ĂN UỐNG ĐỔI THAY
TT-Thái An
Đôi khi nhớ lại, có những món ăn hay thức ăn mà ngày còn bé kéo dài đến thời niên thiếu tôi không thích ăn chút nào, dù tôi không phải là người khó tánh trong việc ăn uống.
Nhưng qua những biến cố trong cuộc sống, tôi đã biết ăn và còn cảm thấy ngon nữa là khác. Tuy nhiên, cũng có món tôi đã biết ăn mà vẫn không hâm mộ lắm. Nhưng biết ăn là tốt lắm rồi.
Ngày xưa đó, những món tôi không thích là nếp, đậu, khoai, cà pháo, nước tro Tàu, thìa là v.v. Vì thế, hễ những món ăn nào có những thứ này là nguyên liệu chính hoặc là phụ gia, hoặc hương liệu thì tôi ít ăn đến hoặc không muốn ăn đến vì “khó nuốt quá”.
Nhưng vào những ngày tết Nguyên Đán, nhà nhà đều có bánh chưng hoặc bánh tét để ăn. Dân thành phố thì mua bánh, đặt bánh, dân thôn quê thì gói bánh. Tôi vẫn nô nức hăm hở khi thấy các gian hàng ở chợ tết bầy bán bánh chưng bánh tét.
Ngày ba mươi tết tôi vẫn thấy vui không tả được thấy người ta giao bánh chưng tận nhà cho bố mẹ tôi và tôi thấy bố ngồi khuấy nồi chè kho. Ông toát mồ hôi vì ngồi cạnh cái bếp lò quá lâu và phải dùng đũa cả khuấy liền tay. Vì nồi chè đậu xanh qúa đặc, nên khi sôi, bong bóng từ đáy nồi phun lên từng cụm kêu lộp bộp khiến tôi cảm nhận được không khí tết đang về ngập nhà.
Khi bố khuấy xong nồi chè kho, mẹ tôi đã chuẩn bị xong một cái đĩa to, lòng đĩa hơi sâu để bố tôi đổ chè vào.
Sau đó bố dùng một cái cái đũa cả để tráng mặt chè cho bằng phẳng rồi rải lên trên mặt chè một lớp vừng rang. Chờ đến khi chè nguội hẳn, qua hôm sau rắn lại thì mới cắt ra từng miếng vuông để ăn.
Ông tôi lúc nào cũng vặn đài phát thanh Sài Gòn để nghe xướng ngôn viên đếm ngược còn mấy giây nữa sẽ bước sang thềm năm mới. Khi nghe được câu “Chúng ta vừa bước sang thềm năm mới” của người xướng ngôn viên thì bố tôi bắt đầu đốt pháo khai xuân.
Sau đó cả nhà quây quần bên bàn ăn để ăn bánh chưng, thịt kho, thịt đông, giò lụa, chả quế, dưa chua, dưa hành.
Đây không phải là bữa ăn tối vì cả nhà đã ăn lúc 6 giờ chiều rồi. Các em tôi, bố mẹ tôi và ông tôi ăn bánh chưng trông ngon lành. Riêng tôi thì chỉ khều chút nhân ăn miễn cưỡng.
Vừa ăn vừa không hiểu sao bánh chưng “khó ăn” như thế mà ai cũng khen ngon. Có lần tôi hỏi một đứa em “Bánh chưng ngon chỗ nào?” Nó nhìn tôi ngạc nhiên rồi trả lời “Bánh dẻo ngon quá chừng!” Tôi đẩy luôn cho nó miếng bánh của tôi và nhờ nó ăn hộ. Nó ngạc nhiên tròn mắt nhìn tôi rồi hỏi: “Sao chị không ăn?” Tôi trà lời: “Không thích ăn nếp với đậu, nuốt không xuống!” Cả mấy đứa em nhao nhao lên phản đối: “Chị kỳ quá, bánh chưng ngon nhờ nếp với đậu mà chị chê!” Tôi cũng không hiểu tại sao cả nhà tôi ai cũng thích nếp và đậu mà chỉ riêng tôi chịu không nổi hai thứ này.
Qua ngày mùng một, chè kho đã rắn lại, bố cắt ra để ăn và để mời khách đến chúc tết. Các em tôi thích món này lắm, riêng tôi vẫn không thích tí nào vì ăn đậu “nghẹn ngào” quá.
Riêng món cà pháo, cà bát (cà dĩa), thỉnh thoảng mẹ tôi làm cà pháo muối chua hay cà bát muối sổi khi ăn chấm mắm tôm chanh ớt. Đó là những món Bắc dân dã, rất phổ biến trong các gia đình người Bắc. Món này thì chỉ có người lớn hâm mộ mà thôi, mấy chị em tôi không đụng đũa đến. Nhưng một hôm sau khi ăn trưa xong, tôi qua nhà cái Hảo ở trước mặt nhà tôi, vào lúc nhà nó đang ăn trưa. Tôi thấy có đĩa cà pháo muối chua chấm mắm tôm, nó cứ ăn lấy ăn để, không gắp đến món nào khác dù là thịt kho ngon lành nó cũng chỉ ăn cà pháo. Đĩa cà pháo vơi nhanh chóng, chị giúp việc phải gắp thêm đĩa khác và dặn: “Hết cà rồi đó nghe!” Nó cũng chẳng màng đến lời dặn của chị Tư, vẫn chỉ ăn cà pháo mà thôi. Mẹ nó phải lên tiếng “Phải ăn món khác nữa chứ, mày cứ ăn hết cà pháo chẳng chừa cho ai ăn nữa à?”
Thế là nó dỗi hờn, khóc òa lên, bỏ đũa, bỏ bát xuống đứng lên không chịu ăn cơm nữa. Tôi thấy tình hình hơi căng nên vội vã ra về. Năm đó, cái Hảo khoảng 10 tuổi, tôi kém nó 1 tuổi.
Về đến nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi “Không biết cà pháo muối chua có gì ngon mà cái Hảo thích ăn hơn ăn thịt kho?” Vài ngày sau đó tôi nói với mẹ “Hôm nào mẹ làm cà pháo muối chua được không?” Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi “Tại sao bây giờ con lại muốn ăn cà pháo?” Tôi ngại ngùng trả lời “Vì hôm nọ con thấy cái Hảo ăn cà pháo ngon lành quá”.
Mẹ tôi phì cười, rồi mẹ cũng mua cà pháo về làm cho tôi ăn. Khi cà pháo được dọn lên trên mâm, tôi nhìn đĩa cà pháo còn hơi ngài ngại vì trước kia tôi đã thử một lần rồi mà không chịu được nên nhả ra.
Nhưng hôm nay tôi phải ăn cho biết nó ngon như thế nào nên đưa đũa ra gắp.
Chấm cà pháo vào mắm tôm rồi đưa vào miệng, cắn cho cà vỡ ra kêu cái cộp ròn tan; ruột cà văng ra chua chua quện với mắm tôm tạo thành một hỗn hợp khó tả. Tôi cố nhai một lúc để ngẫm nghĩ xem có gì ngon. Mẹ hỏi tôi: “Ăn được không?” Tôi trả lời: “Ăn cũng được!”
Mẹ biết là tôi chưa thích món này lắm đâu. Nhưng tôi cũng cố gắng ăn thêm vài quả khác cho đến khi tôi cảm thấy nó “ăn cũng được” chứ không dở lắm. Thế là từ hôm đó tôi biết ăn cà pháo chấm mắm tôm. Hôm đó thì chưa thấy nó ngon tuyệt cú mèo như cái Hảo thấy đâu, nhưng theo thời gian, càng lớn tôi càng thấy nó ngon tuyệt vời!
Tết Đoan Ngọ người ta hay ăn bánh ú tro và cơm rượu của miền Nam hay rượu nếp của miền Bắc.
Tôi thấy ai ai cũng thích bánh ú tro, riêng tôi thì chịu thua vì cái mùi nước tro tàu hăng hăng. Sau này, khoảng sau năm 1963, người ta bầy ra bánh ú tro có nhân đậu xanh thì được giới tiêu thụ hưởng ứng nhiệt liệt nên từ từ bánh không nhân chỉ còn một chỗ đứng khiêm nhường trên thị trường. Riêng tôi, nếp, đậu và nước tro dù đi riêng hay đi chung với nhau tôi đều không thích tí nào. Bánh ú tro hay rượu nếp cả nhà tôi ai cũng thích ăn. Chỉ riêng tôi vẫn thắc mắc “Không biết có gì ngon mà họ ăn ngon lành thế?” Rượu nếp thì tôi không ăn nổi quá một thìa vì nồng mùi rượu. Tôi cũng sợ mùi bia, mùi rượu như sợ mùi nước tro vậy.
Riêng món mì nước của người Tàu , vì tôi không chịu nổi mùi nước tro nên chỉ ăn hủ tíu mà thôi. Một hôm bố thèm ăn mì nên dẫn tôi theo ra tiệm mì đầu đường Nguyễn Minh Chiếu và Trương Tấn Bửu nổi tiếng ngon. Tôi gọi hủ tíu thì chủ tiệm cho biết hết hủ tíu rồi vì đã chiều, gần đóng cửa tiệm. Tiệm này mở từ sáng đến chiều, bán hết hàng là đóng cửa, không bán tối.
Bố bảo tôi ăn mì đi, có sao đâu.
Tôi ngại không dám cãi lại nên gật đầu. Khi đưa mì vào miệng, mùi nước tro xông ngay lên mũi, tôi rùng mình nhưng nín thở để ăn. Ráng hết sức chỉ chừng vài gắp là tôi bỏ. Vậy mà chỉ vài phút sau cái cảm giác rùng mình chuyển thành nhức đầu. Tuy còn nhỏ khoảng 11 hay 12 tuổi gì đó, thỉnh thoảng tôi đã bị nhức đầu rồi. Về đến nhà, cơn nhức đầu lên đến cao độ khiến tôi buồn nôn. Bố tôi ngạc nhiên tưởng tôi bị trúng thực. Bố bảo sao bố cũng ăn nước lèo đó mà không bị sao hết. Chỉ có tôi biết tại sao tôi phải nôn thốc tháo ra mà thôi!
Khoai lang, khoai mì (sắn) hay đậu đen đậu xanh gì tôi cũng chẳng màng. Mẹ biết tôi không hảo khoai nên chẳng khi nào mua khoai luộc cho tôi ăn.
Tôi thích mùi chè đậu đen lắm, nhưng chỉ uống nước là chính, cho tôi loáng thoáng vài hạt đậu là được rồi. Chè đậu xanh thì phải còn nguyên vỏ, mùi đậu xanh còn vỏ sẽ thơm hơn, nhưng tôi cũng chỉ uống nước là chính, đừng cho tôi nhiều đậu, ăn dễ bị nghẹn lắm. Vì thế, tôi chỉ thích những món chè có nhiều nước. Riêng những món chè đặc như chè khoai, chè đậu, chè bắp nấu với nếp, tôi chỉ ăn được chè bắp. Vì ăn bắp không có cảm giác ăn bột như khi ăn đậu và khoai, không khiến cho tôi cảm thấy nghẹn ở cổ khi nuốt xuống. Bánh ít hay chè xôi nước là không có tôi làm khách hàng.
Nhưng khoảng năm 1974, khi đi chợ Phú Nhuận vào một buổi chiều, gặp chị Hiền, con gái của một người quen của mẹ tôi đang ngồi dưới đất ôm đứa con trai nhỏ bên thúng khoai lang để bán. Tôi ngạc nhiên hết sức, vì mẹ của chị Hiền lúc trươc có tiền, có mấy căn nhà cho thuê. Khi chị Hiền lấy chồng, mẹ chị có cho chị một căn nhà.
Tôi nghe nói chồng của chị Hiền làm lính trơn, con nhà nghèo, đông các em. Chị Hiền chào tôi và mời hàng.
Tôi lúng túng nhưng dừng lại mua vài củ khoai cho chị. Tôi không hỏi giá, bán bao nhiêu cũng được. Nhưng chị Hiền lại tính rẻ cho tôi. Tôi không nhận tiền thối lại, tôi xin chị giữ lấy. Tôi áy náy cho hoàn cảnh của chị! Về đến nhà tôi kể ngay cho mẹ hay. Tuy không thích ăn khoai, nhưng vì khoai của chị Hiền bán thì tôi phải ăn thử cho biết với hy vọng chị sẽ bán được nhiều khoai mỗi ngày để có tiền phụ chồng nuôi con. Từ đó tôi có thể ăn khoai lang mà không còn thấy nghẹn ứ ở cổ nữa. Tuy nhiên, các thứ khoai vẫn không phải là món khoái khẩu của tôi. Nhưng tôi đã ăn được thì tôi cảm thấy tốt lắm rồi.
Năm 1976, Cái tết đầu tiên xa quê hương, xa Sai Gòn, gia đình chúng tôi ăn tết tại Cao Hùng, một thành phố phía nam của Đài Loan. Tôi không còn niềm háo hức khi đi chợ tết dù là người Đài Loan cũng ăn tết Âm lịch, là tết truyền thống của người Trung Hoa. Vì nhiều lý do lắm nhưng lý do chính vẫn là không phải ăn tết trên quê hương mình, không nghe được ngôn ngữ của mình rao bán, mời chào chung quanh. Và nhất là không có bánh chưng hay bánh tét bán ở chợ!
Bố mẹ tôi bàn nhau mua lá trúc khô về gói bánh chưng vì ở Đài Loan không có lá chuối hay lá dong để gói bánh. Tôi vừa mừng vùa nghi ngờ khả năng gói bánh của bố mẹ. Bố tuyên bố ngày xưa ở miền quê ngoài Bắc bố thấy người ta gói bánh nên còn nhớ. Đã hơn 20 năm mà bố còn nhớ, tôi nghi quá!
Thế là mẹ mua lá trúc, dây lạt, nếp, đậu và thịt ba chỉ về để chuẩn bị gói bánh. Bố gói bánh là chính, gói xong đưa cho mẹ buộc dây. Bố bảo không có khuôn nên chỉ gói được bánh bé thôi. Khi bánh đã gói xong, xếp vào nồi, tôi thấy bánh chỉ lớn bằng lòng bàn tay.
Tuy nó bé nhỏ, không phải kích thước của cái bánh chưng tết trên quê hương năm xưa, nhưng cũng làm lòng tôi ấm lại trong những ngày rét buốt trên xứ người. Bánh được nấu trên bếp ga. Mùi lá và bánh bay lên tận nhà trên khiến tôi thấy ấm cúng làm sao.
Tôi hít hà cái không khí có mùi bánh chưng đang nấu như hít vào lòng mình hương vị quê hương. Bố còn khuấy cả nồi chè kho như hằng năm bố vẫn làm. Bố tôi là người thích nấu ăn. Ông không nấu mỗi ngày, nhưng thỉnh thoảng ông thích nấu vài món đặc biệt.
Đó là lần đầu tiên tôi hồi hộp để ăn thử bánh chưng của bố mẹ làm trên xứ người. Tôi ngạc nhiên khi thấy cái dẻo của nếp không làm cho tôi thấy ớn nữa.
Ngược lại, tôi thấy nó ngon quá. Sao ngày trước tôi lại không biết ăn? Có lẽ khi không còn thấy nó chung quanh mình nữa, lúc đó mới biết quý và thấy cần có nó như một niềm an ủi.
Khi đã biết ăn bánh chưng rồi, thì những thứ bánh làm bằng nếp hoặc bột nếp tôi đều có thể ăn được. Chẳng hạn lúc trước tôi không thích bánh dầy tí ti nào, ăn vào chỉ thấy dai và nhạt thếch. Nhưng sau này tôi cảm thấy nó ngon vì dẻo và dai, và càng nhai càng thấy vị ngọt ngào của nếp. Tôi cũng có thể ăn chè xôi nước mà thấy ngon.
Ngày còn bé, có lần ăn trúng cái nhân chè xôi nước (loại xôi nước miền Nam) có hành mỡ làm tôi rùng mình, nhè ra, và cằn nhằn rằng ai nấu chè mà cho hành lá vào thế này ăn hôi quá! Ấy thế mà sau này khi làm xôi nước, tôi lại nhớ lại cái mùi hành mỡ trong nhân đậu xanh ngày xưa ngày xửa mà đã thấy ngon nên cứ thế làm theo. Có lẽ kỷ niệm còn đầy trong tim, trong ký ức, làm tôi ân hận và tự hỏi tại sao ngày xưa mình chê nó dở, trong khi nó ngon quá chừng!
Không biết người mẹ, người chị nào đã có sáng kiến cho hành mỡ vào nhân đậu xanh khi làm chè xôi nước thật là những người biết ăn vậy! Tuy nhiên, tôi vẫn thích ăn các loại chè có nhiều nước hơn chè có nếp đặc như chè khoai, chè đậu. Vì đó là khẩu vị của riêng tôi.
Rằm tháng Năm ngoài chợ Đài Loan bán bánh ú tro. Bây giờ là mùa lá trúc nên người Đài Loan gói bánh ú bằng lá trúc tươi, nhìn y hệt bánh ú tro tại miền Nam Việt Nam. Sau này, khoảng sau năm 2000, khi xem vài cuốn phim phóng sự xuất bản trong nước, tôi mới biết những gia đình làm bánh ú tro bỏ mối cho các chợ trong thành phố Sài Gòn là những gia đình người Tàu di cư qua Việt Nam đã vài đời. Họ làm bánh ú tro có tính cách nghề gia truyền. Trong nhà họ vẫn để bàn thờ kiểu của người Hoa. Hóa ra người Trung Hoa di cư qua Việt Nam đem theo vài nghề gia truyền để sinh sống, nhưng đồng thời cũng giới thiệu văn hóa ẩm thực của họ cho xứ người. Nên lâu ngày, người Việt bản xứ cảm thấy những món ăn đó là một phần văn hóa ẩm thực của mình mà không biết đến xuất xứ của nó nữa.
Mẹ mua bánh ú tro về, cả nhà ăn ngon lành như những mùa bánh ú tro lúc còn ở Việt Nam. Tôi thấy nó gần gũi với mình vì tôi nhìn thấy nó từ ngày còn bé, lúc này lại ưu ái nó hơn vì những thứ bánh trái khác ngoài chợ của người Đài Loan còn xa lạ với tôi lắm. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bánh ú tro ngon.
Tôi không còn sợ cái mùi nước tro tàu nữa, mà ngược lại tôi thấy nó có mùi đặc trưng rất ngon. Ở Đài Loan cũng có hai loại bánh ú, loại có nhân đậu đỏ và loại không có nhân. Tôi vẫn thích loại không nhân để có thể thưởng thức cái hương vị dẻo dai và giòn của nếp đã ngâm nước tro và nước vôi. Bánh làm khéo thì sẽ có màu hổ phách trong. Điểm tôi ghi nhận sự khác biệt giữa các loại nhân bánh của người Việt và người Hoa, người Nhật, người Đại Hàn là người Việt chuộng nhân đậu xanh, còn những dân tộc kia chuộng đậu đỏ.
Khi đã biết ăn bánh ú tro rồi thì mì sợi vàng có mùi nước tro cũng sẽ ăn được thôi. Nhưng người Đài Loan ăn mì sợi trắng là chính. Mì của họ sợi dẹp như bánh phở, không có nước tro hay trứng gà. Vật liệu làm mì sợi là bột mì và nước mà thôi. Nước lèo thì chẳng có mùi vị như nước lèo của mấy xe mì gõ của các anh Khách Trú bán tại Việt Nam. Chỉ là nước xương heo cho muối, khi trụng mì bỏ vào tô, họ múc nửa thìa cafe bột ngọt rắc lên mì rồi dội nước lèo lên. Lúc đó tôi mới thấy thèm mùi vị của tô mì sợi màu vàng có mùi nước tro và cái mùi nước lèo thơm mùi mực khô, tôm khô là chừng nào.
Vào mùa thìa là, ngoài chợ bán từng bó to như bó rau muống, mẹ tôi mừng vì thấy ở Đài Loan cũng có thìa là.
Ở Việt Nam, thìa là được bó từng bó nhỏ bán như một loại rau thơm để nấu canh chua kiểu miền Bắc, được gọi là canh riêu cá. Hoặc làm món chả bò, chả cá chiên lối Bắc hay chả cá Thăng Long thì phải có thìa là. Nhưng ở đây có lẽ họ xào như xào rau muống hay sao mà bán từng bó to như thế.
Ở Đài Loan có hào tươi bán đầy ở chợ. Ngày trước lúc còn ở trong nước, chỉ khi nào ra Vũng Tàu nghỉ mát với bố mẹ, chúng tôi mới được thưởng thức món hào chiên ở tiệm hải sản Sài Thành ở bãi sau. Chứ ở chợ Phú Nhuận, Tân Định, Trương Minh Giảng, thì không thấy bán. Có lẽ ở Đài Loan họ đã nuôi hào theo kiểu công nghiệp nên lúc nào cũng đủ số lượng cung cấp cho thị trường.
Còn ở Việt Nam thì chỉ có những người nghèo vùng ven biển đi cạy hào ở những gềnh đá đem bán cho các chợ trong vùng nên không dư để đưa vào Sài Gòn bán. Mẹ chế ngay ra món hào chiên thìa là có cả thịt heo xay và hành lá cho vào trộn chung với trứng; mẹ đặt tên là “Chả hào”. Mẹ bảo làm theo kiểu chả rươi ngoài Bắc.
Chả hào được chiên lên bay mùi thơm phức, cả nhà thích ăn lắm, riêng tôi vẫn không ăn được thìa là. Tôi phải dặn mẹ: “Kỳ sau làm món này mẹ để riêng cho con một phần không có thìa là”. Mẹ tôi cũng vui lòng chiều con tuy bà có nói thêm “Không có thìa là thì làm sao ngon được nữa!”
Thế mà ba năm sau đó, khi cha mẹ và các em đã ở xa đến nửa vòng trái đất, đến mùa thìa là, nhìn thấy những bó thìa là xanh mướt, tôi chợt nhớ đến mẹ, lòng không khỏi ân hận, xốn xang vì đã không thưởng thức được món chả hào của mẹ. Tự dưng tôi cầm bó thìa là lên và mua ngay không chần chừ. Tôi làm món chả hào thìa là của mẹ với lòng yêu thương và nhớ mẹ.
Kể từ đó tôi biết ăn thìa là. Không những biết ăn thôi, mà còn thích ăn nữa. Tôi nhớ lại món canh riêu cá thìa là mà ngày xưa mỗi khi mẹ nấu tôi luôn luôn dặn để riêng cho tôi một bát canh không có thìa là thì bây giờ chính tôi lại nấu nó. Tôi lại còn nấu cả món canh riêu hến thìa là. Hễ thứ gì có thìa là là tôi thích thú mà làm và tận hưởng nó. Nhiều năm sau này, có lần đi chợ Việt Nam ở Virigina, gặp một bà Việt Nam trong chợ đang cầm bó thìa là, tôi hỏi bà mua thìa là làm gi. Bà bảo rằng làm chả trứng thìa là, là chiên trứng với thìa là và hành lá thôi, không cần thịt thà gì cả. Tôi vui mừng học được một món mới vừa giản dị vừa dễ làm và ăn hợp khẩu.
Nhìn lại, khẩu vị của tôi thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh sống.
Có những biến cố xẩy ra trong cuộc đời làm chúng ta thay đổi. Có thứ làm chúng ta thay đổi cách suy nghĩ, hay thay đổi cách sống, cách hành xử hay dứt bỏ được những thành kiến nào đó. Nhưng có những biến cố khiến chúng ta thay đổi khẩu vị. Chỉ vì một biến cố nào đó , có những thứ ngày xưa ta không muốn ăn mà bây giờ biết ăn và còn ăn ngon lành nữa.
Xin cám ơn Thượng Đế đã tạo ra muôn loài vạn vật, các thứ rau quả, chim trời, cá biển và muông thú cho con người được hưởng hay xử dụng.
Ăn uống thì tự do chọn lựa, tùy theo khẩu vị của từng cá nhân. Nhưng nếu mình có thể thưởng thức được nhiều thứ khác nhau thì đó là có khẩu phúc vậy.
Dĩ nhiên tôi chỉ muốn nói đến nhiều món khác nhau trong cùng một dòng văn hóa ẩm thực. Vì ẩm thực Việt Nam khác với ẩm thực của các nước chung quanh chẳng hạn như Cao Miên, Lào, Thái Lan, Trung Hoa; hoặc xa xa là Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ. Chưa nói tới các nước Âu Mỹ hay Trung Đông, Phi Châu…
Làm người Việt Nam, bạn chỉ cần thưởng thức được nhiều (không cần phải hết tất cả) món ăn của ba miền Bắc, Trung, Nam là bạn đã có khẩu phúc lắm rồi và bạn có thể yêu mến và cảm thông với đời sống của người dân trên ba miền của nước Việt.
Nếu bạn thưởng thức được văn hóa ẩm thực của nhiều dân tộc khác, thì đó là “extra bonus”.
TT-Thái An
Tháng Mười 2015