CAO MỴ NHÂN

.

Tiểu sử

  •  Sinh tại Chapa, Hoàng Liên Sơn

  • Cựu học sinh Trưng Vương, Hà Nội

  • Di cư vào Nam 1954, học khóa Nữ Cán Sự Xã Hội tại Centre Caritas

  • Tham gia Quân Lực VNCH. Chức vụ sau cùng: Thiếu Tá.

  • Tồng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 94-96

TÁC PHẨM:

  1. Hoa Sao, thơ, 1959

  2. Thơ Mỵ, 1960

  3. Chốn Bụi Hồng tập 1, bút ký, 1994.

  4. Thơ Mỵ 2, 1997

  5.  Áo Màu Xanh, thơ, 1999

  6.  Lãng Đãng Vào Thu, 2001

  7. Đưa Người Tình Đi Tu, thơ, 2001

  8. Sau Cuộc Chiến, thơ, 2003

Tuỳ Bút Chỉ Nhìn Thôi và Thơ – Cao Mỵ Nhân (Mới)

Click to access ChiNhinThoi.pdf

                   Kính mời quý vị thưởng thức trang thơ                                                           của thi sĩ CAO MỴ NHÂN

Hãy đón Xuân về như đón bạn 

Dù Xuân đầm ấm, Xuân tươi vui

Dù lòng ta có chi ngao ngán 

Xuân vẫn cho ta những nụ cười …

    ( Xuân Ảnh –  CMN ) 

CHÀO XUÂN 2021   

  CAO MỴ NHÂN
(Xướng)

Hoa nở thịnh khai, xuân trưởng thành
Chào mừng thế kỷ tuổi vừa xanh
Bao lời nghĩa bạn xin trân trọng
Riêng chuỗi tình thơ giữ tốt lành
Tri kỷ bốn phương chưa hội ý
Diễn đàn tám hướng đã hoà thanh
Mốt mai hương sắc văn chương vẹn
Cứ mỗi thi tài một sáng danh…
   Utah 28 – 12 – 2020
        CAO MỴ NHÂN

CHÀO NĂM MỚI 2021
(Kính họa bài Chào Xuân 2021 của chị Cao Mỵ Nhân)

Vườn rộn hoa khai hỷ đáo thành
Xuân nồng đà thắm ửng trời xanh
Bút đề dăm chữ hòa tâm ái
Thơ trải đôi câu quyện ý lành
Để nghĩa kim bằng vui hiệp lực
Cho tình tri kỷ hưởng đồng thanh
Gió trăng cây cỏ chan nguồn sống
Thi phẩm lưu đời được rạng danh

Phương Hoa – DEC 28th 2020

MT xin góp họa theo bài xướng của chị Cao Mỵ Nhân .
Chào Xuân 2021

Mở mắt chào Xuân mộng dệt thành
Vui ngời cảnh sắc dưới trời xanh
Niềm mong bạn hữu tâm hoà thuận
Nỗi ước thi nhân ý đẹp lành
Điểm nét dòng thơ cài chữ nhã
Tô bài điệu phú diễn lời thanh
Vườn hoa xướng họa mài năm tháng
Học hỏi kiên trì sẽ rạng danh
             Minh Thuý Thành Nội
               Tháng 12/28/2020

Hai Người Khách

 

Xướng:
Hai Người Khách

 

Một người thích ngó trời cao
Đếm bao nhiêu đám mây vào thiên thu
Một người đọc thơ phiêu du
Vạn đường thiên lý chưa ru tình sầu

Người về biển cuối, sông đầu
Áo xanh đã bạc trắng mầu cổ sơ
Người đi bỏ lại hồn thơ
Trên thềm cô quạnh mộng mơ điêu tàn

Hai người chưa rõ quan san
Cung dâu thả mũi tên tàn phai hương
Đưa nhau tới cuối nẻo đường
Dấu xưa còn lại sa trường cỏ khô …

Cao Mỵ Nhân
***
Bài Họa;
Buồn Ơi!

Buồn ơi, vời vợi trên cao
Tình xưa giờ đã quyện vào hồn thu
Lá vàng lơ đãng nhàn du
Dòng thơ man mác đem ru nhịp sầu

Buồn ơi, lạc mối tình đầu
Phương nao cánh nhạn nhạt mầu đơn sơ
Gió rung giọt rớt thành thơ
Yến oanh nức nở ước mơ lụi tàn

Buồn ơi, nào ngại sẻ san
Lan sầu huệ héo nhụy tàn xa hương
Khi xưa loan phượng chung đường
Chừ sao đôi ngả can trường héo khô…

Phương Hoa – DEC 31st 2020

Chuyển Hóa

 

Xướng:

Chuyển Hóa  

 

Trời quang mây lặng đã từ lâu
Sao lại ngồi nghe tiếng gió sầu
Khắp chốn nắng vàng đan cánh mộng
Muôn nơi thơ ngọc nhả lời châu
Bàn tay vẫy gọi bao cung bậc
Âm điệu vang đưa mấy nhịp cầu
Người có thấy chăng vầng nhật nguyệt
Đang rời kiếp trước đến đời sau


Cao Mỵ Nhân
***
Họa:


Sa Lầy Hóa Kiếp

Cuộc tình đày đọa đã bao lâu
Phù thủy yêu ma rợn đỉnh sầu
Suối biếc cuộn trôi vòng mã não
Biển xanh chìm đắm hạt trân châu
Thác reo quay quắt lời ao ước
Gió hú ngất ngư tiếng nguyện cầu
Hố thẳm sa lầy từ kiếp trước
Vẫn còn khổ lụy tới mai sau

Phan Khâm
***
Ngàn Sau Vẫn Ru Tình

Đêm về nguyệt rạng một hồi lâu
Ảo não lòng ai vẫn ngập sầu
Nước đổ đầu gành tuôn ngấn lệ
Sương sà ngọn cỏ ánh ngời châu
Vì chưng hồn trải bên bờ suối
Nên để thơ rơi dưới bóng cầu
Tất tả gom về đem ủ lại
Ru tình ngân mãi đến ngàn sau

Phương Hoa
DEC 8th 2020

    THI TỨ ” CÓC VÀNG ” 
Thân mến tặng HỒNG THUỶ 
  CHỦ TỊCH  VB/ VĐBHK
qua lời tâm sự cóc vàng trong tâm tư muốn làm thơ 
Về kỷ niệm ” 100 năm Thi Sĩ tiền nhân  SƯƠNG NGUYỆT ANH “
Do Thi Sĩ  CUNG THỊ LAN  CHỦ TỊCH VĂN BÚT VNHN 
chủ trương biên tập .    Thân quý.  Chúc vui.   CMN. 
    
      BÀI THƠ KHIÊM TỐN .
 
Cóc vàng đích thị con trời
Từ xưa, hoa nở nụ cười trong thơ
Hồng Thuỷ khiêm tốn vô bờ
Nói : ” con cóc ở hồn mơ mộng về “
 
Thơ là chất liệu đam mê
Cóc vàng thi tứ chẳng nề luật , niêm
Làm thơ giải toả ưu phiền
Làm thơ để giữ thiên duyên cóc vàng
 
Chúc nàng thi sĩ … mùa sang
Yêu thương chữ nghĩa, khiến màng ca dao
Cóc vàng con của trời cao
Hồng Thuỷ  ý, tứ, lời trao diễn đàn
 
Bạn thơ cảm kích vô vàn
Thơ thay hạnh ngộ thi đàn THUỶ ơi. ..
 
Hawthorne  3 – 3 – 2021
       CAO MỴ NHÂN 

   VIẾT CÂU KIỀU LẨY TẶNG EM THƠ

 

 Thân gởi Thi Ca Nhạc Hoạ Sĩ TUYẾT PHAN

Rất buồn, em ạ rất buồn

Đôi khi chị tưởng sẽ chuồn như em

Nhưng yêu chữ nghĩa cuồng điên

Nên thôi, chị lại cười duyên, vui hoà

Rất buồn, tuyết nguyệt phong hoa

Nghĩ mình, mình lỡ xót xa thơ mình

Tố Như, thưa cụ tái sinh

Tuyết Phan tài sắc nghĩa tình nào vơi

Thôi thôi nhất ẩm, nhất chơi

Mấy câu Kiều lẩy, em ơi sớm về

Anh chị em đón đề huề

Văn chương chưa đủ vẹn bề chi lan 

Bốn phương đào lý quan san

Đừng nghe gió kiếm, điêu tàn cung thương

Tuyết Phan trở lại Bút Đường 

Đông Bắc Văn Hội khai trương nhạc thiều …

    Khuya về sáng cuối năm 2020.

               31 -12 – 2020

             CAO MỴ NHÂN   

Thơ Xướng Họa của Cao Mỵ Nhân và Phương Hoa

1)  KHI EM…  CAO MỴ NHÂN

Khi em bước hụt tình yêu
Là châu thân đã ít nhiều tổn thương
Khi em tới cuối dặm trường
Là tương lai đã hoang đường từ lâu

Khi em thả một hàng châu
Dòng sông dĩ vãng cuộn sầu ra khơi
Con tầu định mệnh chơi vơi
Xin đừng nói chuyện đất trời với anh

Mây trên núi biếc mầu xanh
Rong rêu trước mặt biến thành thảm hoa
Từng đàn bướm trắng bay ra
Bạt ngàn nụ nắng chan hoà không gian

Đưa em tới cửa thiên đàng
Đẩy em vào cõi vô vàn tỉnh mê
Trả cho em tình lê thê
Bài thơ oan nghiệt bay về huyễn hư…

      CAO MỴ NHÂN 

EM ĐÀ….
(Kính họa bài Khi Em…của chị Cao Mỵ Nhân)

Em đà chạm đến bờ yêu
Nên đời chất chứa thật nhiều luyến thương
Nhớ câu hoang dại tình trường
Lòng phơi phới dẫu biết đường còn lâu

Em đà nhặt được trân châu
Nên tâm rộn rã đuổi sầu xa khơi
Đêm về tâm sự đầy vơi
Tim như bay bổng tận trời cùng anh

Em đà biết ngắm trời xanh
Hồn từ vô sắc đã thành rừng hoa
Chữ tràn ý ngụt thơ ra
Văn chương như thể quyện hòa thời gian

Em đà vào cõi địa đàng
Chưa nhìn vẫn cảm muôn vàn si mê
Khi nào vẹn chữ phu thê
Thơ rung vườn cấm say về thực… hư…

Phương Hoa – DEC 26th 2020

2) ĐIỆN THƯ.     CAO MỴ NHÂN


Xếp tư một lá thư tình
Phần nào là góc của mình nơi anh
Thư tình chẳng có giấy xanh
Chữ không mực tím hiền lành thủa xưa
 
Email tình cũng gió mưa
Bấm sai một chữ là chưa thật lòng
Rõ ràng em quá nhớ mong
Nhưng anh cứ bảo là không khi nào
 
Thư xưa thủ thỉ buồn rầu
Tràn ra nét chữ đọng mầu nỉ non
Email giờ đẹp vẹn tròn
Mặt thư thẳng thớm lại còn sạch trơn
 
Lời nào thấm lệ cô đơn
Trên trang Ipad nên hờn giận khô
Thư đi khắp nẻo sông hồ
Anh cười: tình ý qua thơ điện rồi …
     CAO MỴ NHÂN


ĐÊM TRĂNG
(kinh họa bài Điện Thư của chị Cao Mỵ Nhân)
 
Đêm trăng chợt muốn tâm tình
Trải phơi trên giấy lòng mình cùng anh
Thơ hồng bút vẩy mực xanh
Ngọt ngào níu chút duyên lành khi xưa
 
Đêm trăng lặng gió vắng mưa
Muốn quên nhưng bởi lòng chưa dặn lòng
Còn chi đâu nữa mà mong
Phương trời cách biệt thì không thể nào


Đêm trăng sao dáng nguyệt rầu
Phải chăng đồng cảm vì mầu nước non?
Khi nao đất mẹ vuông tròn
Hằng Nga gương sẽ đẹp còn sáng trơn
 
Đêm trăng thảo mấy dòng đơn
Gió thương thổi mực dỗi hờn cạn khô
Mây nguồn đọng ké ven hồ
Nguyệt tàn bấc lụn bài thơ thành rồi…

Phương Hoa – DEC 31st 2020


3)  HỒN MƯA.    CAO MỴ NHÂN

Nát nhàu chiếc chiếu trăm năm
Tan ra từng mảnh phơi nằm bờ mương
Người đi, mang hết đoạn trường
Cho ta yên nghỉ vết thương thơ sầu

Làm sao xoá hết niềm đau
Sạch khô lũ lụt giang đầu, bến xưa
Bùn lầy đọng lại hồn mưa
Càng hong tâm sự, càng thưa lời tình

Bão xô ta tới biên đình
Trường Sơn khổ núi, Thái Bình hận khơi
Nỗi buồn thao thức đêm vơi
Sáng ra không thấy mặt trời thân quen

Ta về, nghe ngóng nhịp tim
Trong hình hài đã lắng chìm nước non
Người đi sóng nổi mây cuồng
Chưa tan giông tố nên còn chốn đây…
      CAO MỴ NHÂN

THƠ NHÀU
(Kính họa bài Hồn Mưa của chị Cao Mỵ Nhân)
 
Thơ nhàu vì đã bao năm
Nổi trôi phiêu bạt để nằm trong rương
Mảnh giấy xưa lúc bãi trường
Thuộc từng nét chữ lời thương niềm sầu
 
Thơ nhàu vì quyện thương đau
Nhớ nhung chất ngất lời đầu duyên xưa
Bao lần đối diện gió mưa
Vết hằn còn bám song thưa chuyện tình
 
Thơ nhàu kỷ niệm đầu đình
Đêm trăng khiến thuở thanh bình dậy khơi
Câu hò đối đáp chơi vơi
Nam thanh nữ tú bên trời từng quen
 
Thơ nhàu héo dạ rưng tim
Người xưa giờ biết nổi chìm núi non
Rách thơ dán bởi keo cuồn
Làm sao vá được, nước còn rách đây?
 

Phương Hoa – DEC 30st 2020


4) HAI NGƯỜI KHÁCH.    CAO MỴ NHÂN

Một người thích ngó trời cao
Đếm bao nhiêu đám mây vào thiên thu
Một người đọc thơ phiêu du
Vạn đường thiên lý chưa ru tình sầu

Người về biển cuối, sông đầu
Áo xanh đã bạc trắng mầu cổ sơ
Người đi bỏ lại hồn thơ
Trên thềm cô quạnh mộng mơ điêu tàn

Hai người chưa rõ quan san
Cung dâu thả mũi tên tàn phai hương
Đưa nhau tới cuối nẻo đường
Dấu xưa còn lại sa trường cỏ khô …
       CAO MỴ NHÂN 


BUỒN ƠI!
(Kính họa bài Hai Người Khách của chị Cao Mỵ Nhân)
 
Buồn ơi, vời vợi trên cao
Tình xưa giờ đã quyện vào hồn thu
Lá vàng lơ đãng nhàn du
Dòng thơ man mác đem ru nhịp sầu


Buồn ơi, lạc mối tình đầu
Phương nao cánh nhạn nhạt mầu đơn sơ
Gió rung giọt rớt thành thơ
Yến oanh nức nở ước mơ lụi tàn
 
Buồn ơi, nào ngại sẻ san
Lan sầu huệ héo nhụy tàn xa hương
Khi xưa loan phượng chung đường
Chừ sao đôi ngả can trường héo khô…

Phương Hoa – DEC 31st 2020

5)  HUỆ NỞ TRẮNG MÂY.     CAO MỴ NHÂN

Hẹn em, thứ sáu mười ba
Bó bông huệ trắng nở ra nụ vàng
Giữa lòng nhà nguyện thênh thang
Tiếng đàn huyền thả như làn sóng mưa

Vấn vương sợi khói lưa thưa
Tưởng mây rơi sớm thủa xưa lâu rồi
Mười ba, thứ sáu xa xôi
Domaine lãnh địa riêng đồi Marie

Bên tai tiếng gió thầm thì
Thánh ca vang vọng bản thi thiên buồn
Nghe như âm hưởng hồi chuông
Báo giờ tan lễ trên cồn lá bay

Anh ra đón ánh dương say
Trao em nắng thuỷ tinh đầy chuỗi thương
Hoa thơ trước cửa thiên đường
Trinh nguyên sắc huệ toả hương ngạt ngào…
     CAO MỴ NHÂN

 HOA CƯỜI
(Kính họa bài Huệ Nở Trắng Mây của chị Cao Mỵ Nhân)

Hoa cười Xuân cuối tháng Ba
Cúc lan mai muộn còn ra bông vàng
Gót ngà áo tím lang thang
Tóc thề trong gió tựa làn thu mưa

Hoa cười nguyệt thẹn câu thưa
Chớp mi hồn phách người xưa đâu rồi
Ai về quả đỏ mâm xôi
Ngờ đâu dâu rước ngang đồi biệt ly

Hoa cười xao tuổi xuân thì
Mắt nhìn lung luyến để thi thôi buồn
Giáo Đường rộn rã ngân chuông
Cho ai ngóng đợi bên cồn cát bay

Hoa cười hồn ngửa nghiêng say
Bao ngăn tâm thất chứa đầy yêu thương
Tình thơ trải thảm con đường
Xuân lai Xuân khứ sắc hương ngọt ngào…

Phương Hoa – DEC 31st 2020

CHIM BAY MỎI CÁNH

Làm sao em sống được lâu

Để yêu anh tới bạc đầu mới thôi

Sống lâu thì chắc được rồi

Nhưng yêu thì phải hỏi trời nên không

Bởi trời cho trăm mùa đông

Làm sao tránh khỏi bão giông tình trường 

Tình mình như khói như sương

Trăm năm là đủ yêu thương trọn đời

Nhưng anh không thốt nên lời

Bởi trong ngôn ngữ tuyệt vời thiết tha

Giữa trời mây nước bao la

Chim bay mỏi cánh vẫn là đứng yên

Nói rằng : ” anh rất yêu em “

Nghe như có vẻ muộn phiền  trong thơ

Vào ra phong thái ngẩn ngơ

Nên thôi cũng chẳng ước mơ sống già …

      CAO MỴ NHÂN   

TÌNH NGOÀI

Có tình yêu mới hay sao

Mà trăng rớt xuống bờ rào nhà em

Cho anh thảng thốt đi tìm

Năm năm bỏ lại trái tim bên hè

Lúc nào em cũng đam mê

Nỗi sầu vạn cổ lời thề …ngẩn ngơ

Được anh chiều tới bơ thờ

Khói sương tinh tự Đan Hồ thẳm xa

Trái tim đập nhịp yêu ma

Vừa êm đềm đó, đã sa giọng cuồng

Tiếng tim nghe thật buông tuồng 

Xin thôi mộng mị để còn …làm thơ

Đã đành giả bộ vu vơ

Trăng rơi nguyên cả trời mơ vào lòng 

Đầu ngày nhớ thật mênh mông 

Hỏi sao giữ được anh trong cuộc đời …

      CAO MỴ NHÂN 

THÁNG CHẠP BUỒN.   

Bông hoa đại vàng

Sao nở về đêm

Yêu anh muộn màng

Trong nỗi cuồng điên 

Tháng chạp mong chờ 

Chúa đến trần gian

Em đi nhà thờ 

Van vỉ miên man

Anh ở phương nao 

Dấu thương yêu tàn 

Trên tầng mây cao

Gió gọi mơ màng

Tháng chạp bâng khuâng

Thánh giá lặng thầm

Trên đỉnh mùa xuân

Em vác mê lầm…

        CAO MỴ NHÂN 

MÂY THU HÀ NỘI.

Ngày xưa mây thu Hà Nội

Màu vàng như áo em thơ

Nắng thu cũng vàng cùng gió

Chỉ riêng hồn thu sa mưa

Người xa năm muơi năm nhỉ

Mây thu Hà Nội lưa thưa

Mầu vàng phai dần sắc nhớ

Hỏi em quên hẳn, hay chưa

Hà Nội còn trong kỷ niệm

Nên thơ như mây gió lùa

Thoắt trôi bao mùa ước hẹn

Vàng trời óng ả nắng trưa

Người mang theo mây Hà Nội

Tơ vương đến mấy cũng thừa

Bâng khuâng mây thu Hà Nội

Hoang liêu mộng mỵ nào xưa

Hawthorne 16-10-2005

BÊN BỜ NƯỚC CẠN.
Chân dung em tựa nước hồ
Vừa mưa ướt mặt, đã khô mây trời
Trên cao, hoa nở nụ cười
Rớt vô đáy cạn, cánh rơi tan tành.
Hoá ra gió nổi mây thành
Như đôi mày đậm vẽ lành dung nhan
Xin đừng sầu tủi, than van
Vì môi mấp máy vô vàn lời yêu.
Giọng văn buồn sớm thương chiều
Lạnh lùng một thoáng, đăm chiêu cuộc tình
Nắng vàng sóng lụa lung linh
Thưa anh, nhân diện riêng mình ngắm thôi.
Hồ xưa soi bóng vơi rồi
Chờ tan lũ lụt cuộc đời ra sao
Một dòng chữ nghĩa xôn xao
Từ nơi suối bạc đang trao về nguồn
Mùa xuân 2012
TA CHỜ NGƯỜI SUỐT CẢ CHIỀU SƯƠNG.
Xưa Kinh Kha trước lúc lên đường
Còn đợi một người, nên vấn vương
Chẳng phải Kinh Kha hờn bạo chúa
Ta chờ người suốt cả chiều sương
Mới hay hiệp sĩ khi thương nhớ
Cung kiếm u hoài, vọng cố nhân
Quân tử lỡ thời, nên lỡ hẹn
Cả cười tha thứ bạn tri âm
Ngồi nhìn mây trắng lên vời vợi
Ta biết ngươi đang mộng viễn hành
Đã bảo Kinh Kha còn rũ rượi
Bao nhiêu tân khách thiếu mình anh
Mà thôi, chuyện vặt, người yêu mến
Quăng chén hồ trường đến với ta
Chí lớn đừng vơi theo lệ nến
Đời nay, sao có một Kinh Kha
Mùa thu 1991

MÙA XUÂN TRÊN CHUỖI NGỌC.

Mùa xuân còn nán lại

Nơi khuôn viên Thiên Đường

Khách viễn phương vừa tới

Thoang thoảng mùi trầm hương

Ngàn năm XUÂN tự tại

Ánh đạo vàng an nhiên

Sao nghĩ XUÂN lai khứ

Để bâng khuâng tịch thiền

XUÂN vốn từ thanh sắc

Ngã tự vô thủy, chung

Về CHÙA, nghe kệ, mặc

Khải niệm ý mênh mông

Như chuỗi ngọc TOÀN CHÂU

Một trăm lẻ tám hạt

Ba vạn sáu ngàn sầu

Sẽ tan ra bát ngát…

Rồi, toả sáng muôn sau

Mùa Hạ 2007

GIỮA HƯ KHÔNG.
Đêm qua thấy lại một nguởi
Áo mầu trinh tuyết đang ngồi giỡn trăng
Trăng cười tròn trịa trên không
Người băng giá ấy mông lung dáng hình
Bước vào từ tạ hồ sinh
Hồn thơ diễm ảo vô tình trôi đi
Từng lời, từng ý lâm ly
Bay theo khói toả hương về hoang sơ
Một phen hoảng hốt ngẩn ngơ
Người thôi giỡn mộng, trăng vờ vĩnh xa
Giờ thì chỉ có mình ta
Châu thân lạnh giữa bao la đất trời
Mùa xuân 2001
CÁI MỐC THỜI GIAN.
Mười năm, đã có lần tan hợp
Nhưng, mốc muời năm đóng chốt đời
Tình cũng mười năm chờ vãn cuộc
Ngồi trên chiếu bạc đợi canh chơi
Chao ơi, đã bảo là hư huyễn
Sao vẫn còn đây ngó đất trời
Có phải hôm qua sông núi chuyển
Khiến hồn thao thức gọi chơi vơi
Thế rồi chiếu bạc xô tình vỡ
Người khóc, sao ta lại đỡ lời
Ta thốt từng tràng ngôn ngữ dở
Để nguời ngất lịm sầu không trôi
Cạn tình, bạc trở nên trơ trẽn
Cái mốc mười năm hụt sức bơi
Biển khổ mênh mông, giông bão đến
Bờ mê bến giác vụt xa khơi
Hawthorne 10-1-2008
HỒNG HOA XUÂN.
Đỏ môi sao lại bảo mầu son
Mới biết rằng xuân sắc mãi còn
Cho dẫu cành gai rơi xuống vội
Hoặc là cánh mộng vượt lên non
Nắng mưa hoa chẳng hề phai nhạt
Sóng gió thơ chưa dám ví von
Hương ngạt ngào bay xa bát ngát
Nồng nàn, tươi trẻ ủ tâm hồn
Mùa xuân 2011
BUỔI CHIA TAY HOÀNG HÔN.
Tận đáy tâm hồn ta
Có hình nguời trong đó
Nhưng khi ta rời xa
Hình nguời rơi đáy mộ
Ta chưa hề bày tỏ
Trang điểm cho tình sau
Sao nguời nhìn bỡ ngỡ
Dung nhan bỗng lạ nhau
Thiếu ta, nụ cười buồn
Ngăn đôi dòng lệ nhớ
Buổi chia tay hoàng hôn
Âm thầm cuộc tình lỡ
Năm mươi ngày cách biệt
Bảy tuần niệm hồn thơ
Chúng mình chờ đến hẹn
Sâm Thương vẫn đôi bờ
Hawthorne 11-8-2009
NIỀM ĐAU.
Chiều xưa đứng bóng chỗ này
Nguời đi quên bẵng tháng ngày phiêu lưu
Thềm hoang, hoa nở vô ưu
Một cành thạch thảo oan cừu nhởn nhơ
Đưa tay gạt nỗi bơ thờ
Mầu xanh thoắt đổi sắc thơ úa vàng
Chiều xưa nắng chiếu muộn màng
Bóng che thấp thoáng nẻo sang chập chờn
Lời buồn khắc khoải van lơn
Mười năm trở lại u hờn niềm đau
Nguôi ngoai được mấy buổi đầu
Những ngày sắp cạn giọt sầu quanh mi
Thôi đừng nhắc tháng năm chi
Cho yên lòng kẻ ra đi ngàn trùng
Nghe câu bộc bạch cõi lòng
Mai xa hun hút mịt mùng đường mây
Mùa đông 2006
LẬP ĐÔNG.
Chưa lập đông, sao mặt trời ủ dột
Như chúng mình đang để mất tình nhau
Sáng hôm nay, sương từ biển bay mau
Vào thành phố, tưởng như thời tận thế
Anh hoảng hốt tìm em, ngồi lặng lẽ
Khẽ quay lưng, em hỏi: anh cần chi
Sân nhà đã mịt mù, sương lạnh thế
Khói còn tuôn, ghi dấu buớc ai về
Mùa đông đến thật rồi, tình ẩm thấp
Nơi kho tàng cảm xúc thắp hồn thơ
Vài hôm nữa mây buồn xa tít tắp
Sẽ cho ta một chút nhớ nhung hờ
Anh cười mỉm: em vô cùng lãng mạn
Đến bao giờ mới hết nỗi vương thương
Mà cứ đến, cứ đi, năm hồ cạn
Tháng ngày qua theo lá rụng trên đường
Ta bên nhau thì xuân, thu, đông, hạ
Vẫn đầy thơ, đầy mộng, đẹp vô cùng
Cho đến lúc soi gương, mình thấy lạ
Nhận ra mình đứng trước một cơn dông
Mùa đông 2004

THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG HỌA 

CAO MỴ NHÂN – PHAN KHÂM

CHUYỂN HÓA
Xướng
Trời quang mây lặng đã từ lâu
Sao lại ngồi nghe tiếng gió sầu
Khắp chốn nắng vàng đan cánh mộng
Muôn nơi thơ ngọc nhả lời châu
Bàn tay vẫy gọi bao cung bậc
Âm điệu vang đưa mấy nhịp cầu
Người có thấy chăng vầng nhật nguyệt
Đang rời kiếp trước đến đời sau
Cao Mỵ Nhân

SA LẦY HÓA KIẾP
Họa
Cuộc tình đày đọa đã bao lâu
Phù thủy yêu ma rợn đỉnh sầu
Suối biếc cuộn trôi vòng mã não
Biển xanh chìm đắm hạt trân châu
Thác reo quay quắt lời ao ước
Gió hú ngất ngư tiếng nguyện  cầu
Hố thẳm sa lầy từ kiếp trước
Vẫn còn khổ lụy tới mai sau
Phan Khâm

TÀ DƯƠNG
Xướng
 Dặm dài hoảng hốt bóng tà dương
Lê gót chân đau nửa đoạn đường
Lá rụng gió lùa run rẩy tiếc
Hoa rơi mưa phủ luyến lưu thương
Ngả lưng đêm xuống đen cơn mộng
Chợp mắt ngày lên trắng giọt sương
Tình nghĩa còn nhau xin giữ lại
Nơi nào giao điểm mối tơ vương
Phan Khâm

 BIỂN CHIỀU
 Họa
Chiều tà lại tối ngắm trùng dương
Một bóng kim ô tỏa mấy đường
Hướng bắc mơ hồ mây diễm ảo
Phương nam huyền hoặc lửa bi thương
Sau lưng thuyển đợi dâng nguồn cảm
Trước mặt triều xô dãn vạt sương
Biển có vì ai thăm thẳm nhớ
Ba mươi năm chẵn vẫn sầu vương
Cao Mỵ Nhân

TẾT SÀI GÒN 2002
Xướng
Trở về tìm lại mùa xuân cũ
Thấp thoáng đào hoa lạt sắc xưa
Những cội mai già thêm khắc khổ
Vài phong pháo nhỏ mãi hoang sơ
Áo quần vá chắp rời dân tộc
Xe cộ đua chen vượt bến bờ
Chúc tụng qua loa cho có vẻ
Tết ơi, tâm sự nặng hồn thơ
Cao Mỵ Nhân

MỘT BÀI THƠ
Họa
Trăng tròn mười sáu bên thềm cũ
Quỳnh nở đêm về nhớ dáng xưa
Em ngả hồn nhiên giờ khởi thủy
Anh nâng nồng cháy phút ban sơ
Say nhìn hoa mộng trôi tràn bến
Tỉnh ngắm suối mơ chảy ngập bờ
Nhan sắc khôi nguyên vùng diễm ảo
Tương  phùng xin họa một bài thơ
Phan Khâm

KIẾP DÃ TRÀNG
Xướng
Xe cát biển ơi kiếp dã tràng
Cả đời duyên nợ chốn trần gian
Giận hờn phút đó còn lưu luyến
Thương nhớ giờ đây đã xóa tan
Chân yếu sóng xô nào ngại khó
Lưng còng nước cuốn chẳng từ nan
Mãi hoài suốt tháng ngày như thế
Theo bóng thời gian cứ vội vàng
Phan Khâm

CHUỖI NGỌC TRÀNG
Họa
Cổ tự trăng treo chuỗi ngọc tràng
Sáng ngời đạo hạnh giữa không gian
U tình kiếp trước thôi bôi vẽ
Chân lý đời nay lại hợp, tan
Hỉ xã bởi hoài mong tĩnh lặng
Suy tư thành cứ phải gian nan
Mười phương Chư Phật an nhiên, hỏi
Sóng gió sao tâm vẫn vững vàng.
Cao Mỵ Nhân

Trăm Hoa Đua Nở

Văn đàn Đông Bắc nhiều Ngôi Sao
Nhân- Phú – Hoa – Dương ở đỉnh cao
Thêm – Thúy – Khuê – Thu đua nhả ngọc 
Vân – Hương – Phan – Phượng đọ phun châu 
Câu từ sáng tạo mà thanh thoát 
Ý tứ cách tân lại giạt dào
Mờ mịt bao năm nay rực sáng
Ấy nhờ Lan – Thuỷ khuấy phong trào 

Nhất Hùng 
1/ Viết thay cho lời cám ơn Qúy Anh Chị.

2/ Khuôn khổ bài thơ chỉ cho 56 chữ nên dùng tên trồng, mong quý chị thông cảm (Phương Hoa, Minh Phú, Cao Mỵ Nhân, Nguyễn Thị Thanh Dương, Tiểu Thu, Nguyễn Thị Thêm, Sao Khuê, Hoàng Phượng, Tuyết Phan, Vi Vân, Hương Phố, Minh Thuý, Thúy M, Lãm Thúy, Cung Lan, Hồng Thuỷ. Không biết có còn sót tên Chị nào không?

   NHẤT THI HOA

Kính hoạ ” Trăm Hoa Đua Nở ” 

  của Nhà Thơ NHẤT HÙNG.
             CMN
Tuyết sương che kín cả trời sao
Ngọn đuốc tri âm đốt lửa cao
Đệ Nhất danh Hùng Văn Bút Việt
Vạn thiên thơ quý Bắc Đông châu
Vui cùng chữ nghĩa như mây nổi
Hẹn với văn chương tựa sóng dào
Khách mộ điệu mừng phong tặng bạn
Bài Đường trân trọng ý dâng trào …
    Hawthorne 5 – 12 – 2020
           CAO MỴ NHÂN 
SẮC HOA HUYỀN KHÔNG 
    Kính hoạ ” Hoa Xuyên Tuyết “
    của Thi Sĩ Giáo Sư MAI LỘC.
                CMN
Hoa nào xuyên phá tảng băng đông
Dấu kín hương nguyên, thủ tiết nồng
Một đoá ” thần tiên ” chân thực sắc
Ngàn lời ” tình tự ” huyễn hư không
Sương rơi gió gọi người non dạ
Khói toả mây vương khách vững lòng
Xoá sạch trần gian trong chớp mắt
Đoá sầu nẩy lộc xếp liên chồng …
    Utah   21 – 11 – 2020
        CAO MỴ NHÂN 
Thân gởi Bạn Thơ LÊ MỸ HOÀN 
thay lời xin lỗi và chào mừng bạn thơ nha.
                cmn. 
Còn chi HOÀN MỸ hơn nào  ? 
Nếu không VĂN BÚT, cũng chào Thiên Thai.
Ố Ô, LÊ một, tên hai
MỴ tôi già lão, khiến sai nghĩa tình
Được thư HOÀN tác phân minh
Từ nay MỴ nhớ, MY trình là sao ? 
NGUYỄN MY 2 chữ thế nào 
Email cứ việc nhẩy ào gởi thơ…?
CÁM ƠN, thân thiện vô bờ 
Chị em, Em chị tha hồ hàn huyên  …nha .
     Hawthorne , sau THANKSGIVING một ngày 
         27-11-2020, CAO MỴ NHÂN .

CHÀO MỪNG chị CAO MỴ NHÂN

 

CHÀO MỪNG CAO MỴ NHÂN tham gia

NỮ SĨ vang danh đã ghé nhà

VĂN BÚT Việt Nam cây bách trưởng

MIỀN ĐÔNG hải ngoại cội tùng già

CÙNG VUI tri thức mây vần vũ

CHUNG ĐÓN tài năng gió vỡ òa

THI PHÚ vườn HỒNG* ngày sáng lạn

RỘN RÀNG dị thảo với kỳ hoa…

*chị Hồng Thủy

Phương Hoa – NOV 15th 2020


BÀI TẶNG HỒNG THUỶ 

CHỦ TỊCH TRUNG TÂM VĂN BÚT  

VÙNG ĐÔNG BẮC HOA KỲ & QUÝ HỘI VIÊN .

    

  VUI TÌNH CHỮ NGHĨA 

Xưa, nay, hai chữ : cuối, đầu

Trước, sau, Hồng Thuỷ sắc mầu văn chương

Đã đi tưởng thấu tận tường 

Lâu đài ngọc vãi, châu vương kiếp này

Mai đời lại nối thơ say

Thiên thu văn lại suốt ngày, thâu đêm 

Tinh hoa trao tặng cho em 

Tinh vân mây nổi cuồng điên điệu vần 

Rồi thì ngôn ngữ trăm năm

Nhưng muôn chữ nghĩa vẫn nằm trong hoa

Lòng vui ở chỗ hài hoà 

Tình mừng nơi chốn kiêu sa sắc tài 

Gấm thêu rực rỡ văn hài

Hàng hàng Văn Bút trang đài bước lên 

Cuộc chơi trong sáng, hồn nhiên 

Tâm tư, tình cảm uyên nguyên Việt hồn . 

Hawthorne  18 – 11 – 2020

          CAO MỴ NHÂN 

Chào mừng nữ sĩ Cao Mỵ Nhân 

 

Nữ Mỵ Nhân oai nổi lắm thời 

Hương tràn khắp chốn tiếng thơ rơi 

Thi cài ý mộng lưu trần thế 

Bút vẫy mầm văn hiến cõi đời 

Tướng mạnh bao kỳ luôn chiến đấu 

Quân hùng mấy thuở chẳng ngừng ngơi 

Miền Đông Văn Bút vui chào đón 

Hải Ngoại trời thu có nắng ngời 

            Minh Thuý Thành Nội 

               Tháng 11/15/2020

 

MT xin họa bài xướng của chị Phương Họa 

 

Đón Chào Chị Cao Mỵ Nhân 

 

Đón nữ lưu về để nhập gia 

Người thơ nhã nhặn bước vô nhà 

Cùng em trải ý vui người trẻ 

Có chị bày câu thú tuổi già 

Nắng ấm dòng thi tràn rộn rã 

Mưa xinh biển phú ngập vui oà

MIỀN ĐÔNG VĂN BÚT nhân tài tụ 

HẢI NGOẠI khoe màu những sắc hoa 

              Minh Thuý Thành Nội 

                Tháng 11/15/2020

          CƯỜI NỤ VUI HOA.             
       Thân hoạ Thơ tặng của 
   PHƯƠNG HOA và MINH THUÝ 
Thay lời chào VĂN BÚT MIỀN ĐÔNG HOA KỲ .
                    CMN

 

Bài Hoạ thơ ” Chào Mừng Chị CMN ” 

        của PHƯƠNG HOA.

Chợt mừng trước ngõ đón tân gia

Lạ nhỉ văn thơ cũng có nhà

BÚT động nghiên vàng chào quý khách

VĂN mừng trúc bạc đỡ thân già

Bỗng dưng chạnh nhớ mùa PEN nở

Thoáng chốc vời thương giấy mực oà 

Hoài bão năm xưa đầy kỷ niệm 

Mong chờ chữ nghĩa nở toàn hoa… 

     Hawthorne 15 – 11 – 2020

             CAO MỴ NHÂN 

 

 

         Bài hoạ thơ ” Chào mừng nữ sĩ CMN” 

            của  MINH THUÝ .

Cứ tưởng dòng ” thơ MỴ ” lỡ thời

Nào ngờ HỒNG THUỶ vén sương rơi

Tuyết chưa ngưng thả, chào MINH THUÝ

Mây vội bay mau, gọi bạn đời 

Lại BÚT tìm VĂN quên nắng nguội 

Rồi ĐÔNG lên BẮC thức mưa ngơi

” Nhận My Cao ” vẫn tìm tri kỷ

Ý NHỊ là đây sáng rỡ ngời …

     Hawthorne 15 – 11 – 2020

             CAO MỴ NHÂN 

 

BÀI TẶNG HỒNG THUỶ 

CHỦ TỊCH TRUNG TÂM VĂN BÚT  

VÙNG ĐÔNG BẮC HOA KỲ & QUÝ HỘI VIÊN .

    

  VUI TÌNH CHỮ NGHĨA .

Xưa, nay, hai chữ : cuối, đầu

Trước, sau, Hồng Thuỷ sắc mầu văn chương

Đã đi tưởng thấu tận tường 

Lâu đài ngọc vãi, châu vương kiếp này

Mai đời lại nối thơ say

Thiên thu văn lại suốt ngày, thâu đêm 

Tinh hoa trao tặng cho em 

Tinh vân mây nổi cuồng điên điệu vần 

Rồi thì ngôn ngữ trăm năm

Nhưng muôn chữ nghĩa vẫn nằm trong hoa

Lòng vui ở chỗ hài hoà 

Tình mừng nơi chốn kiêu sa sắc tài 

Gấm thêu rực rỡ văn hài

Hàng hàng Văn Bút trang đài bước lên 

Cuộc chơi trong sáng, hồn nhiên 

Tâm tư, tình cảm uyên nguyên Việt hồn . 

Hawthorne  18 – 11 – 2020

          CAO MỴ NHÂN 

Men Sầu

Biết người thiên cổ lạc nơi đâu
Điếm cỏ buồn chênh chếch mạn cầu
Thoáng áng mây vàng soi bếp ủ
Chợt làn khói bạc vướng thuyền câu
Trùng dương sóng cuốn rêu phai tản
Thiền viện hương tàn lửa đọng sâu
Khách lữ đăm chiêu nhìn ánh đạo
Phiêu lưu vạn dặm, lạnh men sầu …
 

 Hawthorne 30 – 11 – 2020

Cao Mỵ Nhân

Đông Cô Đơn 

Khắc khoải đêm dài lặng bến Ngân
Tình ơi mòn mỏi chốn dương trần
Mưa phùn lất phất ngoài song cửa
Đông tiết lạnh lùng vắng cố nhân
Chờ đợi vòng tay mùa gió bấc
Giấc hồng tìm lại hạt mưa xuân
Trách đời năm tháng sầu ly biệt
Mờ mịt phủ dày sương khói dâng

Cao Mỵ Nhân

 

MUỐI ĐƯỜNG ẤP Ủ THƠ CA
Thân tặng quý bạn thơ Muối Đường
   ( để làm kỹ nghệ, ý quên, làm kỷ niệm thôi )
               CMN
Muối Đường hai chữ tương giao
Nếu không có muối, làm sao có đường 
Muối Đường xưa vẫn vô thường
Nay thêm thơ phú càng thương mến nhiều 
Muối Đường mặn ngọt tình yêu
Tuỳ theo năm tháng ít nhiều thăng hoa
Muối Đường gia giảm hài hoà 
Đừng nên quá tải chuyên khoa độc hành
Muối Đường thưa chị, dạ anh
Trước sau trên dưới đồng hành tiến lên 
Bút Văn Đông Bắc chính chuyên
Nơi đâu có Bút, Văn chuyền vòng ngay
Hồng Thuỷ, Cung Lan vui thay
Phong danh Đường Muối trình bày hướng thơ
Vui thôi Văn Bút vô bờ 
Từ đây hương vị mộng mơ nồng nàn …
     Hawthorne  4 – 12 – 2020
             CAO MỴ NHÂN 

Mất Lời Tỏ Tình

 

 

Giữa bao la thiên hạ
Có anh và cuộc đời
Thế rồi như xa lạ
Ta đã bỏ cuộc chơi

Hỡi người anh thân kính
Bản tình ca não nùng
Đường tơ vương áo lính
Sợi tóc thả mênh mông

Nỗi sầu lên chất ngất
Bài nhạc buồn Chopin
Nơi cung đình đánh mất
Lời tỏ tình của anh

Lênh đênh trên sóng mộng
Huế u hoài tương tư
Gió thiên thu lồng lộng
Nước mắt ướt vần thơ

Tiếng hót loài chim quí
Mang tất cả mùa Xuân
Vượt muôn trùng hải lý
” Yêu vô cùng ” cố nhân …

Cao Mỵ Nhân

Thu Bâng Khuâng

Người có bao giờ nhớ mắt nâu
Hoàng hoa đối ẩm đọng men sầu
Mềm môi vướng nụ hôn vờn tóc
Khan tiếng mong chiều mưa đón Ngâu
Suốt buổi lỡ chờ đôi khắc muộn
Trọn tình lầm hẹn mấy canh thâu
Thì thôi sương thấm bè mây lạnh
Bếp lửa hong thơ thủa gặp đầu…

Hawthorne 14 – 11 – 2020

    Ý THƠ BẤT TẬN .

Qua VBVĐBHK, viết tặng LÊ THỊ Ý 

Thi sĩ Tác giả bài thơ đã được phổ nhạc 

” NGÀY MAI ĐI NHẬN XÁC CHỒNG ” 

Một thời đã yêu và Một thời nhớ mãi .

                   CMN

Từ thủa nàng đi nhận xác chồng

Tới nay e đã mấy mươi đông

Mỗi lần tuyết phủ cài hoa tóc

Một dịp tôi thương cảm bạn lòng

Xuân vạn mùa mơ xuân bất tận

Thu muôn sắc mộng thu hoài mong

Thâm tình thơ Ý, ôi chân thiện

Gặp lại giờ đây, nhớ tuyệt cùng…

    Hawthorne  6 – 12 – 2020

           CAO MỴ NHÂN 

 

Bóng Xưa

Thiếu phụ ngày xưa lệ khóc chồng 

Tâm hồn khép kín trải thu đông 

Đời rêu thả nguyệt tìm sương khói 

Tóc rối cầm gương gọi tiếng lòng 

Hạ mãn phu thê đành tuyệt vọng 

Xuân tàn én nhạn hết chờ mong 

Non sông trách nhiệm thời chinh chiến 

Để lại danh thơm kính ngưỡng cùng 

               Minh Thuý Thành Nội 

                   Tháng 12/6/2020

VÙNG TRỜI ANH 
 
            
Trong cuộc tình êm đềm 
Của anh và của em
Không có sự công bình
Nên cán cân thường nghiêng
Em yêu anh nhiều hơn
Đĩa cân luôn nặng trĩu
Anh yêu em chập chờn 
Nhẹ tình nơi đất trích 
Cuộc tình mình lưu vong
Mỗi ngày thêm thất lạc 
Anh như cánh chim hồng 
Bay về vùng trời khác
Em suy tụng thiết tha 
Mây lang thang ái ngại
Tình vượt lên cao xa 
Em đành thiên thu đợi …
Cao Mỵ Nhân

 

CUỐI NẺO ĐƯỜNG TRĂNG 
 
                 
Nơi người ở cuối đường trăng
Bên kia biển lớn, ta hằng mộng mơ
Biên phương hoa lộng sắc cờ
Vàng mai diễm ảo, núi mờ mịt mây
Ta chưa tới được nơi đây
Đã hoang liêu tự những ngày lưu vong
Hình ai luyện kiếm phương đông
Tan theo dấu lệ đêm giông gió nào
Nhớ xưa trăng rớt chiến hào
Còn nguyên một mảnh vướng vào kẽm gai
Người về lãng đãng liêu trai
Trách nhau sao lại đơn sai hẹn hò
Vội buông thả mối tơ vò
Gió vờ mở cửa, trăng vờ lảng xa
Chao ôi, cổ nguyệt kiêu sa
Mời người ngó lại sơn hà lặng câm …
 
Cao Mỵ Nhân
ĐỂ DÀNH  
 
 
Để dành chi tấm thân em
Muốn tan thành nước ưu phiền sóng mây
Lặng lờ chim soải cánh bay
Đừng lên cao nữa, xuống đây tự tình
Nửa đời vẫn chửa hồi sinh
Đắm chìm trong nỗi tuyệt tình của anh
Một trời nước bạc long lanh
Xin thôi hai chữ để dành kiếp sau
Hôm qua biển cuối, giang đầu
Từ đi ấm lạnh phai mầu thời gian
Ô hay em vẫn quan san 
Chưa nghe hơi thở anh than vãn buồn 
Để dành chi buổi hoàng hôn 
Đong đầy nước mắt cho hồn thơ dâng
Tan theo tất cả phù vân
Còn đây một chút lỡ lầm đấy thôi…
Cao Mỵ Nhân

Sân Chùa Hoa Nở

Một làn khói biếc bay qua
Sân chùa bỗng nở đoá hoa ưu đàm
Em về, áo bạc mầu lam
Sao anh ở lại mây vàng cõi thơ
Chúng mình vốn thích mộng mơ
Hỡi anh yêu dấu, hững hờ bóng hoang
Thiền hương toả lạc mênh mang 
Còn trong tay chút lửa tàn dấu yêu
Tóc em đã trắng sương chiều 
Anh đưa tay đỡ khăn điều phủ vai
Đâu còn thủa đẹp mắt nai
Mi rơi lệ ngọc tưởng sai sót tình 
Vẫn hiu quạnh bọc chúng mình 
Khói lam tuột khỏi sắc hình chân không 
Sân chùa năm tháng mông lung 
Thiên thu hoa nở tuyệt cùng vô ưu…

 

Cao Mỵ Nhân

Đổi Giờ

 

Đêm chi dài thế hở trời
Ngày chi nắng sáng chưa tươi đã rầu
Người chi chẳng thấy anh đâu
Buồn chi kéo mãi cơn sầu ra thôi

Đổi giờ, biết tự lâu rồi
Thời gian thay đổi như tôi đây này
Tình chi vừa ở trong tay
Chưa ôm cho chặt, đã đầy tối câm

Cali 6 tháng âm thầm
Los Angeles cứ lầm Utah
Chưa gần, anh đã vội xa
Thì thôi, cuối biển em ra Đan Hồ

Hải âu bỏ xứ điên rồ
Nhớ anh, cứ phải làm thơ một mình
Chờ xuân rực nắng hồi sinh
Mới mong ấm lại cuộc tình của em …

 

Hawthorne 3:45 am ngày đổi giờ
Năm nay, Lễ Các Thánh 1 – 11 – 2020

Cao Mỵ Nhân

Đất Lở Miền Trung

 

Sáu tỉnh miền Trung đất lở rồi
Sóng thần tây tiến biển đông ôi
Trùng dương bám vách Trường Sơn đổ
Thiên nạn mẹ già giữ cháu côi

Quảng Trị, Thừa Thiên bơi dưới sông
Quảng Nam, Tín, Ngãi ngóng Trời không
Bao la dòng lũ sầu thiên cổ
Sóng đỏ phù sa, nước ngập đồng

Bão lụt oan khiên đã đoạn trường
Không to thì nhỏ, mỗi năm vương
Bao nhiêu năm đủ thời tôi lớn
Có thủa nào quên thiếu gió sương

Mái nhà thay chiếc đò lênh đênh
Liếp vách trôi ngang trước mắt mình
Theo trực thăng đi về. cứu lụt
Thả chùm giây xuống kéo người lên

Bây giờ mưa bão , gió cuồng kia
Sáu tỉnh miền Trung đã cách chia
Từ buổi tôi rời nơi cố cựu
Những gì xưa cũ bỗng xa lìa …

Cao Mỵ Nhân

(HNPD)

 NHƯNG 

Chữ nhưng đặt giữa chúng mình

Làm cho rối loạn cuộc tình mộng mơ

Để rồi không dám làm thơ

Nhưng em ra ngẩn vào ngơ buồn phiền

Hôm qua vừa tỏ nỗi niềm

Chữ nhưng đã nhắc nhở em xa rời

Cả không gian tím mây trời 

Khói hoàng hôn cũng tím lời thiết tha

Chữ nhưng hiện giữa bao la

Tiếng anh gọi khẽ sơn hà chuyển giông

Ngoài nhà tuyết phủ mùa đông

Bão cuồng băng giá vào trong tâm hồn

Chữ nhưng nào khiến bồn chồn 

Bởi từng hứa vội hay còn hẹn mau

Chữ nhưng để tránh lòng đau

Anh cười nhưng vẫn có nhau kiếp này …

       CAO MỴ NHÂN 

THÁNG CHẠP BUỒN 

Bông hoa đại vàng

Sao nở về đêm

Yêu anh muộn màng

Trong nỗi cuồng điên 

Tháng chạp mong chờ 

Chúa đến trần gian

Em đi nhà thờ 

Van vỉ miên man

Anh ở phương nao 

Dấu thương yêu tàn 

Trên tầng mây cao

Gió gọi mơ màng

Tháng chạp bâng khuâng

Thánh giá lặng thầm

Trên đỉnh mùa xuân

Em vác mê lầm…

 CAO MỴ NHÂN 

Rượu Cúc Mừng Thu

Hoàng kim chan chứa sắc vàng hoa
Dáng nguyệt lênh đênh trên phím ngà
Từng chuỗi âm thanh rơi tiếng lạc
Đôi vần thi phú ủ tình xa
Phải thu đấy chứ, thu chưa đủ
Sao gió nào đây, gió quá đà
Xin hãy mời nhau chung chén ngọc
Nồng nàn rượu cúc toả hương ra…


Hawthorne 9 – 10 – 2020

Cao Mỵ Nhân

BẾN HOA

Những cuộc tình dan díu mộng mơ

Đã sui ta có lúc bơ thờ

Tưởng rằng ưu ái nhưng kỳ thực

Đó chỉ là ngôn ngữ của thơ

Khi ngồi tưởng tượng mảnh vườn hoang

Thấy gió heo may với lá vàng 

Lòng bỗng xót xa như ẩn hiện

Nụ cười cùng ánh mắt mênh mang

Âm ba vần điệu chợt mông lung

Mị ảo vương thương mãi cõi lòng

Nhặt những câu thơ toàn chữ đẹp

Gởi đi bát ngát tới vô cùng

Thượng Đế bao la, bất tận xa

Nhưng nghe đâu đó ở quanh nhà

Xin cho một chút tin yêu để

Bát ngát vườn tình trổ Quí Hoa…

     CAO MỴ NHÂN 

TRÊN BÀN CÂN

Đặt mùa xuân lên bàn cân thời gian

Thấy cán cân thăng bằng vũ trụ

Đặt tình yêu lên bàn cân lệch quang

Thấy tình yêu chòng chành lỡ dở

Anh ngậm ngùi hỏi nhỏ

Em đang nghĩ gì

Niềm vui hay nỗi khổ

Đều chẳng từ chúng ta

Mà từ trời đất bao la

Hãy vượt khỏi những xưa xa

Đừng cân đo đong đếm 

Vì khi tình yêu đến 

Là không có thước, có cân

Là khi anh trìu mến 

Em và trái tim muôn năm 

Ôi, anh huyễn hoặc em ư ?

Có cán cân nào thăng bằng mãi 

Có chứ, em không tin anh ư ? 

Hai trái tim anh và em thân ái 

Anh nói rồi, đừng cân đo đong đếm 

Hãy yêu nhau đời này qua kiếp tới …

        CAO MỴ NHÂN 

SAU ĐÊM VƠI

 

Ôi vị chúa của lòng em khao khát

Rất hững hờ, nhưng rất đỗi đam mê

Nghe châu thân có nỗi sầu tan nát

Nhưng tâm tư như thấy được vỗ về

Anh Thân Kính, anh vô cùng huyễn hoặc

Trái đất này rồi cũng vỡ như tim

Anh cứ việc nóng lên khi thoáng mát

Khắp phương trời em cháy bỏng trông tìm

Thưa Thượng Đế, Ngài mỉm cười xoa dịu

Vết thương nào chưa thật hết đong đầy

Sao hạnh phúc cứ chan hoà huyền diệu

Khiến cuộc tình say đắm mãi trong tay

Em tỉnh lại, khi mùa xuân biến mất 

Anh ở đâu ? Trái đất sẽ tan tành

Chưa kịp thấy mặt trời rơi xuống đất 

Em si cuồng, nức nở gọi tên anh…

             CAO MỴ NHÂN 

.

 Khói Sương Thu Cảm

Em nằm ôm mặt khóc mùa thu,
Lạ quá thu vương vấn khói mù.
Sương cứ chập chờn theo khói tản,
Bốn bề sương khói thả phù du.

Không lời hồi đáp giữa thinh không,
Khiến khói trầm luân cuốn cuộn vòng.
Thu hỡi, có chi tha thiết nhỉ,
Một vầng sương khói toả mênh mông.

Tại sao thu ẩm ướt thu ơi,
Lời hát vương tơ khói nửa vời.
Cứ thế thu mờ thêm sắc nhớ,
Một mầu sương khói phủ nơi nơi.

Thế rồi thu bỗng lạnh trời xa,
Và biển chao ôi trắng khói loà.
Cách một hồn mây mà nhẹ hẫng,
Sương từ quá khứ lại trôi ra …

 

Cao Mỵ Nhân

EM VỀ GIỮ HẸN 

Em đi tìm tảng đá

Để ngồi xuống nghỉ ngơi

Để nằm trên sườn núi 

Để nhớ anh đầy trời

Nhưng mầu hoa tím gọi 

Em không muốn rong chơi

Mai em về, anh đợi 

Trả lại hoàng hôn người

Em thu nhặt hành lý

Bỏ quên một nụ cười 

Cho tan sầu kỳ bí

Đá vỡ thơ vạn lời

Cuộc tình em tròn vẹn

Theo cuộc chơi vãn hồi

Mai em về, giữ hẹn

Yêu say đắm anh thôi…

    CAO MỴ NHÂN

NGÔN NGỮ CỦA TRÁI TIM

 

Trong ngôn ngữ trái tim

Có những điều sai biệt

Như anh nói với em

Bao nhiêu là tình tiết 

Lời tim thường phân tán 

Theo mỗi lúc, mỗi nơi

Đôi khi tưởng mất mát 

Cách biệt cả khung trời

Cho dẫu em say đắm

Cuộc tình đã rời xa

Nhịp tim đang đều đặn

Bỗng thăng, giáng mù loà

Khi lời lẽ êm đềm 

Lúc cuồng điên, hờn giận

Vẫn là tiếng của tim 

Sao em buồn chất ngất …

 

   CAO MỴ NHÂN

XOÁ HẾT QUAN SAN 

 

Cuối tuần, em đi tìm anh

Không gian mở rộng, trời xanh, mây vàng

Tháng ngày tình tự mơ màng

Bước chân trên những lỡ làng, lẻ loi

Bao la trước mặt núi đồi

Mênh mông biển nghiệp luân hồi sau lưng

Chuông vang âm vọng ngập ngừng

Cánh chim  bay chậm, thả từng tiếng rơi

Trái tim đập nhịp tuyệt vời

Tìm anh tận cuối phương trời này sao

Nhưng thơ chưa viết nghẹn ngào

Thì anh đã tới, lời chào đắm say

Cuối tuần vui trọn hôm nay

Hoa nhung nhớ nở trên tay chưa tàn 

Anh cười xoá hết quan san 

Trao em tất cả muộn màng yêu thương…

      CAO MỴ NHÂN 

                     vân nương- trần thị vân chung : 
                           “… LÀ TTKH THÌ ĐÃ SAO ĐÂU ?”
                                                  bài viết:  cao mỵ nhân

                                                     CAO MỴ NHÂN   [1939 –   ]

                                   ấn bản đầu tiên phát hành 1994

                                                                        ấn bản phát hành năm 2000

Chuyện tình của quí vị cao niên – nếu có, thì lớp hậu sinh cũng nên thận trọng.  Tôi vốn là là người trọng nguyên tắc thời gian, tường làm cái việc vô tích sự, cứ tẩn mẩn tính tháng, tính năm, cho mỗi tuổi tác  các nhân vật chính nêu trên =-  quí vị cao niên có thể cao niên hơn nữa. 

Số là hôm nay, tôi đọc truyện ngắn Hoa Ti-gôn của nhà văn Thanh Châu, đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy tứ năm 1937 — rồi đăng lại vào 1939, cũng trên tờ báo ấy-sau khi những tình thơ của tác giả TTKH đuộc tung ra ở Bắc việt- giai thoại ấy đã gài hơn tôi mấy tuổi lận.  Thế thì, câu chuyện Hoa Ti- gôn nào có chi bi thảm- ” Tác giả TTKH”  và p6ng hoạ sĩ trẻ, tên Lê Chất chỉ la hoàn toàn tình cờ, nhẹ nhàng –  như bất cứ cặp nam nữ trẻ trung 
thời nào cũng có thể xảy ra, chỉ qua những cái nhìn ấn tượng.  Rồi có thể ai nấy sẽ cuốn đi, mối tình thoang thoảng, hay thấp thoáng cũng được.  Thực ra trong truyện ngắn 
Hoa Ti-gôn, TTKH không phải là nhân vật nữ của họa sĩ Lê Chất — mà người đó có tên Mai Hạnh, sau lấy một viên chức của tòa Lãnh sự Pháp — Lê Chất đã là một họa sĩ danh tiếng, được tòa Lãnh sự Pháp mời dự tiệc ở Vân nam.  

Qua bữa tiệc, họa sĩ Lê Chất đã tỏ bày lòng yêu thương Mai Hạnh, Và chết nỗi, thời gian tưởng trôi qua cả chục năm, giờ lại tái phát cuộc tình trễ muộn, lỡ làng.  Tất nhiên, cả những phút giây không hợp với cái xã hội Việt nam thời thượng ở  bán thế kỷ thứ 20 — là Lê Chất và Mai Hạnh bỏ trốn qua Nhật.  Thoạt thì, Mai  Hạnh, phu nhân của nhân viên X… của tòa Lãnh sự Pháp, bằng lòng. Sau, suy nghĩ lại, bà đã từ chối chuyến đi định mệnh: bỏ gia đình theo người tình gặp lại v.v … Và thế nên. Hai sắc hoa Ti-gôn được TTKH gởi đăng báo, sau bài Hoa Ti-gôn của nhà văn Thanh Châu.  Sự kiện tưởng như là Hoa Ti-gôn củ nhà văn Thanh Châu ( sinh 7.9. 1912. mất 5.8.2007)  đăng báo năm 1937, kể tới bài Hai  sắc hoa Ti-gôn của TTKH  cũng đăng vào 1937 .(không rõ tên thật, làm sao biết được tuổi tác. ) Co thế thôi, thì là câu chuyện tình bình thường, như khá nhiều câu chuyện của thiên hạ.  Có điều, đoạn thơ thê thảm của bài Hai sắc hoa Ti-gôn ( khổ thứ 7 trên 11 khổ thơ thất ngôn) , TTKH viết:

                                                Tôi  vẫn đi bên cạnh cuộc đời

                                                Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
                                                Mà từng thu chết, từng thu chết
                                                Vẫn giấu trong tim một bóng người
                                                                       thơ TTKH

làm cho cả một thời đại xúc động, cả một thế hệ người tình động — cho tới bây giơ đã 78 năm — văn học sử và quí độc giả vẫn chưa giải mã, mà vẫn được mai danh, ẩn tích TTKh là ai?

                                                            Vân Nương  [i.e Trần thị Chung 1919-    ] 
  

                                   Thanh Châu    [i.e Ngô Hoan 1912- 2007]

21 năm trước, 2 tác giả Thế Phong ( miền Nam) và Trần Nhật Thu (miền Bắc) tạo ra một làn sóng văn chương, viết nên một giai thoại… kế thừa Hoa Ti-gôn của Thanh Châu+ TTKH.

TTKH là ai?

giai thoại 57 năm được giải mã — Thế Nhật.

Tôi nhớ đại khái thề, vì tên sách hơi dài — vả chăng tôi không định viết về cuốn sách của Thế Nhật — mà tôi định góp ý thô thiển về trường hợp sách được phát hành rộng rãi ở Việtnam — bên cá i Xã hội chủ nghĩa xa với mà thôi.  Khi thấy báo Dân Ta ở Texas đăng từng kỳ cuốn sách của Thế Nhật — tôi chưa biết phải làm gì ?  Lý do : 2 tác giả trên khẳng định nữ sĩ Vân Nương — ở Hội thơ Quỳnh Dao đều bất bình, không cảm thấy vui — bởi lẽ, nữ sĩ Vân Nương, một trong 4 sáng lập Hội thơ Quỳnh Dao ( Mai Oanh + Đinh thị Việt Liên +  Thu Nga + Vân Nương ) đã mời các nữ thi sĩ chuyên về Thơ Đường, tham dự năm 1961 ở Sài gòn — mời tôi [ 1939 –    ] lại là người tham gia cuối cùng ( 1974) — được gọi là em út của Quỳnh Dao , thế chỗ Tôn Nữ Hỷ Khương [1937-   ] , lên  hàng áp út.  Vậy thì  chẳng lẽ tôi lại không lên tiếng sao ?

Còn đang loay hoay, thì nhà văn Đặng Trần Huân gặp tôi, nói , ” Cao Mỵ Nhân không lên tiếng, thì ai nói rõ ra việc đó, bởi lẽ, các bà chị lớn của cô không bao giờ trả lời vụ này đâu ?  ” Tôi đã tức tốc viết một bài, cũng không có ý tranh cãi, nhưng để thanh minh rằng Vân Nương không thể nào là TTKH được. Bài viết của tôi có tựa đề:

                                                   TTKH HẬU CHIẾN

tuy tựa bài có vẻ khôi hài, nhưng nội dung dan cử nhiều chi tiết  ” nữ sĩ Vân Nương không phải là TTKH.”   Chỉ cần căn cứ vào cuộc đời thực tế và văn chương của nữ sĩ Vân Nương thôi — tôi chắc chắn rằng[ Vân Nương] không thể là TTKH.\    Nữ sĩ Vân Nương tên thật là Trần thị Vân Chung, phu nhân của luật sư Lê ngọc Chấn, [ ừng là] bộ trưởng bộ quốc phòng .( nội các Ngô đình Diệm, thời đệ Nhất Cộng hòa ), đại sứ 2 nhiệm kỳ ở Anh quốc + Tunisie.  

Khi đại sứ Lê ngọc Chấn cùng phu nhân đang trên đường trở về Việtnam (trước 30 – 4- 1975) để nhậm nhiệm vụ mới, thì biến cố đổi đời 30 – 4- 1974 xảy ra. Sau đó, ‘ngài’ luật sư Lê ngọc Chân phải tập trung đi học cải tạo dài hạn ở ngoài Bắc,  sau, được trả tự do về lại miên Nam — và qua đời vào 1986 ở Sài gòn.   Đám cưới của luật sư Lê ngọc Chấn và nữ sĩ Vân Nương ở Thanh hóa năm X… có 2 nhà thơ lớn tiền chiến phù rể, đó al2 Huy Cận av2 Xuân Diệu.

Ông bà Lê ngọc Chấn và Vân Nương sống rất hạnh phúc, được 4 người con, 2 trai, 2 gái.  Cô con gái đầu, có một thời đã xuất bản tập thơ Y… – sau thành hôn với một nhà quí rộc của nước Ý.  Những người con còn  lại hiện đang sống cùng con cái ở Pháp.  

Nữ sĩ Vân Nương sinh năm 1919, năm nay đã 96 tuổi.  Cách sống đức hạnh của bà đã viết thành những vần thơ cùng phẩm chất  –đã xuất bản đượ 2 tập thơ tình cảm chân chất — (…) thế tại sao lại có  huyền thoại? 

 Tôi phải nhấn mạnh  HUYỀN THOẠI TTKH — NÀNG LÀ AI? /  THẾ NHẬT ? 

                                           nữ sĩ THƯ LINH [ i.e Đăng thị Lạc 1924-    ]
                                                  ” môt trong 2 vị nữ lưu tài sắc” 
                                           từng được in lrên bìa báo xuân ĐÀN BÀ 
                                                           thời tiền chiến
                                           báo của nữ văn sĩ Thụy An- Hoàng Dân
                                                        (ảnh tư liệu TP)

Có lẽ, có  2 vị nữ lưu tài sắc rất đáng ngợi ca — nhị vị này từ nhiều năm trước đã nổi tiếng là  những trang quốc sắc.  Đó là nữ sĩ Vân Nương và nữ sĩ Thư Linh, phu nhân của ông Nghiêm Phái.  Nhị vị nữ sĩ thường đến nhà nhau , để đàm đạo thơ ca cổ kim, trong đó có giai thoại Hai sắc hoa Ti-gôn.   Nữ sĩ V6n Nương vốn ở Thanh hóa, chị ruột bà Trần thị Anh Minh ( phu nhân trung tá Phạm xuân Ninh, bút danh Hà Thượng Nhân) – đôi khi bàn chuyện văn chương, thường hay bông đùa. Có một lần, tôi [Cao Mỵ Nhân] nghe lén được huyện của 2 vị bông phéng:

” Chị Vân Nương ở Thanh hóa, thì đúng rồi ,  [là] TTKH chứ còn ai [ vào đây] ?”
” Thì là TTKH thì đã sao đâu?”  – Vân Nương hóm hỉnh trả lời.”

tất nhiên không phải câu chuyện ngắn,  gọn như vậy — có nhiều điều dài dòng hơn. Và tôi chỉ đề cập 2 câu đối thoại dính líu tời danh xưng TTKH mà thôi.

Cả mười mấy năm sau, cuốn sách TTKH- NÀNG LÀ AI ?  được tung ra — cuốn sách tuy mỏng, nhưng động vào thị hiếu độc giả trong nước — nó gây phiền toái cho cá nhân nữ sĩ Vân Nương và gia đình;  tới cả chúng tôi, những thành viên trong thi đàn Quỳnh Dao. Nữ sĩ Mộng Tuyết ( niên trưởng Thi đàn Quỳnh Dao quốc nội ) bất bình, và nữ sĩ Trùng Quang khó chịu không kém. ( trưởng thi đàn Quỳnh Dao hải ngoại.)

Năm ấy, 1995, tai hoạ TTKH- NÀNG LÀ AI ?, áp đặt nữ sĩ Vân Nương, khiến  bà phải khẳng định ngay là [bịa đặt trắng trợn, sách không phải là một tác phẩm đúng nghĩa].   Ngay sau đó, bà thêm ba chữ vào bút danh VÂN NƯƠNG – LÊ NGỌC CHẤN, để trả lời báo chí  phỏng vấn.  Đồng thời,   dư luận bạn đọc, chẳng ai tin về những điều được viết ra trong sách TTKH- NÀNG LÀ AI ?. Bởi lẽ, độc giả Việt nam tuy đơn giản thật, nhưng cũng rất quyết đoán, ” phải có bằng chứng “ thì họa may mới gọi là khả tín.

Tới nay đã 20 năm qua, tôi đọc lại truyện ngắn Hoa Ti-gôn của nhà văn Thanh Châu, phân tích sự việc ở ngoài đời và chữ nghĩa — mới hay có nhiều sự hiểu lầm đang tiếc.  Nào là nhà văn Thanh Châu đó, cũng quen với gia đình nữ sĩ Vân Nương, quen cả luật sư Lê ngọc Chấn, phu quân của nữ sĩ, cũng là một nhà ngoại giao gộc v.v…  — thì cái ảo giác kia cứ lan man, đối với những người ưa tưởng tượng — huống chi tất cả  chỉ vì xuất phát ở vườn Thanh. (Thanh hoa.)

Nhưng,  dầu cho suy diễn, tưởng tưởng; thì vẫn chỉ là phỏng đoán — nôm na gọi là đoán mò  thôi.  Thì, cũng rơi vào quên lãng,  những hoa, lá cành về TTKH.  Và tôi lại nhớ đến những chuyện cổ tích, không nhất thiết phải hay; nhưng lạ thì chắc chắn rồi .

Hôm nay bên trời Pháp , ở một vùng thuộc miền Nam ấm áo — Vân Nương, chị đã 96 tuổi rồi — không gian  bàng bạc như là dĩ vãng xa gần. Cô em út [ Cao Mỵ Nhân  1939 –    ] thi đàn Quỳnh Dao của chị,  không bày tỏ gì thật trọn vẹn trong HUYỀN THOẠI TTKH HẬU CHIẾN , quả là cảm thấy đáng trách quá ! 

 Riêng nhà văn tiền chiến Thanh Châu, thì đã mất từ năm 2007 ở Sài gòn — nơi nổ ra ảo ảnh TTKH — mà thơ Hai sắc hoa Ti-gôn lại được đăng sau truyện ngắn Hoa Ti-gôn. Sao nhà văn không lên tiếng, sau đúng một giáp [12 năm].  Còn sách TTKH- NÀNG LÀ AI ?  kia , chất ngổn ngang khắp trên đường phố, ông [Thanh Châu] mới ra đi vậy. 

 Ý của tôi [CMN]  muốn nói rằng, ”  ở mốt tình nhỏ như ở Thanh hóa, [thì] có chuyện gì mà trong nhà chưa tỏ thì ngoài ngõ đã thông.  TTKH chẳng những đã làm nên một Hai sắc hoa Ti-gôn. tác giả còn có thêm vài bài nữa , Bài thơ thứ nhất, Bài thơ đan áo  v.v…Đối với dân việt ta, nói chung là 3 x 7 = 21 ngày, chuyện đời dầu là bí mật đi nữa, vẫn có thể lan ra một cách không thể kềm chế được !

Phu quân TTKH, họa may là một ông Tây, thì mới có chuyện bỡ ngỡ trước văn chương giấu giếm của vợ  —  chứ là một vị quan quyền việt ta , thì ôi thôi — chỉ cần hắt hơi một câu, thì ông ta cũng tìm ra ngay cái điều ấp ủ nêu trên. 

                                                              ***
Và cuối cùng, tôi vẫn suy diễn chủ quan là : nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa Ti-gôn, đã biết được ít nhiều về TTKH.  Nhà văn Thanh Châu mới qua đời có 8 năm
 ( 2007) , tại sao các tác giả viết TTKH –NÀNG LÀ AI ? không tìm đến văn sĩ này mà hỏi, chắc cũng có điều hữu ích lắm.

Còn tác giả  bài TTKH HẬU CHIẾN  là tôi đây [ Cao Mỵ Nhân], thì đang sống trong nỗi nhớ quê hương, người thân thích xa mờ, bàng bạc, mơ hồ — vì nữ sĩ Vân nương đã 96 tuổi. []

     CAO MỴ NHÂN
      HAWTHORNE, 28 JANUARY, 2015.
     ( Saigon Times/ USA)

Kính mời quý vị đọc những bài viết  về thi sĩ Cao Mỵ Nhân

Cao Mỵ Nhân – Người Đi Xé Thiên Đàng

Phương Hoa

(Bài đăng trên Việt Báo 11/13/2020)

https://vietbao.com/a305738/cao-my-nhan-nguoi-di-xe-thien-dang-

                    Cao Mỵ Nhân, nhà thơ gốc lính, hình chụp 1975

Trong bài trước, khi viết cảm nhận cho thi tập “Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ,” vì thời gian có hạn, nên tôi chưa kể hết về Cao Mỵ Nhân (CMN) nhà thơ tiền bối mà tôi hằng kính trọng và khâm phục.  Sau khi gửi bài đăng, đọc lại tôi cứ cảm thấy còn thiêu thiếu chút gì.  Nhưng rồi dịp may đã đến. Chỉ sau 6 tháng phát hành, thi tập “Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ” đã được độc giả khắp nơi đón nhận, và hiện đang được tái bản vào tháng 11, 2020 này.  Giữa thời buổi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ngày càng có ít người thích cầm một quyển sách in “bằng xương bằng thịt…giấy” để đọc, thì chuyện tái bản tập thơ trong một thời gian ngắn-rất-ngắn như thế này có thể nói là một “kỳ tích” của hai nhà thơ Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ.  Nhờ vậy tôi lại được dịp viết tiếp để bổ sung thêm cho những gì còn thiếu của lần trước.

Lần đó, vì là tập thơ chung của hai tác giả, nên tôi chưa có dịp giới thiệu kỹ riêng về một bài thơ của thi sĩ Cao Mỵ Nhân, bài thơ tôi thích nhất trong những bài thơ của chị trong toàn tuyển tập.  Đó là bài “Mảnh Trăng Thơ.” 

Mảnh Trăng Thơ

Từ lâu, để mực đọng nghiên vàng

Bút cũng âm thầm ngại điểm trang

Một nét ngọc phai thành lạc điệu

Bao lời châu nhạt lỡ tan hàng

Dẫu xuân còn đứng chờ hoa nở

Hay hạ đang ngồi đợi nắng sang

Thì cứ cùng thơ vui đối bóng

Theo trăng đi xé nửa thiên đàng.

Cao Mỵ Nhân (Thơ Xướng Họa – Trịnh Cơ & Cao Mỵ Nhân, Tr.72)

                      Nhà thơ Cao Mỵ Nhân – (ảnh mới nhất)

Ở đây tôi không dám lạm bàn về luật lệ của bài Đường thi này, vì sẽ bị thừa, vì tất nhiên là luật lệ bài thơ rất chỉnh đốn rồi. Tôi chỉ nói đến cái hồn và chữ nghĩa của bài thơ. Cái hồn thơ man mác quyện theo từng dòng thơ chứa đựng từ ngữ mượt mà như lụa, óng ánh như tơ, long lanh như sương mai đã khiến cho tôi như bị… hớp hồn khi đọc. Kính mời quý vị hãy cùng thưởng thức hai câu mở đầu :

“Từ lâu, để mực đọng nghiên vàng

Bút cũng âm thầm ngại điểm trang”

Cái hớp hồn, cái tuyệt mỹ ở đây, là nhà thơ đã nhân cách hóa, cho ẩn dụ một cách tài tình, bút là mỹ nhân, vì âu sầu, vì cô đơn, mà không chịu điểm trang để cho hoa dung tàn tạ. Và người ta có thể… đổ thừa ngay, thủ phạm đã khiến cho nàng “ngại điểm trang” là cái kẻ đã nhẫn tâm bỏ mực đọng bơ vơ trong nghiên vàng.

Khi tôi hỏi ý tưởng từ đâu mà chị hình thành hai câu mở của bài thơ đặc sắc này, chị CMN cười cười, “Chị lấy ý từ câu thơ của một người bạn (ngập ngừng)…chí thiết.”  Là một “chàng guy” sao? Tôi hỏi đùa. Chị cười lớn hơn, nhưng không xác nhận cũng không phủ nhận.  Quả là một sự ví von tuyệt hảo trong hai câu thơ mở đầu. Ý lời thanh tao, thâm thúy, làm cho người đọc cảm nhận ngay, nghe ra ngay, đâu đây tiếng than xé lòng của kẻ đợi chờ trong nỗi cô đơn.

Đến hai vế đối của hai câu thực (3-4) cũng quá đẹp. Đối rất chỉnh, điều mà nhóm xướng họa chúng tôi thường nói vui là “đối sát rạt,” nhưng cái đẹp ở đây là cách dùng chữ rất ư khéo léo, nếu không nói là tinh xảo, “Một nét ngọc phai” đã hòa hiệp với “Bao lời châu nhạt” tạo cho người đọc cái cảm giác rưng rưng, tiếc ngọc thương hương khi tưởng tượng ra cái cảnh nàng thơ đang héo úa, nhỏ lệ đợi chờ hình bóng tha nhân.

“Một nét ngọc phai thành lạc điệu

Bao lời châu nhạt lỡ tan hàng”

Độc đáo hơn, ở hai câu luận (5-6) nữ sĩ đã dùng phép đối “Lưu Thủy” – ý câu sau tiếp nối cùng câu trước như nước chảy- để bày tỏ tấm lòng “kiên gan cùng tuế nguyệt” của sự đợi chờ, chờ đợi từ lúc xuân còn đứng chờ hoa nở mãi tới khi hạ ngồi đợi nắng sang, nghĩa là chờ đợi trường kỳ.

“Dẫu xuân còn đứng chờ hoa nở

Hay hạ đang ngồi đợi nắng sang”

Viết tới đây, tôi phải…nín thở một chút, vì sắp đọc tới hai câu kết. Sự độc đáo của hai câu thơ

 kết đã khiến cho tôi “mê mẩn tâm thần” khi lần đầu tiên được đọc, và hiện tại chúng vẫn còn …bảng lảng trong tôi.  Xin trích lại vài câu trong bài viết trước, “Hai câu kết này đã làm tăng thêm phần đặc sắc cho bài thơ. Bơ vơ thì mặc bơ vơ, tác giả tự nhủ, ta hãy cứ vui, cứ đối bóng với thơ, để rồi còn tìm cách bay theo trăng đi xé nửa cái thiên đàng đã mất. Tự cổ chí kim, chỉ mới có Thi Tiên Lý Bạch đời Đường bên Tàu nhảy xuống sông để vớt trăng lên, giờ đây lại có thi nữ Việt là Cao Mỵ Nhân đòi theo trăng đi xé nửa thiên đàng, lại càng là chuyện “không tưởng” hơn ngài Lý Bạch nữa. Những suy nghĩ  thú và ngoạn mục như vậy chỉ có những nhà thơ “siêu việt” mới tính làm, hoặc nghĩ ra mà thôi.(Trích trong bài “Thi tập Thơ Xướng Họa Cao Mỵ Nhân &Trịnh Cơ.”VB). Hai câu kết này đã khiến người đọc phải ngẩn ngơ:

“Thì cứ cùng thơ vui đối bóng

Theo trăng đi xé nửa thiên đàng.”

Do cảm xúc trào dâng không kềm nén được, tôi ráng ngồi “nặn óc bứt tai” mày mò họa lại bài “Mảnh Trăng Thơ.” Dù vẫn biết “Gà đâu thể nào sánh với phụng,” hay “Cóc làm sao dám đọ thiên nga,” nhưng nếu không họa bài thơ này thì có lẽ tôi sẽ… ngủ không yên. Và đã họa rồi thì cũng xin mạo muội đưa ra đây trình làng, kính mong nữ thi sĩ CMN và quý vị thi sĩ trưởng bối lượng thứ cho sự “bạo phổi” và “múa rìu qua mắt thợ” này, nếu bài họa có chỗ nào không ổn. Kính xin đa tạ.

Tìm Nẻo Địa Đàng

(Kính họa nguyên vận bài Mảnh Trăng Thơ)

Mỹ tửu hương bay nhạt chén vàng

Bên lầu dã dượi nét đài trang

Bờ vai gió tạt sương chườm tóc

Ánh mắt sầu vương lệ đẫm hàng

Bởi khóm phượng tàn xua hạ trưởng

Nên vườn cúc rũ đuổi thu sang

Thương manh hồn lạc đang tìm lối

Thơ cõng trăng soi nẻo địa đàng

Phương Hoa – Tháng 11/2020

Đâu phải chỉ có mình người viết chủ quan khen ngợi thơ chị CMN và anh Trịnh Cơ. Khi Thi tập “THƠ XƯỚNG HỌA – CAO MỴ NHÂN & TRỊNH CƠ” xuất bản lần đầu, các diễn đàn thơ văn bằng hữu chúng tôi như nhộn nhịp hẳn lên.  Bài cảm nhận lần trước tôi viết sau khi đăng trên Việt Báo, rồi chia sẻ link và bài lên các diễn đàn Đường Thi xướng họa, Minh Châu Trời Đông, FaceBook, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại VĐB Hoa Kỳ, và bạn bè thân hữu, thì tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Sau khi mua và đọc Thi Tập nhiều người đã làm thơ, viết nhận xét, và những đoản văn ngợi khen ủng hộ hai tác giả, cùng nhiều lời chúc mừng gửi tới nhờ tôi chuyển đến hai thi nhân, nhiều đến nỗi tôi chuyển không kịp. 

Thực ra thì Cao Mỵ Nhân, vị nữ sĩ gốc quân nhân của quân đội VNCH, không phải chỉ có tài làm thơ. Văn tài của chị đã lộ rõ từ rất sớm, khi chị còn là “cô bé Bắc Kỳ” sống cùng gia đình ở Hải Phòng. Có lần, tôi hỏi tác phẩm đầu tiên của chị là gì, chị bật cười vẻ đầy thích thú:

  • Trời đất! Sao em lại hỏi cái câu y chang như câu hỏi của Thiếu Tướng Hoàng Văn Lạc ngày xưa quá vậy! Đó là lần đầu tiên chị lên trình diện, ông tướng đã hỏi chị bài viết đầu tiên là gì và bài cuối cùng là gì.

Tôi cũng cười vui vì tôi có đọc biết về tướng Hoàng Văn Lạc là vị tướng nổi tiếng, là Tư Lệnh phó lãnh thổ Quân đoàn I, Quân khu 1, VNCH xưa. Chị CMN kể, khi chị trả lời bài viết đầu tiên là bài “Sự Tích Trời Cao,” còn bài cuối thì chị không thể trả lời, ông thiếu tướng đã trợn mắt nhìn, tưởng chị dám “giỡn mặt” với ông.  Và khi chị giải thích, vì vẫn đang còn mãi tiếp tục viết nên không biết bài cuối cùng là bài nào để trả lời ông, thì ông cười xòa.

Mà đúng thật vậy. Chị Cao Mỵ nhân làm sao trả lời ông tướng bài viết cuối là bài nào, vì hiện tại sau hơn năm mươi năm kể từ ngày ông tướng hỏi, chị vẫn còn tiếp tục viết văn và làm thơ, hồn thơ vẫn còn lai láng.  Chị có mặt trong vườn thơ xướng họa hầu như mỗi ngày, đăng thơ lên các trang web liền tay, và xuất bản sách liên tục.  Câu hỏi vui của ông tướng, và câu trả lời dí dỏm của chị đã làm tôi thích thú, và vui suốt buổi vì cuộc trò chuyện tiếp theo sau đó với chị.

Ông cụ thân sinh chị CMN ngày xưa là kỹ sư công chánh, cụ làm giám đốc sở điện nước Chapa, nay là Sapa, “điểm nóng” du lịch của Việt Nam, nên chị được sinh ra ở Chapa. Có lẽ nhờ vùng đất “địa linh” phong cảnh đẹp xinh, non nước hữu tình nên đã tạo ra một “nhân kiệt” là người nữ anh hùng với hồn thơ lai láng.  Tuổi thiếu niên, chị học tại trường Tiểu Học Lệ Hải ở thành phố Hải Phòng. 13 tuổi, chị CMN đã là một cây bút cổ tích của Hải Phòng.  Như người viết vẫn thường nhắc đến trong các bài khác, theo những nhà nghiên cứu giáo dục nhi đồng, sự rèn luyện dạy dỗ các em trong tuổi ấu thơ của phụ huynh rất là quan trọng. Nếu người lớn thường xuyên kể chuyện và đọc sách cho bé nghe, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vốn liếng chữ nghĩa và sở thích viết văn của các em về sau khi lớn lên. Điều này xem ra rất đúng trong trường hợp nữ sĩ CMN. Chị kể, người chị cả của chị là Cao Thy Nhân rất có tài kể chuyện đời xưa. Chị ấy thường kể mỗi đêm cho các em nghe những chuyện cổ tích do chính chị ấy nghĩ ra. Nên nhờ đó cái thú yêu thích văn chương, yêu truyện đã hình thành trong chị CMN ngay từ nhỏ.

Tôi càng nghe càng thán phục. Bài viết đầu tiên “Sự Tích Trời Cao” của chị CMN được báo Liên Hiệp tại Hà Nội đăng ngày 27 tháng 3 năm 1953. Một cô bé mới học Đệ Thất (lớp 6 bây giờ), mà đã biết viết tay câu chuyện cổ tích do chính mình nghĩ ra, rồi ghi địa chỉ tòa soạn đọc được trong tờ tạp chí và một mình đến bưu điện gửi bài đi. Sau đó thì nhiều bài viết của chị xuất hiện trên báo Tia Sáng, và ông chủ bút tờ báo Giang Sơn Hà Nội là Mộc Đình Nhân liên lạc mời chị tham gia coi mục Trang Nhi Đồng cho tờ báo. Mỗi thứ Tư hàng tuần chị đều có bài đăng ở mục này. Đây quả là một kỷ lục thành công trong văn nghiệp rất hiếm hoi cho giới cầm bút… “nhí” mà từ trước tới giờ tôi mới được nghe.

  • Vậy thì, chị bắt đầu “khởi nghiệp” viết lách là viết văn xuôi, tôi thích thú hỏi. – nhưng vì nguyên do đặc biệt nào mà từ viết văn chị chuyển sang làm thơ và trở thành một nhà thơ độc đáo như bây giờ?

  • Chị bắt đầu viết văn là khi còn ở ngoài Hà Nội. Sau này di cư vô Nam, chị đọc tờ báo Phụ Nữ Diễn Đàn và yêu thích những bài thơ hay trong đó, thế là chị bắt đầu làm thơ.  Chị CMN nhớ lại.  – Tập thơ tình đầu tiên của chị, “Thơ Mỵ” do nhà văn Thế Phong chủ trương, Nhà Xuất Bản và Phát Hành Đại Nam Văn Hiến, Sài Gòn, in năm 1961.  Rồi chị cười: – Mà thời đó làm gì có máy in “ngon lành” như bây giờ, nên họ “in” bằng cách quay roneo, vậy là tập “Thơ Mỵ” của chị được xuất bản theo cách đó. Và tuy chữ nghĩa quay roneo…mờ mờ ảo ảo như vậy, mà nó cũng được đón nhận thật nhiệt tình, với 200 cuốn, không biếu, tặng, chi cả, và đã bán hết sạch trong hai tuần lễ đầu.  Sau 30/04/1975, chị tình cờ gặp một tập “Thơ Mỵ” của chị bán “son” ở lề đường Sài Gòn, trên trang đầu có dòng chữ viết lớn bằng mực tím: “Dùng làm sính lễ” và dưới ký tên thật rõ ràng: THÀNH TÔN.

  • Chao ơi! Tôi thích thú kêu lên. Tuyệt quá! Người tân lang này quả là một chàng trai lãng mạn! Dùng một tập thơ tình để làm sính lễ! Dễ thương chi lạ. Đúng là chuyện rất hiếm khi nghe, nhưng có thể đoán được thơ của chị Mỵ hay và lãng mạn tới cỡ nào!

Chị lặng thinh một lúc, có lẽ đang nhớ về thời cũ. Rồi chị kể tiếp, khi thấy tập thơ đó chị rất xúc động nên mua về và đem cất giấu kỹ, sau đó quên luôn. Và rồi tập thơ tình huyền thoại “Thơ Mỵ,” món quà sính lễ dễ thương đó, không biết nhân duyên đưa đẩy, lưu lạc thế nào, lại được một người bạn thân của chị mua lại, rồi về sau mang qua Mỹ tặng cho chị. Chị kể với giọng đầy xúc động.

Tôi cũng rất cảm động, nếu tôi là chị chắc tôi sẽ…khóc, khi thấy tập thơ đầu tay của mình, một tập thơ quay roneo, được dùng làm quà sính lễ, mà trải qua bao bể dâu dời đổi, cuối cùng mấy chục năm sau lại có thể đi tới nửa vòng trái đất để “hiệp phố” cùng tác giả, mà vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chợt lẩn thẩn nghĩ, không biết sau năm, sáu, chục năm từ ngày ấy, mối lương duyên của chàng tân lang tên Thành Tôn lãng mạn đã nộp sính lễ cho tân nương bằng tập thơ tình này, có còn keo sơn vững chắc như tập thơ không nhỉ. Và tôi cũng thầm nghĩ, một ngày nào đó tôi sẽ “xúi” chị CMN tái bản tập thơ “có lịch sử oai hùng” và đầy kỷ niệm này mới được.

Hỏi chị về chuyện bắt đầu làm thơ từ năm nào, tôi thực sự…hết hồn khi biết thời gian làm thơ của chị cũng “ngang ngửa” bằng với tuổi đời của tôi, với trên mười mấy nghìn bài thơ các loại.  Vậy mà mỗi lần tôi gọi là tiền bối đều bị chị la, bắt gọi là “chị Mỵ” để cho thêm phần thân mật.  Tôi nghĩ có gọi chị là tiền bối cũng xứng thôi.  Bởi vì chị cùng thời và là bạn với các nhà văn nhà thơ tiền bối trước kia, như Viên Linh, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Du Tử Lê, và nhiều nhà văn nổi tiếng khác… họ đã là nhà thơ nhà văn thành danh từ khi tôi còn…núp tận đẩu đâu trong bụng mẹ. Chị CMN còn quen biết, hay là biết rõ, hầu hết các vị văn thi sĩ nổi danh thời trước 1975, và trước xa hơn nữa, như gia đình và những hậu duệ còn lại của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Trong những câu chuyện đổi trao, chị thường nói với tôi, “Là người làm văn học, em phải biết hết những nhà văn nhà thơ tiếng tăm trong giới văn học Việt, đọc các tác phẩm của họ, để học hỏi những cái hay cái đẹp của họ để học hỏi, và cả những cái “không hay” để tránh phải giẫm chân theo. Đây là những lời khuyên rất chí tình mà tôi ghi tâm khắc cốt.

Về nguyên do nào một nhà văn nhà thơ ủy mị, ướt át, diễm tình, như chị lại vào lính, chị CMN đã kể tôi nghe nhiều chuyện về cuộc đời chị thật ly kỳ. Chị từng là một Hướng Đạo sinh được đào tạo lòng yêu nước mạnh mẽ, luôn tuân thủ những kỷ luật sắc bén của Hướng Đạo, cộng thêm những năm học Trưng Vương thường đi tiền đồn ủy lạo chiến sĩ, từng học chuyên nghiệp Cán sự Xã Hội tại Centre Caritas Saigon…và thường thực hiện nhiều công tác nhân đạo xã hội. Nhưng điều hấp dẫn chị sau cùng là cái oai phong của bà Đại Tá Trần Cẩm Hương, Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH, là vợ ông kỹ sư Mai Thanh Tòng bạn của ba chị.

Năm 1975, trước khi miền Nam bị mất, nhà thơ CMN đã là một thiếu tá trưởng phòng xã hội, thuộc Quân đoàn I, Quân khu I, dưới quyền của Trung tướng Ngô Quang Trưởng. Chị rất kính nể và khâm phục tướng Trưởng, khâm phục cái tính cương trực, ngay thẳng, và rất thanh liêm của ông. “Tại vì là cấp dưới của tướng Trưởng mà chị…nghèo đó em,” chị đùa như thế. Tôi hỏi nguyên do chị mới kể, tướng Trưởng thường dặn chị, tiêu chuẩn chính phủ cho thứ gì thì dùng thứ ấy, đừng nên chèo kéo, xin xỏ hay “mánh mung” chỗ này chỗ kia để kiếm thêm.

Tôi nghe mà cũng khâm phục đức thanh liêm của Tướng NQ Trưởng vô cùng, bèn kể với chị, hồi tháng Ba năm ngoái, 2019, tôi bay qua Washington DC dự đại hội Văn Bút VNHN VĐBHK, tôi có gặp và chào hỏi vị phu nhân xinh đẹp và hiền thục của cố Trung tướng NQ Tưởng tại đại hội Văn Bút, và hỏi chị có từng gặp lại tướng Trưởng ở Hoa kỳ hay không.

Từ trái: Bà Nguyễn Tường Nhung, phu nhân tướng Trưởng, nhà thơ Cao Mỵ Nhân, tướng Ngô Quang Trưởng, đại tá Nguyễn Hữu Bầu, cựu chánh văn phòng của đại tướng Cao Văn Viên (hình do nhà thơ CMN cung cấp)

Chị cho biết, sau khi Qua Mỹ chị có gặp lại tướng Trưởng cùng phu nhân, bà Nguyễn Tường Nhung, ái nữ của cố văn sĩ Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn, năm 2003, khi chị qua Virginia dự họp mặt cựu học sinh Trưng Vương, và sau đó ra mắt sách “Chốn Bụi Hồng” của chị. “Thầy trò” mừng rỡ, vui vẻ chuyện trò, nhưng giờ thì người đã đi rồi, chị CMN nói với vẻ buồn buồn.

Cũng vì cái “gốc lính,” cũng vì là một nữ sĩ quan cấp Tá của VNCH, mà sau 1975 chị Cao Mỵ Nhân dù thân nhi nữ cũng phải ở tù 3 năm, cộng thêm 2 năm làm việc ở nông trường. Nhưng nhờ vào tinh thần kiên cường do quân đội tôi luyện mà chị đã tồn tại, và hồn thơ của chị lại tiếp tục vươn cao bay xa.

Sau cùng, tôi xin phép được trở lại với tuyển tập “Thơ Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ.” Lần tái bản này, tập thơ đã được sửa chữa rất kỹ càng, rất hoàn hảo. Ngoài việc bổ sung thêm nhiều thông tin, hiệu đính lại, đặc biệt hơn, tập thơ còn có thêm nhiều họa phẩm tuyệt đẹp của họa sĩ Đinh Trường Chinh, quý tử của “lão họa sĩ” nổi tiếng Đinh Cường. Thêm vào đó, thi tập còn in thêm những bài cảm nhận đầy thú vị của các nhà thơ trẻ thuộc “thế hệ đàn em” của nhị vị thi sĩ Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ mà quý độc giả sẽ được đọc trong lần tái bản này.

Kính chúc mừng sự thành công của nhị vị thi sĩ Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ.

Xin trân trọng kính giới thiệu một lần nữa tới quý độc giả, Thi Tập “THƠ XƯỚNG HỌA – CAO MỴ NHÂN & TRỊNH CƠ.

Muốn mua sách Xin Liên lạc Tác giả:

Trịnh cơ – Cao Mỵ Nhân

trinhco@gmail.com

caomynhan91@yahoo.com

Liên lạc Nhà xuất bản:

Nhân Ảnh

han.le3359@gmail.com

(408) 722-5626

Phương Hoa

Thi Tập Thơ Xướng Họa Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ

 

Tôi quen biết nhị vị thi sĩ Cao Mỵ Nhân (Hoa Kỳ) và Trịnh Cơ (Pháp Quốc) cũng đã được mấy năm, khởi đầu từ trên những diễn đàn Đường Thi xướng họa. Tôi rất quý mến và ngưỡng mộ họ, và tôi cũng biết, cả hai đều từng là quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, là anh kiệt và anh thư phục vụ nước nhà từ trước 1975 cho đến ngày tan đàn xẻ nghé.

Nhà thơ đàn chị Cao Mỵ Nhân thì tôi đã có dịp gặp mặt về sau tại Văn Thơ Lạc Việt, San Jose, Hoa Kỳ. Chị nhìn hiền hoà, rất trang nhã, nhưng ít nói, nét mặt có chút nghiêm nghị và hơi… kỳ bí, kỳ bí như những vần thơ du dương nhưng đầy ẩn ý ẩn tình của chị. Tôi thích mê sự kỳ bí ấy, cũng thích mê sự phong phú về chữ nghĩa của nhà thơ, và niềm mê thích này đã làm cho tôi đôi khi xúc động tận tâm can chỉ vì đọc được một vài câu độc đáo trong các bài thơ của chị. Mỗi lần đọc thơ Cao Mỵ Nhân tôi thường hay nghiền ngẫm, tìm tòi, để nhận chân và thưởng thức cho kỳ hết những tinh tuý của bài thơ trước khi đặt bút đáp họa.

 

Riêng về thi sĩ Trịnh Cơ thì tôi chỉ gặp anh qua… bóng. Trong tấm hình, có một chiếc bóng nhìn từ phía sau lưng, dáng người dong dỏng cao với mái tóc hoa râm đang bước độc hành trên con đường dài hun hút tận bên trời Paris, Pháp Quốc. Dù với dáng vẻ cô đơn lẻ loi ấy, nhưng tâm hồn Trịnh Cơ lại chất chứa ngập tràn những búp nụ, những mầm thơ mượt mà, ngào ngạt hương thơm. Dù chưa bao giờ diện kiến, nhưng tôi luôn thích đọc thơ của thi sĩ và cố gắng họa lại bài xướng của anh mỗi khi chúng xuất hiện trên các diễn đàn nếu tôi có thời gian.

Trên các diễn đàn, hai nhà thơ nổi trội Cao Mỵ Nhân và Trịnh Cơ vẫn thường xuyên xướng họa cùng chúng tôi trong vẻ vô tư. Nhưng tôi thật bất ngờ, bất ngờ đến giật cả mình, khi hôm nay nhận được tập thơ mà hai vị đang chuẩn bị in chung. Bao ý nghĩ ngộ nghĩnh chợt nảy ra trong đầu tôi, như có lẽ họ đã từng là một cặp “thanh mai trúc mã” ngày xưa, từng bị cách chia kẻ chân trời người góc bể vì quê hương loạn lạc bây giờ gặp lại, có lẽ vì sự trắc trở ấy đã khiến cho hai tâm hồn xao động nên ý thơ mới ngùn ngụt, hồn thơ mới dạt dào, và tình thơ mới lai láng đến thế. Lòng rộn ràng với những ý nghĩ tò mò đầy thú vị đó, tôi vội buông bỏ tất cả mọi thứ bận rộn đời thường để mở tập thơ ra mà nghiền ngẫm, mà thưởng thức một cách… “triệt để.”

Thấy bài thơ đầu tiên “ANH VÀ 2019” là của thi sĩ Cao Mỵ Nhân, tôi cười thầm trong thích thú. Nhà thơ Trịnh Cơ hiện đang sống ở phương Tây nên thực hiện đúng cái câu “Lady’s First,” phụ nữ luôn ưu tiên số một, để nhường nữ thi sĩ “ra tay trình làng” trước, chứ không phải như phong tục Á Đông mình, đã xem thường thân phận cánh quần thoa, lại còn cho là “Phụ nhân nan hóa,” phụ nữ không dễ gì dạy dỗ, cảm hóa được, và mỗi khi ra đường, người đàn bà thường phải đi phía sau để cho phù hợp với câu “Núp bóng tùng quân” cổ hủ. 

Bài đầu tiên trong thi tập, “ANH VÀ 2019,” là bài thơ Lục Bát Cao Mỵ Nhân viết lúc đón Giao Thừa, khi thi sĩ đang ngồi cùng “người ấy” (hay tưởng tượng có người ấy ngồi cùng) nhìn TV chờ đếm phút quả cầu Chào Mừng Năm Mới vỡ tung, nhưng trong lòng không có chút hơi hướm mừng vui hạnh phúc vì được đón Giao Thừa, mà lại chứa đựng ngập tràn tâm tư sầu nhớ. Hình ảnh sống động nhất tác giả cho thấy trong bài thơ, là nữ thi sĩ đưa tay chặn lên trái tim lúc trái cầu sắp vỡ và nhìn vào TV thấy trời đêm rõ ràng nhưng lại không thấy cố quốc nơi đâu. Nỗi niềm thương nhớ về quê Mẹ Việt Nam trong thời điểm giao Xuân của người con ly hương đã gói trọn vào mấy câu thơ làm xao động lòng người: 

 

“Ở đây không có… Việt Nam
Quả cầu quê mẹ cơ hàn héo khô
Trái tim thất nhịp mơ hồ
Đêm đen đổ xuống nấm mồ giao xuân…” (Anh Và 2019 – CMN – tr. 12)

Người ta nói, thơ Lục Bát dễ làm nhưng làm rất khó hay, và họa thơ Lục Bát thì lại càng không dễ. Chữ nghĩa cần phải lưu loát mượt mà, ý tứ phải sâu xa, và vần điệu phải phù hợp mới là một bài họa hấp dẫn khiến độc giả chăm chú thưởng thức; và quan trọng nhất là, phải tránh tình trạng làm thơ Lục Bát đọc lên nghe như…ca dao, khiến người ta chỉ lướt phớt qua rồi đánh giá bài họa có đúng vần đúng luật hay chăng. Ở đây chúng ta có thể thấy nữ thi sĩ Cao Mỵ Nhân gặp phải “Kỳ phùng địch thủ.” Nhà thơ Trịnh Cơ đã gom được đủ các yêu cầu ấy trong bài họa “2019 ĐỐI MẶT.” Chưa kể đến những đối đáp xướng họa khá lý thú trong khổ thơ đầu về chuyện cả hai mơ ước cùng ngồi bên nhau, cùng đưa tay đặt lên tim khi nhìn TV trong giờ Giao Thừa chỉ thấy bầu trời đêm, và đôi bên người thì “xin còn mãi nhau,” kẻ hứa “sẽ còn với nhau,” xin mời quý vị cùng thưởng thức vế họa tuyệt vời của thi sĩ Trịnh Cơ, cũng bày tỏ cái tâm trạng đau buồn vì mất quê hương trong giờ Trừ Tịch cùng với thi nhân:

“Nhìn kỹ… đâu có Việt Nam
Đêm đông lạnh lẽo nỗi hàn lạnh khô
Cây kim đếm nhịp đồng hồ
Như là đưa tiễn đến mồ ngày Xuân” (2019 Đối Mặt – TC- tr. 13)

 

Tiếp theo, trải dài, xuyên suốt hơn phân nửa tập thơ là phần xướng họa “Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ. Hai thi nhân với hồn thơ lai láng cứ thế mà thoải mái vung bút trải vần, xướng họa với nhau, chữ nghĩa giao duyên, ý tình hòa điệu, phát họa lên những đường nét sống động, bừng sáng từng chữ từng câu trên từng trang sách gọi mời, khiến cho người đọc mãi mê theo tiếp hết bài này sang bài khác, không thể dừng lại. Mời bạn hãy xem, bài Lục Bát 4 câu rất mượt mà “Bên Đó” của Cao Mỵ Nhân với những lời than làm nhói lòng người:

“Sao mưa lại lạnh trời thu
Khiến người bên đó thương ru bên này 
Mưa đêm thấm ướt hồn say
Người bên đó ngó mưa bay thẫn thờ…” (Bên Đó – CMN – tr. 14)

Thì tiếp theo ngay, bài họa “Bên Này” của Trịnh Cơ cũng làm cho trái tim ai trật nhịp: 

“Giọt mưa rỉ rả đêm Thu

Nhớ người bên đó lời ru luống này

Mơ màng trong giấc mộng say

Nửa đêm nghe tiếng lá bay ơ thờ.” (Bên Này – TC – tr 15)

Thơ Lục Bát đã hay đến vậy, đọc những bài Đường Thi xướng họa của hai nhà thơ lão thành càng khiến tôi như bị lạc vào “mê hồn trận.” Đọc một hồi những bài thơ kế tiếp, tôi đột nhiên…nín thở, khi mắt chạm vào bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú “Mảnh Trăng Thơ” của thi sĩ Cao Mỵ Nhân. Chỉ hai câu mở đầu thôi đã có thể nói là tuyệt tác, và tôi bị chấn động tận tâm can, “Từ lâu, để mực đọng nghiên vàng/Bút cũng âm thầm ngại điểm trang.” Một sự ví von tuyệt hảo! Lời lẽ tuy đơn giản nhẹ nhàng nhưng thật thâm thúy, làm cho người đọc cảm nhận được đây là những tiếng than xé lòng của kẻ cô đơn. Mực đã bị bỏ đọng bơ vơ ở nghiên vàng, thì bút còn điểm trang để làm gì cơ chứ! Hai cặp đối cũng thật tuyệt vời, nhưng tôi phải giữ lại để cho độc giả tự mình thưởng thức mới là thú vị. Chỉ xin chia sẻ cùng quý vị nơi đây hai câu kết, vì hai câu này đã làm tăng thêm phần đặt sắc cho bài thơ. Bơ vơ thì mặc bơ vơ, tác giả tự nhủ, ta cứ vui cứ đối bóng với thơ, để rồi còn tìm cách bay theo trăng để đi xé nửa cái thiên đàng đã mất. Tự cổ chí kim, chỉ mới có Thi Tiên Lý Bạch đời Đường bên Tàu nhảy xuống sông để vớt trăng lên, giờ đây lại có thi nữ Việt là Cao Mỵ Nhân đòi theo trăng đi xé nửa cái thiên đàng. Những điều kỳ thú ngoạn mục như vậy chỉ có những nhà thơ “siêu việt” mới tính làm, hoặc nghĩ ra!

“Thì cứ cùng thơ vui đối bóng

Theo trăng đi xé nửa thiên đàng.” (Mảnh Trăng Thơ – CMN – tr. 73)

Riêng bài họa của nhà thơ Trịnh Cơ “Nhớ Cảnh Trường Xưa” trong trường hợp này, tuy không đáp ứng với ý nghĩa của bài xướng, mà chỉ là họa nương vận, nhưng cũng phải kể là một bài họa hay. Trong khi bài xướng của Cao Mỵ Nhân chứa đầy lãng mạn về tình yêu nam nữ, than thở với bút nghiên, với trăng và thơ, thương mây khóc gió cho sự bơ vơ…, thì bài họa của Trịnh Cơ cũng tràn ngập sự nhớ nhung tiếc nuối, nhưng mà là nhớ về tình yêu đất nước, về một thời được đào tạo dưới mái trường quân đội với những bước chân “ắc ê” gọn gàng, và những chuyến hải hành bảo vệ quê hương. Để rồi cuối cùng thi sĩ thốt lên tiếng than:

“Nước non xả tắc thời vi diệu

Nay chẳng còn đâu chốn địa đàng.” (Nhớ Cảnh Trường Xưa – TC – tr. 74)

Bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt vận trắc “Nỗi Buồn Vô Cớ” của thi nữ Cao Mỵ Nhân dưới đây cũng đưa người yêu thơ vào một khung trời đầy mộng ảo, “Có những nỗi buồn vô cớ lắm/Mà sao thổn thức đến trăm năm.” Đã làm người thì ít nhiều gì ai cũng có những tâm sự thầm kín. Chắc độc giả sẽ đồng cảm khi được nhà thơ “nói giùm” giải bày giùm cho những băng khoăn, những nỗi buồn âm ỷ đang giấu giếm trong lòng, và sau cùng thì …xúi người ta thổ lộ:

“Thì cứ tự nhiên ngồi thổ lộ
Tỏ bày như chẳng có chi ngăn
Tỏ bày tình tiết sầu thương đó
Khổ luỵ trong tim nức nở thầm…” (Nỗi Buồn Vô Cớ – CMN – tr. 93)

Và để đáp lại nỗi niềm của thi nhân, Trịnh Cơ đã họa bài “Buồn…Cũng Vậy Thôi” thật duyên dáng trữ tình, để bày tỏ với đối phương, rằng thì là bên nớ chỉ có những nỗi buồn, nhưng bên ni là cả vạn điều buồn, chúng cứ mãi đong đưa trên hố thẳm, rồi “Khi sầu khi chán lại như câm” mà thi nhân không thố lộ nên nào ai hay biết,“Ta giữ trong tim không hé lộ/Ai nào có biết để can ngăn…”(Buồn…Cũng Vậy Thôi – TC) Đây quả thật đúng là tri kỷ. 

Đặc biệt, bài thơ thể tự do Ngũ Ngôn “Viết Sau 10:00 PM” của Cao Mỵ Nhân cũng làm tôi xao xuyến. Nhà thơ đã trải lòng, trút cạn nhớ nhung vào thơ lúc 10 giờ khuya, cùng tâm sự với những con chim biển cũng đang cô đơn giữa màn đêm, và nghe được chúng thốt lên những tiếng kêu thầm hò hẹn trong tuyệt vọng.

“Em cũng như chim biển

Cô đơn giữa thế gian

Chim kêu thầm hò hẹn

Nỗi u tình chứa chan…” (Viết Sau 10:00 PM – CMN – tr. 125)

 

Người ta nói “Thần giao cách cảm” có lẽ chính xác nhất để dùng trong trường hợp này. Thì ra từ chốn xa xăm chàng thi nhân kia cũng đâu có ngủ được lúc 10 giờ đêm. Ta hãy nghe Trịnh Cơ tâm sự cùng nàng thơ nơi viễn xứ trong bài họa “Đêm Về”, “Tiếng chuông gõ 10 giờ/Sao cứ còn thương nhớ,” và “trần tình” rằng vì thi sĩ vẫn còn yêu biển, yêu nguồn vui thế gian, nên đã quên lời hẹn ước, tuy vậy tình yêu say đắm thì vẫn mãi chan hòa:

 

“Ta vẫn còn yêu biển,

Nguồn vui giữa nhân gian,

Cứ quên lời ước hẹn.

Tình yêu vẫn hòa chan…” (Đêm Về – TC – tr. 127) 

 

Qua nhiều năm cùng theo đòi xướng họa trong các diễn đàn thơ, tôi đã thưởng thức đủ các thể loại mà nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã sáng tác. Bài thơ 8 chữ “Trái Tim Lửa” này cũng là một trong các bài thơ tự do đặc sắc của thi nữ. Lúc này trái tim yêu của thi nhân hừng hực bốc cháy vì tình, cho nên mặc kệ những chông gai, mặc kệ bao trở ngại, nàng thơ chỉ thấy “Xuân sẽ đến bốn mùa đều tươi thắm/Đẹp hồn ta đang bốc cháy hoang sơ.” Thông điệp gửi đi cho người trong mộng thật dạt dào, chất chứa ngập lụt say mê, chờ đợi chỉ cần một tiếng hót khẽ của loài chim quý là sẽ được cả trái tim nàng:

 

“Nhưng Chim Quí một lần thôi hót khẽ

Ta tặng người nguyên vẹn trái tim thơ…”(Trái Tim Lửa – CMN – tr 136)

 

Đáp lại khối tình “bốc lửa bốc khói” này, chàng thi sĩ cũng đâu có kém. Bài họa “Về Nghe Cô Đơn” của Trịnh Cơ càng chất chứa lắm nỗi niềm. Chàng còn “bạo gan” nhắc lại chuyện xưa, cái thuở cùng nhau bàn tính “Chuyện ngày ấy bàn về ăn trái cấm/Ở Thiên Đường cây đẹp, lá nghiêng chờ.” Nhưng cuối cùng rồi mấy lời trách cứ cũng được trao lại cho ai kia: 

 

Nhìn xuống dưới, âm thầm rơi giọt lệ

Lụy trần ai khiến ta phải ơ thờ

Quay trở lại hầu nghe lời kể lể

Tình bay xa, còn lại mấy câu thơ… (Về Nghe Cô Đơn – TC – tr.137)

 

Sự sắp xếp trong thi tập này thật là thú vị, quá bán trong phần đầu là những bài thơ Cao Mỵ Nhân xướng – Trịnh Cơ họa. Đọc một hơi, thưởng thức hết phần đầu thì tiếp theo phần sau đổi ngược lại Trịnh Cơ xướng – Cao Mỵ Nhân họa. Dòng thơ trữ tình, mượt mà, nhưng lại chất chứa nhiều nỗi niềm riêng của thi sĩ Trịnh Cơ lâu nay cũng rất được các nhóm xướng họa bạn bè chúng tôi yêu thích, không kém gì nữ sĩ Cao Mỵ Nhân. Thi sĩ Trịnh Cơ rất “có duyên” với thơ tứ tuyệt, lời thơ giản dị không gút mắc, nhưng ý tứ rất phong phú, làm xúc động người đọc, cho nên thơ của anh cũng đã được nhiều người đáp họa. Bài thơ “Biết Đâu” đong đầy cảm xúc của Trịnh Cơ sau đây khiến những người đang yêu phải chạnh lòng xót xa. Chàng cùng người ấy lâu lâu mới gặp một lần, nhưng có nỗi đau nào hơn khi “Nụ hôn vừa dứt rồi ly biệt/Ở cuối chân trời giấc mộng tan.” Sự xa cách như thế đã khiến cho nhà thơ e ngại. Chúng ta hãy đọc những lời lo âu khắc khoải của chàng, “Đâu biết lần này sẽ gặp nhau/Còn yêu tha thiết tựa ban đầu?” và:

 

“Hay là hờ hững như người lạ

Để lại cho anh cả mối sầu!” (Biết Đâu – TC – tr. 155)

 

Và thú vị vô cùng, nàng thơ Cao Mỵ Nhân đã vội vàng đáp lại bài họa ngọt ngào, “Đành Thôi” với những lời cảm thông, trần tình, vỗ về “ai kia,” bỡi vì không hợp mới tan, “Kẻ ở người đi ôi giã biệt/Bởi không hợp được mới đành tan.” Và:

 

“Hoàng hôn cũng nguội theo tình lạ

Tuổi tác đầy thêm mộng mị sầu…” (Đành Thôi – CMN – tr. 156)

 

Bài thơ “Có Ai” của thi sĩ Trịnh Cơ tiếp theo đây nói lên nỗi niềm cô độc làm cho người ta phải xót xa. Một người có cuộc sống mà muốn “Nói chuyện… tâm tình chẳng có ai/Đêm đêm trằn trọc suốt canh dài” thì quả là buồn vô kể. Lời thơ như nức nở, ý thơ như trách móc ai đó sao nỡ đành “bỏ ta một mình,” và một chút ước mơ được có người bên cạnh:

 

“Bởi ta đang sống đời hiu quạnh

Thiếu vắng ai bên cạnh, đỡ sầu.” (Có Ai – TC – tr. 157)

 

Tuyệt thay, đàng này bài “Có Ai” của Trịnh Cơ than thở bị bỏ cô đơn, thì đàng kia, Cao Mỵ Nhân đã trải lòng cảm thông thay cho “ai đó” của nhà thơ, bằng bài họa “Vẫn Ông” rất duyên dáng, thêm chút dí dỏm, nhưng có thể thấy trong lời thơ ẩn hiện chút …hờn ghen nhè nhẹ rất dễ thương. Bởi vì ngày xưa bay bướm quá, đa đoan quá, có cả chục giai nhân quanh mình, cho nên bây giờ…ráng chịu chứ than thở mà làm chi:

 

“Giờ thì đầu bạc trắng hơn xưa

Cả chục giai nhân bỗng ngó hờ

Bởi lẽ đa đoan nên khổ luỵ

Đâu còn thanh thản mà làm ngơ”(Vẫn Ông – CMN – tr. 158)

 

Thi sĩ Trịnh Cơ từng là một sĩ quan Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bài thơ “Lời Cuối” của anh tôi đọc mà rưng rưng cảm phục. “Tôi chết đi… xin chớ phủ cờ.” Đây là lời di chúc, dặn lại khi thi sĩ mất đi thì không nên phủ cờ Quốc Gia như bao người vẫn làm lâu nay nơi hải ngoại. Dù vận nước đảo điên là do thế cuộc tạo nên, chứ quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa chúng ta thuở ấy vẫn một lòng chiến đấu rất anh dũng, thi sĩ vẫn cho rằng mình không làm tròn viêc giữ nước nên không xứng đáng, mà chỉ có những người vị quốc vong thân mới xúng đáng được phủ cờ:


“Phủ cờ cho kẻ đáng tôn vinh
Ngã gục thân trai, hiến phận mình
Bỏ mạng sa trường cho đất nước
Đã bao cay đắng lúc đăng trình…” (Lời Cuối – TC – tr. 169)

 

Nhà thơ Cao Mỵ Nhân cũng từng là một sĩ quan QLVNCH. Cho nên bài họa “Vàng Sắc Nhớ” của chị là một đồng cảm, kiêm ý trách móc những kẻ đã bỏ lại thành xưa bóng cờ tổ quốc, nhưng rồi lại quên bẳng đi, để mãi lơ ngơ với dáng vẻ phạc phờ của người không biết đâu là quê hương. Dù ai có quên, nhưng nhà thơ thì vẫn nhớ, vẫn giữ lại vuông cờ khi giã từ trận mạc:

 

“Giã từ trận mạc giữ vuông cờ
Hiu hắt vàng hong nắng nhuộm tơ
Bạn hỏi buồn thương xa đất tổ
Chứa chan tình nghĩa chẳng phai mờ…” (Vàng Sắc Nhớ – CMN – tr.170)

 

Bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú của nhà thơ Trịnh Cơ “Tàn Đông” là một bài thơ buồn, nhưng chữ nghĩa lại xôn xao tràn đầy cảm xúc. Đó là nỗi u buồn bất chợt, chính thi sĩ cũng “Không biết vì đâu cảm thấy buồn.” Hai câu thực đã làm cho hồn tôi xao xuyến. Cái hình ảnh sống động trước mắt với đàn chim rét mướt bay vật vờ về tổ, và con suối thì chênh chao khi nhớ lại cội nguồn, diễn tả một tâm trạng đau thương khiến cho những kẻ ly hương, tan tác vì mất nước như tôi càng thêm nhói cả cõi lòng:

 

“Đàn chim rét mướt bay về tổ

Con suối chênh chao nhớ lại nguồn”(Tàn Đông – TC – tr. 185)

 

May mắn thay, nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã…cứu bồ bằng bài họa “Paris Buồn” giúp tôi có thêm “sinh khí,” tươi tắn lên một chút để tôi khỏi “đổ thừa” thi sĩ Trịnh Cơ đã làm cho lòng tôi héo úa khi sắp kết thúc bài viết này. Cao Mỵ Nhân đã an ủi “người ta” là tại vì Paris quá lãng mạn mới khiến cho buồn, chứ thực ra thì mùa đông đã tàn, tuyết cũng tan chờ Xuân đến:

 

“Chim én mừng xuân tươi sắc cội

Tao nhân đón khách lộng thơ nguồn..” (Paris Buồn – CMN – tr. 186)

 

Tới đây thì tôi xin phép được tạm dừng vì bài viết đã khá dài. Thực ra thì còn nhiều, nhiều lắm những bài tình thơ có thể nói là tuyệt tác trong thi phẩm “Xướng Họa” của nhị vị Cao Mỵ Nhân và Trịnh Cơ. Điều tôi muốn nói ở đây là “cặp bài trùng” này quá ư tuyệt vời trong các thể thơ xướng họa. Họ đã quá hoà hợp, quá “nhập vai,” nhâp vai trong việc trải lòng như là tâm sự của chính một đôi trai tài gái sắc từng yêu nhau, bị trắc trở, và rồi khi gặp lại thì đã muộn màng nhưng hồn thơ vẫn còn réo rắc, chứa đựng ngập tràn nỗi nhớ, niềm thương. Cho nên xuyên suốt thời gian từng bước đọc thơ và ghi lại cảm nhận của mình, Phương Hoa tôi cũng đã “nhập vai” trong cái cảm xúc họ là “một đôi” thật sự. Nếu sự thật hai người trước đây chưa từng yêu nhau, chưa bao giờ quen biết nhau, mà đây chỉ là “bình thủy tương phùng” trên những dòng thơ xướng họa nơi hải ngoại rồi trở thành bạn thiết, thì quả là thi tài của họ đã lên đến đỉnh cao, nguồn tình thơ quá lai láng dạt dào.

 

Cuối cùng, thi tập “XƯỚNG HỌA” của hai nhà thơ Cao Mỵ Nhân và Trịnh Cơ là một tác phẩm văn học có giá trị, chẳng những rất đáng đọc, mà cần phải đọc thật kỹ mới thưởng thức hết những cái hay cái đẹp cái ý cái tình của mỗi một bài thơ. Tôi tin rằng quý vị sẽ thích thú với sự phong phú chữ nghĩa của những bài thơ tình thật ngọt ngào, thật lãng mạn, trong tập thơ này. 

 

Xin trân trọng kính giới thiệu cùng với quý độc giả thi tập “XƯỚNG HỌA” của Cao Mỵ Nhân & Trịnh Cơ.

 

Phương Hoa, Cao Mỵ Nhân 

 

Phương Hoa

 

 

Cung thị Lan uploaded on November 18,2020 and updated on December 08,2020

November 18, 2020