Đường vào Trại Phi Long
Đào Hiếu Thảo
Tân Sơn Nhất, Saigon năm 1968
Thông báo tuyển mộ vào các ngành Hải Quân, Không Quân, Trường Võ Bị Quốc Gia Dalat, Chiến Tranh Chính Trị, Cảnh Sát Quốc Gia, được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, sau khi lệnh Tổng Động Viên được chánh phủ ban hành khẩn cấp vào giữa tháng 6 năm 1968, năm Việt Cộng mở trận tổng công kích khắp các tỉnh thành Miền Nam, vào những ngày mừng Xuân, đón Tết Nguyên Đán.
Đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng lên đường tòng quân, tôi chọn Quân Chủng Không Quân Việt Nam, lúc đó đang cần những phi công điều khiển khu trục, vận tải, trực thăng, quan sát, cùng một số lớn chuyên viên kỹ thuật thuộc đủ mọi ngành nghề như: yểm trợ, bảo toàn, không lưu, tiếp liệu, truyền tin, hành chánh, tài chánh, huấn luyện, quân báo, phòng thủ, chiến tranh chính trị…
Khi nộp đơn dự kỳ thi tuyển tại cổng Trại Phi Long, Tân Sơn Nhất, Ban Tuyển Mộ thông báo ngày, giờ cùng địa điểm tổ chức các cuộc thi văn hoá và vấn đáp.
Kỳ thi tuyển sinh viên sĩ quan Không Quân Không Phi Hành diễn ra tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử, gần Lăng Cha Cả, bên cạnh nghĩa trang quân đội Pháp, cách căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất không xa.
Sinh viên sĩ quan Phi Hành, sau này khi thành tài sẽ điều khiển đủ loại phi cơ thuộc Không Quân Việt Nam, không cần phải thi tuyển văn hoá, tuy nhiên, phải trải qua những cuộc khám sức khoẻ rất cam go, kỹ càng, tiêu chuẩn về thể lực phải hoàn toàn, mọi dấu hiệu khác thường đều không được chấp nhận và ứng viên sẽ bị loại. Thông thường tỷ lệ được Hội Đồng Y khoa Không Quân áp dụng khi chọn các ứng viên phi công từ dân sự vào là 1%. Sau này khi nhu cầu chiến trường đòi hỏi gấp rút, Không Quân Việt Nam đón nhận các sĩ quan lục quân từ những đơn vị chiến đấu, khắp các Quân Khu, về học bay trực thăng, thì tiêu chuẩn đó được phần nào gia giảm.
Đến hôm thi tuyển vào các ngành không phi hành, bước vào sân trường Quốc Gia Nghĩa Tử, vì là sáng thứ bảy, học sinh không đến lớp, nhưng đã thấy chật cứng người, tầng nào, phòng nào cũng đầy ứng viên chờ đợi đến giờ thi, ước tính có đến vài ngàn người.
Đề thi bao gồm luận văn về kiến thức tổng quát, bài thi ngắn về triết, việt văn, toán lý hoá, sinh ngữ Anh, Pháp. Các giám khảo là sĩ quan Không Quân thuộc nhiều thế hệ từ đầu thập niên 50 về sau.
Bài thi viết Pháp Văn với đề tài “Vì sao bạn thích gia nhập Không Quân Việt Nam?” Không do dự hay cần suy nghĩ, một thực tế bỗng quay về từ trong ký ức. Tôi viết không ngừng nghỉ; “Khi tham gia Sư Đoàn Sinh Viên Bảo Vệ Thủ Đô Saigon, mới cách đó ít tháng, trong một phiên gác đêm, cùng tiểu đội đóng trên một cao ốc gần nhà máy đèn Chợ Quán, chúng tôi đã thấy rõ tận mắt sự can thiệp của các phi cơ trực thăng và vận tải võ trang, chống trả, truy kích và phá vỡ lực lượng Việt Cộng đang mở những cuộc pháo kích hướng vào nhiều mục tiêu dân sự ở Saigon.
Từ trên cao, tiểu đội của chúng tôi thấy những đóm lửa loé sáng cùng những tiếng nổ vang rền của đạn bích kích pháo rót bừa bãi vào các khu đông dân cư, không còn nghi ngờ gì nữa, nhất định đây không thể là từ các đơn vị quân đội Cộng Hoà, mà chắc chắn là tội ác của quân cộng sản Bắc Việt giết hại dân lành.
Chừng nửa giờ đồng hồ sau, các đợt pháo kích của cộng quân, chưa ngớt thì nhiều phi cơ trực thăng xuất hiện, bao vùng và tác xạ vào những vị trí của đối phương, trong khi đó, nhiều máy bay vận tải cũng có mặt tại chỗ, thả hoả châu soi sáng quanh khu vực được dùng làm bệ phóng các loại hoả tiễn và bích kích pháo của địch quân. Các tràng đại liên từ phi cơ vận tải bắn xối xả, phá vỡ và làm tắt tiếng những ổ trọng pháo của đối phương. Các trực thăng và vận tải cơ võ trang của Không Quân Việt Nam lưu lại trên vùng trời đến khi chiến trường được giải toả, an ninh vãn hồi thì họ biến dạng trong đêm tối.
Đêm hôm ấy, nếu không có sự can thiệp nhanh chóng và hữu hiệu của các phi cơ Không Quân Việt Nam thì sinh mạng của người dân còn bị uy hiếp, tình hình trong nội thành và ngoại ô Saigon còn lắm hiểm nguy.
Câu chuyện thật với đầy đủ tình tiết mà chúng tôi quan sát tận mắt, hồi hộp theo dõi ngay từ phút đầu cho đến hồi kết cuộc, giúp tôi nhận thức rằng ‘sức mạnh đến từ trên cao’, trong hoàn cảnh hôm ấy, chỉ duy nhất sức mạnh của Không Quân mới áp đảo và tiêu diệt được đối phương”.
Nhưng, chiến tranh không đơn giản như thế, vì còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác như sức mạnh của lòng dân, tinh thần của quân đội, sự hiện đại của võ khí, chiến lược đúng đắn, binh thư sáng tạo, như cổ nhân thường quan niệm là cần có “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà”.
May mắn lại đến với tôi một lần nữa, như kỳ thi tuyển xướng ngôn viên cho đài phát thanh Saigon hai năm trước, trong số trên ba ngàn năm trăm thí sinh dự thi vào khoá sinh viên sĩ quan Không phi hành năm 1968, tôi được ở trong số hơn 200 người trúng tuyển. Thế là tôi sắp bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, gĩa từ đời sống công chức, sinh viên, để bước chân vào quân ngũ.
Sau khi trúng tuyển cuộc khảo sát về văn hoá và sinh ngữ, chúng tôi được gọi đến căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất khám sức khoẻ. Tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao, mắt, tai mũi, họng, tim, phổi… cơ thể trong ngoài phải hoàn hảo. Nhiều ứng viên bị loại vì lý do sức khoẻ và con đường vào Trại Phi Long đã không thành, đành phải chuyển sang hướng đi khác. Anh em chúng tôi vẫn thường nhắc mỗi khi gặp lại nhau mấy chục năm sau là vì bắt buộc phải cân đủ 50 kí, nên trước khi đến trình diện Khối Quân Y, khám sức khoẻ, nếu thiếu cân nặng thì cố ăn hai tô phở, uống thêm coca, cà phê sao cho vừa đủ, cân xong thì ôm bụng chạy lẹ…Tiếp theo sau đợt khám sức khoẻ là phần điều chuẩn an ninh về cá nhân và gia cảnh của mỗi ứng viên. Những ai có liên hệ họ hàng với “phía bên kia” dù với bất cứ lý do nào, đều bị loại. Trên thực tế, cho dù có điều tra, suy tầm cẩn thận mấy thì về sau này cũng có một Trung uý lái khu trục phản lực F 5, ném bom Dinh Độc Lập sáng ngày mồng 8 tháng tư năm 1975, rồi đáp ở Đà Nẵng và một Thiếu uý khác, đào ngũ, vào bưng, rồi từ mật khu trốn về Hồ Thuỷ Tạ ở Dalat, năm 1973, cướp máy bay trực thăng đang đậu nơi ấy, mà phi công trưởng quên khoá cửa, tên không tặc lái máy bay đến đáp tại vùng gọi là “Giải Phóng”.
Hoàn tất mọi thủ tục theo yêu cầu, các ứng viên được cấp phát quân trang, quân dụng tại Đoàn Tiếp Liệu trong phi trường Tân Sơn Nhất, chuẩn bị cho ngày trình diện lên đường nhập ngũ để thụ huấn giai đoạn căn bản quân sự, bước đường mà mọi chiến binh đều phải trải qua.
Vài hôm trước ngày nhập ngũ, với đầu tóc hớt ngắn của một người lính, tôi đã xuất hiện trước màn ảnh truyền hình Saigon, đọc tin tức và chào tạm biệt khán, thính giả.
Ngày 30 tháng 9 năm 1968, từ tờ mờ sáng mang theo đầy đủ hành lý, tôi đến trình diện Ban Tuyển Mộ tại cổng Trại Phi Long, Tân Sơn Nhất, để làm thủ tục nhập ngũ, trong đó có điều kiện phải phục vụ Không Quân với tư cách sĩ quan hiện dịch trong thời hạn 8 năm và không được kết hôn trong thời gian thụ huấn ở các quân trường trong nước và hải ngoại.
Đoàn xe GMC nhắm hướng Hóc Môn, Quang Trung trực chỉ, và đưa anh em chúng tôi, gần 300 người đến Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3, Ngã Ba Trung Chánh là nơi tiếp nhận hàng chục ngàn khoá sinh gồm tân binh quân dịch, khoá sinh dự bị sĩ quan, các giáo chức, lực lượng bán quân sự… Tất cả đều được học tập, thao dợt quân sự trong vòng 10 tuần lễ, riêng các anh em binh sĩ, sau khi hoàn tất giai đoạn căn bản của một chiến binh, thì được bổ sung ngay cho hàng chục Sư Đoàn Bộ Binh, đóng khắp các Quân Khu và Vùng Chiến Thuật; từ Quang Trung họ được thuyên chuyển ngay ra chiến trường mà không được về phép thăm gia đình.
Khoá sinh dự bị sĩ quan chúng tôi, hàng tuần được về phép Saigon 24 giờ, hoặc 48 tiếng. Sau khi hoàn tất 10 tuần huấn luyện căn bản quân sự thì được chuyển lên Trường Bộ Binh Thủ Đức, theo học khoá trung đội trưởng tác chiến, trong thời gian sáu tháng, tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn uý, trước khi được gởi đi thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang và hai quân trường bên Hoa Kỳ, Texas và Indiana.
Những ngày đầu làm quen với cuộc sống chiến binh, là thời gian khó quên trong đời, thức giấc từ 3 giờ sáng, làm công tác vệ sinh doanh trại, dùng camen nhôm đựng cơm , canh, thức ăn, để chà láng các rãnh quanh doanh trại, đánh bóng như sân xi măng, chưa đạt yêu cầu thì phải chà đi chà lại, đôi khi mất hàng giờ. Tiếp theo là vệ sinh cá nhân, ăn sáng nhanh, rồi lãnh súng đạn, chuẩn bị lên đường ra bãi tập hay sân bắn.
Vì chưa quen nắng mưa, thức khuya, dậy sớm, tập luyện cam go, kỷ luật sắt thép, quá sức chịu đựng của con người, nên lần đi phép đầu tiên về thăm Saigon, lúc quay lại quân trường Quang Trung, bước chân thấy nặng nề, khựng lại, không ai muốn trở lại lò luyện thép, bốc lửa ấy nữa, nhưng khi nghĩ đến tương lai, đến những khung trời hứa hẹn, mà mình muốn mạo hiểm, tiến thân thì lại mạnh dạn qua cổng, trở về với thực tế, với cuộc sống chiến binh mà mình đã chọn, lý tưởng mình đang theo đuổi.
Nhờ những ngày rèn luyện dưới nắng nóng cháy da, đêm trong giao thông hào lạnh như cắt mà sau này, khi lâm cảnh tù đày nơi hoả ngục cộng sản trên đất Bắc, chúng tôi đã chịu đựng được bao cảnh khắt khe, nghiệt ngã, khổ sai, áp đặt từ phía những kẻ “thắng cuộc” đối với những người chiến bại, họ còn cho chúng tôi là “không đáng làm phân bón cho cây cỏ” là những người “lầm đường lạc lối, phản động, bán nước, chống phá nhân dân”? ! ?
Vậy, cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 được Hà Nội cho là một cuộc chiến “Thần Thánh” trận “Đại Thắng Mùa Xuân” có là chiến thắng của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa hay chỉ là một “Thế Cờ” quốc tế? Ai thắng, ai bại, ai thắng ai?
Thời gian và thực tế lịch sử đã có câu trả lời chính xác.
Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tháng 7 năm 2019
Nay thì công luận quốc tế cũng như người Việt trong nước và hải ngoại biết rõ “ Ai hèn với giặc, ác với dân?”, chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa mà người dân gọi là “xếp hàng cả ngày”, “xấu hổ cả nước”…sẽ đi về đâu? Chắc chúng ta ai cũng biết bài “Việt Nam Tôi Đâu?” của nhạc sĩ Việt Khang và bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh?” của cô giáo Trần Thị Lam là đáp số cho tương lai nước Việt khi mà tập đoàn Bắc Bộ Phủ còn thống trị trên quê hương mình.
Mới đây, giới quan sát thời cuộc so sánh nước Việt Nam có 95 triệu người mà thua kém Singapore với dân số 5 triệu về mọi mặt: y tế, giáo dục, môi trường, tự do ngôn luận. Về thu nhập, một người Singapore làm một năm bằng một người Việt làm trọn đời ?!
Viết ngày 4 tháng 7 năm 2019, kỷ niệm 243 năm Lễ Độc Lập Hoa Kỳ
Đào Hiếu Thảo/Đỗ Hiếu