Chợ Đầm Nha Trang- Nơi Gắn Bó Thưở Ấu Thơ – Cung Thị Lan

Chợ Đầm Nha TrangNơi Gắn Bó Thưở Ấu Thơ

Cung Thị Lan

Chợ Đầm Nha Trang hình thành trước khi tôi ra đời từ lâu lắm. Theo lời kể của những người trong gia đình nội của tôi, chợ có tên Đầm vì chợ toạ lạc gần một đầm trũng, ngập nước cạnh con sông Cái Nha Trang. Chi tiết này ngày càng ghi đậm trong trí nhớ tôi khi tôi bước qua những vũng nước bùn lầy lội  trong khu bán tôm cá rau đậu  trong những lần theo má hay các cô của tôi đi chợ sau những cơn mưa.
 
 
            Nhưng, chợ Đầm không phải đơn giản là nơi tôi theo má tôi hay  những người lớn trong gia đình nội đi chợ mà là nơi tôi đã gắn bó đời sống nghèo khổ của mình và gia đình mình với những chuyện buôn bán của má tôi trong suốt quãng thời gian thơ ấu.

Sau khi ba tôi mất, má tôi giúp việc cho gia đình nội tôi một thời gian  rồi ra chợ để tìm phương kế  nuôi hai chị em tôi. Vì không có vốn để có tậu được một chiếc sạp trong  ngôi chợ vuông, được xây cao hơn mặt đất một mét có mái đỏ che mưa nắng và cũng không thể tậu được một kiosk với chiếc dù che ở dọc quanh khu chợ, má tôi chỉ có thể bán lẻ dọc ven đường quanh chợ

 
 
Má tôi thường dậy sớm, đến  bến xe ngựa ở đường Sinh Trung để mua trái cây của những người ở Diên Khánh( ngoại thành Nha Trang- Thường được gọi là Thành).
 
Những người ở Thành  thường đem  cây cam quýt bưởi chanh thu hoạch từ vườn của họ, hay mua lại từ vườn của những người quanh xóm họ, rồi đón xe ngựa đến Nha Trang bán cho những người mua đi bán lại ngay tại bến xe ngựa.

Kiểu mua đi bán lại như má tôi , lời  lỗ vô chừng. May mắn mua được giá hời, trái cây ngon thì má tôi có lời; kém may mắn mua lại của người đến bến xe ngựa sớm hơn hay trái cây không ngon, không ngọt thì má tôi bị lỗ vốn hay lỗ công.
 
            Má tôi vốn thật thà chất phác nên được cảm tình bởi nhiều người bạn hàng từ các vùng ở Diên Khánh (Thành). Bà thường được bạn hàng ưu tiên dành hàng cho với giá phải chăng. Từ đó, những người bạn hàng của má tôi và má tôi dần dà thân thiết với nhau như chị em ruột. Và cũng từ đó,  mỗi lần đi học về chị em tôi thường đi đến các vùng ở Diên Khánh (ngoại thành Nha Trang)  chơi. Chúng tôi đến Bình Cang thăm gia đình dì Chín, dì Năm Rỗ, dì Ba Bê ăn uống và sinh hoạt với các con của các dì này như đến các gia đình bà con ruột thịt của mình. Má tôi đã nghèo vì cảnh góa chồng, đơn thân nuôi con ăn học đã đành, gia đình của dì Chín, dì Năm Rỗ, dì Ba Bê  cũng chẳng hơn gì! Sinh nhai của họ tuỳ thuộc vào những mùa lúa của những cánh đồng nho nhỏ gần nhà, những hoa quả trong vườn hay những con cá, con tép, con cua đánh bắt từ những con mương nhỏ cạnh vườn nhà. Con cái của các dì này đi học về phải làm vườn, bắt cá, trồng hoa quả để giúp gia đình kiếm thêm tiền sinh sống.
Tôi thân với chị Cúc con gái của dì Chín nhất. Vì chị lớn hơn tôi một tuổi nên chị và tôi nói chuyện rất hạp. Chị Cúc khuyên tôi nên đi bán rau với chị trong những tháng hè để giúp má tôi kiếm thêm tiền. Chị cho tôi biết là má tôi không thể nào kiếm lời nhiều vì vốn của má tôi ít quá. Nghe có lý,  tôi bằng lòng theo chị Cúc bán rau ở đường Tăng Bạt Hổ.

Ngã tư Độc Lập, Phương Câu, Phan Bội Châu và Sinh Trung. Nhà sách Nguyễn Lê góc cua Phan Bội Châu và Sinh Trung) đối diện tiệm vàng Mỹ Kim( góc cua Phương Câu và Phan Bội Châu)

Ngã tư Độc Lập, Phương Câu, Phan Bội Châu và Sinh Trung.

Nhà sách Nguyễn Lê góc cua Phan Bội Châu và Sinh Trung) đối diện tiệm vàng Mỹ Kim( góc cua Phương Câu và Phan Bội Châu)

 Đường Tăng Bạt Hổ là một trong những con đường mở rộng buôn bán từ khu chợ Đầm của những người bán lẻ ở vỉa hè. Vào khoảng năm 1964- 1965  đường Tăng Bạt Hổ rất lầy lội và có nhiều ổ gà nhưng là đoạn đường mà những người bán lẻ đón khách đi xe đạp hay xe máy ngang qua sau khi đi làm về thay vì phải vào hàng rau đậu, tôm cá của khu chợ vuông mua sắm. Chị Cúc và tôi mua sỉ (gọi là mua sa cạ) từ những vườn rau trên Thành rồi bán lẻ ở đường Tăng Bạt Hổ từ trưa đến chiều tối. Có nhiều hàng rau san sát Tăng Bạt Hổ nên hai rổ rau chúng tôi thường bị ế. Những người lớn buôn bán thường xuyên có kinh nghiệm, không cho hai đứa tôi một lên chín, một lên mười cơ hội tranh giành chuyện kiếm lời. Người đi chợ thường mua tất cả các món họ cần như đồ nấu chua, đậu, nấm, hành, ớt, dưa leo, sà lách, rau thơm cùng một lúc tại một chỗ cho tiện chứ ít khi mua riêng lẻ từng thứ từ các hàng khác nhau. Chán ngán với cảnh ế ẩm, chị Cúc và tôi bàn tính “bán đổ bán tháo” dù phải lỗ công. Hai đứa rủ nhau nhặt sạch hết tất cả các loại rau từ sà lách đến các loại rau thơm và cả rau muống rồi trộn chung lại bán rẻ cho mau hết hàng. Hai chị em tôi chỉ muốn dọn gọn các mớ rau không ngờ hai rổ rau với đủ loại sà lách, húng, quế, rau răm, ngò và rau muống đầy hấp dẫn đã khơi sự tò mò những người đi ngang qua hàng. Nhiều người dừng lại hỏi chúng tôi bán ra sao. Hai đứa tôi nói là chúng tôi bán năm ba đồng tuỳ người mua. Hễ đưa chúng tôi bao nhiêu tiền thì chúng tôi sẽ hốt vào lá chuối gói bán, nhiều ít tuỳ họ muốn. Nghe thế người mua đồng ý mua ngay. Mừng rỡ với cảnh người người  nô nức mua loại “rau trộn”, tôi mới nghiệm ra là món “rau trộn” của chúng tôi giúp những người nội trợ đỡ tốn thời gian chuẩn bị khi nấu cơm chiều. Chiều hôm đó chúng tôi bán hết hàng thật sớm và có  lời. Đắc ý với sự thành công, chị Cúc và tôi tiếp tục cách nhặt sạch các loại rau, chẻ rau muống  rồi trộn chung thành rau trộn để bán. Vì thấy chúng tôi bán rau có lời, em gái tôi, cũng tên Cúc, thích thú xách rổ theo chúng tôi bán phụ. 
 
            Sau mùa hè năm ấy hai chị em tôi có chút tiền phụ má. Nhưng, mùa hè của những năm kế tiếp, hai chị em tôi ngưng bán rau vì chị Cúc không bán rau nữa. Chị phải ở nhà trông vườn và làm lúa cho gia đình dì dượng Chín ở Bình Cang. Còn em gái tôi thì tuyệt đối không đi bán với tôi vì có lần nó bưng rổ ngang qua khu vườn nhà nội, bị bác gái tôi kéo lại la “Bây giờ con muốn đi học hay chỉ đi muốn đi buôn bán giống má? Buôn bán như má con làm sao học cho nên?” Nó nghe bác gái nói có lý nên nghỉ luôn.
            Tôi ngừng bán rau nhưng vẫn tiếp tục theo má tôi buôn bán. Vì tôi thường ra khỏi cổng nhà nội từ tờ mờ sáng  để theo má đến bến xe ngựa hay bến  xe lam mua hàng từ những người ở Thành xuống, tôi không bị bác gái ngăn cản như em tôi. Đến các bến xe, trong lúc má tôi đón hàng tìm mua cam quýt thì tôi tìm mua  bưởi. Sở dĩ tôi mua bưởi vì bưởi rẻ hơn cam quýt và ít có người mua. Cam và quýt là loại trái cây người mua thường đơm cúng trong khi bưởi là loại trái cây chỉ để ăn vặt. Người bán lẻ cam quýt có thể sắp chúng gọn trong rổ rồi dùng gióng và đòn gánh để gánh đi một cách dễ dàng trong lúc người mua bưởi cần có thúng hay giỏ cần xé lớn và thuê xe xích lô hay ba gác chuyển hàng đến các vỉa hè bán lẻ. Vì quyết chí kiếm tiền giúp má tôi không nản chí. Má tôi biết ý định của tôi nên giúp tôi trả tiền vận chuyển chung cho toàn bộ số hàng của hai mẹ con. Ngày hè tôi thường bán bưởi cạnh những rổ cam quýt của má  ở đường Phan Bội Châu  trước tiệm bánh Hóa Hưng.

Đến chiều, tôi bán  bưởi ở trước tiệm sách Nguyễn Lê cho đến sẫm tối. Phương tiện giúp tôi chuyển những đống bưởi là những chiếc xe ba gác mà má tôi thuê chuyển những rổ cam quýt của má.

Ở trước tiệm sách Nguyễn Lê, tôi bán rất đắt vì nhiều du khách Sài Gòn ngang qua thường dừng lại hỏi thăm và mua cho.
Đống bưởi hình kim tự tháp của tôi luôn luôn  có vài người hay một nhóm lớn vây tròn. Họ thường săm soi những trái làm mẫu đã được gọt lớp vỏ xanh, ước lượng sức nặng của những trái chưa gọt vỏ rồi hỏi tôi làm sao tôi biết loại nào là loại nào khi những trái bưởi mẫu với hai màu hồng  và trắng  khác nhau.  Tôi giải thích cho họ biết cách tôi ghi dấu các loại bưởi khác nhau khi tôi mua từ những nguồn khác nhau và cho họ biết giá trị của từng loại. Sau đó, tôi chiều họ bằng cách cắt một miếng hình tam giác nhỏ tại chỗ dát mặt hình tròn của từng loại cho họ thử.  Dù chua hay ngọt sau khi thử xong người mua lấy tiền trả đúng y như giá tôi nói chứ không hề trả giá hay cò kè bớt một thêm hai. Sau mỗi lần thỏa thuận giá cả và hàng, tôi thường xâu dây vào trái bưởi cho khách hàng xách dễ dàng. Mỗi buổi tối về nhà đếm tiền, số lời của tôi luôn luôn hơn số lời của má rất nhiều. Tôi nghĩ người lớn thấy đứa con gái tuổi còn đi học mà  buôn bán trong thời gian hè thay vì đi học thêm thì thương tình mua dùm.
Có một buổi chiều, một người đàn ông trung niên dừng lại trước đống bưởi của tôi. Ngắm nghía một lúc ông chọn một trái bưởi mà tôi đã gọt làm mẫu, rồi bảo tôi lột hết vỏ ra để  khi về nhà ông khỏi phải lột. Ông nói là gọt hết vỏ bưởi, bỏ vào giỏ tiện cho ông hơn xách kồng kềnh bên ngoài. Nghe lời ông, tôi gọt lớp vỏ trắng một cách cẩn thận vì sợ cắt phạm những múi bưởi bên trong. Trái bưởi to bằng nửa vòng ôm của tôi thế mà tôi gọt quanh nhiều vòng vẫn chưa thấy ruột đâu. Đến khi lột sạch hết vỏ, trái bưởi chỉ bằng trái cam! Tôi lo sợ ngớ người không biết tính sao thì ông cười nói đừng lo. Rồi ông trả tiền đúng như  đã đồng ý. Cử chỉ tế nhị của ông khiến tôi cảm kích và  biết ơn vô cùng. Ông đã cho tôi một  ấn tượng tốt và một bài học hết sức ý nghĩa về sự bao dung của người lớn
Khi tôi thi đậu vào trường Nữ trung học Nha Trang thì tôi ngưng bán bưởi. Tôi chỉ phụ má tôi bán cam quýt ở vỉa hè đường Phan Bội Châu mỗi khi không có giờ học. Những ngày chủ nhật tôi được má cho phép dẫn em gái tôi đến sạp hàng xén của cô Sáu để trông hàng và phụ bán với cô. Mỗi lần như thế, tôi rất sung sướng vì tôi cảm thấy mình rất trưởng thành, rất người lớn và rất sang. Được ngồi trong sạp của cô ngay trong khu chợ Đầm vuông, được cô Sáu cho xếp đặt trưng bày các chồng áo thun, quần áo trẻ em, vớ, kẹp tóc, lược, kim, chỉ, theo ý thích và được lấy hàng cho khách, gói hàng cho khách, nói giá, thu tiền, thối tiền, khóa tủ đựng tiền tôi cảm tưởng như mình là người chủ thực thụ. Công việc mà tôi thích làm nhất ở hàng cô Sáu là được dùng những cái phễu nho nhỏ để chế dầu dừa, và các loại dầu khuynh diệp vào những cái chai mà khách đem đến  mua. Tôi thích ngửi các loại khuynh diệp khác nhau sau khi chiết dầu cho khách. Tôi còn thích đếm những viên phấn nụ khi bán, rồi chấm chút bụi phấn để xoa thử vào má để biết cảm giác mịn màng của loại phấn này như thế nào. Những lúc đông khách cô cho tôi toàn quyền quyết định. Tôi chỉ cần xem bảng giá  nơi hộp đựng tiền rồi nói cho khách biết, gói hàng và thu tiền.  Mỗi khi vắng khách, cô  cho hai chị em tôi tiền  rồi bảo chúng tôi  xuống khu hàng ăn muốn chọn món gì ăn tuỳ thích. Sau mỗi lần đắt khách, cô thường mua thêm  bánh hỏi thịt quay, bánh cuốn hay bánh giò chả lụa của những gian hàng ở những bậc cấp xuống khu hàng ăn cho chúng tôi ăn thêm. Đến xế trưa, cô thường bảo hai chị em tôi đi về tắm rửa học hành. Mỗi lần chào cô để đi về cô thườngcho hai chị em tôi thêm vài đồng; vì thế, mỗi lần ra bán phụ cho cô, chúng tôi thường được ăn ngon, lại còn được tiền. Mỗi lần như thế tôi rất mừng vì tôi có cơ hội tích luỹ ” chút vốn” để mua  màu nước, bút chì Gilbert, cây móc, que đan, len và chỉ màu theo ý muốn. 
Năm học Đệ Thất, tôi được học đan tất, mũ trẻ em ở trường nhưng vì đan chưa thạo nên tôi không thể đan bất cứ món gì để nhờ cô Sáu bán dùm theo những bộ đồ đan len trẻ  em mà cô mua của những mối sỉ của những hàng len đan máy ở Sài Gòn.
Sở dĩ tôi luôn có ý tưởng để dành  tiền vì tôi thường phòng xa những trường hợp má tôi không có tiền cho chị em tôi mua sắm những dụng cụ cần thiết cho việc học tập của chúng tôi. Má tôi vốn là người tằn tiện, ăn chắc mặc bền không phá phí  nên bà chắt mót dành dụm số lời mỗi ngày tạo cho số vốn ngày càng nhiều nhưng vì bà có  bản tính thương người, hay giúp đỡ bạn bè khi nghe những lời than vãn của bạn nên bà thường vướng vào cảnh cho mượn tiền mà không hề được trả lại. 
Tôi nhớ năm thi đậu vào trưòng Nữ Trung Học tôi phải mặc áo trắng mà má tôi không có tiền may cho chỉ vì má tôi đã lấy toàn bộ tiền dành dụm  cho một bà thợ may từng làm chung cho tiệm cô Bảy với má tôi ở đường Độc Lập mượn để bà mở tiệm may ở đường Công Quán. Cả nể, má tôi không dám đòi nên sai hai chị em tôi đi đòi dùm. Tôi dắt em tôi ngang qua lại tiệm may nhiều lần nhưng không dám bước vào tiệm nói câu má dạy” Bác Đức cho má con “xin lại” tiền bác mượn má con mấy tháng trước.” Nhưng rồi một hôm bị má la” Má phải đi bán nhờ chút mà không làm!”, tôi cũng bấm bụng vào tiệm nói thử một lần  với bác  Đức và câu trả lời của bác Đức là: ” Biết rồi bác sẽ gặp má con tuần tới và trả tận tay cho má con.” Tuần tới và một tuần sau tuần tới bác Đức vẫn không gặp để trả tiền má tôi nên má tôi lại sai tôi dẫn em gái tôi đến tiệm bác Đức nói bác lấy vải trắng của tiệm may cho hai chị em tôi hai cái hai đầm để trừ nợ. Tôi lại phải dẫn em gáí tôi đi ngang qua lại tiệm bác Đức  nhiều lần rồi lang thang đến rạp hát Minh Châu rồi đi qua rạp hát Tân Quang và về nhà chứ không dám vào tiệm bác Đức kêu bác may áo đầm trắng cho.
Cho đến khi má tôi thúc hối và ngày nhập học sắp đến tôi cố gắng bấm bụng lần nữa dắt em tôi vào tiệm bác Đức thuật lại lời của yêu cầu của má tôi với bác. May mắn cho tôi là bác Đức đã vui vẻ đo  cho hai chị tôi và bảo tuần sau đến lấy hai bộ đầm trắng. Sau vụ đó, tôi nghĩ: ” Bây giờ  mới vào lớp Đệ Thất, muốn có cái áo đầm trắng như nội quy trường mà mình phải đi qua đi lại chầu chực đến sát ngày nhập học mới có như vầy đến khi lên lớp đệ Tam, đệ Tứ cần có áo dài trắng mình phải gặp lại tình cảnh như vầy nữa  thì khổ quá! Mình phải lo kiếm tiền để dành thôi!” Nghĩ thế tôi quyết tìm cách kiếm tiền. Lúc đó phong trào móc crochet  rộ lên nhiều và cô Sáu tôi thường nhận hàng móc crochet như khăn trải bàn, mũ và giỏ xách từ con cái của bạn đi khuôn Cấp Cô Độc, chùa Phật Học/Tỉnh Hội (nay gọi là chùa Long Sơn) và chùa Hải Đức để bán dùm.

Thấy hàng crochet được mọi  người chuộng và cô Sáu bán rất nhanh tôi cũng muốn móc crochet và nhờ cô bán nhưng tôi không biết móc. Sau đó, nhờ vài bạn trong lớp tôi biết móc bày cho  tôi những mũi căn bản như chữ I dài, chữ I ngắn và con sò tôi tự móc cho em gái tôi và tôi hai cái mũ. Mũ của em tôi được móc đầu tiên nên hình dáng của nó không cân xứng cho một cái mũ của đứa con gái. Nó giống y chang cái mũ của Charlot mà không hiểu sao em gái tôi thích đội hoài không bỏ. Cái mũ thứ hai tôi móc có kinh nghiệm nên đẹp hơn nhiều. Và tôi đã cưng dưỡng và giữ gìn cái mũ này thật lâu. 

Một hôm, khi đi ngang một  tiệm tạp hóa trên đường Độc Lập, tôi tình cờ thấy một  chị móc  chiếc chổi lông gà với cuộn giây nhựa đơn giản, tôi đứng cạnh học lóm rồi về móc thử. Cái chổi lông gà đầu tiên tôi móc giống như lông xơ xác  của con gà đá thua trận sau trận đá gà. Bởi học lóm, không quan sát đến nơi đến chốn, tôi đã móc chữ I dài thay vì I ngắn nên “lông gà” không dày đặc và cũng không đẹp như cái chổi lông gà mà tôi thấy của chị bán tạp hóa ở đường Độc Lập. Vậy mà cô Sáu thấy làm thích thú khi thấy tôi móc được một cái chổi lông gà. Cô bảo để cô bán dùm cho. Tôi thấy vui cho dù tôi không nghĩ có người nào muốn mua cái chổi lông gà ấy. vài ngày sau, Cô Sáu đưa tiền cho tôi. Cô nói cô giới thiệu khách hàng là “Cái chổi này do cháu ruột của em móc đó chị! Vì nó vừa đi học vừa móc  nên cái chổi lông gà “không giống chổi lông gà” lắm! Chị mua cho nó như mua giúp con cháu của chị vậy mà!” Do cô nói khéo, tôi bán được thành phẩm đầu tiên do tự tay mình làm ra. Tôi thấm thía hơn câu “Trăm người bán vạn người mua!” và kinh nghiệm thêm về chuyện mua bán! Không phải khách tiêu dùng mua  một vật nào đó vì nó tốt hay vì họ cần mua nó mà có khi họ mua vì từ tâm!
            Được tiền, tôi mua thêm nhiều cuộn giây nhựa đủ màu, móc thêm nhiều chổi lông gà hơn. Lần này, rút được kinh nghiệm tôi móc chữ I ngắn, và dùng đồ cắm hoa chải tơi nhỏ. Những chiếc lông gà đủ màu của tôi đẹp tuyệt thu hút khách hàng mua nhiều và tôi hăng say móc không ngừng sau những giờ học. Tôi lấy làm sung sướng và tự hào vì được gian hàng cô Sáu tạo điều kiện cho tôi bán các chổi lông gà và  tôi kiếm được tiền ngay khi tuổi còn nhỏ. Những ngày đi học bằng xe đạp xe có bị lủng vỏ, cần mua sách vở hay muốn khao em gái ăn chè tôi tự bỏ tiền ra chứ không phiền đến má. Cuộc sống đối với tôi lúc ấy thật bình an và ý nghĩa. Nhưng vào đêm 16 tháng 9 năm 1968, chợ Đầm bị cháy lớn. Các sạp  hàng trên khu chợ vuông bị cháy rụi. Nhiều chủ sạp được báo sớm  tìm cách lấy chút hàng ra. Nhà nội của tôi ở Hoàng Tử Cảnh, hơi xa khu Chợ Đầm, Cô Sáu biết trễ hơn những người khác nên thất thoát khá nhiều. Sau vụ cháy này, có khá nhiều chủ sạp bị thiệt hại mất hết vốn. cô ngưng bán một thời gian và tôi không còn chỗ để gửi chổi lông gà để bán nữa. 
 Má tôi không có sạp nhưng cũng bị ảnh hưởng chuyện buôn bán. Bởi má thường bám theo sự quần tụ của những người  họp thành chợ để hầu mong những người tiêu thụ ghé ngang mua hàng cho mình. Gánh cam quýt bán lẻ theo đường Phan Bội Châu, Độc Lập  hay đi ngang  những quán Bar thường phải đụng hàng với những người mua bán lẻ cam quýt ổi xoài là điều má không thích. Hình như má e dè khi vào “địa phận” không phải của mình.
Vài hôm sau, chính phủ cho họp chợ tại sân Vận Động Nha Trang. Các chủ sạp trong khu chợ Đầm vuông sau khi được phân khu trong sân vận động, thuê người đóng sạp ngay. Còn những người thường bán dạo, bán vỉa hè trên những con đường ” vây ” quanh khu chợ Đầm  trước đây cũng được  phép cho bán ở nơi qui định trong sân vận động. Khu vực của những người bán trái cây được  phân ở ngoài cùng, song song dọc theo các sạp hàng tạp hóa. Vì chỗ dành cho những người bán trái cây không được chia lô như những người có sạp  hàng tạp hóa và những loại hàng khác, người bán chỉ có thể có chỗ khi họ đến sân vận động sớm để kiếm một chỗ cho mình. Má tôi phải đi đến bến xe ngựa mua hàng nên bà không thể đến sân vận động để giữ chỗ nên bà phải kêu tôi dậy sớm ra sân vận động để giữ chỗ cho bà. Mỗi buổi sáng khoảng ba giờ rưỡi đến bốn giờ tôi lửng thửng theo má tôi đến sân Vân Động với vài miếng carton và vài miếng bạt nylông. Sau khi  trải trên đất cát và bảo tôi ngồi lên, má tôi dặn tôi chờ đến khi bà trở lại mới về thay đồ đi học. Nhà tôi lúc đó không sắm nổi chiếc đồng hồ chứ  nói chi đến đồng hồ báo thức! Nhưng  vì nhà nội tôi có hai con chó rất khôn. Không hiểu sao vào khoảng ba giờ rưỡi sáng, hai con chó này  thường cào cửa kêu má tôi dậy đi bán   nên sáng nào tôi cũng có đủ thì giờ đi bộ từ sân vận động Nha Trang về nhà rồi từ nhà đi bộ đến trường. Trường nữ trung học cách nhà tôi khá xa nhưng  hôm nào tôi cũng đi học đúng giờ. Bởi thế tôi không hề cảm thấy phiền hà khi phải    giúp má. Hơn nữa,”Giữ chỗ” là chữ má thường nói nhưng chữ giữ với tôi không phải là “canh giữ một cách nghiêm túc”, phải mở mắt thao láo, chằm chằm xem ai có xâm phạm khu vực của mình hay không. Sau khi  trải một mớ bìa carton, bạt nylông, giấy báo ở một nơi vừa ý đúng qui định của một phần người bán, má tôi kêu tôi ngồi lên trên và dặn dò ” Nhớ không cho ai dời đổi mấy tấm trải này nhen con!” rồi tất tả chạy đi ngay. Tôi dạ lia lịa ra vẻ như sẽ trông chừng cẩn thận lắm. Nhưng khi  má tôi bước ra khỏi cổng sân vận động, tôi vội nằm xuống và cuộn mình tiếp tục giấc ngủ sau chặng đường đi bộ từ  đường Hoàng Tử Cảnh ra đến đường Phan Chu Trinh để vào sân vận động Nha Trang. Cho đến khi má  tôi trở lại, lay tôi dậy, tôi mới lòm còm đứng dậy, lủi thủi đi về nhà.
Có hôm, tôi ngồi canh chỗ cho má luôn chứ không ngủ tiếp được vì ấm ức. Tôi không hiểu sao lại bị má đánh thức lúc đang ngủ ngon giấc. Thời gian ấy, hai con chó nhà nội tôi bị xe bắt chó bắt khi chúng chạy rong ra đường. Nạn dịch chó dại trong thành phố khiến cho xe bắt chó không từ một con chó nào lảng vảng ngoài đường. Má tôi không còn hai con chó cào cửa đánh thức,  thấp thỏm không ngủ được, cứ áng chừng giờ phải đi để giữ chỗ tốt và mua hàng sớm để kịp trở lại sân vận động cho tôi về sửa soạn đi học nên vừa chợp mắt một lúc là vội dậy đánh thức tôi đi ra sân vận động Nha Trang!
Vừa bực, vừa buồn nên thay vì đặt lưng xuống các tấm bạt để ngủ tiếp như thường lệ, tôi  lặng lẽ ngồi nhìn xung quanh. Phía sau lưng tôi một dãy sạp im lìm trong tối. Từ chỗ tôi ngồi một đường dài những tấm ny lông, những tấm bìa carton ngổn ngang vài chiếc rổ, chiếc thúng. Một vài người  đang khiêng , vác trong lúc một vài người khác lom khom trải, xếp. Bóng  họ thấp thoáng qua lại trong ánh đèn nhạt nhòa hắt từ những chiếc đèn đường xa xa.  Khung cảnh thật buồn tẻ khiến tôi thấy  buồn thêm và không muốn nhìn nữa. Tôi đặt lưng nằm xuống nhưng không làm sao ngủ tiếp được. Buồn quá! 
Tôi thầm trách không hiểu sao má tôi chọn cái nghề bán trái cây làm gì cho khổ mà tôi cũng khổ lây! Tôi ao ước phải chi má tiếp tục bán bánh ướt như thời gian đầu tiên khi má chân ướt chân ráo ra bến xe ngựa kiếm việc thì tôi đỡ biết bao nhiêu! Tôi nhớ lúc đó má cũng phải đi sớm và tôi cũng phải đi trông hàng nhưng tôi chỉ trông cho má có hai ba lần rồi sao đó con chó Kiki đã thay thế tôi. Mỗi lần con Kiki đi theo má  ra bến xe ngựa ở khúc đường trần Quý Cáp và Sinh Trung trông hàng,  má tôi  thường mua cho nó một ổ bánh mì cho nên nó thích công việc của nó lắm. Cứ mỗi buổi    sáng khi má tôi gánh hàng đi thì nó chạy  theo. Khi má tôi đặt lò, thùng, thau bột ở trước một tiệm uốn tóc  chỗ bến xe ngựa và kêu nó ngồi canh thì nó y lời chứ không  theo má tôi về. Má tôi đi về, gánh thêm một gánh nữa trở lại chỗ để hàng thì Kiki vẫn ngồi im chờ cho đến khi má tôi mua cho ổ bánh mì nó mới chịu về. Những người buôn bán lẻ cạnh chỗ má tôi thường kể cho má tôi nghe là Kiki rất khôn. Ai lỡ đụng vào các đồ đạc của má tôi là nó sủa inh ỏi. Cho nên không thấy chủ mà không ai dám dời đồ đạc của má tôi.  Nhưng không phải chỉ có những người buôn bán cạnh má tôi mới biết Kiki khôn như thế nào. Mỗi buổi sáng, chú lính  gác ở đồn canh trên đường Đào Duy Từ thường lấy làm lạ khi thấy một người đàn bà gánh hai thùng  nặng đi ngang với con chó đi theo sau hướng về  bến Xe Ngựa . Kế đó, người đàn bà xách gióng gánh  đi ngang trở lại nhưng không có con chó đi theo nữa. Rồi người đàn bà lại quang gánh quẩy hai thùng nặng đi ngang thêm một lần nữa hướng về bến Xe Ngựa. Một lúc sau, con chó của người đàn bà từ bến Xe Ngựa  một mình đi ngang trở về với ổ bánh mì ngoạm nơi miệng. Quá ngạc nhiên chú lính phải tìm cho ra lẽ về cái cảnh ông chứng kiến mỗi ngày. Ông hỏi má tôi và má tôi kể chuyện Kiki trông hàng dùm và thế là ông tấm tắc khen mãi.  Khi tôi nghe má tôi kể lại thì tôi thích thú lắm. Được nghe mọi người khen con chó của mình khôn đã thích , thấy nó thay thế mình đi theo má tôi trông hàng càng yêu thích và biết ơn nó nhiều hơn. 
Nhưng  khi em gái tôi bị bệnh thương hàn, má tôi phải ngưng bán bánh ướt ở nhà chăm sóc cho con bé thì  Kiki không còn được ổ bánh mì vì nó không còn “được” đi trông hàng nữa. Lúc ấy không hiểu vì nó buồn hay sao mà nó nằm lì dưới giường ngay dưới chỗ em gái tôi nằm. Liệt giường một thời gian, em gái tôi vừa khỏi bệnh thì Kiki chết. Cả ba má con tôi đều buồn vì mất con chó khôn ngoan và có nghĩa. Từ đó,  má tôi  không bán bánh ướt ở bến xe ngựa nữa. Tôi không hiểu rõ nguyên nhân. Có thể vì má không còn có con  Kiki trông hàng, có thể vì  những người đón hàng ở bến Xe Ngựa  khuyên má  bỏ nghề bán bánh ướt khổ sở mà má  theo nghề bán trái cây này. Bởi lý do nào, má vẫn khổ và cuộc đời tôi hình như luôn gắn liền với cảnh khổ của má.
Tôi chợt thấm thía với chữ nghèo thường đi đôi với khổ và thấy mình đang ở tận cùng của cái khổ trong cuộc đời. Nhìn những vì sao trên trời tôi chợt nhận ra là má đánh thức tôi ra sân Vận Động này quá sớm. Lúc đó có lẽ chỉ mới một giờ rưỡi hay hai giờ thay vì ba giờ rưỡi như thường lệ. Tôi cảm thấy tội má vì má cũng phải chờ ở bến Xe Ngựa vì người ở Thành không bao giờ xuống sớm như thế. Chiếc xe đầu tiên đến nơi phải năm hay sáu giờ. Suy cho cùng cả má và tôi đều khổ. Chỉ có em gái tôi thì vô tư vô lự nên không có những “kinh nghiệm khổ”  mà tôi chứng kiến và  trải qua nhưng nó cũng khổ vì mỗi lần nó thèm ăn hay cần vật dụng gì thì nó chỉ vin vào sự từ tâm của tôi. Có nghĩa là tôi luôn luôn có tiền để dành. 
Cuối năm 1969  đến đầu năm 1970, khi  thấy công trình  xây chợ  Đầm tiến hành, tôi mừng lắm. Tôi luôn hy vọng  sau khi  Nha Trang có một khu chợ khang trang mới mẻ  và cô Sáu có một sạp hàng thì   tôi sẽ có cơ hội  kiếm tiền và tiếp tục mua sắm cho mình và cho em gái mình những thứ hai chị em thích. Nhưng khi chợ Đầm Tròn hoàn thành  với các dãy chung cư A , B có thương xá ở tầng trệt thì em gái tôi phải vào Sài Gòn ở với gia đình bác Ba. Những ngày trước Tết con bé về  Nha Trang, tôi thường dắt  nó đi chợ Đầm Tròn mua sắm. Tôi thích nhất là lúc dẫn con bé đi ngang các hàng vải  rồi đưa nó đến tiệm may  quần tây  Mimosa. Thợ may của tiệm đa số là đàn ông và ngay cả chủ tiệm cũng là đàn ông nên con bé rất e dè. Bởi chủ tiệm cam đoan chỉ 45 phút lấy liền cho nên con bé hí hửng bằng lòng chịu cho đo ngay. Giao vải cho ông chủ tiệm Mimosa xong, tôi dắt em gái tôi qua hàng tạp hóa của cô Sáu, qua hàng trái cây của má, rảo quanh các gian hàng của toàn bộ khu chợ Đầm và các thương xá  trong vòng 45 phút quay trở lại tiệm là nhận được quần mới   ngay.
            Khi về Nha Trang ăn Tết em tôi không hề hy vọng có quần áo mới vì rất khó tìm người   nhận may trong những ngày cận Tết thế mà tôi cũng giúp em tôi có được một chút mới để đón Tết. Cô Sáu và má tôi   vẫn còn bám vào chợ Đầm để tìm kế sinh nhai.  Khu chợ Đầm mới đẹp đẽ khang trang là nơi buôn bán phồn thịnh của người dân Nha Trang vào những năm 1973 đến tết năm 1975. Nó  đã giúp cho người buôn bán thuận lợi và phát đạt hơn nhiều. Tôi cũng đã kiếm tiền khá dễ dàng qua những tấm trải bàn  crochet nhờ cô Sáu bán dùm. Nhờ những “khoản tiền để dành” tôi có thể tự sắm sửa cho mình và cho em mình trong suốt thời gian trung học. 
Đôi lúc, nghĩ lại những thời gian “la lết” trên những vỉa hè để mưu sinh và giúp má, tôi chợt mỉm cười thú vị. Có lẽ không ai có thể ngờ một nữ sinh của trường nữ trung học Nha Trang, một cô gái bước ra từ khuôn viên của một khu nhà danh giá kín cổng cao tường  đã từng trải qua những ngày tháng nhọc nhằn như thế. Rồi tôi cảm thấy thú vị hơn khi nhớ những dè bỉu về những người kẻ bám chợ là những kẻ ” hàng tôm hàng cá” và là những kẻ thường có ngôn ngữ “đầu đường xó chợ”. Tôi có thể khẳng định mình là một chứng minh ngược lại những định kiến này. Tảo tần ở những vỉa hè quanh chợ Đầm trong những ngày thơ ấu không làm cho    tôi làm trái ngược những gì má tôi dạy dỗ tôi. Tôi chẳng bao giờ nói bậy hay chửi thề. Trái lại sự khổ cực đã hun đúc cho tôi một tinh thần rất mạnh mẽ. Tôi không cảm thấy xấu hổ hay mắc cở khi phải đi  bán trong chợ như một số người thân của tôi. 
Sau mùa hè đỏ lửa năm 1972, gia đình chú tôi từ Pleiku xuống tá túc nhà nội tôi. Một trong mấy người con gái của chú “bị bắt”phải  bán xôi và cô   bé này không thể trái lời cha nhưng ngần ngừ vì cái cảnh bán dạo không hay ho gì trong lúc sự khuê các vẫn đang tiềm ẩn trong vóc dáng xinh đẹp của cô. Cô buồn bã rủ tôi đi bán cùng nhưng không hy vọng  là tôi ưng thuận. Nhưng vừa nghe cô  rủ là tôi vui vẻ nhận lời ngay. Lúc đi  quanh các sạp  bán xôi dạo với cô, tôi cảm thấy vui  lắm bởi vì  cái rổ xôi đủ màu :Tím của lá cẩm, vàng của  của   xôi vò, trắng với đậu phọng cho mọi người thấy chúng tôi thuộc gia đình giỏi nội trợ và rất đảm đang.
            Sau này qua xứ người, tôi  làm đủ việc từ trí óc đến tay chân nhưng  tôi không cảm thấy việc làm nào giá trị hơn việc làm nào. Tôi vui vẻ khi là cô giáo dạy học của chương trình Head Start, là cán sự trong sở Xã Hội, cũng như khi  là người giũa móng chân cho một tiệm nail, hay người gội đầu trong tiệm cắt tóc. Miễn là đồng tiền mà tôi kiếm được là đồng tiền lương thiện để rồi tôi sử dụng nó đúng giá trị và  ý nghĩa.
Cung Thị Lan
June 30, 2020