Truyện ngắn Bà Xưa -TT Thái An

Bà Xưa

TT-Thái An

Trong số những khuôn mặt vẫn còn hiện diện trong ký ức của tôi, phải nói đến bà Xưa, vì tôi có rất nhiều kỷ niệm với bà.  

Có thể nói bà là một phần tuổi thơ của tôi. 

Bà Xưa vào làm cho gia đình tôi từ khi tôi lên khoảng sáu hay bẩy tuổi.  Bà ít nói, ít cười, lúc nào cũng có vẻ lầm lì,  khó mà thân thiện.  Vì thế, tuy ở chung một nhà, gặp nhau mỗi ngày, tôi cố gắng nói chuyện với bà bao nhiêu cũng chẳng làm cho bà có thể nở một nụ cười.

            Tôi nhớ khi công ty hoả xa còn hoạt động, mỗi năm bà hay về quê ăn tết bằng tàu lửa. 

            Mỗi lần bà đi khoảng 1 tuần hay mươi ngày thì trở lại.  

Sau vụ đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, chiến tranh leo thang, Việt Cộng hay tháo gỡ đường rầy hoặc đặt mìn làm tàu bị lật khiến nhiều người chết nên công ty hoả xa ngưng hoạt động.  Vì thế bà phải về quê ăn tết bằng tàu bay.  Sau này em trai bà là chú Bảy dẫn vợ con vào Sài Gòn sinh sống nên vài năm bà mới về quê một lần.

Tôi còn nhớ trong Sổ Gia Đình của gia đình tôi vào những năm 1960, tên bà là Lê Thị Xưa, sinh quán tại quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.  Có lần, không biết vì cao hứng hay bức xúc vì cái tên của mình mà bà thố lộ sự thật, tên “Xưa” là tên của con trai cả của bà.  Theo phong tục, người trong làng hay gọi các bà bằng tên con trai cả nên họ gọi bà là “bà Xưa”. 

Con trai bà đã chết từ lâu, nhưng cái tên vẫn còn ở lại với bà và bà mang nó mãi mãi.  Bà mù chữ nên khi chánh quyền sở tại ra lệnh cho mọi người phải đi làm thẻ kiểm tra, bà hoàn toàn phải nhờ người ta viết đơn hộ.  Khi người nhận đơn hỏi tên bà, theo phản ứng bà trả lời: “Tên tôi là Xưa”.  Khi họ hỏi: “Họ bà là gì?”  Bà trả lời: “Tôi họ Lê”.  Thế là họ viết ngay vào thẻ kiểm tra của bà là “Lê Thị Xưa”. 

Tôi không nhớ bà có nói tên thật của bà cho mẹ tôi nghe hay không, nhưng đối với tôi, “Lê Thị Xưa” là đủ rồi.  Tôi chẳng bao giờ quên được cái tên đặc biệt này.

            Quanh năm bà Xưa chỉ mặc cái quần lãnh đen, cái áo cánh tay màu nâu.  Đầu bà luôn búi tó.  Tóc bà luôn bôi dầu dừa, lúc nào cũng bóng mượt và không vương vãi ra ngoài cái búi tóc.  Bà có cái chai đựng dầu dừa nhỏ hơn chai xá xị.  

Thỉnh thoảng bà chế dầu ra tay rồi vuốt lên tóc từ đầu đến đuôi, sau đó bà dùng lược chải tóc cho thẳng thớm rồi búi lại gọn gàng, sau cùng dùng cái cây ngoáy tai ghim vào búi tóc để giữ cho không bị xổ ra.  Khi nào hết dầu dừa, bà lại cầm chai sang hàng gạo bên kia đường để mua thêm.  Thỉnh thoảng bà cũng qua hàng gạo để mua chùm kết về nấu nước gội đầu.  

Bà Xưa đeo đôi hoa tai bằng vàng y, kiểu rất xưa, phía trước giống hạt nút tròn, phía sau là cái chốt đuôi dài vặn vào chân của hoa tai.  Cái đuôi này có dạng ống tròn, phía trên nhỏ, phía dưới to hơn một tí, đường kính gần bằng hạt nút phía trước.  Bà đeo nó quanh năm suốt tháng.  Tôi thấy đôi hoa tai của bà Xưa gần giống như đôi hoa tai của bà cụ hàng gạo. Chỉ khác là đôi hoa tai của bà cụ hàng gạo có vẻ kiểu cọ hơn vì trạm trổ chung quanh mặt trước.  Cả hai bà này đều nhuộm răng đen và ăn trầu.  Chỉ khác là bà cụ hàng gạo vấn tóc với khăn nhung đen theo lối Bắc xưa, mặc áo trắng.  Còn bà Xưa thì bôi dầu dừa, búi tóc và mặc áo nâu.

            Thỉnh thoảng màu răng đen bị phai, bà Xưa lại ra chợ mua thuốc nhuộm răng về nhuộm lại. 

Tôi hay tò mò xem bà nhuộm răng ra sao, nên khi bà nhuộm răng, tôi đứng ngay bên cạnh theo dõi từng tí. 

Thuốc nhuộm răng được kẹp bên trong hai tờ giấy dầy như giấy nhám, màu thuốc đen và đặc cứng như hắc ín.  Bà Xưa hơ nó qua lửa cho cao bắt nóng mà mềm ra để bà có thể kéo rời ra được hai tờ đó.  Sau đó bà đắp  mỗi tờ trên một hàm răng, một tờ trên hàm trên và một tờ trên hàm dưới. 

Tôi sợ bà bị phỏng nên nhăn nhó hỏi bà: “Nóng không bà Xưa?”.   Bà đang ngậm hai tờ thuốc nhuộm nên chỉ lắc đầu để trả lời. 

Bà chờ khoảng 15 hay 20 phút tôi không nhớ rõ, sau đó bà gỡ ra rồi cầm gương lên soi.  Tôi luôn nói với bà: “Cho bé xem với!”. 

Bà soi gương xong thì quay lại cho tôi xem.  Thấy hàm răng bà được nhuộm lại đen nhánh, tôi khen ngay: “Răng bà Xưa đen rồi, đẹp rồi!”.  Được khen mà bà Xưa cũng không nhếch mép cười.  Bà chỉ nhìn lại răng mình trong gương rồi dọn dẹp.

            Thấy bà Xưa ăn trầu nhiều lần trong ngày, tôi đoán rằng trầu ngon lắm.  Nhiều lần tôi hỏi bà Xưa: “Trầu ngon lắm hả bà Xưa?”  Lần nào bà cũng trả lời: “Ừ, ngon!”

Một hôm tôi xin bà cho tôi ăn thử; bà từ chối ngay.  Bà nói rằng: “Con nít ăn trầu làm gì, không ăn được đâu!”  Tôi cãi lại: “Bé ăn thử một tí thôi mà!  Bà Xưa gói cho bé một tí thôi, đừng gói miếng lớn như của bà Xưa.”

Bà từ chối bao lần, tôi cứ năn nỉ bấy nhiêu lần.  Mãi rồi bà cũng xiêu lòng và gói cho tôi một cái bé tí .  Bà dùng một mảnh nhỏ lá trầu để gói một miếng cau bé tí rồi quét một ít vôi vào.  Gói xong bà đưa cho tôi, dặn dò: “Coi chừng cay lắm, ăn không được thì nhả ra liền, nghe chưa?” 

Tôi hớn hở dạ ngay tức khắc rồi lấy gói trầu đưa lên miệng, nhưng lại bỏ vào từ từ để nghe ngóng thế nào cái đã.

Khi miếng trầu đã nằm trong miệng, tôi cắn nhè nhẹ, chả thấy ngọt ngào gì, chỉ thấy mùi hăng hăng của trầu cau; sau vài lần, tôi cắn mạnh hơn. 

Khi nước vôi và trầu đã chảy ra, tôi cảm thấy cay nồng và tê lưỡi.  Không biết phải làm sao, tôi nuốt đại vì sợ nhổ ra sẽ bị bà Xưa chê là không biết ăn trầu mà cũng đòi.  Vài phút sau, tôi cảm thấy mặt mình nóng bừng, đầu bắt đầu xây xẩm. 

Tôi nói với bà Xưa: “Bé thấy nóng mặt quá!” bà Xưa vội bảo tôi nhả trầu ra ngay. 

Tôi nghe lời, đưa tay ra nhả trầu vào tay. Lúc này miếng trầu đã ngã sang màu đỏ tươi của vôi.  Bà bảo tôi đi rửa tay, súc miệng rồi đi ngủ.  Xong xuôi, tôi đi lên nhà để đi ngủ. 

Nhưng chỉ đi đến phía cửa, tôi cụng ngay đầu mình vào tường vì chóng mặt quá, không nhìn thấy rõ, tưởng là cửa. 

Tôi té ra, bà Xưa vội chạy lại đỡ, miệng bà làu bàu: “Đã nói ăn không được mà cứ đòi, bây giờ bị say rồi đó, thấy chưa?” 

Bà dìu tôi lên nhà và dặn rằng đừng cho cha mẹ tôi biết bà cho tôi ăn trầu, nói là tôi bị té thôi.  Nhưng trán tôi đã u lên một cục, bà Xưa phải lấy muối xoa bóp trên cục u cho nó bớt xưng.  Tôi đau lắm nhưng chỉ xuýt xoa, chẳng dám khóc vì sợ bà lại rầy tiếp.  Năm đó tôi lên khoảng bảy hay tám tuổi gì đó.

            Đằng sau nhà tôi có khoảng sân nhỏ có để một cái lu và một cái hồ xây bằng xi măng dùng để chứa nước. 

Thời đó, chưa có nước máy dẫn vào từng nhà nên mỗi ngày bà Xưa phải gánh nước ở cái giếng công cộng sau nhà tôi để đổ đầy hồ và lu.  Vào mùa mưa, cái máng sôí tuôn nước mưa vào hồ đầy ắp thì bà Xưa khỏi cần xách nước ngày hôm sau.  Bên cạnh lu là chỗ để ngồi rửa rau, rửa chén bát và chuẩn bị nấu ăn. 

Những lúc bà Xưa làm cá, con mèo của tôi hay lân la đến gần, bà luôn đưa tay ra xua nó đi.  Nhưng có hôm bà vừa quay đi để lấy thứ gì đó thì con mèo của tôi đưa tay khều con cá đang nằm trên thớt, chưa kịp tha đi thì bà Xưa quay lại bắt gặp. 

Bà vung tay ném ngay con mèo văng ra xa, đập vào tường.  Nó đau quá kêu cái “méo” thất thanh.  Tôi đau lòng cho con mèo, chạy vội lại bế nó lên và ôm nó vào lòng, vuốt ve trấn an nó, hy vọng nó sẽ bớt sợ và bớt đau.  Tôi nói mà mắc nghẹn:

  • Tại sao bà Xưa ném con mèo của bé, lỡ nó chết sao?

Bà lạnh lùng trả lời:

  • Ngày xưa ở nhà qua (bà Xưa xưng “qua” với chị em tôi), có hôm con mèo tính tha con cá qua đang làm trên thớt, qua chặt ngay con mèo ra làm đôi. Nó đang có bầu, con nó cũng chết luôn!

Tôi la lên:

  • Bà Xưa ác quá!

Nói xong, tôi bỏ lên nhà khóc vì thấy thương cho con mèo xấu số bị bà chém đôi chết hết cả mẹ lẫn con. 

Từ đó, tôi thấy sờ sợ bà Xưa!

Một hôm, tôi thấy bà Xưa lấy phấn trắng viết vài mẫu tự trên đất, miệng bà đọc “Anh sờ, Em rờ” rồi bôi đi viết lại vài lần, lần nào bà cũng đọc “Anh sờ, Em rờ”. 

Tò mò, tôi đến gần xem bà viết gì, thì ra bà viết “N” và “M”.  Dù nét chữ ngoằn nghèo, nhưng tôi cũng đọc được. 

Tôi bật cười toang lên thật lớn vì nhịn không được.  Ở trường học, có bao giờ các cô dạy tôi tập đọc như thế đâu.  Không biết ai dạy bà như thế, buồn cười quá!  

Tôi nhanh nhẩu bảo bà: “Bà Xưa muốn học đọc để bé chỉ cho, ai mà đọc kỳ thế!”

Bà nổi cáu ngay, trả lời: “Thôi không học nữa!”

Nói xong bà xóa hết mặt chữ dưới đất.  Tôi cụt hứng và không hiểu mình đã nói gì làm bà giận đến thế.  Lúc này tôi vẫn còn học tiểu học, còn ngây ngô lắm.

            Thời xa xưa đó còn thổi cơm theo kiểu truyền thống cổ điển, nghĩa là còn dùng bếp củi, bếp than và sau này là bếp dầu hôi, bếp ga nên ngày nào nhà tôi cũng có dư hai miếng cơm cháy, trưa một miếng, chiều một miếng.  Bà xin mẹ tôi cho bà đem về cho em trai bà ở bên Hòa Hưng để nuôi heo.

Em trai bà làm nghề đạp xích lô, có vợ và hai con còn nhỏ nên để vợ ở nhà nuôi heo kiếm thêm thâu nhập. 

Bà lấy cơm cháy phơi khô rồi xếp lại gọn gàng trong hai cái thùng sắt tây sau khi đã lót giấy báo dưới đáy thùng (loại thùng đựng dầu hôi).  Khi đã đầy hai thùng, bà lấy giấy báo che phía trên cẩn thận, rồi bà gánh đi bộ về nhà em ở Hòa Hưng.  

Những lúc gánh cơm cháy về nhà em, bà thay bộ quần áo mới, áo tay dài, cũng mầu nâu, quần lãnh đen mới.  Bà đi chiều thứ Bảy, ở lại nhà em một đêm, chiều Chúa nhật bà trở lại.  Bà kiên nhẫn gánh cơm cháy cho em nhiều năm như thế.

            Những năm sau này, nước máy đã được bắt vào nhà . Khoảng năm 1966 trở đi, các thứ đồ điện gia dụng của Nhật được nhập cảng vào Sài Gòn thì gia đình tôi dùng máy giặt nên bà Xưa bớt đi được hai công việc nặng nhọc là gánh nước và giặt quần áo bằng tay.  

Tôi nhớ thời đó, các hiệu National, Hitachi, Toshiba, Sharp, Sony v.v. đồng loạt xuất hiện trên các tiệm bán đồ điện, từ máy giặt, TV, tủ lạnh, máy đĩa hát, máy thâu băng, sau này đến máy casset có luôn radio, máy xay sinh tố, máy may. 

Nhưng khi bố đem cái nồi cơm điện hiệu National về nấu thử vài lần, lần nào cả nhà cũng chê cơm không ngon bằng nồi gang vì không có miếng cháy vàng.  Thật buồn cười, cả nhà tôi không ai ăn cơm cháy, nhưng vì thói quen nhìn thấy miếng cháy vàng dưới đáy nồi nên cảm thấy thổi cơm nồi gang ngon hơn thổi bằng nồi điện.  Bà Xưa cũng chê cơm nấu bằng nồi điện không ngon gì cả.  Bà thích tự mình nấu cơm hơn.  Thế là cái nồi cơm điện được xếp vào xó, chẳng dùng đến nữa. 

            Một năm nọ, bà về quê ăn tết khá lâu, không nghe tin tức gì của bà nên mẹ mướn người khác. 

Gần hai tháng sau bà trở lại thì nhà tôi đã có người làm khác.  Mẹ giới thiệu bà cho một nhà khác trong xóm.  May quá, người ta mướn bà. 

Thỉnh thoảng rảnh bà vẫn qua thăm chúng tôi.  Độ chừng nửa năm, một hôm sáng tinh mơ, có tiếng gõ cửa ầm ỹ bên nhà chủ mới của bà Xưa.  Bà vừa ra mở cửa thì công an còng ngay tay bà dắt đi.

Chủ nhà hoảng hồn hỏi công an: “Việc gì thế, tại sao các ông bắt bà này?”  Người công an khác đi thẳng vào nhà chủ, đến giường của bà Xưa cúi xuống lấy ra một cái thùng sữa bò bằng giấy, có buộc dây kẽm chung quanh.   Công an nói rằng cái thùng này do một tên Việt cộng cháu của bà đem đến cho bà Xưa tối hôm qua nhờ bà giữ giùm.  Thời Việt Nam Cộng Hòa, công an là nhân viên ngành tình báo.  Thế là cả xóm hoảng hốt, giật bắn người, hỏi nhau: “Bà Xưa là Việt Cộng hả?”

            Mẹ tôi nhớ lại bao nhiêu là gánh cơm cháy bà gánh về cho em để nuôi heo có lẽ là đồ ăn tiếp tế cho cộng sản.  Còn tôi nhớ lại những chữ bà viết “N” và “M” mà đọc là “Anh sờ” và “Em rờ” năm nào có lẽ là một thứ mật mã để giao lưu chăng?

            Khoảng một năm sau bà Xưa được thả ra.  Bà lại đến nhà tôi xem có thể kiếm được việc làm không. 

Bà bảo là bà bị nhốt ở khám Chí Hòa, phía tù của đàn bà.  Bà gầy đi rất nhiều, nom bà xanh xao, tái mét. 

Nhà tôi cũng đã có người làm, nhưng chị này sắp xin nghỉ nên mẹ tôi bảo bà ngày khác trở lại. 

Sau khi bà đi, mẹ tôi bảo trông bà không được khỏe, có thể bà bị đánh hay tra tấn trong tù. 

Tôi thấy tội nghiệp bà nhưng cũng thấy sờ sợ vì bà theo cộng sản mà cho vào ở chung thì lỡ bị vạ lây.

Mẹ tôi bảo chắc không sao đâu, bà chỉ bị chúng nó lợi dụng mà thôi, bị ở tù một lần chắc là bà biết sợ rồi. 

Thế là mẹ tôi lại thuê bà vào làm, vì mẹ thương bà cảnh góa bụa, không chồng lại cũng không con cái. 

Ở quê thì chiến tranh lan tràn, bà không sống nổi nên phải vào Sài Gòn kiếm ăn và ở lại nhà chủ. Hơn nữa bà không có tánh trộm cắp như những bà nhà ở ngay trong thành phố, sáng đến nhà chủ, chiều về nhà mình thì trong nhà chủ hay bị mất cắp vặt.

Năm 1968, sau biến cố tết Mậu Thân vài tuần, bà Xưa xin về quê cả tháng vì bà bảo rằng  Việt Cộng sắp tổng công kích đợt hai, kỳ này lớn hơn kỳ trước, ở lại Sài Gòn dễ bị chết.  Nhưng, bà đi mãi không trở lại! 

Gần một năm sau, khi mẹ đang đi ngoài đường thì gặp chú Bảy em bà Xưa đang đạp xích lô.

Chú ngừng xe lại chào mẹ.

Mẹ nhận ra chú vì lúc trước thỉnh thoảng chú có chở bà Xưa về nhà nên biết mặt.  Chú cho biết bà Xưa đã chết rồi.   

Chú kể rằng bà Xưa đã chuẩn bị trở vào Sài Gòn.  Bà tính dẫn đứa cháu gái vào Sài Gòn kiếm việc làm.  Bà đã mua vé tàu bay cho nó đi với bà. 

Chiều hôm trước khi đi, bà và đứa cháu gái đang ngồi ăn cơm với nhau, thình lình có đạn pháo kích bắn vào ngay chỗ bà đang ngồi ăn, làm chết hết cả hai cô cháu.  

Chú Bảy còn nói: “Phải chi chị tôi cứ ở lại với mợ, đừng về Quảng Ngãi thì chị tôi đâu đã chết!”

Mẹ về nhà kể lại cho chúng tôi nghe. 

Buồn quá! Dễ sợ quá!  Bà Xưa chết, mà lại chết tan nát giữa lúc đang ăn.  Năm đó bà chỉ ngoài năm mươi tuổi.

Mẹ nói: “Giá mà bà Xưa cứ ở lại Sài Gòn, đừng về Quảng Ngãi thì chưa chết!” 

Lúc đó, tôi cho là mẹ nói đúng.  Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi thấy bà Xưa đến lúc phải chết nên mới về quê.  Số bà đã được Trời định sống tới ngày đó và chết ở đó mà thôi!

Bà Xưa không phải là người hiền lành, bà cũng chẳng đanh đá dữ dằn, cũng không phải là người dễ thương.  Nét mặt bà khó thương nữa là khác vì bà chẳng bao giờ có nụ cười thân thiện với ai.  

Có lẽ bà trải qua quá nhiều mất mát hay đau thương trong cuộc sống nên bà đã chai lỳ, chẳng còn biết yêu đời hoặc yêu người.  Đừng nói chi đến yêu thú vật!  

Bà dốt nát mù chữ thì chẳng biết chủ nghĩa hay chính trị là gì.  Nếu biết thì chỉ là một chiều, bị cộng sản tuyên truyền, nhồi sọ cho một mớ chủ thuyết hận thù giai cấp và cần phải tiến tới san bằng giai cấp, để không còn ai giầu hơn bà nữa!  Có lần, người cháu họ của bà đến thăm bà, tôi nghe bà nói với người cháu rằng “Khi Cộng Sản tới sẽ lấy của người giầu cho người nghèo”.   

Có lẽ cộng sản đã hứa hẹn với bà những điều như thế!

Ôi! Người dốt mà muốn làm cách mạng thì chỉ làm công cụ cho người “Thấp Cán” sai bảo mà thôi.  Người “Thấp Cán” khi đã “làm xong cách mạng” thì sẽ được người “Cao cán” ban cho vài chữ như “Anh Hùng cách mạng” đem về treo trên tường cho le lói với xóm làng là những người đang sợ hãi trước sự việc “Miền Nam bị đổi chủ”.

Còn bao nhiêu “chiến lợi phẩm”, người “Cao cán” xơi cả.  Nếu biết việc thì chia lại cho người “Thấp Cán” chút đỉnh gọi là “Ăn lấy hương lấy hoa!”  

Những cửa tiệm, cửa hiệu hay những căn nhà lầu trên những con đường nằm trong trung tâm thành phố Sài Gòn hay trên những con đường lớn của Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định hay trên toàn lãnh thổ của miền Nam, chỉ dành cho các cao cán đến tiếp thu sau khi “Cách Mạng thành công” 30 tháng Tư, 1975. 

Những cao cán này rất khôn và rất xảo, họ biết cách xử dụng những người “Thấp Cán” và những người như bà Xưa để đạt đến mục đích của họ.  Còn những người như bà Xưa hay chú Bảy, nghèo vẫn hoàn nghèo!  Chẳng bao giờ có chuyện “Bình Đẳng Giai Cấp”.

Bà Xưa ơi! 

Lúc trước thấy bà chết sớm quá, bé thấy buồn cho bà lắm.  Nhưng bây giờ bé thấy bà chết sớm là hay cho bà đấy, vì bà không sống đến ngày biết mình bị lừa. 

Tội nghiệp bà Xưa quá! 

Nhưng cũng tội nghiệp cho đất nước Việt Nam có nhiều người dốt tầm cỡ như bà Xưa hoặc khôn hơn bà Xưa một xíu, hai xíu, mà muốn làm “cách mạng” để “San Bằng Giai Cấp” nên đã bị bọn cộng sản lợi dụng.  Hậu quả là để khổ cho bao người và cho cả dân tộc Việt Nam!

TT-Thái An

12/2015

 

April 9, 2020