Vũ Hối

Tiểu sử:

– Danh họa Vũ Hối, bút hiệu Hồng Khôi

– Họa sĩ, một thi sĩ và nhà nhiếp ảnh, nổi tiếng về hội họa của Việt Nam và quốc tế.

– Sinh ngày 22 tháng 11 năm 1932  tại làng Dương Đàn, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

– Tốt nghiệp kỹ sư ngành họa và trang trí ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.

– Từng là giáo sư hội họa tại Trường Trung Học Thủ Đô – Hậu Giang

–  Có tên trong tự điển Văn Học thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975

– Hội viên của   Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, Nhà Văn Việt Nam, Văn Học  Tam Cá Nguyệt San CỎ THƠM.

-Đã từng du học ở Hoa Kỳ tại các tiểu bang South Carolina và Georgia vào năm 1960

-Tên tuổi của Vũ Hối cũng đã đi vào Bách Khoa Tự Điển Larousse, bộ tự điển nổi danh nhất của Pháp và thế giới

-Được mời vẽ chân dung tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy-Được mời vẽ chân dung Đại tướng Creighton W. Abrams, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ ở Việt Nam
-Giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế năm 1963 tại Hoa Kỳ
-Có tên trong Văn Học Tự Điển thời Việt Nam Cộng Hòa
-Sáng lập trường phái Luân Vũ Họa (Paintings In Motion) và Thư Họa (Handwriting Painting)
-Được ghi danh trong Tuyển Tập L’ art de l’ ecriture, Paris 1993
-Nghệ sĩ Á Châu duy nhất được vinh danh về Sáng Tạo Nghệ Thuật cho thế giới, tại  Atlanta – Hoa Kỳ ngày 5-11-1994
-Được tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel tiếp kiến và nhận tranh “The Dream of Peace”  tại dinh thổng thống Praha ngày 5-9-1995
-Có tên trong “Vẻ Vang Dân Việt II” (The Pride of The Vietnamese Edition II) trong Tự  Điển Danh Nhân Thế Giới, ấn hành tại Anh Quốc năm 1998 (Dictionary of International   Biography 1998 – Cambridge – England)
-Tên tuổi Vũ Hối được ghi trong “5000 Persionalities of The World”, do American  Biographical Institute ấn hành năm 2000
-Có tên trong “Tự Điển Một Phần Tư Thế Kỷ Việt Nam Hải Ngoại” do Hội Văn Hóa Pháp-Việt (France-Vietnam Culture), ấn hành năm 2003 – Paris
-Nhà Thư Họa Việt Nam duy nhất được ghi tên trong “Tuyển Tập Thư Họa Bậc Thầy  Đông Phương”, ấn hành tại Tokyo – Nhật Bản năm 2006 (Volume 6 International  Editonal – Tokyo – Japan)
-Được Nghị viện Hoa Kỳ vinh danh là Chiến Sĩ Văn Hóa và Chiến Sĩ Nhân Quyền tích cực đấu tranh cho Tự Do – Dân Chủ – Nhân Quyền do nghị định số 322 tại Hoa Kỳ

 

Tác Phẩm đã phát hành:

-Mùa Giao Cảm (Thơ) 1958
-Vần Thơ Màu Trắng (Thơ) – La Poésie de Couleur Blanche, được phiên dịch ra Anh và  Pháp ngữ năm 1959 tại Sài Gòn
-Những Dấu Chân Đi (Truyện Ngắn), xuất bản năm 1960
-Hợp Tấu Thi Tuyển cùng 26 nhà văn hiện đại – Nhân Loại xuất bản năm 1969
-Chiêm Bao Trở Giấc (Thơ), xuất bản năm 1997
-Nghìn Thương Đất Mẹ (Thơ và Thư Họa), năm 1999
-CD Vũ Hối và Thơ Nhạc Trong Tranh do Nhật Trường Production thực hiện năm 2000
-CD Thơ Chiêm Bao Trở Giấc do nghệ sĩ Bích Ty- Hà Phương phát hành
-Thư Họa Trích Kiều, xuất bản năm 2003
-Thơ Vũ Hối (CD ngâm thơ)
-Tuyển Tập Mây Ngàn (Thơ – Thư Họa Vũ Hối), ấn hành tại Norway năm 2004
-Nghệ Thuật Thư Họa, năm 2007

 

Kính mời quý vị nhấp vào những tựa đề dưới  đây để thưởng thức

các thi phẩm của thi sĩ Vũ Hối

Sóng Lúa- Mẹ Tôi

 

Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Một  đời bạc vôi

Trắng xóa má i đầu

Bốn mùa mưa nắng

Gánh ưu tư, trĩu nặng mảnh vai gâỳ

Mẹ ơi! Mẹ  ơi!

Màu da mẹ 

 Sạm nắng rẫy khoai

Gương mặt mẹ 

Chằng chịt vết nhăn

Đường thăng trầm

 In rõ bước chân con

 Tình thương của Mẹ

Điệp trùng sông núi

Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Mẹ quên đời, tim lụn đèn khuya

 Từ phía mưa giăng

“ Bên ráo con ngủ

 Bên ướt Mẹ nằm”

Mẹ ơi! Một đời lạnh lẽo

 Nhớ về Mẹ!

 Mắt sao hôm nhấp nháy

 Một đời con hoài  niệm

Mẹ! Mẹ Việt Nam ơi!

 Vũ Hối

Cha Mãi mãi Trong Con
 
Mỗi lần nghe gió vi vu
Tưởng như vẳng tiếng lời ru Mẹ hiền
Mỗi lần nắng gội ngoài hiên
Tưởng như ấm lại cả miền đơn côi
Tưởng Cha, nhớ Mẹ xa xôi…
Tình đời bạc trắng như vôi mái đầu
Thương Cha bao độ bể dâu
Tình nhà, nợ nước, đêm thâu mỏi mòn…
Tình Cha vọng mãi trong con
Thuỷ  chung  vẹn chữ sắt son với đời
Thương Cha dầu dãi mưa trời
Chang chang nắng hạ chờ nơi cổng trường
 Đời cha chan chứa tình thương
Mong con nối nghiệp văn chương nếp nhà
Ngàn năm văn hiến nước ta
Năm châu nể phục, con là Việt Nam
Đời Cha lắm nỗi gian nan
Đoạn trường vạn nỗi, đếm ngàn thương đau
Nhớ Cha lòng bỗng nao nao…
Đêm đêm ướt gối, lệ trào, Cha ơi!
 Bây giờ cách vạn trùng khơi
 Cha ơi! Đâu nữa, nhớ Người, chiêm bao!
 Ơn Cha vời vợi trời cao
Phương này con đã nghẹn ngào Cha ơi!
Vũ Hối

Vòng Hoa Biển Mẹ

 

 Có một chiều mình tôi ra biển
Ngắm nhìn trời, nhìn biển mênh mông
Biển đông người
Sao tôi thấy quá lạc loài
 cả vùng trời hiu quạnh ở trong tôi
Năm ngón tay gầy, tôi viết bài thơ trên cát
 Sóng ập vào, thơ cũng lặng trôi theo…
 
Có một chiều, mình tôi ra biển
 Bãi cát vàng, sóng ồ ạt, nối đuôi nhau
 Tôi lặng vẽ vòng hoa trên hoa trên cát
 Khóc người thương, vùi thây Biển Mẹ 
 Chỉ vì giá đắt của Tự Do
 
Có một chiều, mình tôi ra biển
 Ngụp mặt vào biển mặn
 Và cúi đầu, khẽ lạy những người thương
Than ôi! độ ấy ra đi thành vĩnh biệt
Thôi, một lạy này.
 Xin kính cẩn dâng Người…
Nước mắt tôi rụa ràn hòa biển mặn
Ôi! Đại dương hỡi!
Có linh thiêng xin gởi
 Lệ cho Người
Lệ đổ khóc quê hương!…
Vũ Hối

Lãng Đãng Cõi Thơ
 
Chút gì trong nắng phù du
À ơi!… đứt ruột lời ru Mẹ hiền
 Chút gì lảo đảo cành nghiêng
 Nhớ  cha vời vợi, khối  miên man sầu
 Chút gì trong sóng bể dâu
 Mặn môi son nhạt vạn câu đoạn trường
Chú gì giữa cõi tuyết sương
 Giá băng tim lạnh, phố phường ngủ yên
Chút gì đắng giọt lệ huyền
Vàng tay khói trắng lạc miền cô đơn
 Chút gì trong gió chập chờn
Đèn khuya soi bóng cầu vòng tử sinh
 Chút gì nghiệt  ngã điêu linh
Sao đành câm nín lặng thinh giữa đời…?
Chút gì bàng bạc mây trời
 Sử xanh ấn tượng một thời đã qua
Chút gì trong mắt  nhạt nhòa
Mù tăm mồ mẹ, la đà gió bay
Chút gì thao thức miệt mài
 Gò xưa ngủ với hình hài cha ông
Chút gì réo gọi ngàn thông
Lời  thề buổi  ấy, núì sông đợi chờ
Chút gì lãng đãng cõi thơ
Cố nhân hun hút, ngẩn ngơ người còn
 Chút gì còn với mỏi mòn
Liêu trai hư thực, vuông tròn trong tranh
 Chút gì đáy cốc long  lanh
Rằng đây vẫn gọi… âm thanh cõi về
Chút gì huyễn mông lê thê
Không câu giã biêt mà tê tái lòng
Chút gì thương thưở long đong
Trở trăn vềmãi đường cong quê mình
Chút gì vùi giữa cuộc tình
Người ơi nỗi  nhớ lênh đênh phương này
Vũ Hối

Bông Bí Trắng
 
 Hương quê bát ngát tình quê mẹ
Nhìn bông bí trắng, nhớ vườn xưa!
 Văn thơ trăn trở, sầu ly khách
Thương mẹ hiền, dầu dãi nắng mưa
 
 Mái tóc bạc phơ màu bông bí
Mẹ tảo tần, rẫy sắn vồng khoai
 Chiều chiều đợi con, ngoài đầu ngõ
Đêm đêm thao thức tiếng thở dài!
 
 
Mai con sẽ về trong nắng mới
 Mẹ hiền ơi! Khỏi phải chờ trông
Mẹ Việt Nam nghìn đêm trăn trở
Hai vai gánh nặng, nợ núi sông!
 
Nhìn bông bí trắng, nhòa mắt lệ
Bạc trắng như vôi tóc Mẹ hiền
Mòn mỏi đợi con, hiên vườn cũ
Trọn đời, tình Mẹ mãi không quên!
 
Mẹ ơi! mấy mùa bông bí nở
Là đã mấy mùa, con tái tê!
 Chẳng tròn giấc ngủ, nghìn đêm nhớ
Tình con thắm thiết mãi hương quê!
Vũ Hối

Bức Tranh Sông Núi

 

 Núi sông còn mãi bên nhau.

Phải chăng núi thích lao xao vỗ về

Hay là sông muốn núi kề

Để cho sông khỏi bốn bề quạnh hiu!

Hay là sông ngại nắng chiều

Núi cao che bớt ít nhiều xông xao

Núi non quê mẹ lao đao

Âm thầm sông rửa niềm đau quê mình

Ai hay sông núi hữu tình

Còn sông, còn núi, còn mình bên nhau

Sông dài, trời rộng núi cao

Trăng khuya vời vợi dạt dào tình quê

Buồm xa thấp thoáng đi về

Vi vu gió núi nặng thề nghĩa sông!

 Điệp trùng sông núi mênh mông

 Nắng mưa nghiệt ngã, nữa vòng bể dâu

 Trăng khuya nhớ bóng bạc đầu

Thương sông núi đứng dãi dầu từng đêm

Thông reo như tiếng Mẹ hiền

Lời ru vọng cả hồn thiêng núi rừng

Vũ Hối

.

 
IMG_3033.JPG
 

Hai “mâu thuẫn” lớn của họa sĩ Vũ Hối – Sơn Tùng

Hai mâu thuẫn” lớn của Họa sĩ Vũ Hối
Sơn Tùng
 
Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật người Việt hải ngoại có lẽ Họa sĩ Vũ Hối là người nổi danh nhất, trong cộng đồng ta và với quốc tế.
 
Vũ Hối là người đã sáng lập ra Trường phái Thư Họa (Handwriting Painting) và “Paintings in Motion” nên rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại với những bức thư họa các câu thơ hay danh ngôn viết đẹp như “rồng bay phượng múa” để đóng khung treo tường rất hợp cảm quan đại chúng.
 
Tại Vùng Washington, nơi ông Vũ Hối cư ngụ từ năm 1991, có thể nói gần như “trong nhà người Việt nào cũng có treo thư họa của Họa sĩ Vũ Hối”, và ông cũng nói với tôi mỗi khi ông tới nào bà con cũng xếp hàng dài để mua một bức thư họa về treo trong nhà, nghe đâu do lời đồn trong nhà có treo một bức thư họa của ông thì…làm ăn phát tài!
 
Cũng do thư họa, Vũ Hối đã đi vào lãnh vực hội họa quốc tế, được Học Viện Cambridge tại London chọn làm “Man of year 1994” và có tên trong “Five Thousand PERSONALITIES OF THE WORLD” của The American Biographical Institute năm 1996.
 
Ngoài thư họa, Vũ Hối cũng đã vẽ những bức tranh nhiều màu “nóng” và rất “ấn tượng”. Ông đã đoạt Giải Nhất Hội Họa quốc Tế của Hoa Kỳ năm 1963 với họa phẩm “Mộng Hòa Bình” (Dream of Peace), bức tranh mà vào năm 1995 ông đã tận tay trao tặng Tổng thống Tiệp Khắc Vacla Havel tại Praha.
 
Vũ Hối đã được “trời cho” biệt tài hội họa với hoa tay hiện ra trên cả mười đầu ngón tay. Nhưng, ngoài hội họa, ông còn là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng.
 
Đa tài như vậy, nhưng Vũ Hối là con người rất khiêm tốn, hiền lành, luôn miệng cười và nói năng nhẹ nhàng, ân cần với mọi người, dù là với một đứa bé.
 
Trong “Thư họa TRUYỆN KIỀU NGUYỄN DU”, Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã viết về Vũ Hối như sau:
 
“Trước khi gặp Vũ Hối, tôi đã được coi nhiều thư họa của anh, ở nhà bè bạn, ở những miếu đường, ở những tập báo xuân hay đặc san, ở những buổi lễ truyền thống tôn nghiêm, hay kỷ niệm hôn phối trang trọng, trông nét bút anh trình bày trên những mảnh lụa Hà Đông màu ngà bay phất phới linh động, luôn luôn được trịnh trọng đón nhận, mà liên tưởng tới cảnh “Ngũ Phụng Tề Phi” khi xưa, nơi địa linh nhân kiệt của anh. Tôi cũng được đọc một cách thích thú nhiều bài thơ của Vũ Hối, nặng tình gia đình và tình quê hương, và đặc biệt “Chiêm Bao Trở Giấc” của anh mà tôi trân trọng lưu giữ. Nhiều bạn văn thơ của tôi như Hà Thượng Nhân, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Hà huyền Chi, Duy Năng… đã viết những vấn thơ cảm đề gửi tặng. Nhiều nhạc sĩ tài danh đã mượn lời thơ của anh để phổ thành ca khúc.
 
Tôi lại được biết anh cũng là một nhiếp ảnh gia có hạng, nhưng chỉ mới được nhìn một tấm ảnh của anh chụp mấy nhánh cỏ khô vàng hiu hắt bên một mái tranh nghèo nơi quê mẹ khi xưa, in ở bìa sau của tập Thơ và Thư Họa mới nhất của anh. Để có tập thơ và thư họa này, tôi đã đứng xếp hàng để đợi lượt ghi danh và nhận từ tay tác giả Vũ Hối được các thân hữu mến mộ mời về vinh danh ở Hí viện Le Petit Trianon ở San Joase, California vào năm 2000.
 
Cô cháu gái ngồi ghi tên, là ái nữ Giáo sư Vũ Ký, nhận ra tôi và nói cho họa sư được biết. Anh đứng ngay dậy và hoan hỷ chào mừng, nhưng tôi không muốn để đồng hương khác phải chờ đợi nên xin đi ngay vào chỗ ngồi trong rạp hát lúc đó đã gần kín người. Dân Việt miền Bắc Cali đã hân hoan đón chào nhà thi, thư, họa sĩ cũng như những người đồng hương ở Nam Cali, ở miền Đông, miền Nam, miền Bắc Hoa Kỳ, ở Âu Châu, cũng như ở Á Châu, nơi đâu có người Việt dàn trải cư ngụ từ sau ngày quốc biến năm 1975, mà Vũ Hối đặt chân tới, cũng có sự vui mừng tiếp đón con người đã mang tinh hoa của đất nước lại cho miền đó.
 
Nhìn anh trên sân khấu nhận những bó hoa đưa tặng, những lời chúc tụng chân thành vói dáng điệu khiêm cung, tôi đã được một buổi chiều thoải mái chiêm ngưỡng một hình ảnh rất đẹp, qua dáng người mảnh mai mà lại có hùng khí, một thái độ anh dũng bất khuất đã giúp anh trải qua được những ngày khổ nhục trong trại tù Cộng sản. Trông thấy sự ân cần của anh khi nhận bó hoa từ tay một thiếu nữ, và đôi bàn tay nắm chặt khi tiếp nhận bảng danh dự  một cựu chiến hữu đưa tặng, tôi nhận thấy ngoài cái tinh hoa đã chứa đầy, cô đọng trong con người anh, nay tới đây đã được tỏa ra và thêm vào cái chân tình yêu thương va quý mến, cùng một lúc anh đã đưa những vinh hoa nhận được trên hoàn vũ về cho người đồng hương. Và tôi đã nhận thức được rằng, anh đã được sự thương mến của mọi người có mặt.” (ngưng trích)
 
Không thể nào viết đúng hơn và đẹp hơn về con người Vũ Hối.
 
Vũ Hối “được sự thương mến của mọi người” vì ông rất hiền lành, dễ mến. Nhưng nếu ai nghĩ rằng con người hiền lành ấy có thể cũng mềm yếu, dễ khuất phục sẽ là một sai lầm quan trọng. Và ông đã có dịp thử thách qua những năm tháng bị “Giải phóng” khóa chân trong nhà tù Phan Đăng Lưu và khám lớn Chí Hòa.
 
Những kẻ quen dùng bạo lực khống chế người khác để khoa trương “chính nghĩa” của … cách mạng, cuối cùng đã phải cúi mặt để “con người hiền lành nhưng bất khuất” ngẩng cao đầu ra khỏi nhà tù sau khi chúng đã dùng mọi cực hình mà không bẻ gẫy được ý chí của ông.
 
Vũ Hối đã bị bắt và tống vào nhà tù năm 1976 cùng với nhiều văn nghệ sĩ miền Nam thời ấy bị gán cho cái tội danh là văn nghệ sĩ phản động. “Cách mạng”  đã dựng ra kịch bản cho một vụ án lớn gọi là “biệt kích cầm bút”, tay sai CIA để chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa và đã ép những người bị bắt giam nhận tội để đem ra “tòa án nhân dân” xét xử  với những bản án đã được làm sẵn để tuyên truyền và răn đe.
 
Cũng như những bạn tù khác, Vũ Hối đã bị lũ “quỷ đỏ” mang hình dáng đồng chủng ngược đãi, hành hạ đến bị mù một mắt sau khi chúng đã dùng những lời lẽ ngon ngọt của mớ kinh điển Mác-Lê ba xu để dụ dỗ không kết quả.
 
Đòn thù giáng xuống mù một mắt
Hai chân cùm vết sẹo còn nguyên
Gương nghìn xưa chí hùng bất khuất
Quyết xả thân tranh đấu nhân quyền.
 
Mấy câu thơ đầy hùng khí trên đây của Vũ Hối khi ra khỏi tù là kết quả của những năm “học tập tốt” trong trại “cải tạo” cộng sản, và đã bộc lộ cái “mâu thuẫn” lớn trong con người ông: coi hiền lành dễ thương nhưng là một chiến sĩ tự do bất khuất trước giặc thù.
 
Và, từ “mâu thuẫn” trên đây đã đưa đến “mâu thuẫn” thứ hai cho thấy Vũ Hối không làm thơ để nói lên khẩu khí xuông. Bị mù một mắt vì “đòn thù” cộng sản nhưng ông không ngồi yên một chỗ để sống phần đời còn lại như một phế nhân.
 
Được Nghi sĩ Bob Dole can thiệp bảo lãnh sang Mỹ năm 1991, được hít thở không khí tự do, được tự do vẽ, tự do làm thơ, tự do nói, Vũ Hối đã “xả thân tranh đấu” cho tự do, nhân quyền của Việt Nam.
 
Bị hư một mắt nên không thể lấy bằng lái xe trong một đất nước mà người không có bằng lái xe bị coi như… không có hai chân, nhưng có thể nói Vũ Hối là người “đi” nhiều và đi xa nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Thật vậy, không kể sự có mặt của ông trong những sinh hoạt của cộng đồng người Việt Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, ông thường được cộng đồng người Việt khắp nơi mời đi và được tiếp đón nồng nhiệt như ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã viết.
 
Một năm mười hai tháng, ít khi ông Vũ Hối có mặt ở nhà, kể cả ba ngày Tết. Ông cho biết sống trên đất Mỹ gần 30 năm, ông chỉ được ở nhà ăn Tết với gia đình có… một lần! Ông Vũ Hối được tự do bay nhảy cũng do sư thông cảm và hổ trợ của gia đình. Có lần gọi điện thoại hỏi thăm, bà cho biết ông không có nhà, tôi nói đùa: “Chị cứ cho anh ấy đi hoài coi chừng có ngày cô nào rước mất.” Bà chỉ cười và nói đùa: “Cô nào rước thì tôi cho luôn!”
 
Nhưng từ hai năm nay, bà không còn lo cô nào rước mất chồng vì ông Vũ Hối đi không nổi nữa, do tuổi hạc đã gần chín mươi. Khi không đi được thì ông ở nhà tiếp khách và tiếp tục chống cộng.
 
Lần gần đây nhất tôi cùng vài anh em tới thăm Họa sĩ Vũ Hối, ông cho biết vừa mới trải qua một cuộc giải phẫu tim và trái tim đã ngưng đập trong ba phút sau gần một thế kỷ làm việc không ngừng nghỉ, “nó không nghỉ luôn nên hôm nay anh em mình còn gặp nhau”. Tuy nói vậy, nhưng giọng ông vẫn trẻ và ấm áp, ân cần như mọi khi. Nếu ông không nói thì không ai biết ông vừa … chết đi sống lại.
 
Ông cho biết vừa ngồi dậy được lại bắt tay cố làm cho xong tập thơ của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện viết theo nghệ thuật thư họa để ông Đinh Hùng Cường xuất bản, một công việc mà ông cảm thấy có nhiệm vụ phải làm khi trái tim còn đập.
 
Tôi đã viết những gì còn có thể viết về Họa sĩ Vũ Hối sau khi nhiều người đã viết về ông. Đang định chấm dứt ở đây thì tôi nhớ tới một chuyện nhỏ, rất nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn, rất lớn.
 
Cách đây đã lâu, một lần tới nhà thăm Họa sĩ Vũ Hối, tôi có dắt theo cô cháu nội, lúc đó chưa tới mười tuổi. Cháu rất thích vẽ, đi đâu cũng đem theo tập giấy, ngồi đâu cũng cắm cúi vẽ. Lần tới nhà ông Vũ Hối, trong khi người lớn nói chuyện với nhau thì cháu ngồi vẽ. Ông Vũ Hối ghé mắt nhìn và khen cháu có năng khiếu về hội họa. Từ đó về sau, mỗi lần tới nhà Họa sĩ Vũ Hối, tôi không dắt cháu theo, nhưng mỗi lần gặp tôi, ông Vũ Hối đều ân cần hỏi thăm về cô cháu nội tôi, với những lời lẽ thật dịu dàng thân thương làm tôi cảm động. Lần thăm ông mới đây sau mấy năm không gặp, tôi nghĩ ông Vũ Hối chắc đã quên cô cháu bé mà tôi dắt theo năm xưa, bây giờ đã là một thiếu nữ đang học năm chót bậc trung học. Nhưng, với tất cả ngạc nhiên và cảm động của tôi, ông Vũ Hối lại ân cần hỏi thăm về cháu như những lần trước.
 
Khi ấy tự nhiên trong đầu tôi vang vang một câu hỏi: tại sao con người với tâm hồn cao đẹp, hiền lành, nhân hậu, một nghệ sĩ tài đức như vậy, lại không tìm được một khoảng không gian an bình để sống trên quê hương mà ông rất yêu thương? Ai đã có thể nhân danh những điều hay đẹp nào để đày ải, hành hạ con người ấy còn tàn bạo hơn loài hoang thú? Đất nước Việt Nam bây giờ có còn ai băn khoăn, ray rứt với những câu hỏi nhỏ bé, bình thường như vậy?
 
Trong màn đêm tối đen, chỉ có sự yên lặng.
 
Sơn Tùng

Ra Mắt Thi Phẩm

Nghìn Thương Đất Mẹ

của thi sĩ Vũ Hối

Chương trình Thơ Nhạc Quỳnh Lan

về những vần thơ của Vũ Hối

Kính mời quý anh chị thưởng lãm

Chương trình Vinh Danh thi họa Vũ Hối 

tại Dallas, Texas ngày 27 tháng 5 năm 2007

 

 

 

Kính mời quý anh chị theo dõi phóng sự của Mỹ Lan

Chương trình Ca Nhạc đặc biệt có sự hiện diện

Thi-Thư Họa Vũ Hối và Nhà Văn-Thi Sĩ Nguyễn Phan Ngọc An

 
 

Cung Thị Lan và thi thư họa Vũ Hối

 Thi thư họa Vũ Hối và Đăng Nguyên, Cung Thị lan, Lãm Thuý,

Nguyễn Thị Thanh Bình

Thi thư họa Vũ Hối và thi sĩ Luân Tâm

Thi  thư họa Vũ Hối và thi sĩ Cao Nguyên
Cung thị Lan created on July 22,2020, updated August 08,2020
July 8, 2020