Học thông tin báo chí – 1970 Đào Hiếu Thảo

Học thông tin báo chí – 1970

                                                Đào Hiếu Thảo

 

 

Chiến Tranh Chính Trị trong Không Quân VNCH gồm các Phòng: Chính Huấn, Tâm Lý Chiến, Xã Hội, Quân Tiếp Vụ, Tuyên Uý Công Giáo, Phật Giáo, Tin Lành, Ban: Văn Nghệ, Điện Ảnh, Thể Thao, Đại Nhạc Đoàn, Toán Chiến Sĩ Ca, Võ Đường Thần Phong…

Đa số các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ theo học các khoá định nghiệp được huấn luyện chuyên môn tại trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Dalat hoặc tại Cục Chính Huấn, Cục Tâm Lý Chiến, Phòng Điện Ảnh hay Truyền Hình Quân Đội…

Một số tuyển chọn, được gởi du học tại Hoa Kỳ tuỳ khả năng, kiến thức chuyên môn, quan trọng là phải hội đủ điều kiện, thông thạo Anh Ngữ hầu theo kịp chương trình giảng dạy ở các quân trường chuyên đào tạo quân nhân Hoa Kỳ và đồng minh.

Những quân nhân thuộc ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Quân xuất ngoại, học khoá Tâm Lý Chiến, Dân Sự Vụ tại các quân trường Fort Bragg, Fort Gordon ở tiểu bang North Carolina. Trường Defense Information School ở Fort Benjamin Harrison, Indiana huấn luyện chuyên môn để đào tạo các sĩ quan thông tin báo chí (Information Officer, Public Affairs Officer và Broadcast Officer).

Các sĩ quan Tuyên Uý Việt Nam học khoá chuyên môn tuỳ từng tôn giáo, vào thời đó, sĩ quan Tuyên Uý Công Giáo trong Quân Lực Hoa Kỳ phục vụ tại các đại đơn vị mang cấp bậc cao nhất là Trung tướng.

Sau khi tốt nghiệp khoá Anh Ngữ từ trường Defense Language Institute, Lackland Air Force Base, San Antonio, Texas, tôi được chuyển đến  Defense Information School (DINFOS), Fort Benjamin Harrison, Indianapolis để theo học lớp Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí và Giao Tế Nhân Sự.

Đây là một căn cứ Lục Quân thuộc Pentagon với các trường Tổng Quản Trị, Hành Chánh Tài Chánh, Quân Y, Quân Pháp và Thông Tin Báo Chí, đào tạo chuyên môn cho sĩ quan quân lực Hoa Kỳ và các quốc gia Đồng Minh từ Á, Âu, Úc, Phi Châu và Canada.

Từ Texas, miền nắng ấm nay về xứ lạnh Indiana giữa mùa đông giá buốt, học hành ra sao chưa biết, nhưng đối phó với cái lạnh thấu xương,  tưởng chừng như đang ở vùng Bắc Cực, không biết mình có chịu đựng nổi không. Bên nước mình các phần hành chuyên lo cho quân nhân du học nước ngoài chưa hề dự trù sẽ có khoá sinh Việt Nam phải nếm mùi rét xuống -20 hay -25 độ C tức là -15 độ F.  Khi về đến trước cửa phòng trọ, các ngón tay cứng ngắc vì quá lạnh, không thể nhúc nhích để thò tay vào túi lấy chìa khoá, phải hơ nóng bằng hơi thở rất lâu, ngón tay ấm dần, lúc đó mới cử động được, mở cửa, phóng nhanh vào nhà.  

Ra khỏi cư xá sĩ quan độc thân, nhìn quanh mình thấy binh lính Mỹ đều mặc trang phục đặc biệt như trong phim Dr. Zivago (thời cách mạng Nga năm 1917), đầu và mặt phủ kín, chỉ chừa cặp mắt. Họ đi giày ủng cao như lính Đức, găng tay dầy cộm, trong khi ấy người Việt mình thì mang giày như đi dạo phố, chiếc áo kiên cố nhất là manteau thì như đi nghỉ phép ở Xứ Hoa Anh Đào, Dalat. Có mặc vào người bao nhiêu lớp dày mỏng, cũng không kham nổi khí hậu khắc nghiệt lần đầu tiên cảm thấy trong đời, nhất là nhìn thấy cảnh tuyết trắng bao phủ mọi cảnh vật, ngập đến đầu gối… Ban đầu thấy đẹp mắt quá, thích chụp hình gởi về nhà, nhưng về sau, lê chân không nổi, hai tai như đóng băng, phát sợ, lại nhớ đến những cảnh trong phim vượt núi Everest, khi họ bị mất liên lạc nhiều ngày, lương thực cạn kiệt, không chống chọi nổi cái rét giết người, các bộ phận bị đông thành đá, có người bị mất tay, chân hay rụng cả vành tai.

Trước ngày nhập học, chúng tôi phải yêu cầu nhà trường cấp phát gấp các loại quân phục cho mùa đông. Lúc đó mới biết họ phải mặc đến 5 hay 6 lớp áo, 2 lớp quần, 2 lớp vớ, 2 lớp găng tay, giày ủng mang ngoài giày lính. Lần đầu mặc quân phục đặc biệt đó, mình cảm thấy người nặng nề, như Kingkong, di chuyển khó khăn, nhưng làm sao bây giờ, cần bảo vệ sức khoẻ để dồn nỗ lực cho chương trình học tập, chắc chắn là gay go vì nhìn  thấy mấy thùng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo nhà trường cấp phát cho mỗi khoá sinh, bỗng thấy ngao ngán! và tự nhủ “thôi chết rồi, cứ tưởng lầm được du học Mỹ là sung sướng, nào ngờ sự thật phũ phàng, không béo bở như người ta thường kể”.    

Sáng sớm thức giấc từ 5 giờ, xem lại bài bản, sách vở, chuẩn bị tài liệu, bài tập phải nộp, đến mess hall (câu lạc bộ) vội vàng ăn sáng rồi chờ xe bus đón tới trường, tuy đoạn đường không xa nhưng trời lạnh như cắt da, xẻ thịt, lên xe vẫn thích hơn. Mới bước lên xe bus, không ai ngồi ngay vào ghế được mà thường thì phải quỳ lên ghế vì làm như thế thì đỡ buốt giá toàn thân. 

Khoá học gồm 44 sĩ quan từ cấp Chuẩn uý đến Thiếu tá, trong đó có 41 sĩ quan Mỹ , ba Việt Nam là Hải Quân Đại uý Lê Công Mừng, Chuẩn uý Không Quân Chu Văn Hải và tôi. Phần lớn khoá sinh là các nam nữ sĩ quan Hoa Kỳ thuộc thành phần tốt nghiệp chương trình ROTC (Reserved Officers Training Course) vừa hoàn tất 4 năm đại học, kèm lớp quân sự căn bản mà các đương sự phải thao dợt hàng năm, ngoài giờ học văn hoá và chuyên môn.

Ngoài ra còn có những sĩ quan Hoa Kỳ thuộc Hải, Lục, Không Quân, Thuỷ Quân Lục Chiến, các vị sĩ quan tuyên uý, lãnh đạo tinh thần  đã ra đơn vị, từng phục vụ khắp 50 tiểu bang của Mỹ hoặc từ chiến trường hải ngoại trở về, được chuyển sang ngành Thông Tin Báo Chí. Trưởng lớp là Major Bộ binh (Thiếu tá) Robert Seams, người Mỹ da màu,  năm ấy đã trên 40 tuổi, ông bị thương ở chiến trường vùng Cao Nguyên Việt Nam, từng có vợ người Việt nên ông nói tiếng Việt trôi chảy.

Trong những lần tâm sự với ba bạn đồng khoá người Việt chúng tôi, Thiếu tá Seams thường bày tỏ nỗi chán ghét chiến tranh, ông không tán thành chính sách của Washington muốn can dự vào cuộc chiến Đông Dương làm tiêu hao xương máu con dân nước Mỹ. Những suy nghỉ bộc trực này chỉ cho phép ông thố lộ bằng tiếng Việt, với ba chiến hữu người Việt Nam mà thôi, ngoài mặt thì ông tỏ vẻ tỉnh bơ, ai bảo sao làm vậy, lắm khi quá bực bội, ông chờ đến giờ nghỉ trưa, chạy tìm “3 thằng bạn Việt chúng tôi” để trút bầu tâm sự u uất.

Anh kể lại rằng, thời còn là sinh viên đại học, vì không chịu nổi sự chèn ép, bất công, anh cùng các bạn xuống đường biểu tình, đòi hỏi công lý, lẽ phải. Trong một lần xuống đường anh đã bị hành hung, gây thương tích nay còn mang vết sẹo nơi chân trái.

Chương trình đào tạo Information Officer  gồm nhiều môn học như bang giao quốc tế, hành chánh công quyền, radio & television,  kỹ thuật viết tin, viết bình luận, làm phóng sự, chụp hình, quay phim, tập đánh máy chữ với 10 ngón …

Bài tập làm ban đêm, phải đánh bằng máy chữ, không được viết tay, buổi sáng khi đến lớp nộp vào ngăn dành cho từng giảng viên, sau khi   chấm điểm họ  giao lại cho các khoá sinh. Do tánh lười, ỷ lại tôi không chịu theo học lớp dạy đánh máy chữ đúng phương pháp, nên suốt đời cho đến bây giờ vẫn cứ “mổ cò”.

Với cá nhân tôi thì môn “Research & Oral Communication” (nghiên cứu & thuyết trình) là hấp dẫn nhất. Môn học ấy luyện cho người sĩ quan thông tin báo chí biết cách thức nói chuyện, thuyết trình trước toàn thể quân nhân trong đơn vị,  hay nói chuyện trước đám đông vài trăm, vài ngàn người.

Hàng tuần đều có thực tập, mỗi khoá sinh được chọn một trong số hàng chục đề tài được giao, hoặc tự mình đi tìm đề tài thích hợp và được sự ưng thuận của giảng viên. Thời gian nói chuyện trước nhóm mình gồm có 10 hay 12 người là 5 hay 6 phút. Sau đó tăng dần trong những kỳ thuyết trình về sau.

Mỗi lần đứng trên bục giảng để trình bày đề tài mình chọn, giảng viên phụ trách thu hình toàn bộ câu chuyện rồi hẹn giờ gặp riêng mình để phân tích, đánh giá cặn kẽ và bổ túc những điểm thiếu sót. Nhờ được hướng dẫn tận tình cộng với sự chuẩn bị cẩn thận từng bước một, tôi đã nhiều lần được chấm điểm nhất, nhì trong nhóm về môn thuyết trình trước công chúng.

Bài thuyết trình cuối khoá có thể kéo dài từ 10 tới 12 phút, thuyết trình cá nhân hoặc thuyết trình nhóm, tối đa là 3 người. Đề tài đòi hỏi phải có phần audio-visual aid tức là trợ huấn cụ bằng âm thanh, bằng hình ảnh, màu sắc, hầu giúp cho câu chuyện được phong phú, thu hút, hấp dẫn cử toạ.

Qua nhiều vòng loại, cuối cùng chỉ còn hai nhóm tranh giải chung kết. Nhóm của tôi có một khoá sinh Mỹ da trắng, một da màu, một Á Châu, nhìn qua là thấy “gánh hát” này ăn khách rồi, chưa biết nội dung, kết cuộc ra sao. Người đạo diễn tự nguyện, ngấm ngầm giúp chúng tôi không ai khác hơn là Trưởng lớp, Thiếu tá Seams “bạn thân của ba đứa người Việt chúng tôi”.

Ba anh em trong nhóm chúng tôi họp bàn liên miên, phân công nhau xem đứa nào làm món gì, mục nào, vẽ vời ra sao, ghi âm nhạc gì, chọn tranh ảnh bắt mắt, dựng giá thuyết trình ghi rõ dàn bài cho cử toạ tiện theo dõi.

Trưởng toán là anh mục sư da màu Smith, hôm thi chung kết anh mặc âu phục của một nhà truyền giáo, kế đó là Đại uý Biệt Động Quân Roberts từ chiến trường Việt Nam về, tôi mặc quân phục Không Quân Việt Nam và cả ba xếp hàng nghiêm chỉnh bước ra trình diện trước toàn khoá.

Mấy chục năm sau nhớ lại chuyện cũ thấy sao nó “ứng” với thời thế quá, kỳ thuyết trình hôm ấy chúng tôi nói đến vấn đề nhân quyền, bình đẳng giới, đặc biệt là trong quân lực Hoa Kỳ. Anh Smith mở đầu bằng lời lẽ hùng hồn,  sau một đoạn  ghi âm quốc ca Hoa Kỳ, giọng nói mục sư của anh làm say mê người nghe, tiếp theo là phần trình bày của anh Roberts kèm những hình ảnh, tài liệu, bản đồ. Tôi được giao lo kết thúc câu chuyện bằng những lời kêu gọi vãn hồi hòa bình, những chiến dịch vận động cho nguyện vọng thiết tha đó. Sau hết tôi hát một đoạn trích từ bài ca “Nhớ Người Thương Binh” của Phạm Duy, tựa đề tiếng Anh là “The Wounded Soldier”, tôi kết thúc với câu “I Want To Go Home!”…

Toán đối thủ của chúng tôi gồm ba nam, nữ sĩ quan Mỹ da trắng, thuộc đủ các ngành Hải, Lục, Không Quân, nói tổng quát về những cái đạt và những cái chưa đạt, trong khoá học Information Officer . Đề tài của họ có vẻ “nhạt” kém câu chuyện thiết thực mà nhóm chúng tôi chọn. Trợ huấn cụ do chúng tôi chuẩn bị phong phú, dồi dào hơn, nên được nhiệt liệt tán thưởng và kết quả chung cuộc, ai thắng, ai bại đã quá rõ ràng.

Sau lễ tốt nghiệp lớp Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí,  ba sĩ quan Việt Nam chúng tôi được Đại tá Chỉ Huy Trưởng Lacey và phu nhân mời đến tư dinh dùng cơm tiễn biệt. Suốt khoá học chỉ được cơ hội chào hỏi, trao đổi với ông rất ngắn.

Khi được dịp tâm tình mới biết ông bà có một người con trai duy nhất đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam, lúc tuổi đời mới 23. Nhắc đến người con trai đã nằm sâu dưới lòng đất, hai ông bà rơi lệ. Có lẽ anh Major Seams nói đúng, chiến tranh oan nghiệt đã làm tiêu hao bao nhiêu xương máu của thanh niên Mỹ, mà những người đau khổ, thiệt thòi nhất trần gian, đang ngồi thổn thức trước mắt chúng tôi.

Rời trường Defense Information School, Fort Benjamin Harrison, Indianapolis, theo quy chế dành cho các sĩ quan Hoa Kỳ, chúng tôi cũng được nghỉ phép hai tuần tại California trước khi bay về Việt Nam.

Tôi nhớ đến câu hát “Đường vào Quân Trường là Đường về Quê Hương…” nơi ấy, có một đất nước suốt bốn ngàn năm anh dũng chống ngoại xâm, một dân tộc bất khuất, hào hùng, khao khát tự do, dân chủ và hòa bình.

                                                ***

Chiến Hữu Chu Văn Hải và tôi có duyên đồng hành qua năm quân trường trong nước và hải ngoại, cả hai chúng tôi đều là phóng viên chiến trường phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Không Quân VNCH và khi đến Hoa Kỳ định cư, rất may mắn còn làm trong nghề truyền thông, báo  chí tại Washington DC. Anh Hải đầu quân bên VOA từ năm 1992,  tôi làm cho RFA từ năm 1997 cho đến tuổi về hưu.  Anh Chu Văn Hải hiện nay vẫn hành nghề thông dịch cho các cơ quan chánh phủ , quân lực Hoa Kỳ và các hội nghị quốc tế.

                                      Đào Hiếu Thảo/ Th2

 

July 22, 2020