Ký Ức Huyền Ảo- Ngọc Cường

Ký Ức Huyền Ảo
* Ngọc-Cường
Khác với bình thường, hôm nay, từ sớm, Ân đã lo sửa soạn quần áo. Đóng bộ xong, chàng ngắm nghía mình trong gương và cảm thấy mãn nguyện vì coi vậy mình vẫn còn phong độ, nhưng thoảng qua,  cảm thấy hơi thẹn, vì dễ dàng bị giao động đến buổi gặp gỡ trưa nay.  Dù sao, đó chỉ là cuộc hẹn hò với bạn cũ, lâu không gặp lại. Ân nghĩ thầm, bề ngoài của mình là của một ông già tầm thường, có đáng gì để ai chú ý.
Biết còn sớm,  nhưng vì nôn nao nên Ân muốn đi ngay cho yên tâm. Bước ra ngoài phòng khách rồi ngừng lại trước cửa , chàng cúi xuống kéo đôi giầy xỏ vào chân, rồi ngửng đầu lên với cái khăn quàng, quấn vội vàng vào cổ, xong mở cửa đi ra. Bên ngoài, nơi hành lang đang tối om, đèn tự động trên cao bật lên, soi sáng chung cư vắng vẻ như để thức giấc hàng xóm. Nhờ có ánh đèn, Ân đưa tay khóa cửa, và theo thói quen, lắc tay nắm kiểm soát, rồi yên chí bỏ chìa khóa vào túi đeo.
Xong xuôi chàng bước dọc theo hàng lang mà hai bên là những căn appartements vẫn  đóng cửa im lìm…bước đi được một quãng, qua vài căn, bỗng phảng phất nhẹ nhàng và không biết từ đâu đưa đến, một mùi thơm của thức ăn lan tỏa ra bên ngoài…một mùi như từ món cơm Tây nấu với thịt bò, có lẽ gần khu vực nhà của ông bà Leclerc:
Lại cái món pot-au-feu nữa”,chàng đoán thầm, “bọn Tây chẳng bao giờ chán cái món ăn truyền thống của Pháp này, cũng như người Việt cần có cơm mỗi ngày, và …Tây thì nấu món gì cũng bỏ tí lá xạ hương, thym, vào làm gia vị”…bước tới chân cầu thang, lại thêm mấy ngọn đèn tự động nữa bật lên, soi sáng cả một tầng lầu của chung cư lúc này đang vắng vẻ như đa số dân cư còn đang ngủ .
Tới trước thang máy, nhưng hôm nay, Ân không đứng lại chờ, quyết định thả bộ, rảo bước đi nhanh hết ba tầng lầu để xuống tầng trệt. Xuống tới dưới đất, chàng với tay bấm nút mở khóa một lớp cửa, xong đi qua một hàng lang rộng nơi có chỗ để hộp thư của dân cư, cuối cùng, bên trái mới là cổng chính của building, sau khi mở cánh cửa này mới ra được tới ngoài đường…
Vừa bước ra bên ngoài, từ trên cao, nắng buổi sáng tràn ập tới, bao trùm lấy không gian , chói chan gay gắt khiến Ân phải nheo mắt rồi đưa một cánh tay lên che mặt…Tự nhiên, từ trong ký ức xa xôi bỗng mở ra, một cảm giác tương tự lại hiện về: đó là một kỷ niệm cách đây đã năm mươi năm, hồi còn học sinh, vào một buổi trưa, Ân trốn học, cúp cua đi xem ci-né, ở rạp Casino Dakao. Xem xong , khi từ trong rạp vừa bước ra, Ân cũng bị nắng chói mắt ập tới, y hệt như sáng hôm nay.. dù chỉ là một cảm giác nhỏ nhoi, mong manh,  nhưng không biết tại sao, nó vẫn đeo đuổi chàng cho đến bây giờ . Vào ngày xa xưa đó, thằng bé Ân bị xúc động về  hình ảnh cuối cùng của cuốn phim, diễn tả cảnh một sĩ quan Đức Quốc Xã do tài tử Marlon Brando đóng, vì thua trận, hoang mang và mất trí, đi lạc trong rừng, bị lính Mỹ bắn ngã gục, đôi mắt trợn trừng, đang hấp hối, trên khuôn mặt đầy hoang mang như tự hỏi “tại sao ?”…Còn sáng hôm nay,  ông già Ân háo hức, trông mong cuộc hội ngộ sắp tới với người đẹp tên Hà ở Paris …Rồi đột nhiên, không rõ từ đâu đưa đến, từng đợt cơn gió tạt vào mặt, se lạnh như Mùa Đông chưa chịu tàn, khiến chàng rùng mình, vội đưa tay lên sửa lại cái khăn quàng cho kín cổ …
Ra khỏi cồng, băng qua đường rồi rẽ sang phía tay trái, Ân đi rảo bước dưới bóng mát của hai hàng cây sồi trồng dọc theo bên đường, để tới bến xe buýt. Căn hộ nhà Ân thuộc khu vực thuộc hạng trung lưu của thành phố Compiègne: Rải rác dâu đó, có một số tòa nhà cao năm sáu lầu, tương đối mới xây dành cho dân nghèo; ngoài ra, toàn là những villa nho nhỏ, xây bằng gạch, trông sáng sủa.. Đặc biệt trước mỗi nhà đều có một mảnh vườn xinh tươi.  Cảnh trí quanh đây hao hao giống như ở khu Dakao năm xưa, chỗ góc đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi có căn villa nhỏ của gia đình Ân ở Sài-Gòn trước đây của những năm 60, thời chàng còn nhỏ…
Nhưng sáng hôm nay,  trước mắt Ân chỉ là con đường rue de Paris của thành phố Compiègne , cách xa Sài-Gòn trên nửa quả địa cầu,..Và những hình ảnh cũ của khu Dakao mà chàng thường đem ra so sánh trong tiếc nuối, đã xẩy ra trên bốn mươi năm rồi.
Tất cả những kỷ niệm đó hôm nay thực ra chỉ còn là một vết nhỏ còn đọng lại trong ký ức, nhưng không biết sao lại vẫn rõ rệt như vết chấm bằng mực đen in đậm nét nguệch ngoạc  trên tờ giấy trắng…Cả mấy ngày liền, Ân cứ loay hoay nghĩ ngợi về cuộc tái ngộ với Hà ở Paris, và hình ảnh về cô em Bắc Kỳ nho nhỏ năm xưa bỗng đâu kéo về ám ảnh chàng. Bây giờ, dù có mơ hồ nhưng không cách nào xóa nhòa, hay có thể rứt ra được:Gần bốn mươi năm trước, Ân phải lòng yêu thầm Hà, một nữ sinh văn khoa Sài-Gòn..; và hôm nay là ngày tái ngộ cố nhân, nhưng nàng sẽ đến cùng với người chồng …
Những thắc mắc, và nhiều câu hỏi cứ lởn vởn liên tiếp đua nhau kéo đến, khiến Ân băn khoăn: Không hiểu Hà bây giờ ra sao, có còn thon thả như thuở là một nữ sinh viên… và nụ cười vẫn còn như xưa, ròn tan đặc biệt, khi cười như đôi mắt cũng cười theo…Và quan trọng nữa, chồng nàng là ai, một chàng trai đặc biệt như thế nào khiến nàng đã chọn lấy làm chồng, mà không phải là thằng Ân nghèo khổ này!…Rồi phản ứng của cả ba sẽ ra sao khi đối diện nhau? Hội ngộ sẽ hứa hẹn có nhiều thay đổi bất ngờ, có thể vui hay buồn.. hay chỉ bình thường như một buổi sáng không tên ở Compiègne này? Cuộc chạm trán với Hà sẽ nói lên điều gì mới đối với cô nàng, và soi rõ thêm tâm tư của Ân …Hay là mọi chuyện vẫn y nguyên như cũ, không thay đổi: Mối tình đó chỉ do Ân tưởng tượng thêu dệt ra, và là chuyện hoang tưởng, huyền ảo như một chuyện cổ tích của trẻ con. Về thực tế, mối tình của Ân có thể chỉ là một câu chuyện tình bình thường của những cô gái trưởng giả ở Việt-Nam: Lấy chồng cho môn đăng hộ đối, và , nếu đã chọn, chọn cho được một chàng trai học giỏi, đẹp trai để bảo đảm có cuộc sống gia đình hạnh phúc..Còn anh lính nghèo như Ân đành ôm mối sầu tuyệt vọng …
Tuần lễ trước, Văn, một người bạn học cũ của Ân ở Paris và cũng là người anh họ của Hà, có gọi điện thoại cho biết là vợ chồng Huy và Hà sẽ qua Tây chơi, và đề nghị làm cuộc tái ngộ, để có dịp bạn bè cũ gặp gỡ lại nhau! Như vậy là đã hơn 35 năm, Ân mới có dịp gặp lại Hà, và sẽ được biết mặt Huy, kẻ may mắn đã lấy được nàng.
Hai mươi lăm năm trước, lúc mới qua Pháp và sau khi liên lạc được với Văn. Gặp bạn cũ nơi đất khách quê người, Ân khéo léo , lựa lời  hỏi thăm đến Hà, nhưng Văn không nói gì nhiều, như có ý không muốn nhắc đến cô em họ; nên từ đó  Ân cũng không biết tin gì thêm của nàng. Nhưng, một hôm cách đây vài năm,  vào một lần ngồi uống cà-phê ở Quận 13, trong lúc trà dư tửu hậu, tuy không hỏi đến, tự nhiên Văn thổ lộ cho Ân biết là vợ chồng Hà đang ở San Jose, và Huy làm ăn khá giả, rất giàu, và đang ở một căn nhà rộng mênh mông y như một cái chateau bên Tây vậy. Do làm chủ một tiệm thuốc Tây, và còn làm thêm là đại lý dược phẩm, Huy buôn bán lớn với Viêt-Nam. Qua câu chuyện, Văn cũng hé lộ là tuy vợ chồng có tiền nhiều, nhưng hay lục đục, nhiều khi lớn tiếng với nhau. Trong nhà con cái lại không được hiếu thảo như ý nàng mong muốn…Khi nghe đến sự giàu có của gia đình Hà, một câu có vẻ mỉa mai chợt đến với Ân: Đằng sau tài sản to lớn thường là có tội ác, của nhà văn Honoré de Balzac mà chàng nhớ đọc được từ thời còn học Trung Học ở trường Jean Jacques Rousseau ,Sài-Gòn.
Dù cả hai đều ở Pháp nhưng Ân và Văn lâu lâu mới gặp nhau, còn thường là điện thoại qua lại. Một phần hai người ở cách xa nhau, và thêm lý do cách biệt giai cấp: Văn là một chuyên viên điện toán khá giả,  có học thức cao, tốt nghiệp Đại Học lớn, grandes écoles , mua một căn hộ lớn ở Ivry-sur-Seine gần khu chợ Tàu; còn Ân chỉ là một anh thợ sửa ống nước cho một trường học, lương chỉ đủ thuê căn chung cư nhỏ một phòng ngủ ở thành phố Compiègne cách Paris gần 80 cây số.
Tuy sống ở tỉnh lẻ, buồn tẻ, xa hơn cả vùng ngoại ô Paris nhưng Ân đành chấp nhận, để được ở gần gia đình đứa em trai ở đấy đã lâu.Và , như ở đâu lâu rồi quen đó, Ân không nghĩ đến chuyện dọn đi nơi khác. Hơn nữa, với giá sinh hoạt rẻ và đi làm bằng xe buýt rất tiện lợi, chỉ mất 5 phút mà lại miễn phí cho tất cả dân cư thành phố, nên dù với đồng lương ít ỏi, Ân có thể tiêu sài tạm đủ. Hơn nữa, ở Paris, có nạn kẹt xe mỗi ngày, nhất là trên périphérique, xa lộ vòng đai, có khi cả tiếng đồng hồ, nếu có tai nạn, xa lộ trông như một bãi đậu xe khổng lồ với tiếng còi xe kêu inh ỏi, khói xe bay lên như đám mây . Đặc tính của dân Paris khi lái xe là hay văng tục, xuống kính xe, lòi đầu ra ngoài chửi thề trên đường, chờ đèn xanh đỏ chậm có một chút là bấm còi lia lịa…Hơn nữa, cuộc sống ở Compiègne êm đềm, hợp với tính tình khép kín và an phận của Ân.
Qua điện thoại,Văn muốn hẹn gặp Ân trước ở chợ Tăng Frères, để sau đó cả hai cùng ngồi chờ vợ chồng Huy – Hà sẽ đi taxi đến từ một khách sạn ở Quận 16, một khu sang trọng của Paris. Gặp nhau rồi, họ sẽ cùng đi bộ đến một tiệm ăn gần đó…ngoài ra, Huy cũng muốn đến khu chợ Tàu để đổi tiền đô-la cho có lời. Văn cũng kể là Huy truy hỏi anh rất lâu về gía cả  đổi tiền, còn đắn đo suy nghĩ cách nào có lời nhất . Đã có tiền, mà họ còn tính toán, từng đồng, Ân bỗng nhận xét như thế về vợ chồng Huy, hay nhờ chi ly đồng tiền mà họ trở nên giàu?
Văn còn nhắn nhủ Ân, như muốn nhận mạnh đến việc trả tiền cho bữa ăn :“Toa yên trí để moa bao tụi nó nhe. Toa khỏi lo vấn đề này…Mấy lần qua Mỹ, tụi nó lo cho moa kỹ càng lắm…Les bon comptes font les bon amis mà toa”. Sở dĩ Văn nói như vậy: Chi tiêu sòng phẳng làm nên bạn tốt, y như bọn Tây vẫn thường rêu rao, cốt để Ân đừng bận tâm lưu ý vì biết lương hưu của Ân chẳng bao nhiêu, vả lại Ân cũng mới đi Việt-Nam thăm gia đình về, có lẽ túi tiền đã vơi.
Từ lâu nay, trong thâm tâm, Ân vẫn coi tình cảm của mình với Hà như là một mối tình thơ mộng,dù đó chỉ là một thứ tình yêu một chiều vì Hà chưa hề thổ lộ hay đáp lại lời tỏ tình của chàng.Nhưng không biết tại sao, Ân lại cứ đinh ninh một cách mơ hồ là Hà đã yêu mình? Có thể do tâm lý muốn tự lừa dối, vì tự ái hoặc yếu đuối nên chàng không dám tự nhận là kẻ thua cuộc, đã bị từ khước. Kỷ niệm thời quen nhau của hai đứa chỉ vỏn vẹn có trong một buổi trưa, vậy mà lạ lùng, vẫn dai dẳng như in xâu vào tâm khảm Ân, nhất định không chịu phai mờ..: và rất đặc biệt hôm nay, vì sẽ là dịp gặp lại người yêu sau hơn ba mươi lăm năm xa cách!
Có thật Hà cũng đã một lần yêu Ân không? Nhưng sau bao nhiêu năm, hôm nay câu hỏi đó không còn quan trọng, hay đã chẳng thành vấn đề gì nữa: Câu trả lời không làm thay đổi được gì cả vì mọi chuyện đã an bài, đã trễ,  hai người đều già cả rồi. Ở vào cái tuổi gần đất xa trời, tình cảm bây giờ là phụ, chỉ có những thói quen, gia đình than thiết, vật chất và sự an tâm nội tại mới là chính? Còn đâu nữa giấc mơ mái nhà tranh với hai quả tim vàng . Ở vào thời đại điện tử bây giờ, Hà không thể đánh đổi ngôi nhà hai triệu Đô ở San Jose với căn chung cư một phòng ở lầu ba của Ân ở Compiègne được. Hà đã yên ổn với Huy, đã có một cuộc đời sung túc ở bên Mỹ. Có lẽ nàng rất hạnh phúc và , không chừng…mừng thầm rằng chấm dứt sớm với Ân để lấy Huy, một dược sĩ con nhà giàu!
Tất cả chỉ có một mình nàng biết rõ…Và có thể chính nàng cũng không thể biết gì vì không ai trên cõi đời này biết được hết sự thật, dù đó là sự thật về chính mình. Hay sự thật cũng chỉ là một ảo tưởng? Điều mà chúng ta quyết định, có thật là do chính ta có tự do hành động không? Hay cũng chỉ là ảo tưởng nốt? Mọi cá nhân chỉ đóng cái vai được soạn sẵn, rồi vị đạo diễn giao cho con người thủ vai đó. Trên thế gian, ai cũng chỉ là một diễn viên đóng vai tuồng của đời mình, như chàng phải đóng vai thằng Ân cho trót một kiếp người. Con người ai mà không là nạn nhân của hoàn cảnh: Tại sao Ân sinh ra kém thông minh hơn Huy, lại lọt vào gia đình nghèo hơn? Nếu chẳng có ai chọn cha mẹ mình được, như người đời thường nói! Nên không ai có thể chủ động, và con người như cánh bèo trôi giạt trên giòng đời, không biết trước được là sẽ đi về đâu: San Jose hay Compiegne…
Trong tâm tư con người, tình cảm và lý trí đôi khi hiện diện cùng một lúc, tùy hoàn cảnh và duyên số  mà bên này thắng, bên kia thua. Phải chăng đã có bao nhiêu người luôn phủ nhận tình cảm của mình, cho đến một lúc nào đó lại tiếc rẻ và ân hận, vì khi bộ mặt khác của sự thật vỡ lẽ ra thì đã quá trễ! Cũng như bao nhiêu đôi trẻ đã đến với nhau vì tình, nhưng khi quyết định lập gia đình thì họ đã chọn tiền tài và danh vọng trên tình cảm, cho chắc ăn như lời các bà mẹ dậy con gái, và họ hành động đúng theo lý trí và lương tâm của mình.
Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ của chàng ngày nào, mà gần đây nghe Văn kể lại, đã là bà ngoại rồi. Hà không thể vẫn còn giữ nguyên hình ảnh như xưa được, vài năm xa cách đã “tay bế tay mang” mấy con nhỏ, và nay thì “tay bồng, tay mang các cháu của bà ngoại, khi ba mươi lăm năm sau gặp lại!”
Êm đềm như giòng nước con sông Oise chảy qua thành phố Compiègne: Cuộc sống của Ân ở đây trôi lặng lẽ, lững lờ như không hề thay đổi từ ngàn đời trước. Từ khi qua Pháp và làm việc ở thị xã này, Ân chỉ quanh quẩn trong vùng Compiègne và Noyon, rất ít đi chơi đâu xa. Ba tháng trước, quyết định về hưu và sau một chuyến đi Việt-Nam mới về cách đây hai tuần, sáng nay Ân mới có dịp trở xuống Paris …

Như một phản ứng quen thuộc khi trời lạnh, Ân thọc hai tay vào túi áo ngoài mới toanh may bằng vải corduroy dầy và nặng, cái áo chàng ưng ý nhất cho thời tiết của mùa Xuân ở Paris, nhưng hiện giờ chàng đang lo là sẽ không còn đủ ấm nếu ở chơi đến khuya, tối nay sẽ bị lạnh, “giữa tháng Tư, mùa Đông qua rồi mà sao năm nay ở Pháp còn lạnh quá “.
Văn hẹn Ân gặp nhau trước cửa chợ Tăng Frères khoảng từ 12 đến giờ 12 rưỡi trưa. Nên Ân dự tính đi xe buýt ra nhà ga Compiègne rồi lấy xe lửa chuyến 10 giờ đi tới gare du Nord, từ đó lại lên métro đi tới Quận 13; tất cả mất hơn một tiếng rưỡi,  chàng định trong bụng như vậy sẽ kịp giờ hẹn.
Hứa hẹn đưa mọi người đến một tiệm ăn rất ngon, một khám phá mới của Văn. Anh tự nhận là thổ công khu chợ Á Đông, và cho biết tiệm này do một người Hoa sống bên Miên vừa di dân qua Pháp, gần chợ Tăng Freres, mới khai trương vài tuần lễ trước. Do đã sinh sống quanh quẩn chỗ khu Việt-Nam Quận 13 trên ba mươi năm, Văn rất rành các quán ăn ở đấy.
Học cùng lớp ở trường Jean Jacques Rousseau và khi xong Trung Học, Văn theo học Khoa học; còn Ân học vài năm ở Luật, nhưng sau mấy keo thi rớt, bị động viên đi lính. Trong khi đó, Văn lấy được vài chứng chỉ rồi trốn tránh chiến tranh, xin sang Lào theo gia đình làm ăn.
Mãn khóa quân trường Thủ Đúc, đến thăm Văn vào một ngày đẹp trời, Ân gặp Hà. Chàng đã mang lòng thầm yêu cô sinh viên Văn Khoa này. Bề ngoài, cả ba coi nhau như bạn nhưng không ai biết là Ân đã bị tiếng sét ái tình, đem lòng yêu Hà ngay khi trông thấy cô nàng. Đã gọi là tiếng sét ái tình thì chẳng ai có thể giải thích được..mà giải thích để làm gì cho mệt. Ân luôn cứ loay hoay vì bị ám ảnh bởi mầu sắc của mối tình mơ hồ và dai dẳng này.
Bề ngoài như một cô gái bình thường, dễ bị lẫn trong đám đông, Hà không có gì nổi bật:Đôi mắt chẳng to gì, một mầu nâu đậm nhưng lanh lợi và hợp với khuôn mặt chữ điền,trông vẻ nam tính;thân thể nàng nhỏ nhắn mảnh khảnh nhưng rắn chắc khỏe mạnh, nước da  ngăm ngăm như của những người lao động ngoài trời. Nàng có giọng nói mạnh và trong trẻo, nghe như tiếng chim hót gọi nhau…nhưng đặc biệt ở nụ cười dòn, hồn nhiên.Có vậy thôi mà đã thu hút Ân? Hay là do sự linh hoạt của đôi mắt trong sáng đã nói lên tính ngay thẳng của Hà, như người đời thường nói“con mắt là cửa sổ của tâm hồn”?…

Ở trạm xe buýt có bà đầm già ăn mặc giản dị nhưng kỹ càng, ấm cúng với bộ áo măng-tô dài, đứng quay lưng để tránh gió, chờ xe dưới mái hiên trạm. Thấy bà nhìn lại mình, Ân vội gật đầu lên tiếng chào “Bonjour madame”. Bà ta chào lại, kèm theo nụ cười hiền lành của những người già cả, ánh mắt đượm vẻ thân thiện. Tự nhiên, chàng cảm tưởng tụi Tây ở đây có cảm tình với người Việt hơn bọn Rệp, có lẽ vì tụi nó phá phách, ít học và quậy hơn dân Á Đông chăng? Ân chợt nhớ lại: Lúc mới qua Pháp, tụi Tây lạnh lùng và xấc xược vì trông thấy khách cứ tỉnh bơ khi bán hàng cho chàng. Sau đó, kể lại và than phiền với vợ chồng đứa em trai qua Pháp đã lâu thì được cô em dâu tên Mai khuyên nhủ “Anh Ân ơi, vô tiệm, anh phải nói ngay bonjour madame hay monsieur là tụi nó vui vẻ ngay.Đó là lối xã giao tối thiểu của họ mà!”Quả nhiên, nghe theo lời khuyên ấy, chàng nhận ra lối cư xử của tụi Tây khác hẳn trước đó.
Từ phía dưới dốc đổ lên, một chiếc xe buýt chạy tới, kèm theo tiếng kêu két két như thường lệ khi đậu lại trước mặt Ân. Bà đầm già giơ tay ngoắc cho chàng lên xe trước vì bà đi rất chậm chạp. Thấy vậy, chàng vội nhảy vọt lên xe, không quên chào ông tài xế “’Bonjour monsieur !”. Sáng nay, đã quá giờ di làm nên xe trống trải, Ân kiếm chỗ ngồi cạnh của sổ bên trái, như một thói quen vì nếu ngồi ngược chiều xe chạy, lúc nào cũng làm chóng mặt và buồn nôn. Liếc nhìn đồng hồ tay, 9 giờ 27, Ân nghĩ thầm : như vậy, xe số 5 này thường chạy đúng giờ, hiếm khi trễ, trừ khi có đình công của tài xế..mà dù có trễ, cũng chưa nghe ai than phiền, vì xe buýt ở đây chạy miễn phí trong tuần, riêng Chủ Nhật chỉ tốn có 1 euro, dư sức bắt kịp chuyến xe lửa 10 giờ từ Compiègne đi Gare du Nord.
Xe buýt rồ máy leo lên con dốc thoai thoải, chạy về hướng trung tâm thành phố…Tới những con đường nhỏ, chiếc xe lắc lư  rẽ qua mấy ngõ ngoằn ngoèo…nhưng đã qua nhiều trạm mà không đậu lại là vì không có khách đứng chờ…Nhẩn nha ngồi liếc nhìn qua cửa kính xe, Ân thấy nhiều cửa hàng nho nhỏ bắt đầu hiện ra ở hai bên đường, báo hiệu sắp vào khu thương mãi của Compiègne… Cảnh trí tỉnh lẻ này luôn luôn khiến Ân liên tưởng đến Sài-Gòn năm nào, nhất là khi nhìn thấy cái quán ăn ở góc phải của bùng binh nơi mà chàng vẫn thường ghé qua vào những ngày cuối tuần… Thị xã này chỉ đi một lèo là hết…Nhìn đường phố lớp lớp lướt qua, Ân đâm hoang mang về cuộc sống của mình ở Compiègne, một nơi xa lạ và xa xôi với quê hương Sài-Gòn của mình..Chàng vẫn băn khuăn, không biết tại sao mình lại có mặt nơi đây? Có phải do tình cờ, vì Dũng, đứa em trai, ở đây trước, đã bảo lãnh cho Ân hay do chính chàng quyết định muốn như vậy… hay tất cả do hoàn cảnh  xắp xếp sẵn, như một khi reo hột xí ngầu thì kết quả đã có trước rồi, như đúng theo luật của vật-lý mà mình không thấy trước đó thôi?
Sau năm năm trong tù, trở về nhà như một người rừng lạc lõng trong thành phố “Sài-Gòn thoi thóp chết”, Ân được bà mẹ lo sẵn cho vượt biển và may mắn ngay trong chuyến đi đầu tiên. Khi tới trại Galang, Ân có thể chọn đi Mỹ, vì là cựu sĩ quan VNCH, và ngay cả  trong thư của đứa em trai Dũng gửi từ Compiègne qua cũng nói rõ là không nên đi Pháp vì sẽ gặp nhiều khó khăn trong cả việc học hành lẫn kiếm tiền sau này.  Dù vậy, Dũng vẫn gửi kèm theo giấy bảo lãnh qua Pháp cho anh mình và mô tả ở Pháp nghèo, không thực sự thơ mộng như những bài hát ca tụng Paris! Theo Dũng, thời kỳ vàng son của nước Pháp đã qua rồi, bây giờ là sức mạnh của đồng đô-la, miền đất hứa chỉ có giấc mơ Mỹ quốc, the american dream!
Dù đã tốt nghiệp kỹ sư ở một trường lớn nhưng Dũng đành chấp nhận dậy vật lý cho trường Đại-Học Cộng Đồng ở Compiègne, chỉ vì sinh hoạt rẻ hơn Paris. Gia đình Ân có ba anh em: Chàng là anh cả, xong đến Dũng và cô út là Lan. Chàng luôn cảm thấy có bổn phận phải giữ lời hứa với bà mẹ ở Sài-Gòn. Trước khi ra đi, bà đã dặn dò là phải định cư ở Pháp bên cạnh em, cho có có anh có em, đùm bọc nhau, và quan trọng hơn nữa là lo kiếm tiền gửi về giúp gia đình, bà đã lớn tuổi mà em gái còn nhỏ và dại khờ, không biết ra đời tranh đấu, giữa một xã hội đã bị đảo lộn và trở nên gian sảo hơn trước.
Sau nhiều đêm băn khuăn suy nghĩ, chàng chọn định cư ở Pháp với gia đình Dũng. Từ đó Ân vẫn ở Compiegne cho đến hôm nay, đã gần ba chục năm.
Sau này, cuộc sống ở bên nhà thay đổi, cả cô em Ân cũng vậy, nay cô ấy đã có chồng và trở thành đại gia, chủ nhân hai cái khách sạn ở khu Tây ba-lô. Lo lắng cảnh côi cút của người anh, Lan cứ muốn làm mai một người bạn gái nào ấy, mới góa chồng, sẵn sàng bước thêm bước nữa để ông anh về ở Sài-Gòn sống và tiện thể gần bà mẹ đã chín mươi tuổi; ngoài ra, còn phụ Lan trông nom việc kinh doanh khách sạn. Nhưng vốn có thành kiến với người gốc miền Trung, Ân và đứa em rể lại khắc tính nhau,chàng không muốn về ở luôn Việt-Nam. Hơn nữa, đã quen sống độc thân, tự do muốn đi đâu cũng tiện, Ân dần dà không còn nghĩ đến việc lấy vợ, nhất là mang tiếng đào mỏ, lấy vợ vì tiền, không có tình yêu…
Cuộc sống bên Pháp phẳng lặng, độc thân an phận chẳng đam mê thú vui gì, Ân có nhiều giờ rảnh vào những ngày cuối tuần, chàng hay đi lang thang tìm đến chợ trời, kiếm mua đồ lặt vặt, rồi cuối cùng thế nào cũng tạt vào một tiệm ăn ở góc phố, gần bùng binh mà khi nãy xe buýt vừa chạy qua. Vào đấy chỉ để uống cà-phê, Ân thích ngồi ngắm thiên hạ qua lại. Chàng chọn chỗ này vì khung cảnh hao hao như tiệm Brodard ở Sài-Gòn năm xưa: ngồi một mình, bên tách café a là crème nóng bốc mùi thơm có vị béo ngậy, chàng thích thú với cảm giác lơ lửng, lơ đãng nhìn qua khung cửa kính. Bên ngoài, khách bộ hành đi qua đi lại, ông Tây bà  Đầm diễn hành, tạo cơ hội làm thức giấc cái sinh hoạt của một tỉnh lẻ mà ngày thường vắng vẻ, buồn hiu như lúc nào cũng như ngái ngủ…
Làm việc bảo trì cho  trường  mẫu giáo Charles Faroux gần nhà, công việc nhàn nhã vì nhà trường mới xây, ống nước ít khi bị hở hay rỉ. Rảnh thời gian, chàng hay mò xuống phòng ăn, tán gẫu với cô phụ bếp, dân ở đảo Guyane , một thuộc địa của Pháp, mới xin qua Compiègne sống. Đôi khi tiện tay Ân cũng phụ họ những việc nặng nhọc, lâu dần họ trở nên mến Ân, nhất là cô phụ bếp Aline xem ra có cảm tình với chàng thanh niên Việt-Nam. Nước da ngăm ngăm nhưng không quá đậm như dân da đen Phi Châu, một màu gần với bọn Rệp Bắc Phi, Aline di cư từ Cayenne sang mang theo đứa con riêng.
Cảm mến tính ga-lăng dễ chịu, và rất hào sảng của Ân, Aline nhiều lần ngỏ ý rủ chàng đi chơi chung. Nhưng cứ mỗi lần được cô gái tấn công chiếu cố như vậy thì không biết tại sao, Ân lại đem so sánh Aline với Hà, rồi chàng đâm ra ngập ngừng, sợ bị sẽ lụy vào sức hấp dẫn của cơ thể căng tròn, tràn đầy sức sống của cô nàng? Hay cũng có thể, Ân sợ ảnh hưởng đến công việc: cả hai đều làm việc một chỗ, dễ có thể bị gán cho trường hợp vi phạm điều lệ công nhân của nhà trường bên Pháp.
Cuối cùng, không chờ được chàng thanh niên Việt-Nam, Aline đành ưng lấy một ông Tây già, đã gánh nuôi nàng và đứa con trai. Lấy chồng, Aline nghỉ việc ở nhà lo cơm nước cho chồng và nuôi con.Từ đó, ít gặp Aline, Ân đoán có lẽ nàng đã dọn đi Noyon, một thành phố kế cận, quê của ông chồng, và nghe nói ông này có một cơ ngơi lớn thừa kế truyền từ đời ông cha…
Khi quyết định về hưu, Ân nghĩ cuộc sống vẫn sẽ êm ả và phẳng lặng như bao năm qua, không còn phải quá lo lắng việc sinh sống nữa. Nhưng ba tháng trước, cùng một lúc Ân nghỉ việc làm, Dũng cũng ngỏ ý với Ân sẽ nối gót anh, cả vợ lẫn chồng sẽ xin về hưu vào sang năm, bán nhà ở Compiègne rồi kiếm một căn nghỉ mát dưới Côte D’Azur, bờ biển Miền Nam nước Pháp. Dũng báo tin cho ông anh biết, dù biết Ân rất thương yêu hai đứa con mình, vì lâu nay không cuối tuần lễ nào mà anh mình lại không ghé chơi với chúng nó.
Dường như cuộc đời ít khi chiều theo ai. Hoàn cảnh mới này khiến Ân bối rối: nếu gia đình đứa em dọn đi, bơ vơ một mình, chàng cảm thấy chẳng  lý do gì để ở lại Compiegne nữa. Ân sẽ sống ra sao ở những ngày tháng ít oi còn lại của đời mình? Thời gian không còn nhiều như trước nữa! Các bạn tù, đa số ở Bolsa, vẫn lâu lâu, gọi phôn rủ rê chàng về Việt-Nam, kiếm một cô nào sồn sồn làm bạn qua ngày, như nhiều anh bạn dù đã trên sáu-bảy mươi mà vẫn còn cặp kè với mấy em ba bốn chục tuổi, có khi còn trẻ hơn con mình! Cuộc sống bên nhà đã đảo lộn, tệ hại còn hơn thời bao cấp những năm sau 75 nữa…,nhất là cả hai cảnh giới đều quá độ, quá khích và tha hóa…
Xe buýt chỉ chạy dăm ba phút là đã qua khỏi centreville, trung tâm thành phố Compiègne, tới cầu Louis 15, xây bằng đá, cổ kính và cũ kỹ, bắc qua con sông Oise lúc nào cũng chảy lững lờ, lười biếng…Qua khỏi cầu, xe rẽ bên phải là tới nhà ga.Xe dừng, đánh thức Ân khỏi cơn mơ màng…Như một phản xạ, chàng đứng dậy theo vài người khách bước xuống xe, băng qua đường, đi vào nhà ga.
Ga hôm nay vắng vẻ, và dường như khác lạ hơn mọi khi, trông sáng sủa và an nhàn, có lẽ không còn đông khách có mặt để đi làm việc ở Paris, không còn hấp tấp vội vã chen lấn nhau… Hay vì nắng đầu Xuân ấm áp, mặt trời đã lên cao chiếu nghiêng vào khiến sân ga vốn rộng lại càng thêm rỗng. Nhà ga này tuy nhỏ nhưng cũng có tiệm bán cà-phê, thức ăn lặt vặt và bánh ngọt, kệ bán sách báo nằm bên trái,còn bên phải là quầy bán vé chỉ có một nhân viên ngồi khuất sau cửa sổ. Mùi bánh croissant thơm ngậy của bơ sữa lan tỏa ra bên ngoài, một hương vị mà Ân cho là chỉ có bên Tây mới kích thích khứu giác đậm đà như thế.
Mua vé xong, nhìn ra ngoài ga, bên kia đường rầy, đã có một xe lửa đậu sẵn, Ân liếc vội đồng hồ treo trên tường nhà ga: còn hơn 10 phút nữa xe mới chạy, chàng bèn lững thững bước qua bến…
Bỗng có tiếng gọi phía sau lưng “Ann, Ann…” như giọng dân Tây gọi tên Ân. Quay lại, chàng bất ngờ  thấy Aline đang nở nụ cười tươi như người vừa trúng số.Nàng rảo bước tới,khuôn mặt như xưa: mái tóc buộc đằng sau gọn gàng, đôi mắt đen láy, đặc biệt hàm răng rất trắng, đều và đẹp của dân da màu…và thân thể đẫy đà hơn, có lẽ thêm cả chục ký-lô.
Nàng ăn vặn tươm tất, quần áo đắt tiền, sang trọng, khác hẳn khi lúc còn đi làm phụ bếp, lúc nào cũng giản dị của một người lao công vất vả…Ân  lên tiếng chào “Bonjour, toa có khỏe không, ca vas tout? Moa tưởng toa dọn đi Noyon rồi, không còn ở Compiègne nữa? Toa đi đâu hôm nay vậy?” Nghe Ân liên tiếp hỏi nhanh, Aline nhíu mày đáp “Moa vẫn khỏe, ca vas bien…Còn toa?…Mà moa có chết, toa cũng sans fou, mặc kệ chứ gì?” Nghe lời than thở, vẻ như là đùa, nhưng cũng khiến tâm hồn chàng chùng xuống, pha chút trắc ẩn…
Ân nói tránh sang chuyện khác“Trông toa tươi tắn, khỏe mạnh ra …Rolland chồng toa đâu?”Định bụng khen nàng đẹp ra nhưng Ân kịp khựng lại, vì thấy hơi sỗ sàng, không đúng phép. Aline đã có chồng, không nên đùa cợt như thủa xa xưa nữa. Aline đáp“Ồ, Rolland bị AVC (1) rồi, moa phải đưa lủy vô nhà già ở Compiegne.Còn moa vẫn ở Noyon.Moa mới đi thăm lủy ra đây, bây giờ đi Amiens thăm thằng Pierre, toa còn nhớ nó chứ? Nó đang học năm chót y-khoa ở đó, sang năm nó thành bác sĩ rồi đó toa.”
Ân mừng bạn“Vậy toa sướng rồi,chúc mừng toa…Mấy giờ chuyến xe toa départ(2) vậy?”
 “Sắp rồi. Moa đi hướng Bắc, chắc toa xuống phía Nam?…Tụi mình may mà chỉ gặp nhau chốc lát rồi thôi, ai đi đường nấy! Allez, au revoi. ”Nàng cười, vẫn dòn tan.Chào xong, nàng quay gót trên bến ga lác đác vài hàng khách đứng chờ…Ân chỉ kịp nói với “À bientôt ?(3)” và nhìn theo hình bóng cô gái antillais (4) đang lững thững rời xa trên bến tàu…Chàng chợt lời của bản nhạc J‘entends siffler le train (5) từ thời năm 60,  tả cảnh từ biệt người yêu trên sân ga, nhất là mấy câu cuối đầy ấn tượng, buồn bã  “…Anh nghĩ chúng ta nên xa nhau không một lời từ biệt, vì tất cả đã hết rồi..nhưng anh sẽ còn nghe văng vẳng bên tai tiếng còi tàu hôm nay …suốt cả đời…” Xao xuyến bâng khuâng , Ân đi xuống hầm để băng qua bên kia đường rầy, chỗ bến tuyến xe đi về hướng Nam…
Đôi khi, nhất là vào những đêm tối mùa Đông, tuyết lất phất bên ngoài, trong những giây phút cô đơn…,Ân do dự trong lòng, và định kêu điện thoại cho Aline…nhưng rồi chàng vẫn lại ngồi yên,.. tắt đèn đi ngủ. Trên giường, chàng băn khuăn tự hỏi: Tại sao mình không tiến tới với Aline, để có bạn sống cuối đời cho bớt lẻ loi, lạnh lẽo…Phải chăng chàng vốn trong bụng đã kỳ thị, chê bai cô gái thất học antillais này, và e ngại gia đình, nhất là bà mẹ lẫn bạn bè, không ai đồng ý?…Cũng có thể, đối với Aline, Ân ít nhất là chưa có tình yêu, chỉ chớm vì sự hấp dẫn mà có đòi hỏi về thể xác?..Chẳng có câu trả lời nào dứt khóat, Ân cứ miên man cho đến khi thiếp đi trong giấc ngủ cô đơn…
Lơ đãng thả hồn theo dĩ vãng, Ân không còn để  ý bên ngoài, cho đến khi con tàu khởi hành lúc nào không hay: Ban đầu êm ái lưót nhẹ trên đường rầy,  rồi nó tăng tốc độ dần dần nhanh hơn…Tiếng  xình xịch trở nên rõ ràng và đều đặn…Chàng thoải mái ngả người trên ghế nhìn ra bên ngoài… Khi con tàu  ra khỏi Compiègne..,nhà cửa, xóm nhỏ lác đác bắt đầu thưa thớt, rồi những cánh đồng vuông vắn đượm một màu vàng trồng toàn hoa hạt cải, canola bỗng hiện ra. Nhiều nơi trồng dọc theo những con đường làng ngoằn ngoèo, có chỗ canola tràn ngập cả mấy ngọn đồi, bao quanh làng mạc  …
…Chán ngắm cảnh bên ngoài, Ân nhắm mắt miên man nhớ về Aline, về thân phận của cô lao công dạo nào, lận đận tình duyên khi còn trẻ nhưng lại có hậu vận tốt, có đứa con trai học giỏi và ngoan ngoãn, rồi may mắn vớ được ông Tây tốt bụng, cưu mang hai mẹ con nàng vào cuối đời… Bỗng chàng mỉm cười: Tây Đầm khi họ yêu nhau thường rất nồng nhiệt nhưng cũng dễ thay đổi, bỏ nhau không tiếc nuối, vướng mắc con cái cũng mặc, chỉ cần chạy theo tiếng gọi của con tim, họ sống thiên về cá nhân, cái gì cũng tôi, tôi, le moi, moi…Nhưng phải chăng như vậy là sống thật với chính mình, dám tự do quyết định, ít  bị mối liên hệ với người khác chi phối? Có lẽ người Tây phương có tình mà chẳng có nghĩa như người Việt? Chúng ta thì dù có hết tình chăng nữa thì luôn vẫn còn nghĩa với nhau, nên khó bỏ nhau, làm như luôn có sợi giây vô hình ràng buộc vợ chồng con cái trong nhà lại với nhau…
Nhưng chưa chắc Tây Đầm nào cũng dễ thay đổi, bằng chứng là Rolland, ông chồng của Aline.. Và cả  ông bà già Leclerc hàng xóm của Ân nữa, họ đã chung sống với nhau trên năm mươi năm, có vẻ hạnh phúc, tuy lâu lâu họ vẫn lớn tiếng với nhau, đến độ ngoài hàng lang mà vẫn nghe được tiếng cãi nhau…
Xe quẹo qua những khúc quanh, tiếng bánh xe khua dồn dập hơn lên… Ân ngồi mơ màng, lim dim đôi mắt…Hình ảnh cô gái năm xưa tên Hà,cùng với kỷ niệm cũ lại hiện ra trong ký ức chàng …

Gần bốn mươi năm trước, là một học sinh trung bình, Ân chịu khó học hành nên cũng thi đậu hai phần Tú-Tài. Khi biết tin, mẹ chàng mừng, đặt nhiều hy vọng vào tương lai của đứa con cả là sẽ huy hoàng sáng sủa. Bà khuyến khích con học y-khoa để sau này thành một bác sĩ, cho gia đình nở mặt nở mày. Nghe lời mẹ, Ân rủ Văn thi vào lớp dự bị y-khoa APM…Nhưng chỉ có 200 chỗ cho mấy ngàn thí sinh dự thi nên cả hai đều rớt .Họ đành phải ghi danh học lớp MPC ( Toán, Lý và Hóa) của trường Khoa Học.  Đại Học, nhất là về Khoa Học, rất khó khăn và gay go; hơn nữa, vốn lại không có khiếu về Toán, cuối năm đó, Ân lại thi rớt. Biết sức mình, Ân đổi qua học Luật cho dễ, vì nghĩ rằng chỉ cần chăm chỉ học thuộc cua. Trong khi đó, Văn đậu chứng chỉ dự bị nên tiếp tục lấy thêm mấy chứng chỉ nữa ở Khoa Học. Từ đó hai đứa ít gặp nhau: Văn bù đầu vào việc học, còn Ân gia nhập xóm nhà lá, chỉ ăn không ngồi rồi, sống qua ngày. Hai năm sau, không còn hội đủ điều kiện hoãn dịch vì lý do học vấn, chàng bị gọi động viên  lên đường nhập ngũ.
Cuối năm 1973, tuy mang tâm trạng bâng khuâng về tương lai của những chàng trai thời chiến, nhưng khi nhận được giấy gọi trình diện ở Quân Vụ Thị Trấn, Ân lại háo hức như muốn rời bỏ Sài-Gòn để đi tìm cảm giác mới ở Quân Trường.. Thời trẻ, dường như ít ai nghĩ đến sự bấp bênh, momg manh của cuộc sống, và cũng không biết sợ chết là gì. Trong khi đó bà mẹ thì hốt hoảng kiếm cách chạy chọt cho con khỏi phải đi tác chiến. Không muốn cho con biết, sợ nó tự ái, bà đến nhà cậu em là một Trung Tá ở Bộ Tổng Tham Mưu, nhờ chạy chọt cho cháu về ngành Hành Chánh Tài Chánh như ông. Do quen biết bên Phòng Tổng Quản Trị, và đã sẵn chạy nhiều mối trước đây, nên ông dễ dàng xin cho Ân về sở Hành Chánh Tài Chánh ở Sài-gòn.  Vài ngày sau, ông ghé qua nhà dặn Ân nhớ ghi trong hồ sơ Quân Bạ nộp ở Trung Tâm Ba Tuyển Mộ Nhập Ngũ là đã học xong một năm Luật, chuyện còn lại ông sẽ lo liệu. Ông cũng nhắn thêm là nếu giấy tờ chưa về kịp, thì ra trường, Ân cứ chọn một đơn vị  ở Quân Đoàn II vì bạn ông hiện đang coi về nhân viên-quân số trên đó sẽ điều động cho chàng về một đơn vị của Quân Đoàn, nằm ngay tại Pleiku,để chờ giấy tờ về Sài-gòn sẽ đến sau.
Nhập ngũ ban đầu ngơ ngác và lo sợ, chưa quen với đời lính và cái guồng máy quân đội, nhưng khi trải qua thời gian quân trường, từ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến Thủ Đức, Ân quen nhiều đồng đội, trở thành bạn dễ dàng vì cùng lứa tuổi và đồng cảnh ngộ. Đối với Ân bây giờ đời sống quân ngũ giản dị là mấy thằng bạn cùng Đại Đội, Trung Đội của mình. Ở quân trường, khi nhìn thấy bạn cùng Đại Đội có người yêu đến thăm, họ quấn quít bên nhau ở khu thăm nuôi, Ân tủi thân phận cô đơn của mình nên cũng thầm mong được như bạn: có một người yêu để thương, để nhớ…
Chiến tranh đang diễn ra đến hồi ác liệt, thế mà cá nhân Ân vẫn chỉ cảm thấy đó là cuộc chiến nửa vời, khôi hài một cách chua chát ở chỗ chỉ ảnh hưởng đến những thằng lính như chàng, hay chỉ khốn khổ cho những ai sống ở miền quê, cũng như ở các tỉnh xa xôi hẻo lánh…Còn ở Sài-gòn thì người ta sống vẫn bình thường nhởn nhơ, họ vẫn bình yên ăn chơi. Có chăng là đôi khi trong đêm khuya, chỉ nghe tiếng bom dội về từ xa, làm thức giấc dân đô thành; rồi sau đó, họ lại thản nhiên cố tìm lại giấc ngủ, không hề băn khoăn đến bao gia đình khác, thường ngày đang hứng chịu những trái pháo kích bừa bãi vô tội vạ, những quả bom vô tình được lũ lượt thả xuống…
Đầu năm 1974, mãn khóa Thủ Đức, Ân chọn lên Quân Đoàn II như ông cậu đã dặn dò. Chàng được cấp một tuần lễ phép trước khi đi nhận đơn vị trên Pleiku. Như những con chim vừa xổ lồng, các tân sĩ quan non choẹt, mặt còn búng ra sữa, lăng xăng hẹn hò cùng nhau đi ăn nhậu, kẻ về quê thăm cha mẹ, gia đình trước khi lên đường trình diện đơn vị. Họ cứ thản nhiên đối diện với những bất ngờ vô định đang chờ họ ở trước mặt…Lu bu với bạn bè cho đến một ngày trước khi lên đường đi Pleiku, Ân chợt nhớ đến Văn, chàng quyết định ghé thăm lúc đó bạn đang học mấy chứng chỉ chót của ngành Vật Lý.
Dù không thân nhau, lúc trước Ân lâu lâu vẫn ghé thăm bạn. Vốn tính Văn rộng rãi và hiếu khách, hơn nữa, gia đình Văn khá giả, có căn nhà hai tầng lầu rộng rãi, ở ngã tư Phú Nhuận, trong hẻm Chu Mạnh Trinh nên khi hai người đi chơi khuya về, Ân thường ngủ lại.
Đó là vào xế trưa, khoảng hơn 12 giờ, đứng Ngọ, ánh nắng oi ả  nung nóng mặt đất. Đường phố chỗ ngã tư Phú Nhuận đã bớt xe qua lại, dường như mọi người ở trong nhà để trốn cơn nóng trưa Hè. Tới trước nhà Văn, dựng chiếc xe Suzuky, bấm chuông, đứng chờ, Ân đảo mắt nhìn qua khe hở của khung cửa sắt trước cửa nhà, không thấy xe Lambretta của Văn dựng dưới hàng hiên như mọi khi, nhưng lại có một chiếc Honda PC đậu sát vách tường. Đang thất vọng, cảm thấy buồn…chàng bỗng một cô gái còn trẻ tuổi mặc chiếc áo cánh trông tươi mát như vừa tắm ra, từ trong nhà mở cửa bước ra. Cô ta hỏi vọng ra “Ông hỏi ai ?” Dù mới gặp lần đầu mà như có gì đã gắn bó, tự nhiên Ân cảm nhận được sự cởi mở thân thiện nơi cô gái. Chàng lên tiếng “Tôi là Ân, bạn anh Văn…Anh Văn có nhà không cô?”  Cô gái cười tươi, nhất là cười với cả đôi mắt hơi nhíu lại, nói nhanh “ Ảnh không có nhà …nhưng cũng sắp về rồi. Anh vô nhà chơi” Vừa nói cô ta vừa mở khóa tấm cửa sắt.
Đẩy chiếc Suzuky vào trong vườn, Ân hỏi thăm, như trong bụng muốn bắt chuyện với cô gái “ Cô là em anh Văn hả? Đã đến chơi nhiều lần mà sao tôi chưa được gặp cô nhỉ?” Cô gái lại cười trả lời “ Em học trên Đà-Lạt, năm nay mới xuống đây học tiếp…Em tên Hà, cousine của Văn”
Hai người cùng bước vô nhà, bên trong không khí chợt mát rượi. Có lẽ nhờ trần nhà cao, hai bên cửa đóng kín và quạt máy đang nhẹ nhàng quay trên cao …Trông thấy trên trán Ân mồ hôi nhễ nhại, Hà đề nghị “ Để em rót nước nhe…Anh Văn chắc cũng sắp về rồi.” Nói xong nàng biến đi vào trong nhà.
Ngồi xuống ghế nơi bàn ăn, Ân nhận thấy tim mình đang đập nhanh và mạnh hơn, chẳng rõ vì sao…  Không hẳn vì sắc đẹp của Hà: nàng trông không có gì đặc biệt xuất sắc cả…Chẳng lẽ là do nụ cười hồn nhiên có một sức thu hút mãnh liệt? Hay một lực hấp dẫn vô hình khó hiểu nào đó, khiến chàng xúc động, và cảm thấy lâng lâng như đang lạc vào một thế giới nào khác lạ, có vẻ huyền ảo. Trong bụng chàng chợt nghĩ: Chẳng lẽ đây là coup de foudre, tiếng sét ái tình mà người ta thường nói?
Ngồi yên như vậy, không rõ là bao lâu, Ân chỉ thóang mơ hồ nghe tiếng quạt máy quay nhẹ nhàng, từng đợt đều đều như muốn ru ngủ… Khi trở ra, trên tay cầm cái ly nước đá lạnh, bên ngoài đọng nhiều giọt nước ẩm kết tụ lại, Hà lên tiếng “Mời anh …” Ân ấp úng “ Cám ơn …Hôm nay cô không đi học sao?”. Hà kéo ghế ngồi xuống, tự nhiên đối diện với chàng:“Em học Văn Khoa. Hôm nay có lớp trễ nên ghé qua đây nghỉ trưa,mà không có ai ở nhà…”. Cử chỉ Hà tiếp khách cũng giản dị bình thường, nhưng Ân lại suy diễn một cách chủ quan: nàng đã có cảm tình với mình rồi!
Nàng hỏi thăm “Anh học chung với anh Văn?”.Ân đáp “Vâng, nhưng chỉ  cấp trung học ở Jean Jacques Rousseau và một năm MPC thôi…Bây giờ tôi đã là thằng lính rồi…” Nhìn kỹ Ân, Hà vừa nhận ra: “ Ồ, thảo nào anh trông đen; tóc lại cắt ngắn quá…”
Hai người ngồi chỉ cách nhau có một thước. Ân nhìn kỹ, Hà  khuôn mặt chữ điền, lộ vẻ cương nghị;   đôi mắt nâu hơi đậm, tuy vừa vặn nhưng lúc cười nhíu lại, toát ra một vẻ thẳng thắn, đáng tin cậy. Cử chỉ Hà linh hoạt và sống động như con chim đang hót và nhảy nhót trong lồng. Sức hấp dẫn có lẽ do đôi môi hơi dầy, ẩn dấu chất đam mê.., nàng có giọng nói cao và mạnh của một người khỏe mạnh…
Câu chuyện giữa đôi trẻ diễn ra như giòng nước tuôn chảy.. vì cả hai dường như đã có cảm tình với nhau. Ít ra thì có vẻ như thế. Dường như có gì thối thúc chàng muốn tìm hiểu cô gái này…Ân hỏi thăm về đủ mọi chuyện trên đời mà chàng cho là quan trọng, từ âm nhạc, sách báo, cho đến cuộc chiến tranh đang diễn ra gây cấn và tàn nhẫn. Còn Hà thì cứ tự nhiên thổ lộ, như thể nàng cũng chú ý đến sự hỏi han của Ân. Có điều lạ là ý kiến của nàng đều khác hẳn với chàng: Hà ưa nhạc Pháp hơn nhạc Việt, thích xem phim tình cảm ướt át như Bác Sĩ Zhivago..; ngược hẳn với Ân chỉ thích phim trinh thám, chiến tranh …và xem ra nàng chẳng để ý gì đến cuộc chiến này. Nàng sống như một người ngoại quốc hiện đang tạm trú ở Việt-Nam vậy. Trong khi đấy, Ân nhờ vậy mà biết nhiều về Hà : Nào là cô thuộc vào một gia đình khá giả, sinh sống ở Đàlạt ngay từ khi di-cư vào Nam, theo học trường bà sơ Couvent des Oiseaux . Đậu Tú Tài Pháp năm ngoái, nàng chê giá trị bằng cử nhân của Viện Đại Học Đà-Lạt nên về Sài-gòn học Văn Khoa. Còn gia đình vẫn còn trên Dalat, nàng ở tạm nhà của một ông cậu trong Chợ Lớn, và thường ghé qua nhà Văn tạm nghỉ buổi trưa để trở lại trường học tiếp lớp buổi chiều…
Có một câu hỏi ngộ nghĩnh mà Ân nhớ mãi là chàng đã hỏi Hà:“Nếu cô bị lạc vào một hoang đảo sống  mà chỉ có một bản nhạc duy nhất để nghe cho cả cuộc đời sau đấy, thì cô sẽ chọn bản nào?” Nét mặt bỗng trầm xuống, như đang suy nghĩ, rồi nàng trả lời:“ Em xin chọn bản Le Beau Danube Bleu của Johanne Stauss, vì thấy nghe mãi mà chưa chán!” Ngẫu nhiên mà biết Hà có cùng sở thích với mình, chàng chợt thốt lên: “Ồ, tôi hết sức đồng ý với cô.Bản nhạc này nghe du dương và lãng mạng quá, mỗi lần nghe…làm như có cảm tưởng ngồi trong một con thuyền đang trôi trên giòng sông Danube, ngắm mấy con thiên nga lặng lẽ lướt trên mặt nước..Cảnh tượng ấy nó đưa tôi về quá khứ, của hồi mấy Thế Kỷ trước, một thời đại vua chúa huy hoàng cổ kính ngày xưa…, như mình đang sống trong một câu truyện cổ tích!” Cả hai cùng cười thỏai mái, hết sức gần gũi. Họ đã cùng vui về một chuyện nhỏ nhoi, chẳng đâu vào đâu…Phải chăng, trong cuộc đời, giá trị đặc biệt thường ở những khỏanh khắc nhỏ nhoi như vậy?
Nhờ đó hai người trở nên thân mật hơn với nhau. Ân thấy hứng khởi hỏi thêm:“ Bây giờ nếu cô chỉ có một cuốn sách để đọc, Hà sẽ chọn cuốn nào?” Như học sinh  thuộc bài, Hà trả lời ngay: “ Chiến Tranh Và Hòa Bình của Tolstoy” Ân chưa hề đọc hay xem phim về tác phẩm này. Bởi tuy có nghe nói đến nhưng chàng đã cho là câu chuyện về mấy hoàng tử, vua chúa nước Nga thì có gì là hấp dẫn. Thấy Ân hơi khựng lại, Hà tiếp lời: “ Còn anh thích cuốn nào nhất?…Tolstoy là nhà văn lớn nhất nhì thế giới mà anh!” Sau vài giây suy nghĩ, Ân đáp “ Cuốn Les Misérables của Victor Hugo…Tôi thấy câu chuyện này hấp dẫn và cảm động, lại có hậu nữa.” Hà cười: “Anh đúng romantique quá ! Tụi Tây cũng thích Hugo lắm. Anh có biết lủy là tác giả Pháp duy nhất còn tại thế mà đã được đặt tên đường ở Paris  không.Con đường đó cũng chính nơi ông ta có nhà ở… Anh thử tưởng tượng xem, đã có một bức thư gửi cho ông ta, bên ngoài phong bì ghi như sau : À monsieur Victor Hugo, số nhà bao nhiêu đó… đường Rue Victor Hugo! Nghe mà hãnh diện quá, hé anh?”
Liếc nhìn ly nước Ân  uống đã cạn, Hà tính đứng dậy mang đi rót thêm. Ân cản lại: “ Không cần đâu Hà, tôi đủ rồi…” Như tình cờ, Hà ngước nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, và reo lên“ Úi chà! Cũng đã hơn 4 giờ rồi…Xin lỗi anh, em phải đi học. Lớp của thầy Nghiêm Thẩm, ông già khó tính nhất Văn Khoa!”
Cả hai cùng một lúc đứng dậy. Ân “Vậy thôi, tôi cũng đi về…Ngày mai tôi lên Pleiku. Không biết bao giờ lại có dịp về Sài-gòn nữa…”
Đứng yên tại chỗ, như đang suy nghĩ, Hà đề nghị “Khi nào về, mời anh ghé đây chơi. Hy vọng có anh Văn ở nhà” Và như không muốn kéo dài thêm phút từ giã, cả hai cùng bước đến cổng.
Ra khỏi hẻm, Ân quẹo bên phải, phóng xe về hướng Chi Lăng mà trong lòng lâng lâng xao xuyến.. Khi gần tới gần Lăng Ông, chợt thấy xe mình chạy quá nhanh, chàng vội thắng lại, mới chợt nhận ra là chính mình chưa biết sẽ đi đâu…

Cuộc gặp gỡ lần đầu ấy xẩy ra đã quá lâu, và sáng hôm nay, Ân không còn nhớ hết mọi chi tiết nhưng  nội dung vẫn nguyên vẹn đẹp một cách huyền ảo trong ký ức: Thời gian vài tiếng đồng hồ trưa hôm xưa đó trôi qua chậm chạp như đã cô đọng lại, không gian ấy chỉ còn có Hà và Ân là trọn vẹn hiện hữu  sống động, và thế giới quay xung quanh họ, như chiến tranh, hệ lụy hay khổ đau thì không còn nữa…
Ngày hôm sau, ngồi trên chiếc phi cơ quân sự C 130 bay lên Pleiku, Ân suy nghĩ mông lung về tiếng sét ái tình kia …và chàng không ngờ đó là cuộc gặp gỡ lần chót với Hà.
Số phận, và hoàn cảnh éo le đã không cho hai đứa gặp lại nhau…Giấy tờ chạy chọt của ông cậu bị chậm trễ, Ân kẹt ở Quân Đoàn II. Lúc còn ở Pleiku,nhớ tới Hà, muốn liên lạc nhưng chưa biết cách nào tiện,  Ân đã đinh ninh là mình sắp được về Sài-Gòn nên cứ nấn ná không viết thư cho Văn để hỏi về Hà. Sau nhiều đêm cô đơn nằm vắt tay lên trán, trên chiếc giường sắt nhà binh trong cư xã sĩ quan độc thân ngay trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, nghĩ về mối tình như sét đánh của mình, Ân đánh liều viết bức thư tỏ tình với Hà, gửi về địa chỉ của Văn, nhờ bạn chuyển …
Chờ đợi thư hồi âm, nhưng Ân không bao giờ nhận được…cho đến cuối năm 1974 chàng được sự vụ lệnh đi học khóa Hành Chánh Tài Chánh ở Gò-Vấp.
Về tới Sài-gòn, vội vàng đến nhà Văn, không phải để kiếm bạn mà cốt gặp lại cô em họ bạn. Bấm chuông, Ân hồi hộp chờ xem ai ra mở cửa…nhưng không phải Hà mà là Văn xuất hiện.Và Ân đã được biết là Hà vừa lên Đà-Lạt thăm gia đình. Kể về cô em họ, Văn nhìn Ân với nụ cười bí ẩn, như nụ cười của Mona Lisa. Băn khoăn, Ân không biết thư tỏ tình của mình đã bị thất lạc hay là Văn đã đọc mà không chuyển cho Hà vì không muốn cô em họ dính líu với một người lính nghèo, tương lai bấp bênh.
Nghe chuyện về Hà, Ân mừng thầm và  hỏi địa chỉ. Đêm đó chàng lại viết thêm một bức thư nữa cho Hà nhưng vẫn không được hồi âm. Chờ đợi, thắc mắc và băn khoăn, Ân tới kiếm Văn hỏi thăm nữa nhưng hai lần người bạn đều không có nhà. Đánh hơi thấy Văn đang lo chuyện gì quan trọng, vì lúc đó tình hình chiến sự biến chuyển rối ren, người dân Sài-Gòn xôn xao lo lắng cơn bão sắp đổ tới. Đến lần thứ ba, người nhà cho Ân biết gia đình Văn đã đi Pháp, và vẫn không biết gì thêm về Hà. Cũng nhờ vậy mà Ân mới khám phá gia đình Văn là dân Tây, có quốc tịch Pháp từ lâu đời.
Cứ thế, mất liên lạc Văn hơn 5 năm, cho đến khi Ân sang định cư ở Pháp. Một hôm tình cờ gặp lại nhau ở ngoài sân chợ Tăng Frères. Mừng rỡ sau bao năm cách biệt mà Văn vẫn bảnh bao và sung túc, như lúc nào cũng may mắn an lành trong suốt cuộc chiến, Ân tủi thân thầm ganh tỵ với người bạn cũ, và được biết năm 75 , Hà đã theo gia đình di tản qua Mỹ. Ít lâu sau, nàng lấy Huy, một dược sĩ , vợ chồng họ đang sống ở San Jose.

Công ty SNCF , Sở Hỏa Xa của Tây coi vậy cũng đáng tin cậy: Chuyến xe của Ân tới gare du Nord đúng giờ, nhưng xuống đó chàng phải đổi qua đường métro mới đến được Quận 13…
Xuống bến Porte de Choisy, ngay khu Tàu, Ân đi bộ dọc theo đường Ivry về hướng chợ Tăng Frères. Nắng đã lên cao, cảnh vật ấm áp, khác hẳn ban sáng khi chàng rời nhà ở Compiègne. Thời tiết Xuân Paris năm nay khác lạ, thay đổi bất thường, ban đêm nhiều khi lạnh phải để sưởi ấm nhưng đến xế trưa lại nóng, cần mở toang  hết cửa sổ nhà cho gió lùa vào.
Quãng đường Ivry ở Quận 13 có bóng mát hai hàng cây cao. Gần tới khu Á Đông, Ân thấy nhiều cửa tiệm đa số của người Hoa, lâu lâu chen vào chủ người Việt, hay Miên và Lào nữa. Khu Việt-Nam ở Paris rải rác và nhỏ, trông nghèo nàn cũ kỹ, không sánh nổi với Bolsa bên Nam Cali, nhưng nó lại hao hao giống như mọi khu chợ Tàu ở khắp nơi trên Thế Giới với mùi thịt quay, trái cây bầy ngoài đường và …rác rến ngổn ngang trên vỉa hè. Có một lần, Văn đã khuyên Ân: “ Vô tiệm Tàu nào lịch sự và sạch sẽ là toa lầm rồi, tiệm đó sẽ không ngon đâu. Tiệm nào càng sập xệ, dơ dơ, vậy mới nấu ngon, đúng gôut Chợ Lớn của bọn mình ngày xưa!” Nghe nói, Ân cho là Văn kỳ thị văn hóa Trung Hoa, đồng hóa Tàu với dơ bẩn, cũng như nếu nói đến Nhật-Bản là cái gì cũng đáng tin và sạch sẽ. Chàng không hiểu Văn muốn ám chỉ gì khi nói gôut Chợ-Lớn.. hay hắn ám chỉ cơm Tàu theo gốc Quảng Đông, như đa số người Hoa ở bên nhà.
Bước tới chợ Tăng Frères, chỗ sân trước, bên phải có một gian hàng bán thịt quay và bánh mì đang đông khách đứng chen chúc nhau mua hàng. Tiếng ồn ào náo nhiệt của mấy bà người Hoa nói lớn inh ỏi, họ tán chuyện gẫu như đang cãi nhau. Nhìn sang bên trái, chỗ ngồi chờ có mái dù che,Ân thấy ngay Văn đang ngồi chờ. Chàng giơ tay vẫy nhưng Văn bận cúi xuống cái I-Pad mới mua, của Mỹ mới du nhập sang, đang được quảng cáo rầm rộ ở Paris. Dư giả tiền bạc,Văn lúc nào cũng mua sắm đầy đủ theo thời trang mà không kể giá tiền đắt bao nhiêu. Trông trắng trẻo và đẫy đà, ăn mặc giản dị nhưng xem ra Văn quắc thước và lịch lãm với cái áo khoác bằng nỉ loại đắt tiền. Tiến đến gần, Ân lên tiếng chào bạn:“Bonjour Văn, toa đến lâu chưa?”
Ngưng đọc, ngửng đầu lên thấy bạn, đứng dậy đưa tay ra bắt, Văn nở nụ cười tươi tắn:” Chào toa, cũng mới đến thôi. Moa đang nghịch cái I-Pad này mới mua,…Hết sẩy toa ơi… Kỹ thuật của tụi Mỹ vượt xa mấy anh Tây. Polytechnique, grandes écoles  mà chả làm ra cái thể thống gì!” Tính khoe thêm nhưng nghĩ sao Văn đậy nắp I-Pad lại: “Moa không biết lát nữa nên đưa họ đi ăn ở đâu? Còn toa thích gì?  Cơm Tàu hay Việt?…Bên Cali nhiều quán Việt-Nam, có lẽ họ thích ăn điểm xấm chăng?” Từ sáng đến giờ Ân chỉ băn khoăn về Hà nên trả lời cho qua: “Ồ, tùy mấy toa. Moa cái gì cũng ô kê cả. Miễn có chỗ ngồi thoải mái…” Nói xong, chàng mới để ý là vốn sẵn trong tiềm thức, chàng đã có ý mong được ngồi nói chuyện với Hà, hy vọng sẽ xóa đi những thắc mắc lâu nay về cô nàng.
Cũng ngồi xuống trên băng ghế bằng gỗ đối diện Văn , Ân hỏi thăm vợ của Văn :“Sao toa không rủ chị Thoa đi ăn luôn cho vui?” Văn lắc đầu: “ Bà ý đi chơi với bạn rồi. Lấy tour đi xem hoa toulipe bên Hòa Lan, nghe nói năm nay đang nở đẹp lắm. Moa thì chán đi lắm rồi …Đi đâu loanh quanh làm chi cho đời mỏi mệt!” Nói xong, Văn cười nhíu mắt lại như đắc ý với câu hát lấy từ một bản nhạc. Biết Văn ít khi muốn đi chơi đâu cùng với Thoa: Vợ chồng này như mặt trăng với mặt trời, sở thích khác hẳn nhau; tuy vậy, Ân xem ra họ không mấy khi lớn tiếng mà như thể họ vốn bổ túc cho nhau, tạo hài hòa trong sinh hoạt gia đình. Từ đó, tự nhiên đưa tới sự phân công rõ rệt: Văn lo kiếm tiền và chăm lo nhà cửa, còn Thoa quanh quẩn bếp núc và con cháu.
Bây giờ cả hai đều đã về hưu, thời giờ rảnh rang, Thoa giao du nhiều với bạn bè. Nàng tham gia các nhóm thể thao, như yoga, tài chi và thường đi chơi xa với một nhóm cùng lứa tuổi cùng sở thích; còn Văn lại chỉ ngồi nhà đọc sách và xem tê-lê về thể thao.
Tò mò về Hà, Ân hỏi Văn: “Vợ chồng Huy và Hà tính ở Paris bao lâu vậy toa? Họ có plan đi chơi đâu nữa không, hay chỉ lanh quanh đây thôi?” Văn đáp: “Tụi nó qua được ba ngày rồi. Thoa có rủ vợ chồng nó đi Keukenhof xem hoa tulipe mà tụi nó chê, không thích đi tour chung với nhóm của bà xã moa. Dân ở bên Mỹ như vậy đó toa, giàu một chút là trở thành trưởng giả, không muốn gặp ai hay đi chung với người lạ.Họ còn sợ đi cái tour rẻ tiền sẽ không đủ tiện nghi. Tụi nó nghĩ là phải giao du với giai cấp sang trọng …Noblesse oblige mà toa. Còn bà xã moa, toa biết đấy, xề xòa, dễ tính, người Nam bình dân mà …Dân bên Mỹ qua đây hay chê Tây nghèo và dơ dáy, nhà cửa nhỏ xíu, không đủ tiện nghi như bên đó…” Ân hỏi tiếp: “Vợ chồng họ đã qua đây nhiều lần chưa toa?” Văn đáp :”Hà nó qua vài lần, nhưng cũng không đi đâu nhiều,chỉ quanh quẩn ở Paris thôi.Nó hay có reunion bạn học cùng trường Couvent” Nghe bạn tiết lộ về Hà, Ân ngạc nhiên và mông lung, chợt nghĩ  đến cô em Bắc Kỳ nho nhỏ thủơ nào, và sự đổi thay của con người, đến sức mạnh vô hình của thời gian và hoàn cảnh. Mặc dù cuộc đời luôn thay đổi, nhưng có lẽ chỉ riêng ký ức về cuộc gặp gỡ của Ân về Hà là còn mãi, nó hiện diện như in xâu vào tâm khảm của chàng. Tất nhiên, hôm nay không phải là vùng đất Phú Nhuận mà là dưới bầu trời Paris. Dường như một triết gia nào đã viết: Không ai có thể tắm hai lần trên một giòng sông được?
Để tránh ánh nắng chiếu thẳng vào mặt,Văn ngồi xích qua một bên băng ghế, đưa tay với cái ba-lô bên cạnh, đặt lên đùi xong cẩn thận mở ngăn ra, cất I-Pad vào, kéo khóa lại rồi để lại bên cạnh. Nhìn ra  cổng dẫn vào chợ, xe hơi bắt đầu nối đuôi nhau vào parking, chợt Ân nhớ đến lời dặn của Mai, cô em dâu, nhờ mua mấy món ở chợ này vì trên Compiègne không có, mà bây giờ chàng bỗng chợt quên mất . Có lẽ, là lát nữa sau khi ăn xong Ân sẽ phải nhờ đến portable của Văn đẻ gọi về hỏi kỹ lại Mai.
Nhìn về hướng con hẻm dẫn vào parking chợ như vừa nhận ra ai “Ồ, tụi nó tới rồi đây này toa…” Văn đứng dậy chỉ một cặp vợ chồng đang đi tới, lập tức gây sự chú ý của Ân. Chàng bèn quay đầu về phía sau thấy có hai người đang bước tới, trông ăn mặc đúng là dân du khách. Hà đi đôi cao gót như đi ăn tiệc, còn Huy đeo máy ảnh trên vai; trông họ khác lạ trong đám địa phương xuề xòa. Dân ở đây khi ra đường thường kéo theo chiếc xe đẩy hai bánh bằng vải; nếu là xe của mấy bà đầm già thì có khi lòi ra mấy ổ baguette; còn dân mít ta chứa đầy ắp rau cải; bọn thanh niên đàn ông thì trên vai vác ba-lô cho tiện đi bộ xa, dễ chuyển xe buýt hay métro..Mặc dầu không đến nỗi lạnh lắm, nhưng phải ở lâu ngoài đường thì chính hiệu dân parisien là trên đầu thường có mũ nỉ, quanh cổ cuốn khăn quàng,còn các cô là phải đôi giầy bốt cao cổ.
Họ bước đến gần hơn, người đàn ông chắc là Huy, còn bên cạnh có lẽ là Hà…Chợt thấy tim đập mạnh và nhanh hơn, Ân dồn mắt nhìn …Nhưng chàng vẫn không thể ngờ người này lại có thể là cô bé nữ sinh năm xưa được: Trước mặt chàng là một người bà đã đứng tuổi, khoảng sáu mươi nhưng ăn diện quá đáng, lòe loẹt  so với cái tuổi có thể đã là bà nội hay bà ngoại. Bà ta đang mặc cái áo măng-tô dài màu lạt, túi da đeo xéo ngang vai, đi đôi giầy cao gót nhưng quá cao nên môĩ bước đi như phải cưỡng chân lên một cách khó khăn. Khuôn mặt nàng bây giờ trắng trẻo hơn trước, đôi môi tô màu đỏ đậm như mấy cô geisha Nhật Bản.Vì đeo cặp kính đen và đang ở hơi xa nên không nhìn rõ, nhưng rõ ràng Hà là một người lạ hẳn so với trước kia, mà lại đang lẫn lộn trong đám đông, Ân sẽ không thể nào nhận ra nàng được nếu tình cờ có gặp nhau ngoài đường!
Như bất chợt nhìn thấy Văn, Hà dơ tay ngoắc và tháo kính râm ra chào: “Hê lô anh Văn…”. Bốn người đều tươi cười đến gần.. Ân lúc này mới nhận ra được một nét quen thuộc: Đó là nụ cười hơi nhíu mắt lại, trên khôn mặt chữ điền nam tính của Hà.
Văn bắt tay Huy, giới thiệu: “Huy biết anh Ân chứ? Lúc trước Ân học chung với anh ở Jean Jacques Rousseau?”và quay về phía Ân: “Đây là Huy và Hà” Văn chỉ tay vào Hà:“Còn cô này, toa có gặp ở nhà moa bên Việt-Nam.” Ân dơ tay bắt Huy, nhưng chỉ gật đầu chào Hà.
Hà nở nụ cười đáp lại, xong nhìn Ân như dò xét: “Anh Ân mà anh giới thiệu làm gì, em biết quá đi chứ ..Anh khỏe không anh..Ủa mà bà xã anh đâu?” Không rõ câu hỏi thăm này có ý đùa cợt, chọc ghẹo Ân hay tình cờ thốt ra…Nên nở cười nửa vời, Ân đáp: “Còn độc thân vui tính, Hà ơi!”Bỗng như trí nhớ bất chợt hiện về, chàng nhận thấy rằng bề ngoài có thay đổi nhưng giọng nói và điệu bộ của Hà vẫn như xưa: lớn tiếng, mạnh mẽ và khi cười thì nhíu mắt hồn nhiên.Có thể nàng đã trở thành một người trưởng giả và kiêu căng nhưng Ân cho là thâm tâm Hà vẫn rộng lượng, dễ san sẻ cho người khác. Chàng vẫn cho rằng, hình như những ai có tính tham lam thì thường không ích kỷ và độc ác. Bọn Tây thường ích kỷ nhưng không tham như người mình. Chơi với bạn tham lam đôi khi khó chịu, nhưng nếu ích kỷ thì có thể thành kẻ thù nguy hiểm…
Văn hỏi : “Nào, bây giờ quý vị muốn tôi đưa đi ăn đâu? Tàu hay ta ? Tụi này nhường quyết định cho khách phương xa đó” Không chờ ai trả lời, Huy nói nhanh: “Anh Văn cho ghé đổi tiền trước nhe…Không có đồng euro kẹt lắm, chẳng làm gì và đi đâu đươc… Mà hôm nay giá hối xuất thế nào anh?”
 “ À , anh quên vụ đổi tiền cho Huy. Mình ra ngoài kia là có chỗ đổi ngay. Anh không rõ, nhưng cách đây một tháng thì đô-la hình như có xuống chút đỉnh. Hai ông bà qua dịp này lỗ đó!” Nghe Văn nói, Huy nhăn mặt, quay qua trách vợ :”Đấy, em thấy không. Nếu mình chờ đến Hè thì vừa ấm áp vừa có lợi.” Không chịu để yên, Hà trả đũa liền, như cũng muốn cho mọi người nghe: “Cái anh này buồn cười thật.Em đi qua đây cốt là gặp bạn học cũ mà anh lại bảo chờ mùa Hè cho rẻ hơn vài đồng bạc sao.Tiền vé lại đắt gấp bội; hơn nữa, chờ đến Hè tụi bạn nó đi vacance ở Saint Tropez hết trọi!”
Nghe Hà nói đến chỗ nghỉ mát nổi tiếng đắt đỏ, chỉ có dân nhà giàu mới dám bến mảng tới, biết nàng có ý khoe bạn mình là dân khá giả, trong lòng Ân thoáng buồn và chán nản. Bốn người cùng sánh bước ra khỏi khu chợ, họ rẽ sang bên phải, đi vài bước là tới chỗ đổi tiền. Huy và Văn đứng trước xem xét tấm bảng gía cả. Sau một chập bàn qua tính lại, họ quyết định đi vào tiệm.
Trong khi đó, Ân và Hà đứng tránh nắng dưới bóng mát một gốc cây cao lá to và cong queo như lá cây đa. Được dịp, Ân lên tiếng hỏi thăm : “Vợ chồng Hà qua đây được bao lâu? Có tính đi những đâu nữa không, hay chỉ quanh quẩn Paris thôi?” Lúc này họ đứng rất gần nhau. Ân nhìn kỹ, Hà như nổi bật là sự trang điểm của nàng,  đậm nét như của một nữ ca sĩ trên sân khấu nhưng có lẽ không thích hợp cho buổi sáng như lúc này. Chàng chợt tự hỏi : phấn son có làm tăng sắc đẹp của một phụ nữ đã có tuổi như nàng không? Đàn bà bên Mỹ để ý đến trang điểm nhiều hơn bọn đầm, không biết vì có tiền hơn hay là thời trang và lối sống mỗi nơi mỗi khác nhau. Chả thế mà nghề làm móng tay bên đó thịnh hành hái ra tiền, còn như ở Pháp thì hầu như hiếm hoi. Thoáng qua, Ân thông cảm với Hà: dường như mấy cô mấy bà bị lệ thuộc vào bề ngoài, hay chính là vì sự thiếu tự tin và yếu đuối, luôn bị ảnh hưởng của người chung quanh? Đàn bà xưa nay vẫn dùng sắc đẹp như một vũ khí độc nhất của họ: sắc bất ba đào dị nịch nhân ?
Ngược nhìn Ân, Hà đáp: “Tụi này qua đây mấy lần, đủ biết Paris rồi anh ơi. Kỳ này qua chỉ cốt để gặp bạn cũ thời Trung Học ấy mà.” Nghe cô em Bắc Kỳ nho nhỏ nói, Ân chợt nhận ra Hà đã quên hết và không còn gì phải để ý đến sự có mặt của chàng! Những chuyến đi Pháp của Hà chỉ là hội ngộ với bằng hữu, không còn nhớ gì dính dáng đến người lính trẻ thủa nào…
Nhưng hiểu như vậy không làm cho Ân buồn phiền gì, trái lại chàng cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản, khác hẳn lúc nãy, phải bâng khuâng và nôn nao.Bây giờ thì như trút được một gánh nặng trên vai, Ân cảm thấy dửng dưng và bình tĩnh. Mừng được gặp lại Hà, vui khi thấy cô nàng có được cuộc sống giàu sang như ý muốn,cùng một lúc Ân như thoát khỏi mối tình hư ảo đã ám ảnh chàng bao nhiêu năm nay…
Đổi tiền xong, Huy trông hớn hở, vui hẳn lên vì bất ngờ được lời:Hôm nay đồng đô-la bỗng vọt lên giá. Huy tươi cười nhìn một lượt từ Văn qua Ân như dò hỏi ý kiến hai dân parisien:“Ô kê, bây giờ mình đi đâu hé?”, nhưng cả hai đều yên lặng…
Họ đứng trên vỉa hè dưới bóng cây cao, ánh nắng đã từ trên cao  rọi xuống,chiếu qua hàng lá dầy lấp lánh như nhảy múa. Khung cảnh của bầu trời Paris gợi Ân nhớ về Sài-Gòn năm xưa, về kỷ niệm của những buổi chiều tan học, thả bộ trên đường Phan Đình Phùng khu DaKao. Còn bây giờ Sài-Gòn của mình thay đổi như đã chết rồi, hình ảnh cũ kia chỉ còn là kỷ niệm đã ăn xâu trong tâm khảm.Phải chăng đó là một lý do Ân yêu mến Paris, nơi phảng phất là hình ảnh còn sót lại của Sài-Gòn năm xưa?
Chưa ai lên tiếng quyết định đi ăn ở đâu.. Bỗng Hà than đi bộ lâu mỏi chân, cả bọn đành chọn một nhà hàng gần nhất, chỉ cần băng qua bên kia đường là tới. Ân biết tiệm đó không ngon mà còn đắt, nhưng không nói gì.
Ngồi vào bàn, bốn người trao đổi xã giao. Trong lúc ăn, họ chuyển qua chuyện tầm phào, nghe rời rạc, không ăn khớp gì với nhau: Huy và Hà ở phía bên Mỹ chỉ muốn nhắc đến đến cơn khủng hoảng địa ốc  đang hoành hành thung lũng Hoa Vàng và giá nhà cửa ở Paris; còn Văn và Ân dân bên Tây thì ngồi nghe với cảm tưởng như đang phải chịu đựng những lời khoe khoang vô bổ…Tuy Văn là dân có tiền, có nhà rộng rãi nhưng so với San Jose thì chẳng thấm vào đâu. Thoáng qua, Ân nghe như đồng lương của chàng chỉ bằng một phần mười của Huy, đó là chưa kể lương của Hà cộng thêm vào hàng tháng!Giàu sang hay có tiền chẳng có lỗi gì mà phải che đậy, nhưng câu nói của Balzac xem ra vẫn cứ lở vởn trong óc Ân, không biết ở thời đại này có còn đúng như nhà văn mấy thế kỷ trước nhận xét chăng?
Ăn gần xong, và trong lúc ba người đàn ông đang ồn ào tranh cãi, gây cấn về thể thao như chính họ là cầu thủ của những trận đấu, nhất là khi so sánh chuyện đá banh bên Pháp và football bên Mỹ, Hà móc ví lấy cái portable ra gọi cho người bạn ở Paris. Qua câu chuyện bằng tiếng Tây, giọng như đầm của họ, Ân nghe nàng than phiền do đi bộ nhiều mấy hôm nay nên đau chân, và cô bạn nhanh nhẩu đề nghị sẽ lấy xe đến đón nàng ở tiệm ăn. Như những người bên Mỹ, Hà quen đi đâu là lên xe ngồi, không đi bộ nhiều như dân Tây, chỉ có phương tiện xe buýt, hoặc métro là chính, nên khi qua Pháp nàng chuẩn bị thiếu, không đem theo đôi giày ba-ta.
Thức ăn của tiệm ăn này làm dân bên Mỹ thất vọng, không thể sánh bằng Cali. Xong bữa, Huy đề nghị gọi thêm vài món tráng miệng và cuối cùng là cà-phê, cốt nhẩn nha ngồi câu giờ chờ cô bạn đến đón.
Như những cuộc vui thường qua mau, bữa tiệc gần tàn, câu chuyện giữa bốn người cũng loãng dần, nghe lạc lõng, khác hẳn lúc mới gặp nhau.
Tự cho là mình ngon lành hơn người, cũng do bản tính rộng rãi và hào sảng, Huy một cách tự nhiên dành trả tiền. Ân ngồi yên không cản, vì phận nghèo nhất trong bàn và cũng không muốn khách sáo, nhưng trong bụng chàng lại khó chịu như phải chịu ơn ai. Đối với chàng, số tiền trả cho một bữa cơm như hôm nay quá lớn so với đồng lương hưu của mình, đó là cách hợp lý biện minh cho thái độ lặng thinh của mình!
Có tiếng bim ,bim của còi xe hơi từ bên ngoài…Biết bạn đã đến đón, mọi người vội vàng lục đục kéo ghế đứng dậy, sau khi lên tiếng chào bà chủ tiệm rồi bước ra …Cô bạn, đúng hơn là bà bạn vì đã có tuổi, ngồi trên chiếc xe đậu sát lề đường. Bà ta đi cùng ông chồng làm tài xế. Đã thu xếp qua cú điện thoại lúc nẫy, họ mời tất cả lên xe đi thăm điện Versailles.
Không dự trù là có thêm Ân nên không thể dồn 4 người ngồi băng sau xe được. Ân vội kiếu“Mấy toa đi đi, moa coi nhiều rồi…” Chàng nói vậy để từ chối khéo, vì thật ra Ân chưa vào xem bên trong, mà chỉ đến coi vườn bên ngoài lâu đài, lúc mới qua Pháp. Vợ chồng Huy và Văn vội nhảy lên băng sau xe vì đường đang có xe bấm còi chờ đằng sau…
Khi nhìn theo chiếc xe Audi màu đen bóng loáng vọt phóng đi, Ân mới nhớ là đã quên không hẹn gặp lại Huy và Hà: Vợ chồng họ chỉ đi có một tuần lễ và như vâỵ chỉ còn có ba ngày ở Pháp, không biết bao giờ có thể gặp lại họ… Đứng tần ngần một mình trên hè phố trong giây lát, chàng lững thững đi bộ về phía chợ thì chợt nhớ ra đã quên không mượn điện thoại gọi về hỏi Mai về những thứ gì cần mua ở chợ Tăng Frères…Ân vẫn bước qua đường, hy vọng sẽ nhớ ra những thứ cô em dâu đã dặn, …chắc chắn là phải có hai món bún khô và nước mắm…

Chiều nay trên chuyến tàu hỏa trở về Compiègne, Ân nhận thấy khác hẳn ban sáng:Toa chứa đầy khách đi làm về vì là giờ tan sở ở Paris. Lên xe, không còn mấy chỗ trống, Ân phải ngồi kẹp giữa hai cô đầm trẻ. Cô bên phải đang mải miết cầm điện thoại chăm chú đọc và bấm text không ngừng, mấy ngón tay lướt nhanh trên mặt máy di động như con gà đang mổ gạo trên mặt đất. Sợ làm phiền cô gái, Ân để cái túi chợ dưới chân sát về phía mình. Thấy động đậy, cô ta cúi xuống ngó, rồi ngửng lên nhìn chàng nhếc mép mỉm cười như thông cảm và cám ơn, xong lại chăm chú vào cái điện thoại di động như không hề rời nó.Còn cô bên trái đang giở cuốn sách ra đọc, nhưng chỉ dăm ba phút đã gấp lại và ngả người lim dim ngủ…
Có lẽ vì đông người lạ ngồi chung quanh, Ân không thể thả hồn mơ màng như trên chuyến sáng nay, mà cũng có thể thất vọng vì cuộc hội ngộ với Hà mới đây đã đưa chàng về với hiện tại: Một thực tế khô khan và khó khăn của cuộc sống như mấy người hàng khách trên xe toa xe này, họ cần tranh đấu để sinh tồn. Sau một ngày dài gay go trên Paris, đi làm về mệt mỏi, có kẻ ngủ gà ngủ gật, hay như cô gái bên cạnh Ân  đang đắm mình, chạy trốn vào một thú vui nhỏ nhoi …
Hồi tưởng lại, Ân vẫn tin là Hà có rất nhiều cảm tình, nếu không nói là đã yêu mến chàng.Nhưng, chiều nay, ngồi trên toa xe lửa trở về Compiègne, một nơi quê mùa và xa xôi, chàng đâm hoang mang hoài nghi tất cả, coi những kỷ niệm cũ chỉ là do tưởng tượng của tâm thức, một phản ứng trước đòi hỏi về tình cảm của chàng. Nói một cách khác, Ân chỉ bám víu vào thứ tình yêu do chính chàng tạo ra, vì đúng như Hà nhận xét, chàng quá lãng mạn! Cuộc đời quả là một sự huyền ảo, có khi rất đẹp và vui, như giây phút bên Hà, nhưng cũng có lúc cùng cực như dưới đáy vực thẳm, địa ngục trần gian như những năm bị giam ở các trại tù cải tạo ở Long Giao hay Trảng Lớn…
Chợt nhớ đến lời ca của một nhạc sĩ si tình đã viết lên lời than thở “Làm sao giết được người trong mộng?…” Ân bật cười thành tiếng, khiến cô gái bên cạnh liếc nhìn qua và cũng cười theo như sự vui tươi dễ lây lan ra người khác. Chàng cảm thấy khôi hài vì trong lòng vừa khám phá ra là: giết được người trong mộng rất dễ, chỉ có việc cho gặp mặt đối diện lại với người đẹp, để mà tự khám phá ra sự thật như Ân gặp Hà trưa nay!
Tình yêu của Roméo và Juliette có thể cũng trong sáng, tinh khiết và mãnh liệt như tiếng sét ái tình; đôi trẻ si tình đã dễ dàng chết cho nhau …Thế nhưng, thay vì phải hy sinh như vậy, họ lấy được nhau, và sau nhiều năm thành vợ chồng… có lẽ họ cũng sẽ chán và lục đục tranh cãi về những chuyện nhỏ mọn không đâu, như việc đổi tiền sáng nay của Huy và Hà.
Ngồi ngay ngắn lại rồi nhắm mắt mơ màng, Ân dự tính sau khi ghé đưa Mai gói đồ chợ, về nhà sẽ gọi điện thoại cho Lan ở Việt-Nam. Chàng hứa kỳ này về Sài-Gòn sẽ đến gặp cô bạn của nó, cho đứa em gái biết là anh nó bây giờ đã thay đổi, không còn muốn sống độc thân nữa.
 Mỉm cười, ngả lưng trên ghế xe lửa…chỉ sau vài phút Ân đã thiếp đi…/.

(1) AVC , Accident Vasculaire Cérébral, tai biến mạch máu não.
(2) Départ, Khởi hành.
(3) À bientôt, Gặp lại sau.
(4) Antillais, Dân cư khu vực đảo Antilles, Nam Mỹ, thuộc địa Pháp
(5) J‘entends siffler le train, Tôi Nghe Tiếng Còi Xe Hỏa
May 15, 2020