Phạm Trọng Lệ

Tiểu sử:

Cựu học sinh Chu Văn An (Hà-Nội) – Nguyễn Trãi và Chu Văn An (Sài-Gòn); tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm ban Anh văn, Cử nhân giáo khoa Anh văn Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn; certificate in TEFL/TESOL, SEAMEO/Regional English Language Centre, Singapore.
* Học bổng Fulbright 1973-75 Bowling Green State University, Ohio, MA in American Studies 1975; MA in English, 1977; MS in Library Science, Catholic University of America, Washington, DC, 1986.

* Dạy 2 năm Anh văn đệ nhị cấp Trung học Trịnh Hoài Ðức, Bình Dương, tiếp theo dạy 8 năm ở Trung học Võ Trường Toản Saigon, đồng thời ở trường Anh Ngữ Hội
Việt Mỹ VAA Saigon, và giảng viên môn Translation và English Teaching Practice ở ÐHSP Saigon, và English Teaching Methodology ở Ðại Học Cộng Ðồng Tiền Giang Mỹ Tho.
Tiếp theo học bổng Fulbright, học bổng non-service doctoral fellowship của BGSU và tiếp theo 2 năm doctoral teaching fellowship, dạy English composition, Medieval literature và Science fiction cho sinh viên undergraduate ban cử nhân. Hoàn tất các lớp thuộc chương trình tiến sĩ, passed Prelims, đề tài “Cultural Interference and Its Implications to the Teaching of American Studies to Asian Students” được chấp thuận, nhưng chưa trình luận án. 
* 1978-2003 làm State law editor/analyst và sau khi đỗ MS về Library Science làm Reference/ILL librarian ở the Bureau of National Affairs, Inc. ở Washington. Trong những năm 1994 – 2014, phụ trách chương trình Anh Ngữ Sinh Ðộng Dynamic English và mục Hỏi Ðáp Anh Ngữ trên đài VOA.

Kính mời quý vị thưởng thức các tác phẩm của nhà biên khảo thi sĩ Phạm Trọng Lệ 

Huyền Thoại, Tình Yêu và Lòng Hoài Cổ Trong “Ngày Xưa” của Nguyễn Nhược Pháp

 

Phạm Trọng Lệ

 

Một ngạc nhiên thích thú cho kẻ yêu thơ là thấy được in lại tại Hoa Kỳ những tập thơ của các thi sĩ tiền chiến, mà các bản chính chỉ thấy trong một số thư viện lớn hoặc thư viện riêng của một số học giả hay của những nhà sưu tập sách quý. Trong số những tập thơ in lại bằng phương pháp chụp ảnh toàn trang có tập thơ “Ngày Xưa” của Nguyễn Nhược Pháp, lần đầu xuất bản năm 1935.

 

                                                                 Hinh 1. Nguyễn Nhược Pháp

 

Theo Phạm Thanh trong Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại, Quyển I, Sống Mới xuất bản 1959, in lại tại Hoa Kỳ không đề năm, trang 219, thì Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914, con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đỗ bằng tú tài Pháp năm 20 tuổi rưỡi, làm thơ từ năm 16 tuổi. Theo ngày tháng đề cuối những bài thơ trong tập Ngày Xưa thì Nguyễn Nhược Pháp làm xong phần lớn những bài thơ trong tập thơ này trong năm 1933, lúc ông 19 tuổi. Ông mất ngày 19 tháng 11 năm 1938, còn gần một tháng nữa thì đầy 24 tuổi vì bịnh lao hạch lúc ông đang là sinh viên luật khoa và viết báo để kiếm thêm tiền. Ngoài tập thơ ông còn viết nhiều truyện ngắn và kịch.

 

Qua mười bài thơ trong tập Ngày Xưa (mà bài nổi tiếng nhất, “Chùa Hương,” đã được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Trần Văn Khê), ta được đưa vào một thế giới của huyền thoại, của tình yêu, của một quá khứ xa xôi mà các tân khoa, sau khi yết bảng, được vua cho đi thăm hoa, có lọng đưa, được các nàng trâm anh từ lầu gieo cầu ngũ sắc chọn ý trung nhân.

 

                                          Hinh 2. Cầm tay tập Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp

 

Ngày Xưa là một tập thơ lấy huyền thoại làm bối cảnh cho những chuyện tình. Hãy nghe câu mở đầu bài “Sơn tinh, Thủy tinh”:

 

Ngày xưa khi rừng mây u ám,

Sông núi còn um vang tiếng thần,

Con vua Hùng Vương thứ mười tám,

Mỵ Nương xinh như tiên trên trần.

 

Theo tục truyền thì Sơn tinh tới trước rước được Mỵ Nương. Thủy tinh tới sau, giận dữ dâng nước bể cướp lại. Dân gian cho vì vậy mà hàng năm có lụt. Nhưng qua bài thơ, ta thấy thần nhân cũng như người phàm tục như chúng ta, cũng biết dùng ngôn ngữ của loài người, và biết tôn trọng lễ nghi cưới hỏi:

 

Sơn tinh, Thủy tinh lòng tơ vương.

Không quản rừng cao sông cách trở,

Cùng đến Phong châu xin Mỵ Nương.

 

Sơn tinh có một mắt ở trán,

Thủy tinh râu ria quăn xanh rì.

Một thần phi bạch hổ trên cạn,

Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi,

 

Hai thần bên cửa thành thi lễ,

Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu.

Nhưng có một nàng mà hai rể,

Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!

 

Đọc đến đây, độc giả tự hỏi: Mỵ Nương với vẻ đẹp như tiên – “Tóc xanh viền má hây hây đỏ / Miệng nàng bé thắm như san hô / Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ. / Mê nàng bao nhiêu người làm thơ” – sao nàng có thể chịu lấy hai vị thần có “dị tướng” như vậy? Nhưng có thể giải thích được. Một là, theo huyền thoại, Mỵ Nương “là giống tiên! Kẻ nào tài đức gồm đủ mới có thể làm rể được!” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ, bản dịch của Nhượng Tống (1944), Đại Nam in lại tại Hoa Kỳ, tr. 38). Hai là, tuy tướng mạo rất dị kỳ, nhưng hai vị thần lại đầy tài năng, và sức mạnh; đó là những điều kiện của việc hôn nhân trong các bộ lạc ngày xưa mà mục đích chính là để có dòng giống mạnh cho tương lai, ở vào thời tiền sử khi dân còn sống trong những bộ lạc và khi mà sức mạnh và tài năng của người tù trưởng thường là yếu tố định đoạt sự sinh tồn của một dòng giống.

 

Nhưng cảm quan thú vị mà người đọc được thưởng thức khi đọc bài thơ này là thấy vua và thần có những cử chỉ rất gần với người thường. Khi xin cưới vợ, thần cũng khoe khoang mình giỏi trước người đẹp:

 

Thủy tinh khoe thần có phép lạ,

Dứt lời, tay hất chòm râu xanh,

Bắt quyết hò mây to nước cả,

Dậm chân rung khắp làng gần quanh.

 

Còn Sơn tinh thì:

 

Sơn tinh cười xin nàng đừng lo,

Vung tay niệm chú: núi từng dải,

Nhà lớn, đồi con, lổm ngổm bò.

 

Còn nhà vua, trước mối khó nghĩ, không biết gả con gái cho vị thần nào, vì cả hai xem ra đều oai hùng cả, bèn chọn một chước là ai đến trước thì được gả Mỵ Nương. Chước này vua nghĩ ra sau khi “Chạy mưa, Vua tùy con kén chọn”:

 

Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước

Rồi bảo mai khi trời nhuộm sương,

Lễ vật thần nào mang đến trước,

Vui lòng vua gả nàng Mỵ Nuơng.

 

Một điểm thú vị nữa là tính nhân cách hoá thú vật và loài thủy tộc. Đây là cảnh Sơn tinh:

 

Sơn tinh ngồi bạch hổ đi đầu,

Mình phủ áo bào hồng ngọc dát,

Tay ghìm cương hổ, tay cầm lau.

Theo sau năm chục con voi xám,

Hục hặc, lưng cong phủ gấm điều,

Tải bạc, kim cương, vàng lấp loáng,

Sừng tê, ngà voi và sừng hươu.

 

Còn Thủy tinh thì:

 

Thoảng gió vù vù như gió bể,

Thủy tinh ngồi trên lưng rồng vàng.

Yên gấm tung dài bay đỏ chóe,

Mình khoác bào xanh da trời quang.

 

Theo sau cua đỏ và tôm cá

Chia đôi năm mươi hòm ngọc trai,

Khập khiễng bò lê trên đất lạ,

Trước thành tấp tểnh đi hàng hai.

 

Dẫu là thần nhưng khi mất ngưởi yêu cũng ghen và giận như người phàm tục. Và còn ghê gớm hơn nữa! Thủy tinh “thúc rồng đau kêu rú”, dâng nước lên đánh Sơn tinh:

 

Co hết gân nghiến răng, thần quát:

“Giết! Giết Sơn tinh hả hờn ta!”

Tức thời nước sủi reo như thác,

Tôm cá quăng ngọc trai mà hoa.

………….

Cá voi quác mồm to muốn đớp,

Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng,

 

Càng cua lởm chởm giơ như mác,

Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.

 

Sơn tinh, cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngọai Kỷ, “dùng phép thần thông biến hóa gọi được người Mán, đem tre làm phên chống nước…Lại dùng nỏ để bắn…Các giống có vẩy, có mu, trúng tên chạy tránh, rút lại không sao xâm phạm nổi.” (tr. 38). Trong huyền thoại thì như vậy, còn trong thơ của Nguyễn Nhược Pháp thì Sơn tinh:

 

Niệm chú, đất nẩy vù lên cao

Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo.

Đuôi quắp, nhe răng, giơ vuốt đồng.

Đạp long đất núi, gầm xông xáo,

Máu vọt phì reo muôn ngấn hồng.

 

Trước cảnh tranh giành đó, Mỵ Nương kinh hãi, than “Ô! Vì ta!”

 

Ngoài tính cách dùng huyền thoại (lấy chuyện Sơn tinh Thủy tinh được dân gian truyền tụng để giải thích nạn nước lũ ở mạn ngược đổ xuống hàng năm tràn vào đồng bằng, ngập mất cả ruộng đất hoa mầu), bài thơ còn cho ta thấy một mẫu người đẹp, biết vâng lời phụ vương (“Con đây phận đào thơ bé mọn/Nhân duyên cúi để quyền mẹ cha.”) Khi lên kiệu hoa còn “Lầu son nàng ngoái trông lần nữa/Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương.”

 

Về mặt văn chương, bài thơ còn là một biểu tượng cho nguyên tắc căn bản của văn chương Việt và văn chương Trung Hoa: đó là nguyên tác cân xứng và nguyên tắc tương phản. Hãy xem đoạn tả Sơn tinh và Thủy tinh ở trên. Hai nguyên tắc này còn còn tượng trưng một vũ trụ quan Á Đông mà trong đó trật tự thiên nhiên, xã hội, và trong lòng người dựa trên hai yếu tố cân bằng và tương phản.

 

Tình yêu và huyền thoại là thi liệu được tận dụng trong tập thơ Ngày Xưa. Và đó cũng là đầu đề bài thơ “Mỵ Châu” và ‘Giếng Trọng Thủy”. Ta hãy ôn lại dã sử: Tục truyền rằng vua An Dương Vương xây Loa Thành, có yêu quái quấy nhiễu, xây mãi không được, sau có thần Kim Qui trừ được yêu quái, mới xây xong. Rùa thần lại cho nhà vua một cái móng làm lẫy nỏ, khi nào có giặc đến thì đem cái nỏ ấy ra bắn một phát, giết chết hàng vạn người.

 

Triệu Đà, lúc ấy ở phía Nam nước Tàu, đánh mãi không được bèn dùng kế cho con trai là Trọng Thủy sang lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu xem trộm nỏ thiêng, ngầm làm hỏng lẫy và đổi nó bằng một cái lẫy nỏ khác thay cho vuốt rùa. Đoạn mượn cớ về phương Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng: “Ân tình của vợ chồng không thể quên nhau được…Nếu hai nước mất sự hòa hảo, Nam Bắc trở nên cách biệt, làm thế nào mà gặp được nhau?” Mỵ Châu đáp: “Thiếp có chiếc chăn gấm lông ngỗng, thường khoác ở mình. Đi đến đâu sẽ nhổ lông vất xuống ngả đường rẽ, để bảo cho chàng biết…” (ĐVSKTTNK, tr. 65). Khi Triệu Đà đem quân sang đánh, An Dương Vương không biết lẫy nỏ đã mất, vừa vẫy cờ vừa cười: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao?” Quân Đà bức đến gần, nhà vua đem nỏ thần ra bắn, thì lẫy nỏ đã gẫy rồi! Liền thua chạy…Cho Mỵ Nương ngồi trên ngựa, cùng nhà vua chạy về Nam…Nhà vua đến bãi biển, đường cùng, không có thuyền bè, luôn miệng kêu:”Rùa vàng! Mau lại cứu ta!” Rùa vàng nhoai lên mặt nước quát: “Đứa ngồi sau ngựa kia chính là giặc đó! Sao chẳng giết nó đi!” Nhà vua rút gươm toan chém Mỵ Châu. Mỵ Châu khấn: “Một lòng trung tín mắc lừa người ta! Xin hóa làm ngọc trai, để rửa mối thù nhục cho nhà này!” Nhà vua đành phải chém nàng. Máu chảy xuống nước, loài trai hớp vào ruột liền hóa ra ngọc trai trong sáng…Trọng Thủy đuổi kịp, thấy Mỵ Châu đã chết, khóc nức nở, ôm xác về chôn ở Loa Thành, hóa thành tảng ngọc thạch. Trọng Thủy thương tiếc Mỵ Châu, trở về nơi nàng trang điểm, tắm gội, tưởng nhớ khôn hàn! Rồi lại gieo mình xuống đáy giếng mà chết! Người đời sau được ngọc trai ở biển Đông đem rửa bằng nước giếng ấy thì màu càng thêm sáng suốt! (Sách đã dẫn, tr. 67).

 

Đây là mối tình của hai kẻ khác xứ (Mỵ Châu giống Việt, Trọng Thủy gốc Tàu), yêu nhau mà hai xứ cừu địch, chàng vì lệnh của cha làm gián điệp, nàng vì nhẹ dạ phải thác oan. Chàng sau khi hoàn thành công tác giao phó, theo lông ngỗng đưa đường tới, thấy nàng bị chém, ôm xác vợ rồi gieo mình xuồng giếng tự trầm. Thi sĩ đã sửa đổi câu chuyện “Mắc lừa” thành một mối tình thiên thu trong đó hai kể yêu nhau lấy cái chết để nói lên tình yêu bất hủy diệt của mình.

 

Đêm hôm gió khóc thổi ru cành:

Núi bọc âm thầm, bể uốn xanh.

Hiu hắt Mỵ Châu nằm, trăng phủ,

Ầm ầm sóng thảm vỗ vờn quanh.

………..

 

Thiêm thiếp ai bên đường, hỡi ôi!

Chàng ôm khóc nghẹn chẳng ra lời,

Đầu non mây bạc êm đềm phủ,

Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười.

“Mỵ Châu”

 

Đêm khuya gió lốc mây đen vần,

Cỏ lướt gieo mình vực giếng thâm;

Trọng Thủy nằm trên làn nước sủi,

Tiếng mõ cầm canh xa âm thầm.

“Giếng Trọng Thủy”

 

“Ngày xưa” còn gợi lại cho người đọc nhớ lại một dĩ vãng xa xôi. Đây là cảnh chàng tân khoa, sau khi được “bảng hổ đề danh”, võng lọng nghênh ngang, đi dưới đường phố, trên lầu các thiếu nữ đang gieo cầu ngũ sắc, hy vọng chọn người tài trai.

 

Rồi bao nhiêu nàng yểu điệu

Ngấp nghé bay trên lầu

Vừa leng keng tiếng ngựa,

Lẹ gót tiên gieo cầu.

 

Tay vơ cầu ngũ sắc,

Má quan nghè hây hây.

Quân hầu reo chuyển đất,

Tung cán lọng vừa quay.

 

Trên lầu mấy thị nữ

Cùng nhau khúc khích cười

“Thưa cô đừng thẹn nữa,

Quan Nghè trông lên rồi!”

 

Cúi đầu nàng tha thướt,

Yêu kiều như mây qua.

Mắt xanh nhìn man mác,

Mỉm cười vê cành hoa.

“Tay Ngà”

 

Nếu nàng công chúa trong “Sơn tinh, Thủy tinh” đẹp và kiều mị, khi lên kiệu hoa “Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác/Nàng kêu Phụ Vương ôi! Phong Châu!” thì người thiếu nữ trong “Chùa Hương” mới 15, những đã biết mình đẹp:

 

Em tuy mới mười lăm

Mà đã lắm người thăm,

Nhờ mối mai đưa tiếng,

Khen tươi như trăng rằm.

 

Nàng là một thiếu nữ thành thật, biết làm đỏm, có chút lãng mạn và ước vọng giản dị. Thoạt thấy một thanh niên cùng đi đò, trong dịp viếng chùa Hương cùng cha mẹ, nàng đã xét người trong mộng qua dáng dấp bên ngoài, đúng như câu tục ngữ thường nói: “Xem mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo thì lòng mới ngon”:

 

Người đâu thanh lạ nhường!

Tướng mạo trông phi thường.

Lưng cao dài, trán rộng

Hỏi ai nhìn không thương?

 

Từ cách chàng lễ phép chào mẹ nàng, đến cách chàng ngâm thơ khiến cha nàng phải khen, đến khi viết bài thơ liên hoàn lên cột khiến nàng đọc rồi nhớ, chàng đã dần dần chinh phục được lòng nàng:

 

Dòng sông nước đục lờ,

Ngâm nga chàng đọc thơ.

Thầy khen: “Hay! Hay quá!”

Em nghe rồi ngẩn ngơ.

 

Trong cái xã hội trọng lễ giáo và học thức, người con gái đã mơ tưởng hình ảnh người chồng văn nhân, có cốt cách như cha mình: chàng ăn nói lịch sự, vẻ phong lưu (có tiểu đồng mang túi thơ bầu rượu đi theo). Nàng để ý đến dáng đi của mình:

 

Em đi, chàng theo sau,

Em không dám đi mau,

Ngại chàng chê hấp tấp,

Số gian nan không giầu.

 

Tất cả những cử chỉ chàng săn sóc mẹ nàng đã làm nàng cảm động, và chàng dường như đã chiếm được tim nàng:

 

Vì thương me quá mệt,

Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: “Đường còn lâu,

Cứ vừa đi ta cầu

Quan Thế Âm bồ tát

Là tha hồ đi mau!”

 

Em ư? Em không cầu,

Đường vẫn thấy đi mau,

Chàng cũng cho như thế.

(Ra ta hợp tâm đầu).

 

Chả thế mà khi người cha bảo hôm sau sẽ về, nàng đã bàng hoàng như tan một giấc mộng đẹp, trong tâm ước vọng được kết duyên cùng chàng văn nhân để “đường lên giời” trong chùa Hương như con đường của hai kẻ yêu nhau.

 

Em nghe bỗng rụng rời

Nhìn ai luống nghẹn lời!

Giờ vui đời có vậy,

Thoảng ngày vui qua rồi!’

 

Làn gió thổi hây hây,

Em nghe tà áo bay,

Em tìm hơi chàng thở,

Chàng ôi, chàng có hay?

 

Đường đây kia lên giời,

Ta bước tựa vai cười.

Yêu nhau, yêu nhau mãi!

Đi, ta đi, chàng ôi!

 

Rất may là thi sĩ với lòng khoan hồng và óc khôi hài nhẹ nhàng, đã dí dỏm cho độc giả biết một happy ending, kết quả của chuyện tình ngây thơ của người thiếu nữ mười lăm tuổi, coi tình yêu là một nơi thoát hoàn cảnh gia đình, và như một khởi đầu cho một gia đình mới, gia đình của chính nàng, bằng lời chú thích sau bài thơ:

 

(Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.)

 

Như nhà phê bình Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam đã viết, “người đọc mường tượng như nghe thấy “tiếng khúc khích cười, nụ cười hiền lành thanh tao.” Trong tia mắt nghịch ngợm của Nguyễn Nhược Pháp còn kèm theo một nụ cười bao dung. Vì người thiếu nữ ngây thơ như thế và chỉ có một giấc mơ giản dị như thế (Em cầu xin Trời Phật/Sao cho em lấy chàng”) sao có thể để cho phải chịu nỗi đắng cay của một tình yêu ban đầu chớm nở bị tan vỡ. Cái dí dỏm của thi sĩ còn thấy nơi hai câu cuối bài “Sơn tinh, Thủy tinh”:

 

Thủy Tinh năm năm dâng nước bể,

Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương.

Trần gian đâu có người dai thế,

Cũng bởi thần yêu nên khác thường!

 

Tóm lại, qua tập thơ Ngày Xưa, người đọc gặp những vần thơ nhẹ nhàng- đôi lúc hài hước, khiến ta phải bật cười thành tiếng* – gói ghém một quá khứ xa xăm, của lịch sử, của huyền thoại, ở vào thời u minh mới lập quốc, dường như đã có lễ giáo, trật tự, ở vào thời mà con người tin rằng thần nhân và người phàm tục còn sống chung, mà những chuyện như Sơn tinh, Thủy tinh nằm trong địa hạt huyền thoại mà nhà huyền thoại học Joseph Campbell, tác giả các cuốn The Hero With a Thousand Faces (Người Hùng Với Ngàn Bộ Mặt), và The Masks of God (Mặt Nạ của Thượng Đế) cho đó là “tiềm năng của cả một dân tộc” mà những nhà làm phim như George Lucas, người tạo bộ phim Star Wars và bộ Indiana Jones đã biết tận dụng.

 

Người đọc cùng cảm thấy một mối sầu man mác như thấy mất một cái gì. Trong bài “Mây”, Nguyễn Nhược Pháp cũng chia sẻ hoài cảm này khi khoa học và kỹ thuật đã làm giảm đi lòng kinh sợ thần linh của con người khiến ngay đám mây ngày nay cũng có một ý nghĩa khác:

 

Người xưa mơ, nhìn mây

Đen, đỏ, vàng đua bay,

Khi thấy nhiều ma quỷ,

Lời than giời tung bay.

 

Khi thấy hồn người thân

Nhìn mây lệ khôn cầm!

Trên bầy xe tứ mã,

Tiếng bánh lăn âm thầm;

 

Khi thấy muôn nàng tiên

Lồng lộng mầu thanh thiên!’

Véo von trầm tiếng địch

Lửa hồng vờn áo xiêm.

 

Ngày nay ta nhìn mây,

Mây đen luồng gió lay

Hồn xưa tìm chẳng thấy

Tóc theo luồng gió bay…

 

Dù con người đã đạt được những kết quả vượt bực về khoa học và kỹ thuật, đã rút ngắn thời gian và không gian, và với máy điện tử, đã thay thế trí nhớ con người, nhưng những tình cảm bất diệt như tình yêu, lòng thương giữa chồng vợ, tình hoài hương (“Sứ bỗng nhìn quanh buồn ủ rũ/Xa xa ngọn cờ vàng phất phơ/Vợ con ở chân trời mây phủ/Hẳn đang nhìn bóng nhạn mong chờ”— bài “Đi Cống, tr. 70), và vẻ đẹp dịu dàng của người thiếu nữ chưa chồng (“Khăn nhỏ đuôi gà cao/Em đeo giải yếm đào/Quần lĩnh, áo the mới/Tay cầm nón quai thao”– bài “Chùa Hương” tr. 77), tuy là những hình ảnh của một thời xa xưa, nhưng dường như vẫn còn làm rung động kẻ đọc thơ hôm nay.

 

                        Hình Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp hình bìa

Cảo Thơm xuất bản lần thứ hai, Saigon, 1988, Đại Nam in lại tại Glendale, California, Hè 1986, 95 trang, 4 phụ bản của họa sĩ Thái Tuấn, Hồ Hải trình bầy, giá bán 8 Mỹ Kim. Bản điện tử có thể đọc trên mạng tại http://www.thivien.net/nguyen-nhuoc-phap

Chú thích

1) Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam (1942), nhận xét về thơ Nguyễn Nhược Pháp:

“Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp… Đọc thơ NNP lúc nào cũng hình như có thoảng thấy bóng người đương khúc khích cười…cái cười hiền lành và thanh tao…nụ cười trên miệng bao giờ cũng cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng.”

[com/sachvui-686868666888/ebooks/2018/pdf/Sachvui.Com]

2) Độc giả có thể nghe bài “Đi Chùa Hương” thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần văn Khê, ca sĩ Ý Lan ca tại:

youtube.com/watch?v=7cSDDEJjJq4

 

https://www.youtube.com/watch?v=7cSDDEJjJq4&app=desktop

 

https://www.youtube.com/watch?v=K_qcu2SQTqQ

3) Xem bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh “Đi chùa Hương của Trần Văn Khê” tại:[http://vnmusic.com.vn/p571-di-chua-huong-cua-tran-van-khe.html.]

                          Hình Đi Chơi Chùa Hương, nhac Trần Văn Khê

 

Bài thơ được phổ nhạc năm 1946. Sau nhà xuất bản Tinh Hoa qua nhạc sĩ Lê Thương xin xuất bản, lần đầu 2000 bản, và tái bản và gửi tác quyền cho nhạc sĩ Trần Văn Khê lúc đó đang trị bịnh tại Pháp.

4) Câu chuyện Chùa Hương qua thi phẩm Nguyễn Nhược Pháp. Xem xuất xứ bài thơ “Chùa Hương” trong:

wordpress.com/2017/04/11/cau-chuyen-chua-huong

Trong cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến” của nhà thơ Nguyễn Vỹ chủ nhiệm bán nguyệt san Phổ Thông từng là bạn chơi thân với Nguyễn Nhược Pháp, vì Nguyễn Vỹ chỉ hơn Nguyễn Nhược Pháp 4 tuổi. Ta có thể xác định được thời điểm ra đời của thi phẩm “Chùa Hương” vào khoảng năm 1935. Xuân Ba kể về xuất xứ bài thơ như sau:

“Hội chùa Hương năm 1934, ông cùng nhà văn Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ và cô con gái độ tuổi trăng rầm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm phật “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Từ Bi Quan Thế Âm Bồ Tát”.

Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi.

Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi:

-Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm Phật nữa?

Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Hai người bạn gái gọi hai chàng để đi tiếp nhưng họ đã bị hớp hồn, tai còn đâu nghe thấy. Giận dỗi, họ bỏ đi. Lúc bừng tỉnh, hai văn nhân không thấy các cô đâu, vội len thốc len tháo, lách qua những dòng người đang trẩy hội nhưng tìm đâu cho thấy. Mệt và ngán ngẩm, hai thi sĩ quay lại tìm cô gái chân quê thì cả hai mẹ con cũng đã lẫn vào dòng người.

Đêm đó, Nguyễn Nhược Pháp không sao chợp mắt được. Hình ảnh cô gái chân quê đi chùa Hương khiến ông xúc động viết lên những vần thơ có sắc màu tươi vui, hình ảnh ngộ nghĩnh, cả hồn người lẫn vẻ đẹp của ngày xưa hiện lên từng câu, từng chữ.”

                                                     Hinh 5. Đỗ Thị Bính

 

5) Nguồn thi hứng của những bài thơ như bài Chùa Hương có phải là cô bé mà thi sĩ đã gặp khi đi trẩy hội chùa Hương, như Nguyễn Vỹ kể lại hay là mối tình “câm” của thi sĩ với cô Đỗ Thị Bính, một giai nhân trong “tứ đại mỹ nhân” Hà thành, xin xem “Cô Bính Hàng Đẫy: Bí Mật Cuộc Đời Của Tứ Đại Mỹ Nhân Hà Thành,” tác giả Lê Anh, đăng trong:

https://m.baomoi.com/co-binh-hang-day-bi-mat-cuoc-doi-cua-tu-dai-my-nhan-ha-thanh/c/26725444.epi

Viết xong tại Virginia 6/20/1992; bổ chính 6/14/2018.

PhạmTrọng Lệ

Bibliography and Photo Credits

Nguyễn Nhược Pháp

https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Nh%C6%B0%E1%BB%A3c-Ph%C3%A1p/author-bsPboYJJd_xRpDaxE7y1pg

Cầm Tập  Ngày Xưa Nguyễn Nhược Pháp minh hoa

https://kontumquetoi.com/2018/06/22/tuong-nguoi-nen-lai-thay-nguoi-ve-daynha-tho-nguyen-nhuoc-phap-ve-coi-rat-tre24tnay-da-duoc-80-nam1938-2018/

Hình bìa Ngày Xưa

https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Nh%C6%B0%E1%BB%A3c-Ph%C3%A1p/Ng%C3%A0y-x%C6%B0a-1935/group-W9f9Zvv3QPGdSSd2DjkVHw

 

Đỗ Thị Bính

http://media.tinmoi.vn/2018/07/02/co-binh-hang-day-1.jpg

 

Đi Chơi Chùa Hương trình bày Mai Hương

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/di-choi-chua-huong-mai-huong.dHS5Wv1VhvGd.html

 

Đi Chơi Chùa Hương trình bày Thanh Lan

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/di-choi-chua-huong-thanh-lan.dmasHeIDunmL.html

 

Đi Chơi Chùa Hương (“Chùa Hương”) – Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp & Nhạc sĩ Trần Văn Khê

https://dotchuoinon.com/2016/03/03/tan-nhac-vn-tho-pho-nhac-di-choi-chua-huong-nguyen-nhuoc-phap-tran-van-khe/

 

Đi Chơi Chùa Hương

 

Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Lưng đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao
Mẹ cười: “Thầy nó trông
Chưn đi đôi dép cong
Con tôi xinh xinh quá
Bao giờ cô lấy chồng ?”
— Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm
Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai
Em đi cùng với mẹ
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa
Thắt lưng dài đỏ hoe
Thầy me ra đi đò
Thuyền mấp mênh bên bờ
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô
Mơ xa lại nghĩ gần
Đời mấy kẻ tri âm
Thuyền nan vừa lẹ bước
Em thấy một văn nhân…
Người đâu thanh lạ thường
Tướng mạo trông phi thường
Lưng cao dài, trán rộng
Hỏi ai nhìn không thương
Chàng ngồi bên me em
Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ
Thuyền đông giời ôi chen!”
Chàng thưa vâng thuyền đông
Rồi ngắm giời mênh mông
Xa xa mờ núi biếc
Phơn phớt áng mây hồng
Giòng sông nước đục lờ
Ngâm nga chàng đọc thơ
Thầy khen hay, hay quá
Em nghe ngồi ngẩn ngơ
Thuyền đi, bến Đục qua
Mỗi lúc gặp người ra
Thẹn thùng em không nói
“Nam vô A Di Đà!”
Réo rắt suối đưa quanh
Ven bờ, ngọn núi xanh
Nhịp cầu xa nho nhỏ
Cảnh đẹp gần như tranh
Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con voi phục
Có đủ cả đầu đuôi
Chùa lấp sau rừng cây
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày
Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu
Thầy me đến điện thờ
Trầm hương khói toả mờ
Hương như là sao lạc
Lớp sóng người lô nhô
Chen vào thật lắm công
Thầy me em lễ xong
Quay về nhà ngang bảo:
“Mai mới vào chùa trong”
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
“Mai ta vào chùa trong”
Đêm hôm ấy em mừng
Mùi trầm hương bay lừng
Em nằm nghe tiếng mõ
Rồi chim kêu trong rừng
Em mơ, em yêu đời
Mơ nhiều… Viết thế thôi
Kẻo ai mà xem thấy
Nhìn em đến nực cườị
Em chưa tỉnh giấc nồng
Mây núi đã pha hồng
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong
Đường mây đá cheo veo
Hoa đỏ, tím, vàng leo
Vì thương me quá mệt
Săn sóc chàng đi theọ
Mẹ bảo: “Đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm Bồ tát
Là tha hồ đi maụ”

Em ư? Em không cầu
Đường vẫn thấy đi maụ
Chàng cũng cho như thế
(Ra ta hợp tâm đầu)
Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn
Tấm tắc thầy khen hay
Chữ đẹp như rồng bay
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây)
Ôi! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời
Gấm thêu trần thạch nhũ
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Mẹ vui mừng hả hê:
“Tặc! con đường mà ghê!”
Thầy kêu mau lên nhé
Chiều hôm nay ta về
Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời
Giờ vui đời có vậy
Thoáng ngày vui qua rồi
Làn gió thổi hây hây
Em nghe tà áo bay
Em tìm hơi chàng thở
Chàng ôi, chàng có hay
Đường đây kia lên giời
Ta bước tựa vai cười
Yêu nhau, yêu nhau mãi
Đi, ta đi, chàng ôi
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng


(6-1934)

 

Originally published in Firmament, Vol. 11, No. 3, October 2019

========================

                                                                        Appendix – Phụ Lục 

              

Sách:  Nguyễn Nhược Pháp: Hoa một mùa. 1st ed.

Soạn giả: Nguyễn Lân Bình. 365 trang. Bìa mỏng.  

Hanoi: NXB Phụ Nữ, 2018.

Bìa do Kim Duẩn trình bầy.

Giá: 120.000đ

Address: 39 Hàng Chuối – Hanoi.

Website: www.nxbphunu.com.vn                                                               HÌNH BÌA “HOA MỘT MÙA”

E-mail: nxbphunu@vnn.vn

 =======================

                                 Hoa Một Mùa – Nguyễn Nhược Pháp Toàn Tập

                                                             Bài của Phạm Trọng Lệ

83 năm kể từ ngày tập thơ “Ngày Xưa” ra mắt tại Hà-Nội (1935, sau in lại tại Saigon, bìa do Thái Tuấn) với 10 bài thơ trong đó “Chùa Hương” được độc giả nồng nhiệt đón nhận và được nhạc sư Trần Văn Khê phổ nhạc, một thời gian dài và phải chăng vì vậy mà người yêu thơ chỉ nghĩ đến Nguyễn Nhược Pháp như một nhà thơ? Nay một người cháu ruột của học gỉả Nguyễn Văn Vĩnh, ông Nguyễn Lân Bình, đã biên soạn cuốn Hoa Một Mùa trong đó, ngoài 10 bài thơ trong “Ngày Xưa” còn 3 truyện ngắn, 6 vở kịch, 10 bài phê bình, của Nguyễn Nhược Pháp, và một số bài của những văn thi sĩ viết về ông như Hoài Thanh, Bàng Bá Lân, Nguyễn Vỹ, và phần Phụ Lục gồm năm bức hình đen trắng về gia đình nhà thơ.

Đây là một tài liệu cho người đọc thưởng thức và biết thêm tài viết truyện ngắn, viết kịch, cùng phê bình của nhà thơ mệnh yểu này (ông sinh 12/12/1914 – mất 19/11/1938, thọ 24 tuổi).  Ngoài những người yêu thơ, văn, kịch, sinh viên ban văn chương có thể dùng sách này làm tài liệu để viết một tiểu luận về cách viết truyện ngắn, cách dựng các vở kịch, phép đối thoại của các nhân vật, cách giải quyết mâu thuẫn ở cuối vở kịch (tỉ như  vở “Người Học Vẽ” là vở kịch khi còn sinh tiền NNP ước mong tác phẩm này được được trình diễn). Sinh viên ngữ học có thể dùng các mẩu đối thoại để thấy tiếng Việt ở Hà-Nội thay đổi thế nào từ 1936 đển 2020 so với tiếng Việt bây giờ (thí du: chè/trà; “ô-tô Delage của nhân vật Phán Tự, làm bằng 15, 16 con ngựa” (p. 158); Văn: Không ạ, con định bảo thầy nhầm, không phải ô-tô làm bằng 16 con ngựa, 16 mã lực chỉ là sức mạnh của máy (p. 188);

Cụ Bá (nói với anh Xe, người lái xe của Phán Tự).

Cụ Bá: -Ờ nhỉ! Thôi được, anh cứ cầm lấy tiền mua diêm thuốc.

Xe: (cầm tiền) -Cảm ơn cụ. Con không ăn thuốc lào, con chỉ ăn thuốc lá. (p. 189)   

Trong hai phần về truyện ngắn và kịch, độc giả biết thêm về cách nhận xét tế nhị của tác giả. Trong truyện “Tình Trẻ Thơ,” Tân, môt cậu học trò 13 tuổi, theo mẹ lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) chơi nhân thể bà đi lễ, gặp lại Thu cô con gái bà chủ, và trong vài ngày ngắn ngủi nhen nhúm một tình cảm nhẹ nhàng khi cô Thu con gái bà chủ săn sóc Tân.

“Cô dắt Tân đến một cây hồng, hái đóa hoa xinh nhất mà rằng:

-Để chị gài vào khuy áo cho.

Cô phải cúi xuống để gài nên hơi thở của cô thoáng trên mặt Tân. Tân thấy có một cảm giác êm đềm chưa bao giờ được biết.” (p. 17)

Ở Phần 4.  Phê bình (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp):

-Trong 10 bài phê bình, bài “Mấy Vần Thơ” và bài “Ông Thế Lữ và con hổ trong vườn bách thảo,” như một nhà phê bình đã nhận xét, NNP tỏ ra có thiên kiến về phong cách thơ Thế Lữ. Ông chỉ trích vài chỗ trong bài Nhớ Rừng. Con hổ “cái biểu tượng kia chỉ là thứ vớ vẩn đáng thương. (p. 253)…Trong bài thơ Nhớ Rừng “thật sự có những câu thơ tuyệt đẹp, nhưng ý và tứ thì rỗng và thật sự buồn tẻ, chẳng toát ra điều gì mới lạ.” (p. 254)     

           -Trong phần dịch này liệt kê người dịch là Nguyễn Kỳ, Nguyễn Như Phong và hiệu đính: Nguyễn Như Phong, Nguyễn Lân Bình.

Phần dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của NNP sang tiếng Việt đọc khá thông suốt, tuy đôi chỗ tôi muốn có bản tiếng Pháp để so sánh. Thí dụ ở trang 270 có câu: “Thứ nhất loại thơ bẩy âm là thứ thơ của ta. Loại này do chính những người phương đông tạo ra.”

Ngoài ra, ở bài “Kịch Bằng Thơ” (đăng trên L’Anmam Nouveau, số 486, năm 1935) có vài lỗi:

Trang 270:

-…những câu thơ mà Corney, Racine, Molière. (soạn giả muốn nói Corneille chăng; in đậm là do người viết)

-Chúng ta biết nhà thơ nổi tiếng Paul Marie Verlaine đã nói:

Trước tiên phải có âm nhạc

Và để có nhạc tôi ưa số lẻ (sic)

(De la musique avant toute chose

Et pour cela préfère l’Impair)    

Trước khi dịch hai câu đầu, dịch giả hẳn phải đọc cả bài “L’Art poétique” để xem toàn ý lời khuyên của Verlaine ra sao.

Hai câu trên có thể tạm tóm lược ý rằng:

“Quan trọng hơn hết, trong thơ phải có nhạc

Và muốn được vậy bạn hãy chọn nhịp thơ trầm bổng.” (Music above all else, and for that choose the Uneven meter)

Để rõ nghĩa thêm chữ “L’Impair”

Bài Art poétique của Verlaine như lời tuyên ngôn của một vị chủ soái trong thi phái Tượng Trưng (symbolisme), theo đó, đại khái, ông bảo “thơ phải có nhạc, và để đạt được mục đích ấy. ông khuyên bạn hãy chọn sự trầm bổng, các âm tiết không đều đặn, chọn âm lẻ, tránh âm tiết đều đặn (như thơ 12 âm tiết alexandrine); thơ phải có sắc thái (nuance) vì nhờ sắc thái đã kết duyên thành đôi giữa mơ và mộng, giữa tiếng kèn cùng tiếng sáo. Ông cũng khuyên nhà thơ tránh xa những sự châm chích, trào phúng, hãy “bẻ cổ” sự hùng biện (Như bài Demain dès l’aube…của Hugo). Ông lập lại lúc nào cũng phải có nhạc, và lúc nào thơ cũng phải có nhạc. Để câu thơ bay bổng như một cuộc phiêu lưu tốt đẹp.”

    Thơ, theo Verlaine, trong phân đoạn 3 của bài thơ, ví như “đôi mắt kiều diễm sau làn khăn mỏng, như ánh sang lung linh giữa trưa, mầu xanh huyền ảo của các vì sao sáng trong bầu trời thu mát…”C’est des beaux yeux derrière des voiles, / C’ést le grand jour tremblant de midi, / C’est, par un ciel d’automne attiédi / Le bleu fouillis des claires étoiles.”  

 

Trở lại phần dịch trên, “préfère” –trong câu Et pour cela préfère l’Impair–là một mệnh lệnh cách, nên không dịch là “tôi” được.

Ngoài vài tiểu tiết trên, trong Phần 5 của cuốn sách có những bài lý thú về Nguyễn Nhược Pháp và đời sống trong gia đình đông anh chị em mà NNP như một huynh trưởng hướng đạo, hướng dẫn các anh chị em trong gia đình hoạt động, bầy trò ganh đua, bơi, đua xe đạp, đóng kịch, quay phim cho toàn thể. Ngoài bài nhiều người biết và trích dẫn như bài của Hoài Thanh (Thi Nhân Việt Nam) còn một số bài viết về kỷ niệm với tác giả NNP khi in tập thơ “Ngày Xưa,” như bài của Bàng Bá Lân, hay như bài của Vũ Bằng, theo đó cụ cử Mai Đăng Đệ trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là người đầu tiên lớn tiếng khen thơ NNP tại toà báo Trung Bắc Tân Văn và là người đưa NNP “từ chỗ tối ra chỗ sáng, từ một cậu học sinh nhút nhát lên văn đàn rực rỡ hào quang” (p. 304):

“Một hôm cụ cụ đập tay đánh đét một cái xuống bàn, vén ống quần lên, đội lại cái mũ nồi rồi bảo tôi (Vũ Bằng) trong tòa soạn:

-Gớm chết! Thơ hay quá, ông Thiên Tướng ơi (Thiên Tướng là một bút danh của Vũ Bằng). Phải đọc đi! Đọc ngay đi mới được…

Cụ cầm cuốn “Ngày Xưa” giơ lên trời như múa…

-Thơ hay thật. Ra cái cậu Pháp này gớm thật, tưởng là viết đùa một vài câu nào ai có biết đâu bài thơ nào cũng khá nếu không toàn bích thì cũng được vài ba câu…gia dụng!” (pp. 303-304).

…“Sau khi đọc cuốn “Ngày Xưa” cụ Vĩnh một hôm cười ha hả đến giữa tòa soạn nói rằng:

   -Cũng hay, tôi không ngờ lại có con thi sĩ. Nhờ các tiên sinh dìu dắt, cháu sau này chịu khó là nhờ ơn các tiên sinh” (p. 305)

   Tóm lại, ngoài vài khuyết điểm nhỏ trong phần phê bình dịch từ những bài báo viết bằng tiếng Pháp, tập sách in rất mỹ thuật, nội dung trình bầy bằng chữ dễ đọc. Đây là một tác phẩm nên có trong tủ sách gia đình. Ai chưa có cuốn “Ngày Xưa,” nếu có cuốn này thì cũng có thêm các tác phẩm khác về truyện ngắn và kịch và phê bình của nhà thơ trẻ có tài, mà thơ được phổ nhạc phổ biến toàn quốc. Đọc xong không khỏi ngậm ngùi thương tiếc, nền văn học Việt Nam mất đi quá sớm một tài năng hiếm có.  

-Phần Phụ Lục viết xong tại Virginia October 29, 2020 và toàn bài đã đăng ở Việt Học Journal

Phạm Trọng Lệ

Tiếng Chim Hy-Vọng Ðầu Thế Kỷ

Bài thơ “The Darkling Thrush” của Thomas Hardy

Phạm Trọng Lệ sưu tầm và dịch

Cách đây gần 120 năm, vào tối 31 tháng 12 dương lịch, năm 1900, lúc nhân loại sắp bước vào thế kỷ 20, thi sĩ Anh Thomas Hardy–một thi sĩ và tiểu thuyết gia cuối thời nữ hoàng Victoria, một thời kỳ mà canh nông đang chuyển sang kỹ nghệ–trong lúc ông đang bi quan trước viễn tượng một thế kỷ mới, chợt nghe thấy tiếng chim họa mi hót. Ông viết bài thơ The Darkling Thrush sau đây vào đêm cuối cùng của thế kỷ 19. Trong bài thơ, con chim họa mi già cất tiếng hót vào đêm đông lạnh lùng, đem lại nguồn hy vọng cho thi sĩ đang hoang mang trước những biến chuyển của thế kỷ mình đang sống và viễn tượng mình chưa rõ của thế kỷ 20 mới. Bài thơ này được xếp thứ 54 trong 100 bài thơ được chọn in trong hợp tuyển nhiều nhất, theo William Harmon, giáo sư văn chương Anh thuộc đại học North Carolina, trong cuốn THE TOP 500 POEMS.

 

Bài viết này có 5 phần: phần I là nguyên văn bài thơ; phần II là bản dịch xuôi; phần III là bản dịch sang văn vần; phần IV là nhận xét về chữ khó và ẩn dụ trong bài thơ. Phần cuối là sách tham khảo.  

 

 

                                                                                           

 

1. The Darkling Thrush

I leant upon a coppice gate

When Frost was specter-gray,       

And Winter’s dregs made desolate

The weakening eye of the day.

The tangled bine-stems scored the sky

Like strings of broken lyres,

And all mankind that haunted nigh

Had sought their household fires.

 

The land’s sharp features seemed to be

The Century’s corpse outleant,

His crypt the cloudy canopy,

The wind his death-lament.

The ancient pulse of germ and birth

Was shrunken hard and dry,

And every spirit upon earth

Seemed fervorless as I.

 

At once a voice arose among

The bleak twigs overhead

In a full-hearted evensong

Of joy illimited;

An aged thrush, frail, gaunt, and small,

In blast-beruffled plume,

Had chosen thus to fling his soul

Upon the growing gloom.

 

So little cause for carolings

Of such ecstatic sound

Was written on terrestrial things

Afar or nigh around,

That I could think there trembled through

His happy good-night air

Some blessed Hope, whereof he knew

And I was unaware.

           

                Thomas Hardy (December 31, 1900)

 

  1. Dịch xuôi:

 

Tiếng Họa Mi Trong Ðêm Tối

 

Tôi dựa vào cổng dẫn vào rừng cây

Khi sương mờ xám như bóng ma

Và những vẩn đục của mùa đông làm cho

Ánh sáng yếu-ớt của ngày thêm điêu tàn.

Những sợi dây leo cuộn với nhau in trên nền trời

Như những sợi dây đàn huyền cầm bị đứt.

Và mọi người ở gần

Ðều tìm đến lò sưởi trong nhà mình.

 

Nén hằn rõ trên ruộng nương trông như

Xác của Thế kỷ vừa chết duỗi dài ra

khỏi hầm mộ là vòm trời mây phủ,

mà gió là tiếng gào khóc.

Mạch máu xưa của mầm sống

Chun lại khô cứng

Và mỗi linh hồn trên trái đất

Hình như đều uể oải như tôi.

 

Chợt lúc đó có một giọng trổi lên

Trong những nhành cây khẳng khiu trên cao,

Một bài ca đầy nhiệt tình, ấm-áp

diễn tả niềm vui vô bờ.

Một con chim họa mi già, mảnh khảnh, hom hem, nhỏ nhắn.

Bộ lông nó tả tơi rũ rượi vì bị gió dập

Ðã chọn lúc này để liệng hồn mình

Vào vẻ tiêu điều mỗi lúc một thêm ảm đạm.

 

Con người ít khi thấy có lý do để

viết lời ca ngợi những sự vật xa gần trên đời này

như âm thanh ngây ngất như vậy,

khiến tôi tưởng rằng trong giọng rung của

tiếng chim hót vui tươi ru ta an giấc

có một niềm Hy-vọng trời ban, mà chim biết rõ từ đâu,

mà tôi lại vô tình không biết.

 

          

 

III. Dịch sang văn vần:

 

Tiếng chim trong đêm tối

 

Bên rừng tựa cổng nhìn xa

Sương mờ xám tựa bóng ma chập-chùng.

Chiều Ðông ảm đạm lạnh lùng,

Ánh dương hiu hắt, cảnh trông điêu tàn.

In trên trời, khóm dây ràng,

Cuốn nhau như những sợi đàn đứt dây.

Làng trên xóm dưới quanh đây,

Bên lò sưởi ấm, giờ này cùng nhau.

 

Nét hằn bờ ruộng nương dâu,

Như thây Thế kỷ dãi dầu thênh thang.

Vòm trời hầm mộ mây ngàn,

Gió gào lời khóc hồn tan mập mờ.

Mạch xưa mầm sống bây giờ,

Máu xưa tươi thắm, nay khô cạn rồi.

Mỗi linh hồn, mỗi con người

Thảy đều uể oải rã rời như ta.

 

Chợt đâu trổi tiếng chim ca,

Trong cành cây nhỏ vẳng ra bồi hồi.

Ðiệu ca tròn, ấm trên cao,

Niềm vui hớn hở ngọt ngào vô biên.

Họa mi, mảnh khảnh, hom hem,

Lông già rũ rượi, thân mềm tả tơi.

Thả hồn trong điệu nhạc trôi,

Cảnh buồn mỗi lúc chẳng vơi não nùng.

 

Con người có mấy ai từng

Viết câu ca ngợi của chung trên đời

Dư âm ngây ngất tuyệt vời,

Rung trong gió thoảng những lời vui tươi

Là nguồn hy-vọng từ Trời,

Chim kia biết rõ, mà người không hay.

 

             (PTL phỏng dịch 11/24/1997)

 

  1. Ghi Chú và Phân tích:

 

Darkling: [chữ cổ, dùng trong thơ], in the dark, trong bóng tối.

Coppice gate=cửa dẫn vào một khu rừng nhỏ có nhiều bụi cây rậm.

Specter=bóng ma (nguyên bản viết spectre).

Dregs=cặn bã.

Bine-stems=gốc giây leo cuộn với nhau

Century corpse=xác chết thế kỷ. Thế kỷ 19 chấm dứt, thi sĩ ví như một xác chết. 

Evensong=bài hát vào buổi lễ chiều (even: chữ cổ của evening)

Illimited=vô giới hạn.

Fervorless=không có nhiệt tình, uể oải, nguyên bản viết fervourless.

Blast-beruffled plume=bộ lông bị rối xù vì bị gió dập vùi.

 

Hình thức: Bài thơ gồm 4 đoạn (stanzas) mỗi đoạn 8 câu, trong đó câu 1, 3, 5, 7  theo thể iambic tetrameter, nghĩa là mỗi câu có 4 nhịp, nhấn vào nhịp nhì; các câu số 2, 4, 6, và 8 gọi là iambic trimeter, có ba nhịp, nhấn vào nhịp nhì. Bài thơ gieo vần như sau ababcdcd. Thí dụ như ở đoạn đầu thì những cặp chữ cuối câu như gate/desolate, gray/day, sky/nigh, lyres/fires vần với nhau.    

 

Nội dung:

 

-Bài thơ dùng vài chữ cổ:

 

Coppice= lùm cây hay rừng nhỏ; darkling=trong bóng đêm; nigh=gần; illimited=vô biên. Mấy chữ viết hoa như Frost, Century, Hope để nhấn mạnh.

 

-Nhiều hình ảnh và ẩn dụ:

 

-Hai đoạn đầu, để tả tâm trạng bi quan của mình về thế kỷ 19, thi sĩ dùng những chữ tả mùa đông u ám. Specter-gray: đánh vần kiểu Mỹ; nguyên văn trong bài thơ là spectre-gray: xám như bóng ma. Winter dregs: cặn vẩn đục của mùa đông. Weakening eye of day: ánh mặt trời yếu đi. Lyre: một thứ huyền cầm có 6 dây gọi là “đàn lia,” thuộc loại đàn harp (“hạc cầm”). Những nhánh cây leo cuốn vào nhau được ví như dây đàn huyền cầm bị đứt.

 

-Ở đoạn hai: Century corpse (thế kỷ sắp hết ví như xác chết duỗi dài mà tiếng gió là lời than khóc và bầu trời là hầm mộ); crypt (hầm mộ); cloudy canopy (vòm trời mây phủ); pulse of germ and birth (mạch đập của mầm và sự nảy sinh, mầm sống); shrunken hard and dry (co lại khô cứng), fervorless (đánh vần kiểu Anh: fervourless): không còn sinh khí.

 

-Ở đoạn ba và bốn: thi sĩ tả bối-cảnh trong đó con chim họa mi vừa già, vừa bị gió lạnh thổi làm bộ lông tơi tả, đang hót trên nhành cây cao: aged thrush. Bleak twigs overhead: nhánh cây khẳng khiu ở trên cao; gaunt: gầy, hốc hác; growing gloom: cảnh càng thêm ảm đạm. Nhưng con chim họa mi vẫn say sưa cất tiếng hót. Carolings (những bài ca như vào dịp giáng sinh); ecstatic (ngây ngất), good-night air (giọng ca chúc ngủ ngon). Tiếng chim ca khiến thi sĩ đang bi quan, chán nản phải hứng khởi. Blessed Hope: nguồn hy-vọng trời ban.

 

-Vài dòng về Thomas Hardy (1840-1928):  Thomas Hardy quê ở gần vùng Dorchester phía tây nam Anh quốc, khi còn trẻ học việc trong văn phòng xây cất của một kiến trức sư. Sau ông bỏ nghề kiến trúc và viết tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết và thơ, ông dùng nhiều phương ngữ (dialects) nơi ông sinh trưởng. Nhiều cuốn ông viết đã được đưa lên phim. Cuốn Far From the Madding Crowd (Xa chốn phồn hoa) là cuốn tiểu thuyết thứ tư viết năm 1874, và được đưa lên phim năm 1967 do nữ tài tử Julie Christie đóng. Ông cũng là tác giả cuốn The Mayor of Casterbridge (Ông Thị Trưởng Casterbridge) (1886). Cuốn nổi tiếng nhất là Tess of d’Urbervilles (1891) (Nàng Tess thuộc dòng họ d’Urbervilles), được đưa lên phim do Roman Polanski đạo diễn năm 1980 và do nữ tài tử Nastassja Kinski đóng vai Tess. Những cuốn khác là Jude the Obscure (Jude, con người tầm thường vô danh), viết năm 1896, dược đưa lên truyền hình do Kate Winslet đóng năm 1971. Cuốn the Return of the Native (Người xưa trở về) đưa lên phim năm 1994, do nữ tài tử Catherine Zeta-Jones đóng. Tuy Ông viết nhiều tiểu thuyết (12 cuốn), mãi đến khi gần 60 tuổi Ông mới làm thơ. Trong vòng ba thập niên, ông viết tổng cộng 8 tập thơ và một tập kịch dài, the Dynasts.

 

-Meliorist, not pessimist: Người đọc văn thơ ông thường cho ông là người bi quan, nhưng ông bảo ông là người theo thuyết cải-thiện. Ông cho rằng thế giới có thể tốt hơn nếu con người cố gắng hướng thiện.  Trong bài thơ, hai đoạn thơ đầu là những hình ảnh ảm đạm và chết chóc, nhưng hai đoạn cuối bài thơ, trong khi tác giả chán nản, thất vọng về những biến chuyển của thời ông–như chiến tranh, thay đổi nếp sống gây ra bởi chiến tranh và cuộc Cách mạng Kỹ nghệ– thì tiếng chim họa mi, tuy già và rũ rượi vì lạnh, như đem lại nguồn hy vọng cho tác giả. Tiếng chim như nhắc cho tác giả biết, dù ở hoàn cảnh thất vọng hay tuyệt vọng, Thượng-đế, qua thiên nhiên, vẫn ban cho con người một ân sủnglòng Hy vọng. Như thiền sư Mãn-Giác ở thế kỷ 11 đời Lý, trong bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng” có hai câu cuối “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai” [“Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Ðêm qua, sân trước, một cành mai”– Ngô-Tất-Tố dịch, trong Văn Học Ðời Lý (1941), p. 52 ]. Một cành hoa nở cuối mùa xuân, tiếng hót của con chim già vào mùa đông như nhắc con người đừng quên Hy vọng trời ban. Nhà thơ lãng mạn Anh Percy Bysshe Shelley trong bài “Ode to the West Wind” cũng viết ở câu cuối cùng của bài thơ:“If Winter comes, can Spring be far behind?” (Mùa Ðông nếu tới nơi rồi, thì Xuân cũng chẳng xa vời mãi đâu.)

 

  1. Sách Tham Khảo:

 

Muốn đọc thêm về cuộc đời và tác phẩm của Thomas Hardy, xem:

 

-Carpenter, Richard C. Thomas Hardy. (Twayne English Authors Series). New York: MacMillan, 1st ed. 1964; rev. ed. 1980.

 

(gs Carpenter là thầy dạy người viết bài này trong môn Văn chương Anh và literary criticism tại BGSU năm 1975-1976.

 

Muốn tìm đọc thơ của Hardy, xem:

 

-Gibson, James.  The Complete Poems of Thomas Hardy. New York: MacMillan, 1978. 

 

Về bảng liệt kê 500 bài thơ Anh phổ thông, được trích in trong các sách hợp tuyển nhiều nhất, xem:

 

-Harmon,William.  The Top 500 Poems. New York: Columbia University Press, 1992, trang 1077-1080.

 

(Virginia –viết xong 11/24/1997; sửa lại 12/19/2007; 9/15/2020–PTL)■

 

 

*****

 0

THI SĨ VÀ MÙA THU

Nguyễn Khuyến, Verlaine, Bashô, Buson, Shakespeare

 

Phạm Trọng Lệ sưu khảo và dịch

Vào đầu thu, khi lá vàng bắt đầu rụng, thi sĩ và nhạc sĩ thường tả cái buồn nhè nhẹ của một thời tiết không còn nóng, nhưng chưa lạnh lắm, một hoài cảm bâng khuâng (như Cung Tiến trong bài “Thu Vàng”). Nhưng người yêu thơ không ai quên đưọc bài THU ÐIẾU của Nguyễn Khuyến, bài CHANSON D’AUTOMNE cùa Verlaine, những bài thơ HAIKU của thiền sư Nhật Bản Bashô, Buson, và bài tình thi SONNET số 73 của Shakespeare.

 

  1. THU ÐIẾU

Nguyễn Khuyến người làng Yên Ðổ tỉnh Hà Nam, sinh năm 1835, đời vua Tự Ðức; đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1864; đỗ đầu thi Hội và thi Ðình năm 1871 nên người đương thời gọi là Tam Nguyên Yên Ðổ. Làm quan đến chức Sơn Hưng Tuyên tổng đốc. Sau vì đau mắt nặng, phải cáo quan về nhà dạy học. Cụ hay chữ, làm thơ nôm rất tài, dùng ít điển cố, có để lại tập thơ nhan đề Quế Sơn Thi Tập. Bài “Thu Ðiếu” là bài tuyệt nhiên không có giọng châm biếm thường thấy trong thơ Nguyễn Khuyến. Cụ mất năm 1909, thọ 74 tuổi.

Ta hãy ngắm một bức họa thiên nhiên mà thi sĩ đã vẽ ra:

Thời-gian: mùa thu; không-gian: ao thu; thời-tiết: hơi lạnh.

Như một bức tranh tĩnh vật: trong cảnh ao thu, nước trong vắt, một ông già ngồi một mình trên chiếc thuyền câu nhỏ. Hơi gió nhẹ đưa, làn nước ao gợn sóng nhẹ, một vài ngọn lá vàng bay xuống. Ngửng mặt lên trời cao: mấy làn mây lơ lửng trên bầu trời xanh ngắt. Hạ tầm mắt xuống, nhìn xa một chút: trong ngõ hẹp quanh co dẫn vào thôn, bên hàng trúc yên lặng, không một bóng người qua lại. Trong ao thu, trên thuyền câu, ông câu ngồi đấy như chờ cái lắng đọng của thời gian. Trong cái cảnh yên lắng ấy, con người nhỏ bé đơn sơ và thiên nhiên như cảm thông với nhau qua tiếng cá đớp nhẹ ở chân bèo. Mặt ao yên lặng chợt có những vòng sóng gợn quanh đám bèo. Âm nhạc du dương nghe được ngoài đời êm ái đã đành, nhưng hay nhất là thứ âm nhạc yên lặng của thiên nhiên. Như nhà thơ Anh John Keats đã viết: “Heard melodies are sweet, but those unheard are sweeter.” Một hình ảnh rất “thiền”.

Xin đọc to và chậm để âm thanh và hình ảnh lắng vào hồn mình:

THU ÐIẾU

 

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

               NGUYỄN KHUYẾN

Dịch Sang Anh Ngữ:

 

Ðể giới thiệu bài thơ mùa thu giầu hình ảnh và âm điệu, lại được viết bằng thứ tiếng Việt dễ hiểu với độc giả Anh Mỹ, và nhất là với các bạn học sinh hay sinh viên Việt quen với tiếng Anh, xin phỏng dịch:

ANGLING IN AUTUMN

 

The autumn pond is bleak and cold, its water crystal clear,

There floats a tiny little sampan near.

Ripples of deep blue water curl with a puff of wind slightly,

A yellow leaf in wind falls and glides down noiselessly.

A layer of cloud drifts in the azure sky,

In the winding lane of bamboos, not a single soul passes by.

Arms around knees, I loosely hold the pole for a long while, in vain,

From nowhere, a fish bites at the roots of the water hyacinths.                      (Translated by PTL)

Bản dịch sang Pháp Ngữ:

 

Ðây là bản dịch sang tiếng Pháp do Nguyễn Khắc Viện và các dịch giả khác trong ANTHOLOGIE DE LA LITTÉRATURE VIETNAMIENNE, Tome III (Hanoi: Édition en Langues Étrangères, 1975), pages 161-162:

 

Pêche en Automne

 

Une mare automnale morne et froide,

Sur l’onde limpide, un petit sampan, tout menu—

Une fine brise ride l’eau turquoise,

La feuille jaunie sous le vent sans bruit plane et file.

Tout là-haut, un nuage dans l’azure sans fin,

Dans les détours des allées de bambou, nulle trace d’ami,

Les bras autour des genoux, longuement, à l’onde,

En vain, j’ai laissé le fil de ma ligne,

Le poisson goba, elle trembla tout en bas, sous les nénuphars.

  1. CHANSON D’AUTOMNE CỦA VERLAINE (1844-1896)

 

Sinh sau Nguyễn Khuyến 9 năm, nhà thơ Pháp Paul Verlaine, thuộc trường phái biểu tượng, trong tập thơ Romances sans paroles in năm 1874, có bài « Chanson d’automne » mà độc giả quen với Pháp văn ai cũng biết. Thơ ông đầy nhạc tính; có nhiều bài đã được nhạc sĩ Debussy phổ nhạc. Trong bài thơ « Art poétique » (Nghệ Thuật Thi-ca), ông viết rằng: « De la musique avant toute chose » (« Âm nhạc trên hết cả »). Nghệ thuật, đối với ông, như « đôi mắt kiều diễm sau làn khăn mỏng, là ánh sáng lung-linh của buổi trưa, là xáo trộn màu xanh của những vì sao sáng trên bầu trời thu mát. » (« C’est des beaux yeux derrière des voiles/C’est le grand jour tremblant de midi/C’est, par un ciel d’automne attiédi/Le bleu fouillis des claires étoiles! »)

   Ðọc lại bài Chanson d’automne, mà nhiều nhà yêu thơ đã dịch sang Việt ngữ–trong đó có bài dịch của cụ Tô Giang Tử Nguyễn Quang Nhạ (xem phần chú thích cuối bài), bài dịch của chúng tôi chỉ là một cố gắng khiêm tốn–không ai quên được những âm thanh gây nên bởi những nguyên âm « o » và « ou », chậm và buồn như điệu nhạc dài của mùa thu. Ý và nhạc trong thơ ông, phải chăng đã gây cảm hứng cho những bài thơ bất hủ như bài « Tiếng Thu » của Lưu Trọng Lư?

CHANSON D’AUTOMNE

 

Les sanglots longs

Des violons

De l’automne

Blessent mon coeur

D’une langueur

Monotone.

Tout suffocant

Et blême, quand

Sonne l’heure,

Je me souviens

Des jours anciens

Et je pleure;

Et je m’en vais

Au vent mauvais

Qui m’emporte

Deçà, delà,

Pareil à la

Feuille morte

             PAUL VERLAINE

 

Note : dưới chữ ç trong « deçà » có đuôi.

Dịch sang văn vần:

 

Thu ca

 

Ðàn thu

thổn thức

giọt sầu

Tim côi rướm máu

một mầu tái tê

Nghẹn ngào

mỗi độ thu về

ngày vui

nhớ lại

bờ mi lệ tràn.

Hồn ta

gió cuốn

miên man,

nay đây, mai đó

như hàng lá khô.

  

     (PTL phỏng dịch, 1981)

III. MÙA THU TRONG THƠ HAIKU CỦA NHẬT

 

Trong lối thơ haiku gồm 17 âm-tiết, xếp thành ba câu, theo mẫu 5,7.5, hay lối thơ waka 31 âm tiết theo mẫu 5,7,5,7,7. mỗi bài thơ ẩn một tâm trạng gắn liền với cảnh vật độc đáo bên ngoài, có khi chỉ là tiếng chim kêu, tiếng vỗ cánh, tiếng lá rơi, tiếng ếch nhảy xuống nước. Hồn thơ Haiku thường diễn tả một trạng thái căng thảng của tâm hồn thi sĩ trước thiên nhiên, muốn quán chiếu thực tại. Xin đọc ba bài thơ nổi tiếng của Bashô, một bài của Buson và một bài của Saigyô.

MATSUO BASHÔ (1644-1694)

 

Có ba bức hoạ trên đó Bashô viết bài haiku « quạ đậu trên cành cây » này. Bức xưa nhất có vẽ bẩy con quạ đang đậu trên cành trụi lá, với 20 con đang bay trên trời.  Hai bức kia có vẽ một con quạ đang đậu trên cành khẳng khiu. Bài thơ là hình ảnh cô đơn của con người trong cái yên lặng của mùa thu.

 

kareeda ni

karasu no tomarikeri

aki no kure

 

Trên cành cây khẳng khiu

Con chim quạ vừa đậu

Trời chạng vạng mùa thu

 

On a bare branch

A crow has lighted…

Autumn nightfall

(Translated by Makoto Ueda, in BASHÔ AND HIS INTERPRETERS. Stanford, CA: Stanford University Press, 1992, p. 57)

Tuy bài sau đây làm vào mùa xuân nhưng chúng tôi cũng chép lại vì là bài haiku nổi tiếng nhất của Bashô. Con người cô đơn trước cảnh vật thiên nhiên. Tiếng ếch nhẩy xuống nước cũng như tiếng cá đớp trong câu “Cá đâu đớp động dưới chân bèo” của Nguyễn Khuyến.  A commentary by Nobutane: “The Zen monk Hakuin always talked about the sound of one hand clapping. The sound of water in this hokku is also like that: it is there and it is not there.” In Ueda, BASHÔ AND HIS INTERPRETERS, p 140. 

furuike ya

kawazu tobikomu

mizu no oto

Phá bầu yên lặng mặt ao xưa…

ếch nhảy vụt

tõm xuống nước

 

old pond…

a frog leaps in

water’s sound.

 

(Translated by William J. Higginson, in THE HAIKU HANDBOOK, p. 9)

[Note: Allen Ginsberg, trong tập COLLECTED POEMS 1947-1980. New York: Harper-Collins, 1984, dịch bài thơ trên như sau:

Th’old pond—a frog jumps in. Kerplunk! ]

kono michi ya

yuku hito nashi ni

aiki no kure

 

Con đường này

vắng người qua

lúc hoàng hôn mùa thu

an autumn eve

along this road

goes no one

(Translated by R.H. Blyth in THE GENIUS OF HAIKU. Tokyo: The Hokuseido Press, 1995, p. 38)

 

 

YOSA BUSON (1716-1783)

Yuku ware ni

Todomaru nare ni

aki futatsu

I go;

Thou stayest:

Two autumns.

(Translated by R.H. Blyth, sách dẫn ở trên, tr. 110)

Mùa thu ai xẻ làm đôi,

Người đi kẻ ở, ngậm ngùi nhớ thương.

 

(PTL phỏng dịch)

 

THIỀN SƯ SAIGYÔ (1118-1190)

Thiền đạo đòi hỏi phải rũ sạch ham muốn và ràng buộc với thế tục, nhưng thi sĩ Saigyô vẫn yêu vẻ lấp lánh của cuộc đời. Con người tầm đạo dù phải diệt ham muốn, nhưng khi nhìn một cảnh giản dị của thiên nhiên, lòng vẫn rung động:

kokoro naki

mi ni mo aware wa

shirarikeri

shigi tatsu sawa no

aki no yugure

 

 

dù tâm hết khát vọng

nhưng thân ta cũng biết

rung động thổn thức khi thấy

con chim dẽ bay vút từ đầm lầy

và màn tối mùa thu đang buông

          (PTL phỏng dịch)

even heartless

my body must know

how touching:

snipe rise from the marsh

in the autumn nightfall

(Translated by William J. Higginson, cited above, p. 186)

  1. BÀI SONNET CỦA SHAKESPEARE VỀ MÙA THU VÀ TUỔI VỀ CHIỀU

Trong tập tình thi 154 bài sonnets của Shakespeare, bài sonnet số 73 có lẽ là bài hay nhất vì dùng nhiều ẩn dụ khéo léo:

Hằng năm cứ vào mùa thu, khi em nhìn ta, khi vài chiếc lá vàng, hay không còn ngọn lá nào dính trên cành, run-rẩy vì lạnh, như ban hát thánh ca trong giáo đường mục nát và trơ trọi, nơi những con chim có giọng ngọt-ngào, mới đây đậu và hót. Nơi ta, em thấy ánh hoàng hôn hôm ấy, sau khi mặt trời đã nhạt mầu ở phương tây, dần dần bị bóng đêm dập tắt đi—hình ảnh của cái chết, gắn kín tất cả trong giấc ngủ. Nơi ta, em thấy ánh ngời của than hồng, tro tàn của tuổi xuân ta, đang lụi dần như trên chiếc giường người sắp chết, bị lửa đốt hết, ngọn lửa làm than hồng lên và thổi thêm sức sống cho than. Thấy cảnh như vậy, em sẽ yêu quí ta hơn vì chẳng bao lâu nữa em phải giã từ. 

Sonnet 73: That Time of Year…

 

That time of year thou mayst in me behold

When yellow leaves, or none, or few, do hang

Upon those boughs which shake against the cold,

Bare, ruined choirs, where late the sweet birds sang.

In me thou seest the twilight of such day

As after sunset fadeth in the west,

Which by and by black night doth take away,

Death’s second self that seals us all in rest.

In me thou seest the glowing of such fire,

That on the ashes of his youth doth lie,

As the death-bed whereon it must expire,

Consumed with that which it was nourished by.

      This thou perceiv’st, which makes thy love more strong,

To love that well which thou must leave ere long.

                               WILLIAM SHAKESPEARE, in 1609 Quarto edition

Giờ này hằng năm…

Nhìn ta em thấy hằng năm,

Khi vài lá uá trên cành cô đơn.

Gió rung lá khẳng khiu buồn,

Thánh ca chim hót giáo-đường mới đây.

Nhìn ta em thấy phương tây,

Mầu chiều bảng-lảng đêm dầy cuốn đi.

Bóng đêm thần chết phủ vi,

Trong ta ánh lửa xuân thì tàn tro.

Nguội trên manh chiếu xác khô,

Lửa nuôi than sống trước giờ lụi tiêu.

   Cùng ta cho trọn thương yêu,

   Cho thêm khắng khít trước chiều chia phôi.                         

 (PTL phỏng dịch, 1993)

  1. CHÚ THÍCH VÀ SÁCH THAM KHẢO

-Chắc độc giả ai cũng biết bài “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy mà giọng Julie Quang đã làm cho bất hủ:

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

Mùa thu đã chết. em nhớ cho! Mùa thu đã chết, em nhớ cho!

Mùa thu đã chết, đã chết rồi

Em nhớ cho! Em nhớ cho! Ðôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa. Trên cõi đời này, trên cõi đời này….

Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.

Trong tập thơ ALCOOLS của Apollinaire, nhà thơ Pháp phái Siêu Thực, gốc Ba-Lan, làm năm 1913:

L’adieu

J’ai cueilli ce brin de bruyère

L’automne est morte souviens-t’en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens toi que je t’attends.

(Guillaume Apollinaire, OEUVRES POÉTIQUES, ALCOOLS, Éditions Gallimard, 1920, p. 85)

Nhạc sĩ Phạm Duy chắc đã lấy hứng và mượn ý từ bài dịch để làm lời cho nhạc phầm « Mùa thu chết » mà bản dịch đó, theo một bạn văn cho biết, là của Bùi Giáng. Bản dịch tài tình.

-Ðọc thêm về lời bàn về bài « Thu Điếu », xem:  Dương Quảng Hàm. QUỐC VĂN TRÍCH DIỄM. Saigon : Xuất Bản Bốn Phương, 1953, tr. 44-45.

-Bản dịch bài Chanson d’automne của Tô Giang Tử Nguyễn Quang Nhạ, in trong TUYỂN TẬP THI PHẨM in tại McLean, Virginia, 1981, tr. 369, không đề giá bán:

           Nhạc thu

Nhạc thu nức nở trầm trề

Ngân dài một điệu não nề lòng ta. 

Nghẹn ngào, mặt tái lệ nhòa,

Thu về chợt nhớ ngày qua khuất rồi.

Hồn ta tựa chiếc lá rơi,

Phiêu phiêu gió cuốn, chuyển dời đó đây…

         (Tô Giang Tử phiên dịch)

-Một cuốn sách giải thích về Haiku xưa và nay và cách dạy làm thơ haiku cho thiếu niên: William J. Higginson. THE HAIKU HANDBOOK. Tokyo : Kodansha International, 1985. $9.95.

-Nhà xuất bản Dover đưa ra một cuốn sách mỏng, 78 trang,  giá $1.00, nhan đề THE CLASSIC TRADITION OF HAIKU, Faubion Bowers, ed. Mineola, NY: Dover Publications, Inc, 1996. Thơ Haiku của 48 nhà thơ Nhật, có nguyên tác kèm theo lời dịch sang tiếng Anh của những dịch giả nổi tiếng. Có những bài haiku như bài “quạ đậu trên cành” của Basho có 6 bản dịch để người đọc so sánh.

-Bản dịch những mẩu hành trình du ký của Matsuo Bashô: THE NARROW ROAD TO THE DEEP NORTH AND OTHER TRAVEL SKETCHES. Trans. Nobuyuki Yuasa. Penguin Books, 1968.

-Muốn tìm hiểu thêm về thơ của thiền sư Saigyô, xem: Wiliam R LaFleur, trans. MIRROR FOR THE MOON: A SELECTION OF POEMS BY SAIGYÔ (1118-1190). New York: New Direction Books, 1978.

-Một cuốn sách biên khảo công phu về Bashô kèm theo những lời bình ngắn gọn của những nhà phê bình người Nhật sau mỗi bài thơ: Makoto Ueda. BASHÔ AND HIS INTERPRETERS: SELECTED HOKKU WITH COMMENTARY. Stanford, CA: Stanford University Press, 1992. Giá: $19.95

-Ấn bản bỏ túi, rẻ tiền và tiện dụng về 154 bài sonnets của Shakespeare kèm theo chú giải vài chữ khó và tóm tắt đại ý mỗi bài thơ: Louis B. Wright and Virginia A. LaMar. SHAKESPEARE’S SONNETS AND POEMS. New York: Washington Square Press, 1967, 1969. Giá $5.99.  Soạn giả làm việc ở Folger Shakespeare Library nên đây là một ấn bản đáng tin cậy.

-Người đọc Shakespeare nghiêm túc, sinh viên soạn thi bằng MA về văn chương Anh nên có cuốn sách của Helen Vendler. THE ART OF SHAKESPEARE’S SONNETS. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1997. Ðây là cuốn sách soạn kỹ của giáo sư Vendler thuộc đại học Harvard, với lời nhận xét tỉ-mỉ và đôi khi độc đáo của một người đọc thơ rất kỹ (the best close reader of poems) về 154 bài sonnets. Kèm theo sách là một CD, trong đó bà có đọc đa số các bài sonnets trong sách. Giá $31.50.  ■

                      (Phạm Trọng Lệ, Virginia, đầu thu 1993; sửa lại 8/5/2008) 

*****

BÔNG HỒNG DÙ GỌI TÊN NÀO:
Thiên Tình Sử Romeo và Juliet

PHẠM TRỌNG LỆ sưu khảo và dịch

“What’s in a name? That which we call a rose
By any name would smell as sweet.”
(Shakespeare’s Romeo and Juliet,
Act II, scene ii)
Bông hồng dù gọi tên nào,
Thì hoa cũng vẫn ngạt ngào thơm tho.
(Tiếp theo Cỏ Thơm 41 và hết)  
  
IV. Hai cảnh đáng nhớ của vở bi-kịch:
Hồi II, cảnh ii, câu 1-106:  Cảnh ở bao lơn ngoài phòng ngủ của Juliet (Trong khi Juliet nói một mình, thì Romeo nghe lén.)
[Act II, Scene ii, lines 1-106 ]
ROMEO (coming forward)
He jests at scars that never felt a wound.
[Enter Juliet above at a window]
But soft! What light through yonder window breaks?
It is the East, and Juliet is the sun.
Arise, fair sun, and kill the envious moon,
Who is already sick and pale with grief
That thou, her maid, art far more fair than she.
Be not her maid since she is envious.
Her vestal livery is but sick and green,
And none but fools do wear it. Cast it off.
It is my lady. O, it is my love!
O, that she knew she were!
She speaks, yet she says nothing. What of that?
Her eye discourses; I will answer it.
I am too bold. ‘Tis not to me she speaks.
Two of the fairest stars in all the heaven,
Having some business, do entreat her eyes
To twinkle in their spheres till they return.
What if her eyes were there, they in her head?
The brightness of her cheek would shame those stars
As daylight doth a lamp; her eye in heaven
Would through the airy region stream so bright
That birds would sing and think it were not night.
See how she leans her cheek upon her hand.
O that I were a glove upon that hand,
That I might touch that cheek!
ROMEO
[Từ vườn cây của gia đình Capulet, Romeo bước ra, thoáng nghe nói nàng yêu mình.
(Mercutio) diễu về những vết thương lòng mà chưa từng bị trúng tên của thần ái tình Cupid. [Lúc đó Juliet bước ra bao lơn nhìn xuống vườn]  
Nhưng hãy yên lặng! Ánh sáng nào le lói trên cửa sổ kia?
Đó là phương đông, và Juliet là mặt trời mới mọc.
Nhô lên đi! Mặt trời yêu dấu, và hãy sáng lòa lên để che mặt trăng ghen tuông đang bịnh và xanh xao vì buồn [Thần mặt trăng Diana tượng trưng sự trinh trắng và là thần hộ mệnh cho các trinh nữ; Romeo ví Juliet như trinh nữ theo hầu Diana.]
Mặt trăng lu mờ đi vì em đẹp hơn.
Em đừng làm trinh nữ hầu hạ thần mặt trăng vì nàng ghen tức.
Tấm áo trinh trắng của nàng làm nàng trông bịnh hoạn và xanh xao.
Chỉ có những tên hề mới bận tấm áo đó. Hãy bỏ áo ấy đi!
Chính là Juliet của ta kìa. Ôi, người ta yêu dấu! Ôi, giá nàng biết vậy!
Nàng đang nói mà ta không nghe thấy gì cả. Thế nghĩa là gì?
Mắt nàng nhìn quanh; ta phải lên tiếng với nàng.
Ta liều quá. Nàng đâu có nói với ta.
Khi hai vì sao sáng nhất bầu trời nài xin mắt nàng chiếu sáng thay cho chúng trên quĩ đạo để chúng phải chạy đi lo chuyện khác. [Theo hệ-thống thiên văn Ptolemy, mà người thời đó tin tưởng, thì tinh tú được mang trên quĩ đạo vòng quanh trái đất ở trung tâm vũ trụ bằng những tinh cầu thủy tinh.]
Ví thử như mắt nàng ở trên bầu trời và tinh tú ở trên đầu nàng?
Hào quang trên đôi má nàng sẽ làm lu mờ tinh tú
Như ánh sáng ban ngày làm mờ ánh đèn dầu le lói.
Mắt nàng trên bầu trời sẽ tỏa sáng thật rõ
khiến chim chóc cất tiếng hót vì tưởng ánh sáng của nàng là ban ngày.
Hãy nhìn xem nàng đang dựa má trên bàn tay.
Ôi, ước sao ta là chiếc bao tay của nàng  để ta có thể vuốt ve đôi má đó!  
JULIET
Ay me.
ROMEO [aside]
O, speak again, bright angel, for thou art
As glorious to this night, being o’ver my head,
As is a wingèd messenger of heaven
Unto the white-upturnèd wond’ring eyes
Of mortals that fall back to gaze on him
When he bestrides the lazy puffing clouds
And sails upon the bosom of the air.
JULIET
Chao ơi!
ROMEO [Nói một mình]
Nàng cất tiếng.
Ôi, hãy nói lên nữa đi, nàng tiên rạng ngời hào quang,
Vì đêm nay nàng lộng lẫy, phía trên đầu ta,
Như thiên thần có cánh từ trời phái xuống 
Đoái nhìn kẻ phàm trần ngửa ra đằng sau
để ngước mắt trắng kinh ngạc nhìn lên,
Khi thiên thần cưỡi mây nhẹ lãng đãngï
Lướt trong lòng khí quyển.  
 
JULIET
O Romeo, Romeo, wherefore art thou Romeo?
Deny thy father and refuse thy name,
Or, if thou wilt not, be but sworn my love,
And I’ll no longer be a Capulet.
ROMEO [aside]
Shall I hear more, or shall I speak at this?
JULIET
’Tis but thy name that is my enemy.
Thou art thyself, though not a Montague.
What’s Montague? It is not hand, nor foot,
Nor arm, nor face, nor any other part
Belonging to a man. O, be some other name!
What’s in a name? That which we call a rose
By any other word would smell as sweet.
So Romeo would, were he not Romeo called,
Retain that dear perfection which he owes
Without that title. Romeo, doff thy name,
And, for thy name, which is no part of thee,
Take all myself.
 
JULIET
Romeo, chàng hỡi, Romeo! Tại sao chàng lại mang tên Romeo?
Hãy từ cha chàng, hãy khước họ chàng;
Hay, nếu chàng không muốn vậy, thì chỉ cần thề yêu em,
Là em sẽ không còn là đứa con của dòng họ Capulet nữa.
ROMEO [nói riêng mình nghe]
Ta nghe thêm nàng nói, hay ta nên trả lời nàng?
JULIET
Chỉ có tên chàng là kẻ thù của em;
Chàng vẫn là chàng, dù chàng không phải là người trong họ Montague.
Tên Montague là gì? Tên đó đâu có phải xương thịt, như bàn tay, bàn chân,
Cánh tay, khuôn mặt hay bất cứ bộ phận nào của người!
Chàng hãy mang tên khác! Trong tên có gì mà quan hệ vậy?
Bông hồng dù gọi tên nào,
Thì hoa cũng vẫn ngạt ngào thơm tho.
Nên Romeo, dù cho chàng không còn mang tên Romeo,
Thì chàng vẫn còn giữ vẻ tuyệt-vời đáng yêu mà chàng có
Dù không mang tên ấy. Romeo, hãy lột tên chàng đi;
Và để đổi cái tên không thuộc về chàng,
Xin dâng chàng toàn thân em.  
ROMEO
I take thee at thy word.
Call me but love, and I’ll be new baptized.
Henceforth I never will be Romeo.
ROMEO [từ nãy nấp kín, bây giờ mới lộ diện.]
Ta tin lời nàng nói.
Chỉ cần gọi ra là người yêu, là ta sẽ được ban tên thánh lần nữa.
Từ giờ trở đi ta sẽ từ bỏ tên Romeo.
JULIET
What man art thou, thus bescreened in night,
So stumblest on my counsel?
ROMEO
By a name
I know not how to tell thee who I am.
My name, dear saint, is hateful to myself
Because it is an enemy to thee.
Had I it written, I would tear the word.
JULIET
Ai đó? Ai nấp trong bóng tối
nghe trộm ý thầm của em?
ROMEO
Ta không muốn dùng tên ta cho nàng hay ta là ai.
Tên ta, hỡi nàng tiên thân yêu, thật là cái tên ta cũng ghét,
Vì tên đó là kẻ thùø của nàng.
Nếu viết tên ấy ra, thì ta cũng muốn xé phăng đi.
JULIET
My ears have yet not drunk a hundred words
Of thy tongue’s uttering, yet I know the sound.
Art thou not Romeo, and a Montague?
ROMEO
Neither, fair maid, if either thee dislike.
JULIET
Tai em chưa được rót trăm lời chàng nói,
nhưng em đã nhận ra giọng chàng.
Có phải chàng là Romeo, người thuộc họ Montague phải không?
ROMEO
Thưa không, chẳng phải tên nào, tiểu thư yêu dấu, nếu hai cái tên đó đều làm nàng không ưa.
JULIET
How cam’st thou hither, tell me, and wherefore?
The orchard walls are high and hard to climb,
And the place death, considering who thou art,
If any of my kinsmen find thee here.
ROMEO
With love’s light wings did I o’erperch these walls,
For stony limits cannot hold love out,
And what love can do, that dares love attempt.
Therefore thy kinsmen are no stop to me.

JULIET
Hãy nói cho em biết, làm sao chàng vào đây được, và sao lại làm vậy?
Tường quanh vườn cây vừa cao vừa khó trèo.
Chàng là người họ Montague như vậy, ngộ họ hàng em mà biết chàng ở đây
thì chàng chỉ có chết.
ROMEO
Nhờ đôi cánh nhẹ của tình yêu nên ta bay qua những bức tường này.
Tường đá chẳng thể ngăn không cho tình yêu lọt vào.
Khi đã yêu thì tình yêu dám liều làm mọi thứ.
Vậy nên người trong họ em chẳng thể cản được ta.
JULIET
If they see thee, they will murder thee.
ROMEO
Alack, there lies more peril in thine eye
Than twenty of their swords. Look thou but sweet,
And I am proof against their enmity.
JULIET
Nếu họ nhà em thấy chàng ở đây, chúng sẽ giết chàng.
ROMEO
Ôi, trong mắt nàng còn nhiều nguy hiểm
Hơn hai mươi thanh gươm của người trong dòng họ nàng. Nàng chỉ dịu dàng nhìn ta,
Là ta sẽ trở thành mình đồng da sắt chống mọi thù địchø. 
JULIET
I would not for the world they saw thee here.
ROMEO
I have night’s cloak to hide me from their eyes,
And, but thou love me, let them find me here.
My life were better ended by their hate
Than death proroguèd, wanting of thy love.
JULIET
Dù cho có mọi vật trên đời này, em cũng không muốn chúng thấy chàng ở đây.
ROMEO
Ta có màn đêm che mắt chúng khiến chúng chẳng thấy được ta,
Và, nếu như em chẳng yêu ta, thì cứ để chúng tìm thấy ta ở đây.
Thà đời ta chấm dứt bằng sự hằn thù của họ,
Còn hơn là được hoãn chết mà thiếu tình yêu của em.
JULIET
By whose direction found’st thou out this place?
ROMEO
By love, that first did prompt me to inquire.
He lent me counsel, and I lent him eyes.
I am no pilot; yet, wert thou as far
As that vast shore washed with the farthest sea,
I should adventure for such merchandise.
JULIET
Ai chỉ cho chàng tìm ra chốn này?
ROMEO
Tình yêu trước tiên thúc ta dò hỏi.
Tình yêu ban cho ta lời khuyên, và ta cho tình yêu cặp mắt đi tìm.
Ta không phải là nhà hàng hải, nhưng để chiếm được em thì:
Dù em trôi giạt bờ xa,
Biển sâu cũng lội, can qua chẳng sờn.
 
JULIET
Thou knowest the mask of night is on my face,
Else would a maiden blush bepaint my cheek
For that which thou hast heard me speak tonight.
Fain would I dwell on form; fain, fain deny
What I have spoke. But farewell compliment.
Dost thou love me? I know thou wilt say “Ay,”
And I will take thy word. Yet, if thou swear’st,
Thou mayst prove false. At lovers’ perjuries,
They say, Jove laughs. O gentle Romeo,
If thou dost love, pronounce it faithfully.
Or, if thou thinkest I am too quickly won,
I’ll frown and be perverse and say thee nay,
So thou wilt woo, but else not for the world.
In truth, fair Montague, I am too fond,
And therefore thou mayst think my havior light.
But trust me, gentleman, I’ll prove more true
Than those that have more coying to be strange.
I should have been more strange, I must confess,
But that thou overheard’st ere I was ware
My true-love passion. Therefore pardon me,
And not impute this yielding to light love,
Which the dark night hath so discoverèd.
JULIET
Chàng biết bóng đêm che khuôn mặt em,
Nếu không thì chàng sẽ thấy má em đỏ bừng
Vì thấy chàng nghe được những lời em thổ lộ đêm nay.
Em cũng muốn giữ tư cách và sẵn sàng chối những điều em đã nói,
Nhưng mà thôi, bỏ qua tư cách lịch sự.
Chàng yêu em không? Em biết chàng sẽ nói “Có,”
Và em sẽ tin lời chàng. Tuy nhiên, nếu chàng thề với em,
thì chàng có thể bị chứng tỏ là thề dối.
Người ta nói, khi những kẻ yêu nhau thề như “cá trê chui ống,”
thì thần Jupiter phá lên cười. Ôi, chàng Romeo phong nhã,
Nếu thực lòng yêu em, hãy nói thật cho em biết.
Còn nếu chàng nghĩ em dễ bị xiêu lòng,
thì em sẽ cau mày nhăn mặt, làm khó, từ chối
để chàng phải theo đuổi, nài nỉ tán tỉnh.
Nếu không thì dù có mọi vật trên đời, em cũng chẳng làm vậy.
Nói thật chàng nghe, chàng Montague yêu dấu, vì em quá yêu
chàng nên chàng có thể cho rằng tư cách em không đoan trang.
Nhưng tin em đi, chàng ơi, em sẽ chứng tỏ còn chung thủy hơn
những cô gái vờ e-lệ để ra vẻ dè dặt.
Em thú nhận, lẽ ra em nên dè dặt và làm cao hơn,
Nhưng chàng đã nghe lời thổ lộ tình yêu chung thủy của em,
trong khi em không biết chàng nghe thấy. Nên hãy tha lỗi cho em,
và đừng nghĩ lầm rằng em xiêu lòng dễ dàng,
chỉ vì tình yêu phóng túngï mà đêm tối đã tiết lộ.     
=> Đêm Vĩnh Biệt
(Hồi III, cảnh v, từ câu 1-40). Sau khi bí mật làm lễ cưới, Romeo được người vú nuôi của Juliet giúp, tới phòng ngủ của Juliet. Hai người qua đêm đầu tiên như vợ chồng, trước khi Romeo đi đầy ở Mantua. Hai người đang đứng bên song cửa. Đoạn này là lúc sau khi hai người đã qua đêm bên nhau, Juliet lần đầu tiên gọi Romeo là “love” và Romeo gọi Juliet là “my soul.”ù
 
JULIET
Will thou be gone? It is not yet near day.
It was the nightingale, and not the lark,
That pierced the fearful hollow of thine ear.
Nightly she sings on yond pomegranate tree.
Believe me, love, it was the nightingale.
JULIET
Chàng phải đi bây giờ ư? Trời chưa sáng đâu.
Đó là tiếng chim họa mi, chứ không phải tiếng chim sơn ca
Làm chói tai chàng và làm chàng lo.
Đêm nào nó cũng hót trên cây lựu ngoài kia.
Người yêu hỡi, hãy tin em, đó là tiếng chim họa mi.
 
ROMEO
It was the lark, the herald of the morn,
No nightingale. Look, love, what envious streaks
Do lace the severing clouds in yonder east.
Night’s candles are burnt out, and jocund day
Stand tiptoe on the misty mountain tops.
I must be gone and live, or stay and die.
ROMEO
Đó là tiếng chim sơn ca, con chim hót báo trước ban mai,
Chứ không phải tiếng chim họa mi. Này, em hãy xem, người yêu hỡi,
Ánh sáng ban ngày hiểm độc xuyên qua những áng mây ở phía Đông đằng xa.
Những ngôi sao đã lặn, và ngày vui tươi
Đang nhón gót trên đỉnh núi mờ sương.
Ta phải đi thì mới sống, chứ ở lại thì chết.
JULIET
Yond light is not daylight, I know it, I.
It is some meteor that the sun exhaled
To be to thee this night a torchbearer
And light thee on thy way to Mantua.
Therefore stay yet. Thou need’st not to be gone.
JULIET
Ánh sáng ấy không phải là ánh sáng ban ngày đâu, em biết mà.
Đó là một vì sao băng từ mặt trời bốc ra, là kẻ mang đuốc
Soi đường cho chàng đi đầy ở Mantua.
Nên xin chàng nán lại. Chàng không cần phải đi ngay. 
ROMEO
Let me be ta’en; let me be put to death.
I am content, so thou wilt have it so.
I’ll say yon gray is not the morning’s eye;
‘Tis but the pale reflex of Cynthia’s brow.
Nor that is not the lark whose notes do beat
The vaulty heaven so high above our heads.
I have more care to stay than will to go.
Come death, and welcome. Juliet wills it so.
How is’t, my soul? Let’s talk. It’s not day.

ROMEO
Thôi, cứ để chúng bắt ta! Cho chúng giết ta!
Ta bằng lòng chấp nhận, nếu em muốn vậy.
Ta muốn nói là tia sáng mờ ở đằng xa kia không phải là ánh ban mai;
Đó chỉ là ánh trăng mờ phản chiếu.
Và đó chẳng phải là tiếng con sơn ca vút lên tận bầu trời, trên đỉnh đầu chúng ta.
Ta muốn ở lại hơn là muốn đi.
Thần chết, hãy lại đây! Ta đón ngươi! Juliet muốn ta nán lại.
Người yêu ơi, em thấy trong người thế nào? Mình hãy trò chuyện. Chưa sáng đâu.
JULIET
It is, it is. Hie hence, begone, away!
It is he lark that sings so out of tune,
Straining harsh discords and unpleasing sharps.
Some say the lark makes sweet divison.
This doth not so, for she divideth us.
Some say the lark and loathèd toad changed eyes.
O, now I would they had changed voices too,
Since arm from arm that voice doth us affray,
Hunting thee hence with hunt’s-up to the day.
O, now be gone! More light and light it grows.
JULIET
Sáng thật rồi! Chàng hãy đi đi! Đi ngay đi!
Đó là con chim sơn ca hót lạc điệu, với những âm chói tai.
Có kẻ nói chim sơn ca hót những tiếng êm dịu;
Con chim này thì không, vì nó chia cách đôi ta.
Có kẻ bảo chim sơn ca đã đổi mắt nó với mắt con cóc đáng ghét;
Em ước sao bây giờ chúng đổi giọng cho nhau nữa.
Vì tiếng chim sơn ca phân cách đôi tay chúng ta,
Tiếng chim sơn ca thúc chàng đi như tiếng ca ban mai đánh thức thợ săn.
Ôi, chàng đi ngay đi. Trời mỗi lúc một sáng rồi.
ROMEO
More light and light, more dark and dark our woes!
[Enter Nurse hastily]
ROMEO
Bình minh đã ló rạng rồi,
Sầu thêm dằng dặc chẳng nguôi chút nào.
[Enter Nurse hastily]
NURSE
Madam!
JULIET
Nurse!
NURSE
Your lady mother is coming to your chamber.
The day is broke; be wary, look about. [She exits]
JULIET
Then window, let day in, and let life out.
BÀ VÚ NUÔI [chạy vội vào phòng]
Tiểu thư ôi!
JULIET
Chuyện gì thế, vú?
BÀ VÚ NUÔI
Lệnh bà sắp đến phòng tiểu thư. Sáng rồi. Coi chừng. [Bà vú nuôi ra khỏi phòng]
JULIET
Vậy thì, cửa sổ ơi!  
Mở ra cho ánh sáng vào,
Để cho mạch sống dạt-dào thoát đi.
V. Chú Thích Thêm
-Kịch chuyển rất nhanh: Các biến cố xẩy ra trong vòng một tuần. Romeo và Juliet gặp nhau hôm chủ nhật, ngày hôm sau bí mật làm lễ thành hôn ở nhà thờ, và chết vào hôm thứ sáu. Từ một chàng trai mê gái (nàng Rosaline), Romeo trở thành một ngưòi tình, một người chồng (nhận đi đầy, chịu trách nhiệm). Truyện tình bi thảm của hai người đã giúp cho hai họ quên thù xưa.  
-Nhạc phổ theo kịch:
Ngưòi ưa nhạc cổ điển thường nghe:
“Romeo and Juliet” của Hector Berlioz làm năm 1838, và bản hòa tấu của P.I. Tchaikovsky “Romeo and Juliet Fantasy Overture,” viết năm 1864. Độc giả ưa thích ballet có thể xem vũ cổ điển do Serge Prokofiev soạn năm 1936.
-Thăm Verona: Du khách sang Ý chơi –nếu đến thăm Verona, không nên đi trùng vào “Ngày Tình yêu” Valentine’s Day vì đông du khách–nhân tiện, có thể thăm những nơi đáng chú ý như căn nhà có bao lơn bên ngoài phòng của Juliet và cái quách của Juliet (sarcophagus) bằng đá đỏ, xây từ thế kỷ 13. Tên tiếng Ý của Juliet là Guilietta. Muốn xem 40 tấm hình mầu thắng cảnh ở Verona, xin vào địa chỉ trên Internet http://www.virtourist.com/europe/verona/index.html
-Những câu đáng nhớ trong vở kịch:
-A pair of star-crossed lovers… (Trong phần Đồng ca Mở đầu): Một cặp tình nhân mệnh yểu.
-Lady, by yonder blessèd moon I vow,
That tips with silver all these fruit-tree tops—
(Lời Romeo, hồi II, cảnh ii, câu 107-108)
Thưa tiểu thư, kẻ này xin thề trước vừng trăng sáng
Đang đổ ánh bạc trên những ngọn cây ăn quả này–
-O, swear not by the moon, th’ inconstant moon,
That monthly changes in her circled orb,
Lest that thy love prove likewise variable.
(Lời Juliet, Hồi II, cảnh ii, câu 109-111)
Xin đừng thề trước vừng trăng, vừng trăng thay lòng đổi dạ,
Mỗi tháng một lần, nó thay đổi trong quĩ đạo tròn của nó.
Em sợ tình chàng cũng đổi thay như vậy
-Good night, good night! Parting is such a sweet sorrow
That I shall say good night till it be morrow.
(Lời Juliet, Hồi II, cảnh ii, câu 185-186)
Chúc chàng ngủ yên, chúc chàng ngủ yên!
Chia tay thật là một nỗi sầu êm dịu
Khiến em muốn chúc chàng ngủ yên từ giờ đến sáng.
-Then window, let day in, and let life out.
(Lời Juliet, Hồi III, cảnh v, câu 41)
– For never was a story of more woe
Than this of Juliet and Romeo.
(Lời Ông Hoàng Escalus, hồi V, cảnh iii, câu 309-310)
Chưa từng thấy có truyện tình nào thảm thương hơn,
Truyện của nàng Juliet và chàng Romeo.
 
-Sách tham khảo dễ kiếm:
– Boyce, Charles. Shakespeare A to Z . New York: Bantam Doubleday Dell Publishing        
Company, 1990. Giá $7.95.
– Crystal, David and Ben Crystal.   Shakespeare’s Words:  Glossary & Language
Companion. London: Penguin Books, 2002.
– Shakespeare, William. The Tragedy of Romeo and Juliet, edited by Barbara A.
Mawat and Paul Werstine. New York: Washington Square Press, 1992. Giá $18.95
– Shakespeare, William. Romeo and Juliet, edited by Jill L. Levenson.
Oxford, UK: Oxford University Press, 2000.  Giá $10.95.
(Viết xong tại Virginia, 1/1/97; sửa lại  10/2/07 – PTL) 

Sonnet 71: No longer mourn for me when I am dead

                               BY WILLIAM SHAKESPEARE
 
No longer mourn for me when I am dead
Than you shall hear the surly sullen bell
Give warning to the world that I am fled
From this vile world with vilest worms to dwell; 
Nay, if you read this line, remember not
The hand that writ it; for I love you so, 
That I in your sweet thoughts would be forgot, 
If thinking on me then should make you woe.
O, if (I say) you look upon this verse, 
When I (perhaps) compounded am with clay,
Do not so much as my poor name rehearse,
But let your love even with my life decay,
Lest the wise world should look into your moan, 
And mock you with me after I am gone.

 

Nín Đi Em( William Shakespeare)

Bản dịch Phạm Trọng Lệ

Khi ta chết xin người yêu đừng khóc
Khi chuông buồn chậm nhỏ xuống hồn ta
Cho thế gian hay khắp chốn gần xa
Lìa bể khổ, ta hoà cùng sâu bọ.

Xin đừng nhớ đến bàn tay từng viết
Những lời này vì da diết yêu em
Thà lãng quên trong ý nghĩ êm đềm
Hơn là để em chìm trong phiền muộn
Khi đọc những vần này, người yêu hỡi,
Thì thân ta là cát bụi cỏ xanh
Ta xin em đừng nhắc đến tên mình
Để đời ta và tình em tàn tạ

E trần ai xảo trá thấy em buồn
Nhạo biếm em với hồn người khuất xa

Thiên Tình Sử Romeo Và Juliet – Phạm Trọng Lệ

 

“What’s in a name? That which we call a rose
By any name would smell as sweet.”

(Shakespeare’s Romeo and Juliet, Act II, Scene ii)

Bông hồng dù gọi tên nào,
Thì hoa cũng vẫn ngạt ngào thơm tho.

Chắc độc giả đã nhiều lần nghe qua truyện Romeo và Juliet, và có thể đã xem nhiều phim dựa vào cốt truyện, hay đã nghe nhạc Tchaikovsky phần mở đầu Fantasy Overture trong vũ khúc ballet do ban vũ cổ điển Bolshoi của thành phố Moscow hay ban vũ cổ điển Kirov của thành phố St. Petersburg trình diễn, nhưng chắc không biết từ trước đến nay truyện Romeo và Juliet được đưa lên phim mấy lần?  Trước khi trả lời câu này ở bên dưới, xin lược truyện. Tiếp theo là phần chuyển dịch sang tiếng Việt hai đoạn đáng nhớ nhất trong vở kịch. Đó là cảnh Romeo nghe Juliet đứng than thở những lời yêu thương ở bao lơn ngoài phòng ngủ của nàng nhìn xuống vườn cây của gia đình Capulet, có biết đâu cũng lúc đó chàng đứng trong lùm cây bên dưới, nghe được tâm sự nàng. Cảnh thứù hai là lúc gần sáng ở phòng Juliet, sau đêm hai người gặp nhau như vợ chồng trước khi chàng đi đầy ở Mantua.

Bài viết này chia làm năm phần: I. Lược truyện; II. Kịch đưa lên phim; III. Ngôn ngữ và tính hài hước của Shakespeare; IV. Hai cảnh đáng nhớ: cảnh ở bao lơn và đêm vĩnh biệt; V. Chú thích thêm:  Nhạc và vũ cổ điển dựa vào cốt truyện; thăm Verona, và sách tham khảo.    

I. Cốt Truyện: Truyện tình Romeo và Juliet gốc từ một bi-kịch của kịch-tác-gia và thi sĩ người Anh William Shakespeare (1564-1616) viết trong khoảng 1591-1596, khi ông trong khoảng 27-32 tuổi, dựa theo một truyện thơ dài của Arthur Brooke tên là “The Tragicall Historye of Romeus and Juliet” (in năm 1562), kể chuyện đôi tình nhân mệnh yểu (star-crossed lovers), nhưng cái chết của họ làm hai họ Capulet và Montague quên hận thù nhau. Ấn bản của vở bi-kịch gọi là Quarto 2 (trang giấy in gấp làm 2 lần, thành 4 tờ, 8 trang) mang tựa “The Most Excellent and Lamentable Tragedie of Romeo and Iuliet” in năm 1599. Ấn bản Quarto 1 mang tựa nguyên văn là “An Excellent conceited Tragedie of Romeo and Iuliet” in ở London, năm 1597. (Đây là ấn bản xưa nhất của vở kịch, theo giáo sư Jill L. Levenson, trang 104,  cuốn Romeo and Juliet, chú dẫn ở phần cuối bài. Thời Shakespeare “J” in là “I”)

Tại tỉnh Verona nước Ý, có hai gia đình danh-giá là Montague và Capulet có thù với nhau từ đời nọ sang đời kia. Romeo là con trai và là người sẽ thừa-kế tài-sản của họ Montague. Romeo mê nàng Rosaline nhưng không được nàng để ý tới. Romeo nghe nói Rosaline sẽ dự tiệc hoá trang ở nhà ông bà Capulet, bèn cùng bạn thâân là Mercutio đeo mặt nạ đến dự tiệc, và mong sẽ được thấy dung nhan nàng Rosaline. Nhưng vừa tới buổi tiệc hoá trang, Romeo thoáng thấy nàng Juliet xinh đẹp, con gái ông bà Capulet, thì đem lòng yêu ngay. Trong khi dò hỏi cho biết tên nàng Juliet, Romeo bị Tybalt là cháu bà Capulet nghi ngờ. Tybalt gây sự toan đấu với Romeo, nhưng Ông già Capulet can hai người để tránh đổ máu trong bữa tiệc.  

Trong buổi tiệc, sau khi gặp Juliet, Romeo biết nàng là con gái của dòng họ Capulet có thù với dòng họ mình, và Juliet cũng khám phá ra chàng Romeo mà nàng chớm yêu là con trai của gia đình Montague, tử thù của dòng họ nàng. Tối hôm đó, sau khi khách ra về, Romeo lén ở lại. Đứng dưới vườn nhà Juliet, Romeo chợt thấy nàng bước ra bao lơn. Nghe lén thấy nàng than-thở giá người yêu không phải thuộc dòng họ Montague, Romeo bèn xuất đầu lộ diện. Juliet lúc đầu bẽn-lẽn khi thấy Romeo nghe rõ thầm ý của mình, nhưng rồi hai người trao nhau lời hứa sẽ yêu nhau mãi mãi. Juliet cho Romeo hay nàng sẽ lấy chàng, và bảo chàng sáng hôm sau tìm cách làm phép cưới. Romeo chạy ra tu viện gặp tu sĩ Laurence xin giúp làm chủ lễ. Tu sĩ Laurence cũng mong cuộc tình duyên này sẽ giúp hai họ không thù nhau nữa.

Sáng sớm hôm sau, khi cùng đi với hai người bạn là Benvolio và Mercutio, Romeo gặp bà vú nuôi của Juliet và nhắn với nàng là hãy gặp tu sĩ Laurence (có bản viết là (Lawrence) để làm lễ thành hôn. Cũng ngày hôm đó, Mercutio đang đi ngoàøi phố thì tên Tybalt đến gây sự trách sao Mercutio lại chơi thân với Romeo là kẻ thù của dòng họ Capulet. Thấy Tybalt hạ nhục Romeo, Mercutio giận, nhận đấu gươm, nhưng bị Tybalt, cũng là một tay gươm giỏi, đâm chết, khi Romeo chen vào can hai người. Để trả thù cho bạn, Romeo đấu gươm với Tybalt và đâm chết tên này, và vì tội giết người, Romeo bị ông Hoàng Escalus của xứ Verona. [Chữ “city” không có nghĩa là “thành phố,” như bây giờ, vì trong thời Phục hưng, nước Ý chia thành nhiều city-states, mỗi “city” có quân đội riêng và có một ông hoàng cai trị như một “xứ nhỏ.”

Sau khi đâm chết Tybalt, để tránh lính tuần, Romeo lén đến gặp tu-sĩ Laurence xin giúp. Tu-sĩ khuyên Romeo gặp Juliet đêm đó trước nhận đi đầy ở vùng Mantua. Vào lúc này, Ông già Capulet muốn gả Juliet cho một vị bá tước có họ với ông Hoàng xứ Verona tên là Paris, vì ông già không biết gì về chuyện Juliet và Romeo đã đưọc tu-sĩ Laurence làm phép thành hôn với nhau rồi. Nếu Juliet thổ lộ cho cha là đã làm lễ thành hôn với Romeo thì chàng sẽ không toàn mạng vì vừa mang tội giết Tybalt.

Juliet bèn đi tìm tu sĩ Laurence xin giúp. Vị tu-sĩ hiến một kế là cho nàng một lọ thuốc, bảo cứ uống vào đêm trước hôm phải lấy bá tước Paris. Chất thuốc này sẽ làm nàng chết giả trong 42 tiếng đồng hồ. Như vậy, xác nàng, theo tục lệ thời đó, sẽ được quàn tại hầm mộ gia đình Capulet một hai ngày. Và trong thời gian đó, tu-sĩ Laurence sẽ báo tin cho Romeo lúc đó đang lưu đầy ở Mantua đến cứu. Vì theo mưu của vị tu sĩ nhân từ này, Romeo và Juliet có thể cùng trốn khỏi Verona. Bây giờ hãy lo trốn trước, sau này sẽ xin cha mẹ của hai họ tha thứ.

Gia đình Capulet đang tíu tít sửa-soạn làm lễ cưới cho Juliet lấy bá tước Paris thì nghe tin Juliet chết. Thế là đám cưới thành đám tang. Gia đình đưa xác nàng ra phần mộ. Trong khi đó, tu-sĩ Laurence viết thư cho Romeo và giao cho một người mang thư đến Mantua báo cho Romeo biết mưu kế của mình và bảo chàng hãy kíp về cứu Juliet khi nàng tỉnh dậy ở hầm mộ. Nhưng thư của tu-sĩ Laurence không đến tay Romeo kịp. Người đưa thư đi qua vùng có bịnh dịch hạch nên bị dân làng, vì sợ lây, đóng cửa giam luôn trong nhà có dịch hạch.

Romeo vẫn không biết gì về kế của tu-sĩ Laurence, chỉ được tên hầu là Balthasar đi ngựa đến báo tin Juliet đã chết. Trước khi lén về Verona thăm mộ Juliet, Romeo gặp một ông già bán thuốc ở Mantua, năn nỉ và mua chuộc ông để ông bán cho một lọ thuốc độïc, với ý định sẽ quyên sinh bên nàng. Tới hầm mộ Juliet, Romeo gặp Paris lúc đó cũng mang hoa đến mộ Juliet. Romeo tưởng Paris là một tên đào mả lấy trộm nữ trang nên đâm chết Paris. Trước khi chết, Paris xin Romeo đem xác mình đặt gần xác Juliet. Tới chỗ Juliet nằm, Romeo thấy xác nàng, than khóc lời vĩnh biệt rồi uống thuốc độc tự tử. Khi thuốc mê đã giã, Juliet tỉnh dậy, thấy Romeo chết, bèn rút chiếc dao găm chàng còn đeo bên mình, đâm ngực tự vẫn.

Hai gia đình nghe tin Paris và Romeo chết, kéo tới hầm mộ. Tu-sĩ Laurence kể cho hai họ Capulet và Montague chuyện của Romeo và Juliet, chỉ mắc tội yêu nhau mà chết oan. Hai gia đình nghe câu chuyện đau thương của đôi trẻ, và trước lệnh của ông Hoàng, thề sẽ không còn thù hận nhau nữa.   

II. Kịch đưa lên phim: Từ trước đến nay có ít nhất 6 cuốn phim về truyện tình Romeo và Juliet. Theo Charles Boyce thì có ít nhất 17 lần truyện được đưa lên phim nếu kể cả các phim nói tiếng Pháp, Ả rập và Hindi Ấn Độ.

(1) Phim năm 1936, do nữ tài tử Norma Shearer, lúc đó 36 tuổi, đóng vai Juliet; còn vai Romeo thì do Leslie Howard, lúc đó 43 tuổi, đóng. Đạo diễn bởi George Cukor. 

(2) Năm 1964, nữ tài tử Susan Shentall và nam tài tử Lawrence Harvey, lúc đó 26 tuổi đóng vai Romeo.

(3) Năm 1961, Nathalie Wood, lúc đó 23 tuổi, và Richard Beymour, 22 tuổi, đóng trong vở nhạc kịch West Side Story, kể chuyện hai bọn băng đảng ở New York, tích truyện dựa vào vở kịch này. Nhạc do L. Bernstein.

 (4) Năm 1968, Olivia Hussey, lúc đó 15 tuổi, đóng vai Juliet cùng với Leonard Whiting, 17 tuổi, đóng vai Romeo. Đạo diễn người Ý Franco Zeffirelli. Có lẽ đây là cuốn phim hay và thành công nhất.

(5) Năm 1996: Vai Juliet do nữ tài tử Angelina Jolie 21 tuổi đóng, và Nathaniel Marston, 20 tuổi, đóng vai Romeo.

(6) Năm 1996: Claire Danes, 16 tuổi, đóng vai Juliet, và Leonardo DiCaprio, lúc đó 21 tuổi, đóng vai Romeo. [Phần này viết theo bài báo của Anita Gates đăng trong New York Times ngày 10/27/96, trang H13.]

Theo cốt truyện thì Juliet lúc đó mới 14 tuổi mà trong bộ phim đầu, tài tử đóng vai Romeo là Leslie Howard (người đóng vai chàng Ashley Wilkes, người mà Scarlett O’Hara mê trong phim Gone with the Wind, ra mắt năm 1939), lúc đó 43 tuổi, còn nữ tài tử Norman Shearer đóng vai Juliet lúc đó đã 36 tuổi.  Vậy mà khán giả thời đó vẫn chấp nhận. Trong mấy bộ phim sau, tài tử trẻ hơn. Olivia Hussey đóng vai Juliet năm 1968 lúc nàng mới 15 tuổi. Phải chăng nhà đạo diễn Ý Franco Zeffirelli muốn phim có tính hiện thực hơn? Hay thành phần khán giả trẻ xem phim ngày nay càng ngày càng đông nên nhà làm phim phải chọn những tài tử trẻ cho hợp với vai trò? Phim mới nhất (1966) có đổi cảnh trong phim, và có súng, như vậy có làm mất không khí của vở kịch thời Shakespeare không? Chỉ có độc giả xem hay đọc xong vở kịch rồi coi cuốn phim, hay xem xong cuốn phim rồi đọc lại vở kịch, mới biết rõ. Điều này, một lần nữa, nêu lên tính cách phổ-cập và nhân-bản của kịch-tác-gia Shakespeare: văn-chương nếu hay thì mọi thời-đại và mọi nền văn hoá đều hâm mộ.  

III. Ngôn ngữ và tính cách hài hước của Shakespeare

A. Ngôn ngữ: Kịch Romeo và Juliet viết theo thể thơ blank verse, mỗi câu có 10 âm tiết, nhấn mạnh vào nhịp nhì và không có vần. Tuy nhiên, có vài đoạn trong vở kịch, như đoạn mở đầu, viết theo thể thơ sonnet, có 14 câu, mỗi câu có 10 âm tiết, nhấn vào nhịp nhì, và có vần gieo như sau: ababcdcdefefgg. Đó là thể tình thi sonnet kiểu Shakespeare. Thí dụ như đoạn mở đầu trước khi vở kịch bắt đầu:  

“The Prologue”
 [Đồng ca]

Two households, both alike in dignity
In fair Verona, where we lay our scene,
From ancient grudge break to new mutiny,
Where civil blood makes civil hands unclean.
From forth the fatal loins of these two foes
A pair of star-crossed lovers take their life;
Whose misadventured piteous overthrows
Doth with their death bury parents’ strife
The fearful passage of their death-marked love,
And the continuance of their parents’ rage,
Which, but their children’s end, naught could remove,
Is now the two hours’ traffic of our stage;
The which, if you with patient ears attend,
What here shall miss, our toil shall strive to mend.

Hai gia đình cùng môn đăng hộ đối
Ở Verona diễm lệ, là nơi vở kịch của chúng tôi xẩy ra,
Vì mối thù xưa bùng lên thành loạn;
Nơi những vụ đổ máu giết nhau làm nhơ nhuốc những bàn tay hiền lành.
Từ hai gia-đình tử thù này,
Đôi tình nhân vì định mệnh yêu nhau, rồi kết liễu đời mình;
Nhưng cái chết thảm thương của họ
Đã chôn theo mối thù khôn gột rửa của cha mẹ.
Vở bi kịch dài hai giờ sắp tới này sẽ kể câu chuyện
Về mối tình bi-thảm của họ, và cơn thịnh nộ của cha mẹ,
Mà chỉ có cái chết của đôi trẻ mới chấm dứt.
Nếu quý khán giả kiên nhẫn lắng nghe,
Bù cho những khiếm khuyết ở đây, chúng tôi cố diễn cho hay.

B. Buồn mà vui, vang tiếng cười của khán giả: Tuy kịch Romeo và Juliet là một bi-kịch, nhưng không phải lúc nào cũng buồn thảm, nhờ óc khôi hài và tài chơi chữ của Shakespeare.

– Cách dùng chữ:  Theo Jill L. Levenson (chú thích bên dưới bài),  phần mào đầu (Prologue) cho thấy cách dùng chữ của Shakespeare. Như phép dùng tương phản (gọi là antithesis), và cân đối (symmetry), như ở dòng 3, hai chữ “grudge” (thù ghét) và “mutiny” (nổi loạn), và ở dòng 4, hai chữ “civil blood” (gây tương tàn) and “civil hands” (bàn tay hiền lành, ngụ ý dân sống hiền lành trong cộng đồng) ở trong cùng một câu, chữ nọ làm mạnh nghĩa thêm chữ kia, chữ nọ là nguyên nhân gây nên chữ kia là hậu quả. Ở dòng 9, chữ “death-marked” ngụ hai nghĩa: (a) bị số mệnh bắt phải chết; (b) mục tiêu của họ là cái chết. “Take their life” (dòng 6) có hai nghĩa: (a) từ hai dòng họ tử thù sinh ra; (b) kết liễu đời họ. 

– Óc hài hước: Trong đoạn đầu vở kịch, cảnh hai tên gia nhân Sampson và Gregory của dòng họ Capulets đeo khiên nhỏ và gươm, bàn nhau nếu gặp gia nhân nhà Montagues, chúng cũng không sợ. Chữ “bite the thumb,” nghĩa đen là “cắn đầu ngón tay cái,” nhưng nghĩa bóng là “ra dấu ngón tay chửi ai.”  Tương tự, bây giờ có thành ngữ “Thumb one’s nose.” Ta hãy nghe hai tên gia-nhân gia đình Capulet là Sampson và Gregory bàn nhau bằng ngôn từ hơi thô-tục vì chúng đóng vai trò của comic relief, làm không khí của bi-kịch bớt căng thẳng:

Sampson:
Nay, as they dare. I will bite my thumb at them, which is disgrace if they bear it.
[He bites his thumb.] Đừng, để xem bọn chúng chịu ra sao. Tớ sẽ ra dấu tay chửi để hạ nhục chúng. [Nói rồi cắn đầu ngón cái.]
Abram: (gia nhân nhà Montague)
Do you bite your thumb at us, sir?
[Có phải Anh hạ nhục bọn tôi, hả?]
Sampson:
[aside to Gregory] Is the law of our side if I say “Ay”?
[Quay lại hỏi Gregory]–Nếu tớ trả lời “Phải” thì chúng ta có đúng luật không?
Gregory: [aside to Sampson]
No. [Nói riêng với Sampson] Không.
Sampson:
No, sir, I do not bite my thumb at you, sir, but I bite my thumb, sir.
[Thưa không, tôi không cắn ngón cái ra dấu chửi anh, nhưng, xin thưa, tôi cắn ngón cái của tôi ạ.]
  -Thí dụ 2: Hai nghĩa của chữ “Maidenhead”: 
Cũng trong đoạn mở đầu:
Sampson: Any dog of that house of Montague moves me. [Bất cứ tên vũ phu nào trong dòng họ Montague cũng làm tớ nổi giận.]  
 …
Sampson: ‘Tis all one. I will show myself a tyrant. When I have fought with the men, I will be civil with the maids—I will cut off their heads.
[Sampson: Mối hận thù của chủ mình cũng là của chúng ta. Tớ sẽ cho chúng biết, tớ là một tay bạo tàn. Khi tớ đánh thắng bọn đàn ông họ Montague, tớ sẽ lịch sự với bọn thiếu nữ—tớ sẽ chặt đầu chúng.
Gregory: The heads of the maids? [đầu thiếu nữ?]
Sampson: Ay, the heads of the maids, or their maidenheads. Take it in what sense thou wilt. [Phải, đầu thiếu nữ, hay là trinh-tiết của họ. Tùy anh muốn hiểu nghĩa nào thì hiểu.]
Gregory: They must take it in sense that feel it.  [Họ sẽ hiểu tùy cảm-giác của họ.]
-Thí dụ 4: [Hồi II, cảnh ii)
ROMEO: O, wilt thou leave me so unsatisfied? [Ôi, sao em để lòng ta còn khao khát thế này?]
JULIET
What satisfaction canst thou have to-night? [Thế chàng muốn thỏa mãn gì đêm nay?]
ROMEO
Th’ exchange of thy love’s faithful vow for mine. [Cùng em trao đổi lời thề sẽ yêu chung thuỷ.]
-Thí dụ 5: “Life” có nhiều nghĩa.
Juliet: Then, window, let day in, and let life out.
[Cửa sổ ơi, mở ra cho ánh sáng lùa vào, và cho nguồn sống thoát đi.]

Chữ “life” ở đây có nhiều nghĩa: đối với Juliet, Romeo là “nguồn sống” của nàng; Mạch sống thoát đi, hay từ giờ phút Romeo từ cửa sổ leo xuống ra đi, là đi vào cõi chết. Hai nhân vật Romeo và Juliet chưa biết số phận họ, nhưng khán giả được cho hiểu là điềm báo trước sự vĩnh biệt của họ, vì chàng ra đi lần này là lần cuối hai người còn thấy nhau khi còn sống.  Chữ “life” làm khán giả  hay độc giả liên tưởng đến chữ phản nghĩa “death,” cũng như chữ “day” báo trước chữ phản nghĩa “night” như một cặp chữ: day/life và night/death. Chữ “window,” một vật vô tri vô giác được nhân cách hoá, tượng trưng sự ấm cúng của tình yêu hai người. Bây giờ khi Juliet xin cửa sổ mở ra, của sổ có quyền định đoạt về số phận Romeo. Trong câu trên, chữ “in” đối với chữ “out”: Then window, let day in, and let life out.
Vậy thì, cửa sổ ơi!

Mở ra cho ánh sáng vào,
Để cho mạch sống dạt dào thoát đi!

-Thí dụ 5: Ông già Capulet vị vợ ngăn cản không cho gây sự.
(Hồi I, cảnh 1)
Cảnh lộn xộn ngoài phố.
CAPULET
What noise is this? Give me my long sword, ho!
Chuyện gì lộn xộn vậy? Lấy cho ta thanh gươm dài, bay đâu!
WIFE (vợ ông già Capulet)
Crutch, a crutch! Why call you for a sword?
Đưa ổng cái nạng, cái nạng! Tại sao ông đòi lấy gươm cho ông? 

PHẠM TRỌNG LỆ – sưu khảo và dịch
(Virginia – USA)  

“Vài Câu Chuyện Vui Về Chuột
Trong Văn Thơ, Ca dao, và Tục ngữ”

Gs. Phạm Trọng Lệ

(Một phần bài này đã dùng trong buổi nói chuyện tại trụ sở Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn tại Falls Church, Virginia sáng thứ bảy 4 tháng 1, 2020.)

Kính chào quí vị đại diện Ban Quản Trị và quí vị Hội viên,
Thật là một vinh dự khi chúng tôi được quí vị cho một dịp kể vài chuyện vui về Chuột trước năm Canh Tý sắp đến trong buổi sinh hoạt đầu tháng giêng năm 2020 của hội.

Tôi xin kể câu chuyện con chuột kiên trinh và sau đó vài tục ngữ Việt Anh Pháp về chuột, để thưa là qua các chuyện về chuột, ta học được lòng biết ơn, tính nhanh nhẹn, óc thông minh, tài biến báo, khả năng thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn.

=>Năm Canh Tý: mồng 1 tháng Giêng âm lịch nhằm vào ngày 25 January 2020

Nghĩ đến con Chuột, ta thường nghĩ đến loài này ăn hại thóc lúa, và còn gây bịnh. Bịnh dịch lớn trong lịch sử gọi là the Black Death thời Trung Cổ khiến 1/3 dân số Âu châu, Trung Đông và Trung Á ước lượng từ 50 – 200 triệu người bị chết vì bịnh dịch hạch.
Trong trận dịch hạch thứ ba trên thế giới, tại Vân Nam, 12 triệu người chết tại Trung Hoa, Ấn Độ và Hongkong năm 1894, nhưng may, bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943), một bác sĩ Pháp gốc Thụy Sĩ, môn sinh của bác sĩ Louis Pasteur, đã tìm ra vi trùng gây bịnh dịch hạch do bọ chét ở chuột và tìm ra kháng huyết thanh antiserum cứu sống cả nhiều ngàn người Hongkong bị dịch hạch lúc đó (bubonic plague). Và để nhớ công ơn, y học lấy tên ông bác sĩ đặt tên cho vi trùng gây bịnh dịch hạch để hậu thế nhớ ơn người đã tìm ra plague vaccine (Yersinia pestis). Ngày nay, khi đã được định bịnh thì có thể trị bằng trụ sinh antibiotics.

(Theo Wikipedia en.m.wikipedia.org under “plague”)

Về mặt khác, Chuột cũng có lợi ích. Theo một tập san y học, chuột nhắt (mouse) và chuột đồng (rat) được dùng trong khảo cứu sinh y học (biomedical research) để nghiên cứu về công hiệu của thuốc, và cách giải phẫu để có thể áp dụng cho người, hay cho thú vật trong ngành thú y. Nguồn: Elisabeth C. Bryda, PhD, “The Mighty Mouse: The Impact of Rodents on Advances in Biomedical Research” in Mo.Med. 2013 May-June; 110(3): 207-211. Ncbi.nih.gov
Ngữ vựng để thỏa trí tò mò.

Sinh viên bỏ ra nhiều thì giờ đọc sách trong thư viện, tiếng Việt có chữ mọt sách, tiếng Pháp gọi là rat de bibliothèque. Tiếng Anh: Bookworm.

Rat d’hôtel không phải là chuột trong khách sạn, mà là tên trộm lẻn vào khách sạn rạch va-li lấy đồ của du khách, hotel thief. Tự điển Larousse ghi nếu là một bà hay một thiếu nữ làm công việc đó thì có chữ souris d’hôtel, female cat burglar. Còn chữ Petit rat de l’Opéra: chỉ nữ học viên “lính mới tò-te” mới ghi danh học một lớp vũ kịch nghệ Opéra, little ballet-girl, youngest ballet student.

Un vieux rat: không phải là con chuột già mà chỉ người hà tiện, keo kiệt, tiếng Anh: skinflint, cheapskate.

La souris scooter cũng chỉ tên thứ xe Vespa nhỏ 50cc giống như chiếc xe mà chàng phóng viên Joe Bradley, do Gregory Peck đóng, và nàng công chúa Ann, do Audrey Hepburn đóng, đèo nhau lái quanh đường phố Rome trong khi cảnh sát rượt theo trong phim Roman Holiday (Vacances Romaines) (1953) mà học sinh và sinh viên ở Saigon say mê xem ở rạp chớp bóng thường trực Lê Lợi

=>Thành ngữ La montagne a fait naître une souris: The mountain gave birth to a mouse: một dự án tưởng là đồ sộ, quảng cáo rầm rộ nhưng kết quả không đáng kể. Ta có thành ngữ Đầu voi đuôi chuột. Much ado about nothing.

Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Điển (1895) của Huình Tịnh Của có thành ngữ “làm bộ chuột” để nói người làm bộ “lý lắc, liến xáo không nên nết.” Để mắng người hay sanh sự, hay chỉ chọc việc vô can” có chữ “quân thọc chuột”.

Chuột đồng ướp tỏi, và xì dầu, nướng muối ớt là món nhậu ngon hết xẩy của đồng bào miền Tây; tiếng Anh là field rats hay harvest rats.

=>Ướt như chuột lội (hay chuột lụt): drenched/soaked to the skin. Être trempé (e) jusqu’aux os. By the time we got back, we were soaked to the skin=Nous sommes rentrés trempés jusqu’aux os. Trở về đến nhà, chúng tôi ướt như chuột lội.

On entendrait trotter une souris: Yên lặng như tờ. So quiet you coud hear a pin drop. As quiet as a mouse.

Khi là một danh từ computer, mouse là con chuột, hay con “mao” để nhắm vào từng điểm di động (cursor) hay ra lệnh làm các thao tác trên màn hình.

CHUỘT TRONG VĂN HÓA
Trong văn hóa Đông phương, chuột đứng đầu 12 con giáp. Theo một câu chuyện Tết, trong dịp đầu năm, các con vật về chầu Thiên Đình. Vốn thông minh nhanh nhẹn, chuột ngồi trên đầu Trâu và khi tới nơi, nhẩy xuống trước, nên Ngọc Hoàng cho cầm đầu 12 con giáp. Đặc biệt, chuột được khắc họa trên dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Bức tranh Đám cưới chuột rất nổi tiếng. Trong tranh chú chuột đỗ cao cưới vợ, cưỡi ngựa đi trước, có lính mang lọng che, đằng sau nàng dâu chuột ngồi trong kiệu. Rồi hàng trên là hình ông mèo ngồi, có hai con chuột mang đồ biếu, là chim (hay gà) và cá, theo sau là hai con thổi kèn. Ông mèo hình dáng to lớn, tượng trưng uy quyền, tham nhũng.
O chuột (1937)
“O chuột” khác nghĩa với “o mèo”. “O” ở đây không có nghĩa là “cô” như tiếng miền Trung. Nhà văn Tô Hoài, tác giả truyện ngắn “O chuột”, tả một con mèo mướp già khi bắt được con chuột nhắt thì không ăn thịt mà chỉ vờn chơi. Để ban đêm nhà vắng vẻ, chú mèo mướp già chỉ đi luẩn quẩn “o chuột” tức là “đi rình nấp quanh quẩn để tìm để lùng bắt chuột mà thôi.”
Phân biệt với “o mèo” tả các chàng trai đi “ve vãn con gái.” Tự điển Việt Anh dịch “o” là “flirt.” Tự điển Việt Anh Nguyễn Đình Hòa dịch là “seduce” và giáo sư Hòa lại cẩn thận chú thích thêm hàng chữ [mèo girl] để các chàng trai biết “mèo” đây là thứ mèo chân dài móng đỏ và thường sợ chuột.

“Mouse-hunt” không phải là “kẻ săn chuột” mà với nghĩa “chàng o mèo”, “săn các cô các bà với ý “mèo chuột” như trong kịch Romeo and Juliet, bà vợ ông Capulet, mẹ của nàng Juliet, mỉa mai ông chồng rằng :“Ay, you have been a mouse-hunt in you time” (R & J act IV, sc. 4., l. 11) “Phải, thời trai trẻ ông cũng bám riết đeo đuổi các tà áo các nàng!” Oui, vous avez chassé la souris en votre temps (Roméo et Juliette, traduction de François Laroque et Jean-Pierre Villquin, Le Livre de Poche, 2005). Mouse-hunt như vậy là pursuer of women, skirt-chaser, ladies’ man, womanizer.

-Mèo Mắc Lừa Chuột, TCNN, trang 163

Trong truyện này, một hôm mèo già bắt được một chú chuột con, sắp ăn thịt. Chuột nhắt khôn ngoan van lạy, khất với mèo rằng: “Mai nhà tôi có giỗ, xin ngài tha cho, tôi đi mua tôm tép về làm cỗ mời ngài lại sơi.” Hôm sau mèo ăn mặc chỉnh tề đi ăn giỗ nhà chuột, tới nơi chẳng thấy tôm tép gì, té ra mới biết bị chuột đánh lừa:
“Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”.

-Chuột Bạch và Hai Vợ chồng chuột chù, TCNN, trang 225

Trinh thử: Đây là truyện một con chuột bạch, góa chồng, một hôm ra ngoài kiếm mồi cho con chợt bị chó đuổi, phải chạy vào ẩn trong một cái hang. Không ngờ trong hang có một con chuột đực, nhân lúc chuột cái đi vắng, định bụng tán tỉnh, nhưng chuột bạch cự tuyệt. Chợt chuột cái về nổi ghen, rầy rà chuột đực. Cuốn truyện bằng thơ lục bát này giúp ta nhớ những ngôn ngữ đầy mầu sắc của tiếng Việt. Cũng nên so sánh hai đoạn thơ và văn xuôi.

=>Đoạn chuột cái chợt về bắt gặp chồng cùng chuột bạch trong nhà, bèn nổi ghen sỉ-vả chồng: [con số trong ngoặc chỉ số dòng]

Thơ:
“Cớ chi thiếp mới vắng nhà, (569)
Đã lòng nhử nguyệt quyến hoa tơi bời.
Vừa lòng thích ý thì chơi,
Nhà này còn có xem ai ra gì.
Cửa nhà lo lắng sớm khuya.
Sướng se, mạ cạn đi về xiết bao.
 
[sướng se: ruộng mạ hết nước, làm lụng vất vả, chú thích của Bùi Kỷ]
 
No cơm thì rửng hồng mao,
Dục hà dục hĩ muốn sao thì làm.
…….
Nàng rằng sự đã quả nhiên, (615)
Nào ai nói đặt cho nên đoạn trường.
Vợ con vừa bước ra đường,
Ở nhà thắc mắc lo lường đứng trông.
Phỏng rằng cậy dạ cậy lòng,
Thế thì dỗ gái về phòng làm chi?

[Vặn hỏi chặt chẽ, chuột đực tuy oan—vì có được ‘sơ múi’ nào đâu mà thiệt khó bào chữa! Lại còn bị mắng như tát nước! Đáng đời!]……..

Mê say chìm đắm má đào,
Như mèo thấy mỡ khát khao thật là.
Già chẳng thương, trẻ chẳng tha,
Khác nào như ếch thấy hoa thì vồ.
Thuồng luồng ở cạn có ru,
Mà toan bắt chước đứa ngu sờ sờ.
Chiếu chăn nào có hững hờ,

[Cái ‘dzụ’ đó tui có ‘bỏ đói’ ông bữa nào đâu?]

Mà như voi đói thì vơ dong dài
Quen mui bận khác ăn chơi,
Có ngày cũng được như ai ghẻ tầu.
Bây giờ khốn đổ cho nhau
Miệng kênh gọi chó, tay mau đuổi ruồi.
Rầm nhà tiếng hỏi lao xao, (671)
Ai hay rằng sự dấu đầu hở đuôi
Vẫn còn thèm thịt thèm xôi,

[Thèm của lạ hở? Già mà hổng nên nết!]

Ngày thường cơm tẻ thiếp nuôi lệ gì.
Có cãi rằng quí dịch thê, [sang thì đổi vợ, chú thích của BK]
Gái này chẳng dám nằn nì thương yêu.
Già rồi lận cận bỏ liều,
Sá chi vú ếch lưng eo sồ sề (678)

Nguồn: Truyện Trinh Thử, Trần Triều Xử Sĩ Hồ Huyền Qui soạn, Ưu Thiên Bùi Kỷ hiệu đính, Tân Việt, 1956. Cũng có thuyết khác cho là Hồ Huyền Qui không phải là tác giả.)

[Lúc đầu thì còn chàng chàng thiếp thiếp…khi cơn ghen nổi lên thì mày mày tao tao. Mà giận khi ghen thì còn thứ giận nào bằng!]

Còn trong văn xuôi thì sao?

-“À con này! Mày lừa buổi nay, bà vừa đi khỏi, mày đến mày chim chuột chồng bà, mày quyến rũ chồng bà, có phải không?

[Chồng em nó chẳng ra gì/Tổ tôm sóc đĩa nó thì chơi hoang… Dù hay dù dở cũng là chồng tôi. Là sĩ diện của tôi, là danh dự tôi. Đừng tưởng tui để cho ông chồng tui tự do đi chơi với bạn bè là tui thả lỏng đâu à nha! Củi mục bà để trong rương/đứa nào động đến trầm hương của bà!!!]

Mắng chuột Bạch xong, chuột cái quay ra mắng chồng. Xong nó lại chẳng nể gì chồng nó, nó quay lại chửi cả chồng, nó rít lên nó mắng rằng:

–Đã sướng chưa! Đã sướng chưa! Ăn no rồi dửng hồng mao. [từ trước đến giờ chỉ nghe nói ‘ăn no dửng mỡ’ hay ‘No cơm ấm cật dậm dật mọi nơi’, bây giờ nhờ bà chuột ghen này ta mới biết thêm ‘Ăn no rồi dửng hồng mao’!]

Dục hà, dục hĩ, muốn sao muốn vậy! Còn sợ gì ai nữa, còn lo gì việc cửa việc nhà nữa. Đói đã có kẻ lo cho, no cũng có kẻ lo cho. Còn biết đâu đến những điều khó nhọc của gái sề này. Hôm nay lừa cho gái này vừa ra khỏi ngõ, chưa chi đã vội rước đĩ về nhà mà hú hí với con đĩ (sic: nguyên văn trong truyện) (p. 229)…Ừ ừ mày cho tao bây giờ già, mày chê tao xấu, mày thấy cái răng tao nó muốn long, mày coi cái tóc tao hơi muốn bạc, mày nghĩ tao không được mơn mởn như lúc mới lấy mày…Mày định phụ tình tao. Rồi mày cố kiếm lấy một đứa cho xinh, cho giòn, cho đẹp, cho đẽ, hàm răng trắng như ngà, con mắt sáng như gương, cái mồm cười như bông sen mới nở, lông mày thanh như là lá liễu mùa xuân… Mày rước nó về, để nó đỡ việc cho, để nó lo việc cho. Nhưng lo cái gì! Lo con heo nhăn mặt, lo con bò trắng răng ấy à! Hay là lo ăn no ngủ kỹ, lo chổng tĩ lên trời. Thế mà lo! Thế mà lo! Lo thế là lo o-o mà ăn cáy, còn hơn rằng lo ngay ngáy mà ăn bò…

[Chửi có sách có ‘bài bản’ như thế này thì có thể dùng làm tài liệu cho sinh viên môn nhân văn nghiên cứu về tiếng chửi trong văn hóa nhân gian!]

(Nguồn: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Truyện Cổ Nước Nam, p. 229)

NGỤ NGÔN NGOẠI QUỐC.

-Chuột trong ngụ ngôn: Sư tử tha chết cho chuột được chuột kéo cả nhà ra cắn thủng lưới khi sư tử sa cơ.
Một hôm chuột nhắt bị sư tử bắt sống. Chuột nhắt van lạy sư tử: “Ngài tha cho tôi làm phúc. Tôi nhỏ thế này, ngài ăn thịt tôi chẳng bõ dính răng. Tha cho tôi sẽ có ngày tôi đền ơn đáp nghĩa cho ngài.” Sư tử ngẫm nghĩ một lát, mỉm cười rồi tha cho chuột nhắt. Ít lâu sau, Sư tử bị sa vào bẫy, vùng vẫy thế nào cũng không thoát. Nghe tiếng gầm của Sư tử, chuột nhắt bèn chạy ra cắn một hồi thủng mắt lưới cứu Sư tử.

Châm ngôn: Ngay cả kẻ nhỏ bé hèn mọn cũng có lòng biết ơn ở đời. A kindness is never wasted.

CHUỘT TRONG THƠ
 
Có thuở được thời mèo đuổi chuột
Đến khi thất thế kiến tha bò.
Được thua sau mới ăn năn lại
Vô sự chẳng hơn có sự ru?
 
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân Quốc Âm thi Tập)
 
Chuột trong phim hoạt họa Mickey Mouse khởi đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của Walt Disney.
Hình chú chuột Mickey Mouse xuất hiện lần đầu năm 1928. Mickey Mouse cũng là biểu tượng của hãng phim Walt Disney. Ông viết trong cuốn Disneyland (1954): “I only hope that we never lose sight of one thing – that it was all started by a mouse.” Bao nhiêu công trình sự nghiệp của tôi cũng không làm tôi quên được nguyên do khởi đầu nhờ một con chuột. Từ loạt phim hoạt họa Mickey Mouse sang Mickey Mouse Club, những phim như Bạch Tuyết và Bẩy Chú Lùn, Snow White and the Seven Dwarfs, Đại công ty tổ hợp Disney từ phim ảnh sang Khu Du lịch, và truyền thông, ngày nay có trị giá ước chừng 130 tỉ dollars! (Theo Wikipedia)
CHUỘT TRONG CA DAO TỤC NGỮ

-Even when a girl is as shy as a mouse, you still have to beware of the tiger within.
(Nguồn: List of proverbs.com) (Ngay cả một cô gái bẽn lẽn e-lệ như con chuột nhắt, cũng phải coi chừng con hổ ở trong nàng ấy.)
[Khi quí ông nhận ra sự thật này thì có thể… quá trễ chăng?]
-La souris qui n’a qu’un trou d’échappe est bien vite prise (tục ngữ Pháp)
The mouse that hath but one escape hole is soon caught. (Dutch proverb)
(Chuột nào chỉ có một đường tháo chạy trong hang thì sẽ sớm bị bắt)
-The early bird gets the worm, but the second mouse gets the cheese. (English proverb)
L’avenir appartient à ceux qui se lèvent tôt. La deuxième souris obtient le fromage.
(Chim tới sớm bắt được sâu, nhưng chuột tới sau được miếng phô-mát—(Vì con chuột tới trước thì bị bẫy sập chết rồi!). Tương đương với phần hai của câu tục ngữ là câu: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.
-Quand le chat n’est pas là, les souris dansent (tục ngữ Pháp)
(Vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm)
When the cat’s away, the mice will play.
-As poor as a church mouse: (nghèo như chuột trong nhà thờ) nghèo rớt mồng tơi, Pauvre comme Job.
-Burn not a house to fright the mouse away: (đừng đốt cả căn nhà để xua chuột đi) Don’t do something drastic when it is not necessary. Cắt tiết gà đâu cần tới dao mổ trâu.

CHUỘT TRONG TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ VIỆT

=>Ướt như chuột lội (hay lụt)  (chứ không phải lột): ướt sũng

-Ném chuột vỡ bình quí: hành động không đem lại kết quả đáng kể, còn tổn thất lớn hơn

-Chuột sa hũ nếp: may gặp nơi sung sướng, như chàng rể lấy được vợ giầu

-Chuột chạy cùng sào: bước đường cùng, không lối thoát. Running out of options. At the end of one’s rope.

-Lù rù như chuột chù phải khói: kém tinh nhanh, chậm chạp

=>Đi cùng bốn bể chín chu (châu)/Trở về xó bếp chuột chù gặm chân:

Tích Nguyễn Hữu Chỉnh bị vua Tây Sơn không tin dùng, bỏ lại; khi nhận thấy bị thất thế, nghĩ tới mình vào Nam ra Bắc vẫy vùng nay bị một nhóm vô danh tiểu tốt vây bắt tính nộp cho vua Lê, Chỉnh bèn nói vững: “Ta đã đi khắp bốn bể chín châu, chẳng lẽ khi trở về xó bếp, lại bị chuột chù gặm chân ư? Không sợ. Ta cứ ở đây xem sao!” Trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, của Ngô Gia Văn Phái, hồi sáu. (Ấn bản pdf Nguồn: tuvienquangduc.com.au)

-Chuột chù chê khỉ rằng hôi/Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm. Tương tự: Chân mình còn lấm mê mê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Khuyên ta không nên chỉ trích kẻ khác nếu mình cũng có thói hư tật xấu như họ. Isn’t that the pot calling the kettle black? Trong Kinh thánh có chuyện chúa Giê-su và vụ án xét xử người đàn bà ngoại tình. Theo luật của Mô-se, người phụ nữ này phải bị ném đá cho đến chết. Chúa Giê-Su nhặt một viên đá, ngửng đầu lên và bảo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc ném đá trước đi.” Nghe vậy, họ bỏ đi hết. Ngài bảo người phụ nữ: “Chị về đi và đừng phạm tội nữa.” (“Judge not that you be not judged.” (Luke 6:37-42) Don’t criticize others when you’re not perfect yourself. Ne jugez point, et vous ne serez point jugés.

=>Smell a rat: nghi có âm mưu gì. The minute I walked in, I smelled a rat. Surely, I had been robbed: vừa bước chân vào tôi đã nghi có gì không ổn, y như rằng: nhà có trộm. Tương tự: something smells fishy.

CHUỘT TRONG TÌNH DUYÊN:

Trong tục lệ “ở rể” thời trước, người con trai khi làm lễ hỏi rồi, phải về nhà vợ ở rể. Đây là một thời gian để nhà gái xem xét tính nết, cách ăn ở, xử sự của chàng rể trong khi làm việc nông hay khi xây nhà. Nhìn từ một khía cạnh, ở rể là một cách trả ơn nhà gái đã nuôi dưỡng người con gái mà chàng trai sẽ cưới làm vợ. Một mặt khác, ở rể là một hình thức unpaid labor, thực tập không lương, nên có người ở rể cả mấy năm vì nhà vợ thấy có chàng rể, nuôi đỡ tốn công mà có người lo việc trong nhà, ngoài ruộng. Để bớt sự lạm dụng tục này, vua Lê Thánh Tôn đã ban cấm điều: “Khi đã có lễ xin cưới hỏi rồi, thì cấm không được để đến ba bốn năm mới cho rước dâu…” (Nhất Thanh, Đất Lề Quê Thói, Saigon: Cơ Sở Xuất Bản Đường Sáng, 1973, tr. 361).

Có chuyện một anh đang làm rể mong gặp cô vợ tương lai lắm, nhưng mắt chỉ thấy cô nàng trong đám thợ cấy đằng xa hay cặp giò trắng của nàng trên mặt ruộng, hay cánh tay nõn nà đang thoăn thoắt cắm những cây mạ xanh non xuống mặt ruộng mịn. Anh bèn than:

Công anh làm rể Chương-Đài,
Ăn hết mười một mười hai vại cà.
Giếng đâu thì dắt anh ra,
Kẻo anh chết khát vì cà nhà em!
(ca dao)
Thực ra đây chỉ là lòng ao ước của anh mong được gặp mặt người vợ tương lai. Chứ đã ở rể cả năm, thì anh chàng phải biết vườn trước vườn sau, còn lạ gì giếng ở đâu mà hỏi! Hỏi nàng đây là mong có dịp được cùng gặp riêng để mà đứng gần nhau nhìn nhau, mà hàn huyên tâm sự cho bõ cả ngày không gặp mặt! Bên cạnh bờ giếng, mặt nhìn mặt tay cầm tay. Les mains dans les mains restons face à face… Holding hands, let’s stay face to face..(Guillaume Apollinaire, Le Pont Mirabeau). Tuy nhiên cũng tùy. Có gia đình, người con gái thấy anh chồng tương lai của mình chịu thương chịu khó làm lụng mệt nhọc, rủ lòng thương, từ đó mới có nàng như người con gái trong ca dao giầu lòng độ lượng “vẽ đường cho hươu chạy” vào… rừng:

“Chuột kêu rúc rích trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.”
(ca dao)

=>Kính chúc quí vị một năm Canh Tý phát tài sai lộc thật nhiều may mắn. Nếu nghe tiếng chuột kêu rúc rúc “chúc chúc” thì xin coi như điềm may vì các cụ bảo tiếng “túc túc” (Túc nghĩa là đủ), nhà có đầy đủ cơm ăn áo mặc, tiền hào rủng rỉnh, đô-la kìn-kìn suốt năm.

Thứ nhất đom đóm vào nhà
Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn.

Ghi chú: Bài này là một bài phiếm chủ ý vui xuân, nên có những từ ngữ có thể thiếu nghiêm túc, nhưng vì tôn trọng cổ văn, người viết để nguyên và có ghi chữ sic nghĩa là nguyên văn.  

— Viết xong tại Virginia, tháng 10, 2019, PT Lệ
June 10, 2020