Tiểu Sử:
Sinh ngày 06 tháng 1 năm 1950 tại Hà Nội.
Lớn lên tại Saigon, Định cư tại Hoa Kỳ năm 1995.
Sáng lập và Thư Ký tòa soạn Tạp Chí Văn Phong chuyên về văn học nghệ thuật tại Miền đông Hoa Kỳ từ năm 1999
Chủ Nhiệm Tuần Báo Văn Nghệ Washington DC từ năm 1997 cho tới nay
Cầm bút từ năm 1970, có truyện và thơ đang tại các tạp chí Văn, Văn Học, Bách Khoa, Nghệ Thuật (trước 75)
Tác phẩm :
1/ Tập thơ Lời Ghi Trên Đá do nhà Văn Nghệ xuất bản và Công Ty Phương Nam phát hành năm 2006
Bìa Đinh Cường- Phụ bản Cù Nguyễn- Ngọc Dũng- Đinh Cường
2/ Lời Ghi Trên Đá , CD Chín ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Minh Nữu từ các nhạc sĩ Tôn Thất Lan,Hồng NGuyễn, Việt Long, Trần Đăng Quang,Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Cẩn,Trịnh Xuân Ái. do Công Ty Phương Nam phát hành.
Kính mời quý vị nhấn vào những tựa đề dưới đây để thưởng thức các tác phẩm của văn thi sĩ Nguyễn Minh Nữu
Ở NHÀ MÙA CÁCH LY.
Thơ Nguyễn Minh Nữu.
XEM TRANH
Đứng trên đỉnh núi nhìn qua núi
Đìu hiu mây trắng níu chân chim
Về đây ta đã như cây cỏ
Ngắm bóng hoàng hôn lặng lẽ chìm.
(Xem tranh Lặng Lẽ của Đinh Trường Chinh)
ĐỌC TRUYỆN
Ghế đá dường như có trái tim
Đường khuya nhói lạnh bước chân đêm.
Cúi đầu thật thấp trong sương giá
Cảm tạ đời trong vạn nỗi niềm..
( Đọc truyện Nỗi Cô Đơn Của Đá của Minh Ngọc)
ĐỌC THƠ
Những cánh cửa xưa đóng lại rồi.
Trên phone còn giọng nói xa xôi
Thèm ly vang đỏ đồi sương trắng
Thèm được hồn nhiên rộn rã cười.
(Đọc bài thơ Bốn Năm Sau Ngày Anh Đinh Cường Ra Đi của Phạm Cao Hoàng)
ĐI DẠO
Che mặt bằng khẩu trang
Chân mang giầy đi bộ
Đi nhanh quanh khu phố
Vắng bóng người lang thang
Hoa rợp bờ hiu quạnh
Nắng thấp bờ tây phương
Một bóng cây vất vưởng
Một bóng người tha hương.
(Tháng 4/2020, qua rừng Belinger)
CÒN VÀ MẤT
Người hát “Tình Hoài Hương” đã mất
Mà “Tình Ca” vẫn tha thiết “tôi yêu”
Ngắt nhánh hoa hồng bên vườn nhỏ
Tiếc nuối đời sau tiếc nuối nhiều.
(Ca Sĩ Thái Thanh từ trần ngày 17/03/2020)
NHỚ BẠN
“Níu cao nguyên” xuống không tìm được (*)
Khuya ôm đàn hát tráng bi ca.
Bên hồ thông dựng như quân đứng
Gươm cùn, ngựa mỏi gối phong ba
Bên đồi nhớ lắm chiều hôm ấy
Dáng người như một bóng mây xa
(*) Với tay cao hết sức mình. Níu cao nguyên xuống để nhìn thấy em. Thơ Nguyễn Dương Quang. NDQ mất ngày 29/04/2020)
ĐÙA NGHỊCH VỚI MÀU
Khi vẽ một dòng sông
Nhìn như một cánh đồng
Điểm thêm vài nhánh lúa
Thành hoa vàng mênh mông.
Đôi mắt đậm mầu nâu
Thêm chút xanh lá mạ
Mặt người sao thấy lạ
Mang tia nhìn yêu ma
Trắng nhạt làm sương bay
Phủ thân người huyền hoặc
Những thần linh dấu mặt .
Ẩn mật qua kẽ tay
Đêm hóa thành cánh bướm
Hỏi người, em có hay.
NGUYỄN MINH NỮU
Tháng 5/2020
Khởi đầu tuyển tập GHI NHẬN 2020 này chỉ là nỗi thèm khát được sống như ngày xưa. Nay thì mỗi người trong một góc riêng, tự phong tỏa mình và đối diện với im lặng, thanh vắng, cách ly với cuộc sống bên ngoài. Khi bị cách ly hay tự cách ly với xã hội, mỗi người trở thành một ốc đảo riêng tư và vô cùng tịch mịch. Chúng ta vẫn phải ăn, vẫn phải thở nhưng dường như rơi vào nhàm chán với chính mình. Mọi chia sẻ dù vui hay buồn đều như đối diện với bốn bức vách, và nỗi cô tịch kéo dài.
Những dịch họa xẩy ra đem tới những hậu quả thảm khốc cho nhân loại, từ Đậu Mùa, Dịch Tả, Dịch Hạch mỗi đợt dịch số lượng người chết có khi lên tới nửa triệu người, nhưng chưa có đại dịch vào có số lây lan rộng khắp như đợt dịch Corona này. Chúng ta đang sống và thèm khát được ghi nhận lại những điều mắt thấy tai nghe.
Đồng hành với GHI NHẬN 2020 này là 30 người cầm bút sống trên nhiều châu lục, nhiều thành phố và quốc gia khác nhau, Chỉ giống nhau là muốn ghi xuống bằng Thơ, bằng Văn bằng Nhạc bằng Họa để chia sẻ cảm xúc của mình với mọi người,
Thảm họa dù do Con Người, dù do Thiên Nhiên rồi cũng sẽ phải chấm dứt, nhưng bi thương chắc chắn sẽ còn lưu lại trong trái tim rướm máu mỗi người. Như lời nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang viết xuống” “Đã bảo vết thương không nhắc nữa, nhưng sao nhìn thẹo vẫn bâng khuâng” (trong ca khúc Trên Đồi Arlington). Thực lòng cầu mong khi cuốn sách này đến tay các bạn thì những thảm họa đã trở thành ký ức, Một ký ức dẫu đau buồn cách mấy thì cũng là dĩ vãng.
Và còn lại đây vẫn là GHI NHẬN năm 2020 , tuyển tập viết xuống cái cảm xúc của nhiều người bằng Thơ, bằng Văn , Bằng Nhạc bằng Họa ghi lại.
Ngay ở nơi này.
Tranh bìa: Đô Thị Trầm Cảm – Tranh Trương Vũ.
Trình bày bìa Uyên Nguyên Trần Thiết.
Dàn trang Nguyễn Thành.
Đọc Bản thảo Trần thị Nguyệt Mai.
Phụ bản tranh của Đinh Trường Chinh – Trương Vũ – Duyên – Lê Triều Điển – Nguyễn Minh Nữu.
Biên tập và thực hiện : Đoàn văn Khánh – Nguyễn Minh Nữu.
Nhà Xuất Bản NHÂN ẢNH – California – USA.
Phát hành toàn cầu qua hệ thống Amazone :
https://www.amazon.com/Nh%E1%BA%ADn-2020-
Vietnamese-Minh-Nguyen/dp/1989993427/ref=sr_1_7?crid=1IYLZFS3110UW&dchild=1&keywords=
nhan+anh+publisher&qid=1604085145&sprefix=
nhan+anh%2Caps%2C208&sr=8-7
TRONG TUYỂN TẬP này, có sự góp mặt của Ba Văn Hữu HỘI VIÊN VBVNHNVĐBHK Hồng Thủy, Lãm Thúy và Nguyễn Minh Nữu.
Kính tặng chị Hồng Thuý, chị Lãm Thuý và anh Minh Nữu:
Chúc Mừng TUYỂN TẬP GHI NHẬN 202
GHI NHẬN HÔM NAY mới phát hành
HAI NGHÌN HAI CHỤC đã vang danh
BA MƯƠI TÁC GIẢ tâm mong định
TAM VỊ NHÀ VĂN BÚT ước lành
MINH NỮU, KHÁNH ĐOÀN lo thực hiện
THỦY HỒNG, LÃM THÚY phụ hoàn thành
CALI NHÂN ẢNH phần in ấn
CẦU CHÚC ĐIỀU MAY sẽ đến nhanh
Phương Hoa – NOV 9th 2020
Nguyên Đán ở bờ đông Hoa Kỳ
Hôm qua
Gió Bắc Băng Dương
Về đây lạnh cả chiếu giường tân niên
Phòng xuân
Ngỡ đã cài then
Lả lơi
Còn có bóng đèn thức khuya
Từ khi chung lối đi về
Chịu chung cay đắng sớt chia mặn nồng
Cái gọi là chút tình chung
Là nơi nương dựa
Sưởi lòng tha hương
Hôm qua gió Bắc Băng Dương
Đưa duyên Trừ tịch
Bén hương Giao thừa
Bên kia ngày đã sang mùa
Mà đây Nguyên đán vẫn chưa xuân thì
Riêng
Lòng còn chút hồ nghi
Xuân sao?
Lạnh gió thổi về hôm qua
Mguyễn Minh Nữu
Mênh mông trời Bất Bạt
Bất bạt ngừng ngay giấc ngủ ngày
Yên Kỳ ngàn mộ mở vòng tay
Đón tên phiêu bạt bao năm cũ
Mềm lòng quay lại cố hương đây.
Thắp nén nhang thơm ở giữa đồi
Nghe lòng thương nhớ đã trùng khơi
Xa trong cõi khác người quay lại
Rộng lượng Ba Vì , mây trắng thôi.
Muốn khóc lên cho nhẹ ngậm ngùi
Xin quỳ để thấy xót xa nguôi
Ai xui chim Việt về Nam nhỉ
Bốn chục năm trường nhạn lẻ đôi.
Nắng mới triêu dương trời đã tối.
Chồi chưa đủ lá đã phong ba
Lưu thân đi những phương xa lạ
Tiếp mạch thư hương, giữ nếp nhà.
Muôn dặm thiết tha hồn lữ thứ
Nồng nàn hương sắc Thủy tiên xưa
Trước mộ tâm dâng lời khấn nguyện
Nối dòng, xin nối lại dòng thơ.
Sơn Tây, Sơn Tây mưa lê thê
Đời sao hứa được lúc ta về
Gói cả núi đồi vào ký ức
Ta nhớ, và Sơn Tây nhớ nghe.
Nguyễn Minh Nữu
Gửi cái Hường Nhan
Hường nhan em là đôi mắt lanh đen
Ngơ ngác nhìn anh , em đóng phim hiền
Nhưng dấu thế nào được tia tinh nghịch
Chỉ liếc qua thôi anh đã biết liền.
Đôi mắt theo anh vào đêm mất ngủ
Nhớ mãi một người người rất hay quên
Hường nhan em là vạt tóc ngang vai
Vạt tóc như mây vạt tóc không dài
Bởi vạt tóc thiếu một bàn tay vuốt
Nên em cứng đầu như con gái Hà Tây
Anh ở đây giữa mùa thu nước Mỹ
Giữa gió lộng trời cuốn lá vàng bay
Thấy ngây ngất giữa núi đồi hùng vĩ
Thấy mây trời lòng lại như say
Hường nhan em là giọng nói rất nhanh
Giọng cao vút làm anh ngơ ngác ngó
Ríu rít như chim, suối rừng lá cọ
Bỗng chuyển giọng trầm mưa rạt rào quanh
Tiếng em nói mà sao như cơn lũ
Cuốn đời anh vào sóng nước âm thanh
Hường nhan em là những cái rất riêng
Như Sinh Nhật giữa công viên buổi sáng
Như nét buồn một thoáng lại cười vui
Em dấu cho em một chút ngậm ngùi
Chút ký ức ngây thơ thời trẻ dại
Em đã yêu chưa hỡi người con gái
Anh đang về trở lại tuổi thanh niên
Anh đang về trở lại tuổi thanh niên
Để bắt đầu yêu một người nữ không hiền
Nguyễn Minh Nữu
Rất Nhiều và Những
Rất nhiều những tách cà phê
Chẩy tan vào những đêm khuya một mình
Rất nhiều những lúc một mình
Chẩy tan vào những tự tình cà phê
Rất Nhiều và Những
Rất nhiều những tỉnh những mê
Chẩy tan vào những tái tê giọt buồn
Rất nhiều thơ đã khởi nguồn
Chẩy tan vào đất, chạy tuôn vào lòng
Rất nhiều những nỗi chờ mong
Chẩy tung tăng những long đong phận người
Rất nhiều lời nói trên môi
Chẩy trong quên lãng nên người xa tôi.
Nguyễn Minh Nữu
TRANG THƠ
của
NGUYỄN MINH NỮU
Thơ Tháng Giêng
Tháng Giêng tôi về trên những bờ xanh
Cảm khái ngân dài câu vọng cổ
Trăng đã qua cổ độ biết bao lần
Chân ngại ngùng và lòng rất phân vân
Lời em nói có bao phần sự thật.
Đời bóng xế, xá gì còn với mất
Hiu quạnh riêng, chật vật một đời chung
Hãy cứ bay đi, cánh én muôn trùng
Không đáng kể gì với người tuyệt lộ.
Cảm khái ngân dài câu vọng cổ
Trên giòng chia, sóng vỗ điệu hoài lang
Đã mười năm sao còn rất hoang mang
Nghe ai oán còn hơn lời ly biệt
Trau chuốt làm chi những giòng chữ viết
Khi tim người tận tuyệt nỗi chờ mong
Từ lúc xa người là khởi điểm lưu vong
Không ai sống một đời cho ký ức.
Cảm khái người ơi cõi nào tỉnh thức
Gửi cho nhau như lời chúc an lành
Tháng Giêng tôi về trên những bờ xanh.
Về nơi chốn đã rời xa
Sóng xô bạc tóc tự bao giờ
Về ngồi ôn lại chuyện xa xưa
Bằng hữu đếm không đầy những ngón
Tay khô điếu thuốc rụng ơ hờ.
Những tưởng một xa là mất cả
Con sông dòng cũ, bóng đò đưa
Ở giữa tim người là sóng dập
Dồn từng tiếc nhớ xuống trang thơ.
Đã biết bao phen dừng gót lại
Quê người nâng chén uống khơi khơi
Đâu cứ phong sương thì mới lạnh
Đêm nay nghe buốt đến tê người.
Thí dụ, chỉ là thí dụ thôi
Bất ngờ từ một chốn xa xôi
Người xưa về trước thềm năm cũ
Sảng khoái thơ vang một góc trời
Thí Dụ, chỉ là thí dụ thôi
Mà lòng rào rạt mấy trùng khơi
Đâu cứ phong sương thì mới lạnh
Đêm nay nghe buốt đến tê người
Nguyễn Minh Nữu
Tách chè thơm buổi sớm mai
Nâng tách chè thơm buổi sớm mai
Dáng người như một vệt sương phai
Lẫn vào hương thoảng trầm hương cũ
Lẫn cả hương đêm lúc rạng ngày.
Là lúc thời gian đọng giữa chừng
Không gian dường cũng rất mông lung
Mẹ nối bây giờ cùng quá khứ
Và gửi tương lai một tấc lòng
Con quấn trong chăn, đã dậy rồi
Nhưng nằm mở mắt ngắm xa xôi
Quanh con như lớp tơ mềm óng
Chỉ thở mà ngân tiếng nhạc vời
Thấp thoáng hương bay cuốn bệ thờ
Ánh mắt Cha nhìn như ánh thơ
Con thấy Mẹ nâng tay tách nước
Sao nghe rung động suốt mơ hồ
Thinh lặng giữa đôi bờ hư thực
Hương chè mạn lục thoảng qua môi
Hắt hiu một bóng soi trên vách
Mà khay vẫn có tách song đôi.
Những sớm mai kia, có chẳng nhiều
Mẹ già bạc tóc với cô liêu
Con thì phiêu bạt theo năm tháng
Đắng lưỡi tê môi với sớm chiều.
Đời con rồi ghé vào hưng phế
Đã biết bao nhiêu cuộc đổi dời
Tĩnh tâm chỉ có khi ngồi lại
Sớm mai nhớ Mẹ, tách chè thôi.
Sớm mai bên Mẹ tách chè thôi
Tâm nhẹ nhàng theo dáng mẹ ngồi.
Nguyễn Minh Nữu
Về lại Saigon sau 20 năm
Ta đã về đây lòng Đại Lộ
Thênh thang mà dạ chắt chiu buồn
Đăm đăm đôi mắt người thiên cổ
Vẫn dõi theo ta tới ngọn nguồn
Thoáng thế hai mươi năm khốn khổ
Mắt lệ ai, mà mưa vẫn tuôn
Cây đứng sao hiu hắt một mình
Lá rơi từng cặp lá song sinh
Ta về đứng ngẩn soi gương nước
Thấy bóng trăng che nhạt bóng mình
Buồn quá tay nâng ly rượu đắng
Gọi người phiêu lãng kiếp nhân sinh
Hành trang chỉ có vài trang giấy
Hồn Đường thi vọng rất hoang mang
Lưng nghe đã mỏi mòn sông núi
Chiêu niệm người đưa bóng hạc vàng
Về đây lòng vẫn ngoài biên tái
Đốt nén hương thương chuyện lỡ làng
Ta đã về đây vuông chiếu cũ
Thù tạc dường như thiếu mấy người
Ngâm lại câu thơ tình đắm đuối
Bật cười như chuyện tiếu lâm thôi
Thả xuống giữa bàn hoa giống lạ
Chờ xem năm tới sẽ đâm chồi.
Nguyễn Minh Nữu
Về giữa Saigon
Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Sao thấy lòng mình chia như nhánh sông
Quốc lộ 13 đi về phía Bắc
Qua hầm Thủ Thiêm để miết về Đông
Người bạn nước ngoài cầm bản đồ còn đi lạc
Ta thuộc nằm lòng đường phố cũng long đong.
Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Xa lạ mặt người thấm thía lưu vong
Xa cảng Miền Tây về phía Nam đất nước
Thấy được rất nhiều mà hiểu được bao nhiêu
Như cơn gió thổi giữa đồng bát ngát
Mái nhà tranh phơ phất khói lam chiều
Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Từ Hốc Môn về bỗng một cơn mưa
Ai đã nói một dòng sông giữa phố
Mà dắt xe đi, sóng vỗ nhịp mông người
Kỳ lạ quá những mảnh đời chịu đựng
Bình thản sống chung với Lũ quen rồi
Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Thấy cả hân hoan chen với ngậm ngùi
Đàn cá nhởn nhơ dưới dòng Nhiêu Lộc
Đứng trên bờ cả trăm kẻ đứng câu
Dòng kênh đen đã chuyển dần trong đục
Nhưng chuyển thế nào được một nghĩ suy.
Về giữa Saigon, nhìn ra bốn phía
Dâu biển lòng người hoang phế bao năm
Lối cũ rêu phong mắt đằm giọt lệ
Không chỗ cho người thất thế dừng chân
Hiu hắt quá ngựa xe đời hỗn độn
Ngơ ngác bóng người, trộn với bóng bâng khuâng
Về giữa Saigon mà chân bước chênh vênh
Chịu lạc lối ngay trong thành quách cũ.
Nguyễn Minh Nữu
VềBiển Đông
Về biển Đông mà nghe tiếng dân Chài
Lòng quặn đau soi vết thương bao ngày
xưa ra khơi một khoang đầy tôm cá
ríu rít cười con thuyền Việt Nam ơi
Nay ra khơi là thuyền đi với kinh hoàng
Máu đã ứa trào vào biển mặn nát tan
ra khơi tung lưới giữa trời
tay không sao chống súng dài
buồn con người mà quê hương từ nan
Ngoài xa thấp thoáng con thuyền về
tả tơi vết thương không nụ cười
không tôm không cua còn nước mắt
chúng cướp hết rồi người thân ơi
Vó lưới đã đành viễn khơi
giữ lấy xác người thôi đành
biển bây giờ còn Việt Nam nữa không?
Về Biển Đông còn đâu sóng xô bờ
Mùa bội thu nghe đã xa mịt mờ
khi ra khơi mà đôi giòng nước mắt
Biết thế nào …con thuyền Việt Nam ơi
Bao nhiêu năm rồi từng đêm khát khao chờ
sao cho yên bình vùng biển trời nước ơi
Nguyễn Minh Nữu
Tưởng Chỉ Mưa Thôi
Mới đầu tưởng chỉ mưa thôi
Ai ngờ bão nổi một thời oan khiên
Đôi ta kẻ trốn người tìm
Vui chung thì ít buồn riêng lại nhiều
Khóc sao cho hết tịch liêu
Nửa khuya nhìn ánh trăng treo bồi hồi
Mới đầu tưởng chỉ quen thôi
Ai ngờ nghiệp chướng kéo đời trăm năm
Chẳng ai biết được ai lầm
Nhưng trăn trở cả hai nằm không yên
Nhớ thì nhớ suốt ngày đêm
Càng thương tưởng lại càng thêm ngậm ngùi
Mới đầu tưởng chỉ vui thôi
Ai ngờ buồn đến đến rã rời thịt da
Cám ơn kẻ bỏ đi xa
Cho ta biết vị muối pha trong lòng
Ở đây thừa cái lạnh lùng
Thế mà nhớ kẻ nghìn trùng …lại thương
…
Thương sao cho được mà thương
Nguyễn Minh Nữu
Ở Times Square, New York
Giữa cả ngàn người ở Times Square.
Em ở phía nào sao anh không thấy
Thấp thoáng rất quen ở quanh đâu đấy
hơi thở ai thơm mùi biển Thái Bình
Giữa cả ngàn người, cả trăm ngữ điệu
Hòa lẫn chật đường New York chiều nay
Làm sao anh gặp được cái đắm say
Của cái ngày xưa mưa bay Đà Lạt
Ở Times Square chiều nay bát ngát
Có kẻ lạc đường chân bước phân vân
Mặt trời xuống rồi đêm Manhattan
Nhiều lần anh quay về sau tìm kiếm
Người rất đông người mà sao quá hiếm
Một đôi mắt huyền đăm đắm trông ngang
Anh vẫn là anh một khách lang thang
Quanh quẫn mãi giữa hàng hàng lớp lớp
Ơi nỗi ưu phiền chén đời quá hớp
New York đêm về ngợp bóng đèn loang
Em ở đâu rồi Châu Á hồn hoang
Giữ lấy lòng anh một chàng lãng tử.
Nguyễn Minh Nữu
THI THÁNH.
Truyện Nguyễn Minh Nữu
Lời Mở : Nhận vật và tình tiết trong truyện là do tưởng tượng. Xin đừng nghĩ rằng tôi nhắm vào ai, bởi vì, trước nhất tôi cũng là một người làm thơ, cũng đã gửi bài đăng trên báo giấy, báo mạng, trang web bạn bè và cả trên facebook của mình, nên nếu bạn nghĩ tôi đang nói về tôi thì cũng được, nhưng tốt nhất là nên nghĩ về một nhân vật ẢO thì vui hơn.
Sinh là một người làm thơ giỏi. anh ta có thể làm đủ loại thơ từ lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, bài nào cũng đúng vần, đúng luật. Sinh làm thơ nhiều, cho nên anh gửi bất cứ nơi nào anh có địa chỉ, báo ngày, báo tuần, báo tháng, báo năm, báo trang web trên mạng, và cả những người có lập trang trên hệ thống internet. Mỗi khi có dịp đi đến đâu, anh ghi chú các địa danh nổi tiếng để khéo léo ghép vào trong thơ, sau đó thêm vào một chút hương vị thương nhớ ,tình yêu gì đó, thí dụ đến Cần Thơ thì trong bài phải có bến Ninh Kiều, Hậu Giang, đến Huế thì phải có cầu Trường Tiền, tà áo tím, về Đà Nẵng thì thêm đỉnh Bà Nà, Cầu Hàn… Thơ gửi tới khắp các báo đài địa phương, Địa phương thấy nhắc đến các địa danh riêng mà lại đang dư trang thiếu bài, thế là gửi nhiều rồi cũng có bài được đăng. Sinh chụp lại đưa lên facebook khoe thêm lần nữa. Còn nếu đang trên các trang báo mạng thì viết lời cám ơn, chép lại đường dẫn. Lâu ngày, bút hiệu của Sinh cũng khá quen thuộc trong giới văn nghệ .
Nhưng làm thơ giỏi không có nghĩa là làm thơ hay. Cũng có người bạn thân tình nói với Sinh như vậy, và dẫn chứng có nhiều người làm thơ có khi chỉ năm ba bài mà ai cũng đọc và trân trọng, ghi nhớ, thí dụ ngày xưa như Hữu Loan , Thâm Tâm , gần đây như cô giáo Trần Thị Lam…
Sinh thực ra không phải người ương ngạnh, cho nên cũng có nghe, nhưng lòng riêng vẫn cho rằng thay vì làm được một bài thơ tuyệt tác, thì làm thật nhiều thơ trong đó cũng sẽ có một bài hay chứ. Sinh dẫn chứng như chuyện hai cô ca ve đó.
-Hai cô ca ve nào?
-Thì là chuyện kể thôi, thời quân đội Mỹ còn đóng quân ở Việt Nam, có hai cô ca ve thuê chung một phòng. Một bữa cô A đi về, trên tay đeo cái nhẫn kim cương 5 cara, cô B ngạc nhiên hỏi sao mày có. Cô A trả lời tao quen với một thằng Thiếu Tá Mỹ. Cô B gật đầu, một tháng sau cô B cũng có một cái nhẫn kim cương 5 cara. Cô A vui vẻ hỏi mày cũng quen một thằng Thiếu Tá hả? Cô B trả lời , đâu có, tao quen với 20 chục thằng Trung Sĩ thôi.
Bạn nghe , nổi giận. Ống ví chuyện làm thơ với chuyện đi khách là không lịch sự.
Sinh mỉm cười, im lặng, nhủ thầm lòng mình tranh cãi làm gì với thằng hẹp hòi đó. Nhiều lúc tụ họp bạn bè , khi chén rượu đầy vơi, cả bọn hứng thú, ngâm thơ, hát nhạc cho nhau nghe thật là thú vị. Có điều thơ ai thì người ấy đọc, nhạc ai thì người ấy hát, chẳng ai đọc thơ người khác vì thơ chính mình làm xong rồi bỏ đó có khi không thuộc lấy đâu ra mà thuộc thơ người khác.
Những lúc một mình, Sinh thầm tự hỏi làm thế nào để viết ra dược một bài thơ hay. Mà một bài thơ như thế nào là hay?. Nghĩ hoài không hiểu được. Chuyện là một hôm ngồi đối diện với màn hình trắng toát, lòng trống không, đầu óc mơ mơ màng màng, bỗng dung tháy gió thổi rì rào rồi từ xa bước vào một chàng thư sinh mặc trang phục trắng theo như kiểu cách ngày xưa, đầu đội khăn, mặt đẹp như ngọc. cắp mắt sáng , môi đỏ thật duyên dáng.
Sinh : “Vội vàng đón hỏi gần xa. Thần tiên lạc lối đâu mà đến đây” (Kiều).
Chàng thư sinh khiêm cung chắp tay chào lại và nói: “Vì ngài khao khát muốn gặp, nên ta khởi nhã ý tới đây hội diện, Ta là Thi Thánh đây”.
Sinh kêu lên mừng rỡ: “Ôi trời… Tôi là người từ nhỏ đã hết lòng yêu quý và trân trọng thơ ca, trải qua sáng tác viết xuống cả năm ba ngàn bài mà chân lý mong tìm cho một bài thơ bất tử vẫn chưa tìm thấy. Khao khát cầu hiền, mong được chỉ lối sáng ra khỏi đường mê, nay được gặp ngài thật là hữu hạnh”.
Thi Thánh cười nhẹ: “Thơ không phải là vật trang trí , mà là huyết lệ của mỗi tầng cảm xúc. Thơ chẳng phải viết ra để thỏa lòng yêu thích, mà phải bắt nguồn và nối tiếp bởi muôn ngàn cảm xúc từ người thưởng ngoạn, cái đó, hạ giới không nhìn được, nhưng cõi trên đong đo đếm được từng cảm xúc thật của người ngoài đối với một bài thơ được viết ra, và ta chính là người thu thập dữ liệu cho ghi nhận đó”.
Sinh cung kính: “Thật là hay quá, xin ngài có thể cho tôi được nghe một vài bài thơ của ngài để tôi học hỏi hay không?”.
Thi Thánh cười lớn: “Ta không làm thơ”.
-Không biết làm thơ mà sao là Thi Thánh được?
Thi Thánh nói ngọt ngào: “Thế đấy bạn ơi, bạn cũng như nhiều người hiểu lầm lắm. Trời sinh ra một người làm thơ là cho họ thiên khiếu hơn người về thẩm mỹ, nên họ đọc một bài thơ là lập tức có cảm nhận được đây là bài thơ ở trình độ nào, nhưng chia sẻ được cảm xúc, thấm thía được nghĩa tình, rung động được hàm ý. Chuyển tải được khắp nơi, ghi nhận được trong lòng, nhớ ra được khi cần thì lại thuộc một thành phần khác, đó là quần chúng. Trong quần chúng đó cũng có thể có người làm thơ , nhưng khi đó họ đóng một vai khác”.
Nghỉ một chút, Thi Thánh chỉ tay về phía xa xa: “Nơi đó là một khu rừng bạt ngàn không giới hạn, tất cả những cây trong đó là những người làm thơ từ bao đời nay, họ còn sống hay họ đã chết không ảnh hưởng gì đến sự sống còn và phát triển của cây. Thực ra như thế này, mỗi người khi trót làm ra một bài thơ, thì trong khu Thi Lâm đó lập tức nảy lên một chồi tích trữ suốt một đời của một người làm thơ đó. Cho nên trong Thi Lâm có những cây cao vạn trượng, tỏa bóng mát ra cả một vùng rộng lớn, có những cây lừng lững như bóng núi, tỏa ảnh hưởng suốt một vùng thời gian, có những cây cao vừa tầm dáng người, cũng có hoa , có lá nhưng chỉ chưng lên gọi cho là có chứ chẳng ai để ý tới ai , và có những cây suốt đời, suốt cả một đời luôn vẫn không cao hơn ngọn cỏ”.
Thi Thánh nói tiếp: “Ngài có muốn theo ta đi thăm một khoảng Thi Lâm không? Ta là người chịu trách nhiệm trông nom bảo tàng Thi Lâm, nên được phong chức Thi Thánh, tương tự như coi sóc một con sông thì gọi là Hà Bá, coi sóc một ngọn núi thì được chức Sơn Thần vậy thôi, chứ không phải người làm thơ”.
Thi Thánh dứt lời, đứng dậy, tay áo phất phơ dời khỏi vị trí. Sinh thảng thốt bước theo… chỉ chút sau đã thấy mình đang ở giữa rừng bạt ngàn, cây cao cây thấp chen nhau, có cây mỏng manh như Liễu, có cây hùng vĩ như Tùng, có cây nghiêng theo dáng núi , có cây uốn lượn thế suối… trăm nghìn kiểu dáng khác nhau. Có cây rậm rạm chi chít lá non, có cây lốm đốm lá vàng, có cây lá úa quắt queo hoặc có khi lá đã hủ nát vẫn bám vào thân. Dưới những cây đại thụ khổng lồ, lại có rất nhiều những cây nho nhỏ, nhưng không có nắng chiếu vào nên cây cành còi cọc… Sinh tò mò muốn hỏi nhưng chưa biết đề cập từ đâu. Chỉ tay vào một cây đại thụ tỏa bóng rợp trời , Sinh hỏi đây là nhà thơ nào.
Thi Thánh lắc đầu: “Không phải ta muốn dấu, nhưng thực là không thể nói ra. Những cây cao lớn như vậy là những nhà thơ mà thơ của họ chấn động tiền nhân, bàng hoàng hậu thế, bài thơ viết ra sống trong tim nhiều người, nên mỗi lòng xúc động của một người là cây có thêm một lá xanh non, thêm một nhánh tưởng nhớ. Cái vĩnh viễn sống đời là Tác Phẩm chứ không phải Tác Giả. Như Ngài thấy có những cây lốm đốm lá vàng, đó cũng là lòng cảm xúc nhưng chưa là kính phục, hay những chiếc lá mục nát là những lòng khinh thị dè bỉu của người đời. Tác phẩm càng được nhiều lòng kính trọng yêu thương chia sẻ thì cây như có thêm phân, thêm nước, phát triển lớn lên hùng hùng vĩ vĩ…”
Sinh ngần ngừ một chút rồi hỏi: “Thi Thánh có thể chỉ cho tôi biết tôi là cái cây nào không?”
Thi Thánh gật đầu: “Ở trong Thi Lâm này, Ngài gọi tên ngài thì chẳng có ai đáp lại, nhưng nếu ngài đọc một câu thơ nào đó thì cái cây chủ của câu thơ đó sẽ rung lên và phát ra tiếng reo để ngài nhận diện.”
Sinh thú vị, nhưng chợt nảy ra một ý khác , bèn đọc một câu thơ của người khác coi cái cây thơ đó rung động ra sao, nên cao giọng ngâm lên:
Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương ấy , so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về….
Đọc vừa dứt, bỗng cây cổ thụ cao lớn xanh mướt hướng tây rùng rùng chuyển động và phát ra âm thanh như tiếng sáo trúc… Thì ra cây đó là cây thơ Nguyễn Du.
Sinh lại đọc tiếp:
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuả trần gian bay lướt qua.
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
Lần này thì ngay bên cạnh, cành lá một cây vạm vỡ vươn cao rùng mình và thoát ra một âm thanh nghe như tiếng sóng, thì ra cây thơ Tô Thùy Yên..
Qua hai thử nghiệm một Thi sĩ đã quá vãng, và một Thi sĩ còn đang hiện tiền. Lần này Sinh dùng sức bình sinh đọc hai câu thơ của chính mình mà chàng đắc ý nhất. Đọc xong, chả thấy cây cao nào rùng mình, chẳng nghe tiếng động nào vọng đến…Thi Thánh nhẹ nhàng chỉ ra phía bờ suối. Ra đó Sinh thấy một cái cây cao chừng một thước, cũng có rung, cũng có âm thanh nhưng độ rung yếu như gió thoảng và âm thanh nhỏ xíu như tiếng muỗi kêu. Trên cây có dăm ba lá xanh, nhiều nhất là lá vàng, và mươi chồi non, chồi nào cũng héo úa không thể phát triển được.
Sinh không hiểu hết ý nghĩa lá cây nên nhờ Thi Thánh giải thích.
– Lá xanh là tác phẩm được một người nào đó đọc và cảm nhận được trọn vẹn ý tình bài thơ, Lá vàng là bài thơ được đọc, được yêu thích những còn chút gì đó người đọc chưa hài lòng, lá úa mục là những lời chê trách chân tình của người đọc lướt qua. Cái nặng nhất là những chồi non mà bị héo khô, đó là những bài nhận định về thơ, viết ra từ sự giả dối, hời hợt có thể vì tình thân nên viết, có thể do nể nang nên viết, có thể do nhận tiền nên viết, Lẽ ra những cái đó nếu là những cảm xúc chân thật, nhận xét chuẩn xác thì trở thành cầu nối để người sau đọc và thấu hiểu thơ hơn, thành những chồi non, thêm lá mới, phát triển thành cành thành nhánh cho cây, thì nay lại trở thành èo uột, thui chột, héo tàn ngay khi vừa nảy mầm ra, chẳng những làm cây xấu đi , mà còn cho cây khó phát triển sau này.
Sinh cúi đầu nghĩ ngợi, quay lại thì Thi Thánh đã biến mất hồi nào. Sinh ngoái người tìm quanh, chợt vấp phải gốc cây ngã nhào và bất tỉnh. Hồi lâu sau tỉnh lại, nhìn lại trên bàn viết, còn đây bài thơ mới viết hôm qua, định gửi đi cho một tờ báo nào đó. Sinh đưa tay vo tròn tờ giấy, liệng thẳng vào thùng rác. Sinh nhủ thâm, đó sẽ là bài thơ cuối cùng.
Chính xác là Bài Thơ Cuối Cùng cho một thời ảo vọng, viết xuống không bằng cảm xúc mà viết như một kỹ năng, viết xuống không phải bằng niềm khao khát thiết tha nào mà chỉ là ham muốn đập cái tên của mình vào mắt mọi người, những bày vẽ, đỏm dáng nhìn lại thấy buồn.
Kể từ ngày mai, có lẽ rồi thì Sinh cũng sẽ làm thơ, làm khi có thực sự cảm xúc và nhất là làm vì muốn chiêm nghiệm cho chính mình. Chợt bàng hoàng nhớ lại câu viết của Raine Maria Rilke trong Mười Bức Thư gửi người Thi Sĩ Trẻ Tuổi: ” Đừng hỏi ai hết, không một người nào đem đến cho ông lời khuyên giải hay giúp đỡ. Hãy tự hỏi chính ông rằng nếu người ta cấm ông viết, có làm cho ông phải chết đi không? Nhất là, ông hãy tự hỏi vào giây phút thầm lặng nhất trong đêm tối, tôi có thực sự cần phải viết hay không. Nếu ông có thể đối mặt với câu hỏi nghiêm trọng này bằng một câu trả lời dứt khoát giản dị “Tôi phải viết”, vậy thì ông hãy xây dựng đời ông theo mối nhu cầu tâm tư ấy. Ngay trong những giây phút lạnh nhạt nhất, hoang trống nhất, đời sống của ông phải trở thành dấu hiệu và chứng tích cho lòng khao khát thôi thúc ấy”.
Lời sau chót của người kể chuyện : “Tôi thực sự không biết rõ là sau Bài Thơ Cuối Cùng của một thời đó, Sinh có còn làm thơ nữa hay không, nhưng tôi thấy chàng vẫn viết miệt mài , và khuôn mặt chàng càng lúc càng sáng rỡ, tươi tỉnh và rất thanh tịnh. Có điều cái bút hiệu ngày xưa nằm đầy trên các truyền thông đó hoàn toàn không xuất hiện trên bất cứ báo đài nào”.
Cái tôi tự nghĩ là một Người yêu thơ và mê thơ từ thời thơ ấu chắc chắn không thể thanh thản sống, chắc chắn không thể tươi tỉnh và thanh tịnh nếu không được làm thơ nữa. Phải vậy không ta?
NGUYỄN MINH NỮU
Kính mời quý vị thưởng thức thi phẩm được phổ nhạc của
văn thi sĩ Nguyễn Minh Nữu
TuongChiMuaThoi_ThanhHung_Final.mp4
Mới đầu tưởng chỉ mưa thôi
ai ngờ bão nổi, một thời truân chuyên.
Đôi ta kẻ trốn người tìm
Vui chung thì ít buồn riêng lại nhiều.
khóc sao cho hết tịch liêu
nửa khuya nhìn bóng trăng treo bồi hồi.
Mới đầu tưởng chỉ quen thôi
ai ngờ nghiệp chướng kéo đời trăm năm
Chẳng ai biết được ai lầm
nhưng trăn trở cả hai nằm không yên
Nhớ thì nhớ suốt ngày đêm
càng thương tưởng lại càng thêm ngậm ngùi.
Mới đầu tưởng chỉ vui thôi
ai ngờ buồn đến rã rời thịt da
cám ơn người bỏ đi xa
cho ta biết vị muối pha trong lòng.
Ở đây, thừa cái lạnh lùng
thế mà nhớ kẻ ngàn trùng lại thương…
Thương sao cho được mà thương….
NGÁT THƠM KÝ ỨC
Ca sĩ Ngọc Quy trình bày
Nguyễn Quyết Thắng phổ thơ Nguyễn Minh Nữu
Truyện Cổ Tính Trên Bến Bình Đông
của nhà văn Nguyễn Minh Nữu
Với giọng đọc của Thanh Vinh và Minh Nguyệt
Phượng Xưa
Thơ Lê Minh Nữu – Nhạc : Nguyễn Quyết Thắng
Tiếng hát của ca sĩ Bạch Thảo
Nhạc phẩm Mưa Khuya Quá Vắng
Thơ của Nguyễn Minh Nữu- Nhạc Nguyễn Ngọc Linh
Hòa âm và trình bày: Minh Đăng
Clip: Trung Nguyễn
Trước Lúc Chia xa
Thơ Nguyễn Minh Nữu
Nhạc: Nguyễn Ngọc Cẩn
Tiếng hát của NHÓM BOY BAND K6
Clip: Trung Nguyễn
Dạ Khúc
Thơ của Nguyễn Minh Nữu– Nhạc : Nguyễn Ngọc Linh
Trình bày: Đinh Việt Hùng
Clip: Trung Nguyễn
Cuối Cùng Người Cũng Yêu Tôi
Thơ của Nguyễn Minh Nữu- Nhạc Nguyễn Ngọc Linh
Tiếng hát của ca sĩ Vân khánh
Clip: Trung Nguyễn
Hát Cho Những Kẻ Yêu Nhau
Thơ: Nguyễn Minh Nữu
nhạc: Nguyễn Quyết Thắng DC