ĐỌC BA THI TẬP CỦA LÃM THUÝ
Trần Minh Hiền Orlando ngày 15 tháng 12 năm 2015
Ba thi tập của nữ thi sĩ Lãm Thuý, mỗi tập mỗi vẻ, mỗi bài thơ mỗi vẻ nhưng đều tựu trung một nỗi buồn sâu sắc, thánh thiện, hiền lương của thi nhân, của người con khóc Mẹ, của người Mẹ khóc con, của người bạn khóc cho những người bạn . Cầm trên tay ba thi tập xinh xắn, đẹp đẽ, trang trọng được chính tác giả viết nắn nót dòng chữ đề tặng tôi (TMH) xúc động vô cùng và đọc từ từ chậm rãi để thưởng thức những nét tài tình của dòng thơ Lãm Thuý. Ba thi tập : Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi (2000), Thâm Tình (2014), Từ Mẫu (2014). Trong các thứ tình cảm thiêng liêng của con người thì tình Mẹ Con, Mẫu Tử là tình thương mầu nhiệm kỳ diệu nhất. Thi sĩ Lãm Thuý đã khóc đứa con gái mất quá sớm của cô và viết lên những dòng thơ đầy nước mắt cũng như đã khóc Mẹ của Lãm Thuý khi Người ra đi vĩnh viễn. NHững tấm chân tình của trái tim bao dung độ lượng bao la của thi nhân. Những vần thơ đau buồn nhưng thật đẹp và đem lại cho độc giả những ấn tượng vô biên, không thể xoá nhoà.
Thi tập Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi xuất bản năm 2000 sưu tập lại tất cả những bài thơ của nữ thi sĩ, cô giáo xứ Cần Thơ, trước những cơn bi thương lớn nhất của đời thi sĩ : nỗi đau mất con gái còn trẻ tuối và nỗi đau mất Từ Mẫu, nhưng cô vẫn đã đau thương với nỗi đau của quê hương thống khổ, nỗi đau của người thi sĩ lúc nào cũng yêu thương nhân loại mọi người và sẵn sàng chia sẻ những nỗi ngậm ngùi của nhân thế. TRong số những bài thơ của thi tập Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi, bài nào cũng đặc sắc nhưng tôi thích nhất là bài Soi Gương Lạ Bóng:
Chợt soi mình trong gương
Thấy một đời tàn tạ
Mới biết sợ thời gian
Đúng là tàn nhẫn quá!
Đêm qua không ngủ được
Buồn đến xót tim gan
Cứ giật mình hoảng hốt
Nhớ bóng người trong gương
Cổ nhân lòng tha thiết
Đập gương tìm bóng xưa
Còn ta buồn như chết
Lạ bóng mình. Ngẩn ngơ!
Trái tim ta chẳng đổi
Tình nồng như ban đầu
Sao thời gian nỡ vội
Lấp cả một thành sầu
Quay đi rồi ngoảnh lại
Thấy đời tựa chiêm bao
Thời gian như nước chảy
Cuốn đi hết còn đâu!
Soi bóng mình đủ chán
Trách chi người không thương
Lòng phân vân ngao ngán
Đập vỡ mình hay gương ? “
Theo cá nhân tôi đây là một trong những bài thơ hay nhất vì diễn tả tâm trạng của thi nhân, của nhân loại vừa triết lý kín đáo khéo léo vừa trữ tình sâu sắc. Ít ai sánh bằng.
Tập thơ còn rất nhiều bài khác rất hay, xin mời mọi người tìm đọc để thưởng thức thêm, ví dụ những bài như: Tàn Thu ở đầu tập đã được nhạc sĩ Vĩnh Điện phổ nhạc, Trên Núi Sugar Load ( một bài tôi rất mê), Đôi Cõi (trang 20), Một Đời Quanh Quẩn trang 25 gồm 5 bài tứ tuyệt đặc sắc: DỊ, GIÁC, TỊNH, KHÔNG, VÔ và cũng đã được nhạc sĩ Vĩnh Điện phổ nhạc. hay bài tiếp đó Sầu Trong Cõi Lạc … Tôi đặc biệt thích những bài thơ mà thi sĩ Lãm Thuý viết về các tác giả, đọc các tác giả như Du Tử Lê, Trần Hoài Thư, Thân Trọng Phúc … là những bài thơ hay, đẹp, lạ và ý nghĩa vì nhận xét về tác giả khác bằng thơ rất khó làm nhưng thi sĩ Lãm Thuỷ viết rất hay.
Tiếp theo tôi muốn đọc quyển Thâm Tình (2014), thi tập chia làm 4 phần: phần I: Từ Phụ ( viết cho Cha), phần II: Thâm Tình ( viết cho gia đình, các em, con cháu) phần III: Tử Biệt Ngô Thị Lệ Hằng , phần IV: Thân Tình ( viết cho bạn bè). Người Cha có công lao rất lớn đối với con cái nhưng dường như ít được nhắc tới và viết về trong văn chương. Nhưng thi sĩ Lãm Thuý đã viết một cách chân thành về người Cha của cô. Và tôi thích nhất là bài : Nhớ Cha Công Núi, Ơn Trời (trang 16)
Nhớ cha thời trẻ, đêm soi
Bắt từng con cá về nuôi tụi mình
Đi hôi, mót lúa mương sình
Bị người mắng đuổi, cũng đành vì con
…
Con đi ra Bắc, về Đông
Đến nay trái đất nửa vòng xa xôi
Nhớ cha xót dạ bùi ngùi
Thấm câu công núi, ơn trời thâm sâu
Thương cha bên cửa rầu rầu
Mắt trông tám hướng, tâm sầu mười phương
Mong con, ngóng cháu, bồn chồn
Nghe chiều tịch mịch, sương dồn ngõ xa
Ơn trời, xin thọ, phước cha
Để con về có chỗ mà nương thân”
Bài thơ chân chất mộc mạc mà vời vợi lòng thương Cha tha thiết.
Có một bài khác cũng rất hay: Cha Ngồi Đợi Nắng TRông Mưa trang 42 . Có hai bài nói về nỗi niềm người xa xứ : Mùa Đông Đất Khách trang 28, 29 và Những Đàn Chim Thiên Di trang 30, 31 thật hay. Có một bài thơ rất đặc biệt ở trang 55, Thỉnh Cầu ( Gửi Đức Lang Quân), nàng thơ xin chồng thương yêu thông cảm để về thăm Cha Mẹ. Những bài thơ ở phần II: Thâm Tình cũng rất hay : viết cho cháu ngoại, cho con, cho các em… Bài nào cũng chan chứa dào dạt thâm tình của thi sĩ Lãm Thuý, một tấm lòng cao đẹp, hiền hậu và cao thượng. Phần III : Tử Biệt Ngô Thị Lệ Hằng, khóc người em, những bài thơ làm ta rơi nước mắt. Phần IV: Thân Tình: gồm những bài thơ tặng bạn bè thân hữu, và tiễn biệt khóc người đã khuất. Bài thơ nào cũng chất chứa những tình cảm tốt đẹp, chân thành sâu sắc nhất của tác giả. Thật đáng trân trọng và khâm phục. Chị viết bài nào cũng với tất cả tâm hồn và khối óc nhiệt huyết của mình.
Nhưng có lẽ Thi tập Từ Mẫu (2014) là thi tập mà tác giả viết bằng cả con người mình, bằng nước mắt và nỗi đau thống thiết nhất. Thi tập Từ Mẫu cũng 3 phần: Phần I: Từ Mẫu ( từ trang 22 đến trang 194, viết về người Mẹ Hiền, Từ Mẫu người mà thi sĩ yêu thương hết mực và coi là Bồ Tát) Phần II: Tử Biệt Trần Thuý Trúc ( từ trang 195 đến 414, viết cho con gái của thi sĩ Lãm Thuý là Trần Thuý Trúc đã qua đời khi còn quá trẻ) Phần III: Thơ Cho THuý Quỳnh ( từ trang 415 đến cuối sách trang 431). Phần I gồm nhiều bài thơ rất hay viết về Mẹ khi Mẹ còn tại thế và khóc Mẹ khi Người đã quá vãng. Bài nào cũng xuất sắc nhưng tôi cũng đồng ý với chính tác giả là bài Từ Mẫu ở đầu tập và là tên của thi tập là bài hay nhất: những vần thơ thật đẹp, như tâm hồn thật đẹp của người con thương yêu Mẹ vô cùng. Tất cả những bài thơ khác đều hay, đẹp nhưng tôi thích bài Trường Thi Mẹ (trang 68- 75) và 10 bài Nhớ từ trang 126 đến trang 141. Ôi những vần thơ của người con thương Mẹ vô biên vô cùng nhưng vì lớn lên phải xa mẹ.
Nhưng có lẽ mọi người cũng như tôi không ai là không rơi nước mắt khi đọc phần II của thi tập Từ Mẫu này: Tử Biệt Trần Thuý Trúc. Thi sĩ Lãm Thuý đã viết những vần thơ này bằng máu, nước mắt và nỗi thống khổ sâu thẳm nhất của người mẹ khóc con. Có lẽ trong cuộc đời của chúng ta không có nỗi đau khổ nào to lớn hơn, tàn nhẫn hơn là nỗi đau của một người mẹ mất con, khóc con khi con chết trẻ. Đọc những vần thơ đẫm đầy nước mắt của chị làm cho tôi (TMH) thương hai con của tôi nhiều hơn, thương vợ tôi hơn, thương Má của tôi hơn, vì Má tôi vẫn luôn thương yêu và cầu nguyện cho thằng con trai đã 45 tuổi đầu vẫn chỉ là kẻ vô tích sự, khờ khạo, ngu ngơ. Bài thơ nào cũng hay, cũng đặc biệt đặc sắc nhưng tôi thích nhất là bài: Gửi Con Vào Chùa (396-397)
Tay ôm tro cốt một bình
Máu me cốt nhục,thâm tình là đây
Giờ Con chỉ nhúm bụi này
Thân tan lửa bỏng, hồn bay cõi nào ?
Ôm bình tro cốt Lòng đau
Ẳm bồng Thưở nọ nghẹn ngào Tử sinh
Ôi!Con phận bạc, đã đành
Nỡ lòng chi huỷ hoại hình hài xưa?
Ba mươi năm ấy đến giờ
Trong tay còn chút tàn tro bụi này
Đau lòng đứt ruột là đây
Nhỏ bao nhiêu lệ cho đầy, cho vơi?
Nhẹ tênh.Ôi! Một kiếp người
Chút tro bụi ấy là đời Phù sinh!
Ôm con hư ảo vóc hình
Mà nghe trĩu nặng tim mình Nỗi đau
Thiền môn Mẹ gửi con vào
Nằm nghe kinh kệ, kiếp sau an bình
Cầu cho cực lạc, vãng sinh
Cầu cho vọng nghiệp,tan thành khói hương
7-11-04