…đến khi cha mất chân con lấm bùn- Đào Hiếu Thảo

…Đến khi cha mất, chân con lấm bùn

                                                Đào Hiếu Thảo

Kính dâng hương hồn Cha tôi, ông Đào Hữu Đức mãn phần ngày 5 tháng 6 năm 1957, tại Gia Định, hưởng dương 35 tuổi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bốn anh em Thảo, Liêm, Lan, Đễ nơi mộ phần của Cha

Tôi còn nhớ rất rõ hôm ấy, gần một giờ trưa, linh tính gì không biết, tôi nhìn ra cửa lớp học, thấy chú 7 Thông của tôi đứng đó, vẻ mặt ngơ ngác, trông ngóng, bồi hồi.

Thầy Poujade, giáo viên lớp 7 ème, tức năm thứ 5 bậc tiểu học, trường Chasse Loup Laubat, đổi thành Jean Jacques Rousseau và rồi sau này là trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, thuộc phái bộ Văn Hoá Pháp tại Saigon. Ông bước ra nói vài câu với chú tôi,  nhận mảnh giấy nhỏ, nhìn qua nội dung rồi tiến đến chỗ tôi ngồi, Thầy xoa đầu và nói thật nhỏ vào tai tôi : “ton père est décédé, rentres vite” (cha em mất rồi, về nhà nhanh đi).

Tôi ngoan ngoãn làm theo lời ông, khoanh tay, cúi đầu chào Thầy và vội nối gót theo chú Thông, đầu óc suy nghĩ miên man, chết là gì? tại sao Ba lại chết?  Má và 3 em bây giờ đang làm gì?  Những thắc mắc âm thầm trong tim óc của một thằng bé mới trên 9 tuổi!

Lại nghĩ đến Ba Má thường đưa bốn anh em chúng tôi đi chùa lễ Phật, nghe chư vị cao tăng giảng giải về Phật Pháp, các ngài thường dạy là hàng ngày nên niệm Phật để được phò hộ, che chở, cứu giúp cho tai qua, nạn khỏi. Ngồi yên sau xe đạp tôi thầm niệm Phật, với hy vọng là chư Phật, chư Bồ Tát đoái hoài đến tôi,  đứa trẻ có ba em thơ dại hơn mình, hai em trai, một gái tuổi từ 3 đến 6 và một người mẹ, mảnh khảnh, yếu đuối mới 34 tuổi đã từ giã nghề cô giáo khi lập gia đình năm 1946.

Từ trường ở đường Hồng Thập Tự về Phố Phước Đông, chợ Gia Định, đến Lăng Ông Bà Chiểu quen thuộc, nhớ mỗi khi Ba tôi lái xe đưa cả nhà ngang qua đền thờ linh hiển của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, Ba đều nhắc nhở: “cúi đầu chào Ông đi con”. Thói quen ấy, tôi vẫn ghi tâm đến trưởng thành và làm theo mỗi khi có dịp đi ngang qua Lăng Ông,

Đến nhà, tiếng than khóc tiếc thương vang vọng, Ba tôi là trưởng Nam, ra đi trước Cha, trước Mẹ của ông, nên mang tội đại bất hiếu,  khi tẩn liệm, trên đầu Ba tôi được chít khăn tang, theo tục lệ thờ kính mẹ cha.

Quang cảnh trong nhà bao phủ toàn một màu trắng lạnh người, Cha tôi được mặc cho bộ quần áo cũng màu trắng, tôi được giao xoa nắn hai bàn chân lạnh giá của ông, mấy em còn quá thơ dại chưa hiểu biết gì, chỉ khóc theo người lớn. Mẹ tôi bơ phờ, tiều tuỵ, xanh xao, nét mặt khổ đau, khóc hết nước mắt, đoạn đường trước mặt của năm mẹ con sẽ thiếu vắng Cha tôi, cột trụ gia đình, người từng lo toan, quán xuyến, nuôi sống vợ con mình lại còn phụ giúp ông bà Nội, lo lắng cho vài cô chú chưa trưởng thành.

Ngày đưa tiễn Ba tôi đến mộ phần trong nghĩa trang tương tế Sa Đéc, vùng Ngã Ba Ông Tạ, Gia Định, trời nắng gắt, đoàn người theo sau linh cửu đông lắm, nghe nói do sự quen biết lớn, giao thiệp rộng vì ông từng làm công chức Bộ Giao thông, Công chánh, Bộ Tài chánh, rồi động viên vào khoá 2 trường Võ Khoa trừ bị Thủ Đức năm 1952. Ra trường ông được chọn sang phục vụ ngành Quân y, quân đội Quốc Gia Việt Nam, được cử sang Pháp thụ huấn Trường Quân Y ở Lyon, về Việt Nam, ông làm Quản Lý quân y viện Chi Lăng, sau này là cơ sở của nữ trung học Trưng Vương, đối diện với Thảo Cầm Viên (Sở Thú), Saigon. Chi Lăng là tiền thân của  quân y viện Cộng Hoà, được thành lập từ năm 1958.

Tôi thấy mắc cở trong bộ quần áo tang, chân đi dép rơm, đội mũ rơm, được giao bưng bát nhang và đi giật lùi. Hình ảnh mãi khắc ghi đến hôm nay là nét đau thương tột cùng trên gương mặt mẹ tôi, không biết rồi đây sẽ làm gì để nuôi sống mình và bốn con thơ dại, không chút vốn liếng hay tài sản dành dụm cũng chẳng biết làm ăn buôn bán ra sao? Mẹ tôi than vãn, kêu gào  không biết ngày nào mới được gặp lại Ba tôi và cầu xin ông phò hộ cho mấy mẹ con vượt lắm nghịch cảnh, éo le, khốn khó trong đời.

Ba ngày sau, cử hành xong lễ mở cửa mả, tôi trở lại lớp học, với sự chăm lo chu đáo, tận tình của Thầy Poujade, Mẹ tôi có viết một lá thư gởi gấm ông, nên dường như Thầy tỏ ra ôn tồn, nhỏ nhẹ, gần gũi hơn nữa… Cuối năm học đó, tôi được phần thưởng học trò chăm chỉ, xuất sắc. Mẹ tôi vui, khóc và  nói “Ba con phò hộ đó.”

Để lên bậc trung học Pháp sau khi hoàn tất bậc tiểu học 5 năm, học trò phải thi tuyển lên 6 ème, tương đương với đệ thất ở các trường trung học như: Chu Văn An, Pétrus Ký, Võ Trường Toản, Cao Thắng,Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trường Tộ, Quốc Gia Nghĩa Tử…

Ngày đó, kết quả kỳ thi vào trung học được ghi bằng phấn trắng trên bảng đen, dựng ở bên trong cổng trường, cha mẹ và thí sinh đứng ngoài rào sắt nhìn vào dò kết quả. Những trò trúng tuyển được ghi bằng số báo danh, chứ không viết đầy đủ họ và tên. Hôm nay, ngồi đây trên đất Mỹ, đã hơn 60 năm qua mà lúc nhớ lại, lòng còn thấy hồi hộp, đánh lôtô, ngày đó lỡ mà mình “trợt vỏ chuối nơi sân trường” thì sao? Cuộc đời đã như thế nào?  Khi mà ăn chưa no, lo chưa tới! tự kiếm ăn chưa chắc đã xong, nói gì đến  phụ mẹ để còn lo lắng cho ba đứa em thơ.

Dò từng số từ trên xuống cuối bảng, trong tổng số 123 học sinh được chấm đậu niên khoá đó tôi đứng thứ 121. Lại thêm một lần nữa, Mẹ tôi quá mừng và nhắc  “Ba con phò hộ đó.” 

Vào được lycée francais à Saigon, không phải là chuyện đơn giản,  em trai tôi Đào Hiếu Liêm (sinh năm 1951) và tôi được học bổng theo học cho đến hết trung học đệ nhị cấp, còn Đào Thị Phương Lan (1952), em gái và Đào Hiếu Đễ (1954), em trai út của tôi, sau khi Ba tôi qua đời, không còn cách nào theo học chương trình Pháp, nhưng hai em được nhận vào trường Quốc Gia Nghĩa Tử ở Tân Sơn Nhất, vì ba tôi đã hy sinh vì công vụ.

Được các đồng nghiệp và chiến hữu của Ba tôi kể lại rằng, sau khi xuất thân từ trường Võ Khoa Thủ Đức, Ba tôi được chọn làm Chánh Văn Phòng cho Đại Tá Lê Văn Tỵ, Tư lệnh Quân Khu 3, (Troisième Region Militaire), Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Ông thăng cấp nhanh chóng lên Trung uý và được tăng phái sang trông coi chương trình quân sự học đường PMS (Preparation Militaire Supérieure) dành cho nam học sinh lớp 11 và 12. Nhờ vậy mà hai anh em tôi được nhận vào học trường Jean Jacques Rousseau, tôi theo học ở đây từ năm 1953 cho đến năm 1965.

Cũng qua lời kể của các y, bác sĩ, nha sĩ từng làm việc với Ba tôi ở quân y viện và các đơn vị chiến dịch bình định, phát triển (Thoại Ngọc Hầu) thì các bác chăm sóc sức khoẻ cho Ba tôi ngày trước thường nhắc lại câu nói định mệnh mà Ba tôi hay nói: “Quan tha, thì Ma bắt.”

Với cuộc sống mới đầy cam go, Mẹ tôi xin được một chân thư ký hạng B2, nhờ bà đậu bằng Diplome (Thành Chung) năm 1942, phục vụ tại Tổng Nha Ngân Sách và Ngoại Viện. Vì đồng lương ít ỏi, Mẹ tôi tự học, thi cải ngạch, rồi lần lượt đậu bằng tú tài 1, tú tài 2, cử nhân Anh Văn, nên được chuyển sang ngạch hạng A. Có những năm Mẹ tôi và tôi  học Đại Học Văn khoa Saigon cùng một lúc.

Phần tôi, do may mắn, việc học hành khá hanh thông, cho đến năm 1962 đậu bằng Brevet (trung học đệ nhất cấp) và tìm được một chỗ kèm trẻ ban đêm. Năm ấy tôi vừa 16, học trò lớn nhất 12 tuổi, giờ đây họ cũng đều là ông bà nội ngoại như thầy vậy. Tôi đã được gặp lại các em ở hải ngoại, định cư tại Pháp và Bỉ.

Sau tú tài 2 năm 1965 tôi tìm được thêm mấy chỗ dạy học khác, như trường Cửu Long của Giáo Sư Phan Huy Đức, trường Văn Hiến của Giáo Sư Phan Ngô. Có lẽ tôi có duyên với hai vị hiệu trưởng họ Phan, vì ông Nội tôi cũng họ Phan, Ba tôi mang họ Bà Nội là họ Đào.  Ông Bà tôi có 8 người con, 4 trai, 4 gái.  Một nửa theo  họ Cha, nửa kia theo họ Mẹ.

Trên một chục năm sau khi Ba tôi mãn phần,  gia đình tôi có phần thoải mái hơn nhờ sự tần tảo, hy sinh không bến bờ của Má tôi cùng sự giúp đỡ tận tình của các cậu, dì và gia đình bên Nội.  Một điều chắc chắn là nhờ vào những phước báu của ông bà và sự dung rủi, phò hộ của Cha tôi nơi Chín Suối. 

Hình chụp với Monsieur Poujade (JJR 1957)

Nơi đây, tôi cũng xin thành tâm tưởng niệm và biết ơn Thầy Poujade khả kính, một nhà giáo tử tế. Cho đến bây giờ  khi liên lạc với nhau qua Hội Cựu Học Sinh Chasse Loup Laubat & Jean Jacques Rousseau, các bạn vẫn nhắc nhớ, cảm phục ông Thầy đức độ, gương mẫu, thông thái, tận tuỵ và được mọi người yêu mến.

Được biết gia đình thầy Poujade đã trở về Pháp vào cuối thập niên 50, phục vụ ngành giáo dục đến hưu trí.  Thầy qua đời lúc trên 80 tuổi.

                                                Đào Hiếu Thảo/ Th2

September 16, 2020