Defense Information School (DINFOS-Trường Thông Tin & Báo Chí) toạ lạc trong căn cứ Lục Quân Hoa Kỳ Fort Benjamin Harrison, thị trấn Lawrence, thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Benjamin Harrison là tên vị tổng thống thứ 23 của Mỹ, ông sinh trưởng tại Indianapolis.
Fort Benjamin Harrison đã đào tạo và cung cấp dồi dào nhân lực cho cả hai cuộc thế chiến thứ I và thứ II. Năm 1941 nơi đây được dùng làm trung tâm tuyển mộ, tiếp nhận, bổ sung và phân phối chiến binh cho các mặt trận Hoa Kỳ đang tham chiến bên Âu Châu. Đến năm 1943, Fort Benjamin Harrison là trung tâm nhập ngũ lớn nhất của toàn thể quân lực Hoa Kỳ, có khả năng đón nhận hàng trăm ngàn quân nhân trước khi gởi họ ra chiến trận khắp các lục địa.
Khi thế chiến thứ II kết thúc, Fort Benjamin Harrison được giao một phần cho Không Lực Hoa Kỳ để đặt bản doanh của Đệ Thập Không Lực (The Tenth Air Force) và biến cải thành phi trường dã chiến. Một số doanh trại còn lại thuộc trách nhiệm quản lý của Lục Quân Mỹ và nhiều quân trường huấn luyện chuyên môn được hình thành.
Gần 100 năm phục vụ Quân Lực Hoa Kỳ, Fort Benjamin Harrison ngưng hoạt động vào năm 1996, theo kế hoạch tiết giảm ngân sách và tái phối trí lực lượng. Ngày nay tại căn cứ lịch sử cổ kính này chỉ còn lại trụ sở phụ trách về tài chánh và kế toán thuộc Pentagon và doanh trại của đơn vị phòng vệ quốc gia thuộc tiểu bang Indiana.
Trường huấn luyện chuyên môn ngành thông tin báo chí mà chúng tôi theo học là Defense Information School, với tên gọi tắt DINFOS, thành lập từ năm 1965 trong căn cứ Fort Benjamin Harrison. Tiền thân của DINFOS là The Army Information School thành lập năm 1946 tại căn cứ Carlisle Barracks.
Nhiệm vụ tổng quát của quân trường này là huấn luyện kỹ thuật chuyên môn cho quân nhân Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh, truyền đạt kiến thức, phương pháp để có thể nói, viết, phổ biến mọi hoạt động về truyền thông của quân lực bằng các phương tiện như radio, tivi, phim ảnh, báo chí, ấn loát…
Theo quy định của Ngũ Giác Đài (Pentagon), để được thu nhận vào DINFOS các ứng viên phải trải qua những cuộc tuyển chọn kỹ lưỡng và đạt số điểm 85/100 mới được tốt nghiệp.(Military students must pass rigorous standards to enter, and scores 85/100 on tests to graduate).
Năm 1995, DINFOS dời đến Fort George Meade, Maryland. Chương trình huấn luyện được cải tiến cho phù hợp với kỹ thuật IT hiện đại như thêm phần Social Multi-Media, Photojournalism, Public Affairs Leadership, Combat Correspondent Course… (The American Council on Education recommends college credit for most DINFOS courses).
Còn nhớ lúc ở đại học Văn khoa Saigon, chân trong chân ngoài vì phải lo chạy kiếm ăn phụ giúp gia đình, nên học ít, làm việc nhiều, thường khi còn phải đi tập quân sự và canh gác Saigon vào ban đêm, đây cũng là nhiệm vụ của Sư Đoàn sinh viên bảo vệ thủ đô, năm Mậu Thân 1968.
Trong thời chinh chiến của đất nước mình, nhiều khó khăn, khi đến giảng đường đại học mỗi ngày thường phải chen chúc, giành ghế, giành chỗ, tới trễ phải đứng ngoài hành lang vừa nghe nghóng vừa ghi chép. Không bắt kịp bài bản ngày nào thì phải bỏ tiền mua “cua” (cours) cho ngày đó. Chuyện này các “tay thầu” có tổ chức, có đường giây, lắm phương tiện làm ăn, nên họ bán ra với giá “cắt cổ” mà lại thiếu sót, không đầu đuôi rõ rệt.
Ở Hoa Kỳ tại các quân trường thì việc học hành khác hẳn với xứ mình, lúc mới nhập học Anh ngữ “Entry class” ở căn cứ Không Quân Lackland, San Antonio, Texas, bà giáo ân cần hỏi han, chăm sóc từng học viên, giải quyết mỗi thắc mắc hoặc đề nghị, khuyến khích khoá sinh sao cho việc học tập mau chóng đạt kết quả. Sách giáo khoa, sổ ghi chép, giấy bút được cung cấp theo nhu cầu. Lớp học có tối đa 10 người, thường gồm nhiều quốc tịch khác nhau để bắt buộc khoá sinh phải trao đổi bằng tiếng Anh. Giảng viên tận dụng nhiều trợ huấn cụ như băng ghi âm, hình ảnh, slide, phim tài liệu trong việc giảng dạy… Mỗi người chúng tôi đều có máy thu âm, máy nghe riêng trong giờ đàm thoại, luyện giọng cũng như khi thi trắc nghiệm cuối tuần.
Đến trường thông tin báo chí ở Indiana thì chương trình học kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ăn trưa chỉ đúng 30 phút, lúc mới đầu nghe tiếng Anh phát nhức đầu, lùng bùng lỗ tai, các giáo sư giảng nhanh như trong cinê, trong tivi, dường như họ không biết có 3 khoá sinh người Việt là Hải Quân Đại Úy Lê Công Mừng, hai Chuẩn Úy Không Quân Chu Văn Hải và Đào Hiếu Thảo, luôn chăm chú theo dõi, nhưng nghe chữ được, chữ mất.
Nhờ đọc thêm tài liệu mỗi ngày, tối xem bài vở trước, làm bài tập chuyên cần, nên chuyện học hành quen dần với tâm niệm phải hết sức cố gắng, phải “khổ luyện”. Sinh viên xuất thân từ nước nghèo như mình, chinh chiến triền miên, nên học tập thiếu thốn mọi phương tiện mà lắm người nên danh phận, mình được du học ở một xứ sở hàng đầu thế giới Tự Do, thì quả thật là một ưu đãi hiếm hoi khi biết rằng chi phí đào tạo cho một sĩ quan đồng minh, tuỳ từng ngành nghề, tiêu tốn hàng chục, hàng trăm ngàn đô la trích từ ngân sách viện trợ của Hoa Kỳ, riêng đối với các phi công phản lực cơ chiến đấu như F 5, oanh tạc cơ A 37 chi phí đào tạo có thể vượt hơn triệu đô la, một người.
Tại DINFOS, sau mỗi giờ lý thuyết đều có phần thực hành như tập viết tin, viết bình luận, chụp hình, quay phim, phỏng vấn, học các kỹ thuật in ấn, thu âm, thu hình, ráp nối, thực tập thuyết trình trước quần chúng. Mỗi khoá sinh được nhận một bàn máy đánh chữ để làm việc ở nhà vào buổi tối và những ngày nghỉ cuối tuần. Mỗi toán 3 người được trang bị một máy chụp hình và một máy quay phim 8 mm. Cuối khoá, mỗi nhóm phải nộp một đoạn phim phóng sự với thời lượng từ 10 đến 12 phút. Một thành công đáng kể của nhóm chúng tôi là thực hiện cuốn phim ngắn với đề tài “giới thiệu bệnh xá của DINFOS” giải thích hoạt động của phần sở y tế này, khi đau ốm phải làm gì, bệnh nhân được chẩn đoán, chữa trị ra sao, người bệnh nghĩ sao về tinh thần phục vụ của các chuyên viên y tế tại cơ sở này.
Ngoài những giờ lý thuyết và thực hành, khoá chúng tôi cũng được nhà trường tổ chức những cuộc thăm viếng, quan sát một số cơ sở kinh doanh trong vùng, các ngân hàng, công ty thương mại, toà soạn báo, trụ sở phát thanh, truyền hình, ấn quán…
Cuồi tuần, chúng tôi được tổ chức du ngoạn qua tiểu bang Illinois kế cận, đi nhà thờ, hát thánh nhạc, đến sinh hoạt với các trường đại học, trung học quanh thành phố Indianapolis.
Ba anh em Việt Nam chúng tôi được gia đình ông bà Mục Sư Veach đỡ đầu. Ông đã từng chiến đấu tại Việt Nam nên xung phong giúp khoá sinh người Việt. Cuối tuần ông bà Mục Sư thường tổ chức những bữa họp mặt với sự tham gia của các tín hữu thuộc nhiều sắc dân khác nhau. Đây là dịp để mọi người trổ tài làm bếp, giới thiệu đặc sản ẩm thực của nước mình, sau đó ai cũng được dịp thưởng thức những món ăn quốc tế Âu, Á, Mỹ, Phi… Chúng tôi trộn gỏi bắp cải, làm chả giò, đồ chua, pha nước mắm. Đại uý Mừng được phân công đi chợ, Chuẩn uý Hải lo dọn dẹp rửa chén, tôi là đầu bếp chính.
Món ăn thuần túy Việt Nam được khen là “hết xẩy”, riêng tôi thì thấy xót xa, không biết phải ăn nói làm sao khi tưởng mặt bàn bằng gỗ màu nâu, tôi đặt nồi nóng bỏng lên, nhưng thật ra làm bằng nhựa quá khéo, không thể phân biệt được, đến lúc mùi khét bốc lên thì đã quá muộn rồi… lúc ấy không tìm đâu ra tấm khăn trải bàn vừa vặn để che đậy lỗ thủng quá lớn! chủ nhà phải chạy vội đi Home Depot sắm gấp một cái bàn khác!
Chúng tôi cũng được cơ hội đến sinh hoạt chung với các học sinh trung học lớp 11 và 12, ngồi cùng lớp với các em trong một vài môn học chính. Tôi được mời trình bày về phương pháp nói chuyện trước quần chúng, mà các học sinh lớp 12 phải nghiên cứu, biên soạn và thực tập.
Trong giờ ngoại ngữ pháp văn, với môn “Impromptu Speech” (không biết trước đề tài phải thuyết trình), học sinh bốc thăm một trong số hàng chục đề tài do thầy cô chọn sẵn để trong chiếc nón. Mục đích bài thực tập là tạo cho học sinh khả năng ứng phó, đối đáp bất ngờ, không được chuẩn bị trước mà vẫn nhanh trí nói thao thao bất tuyệt. Đề tài được thầy cô chọn thường dựa vào những câu ngụ ngôn như: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”; Tốt số hơn bố giàu”; “Càng cao danh vọng càng dày gian nan”; “Cái nết đánh chết cái đẹp”; “Tài không đợi tuổi”; “Vàng thật không sợ lửa…”
Tôi được mời tham gia cuộc thi đua thuyết trình này, với tư cách một người khách, một người bạn và nói thông thạo tiếng Pháp, tôi được quyền tự chọn cho mình một đề tài, trình bày bằng tiếng Anh và tóm lược bằng tiếng Pháp. Đề tài tôi chọn được gợi ý bởi một bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine “ Rien ne sert à courir, il faut partir à point” xin tạm dịch là “chẳng cần phải chạy nhanh, mà cần phải lên đường đúng lúc”. Cả lớp có vẻ thích thú với người khách đến từ phương xa và tôi được thầy cô cùng các em đãi một bữa ăn vui vẻ.
Điều tôi vô cùng ngạc nhiên là được thăm các lớp thực hành dành cho nam sinh như: lái máy cày, sửa sơ cấp các loại máy móc gia dụng, làm mộc, nề, bắt điện, thay ống nước, chăn nuôi gia súc, làm nông nghiệp. Các học sinh được chia thành nhiều nhóm tuỳ theo sở thích từng người.
Nữ sinh theo học các khoá như nữ công, gia chánh, may mặc, trang trí nhà cửa, chăm sóc nhi đồng, cứu thương, dự bị hôn nhân, quản lý kinh tế gia đình…
Nam nữ đều được học bơi lội, võ thuật tự vệ, tập cưỡi ngựa, lái xe…Nhờ đến sinh hoạt với các em học sinh mà tôi biết lái máy cày, biết cưỡi ngựa băng rừng, lội suối. Có nhiều bà trong xóm làng khuyên tôi ở lại vì hàng ngày họ xem tivi thấy bao cảnh chết chóc, máu lửa rợp trời. Họ nói tôi sẽ kiếm được việc làm dễ dàng, có bà còn hứa gả con gái cho tôi, họ nói thà có rể Á Châu chứ không chịu cho con mình lấy người da màu! Tôi hỏi lại các bà là hàng trăm ngàn con em của nước Mỹ được gởi ra toàn thế giới để bảo vệ lý tưởng tự do, dân chủ, khi xong nhiệm vụ thì gia đình, người thân có muốn họ trở về hay muốn họ ở luôn xứ người? Các phụ nữ ấy không trả lời, họ chỉ lặng lẽ để những giọt nước mắt dâng trào và chúc cho tôi được may mắn trong đường đời.
Ngày rời DINFOS, hai vợ chồng anh Larry và Joy Kieffer, bạn thân nhất trong khoá, tiễn tôi ra tận cửa phi cơ để bay về San Francisco. Thiếu uý Larry là hạ sĩ quan Không Quân Hoa Kỳ, tốt nghiệp BA, MA và Ph.D, nên được theo học khoá sĩ quan. Anh Larry và tôi được xếp cùng nhóm để học tập, thực hành, sinh hoạt chung.
Trong thời gian phục vụ tại Tây Đức, Larry làm quen và kết hôn với Joy là ái nữ của Đại sứ Anh Quốc ở Cộng Hoà Liên Bang Đức. Hai người sắm được căn nhà vừa ý ở vùng Columbus, Ohio.
Sau khi tốt nghiệp khoá Information Officer, Larry được bổ nhiệm đến phục vụ tại căn cứ Không Quân gần nhà, nơi đó là một căn cứ bí mật, có hầm chống bom nguyên tử nằm sâu dưới mặt đất, để cất giữ những dụng cụ đo đạc chính xác của Không Quân Hoa Kỳ.
Điều ngạc nhiên khác làm tôi phải suy nghĩ, thứ nhất là nơi xứ người ai muốn học hỏi thêm thì luôn được khuyến khích, nâng đỡ , thứ hai là bất cứ ngành nghề nào cũng có khoá đào tạo đến nơi đến chốn và sau hết là quân đội Mỹ thì không đặt ra giới hạn nào, không có quota, trong kế hoạch đào tạo nhân tài, bất cứ ai muốn tiến thân như trường hợp anh Larry đều được chánh phủ tận tình giúp đỡ.
Larry là một tấm gương sáng đối với tôi, anh luôn phấn đấu, vươn lên trong cuộc đời, từ một anh lính binh nhì, nhà nghèo vì cầu tiến, vừa làm, vừa học miệt mài, anh được học bổng của Không Quân Hoa Kỳ. Trước khi theo học trường DINFOS anh đã tốt nghiệp Ph.D về Advertising của đại học IU, Indiana.
Larry đã chỉ cho tôi cách đánh Chess, tương tự như Cờ Tướng của mình, anh cũng chỉ dẫn cách ráp bàn nghế, tủ đựng quần áo, kệ sách…
Năm mươi năm qua, tôi luôn nghĩ đến người bạn chí thân này và những kỷ niệm êm đềm ngày xa xưa từng chia sẻ với nhau tại DINFOS, rất tiếc mọi liên lạc với vợ chồng anh Larry & Joy đến nay vẫn hoài công. Cầu mong cho đôi uyên ương này được bình an, may mắn như mong ước của các bà mẹ người Mỹ dành cho tôi khi rời Indiana về Việt Nam để tiếp tục làm nhiệm vụ của một quân nhân trong cuộc chiến quốc-cộng, bảo vệ Miền Nam Tự Do.