Hết Đa Thê, Rồi Đa Phu- T T Thái An

Hết Đa Thê, Rồi Đa Phu!

TT-Thái An

Cái giếng của cả xóm trong và xóm ngoài nằm ở ngay góc của hai dãy nhà.  Dãy quay mặt ra đường là xóm ngoài, dãy quay mặt vào trong chạy dài theo con hẻm là xóm trong.  Hai dãy nhà này chạy theo góc vuông và cả hai dãy đều có cửa hậu.  Cái giếng nằm ở ngay góc vuông của hai dãy nhà có cửa hậu này.  

Mỗi buổi sáng trời vừa hưng hửng, đám người gánh nước mướn lại bắt đầu công việc của họ tại cái giếng này.  Họ gồm có những người ở hai xóm này và những người ở bên kia đường hay từ xóm khác đến đây gánh nước.

Tiếng cười nói bô bô lẫn với tiếng kêu leng keng của gàu thùng va vào thành giếng và nền xi măng làm ồn ỹ cả xóm.  Nhưng chỉ khoảng hơn hai giờ thôi, khi mặt trời bắt đầu lên cao thì họ đã xong việc, ai về nhà nấy.  Trả lại yên tịnh cho cái giếng và cả xóm.

Nhưng hôm nay bỗng dưng khác thường, chỉ vừa yên tĩnh được chốc lát thôi, thì có tiếng la hét chói lói của nhiều người vang lên từ phía giếng.

Thế là bao nhiêu cái cửa hậu đều mở ra, mọi người đổ xô ra xem cho biết việc gì đang xẩy ra thế.

Chị Bốn giúp việc nhà tôi nhanh chân ra xem trước, vì nhà tôi nằm ngay góc vuông này nên cái giếng nằm ngay phía sau nhà tôi.  Nhân dịp tôi chạy theo chị vì thường ngày chẳng bao giờ bố mẹ tôi cho chị em tôi ra giếng chơi vì sợ bị té giếng.  Chị Bốn nắm tay tôi thật chặt, để bảo đảm rằng tôi không đến gần bên giếng.  Tôi nhìn ra được ba người con lớn của bà Sơn đang đứng gần cửa hậu nhà ông Hứa la hét, chửi bới, thách ông bước ra.  Ba cái miệng cùng chửi một lúc, tiếng người này chồng lên tiếng người kia làm tôi nghe không kịp, rối hết cả tai.  Hơn nữa, ở tuổi lên sáu, phần ngữ vựng của tôi chưa được bao nhiêu, nên nhiều chữ mới nghe lần đầu, còn lạ tai, chưa hiểu được.  Nhất là những từ nghữ chuyên dùng để chửi rủa.

Một lúc sau ông Hứa bước ra, ông cũng sừng sổ quát tháo lại.  Ông Hứa là người gốc Hoa, nói tiếng Việt tuy thạo nhưng còn lơ lớ.  Tôi nghe con trai lớn của bà Sơn cấm không cho ông liên lạc với bà Sơn nữa, cấm luôn không cho ông qua nhà họ.  Còn cô con gái thì chửi ông Hứa chẳng ra thể thống gì, tôi không nhớ nổi những câu chửi này. 

Nhưng ông Hứa chửi lại không kém.  Hai người con trai bà Sơn xấn vào đánh ông Hứa, ông Hứa phải đánh lại.  Tôi sợ quá kéo chị Bốn về, nhưng chị Bốn nhất định phải xem tiếp.

Cả xóm ra xem, vui như đi xem hội.  Thời đó, khoảng năm 1960, chưa có TV, chỉ có radio mà thôi.  Lâu lâu có dịp xem đám cãi nhau, người ta khoái chí lắm.  Có người còn vỗ tay cổ vũ đám người đang đánh nhau để họ đánh hăng hơn lên.  Thế là bà vợ ông Hứa phải chạy ra kéo chồng về. 

Ông Hứa chưa đã tức nên chưa chịu về, ông phải mắng đám con bà Sơn vì ông bảo “chúng mày quá hỗn với mẹ chúng mày, lại còn hỗn với tao nữa”.  Khuyên chồng không đươc, bà Hứa phải quay ra khuyên đám con bà Sơn về nhà đi, chuyện gì còn có đó, hạ hồi phân giải.  Đám con bà Sơn chưa đã nư nên tiếp tục chửi rủa ông Hứa.  Hình như họ cố ý chửi ông Hứa và luôn thể bá cáo cho cả xóm nghe cho biết việc liên hệ giữa ông Hứa và bà mẹ của họ là việc không thể chấp nhận được.  Thế là cả xóm đã biết việc gì rồi!  Ông Hứa gian díu với bà Sơn, làm bà Sơn có bầu. Bây giờ đẻ con ra bắt ông Hứa phải nuôi, chứ đám con bà Sơn không chịu chứa “của nợ” trong nhà.  Tới lúc này thì bà Sơn phải ra mặt, năn nỉ đám con bà về nhà, đừng có vạch áo cho người xem lưng nữa.  Chúng nó đang tức, quay ra chửi cả mẹ là bà Sơn. 

Bà vợ ông Hứa hình như đã biết trước nên không ngạc nhiên chút nào.  Bà hứa với đám con bà Sơn rằng khi nào bà Sơn sanh con, bà sẽ đem đứa bé về nuôi.  Đám con bà Sơn có vẻ không bằng lòng lắm vì mục đích của chúng là cấm tiệt không cho ông Hứa liên hệ với mẹ chúng nữa.  Nhưng chúng cũng rút về sau khi chửi vớt thêm nhiều câu nữa.  Có lẽ vì chúng khan cả tiếng rồi, và cả xóm cũng nghe bá cáo khá đủ rồi.  Bà Hứa nắm tay chồng kéo về, vừa nói vài câu tiếng Quảng với ông, hình như có vẻ khuyên lơn ông sao đó.  Hai vợ chồng vào nhà rồi đóng cửa lại.  Thế là “vãn tuồng”, đám cãi nhau giải tán, cả xóm lại rút về nhà.  Nhưng sau đó là bàn tán hào hứng kéo dài thêm nhiều ngày.

Nhà bà Sơn và nhà ông  Hứa đều ở dãy nhà quay ra mặt đường, cách nhau 4 căn.  Nhà bà Sơn chỉ có bốn mẹ con.  Từ khi dọn đến đây, không thấy bà có chồng.  Nghe nói bà góa chồng từ lâu.

Dáng người bà cao lớn, hơi đẫy đà so với phụ nữ Việt Nam thời đó.  Người ta gọi bà là bà Sơn vì con trai lớn của bà tên Sơn.  Căn nhà bà ở cách xa xóm trong một chút nên chẳng thấy qua lại với nhà nào.  Các con của bà cũng chẳng ra đường thường xuyên.  Các con bà Sơn ở khoảng tuổi từ mười ba đến mười bẩy.  Hình như bà Sơn làm nghề chạy hàng sách để nuôi các con.  Vì năm đó các con bà chưa ai đi làm, chỉ trông vào bà mà thôi.

Còn gia đình ông Hứa chỉ có hai người con.  Chị con gái lớn cũng gần hai mươi rồi, người con trai thứ hai khoảng chín hay mười tuổi.  Cả hai con của ông bà đều ít khi ra đường.  Ngay cả ông bà cũng ít qua lại với hàng xóm.  Họ có vẻ kín đáo, riêng tư.  Khi thấy cha ra đường cãi nhau với các con bà Sơn, họ cũng chẳng ra bênh, vẫn ở yên trong nhà.

Vợ ông Hứa dáng người cao cao, nhưng gầy gò, bà cắt tóc ngắn và kẹp tóc qua hai bên tai, kiểu như những bà xẩm khác.  Bà luôn mặc cái áo xẩm ngắn tay màu xám nhạt hay xanh nhạt với cái quần đen.  Suốt ngày bà ở trong nhà.  Vì bà luôn mở cửa hậu, nên thỉnh thoảng tôi nom thấy bà ở phía trong.  Mỗi ngày đã có người gánh nước mướn gánh nước cho bà, nên bà chẳng cần ra giếng thường xuyên. 

Chị Bốn về kể lại cho mẹ mọi chuyện chị đã nghe được.  Mẹ bảo rằng: “Đà bà Tàu hay nhỉ!  Tôi nghe nói, nếu họ không có con được thì để cho chồng lấy thêm vợ để sanh con cho chồng.  Có bà còn đi cưới vợ bé cho chồng nữa.  Nhưng ông bà Hứa đã có hai con rồi.  Hay là không sanh thêm được nữa nên bà Hứa cho chồng kiếm thêm con ở ngoài.” 

Tôi nghe lóm, vẫn chưa hiểu gì lắm mấy cái chuyện thêm vợ, thêm con của đàn ông, hay của đàn ông Tàu.

Chị Bốn nói ngay: “Con gái lớn của ông bà Hứa là con nuôi, con trai thứ hai là con của bà Sơn đẻ cho ông.  Con riêng của bà Sơn cấm không cho ông Hứa tiếp tục với mẹ chúng từ lâu, nhưng bây giờ bà Sơn có bầu thêm đứa nữa.”

À! Ra thế.  Việc gì trong xóm chị Bốn cũng biết.  Chị nói tiếp: “Con trai của ông Hứa và bà Sơn đẻ ở Hải Phòng trước khi di cư vào Nam vì chồng bà Hứa chết rồi nên ông Hứa kiếm bà Sơn làm vợ nhỏ.”

Chị Bốn lại nói ngay đến gia đình ông Nùng bán bò khô đu đủ ở gần giếng. 

Hai vợ chồng ông này người Nùng, di cư từ Bắc vào năm 1954, bà vợ ông hơi thấp người, dáng béo tròn, luôn mặc bộ quần áo đen, phía trên là áo cánh tay, kiểu như áo xẩm, còn cái quần đen thì ống hơi rộng, dài qua đầu gối một chút.  Đầu bà luôn buộc cái khăn vải màu đen giống như khăn quấn đầu của đàn ông khi ra đồng làm ruộng (không phải khăn mỏ quạ).  Có lẽ đó là cái khăn quấn đầu của phụ nữ Nùng.  Bà có nghề làm bánh rán rất ngon.  Mỗi ngày bà đẩy xe bánh rán ra đường vừa đi vừa rao hàng “Ai bánh rán đây!”  Bánh rán của bà cũng nắn nhỏ như của người khác, có nhân đậu xanh bên trong, nắn xong lăn qua vừng (mè), nhưng khi cho vào chảo dầu chiên thì phồng lên, to bằng cái bát ăn cơm, nên vỏ mỏng dính, không còn cái lớp nếp mềm và dầy phía bên trong vỏ, ăn rất giòn và rất thơm.  Mỗi chiều, khi bà đẩy xe đi bán, nhiều người trong cái xóm này ra mua bánh cho bà.  Bán xong cho những người trong xóm thì bà đẩy ra đường đi bán dạo qua những hẻm khác, đường khác.  Hễ đã ăn bánh rán của bà rồi, không muốn mua bánh rán ngoài chợ hay của ai khác bán nữa.

Ông Nùng có dáng người cao lớn hơn những người đàn ông  trung bình.  Ông có nghề làm  bò khô, mỗi ngày ông ướp thịt bò xong thì đem rải ra phên, phơi ở trước sân nhà.  Nhiều lúc ruồi bu lại đen kịt, nhưng ông cứ thản nhiên.  Phơi khoảng vài giờ thì thịt bắt đầu khô, ông đem vào chiên cho chín.  Sau đó lại đẩy xe đu đủ bò khô đi bán mỗi chiều.  

Cả hai ông bà Nùng đều nói ba thứ tiếng: tiếng Nùng, tiếng Quảng Đông và tiếng Việt Nam.   Bà Nùng không có con nên nhờ người mai mối cho chồng được một cô gái có bệnh tâm thần, gốc Hoa hay gốc Nùng cũng không rõ.  

Năm đó, có lẽ cô này chưa đến hai mươi tuổi. Hình như cô không biết tiếng Việt. cả xóm gọi cô này là cô Khùng vì chẳng ai biết tên cô.  Có lẽ cha mẹ cô cũng biết khó mà gả người con gái có bệnh tâm thần cho ai, nên khi được bà mai đến giới thiệu cho về làm bé ông Nùng, cha mẹ cô bằng lòng ngay.  Vì “có người rước cho là may lắm rồi!”. Ít ra cũng có người nuôi cô.  Sau này cha mẹ cô có chết đi thì cũng yên lòng rằng cô không bơ vơ trơ trọi.  Ông bà Nùng thì cũng biết phận nghèo của mình, không có nhiều tiền sắm sính lễ cho cô dâu nên cưới một cô khùng cho ông Nùng.  Cha mẹ cô cũng chẳng dám đòi hỏi gì.  Cả hai bên đều có lợi. 

Cô Khùng hay mặc cái quần đen, áo xẩm cánh tay màu trắng hay có hoa lốm đốm.  Tóc cô để dài và thắt bín đuôi sam.  Có lẽ bà Nùng thắt bín giùm cho cô.  

Thế là cô Khùng cũng sanh cho ông Nùng được hai đứa con.  Khi đứa con gái lớn đã năm tuổi, không thấy triệu chứng gì là có bệnh tâm thần giống mẹ.  Đứa con trai thứ hai thì khoảng gần một tuổi. 

Thỉnh thoảng thấy cô khùng bế nó ra ngồi trước sân nhà cho bú.  Bà Nùng thì bận buôn bán, nhưng mỗi khi con đau ốm thì chính bà địu con đi bác sỹ, lo thuốc thang cho con.  Khi đứa con gái lớn bắt đầu đi học, bà lại mua sắm sách vở và quần áo đồng phục cho nó.  Ông bà Nùng cho nó đi học ở trường tiểu học Chánh Tâm của người Tàu ở gần nhà. 

Cô khùng ở nhà suốt ngày.  Có lẽ cô cũng chẳng dám ra đường vì sợ đi lạc.  Lâu lâu tự nhiên cô lên cơn, ra trước sân chửi rủa hay la hét tràng giang đại hải tiếng Quảng, tiếng Nùng của cô, chẳng ai hiểu.  Có khi cô chửi cả hai ba tiếng đồng hồ, khan cả tiếng.  Vừa chửi vừa khóc.  Ông Nùng hay bà Nùng lại ra nói chuyện với cô, bắt cô vào nhà.  Nhưng cô vẫn không nghe lời, chừng nào chửi mệt, hết hơi rồi cô mới thôi. 

Nhưng một  hôm đi bán về, bà Nùng phát hiện cô khùng không có nhà, hai đứa con vẫn ở trong nhà.  Hỏi thăm đứa con gái, nó chẳng biết mẹ nó đi đâu, chỉ biết rằng mẹ nó ra đứng trước cửa rồi đi ra đường bao giờ chẳng cho nó hay.  Thế là bà Nùng hô hoán lên cho cả xóm hay để còn phụ bà đi kiếm cô khùng.  Lũ con trai khoảng từ tám đến mười tuổi rủ nhau đi kiếm hộ.  Chúng nó chạy sâu vào hẻm trong, đi luồn ra xóm chợ thì thấy cô khùng đang đứng sớ rớ ra bộ sợ hãi.  Chúng nó xúm nhau lại nắm tay cô rồi bảo: “Đi về, bà Nùng đi kiếm nị nãy giờ”.  Thế là cô khùng ngoan ngoãn đi theo bọn trẻ con về nhà. 

Về đến gần nhà bà Nùng, bọn trẻ đã hô to lên: “Kiếm ra rồi, kiếm ra rồi!”.  Nhưng bà Nùng đang đi kiếm ở ngả khác chưa về.  Đứa con gái thấy mẹ về vội chạy ra đón.  Tối hôm đó ông Nùng về nhà nghe bá cáo mà vui mừng vì cô khùng không bỏ nhà đi luôn.

Sau này ông bà Nùng dọn vào Chợ Lớn.  Căn nhà gỗ sơ sài nhưng rộng bề ngang, có cái sân trước rộng rãi và có một cây khế cao to, ra trái thường xuyên, được bán cho người khác.  Người ta mua xong thì phá căn nhà gỗ đi, xây lên một căn nhà gạch hai tầng, chẳng còn chừa lại sân trước.  Từ đó, cái xóm này chẳng còn có cây khế nào nữa.

Trở lại chuyện ông Hứa và bà Sơn.  Không biết bà Sơn sanh con khi nào, chỉ thấy vài tháng sau khi xảy ra chuyện cãi nhau giữa các con bà và ông Hứa thì nhà ông Hứa có tiếng trẻ con khóc đêm.  Khi đứa bé được gần một tuổi, bà Hứa hay mở cửa sau ra khi tắm cho nó.  Có lẽ bà muốn cho nó nhìn thấy bên ngoài.  Hoặc cũng có thể bà muốn khoe nó với cả xóm, rằng nó là con của bà đấy!  Nó đã biết ngồi, bà cho nó ngồi trong một cái thau tròn lớn màu đỏ, có vài cái đồ chơi trẻ con thả trong thau cho nó chơi.  Bà vừa tắm cho nó vừa nói chuyện với nó bằng tiếng Quảng Đông.  Trông bà rất vui khi tắm cho nó, nó cũng vui vẻ nói u ơ theo bà dù chưa ra tiếng gì.  Một hôm, khi trông thấy bà Hứa đang tắm cho nó, tôi lân la đến làm quen.  Tôi hỏi bà Hứa “Tên nó là gì thế bác?”  Bà Hứa vui vẻ trả lời: “Tên nó là a Hòa.”  Thế là tôi biết được tên nó, dù lúc đó, tôi chưa biết rằng nó là con của bà Sơn đẻ ra.  Ít khi nào thấy ông Hứa có nhà.  Lâu lắm, không thấy ông ra vào cửa sau, là cửa ra giếng. 

Khi con gái lớn của ông bà Hứa đi lấy chồng, lũ trẻ con trong xóm kéo nhau đi xem cô dâu.  Có cả vài người lớn cũng ra xem.  Cô dâu mặc áo dài Việt Nam, vải ren mầu hồng, đeo khăn lúp trắng che mặt, đội vương miên có hạt thủy tinh lấp lánh, tay đeo đôi găng tay trắng, cầm bó hoa lai ơn dài màu hồng nhạt bọc trong giấy trắng loại giấy bọc hoa cho cô dâu.  Thời đó, khoảng năm 1962, chưa có phong trào cô dâu mặc áo dài gấm đỏ, đầu đội khăn xếp kiểu của Nam Phương hoàng hậu.

Trẻ con thì chưa hiểu biết gì, nhưng người lớn lại thì thầm với nhau: “Lạ nhỉ, người Tàu mà mặc áo dài như cô dâu Việt Nam!” Tôi cũng chen chân trong đám trẻ con để xem cô dâu, nghe thấy vậy, vội nói ngay: “Mặc áo dài trông đẹp hơn mặc áo xẩm chứ!”. 

Mọi người chỉ cười rồi có người nói: “Cô dâu mặc áo dài thì đẹp rồi, nhưng cái nhà ông Hứa này người Tàu mà cho con mặc áo dài Việt Nam thì cũng dễ dãi đấy”. 

Năm đó tôi chưa đến mười tuổi, chưa hiểu gì những chuyện như thế.  Nhưng vì chạy theo xem cô dâu Tàu vài lần ở khu này, tôi thấy họ mặc áo cô dâu như áo của các tuồng hát bội hay cải lương, trông lạ mắt, cầu kỳ nhưng lùng bùng và lùm xùm thế nào ấy; chứ tôi không thấy đẹp.  Tôi cũng đi xem cô dâu Việt Nam vài lần, lần nào tôi cũng thấy áo dài bằng ren màu hồng, thấy áo cô dâu thắt lại ở eo, cô dâu nào cũng có cái eo nhỏ xíu, vậy là tôi thấy đẹp quá rồi! 

Ai cũng tò mò xem chú rể là ai.  Hóa ra là anh Cún, người làm công cho lò hủ tíu của ông Tàu mập bên kia đường.  Sáng sáng anh qua xóm này gánh nước về để dùng cho lò hủ tíu của ông Tàu mập (chẳng ai biết tên ông, nhưng thấy cái bụng to phệ của ông nên dân chúng của con đường này gọi ông là ông Tàu mập).  Mọi người lại xì xầm với nhau rằng nhà ông Hứa hay nhỉ, không kỳ thị giàu nghèo, chịu gả con gái cho anh Cún, chỉ là người làm thuê của lò hủ tíu mà thôi.  Cưới nhau xong, chị theo chồng ra ở riêng.  Hình như ông bà Hứa giúp cho anh Cún có tiền mua xe làm nghề lái taxi.  Vài năm sau nghe nói hai vợ chồng sanh được hai đứa con trai.

Khi a Hòa khoảng năm tuổi, bà Hứa cho nó đi uốn tóc.  Nhìn mái tóc quăn xoắn của nó trông buồn cười, nhưng đó là cách bà Hứa tỏ lòng thương yêu, chăm sóc nó.  A Hòa ít khi ra đường, nó chỉ ở trong nhà giống như anh chị nó. 

Một hôm, a Hòa đến trước cửa nhà tôi, nó mặc đồng phục váy xanh dương, áo sơ mi trắng của trường Tàu, vai đeo cái cặp màu vàng.  Nó chỉ đứng bên rào nhìn tôi, không nói năng gì.  Trông thấy nó lần đầu ra đường như thế này, lại đến nhà tôi, hình như nó có ý khoe cho tôi thấy nó vừa đi học về đấy.   Tôi hỏi ngay:

-A Hòa đã đi học rồi à?” 

Nó gật đầu, có vẽ bẽn lẽn. Tôi lại hỏi tiếp:

-A Hòa học lớp mẫu giáo à?

Nó lại gật đầu, chẳng nói năng gì.  Tôi không biết nó có nói được tiếng Việt hay không.  Tôi lại thắc mắc có lẽ phải có người đưa nó đi học ngày đầu chứ, chẳng lẽ để nó băng qua ngã tư Trương Tấn Bửu, Nguyễn Minh Chiếu một mình.  Tôi lại hỏi:

-Ai đưa a Hòa đi học hôm nay thế?

Lúc này nó mới nói:

-Má lớn đưa.

Tôi chợt khám phá ra nó có hai má.  Nó nói đến má lớn, thì phải có má nhỏ chứ!  Tò mò, tôi lại hỏi tiếp:
-Thế má nhỏ có hay đến thăm a Hòa không?

Nó lại gật đầu.  Tôi lại hỏi:
– A Hòa thương má nào hơn, má lớn hay má nhỏ?

Nó lắc đầu trả lời:
-Thương hai má bằng nhau.

Tôi nói theo nó:

-Vậy là hai má thương a Hòa bằng nhau phải không?

Nó lại gật đâu mấy cái ra vẻ đồng ý, rồi nói:

-Hai má ai cũng thương Hòa.

Ngày  hôm đó, tôi biết được một điều bí mật là bà Sơn vẫn thường xuyên liên lạc với con, là a Hòa và anh nó là con trai mà bà đẻ cho ông Hứa.  Dĩ nhiên là gặp nhau ở nhà ông bà Hứa, không phải ở nhà bà Sơn. 

Hai năm sau, vào một buổi trưa, hầu như mọi người đang ngủ trưa trong nhà.  Cái giếng đang yên ắng.  Bỗng có tiếng la hét chói lói của lũ con trai:

– Bớ người ta té giếng, té giếng!

Thế là mọi người vội vã tung cửa chạy ra giếng để cứu và để xem.  Không ngờ trong đám con trai đang bu quanh thành giếng có cả thằng em tôi.  Tôi hỏi ngay:
–  Ai bị té giếng?

Cả đám con trai khoảng bốn năm đứa đều trả lời:

– A Hòa!

May quá, có mấy người đàn ông chạy ra xem, thả ngay gầu xuống giếng cho a Hòa nắm lấy.  Cả lũ con trai lại cúi xuống giếng, la to cho a Hòa nghe:
– Nắm lấy cái dây, nắm lấy cái dây!

Bà Sơn đã chạy ra đến nơi.  Khi phát giác ra người bị té giếng là a Hòa, bà hỏi ngay:
– Tại sao mà nó té?

Có đứa chỉ vào thằng em tôi và trả lời cho bà:
– Tự vì a Hòa thả dây ra đất dài quá, thằng này vấp trúng làm nó té!

Thế là bà chỉ vào mặt thằng em tôi mà quát lên:

– Đồ khốn nạn, tại sao mày làm té con của bà? Mày định giết con bà đấy à?

Thằng em tôi mặt mày xanh mét, chẳng dám trả lời.  Có đứa khác cãi ngay cho em tôi:
– Tự a Hòa thả dây dài ra làm thằng này vấp trúng, nó cũng bị té vậy.

Nhưng bà Sơn cũng không tha.  Bà vẫn tiếp tục chửi.  Mặt thằng em tôi từ tái xanh đổi sang đỏ ửng.  Tội nghiệp thằng bé, lớn hơn a Hòa độ một tuổi thôi.  Nó chưa bị người lớn trong xóm chửi rủa bao giờ.  Tự nhiên hôm nay lại theo lũ con trai chạy ra giếng làm gì.  A Hòa đang lúc trưa mà không ngủ, lại lẻn ra giếng xách nước.  Vì không biết cuốn dây lại cầm trong tay khi kéo gàu lên nên nó thả dây dài ra phía sau lưng nó. 

Lũ con trai và thằng em tôi chơi đùa, rượt nhau chạy ra phía giếng.  Xui xẻo làm sao, thằng em tôi vướng vào cái dây thừng của a Hòa làm con bé ngã ùm xuống giếng.

Mấy người đàn ông đã kéo xong a Hòa lên khỏi giếng.  Má lớn của nó đã đứng chờ với cái khăn bông trùm cho nó khỏi lạnh.  Nhưng nó chỉ ngay thằng em tôi mà la thật lớn tiếng:

– Thằng này làm tôi té nè! Thằng này làm tôi té nè!

Ai cũng mừng vì a Hòa vẫn la hét thật khỏe, không có dấu hiệu nào là nó vừa bị sặc nước.  Bà Sơn vẫn tiếp tục chửi.  Cũng may mấy đứa con riêng của bà không ra chửi phụ mẹ vì có lẽ chúng nó chẳng xem a Hòa là em út của mình.  Chứ nếu chúng nó cùng ra chửi phụ với bà Sơn thì có lẽ thằng em tôi phải đến “té giếng” quá.

Mấy người đàn ông phải khuyên bà Sơn bỏ qua cho em tôi vì nó chỉ vô ý thôi.  Mẹ tôi phải ra xin lỗi cả hai bà Sơn và bà Hứa hết lời rồi dắt em tôi về. Hôm sau, mẹ tôi còn đi mua chục cam sang nhà bà Hứa biếu để xin lỗi cho con, tiện thể thăm a Hòa.

Đó là lần bà Sơn ra mặt bênh con, cũng là lần đầu tiên bà chánh thức nhìn a Hòa là con trướcmặt cả xóm. 

Trên đây chỉ là hai trường hợp đa thê của hai gia đình người Hoa, người Nùng.  Trường hợp nhà ông bà Nùng thì chánh thức cưới vợ bé cho chồng.  Trường hợp nhà ông Hứa thì hơi khác, vì bà Sơn đã có con riêng nên có lẽ phong tục của người Tàu không đi cưới đàn bà nạ dòng về làm bé cho chồng.  Tuy nhiên, bà Hứa vẫn để chồng liên hệ với bà Sơn như vợ bé. 

Về phía các con bà Sơn, vì theo nề nếp Việt Nam, rất xấu hổ vì “mẹ mình mà phải làm lẽ người khác hay sao!” nên không thế nào chấp nhận được mối liên hệ giữa mẹ mình và ông Hứa.  Vì thế, a Hòa và anh nó không được họ nhìn nhận là em.  Hơn thế nữa, họ tự cho mình cái quyền kiểm soát đời sống tình cảm của mẹ.

Không phải chỉ có trường hợp hiếm con mới cho chồng cưới vợ bé.  Người Tàu khi có chút tiền là cưới thêm vợ.  Tùy theo ông ta giầu có bao nhiêu mà cưới thêm vợ hai, vợ ba, vợ tư v.v. 

Thời cổ xưa ở Trung Đông, người ta đếm số nô lệ mà một người có được để biết ông ta giầu đến đâu.  Thì ở Trung Hoa, người ta đếm số vợ và nàng hầu mà một người đàn ông có được thì biết ông ta giầu thế nào.  

Tuy nhiên, địa vị của bà vợ lớn không bị lung lay.  Đàn ông Tàu thời xưa không ly dị vợ cả hay gửi trả về nhà bố mẹ đẻ vì không sinh được con.  Các bà vợ bé cũng biết phận mình, không dám hống hách ngang ngược với bà cả. 

Người Việt Nam vì chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa dưới một ngàn năm Bắc thuộc, nên cũng theo tục đa thê này.  Đến nỗi còn đặt ra câu tục ngữ “Trai năm thê bảy thiếp.  Gái chính chuyên chỉ biết một chồng!” 

Tôi dám cam đoan rằng cái người đặt ra câu trên ắt phải là một người đàn ông đa thê.  Đã đa thê là đa dâm.  Còn lo sợ đám vợ mình vì thiếu hụt đàn ông sẽ sinh ra ăn vụng chăng nên mới đặt ra câu tục ngữ có tính răn đe những người đàn bà chịu cảnh chồng chung như thế này.

Cho đến khi bà cố vấn Ngô Đình Nhu sửa đổi luật gia đình, phá bỏ tục đa thê, chỉ được cưới một vợ mà thôi, thì cảnh đánh ghen bắt đầu xẩy ra vô số.  Vì sao?  Vì đàn ông Việt Nam chưa quen cảnh ly dị vợ cả.  Họ muốn có một lúc nhiều bà.  Dù say mê người mới, nhưng không muốn mất người cũ và mấy đứa con.  Lắm lúc, tài chánh chỉ đủ cung cấp cho bà sau là người họ đang xem trọng.  Nên vợ lớn và các con lâm vào cảnh túng thiếu, không những mất chồng, mất cha, mà còn mất cả kinh tế gia đình.  Thế là đánh ghen để trả thù, cho đã hận cái “con đĩ” giật chồng, phá hại gia cang của “bà”.  Nhiều lúc đánh ghen xong rồi, gia đình cũng tanh banh luôn.

Nhưng ở Trung Hoa ngày nay, thời đa thê ấy đã xa xưa quá rồi, đã đi vào dĩ vãng!  Vì sợ nạn nhân mãn, kế hoạch gia đình của chánh phủ Trung cộng chỉ cho phép sinh một con, kéo dài trong nhiều thập niên. 

Dù sống dưới chế độ cộng sản vô thần, người Tàu vẫn mong khi chết đi còn có con trai tiếp tục nối dõi tông đường và thờ cúng mình.  Hơn nữa, khi già còn được ở với con trai và con dâu.  Vì đó là phong tục của người Tàu, con gái phải về nhà chồng, thờ cúng bên họ nhà chồng.  Chứ con trai không đi ở rể.

Vì chỉ được phép sinh một con nên ai cũng phải tính toán thiệt hơn, và hầu như ai cũng tính toán như nhau, vì ai cũng “khôn” như nhau hết. 

Thế nên, hễ sinh con đầu lòng là trai thì họ để cho sống.  Nhưng nếu là gái thì họ phá thai khi đã biết kết quả là con gái.  Hoặc khi sanh ra, thấy con gái là bóp mũi cho chết.  Như thế họ mới được phép sinh thêm đứa khác, cho đến khi nào có con trai mới thôi.  Như thế số phận của những đứa bé gái là phải chết yểu để cha mẹ nó kiếm con trai nối dõi tông đường.

Nhưng “gậy ông đập lưng ông”! 

Hậu quả của việc “chỉ sinh con trai mà thôi” hiện nay là nạn khan hiếm đàn bà đã trở nên trầm trọng tại Trung cộng.  Các nước láng giềng như Việt Nam phải chịu ảnh hưởng lây. 

Những tỉnh nằm dọc theo biên giới Trung Hoa thỉnh thoảng lại xẩy ra việc mất tích vài cô gái tuổi trên dưới hai mươi.  Cha mẹ kiếm con mãi không ra. 

Sau này mới phát hiện ra con mình đã bị một bọn người bắt cóc, đem bán qua Tàu để sinh con đẻ cái cho người ta.  Có lẽ những nước khác nằm dọc theo biên giới Trung Hoa như Lào, Thái, Miến Điện, Bắc Hàn, Mông Cổ cũng có cảnh con gái bị bắt cóc bán sang Tàu như thế.  Nếu con trai của họ không kiếm ra vợ để tiếp tục sinh sản thì dòng dõi của họ xem như bị tuyệt tự. 

Ôi! Đó có phải là điều mà họ sợ gặp phải nên đã giết chết hằng trăm triệu đứa bé gái sơ sinh hay không?

Mới đây, một cấp lãnh đạo của Trung cộng tuyên bố rằng: “Nếu thiếu đàn bà thì tại sao đàn ông không thể chia vợ chung với nhau?”

Vừa mới nghe như thế, đám đàn ông đang có vợ chắc phản đối ngay.

Có ông nào muốn chia vợ với người khác không? 

Nhưng đám đàn ông chưa có vợ hoặc không hy vọng kiếm được vợ thì khấp khởi vui mừng, chờ mong ngày chánh phủ chánh thức ký sắc lệnh cho phép “Đa Phu”, một bà có quyền lấy hai hoặc ba chồng.

Như thế trên tờ hôn thú sẽ có thêm câu “Chồng lớn, hay chồng thứ nhì, thứ ba”.  Còn phía các bà, chỉ xì xầm bàn tán với nhau thôi, không dám lộ vẻ vui mừng để các ông chồng nhìn thấy mà chửi cho, có khi còn bị đánh nữa.

Về phía đàn ông Việt Nam, mới nghe xong lời tuyên bố của Xếp Trung cộng đã vội vã lên án chỉ có chế độ công sản mới bày ra chuyện vô luân lý, vô đạo đức như thế. 

Có lẽ các ông Việt Nam nhìn thấy người Tàu truyền cho mình nhiều thứ từ ngàn năm trước, tới giờ mình vẫn còn đeo theo, không bỏ.  Ngộ nhỡ bây giờ họ bầy ra việc Đa Phu thì đàn bà mình lại cũng ào ào chạy theo thì sao?

Nhưng chưa đến lúc phải lo đâu các ông ạ! 

Bằng chứng là mỗi năm nước ta còn xuất cảng nhiều cô dâu sang Đài Loan và Nam Hàn.  Điều này chứng tỏ con số đàn bà trong nước nhiều hơn đàn ông nên mới thặng dư để xuất cảng đấy chứ.  À, sao không nghe thấy xuất cảng cô dâu sang Trung cộng?  Có lẽ chẳng cô nào muốn di cư sang nước cộng sản bao giờ nên dịch vụ này không ai thực hiện.  Vì đã bỏ một nước cộng sản nhỏ, chẳng ai muốn chui vào một nước cộng sản lớn hơn!

Hơn nữa, chuyện của nước người ta, người ta tự giải quyết cách nào “tốt nhất” thì thôi.  Vì người ta có thể chọn vài cách khác nhau, chẳng hạn qua các nước láng giềng bắt cóc phụ nữ đem về mỗi đợt vài người.  Hoặc bạo hơn, Trung cộng sẽ tạo chiến tranh, đem đám thanh niên thặng dư này sang xâm lấn các nước láng giềng, giết bớt đàn ông bản xứ, bắt cóc đàn bà, con gái đem về làm nô lệ tình dục.  Và tiện thể chiếm luôn đất của các nước bé.  

Hoặc giả đám thanh niên thặng dư này chết bớt khi qua xâm lấn các nước láng giếng thì cũng giải quyết được nạn dư thừa đàn ông cách trầm trọng của Tàu đấy.  Chánh phủ Trung cộng không hơi đâu tiếc thương đám đàn ông, thanh niên thừa của xứ họ đâu. 

Quý vị thấy cách nào tốt nhất? 

Có phải cách nào mà đừng đụng chạm đến dân mình, nước mình thì “tốt” rồi, phải không?  Khỏi cần bàn đến chuyện đạo đức với những con người không biết đạo đức là gì.  Vì người Tàu phá thai và giết bé gái sơ sinh cao nhất thế giới chỉ để đáp ứng nhu cầu kiếm con trai nối dòng nối dõi của họ, thì chuyện đa phu cũng chỉ là đáp ứng nhu cầu cấp bách của họ mà thôi!

À, sao cả mấy ngàn năm nay, người Tàu và dân  Việt Nam áp dụng tục đa thê mà chẳng ai lên án vô đạo đức?  Sao bây giờ mới nghe đến việc đa phu có thể sẽ thực hiện tại Trung cộng thì mọi người đã lên án kịch liệt, xem như vô đạo đức? 

Thế mới biết, từ thủa xa xưa, đàn ông lập ra luật lệ của xã hội để mọi người làm theo, chứ chẳng phải đàn bà.

Con người ăn ở và sinh hoạt theo thời thế đưa đẩy.  Có lẽ ngày xưa đàn bà dư thừa nhiều lắm hay sao mà hàng vua thì lấy cả ngàn cung tần mỹ nữ.  Hàng Chúa thì cũng lấy hàng trăm.  Hàng quan liêu thì cũng hàng nửa tá đến một tá.  Hàng phú ông ít nhất cũng đôi ba bà vợ.  Ấy thế mà nghèo hèn nhất làng là anh Mõ vẫn có vợ như thường.  Chẳng nghe nói có anh nào ế vợ cả!

Thủa nhỏ, tôi nghe mấy bà người lớn nói chuyện với nhau rằng bên Tây Tạng có khi hai anh em phải lấy chung một vợ.  Họ đoán rằng có lẽ vì nhà nghèo quá, không đủ tiền sắm sính lễ cho hai cô dâu nên hai anh em phải cưới chung một cô cho đỡ tốn. 

Lúc đó tôi chẳng hiểu gì.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, thấy mấy bà xứ mình cứ tưởng rằng xứ nào cũng là đàn ông đi cưới vợ như xứ mình hay sao?  Ôi chà! có lẽ Tây Tạng là một trong những xứ theo phong tục đàn bà đi cưới chồng.  Đàn bà của họ đem sính lễ đi cưới chồng thì làm gì có chuyện vì nghèo quá mà hai anh em phải cưới chung một vợ.  Như thế thì có lẽ vì khan hiếm đàn bà nên đàn ông của họ phải chia chung một cô vợ đấy! 

Bây giờ đến anh Trung cộng khan hiếm đàn bà trầm trọng nên mới nghĩ ra cảnh vợ chung.  Đây chẳng phải là sáng kiến mới mẻ gì.  Có lẽ anh Trung cộng copy văn hóa của chị Tây Tạng thời xưa vậy!  Vì hiện tại, anh Trung cộng chiếm lĩnh chị Tây Tạng, nên văn hóa và lịch sử của chị Tây Tạng thì anh Trung cộng biết thừa.  Khi hữu sự, cái gì cọp dê được của người khác thì cứ cọp dê.

Con người sống theo hoàn cảnh, lâu ngày  thì đặt thành luật, thành lệ  rồi trở thành phong tục.  Có phong tục thịnh hành một thời gian khá lâu rồi lỗi thời.  Cũng có những phong tục hoặc luật lệ của nước này đi ngược với nước kia.

Nhưng chỉ có luật Trời là bất di bất dịch, đó là luật vĩnh viễn.  Vì sao?  Vì Ngài là Đức Chúa Trời thành tín: “Trời đất sẽ qua đi, song lời ta không bao giờ qua đâu”, và “trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào”.

TT-Thái An

5/29/2016

October 12, 2020