Bài Hát Nguồn Ơn An Bình – Văn thi nhạc sĩ Văn Duy Tùng

Quý Vị và Các Bạn mến,
Có những bài hát thánh ca Anh Ngữ mà tôi chọn để chuyển dịch qua lời Việt. Mới đây có
bài You Raise Me Up cũng vừa hoàn tất và vừa phát hành theo link sau đây:

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=130&ia=23175

Và hôm nay tôi xin giới thiệu đến bạn bài thánh ca tiếp theo Prayer of St. Francis – Tôi
đặt tựa đề tiếng Việt là NGUỒN ƠN AN BÌNH.

Bạn mến,
Cách đây cũng đã trên 10 năm, tôi đưa gia đình đi vacation ở bán đảo Cancun thuộc quốc
gia Mexico. Dịp nghỉ này rơi vào những ngày cuối tuần nên khi đến nơi và ổn định phòng ốc, tôi
hỏi thăm nhà thờ Công Giáo gần nhất để ngày mai đưa gia đình đi tham dự Thánh lễ ngày Chúa
Nhật.
Dù là điểm du lịch nổi tiếng thế giới với các resort tráng lệ cùng những khách sạn cao
ngất trời xanh che lấp mặt trời, nhưng tôi không thấy có nhà thờ nào chung quanh nơi đây. Tôi
được người hướng dẫn bảo là phải lấy xe bus hoặc taxi đi về cuối điểm du lịch, nơi sẽ băng qua
ngôi chợ cùng những ngôi nhà cũ kỹ của người dân thì sẽ thấy nhà thờ.
Quả thật, những căn nhà hai bên đường tương phản những gì tôi đã thấy nơi khu du lịch
rực sáng và sang trọng. Cũng dễ hiểu thôi, vì bất cứ nơi đâu cũng thế; đằng sau các thành phố đồ
sộ là những khu nhà ổ chuột của người dân thấp cổ bé miệng. Việt Nam quê hương chúng ta
cũng thế, xa xa cách đô thành Hà Nội, Sài Gòn hoa lệ là những ngôi làng hay thôn bảng suốt đời
rách nát và đói kém. Cuối cùng, tôi đã tìm được ngôi thánh đường không mấy khó khăn.

Sau khi rời taxi, gia đình tôi băng qua đường và tiến vào sân trước nhà thờ. Tôi không
nhớ rõ chi tiết tiền cảnh của nhà thờ nhưng khi vào trong, tôi thấy các cửa sổ của nhà thờ đều
mở, ba cửa chính trước đại sảnh cũng mở rộng. Có lẽ ở đây thời tiết mát mẻ và khí hậu bốn mùa
ôn hòa, nên không dùng máy lạnh.
Bàn ghế trong nhà thờ đều cũ và trên thế giới nhà thờ Công Giáo nào cũng đều hao hao
giống nhau. Tâm điểm là Bàn Thánh, bên cạnh phía trái là giảng đài – bục công bố Lời Chúa và
phía sau trên cao là cây Thánh Giá có Chúa Giêsu chịu nạn – giang đôi tay bị đóng đinh.
Vì yêu thương, Ngài chịu chết vì tội lỗi chúng ta trong đó có tôi và có bạn. Cùng cánh tay
đó, Ngài cũng đang giang ra từng giây phút để mời gọi con người trở về từ những lầm lỗi, những
đam mê trần thế, những tham lam, sân si của thế tục… Bên phải là tượng Đức Mẹ, phía trái là
Thánh Giuse. Các tượng Thánh này đều tạc theo phong cách nghệ thuật của người Mễ (Mexico)
mà có lần tôi được xem trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại
Washington D.C. Hoa Kỳ – nơi tôi đang sinh sống.

Trong lòng Vương Cung Thánh Đường có rất nhiều Nhà Nguyện (Chapel) của nhiều
quốc gia. Những tác phẩm thánh trong các Nhà Nguyện này cũng được tạc theo phong cách văn
hóa của mỗi quốc gia. Tượng Đức Mẹ của người thổ dân Phi Châu là có nét đặc trưng nhất.
Nghĩa là Đức Mẹ với màu da đen bóng… Cũng như thể tượng Đức Mẹ La Vang của người Việt
Nam trong Vương Cung Thánh Đường này với khăn đóng áo dài là điều dễ hiểu.
Giáo Hội luôn khuyến khích mỗi quốc gia trở về với truyền thống văn hóa theo bản sắc
dân tộc của mình cho các công trình nghệ thuật "Thánh", từ những tác phẩm hội họa, thánh nhạc và ngôn ngữ…

Những bông hoa cắm trang hoàng trên bàn thờ hôm nay tôi thấy không mấy đẹp và thẩm
mỹ. Người dân ở đây hình như họ vụng về mặt chuyên môn nghệ thuật này thì phải. Nhưng tôi ý
thức là đang đến tham dự Thánh lễ mà không phải đi xem những tác phẩm hội họa để bình luận
hoặc phân tích.
Người Công Giáo ở Nam Mỹ nhất là ở quốc gia Mexico này chiếm tỉ lệ đông nhất. Có lẽ
vì sự sinh sản mỗi gia đình tự nhiên theo luật đạo nên dân số công giáo vẫn luôn dẫn đầu, hoặc
họ cũng có thể như thời cha ông chúng ta: ;Trời sinh trâu trời sinh cỏ", nên họ "vô tư và thoải mái trong văn hóa sinh đẻ chăng?
Kinh tế và văn hóa quốc gia này vẫn còn khoảng cách rất xa với thế giới bên ngoài –
nghĩa là cũng nghèo nàn và đói khổ. Vì đói khổ, nên mỗi năm người dân nơi đây đi bộ, lội sông,
vượt biên giới tìm đến các tiểu bang Texas, Arizona, Cali của nước Mỹ để đổi đời.
Dù cuộc sống nghèo nàn với những công việc chân tay nặng nề cũng như văn hóa rất
thấp, nhưng Đức tin của người Công giáo nơi quốc gia này rất đáng ngưỡng mộ và nể trọng so
với các quốc gia Châu Mỹ La Tinh.

Giáo Hội Công Giáo của quốc gia này cũng trải qua những thời kỳ bách hại, khủng khiếp
nhất là vào các năm 1920. Những người Công Giáo đủ mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi nơi đây đã
hiên ngang đứng dậy chống lại nhà độc tài tổng thống Plutarco Elias Calles vì muốn triệt hạ và
xóa bỏ Giáo Hội Công Giáo ở quốc gia này. Vũ trang trong tay của họ chỉ là cờ Đức Mẹ
Guadalupe. Họ hô vang khẩu hiệu "Viva Cristo Rey . Câu chuyện này đã được dựng thành phim có tựa đề là ;For Greater Glory; sản xuất năm 2012.

Gia đình tôi tham dự Thánh lễ này là tiếng bản xứ, nên tôi không hiểu vị linh mục chủ tế
qua bài giảng. Sinh hoạt trong ca đoàn nên tôi thường chú ý đến những bài thánh ca phụng vụ
mỗi khi tham dự thánh lễ. Tôi lắng nghe ca đoàn hát các bản thánh ca hôm đó.
Với một cây guitar, cây đàn bass và cây accordion cùng với một số ít ca viên mà đã hút
hồn tôi lắng đọng, nhất là qua bài hát trong phần hiệp lễ. Có lẽ bài hát có giai điệu đẹp, không
cầu kỳ phức tạp với tiết điệu lôi cuốn và thuyết phục, nên tôi càng chú ý đến từng câu, từng phân
đoạn âm nhạc của ca khúc. Dĩ nhiên ý nghĩa lời ca thì tôi chẳng hiểu gì vì họ hát bằng tiếng Mễ.
Thế rồi bài hát này đã để lại trong tâm trí và tiềm thức của tôi.

Bẵng đi một thời gian cũng lại vào một dịp vacation khác. Tháng 8 năm 2018, tôi lại đưa
gia đình đi nghỉ ở biển Miami, tiểu bang Florida. Dịp này cũng rơi vào những ngày cuối tuần.
Tôi hỏi thăm nhà thờ Công Giáo gần nhất để đưa gia đình đi lễ ngày Chúa Nhật. Đúng giờ lễ tôi
nhìn trước, nhìn sau, nhìn phải rồi trái, và gần như 99 phần trăm toàn là người Mễ (Người Cuba
ở Miami chiếm phần trăm rất cao). Tất nhiên thánh lễ vẫn là ngôn ngữ của Nam Mỹ và Chúa ơi,
vẫn là bài hát mà tôi đã nghe khi ở Cancun. Thật là hy hữu và kỳ lạ!
Giai điệu và tiết điệu của ca khúc này đã in sâu trong trí tôi nên mới dạo đàn là tôi nhớ
màu âm hưởng gần gũi và nhận ra khi câu đầu của bài hát mà ca đoàn vừa cất lên. Trước mặt tôi
là cuốn thánh ca, tôi nhìn lên bảng và dò số trang, rồi mở ra và đúng trang sách có bài hát đó. Bài
hát có tựa đề là Prayer of St. Francis và có thêm phụ đề tiếng Mễ.

Bạn mến,
Tôi nghĩ bài hát này có duyên với tôi vì hai lần đi vacation lại gặp đúng bài hát này khi
tôi tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật, và cũng là người Mễ hát với tiếng đàn guitar là chủ đạo.
Lúc đó tôi có ý tưởng là sẽ tập hát bài này cho chính mình. Về nhà, tồi ngồi vào cây piano gõ vào
giai điệu rồi xướng lên với những câu đầu: "Make me a channel of your peace…"
Ý nghĩa ca từ tôi thấy hay quá và mới đây, tôi quyết định chọn ca khúc này để chuyển
qua lời Việt. Tạ ơn Chúa, tôi đã hoàn thành!
Đây là bài hát thánh ca quốc tế rất nổi tiếng mà người Công Giáo khắp hoàn cầu không ai
mà không biết đến, ngoại trừ tôi vì chỉ biết mới sau này mà thôi.
Cách đây mấy năm, Cha An Bình ở California cũng có gửi bài này cho tôi để làm hòa
âm. Ngài muốn chọn bài này để hát trong buổi diễn nguyện thánh ca tại Nhà Thờ Kiếng – Christ
Cathedral. Nhưng rất tiếc vì năm đó bị Covid 19 nên chương trình bị hoãn.

Có lẽ nên nói thêm một chút câu chuyện của ca khúc này. Chúng ta đã nghe qua bài thánh
ca Kinh Hòa Bình của Lm. Kim Long, và biết rõ hơn lời ca là lời của Thánh Phanxico được Cha
Kim Long uyển chuyển phóng tác để thành một bản thánh ca bất hủ của người Công Giáo Việt
Nam mà khi cất lên thì ai cũng hát được.

Tưởng cũng nên biết một chút:
Trong Giáo hội, chúng ta có hai vị thánh cùng mang tên Phanxicô: Phanxicô Xavie và
Phanxicô Assisi. Lời bài hát này là của Thánh Phanxicô Assisi. Ngài sinh năm 1182 tại thành
phố Assisi thuộc nước Ý, là con của một thương gia giàu có, công tử thứ thiệt lúc bấy giờ. Thời
thanh niên chàng Phanxicô rất hào hoa; ăn chơi và phung phí. Vì sự nghiệp và công danh,
Phanxicô đi chinh phục vùng Gothie gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến
Phanxicô phải trở về quê hương. Lần này tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy
những thú vui kia dần mất hết những ý nghĩa. Phanxicô suy tư rồi đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn.
Một hôm đang trong buổi lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm "Các con hãy đi rao giảng Tin
Mừng…. đừng mang theo tiền bạc, bao gậy…." (Mt 10, 10) Phanxicô đã nhận ra tiếng gọi của
Chúa và bắt đầu thay đổi đời sống. Từ nay quyết tâm sống đời sống khó nghèo. Phanxicô vừa đi
rao giảng vừa khất thực.

Theo gương Chúa Giêsu, Phanxicô sống trọn vẹn trong sự khó nghèo. Chính vì thế mà
ngài hết lòng yêu thương những người nghèo khó, những bệnh nhân mà ngài nhìn thấy Chúa
Giêsu ở nơi họ. Thật nhiều điều tốt lành và thánh thiện mà ngài đã làm khi đương sống. Chúa đã
thực hiện qua cuộc đời của thánh nhân.
Một trong những hình ảnh đẹp nhất người ta không thể nhắc tới, nhất là trong hoàn cảnh
cuộc sống hôm nay. Đó là hình ảnh về một con người của HÒA BÌNH. Chính hình ảnh này mà
ngài trở thành một con người được nhắc nhở, yêu mến và tôn kính nhiều nhất trong Giáo hội và
còn cả ngoài Giáo hội nữa. Người ta tôn kính ngài như vị sứ giả của Hòa Bình.

Quả thật, Thánh Phanxicô Assisi là hiện thân của hòa bình. Rõ nét nhất đó là những lời
nguyện của ngài sau đây đã nói lên điều đó:

Prayer of St. Francis
Make me a channel of your peace
Where there is hatred let me bring your love
Where there is injury your pardon, Lord
And where there’s doubt true faith in you
Make me a channel of your peace
Where there’s despair in life let me bring hope
Where there is darkness, only light
And where there’s sadness ever joy
Oh Master, grant that I may never seek
So much to be consoled as to console
To be understood as to understand
To be loved as to love with all my soul
Make me a channel of your peace
It is in pardoning that we are pardoned
In giving of ourselves that we receive
And in dying that we’re born to eternal life

bai hat NGUON ON AN BINH.pdf

January 13, 2024

Discover more from VBHNVDBHK

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading