Ba Chị Em- Ngọc Cường

BA CHỊ EM

Ngọc Cường

Thức giấc rồi nhưng còn mơ màng, nằm yên như vậy một chập. Rồi, Hiếu mở mắt. Trong bóng tối của căn phòng, lờ mờ bàn ghế lơ lửng như bị ai treo lên…Thấy trời bên ngoài còn tối, Hiều lại nhắm mắt, lắng tai nghe ngóng…Ngôi nhà hoàn toàn yên tĩnh, không một tiếng động . Hiếu chợt nhận ra mình đang ở Cali. Chàng đoán có lẽ ở trên lầu, anh chị Tường còn đang ngủ.
Không biết bây giờ là mấy giờ? Liếc nhìn quanh, Hiếu thấy trên mặt chiếc đồng hồ điện để cạnh giường, hiện ra con số 5.  Như vậy là 8 giờ sáng bên mình, chàng nghĩ thầm. Sau một giấc ngủ ngắn, nhưng cũng là đúng lúc chàng vẫn thức dậy thường ngày, chỉ vì khác múi giờ nên ở Cali lúc này còn quá sớm. Không biết làm gì, Hiếu quyết định ngủ thêm. Kéo chăn đắp kín người rồi nhắm mắt nhưng chàng nhận ra mình không còn buồn ngủ nữa.
Chuyến bay đêm qua từ Dayton đưa chàng tới phi trường LAX. Lấy được chiếc xe thuê, lái đến nhà bà chị cả ở Quận Cam thì đã khuya. Muốn tránh làm phiền người anh rể khó tính và cũng vì không đói bụng, Hiếu ăn qua loa thức ăn mua sẵn rồi đi ngủ. Hiếu được anh chị Tường và Nhung dành cho căn phòng dưới nhà, trước kia là phòng đứa con trai út nay đã đi làm xa.
Mơ màng, Hiếu vui vui thưởng thức cái thú nằm trên chiếc giường êm ấm, chăn gối mới giặt còn thoảng thơm mùi xà-phòng. Quả thật là chàng đang ở một nơi rất xa nhà, an nhàn nằm trông ngóng thời gian trôi. Ý nghĩ sáng nay không phải lồm cồm bò dậy đi làm mà được nằm ngủ nướng khiến chàng cảm thấy nhẹ nhõm, dễ thở, thoải mái như vừa trút được một gánh nặng oằn vai… mỉm cười thích thú.  Ít ra trong vài ngày tới, chàng không phải chịu đựng sự nhàm chán của một đời sống tẻ nhạt, với mọi ngày như một ngày ở Ohio, vừa hẻo lánh vừa quê mùa. Có đôi khi, bất chợt nhìn cảnh trí xung quanh, giật mình, không hiểu tại sao có thể chàng có mặt tại một nơi như thế này, cách xa quê hương Gia-Định của Hiếu cả nửa vòng trái đất? Cũng nhiều lần băn khoăn tự hỏi: nhờ phép lạ nào mà gia đình chàng lại đặt chân được tới nước Mỹ? Và, cuộc đời chàng làm sao lại ở trong cảnh ngộ này? Rồi cũng tự trả lời: phải chăng số phận đã muốn một người anh họ tình cờ đứng ra bảo trợ cho Hiếu mang vợ con đến Dayton? Thấm thoát đã trên hai mươi năm qua…Vận mệnh phải chăng cũng chẳng khác gì một canh bạc tùy thuộc đỏ den, may rủi, như bóng mây qua, như trời hết mưa rồi nắng và cứ thế xoay vòng?
Miên man nghĩ tới cả một tuần lễ ở Cali, cùng ba chị em vui vầy hội ngộ, với rất đông bạn bè họp mặt, trong lòng chàng tràn ngập nỗi hân hoan. Hiếu nằm yên, nghĩ ngợi lơ mơ như vậy không biết bao lâu? Thỉnh thoảng đâu đó, tiếng rồ máy xe chở hàng vọng vào từ ngoài xa lộ, báo hiệu một ngày bắt đầu rộn ràng nơi phố thị bôn ba…
Bỗng nhiên, từ một góc xa xôi nào đó trong ký ức, những hình ảnh mơ hồ của một thời quá khứ tưởng đã quên đi, lại len lén trở về, như một cơn gió thoảng giữa buổi trưa hè: Thoạt tiên là hình ảnh căn nhà nhỏ ở hẻm gần chợ Bà-Chiểu, trông cũ kỹ nhưng đánh dấu bao kỷ niệm của một quãng đời sống lây lất, vất vả, nghèo nàn, có vui buồn xen kẽ tuy luôn luôn đẹp, của đời lính một thời chinh chiến. Nhất là khi mới lập gia đình với Dung.Thế mà sáng nay, cũng hình ảnh này sao chứa chan tiếc nuối, có lẽ vì nó sẽ không bao giờ trở lại nữa? Trong thoáng giây, liên tưởng đẩy đi xa hơn nữa, nhớ về những ngày dĩ vãng lúc còn bé, thời ba chị em còn ở Hà-Nội và chàng tự hỏi: “Tại sao sáng nay bỗng dưng mình lại nhiều lưu luyến quá khứ thế? Hay bởi ý nghĩ sắp gặp lại chị Nhung khiến dĩ vãng đột ngột ập đến, lai láng như lũ tràn bờ…
Vừa lọt lòng đã mất mẹ, Hiếu coi biến cố ấy là điều bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của mình. Chẳng biết nguyên do bởi đâu, khi không Hiếu tự đổ lỗi cho mình đã gây ra cái chết của mẹ, hiểu một cách giản dị là nếu không vì mang nặng đẻ đau, nếu không có Hiếu ra đời ngày hôm ấy thì bà cụ hẳn vẫn còn sống? Trong gia đình, từ ông cụ cho đến những người trong họ, tất cả thường tránh nhắc đến cái chết của bà Thọ, vì vô tình, vì quên lãng hay vì sự mất mát gần như vô lý ấy là sự thật làm đau lòng mọi người? Lúc nhỏ, có lần Hiếu tò mò hỏi chị Nhung về căn bệnh của mẹ nhưng không được chị trả lời rõ ràng. Có một điều lạ là cứ mỗi khi tự nhận lỗi về cái chết của mẹ, sau vài giây phút bâng khuâng, Hiếu bỗng cảm thấy nhẹ nhõm, dễ chịu, như vừa giúp được ai điều gì.
Cả một thiếu thời không có mẹ, Hiếu cảm thấy lẻ loi trong cái gia đình nhỏ bé chỉ có ba chị em lủi thủi trong nhà, rất ít khi thấy bóng dáng ông bố. Mang nặng tâm trạng kẻ mồ côi, sợ bị ruồng bỏ nên, để kiếm một chỗ nương tựa, chàng thường tìm đến bạn bè, coi đó là nguồn an ủi, bù đắp cho sự thiếu vắng mẹ dưới mái ấm gia đình. Sau này, tự thâm tâm, Hiếu vẫn luôn cảm kích, luôn mang ơn bằng hữu về tình bạn của họ, coi họ như một gia đình thứ hai do chính mình chọn lựa. Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần, thực tế thì tâm tư, tình cảm trong Hiếu luôn bị giao động vì thiếu hẳn sự thương yêu, bảo bọc của một người mẹ. Nỗi thiếu vắng to lớn và không có gì thay thế được tình mẫu tử, khiến Hiếu tích lũy  nhiều mặc cảm tự ty, đưa tới ứng xử khác với bình thường cho dù sau này Hiếu kết hôn và chính  mình bước vào cuộc sống lứa đôi. Trong khi Dung dễ dàng kết bạn và ưa thích hội hè thì Hiếu lại khép kín, có cùng ý nghĩ như J.P. Sartre đã viết: “địa ngục là tha nhân.” Vốn nhút nhát, Hiếu tránh né chỗ đông, nhất là các buổi họp mặt đình đám ồn ào. Ngại giao du, hàng ngày sống thụ động như cái máy, lâu dần thành người yếm thế lúc nào không hay rồi cuối cùng là…Hiếu đâm sợ sống. Do nhiều khiếm khuyết ám ảnh từ tuổi thơ và cũng do bản chất yếu đuối, Hiếu ít khi muốn đương đầu với hoàn cảnh mà dễ dàng buông xuôi, trôi theo dòng đời để không phải gánh chịu thất bại. Vì vậy, Hiếu buồn bã nhận ra nhiều khi chàng không sống thật với chính mình mà nhìn đời như một vở kịch trình diễn trong một hí viện xa lạ, bản thân chàng cũng không dám là một kịch sĩ múa may quay cuồng trên sân khấu, mà chỉ đóng vai một khán giả thụ động, bắt buộc phải ngồi xem vở tuồng đang diễn ra với lòng hoang mang, khi cần thì vỗ tay và không có một chút hào hứng. Chàng thèm được như bạn bè, thấy họ dám sống hết mình, dám lao vào những cuộc tình ngay phút giây làm họ say mê bất kể chuyện gì ra sao ngày sau. Họ sẵn dàng trả giá cho hạnh phúc thoáng qua và khổ đau dai dẳng, dấn thân trong cuộc sống và chấp nhận có đầy đủ chua cay mặn ngọt đắng chát.
Ở vào tuổi thơ ấu, sớm phải trông cậy vào tình thương và sự đùm bọc của hai người chị, Hiếu mong muốn các chị sẽ thay thế mẹ mình và cùng lúc, cố tìm hình ảnh của bà mẹ qua các chị nhưng thực tế đã làm Hiếu thất vọng. Một nhà thơ nào đó đã viết: “Mỗi người chỉ một mẹ thôi!”  Phải khôn lớn thêm, Hiếu mới hiểu được rằng Mẹ là duy nhất, nhưng lại rất mơ hồ. Dẫu sao, Hiếu vẫn thắc mắc và thấy mình quanh quẩn với câu hỏi còn ở trong tâm khảm chàng cho tới bây giờ: “Chị Nhung hay chị Nhàn, chị nào giống mẹ nhất để Hiếu nương theo mà hình dung ra Mẹ?” 
Người trong họ thường nhận xét hai chị em Nhung và Nhàn không giống nhau, họ khác nhau cả về ngoại hình lẫn nội tâm. Chị Nhung có vóc dáng sang trọng, đẹp kiểu Tây Phương, thoáng trông có vẻ lạnh lùng nhưng thật ra chị đa cảm. Trái lại, chị Nhàn giống y hệt mẹ: mặt vuông, đôi mắt sáng,, bình thường là một thương gia tính toán khô khan với người ngoài vì đã dành hết yêu thương và hy sinh cho các con. Thấy vậy, nghe vậy khiến Hiếu càng bận tâm, xem những nhận xét ấy có phản chiếu đầy đủ con người các chị không?
Từ khi có gia đình riêng, Hiếu thường đùn việc giao tế cho Dung vì nghĩ là vợ lanh lợi hơn, có óc thực tế với nhiều kinh nghiệm sống để hiểu người khác nên dễ thành công. Lâu dần, Dung nghiễm nhiên trở thành bà nội tướng đảm đương mọi việc trong nhà, quyết định từ chi thu tiền nong cho đến dậy dỗ con cái. Gần đây, khi đã có tuổi và các con khôn lớn đi học xa, Hiếu mới bỗng nhiên thắc mắc, muốn tìm hiểu thêm về cá tính của mẹ, nhất là băn khoăn về nguyên nhân đưa đến cái chết của  bà, chỉ ít lâu sau khi bà sinh ra Hiếu. Đối với chàng, bệnh hậu sản chỉ là một từ ngữ mơ hồ, một cách nói chung chung khi nền y học còn thô sơ khiến mọi người không có lối giải thích khoa học nào khác?
Đã hơn ba năm rồi Hiếu mới lại về thăm Cali. Thời gian qua, chàng muốn dành nhiều thời giờ cho con cái đang học những năm cuối Đại Học. Lần này, chị Nhung gọi điện thoại rủ chàng qua chơi, cũng là để thăm anh Tường, mới được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt. Dù biết đây là loại lành tính và chậm phát triển, nhưng sau khi được chữa khỏi bệnh, Tường như tỉnh dậy từ một cơn mơ dữ, đâm ra suy nghĩ nhiều về sự mong manh của cuộc sống, nên quyết định bỏ việc để nghỉ hưu, chấm dứt sự nghiệp của một Luật sư danh tiếng, đang có văn phòng đông thân chủ ở Quận Cam.
Trong ba chị em, ngoài Hiếu ở Ohio, hai chị đều ở Cali và trong cùng khu phố biển thuộc tỉnh Huntington Beach. Trước khi chọn mua nhà, cả hai cùng nghĩ là sẽ ở gần nhau, hai gia đình sẽ có dịp qua lại thường xuyên để tình chị em vẫn gắn bó như thuở Saigon chưa mất. Họ chỉ không ngờ sau khi dọn đến, chạm mặt thực tế, hóa ra lại rất ít khi gặp nhau, lý do vì hai ông chồng, Tường và Huy tính nết xung khắc, quan hệ lỏng lẻo như hầu hết các anh em cột chèo trong nhiều gia đình khác! Bề ngoài, ai cũng nghĩ ông bà luật sư Tường nổi danh ở Bolsa, hai vợ chồng từng là một đôi “trai tài, gái sắc,” lừng lẫy cả hai phương diện tiền của và danh vọng trong giới thượng lưu của Thủ Đô người Việt tỵ nạn, tất nhiên hậu vận của họ cứ thế mà an bài. Thật ra, chăn thường có rận, chỉ người nằm trong chăn mới biết chăn không phải lúc nào cũng mướt mát, thơm tho và ấm áp.
Nghĩ tới đây, Hiếu bất giác mỉm cười, nhớ lại lời của Tường khi đang làm chung văn phòng di trú với bọn luật sư Mỹ. Anh than thở với chàng: “Anh rất chán cái nghề thầy cãi ở đây Hiếu ạ! Tụi da trắng nó kỳ thị và ở xứ này, phải lưu manh mới cạnh tranh nổi với bọn chúng.” Qua anh, Hiếu mới biết ngay cả ở cái đất nước văn minh với nhiều gia trị nhân bản cao quý này, một bản hợp đồng làm ăn luôn đem nhiều quyền lợi về cho người thân chủ chịu chi tiền xộp để đầu óc ông luật sư vận hành tốt chứ không phải để tìm kiếm sự công bằng cho cả hai đối tác. Hiếu tin lời anh Tường vì anh có phong cách nói chuyện chậm rãi, điềm tĩnh, cân nhắc, bất luận nội dung có thể gây tranh cãi vẫn không làm anh sôi nổi, đưa tới hớ hênh. Lập luận ứng khẩu của anh cũng vững chãi như bản lý đoán anh viết cho phiên tòa.
***
Tới Cali khuya đêm qua, ở Ohio lúc đó đã gần sáng, Hiếu không gọi điện thoại mà chỉ text báo tin cho vợ vì đoán chừng nàng còn đang ngủ. Bây giờ thì hẳn Dung đã đến sở. Không muốn gây tiếng động sớm trong ngôi nhà yên ắng, Hiếu rón rén mở cửa bước ra ngoài, định ra sân để gọi về cho vợ. Hé cửa phòng, Hiếu thấy bàn ghế hiện ra im lìm. Dưới ánh sáng lờ mờ, tầng dưới nhà trông còn trống hơn đêm qua, lúc chàng mới tới. Có lẽ vì trần cao, phòng khách nối liền với phòng ăn và bếp, trông mênh mông. Các vật dụng trang trí bày biện ngăn nắp, hòa hợp, có lẽ chủ nhân đã nhờ tới bàn tay chuyên nghiệp của một chuyên viên trang trí nội thất nào đó. Hiếu lập tức cảm nhận sự giàu sang mà hiu quạnh của anh chị mình, lòng như có chút ngậm ngùi. Hiếu cẩn thận di chuyển qua các bàn ghế câm nín, hướng về phía cửa lớn ra sau nhà. Một cơn gió lạnh tạt vào người, khiến chàng rùng mình. Đã vào Hè mà đêm Cali vẫn còn se lạnh. Phía xa, bóng những cây tùng trồng thẳng tắp dọc đường cái, in lên nền trời xám đục, đẹp như bức tranh tĩnh vật của thiên nhiên. Kiếm một góc hiên kín gió, Hiếu ngồi xuống cái bệ đá cạnh hồ cá nằm dọc bờ tường cao, ngăn cách với nhà hàng xóm. Thấy bóng người đến gần, vài con cá koi màu vàng đốm đen nổi lên dưới mấy tàng hoa súng, lượn lờ quanh chỗ Hiếu ngồi như chờ được cho ăn. Thấy không động tĩnh gì, chúng lại lặn xuống đáy, để lại những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ. Tiếng nước róc rách chảy, đều, nhẹ, qua một tảng đá to đặt nằm giữa hồ, nghe dễ chịu như tiếng võng ru. Lâu lâu, từ ngoài xa vọng vào tiếng động cơ xe cộ, làm nổi bật ranh giới rõ rệt giữa khu vườn êm ả, thanh tịnh và phố phường lao xao nhân thế ngoài kia, nhắc nhở cả một xã hội xô bồ, đầy cạnh tranh nghiệt ngã luôn chực chờ.
Bấm số điện thoại của vợ, Hiếu đinh ninh sẽ nghe tiếng nói của nàng nhưng sau nhiều hồi chuông, chỉ nghe tiếng nói của máy, yêu cầu để lời nhắn. Hụt hẫng, bâng khuâng buồn, Hiếu nghĩ đến mấy người bạn tù ở Quận Cam, muốn gọi rủ họ đi uống cà-phê nhưng kịp nhận ra bây giờ còn quá sớm, chàng đành ngồi lặng yên, nhìn vơ vẩn cảnh trí trong vườn. Bầu trời trên cao xám đục, vài cụm mây đen thong thả trôi…
Tiếng điện thoại trong túi áo chợt reo. Hiếu vội lấy ra nghe. Ở đầu giây bên kia, vẫn giọng nói quen thuộc, êm ái của Dung mọi khi nhưng làm Hiếu hồi hộp vì thường thì vợ hay lên lớp, dặn dò chuyện này chuyện nọ, khi thì nhắc khéo chồng tần tiện, đừng cao hứng tiêu xài phung phí mỗi khi gặp bạn bè, có khi còn chỉnh đốn chồng về sự vụng về lời ăn tiếng nói, nhất là những lần đi xa mà không có nàng đi cùng.
“Em đang trong sở nên không mở điện thoại. Có gì không anh? Sao anh dậy sớm quá vậy? Bên Cali bây giờ mới hơn bẩy giờ sáng.” Hiếu vội đáp: “Cả nhà chưa thức nhưng  anh thì không ngủ được.”.
Vội vã như đang bận rộn công việc, Dung nói nhanh: “Vậy thôi nhé! Anh kiếm cà-phê pha uống đi. À này, anh nhớ nói với hai chị là em vẫn làm giỗ Mẹ mỗi năm nhé! Năm nay anh về là đúng ngày giỗ đấy! Em nhắc anh nhớ hỏi xin chị Nhung tấm hình chụp ba chị em, lúc anh năm tuổi, để trong cuốn album ở xa-lông nhà chị. Nếu chị không cho thì anh hỏi mượn, mang về đây em chụp lại rồi phóng lớn ra. Em thích tấm hình ấy lắm mà ngại hỏi. Còn gì nữa không nhỉ? À, anh nhớ qua thăm nhà mới của chị Nhàn và anh Huy, đừng quên đấy!”
Quen miệng như dậy con, dặn dò chồng xong, Dung cúp máy.
Còn lại một mình trong buổi sáng tinh khôi, Hiếu tiếp tục mơ màng. Hôm qua, chuyến bay đến trễ, về tới nhà chị Nhung đã khuya, không gặp ai nên Hiếu cũng chưa biết hôm nay nhà có chương trình gì không? Lúc nãy, nghe vợ nhắc đến tấm ảnh đen trắng lâu đời, đã bạc màu, chỉ lớn hơn tấm hình làm căn cước một chút, chụp ba chị em khi còn ở phố Hàng Trống, Hiếu ngạc nhiên là sao Dung nhớ dai thế, càng không bỏ ý định mang nó về làm kỷ niệm riêng.
Mặc dầu tấm ảnh đó là kỷ niệm thời thanh xuân mới chớm của hai chị và tuổi thơ hồn nhiên của Hiếu, ai cũng tươi tắn trong cảnh nhà sung túc nhưng với Hiếu, nó nhắc nhở quãng đời côi cút, hẩm hiu của cả ba chị em mà Hiếu chỉ muốn quên đi, nói chi tới chuyện giữ nó làm của riêng như Dung muốn. Với cả hai chị, có lẽ tấm ảnh chỉ là một trong vô số kỷ niệm bình thường, không có gì đặc biệt so với cuộc sống sau này của hai người.
Hiển nhớ lại cách đây khoảng ba năm, trong một lần vợ chồng chàng qua Cali thăm đại gia đình, Dung đã tình cờ trông thấy bức ảnh đó. Nàng thành thật tấm tắc khen dung quang hai bà chị chồng hồi ấy trông đẹp và đài các. Quả thật trước khi di cư khỏi Hà Nội năm 1954, hai chị đã một thời được phong tặng danh hiệu hoa khôi Trưng Vương nhờ làn da trắng hồng, mịn màng, đôi mắt to đen, long lanh ánh nước, khuôn mặt trái soan, chiếc mũi dọc dừa giống bố. Lớn lên, Hiếu nghe kể lại khi mẹ còn, bố Thọ rất mực thương yêu và chăm chút các con. Ông thường cho hai chị được theo ông đi tản bộ ven Hồ Hoàn Kiếm và đi ăn cơm Tây, dạy con biết thưởng thức thú vui thanh lịch này với ông. Thế nhưng kể từ ngày góa bụa, ông thay đổi hẳn tính tình, ít khi ông có nhà và đối xử lạnh nhạt với đàn con y như chúng là nguyên nhân đưa tới cái chết hậu sản của bà.
Mặc dù chỉ là kế toán viên tại một công ty hàng hải thương thuyền của Pháp ở Hà-Nội, lương vừa đủ sống nhưng ông Thọ tậu được một biệt thự nhỏ ở phố Hàng Trống nhờ vào tiền gia đình bên vợ cho. Từ khi có bà mẹ ghẻ, ngôi nhà xưa kia là cõi thiên đàng của gia đình, nay là bãi chiến địa đầy nước mắt, cuộc sống ba chị em như ác mộng triền miên. Đối với Hiếu, ban đầu là như thế dù rằng càng về sau, khi khôn lớn hơn, chàng nhận ra, chính bà dì ghẻ cũng là nạn nhân một hoàn cảnh oái ăm khác do con tạo đặt ra, như tất cả mọi ai trong kiếp đời của họ. Xuất thân ít học, nghe đồn trước kia bà là ả đào ở xóm Khâm Thiên, được ông Thọ mê sau nhiều lần ghé chơi. Có chút nhan sắc và biệt tài chiều đàn ông, bà lèo lái người chồng góa bụa để thỏa ý riêng, lũ con ông Thọ bị bà coi là kẻ thù vì chúng chia sớt cả tình cảm lẫn tiền lương của ông.
Trưởng thành rồi, ôn lại ngày tháng cũ, Hiếu không còn căm ghét bà dì ghẻ nữa. Trái lại, thấy tội nghiệp cho phận đàn bà vừa thất học, vừa đa nghi, khổ lụy làm sao tránh khỏi? Thêm nữa, bi kịch của gia đình chàng giờ đây đã trở thành dĩ vãng vùi sâu dưới tro bụi thời gian, có còn gì nữa đâu mà oán với than? Có chăng là nỗi băn khoăn muốn tìm hiểu mẹ thật rõ cứ mãi mãi ám ảnh tâm tư chàng, không thể nào dứt bỏ. Mẹ là người như thế nào? Trong các con, ai giống bà nhất? Thuở sinh tiền, bà dạy dỗ, uốn nắn các con ra sao?
Nếu mẹ không mất sớm thì giờ đây Hiếu có là ai khác không? Hiếu có mất cơ hội để đạt  được danh vọng, sự nghiệp to tát, cưới vợ môn đăng hộ đối làm đẹp mặt trong họ ngoài hàng, lừng lẫy không kém ai không? Hay là lại thân thế long đong, trôi giạt mãi đâu?
Nghĩ tới đây, Hiếu bỗng mỉm cười, mừng thầm. Thế nào mặc lòng, Hiếu luôn cảm ơn số phận đã cho chàng gặp Dung rồi thành vợ chồng, cùng nhau trải qua nhiều cảnh ngộ gieo neo, cùng nhau sống sót nhờ tình yêu bền bỉ, sự hy sinh không đắn đo và khả năng ứng biến khôn khéo của Dung. Gần hay xa, hình ảnh vợ luôn cho Hiếu cảm giác êm đềm của hạnh phúc lứa đôi không gì so sánh được. Những ngày vất vả mưu sinh khi mới định cư ở Mỹ, Hiếu luôn có niềm an ủi mỗi buổi chiều về nhà, mở cửa bước vào, sung sướng nghe mùi thức ăn thoảng lên trong bếp, Dung hai má đỏ hồng lo nấu nướng cho cả nhà  nhưng vẫn không quên cất tiếng hỏi han chồng sau một ngày dài vắng tiếng nhau. Ngoài tình vợ chồng, suy từ tình mẹ con giữa Dung và lũ trẻ, Hiếu nghiệm ra văn chương, thi phú, âm nhạc, điêu khắc hay hội họa xưa nay ca tụng tình mẫu tử bằng mọi hình thái nghệ thuật chọn lọc, trau chuốt, ngỡ là thi vị hóa, thậm chí thánh hóa tình yêu ấy trong một thế giới tách biệt với cuộc nhân sinh la đà thế sự, thật ra, tình yêu ấy, bao gồm cả trái tim yểu mệnh của mẹ chàng, đã thực sự thánh hóa từng giây phút cuộc nhân sinh nhiều khổ lụy để con người có thể tồn tại và ca tụng tình Mẹ.
Vì vậy, tuy đã quá muộn, đôi khi Hiếu chép miệng, tự hỏi: “Tại sao bà dì ghẻ của chàng không chịu hé mở trái tim có sẵn trong lồng ngực bà, ban phát chút tình thương có sẵn ở đấy cho ba chị em chàng để bà cũng được đền đáp lại, được các con chồng cũng yêu thương bà, coi bà như người mẹ ruột mà họ đã mất vậy?” Làm được như thế thì đến cuối đời, lâm cảnh góa bụa, bà đã không phải sống hẩm hiu và chết trong cô quạnh! Âu là đành đổ cho nghiệp dĩ thôi!
***
Nắng đã lên cao từ lúc nào, bầu trời mây xám ban nãy bây giờ xanh cao, trong vắt, trải dài đến mênh mông khuất tầm mắt. Hiếu chợt cảm nhận chàng ngồi đây, nhỏ nhoi như một hạt cát trong bao la trời đất.
Chưa biết nên làm gì thì Hiếu nghe tiếng bước chân người từ phía trong nhà ra. Vừa đổi thế ngồi ngay ngắn lại, Hiếu nhận ra anh Tường đang đi về phía chàng, y phục tề chỉnh như mọi khi, sơ mi trắng, quần tây đen, là ủi thẳng tắp
Trông thấy Hiếu, Tường tự nhiên, tươi cười:
 “Cậu dậy sớm quá hả? Đêm qua nhớ vợ, ngủ được không? Sáng nay mình đi ăn sáng nhé? Mấy bữa nay Bolsa có phở đuôi bò, sale nửa giá, ăn cũng được lắm! ”
Anh đến sát chỗ Tường, vẫn vóc vạc cao và thanh cảnh, vẫn khuôn mặt chữ điền đầy nam tính, toàn thân toát lên vẻ tự tin nhuốm chút kiêu căng của một người biết mình có tài. Anh khiến Hiếu hơi ngạc nhiên và cả hy vọng vì dáng dấp khỏe mạnh, linh hoạt của anh không cho thấy dấu hiệu nào của ung thư đang hoành hành. Dù chỉ là anh rể nhưng Tường vẫn quan tâm săn sóc Hiếu hơn các em ruột của anh.
Trước năm 75, anh đã cho Hiếu tá túc trong nhà tuy hai anh em như sao hôm, sao mai, ít khi gặp nhau do Hiếu mặc cảm mình dư thừa, chỉ dùng nhà anh rể để có chỗ đi về lúc cần thiết và đêm nào cũng đi ngủ lang nhà bạn bè. Ý thức sự cưu mang rộng lượng của anh rể nên Hiếu luôn mang ơn anh. Tuy nhiên, Hiếu vẫn đồng thời cảm thấy như thể giữa hai người có một bức tường ngăn cách kiên cố, khó vượt qua. Sâu trong tiềm thức, có lẽ Hiếu có chút ganh tỵ về sự thành đạt của Tường. Thêm nữa, Hiếu cảm giác anh là người đã dùng lợi thế xã hội, cướp đi tình cảm của người chị dành cho đứa em út côi cút.
Ngày nay, giữa hai anh em khi Hiếu cũng đã trưởng thành, cá tính khác biệt của mỗi người mới lộ rõ: Tường thực tế, thông minh và thành công trong mọi việc anh làm. Hiếu thì mơ mộng hão huyền, không biết chắc mình muốn gì trong đời?
***
Trở lại hiện tại, Hiếu rời bệ hồ cá, đứng dậy chào anh. Thấy anh vẫn khỏe và tươi tắn, Hiếu phân vân không biết có nên hỏi thăm anh về bệnh ung thư hay không nhưng rồi chàng nhanh chóng quyết định hãy tạm lờ đi để tránh cho anh rể đỡ phải nghĩ ngợi trong buổi sáng đẹp trời này. Đi bên nhau vào lại nhà, Hiếu tìm câu chuyện làm quà: “Anh chị chọn mua ngôi nhà này đẹp quá! Chắc phải triệu bạc anh nhỉ?” Như chạm đúng băng tần, Tường hăm hở khoe luôn: “Một triệu thấm vào đâu với nhà ở Cali? Anh chị mua trên một triệu rưỡi đấy cậu ạ!” Vốn chả biết mô tê gì về giá cả địa ốc ở Cali, nghe tới con số triệu, Hiếu liên tưởng ngay đến căn nhà ở Ohio mà vợ chồng chàng mua được bằng đồng lương cày sâu cuốc bẫm của cả đôi, chàng xuýt xoa kêu lên: “Chao ôi, nhiều đến vậy cơ ạ?” Để niềm vui và tự hào của anh rể được trọn vẹn, Hiếu nói thêm: “Bên em, chỉ một phần mười số tiền anh chị bỏ ra là có ngay căn nhà ở được, anh chị ạ!” Nói xong, Hiếu thấy chàng hơi thiếu thành thực với các con số đưa ra nhưng vì cốt để anh rể vui nên Hiếu không bận tâm nữa.
Có lẽ nhà cửa luôn là điểm nóng trong câu chuyện trao đổi của dân Cali nên được thể, anh Tường hào hứng thao thao bất tuyệt với cậu em vợ:
“Ở Mỹ, nhiều người chẳng học hành gì, chỉ nhờ kinh doanh địa ốc mà trở thành triệu phú như chơi. Văn phòng của anh cũng lo dịch vụ giấy tờ mua bán nhà cửa nên biết mánh lới kinh doanh của giới trung gian, họ toàn mượn đầu heo nấu cháo vậy thôi. Bán được là ngon xơi 6 phần trăm giá trị căn nhà, chưa kể gặp thời giá nhà tăng vọt, còn lời thêm qua đầu tư. Bọn Mỹ họ tức cười lắm, chỉ tin vào bọn địa ốc nên không thích mua nhà do chủ bán trực tiếp dù giá rẻ hơn nhiều!”
Anh ngừng nói, nét mặt suy tư, khiến Hiếu đoán chừng anh sắp đề cập một chuyện gì quan trọng…Chập sau, anh cất tiếng:
“Tiếc quá, cậu qua chậm nên bây giờ đã hết thời rồi. Vả lại trước kia, cậu đã không nghe lời anh, học cho xong Luật ở Việt-Nam để anh đưa vào Bộ Ngoại Giao làm, 75 xảy ra đã có cơ hội qua Mỹ ngay hồi đó. Nếu thế, bây giờ sự nghiệp đã vững vàng…Cậu vào lính thì anh chịu thua, chả quen ông tướng ông tá nào để lo cho cậu cả! Qua Mỹ trễ như cậu, nhiều thiệt thòi lắm…”
Hiếu ngạc nhiên nghe anh rể nhắc lại một thời đã thành cổ tích cũ rích. Cứ mỗi khi nhớ lại thời học Luật ở Sài-Gòn, Hiếu lại nhớ việc “tụng” thuộc lòng mấy cuốn cua dầy cộm, khô khan, chả có gì hấp dẫn, nhất là hôm lần đầu tiên được cái mác sinh viên Đại Học, chàng hớn hở đến trường Luật, khó khăn lắm mới kiếm được một chỗ ngồi trong giảng đường rộng lớn chứa cả năm sáu trăm sinh viên. Đang nôn nóng ngồi chờ, bỗng cả lớp đồng loạt đứng dậy chào vị thầy vừa bước vào giảng đường, một ông trông lùn tịt và béo phệ. Đến khi nghe ông giảng, thật ra, ông ta  đọc bài thì đúng hơn, Hiếu thất vọng, đâm ra buồn ngủ và chán chường. Cả năm sau đó Hiếu không đi nghe giảng nữa, chỉ đến trường mua mấy tập cua quay ronéo của ban đại diện, mang về học  như con vẹt, cốt cho nhớ chứ chẳng cần suy luận gì cả!
Cuối năm học, may mắn đậu kỳ thi viết nhờ trúng tủ môn Pháp Chế Sử. Vào vấn đáp môn QuốcTế Công Pháp với giáo sư Chân, Hiếu bốc thăm nhằm đề thi hỏi về mấy Hội Đồng quản trị các hòn  đảo của Liên Hiệp Quốc.  Đây chỉ là một chú thích ngắn trong cả ngàn trang cua, chàng thẳng thắn lên tiếng than thở với vị giáo sư khả kính khảo hạch, không ngờ về nhà kể cho Tường nghe, mới biết ông là bạn học với anh ở trường Luật trước kia. Tường đề nghị xin ông cho Hiếu đậu nhưng Hiếu từ chối và chấp nhận bị đánh trượt! Biết mình rớt, Hiếu không buồn phiền mà  cảm thấy nhẹ nhàng như vừa thoát được cái ách trường Luật. Không tìm thấy lý tưởng qua bằng cấp, rồi lại chứng kiến thêm người anh rể đang là Giám Đốc Ngân Hàng Quốc Gia, làm công việc của một công chức cao cấp sáng vác ô đi – chiều vác về, Hiếu chán nản thực sự nên chàng quyết định bỏ đi Thủ Đức,
Kỷ niệm ấy đã trên bốn chục năm nhưng Hiếu vẫn tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua…
***
Như mới nhớ ra, Tường ngừng lại ở chỗ cái kệ gỗ, cầm bao thức ăn cho cá đến gần hồ, rải xuống một ít. Bầy cá koi lập tức ngoi lên, tranh nhau khua động mặt hồ. Cử chỉ cho cá ăn như một thói quen của anh khiến Hiếu có cảm giác anh nuôi cá chỉ để làm cảnh cho khu vườn chứ không chút gì hứng thú.
Xong xuôi, Tường cất lại bao đồ ăn vào chỗ cũ, quay sang ân cần hỏi Hiếu:
“Em muốn uống cà-phê ở nhà hay ra tiệm ăn sáng rồi uống luôn ngoài đó? Ở nhà chỉ có cà-phê instant và sữa đặc nhưng cà phê anh mua bên Pháp, ngon không thua gì cà phê phin pha kiểu cái nồi ngồi trên cái cốc ngoài tiệm Bolsa đâu!”
Đang thèm ly cà-phê buổi sáng, Hiếu đề nghị:
 “Nếu anh cũng uống ở nhà thì cho em xin một ly, còn nếu không, sao cũng được ạ.” “Được rồi, anh vào bếp làm cà phê cho cả hai anh em vì mình còn phải chờ chị Nhung  sửa soạn, lâu lắm.”
Nói xong, cả hai cùng bước vào trong nhà.
Căn phòng khách bây giờ chan hòa nắng, trông khác hẳn lúc sáng sớm, làm lộ vẻ sang trọng của đồ đạc mới và đắt tiền, càng khiến Hiếu cảm thấy xa lạ và không mấy thân thiện.
Tường lui cui nấu nước sôi từ cái phích điện, xong mở tủ bày các thứ cần thiết ra bàn. Anh làm một cách thành thạo và gọn ghẽ nên Hiếu cảm thấy mình thừa thãi, đang loanh quanh thì nhác thấy cây đàn dương cầm loại lớn, piano à queue, to đen và bóng loáng, Hiếu đến gần, sờ tay lên nắp hộp phím, toan mở ra gõ vài nốt nhưng lại thôi, miệng trầm trồ khen: “Hiệu Yamaha, đẹp quá. Chắc chị Nhung vẫn chơi mỗi ngày như thưở xưa ở Hà-Nội, Sàigon?”
Có lẽ Hiếu nói nhỏ nên Tường không nghe.
Cây đàn đắt tiền, đặt ở một góc phòng khách rộng lớn, dù chủ nhân không chạm tay mỗi ngày nhưng nó vẫn có tác dụng làm tăng vẻ quý phái và thanh lịch của tầng lớp thượng lưu Âu Á, thường có cô con gái ngồi dạo nhạc cổ điển như hình ảnh thường thấy trong các phim ảnh Tây Phương.
Trước đây ở Saigon và bây giờ ở Mỹ, nhiều gia đình có tiền hay mới giàu, đua nhau sắm đàn dương cầm, để trang hoàng hơn là có công dụng thực tiễn vỉ học dương cầm không đơn giản, vừa tốn kém vừa đòi hỏi năng khiếu và đam mê ở người học. Với Tường thì không phải vậy vì anh xuất thân từ một gia đình thế gia lệnh tộc, phú quý lâu đời với nhiều thế hệ con cháu nổi danh khoa bảng trên cả nước. Riêng anh, công danh hoạn lộ hanh thông, những năm cuối của Saigon, anh tham chính ở chức vụ Tổng trưởng trong nội các. Hơn nữa, vợ anh, chị Nhung của Hiếu, thời thiếu nữ từng được cha mẹ cho học đàn và chị chơi dương cầm rất hay. Cuộc tình của anh chị có lẽ đã bắt đầu bên những phím đàn. Vì vậy, đàn dương cầm là thú vui tao nhã của chị những khi rảnh rỗi, không thể thiếu trong bất cứ ngôi nhà nào chị ở.
Dù trước kia, anh chỉ giữ một chân Giám Đốc xoàng, trực thuộc hệ thống Ngân Hàng Quốc Gia nhưng đến gần cuối trào Cộng Hòa, do quen biết một bạn học ở Luật, anh bỗng được mời tham gia Nội Các trong chức vụ phụ tá Thứ Trưởng. Tiếc thay, sau đó, sự việc không thành. Tường có chút thất vọng vì lý do Nội Các không đồng ý có thêm chức Thứ Trưởng, sợ mang tiếng là để chia chác quyền hành, y hệt như các vị Tiên Chỉ ngày xưa vẫn giành nhau mâm xôi, nải chuối chốn đình làng. Thay vào đó, anh tạm nhận chân Đổng Lý với lời hứa hẹn sẽ có ngạch trật ngang với một Thứ Trưởng. Đó là niềm hãnh diện Tường vẫn mang theo khi di tản qua Mỹ. Tin tức trong giới công chức cao cấp Bộ Ngoại Giao hé lộ cho biết Mỹ sẽ bỏ rơi Việt-Nam, Tường dàn xếp cho vợ và hai con ra đi qua đường bay từ Tòa Đại Sứ Mỹ, phần anh nán lại để nghe ngóng tình hình.
Ra đi bất ngờ, không kịp báo cho một ai trong thân thuộc, Nhung chỉ nhắc chồng cố tìm cách đưa gia đình hai em đi sau và Tường hứa chắc với vợ là sẽ không bỏ Nhàn và Hiếu ở lại.
Tình hình sôi động, bị cấm trại ở Biên Hòa và bản thân là lính quèn, không mơ màng chuyện xuất ngoại vì không có học vị đại học, tiếng Anh cũng ăn đong nên Hiếu tự lượng sức mình, sang Mỹ biết làm gì sinh sống?
Cuối tháng Tư, Dung thình lình từ Gia Định lên đơn vị kiếm chồng, báo tin là Nhung đã đi Mỹ và giục Hiếu về Sài-Gòn, đến xin Tường cho đi gấp. Hiếu may mắn xin được cái giấy phép đặc biệt nên vội vã trở về nhà.
Nhớ lại tối hôm vợ chồng Hiếu chạy đến gặp Tường, hớn hở ngỏ lời, kinh ngạc thấy ông anh rể nho nhã mọi khi trợn mắt quát to:
 “Cậu là sĩ quan mà đòi trốn đi thì ai đánh nhau với Cộng Sản? Không biết xấu hổ à?”
Điếng người vì hổ thẹn, vợ chồng Hiếu lủi thủi cúi đầu ra về mà ấm ức ngập lòng, muốn kêu Trời thì trời quá xa. Chợt nghĩ đến chị Nhàn và anh Huy, vợ chồng cố vớt vát tình thế tuyệt vọng nên ghé vào thăm, cốt để lôi kéo anh chị cùng đến xin Tường cơ hội di tản nhưng người anh rể này không muốn đi vì còn vướng cha  mẹ già, không nỡ bỏ lại. Huy giải thích với Hiếu anh là một giáo sư dậy toán, dù miền Nam có sập tiệm, anh cũng không bị liên lụy gì.
***
Đến cái ngày đổi đời, Hiếu trở lại cư xá Ngân Hàng tìm Tường, hàng xóm cho biết Tường đã ra đi, bỏ lại nguyên căn nhà với tất cả đồ đạc nguyên vẹn, chỉ không biết anh đào thoát lúc nào và bằng cách gì? Mấy ngày sau đó, túng quẫn vì lương lính, tính liền, đứa con gái đầu lòng đã hết sữa bú, Hiếu chạy xe đạp qua nhà Huy để hỏi xin chị Nhàn chút ít tiền nhưng bị chị khước từ khéo. Hiếu ra về, kể lại tự sự cho Dung nghe với hai hàng nước mắt hờn tủi, không biết rằng qua hai lần chạm trán với hậu quả đổi đời bạc bẽo, anh Huy bắt đầu hối tiếc đã không tính toán việc đi Mỹ, nay không chỉ túng thiếu mà còn phải lo trình diện đi học tập cải tạo theo lệnh tập trung của chế độ mới nữa dù anh chỉ là một sĩ quan biệt phái.
Trong những năm tháng dài qua các trại tù, Hiếu càng thấm ngấm nỗi đoạn trường của đất nước những ngày hấp hối, của chính mình và của biết bao bạn bé, thân thuộc. Đôi lúc, Hiếu không khỏi oán hận gia đình đã bỏ rơi mình, nghĩ chị Nhàn sao có thể ích kỷ đến thế…Khổ đau lâu dài, suy nghĩ quẩn quanh mãi, Hiếu chợt ngộ ra chàng nên thay đổi cách nhìn con người, sự việc và cuộc đời nơi chính chàng vì đó là thay đổi duy nhất có thể có được trong cái đống xà bần quá khứ đã vun thành nấm mồ dĩ vãng, không còn thay đổi được, xót xa cho lắm cũng hoài mà thôi! Nếu có trách, hãy trách mình trước và rút ra bài học cho những ngày sắp tới.
***
Nghe tiếng nước sôi reo lên trong cái phích điện, Tường bảo Hiếu:
“Cậu tự pha cà phê theo ý mình đi. Anh không biết gu của Hiếu thế nào? ”
Hiếu tiến đến quầy bếp, mở nắp hộp cà-phê hiệu Nestlé nhập cảng từ Pháp, hỏi thầm:  không biết cà phê này có gì đặc biệt hơn cà-phê Starbucks hay không mà ông anh rể đã cầu kỳ đặt mua tận bênTây? Có lẽ Tường đi Pháp tu nghiệp nhiều lần nên thấy cái gì của Tây cũng là nhất, chả thế mà bạn bè thế hệ anh thường tán tụng bảo nhau đến Paris một lần rồi chết cũng đành!
Hiếu chưa bao giờ qua Pháp nhưng đã nghe chị Nhung sau mấy lần tháp tùng anh rể,  than phiền là bên Tây vừa dơ bẩn, vừa nghèo nàn, nhà cửa chật chội, phòng tắm bé tí teo, có khi cả một chung cư chỉ rộng bằng cái phòng khách nhà chị. Du khách tản bộ trên vỉa hè Paris, vô ý là dẫm phải mìn thải ra từ mấy cô cậu chó cưng được các bà đầm dắt đi chơi mỗi sáng. Ở nhiều góc phố, mấy ông Tây say rượu phóng uế khai rùm! Phải chăng ấn tượng về một vẻ đẹp, khi đã in vào tâm khảm từ lúc trẻ thì rất khó xóa bỏ, bất kể thực tại phũ phàng tới đâu?
Hiếu lấy vào tách của mình một muỗng cà-phê bột, rót nước sôi vào tách. Một mùi thơm đặc biệt, thoảng hơi khét như củi cháy, nhưng đầm ấm của cà-phê, phảng phất theo làn khói mỏng bay lên. Hiếu cho thêm một muỗng sữa đặc, khuấy đều, màu đen của cà phê đổi sang màu nâu nhạt ánh lên trong cái tách men trắng. Hiếu nhấp thử một ngụm, lắng nghe vị béo ngọt quyện với hương cà-phê Pháp khá đặc biệt thấm dần trong cuống họng, nuốt xuống rồi vẫn còn dư vị trên đầu lưỡi. Tường cầm ly cà phê anh tự làm và đến ngồi xuống xa lông.
Như thói quen hàng ngày mỗi buổi sáng, Tường bật ti-vi kiếm Đài xem tin tức. Một lát, có lẽ sực nhớ cậu em vợ đang ngồi cùng, anh bèn quay qua và bắt chuyện:
“Các con em lớn cả rồi chứ hả? Vào đại học hết chưa?…Cậu toàn con gái là may lắm đó, sau này dễ được nhờ… Thời buổi bây giờ, con trai, con gái cũng giống nhau thôi…Anh chị có hai thằng con trai mà chẳng ra sao cả…Tụi nó có bao giờ héo lánh về cái nhà này đâu? Họa chăng là khi cần vòi tiền mẹ thôi! Chị Nhung nuông chiều con lắm nên chúng đâm hư. Người ta bảo con hư tại mẹ, anh thấy không sai chút nào.”
Nghe anh rể than vãn, Hiếu nghĩ thầm anh không công bằng với bà chị của mình…Nghĩ vậy xong, liên tưởng đến Dung, Hiếu thấy Dung nghe chừng cũng chẳng khác ông anh rể. Nàng hay khen các con ngoan, học giỏi và thường ỉ ôi dành hết công lao nuôi dạy con vế phần mình: “Ông Hiếu chẳng bao chịu khuyên bảo con cái, chỉ biết chiều chúng thôi…Trong nhà này, một mình tôi dậy dỗ chúng nên mới được như ngày hôm nay đấy!”
Nhìn kỹ anh rể, Hiếu thấy Tường già đi nhiều so với lần trước chàng qua Cali dù thời gian chỉ cách có ba năm. Con người ở đây bận rộn, ngoảnh đi ngoảnh lại giật mình thấy dấu vết của tháng năm mà sợ! Thời gian không tuổi nhưng người thì già đi rất nhanh theo những tờ lịch mỏng. Giờ đây, khuôn mặt Tường có thêm nhiều nếp nhăn, da dẻ bớt căng làm gò má như mọng ra, mái tóc anh bạc trắng, chỉ có đôi mắt vẫn còn nguyên nét tinh anh như ngày nào…
Hơn nửa thế kỷ trước, lúc mới quen chị Nhung, anh là một công tử Hà Thành sáng giá, một sinh viên trường Luật hào hoa, phong nhã, ăn chơi có tiếng trong giới trưởng giả Thăng Long. Tuy vậy, trong nhà Hiếu không ai biết bí mật đó. Chị Nhung có đoán già đoán non nhưng chỉ nghi ngại mơ hồ thôi những khi anh xuất hiện bất thường, trông hốc hác như người thiếu ngủ. Chị hoàn toàn không ngờ là Tường thường có nhiều đêm thức trắng để sát phạt quanh bàn xì-phé, môi lúc nào cũng ngậm lệch điếu thuốc lá Bastos theo kiểu của tài tử Humphrey Bogart nổi danh thời đó…
Đặt ly cà phê xuống bàn với vẻ thỏa mãn, Tường cười cười nói tiếp: “Mà này. nếu gia đình em cứ ở miết Ohio thì mấy cô con gái sau này dễ lấy Mỹ lắm đấy, nói tiếng Anh mỏi miệng em ạ! Thôi, tìm cách dọn qua đây đi…Thời gian đầu cứ ở với anh chị, nhà này dư phòng…Chị Nhung thường xót xa nhắc đến cậu em ít khi gặp.Chị nói là nhà có ba chị em, nay hai chị đều ở gần nhau, chỉ còn mình cậu xa xôi thôi. “
Đã từng nhiều lần nghe điệp khúc than phiền này, Hiếu ậm ừ trả lời: “Em làm thợ tiện, lương ít lắm. Qua đây, muốn mua cái ga-ra nhà anh cũng rất khó. Vả lại, tụi em trót mọc rễ ở Ohio rồi anh ạ! Các cháu có lấy chồng Mỹ thì cũng là số thôi, em làm sao hơn được?” Nghe Hiếu trả lời xuôi xị. Tường ngồi thẳng người lên, giọng kẻ cả lên lớp em vợ: “Số với mệnh! Cậu đã làm hết sức mình chưa rồi hãy đổ cho số mệnh? Có Trời mà cũng có ta nữa chứ? Trước kia giá cậu chịu nghe lời anh, ráng học xong cái bằng Luật như anh thì bây giờ có nói tại số không? Cứ cắm cúi đi làm thợ, bao giờ em mới ngoi lên được trong xã hội này?”
Hiếu yên lặng, thấy rõ sự khác biệt giữa mình và Tường về quan niệm sống. Tường xông xáo, lăn sả vào công danh, sự nghiệp và gia đình. Đối với anh, sống là phải sống với tiền tài và danh vọng, không có những thứ đó là khổ, là thất bại. Và muốn có được những thứ đó, con người phải tranh thắng như con cọp rượt bắt con nai trong rừng. Hoàn toàn tương phản với anh rể, Hiếu suối đời lơ mơ chân trong chân ngoài thế sự, coi tiền tài, chức phận chỉ là ảo ảnh, phù phiếm, làm khổ con người nhiều hơn là tạo ra hạnh phúc.
Để giữ hòa khí giữa anh em, Hiếu thường tránh cãi lý với Tường, biết trước sẽ chẳng đi đến đâu. Đối với Hiếu, ở đời, người nào phận nấy, chẳng có ai hơn kém ai. Tường đi con đường của anh, đạt được mọi thứ anh muốn. Còn Hiếu, vì nghèo mà chê tiền của anh thì chẳng khác gì người mù dám chê phong cảnh…Hiếu bằng lòng với những gì mình có: mối tình thủy chung với Dung và mấy đứa con ngoan…Có lẽ trong mắt nhiều người khác, những gì Hiếu có và trân quý cũng tầm thường thôi, cớ sao phải bận tâm vì mọi người nghĩ gì? Hạnh phúc với mình trong cuộc đời ai cũng thở than là bể khổ, chẳng thần tiên ư?
Sự im lặng đột ngột giữa hai anh em trở nên khó xử, Hiếu muốn đổi đề tài và sực nhớ chuyện tấm ảnh cũ mà Dung ân cần dặn dò chồng phải xin cho bằng được. Hiếu Đứng dậy, đến gần mấy cuốn album dầy cộm để bên dưới cái kệ TV to tướng, lân la hỏi Tường: “Trong mấy cuốn album này, có nhiều hình ảnh cũ của gia đình thời ở Hàng Trống không anh?”
Tường trả lời thật nhanh: “Anh it khi dở ra xem nên không nhớ rõ…Lát nữa, cậu hỏi chị Nhung.”
Chuông điện thoại reo phía góc bếp. Tường chậm rãi đứng dậy nhưng chưa bước tới thì chuông đã tắt. Trở lại chỗ ngồi, anh nói như giải thích: “Chắc Chị Nhung trên lầu đã nghe rồi. Hôm nay có cậu, chị dậy sớm đấy. Mọi sáng, chín mười giờ chị mới thức. Buổi tối, anh chị thường hay thức khuya xem phim bộ Đại Hàn…Hay lắm, không khác gì  truyện của Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa, tình tiết éo le và lãng mạn, xem mê luôn. Bên đó, Hiếu có coi không?”
Bị hỏi bất ngờ, Hiếu ngẩn ra vì sự so sánh hời hợt của anh rể vừa rồi. Phim bộ, đa số xây dựng trên các tình tiết quanh co, khúc mắc, cốt sao hấp dẫn khán giả với tác dụng giải trí, tắt phim là hết rơi nước mắt, nội dung tâm lý các nhân vật cũng chỉ gồm có hai màu đen/trắng, tốt hay xấu, thiện hay ác, coi xong là quên, làm sao ví với văn chương luận đề của Tự Lực Văn Đoàn, chủ trương cải tổ xã hội và nâng cao ý thức của người dân?
Từ khi qua Mỹ, đi tới đâu Hiếu cũng chỉ nghe nói đến phim bộ kiếm hiệp của Tàu Hồng Kông mà dân gốc Việt bên Ohio mê mệt, nhà nào cũng coi hàng đêm thiếu đường bỏ cả ăn ngủ. Nhiều ông bà cụ rảnh rỗi, ở nhà không có việc gì làm, mê xem không ngưng được, chứ chàng có biết phim bộ Đại-Hàn thế nào đâu nên trả lời: “Bọn em đi làm về phải lo nhà cửa con cái, chẳng còn thời giờ xem cái gì cả, ti-vi cũng ít khi mở ra.”
Nói xong, liếc nhìn trên kệ cạnh máy truyền hình, chàng thấy một chồng phim để ngổn ngang, có lẽ anh chị thuê ở Bolsa về để sẵn đấy làm thú tiêu khiển.
Tiếng cửa mở lạch cạch trên lầu, Hiếu ngước nhìn về phía cầu thang, thấy Nhung đang đi xuống, bước chân nhẹ nhàng và dáng vẻ mềm mại. Chị đi chậm rãi, hơi có chút yếu đuối. Chị vẫn giữ được vóc người mảnh mai thời con gái, khuôn mặt tươi tắn nhờ khéo trang điểm nhưng mái tóc rẽ ngôi bên đã có chỗ thưa hói, thuốc nhuộm vẫn không che được hết. Ở tuổi ngoài bẩy mươi, sống mũi thon cao, khuôn mặt trái soan thanh tú, ở chị vẫn còn lưu lại nét đẹp một thời tuy ánh mắt đã kém phần trong trẻo. Nhìn chị, Hiếu không khỏi xao xuyến trong lòng và than thẩm: “Ôi, thời gian quả đã không chừa ai!” Một cảm giác buồn nhè nhẹ như vạt nắng chiều phai dâng lên trong hồn chàng.
Chị lẳng lặng di chuyển trong phòng khách như xung quanh không có ai, không cả một lời chào hỏi đầu ngày, có lẽ với chị, cả chồng, cả em mới ở xa về đêm hôm qua đều đã quá quen thuộc, đã hiện diện ở đây như vậy lâu rồi, không cần phải khách sáo nữa. Chị đi thẳng tới bếp, mở tủ gắn trên tường, lấy gói trà chị vẫn uống, thong thả xé ra, châm nước sôi lưng tách rồi đến ngồi cạnh chồng, cử chỉ khoan thai, đề độ, làm như cả thế giới lúc nào cũng phải chờ đợi chị. Nâng tách lên, định uống nhưng có lẽ vì trà còn nóng, chị lại đặt tách xuống bàn, chậm rãi nói với chồng: “Cô Nhàn mới gọi sang, nói vợ chồng sẽ qua đây đón tất cả đi ăn sáng.” Như sực nhớ ra, chị thêm: “Này Hiếu, chị Nhàn nhắc là thứ Bẩy này, cậu có đi chơi đâu cứ đi nhưng nhớ buổi trưa chị ấy sẽ làm giỗ Mẹ ở bên ấy đấy.” Đến đây, giọng chị bùi ngùi: “Mọi năm, hai chị vẫn thay phiên nhau làm giỗ cha mẹ nhưng chị Nhàn bao giờ cũng cúng cơm chay vì Nhàn tin là giỗ chay tốt cho người chết hơn là giỗ mặn. Còn chị, chị cho là dương sao âm vậy, chị cúng những món sinh thời các cụ hay ăn, toàn là món mặn cả.”
Nghe vợ nói đến chuyện đi ăn sáng có cả Huy, chồng Nhàn, là anh em cột chèo với Tường nhưng xưa nay họ vốn kị nhau,Tường nhăn mặt: “Hôm qua, anh đã nói với em là sáng nay chúng ta đưa Hiếu đi ăn phở đuôi bò rồi mà, sao bây giờ còn có cả Huy và Nhàn nữa? Em biết là Huy ăn chay, đi chung sao được?” Có lẽ đã quá quen với phản ứng không có tác dụng của chồng, Nhung lững lờ trả lời: “Cô Nhàn thấy Hiếu mới qua chơi, muốn gặp cậu ấy thì đã sao? Ăn uống ở đâu, cái gì chả được, anh chỉ quan trọng chuyện nhỏ nhặt.”
Tránh to chuyện mà cũng như sẵn dịp, Hiếu vội lên tiếng: “Chị Nhung ơi, Dung muốn xin tấm ảnh chụp ba chị em mình lúc nhà còn ở nhà Hàng Trống. Chị cho tụi em mượn về để đưa tiệm chụp lại rồi trả chị bản chính, có được không?”  Phất tay chỉ đống album trên kệ, Nhung đáp: “Nó ở trong mấy cuốn album này, cậu kiếm được, cứ lấy về. Chị còn nhiều hình lắm mà bỏ đâu chẳng biết nữa. Có lẽ hôm nào phải nhờ cậu giúp chị soạn lại. Dọn nhà nhiều lần, đồ đạc để lung tung, chẳng biết đâu mà tìm.”
Được lời, Hiếu đứng tắp dậy, bước tới kệ, lôi từng cuốn album ra xăm xoi, tìm tấm ảnh cũ…Bỏ qua những cuốn album ảnh chụp mới, Hiếu tìm được đúng cuốn album lưu giữ toàn hình ngày xưa. Mừng như mở cờ trong bụng, Hiếu kiếm câu chuyện làm quà cho không khí bớt lạnh nhạt giữa anh chị: “Dạo này chị còn chơi piano thường không vậy?  Ngày trước, em nhớ chị còn đi dậy đàn nữa mà, phải không ?”
“Không, đã lâu lắm chị không ngồi vào đàn nữa. Em nhớ đúng đấy, thời ở Hà-Nội, chị có đi dậy đàn để kiếm tiền mua sắm vì cô keo kiệt với chị. Bà giữ hết tiền của ông cụ, không cho ai sắm sửa, may mặc gì cả. Lúc đó, cả ba chị em, khổ ơi là khổ! Mà thôi, chị đã luôn nhủ lòng không thèm nhắc những gì đã qua nữa, chỉ thêm buồn.” Nói xong, chị ngồi yên lặng, lơ đãng nhìn ra vườn.
Mở đến trang cuối của cuốn album, trông thấy tấm ảnh ba chị em nhỏ xíu nằm chênh vênh một mình giữa một trang, Hiếu lấy tấm ảnh ra, ngắm nghía, rồi đưa lên cao, khoe: “ Em tìm được rồi! Chị còn nhớ tấm hình này chị chụp năm nào không?”  Nhung chìa tay, cầm tấm ảnh, nhìn chăm chú như cố nhớ lại: “Chụp một năm trước di-cư, như vậy là năm 53. Lúc ấy anh Tường đang học Luật ở Hà-Nội.Vào Sài-Gòn thì anh chị làm đám cưới sau khi anh lấy xong bằng cử nhân.”
Đưa trả tấm ảnh cho Hiếu, Nhung nói giọng ân cần: “Cậu mang ảnh về cho Dung. Chị còn nhiều tấm kỷ niệm khác.”
Hiếu hơi ngạc nhiên về sự dễ dãi của chị. Chị thật còn nhiều ảnh kỷ niệm khác hay với chị bây giờ, kỷ niệm cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều nữa? Hiếu bâng khuâng nhìn vào tấm ảnh chính mình ngày xa xưa bên cạnh hai chị. Cả một quãng đời với bao nhiêu điều đáng ghi nhớ gói ghém trong bức hình này, chẳng khác gì một cuốn phim vô âm đang cuồn cuộn mở ra trong ký ức Hiếu. Đưa lên sát mặt để nhìn cho rõ, tấm hình nhỏ xíu, khổ lớn hơn hình căn cước một chút, cũ kỹ, mờ ảo, cả ba chị em đều không ai còn rõ nét. Đã thế, trên ảnh còn cả cái dấu tròn xoe, in nổi tên của hiệu ảnh Thăng Long Studio, Hà-Nội. Trong ảnh, chị Nhung ngồi cạnh cây đàn dương cầm, tươi cười như một đóa hoa mới nở, quàng tay ôm Hiếu đứng trước, chị Nhàn đứng phía sau. Có lẽ lúc ấy đang  mùa Đông ở Hà-Nội, ai cũng mặc quần áo ấm. Nhung áo dài màu trắng, khăn quàng trắng vắt hờ hững qua vai, hai đầu khăn buông xuống hai bên ngực, trông như mấy ông cha cố nhà thờ. Hiếu ngây thơ cười toe, để lộ hàm răng đều và nhỏ, có vẻ ấm áp trong cái áo nỉ màu xám nhạt, cũ kỹ. Nhàn đứng phía trong cùng, nổi bật nhờ mặc chiếc áo dài nhung, màu đậm.
Nhìn thoáng qua, Nhung và Nhàn trông không giống nhau nhưng nhìn kỹ. thấy cả hai có nét giống nhau, rõ ràng là chị em ruột một nhà: Cả hai đều có đôi mắt sáng, đen lánh, sống mũi thẳng và làn da trắng, có khác nhau tí chút là ở khuôn mặt. Nhung có chiếc cằm thuôn của người thiếu nữ đài các, Nhàn cằm vuông, cương nghị giống mẹ.
Trong hình, cả ba chị em đều đang cười, khiến Hiếu bâng khuâng tự hỏi: hồi ấy họ có vui thật không hay nụ cười chỉ là phản xạ khi đứng trước máy ảnh, chăm chú chờ nghe tiếng click nhỏ của nó để…thở phào vì đã đóng xong vai tuồng hạnh phúc? Còn bé nhưng từ thơ ấu, Hiếu sớm nhận ra rằng rất ít khi những đứa trẻ mồ côi mẹ trong một gia đình ông bố không thể ở vậy nuôi con mà có được cuộc sống vui tươi trọn vẹn lắm.
Cầm mãi tấm ảnh nặng trĩu dĩ vãng trên tay, Hiếu đề nghị: “Để em mang cất cái ảnh quý này đã.”  Nói xong, chàng rảo bước vào phòng.
Có tiếng chuông cửa, tiếng bước chân và tiếng cười nói trước hiên nhà. Hiếu vội vàng cất tấm ảnh vào va-ly rồi quay ra. Ở phòng khách, cả bốn người đang đứng quanh sa-lông nói chuyện xôn xao. Nhàn đang bàn cãi với Tường và Nhung về mấy cái nhà mới đăng bán trong xóm, về giá cả địa ốc trong vùng Quận Cam đang xuống dốc. Huy đứng riêng một nơi, không tham gia. Thấy Hiếu, Huy bước lại gần, cười, hỏi thăm: “Tối hôm qua cậu sang trễ quá hả? Lần này ở chơi được bao lâu?”
“Chừng một tuẩn anh ạ! Anh chị vẫn thường chứ? Nghe chị Nhàn nói lúc này anh ăn chay trường?” Vừa trả lời, Hiếu vừa quan sát, thấy Huy già đi nhiều. Tóc anh đã rụng gần hết rồi, làm anh trông hao hao như tài tử Yul Bryner trong phim The King and I, thập niên 60.  Huy vẫn có nụ cười hồn nhiên, thành thật và cởi mở như mọi khi: “Ăn chay nhưng không “trường” đâu. Hôm nay đi ăn phở đuôi bò với cậu cho vui đây này.” Như sẵn đà, anh nói tiếp: “Anh đang tìm hiểu thêm về Đạo Phật chứ chưa tu hành gì cả. Anh có nghe Thầy Hằng Trường giảng về thiền rất hay, nếu cậu muốn, anh đưa tape cho cậu đem về nghe?” “Vậy thì còn gì bằng vì nhà em cũng hay đi nghe giảng pháp lắm, cảm ơn anh ạ!” Đến đây, cả hai cùng tạm ngưng câu chuyện và cùng đứng yên lặng nghe ba người kia nói chuyện thị phi. Trong hai anh rể, tính Huy xuề xòa, dễ chịu hơn Tường. Huy an phận, sống thiên về nội tâm, nhất là từ khi về hưu, anh tìm hiểu về Đạo Phật như một khoa học lý giải việc đời, hợp với Huy vốn là giáo sư Toán, chủ trương sự hợp lý và trong sáng là quy luật tồn tại của vạn vật trong vũ trụ, tựa như môt bài toán đẹp phải cò lòi giải chính xác.
Không biết vì duyên phận, hay do cái tình sống với nhau lâu ngày, lây tính nhau như thường thấy ở nhiều đôi vợ chồng già, Tường và Nhung đôi khi khắc khẩu song họ lại rất ăn khớp nhau trong hành xử, người này là cái bóng của người kia. Còn Huy và Nhàn, ngoài những va chạm khi này khi khác, không tránh khỏi, xem ra họ đồng điệu hơn. Cả hai bản tính kín đáo, cử xử tế nhị nên họ ít để lộ ra ngoài.
Từ nhỏ, mỗi khi nhắc đến mẹ, Hiếu thường nghe hai chị ca tụng bà về sự tận tụy, hết lòng với các con. Cũng qua các chị mà Hiếu biết được có lần cha mẹ cãi vã, bà đã dọa Bố: “Tôi có thể bỏ ông được chứ không khi nào bỏ con. Chồng mất, tôi vẫn có thể tái giá cơ mà.” Dần dà, Hiếu lại được nghe thêm về tài buôn bán, quán xuyến tiền nong của mẹ. Bà tính toán giỏi,tiêu pha cần kiệm, chỉ rộng tay những gì liên quan đến hai tiểu thư trong nhà. Ngoài lương tháng của bố mà mẹ nắm hết để trang trải cuộc sống gia đình, bà còn phụ với bà ngoại buôn bán vải ở cửa hàng vải trong chợ Đồng Xuân. Nhờ đấy, gia cảnh trở nên khá giả chứ chỉ trông vào bố, làm thư ký kế toán cho hãng Messagerie Maritimes thu nhập ba cọc ba đồng, cuộc sống chắc chật vật lắm. Thỉnh thoảng nhớ đến mẹ, Hiếu tự nhủ khi nào sang Cali, sẽ lựa dịp hỏi thêm hai chị về lý do nào bà mất chỉ ít lâu sau ngày Hiếu chào đời? Có lẽ dịp giỗ mẹ lần này là đúng nhất. Nghĩ vậy, Hiếu cảm thấy rưng rưng trong lòng một cảm giác bâng khuâng khó tả.
Thấy câu chuyện nhà cửa, địa ốc, đã cạn, Hiểu chuyển đề tài: “Chị Nhung chơi một bản piano cho cả nhà nghe nào? Em còn nhớ chị hay đàn bản Pour Élise của Beethoven?”
Nhàn cũng chen vào, nói đùa: “Ngày xưa, chị Nhung hay đàn Pour Élise là để câu anh Tường. Bây giờ không biết chị còn nhớ không nhỉ?” Chị Nhung hể hả reo lên: “Cô nói không sai tí nào nhưng bây giờ đổi đời rồi, chị chưa quên gì đâu, chỉ là anh Tường nay làm nhạc sĩ, viết nhạc tặng chị, bắt chị đánh, còn để trên piano kia kìa! Để anh hát cho cả nhà nghe thì ý vị hơn.” Nói dứt câu, chị quay sang anh, nét hào hứng vừa rồi bỗng dưng lạnh ngắt: “Thôi, anh biểu diễn cho cả nhà nghe đi.”
Chị Nhàn nhanh chân đến bên cái đàn, cầm bản ký âm còn đặt trên khung, đọc nhẩm xong thì cao giọng hỏi: “Có phải bài Gửi em câu nói yêu nhau không? Chao ôi, nghe mùi quá các anh chị ơi!” Huy lập tức bàn vào, như muốn châm biếm người anh đồng hao: “Gửi em tức là phải ở xa mới phải gửi. Vậy, ông Tường ở đâu khi viết bản nhạc này nhỉ?” Câu hỏi ngang phè của Huy làm Tường khó chịu nhưng anh cố giải thích: “Tôi ở đây chứ ở đâu? Viết bản nhạc này để tặng vợ và cũng là người yêu của tôi, được không?” Như trả đũa chưa đã, anh nói tiếp: “Lúc mới qua Mỹ, còn nghèo, đâu có tiền mua hoa tặng vợ, tôi gửi bằng tiếng nhạc. Hơn thế nữa, nhắc lại lời thề hứa cho một cuộc tình trăm năm, tại sao không?”
Vẻ thành khẩn pha chút căng thẳng của anh khiến mọi người cảm xúc nên cùng nhau cười òa. Không khí đoàn tụ vui hẳn lên. Nhung đề nghị: “Tôi đói rồi, không hát hò gì nữa, mọi việc để đến tối. Bây giờ mình đi ăn phở đuôi bò.  Đi hai xe nhé vì ăn xong, tôi có hẹn đi cắt tóc.”
Ra đến ngoài sân, Nhàn đề nghị với em: “Hiếu đi xe chị. Chị sẽ đưa Hiếu về nhà anh chị Tường để em dùng xe đã thuê, như thế tiện cho mọi người.” Nói xong, chợt nhớ ra Tường lái xe rất nhanh, khó theo, Nhàn quay qua nói với Tường: “Anh đi trước, tụi này theo sau nhưng xin anh chạy chầm chậm một chút nha!”  Lời nói từ tốn nhưng trong bụng, Nhàn chua chát nghĩ thầm: “Tất nhiên chiếc Camry cà khổ của chúng tôi làm sao sánh được với xe Mercedes mới toanh của ông!”
***
Sáng thứ Bẩy, như đã hẹn, Hiếu đi uống cà-phê ở Bolsa với các bạn tù. Lâu mới gặp nhau, cà kê đến trưa, cuộc đấu láo của môn phái cựu tù mới dứt. Từ giã anh em, Hiếu lái xe đến nhà chị Nhàn ăn giỗ mẹ.
Bấm chuông. Cánh cửa đóng im ỉm hé mở cùng với khuôn mặt trắng trẻo của cô cháu gái tên Loan. Cháu cười, vồn vã chào và mở rộng thêm cửa. Thấy Hiếu cúi xuống định tháo giầy, Loan vội cản: “Cậu cứ tự nhiên.  Nhà mẹ ai cũng đi giầy cả! Mẹ cháu đang dưới bếp lo làm cỗ cúng giỗ bà ngoại.” 
Vừa bước hẳn vào trong, Hiếu vừa hỏi thăm: “Loan vẫn khỏe đấy chứ? Có Dũng đến không, cháu?” “He phải coi phòng mạch bữa nay, cậu ơi! Phòng mạch Dũng đông khách, he làm thêm ngày thứ Bẩy.” Vợ chồng Dũng-Loan đều là bác sĩ y khoa, từng học cùng lớp nên Loan vẫn xưng hô với chồng theo ngôi thứ ba tiếng Anh: heshe . Loan có phong cách thanh lịch, dù ăn mặc bình thường, quần thung và T-shirt ngắn tay nhưng vẫn có dáng vẻ sang trọng.
Từ khi cả hai chị rủ nhau dọn đến nhà mới ở Huntington Beach, đây là lần đầu Hiếu đến nhà Nhàn. Thoáng qua, thấy căn nhà “cao cấp” của bà chị ở một khu đắt tiền, Hiếu rất mừng và phục tài hai ông anh rể. Họ đều vừa thành công trong nghề nghiệp mà lại vừa kiếm bộn bạc. Cả hai đều hơn Hiếu xa.  Theo tiêu chuẩn xếp hạng xã hội  đối với dân tỵ nạn tháng 4/1975, họ được coi là thuộc giới thượng lưu ưu tú. Nhưng, so sánh giữa hai người thì Huy vẫn nghèo hơn Tường. Bù lại, gia đạo nhà anh Huy khá hơn nhà anh Tường nhờ hai cô con gái thành đạt và có hiếu với cha mẹ. Hai con trai của Tường và Nhung không được ngoan như cha mẹ chúng mong đợi. Đứa lớn lấy vợ Mỹ, ít khi về nhà, ngay cả những ngày giỗ hay lễ lạc. Đứa út tuy ở gần song xuất nhập bất thường, nghề nghiệp lông bông, lúc nào hỏi tới cũng nghe cùng một câu trả lời “Đang xin việc mới.”  Câu thăm hỏi cha mẹ thường nhất của cậu Út là hỏi xin tiền.  Mỗi lần Hiếu qua Cali, đến chơi hay ở lại nhà Tường, chàng ít khi gặp hai cháu trong khi nếu đến nhà Huy, Hiếu đều thấy hai chị em Loan và Liên quây quần bên cha mẹ trong khung cảnh một gia đình hạnh phúc.
Rất nhiều lần Nhung giấu nỗi buồn riêng mà ngỏ lời tấm tắc khen em gái: “Cô Nhàn có hai con gái ngoan, được nhờ. Chị chán hai thằng nhóc nhà chị quá! Ngày xưa, ai cũng trầm trồ mong có con trai để nối dõi tông đường, để mai sau nhờ cậy lúc tuổi già hay lúc tối lửa tắt đèn. Thời buổi này mới biết con trai có khi không bằng con gái. Thực tế, việc lớn việc bé toàn trông mong ở con gái thôi!” Hai cậu cháu đi qua phòng khách, không rộng nhưng gọn gàng và thoáng mát, trang hoàng giản dị. Trên cái bàn thấp đặt giữa bộ xa lông còn mới, có một chậu lan đang trổ hai nhánh hoa trắng pha tím, điểm xuyết cho khung cảnh nét thanh nhã dễ thương.
Phòng gia-đình liền với phòng khách. Ở góc tường bên phải là bàn thờ Phật. Pho tượng đức Thế tôn thiền tọa được lồng kính với dung quang trầm mặc, phảng phất sự mầu nhiệm trong nụ cười như không cười, trong đôi mắt khép hờ nhìn như không  nhìn, toàn thể toát ra tâm thế an nhiên tự tại của bậc chân tu đạt đạo. Dưới bàn thờ Phật là bàn thờ gia tiên, bên trái có hai bức ảnh cha mẹ Huy, bên phải là ảnh cha mẹ Hiếu, chụp lúc cả hai ông bà đã đứng tuổi, có lẽ chỉ chừng vài năm trước khi mẹ Hiếu sinh chàng rồi qua đời. Chiếc lư hương nhỏ bằng đồng chạm trổ mới tinh ở giữa hai cây nến điện tiện dụng và an toàn nhìn xuống mấy đĩa hoa quả đẹp mắt. Hiếu còn thấy cả chuông mõ xếp gọn gàng cùng kinh sách trên cái kệ dưới bàn thờ, đoán là của Huy.
Một cái bàn thấp trải khăn trắng được kê ở ngoài cùng cho mâm cỗ ngày giỗ. Mọi thứ đều ngăn nắp, được sửa soạn chu đáo, khiến Hiếu khen thầm chị Nhàn và hai cô cháu gái. Hình ảnh của cha mẹ bất chợt nhìn lại không khỏi làm Hiếu cảm thấy thoáng buồn, luyến tiếc quá khứ trôi theo thời gian đã mất tăm.
Từ nhà sau bước ra, chạm mặt cậu em vợ, Huy dơ cao một tay ra dấu mời Hiếu vào bên trong: “Cậu vào đây, uống trà nghen? Anh em mình ngồi nói chuyện, chờ ông bà Tường tới. Hôm qua họ đi đánh bài ở Pechanga, sáng nay mới về lại trên này. Nhàn đã dặn  trước là giỗ bà cụ lúc12 giờ trưa nhưng anh biết sớm nhất cũng phải một giờ mới bắt đầu! Ông Tường vẫn giữ thói quen lề mề của các nhân vật quan trọng, địa vị càng cao càng có quyền tới trễ, cốt để  mọi người phải đợi chờ.” Anh chép miệng, nói tiếp: “Nghĩ cũng tội nghiệp ổng, vì thời thế hụt mất ghế bộ trưởng, buồn biết bao giờ nguôi!” Nghe kiểu nói móc mỉa của anh rể thứ hai, Hiếu thấy thương cho cả hai ông và cả hai bà chị mình đang làm vợ họ nên lảng ra: “Anh cho em uống trà gì đây? Em vừa có chầu cà phê tưng bừng với mấy ông bạn HO ngoài Phước Lộc Thọ xong. Anh em hẹn ở đâu thì em tới đó gặp nhau chứ cà phê và thức ăn ở đấy chả có gì ngon.!” Tỏ vẻ rành rẽ, Huy hào hứng góp ý: “Anh chị ở đây cả mấy chục năm, họa hoằn lắm mới ghé qua đấy những khi cũng có ai đó hẹn vì địa điểm dễ tìm cho đồng hương ở xa về.”
Trông thấy Nhàn vẫn còn đang loay hoay với mấy món cúng đang xào nấu, Hiếu vào bếp để chào chị. Vừa sắp xếp thức ăn lên đĩa bát, Nhàn vừa hỏi thăm em: “Sao, mấy bữa nay cậu đi chơi nhiều chưa? Thật ra chưa đúng ngày giỗ Mẹ, nhưng vì có em qua, chị và chị Nhung quyết định cúng trước cho đủ mặt cả ba chị em mình. Chị thường cúng chay, không sát sinh, tốt cho người chết hơn. Vả lại, anh Huy cũng thích ăn chay. Hôm qua, anh chị Tường đi casino dưới San Diego, có lẽ sẽ về trễ, mình phải chờ thôi! Ông bà lúc nào cũng sung sướng, enjoy cuộc đời tối đa. Trước ở Việt-Nam, họ chơi mạt chược mỗi cuối tuần.  Qua đây không mạt chược thì lại mê kéo máy ở casino. Chị đang dở tay, cậu lên nhà ngồi chơi nói chuyện với anh Huy. Chị cũng sắp xong, chỉ còn món xôi gấc vừa chín, cần xới ra đĩa nữa thôi. Chị nhớ, trước kia Mẹ thích ăn xôi gấc…” Hiếu lên tiếng đề nghị: “Chị muốn em phụ gì không nào?” Đứng gần đó, Loan cười ầm: “ Không được đâu cậu Hiếu ơi, mẹ cháu mà làm cái gì thì không ai muốn xía vô, lộn xộn là mẹ cháu la vỡ làng nước đấy! Cậu không biết mẹ cháu có biệt danh là perfectionist à? Ba cháu oai vệ nhất nhà cũng không bao giờ xớ rớ dưới bếp đâu! Mẹ cháu cả ngày cứ một mình làm hết mọi việc, bà bảo khỏe hơn để người khác dây vào rồi bà phải đi theo sửa. Không nấu nướng thì dọn dẹp lau chùi nhà cửa, luôn tay không lúc nào ngừng, cháu không biết sức đâu mà mẹ cháu có nhiều thế?” Nghe con nói đến mình, Nhàn dường như đã quen tai nên không phản ứng gì. Tự nhiên, Hiếu liên tưởng tới mẹ. Quả thật là chàng từng nghe người trong họ mô tả bà cũng có cái tính tẩn mẩn, gần như khó khăn, y hệt chị Nhàn bây giờ. Hôm nay, chứng kiến thêm về tính nết rập khuôn nhau của hai mẹ con, Hiếu thấy rõ ràng là cuộc sống của Nhàn chỉ xoay quanh gia đình với đủ thứ hệ lụy ràng buộc chị vào chồng con, không rời.
Huy rót trà vào cái tách nhỏ: “Ngồi xuống đây uống trà với anh, cậu đừng phải lo cho chị Nhàn. Ngày nào mà chị ấy ngồi không, cậu hãy nên lo vì sức khỏe của chị có vấn đề! Cứ loay hoay suốt ngày là không sao cả!” Mọi người nhận xét về chị cùng một cách và ngay Hiếu cũng đang chứng kiến, chàng tự hỏi vậy mà sao lâu nay chàng không mảy may quan tâm để biết tính chị như thế nhỉ? Có lẽ người trong nhà thấy nhau hàng ngày quen mắt nên mắc chứng viễn thị cả, nhìn gần không rõ nữa?
Ngồi xuống cạnh anh rể, Hiếu nhìn ra mảnh vườn đằng sau nhà, trông thấy sát hàng xóm có giàn nho leo ở ven tường, nhiều chùm trái màu xanh nhỏ li ti, trông như đồ giả bằng ny-lông  được ai treo lên, lơ lửng. Huy hỏi thăm: “Mấy hôm nay cậu đi chơi những đâu nào? Cali ấm áp và đông người Việt, vui quá phải không? Anh chị ở đây lâu, thấy người mình cũng lôi thôi lắm, đủ thứ phiền toái. Cậu nghĩ coi, tháng nào cũng ít nhất một đám cưới, vài đám ma phải có mặt. Dạo này buồn quá, toàn đám ma. Tháng vừa qua anh có tới ba đồng nghiệp ra đi. Buổi sáng còn phôn nói chuyện chí chát với nhau, hôm sau đã nghe báo tin về cõi khác rồi!” Câu thở than của anh rể nhắc Hiếu tuổi tác của anh chị, đã trên bẩy mươi rồi thì bệnh tật và cái chết cũng sẽ phải đến thôi…
Hiếu nâng tách trà lên môi, nhấp một ngụm, vị đắng thấm dần rồi sau đó có hậu ngọt dễ chịu. Hiếu kể: “Mấy hôm nay em gặp bạn tù là nhiều nhất. Nhắc chuyện cũ, vui có buồn có.  Lúc em bị nhốt ở trại Vĩnh Quang, tù chung với mấy ông hồi hương bằng tàu Việt Nam Thương Tín, nguyên do là họ qua đến Mỹ rồi nhưng quyến luyến gia đình còn kẹt lại nên nhất đình đòi về, bị tóm vô tù hết. Có anh chịu tù sáu bẩy năm mới được thả về giữa một Sài-Gòn lạ mặt, trầy vi tróc vẩy không sống nổi với Cộng Sản, lại phải kiếm đường vượt biên theo ghe mười mấy thước, mất cả chục cây vàng và đánh cược với thần chết để rồi may măn lắm mới thoát được có một mình!”
Trâm ngâm suy nghĩ, Huy thổ lộ: “Chẳng qua là số mệnh cả, cậu ạ! Đi hay ở, kẹt hay thoát cũng chỉ là sự may rủi trong tích tắc của một canh bạc. Anh dạy toán nên anh thường nghĩ cuộc đời xem ra cũng chỉ là một bài toán dễ dàng chứng minh thôi!” Tuy nhiên với Hiếu, nhắc lại cuộc di tản tháng Tư Đen, trong bụng chàng vẫn còn ấm ức chuyện bị Tường bỏ rơi trong khi vợ con chàng, bản thân chàng rất cần đi, khác với Huy chọn ở lại. Hiếu hỏi: “Hồi tháng Tư 75, rõ ràng anh đã không muốn rời khỏi nước khi tụi em đến lôi kéo anh chị sang nhà anh Tường, mong được di tản. Em có nhớ đúng không? Lựa chọn của anh lúc đó hoàn toàn do ý thức, đâu phải rủi may?”
Huy uống thêm một ngụm trà, rồi chậm rãi giải thích: “Chị Nhung được anh Tường lo cho đi rất sớm, khoảng ngày 20, 21 gì đó, lâu quá anh không nhớ rõ lắm. Trước khi đi, chị ấy còn kịp báo tin cho anh và chị Nhàn. Vì cậu ở xa, chị ấy nhắn chung là đã dặn ông Tường cố lo cho gia đình anh và em đi bằng máy bay. Tuy nhiên, ông Tường còn mơ mộng một chân trong chính phủ hòa giải, đâu màng gì chuỵện đi. Cho đến sáng ngày 30, biết là hết hy vọng, Tường mới chạy qua Khánh Hội, nhảy đại lên một chiếc xà-lan hiện có đông người trên đó nhưng không có máy, không thể chạy được! May là trên xà lan có mấy sĩ quan Hải Quân, nên khi chiếc chiến hạm cuối cùng của Hải Quân chạy ngang, họ ngoắc lại, xin được kéo theo ra biển để rồi được chuyển lên tàu Mỹ nằm ngoài khơi Vũng Tàu. Thế là ông Tường đã thoát trong đường tơ kẽ tóc, cậu nghĩ có phải là may rủi không?”
Nghe kể về chuyến đi ngặt nghèo của người anh rể, Hiếu chợt ân hận đã nghĩ sai về Tường. Đứng ở bếp nhưng cũng nghe thủng câu chuyện, Nhàn chen vào: “Gặp lại anh Tường ở Guam, biết bọn mình bị kẹt lại hết, chị Nhung  đay nghiến chồng cả năm trời! Tội nghiệp. bà chị mình trông bề ngoài lạnh lùng nhưng lại là con người rất tình cảm, y hệt Bố ngày xưa.”
Tiếng gõ cửa cho phải phép rồiTường và Nhung vừa bước vào nhà vừa nói lớn: “Ông Huy, bà Nhàn đâu rồi? Bọn tôi về đúng giờ đó nha!”
Cả Huy lẫn Hiếu đều đứng dậy. Huy giọng đùa vui: “Sao, lần này hai bác được thua thế nào? Có huề vốn không hay cần đi đánh nữa gỡ lại?”  Nhung bước thẳng đến gần bàn thờ, tần ngần nhìn ảnh tượng cỗ bàn đã bày biện đâu ra đấy, thầm cảm phục cô em đảm đang của mình, còn Tường tươi cười đến ngồi cạnh Huy: “Hôm nay Trời cho lộc, ăn kha khá, đủ cho vợ chồng già làm một chuyến du thuyền qua Hawaii!” Nghe vậy, Nhàn cũng cười góp và khen: “Ông bà này hay thiệt, suốt đời may mắn, nhất là ông Tường, cả đời chưa có một ngày nào khổ!” Nói xong, nàng ngậm ngùi nghĩ lại phận mình, cả đời vợ chồng lo chắt chiu, tần tiện mà cũng chỉ đủ sống, chưa bao giờ thật giàu có như anh chị mình.
Tuy thông minh, học giỏi, lúc lên Đại Học, Huy đã ghi danh học Y nhưng vì gia đình  nghèo nên anh phải bỏ ngang rồi đi dậy học sớm. Cuối cùng, lấy được bằng cử nhân Toán, anh đành làm cái nghề bán cháo phổi cả đời, được xã hội quý trọng nhưng đồng lương chẳng được là bao so với các ngành nghề khác. Qua Mỹ, anh học nghề điện tử ngắn hạn rồi đi làm luôn. Như tất cả mọi chuyện trên đời đều có giá của nó, cha mẹ hy sinh lo bảo bọc gia đình đưa đến kết quả là Huy-Nhàn có hai con gái ngoan, cuối đời được nhàn nhã nhờ con.
Nhung đến gần em: “Hôm nay cô làm giỗ chay nữa hả?” Biết ý chị, Nhàn trả lời: “Em cúng chay, nhưng vẫn có thêm món mặn ạ. Cháu Loan nhà này không thích mấy món chay Việt-Nam lắm.”
Thấy Loan đứng cạnh mình, Hiếu tiện hỏi thăm: “Cháu chọn ngành đỡ đẻ hả? Cậu nghe nói chuyên môn này tiền bảo hiểm cao lắm?” “Đúng vậy cậu ơi! Ai cũng nói bác sĩ đỡ đẻ giàu to, sự thật không phải thế đâu ạ!
Ngồi xuống ghế, Nhung nói như nói cho một mình nghe: “Nếu còn sống, năm nay mẹ cũng ngót trăm tuổi rồi! Thời gian nhanh quá. Có lúc chị nghĩ mẹ chỉ mới chết đâu như hôm qua thôi.”  Nghe chị nhắc đến mẹ, Hiếu nhân cơ hỏi luôn câu hỏi chàng ấp ủ đã lâu: “ Chị ơi, em vẫn chưa biết mẹ chết vì nguyên nhân nào hay vì bệnh gì? Chưa có ai trong nhà kể cho em nghe cả?”
Chị nghe câu hỏi, khẽ chớp mắt như muốn khóc: “Không ai trong nhà dám nói về việc này vì bố cấm. Mẹ sinh em ra, được đứa con trai như ước nguyện nên mẹ mừng lắm, cứ đòi ôm em vào lòng suốt mà không biết là mẹ bị băng huyết, cứ thế rồi lả người đi dần và qua hôm sau, mẹ mất.“
Có lẽ bao lâu nay chất chứa trong lòng nhiều thắc mắc pha lẫn tâm trạng buồn tủi, bây giờ vỡ lẽ, Hiếu không kềm chế được xúc động bỗng khóc rống lên, hai tay ôm lấy mặt… Bất ngờ quá, cả nhà sửng sốt, không ai thốt lên được lời nào…
Một lúc sau, Hiếu bình tĩnh lại, Huy là người đầu tiên choàng tay qua, vỗ nhẹ vào vai đứa em vợ, trong khoảnh khắc, ngỡ như mình nhỏ lại, là đứa bé lủi thủi ngày nào không biết vì sao mà mồ côi mẹ. Không khí trong phòng đặc quánh, làm mọi người khó thở.
Tiếng của Loan cất lên, phá tan sự yên lặng buồn bã. Cô tìm cách cắt nghĩa để mọi người bớt xúc động: “Có thể bà ngoại bị postpartum hemorrhage, tử cung bị rách, chảy máu nhiều. Khi tử cung không chóng co lại được, máu cứ thế tuôn ra, không cách nào cầm nữa.” Nghe Loan giải thích bằng cái nhìn chuyên môn của cô, ai cũng nghĩ ngay là y khoa thời xa xưa ấy không hiệu quả như bây giờ.
Để xua tan bầu khí ảm đam, Nhàn đề nghị: “Xin mời anh chị lễ Cụ trước ạ!” Nói xong, nàng đến bàn thờ lấy ra hộp nhang nhỏ Nhật Bản, ngắn có nửa tấc, đưa cho Tường và Nhung. Đứng sẵn bên bàn thờ, Huy giúp đốt mấy cây nhang…Sau đó, lần lượt tới Huy, Nhàn và Loan.. 
Cuối cùng, đứng trước bàn thờ, Hiếu vẩn vơ nhìn mấy đầu nén nhang đang cháy, tưởng như thấy lại mấy con đom đóm chấp chới chao mình trong khu vườn đêm tuổi thơ của chàng ở Saigon, có lúc đã khiến Hiếu tự hỏi không biết chúng có phải là linh hồn người chết hóa thân không? Khói nhang tỏa lên mơ hồ, thoảng mùi trầm hương quen thuộc như ở các sân Chùa. Nhìn vào tấm hình hai vị thân sinh, Hiếu nghe bâng khuâng trong lòng. Hôm nay, khuôn mặt cha mẹ như gần gũi, thân thiết với chàng hơn mọi khi, cho cảm giác thực sự đã có một gia đình thương yêu như thế, như mọi người khác xung quanh, như chưa bao giờ côi cút cả. Chàng chắp tay, cúi đầu, nhưng không biết khấn mẹ mình điều gì. Rồi Hiếu như chợt nhận ra, mình chưa bao giờ đóng vai một đứa con đối với mẹ. Giờ đây, tương quan giữa mình và mẹ chỉ còn là tình thương yêu từ huyết thống, cả hai mẹ con đều không có cơ hội làm gì cho nhau nữa nên chàng cần rũ bỏ tâm thức mẹ nợ mình một lời từ giã, nợ mình cả cuộc đời không có bà, cả sự cô quạnh thiếu thốn tình mẹ những khi chàng cần đến mẹ nhất.…Nghĩ tới đấy, nghĩ tới sự nghi nan, phẫn hận khiến chàng chưa bao giờ yêu mẹ trọn vẹn trong tâm tưởng, Hiếu bỗng cảm thấy xót xa tận đáy lòng. Chàng thấy mình buột miệng lẩm bẩm khấn nguyện xin cho mẹ được bình yên ở một cõi yên vui nào đó, xin mẹ linh thiêng phù hộ cho vợ chồng con và các cháu của mẹ. Lan man, Hiếu nghĩ đến hai bà chị, chợt thấy trước nay chàng vẫn mặc nhiên so sánh hai chị với mẹ nên đòi hỏi, trách cứ các chị rất nhiều, làm như chính mẹ và các chị phải trách nhiệm về sự yếu kém và thái độ hờ hững của chàng trong cuộc đời. Chỉ giờ khắc thiêng liêng này chàng mới ngộ ra và thấy mình thật sự trưởng thành. Trong thoáng giây, Hiếu nhớ Dung đến cháy lòng. Nàng là hiện thân của tất cả những người đàn bà đã đến trong đời chàng, là mẹ, là chị, đã yêu thương bảo bọc chàng theo cách riêng của họ, đã cho chàng một gia đình như  hiện nay, đã gội rửa cho chàng ám ảnh của thân phận kẻ mồ côi từng theo đuổi chàng gần sáu mươi năm qua.
Cắm ba nén nhang vào lư hương, Hiếu nhìn hai bà chị đang ngồi trầm ngâm bên nhau, mủi lòng ao ước thầm: “Giá có Dung ở đây thì thật là trọn vẹn!”.
Nguyễn Tường Cường
May 11, 2020