Những Cái Tết Tha Hương của VTS Thuý M

Xin mời quí vị nghe THÚY M tâm sự về Những cái tết tha hương của những năm đầu trên xứ lạ quê người thật xót xa, cảm động và cười ra nước mắt.
Thân mến – Hồng Thủy

Những Cái Tết Tha Hương

Tết Quý Hợi 1983

Cái Tết đầu tiên của tôi ở ngoài nước Việt Nam thân yêu là tại Hong Kong, trong trại tỵ nạn Chimawan, tọa lạc trên hòn đảo Lantau, cách xa thành phố Hong Kong một chuyến phà vượt qua biển. Năm 1982 ghe chúng tôi đi vượt biên xuất phát từ Bến Tre, định hướng sẽ đến Mã lai hay Singapore. Số phần run rủi ghe chết máy ngay khi vừa ra hải phận quốc tế, rồi cứ thế trôi nổi bồng bềnh, nương theo gió nồm, 18 ngày sau dạt đến… Hong Kong! Bước vào trại tỵ nạn khác nào sắp chết đi mà được cứu sống lại, nên ngày nào cũng vui như Tết. Rồi cái Tết thật cũng lừng lững đến mà mình không hay không biết, vì trong trại cấmxài lịch, ngày tây còn không có, thời gian chỉ đánh dấu theo thứ hai đến chủ nhật. Khi các nhân viên cai quản trại nghỉ cuối tuần không gọi thuyền nhân lên văn phòng khai báo hồ sơ thì biết đã đến ngày cuối tuần. Ngày ta tháng ta chỉ còn là khái niệm mù mờ. Thời may người Hong Kong cũng ăn Tết Ta như người Việt, nên ban quản trại cho chúng tôi biết rằng trại sẽ cho phép thuyền nhân được tụ họp tập tành văn nghệ để đàn ca tài tử mừng xuân.

Úi cha, thế thì phải chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì theo sau! Già trẻ lớn bé như vừa sực tỉnh khỏi cơn u mê trầm cảm dai dẳng bám lấy số phận thuyền nhân, bắt đầu háo hức nhắc lại những kỷ niệm ăn Tết quê nhà. Anh Hai Sài gòn chép miệng nhắc bánh tét bánh ít má gói, thịt kho dưa giá, chị Ba Đà Nẵng nhắc bánh lăn bánh nổ, chị còn nổi hứng vanh vách “dạy” bà con làm sao cho ngon, cho khéo, cho đẹp. Bà con học viên bu quanh há hốc mồm nghe chứ làm gì có nguyên liệu dụng cụ mà thực tập. Anh Sinh ngồi nhớ lại giò thủ thịt đông trong cái rét miền Bắc. Những quà đặc sản mang tính “vật thể” chẳng có được, thôi thì thuyền nhân quay sang những sản phẩm “phi vật thể” vậy. Ly Rượu Mừng, Hoa Xuân, Cánh Thiệp Đầu Xuân, v.v. bắt đầu được ê a, ư ử, rền vang thắm thiết. Đến khi có người bắt giọng Xuân Này Con Không Về thì nguyên cả ca đoàn, cả giọng chính lẫn giọng bè, bỗng quặt quẹo, yếu xìu đi rồi im bặt, mắt người nào người nấy đỏ hoe. Ôi nhớ nhà quá, nhớ mềm ruột mềm gan, nhớ phát điên đi được!

Ngày lại ngày các thành viên văn nghệ ráo riết tập dượt, những anh từng là trưởng ca đoàn trong nhà thờ, trưởng ban văn nghệ trong trường lớp bỗng được quần chúng “khám phá” qua đêm, bắt đầu thành “chức sắc” oai phong trong trại, mọi người đi đụng đầu đều nhoẻn nụ cười tươi, hớn hở chào đón. Trưởng trại ủng hộ một số phương tiện, hình như cây đàn thùng là món trợ cấp đáng giá nhất, còn thì y phục, sân khấu đều mang tính cách “miệt vườn”. Ngày trình diễn trưởng trại, phó trại, và các xính xáng cú lường (tiên sinh – cô nương) coi trại đều đến dự và vỗ tay nhiệt liệt mặc dù họ chỉ hiểu được lời chào đón và chúc Tết bằng tiếng Anh được đọc lên khi mở màn, còn toàn chương trình chăm phần chăm tiếng Việt phục vụ phe ta.

Trong bữa cơm ngày mồng một Tết mỗi người được đặc cách thêm một cái lạp xưởng, quà Tết của trại, thơm ngon cách gì!Ấy vậy mà những đứa xấu tính lại chơi khăm, ghét ai thì trịnh trọng chúc người ấy trong tương lai sẽ được ăn thêm một cái lạp xưởng nữa, tức là trù ẻo cho người ta bị rớt phỏng vấn phải ở lại thêm một năm!

Hình như tất cả mọi người đều may mắn lọt phỏng vấn, đến hè năm con hợi là lũ lượt xách va ly đi định cư, hưởng cái Tết sau tại một phương trời mới. Tuy nhiên cái Tết Quý Hợi tại trại tỵ nạn Hong Kong vẫn mãi giữ một vị trí trang trọng trong ký ức của mỗi người.

Tết Giáp Tý 1984

Không ngờ đây lại là một cái Tết buồn thảm nhất trong cuộc đời xa xứ. Ai cũng nghĩ được một nước thứ ba nhận cho định cư, bỏ lại những ngày bất ổn vô định tại trại tỵ nạn là có một tương lai tươi sáng mở rộng trước mắt. Thực tế thì kẻ tỵ nạn chân ướt chân ráo sang xứ sở mới là kẻ thua thiệt hơn hẳn mọi ngườitrong một xã hội đã ổn định, nơi mà ai cũng có công ăn việc làm, xe cộ thoải mái, đồng lương vững chải. Người tỵ nạn mới đến hai bàn tay trắng trơn, có vài chục bạc dành dụm từ trại tỵ nạn, vài bộ quần áo xin cứu tế không giống mọi người chung quanh, xe cộ không, bằng lái chưa có, lộ trình xe buýt không biết, v.v. Tôi vào làm chân bê bát đĩa tại một nhà hàng, đêm về ngủ trên chiếc giường nhỏ chủ kê trong nhà bếp vì gia đình ăn tại nhà hàng không dùng bếp tại nhà. Có lần ông chủ đang bị mất mặt vì bị vợ xài xể, gọi tôi đến nơi bàn ông đang ngồi lấy lại oai phong: “Cô Thúy này, tôi dạy cho cô biết nhé. Cô làm việc nhanhnhanh lên tí nhé. Chậm lụt như cô thì chỉ có ra đường cạp đất mà ăn!”

Ngày lễ được tổ chức năm ấy tôi còn nhớ là lễ Giáng sinh. Các con ông bà chủ tuổi thanh niên kéo bạn về nhà hàng làm bal bum sau khi nhà hàng đóng cửa. Mình làm việc cả ngày quần quật nào có ham gì chuyện ăn chơi, chỉ mong chóng được trở về góc bếp trong nhà chủ để nghỉ ngơi. Các khách được mời là giới sinh viên học sinh “Mỹ con” mình chả quen và không thấy hợp, nhưng phải ngồi ráng mỉm cười hưởng ứng và vỗ tay tán thưởng vì phải đợi tàn tiệc mới ké xe chủ về nhà. Ngày Tết thì hoàn toàn không có gì. Nhà hàng vẫn mở cửa phục vụ khách Mỹ. Chẳng ngạc nhiên khi ông bà chủ không chúc Tết cũng chẳng lì xì nhân viên, chỉ có những người làm tụ nhau trong bếp kể lại những kỷ niệm ngày xưa ở quê nhà. Một cái Tết không có Tết! Trong góc bếp tôi thầm nghĩ không biết Tết sang năm mình ở đâu, hy vọng là không còn ở góc bếp tối tăm buồn thảm này.

Tết Ất Sửu 1985

Một năm sau tôi đã thoát khỏi nhà hàng tạm dung, và thoát ra khỏi cả tiểu bang Florida đầy muỗi mòng buồn chán (người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?) Tôi được người dì đang dạy ESL (English as a Second Language) giới thiệu sang California dạy tiếng Anh cho học sinh đủ các nước, đủ chủng tộc mới nhập cư vào Mỹ học chuyên tiếng Anh để chuẩn bị hòa đồng vào hệ thống giáo dục phổ thông. Thế là tôi xách khăn gói bay sang xứ ấm mà tình cũng ấm luôn. Trở lại nghề dạy học như đã từng làm ở Viêt Nam, tôi vất vả đối phó với những khác biệt văn hóa tưởng như không vượt qua được. Người thầy ở Việt Nam dạy những sinh viên đã trưởng thành hiểu biết chỉ cần chú trọng về chuyên môn, đào sâu kiến thức và nghiên cứu. Dạy những cô cậu tuổi teen ở Mỹ đang ngơ ngác tại xứ sở mới lạ, bị cắt đứt khỏi truyền thống gia đình và những dây mơ rễ mái của giống nòi tại quê hương nên chỉ chực nổi loạn thì hoàn toàn khác hẳn. Giáo viên nào tay non không trị lớp được thì đừng hòng dạy được. Ngày cuối tuần tôi sống với những cơn nhức đầu đau như búa bổ, mờ cả mắt, tối tăm quay cuồng với bài toán làm sao giải quyết tình trạng hỗn độn vô trật tự trong lớp để hòng gửi gấm cho các em một ít chữ nghĩa.

Thời gian ấy tôi thuê phòng của một bà cụ người Hoa. Bà sống một mình, con cháu ở gần chung quanh nhưng không sống chung cùng bà. A Phò tiếng Anh bập bẹ vài chữ ngọng nghịu, tôi lục túi mót được vài chữ tiếng Quảng đông lượm được trong một năm ở trại tỵ nạn Hong Kong, còn cô học trò người Việt cũng ở thuê phòng nhà A Phò thì một chữ tiếng Hoa cũng không biết. Ba bà cháu cùng giao tiếp theo khả năng tốt nhất của mình. A Phò hay phát biểu Anh-Hoa để huề kiểu như: “Ngọ dậu tu mất chì rai xì!”

– Ngọ dậu = Tôi có, tiếng Quảng đông.
– tu mất chì rai xì! = too much rice, tiếng Anh

Ý rằng bà có rất nhiều gạo trong nhà, cứ lấy mà nấu cơm ăn!

Đôi khi có những sự hiểu lầm đáng tiếc không biết vì cản trở ngôn ngữ hay vì tính nết khó khăn bất thường của A Phò. Ngày giỗ bố tôi năm ấy tôi thưa với A Phò sẽ làm mâm cơm cúng bố. A Phò cười tươi ủng hộ, khen tôi là con gái có hiếu, cùng ngồi vào bàn ăn giỗ với tôi và em học trò. Ít lâu sau Mỹ Dung, em học trò, cũng thưa với A Phò em sẽ làm cơm cúng bà nội, vì bà nội nuôi em từ khi bố mất lúc em còn nhỏ dại. Đang bày mâm cỗ chưa kịp cúng kiến gì bỗng A Phò lên cơn giận dữ quát tháo: “Mi cúng bà nội mi trong nhà tao, trong khi tao vẫn còn sống, khác nào mi trù ẻo tao chết sớm như bà nội mi, hử? hử?” Ui cha, hai cô cháu lật đật khiêng bàn ghế chạy ra sân, bày biện lại cơm nước, lập cập đốt nhang khấn vái, đằng sau cánh cửa có đôi mắt cú vọ của A Phò chăm chăm nhìn ra theo dõi.

Cái Tết năm ấy là một cái Tết “đi nhẹ, nói khẽ” của hai thầy trò, vì chẳng biết A Phò sẽ chấp thuận những gì mình làm hay là lại chửi te tua bắt lỗi bắt phải!

Tết Đinh Mão 1987

Hai năm sau sức khỏe A Phò ngày càng sa sút nên con cháu đưa bà vào viện dưỡng lão. Họ bảo tôi tìm chỗ khác ở để họ bán nhà. Tôi đến share phòng nhà một một cặp vợ chồng xuất thân từ làng một đánh cá ở Nha Trang. Anh có tàu đánh cá rồi đưa họ hàng mấy chục người bà con đi vượt biên, cùng sang định cư ở California. Anh chị được chính phủ chu cấp housing, tôi và một chị bạn đồng nghiệp thuê hai phòng của anh chị nên tiền thuê cũng nhẹ vì đây là bổng lộc ngoài luồng của anh chị. Chúng tôi tự nấu ăn riêng nhưng hằng ngày đều thèm thuồng thán phụcnhững món ăn Việt nam truyền thống chị nấu cho gia đình. Ngày chủ nhật anh chị đánh xe xuống tận San Joe cách nhà 30 phút để đi chợ Việt nam. Về đến nhà là chị xăng tay áo vào bếp chế biến bún bò Huế, chả giò, cà ri, bánh xèo, đủ món và dĩ nhiên chúng tôi được thưởng thức ké.

Cái Tết năm ấy lần đầu tiên trong những năm xa xứ tôi được sống lại những truyền thống cổ truyền ngày xưa. Mỗi tối đi làm về là thấy một rổ dưa món mới cắt còn tươi rói để hôm sau phơi khô, hoặc thẩu mứt dừa, mứt gừng, cận Tết thì những đòn bánh tét xanh thắm muôt mà đang chuẩn bị vào nồi. Đêm giao thừa anh bày bàn thờ gia tiên tráng lệ với đèn, hương, hoa, quả, đến đúng nửa đêm thắp nhang khấn vái mời ông bà về ăn Tết. Ngày mồng một, mồng hai, mồng ba luôn luôn có mâm cơm cúng thịnh soạn, bà con chú bác đến thăm nhau, con nít được lì xì phong bao đỏ, người lớn chơi bài sát phạt ì sèo … Đối với tôi, điều làm tôi thấy rõ không khí Tết không phải là các món ăn cổ truyền, tiếng cười nói chúc tụng của mọi người trong nhà, mà là mùi trầm hương quyện lan khắp nhà. Hương thơm đặc biệt đó khiến tôi thả hồn về căn nhà ngày xưa, nhớ lại những bữa cúng giao thừa ngày ba mươi, cúng tất ngày mồng ba, khi ta có cảm tưởng như các cụ trong khung ảnh trên bàn thờ đã về chứng kiến và vui hưởng cùng con cháu qua làn khói hương thoang thoảng.

Những Cái Tết Tha Hương Bị “Ém” trong Đời Sống Bận Rộn Bên Mỹ

Rồi tôi di dời nhiều bận. Lần đầu dọn nhà có một va ly lưng lửng xách đi, lần sau túi túi bịch bịch chất đầy xe con, càng sau nữa thì thuê một xe U Haul để chuyển của cải. Càng hội nhập vào đời sống Mỹ thì con người càng bị lôi kéo vào chuyện cơm áo gạo tiền, ra sức học thêm, làm thêm để vươn lên bậc thang xã hội. Những ngày lễ Mỹ được nghỉ thì mình không có tập tục làm gà tây ăn lễ Thanksgiving, đi viếng mộ ông bà ngày Tưởng niệm tháng 5, tổ chức picnic ngày lễ độc lập tháng 7… như người ta. Những ngày lễ truyền thống Việt nam như Trung thu, Vu lan, Nguyên đán thì không được nghỉ nên đôi khi quên bẵng.

Khi mẹ tôi sang đoàn tụ, tôi vừa khuyến khích vừa hối thúc bà hội nhập, đi học lái xe, đi học lớp tiếng Anh tại trường dành cho người lớn. Hằng ngày mẹ nội trợ chăm lo nhà cửa hộ, con đi làm. Ban đêm con đi học lớp tối lấy thêm bằng cấp, mẹ đi Adult School học ESL. Có lần khi mẹ tôi đi học lớp đêm về cùng ngồi vào bàn ăn bữa cơm muộn, dọn sơ sài với món trứng chiên, tôi bật nhớ: “Ủa hôm nay mồng một Tết! Nhà mình ăn Tết với trứng chiên!” Thật là cười ra nước mắt! Khi kể cho một cô bạn khác nghe, cô cũng tự thú: “Còn em nè chị! Hôm giữa năm em chợt nhớ, đánh vào vai ông xã cái “chát”: “Thôi chết rồi anh ơi! Hôm ba mươi Tết cúng rước ông bà về ăn Tết mà mồng ba quên tiễn ông bà đi. Bây giờ là tháng 7 rồi!”

Nhớ lại những cái Tết ấm cúng ở nhà anh chị Két khi còn share phòng, tôi ngộ ra rằng Tết tại Ta. Mình có cung nghinh long trọng đón rước thì Tết mới về, còn mình bận lo cơm áo gạo tiền, “hy sinh hiện tại để củng cố tương lai” thì … đành chờ ăn Tết lớn trong tương lai!

Đón Tết Việt cho Con

Hơn nửa đời người, hơn chục năm sinh sống bon chen tại Mỹ, luôn phải “thu xếp”, “gói gọn” truyền thống để chật vật vươn lên, bà mẹ Việt bỗng thay đổi nhân sinh quan khi con trẻ cất tiếng khóc chào đời. Tôi bắt đầu lưu ý dạy con nói tiếng Việt, ăn thức ăn Việt, mặc áo dài xúng xính ngày Tết, dạy con khoanh tay, mớm từng lời cho con chúc Tết bà ngoại, chúc Tết mẹ. Những truyền thống bị lãng quên trong cuộc sống nhọc nhằn bỗng được trân quí trở lại.

Những ngày Tết khi con tôi còn nhỏ, nó tung tăng mặc áo dài, đôi khi được đội cả khăn đóng cùng vải khi gặp hên. Bảo là gặp hên vì các bà mẹ “chơi hụi” áo dài với nhau, ai có áo quần gì thì đóng góp, ai có con đúng tuổi hay vừa vặn vóc dáng thì “hốt hụi” mang về cho con mình mặc, năm sau lại trao đổi tiếp. Khi con trẻ lớn lên một chút, người lớn buộc bọn trẻ tự đặt lấy lời chúc Tết đối với từng người. Con bé của gia đình bạn tôi trịnh trọng vòng tay chúc tôi năm mới học giỏi, thi đậu, đến mẹ tôi cũng được chúc bà năm mới thi đậu luôn, cả nhà cười xòa. Con gái tôi thì tài khôn lái những câu chúc theo cuộc đời buồn vui của mẹ. Có năm nó chúc mẹ được boss thương, vì thấy tôi cứ về nhà rầu rĩ khổ sở với bà xếp nhỏ mọn. Có năm nó chúc mẹ cho thuê nhà có nhiều tiền vì năm đó tôi làm gan mua căn nhà cho thuê gầy vốn thì lại bị người ở quịt nợ chẳng trả tiền, thâm thụt nặng.

Tết Canh Dần 2010 – Một Cái Tết Đáng Nhớ Vì Thời tiết Chẳng Cho Phép

Từ ngày tôi dọn từ California sang Maryland thì bắt đầu hợp sức với các chị trong Hội Ái hữu Nữ sinh Gia long Miền Đông Hoa Kỳ hằng năm tham gia hội chơ Tết của cộng đồng. Chúng tôigây quỹ làm quà Tết cho thầy cô ở Việt Nam. Các chị trổ tài khéo trong bếp làm đủ các món dưa món, bánh tét, xôi vò, bánh bò, ô mai, v.v. biếu cho Hội bán lấy tiền. Của không vốn nên bán rẻ vẫn lời to.

Năm 2010 gặp phải một trận bão tuyết kinh khủng. Mới đầu tháng 12 tuyết đã phủ trắng đường xá, gặp đêm tôi chở con gái và bạn nó từ Virginia lội tuyết về Maryland. Chiếc xe nhỏ bé leo lên tuyết trắng phủ dầy mặt đường, gập ghềnh vượt từng dặm một về nhà. Lòng mình lo quặn thắt, sợ nhỡ chui xuống hố thì khổ bọn trẻ, lại không phải tất cả mấy đứa là con mình, bố mẹ chúng sẽ phản ứng ra sao? Từ chiếc radio trong xe xướng ngôn viên la ối a: “Bây giờ mới đầu tháng 12 thôi đấy, chưa phải là mùa đông nhé!”.

Năm đó có hai chợ Tết ở vùng Virginia: một chợ tổ chức 10 ngày trước Tết do cộng đồng Người Việt chủ xướng, và một chơ tổ chức tuần sau của Hội Cao niên. Đoàn thể chúng tôi tham gia chợ Tết 2 của Hội Cao niên. Trước chợ Tết 1 vài ngày, cả khu vực lại chìm trong bão tuyết nên chợ Tết 1 phải hủy bỏ. “Phe Ta” khấp khởi mừng thầm. Phen này ta độc quyền thao túng thị trường. Hỡi ôi, Trời chẳng chiều lòng người, hay đúng hơn là Thượng đế khá công bằng, mấy ngày sau, sắp đến chợ Tết 2, thì bổn cũ soạn lại, cả không gian mịt mù trắng xóa. Mọi người hồi hộp theo dõi tin tức. Ban tổ chức thuê trường học làm hội chợ ngày cuối tuần, mà trường phải theo lệnh của Ty giáo dục quận Fairfax. Ty cho nhóm chợ mới được, Ty bảo “Dẹp!” thì đành ôm lấy hàng ế mà…ăn!

Còn hai ngày nữa khai trương thì lệnh trên ban ra: “Dẹp!” Nghe tin mà rụng rời! Hàng họ phải chuẩn bị từ trước chứ đâu phải khuya sớm dậy nấu, hừng sáng bưng ra chợ như mấy bà bán xôi đầu ngõ đâu. Thế rồi phone, text, email nhốn nháo trao đổi qua lại: Hội chúng ta sẽ họp chợ chồm hổm tại nhà một chị trong Ban chấp hành. Cả bọn đánh xe vượt tuyết đến… ngồi chồm hổm! Cũng trao đổi ì sèo, mua qua bán lại vui như…Tết! Em lấy 2 lọ dưa món của chị, chị mua 5 gói ô mai của em, v.v. Cuối ngày bên bán cũng sạch hàng, bên mua quà đầy ních giỏ mangvề ăn nhà Tết, và ban thủ quỹ thì đầy túi để ra giêng gửi về Việt Nam biếu thầy cô!

Ôi, những cái Tết tha hương! Khi ôn lại thật là một trời ký ức đa dạng đủ màu sắc phản ánh những chặn đường truân chuyên hay êm ả của kẻ bỏ xứ ra đi. Những cái Tết gom góp lại từ kho tàng Tết dân tộc, được chút gì hay chút đó, đôi khi quá đơn giản chắp vá khiến mình chạnh lòng tiếc nuối những cái Tết đậm đà ấm cúng tại quê nhà. Tuy nhiên chúng tôi luôn nỗ lực nối kết với nguồn gốc, băng đại dương, xuyên qua các thế hệ, để lớp ngườidi tản/thuyền nhân ôn lại những cái Tết êm đềm của tuổi thơ, và để thế hệ các “Mỹ con” ngày nay vẫn nhớ đến dòng máu Việt chảy mạnh trong tim.

Thúy Messegee

1/8/2022


Sent from Regina’s iPad

– Last updated on Jan 15, 2022 by B-Lien (Em Bien Hoa)
January 15, 2022

Discover more from VBHNVDBHK

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading