Những Ngày Tháng Đó- Vi Vân

NHỮNG  NGÀY  THÁNG  ĐÓ

                           ( Tùy Bút ) Vi Vân

                                                                       

   Tôi vừa xem một đoạn phim “Last Days In Việt Nam”. Những hình ảnh di tản hãi hùng, hỗn loạn của Sàigòn vào những ngày 28, 29  và sáng ngày 30-4-75. Quang cảnh dân Việt Nam chen lấn giành giựt nhau để được lên máy bay, lên tàu Mỹ, tàu ngoại quốc hay đủ loại tàu bè hầu chạy trốn Cộng Sản. Cảnh la hét, kêu réo, níu kéo đạp lên nhau để  đi tìm sự sống…thật đau lòng. Có những người đã bị bỏ lại sau cánh cổng Toà Đại Sứ Mỹ, có rất nhiều người đã vào được trong sân Tòa Đại Sứ nhưng vẫn không kịp di tản, có những người bị rớt xuống biển khi sắp sửa được bước lên tàu lớn. Một cảnh làm tôi thật xúc động là hình ảnh một số sĩ quan, binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà theo lệnh của Đại Tá Hải Quân Đỗ Kiểm đã kéo lá cờ vàng ba sọc đỏ lên và hát bài Quốc Ca Việt Nam lần cuối trước khi hạ cờ xuống để kéo cờ Hoa Kỳ lên.

    Tiếng hát hùng hồn xen lẫn đau xót, đầy nước mắt của những người vừa mất nước, mất quê hương sắp sửa bước vào đời lưu vong chưa định hướng:

    “ Nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi.

       Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…”

    Ôi! Dù các anh đã không tiếc gì thân sống, sẵn sàng hy sinh chiến đấu cho non sông, tổ quốc nhưng các anh cũng không giữ được mảnh giang sơn gấm vóc của mình. Tại sao? Vì sao?

    Đã hơn bốn mươi năm rồi, cứ mỗi lần nhìn hoa đào rụng rơi bay lả tả trong gió cuối Xuân, nắng vàng trãi đầy khắp nẻo đường để bước vào tháng Tư là lòng tôi chợt ngậm ngùi, xót xa nhớ về những ngày tháng đó…

 “ Những ngày tháng đó” là những ngày tang thương, thống hận chụp xuống lứa tuổi đôi mươi của tôi và các chị em cùng trang lứa, những người con gái đã yêu lính và là vợ lính. Chúng tôi bàng hoàng, ngơ ngác trước nghịch cảnh đớn đau chua xót khi Cộng quân tràn vào miền Nam, bắt chúng tôi phải xa chồng, gồng gánh nuôi con thơ dại, chịu đựng biết bao đắng cay tủi nhục. Tôi cò nhớ rất rõ tình hình lúc đó…

      Một tuần lễ sau Tết 1975, tôi và vài người bạn cùng khóa với chồng tôi mời cơm hai vị Niên Trưởng Võ Bị của các anh tại nhà anh chị Phước. Hai vị đó là Đại Tá Kính (đang là Trưởng Ty Cảnh Sát tỉnh Cần Thơ- Phong Dinh, tôi không nhớ họ của ông), vị kia là Trung Tá Trần Đắc đang là Tiểu Khu phó Tiểu Khu Phong Dinh. Bữa cơm đang giữa chừng thì Trung Tá Đắc bị Đại Tá Huỳnh Ngọc Diệp Tiểu Khu Trưởng kiêm Tỉnh Trưởng Phong Dinh gọi về gấp vì một Tiểu Đoàn đang hành quân bị mất liên lạc…

    Thế là từ đó không khí trở nên căng thẳng. Tình hình chiến sự sôi động khắp nơi, những cuộc di tản, lệnh rút quân ở miền Trung, những hình ảnh chết chóc trên quốc lộ 1, đường số 7, đường 13… xác người chồng chất lên nhau đã làm dân chúng hãi hùng, run sợ.

    Thành phố Cần Thơ bắt đầu bị pháo kích, không khí chiến tranh đã khởi sự. Rồi lệnh giới nghiêm ban đêm, lệnh quân nhân cấm trại. Hằng đêm phải dẫn con đi ngủ nhờ ở một tòa building 5 tầng gần nhà của một người quen để tránh đạn pháo kích cho chồng yên lòng vào trại lính. Tình trạng đó kéo dài mấy tuần thì… sáng ngày kia khi tôi đang lo cho con ăn sáng, bỗng tôi nghe từ radio thật rõ ràng lời Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho anh em binh sĩ buông súng để bàn giao với bên kia. Tôi buông ly sữa rớt xuống đất. Thế nầy là sao? Chúng ta thua rồi sao? Mặc dù tình thế không cho phép tôi lạc quan nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ Việt Nam Cộng Hòa sẽ thua Việt Cộng. Trong lúc hoảng sợ, tôi kêu xe chạy đến sở của chồng tôi. Quang cảnh ngoài đường bấy giờ vô cùng hổn loạn, xe hơi, xe gắn máy, xe jeep, cả người đi bộ đều chạy rầm rập, ai cũng lo mau về nhà. Vài chiếc xe hơi, xe jeep đang chạy bỗng ngừng lại, nhiều người nhảy khỏi xe chờ đợi …và trực thăng đang bay trên cao bỗng xà, đáp xuống bốc những người đó rồi bay đi. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo như người mất hồn, tôi không còn cảm giác. Xe tôi đang đi bị chận lại, những con đường lớn đều bị binh sĩ kéo kẽm gai ngăn cản không cho ai đi vào các cơ quan quân sự, tôi đành quay về nhà chờ chồng tôi.

     Chừng độ 30 phút sau chồng tôi chạy về, anh nói:

– Bây giờ ông Tướng Tư Lệnh vùng đang hội họp những sĩ quan cao cấp để quyết định là vùng 4 đánh hay đầu hàng. Nếu anh em cùng ở lại chiến đấu thì anh không thể bỏ đi.

Lúc đó tôi cho rằng anh nói đúng nên không có ý kiến gì hết, tất cả là do anh thôi. Sau đó anh lại ra đi gần một tiếng đồng hồ nữa, khi trở về anh nói:

-Không biết sự thể ra sao mà Đại Tá Tỉnh Trưởng bảo ai muốn chạy đi thì theo ông vì hiện giờ có hai chiếc tàu Hải Quân (đúng hơn là hai chiếc Giang Cảnh) đang đậu phía sau dinh Tỉnh Trưởng. Anh vừa đưa một người bạn xuống tàu, anh về hỏi ý em coi có muốn đi không? Từ đây tới đó khoảng 10 phút thôi.

Tôi phân vân quá, nghĩ đến cảnh phải ăn bánh mì thay cơm và cái giá lạnh, tuyết rơi ở xứ Mỹ tôi ngại ngùng nên nói:

-Hay thôi đừng đi anh ạ! Mình ở lại giải ngũ rồi ra ngoài lo làm ăn cũng được.

    Không hiểu sao một người từng chạy trốn Cộng Sản từ Bắc vô Nam như chồng tôi mà không nhìn thấy được viễn ảnh khi sống với họ, anh buông một câu:

-Vậy tùy em.

    Chữ “tùy em” đó đã đổi lại bao nhiêu năm đắng cay, gian khổ, tủi nhục của anh trong chốn lao tù. Tới bây giờ nhắc lại tôi vẫn còn thấy hối hận và tự trách mình.

     Khi nghe tin hai chiếc tàu Hải Quân ở dinh Tỉnh trưởng đã rời bến chúng tôi bỗng thấy hối tiếc và buồn vô hạn. Chồng tôi liên lạc với hai anh bạn thân được biết các anh còn ở lại nên cũng an tâm phần nào vì ít ra còn có bạn bè sẽ cùng nhau đối diện với những gì sắp xảy đến. Sau đó chồng tôi chở tôi đi vài nơi, thăm những người quen xem họ còn ở lại hay đã đi rồi. Nơi cuối cùng chúng tôi ghé là Toà Đặc Ủy Giám Sát vùng 4 trên đường Phan Đình Phùng.

     Lúc đó Đại Tá Võ Văn Ba, Đặc Ủy Giám Sát đã vắng mặt chỉ còn anh Chánh Sự Vụ Lê Công Khanh, anh ThanhTra Đoàn Ngọc Tuyền và hai trưởng phòng là chú Hà Văn Ngữ và chú Nguyễn Trung Thu. Chúng tôi hàn huyên, bàn luận một lát thì hai anh thanh niên trẻ là  Lê Công Khanh và Đoàn Ngọc Tuyền hối hả bỏ đi. Tôi cũng đoán ra được là các anh đang lo tìm đường chạy thoát.

    Khoảng 2 giờ trưa chúng tôi nghe tin từ Quân Đoàn 4 đưa sang là Tướng Lê Văn Hưng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4 Quân Khu 4 đã tuẫn tiết (thật ra lúc đó chỉ là tin đồn đãi của anh em binh sĩ, suy luận theo tính khí của Tướng Hưng. Khi sang đến Hoa Kỳ tôi được đọc bài hồi ký của bà Kim Hoàng vợ Tướng Hưng đăng trên một nhật báo ở Nam California tôi mới biết ông chết vào lúc 8 giờ 45 phút tối). Còn Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Đoàn 4 thì vẫn chưa có tin tức gì (sau nầy tôi biết buổi chiều 30 tháng 4 ông còn vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản thăm hỏi, an ủi các thương bịnh binh, trở về tiếp xúc với đại diện phía bên kia và tuẫn tiết vào sáng sớm ngày 1 tháng 5-75, dân chúng cả thành phố Cần Thơ đều được biết tin đó. Ôi! Đáng kính phục, cảm động và xót xa biết bao trước cái chết của hai vị Tướng Quân trấn thủ miền Tây. Tới ngày nay người Việt hải ngoại và trong nước vẫn ngậm ngùi, thương tiếc, không thể nào quên được:

     “ Nhắm mắt lại anh có còn nhìn thấy quê hương, quê hương buồn giờ phút thê lương?

Nhắm mắt lại anh có còn thấy rừng lửa cháy, đêm tăm tối khóc than vời vợi, người lính chiến đấu trong lẻ loi?

Nhắm mắt lại anh có còn nhìn thấy anh em, trong hoang tàn giờ phút oan khiên?

Nhắm mắt lại anh có còn thấy người tình cũ, ngồi trong bóng tối đếm đau buồn, để mãi mãi nhớ anh vô cùng…”*

        Lúc đó, tại Toà Đặc Ủy Giám Sát, tin Tướng Hưng tuẫn tiết đã làm mọi người ngơ ngẩn, xót xa, kính phục. Riêng tôi, tôi đã rơi nước mắt một cách chân thành vì tôi rất hâm mộ “Người Hùng An Lộc” đó. Trên con đường mang tên Nguyễn Viết Thanh ở Cần Thơ có hai căn biệt thự cách nhau không xa, một căn sơn toàn màu hồng, ấm cúng, không to lắm nhưng rất xinh xắn, đó là căn nhà của Tướng Lê Văn Hưng. Còn căn kia lớn hơn, đẹp hơn nhưng khác màu sắc, nghe nói đó là nhà của Tướng Đặng Văn Quang. Mỗi lần đi ngang căn nhà màu hồng tôi liên tưởng đến người anh hùng mà tôi rất ngưỡng mộ đang ở trong ngôi nhà đó và cảm thấy có chút vui vui. Giờ đây người ấy đã anh dũng nằm xuống rồi, căn nhà kia trước sau gì cũng sẽ về tay kẻ khác. Ôi! thế sự đổi thay nào ai biết được.

 Chúng tôi ngồi lại đó thêm chút nữa rồi từ giã các chú ra về.

     Lúc nầy tôi mới thấy chồng tôi buồn bã lo âu ra mặt. Chúng tôi trở về nhà không biết phải làm sao, tính sao vì có vẻ như đã muộn màng cho mọi quyết định rồi. Cậu tôi có một Salon xe hơi, hiện trong tiệm còn hơn hai chục chiếc xe hơi mới và cũ. Cậu đến bàn với chồng tôi hãy  chạy xuống Rạch Giá tìm tàu đánh cá, nhờ họ đưa ra tàu Mỹ vì cậu cho rằng tàu Mỹ còn neo ngoài khơi để vớt đồng bào ta. Chồng tôi không đồng ý vì không dễ gì Việt Cộng cho mình đi đường suông sẻ, mình nghĩ được cách đó họ cũng nghĩ được và bằng mọi giá họ sẽ ngăn cản mình, có khi bị bắn chết nữa. Vả lại chắc gì còn tàu bè để ra khơi trong lúc nầy. Thế là chúng tôi chỉ còn biết thở dài chờ đợi những gì sắp xảy đến.

      Buổi chiều khoảng 4,5 giờ bỗng nhiên có nhiều binh sĩ mặc quân phục VNCH mở cổng tràn vào nhà tôi. Nhìn kỹ lại là các anh em họ của tôi. Một anh đang là Huấn Luyện Viên ở Trung Tâm Huấn luyện  Cái Vồn – Bình Minh (thuộc tỉnh Vĩnh Long nhưng cách Cần Thơ chỉ có một cái phà), các bạn anh vì gia đình ở xa nên cùng theo anh đến nhà tôi. Một anh đang làm tại Trung Tâm 4 Tuyển Mộ Nhập Ngũ cũng kéo các bạn đến, hai người em họ khác đang đóng quân gần Cần Thơ nên cũng chạy về…Tất cả họ còn rất trẻ, hầu hết là sĩ quan cấp úy. Nhà tôi không đủ chỗ, các anh em ngồi la liệt trên bàn ghế, dưới đất, ngoài sân, thậm chí có anh nằm dài trên nền gạch lấy hai tay làm gối. Họ đưa mắt nhìn nhau rồi lắc đầu, không ai nói lời nào, tôi chỉ nghe những tiếng thở dài buồn bã, đau đớn, thương tâm.

     Buổi chiều hôm ấy không biết mẹ tôi chạy tìm ở đâu được hai con gà và nấu một nồi cháo to tướng nhưng không có rau, gỏi gì cả. Các anh em chẳng ai buồn ăn uống, mẹ tôi nói:

    -Các cháu phải ráng ăn một chút để có sức còn tính được chuyện gì thì tính chứ.

     Nghe lời mẹ tôi, các anh ăn mỗi người một chén cháo cho đỡ dạ, sau đó trở lại tình trạng cũ: mỗi người ngồi một góc, không ai nói chuyện với ai.

     Vào khoảng 7, 8 giờ tối, nhiều loạt súng nổ tới tấp, liên hồi, các anh giựt mình nhìn nhau ngơ ngẩn. Chồng tôi và vài anh không hẹn mà cùng buông một câu giống như nhau:

-Tụi nó vô rồi.

Anh quay sang tôi:

-Tiếng đó là tiếng súng AK của tụi nó.

    Nói xong anh ngã người xuống salon, hai tay gát lên trán và nước mắt trào ra…Đây là lần thứ nhì tôi nhìn thấy anh khóc, lần thứ nhất là khi nghe tin Bố anh mất. Các anh kia cũng vậy, hầu hết các anh đều rướm nước mắt, vẻ mặt rất đau khổ. Giông tố bão bùng sắp chụp xuống đầu các anh, tương lai mờ mịt, hoài bão tan tành, tuổi đôi mươi hào hùng rồi sẽ về đâu? Tôi chợt thấy lạnh toát người và nước mắt bỗng tuôn tràn theo từng loạt súng của kẻ thù vang dội mỗi lúc một nhiều hơn. Đêm đó là một đêm đau buồn nhất trong đời tôi, suốt đêm không ngủ, hàng trăm ý nghĩ trong đầu óc. Không biết cảm nghĩ của chồng tôi và các anh thế nào nhưng ở cương vị của một người vợ chỉ đứng sau vinh nhục của chồng mà tôi còn bàng hoàng, ngơ ngẩn, hồi hộp, lo sợ. Tôi biết rồi đây cuộc đời mình sẽ thay đổi tất cả và mạng sống của chồng mình cũng không được bảo đảm an toàn. Tôi nghe một bà hàng xóm từ Campuchia chạy về kể lại việc thảm sát của Khờ Me đỏ thật hãi hùng, hai con trai của bà một người là Giáo Sư, một người là quan Tư (Thiếu Tá) đã bị giết rất dã man, bà may mắn dẫn đứa con gái nhỏ chạy thoát về Việt Nam…Tôi  không biết rồi đây Việt Cộng sẽ đối xử với các anh ra sao, những người cùng giòng giống, cùng màu da, cùng chủng tộc với họ nhưng khác ý thức hệ?

    Ngày hôm sau, các anh em từ giã để về nguyên quán. Có người ở Sàigòn, ở Huế, Biên Hòa, Bình Dương, Phan Thiết…. Mẹ tôi phải đem tiền riêng của bà ra cho các anh làm lộ phí vì các anh chưa kịp lãnh lương. Tôi nhìn theo bóng họ ra về mà lòng nghèn nghẹn thương cảm. Thế là hết rồi sao? Một chính thể mà các anh và bao nhiêu chiến sĩ đã dùng xương máu để bảo vệ đã sụp đổ qua lời đầu hàng của một cá nhân sao? Rồi đây số phận của hàng triệu quân nhân và công chức sẽ ra sao dưới bàn tay Cộng Sản? Ôi! Đau đớn thay cho một chế độ bị bức tử một cách thật vô lý .

     Khắp các nơi, khắp các nẻo đường loa phóng thanh của VC kêu gọi binh sĩ VNCH ra trình diện để học tập đường lối của “cách mạng”.  Lúc nầy không biết chồng tôi nghĩ sao lại có ý định bỏ trốn, tôi sợ quá khuyên anh từ từ xem xét lại tình hình ra sao. Khi thấy nhiều sĩ quan ra trình diện anh có vẻ đỡ căng thẳng hơn đôi chút.

      Không trốn được thì dù sao anh cũng phải ra trình diện với họ. Tôi   nghĩ đi sớm sẽ về sớm để còn lo kiếm cách làm ăn. Tôi chuẩn bị cho anh thức ăn, những vật dụng cá nhân cần thiết và thuốc men nhưng anh chỉ lấy có một lon thịt và vài món đồ dùng. Anh nói:

-Đi có mười ngày thôi mà. Hơn nữa ở trong đó cũng có “đồ ăn” rồi.

Chúng tôi chần chừ đến ngày 3 tháng 5 mới cùng anh ra trình diện. Khi anh vừa đến cửa sở thì tên cán bộ nằm vùng lâu nay trong sở anh bước tới nắm lấy anh kéo vào trong ngay. Anh chỉ kịp giao xe lại cho tôi và dặn tôi phải chờ và chạy theo xe họ để xem họ sẽ chở anh đi đâu.

     Tôi chờ đợi không biết bao lâu trước sở anh, mắt chăm chú nhìn vào cánh cửa cổng. Bỗng tôi thấy mấy chiếc xe GMC bít bùng chạy ra, nhờ phía sau xe chỉ có miếng poncho kéo lại và chồng tôi cố ý ngồi sau cùng, ép mình sát vào tấm vải che nên tay áo sơ mi sọc của anh lộ ra cho tôi nhận thấy. Tôi biết chắc chiếc xe đó có chồng tôi nên tôi chạy miết theo…và sau cùng những chiếc xe đó rẽ vào Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát vùng 4  ở gần bến bắc Cần Thơ.

      Không phải chỉ có riêng tôi mà còn rất nhiều chị em đã cùng chạy theo xe chở các anh. Khi biết chắc chồng mình đã bị đưa đến đây chúng tôi bàn bạc với nhau nên luân phiên canh ở cổng và báo tin cho nhau nếu các anh lại bị chuyển đi nơi khác nữa. Hoàn cảnh của chị em chúng tôi lúc đó rất đáng thương. Sáng sớm đã đứng đông nghẹt trước cửa trại (lúc nầy họ đã gọi là trại tập trung rồi) trông ngóng, tìm kiếm, dò xét xem họ có đưa chồng mình đi làm “ lao động” đâu đó chăng?  Mặt mũi người nào cũng bơ phờ hốc hác vì không ngủ. Lúc nầy tôi gặp lại cô bạn học cùng lớp suốt 7 năm ở Trung Học tên Võ Thị Lý Lan mà mấy  năm rồi vì hoàn cảnh chúng tôi không có dịp gặp nhau. Lý Lan cho biết chồng Lan là Thiếu Tá Công Binh cũng bị giam ở đây.

      Ngày hôm đó từ trong trại một xe chở một số anh đi lao động chạy ra, vì xe mui trần nên các anh và chị em chúng tôi đưa tay vẫy gọi nhau inh ỏi. Thình lình tôi thấy Lý Lan rút trong túi áo ra một mảnh giấy, cột vào một viên sỏi và dùng dây thun bắn mảnh giấy đó lên xe các anh. Tôi hỏi:

-Mầy bắn gì lên xe mấy ảnh vậy?

Lý Lan trả lời:

-Đêm qua tao đã làm một bài thơ, tao chưa kịp cho mầy coi. Hồi nảy tao bắn nó lên xe mấy ảnh rồi nhưng tao còn nhớ rõ lắm. Hy vọng chồng tao bắt gặp và ảnh nhận ra nét chữ của tao.

Nói xong Lý Lan đọc một hơi cả bài thơ cho tôi nghe. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ hết, đại khái nhớ vài câu như là:

 “ Anh sống lạc loài giữa đám ngu

 Âm thầm anh sống kiếp thầy tu

 Thầy tu trong đám người ngu ấy

 Nửa kiếp thầy tu, nửa kiếp tù”.

Tôi cằn nhằn Lý Lan:

-Mầy làm như vậy là mầy hại mấy ảnh đó. Nếu họ thấy được không cần biết là của anh nào, các anh sẽ bị…Tao không dám tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra.

    Nghe tôi tôi nói thế Lan có vẻ hối hận lắm. (Vào năm 2004 nhật báo Viễn Đông ở Nam California có xuất bản ba quyển “ Chuyện Vợ Người Tù Cải Tạo” gồm hơn 150 bài viết của các chị. Trong đó có bài “ Bức Tâm Thư” của chị Ngọc An. Chị kể lại khi đi ra Bắc thăm chồng, gặp các anh đi lao động, các anh ra dấu chỉ vào một lùm cây có giấu những mảnh giấy viết mấy câu thơ đã bị xé nhỏ. Các chị đã ghép lại thành đủ một bài thơ và đặt tên là “ Bức Tâm Thư Của Người Tù Cải Tạo”. Bài thơ  dùng những từ ngữ như: đám ngu, thầy tu, nửa kiếp thầy tu nửa kiếp tù…Tôi nghĩ có lẽ những anh làm ra bài thơ đó là những người năm xưa đã từng bị giam ở Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát vùng 4 ở Cần Thơ và đã được đọc bài thơ ai oán, bi thương của Lý Lan? Và tôi chắc chắn rằng Lý Lan là người đầu tiên làm ra bài thơ với những từ ngữ đó. Chắc các anh trên xe hôm ấy đã bắt được và chuyền cho nhau xem thấy những từ ngữ hay hay, thích hợp nên dùng lại thôi. Thời gian đó là những ngày đầu tháng 5 – 1975, không thể có người nào làm sớm hơn Lý Lan được. Rất tiếc là mấy năm sau chồng Lý Lan đã chết trong tù và tôi cũng quên hỏi Lý Lan xem chồng cô ta có thấy bài thơ đó không?

      Những ngày đứng trông ngóng chồng trước cửa trại của chị em tôi kéo dài khoảng bốn tháng. Chúng tôi đã bắt con phải nhịn ăn để dành thức ăn mỗi ngày gửi vào cho chồng, nào là thịt heo kho, thịt gà xào mặn, tôm rim và cả thuốc lá, cà phê… Số lượng thực phẩm đưa vô trại hằng ngày rất nhiều, chúng tôi phải sắp hàng dài mới được gửi vào.  Khoảng chừng bốn tháng sau các anh thuyên chuyển chỗ giam khác và chúng tôi được gặp mặt chồng. Lúc bấy giờ mới biết ra là mấy tháng qua chúng tôi chỉ nuôi cán bộ Cộng Sản vì thức ăn chẳng có anh nào nhận được. Mỗi ngày chúng chỉ cho các anh ăn cầm hơi thôi, thức ăn ngon chúng lấy hết rồi, chồng tôi ốm teo vì chẳng có gì bổ dưỡng cả.

      Tôi là một giáo chức nên cũng bị bắt đi “ học tập chính trị” mất hai tuần lễ ở Chương Thiện (Vị Thanh). Nói học tập chớ thật sự là vào phòng học ngồi nghe tên cán bộ giáo dục chưởi “ Mỹ Ngụy”. Sau đó hắn bắt chúng tôi phát biểu ý kiến. Ý kiến đó là lặp lại những lời của hắn và phải nguyền rủa “Mỹ Ngụy” thêm mới gọi là học tập tốt. Thật ngán ngẫm tình đời, những người bạn ngày nào thân thiết, đầy tình nghĩa với mình mà nay họ trở mặt quay lưng tố khổ và chà đạp mình thậm tệ. Mỗi lần phát biểu ý kiến tôi ngồi lặng thinh, chờ đến sau cùng bị tên cán bộ nêu đích danh thì tôi đứng lên ấp úng:

-Tôi… không có ý kiến gì hết.

Tên cán bộ vỗ bàn:

– Chị đừng tưởng tôi không biết gì nhá. Chị là vợ ngụy, chị ngoan cố không muốn cải thiện, không giác ngộ theo về với cách mạng thì chị đừng hòng chồng chị được thả về sớm.

     Ngày nào tôi cũng bị hắn xài xể, mắng nhiếc nặng nề như thế, tôi thấy tủi thân, nhục nhã quá không thể ở lại được nữa. Tôi thầm nghĩ phải trốn về nhà thôi, đứa con của tôi mới ba tuổi vừa xa cha vừa nhớ mẹ làm sao nó chịu được. Thế là sáng sớm ngày hôm sau dù chưa xong khóa học tôi xách giỏ lẻn ra bến xe về nhà. Cũng may là chẳng ai truy cứu hay tra vấn gì về việc nầy cả ( hai năm sau, em gái tôi lên Ty Học Chánh Cần Thơ lãnh lương tình cờ thấy được tên tôi vẫn còn trong bảng danh sách lương của họ, ai lãnh? ).

    Tôi đã tự động bỏ nghề dạy học và bắt đầu theo các chị em cùng cảnh ngộ ra chợ trời chạy xuôi, chạy ngược để kiếm tiền nuôi con và lo cho chồng. Một ngày kia có tên Việt Cộng cấp bậc cao: trung tá, nhờ người quen giới thiệu tìm tôi để bán nhu yếu phẩm mà có lẽ hắn lấy cắp trong kho hàng Quân Tiếp Vụ nên ngại mang ra chợ bán. Hắn muốn tôi phải đến nhà hắn lấy hàng. Nếu mua được những loại hàng như vậy thì sẽ có lời nhiều nên tôi đành nghe theo hắn. Tôi dò theo địa chỉ và khi đứng trước căn nhà tôi sững sờ, rơi nước mắt vì đó là…nhà của anh chị Phước, nơi mà mấy tháng trước chúng tôi cùng đãi cơm hai vị niên trưởng. Tôi hỏi hắn:

-Tại sao ông ở đây?

Hắn không dám nói thật:

-Thằng cháu tôi đã mua nhà nầy, tôi chỉ ở nhờ thôi.

-Chủ nhà nầy là bạn của tôi. Ông có nghe chị ấy dọn đi đâu không?

 Lúc nầy tên Việt Cộng ra vẻ biết chuyện:

-Ờ, nhà nầy của “thằng Thiếu Tá Phước” mà. Nghe nói vợ y đã dọn về quê, hình như… ở Tây Ninh.

    Tôi buồn bã không nói lời nào, thế là các bạn cùng khóa trong gia đình Võ Bị ngày nào đã xa tôi hết rồi. Chị Khóa về quê tận miền Trung, chị Phước cũng đi xa, anh chị Hơn thì đã di tản sang Mỹ… Chị Hơn còn thiếu tôi món nợ là chị hứa với tôi mùa hè năm nay sẽ dẫn tôi xuống Chương Thiện chơi thăm chị Hồ Ngọc Cẩn vì chị rất thân với chị Cẩn. Chị đã hẹn với chị Cẩn sẽ dẫn thêm một người bạn xuống, chị Cẩn vui vẻ hứa sẽ tiếp đón các em. Riêng tôi cũng muốn biết xem tỉnh Chương Thiện như thế nào mà nổi tiếng không được an ninh ở vùng 4. Nhưng rồi mùa hè ấy mãi mãi không bao giờ đến. Tôi cũng không làm sao quên được cái ngày đau thương đất trời vần vũ, oán khí tràn ngập không gian, dân chúng cả thành phố Cần Thơ xót xa, ngơ ngẩn… Đó là ngày Việt Cộng đem Đại Tá Tỉnh Trưởng Chương Thiện Hồ Ngọc Cẩn ra hành quyết ở pháp trường bãi cát bên bờ sông Cần Thơ. Người chiến sĩ của QLVNCH oai hùng, bất khuất, anh dũng kia đã không cho kẻ thù bịt mắt, anh muốn nhìn thẳng vào nòng súng địch bắn vào mình và đã hô to “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm” trước khi gục xuống. Rất nhiều người đã âm thầm rơi lệ xót xa, thương cảm, kính phục mà không dám nói thành lời.

       Rồi kể từ đó tôi đã thật sự bước vào cuộc điêu linh, gian khổ. Những đắng cay tủi nhục, những vất vả ngược xuôi, lặn lội thăm chồng, những nỗi lo lắng nhớ thương… mãi đè nặng lên đôi vai gầy của một người vợ trẻ, không thể nào kể hết. Nhưng dù phong ba bão táp vây quanh, dù đất bằng dậy sóng tôi vẫn can đảm vượt qua, vẫn chiến thắng nghịch cảnh để chờ đợi ngày chồng trở về. Nữ văn, thi sĩ Tường Thúy (phu nhân của anh Hà Mạnh Sơn K20 Võ Bị) qua Tuyển Tập Văn Thơ “Thì Thầm Cùng Anh” đã diễn tả, đã nói lên tất cả những bi ai thống khổ, những nhớ nhung mong đợi, những khắc khoải lo âu, những nhục nhằn chịu đựng…  của một người vợ lính trong những ngày tháng đau thương đó. Đây không hẳn là tâm trạng của riêng chị Tường Thúy mà đó cũng là tâm trạng, hoàn cảnh, cảm nghĩ chung của hầu hết chị em chúng tôi “vợ những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa ”.

       Thời gian thoáng trôi nhanh như bóng câu ngoài song cửa. Tóc xanh ngày nào giờ đã úa màu phai sắc nhưng nỗi buồn, niềm đau vẫn còn bàng bạc, quấn quyện trong cơn gió nhẹ, trong màu nắng vàng của Tháng Tư lịch sử tang thương. Tuy nhiên tôi vẫn luôn mong mỏi, vẫn hy vọng, vẫn chờ đợi một ngày được trở lại quê hương trong vinh quang, rạng rỡ, một ngày đất nước thật sự thanh bình. Tôi sẽ về thăm quê ngoại, qua dòng sông xưa, nhìn con đò nhỏ, đi trên con phố cũ… để  tìm lại dư hương của một thuở nào còn sâu đậm giữa hồn tôi.

                           ViVân

* Quân Lệnh Cuối Cùng – Việt Dzũng.

May 14, 2020