Ngân Hàng Phước Đức -Vương Vũ

NGÂN HÀNG PHƯỚC ĐỨC

 

Đương nhiên đã là người là phải cúng bái theo một cách nào đó, nếu bạn theo đạo Thiên Chúa thì bạn phải thờ cúng chúa Giê Su, nếu bạn theo đaọ Phật thì bạn phải cúng Phật.  Nếu bạn ở một bộ lạc nào đó không liên lạc với loài người thì hoặc bạn phải thờ cúng nhiều thần thánh khác nhau.  Hoặc tệ hơn nữa bạn không biết thờ cúng ai thì ông phù thủy của bộ lạc hay một ông trùm nào đó sẽ bắt bạn thờ cúng họ. 

Nói tóm lại, khi bạn là con người và là dân thường thì bạn thờ cúng theo phong trào, còn những tên trên đỉnh thì nó thờ cúng theo cách qúy phái hơn, nhưng vẫn phải cúng vì ai cũng phải chết, và không ai biết khi chết thì mình sẽ cai trị ai hay ai sẽ cai trị mình.  Nói dài dòng như vậy để bạn thấy là tôi không thể làm khác được.  Mỗi bộ lạc, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo có cách cúng khác nhau vào những giờ giấc khác nhau.  Tôi là người Mỹ gốc Việt nên tôi cúng ông bà vào dịp Tết.

Ngày xưa hai vợ chồng tôi trẻ khỏe hơn nên dù bận rộn với công việc, con cái, v…v…, mà laị có thể bày ra cúng kiến nhiều hơn dù bây giờ con gái duy nhất đã đi làm xa, và hai vợ chồng thì đã nghĩ việc.  Ngày xưa chúng tôi cúng ông Táo, cúng Phật và ông bà đêm 30, cúng tiễn đưa ông bà mùng ba Tết, vợ tôi nấu bánh chưng, thịt heo kho, đồ xào, canh, v…v…, nhưng năm nay chúng tôi chỉ cúng Phật và ông bà đêm 30, và chỉ cúng chay.  Thôi kệ, ông bà qua Mỹ ăn Tết với con cháu, ăn ít lại và ăn chay cũng hợp thời trang và bớt bị cholesterol cao thì cũng là điều tốt, còn nếu có bất mãn, muốn chửi thì cũng phải đợi ít nhất 10 mấy năm; hổng chừng các cụ lúc đó cũng đầu thai mất tiêu rồi.  Bởi vì biết chắc không bị trách móc nên vợ tôi muốn cúng gì cũng được miễn ngày Tết là phải cúng để tôi thắp vài nén nhang mời ông bà, cha mẹ, bà chị, thằng em về chung vui là được.

Như đã nói ở trên, chúng tôi là dân thường, mà cũng chẳng phải là ngọn đuốc soi đường cho bất cứ ai về bất cứ vấn đề gì, nhất là vấn đề đạo đức, nên hễ cúng, hễ bái là chúng tôi cầu xin.  Mấy chục năm nay lúc nào cúng bái ai chúng tôi cũng cầu xin.  Dù có hơi thắc mắc nhưng tôi không bao giờ lắng nghe xem vợ tôi cầu xin chuyện gì, nhưng tôi chắc là cũng không khác lời cầu xin của tôi là mấy.  Đã là con người thì đàn ông hay đàn bà nhu cầu cũng giống nhau cả, đại khái thì con người rút cục thì cũng chỉ là con người mà thôi. Tôi cũng biết vào chi tiết thì lời cầu xin của hai vợ chồng sẽ rất khác biệt, thí dụ như tôi chỉ cầu xin có đủ ăn, đủ mặc, có cái nhà đừng bị hư hỏng qúa nhiều, gìa rồi không có sức mà sửa, nhưng chắc vợ tôi sẽ xin thêm chút đỉnh để đi shopping, thêm chút nữa để mua được cái nhà mới hơn, không bị hư nhiều cái nhà xây hồi thế chiến thứ hai này.  Đàn bà mà, họ sẽ đẩy bạn tới mức cuối cùng mà bạn có thể làm được, bất kể bạn là con, là chồng, là cha mẹ, v…v… thì với họ thánh thần, trời phật, ông bà, những người ở một thế giới có nhiều quyền phép taị sao không xin cho nhiều một chút, giống như vợ tôi thường nói,

“…đằng nào cũng mang tiếng đi xin rồi, tại sao không xin cho nó đáng…”

Đaị khái là nếu anh mở miệng nói câu,

“…cầu xin ông bà, trời phật phù hộ cho con trúng số 1 triệu…”

thì mình giữ nguyên tất cả chỉ đổi số 1 thành 10 thôi, đâu có gì đâu.  Còn tôi là đàn ông thì cũng biết cái gì cũng có giới hạn của nó, xin bao nhiêu đó mà mấy chục năm còn chưa có huống chi đòi xin gấp 10 lần như vậy.  Không phải nói nịnh chứ thật ra tôi cũng thấy các vị cũng linh hiển, có xin có cho.  Có khi cho lai rai cho có <để nó đừng làm phiền> thí dụ như lâu lâu tôi cũng trúng được mười mấy đồng, có khi cho rất hậu…., có khi chỉ cho 1 bài học trúng số….

Cái bài học trúng số đó nó ác dã man.  Lần đó tôi dò số…cũng như mọi lần, tôi liếc sơ qua vì không tin mình sẽ trúng, vì tôi không tin vào các cụ…nhưng được nửa chừng, tim tôi đập thình thịch…trời ơi hình như ít nhất đã có bốn số trúng.  Cái loại vé số tôi mua tên là “Super Lotto”, nó có năm số từ 1 tới 47 và một số từ 1 tới 27.  Bạn trúng luôn 6 số là bạn lãnh ít nhất 2 hay 3 triệu lên tới cả trăm triệu nếu có nhiều kỳ liên tiếp không ai trúng số độc đắc.  Kỳ đó tôi nhớ số độc đắc cỡ chừng hơn 12 triệu.  Nếu ở đời bạn phải chơi xổ số và cuộc đời bạn sẽ được thay đổi khi bạn trúng số độc đắc thì cứ tưởng tượng bạn sẽ run thế nào khi thấy mình trúng 4 số liên tiếp trong 6 số…bạn cảm thấy run cỡ nào thì lúc đó tôi cũng run giống vậy.

Tôi không dám xem tiếp số thứ 5 nên lấy một tờ khác chồng lên trên, kéo từ từ xuống góc mặt xem con số cuối cùng….nó trúng luôn.  Tôi lật lẹ tờ trên để xem toàn bộ thì không trật số nào…6 con trên tờ vé số trùng với 6 con trong mạng xổ số của bang Cali.

Tôi không muốn mất thì giờ của các bạn với những ước mơ tôi vẽ ra trong đầu với đủ thứ cảm giác, lo, sợ, mừng, run,…  Cái cuối cùng tôi làm là nâng niu nó…và kiểm soát lại mọi chi tiết….khi đó tôi mới nhận ra đó là tờ kết quả chứ không phải tờ vé số tôi mua.  Ở đây, chỗ bán họ in ra chừng chục tờ kết quả rồi để trên quầy cho ai muốn so với vé mình mua cho mau lẹ, khỏi cần về nhà lên mạng.  Cái vấn đề là tờ kết quả và tờ vé số hoàn toàn giống nhau về hình thức trừ những chi tiết họ in trên đó.  Nếu bạn chỉ chăm chú nhìn vào con số thì bạn không biết đó là tờ kết quả.

Đó…ai bảo người chết không biết diễn hài?  Các cụ chơi thằng cháu một cú dã man…nhưng tôi thật tình hãy còn có chỗ nghi.

Chuyện các cụ hay trời phật linh hiển tôi qủa thật nửa tin nửa ngờ.  Lấy thí dụ, tuần nào tôi cũng mua sổ xố 2 lần, trật nhiều hơn trúng.  Theo khoa học thì chẳng có gì sai, nhưng bạn sẽ nói sao khi tôi vừa mới cúng kiến hay mơ thấy người này người nọ thì lại trúng?  Thật ra nó cũng không hẳn như thế, nhưng tôi chỉ lấy vài thí dụ để thấy là, không phải người khuất mặt muốn cho là cho và cho bao nhiêu cũng được.  Để tôi kể cho bạn nghe vài chuyện gỉa tưởng <chuyện gỉa mà tưởng tượng như thật>.

Một hôm tôi nằm mơ thấy gặp tất cả ông bà cha mẹ chị em đã khuất, tôi hỏi họ một câu,

“Lâu nay ông bà và bố mẹ có mạnh khoẻ, an vui không?”

Ông tôi cười trả lời,

“Cũng được cháu ạ, mọi chuyện vẫn như thường.”

Bố tôi thì nói,

“Nhờ trời mọi người ở đây không đau ốm nên đi làm thêm chút đỉnh cũng không thấy mệt nhọc”

Tôi hơi ngớ người tỏ vẻ không hiểu, thì bà tôi giải thích,

“Ồ cũng chẳng có gì, ông bà và bố mẹ cháu tình nguyện đi làm thêm giúp đỡ người ta một chút thôi.”

Tôi vẩn chưa hiểu hỏi lại,

“Cháu vẫn chưa hiểu hết, những người trên đây đã mất không lẽ còn thiếu thốn mà phải giúp đỡ?” Mẹ tôi nói,

“Không con à, ông bà bố mẹ đi giúp cho những người còn trên dương thế.”

Nghe thế tôi hơi tị nạnh lên giọng hờn trách,

“Trời ơi, tụi con trên đó cũng đâu có dư giả gì, mà mỗi lần cúng kiến đều cầu xin ông bà bố mẹ, chị, và em Xuân giúp đỡ mà chẳng thấy cái gì, trong khi đó ông bà bố mẹ và chị em mình thì rảnh rỗi lo cho người dưng.”

Thằng em tôi nãy giờ vác bộ mặt chù ụ mà tôi chẳng biết vì sao, dấm dẳng nói,

“Sao ông bà bố mẹ không nói thẳng cho ảnh nghe, ảnh lớn rồi thì cũng phải hiểu chớ.  Nếu ông bà bố mẹ còn cưng chiều ảnh không muốn nói thì để con nói.”

Tôi còn đang ngớ người không hiểu chuyện gì đã xảy ra, thì nó đã xoay sang tôi, cao giọng,

“Anh có nhớ ngày xưa anh súyt bị xe lửa tông chết không, ở cái đường rày gần chợ Vườn Chuối đó?”

Tôi hơi đỏ mặt gật đầu.  Chuyện đó xảy ra vào lúc tôi khoảng 16, 17.  Vào một buổi chiều, tôi đang lang thang không biết đi đâu, ở nhà thì buồn, tới kiếm mấy đứa bạn thì tụi nó lại đi đâu mất.  Tôi buồn đi lang thang lúc để ý thì thấy mình đang đi trên đường rầy xe lửa, hai bên là nhà, và có nhiều người lớn con nít đang chơi trước sân.  Tôi chả để ý tới họ mấy và họ cũng vậy.  Tôi lấy thăng bằng đi trên tà vẹt được một lúc thì nghe tiếng còi tầu, tôi liền bước xuống và đi ra cách đường sắt khoảng 1 mét để tránh con tàu vì tôi không phải là kẻ chán đời đang đi tìm cái chết.

Tôi chỉ muốn bước khỏi cách đường ray chừng 1 mét, nghĩa là vừa đủ an toàn cho tôi nhưng cũng làm cho những người chung quanh thấy tôi gan dạ cỡ nào—không hề tránh sự nguy hiểm đến với mình dù nó đến bằng chiếc xe lửa làm bằng thép—lúc đó tôi mới khoảng 16, 17 tuổi.  Tôi đi thêm được chục bước thì nghe tiếng còi tàu hú liên tục hơn, gịuc gĩa hơn cùng với tiếng la ó của mọi người át cả tiếng rầm rập của đoàn tầu hỏa.  Trong lòng tôi thấy hãnh diện vì sự cam đảm của tôi làm mọi người chú ý, tôi gỉa bộ không biết cứ cúi mặt lầm lũi bước song song nhưng thật ra đã cố đi ra ngoài thêm một chút.  Chỉ chừng một phút sau, tôi hết hồn vì tiếng hét kế bên tai và tiếng gió sát bên đùi.  Tôi quay đầu nhìn sang phía đường ray thì thấy chiếc tàu hỏa đi sát bên mình, và nếu tôi không bí mật bước xéo ra ngoài trong vài bước cuối thì đã lãnh trọn cú đá của anh chàng ngồi trên bậc thang của cái đầu tầu hỏa, có thể anh ta đã chỉ muốn đạp tôi ra để cứu tôi nếu tôi đã không bước xa thêm một chút—tôi chỉ mới 16, 17—ngay lúc đó tôi nghĩ các toa tàu chỉ hẹp ngang đường ray mà thôi…

Sau này có kinh nghiệm hơn, bất cứ khi nào tôi nghĩ mình sẽ làm chuyện ngu xuẩn thì tôi sẽ lấy khoảng cách an toàn gấp 2. 3 lần khoảng cách an toàn mà tôi đã dùng trong lúc đó.  Tuy vậy nhiều lúc cái ngu của con người vẫn không có khoảng cách an toàn nào cho đủ, dù tôi đã lớn khôn hơn và đầu đã có sạn.

Các bạn nghĩ rằng tôi hơi lạc đề, suy nghỉ lòng dòng khi thằng em hỏi tôi, nhưng thực sự tất cả nhưng gợi nhớ đó xảy ra trong chớp mắt, cho nên khi tôi gật đầu công nhận thì cũng chẳng làm gián đoạn hay làm loãng cái sự bực bội trong lòng chú ta.  Vẫn giọng nói đó nó đưa tay chỉ rồi hỏi,

“Anh có thấy cái tòa nhà đó không?”

Trước khi chú ta chỉ thì đó là khoảng không, nhưng tôi nhìn lại theo ngón tay thì thấy một tòa building rất lớn có nhiều cột bự phía trước và trên nóc có hàng chữ thếp vàng lóng lánh chói mắt, “NGÂN HÀNG PHƯỚC ĐỨC”.

“À, cái chú này ỷ mình chết trước nên định lòe thằng anh chứ gì. Cứ đợi đó, mai mốt anh cũng chết xuống đây xem ai hơn ai; dù có là ma mới tao cũng là anh mày!”  Tôi nghĩ nhanh trong đầu.

Có vẻ chú em đoán được tôi nghĩ gì, chú ta dịu giọng giải thích,

“Ở đây những người thường chỉ thấy được những cái mà người khuất mặt muốn họ nhìn thấy. Chẳng phải em tài giỏi gì, mai mốt anh lên rồi anh muốn làm gì anh làm, mà em thật sự cũng hơi lo vì không biết anh sẽ đi đâu…thôi mình khoan nói những chuyện đó, anh đoán xem nó có dính líu gì tới anh?”

Nhìn tên cái ngân hàng tôi cũng đoán được đại khái đó là ngân hàng mà ông bà tổ tiên tôi hay mọi người bỏ phước đức mình vào đây, nhưng cách nó vận hành ra sao thì tôi chịu.

Chú em nhìn thấy câu hỏi trong mắt tôi nên nóng nảy gỉai thích luôn,

“Nhìn cái tên ai cũng biết ngân hàng đó chứa cái gì, mình có bao nhiêu phước thì bỏ vào đó, nhưng khi nào thì lấy ra và có điều kiện gì không thì chỉ có khi nào anh ở trên này anh mới biết. Để em giải thích cho anh nghe….”

Nó liếc mắt nhìn ông bà, bố mẹ tôi nhưng làm ngơ không thấy những cái lắc đầu nhè nhẹ như mây khói của họ, nó nói tiếp,

“Cái kỳ đó, ông đã lấy hết số phước đức của các cụ để lại cho gia đình mình để đẩy anh ra xa vài bước khỏi cái đường rầy đó…”

Nó nhìn vào ánh mắt nghi hoặc của tôi rồi nói chắc như đinh đóng cột,

“…đúng vậy, anh tưởng là anh đã nghĩ phải bước ra vài bước cho an toàn, nhưng những ý nghĩ đó đã được ông dùng tiền phước đức mua những hạt nhân tốt gieo vào đầu anh, rất may cái căn bản anh chưa mất hết, nên anh tiếp nhận được những hạt nhân đó thoát chết để tiếp tục phá hết những đồng phước đức tiết kiệm mà ông bà, bố mẹ đã gởi vào đây để giúp những con cháu khác.”

Nó làm tôi hết sức lúng túng và mắc cở, cũng may chỉ có tôi và những người khuất mặt nếu không tôi không biết sẽ để mặt muĩ vào đâu.  Để chữa thẹn tôi nói liều,

“Nếu đúng như vậy thì phước đức ông bà cha mẹ cũng là để cho con cái chứ để làm gì?”

Nó lắc đầu như chịu thua thái độ ngang bướng của tôi nhưng rồi như thương hại cố gắng gỉai thích thêm lần nữa,

“Đương nhiên là phước đức là để dành cho con cháu và đứa nào có phúc phận thì đứa đó được hưởng nhiều hơn, và cái Ngân Hàng Phước Đức đó có luật cấm mang tiền phúc đức xài cho chính mình, chỉ được xài cho con cháu nào có điều kiện.”

Tôi bắt được câu này của nó liền nói,

“Đấy, chính chú nói là tiền phúc đức chỉ được xài cho con cháu và những đứa có điều kiện, có thể anh có nhiều điều kiện hơn các anh chị em khác nên ông bà bố mẹ giúp anh đấy thôi.”

Thằng em laị lắc đầu chán nản,

“Không hẳn thế đâu, nó có nhiều khuất khúc lắm, trên này dù tốt đẹp hơn dưới đó nhưng vẫn có vài điều….”

nó kín đáo liếc quanh rồi tiếp,

“Ngân Hàng còn nhiều điều lệ phức tạp lắm, không thể một lúc mà nói hết được, nhưng cái chính em muốn nói là dù luật lệ khắt khe thế nào đi nữa cũng không qua được lòng thương con thương cháu của ông bà cha mẹ.   Có nhiều trường hợp họ biết đấy nhưng làm ngơ chỉ khi nào qúa lắm hay có ai thưa kiện thì mới can thiệp.  Tóm lại ông bà bố mẹ đã nuông chiều anh qúa mức xài hết tiền phước đức trong ngân hàng để giúp đỡ anh….”

 

Hèn chi…hèn chi…tôi và vợ cúng kiến cầu xin bao năm chẳng được gì ngoài vài đồng lẻ trúng xổ số. Nếu một ngày nào đó bạn giống tôi, cúng kiếng ông bà bố mẹ anh chị em tốn biết bao tiền mà không thu được về đồng cắc nào, thì hãy bình tâm suy nghĩ lại…biết đâu…biết đâu….bạn đã có một lần như tôi bước chân vào đầu xe lửa hay làm những chuyện gần giống vậy.

Vương Vũ

July 22, 2020