Đi Tìm Hạnh Phúc
Hầu như mọi nỗ lực của chúng ta đều nhắm vào mục đích tìm kiếm một đời sống hạnh phúc. Nhưng thử hỏi mấy ai đã thành công trong việc mưu cầu tạo dựng một hạnh phúc đích thực cho mình. Nhiều người càng cố gắng tìm kiếm hạnh phúc thì nó càng trở nên xa vời với họ, trong khi nhiều người khác đã có sẵn hạnh phúc trong tay nhưng lại vô tình không nhận ra, để rồi cuối cùng hạnh phúc cũng vuột khỏi tầm tay.
Sự thực, hạnh phúc không hoàn toàn tùy thuộc vào tiền tài, danh vọng mà con người đã cố gắng đạt cho bằng được. Thực tế chứng minh, lắm người đã lên đến tột đỉnh của danh vọng hay đã thành công trong việc tạo lập một tài sản to lớn, nhưng vẫn sống một đời sống bất an, vô vị. Hạnh phúc đâu phải xa vời với chúng ta đến thế, chỉ cần hướng tâm về với chính mình để khai thác một nguồn hạnh phúc bất tận luôn sẵn có ở bên trong mà chúng ta đã lãng quên để chạy theo cái bóng hạnh phúc bên ngoài.
Xin được kể hầu các bạn một câu chuyện về một chàng thanh niên và một vị thiền sư luận về vấn đề làm sao để có được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.
Một anh thanh niên với vẻ mặt u sầu và thất vọng tới bái một vị thiền sư tuổi đã khá cao. Anh ta muốn hỏi vị thiền sư chỉ cho anh ta cách để trở thành một người vui vẻ hạnh phúc và làm thế nào để có thể đem lại niềm vui cho mọi người.
Vị thiền sư khá hài lòng với yêu cầu của anh ta vì đối với con người như anh ấy, có được nguyện vọng như vậy là rất đáng quý, nhất là với người trẻ tuổi như anh ta. Tuy nhiên, trẻ tuổi quá thì cũng rất khó đạt được, vì rất nhiều người nhiều tuổi hơn anh, cũng có chung câu hỏi này, thế nhưng có giải thích thế nào chăng nữa, họ cũng vẫn không hiểu được đạo lý. Vị thiền sư cho anh ấy biết về nhận định và ý nghĩ của mình về anh chàng.
Có chút buồn bã, thế nhưng người thanh niên trẻ tuổi vẫn chăm chú lắng nghe từng lời nói của vị thiền sư.
Vị thiền sư già chậm rãi nói: “Ta tặng con 4 câu. Câu thứ nhất: Hãy đặt bản thân mình trở thành người khác. Con có hiểu được ý nghĩa của câu này không?”
Người thanh niên trả lời: “ Thưa Sư, có phải là khi mình khổ sở, nếu như coi bản thân mình là người khác thì nỗi khổ sẽ tự nhiên giảm bớt đi. Còn khi mình vui mừng quá mức mà coi mình là người khác thì mình sẽ bình tĩnh trở lại và thản nhiên hơn, có đúng không ạ?”
Vị thiền sư gật đầu rồi nói tiếp: “Câu thứ hai là: Đặt người khác trở thành bản thân mình.”
Người thanh niên suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Khi đặt người khác trở thành bản thân mình, mình có thể hiểu được nỗi khổ cũng như những mong muốn nguyện vọng của họ để thông cảm và giúp đỡ họ khi cần thiết, phải không ạ?’
Vị thiền sư vui vẻ biểu lộ ra sự hài lòng rồi nói tiếp câu thứ ba: “Xem người khác là chính bản thân họ.”
Người thanh niên nhanh nhảu trả lời: “Thưa Sư, câu này có phải có ý là: Tôn trọng sự riêng tư của mỗi người, không xâm phạm vào điều gì thuộc của riêng người khác.”
Vị thiền sư bật cười ha hả rồi nói: “Tốt lắm, tốt lắm, đứa trẻ này cũng rất dễ dạy bảo! Câu thứ tư chính là: Xem bản thân mình là chính bản thân mình!”
Câu nói này có vẻ khó với người thanh niên trẻ, anh ta suy nghĩ mãi một hồi lâu rồi mới chậm rãi nói: “Thưa Sư, câu nói này con nhất thời chưa thể hiểu được. Nhưng trong bốn câu nói này con thấy có sự bất đồng, con phải làm thế nào để thống nhất chúng lại?”
Vị thiền sư trả lời: “Rất đơn giản con ạ! Con hãy dùng thời gian và kinh nghiệm của bản thân mình rồi con sẽ làm được!”
Người thanh niên rất cảm kích trước sự chỉ giáo của vị thiền sư, anh ta không hỏi thêm rồi quỳ xuống xin cáo biệt.
Rất nhiều năm sau, khi đã già, người thanh niên ấy- nay đã trở thành một ông lão hạnh phúc và bài học từ vị thiền sư cũng được ông chia sẽ với những người xung quanh, nhất là những người thanh niên trẻ tuổi, giống như ông trước kia. Qua thời gian, ông đã hiểu được ý nghĩa đích thực của 4 câu nói theo lời dạy của vị thiền sư kia là:
Khi đặt bản thân mình là người khác để đối đãi thì chính là Vô Ngã.
Khi đặt người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là Từ Bi.
Khi đặt người khác chính là bản thân họ để đối đãi thì đó chính là Trí Tuệ.
Khi đặt bản thân mình là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là Tự Tại.
Chân lý Vô Ngã là một trong Tam Pháp Ấn (triện, con dấu) của sự vật theo Phật giáo (Vô Thường, Khổ, Vô Ngã).
“Không ta* tự tại an nhiên
Còn ta* hạnh phúc vô biên chẳng về
Bao giờ thoát khỏi bến mê
Quay đầu bờ Giác mới nghe an lành
Bao giờ thoát khỏi Vô Minh
Tìm về Chánh Niệm, nhân sinh thập toàn”.
Từ Bi luôn đi đôi với Trí Tuệ
Là con người, chúng ta mong tạo nên một cuộc đời được xây dựng trên sự tử tế và tình thương. Tuy vậy, mọi điều dường như đang đi chệch hướng, khi những gì ta muốn, những gì bản thân ta thích, lại trở nên quan trọng hơn lợi ích của toàn thể cộng đồng.
Trí tuệ và Từ bi luôn có mặt ở xã hội loài người. Nhưng bởi vì khuynh hướng chung của chúng ta thường bị dính mắc với sự vị kỷ, điều ta thích và không thích, chúng ta tạo nên những bức tường và phân cách chúng ta với người khác.
Chúng ta không cảm thông được với người khác vì hai lý do căn bản: hy vọng và sợ hãi. Tất cả chúng ta muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ đau, vì vậymọi hành động mà chúng ta thực hiện bị chi phối bởi động cơ là làm sao ta có thể có được hạnh phúc, làm sao ta có thể tránh được khổ đau. Trong một thế giới bị phân chia thành quá nhiều con đường, chúng ta tạo nên một thế giới của riêng mình. Và rồi một thái độ rất ích kỷ phát sinh.
Tự Tại: Mọi người đều có “Đức Quán Tự Tại”, cần gì phải nhọc công tìm kiếm đâu xa? Đức Quán Tự Tại đó là ai?
“Quán Tự Tại” là một trong những danh hiệu của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Danh hiệu đó mang ý nghĩa rằng : chỉ cần bạn biết quán chiếu chính mình, nhận ra được chính mình rõ ràng , thì ngay giờ phút đó chính bạn đã thành tựu được tự tại rồi.
Điển hình một thí dụ như trong mối quan hệ tương giao, nếu bạn đủ năng lực quán chiếu đến trình độ giữa mình và người “Nhân Ngã Không Hai” thì có điều gì là không tự tại? Rồi khi quán chiếu cảnh giới mà tâm bạn không những không bị ngoại cảnh lôi cuốn chỉ đạo, mà còn khéo biết làm chủ tâm mình, khiến chuyển hóa được cảnh giới trở nên tốt đẹp hơn, thì thử hỏi có cảnh nào là cảnh khiến cho bạn không tự tại? Đối diện bất luận sự việc nào, cho dù là sự tình phức tạp rối rắm đến đâu, nhưng nếu bạn biết nhìn nó với cái nhìn thư thái đơn giản thì có việc gì là việc khiến cho bạn không tự tại?
Tóm lại, Đi Tìm Hạnh Phúc là hãy Trở Lại Với Chính Mình. Hạnh phúc thật ra chỉ đơn giản như vậy, chỉ cần dùng tấm lòng để cảm nhận thì điều bình dị nhất cũng sẽ trở thành niềm hạnh phúc lớn nhất. Hạnh phúc đích thực đã có ở trong ta, chỉ cần ta quán chiếu để nhận ra nó.
Từ Khải
Tết Mậu Tuất, 2018
***********************
Chú thích:
– Sau khi bước vào cửa Đạo và tu tập được một thời gian, khoảng gần ba năm, mình đã “ngộ” ra giáo lý của Đức Phật và đã làm hai câu thơ đầu. Còn bốn câu thơ sau là do nhà thơ Lãm Thuý tặng, cảm khái khi đọc hai câu trên.
*Không ta: vô ngã
*Còn ta: chấp trước, cái tôi trên trên hết
Từ Khải