Bảy Năm Phục Vụ Không Quân Việt Nam Cộng Hòa 1968-1975 của Đào Hiếu Thảo

Bảy năm phục vụ Không Quân Việt Nam Cộng Hoà 1968-1975

                                                          Đào Hiếu Thảo/ Đỗ Hiếu

Không Quân còn được gọi là Không Lực Việt Nam Cộng Hoà trước 1975, được xếp hạng thứ tư trên thế giới , theo đánh giá của Ngũ Giác Đài và các chuyên gia quốc phòng Tây Phương, nhưng lại không nói ba quốc gia đứng đầu danh sách là những nước nào, ai muốn đoán thế nào cũng được, vậy cứ cho là Không Quân Việt Nam Cộng Hoà xếp sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nhiều thắc mắc được nêu lên , như thế không quân các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Australia, Nhật, Đài Loan thì được xếp hạng mấy, trên hay dưới Việt Nam?

Theo tài liệu quân sử thì Không Quân hay Không Lực Việt Nam Cộng Hoà được chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 7 năm 1955 với khẩu hiệu “Tổ Quốc và Không Gian”. Trong giai đoạn sơ khai từ 1951, Ban Không Quân trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, các chức vụ chỉ huy đều do các sĩ quan Pháp đảm nhận.

Lúc mới thành lập quân chủng Không Quân được Pháp giao lại 25 phi cơ vận tải C 47, 25 phi cơ khu trục cánh quạt F 8 F, hai phi đoàn quan sát với 30 máy bay liên lạc  L 19. Trung tá Nguyễn Khánh là sĩ quan Việt Nam đầu tiên giữ chức Phụ Tá Không Quân cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm thành lập nền đệ nhất cộng hoà sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1955, bổ nhiệm Trung tá Trần Văn Hổ làm Tư Lệnh Không Quân đầu tiên.

Năm 1957, các căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất, Biên Hoà, Đà Nẵng được mở rộng thêm, Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang được khánh thành để huấn luyện nhân sự tại quốc nội. Nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc những ngành chuyên môn đặc biệt được cử du học tại các trường không quân Hoa Kỳ.

Năm 1961, Hoa Kỳ cung cấp cho Không Quân Việt Nam nhiều phi cơ huấn luyện T 28, oanh tạc cơ hạng nhẹ B 26, vận tải cơ C 47. Liên đoàn 1 vận tải được thành lập do Trung tá Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy. Các hệ thống hướng dẫn và kiểm soát không lưu được trang bị cho các phi trường Tân Sơn Nhất, Biên Hoà, Đà Nẵng, Pleiku.

Năm 1962, các đơn vị Không Quân tác chiến và yểm trợ chiến trường được nâng thành cấp Không đoàn chiến thuật, Không đoàn 41 ở Đà Nẵng, Không đoàn 62 Nha Trang, Không đoàn 23 Biên Hoà, Không  đoàn 33 Tân Sơn Nhất, Không đoàn 74 Cần Thơ.

Dưới nền đệ nhị cộng hoà, năm 1965 Không Quân Việt Nam được Hoa Kỳ chuyển giao nhiều phi đoàn oanh tạc cơ  A 37, máy bay không vận cỡ lớn C 130, trực thăng vận tải Chinook.

Cũng vào thời điểm này, các phi cơ khu trục Skyraider A1H của Không Quân Việt Nam mở nhiều đợt oanh kích, tấn công những mục tiêu cộng sản, phía Bắc vĩ tuyến 17.

Năm 1967, Không Quân Việt Nam được trang bị phi đoàn phản lực cơ chiến đấu F 5 đầu tiên.

Năm 1970, theo chương trình phát triển khẩn cấp, tối tân hoá Không Quân Việt Nam do Hoa Kỳ tài trợ, hầu đáp ứng khả năng chống trả kế hoạch xâm lược từ phía Bắc, các Không đoàn chiến thuật được nâng lên cấp Sư Đoàn Không Quân. Sư đoàn 5 Không Vận được thành lập tại Tân Sơn Nhất, Sư đoàn 6 Không Quân đặt bản doanh ở Pleiku để chia sẻ trách nhiệm với Sư đoàn 2 Không Quân ở Nha Trang cùng yểm trợ phi pháo và hành quân trực thăng vận cho 12 tỉnh thuộc Quân Khu II.

Tính đến tháng 4 năm 1975, Không Lực Việt Nam Cộng Hoà có gần 70 ngàn quân nhân các cấp, hơn 2000 phi cơ đủ loại, với 5 Sư Đoàn tác chiến, một Sư Đoàn Không Vận, Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận, Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân, Không Đoàn Kiểm Báo, Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, Trung Tâm Y Khoa Không Quân, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Không Quân.

Mỗi Phi đoàn lấy danh hiệu có 3 số, nếu số đầu là 1, ví dụ Phi Đoàn 116 là liên lạc, quan sát. Số 2, như Phi Đoàn 215 là trực thăng chiến đấu, Biệt Đội 259 A, là tản thương,  số 3 như Phi Đoàn 314 đặc vụ, là chuyên chở VIP, số 4 như Phi Đoàn 427 là vận tải, số 5 như Phi Đoàn 522 là khu trục oanh tạc, chiến đấu cơ, không có Phi Đoàn nào mang số 6,  số 7 như Phi Đoàn 718 là thám sát, tác chiến điện tử, số 8 như Phi Đoàn 821 là Hoả Long, soi sáng trận địa, tác xạ bằng đại liên và số 9 như Phi Đoàn 918, chuyên huấn luyện phi công tương lai.

Dù tin hay không, Không Lực Việt Nam Cộng Hoà từng xếp hạng tư của thế giới, nếu chỉ căn cứ vào tài liệu thống kê, quân sử thì toàn là những con số khô khan như đã nói ở trên, nhưng có những ai từng sát cánh bên các đồng đội, chiến hữu trong nhiệm vụ như phóng viên chiến trường, sĩ quan thông tin, báo chí, nhất là trong những hoàn cảnh éo le, gian nguy, sinh tử, mới hiểu và thấy rõ là vì lòng yêu đất nước, quý đồng bào mà họ không màng đến tính mạng, quyết hoàn thành trách nhiệm, làm tròn bổn phận trai thời loạn ly, theo lý tưởng “Bảo Quốc, Trấn Không”.

Rất nhiều chiến sĩ Không Quân Việt Nam, phi công trực thăng, khu trục, vận tải, quan sát cơ đã hy sinh, đền nợ nước, khi tuổi đời vừa đôi mươi. Xin thành kính tưởng niệm và tri ân anh linh các Niên Trưởng và Chiến Hữu Không Quân Việt Nam đã đi vào lòng đất Mẹ, vì Chánh Nghĩa Quốc Gia, Chính Thể Cộng Hòa và Lý Tưởng Tự Do, Dân Chủ.

Như bao chiến hữu Nhảy Dù, Biệt Kích, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Hải Quân, Người Nhái…phần đông anh em phi công sau khi tốt nghiệp đều thích chọn những đơn vị tác chiến, trực diện với đối phương. Họ xung phong bay trực thăng ở cao độ thấp, thả anh em Biệt Kích Dù ngay trong lòng địch. Nhiều phi công khu trục hăng hái lên đường theo biệt đoàn thực hiện các phi vụ Băc Tiến, lắm người đã hy sinh vì hoả lực phòng không của địch như các anh Phạm Phú Quốc, Vũ Khắc Huề…Năm 1963, trong một phi vụ thả Biệt Kích trên đất Bắc ban đêm, máy bay vận tải C 47 trúng đạn rớt, anh Phan Thanh Vân, phi công trưởng cùng phi hành đoàn và lính Biệt Kích Dù bị trọng thương và bắt sống,  cầm tù hàng chục năm, nhiều đồng đội đã  bị giết chết ngay hôm ấy.

Nhiều trường hợp tình nguyện bay thế lúc tình hình khẩn cấp đòi hỏi, như Chuẩn tướng Nguyễn Huy Ánh, Tư lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân ở Cần Thơ đã đích thân lái trực thăng đi câu một phi cơ quan sát lâm nạn, vì lúc đó cần một phi công dày dạn kinh nghiệm như ông mới đảm nhiệm được phi vụ tử thần ấy. Chuẩn Tướng Ánh đã tử thương vì trực thăng do ông điều khiển chẳng may bị mất cân bằng, khi gặp sức gió quá mạnh đánh bật máy bay quan sát đang được ông câu lên để chuyển về căn cứ. Giây cáp cột máy bay bị đứt thình lình, quấn vào đuôi trực thăng ông đang điều khiển, làm máy bay đâm xuống đất. Cố Thiếu tướng Không Quân Nguyễn Huy Ánh hy sinh vì Tổ Quốc ngày 27 tháng 4 năm 1972 tại chiến trường Quân Khu IV, hưởng dương 38 tuổi.

Cũng có nhiều chiến hữu Không Quân được xét thăng cấp, chưa kịp “rửa lon” ăn mừng,  chưa được gắn cấp bậc mới đã lên đường ra chiến tuyến  truy kích hàng loạt các chiến xa Miền Bắc vượt vĩ tuyến, tiến vào đất Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, và đã hy sinh.

Tình nguyện gia nhập Không Quân, ngành không phi hành sau Tết Mậu Thân năm 1968, được gởi thụ huấn quân sự và chuyên môn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, trường Bộ Binh Thủ Đức, Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, Lackland Air Force Base, San Antonio, Texas; Defense Information School, Fort Benjamin Harrison, Indiana.

Năm 1970 về nước, được thuyên chuyển vào ngành Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Không Quân/Tân Sơn Nhất,  công việc hàng ngày của tôi là tháp tùng các phi vụ hành quân khắp bốn vùng chiến thuật, để cùng với các đồng nghiệp tường trình lại những thành tích của Không Lực Việt Nam Cộng Hoà trên các mặt trận, qua phương tiện truyền thông quốc nội và báo chí ngoại quốc. Trong những phi vụ này, tôi tận mắt chứng kiến sự gan dạ và gương hy sinh của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Muốn thuyết phục người khác, muốn họ tin vào những gì mình nói thì trước hết người  chiến sĩ Chiến Tranh Chính Trị phải tin tưởng chính mình. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Không Lực Việt Nam được Đồng Minh xếp vào hàng thứ 4 thế giới, có lẽ họ nói không sai. Chú Sam muốn là được… Công tác đấu tranh chính trị, vận động quần chúng, hoạt động tâm lý chiến là phương cách đã từng được Trung Hoa Cộng Sản, Trung Hoa Quốc Gia, Hoa Kỳ cũng như Khối Cộng Sản đặt lên hàng đầu trong chiến dịch giáo huấn, trang bị tư tưởng vững chắc cho quân nhân các cấp.

Trước năm 1965, ngành Chiến Tranh Chính Trị trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa được cải tổ, nhân sự chưa được tuyển chọn, đào tạo có bài bản. Dưới thời Pháp, phần lớn sĩ quan tâm lý chiến là thành phần không được ai ưa thích, không biết phải cho ngồi đâu, đành phải bổ sung cho các phần sở về chiến tranh tâm lý, với hoạt động chính là chỉ lo ca hát, giải trí.

Dưới nền đệ nhị cộng hoà, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị được thành lập do Trung tướng Trần Văn Trung chỉ huy, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, bên cạnh Tổng Cục Tiếp Vận, Tổng Cục Quân Huấn.

Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đặt hệ thống chỉ huy ngang dọc từ các quân binh chủng, quân khu, tiểu khu, chi khu đến các sư đoàn, tiểu đoàn, đại đội tác chiến và yểm trợ. Ngoài ra còn có các tiểu đoàn và đại đội Chiến Tranh Chính Trị ở trung ương cũng như tại bốn vùng chiến thuật.

Sáu hình thái chiến tranh được áp dụng trong chương trình đào tạo, hướng nghiệp và phương châm hoạt động của các chiến sĩ Chiến Tranh Chính Trị bao gồm: Tư Tưởng Chiến, Tổ Chức Chiến, Tâm Lý Chiến, Tình Báo Chiến, Mưu Lược Chiến và Quần Chúng Chiến, nói chung là “Lục Đại Chiến” do quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Thống Chế Tưởng Giới Thạch sáng tạo.

Chương trình đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị được đảm nhiệm bởi Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Dalat, hoặc gởi đi thụ huấn tại Đài Loan và Hoa Kỳ. Những cá nhân lo phần hành về Tâm Lý Chiến trước đây, thường được xem là “ngồi chơi, xơi nước”,  bị thay thế dần bằng nhân sự có khả năng, được huấn luyện đúng quy cách, tại các quân trường nổi tiếng thế giới.

Một số chiến sĩ Chiến Tranh Chính Trị Không Quân được người dân Miền Nam biết đến là các ca sĩ Anh Khoa, Duy Quang, Duy Cường, các tuyển thủ túc cầu  hàng đầu là các anh Hảo, Tiết Anh, Ngôn, Phụng, Vĩnh…

Người chiến sĩ Chiến Tranh Chính Trị có mặt trên khắp các trận chiến, của mọi quân binh chủng, đơn vị tham mưu, tác chiến, yểm trợ, luôn sát cánh, kề cận đêm ngày với những tay súng dũng cảm khác, trong cuộc chiến trường kỳ, quyết bảo vệ Miền Nam Việt Nam, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Những giòng cuối xin được dành để tưởng nhớ đến Chuẩn Tướng Võ Vinh, Tham Mưu Trưởng Không Quân, cựu sinh viên sĩ quan khóa 3, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, qua đời tháng sáu, năm 2017 tại San Jose, đã cho tôi vinh dự là một thuộc cấp thân tín, được ông bổ nhiệm làm Chánh Văn Phòng, cho đến ngày 30 tháng tư đen năm 1975.  

Nhớ anh Dương Hùng Cường, bút hiệu Dê Húc Càng, một chiến sĩ Chiến Tranh Chính Trị, nhà văn  Không Quân đã chết thảm trong ngục tù cộng sản.

Thiếu Tá, ca sĩ Sĩ Phú, đã ra đi rất sớm, một niên trưởng đã dày công dẫn dắt đàn em, khi tôi mới được thuyên chuyển về Phòng Tâm lý Chiến  Bộ Tư Lệnh Không Quân để phụ trách Ban Phát Thanh, Truyền Hình và Báo Chí năm 1972.   

Vào ngày 1 tây tháng bảy năm 2019, các Hội Đoàn Không Quân Việt Nam Hải Ngoại đã tổ chức lễ kỷ niệm 64 năm thành lập Quân Chủng. Xin thành kính tưởng niệm các Niên Trưởng và Chiến Hữu Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã Vị Quốc Vong Thân trong cuộc chiến bảo về Miền Nam Việt Nam Tự Do, Dân Chủ (1954-1975)

                    Đào Hiếu Thảo/ KBC 3011/ VP TMT KQ

April 22, 2020