Xin mời quí vị thưởng thức những đoản văn mùa GIÁNG SINH thật hay do THÁI NỮ LAN chuyển ngữ.
Thân mến – Hồng Thủy
CÂU CHUYỆN VỀ CÂY GIÁNG SINH KỲ DIỆU – (tháng 10, 2015)

Một người cha đặt cây thông Giáng Sinh trong nhà cho các con trai và không bao giờ đem bỏ đi…
Đây là một truyện cổ tích đời nay làm cho ta càng yêu thích sự kỳ diệu của mùa Giáng Sinh.
Ngày xưa có một gia đình người Mỹ sinh sống ở thành phố nhỏ Wausau ở tiểu bang Wisconsin, miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Cha mẹ nuôi dạy sáu đứa con trai thật đáng yêu, sáu cậu đều thích đi câu cá trên thuyền với cha . Khi mùa Đông đến, chúng chạy ùa ra vui thích trượt băng trên cái hồ cạnh nhà suốt buổi chiều ,rồi tranh nhau chạy về nhà để thưởng thức ly sữa sô cô la nóng một cách ngon lành. Rich, người em nhỏ nhất luôn trân quý vô số những kỷ niệm yêu dấu như thế.
Nhưng, từ nhiều năm nay, kỷ niệm thường trở về với cậu ta là cây thông Giáng Sinh được đặt ở góc phòng khách trong ngôi nhà tuổi thơ của cậu. Vào một ngày đẹp trời của tháng mười hai, lúc đó Rich chỉ mới 14 tuổi, cậu và các anh cùng với cha mẹ họ đem một cây thông vào nhà . Neil, người cha luôn tôn trọng tập tục về cây thông Giáng Sinh này, và không gì có thể thay đổi được việc ấy, cho dù các con đều đã trưởng thành.
Cây chễm chệ ngự trong phòng khách, đó là cây thông thuộc giống Epica xinh đẹp cao hai mét rưỡi.
Rich vẫn còn nhớ mình đã treo những quả châu đầu tiên lên cây thông Giáng Sinh. Nhưng vài hôm trước ngày Giáng Sinh, một thư thông báo tin không vui giáng xuống gia đình họ : đó là hai anh lớn bị gọi đi nhập ngũ vào thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Người cha từng là cựu quân nhân của Thế Chiến Thứ Hai và Chiến Tranh Triều Tiên biết rằng thử thách ấy sẽ gay go như thế nào cho các con. Thế là ông đặt ngay một lời nguyền:
“Tôi chỉ dẹp bỏ cây thông Giáng Sinh khi mà tất cả các con tôi đều trở về sum họp trong ngôi nhà này.”
Neil đã tuyên bố lời nguyền đó từ năm 1974. Rich, người em út của gia đình, nay đã 55t và anh ta đã kể lại câu chuyện này một cách cảm động. Và vì lý do đã kể trên, cây thông Giáng Sinh của gia đình vẫn giữ nguyên vị trí ở phòng khách, đến nay đã được bốn mươi năm . Hai người anh đi lính đã an toàn trở về Mỹ từ cuộc chiến, nhưng một anh là thương binh hạng nặng và đang sống ở tiểu bang Washington, ở đầu mút bên kia của đất nước.
Tình trạng sức khỏe của anh chưa cho phép anh thực hiện chuyến trở về gặp mặt gia đình. Về phần cây thông Giáng Sinh , nó vẫn hiện ngang sừng sững và qua bao nhiêu năm tháng vẫn giữ được nguyên vẹn tất cả những đồ vật trang trí trên mình nó, không sót một món nào. Còn chàng Rich từ nay rất hãnh diện về cha mình cùng với “truyền thuyết” này của gia đình, anh ta còn đùa rằng cây thông Giáng Sinh trở nên thân quen như bàn ghế trong nhà và anh cũng không thèm để ý đến nó nữa.
Phần lớn những cây thông Giáng Sinh lần lượt rụng hết lá sau nhiều tháng không được ở ngoài khí trời, nhưng cây thông của Neil, tất nhiên cũng có vài lá thông bị vàng úa, nhưng cây gần như vẫn y nguyên. Ngay cả những vật trang trí và đèn đóm đều gần 100 tuổi rồi. Đó là một trong những cây thông Giáng Sinh hiếm hoi có chiều dài lịch sử. Và người cha giải thích sự kiện này một cách hết sức đơn giản:
“Những cành lá của cây thông Giáng Sinh của chúng tôi vẫn còn xanh tốt chỉ vì một nguyên do, đó là chúng chờ đợi con trai tôi trở về. Thật kỳ diệu thay! Nhưng tôi dám cá cược với quý vị là ngày mà con tôi về thì tất cả lá thông ấy sẽ rụng xuống.”
Ta hãy hy vọng rằng Giáng Sinh năm 2015 này, tất cả gia đình sẽ được sum họp đông đủ quanh cây thông Giáng Sinh kỳ diệu ấy.
Câu chuyện tuyệt vời trên đây nhắc cho chúng ta nhớ rằng Giáng Sinh chính là thời điểm để gặp lại người thân và sum họp để gia đình hưởng được những giờ phút đầm ấm bên nhau, và biết đâu, tin vào sự thần diệu của Giáng Sinh…
Nguồn: Eliane Hong,( tháng 10, 2015)- theo READER’S DIGEST- Tháinữlan dịch
THƯỢNG ĐẾ ĐÃ AN BÀI
Mục sư Bob Reid- TháiLan dịch
Đây là câu chuyện cho ta thấy những sự việc xảy đến trong cuộc đời ta luôn có lý do…
Một Mục sư và vợ ông ta vừa mới dọn đến ngoại ô thành phố Brooklyn và họ có nhiệm vụ làm cho nhà thờ ở đây sinh hoạt lại. Họ rất háo hức với cộng đoàn ở giáo xứ mới này. Khi họ nhìn thấy nhà thờ, họ biết cần phải sửa chữa nhiều vì rất nhiều nơi bị hư hỏng.
Họ tự đề ra mục tiêu là phải hoàn tất mọi việc trước lễ Giáng Sinh.
Họ đã làm việc rất cật lực trong nhiều ngày, sửa lại các hàng ghế, sơn phết tường, tô lại vách… và ngày 18 tháng 12, họ sắp hoàn thành công việc.
Nhưng rồi, ngày hôm ấy, một cơn giơ lốc đã tàn phá khu phố, trong suốt hai ngày.
Đến ngày 21, mục sư hướng về phía nhà thờ. Tim ông se thắt lại khi thấy tòa nhà đã tróc mái, và bên trong là một lỗ hổng thật lớn, phía cuối nhà thờ, ngay sau tòa thánh.
Vị mục sư lau chùi những đống đổ nát trên sàn nhà, rồi đi về .
Trên đường về, ông nhìn thấy các văn phòng đang tổ chức bán chợ trời và ông dừng lại. Ông nhìn thấy một tấm khăn trải bàn màu ngà, với nét thêu hoa văn rất thanh nhã, với màu sắc thật đẹp ,và ở giữa là một cây thánh giá thêu rất sắc sảo. A, đây là kích cỡ thật thích hợp để che lổ hổng ở toà thánh. Ông ta mua tấm khăn và đem về nhà thờ.
Trong khi đó, trời lại đổ tuyết bên ngoài. Rồi một phụ nữ lớn tuổi đi hướng ngược lại đang cố chạy theo cho kịp chuyến xe bus, nhưng bà đã hụt mất rồi. Mục sư thấy thế liền để nghị bà vô trong nhà thờ cho đỡ lạnh trong khi chờ chuyến xe sau.
Bà đến ngồi ở băng ghế và không để ý đến ông đang bắc thang và gắn tấm khăn trải bàn vừa mới mua làm thành một bức thảm treo tường. Vị mục sư không thể nghĩ rằng tâm khăn lại tuyệt đẹp như thế khi ông vừa gắn xong và nhìn ngắm bức tường. Tấm khăn che đậy sự khiếm khuyết một cách tuyệt hảo.
Rồi bỗng nhiên ông thấy người phụ nữ đi đến gần tấm thảm. Gương mặt bà ta trở nên xanh mét như tàu lá.
” Thưa ngài, bà nói, làm sao ngài có được tấm khăn này?”
Mục sự giải thích xuất xứ của tấm khăn và bà nhờ ông kiểm lại ở bên trong góc phải tấm khăn có thêu những chữ EBG không. Đó là những mẫu tự đầu của tên bà, và chính bà là người đã thêu tấm khăn đó, 35 năm trước đây, khi bà còn ở bên Áo.
Bà không thể tin nổi khi mục sư kể lại làm sao ông mua lại được tấm khăn ấy.
Bà giải thích rằng trước cuộc chiến, bà và chồng mình sống một cuộc đời rất thoải mái ở Áo.
Rồi khi bọn quốc xã đến, bà bị buộc phải ra đi, và chồng bà thì rời nhà tuần sau đó. Nhưng ông ấy bị bắt, rồi vào tù; từ đó bà chưa bao giờ gặp lại ông hoặc trở về ngôi nhà xưa của họ.
Mục sự có ý muốn trả lại tấm khăn cho bà, nhưng bà yêu cầu ông giữ lại để dùng cho nhà thờ. Mục sự đành đề nghị đưa bà về nhà, đó là điều tối thiểu ông có thể làm lúc đó. Nhà bà ở phía bên kia đảo Staten và bà đến Brooklyn hàng ngày để làm công việc thu dọn nhà cửa cho chủ.
Đêm vọng Giáng Sinh ở nhà thờ mọi việc diễn ra thật hoàn hảo. Phòng lễ gần như đông chật, ban nhạc hát Thánh Ca và niềm hân hoan của những người dự lễ thật tuyệt vời. Khi buổi lễ chấm dứt, mục sư và vợ ông ta đến chào mọi người ở ngưỡng cửa và nhiều người hứa sẽ trở lại đi lễ.
Có một người đàn ông cao tuổi hơn mục sư vẫn ngồi ở băng ghế và nhìn quang cảnh; vị mục sư không hiểu tại sao ông ấy chưa ra về.
Người đàn ông hỏi mục sư làm sao có được tấm khăn trải bàn trên tường, vì khăn đó giống hệt tấm khăn mà vợ ông đã thêu rất lâu rồi, lúc họ còn ở bên Áo trước chiến tranh, làm thế nào mà có thể có được hai tấm khăn giống nhau đến thế?
Ông kể cho mục sư nghe rằng trước khi quốc xã đến quê hương của ông, vợ ông buộc phải rời bỏ quê nhà , và đáng lý ông phải theo bà ta một thời gian sau, nhưng ông đã bị bắt và ngồi tù.
Ông chưa bao giờ gặp lại vợ mình hoặc trở về căn nhà của họ từ 35 năm qua.
Vị mục sư hỏi ông có cho phép mục sư đưa ông đi một vòng không.
Mục sư chở ông ta đến đảo Staten, đến ngay ngôi nhà mà mục sư đã chở người đàn bà thêu tấm khăn về ba ngày trước đó.
Mục sư giúp ông ta bước lên ba bậc thềm trước nhà, đến gõ cửa, và ở đó mục sự đã trải qua một lễ Giáng Sinh vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất mà ông chưa bao giờ tưởng tượng được.
Đây là câu chuyện thật- do Mục sư Rob Reid thuật lại; ông thêm rằng Thượng Đế luôn can thiệp một cách huyền bí.
Theo soleilinterieur- Mục sư Bob Reid-TháiLan/NữLan chuyển ngữ
NGÀY NÀO CŨNG LÀ LỄ GIÁNG SINH
TháiLan dịch
Trong gia đình Langelot, họ “thờ “đạo hạnh phúc, – hạnh phúc lan tỏa từ mỗi con tim. Ngay từ phút đầu mới quen nhau, Rose và Aimé đã cảm thấy vô cùng kinh ngạc về khung trời khả năng được mở ra trước mắt họ: mỗi ngày họ sẽ có thể làm rạng ngời tất cả những niềm hạnh phúc mà họ có thể có được bằng tình yêu của mình. Năm tháng qua đi, bao nhiêu nghi lễ được diễn ra mỗi khi từng đứa con được sinh ra để đặt nền vững chắc cho thông lệ của gia đình. Vào những dịp đặc biệt rõ ràng, ta có thể nhìn thấy họ nhảy múa vui cười trong phòng bếp để chấm dứt một ngày buồn tẻ âm u với một ly rượu làm bằng mặt trời tuyệt hảo; rồi những ngày phải mở bung cái dù ra và mang giày ủng cao thì cả gia đình lại xua đuổi bầu trời xám xịt bằng cách nhảy vào những vùng nước bắn tung tóe ra để làm cho những đám mây ấy” rối bù lên”, -từ ngữ riêng của Elias, cậu bé nhỏ nhất trong đàn chiên vui vẻ ấy. Hai cô chị Célia et Méline vừa khả ái vừa năng nổ bao nhiêu thì cậu bé càng tinh nghịch bấy nhiêu. Bức tranh của gia đình này sẽ chưa hoàn hảo nếu ta không kể đến cặp mèo hoang đã được cứu thoát khỏi hiểm nguy, một chú chó được huấn luyện bằng cả sự khôn ngoan của loài khuyển để canh giữ cái cơ ngơi phong phú này do bao nhiêu công khó dựng nên, vài con gà, một đàn cá đỏ hơn mươi con và đôi lúc vài chú chuột…
Cả ngôi nhà ấy là cả một con tàu đầy đủ (như con tàu của Noe trong Kinh Thánh).
Tầm quan trọng của đạo hạnh phúc này đạt đỉnh điểm vào chính đêm Giáng Sinh. Phải nói rằng kể từ ngày đầu tháng mười hai, thì dường như ngay cả ngôi nhà cũng không thể nào chịu đựng nổi. Ta thấy những ngăn kệ được trang hoàng đầy cả nến, và mỗi chiều tối thì tất cả những ngọn nến được thắp lên cùng với bếp lửa ở lò sưởi. Đó là dấu hiệu…Rồi sau đó thì những vòng hoa trang trí, những đồ vật xinh xắn do lũ nhỏ tự làm, những màu sắc, những hình vẽ được lôi ra khỏi hộp. Mùi quế và vỏ cam, mùi bánh quế có gừng, phảng phất trong không khí, đó là những mùi vị của hạnh phúc tột đỉnh…
Theo thông lệ, ngày 15 tháng mười hai, cả gia đình cùng đến khu vườn ương một cách hùng hồn nghiêm túc như một nghi thức. Đó là một sứ mệnh vào tầm quan trọng bậc nhất: chọn một cây thông giáng sinh. CÂY thông…Ý tưởng phải chọn một cây, phải chặt đứt một nguồn sống, cho dù đó là nguồn sống thực vật, làm cho họ thật khó chịu và đau lòng. Và họ cũng cần cả rễ cây.
“Kẻ” được hân hạnh tuyển chọn sau khi được xem xét tỉ mỉ, và được quyết định chung cuộc, sẽ có quyền chễm chệ ngay chính giữa phòng khách, bên cạnh lò sưởi.
Tối hôm đó Rose mang “hộp hạnh phúc” từ ngạch (kệ) của lò sưởi xuống, vì hôm nay là sinh nhật của nàng. Nguyên tắc khá đơn giản. Mỗi thành viên của gia đình đều nhận quà gồm một mớ dãi lụa đủ màu sắc và vài dãi màu trắng. Trên những dãi đầy sắc màu thì sẽ ghi “niềm hạnh phúc trong ngày”. Một chữ, một ý tưởng, một cuộc gặp nào đó, một cảm nghĩ, một điều gì rất hay hoặc rất tuyệt vời đã “để lại dấu vết” cho ngày hôm đó. Còn trên dãi màu trắng ư? Sẽ không ghi gì cả. Điều này có nghĩa là một điều gì quá sâu kín, riêng tư để được bật mí. Nhưng nó vẫn hiện hữu ở đó, và tùy mỗi người muốn giữ lại vết tích hay không.
Và tất cả những dãi lụa xinh ấy đều có nơi đến. Chính những cành cây thông vừa mới được “xông đất” vào ngôi nhà này là nơi mà mọi người sẽ trân trọng buộc những đợt sóng vui mừng ấy vào. Dần dà, trong một nghi lễ ngập tràn niềm vui nhưng cũng không kém phần vô cùng nghiêm trang ấy, cây thông đã ngập đầy những thông điệp hạnh phúc đó và trong một khoảng thời gian rất dài trở thành một biểu tượng phúng dụ của toàn bộ những nỗi hân hoan của gia đình Langelot. Đôi khi, vào một ngày không có ý nghĩa nào đó, một kỷ niệm không vui lại hiện lên. Thế là Rose ném ngay một nhúm muối vào lửa ở lò sưởi. Những hạt muối nổ lách tách như pháo hoa kia sẽ làm vỡ tan tành những cái rùng mình buồn bã cuối cùng ấy.
Đó là một buổi tối thật tuyệt vời. Truyền thuyết của gia đình được ghi trên những dãi lụa màu ấy, và hơn lúc nào hết, bọn trẻ đã học được thế nào là sẻ chia, niềm vui sướng và vị ngọt dịu dàng khi được ở bên nhau. Rose mỉm cười và nói rằng đây là món quà sinh nhật tuyệt vời nhất cho nàng. Còn chàng Aimé thì khiến ta gởi tưởng đến một tấm chắn chống lại mọi phiền nhiễu của thế giới. Cả hai đều sở hữu một pháo đài tình yêu. Nhưng điều quan trọng nhất là họ tin vào đó…Tất cả các thành viên đều như vậy. Và niềm tin tuyệt diệu trong hạnh phúc chính đáng ấy, cùng với những động tác kèm theo, tạo nên một nơi trú ẩn an toàn, xa với phần còn lại của thế giới. Sự hiện diện của cây thông ấy ngay ở đây, trước mặt họ, trong thời khắc này của năm tháng là phương thuốc công hiệu nhất cho nỗi u sầu.
Lễ Giáng Sinh là đỉnh điểm của tất cả những điều ấy. Cây hạnh phúc đã ngự trị suốt buổi tối hôm ấy.Thỏa thuê và tràn ngập hạnh phúc, đôi khi họ ngủ gà gật bên góc lò sưởi để chờ đợi giờ mở quà theo tập tục (những đứa bé nhất được ưu tiên!), rồi sau đó là bữa điểm tâm. Và suốt ngày hôm đó được dành để khám phá muôn vàn sự huyền diệu thêm vào những điều thần tiên đã hiện hữu trong nhà. Không bao giờ có những món quà để mà “sở hữu”, nhưng đó là những món quà để “hiện hữu”. Ngôi nhà kêu gù gù còn hơn cả mấy chú mèo…Và khi nhìn vào đôi mắt của Rose và Aimé, ta có thể nhìn thấy niềm hãnh diện và sự dũng cảm của những người đã lựa chọn cho cuộc sống của mình và họ đã bằng lòng với điều đó. Bây giờ là lúc để gợi lại những niềm vui từ xa xưa nhất. Elias thì không bao giờ chán chê nghe kể về buổi tối mà cha mẹ nó thông báo cho hai đứa chị rằng chúng sẽ có em trai. Còn Célia et Méline thì nỉ non vui thích khi kể các chú mèo con được sinh như thế nào, việc chú chim bé nhỏ được cứu vớt và mơn trớn ra sao cho đến khi bé chim có thể cất cánh bay được. Cha mẹ chúng thì nhớ lại những cuộc viếng thăm bất ngờ đã làm cho cả gia đình đều rất đỗi hoan hỉ. Những vụ thu hoạch thần kỳ, những trò chơi với cái xích đu, nước, mùa hè khi thời tiết quá sức nóng bức…Cả gia đình hiến thân miệt mài cho cuộc đời. Và cuộc đời cũng đã báo đáp họ thật là hậu hĩnh.

Bây giờ đã đến ngày đầu tháng Giêng. Từ sáng sớm, Aimé đã cực nhọc đào một cái lỗ cho thật sâu rộng, thoải mái cho cây. Một phần của mảnh đất to lớn đã được biến thành khu vực trồng thông. Rồi cây hạnh phúc được di chuyển một cách long trọng và được chuyền tay nhau để đẩy xe cút kít đến nơi cư trú mới của nó, trên cành vẫn còn buộc lủng lẳng những dãi nơ xinh đẹp. Bọn trẻ cùng nhau giúp đặt cây vào lỗ rồi lấp đất chung quanh thế nào cho nó thật vừa vặn và thích nghi. Và rồi chúng lại xoa nhẹ vào các cành để chào cây một lần sau cuối một cách nghiêm cẩn, tỏ vẻ luyến tiếc; sau đó chúng trở vào nhà và ngồi quanh bàn bếp, quây quần rộn ràng vui nhộn. Rose thì đang chờ họ trong một mùi hương sữa sô cô la và mật ông nóng hổi. Chính giữa bàn hàng loạt những dãi nơ trắng và đủ màu sắc đã được bày ra cùng với ly sô cô la mong đợi ấy cho mỗi vị thực khách; và thế là buổi tiệc mừng năm mới có thể bắt đầu được rồi. Bên ngoài kia, khi mùa Xuân đến, ta sẽ thấy trong tổ của lũ chim những cành lá xen kẽ với những dãi lụa muôn màu. Niềm hạnh phúc, một khi đã bén rễ vào một nơi nào, sẽ mang sắc màu vĩnh cửu đến nơi đó…
Virginie Ronteix- TháiLan dịch
Sent from Regina’s iPad