấy Nguyên Hương lúc ấy là chủ nhiệm, trong mục trả lời thư tín của một đọc giả muốn “thử làm thơ” để đăng trong Làng Văn, có nói rằng “chen vào Làng Văn không phải là chuyện dễ làm”. Lãm Thúy gửi đi 5 bài thơ, viết thư kèm theo nói “Lãm Thúy cũng biết chen vào Làng Văn không phải là chuyện dễ làm, nhưng Lãm Thúy sẽ cố gắng. Nếu lần này không được thì sẽ tiếp tục gửi đến chừng nào Làng Văn chịu đăng thì thôi.” Nguyên Hương trả lời đăng 3 bài và sau đó dịp Xuân, chọn thêm bài thứ tư.
Phải thú thực là Lãm Thúy nôn nao, mong đợi từng ngày, từng giờ để mau đến ngày được thấy thơ mình góp phần vào trang báo nổi tiếng ấy.
Đợi hằng tháng trời, mở báo ra chẳng thấy tin gì. Thất vọng não nề, vậy mà ông xã còn chọc quê: “Thi sĩ ngày nay mọc lên như nấm!” Nghe Huỳnh Công Ánh làm thơ, ra mắt thơ, câu nói dễ ghét đó lại hiện về.
Cho đến khi đọc những bài thơ của Huỳnh Công Ánh, Lãm Thúy thật sự ngạc nhiên và xúc động. Thơ anh bình dị mà sâu sắc, thể hiện rõ cá tính mạnh mẽ của một chiến sĩ quốc gia, một tấm lòng yêu nước thiết tha, một nỗi quan hoài canh cánh bên lòng vì tổ quốc, vì dân tộc và song song đó, lại là một tâm hồn đa cảm, nhạy bén.
Thú thực, Lãm Thúy có tính ngưỡng mộ người tài hoa, thấy ai hay, ai giỏi thì phục lắm. Nhưng Lãm Thúy chỉ thực sự kính trọng nhưng ai có lòng yêu nước , thương nòi. Đọc thơ Huỳnh Công Ánh, Lãm Thúy vô cùng cảm phục và kính ngưỡng. Tràn ngập trong những trang thơ là nỗi hoài vọng luôn canh cánh bên lòng:
Ta cùng ta
Khao khát một lối về
Mồ mã ông bà
Mút tận bên kia
Nhang khói lạnh
Tay lưu vong vói. Khuất
Tháng 4 trong lòng mỗi người dân miền Nam yêu nước là một vết thương mãi mãi không lành. Trong bài thơ “Tháng Tư Nhớ Bạn”, Huỳnh Công Ánh bộc lộ một nỗi đau thương, cay đắng khôn cùng:
Mài gươm mãi đến bao giờ nhỉ
Bao giờ chém chết nỗi đau xưa
Nỗi đau còn đó, Ngày Quốc Hận
30 tháng 4 sông núi ngẩn ngơ
Sống ở xứ người, có tự do, có cơm no, áo ấm, nhà cao cửa rộng, nhưng thi nhân không cho đó là lạc thú mà bày tỏ nỗi lòng một cách xót xa:
Ta lây lất sống đời vong quốc
Bạn ngậm ngùi yên đáy mộ sâu
Cờ Vàng vẫn bay, bay cùng khắp
Dân tộc mình rồi sẽ về đâu?
Lo lắng cho dân tộc, Huỳnh Công Ánh lại hận cho những kẻ trở cờ, đón gió:
Tháng Tư thương tích đầm đìa đó
Ai vội quên tiếp rượu mời thù
Nợ nước, thù nhà chưa đền trả
Nỗi nhục này nhức nhối cả thiên thu
Mỗi tháng tư, mỗi lần 30 trong đời lưu vong, tác giả nhớ về cơn quốc biến đau thương, tan nhà, nát cửa, phải sống đời lơ láo tha hương:
Ước vọng chin trên cành chờ lúc rụng
Khản cổ kêu Quốc Quốc quá ngậm ngùi
Hay là hình ảnh thảm thương của những người thua trận lỡ làng:
Lơ láo nhìn nhau, cười như mếu
Sông núi, chinh nhân như tiếng thở dài
Lời thề với núi sông, lời thề với những chiến hữu đã bỏ mình để bảo vệ cơ đồ vẫn vang vọng trong tâm Huỳnh Công Ánh, một lời thề son sắt chẳng bao giờ phai nhạt:
Cúng bạn không xôi, không hoa quả
Bằng hứa, nguyền về dựng ngọn cờ
Ví phải kiếp này không thành được
Xin máu xương nằm đó với cõi bờ
Thơ Huỳnh Công Ánh, chính vậy, phát xuất từ tâm thành, không gọt dũa, mỹ miều nhưng thâm trầm, sâu sắc, đi vào lòng bằng cửa ngõ của những tấm lòng yêu nước thiết tha.
Yêu nước, thương nòi cũng là yêu lý tưởng tự do. Chính vì thế, tác giả đã ca ngợi những người vượt biên không kể tử sinh, trong đó có chính tác giả:
Vì tự do lìa quê cha, đất tổ
Vì tự do, khổ nhục đến tận cùng
Vì tự do, không cúi đầu trước bạo lực
Vì tự do, xác vùi dập biển Đông
(Vượt Biên)
Nhóm từ “vì tự do” lập lại nhiều lần như một khẳng định chắc chắn của một quyết tâm, mặc kệ cái giá quá đắt phải trả: sinh mệnh, khổ nhục, xa cách quê hương.
Biển vẫn hững hờ gầm thét
Người tìm tự do bỏ xác oan khiên
Ôi tổ quốc! Ôi hồn thiêng những người bất hạnh
Ôi Tự Do! Ôi khát vọng con người
Ôi! Nòi giống từng ngàn năm kiêu hãnh
Sao bây giờ đành bỏ nước ra khơi
Hàng loạt những tán thán tự được lập lại thật bi hùng: “Ôi Tổ Quốc!”, “Ôi Tự Do!”, “Ôi nòi giống!” để rồi cuối cùng thảng thốt kêu lên những tiếng xé lòng:
“Tự Do ơi! Mẹ Việt Nam ơi!”
Cũng một bài “ Vượt Biên” nhưng khác hơn, khủng khiếp hơn “Vượt Biên 81!” được tác giả miêu tả một cách cụ thể đến đau lòng:
Khi đã biết cùm gông và bạo lực
Thì Tự Do có thể đánh đổi máu xương
Người con gái vượt biên
Bị dày vò trong tay hải tặc
Hàng vạn dân lành chìm trên biển. Chết
Biển vẫn hững hờ gào thét
Người lũ lượt bỏ quê hương, bỏ xác trên biển Đông
Những thảm cảnh ấy được vẽ ra đầy thương tâm. Cái giá của tự do quá đắt, nhưng con người chấp nhận nó, cam lòng tự nguyện, kể cả tự nguyện ô nhục, tự nguyện kết thúc cuộc sống của mình vì hai chữ “tự do”.
Thoát khỏi ngục tù cộng sản bằng cuộc vượt thoát phi thường. Sinh tồn sau cuộc vượt biển kinh hoàng, Huỳnh Công Ánh được định cư ở Hoa Kỳ. Đáng lẽ có cuộc sống yên ổn, hài lòng. Nhưng không, lòng anh vẫn hướng về quê nhà, từng mùa nhớ thương.
Mùa Xuân là mùa tươi thắm, mùa vui vầy. Nhưng trong Xuân Không ta tìm thấy tâm trạng xót xa, đau buồn của tác giả:
Không ai trói chân nơi đất khách
Không ai bầm dập, thế mà đau
Nỗi nhớ quặn thắt:
Nhớ tổ tiên cúi đầu tạ tội
Nhớ mẹ già thắt ruột, nhói tim
Nhớ bà mẹ thân yêu đang trông chờ mỏi mắt:
Hiu hắt cả đời thân mẹ khổ
Tấm mẵn nuôi con, gồng gánh tảo tần
Lẽ ra hôm sớm về bên mẹ
Về thăm thôi, sao mãi lựa lần
Mẹ ơi! Tết về, năm đã hết
Lầm than dân nước vẫn ê chề
Buồn đếm từng mùa Xuân đất khách
Đếm từng tủi nhục kẻ xa quê
Với Huỳnh Công Ánh, mùa Xuân ở đây không phải là mùa Xuân thật, bởi lòng người không vui, chỉ có Xuân thanh bình, Xuân quê hương mới là mùa Xuân thật sự:
:Người chờ mùa Xuân thật
Ngại ngùng chẳng về đây
Hay
Lòng chao theo cánh gió
Bủn rủn lạc về đâu
Mấp máy môi thèm ngỏ
Mình nói mình nghe thôi
(Xuân 13)
Làm thơ Xuân đã chán, Huỳnh Công Ánh làm thơ Tết,
Tối 31 Tết đọc trong tâm
Đếm cả năm qua mấy lỗi lầm
Yêu người, yêu đời, yêu tổ quốc
Xót giống nòi dưới nanh vuốt ngoại xâm
(Tết Tây 13)
Hết Tết Tây rồi đến Tết Ta, tâm trạng cũng chẳng khá hơn. Cũng nỗi cô đơn, niềm hoài vọng làm bạn tháng ngày:
30 Tết một mình
Sáng Mồng Một quạnh hiu
Luộc vài ba quả trứng
Như mọi ngày oatmeal
Quán Việt Nam đóng cửa
Không bánh Tét, bánh Chưng
Đành no cùng nỗi nhớ
Qua vội một mùa Xuân
(Tết 13)
Thơ Huỳnh Công Ánh vậy đó, đơn giản, bình dị mà xuyên thấu hồn người. Xuân tha hương hẵn là buồn, gần như đó là tâm trạng chung của người Việt xa xứ, nhưng mùa Hạ ấm nồng thì sao?
Nay cũng hạ về thân lữ khách
Nhớ mẹ, nhớ trường, nhớ người xưa
Nhớ lính nguy nan mà hiển hách
Còn hơn lầm lũi chiếc thân thừa
(Hạ Về)
Mùa Hạ mà còn buồn, còn nhớ đến vậy thì mùa Thu chắc chắn phải buồn hơn bởi cảnh Thu tàn tạ, dễ gợi niềm ly biệt, nỗi nhớ nhung. Quả thực, mùa Thu trong thơ Huỳnh Công Ánh vừa lãng mạn, vừa mơ mộng mà cũng vừa bình thường:
Mùa Thu về, lá vàng rơi
Mùa Thu ta rụng bên trời lưu vong
Thương chiếc lá, thấu nỗi lòng
Lá, người xa cội đều mong quay về
(Thu)
Câu thơ rớt xuống hồn người đọc như một nốt đàn trầm. Thật ngậm ngùi!
Nói thơ Huỳnh Công Ánh lãng mạn, thì đây:
Lá với lá, reo bên trời
Ta cùng em vẫn muôn đời bên nhau
Mùa Thu về, lá lao đao
Thu về ta cũng xôn xao nhớ nàng
Cũng từ tâm thái lãng mạn ấy, với những dòng lục bát mượt mà, đầy cảm xúc, Huỳnh Công Ánh đã bày tỏ một tâm hồn lạc quan, yêu đời dù đời dập vùi, cay đắng đến đâu. Hãy đọc bài thơ “Thả”:
Thả vào tâm một niềm vui
Tim dồn dập máu, nụ cười òa ra
Thả vô tay một cành hoa
Hương đơm, nhị tỏa, tình xa hóa gần
Thả yêu thương đến vô ngần
Chờ mùa lên trái, ân cần xum xuê
Thả nhân ái, thả tương thân
Nhập về đếm được bao lần ngẩn ngơ
Và cuối bài thơ là một ý tưởng ngộ nghĩnh mà độc đáo lạ lùng:
Thôi đành viết gửi bài thơ
Không ai thèm đọc, dùng tờ giấy thôi
Gói bất đồng đem chợ trời
Mở ra bán lấy đồng lời đau đau
Như chúng ta đã thấy, Huỳnh Công Ánh có một tấm lòng yêu nước thiết tha, luôn hướng vọng về quê nhà mà trăn trở, quan hoài. Cũng chính trong trái tim nồng nàn ấy, những yêu thương dành cho gia đình, cho thân nhân ruột thịt, cho bạn bè cũng không kém phần nồng ấm. Những dòng thơ bình dị, chân thành mà sâu sắc; giản dị mà đầy xúc cảm, dễ đi vào lòng người:
Những đoạn thơ cho Cô Tư, Cô Tám, Huỳnh Thị Tánh, Huỳnh Công Tường lời lẽ đơn sơ, mộc mạc chủ ý thể hiện tình cảm nhiều hơn là nặng về nghệ thuật.
Thơ cho Hoàng Mai thì lời lẽ thật bao dung. Lãm Thúy nghĩ đó là người vợ đã không còn chung sống của tác giả:
Đục trong cũng đã ngót đời
Sướng vui, vinh nhục, đầy vơi ta cùng
Tơ duyên phím lỡ, dây chùng
Nỗi đau đã thấu mấy tầng cao xanh
Bài thơ chứa đựng nỗi đớn đau, chia cắt, cũng phơi bày thảm cảnh của những cuộc hôn nhân tan vỡ:
Không riêng chỉ mỗi có cành
Mà thân, rễ, lá cũng đành khô lây
Bao giờ giận người mới khuây
Cho ta thở một hơi đầy nhẹ tênh
Đến bao giờ người mới quên
Bao giờ sai, đúng đôi bên giữ thầm
Cuối cùng là một thái độ nhún nhường độ lượng
Mà thôi, cả ấy lỗi lầm
Để ta nhận đủ cho tâm người hiền
Cho các con thôi lây phiền
Và rõ ràng là tìm cách xoa dịu những đớn đau mà cuộc chia ly đã mang đến:
Có ai thoát bể khổ đời
Xin người thôi xả đầy vơi giận hờn
Riêng đối với con gái Huỳnh Cẩm Đoan, mấy câu thơ ngắn ngủi mà đớn đau vô cùng, thể hiện sắc nét cảnh tù tội, nhà tan, cửa nát:
Con đã đi vào cõi thiên thu
Thuở mới lên năm, ba đi tù
Mẹ ở Saigon lo hai em nhỏ
Con mất một mình, chẳng thấy mẹ cha đâu
Với Huỳnh Tú Đoan thì nhắc nhở nhẹ nhàng:
Xinh bên ngoài cần đẹp bên trong
Chữ nghĩa nào hơn được tấm lòng
Vinh quang nhất là thương nòi, nhớ nước
Dẫu muôn đời con vẫn là Việt Nam
Với Huỳnh Hà Đoan thì tác giả nhắc lại thời chinh chiến khó khăn, xa cách:
Con chào đời tháng mươi hai
Ba áo hành quân sờn vai, bạc màu
Bước đời ta cuộc bể dâu
Về thăm giày trận bết màu chiến chinh
Riêng với Huỳnh Anh Sơn, tình cảm càng thắm đượm hơn, vì con, dám đổi cả cuộc đời:
Tháng Ba đảo điên còn nằm trong bụng
Trên tàu Trường Xuân quay lại vì con
Tháng Năm chào đời ba đi trình diện
Cay đắng trong tù từ Bắc chí Nam
Tình người cha đậm đà, tha thiết dường ấy mà có lẽ những đứa con chưa thấu hiểu cho cùng. Nhưng Huỳnh Công Ánh không trách hờn, chỉ cảm thấy hạnh phúc đến nỗi rơi lệ khi con mình gọi về để chúc mừng trong ngày Lễ Cha. Bài thơ “Những Ngày Lễ Nhớ Con”
Ngày Lễ Cha con gọi thăm, chúc
Quá vui! Nước mắt tuôn dòng
Suốt cả năm con gọi thật ấm lòng
Nắng mùa hè mà lòng già thấm lạnh
Lạnh phút sum vầy, mơ bữa ăn chung
Lãm Thúy không biết khi các con anh đọc những dòng thơ này có thấy lòng xúc động hay không. Chứ bản thân Lãm Thúy cũng nghẹn ngào, thương cho những bậc cha mẹ ở xứ này, con đi xa lập nghiệp. bận bịu và cũng vô tình, bỏ mặc song thân nhớ thương, chờ đợi. Cả năm mới gọi về nói vài câu chúc tụng rồi thôi. Tội nghiệp cho ước mơ nhỏ nhoi chỉ cần ăn một bữa cơm chung, quây quần bên con cháu!
Khắc đậm hơn hết trong tâm hồn tác giả là tình cha, tình mẹ
Tình cha như núi
Tình cha như sông
Cha là ngọn đuốc
Là ngọn hải đăng …..
(Tình Cha)
Và mẹ, nỗi đau thương tử biệt nghẹn ngào:
Mẹ hiền yêu dấu ơi
Giòng đời trôi vẫn trôi
Âm dương xa cách rồi
Nhớ mẹ quá đi thôi
Nhớ mà không thể về. Hãy nghe thi nhân bày tỏ lý do:
Con lưu vong từ đó
Ngày đêm muốn quay về
Không vì đường xa cách trở
Không vì bận việc áo cơm
Không vì nhạt nhòa thương nhớ
Không thể về vì giặc tràn khắp quê hương
Ôi! Cái lý do phi lý nhất đã làm cho bao nhiêu đứa con tha phương đành nuốt lệ nghẹn ngào hướng vọng hương linh khi nghe mẹ đã buông xuôi, rời bỏ sự sống sau bao tháng năm dài chờ đợi đứa con xa xứ quay về thăm. Huỳnh Công Ánh đã nói thay cho bao người hận tủi:
Con đi ngày ấy tóc còn xanh
Lặng lẽ trông theo mắt mẹ đoanh tròng
Đất khách, đầu con giờ đã bạc
Ngày về xa, xa thăm thẳm ước mong
Ngày đi tóc xanh, giờ đầu bạc nơi đất khách ngậm ngùi:
Ngày mẹ xuôi tay con không về lần cuối
Xa nhà, xa mẹ làm sao vui?
Một khía cạnh khác trong thơ Huỳnh Công Ánh là nỗi ngao ngán tình đời:
Tôi có lần phóc lên ngựa cầm gươm
Vì thế lệnh tôi oai ghê lắm
Em thời ấy ngọc ngà, lụa gấm
Rồi một ngày thất trận điêu linh
Ta có lần lỡ vận, thất cơ
Không tránh khỏi bần hàn, cùng khốn
Em vì thế tưởng rằng ta khờ lắm
Buông rẻ lời rung rẩy – buồn làm ngơ
Ta có lần mặc áo vá, chân không
Đi đứng ngại ngần, nói lời mộc mạc
Em như thế hững hờ nhìn hướng khác
Ta đành ngơ. Là thế chuyện nhân gian
Không những chấp nhận tình đời bạc bẽo một cách ung dung, Huỳnh Công Ánh nhiều khi còn tự xét lấy mình, tìm những nguyên nhân sâu xa khiến người đời bất bình. Bài thơ “Tự Hối” là một cách sống cao cả, phi thường, ít người có được. Thường thì người chỉ thích trách người chứ ít ai chịu trách bản thân:
Không lẽ bỗng dưng vô cớ
Ai đó gây sự với mình
Đôi khi nói, làm không nhớ
Mới xảy ra chuyện bất bình
Quan niệm sống của thi nhân thấu triệt triết lý Phật giáo sâu sắc:
Trần gian vô thường thôi đấy
Mình chỉ là khách lữ hành
Ít, nhiều, có, không cũng vậy
Ngày kia như sương tan nhanh
Cái chân lý “Sắc tức thị không – không tức thị sắc” và cuộc đời như sương, như bọt sóng cần hỷ xả được Huỳnh Công Ánh diễn tả đơn giản:
Đi tìm nguồn hạnh phúc thật
Là xả phiền muộn cõi đời
Không quan tâm chuyện còn, mất
Niết bàn trong tâm mình thôi
Và:
Thân tâm ơi, thôi rong ruổi
Tháng ngày tự tại, an nhiên
Miệng ta ơi! Thôi ít nói
Tịnh độ may bớt ưu phiền
Nói thì nói vậy chứ làm sao bỏ qua được những cảnh trái tai, gai mắt, rồi cũng đành phải lên tiếng:
Huynh đệ chi binh, ai cũng nhớ
Lương khô, gạo sấy, nước bi-đông
Sáng duyên hải, chiều Trường Sơn rong ruổi
Ta không hề lỗi hẹn với non sông
Mà nay viễn xứ sao buồn lạ
Đôi lúc lòng ta cũng ngẩn ngơ
Người cùng chiến tuyến hăng đấu đá
Sao chẳng cùng nhau dưới bóng cờ
(Chuyện Núi Sông)
Trải hồn mình qua từng âm điệu, từng hình ảnh, từng ý tình trong tập thơ Cát Bụi Lăn Trầm của Huỳnh Công Ánh, ta phải ghi nhận 3 điều:
Thứ nhất, tác giả có lòng yêu nước sâu xa, tha thiết, lúc nào cũng hướng vọng quê nhà bằng tất cả nỗi xót xa trong lòng người viễn xứ
Thứ Hai, tác giả có một tâm hồn bao dung, rộng lượng, một tình cảm đậm đà, sắt son dành cho cha mẹ, vợ con, người thân, người yêu, cô dì, chú bác, bạn bè, chiến hữu
Cuối cùng, ta cũng tìm thấy một tâm hồn lạc quan, yêu đời, luôn tự tin dù cuộc sống có chà đạp, vùi dập bao lần, dù người thân, người yêu có quay lưng phản bội:
Hồn chín tới giữa điệp trùng luân lạc
Thân còn xanh, háo hức đợi đâm chồi
Dẫu lá úa lựa lần vàng ngơ ngác
Nhựa nguyên đầy chuyển động nhánh thân phơi
Chính bởi bầu nhiệt huyết còn sôi sục, sức sống, sức đấu tranh còn đầy ắp trong hồn, trong thân nên:
Mỗi lần nghiêm ngắm Cờ Vàng bay
Như thấy hồn thiêng của giống nòi
Đỏ máu anh hùng ba dòng chảy
Từ thuở Hùng Vương đến đời đời
Tất cả những tâm tình nồng nàn ấy, lòng yêu nước tha thiết ấy, hồn thơ lãng mạn ấy đã được chuyên chở bằng thứ ngôn ngữ bình dị, chân thành nên dễ chạm đến tim người đọc thơ.
Cảm ơn thi nhân nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh đã góp cho đời một áng văn chương yêu nước, một niềm hoài vọng khôn nguôi và một lòng tin không suy biến vào vận mệnh huy hoàng của dân tộc Việt Nam mai sau.