Vài Cảm Nghĩ Về Thi Phẩm “Ngày Vội” của Mỹ Hoàn Ngô Tằng Giao

VÀI CẢM NGHĨ VỀ
THI PHẨM “NGÀY VỘI”
của Lê Mỹ Hoàn
______________________________________
 
    Là người dân Việt ai cũng đớn đau cõi lòng khi thấy cửa mất nhà tan, quê hương rơi vào cảnh điêu tàn. Ai cũng hầu như nhỏ lệ khóc cho “ngày mất nước”, “khóc cho nền Cộng hòa đã mất” cùng hình ảnh người chiến sĩ bại vong buông súng trở về:
 
   Anh thẫn thờ mắt nhìn vô tận
   Và anh thì thào anh đã mất tất cả rồi…
…Những giọt nước mắt của các anh chảy qua tim chúng tôi
   qua tim mọi người, cho Quê Hương,
   cho một Nền Cộng Hòa đã mất.”
   (Anh trở về)
 
     Đâu ngờ rằng hết chiến tranh thời quê hương lại thêm tang thương, lòng người chỉ thấm đượm thêm sầu thảm:
 
“Quê hương tan nát lòng đau
Cổ lai chinh chiến nỗi sầu em mang”
(Tàu đêm)
 
Bộ mặt thật của cái chế độ cộng sản thường tự nhận là “độc lập, tự do, hạnh phúc”, thường khoe khoang với chiêu bài “giải phóng”, nay hiển lộ nguyên hình gây tang tóc khốn khó cho người dân nước Việt cả hai miền Nam Bắc:
 
“Anh đi giải phóng cứu quê hương
Mà hóa thành ra kiếp đoạn trường
Giải phóng gì dân lành uất nghẹn
Xác xơ nghèo đến nỗi tang thương 
(Các anh giải phóng)
 
Cái chủ thuyết ngoại lai “Mác-Lê” đã như những lưỡi gươm đao gây “đổ máu” cho người dân, phá nát nếp sống đạo đức gia đình và khuôn mẫu sinh hoạt xã hội ổn cố:
 
“Lưỡi Mác, lưỡi Lê đều sắc bén
Nên giờ con cháu phải điêu linh” 
(Còn đâu hương khói từ đường)
 
Người dân trong cảnh khổ đau tột cùng không còn chọn lựa nào ngoài mong muốn được thoát cảnh đọa đày trên chính quê hương mình nên liều mạng ra khơi tìm sự sống:
    
            “Nước non ngàn dặm ra đi
       Quê hương đâu nỗi biệt ly thuở giờ 
       (Ngàn dặm ra đi)
 
Bao chuyến ra khơi đầy gian nguy sóng gió, trong bão tố đại dương, biết bao người đã phải bỏ mạng trên biển cả / thà rủi ro bị chôn thây dưới muôn trùng sóng còn hơn phải sống một cuộc đời nô lệ vất vưởng trong chế độ cộng sản phi nhân
 
…Tay ai đất mẹ đang quằn quại
Để đáy trùng dương trắng mộ người.” 
(Môt chuyến hải hành)
“Năm châu còn rung động lương tâm
Thảm cảnh thuyền nhân lạc giữa giòng
Cộng sản trớ trêu lòng nhân loại
Khiến bao người liều chết biển đông”
(Bên bờ đại dương)

Với những kẻ may mắn dù vượt thoát được gông cùm trong nước thời mối căm thù cộng sản kể từ ngày mất nước tháng Tư năm 75 vẫn muôn đời khó phai nhạt:
 
   “Quê hương mấy cuộc bể dâu
   Trong ta một nỗi u sầu chưa tan
   Thời gian lặng lẽ lướt nhanh
   Làm thêm héo nụ cười xanh thuở nào
   Ôi cơn nắng hạn lao đao
   Hồn ta nứt nẻ ngày vào tháng Tư.”
  
(Nắng hạn tháng Tư)
 
   “Đêm nay giấc ngủ không về
   Những ngày tháng cũ rủ rê đến hoài
   …Bóng ngày tháng cũ âm vang
   Đêm về hư ảnh vương mang nỗi buồn”
   (Ngày tháng cũ)
 
Tình quê hương luôn trỗi dậy, biết bao hình ảnh thân thương, biết bao địa danh trân quý một thời xa xưa và kỷ niệm ấu thơ mộng mơ vẫn luôn in sâu trong tâm khảm:
 
“Có phải em về thăm phố xưa
Anh nghe trăng gọi giữa vườn khuya
Sài Gòn phố nhỏ nên thơ quá
Em nhớ hương đêm ngập lối về”
(Em về phố xưa)
 
“Hàng lá me xưa đã mất rồi
Mất lối đi vào trong tuổi mộng
Mất đường lối cũ đến trường xưa”
(Sài Gòn lá me ơi)
 
     Đôi khi chỉ là hình ảnh một con phố cổ, một giòng nước sông xưa thân quen, một mảnh vườn nơi miền cao nào đó:
 
“Len lỏi khung trời cũ 
Ta và phố hoang vu
Tâm sự ngày ly biệt  
Se cõi lòng âm u”
(Lòng ta phố cổ)
 
     “Giã từ giòng sông Cửu
      Ra đi lòng nặng trĩu…”
      (Giã từ giòng sông Cửu)
 
“Những chùm cà phê trĩu nặng trong sương mềm
Đong đưa hoan ca trên miền gió núi…
     …Hoa cà phê trắng
       Trong nắng hồn nhiên môi nụ em cười”  
       (Nhớ về Ban Mê Thuột)

     Thi sĩ Lamartine nói:”Le spectacle est dans les yeux” (Cảnh ngoài cũng chỉ do đôi mắt người). Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Mùa Xuân nơi đất lạ luôn “phai sắc”. Có lẽ chỉ có hình ảnh mùa Xuân năm nào nơi đất mẹ thuở xa xưa mới mang lại niềm vui trong lòng kẻ xa xứ:
 
“Lưu lạc xứ người Xuân sắc rụng
Đổi rời non nước Hạ buồn rơi”  
(Xuân phai)
 
“Ngập ngừng chân bước cuối năm
Tiếc mùa Xuân cũ âm thầm trôi qua…
…Chợt nghe gió lạnh miên man
   Giật mình đứng giữa hoang mang xứ người”
    (Tiếc Xuân)
 
Lòng chan chứa tình tự dân tộc, trong niềm nhớ về quê hương, đất nước, nhớ về đồng bào ruột thịt tất nhiên trái tim kẻ xa xứ khó mà quên hình ảnh người mẹ hiền:
 
“Từ khi con khóc chào đời
Giòng thơm sữa mẹ trên môi ngọt ngào
Dỗ dành cơn đói nôn nao
Trên nôi tay mẹ đi vào giấc say”   
(Giòng thơm sữa mẹ)
 
“Xót xa thương dáng mẹ hiền
Mùi hương chùm kết còn mềm trong tay”  
(Hạt trấu bụi đời)
 
     Mong có ngày được quay trở về quê cũ quỳ bên mẹ hiền trong gia đình với tình mẫu tử thiêng liêng dạt dào từ ái:
 
“Hôm nay về quê mẹ:
Năm tháng dài lê thê
Lâng lâng hồn cố xứ
Mẹ ơi con sắp về…
…Đường làng vẫn quen ghê
Dường như không thay đổi
Chân dập dồn bước tới
Lòng chan chưa tình quê”
(Về quê mẹ)
 
     Đôi khi ước nguyện bất thành. Bóng dáng mẹ lại chẳng còn vì cuộc sống vô thường đã khiến bao người mất mẹ:
 
“Bông hồng trắng lệ ai cài áo
Mẹ đâu còn ở cõi thế gian
Vu lan báo hiếu lòng con tưởng
Mẹ như còn bên cạnh yêu thương…
(Màu hoa lòng mẹ)
 
     Đôi khi cả hương khói từ đường theo truyền thống cũng không còn cơ hội cho kẻ tha hương được thực thi ý mình:  
           
“Bơ vơ lạc lõng cuối chân trời
Nhìn về đất mẹ thật xa xôi
Nghĩa trang giờ có người qua lại
Xin thắp giùm tôi những ngậm ngùi”  
(Còn đâu hương khói từ đường)
 
     Tuy đau khổ với thân phận tha hương của mình nhưng không vì vậy mà cõi lòng cùng tình cảm của kẻ xa xứ bị hủy tiêu hoàn toàn. Thấp thoáng hình ảnh mối tình xưa thơ mộng nào đó vẫn còn phảng phất trong con tim chân chính:
 
“Lòng tôi thương nhớ mối tình thơ
Chợt hững hờ nhưng vẫn mộng mơ
Bâng khuâng như chùm hoa vừa nở
Quay mặt làm ngơ lòng vẫn chờ…
Vàng son một thuở bao lưu luyến
Xao xuyến tình thơ tuổi học trò” 
(Mối tình thơ)
 
“Ngày xưa áo trắng rộn niềm vui
Bút nghiên trôi êm ả một thời
Đã bao nhiêu năm rồi viễn xứ
Áo phong trần lấm phủ bờ vai”  
(Áo em là mây trắng)
    
Đôi khi tâm hồn vẫn trỗi dậy đầy nét hào hoa nên bao cảnh trí thơ mộng lãng mạn của đất trời vẫn được ghi nhận với con mắt nghệ sĩ bằng những vần thơ mượt mà:
 
“Khom lưng chất ngất tiêu điều
Ẩm tay lá mục đìu hiu tháng ngày
Với lên hứng gió ngàn cây
Sương đâu rơi ướt mặn đầy trên môi…
…Ngây ngây mấy nỗi điêu tàn
Từ trong âm vực trổi ngàn cung tơ
Dạt dào lối nhỏ như mơ
Bóng ngày xanh mãi ngẩn ngơ trong hồn”  
(Lục bát tiêu điều)
 
“Cây rủ thướt tha dồn sóng nhạc
Trăng hữu tình ngả bóng nghiêng vai
Thấp thoáng bóng mây che rèm núi
Ven bờ chạm nhẹ bước chân nai” 
(Trăng rừng)
 
     Niềm tin tôn giáo thành kính với các nhu cầu về giác ngộ chân tâm, với khái niệm luân hồi v.v… vẫn luôn khởi sắc:
 
“Áo nâu bóng nhỏ âm thầm
Đạo tràng lần hạt đưa tâm xa đời”
(Hồn chuông bỏ ngỏ)
 
“…Trầm hương thoang thoảng đến
Một thoáng lời kinh điển
Rớt bên thềm giác ngộ…” 
(Giác ngộ)
 
“Kiếp nhân sinh nào ta được gặp nhau
Có một sân ga, giòng đời vạn nẻo” 
(Chuyến tàu)
    
Cảm nhận vạn vật nở thắm vào mùa xuân rồi tàn phai với năm tháng theo quy luật vô thường, “sinh, trụ hoại, diệt”:
 
“Thế rồi Xuân mau tàn
Hạ chinh chiến tràn lan
Thu khóc nhiều nước mắt
Đông quên ươm nụ lòng”  
(Hồng đào)
 
“Cô miên một giấc miên man
Ngàn thu chưa tỉnh ngút ngàn thu sau
Luân hồi đợi đến kiếp nao
Vào ra một kiếp biết bao muộn phiền
Thôi đành một giấc cô miên” 
(Cô miên)
 
     Nhưng dù sao chăng nữa cũng không thể quên ghi nhận lại lòng thành kính tri ân của toàn thể nhân dân với các vị Tướng và các chiến sĩ địa đầu đã từng hết lòng bảo vệ dân lành thuở trước. Chẳng thể “lấy thành bại luận anh hùng”:
 
“Lời thề giữ nước bao chiến sĩ
Dưới gươm quyết dựng ngọn cờ cao
Dù cho giòng máu không ngừng chảy
Ngàn năm còn mãi tiếng anh hào” 
(Tuyến địa đầu)
 
     Và cuối cùng là lòng mong ước một ngày nào đó toàn thể người dân nước Việt cả hai miền Nam Bắc đều đồng tâm đoàn kết trỗi dậy phá tan cảnh gông cùm cộng sản và sống chung dưới một màu cờ nền vàng ba sọc đỏ yêu dấu trong một đất nước “độc lâp, tự do và hạnh phúc” thực sự:
 
“Bao giờ Sài Gòn mang tên cũ
Thành phố xưa vẫn đứng mỉm cười
Không có sao vàng rơi vũng máu
Làm cho nhầy nhụa bước chân đi” 
(Bỗng về)
 
“Năm châu chung bóng cờ vàng
Tung ba sọc đỏ kết đoàn cùng nhau
(Chung một màu cờ)
*
 
     Điểm qua một số vần thơ được trích dẫn trên đây độc giả thấy ngay là Lê Mỹ Hoàn đã muốn dùng ngôn ngữ, âm điệu để diễn tả tâm tư, tình cảm riêng của cá nhân mình đồng thời đưa người đọc hòa theo nhịp tim của tác giả, lúc thì chua sót trong cảnh biệt ly, lúc gợi ra niềm nhung nhớ xa xăm về đất nước, về gia đình, lúc lộ vẻ tang thương thiểu não, lúc thì tràn đầy yêu đương, rồi đến lúc tột đỉnh với điệu thơ hào hùng như muốn gửi gấm trong đây lời nguyện cầu cho một nước Việt thoát ách cộng sản bạo tàn.
     Xuân Diệu, thay cho lời mở đầu thi phẩm “Gửi hương cho gió,” đã từng đưa ra cái ý tưởng rằng thi sĩ đôi khi chỉ là: “con chim đến từ núi lạ. Ngứa cổ hát chơi…” 
     Ðiều này tuyệt nhiên không đúng với Lê Mỹ Hoàn vì tác giả từng thổ lộ là đã “thốt lên những vần thơ đầu tay tự trái tim mình”. Quả thật nhà thơ đã không cất giọng để hát chơi bên tiếng khóc tang tóc của dân tộc, đã không dùng bút mực để viết chơi với tình hình thương đau của đất nước, với cuộc sống khốn khổ nhục nhằn của người dân Việt sau tháng Tư năm 75. Lê Mỹ Hoàn đã thật sự nghẹn ngào trong ngôn từ và thổn thức trong niềm thương nỗi nhớ để trào dâng ra thành những vần điệu mượt mà của thi ca, gom góp lại thành một tuyển tập hơn trăm bài thơ đủ thể loại lấy tên là: thi phẩm “Ngày Vội”, coi tác phẩm này “như phần đất lấp mau, như giọt nước mắt vội vàng khóc cho người vừa nằm xuống và cho quê hương tan nátđồng thời coi đây là môt kỷ niệm trong kiếp sống vui buồn chốn tha hương với các thân nhân và bằng hữu khắp bốn phương của mình.
     Vườn hoa văn học nghệ thuật hải ngoại lại có dịp mở rộng cửa để chào đón thêm một cụm hoa mới vừa bừng nở với đầy hương sắc của một nhà thơ nữ!
 
   Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO
(Bài giới thiệu ra mắt thi phẩm “Ngày Vội”
tại Hội Cao Niên VA, 3-Nov-2018)

April 24, 2020