Bỏ lại Sau Lưng- Thái An

Bỏ Lại Sau Lưng

TT-Thái An

 

Khoảng cuối tháng 3, 1975.  Nhiều tỉnh ở miền Trung đang hấp hối hoặc đã thất thủ, dân chúng chạy vào Sài Gòn tị nạn khá nhiều.  Nhiều hè phố đã ngập người tị nạn.  Tình hình chiến sự chỉ có xấu, chứ không tốt cho miền Nam. 

Nhà ông bà Sùng có người bên xuôi gia chạy từ Kon Tum xuống ở nhờ báo cáo tình hình trên đó trước khi ông bỏ chạy.  Ông bảo thằng cán bộ cộng sản đến ngồi nhà ông để chờ ông về.  Khi ông về gần đến nhà, ông có linh tính nên len lén nhìn vào và bỏ đi luôn.

 

Mẹ tôi nghe lời khuyên của ông tôi nên đến trường nội trú của em trai rước nó về.  Hình như đã nhiều phụ huynh đến rước con về, trường cũng bắt đầu vắng vẻ. 

Về nhà thì em Nguyên lại hay đi đến nhà hai đứa bạn thân, hầu như mỗi ngày.

Thỉnh thoàng mẹ lại ghé nhà bà Sùng nghe ngóng tình hình, ai cũng lo Việt cộng sắp vào đến Sài Gòn rồi, phải tính cách nào, đi hay ở?

Bà Sùng và mẹ tôi đều quả quyết rằng không thế nào ở với Việt cộng được.  Mình đã bỏ miền Bắc năm 1954 cũng chỉ vì biết chúng nó độc ác thế nào, ăn không cho ăn, mặc không cho mặc, nói không cho nói. Đã thế nghe nói khi chúng chiếm được hết miền Nam, chúng sẽ đem người Bắc di cư ra xử tội.

Nhà bà Sùng có chị Thu là con gái thứ hai đã đi Mỹ khoảng cuối năm 1973.  Nghe phong phanh rằng chị lấy chồng Mỹ nên đi theo chồng. Nhưng nhà bà Sùng thì bảo là chị đi theo chương trình Caritas gì đó. 

Con gái lớn của bà Sùng là chị Hà, đi thầu cho Mỹ nhiều năm đến năm 1973 thì hết thầu vì Mỹ rút quân về nước.  Chị xoay ra thầu làm cơm sấy bán cho quân đội. 

Con gái thứ tư của bà Sùng là Hạnh, bạn tôi thì đang có người yêu gắn bó vô cùng.  Chàng hơn nó 11 tuổi, đang là sinh viên y khoa năm cuối.

Bà Sùng là người vô tư, ít khi nào thấy bà lo lắng.  Nhà con đàn mười một đứa.  Mọi việc tài chánh chi tiêu trong nhà đã có chị Hà cung cấp.  Ông Sùng làm công chức, lương chẳng thấm vào đâu.  Con trai lớn là anh Phi đã có vợ và hai con trai còn nhỏ.  Vợ anh Phu rất đẹp, nhìn hoài không chán.

 

Nhưng lúc này đã thấy bà Sùng bắt đầu lo. Bà nói với mẹ tôi rằng:

-Nếu Việt cộng vào Sài Gòn thì tôi chịu chết, nhà đông con thế này làm sao đi hết?  Mà chả biết đi đâu nữa!

Mẹ tôi nói đại, cố để trấn an bà:

-Hy vọng chị Hà lúc trước thầu cho Mỹ thì Mỹ sẽ cho chị đưa các em đi.

Riêng phần mẹ tôi, bà lo lắm, bà cũng muốn bỏ đi nếu Việt cộng vào. Nhưng nhà tôi chẳng làm ăn buôn bán với Mỹ, cũng chẳng có bà con phục vụ trong Hải quân hay Không quân, thì làm sao có đường ra đi?  Bố tôi trước năm 1957 là Trung Úy trong quân đội, tuy giải ngũ từ lâu, nhưng mẹ vẫn lo Việt cộng sẽ tìm bắt bố để xử tội.

 

Bà bác họ đến kiếm mẹ tôi.  Cho mẹ một cái túi xách tay loại lớn. Bác nói với mẹ:

-Tôi biếu cô cái túi này, có lẽ Việt cộng sắp vào rồi, nếu cô chú có bỏ chạy thì xem như nó là quà kỷ niệm của tôi.  Gia đình tôi đông con quá, không có điều kiện ra đi.  Nói đến đó bác đã rơm rớm nước mắt.  

Bác nói tiếp:

– Tôi nghe nói nếu Việt cộng vào thì chúng nó bắt tất cả người Bắc di cư đi bộ về Bắc nên tôi đã mua sẵn cho mọi người trong nhà ba đôi dép để đi bộ từ đây về Bắc.

Mẹ tôi phân vân lo lắng, trả lời người chị họ:

-Em cũng muốn đi lắm, nhưng không biết kiếm đâu ra đường chạy.

 

Ngồi một lúc bác quay quả ra về.  Mẹ biếu bác một số tiền để sắm sửa nhu yếu phẩm cho gia đình.

Đó là lần cuối chúng tôi nhìn thấy bác.

Ngày 26 tháng 4, 1975, tự dưng có người đến kiếm mẹ bảo là có đường ra đi, nhưng phải đóng cho hắn một người là xx lượng vàng.  Lúc này mẹ tôi chẳng trả giá, chỉ cần có người dẫn đường cho đi là mẹ bằng lòng.  Người đó dặn cả nhà tôi phải ở nhà trong những ngày này vì họ sẽ trở lại bất thình lình.  Mỗi người chỉ được đem theo một túi cá nhân đựng vài bộ quần áo, bàn chải đánh răng và nên đem theo vài ổ bánh mì để ăn dọc đường.

Sáng ngày 27 tháng Tư, bà Sùng đến kiếm mẹ tôi báo tin chị Hà đã dắt hai đứa em đi sáng nay.  Chị được sở Mỹ cho đi có 3 người thôi.  Còn Hạnh sẽ được anh Phi đến đưa đi chung với gia đình anh trưa nay. Vừa nói bà vừa khóc:

-Tôi mất một lúc 4 đứa con. Không biết còn có cơ hội gặp lại.

 

Mẹ tôi cũng rơm rớm nước mắt khóc theo bà, mẹ an ủi bà:

-Thôi, đứa nào đi được thì mừng cho đứa đó!  Biết đâu sau này chị Hà còn tiếp tế về để nuôi cha mẹ và các em.  Cháu Hạnh thì được theo gia đình anh Phi cũng mừng cho cháu không bị chia lìa với anh.

Bà Sùng lại nức nở:

-Thế là tôi cho không người ta đấy. Tội nghiệp nó đi theo không, chẳng cưới xin gì hết.

Mẹ lại an ủi:

-Thời buổi loạn lạc, đi chung với nhau được là may mắn lắm rồi, còn hơn là kẻ ở người đi, đau lòng lắm.  Chuyện cưới xin thì thời bình mới lo được thôi bà ơi!

Ngồi một lúc, bà vội vã ra về.  Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp bà.

Khoảng một giờ chiều ngày 27, tháng 4 người dắt đường báo tin khoảng 2 giờ nữa sẽ có xe đến rước đi.  

Mẹ gọi đến sở bảo bố về ngay.

Em Nguyên không có nhà.  Mẹ tôi quýnh lên sai em Khánh đi kiếm.  Khánh lấy xe Honda chạy đến nhà Linh bên Bà Chiểu, người bạn thân của Nguyên, Linh bảo Nguyên vừa ra về, trên đường đến nhà Dũng, hai đứa sẽ đi xem xi nê ở rạp Rex,

Khánh vội vã chạy đến nhà Dũng ở sau viện Pasteur thời may gặp Nguyên và Dũng đang dắt xe ra chuẩn bị đi.   Khánh hối Nguyên về ngay kẻo lỡ chuyến xe người ta sẽ không chờ. 

Hai đứa em về đến nhà, mẹ tôi mừng khôn tả.  Ông ngoại tôi hay tin vội qua nhà để tiễn đưa.  Nhà ông cách nhà chúng tôi 5 phút đạp xe.  Nhà của ông là nhà cũ của chúng tôi đã từng ở.  Khi bố mua căn nhà này dọn đi thì ông ở lại, không dọn theo.  Ông thích ở riêng một mình cho yên tịnh, vì bố tôi hay quát tháo vợ con, ông nghe thấy đau lòng, không chịu được.  Mẹ lại nhắc ông nên đi theo chúng tôi.  Ông cứ bảo để ông ở lại.  Chúng tôi biết ông không thích đi theo làm gánh nặng cho con gái và con rể.  Vì chưa biết sẽ đi đâu, làm gì để sống.

Mẹ tôi đưa hết số tiền Việt Nam còn lại cho ông, hơn một triệu.  Mẹ cũng đã sắm sẵn mấy tạ gạo, mấy chai nước mắm, dầu ăn, đường, sữa hộp cho ông.  Mẹ bảo đi đến đâu sẽ biên thư cho ông và gửi tiền về nuôi ông.  Xin ông cố giữ sức khỏe hy vong sẽ gặp lại ông.

Bố vừa về tới thì xe van cũng tới đón cả nhà. 

Bạn xóm cũ của tôi là Bình vừa đến tìm tôi tình cơ trông thấy xe van đến đón chúng tôi.  Mẹ dúi vào tay Bình vài trăm ngàn, dặn: “Đem về đưa cho mẹ cháu”

Mẹ cũng đưa cho chị Ba, người giúp việc 3 tháng tiền lương, dặn chị lấy được thứ gì trong nhà thì lấy.

Người ta hối cả nhà lên xe, bố tôi dùng dằng không muốn đi, bố mếu máo:

-Tôi không đi, không sao hết, chỉ có trung lập thôi.  Tôi không đi đâu hết!

Mẹ biết bố quyến luyến cô L vì không kịp gặp cô để rủ cô chạy theo. 

Mẹ cương quyết:

-Anh không đi thì mẹ con tôi đi.

Tôi mừng thầm vì lúc thường mẹ rất phục tùng, chẳng bao giờ cãi bố.  Cả nhà ai cũng sợ bố ghê lắm. Nhưng hôm nay mẹ khác hẳn.  Đứng trước tình hình miền Nam sắp mất vào tay cộng sản miền Bắc, mẹ đã cứng rắn bất ngờ, nhất định phải ra đi.

Thế là mẹ hối chúng tôi lên xe, bố mất hết tự tin, tự động lên xe theo chúng tôi, vừa lên xe vừa càu nhàu lằm bằm. Trông bố như sắp khóc.

Ông ngoại tôi, Bình, chị Ba và 3 con chó đứng lại nhìn theo.  Xe lăn bánh, chúng tôi cố quay lại nhìn ông lần cuối.  Bình vẫy tay, chị Ba vẫy tay.  Nhưng ông đứng buồn so nhìn theo như đang cố cầm nước mắt.

Hình ảnh đó ám ảnh tôi suốt đời! 

Đó cũng là lần cuối chúng tôi nhìn thấy ông, Bình và chị Ba.

 

Xe van đưa chúng tôi ra tòa đại sứ Đại Hàn Dân Quốc trên đường Nguyễn Du.  Trong sân đã có một đám đông người chen nhau lên một chiếc xe bus.  Xe đã chật cứng, còn một đám đông nữa chưa được lên xe.  Nhưng có người Đại Hàn nói còn một chiếc xe bus cuối cùng sẽ đến ngay.

Thế là mọi người yên tâm nhìn chiếc xe bus kia sau khi chất đầy nhóc người đang từ từ lăn bánh ra khỏi cổng. 

Vài phút sau, chiếc xe bus cuối cùng tiến vào sân.  Mọi người xô nhau để lên xe, không ai muốn bị bỏ lại.  Tôi và mẹ không tài nào đến được gần cửa xe, nhưng hai đứa em trai tôi cố đẩy tôi và mẹ lên.  Lúc đó không hiểu sao lọt được qua cửa.  Sau chúng tôi còn người tiếp tục leo lên.  Cuối cùng thì mọi người trong sân cũng đã chen được lên hết trên xe, Đứng sát nhau không chỗ cục cựa.

 

Xe lăn bánh, có xe của ông Đại Sứ Đại Hàn chạy phía trước dẫn đường đến bến Tân Cảng của Hải Quân.  Ông Đại Sứ đích thân xuống xe trình giấy tờ cho lính gác cổng.  Ông xin phép được đưa Hàn kiều và vợ con về nước. Vì tình trạng hiện nay vợ con họ quốc tịch Việt Nam không xin được giấy xuất cảnh cũng không có passport Việt Nam cho Đại Sứ ký visa cho.  Lính gác cổng mở cổng cho xe vào.

Xe chạy đến bên một chiếc tàu hải quân của Đại Hàn, đó là loại tàu Há Mồm, chúng tôi xuống xe và leo lên tàu.  Đã có một chiếc tàu tương tự như thế đã chở đầy Hàn kiều và vợ con Việt Nam của họ, đậu ngay gần đó. 

Khi mọi người đã lên tàu, lính kéo cầu thang lên.

 

Ông Đại Sứ đứng lại ở bến tàu đưa tay vẫy chào.  Toàn thể dân chúng trên tàu đưa tay vẫy lại, thầm cám ơn lòng tốt của ông Đại Sứ.  Nếu không có ông đi theo, chắc gì chúng tôi lọt qua cái cổng này.  Ông Đại Sứ cũng thừa hiểu số Hàn kiều và vợ con đi trên hai tàu này chưa tới một nửa, đa số là dân Việt Nam đi theo.

Chúng tôi được cho ở trên boong tàu.  Mỗi gia đình tự xúm vào một góc.  Những người  đi một mình thì cũng kiếm cho mình một chỗ.  Nhưng số người đông gấp ba lần dự bị nên mọi người phải ngồi gần nhau, nhưng không sát lắm.

 

Cả hai chiếc tàu hải quân Đại Hàn cùng rời bến Tân Cảng một lượt.  Tàu đi ngang bến Bạch Đằng, đường Tự Do, nhà hàng Maxim.  Hoàng hôn bắt đầu buông, đường phố vắng ngắt, không lên đèn.  Nó từng là con đường nhiều ánh đèn màu khi về đêm, nhiều người ăn mặc sang trọng đi trên đó, nhưng đêm nay nó là con đường chết, nhà hàng Maxim tắt lịm, tối đen. 

Bóng một phụ nữ lẻ loi, mặc cái robe màu đỏ đi đôi giầy cao, đang đi lặng lẽ trên con phố vắng.  Không biết cô này đi đâu giờ này?  Cô có đang lo kiếm đường chạy hay không?  Vũ trường Maxim tắt lịm rồi, đâu còn ai ca hát ở đó nữa?

 

Mọi người trên tàu cố nhìn cho kỹ con phố này lần chót, nhìn để nhớ đời.

 

Mọi người hình như ai cũng bắt đầu cảm thấy đói, lấy thức ăn đem theo ra ăn. 

Có người tình cờ đi ngang tòa đại sứ Đại Hàn thấy người ta chen lấn lên xe thì vội leo lên theo vì biết đây là chuyến xe chở người di tản, vì thế không có gì đem theo ăn thì đã có người sẽ phần cho.  Mẹ đã chia cho một cô đi trong diện này một phần bánh mì và giò lụa như chúng tôi.  Cô chưa hoàn hồn vì đang đi trên đường Nguyễn Du cầu mong xem có tòa đại sứ nào còn mở cửa cho vào.  Gia đình cô không hề hay biết cô đã lìa xa thành phố, đang lênh đênh trên con tàu này, chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.  Cô đang lo tối nay cha mẹ cô sẽ lo lắng vì chẳng thấy cô về. 

Tàu chạy theo rừng sát để ra Vũng Tàu.  Mọi người hồi hộp nín thở vì chỉ sợ Việt cộng từ trong rừng bắn ra thì chết cả đám.  Mẹ cầu nguyện không thôi.  Mẹ nhắc chị em tôi cầu nguyện xin Chúa che chở để hai con tàu đi lọt. 

Sau 10 giờ đêm thì đến Vũng Tàu. 

Vũng Tàu như một thành phố chết. Đường phố hoang vu, không lên đèn, không bóng người qua lại. Cửa tiệm đóng im ỉm.

Cả hai con tàu neo lại một ngày ở đây, rồi đến tối nhổ neo đi Phú Quốc.  Tối 29 đến Phú Quốc, tàu neo ngoài khơi cách bãi độ một cây số.  Chúng tôi nhìn lên bờ, có rất nhiều tàu Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đang đậu ở đó. 

Sáng ngày 30, tháng 4, độ 6 giờ sáng, ông Thuyền Trưởng ra lệnh thả đám người Nùng đã được họ đưa từ miền Trung vào.  Vì ông được lệnh từ cấp trên phải làm như thế khi nhận chở họ từ miền Trung vào Phú Quốc.

Thủy thủ cho đám người Nùng xuống hai chiếc ghe nhỏ rồi chở họ vào bờ.  Có vài người dùng dằng không muốn đi nhưng họ bị bắt buộc phải đi.  Trông thấy tôi nghiệp quá, gia tài của họ gồm mấy cái nồi đen thui, móp mép, vài cái giỏ mây hay túi vải cũ mèm đựng quần áo.

Thuyền trưởng đứng trên boong tàu thông báo, có người Đại hàn thông dịch sang tiếng Việt, rằng thuyền neo ở đây chờ tình hình chính trị của miền Nam ngã ngũ ra sao rồi sẽ quyết định: nếu chánh phủ miền Nam tuyên bố trung lập thì ông sẽ đưa đám dân Việt trên tàu về Sài Gòn thả xuống; nếu miền Nam tuyên bố hàng cộng sản miền Bắc thì ông sẽ cho tàu chở tất cả dân Việt Nam trên tàu về Đại Hàn vì lúc đó chúng tôi đã được xem là dân tị nạn cộng sản.

Đến 12 giờ trưa, khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố hàng trên đài phát thanh Sài Gòn, thì mọi người trên tàu đồng loạt vỡ oang khóc rống. 

Lính ra lệnh cho mọi người nằm sấp xuống.  Trong khi đó lính xoay hết mấy khẩu đại bác vào hướng bờ đề phòng hờ Việt cộng bắn ra vì lúc đó lãnh thồ đã thuộc quyền của họ rồi.

Nhìn vào bờ, tất cả tàu hải quân VNCH, tàu ngư phủ, tàu tư nhân đồng loạt nhổ neo phóng ra khơi.  Có cả ngàn con tàu lớn nhỏ, đủ cỡ, đủ kiểu , có chiếc chạy nhanh, có chiếc chạy chậm, nhưng họ cùng đi về một hướng.

Nhìn theo đoàn tàu cùng nhau bỏ nước ra đi mà đau lòng thắt ruột.   Tôi bật khóc tức tưởi, tâm tư hoang mang.  Miền Nam mất vào tay Việt cộng phương Bắc rồi!  Ông ngoại tôi giờ này ra sao?  Lính tráng miền Nam giờ này ra sao?  Chúng tôi sẽ ra sao?

Chẳng mấy chốc bãi biển không còn chiếc tàu nào, để lại sự hoang vắng ghê rợn.  Chiếc tàu của tôi xa dần bờ, tôi cố nhìn lại bờ cho đến khi cả cái đảo Phú Quốc hiện ra xa xa, nhỏ bé, rồi nhạt nhòa, và  biến mất trong tầm nhìn.

Quay nhìn lại đoàn tàu ban nãy, tôi thất vọng vì họ không đi cùng hướng với hai chiếc tàu của hải quân Đại Hàn.  Tôi nhìn theo đoàn tàu cho đến khi chúng biến mất trên đại dương mênh mông.  Một cảm giác lạc lõng choáng lấy tôi, tôi cảm thấy chúng tôi đã lạc bầy của mình, tôi lại khóc thút thít vì cảm thấy một sự bất an nặng nề đang đè nặng trên mình.

 

Sáng nay hỏa đầu quân dọn mì gói cho dân tị nạn.  Vì không trữ đủ nước uống cho số đông người nên họ chỉ cho tí xíu nước đủ cho mì nở, nhưng cho tất cả các gói bột nêm vào nên mì rất mặn.  Tôi gọi đó là mì muối ruột; tôi không ăn được, nên tôi gậm miếng bánh mì còn sót lại từ hôm trước đã khô cứng.  Mỗi gia đình được phát cho một ly nước để uống cả ngày, như thế mỗi người uống một ngụm là hết ly. 

Mặt trời chói chang gay gắt trên đầu, thủy thủ mắc cho mấy cái bạt nylon phía trên, che bớt phần nào những vạt nắng đang đổ xuống.  Họ cũng làm ngay một dãy nhà vệ sinh giã chiến và phòng tắm giã chiến phía sau đuôi tàu.  Họ bơm nước biển lên cho dân chúng tắm rửa, nên tắm xong sẽ rít chịt, muối còn đọng lại trên da.  Nhưng trời nóng gay gắt đành phải đi tắm cho bớt nóng.

Tàu lênh đênh trên biển khoảng hơn một tuần thì đi ngang eo biển Đài Loan.  Chiều hôm đó khoảng gần 6 giờ, lính hải quân Đại Hàn ra lệnh cho dân chúng phải xuống tầng hầm ngay vì có cơn bão sắp đi qua.  Thế là mọi người gom túm vội vã túi bị của mình để theo lính xuống hầm. 

Hầm chật hẹp hơn trên boong, lại hôi hám ẩm thấp, nhất là mùi dầu máy xông lên thật khó chịu, tiếng máy chạy nghe ồn ào, đèn diện không đủ sáng.  Mọi người còn ngơ ngác, chưa biết ngồi đâu thì lính tráng đã ra lệnh kiếm chỗ ngồi xuống ngay.  Chật ơi là chật, lúc nhúc người là người.  Tôi ngồi xuống bên bố mẹ và các em. Tối nay chắc là ngủ ngồi vì không cách chi duỗi chân ra được.  Chưa kịp nghỉ ngơi thì con tàu lắc mạnh, từng con sóng đập vào thành tàu nghe ầm ầm, dữ dội.  Nhiều người bắt đầu bị say sóng và nôn mửa, trong đó có tôi.  Giờ thì ngoài mùi hôi của dầu máy và ẩm mốc của hầm tàu, lại có thêm mùi nôn mửa nữa, thật khủng khiếp.

Mẹ lại nhắc chúng tôi cầu nguyện xin Chúa cho cơn bão mau qua.  Tôi cảm thấy may mắn vì toàn thể dân tị nạn đã xuống hầm kịp thời trước khi cơn bão đến độ mười lăm phút.  

Vài giờ sau đã thấy yên, không còn tiếng sóng gào và con tàu không còn lắc dữ dội nữa.  

 

Giờ này ai cũng mệt lũi rồi mà tôi vẫn không ngủ được vì bụng đói cồn cào.  Cả mấy hôm nay tôi chỉ uống nước, khi mẹ dỗ lắm thì tôi cố ăn được hai gắp mì gói cầm hơi, hoặc không ăn gì hết.  Tôi nằm gác tay nhìn lên mấy cái đà ngang dọc phía trên mà tưởng tượng hết món này đến món kia rồi nuốt nước bọt.  Bỗng dưng mắt tôi đụng vào cái lon giống như đồ hộp nằm trên một cái đà.  Tôi dụi mắt nhìn nó một lúc, không tin có ai đó cất một lon đồ hộp trên cái đà cao ngất kia làm gì.  Tôi gọi một đứa em rồi chỉ nó nhìn lên.  Nó nhìn lên rồi nói ngay “Chắc là đồ hộp rồi!”  Sau đó nó gọi anh Ngọc chỉ anh cái lon.  Anh Ngọc đi chung với vài người bạn, gia đình cha mẹ còn ở lại.  Anh Ngọc tỉnh nguyện leo lên lấy cái lon xuống.  Mẹ và tôi thấy leo trèo từ dưới lên bám từ cái đà này chuyền qua cái đà kia nguy hiểm quá nên nói anh đừng leo làm gì, không đáng đâu, lỡ té gãy xương thì nguy.  Nhưng anh vẫn khăng khăng phải lấy nó xuống cho được.

Anh đã lấy được cái hộp ném xuống cho em tôi chụp rồi anh leo xuống dễ dàng.  Cái lon chẳng có nhãn hiệu gì, nhưng anh Ngọc có đem theo đồ khui nên mở ra ngay.  Ồ!  Ai nấy hớn hở khi thấy đó là hộp cá hồi.  Thế là chia ngay cho mỗi người một miếng.

Tờ mờ sáng hôm sau những người thanh niên đã leo trở lên boong tàu dù còn ướt sũng trên đó.  Bố và các em tôi cũng lên theo để xem tình hình.  Một lúc sau bố và một đứa em chạy xuống dắt mẹ và tôi lên boong cho thoáng.  Mọi người còn lại cũng trở lên boong, chẳng ai muốn ở lại cái hầm này.

Trên tàu có một cậu bé khoảng 10 tuổi, con út của một bà mẹ độc thân gồm 4 người con. Cậu bé này tự nhiên mọc lên một cái mụt nhọt trên mũi, càng ngày càng to ra khiến cậu nóng sốt.  Bác sỹ trên tàu cho cậu vào phòng y tế để mổ lấy cái mụn ra.  Sau đó cậu mê man rơi vào tình trạng nguy kịch.  Bác sỹ cho cậu ở lại phòng hồi sinh và chỉ cho người mẹ vào thăm mà thôi.  Mẹ cậu lo lắng không dám nói nhiều.  Ai biết chuyện cũng bảo rằng cái mụn nhọt đó là đinh dâu, chớ đụng đến mà nguy hiểm.  Nhưng lỡ rồi!

Sau 12 ngày trên biển, bác sỹ trên tàu cho phép những phụ nữ lớn tuổi được truyền nước biển vì họ biết đa số ai cũng thiếu nước quá nhiều ngày.  Họ dùng khoảng giữa của boong tàu cho các bà nằm xuống sàn rồi y tá đến máng bình nước biển lên một cái cây có móc treo.  Thêm phần, tàu chỉ còn hai ngày là cặp bến Pushan nên họ không cần lưu giữ nước biển nữa.  Sau khi các bà đã truyền xong nước biển thì đến lượt các cô gái, ai muốn vào nước biển thì cứ đến.  Bố mẹ khuyên tôi nên vào nước biển cho lại sức vì tôi yếu quá rồi.

Khoảng giữa tháng 5, tàu cặp bến Busan.  Mọi người đều được đưa xuống hầm tiến đến gần cửa.  Khi cửa hạ xuống thì đúng với cái tên “tàu há mồm”, mọi người chưa được bước ra, nhưng thấy bên ngoài đã ngập các ký giả, xe cứu thương, xe bus đến đón dân tị nạn. 

Trời giữa tháng 5 nhưng khí hậu còn lành lạnh.  Dân Việt Nam chưa quen nên co ro vì cảm thấy lạnh.

Có một ông người Việt đang sống tại Seol xin được phép để lên tàu hỏi thăm xem có thấy vợ con ông trong đám người di tản này không.  Ông làm ở tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa, mọi người đã được giấy phép đi Mỹ tị nạn, nhưng ông nán lại để cầu mong gặp được vợ con trong hai chuyến tàu này.  Nhưng ông thất vọng não nề, không ai biết tên của vợ con ông trong chuyến tàu này.

Cậu bé 10 tuổi được xe cứu thương đến đón đưa thẳng vào bệnh viện. Người mẹ được phép đi theo.  Ba đứa con lớn thì phải lên xe bus vào trại tị nạn.

Sau đó thuyền trưởng cho phép mọi người bước ra, có lính hướng dẫn đến từng chiếc xe bus đang xếp hàng dài bên lề đường.  Tất cả người Việt và Hàn kiều đều được đưa vào trại tị nạn.

Trại là một trường trung học đang lúc đóng cửa nên không có học sinh.  Họ dọn bàn ghế trống trơn.  Mỗi phòng học được chia cho 5 gia đình. 

Nhân viên hội Hồng Thập Tự tình nguyện đến giúp phân phối chăn gối, nệm, thau rửa mặt, bàn chải đánh răng, xà bông tắm và một bộ quần áo tay dài, loại mặc để đi bộ hay mặc ở nhà vào mùa đông, cho từng người.

Mỗi người nhận được một tấm nệm cao su để lót nằm, một tấm mền nỉ màu nhà binh, một cái chăn bông để đắp.  Căn phòng mà gia đình tôi được cho đến ở lầu hai, bên ngoài phòng là hành lang có thể trông ra con đường bên ngoài.

Chúng tôi được lệnh phải lên văn phòng trại để làm thẻ đeo trên ngực áo, mỗi người được phát cho một con số gắn vào thẻ này. Số của tôi là 533. 

Hôm sau người mẹ trở về với cái tin đứa bé đã chết tối hôm trước.  Bà về báo tin và được phép dẫn mấy đứa con khác vào nhà thương nhìn em lần cuối trước khi đem xác nó đi thiêu.

Chúng tôi chỉ biết an ủi, chia buồn với bà.  Bà chỉ im lặng khóc thút thít nhưng không nói gì.

Mỗi ngày, những người phụ nữ Đại Hàn trong hội Hồng Thập Tự (HTT) đến nấu cơm, dọn dẹp nhà bếp, có mấy bà Việt Nam tị nạn cũng tình nguyện vào giúp. 

Đến giờ cơm, họ yêu cầu mọi người xếp hàng từ hành lang đến phòng ăn, mỗi người sẽ tự lấy một cái mâm plastic có chia ra vài ngăn.  Người của hội HTT sẽ múc thức ăn vào mâm cho dân chúng.

Buổi sáng họ phát bánh mì gối và một cục bơ magarine, chỉ có nước trà bằng bắp rang, chẳng có trà xanh hay trà Tàu.

Buổi trưa và buổi tối chỉ có bo bo nấu thay cơm ăn với kim chi muối buổi sáng, trưa ăn ngay.  Buổi tối cũng chỉ có bo bo và kim chi.  Chẳng có gạo tẻ như ở Việt Nam, cũng không có thịt hay cá.  Đa số người Việt không quen ăn bo bo nên có người bỏ dở nguyên mâm cơm của mình. 

Khi ăn xong, mọi người tự đem mâm vào bếp, đổ thức ăn thừa vào thùng phi rồi xếp mâm vào thùng sẽ có người tình nguyện rửa.  Khi trông thấy dân tị nạn đổ cả mâm bo bo vào thùng phi, họ lắc đầu bất mãn vì thấy dân tị nạn phí phạm quá.

Vì thế, có những người tị nạn lớn tuổi đứng ra khuyên mọi người nên cẩn thận khi lấy thức ăn, nên lấy vừa đủ ăn không nên lấy quá nhiều rồi đổ đi.  Đừng để người Đại Hàn chê mình là hoang phí vì không phải là của mình nên không tiếc.

Những người làm thiện nguyện Đại Hàn cũng ăn như người tị nạn.  Họ quen ăn bo bo nên bà nào cũng ăn cả mâm cơm đầy với kim chi.  Trông họ ăn ngon lành, chẳng cần thịt cá gi cả. 

Mỗi tuần, ái nữ của tồng thống Phác Chánh Hy biếu tặng cho trại thị gà quay, loại gà Hen, con nhỏ bên Mỹ. Họ xẽ mỗi con làm hai phát cho mỗi người một nửa con.  Hôm đó thấy ai cũng hớn hỏ. 

Chiều chiều sau khi ăn trưa, lũ trẻ chúng tôi hay ra lan can bên ngoài phòng, ở lầu hai để nhìn ra con đường bên ngoài.  Chúng tôi tò mò muốn biết đường phố và dân chúng ở đây ra sao.  Có một xe tải chở trứng đến bỏ hết xuống ở bên kia đường, chẳng thấy ai ra lấy.  Bỏ xong, xe tải chạy đi.  Chúng tôi thắc mắc không ai ra lấy mà không bị ăn trộm tới khuân đi hay sao?  Đến chiều tối mới có người ra khuân vào. 

Có những học sinh trung học vừa trai vừa gái đi ngang qua đứng lại dơ tay vẫy chào chúng tôi.  Con trai mặc đồng phục là một bộ quần áo xanh dương, áo sơ mi bên trong màu trắng, áo vest bên ngoài mầu xanh.  Họ rất hiếu khách, họ biết chúng tôi là dân tị nạn, không được phép ra ngoài. 

Qua chiều hôm sau, có loa phóng thanh gọi số 533 lên văn phòng trại có người muốn gặp.  Tôi ngạc nhiên quá đỗi, nhưng cũng phải lên văn phòng.  Đến nơi, họ chỉ tôi một nam sinh trung học đang mặc đồng phục cầm theo một túi thật to.  Tôi ngơ ngác chào anh kia, lòng thầm nhủ không biết họ có gọi nhầm số hay không.  Người đàn ông hỏi anh kia có phải anh muốn gặp tôi hay không, anh kia trả lời đúng là tôi vì anh trông thấy tôi chiều hôm qua khi anh đứng bên kia đường vẫy tay.

Sau đó anh trao cho tôi cái túi quà, anh bảo tôi mở ra.  Chao ôi! Mấy cái quần tây mùa hè, mấy cái áo mùa hè và nhiều quà bánh.  Tôi cảm động quá, cám ơn anh bằng tiếng Anh.  Anh tự giới thiệu tên rồi hỏi tôi tên gì.  Tôi còn nhớ anh họ Choi, tên thì tôi quên rồi.  Anh nói anh là học sinh lớp 12, vừa 17 tuổi.  Anh hỏi tôi bao nhiêu tuổi.  Tôi nói thật với anh rằng tôi đã 20, hơn anh 3 tuổi. Anh cười nói không sao, chúng ta là bạn.  Ngồi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh bập bẹ, tôi không thấy thoải mái.  Nhất là sợ anh thất vọng khi biết tôi hơn anh 3 tuổi, tự dưng đem quà biếu bà chị thay vì em gái có phải hay hơn không?  Ngồi độ 20 phút anh đứng dậy ra về.  Tôi thở phào nhẹ nhõm cầm túi quà về phòng chia kẹo bánh cho cả nhà và cho mấy đứa bé cùng phòng.

Nhưng hai hôm sau tôi lại được gọi lên văn phòng.  Anh Choi lại đến đem theo quà cho tôi. Lại thêm quần áo và bánh kẹo.

Tôi nghĩ thầm tôi chỉ ở tạm trong trại chờ ngày đi nước khác, khi đi khỏi đây chắc gì anh còn gặp lại tôi.  Nghĩ thế, tôi thấy cảm phục tấm lòng của anh, vì anh cũng biết thế mà vẫn đến thăm tôi.  Choi cho tôi địa chĩ nhà anh, dặn rằng đi đâu thì biên thư liên lạc với anh.

Sau gần 3 tháng ở trại, bố quyết định đưa cả nhà đến Đài Loan.  Chị em chúng tôi muốn đi Canada nhưng bố không cho đi riêng, bảo là “Tao ở đâu thì chúng mày phải ở đó.”

Ngày tòa lãnh sự Đài Loan đem xe van đến trại rước gia đình chúng tôi, những người quen từ trên con tàu há mồm tiễn chân chúng tôi đến cửa xe.  Xe lăn bánh, tôi cố quay lại nhìn mọi người lần cuối.  Choi không biết được hôm nay tôi rời trại.

Sau khi đến Đài Loan một tháng, tôi biên thừ báo tin cho Choi, anh biên thư cho tôi ngay và gửi kèm vài tấm ảnh mới chụp.  Tôi biên thư cho Choi thêm vài lần rồi thôi, chẳng biết nói gì thêm.  Nhưng tôi xin cảm ơn tấm lòng thương người tị nạn của anh.  Anh đã đem đến cho tôi một kỷ niệm đẹp.

 

Sau đó hai tháng, trại tị nan Busan đóng cửa vĩnh viễn vì tất cả dân tị nạn đã được các nước Mỹ, Canada, Pháp hay Đức cho đi tị nạn.

TT-Thái An

4/30/2020

 

May 1, 2020