Bốn Mươi Năm Ấy… Hồng Thuỷ

BỐN MƯƠI NĂM ẤY…

Lâu lắm rồi Trâm không còn hứng thú chờ người đưa thư nữa. Bạn bè Trâm hầu hết đều “văn minh” cả, người nào cũng dùng Email, chả còn ai mất thì giờ ngồi viết thư cho nhau. Trâm có vài người bạn thân, ngày xưa, thuở computer còn chưa thịnh hành, người ta chưa dùng Email, Trâm và các bạn vẫn thỉnh thoảng liên lạc thư từ. Người nào lười biếng lắm thì dịp sinh nhật của nhau hay lễ tết cũng gửi cho nhau vài chữ chúc tụng thăm hỏi. Bây giờ ngay cả dịp lễ tết người ta cũng chúc nhau bằng Email. 

Một bà khách hàng của Trâm làm cho tiệm Hall Mark phải than thở “Số thu bán Carte chúc Noel giảm sút đi nhiều lắm, vì bây giờ người ta thường chúc nhau bằng Email”. Trâm không chờ mong, nhưng người đưa thư vẫn hàng ngày đến, bỏ vào thùng thư trước cửa nhà Trâm vài cái quảng cáo, thỉnh thoảng lẫn vào mấy cái thư đòi nợ của các hãng credit card.

 Hôm nay như thường lệ, Trâm cầm xấp thư mới lấy từ thùng thư vào nhà, hờ hững bỏ lên bàn trong nhà bếp. Trâm chợt chú ý tới một phong bì chữ viết tay, đề tên Trâm thật nắn nót. Lá thư gửi từ Seattle. Tên người gửi là Nguyễn Thành. Trâm nhíu mày suy nghĩ, miệng lẩm bẩm “Nguyễn Thành, Nguyễn Thành nào nhỉ”. Nàng đâu có ai quen thân là Nguyễn Thành mà lại viết thư cho nàng. Tò mò nàng bóc vội lá thư ra đọc.

 Kính gửi chị Trâm. Tôi là bạn thân của nhà văn YT. Bạn tôi qua đời đã hơn 1 tuần rồi. Trước khi biết mình sẽ vĩnh biệt cõi trần bạn tôi có nhờ tôi trao tận tay chị một gói quà nhỏ. Tôi không biết có gì trong đó, vì bạn tôi dán kín. Tôi muốn làm theo lời trăn trối của bạn tôi càng sớm càng tốt, để bạn tôi được yên tâm siêu thoát. Đây là số điện thoại của tôi, xin chị cho biết, tôi có thể làm cách nào để gói quà đến tận tay chị được. Rất mong tin chị, để tôi được làm tròn lời hứa với người bạn mà tôi rất thương quí. Cám ơn chị. Nguyễn Thành. Lá thư như một cơn bão bất ngờ kéo đến. Làm sao Trâm có thể tin là YT đã vĩnh viễn ra đi. Không thể nào chuyện đó có thể sẩy ra, Trâm muốn hét lên thật lớn. Nhưng nàng chỉ ngồi chết lặng trên ghế, mặc cho nước mắt tuôn trào. YT là bút hiệu của một nhà văn, anh của một cô bạn, con của thầy giáo, bạn thân của anh ruột Trâm. Ngay từ lúc tên YT xuất hiện , một số bạn thân đã biết “YT” có nghĩa là “yêu Trâm.” YT viết văn , làm thơ rất nhiều và khá nổi tiếng. Bạn bè gán cho YT biệt hiệu là James Dean V.N., vì chàng có dáng dấp và cái lối ngang tàng của tài tử James Dean nổi tiếng một thời. 

Khi mới hồi cư về Hà Nội, Trâm ghi tên học ở trường Hồng Bàng do ba của YT làm hiệu trưởng. Trâm học lớp nhất, YT lúc đó học đệ tứ ở C.V.A. Trâm chơi thân với em gái của YT và YT chơi thân với anh ruột của Trâm. Trâm luôn luôn coi YT như một ông anh lớn và YT cũng săn sóc, cưng chiều Trâm như một cô em nhỏ. Trâm còn ngây thơ, lại đang ở tuổi nghịch ngợm, nên rất hồn nhiên khi tiếp xúc với YT.

 Bất ngờ hiệp địmh Geneve chia đôi đất nước. Trâm theo gia đình di cư vào Nam. Từ cô bé con của trường Hồng Bàng Hà Nội, Trâm đã trở thành cô nữ sinh lớp đệ thất của trường nữ trung học Trưng Vương. Trường mới , bạn mới , đã làm những kỷ niệm của thời tiểu học và hình ảnh ông anh của bạn trở nên mờ nhạt. Trâm cũng mất luôn liên lạc với cô bạn, em của YT. Năm năm sau, lúc Trâm đã là cô nữ sinh đệ tam trường T.V., lòng đầy ắp mộng mơ. Tình cờ một hôm đang lang thang cùng với các bạn ở đường Lê lợi , Trâm gặp lại YT. Vẫn mái tóc bồng bềnh, vẫn đôi mắt nhìn như xoáy vào hồn người đối diện, chiếc áo chemise mầu nâu để hở hai cái khuy không cài ở trước ngực. YT đứng lặng như trời trồng trước mặt Trâm, niềm vui vỡ oà trong tiếng reo. – Trời ơi! Trâm. Trâm cũng vui mừng khôn tả, nàng ríu rít hỏi thăm thầy cô (bố mẹ của YT.) hỏi thăm Hồng Phúc em gái của YT. Trâm hỏi đủ thứ, YT chỉ lặng lẽ mỉm cười . Trâm ngạc nhiên: – Sao anh không trả lời những câu hỏi của em mà cứ cười không vậy? – Anh đang xúc động nên không nói được thành lời. Gia đình anh ở gần đây thôi, về nhà anh chơi đi, thầy cô và Phúc gặp em chắc mừng lắm. – Để hôm khác, hôm nay em lỡ hẹn đi chơi với các bạn rồi. – Các cô định đi đâu vậy? Một cô bạn của Trâm nhanh nhảu trả lời- Tụi em định đi ăn kem rồi đi Ciné.. – Vậy à, cho anh đi ké với được không? Lại vẫn cái cô bạn lém lỉnh của Trâm: – Được chứ , với điều kiện anh phải bao tụi em. – Dĩ nhiên rồi , anh sẽ bao các cô hết tiền trong túi của anh , nếu thiếu thì các cô phải bù nhé. Cả bọn nhao nhao: – Đồng ý, đồng ý. Vào tiệm kem, trong lúc mọi người vui vẻ ăn uống, bài hát “ When I fall in love “ vang lên thật dìu dặt, Trâm nói với các bạn: – Tụi mình ngừng nói một tí được không? Bài hát hay quá, tao muốn tụi mình yên lặng để nghe. YT nhìn Trâm đắm đuối: – Em thích bài hát này không? Anh yêu cầu để tặng em đó. Trâm gật đầu bối rối, hai má đỏ au. Lũ bạn nghịch ngợm của Trâm được dịp chọc phá thoả thích. Cuối cùng Trâm phải nghiêm mặt giận dỗi: – Tụi mày ngừng lại đi nhé. Tiếp tục nói nữa là tao đi về đó. Ở tiệm kem ra, cả bọn kéo nhau vào rạp Vĩnh Lợi coi phim A certain smile. Trong phim có đoạn người đàn ông và người con gái đang ngồi ăn với nhau, một người bán hoa đi tới, trong rổ hoa có đủ thứ hoa, hoa hồng đỏ, hoa cúc trắng và hoa violet mầu tím. Người đàn ông chọn bó hoa tím mua tặng người con gái. Trâm buột miệng phê bình: – Lẽ ra anh chàng phải mua hoa hồng đỏ tặng nàng chứ sao lại mua hoa tím. YT bênh người trong phim: ” Hoa hồng đỏ dành cho những người đang yêu nhau. Hoa violet tím tượng trưng cho tình yêu thầm lặng”. Chàng đang muốn nói với nàng anh yêu em từ lâu lắm mà chưa dám nói ra đó mà. 

Sau buổi gặp lại YT, Trâm thường xuyên lui tới thăm viếng thầy cô và nối lại tình bạn thắm thiết với Hồng Phúc. Tết năm đó, Trâm nhận được tấm Carte chúc tết của YT có hình bó hoa violet mầu tím thật đẹp và mấy dòng chữ “Những bông hoa tím này của Trâm đó, chúc Trâm một năm mới nhiều may mắn và đạt được tất cả mộng ước.” Nhìn tấm Carte, Trâm nghĩ ngay đến lời giải thích của YT về những bông hoa tím, Trâm hiểu YT muốn gửi gấm điều gì. YT cứ lặng lẽ yêu, Trâm biết và rất cảm động, nhưng không thể nào đáp lại được, vì tim nàng đã trao cho người khác mất rồi. Ngày Trâm học xong trung học, cũng là ngày YT tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Chàng nhờ Hồng Phúc chuyển cho Trâm lá thơ tỏ tình chính thức. Nhưng ngay hôm sau Phúc đã hoàn lại lá thư cho YT với một câu nói làm YT cảm thấy đau đớn như một vết chém vào tim. – Anh ơi, trễ rồi, Trâm đã đính hôn với người khác rồi. Từ đó Trâm không có cơ hội gặp YT nữa vì nghe nói chàng đã tình nguyện đi dậy học ở một tỉnh xa. Ít lâu sau Trâm lập gia đình và bận rộn với cuộc sống mới. Ngày Trâm sinh đứa con thứ hai. Hồng Phúc đến thăm kể chuyện cho Trâm biết YT vừa mới làm đám cưới với một cô giáo cùng trường. Trâm nhớ mãi câu nói của Hồng Phúc trước khi chia tay. Anh YT nhờ mình nói với Trâm:” Biết chắc chắn Trâm hạnh phúc với chồng con rồi, anh ấy mới yên tâm lập gia đình”.

 Sau đó Trâm theo chồng di chuyển đi Nha Trang và không được tin tức gì về YT nữa. Sau biến cố 1975 Trâm nghe nói YT kẹt lại, mãi đến 1980 Trâm mới được tin cả đại gia đình YT đã qua được Mỹ và định cư ở Seattle. Cách đây khoảng hơn 10 năm, trong một lần đi chơi ở Seattle, Trâm tìm thăm thầy giáo cũ. Thầy đã qua đời, chỉ còn Cô đang ở chung với gia đình YT. Lúc Trâm đến thăm, Cô đang nằm chơi ở võng ngoài vườn. Trâm cúi xuống ôm lấy cô, hai thầy trò mừng mừng tủi tủi. YT đứng nhìn cũng xúc động không kém. Bỗng YT kêu lên: -” Trâm đã có tóc bạc rồi cơ à?” Cô nhìn YT mắng yêu: -” Cái thằng này, vạch lá tìm sâu. Mẹ thấy Trâm nó vẫn trẻ như ngày xưa, tóc bạc đâu mà có” – YT chỉ sợi tóc trắng nhỏ, ngắn ngủn, mọc dựng đứng ở đỉnh đầu Trâm: -” Đây này, mẹ không thấy sao?” Cô cười: -” Cái thằng khỉ, đó là tóc sâu chứ đâu phải tóc bạc”. Trâm nhìn cô trìu mến: -” Cô ơi! Tóc bạc đấy, con già thật rồi còn gì nữa”. YT nhìn Trâm với ánh mắt thiết tha: -” Em có tóc bạc thật, nhưng chưa già. Chẳng bao giờ già đối với anh. Nhất là nụ cười của em vẫn là nụ cười của hơn 40 năm về trước”. Cô nắm tay Trâm âu yếm: -” Anh con nói thật đó, cô biết, lúc nào nó cũng nhớ con”. Trâm xúc động nhìn YT, mắt long lanh ướt: -” Cám ơn anh”.

 Buổi hội ngộ sau 40 năm xa cách chỉ có vậy, thật nhẹ nhàng, thật cảm động và cũng thật khó quên. Sau đó Trâm đã nhận được thơ của YT gửi về địa chỉ anh của Trâm, nhờ anh chuyển. Trong thơ YT viết có đoạn Trâm nhớ mãi. “Sau hai lần đổi đời 54 và 75. Hơn 40 năm, hình ảnh em chập chờn trong ký ức anh. Ngày em đi lấy chồng, em có lỗi hẹn gì với anh đâu. Anh biết lúc nào em cũng chỉ coi anh như một người anh. Vậy mà sao anh vẫn hờn, vẫn giận em, vẫn oán trách số mạng. Tuổi trẻ là như thế. Sau đó chúng ta mỗi người một cuộc đời. Ra hải ngoại, anh có địa chỉ của em qua thầy cô, nhưng anh nghĩ chả nên làm phiền em. Nếu không có dịp Trời định cho anh gặp lại em ở Seattle và biết là em vẫn quí anh, con của thầy giáo cũ, anh của bạn thân và là bạn chí thiết của ông anh ruột em, thì có lẽ anh đã chôn kín tâm sự của mình rồi. Gặp lại em, anh đã sống lại cái cảm giác của một ngày rất xa. Anh muốn em hiểu là anh luôn yêu em, giữ gìn cho em những tình cảm vô cùng trân quý, ra khỏi mọi hệ lụy của cuộc đời. Hơn 40 năm trôi nổi, anh vẫn dành cho em một chỗ riêng trong tâm hồn, dù cuộc đời biết bao nhiêu biến cố tình cảm xảy đến, có thể làm thay đổi con người của mình. Nhưng tình yêu dành cho em vẫn không bao giờ suy suyển”.

 Lá thơ đó là món quà thật quí giá đối với Trâm. Trên đời này, tiền bạc, danh vọng, còn có thể cố gắng tự tìm kiếm và tạo ra được, chứ còn tình cảm chân thành quí hoá như vậy, làm sao có thể tự tìm ra. Nếu có được, phải là một điều rất may mắn.

 Sau đó Trâm và YT chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại, nhưng hai người vẫn được tin tức về cuộc sống của nhau qua những lần điện thoại thăm hỏi giữa những người thân. Mối tình thật đẹp của YT cho Trâm, đã như những tia nắng hồng sưởi ấm cuộc đời đôi khi có những mùa đông lạnh giá. Bỗng dưng hôm nay tia nắng hồng của Trâm vụt biến mất. Trâm thẫn thờ đọc đi đọc lại mãi bức thư của người xa lạ, mà trong phút chốc Trâm thấy thật gần gũi với nàng.

 Gói quà của YT do Thành trao lại đã làm Trâm thật xúc động. Chiếc phong bì lớn gồm có hai tập bản thảo, một tập thơ, một tập truyện. Một lá thư tỏ tình của YT viết cho Trâm trước ngày lễ đính hôn của Trâm đúng 1 ngày, kèm theo bài tập toán đố của Trâm làm năm học lớp nhất trường Hồng Bàng và lá thơ cuối cùng của YT.

 Những giòng chữ viết vội vàng: Mấy hôm nay anh thấy trong người hơi mệt, bỗng dưng nghĩ đến em và anh có một cảm giác thật lạ. Chúng mình sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy nhau nữa. Anh phải nói cám ơn em. Nhờ gặp lại em, anh thấy yêu đời và thích thú sáng tác hơn. Anh gửi tới em hai tập bản thảo gồm có các truyện ngắn và những bài thơ làm cho em, vì em, và chỉ để cho một mình em đọc. Anh có cảm tưởng như mình sắp đi xa, xa em mãi mãi. Nhưng dù ở muôn trùng xa cách, anh vẫn thấy đôi mắt em nhìn anh của lần gặp gỡ cuối cùng, khi em nói hai tiếng “Cám ơn” anh. Đôi mắt của kiếp nhân sinh đầy hệ lụy, dành riêng cho những kẻ… như anh. Anh gửi em lá thư tỏ tình đầu tiên viết cho em mà nó không có may mắn được em đọc, vì ngày lá thư được nhờ trao đến cho em, là ngày em quá bận rộn với lễ đính hôn. Kèm theo lá thư tỏ tình ngày đó là bài tập toán đố em làm năm lớp nhất. Hồi đó anh thường giúp thầy chấm bài, anh đã lén giữ lại bài tâp của em. Chắc em đã hiểu từ lâu, ai đã lấy mất trái tim anh từ dạo ấy… Bởi vậy trong cuộc đời tình cảm của anh, em là một dòng sông lớn. Những người đàn bà khác trong cuộc đời anh chỉ là những con lạch nhỏ. Những con lạch nhỏ thì dễ khô cạn và bị lấp mất đi, còn dòng sông lớn thì làm sao có thể làm cho nước vơi đi được, có phải không em?

 Tất cả kỷ vật của YT đã được Trâm gói lại kỹ lưỡng, cất dấu tận đáy lòng, vậy mà không hiểu sao, cứ mỗi lần có gió hơi lành lạnh, có nắng vàng thật trong, Trâm lại nhớ đến buổi chiều ở Seattle ngày ấy. Ngày gặp lại YT sau hơn 40 năm xa cách, và bên tai như có tiếng ai thì thầm mấy câu thơ YT làm để kỷ niệm buổi chiều gặp gỡ.

 .”..Sợi tóc trắng, miệng em cười hoa nở

 Hồn bỗng ngạt ngào hương yêu ngày cũ

 Anh muốn cúi đầu hôn nhẹ môi em…”

 

Hồng Thuỷ

 Hoa Thịnh Đốn tháng 4/2009

May 7, 2020