VÕ HƯƠNG PHỐ

Kính Mời quý vị nhấn vào các tiêu đề dưới đây để thưởng thức các tác phẩm của văn thi sĩ Võ Hương Phố

Trang Thơ của thi sĩ Võ Hương Phố

Hương Xưa Áo Tím

Về nguồn nước mắt dòng sông nhớ

Áo tím qua đò thương hương xưa

Mắt mẹ mắt em hồn tôi chở 

Sương mờ kỷ niệm tình đầu đưa…

                            MD.10/27/20

                            LuânTâm

Thân cảm tặng “KHUNG TRỜI XƯA”

&TG.VTS.Võ Hương Phố 

           Khung Trời Xưa

 

                 Mỗi lần gió thu sang

                  Tôi lại vội trở về 

                  Thăm phố xưa nho nhỏ

                  Thâm thấp nhà bên sông

                 

                   Mẹ ngồi chong đèn chờ

                   Tiếng sông còn hát ru

                    Nước buồn mắt em tôi

                    Trên phiến đá xuân thì

 

                   Phố quen tôi lại qua

                   Người mù vẫn hát hoài

                   Bên đường còn hoa tím

                    Tình xưa vẫn tạ từ

  

                   Lượm cánh phượng không thắm

                   Tóc mai đã thôi thề

                   Quán cà phê vắng hiu  

                    Trên tường câu thơ vụng

 

                   Chiếc xe đạp chông chênh

                    Nhớ chiều vàng đến hẹn

                    Cổ thành nay đã khép

                    Đóng kín mối tình đầu

 

                   Aó lụa ngà thầm nhớ

                   Ngày xưa mưa ướt vai

                   Tay gầy nhớ bàn tay

                   Chiều bóng đổ giảng đường

 

                   Con sông xưa vẫn trẻ

                    Vì sông biết cuốn trôi

                   Tôi nhìn tôi trên nước

                   Con đò già như tôi

              

                   Về thăm chút nhớ thương

                   Gói đầy những nụ cười

                   Mỗi ngày đọc bài thơ

                   Lỡ mai này không về

 

                             Tháng giêng, 2017

                           Võ Hương Phố

Tím Huế trên phố - Tin tức Huế

 

Kính mời quý anh chị thưởng thức các tác phẩm văn xuôi của văn thi sĩ Võ Hương Phố

Có Phải Là Tình Đầu

 

 

             Đêm chìm sâu trong bóng tối đen thẳm. Âm thanh trong đêm khuya chỉ còn lại tiếng động nhẹ và đều của chiếc đồng hồ treo tường. C tiếng thở dài và than nho nhỏ của mẹ tôi kẻo sợ con gái thức giấc: “Biết rứa! Mình không để cho con học đại học. Học xong thì cũng chỉ cầm cày cầm cuốc! “

             Nằm sát bên con, mẹ tôi lặng lẽ chảy từng giọt nước mắt trên chiếc gối cũ khi nhận biết những cử động mệt mỏi khi tôi trở mình, rồi nghe những tiếng rên đau nhức vì những vết bỏng đỏ rát trên hai bàn tay mịn màng của con mình.

           Sau mười ngày dưới cái nắng thiêu đốt của công trường thủy lợi Nam Sông Hương, từng nhóm đông của lớp thanh niên phường khóm như những đám kiến khập khểnh khiêng từng viên đá khổng lồ, thông đường cho giòng nước từ con song Hương lớn để đưa nước vào vùng đồng bằng. Một công trình mà kết quả chỉ là những vũng nước nhỏ đọng lại bên chân núi sau những cơn mưa mùa hạ. Tôi được gọi lên đài kiểm soát của công trình để nhận phép trở về lại nhà vì được lệnh gọi bổ nhiệm.   

              Giấy gọi bổ dụng được gửi về sau một năm chờ đợi. Cả một năm tôi quên mình để thành một người mới, để được xếp loại tốt cho một hồ sơ mới. Giấy bổ nhiệm nay chỉ là tờ giấy có in cái khuôn dấu mới. Lời chúc mừng của người cán bộ chủ nhiệm phòng nhân viên của sở Giáo dục Thành phố Huế như những luận điệu quen thuộc hàng ngày khi tôi sinh hoạt tại địa phương. Điều phủ dụ người sinh viên ngành sư phạm 4 năm vừa tốt nghiệp là phải lao động tốt, học tập tốt để cho chính mình mau được bổ nhiệm, cho gia đình được ở lại thành phố, và cho cha mình sớm được trở về từ những dãy nhà lộng gió núi, đó là dãy nhà lá thô sơ đã được vội vã dựng lên.

 

          Thế là tôi đã quăng mình vào những hoạt động, công tác phường phố. “Học tập tốt, lao động tốt.” Cái tốt không biết phải định nghĩa, xác định như thế nào. Dù tôi đã học xong và làm tốt lao động ở trường rồi. Còn danh từ tổ dân phố, khu phố… , thôi kệ, cứ lăn xả, lao vào. Mơ ước về thế giới lý tưởng cho người sinh viên đã bị bôi xoá trên trang giấy.

            Tà áo dài lụa láng sinh viên tôi thường hay mặc nay lại nhường ngôi cho những chiếc áo ngắn cụt bà ba. Chiếc quần dài satin đen, nay quấn tròn cao quá gối của đôi chân thon để nhúng vào bãi sình thuỷ lợi. Rồi lại trèo núi trồng cây xanh, đào hồ nuôi cá, ôm những hòn đá núi vỡ vụn để ngăn đập đưa nước về. Tuổi trẻ và hố bùn thuỷ lợi như gần nhau hơn. Ngày như dài thêm với bầu trời đầy nắng cháy hai vai. Đêm đến là những lời thở than cùng mẹ. Tôi chỉ nghĩ về những thiếu thốn cho cả nhà khi cố dè xẻn để bới xách cho ba mà chỉ một mình mẹ lo toan. Cái vốn chữ nghĩa đành phải chịu cho số phận cùn quặt. Trước mắt chỉ là một mớ rau xanh, nồi cơm nấu chung với ngô khoai để mưu sinh. Từ nay, đối mặt với tôi là cả một trường tranh đấu với cuộc sống mới.

 

 

        Tờ giấy gọi bổ nhiệm như một tia nắng mong manh. Tôi bỗng thấy một số phận mới bắt đầu gắn liền với cuộc đời mình từ đây. Số bạn cùng khóa đều đã bị đưa đi xa, có đứa lên tận vùng cao, nhiều đứa lại ra tận vùng xa của cuối miền Trung giáp sát miền Bắc. Phần tôi, vì cái vận vẫn còn may mắn hay số điểm ra trường khá hơn các bạn nên được ở giữa miền Trung. Một vùng quê xa thành phố Huế khoảng ba tiếng đồng hồ bằng xe đạp. Đó là nơi tôi phải đến, không còn một chọn lựa nào hơn.

            Chiếc áo dài lụa tím than lại được khoác lên lại cái dáng mảnh mai dịu dàng. Những dấu vết nắng gió của công trường nhạt dần trên khuôn mặt . Đuôi tóc cột cao lại được thả dài đổ xuống đến ngang lưng quấn quýt theo hai tà áo. Ngày đến trình diện đầu tiên tại trường, tôi như lạc lỏng trong chiếc áo dài sinh viên. Chung quanh toàn những chiếc áo ngắn bạc màu, tay xắn cao, chiếc quần tây dày cộm che kín nét mềm phụ nữ. Những tia mắt xa lạ của người mới. Những làn sóng mắt gần gũi của đám thầy giáo cũ, những gì đã qua, nay nhớ, bỗng quen thuộc, bỗng gần gũi. Hiệu trưởng Thịnh, vẻ vui mừng sáng hẳn khuôn mặt nông dân chỉ trang bị với số vốn tri thức sư phạm 7 cọng 3, tuyên bố bằng một  giọng nặng địa phương với hội đồng giáo viên trong buổi họp:

            – Trường ta hôm nay có thêm một nữ giáo viên “bề” lắm!

             Một cú đập nhẹ nhàng vào buổi họp hội đồng giáo viên lần này. Mọi người như lạ lùng vì sự xuất hiện của một dáng dấp còn đậm dấu phố phường. Căn phòng họp phảng phất những vạt nắng vàng trên tà áo lụa của sân trường đại học. Không gian quạnh quẽ xa vắng của ngôi trường trung học nhà quê bỗng dưng dậy sáng. Trường chỉ có một lớp 10, tôi được nhận lớp. Còn lại là những lớp của cấp hai. Chiếc áo dài tím mong manh lại có sức tỏa mạnh, thu hút cả đội ngũ giáo viên ngay từ phút đầu.

         Vào nhận lớp mới, cô giáo mới rụt rè như học sinh mới. Lớp học cũ cùng bàn ghế cũ, cùng những khuôn mặt ngây thơ rám nắng của đám học trò có nam có nữ. Học trò con gái nhìn nhau, rồi mở to mắt lạ lẩm nhìn cô giáo mới toanh. Cô giáo mới ngại ngùng nhìn học trò để làm quen lớp. Tiếng ong nhao nhao:

            – Cô ơi, cô chủ nhiệm lớp tụi em đi cô.

            – Cô ơi, cô đừng chọn lớp khác nghe cô.

            – Cô ơi, cô mặc áo dài đẹp quá.

            – Cô dạy xong tụi em dẫn cô đi nhổ sắn.

            Cơn gió đầu thu lung lay ngọn lúa. Tia nắng vàng nhảy nhót đến tận chân trời mới thật xa lạ đối với cô gái về từ chốn thành thị. Hương mùi sửa lúa non theo những làn gió đồng nội mênh mang, thoảng qua sân trường trống trãi không một gốc bàng già hay hàng phượng xanh trong nắng. Đám học sinh nhà quê lếch thếch với chiếc khăn quàng đỏ, áo sơ mi trắng nhuốm màu đất đang xếp hàng chờ đợi vào lớp. Nhóm thầy cô mới từ phía bên kia giòng sông, ồn ào, nói cười như cơn lũ ào ạt cuốn trôi những phẳng lặng, bình yên của ngày nào. Còn tôi và nhóm thầy cô cũ, thuộc diện “lưu dung” cùng vẽ ưu tư nặng chĩu. Cúi đầu nhận chịu. Đầu hàng một vận mệnh. Và rồi tình yêu vẫn nở hoa trong một góc đời mới cuả một cô gái trẻ.

 

Mối tình thứ ba.

 

            Có một nhà thơ lớn đã từng định nghĩa tình yêu:

 

                         Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,

                        Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.

                        Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

                       Bằng hương nhè nhẹ gió hiu hiu.

                                                                   XD

 

             Tôi nhận ra được một điều gì đó như cơn gió hiu hiu thổi vào hồn đứa học trò lớp 10 của tôi chủ nhiệm.

            Một sáng cuối thu. Bầu trời trong xanh và cao. Tôi mặc chiếc áo lụa màu xanh của da trời. Nắng thu bám dịu dàng trên vạt áo dài lụa của tôi. Gió thu lãng mạn xôn xao trên tóc tôi. Món trang sức độc nhất của tôi là sợi dây chuyền bạc mảnh như sợi tóc xâu qua một viên đá trong veo như giọt nước có khắc hai chữ tắt tên tôi. Thật đẹp đối với tôi. Món quà này do ba tôi đẽo gọt trong những phút giải lao ngoài rừng vắng cùng nhóm bạn tù. Bầu trời xanh trong rơi trên vạt áo dài của cô giáo trẻ đang đến lớp dạy làm cho màu áo xanh hơn. Chút gì xôn xao trong tim tôi cùng trời và vạn vật. Nụ cười cùng đám học sinh nữ chưa nở tròn khi tôi vừa đặt chân lên bực thềm của lớp học, đám nữ sinh nhốn nháo nhìn tôi vẻ lo sợ như muốn báo cho tôi một điều gì lạ xảy ra trong lớp.

            Tôi bước vội vào căn phòng lớp. Nhìn quanh tất cả đều ngay ngắn sạch bóng, chiếc ghế của thầy cô vẫn im lìm bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Đập mạnh vào mắt tôi, trên tấm bảng đen vừa được chùi sạch đen bóng bằng lá rau khoai lang ngày hôm qua, hình vẽ bằng phấn trắng lớn choáng cả tấm bảng, nổi rõ lên một vóc dáng sau lưng của một cô gái. Mái tóc dài đến thắt lưng, hai tà áo dài tha thướt ẻo lả, bay chập chờn theo dáng đứng trên chiếc cầu gỗ, tay tỳ nhẹ vào thành cầu lơ lững. Nét vẽ bằng những đường phấn trắng thô sơ, nhưng đầy vẻ linh động của người con gái tóc dài mặc chiếc áo dài lụa mảnh mai trong gió. Cô gái đó là tôi! Là tôi đó hay sao! Chỉ mình tôi mới mặc áo lụa trong cõi vắng ngắt này! Mấy đứa con gái nhao nhao:

            – Thưa cô, trò Hậu vẽ cô đó.

            – Trò nớ đã đến sớm cả tiếng để vẽ đó cô.

            Tôi cố làm nghiêm mặt, lạnh lùng bảo đứa học sinh trực:

            – Em chùi sạch cho cô. Cuối buổi học sáng nay, em nào đã vẽ thì ở lại lớp thêm vài phút đợi cô.

            Hình vẽ được chùi sạch, tôi chợt thấy mình nhói đau cho một xoá tan. Xót xa tiếc thầm cho chính tôi vì hình ảnh của tôi chợt hiện rồi chợt biến. Tôi có còn vĩnh viễn trong lòng của một đứa học trò với những bùng vỡ khi đã bị bôi xoá? Tôi thừa biết tác giả của hình vẽ là Hậu. Hậu là con trai độc nhất của một xã trưởng vùng này, nhà khá giả, lại đóng góp nhiều cho chính quyền địa phương nên có uy thế trong làng. Hậu lại là thuộc loại học sinh giỏi, có khiếu vẽ dù trường không có lớp dạy vẽ. Vẽ chỉ là thiên phú của Hậu.

            Cuối buổi học, Hậu ở lại chờ tôi ngay tại cánh cửa lớp mở rộng.

            Tôi chỉ nói nhẹ nhàng với Hậu:

            – Khi nào em muốn vẽ ai thì chỉ nên vẽ vào giấy, sẽ giữ mãi được. Còn vẽ vào bảng đen thì sẽ bị chùi mất, uổng công của em.

            Hậu đưa hai tay xoa nhẹ lên hai vành tai đang đỏ ửng, mặt vụt hồng lên cùng những hạt mụn cám nho nhỏ trên làn da nâu sáng. Những dấu vết của tuổi thanh niên nông thôn đến sớm trên những vòng bắp thịt cuộn cứng làm chật bó đôi tay áo ngắn. Hậu nói nhỏ, tiếng lí nhí trong ngượng ngùng:

            – Em xin lỗi cô. Nhưng…tại vì ngày hôm qua lên lớp cô mặc đồ tây.

            Tôi cố thản nhiên:

            – À, ngày hôm qua, mấy cái áo dài lụa cô không kịp ủi nên đành mặc tạm đồ tây vậy.

            Hậu có vẻ lúng túng trong một điều gì, mặc đỏ lên rồi mạnh dạn nhìn thẳng vào mặt tôi nói vội:

            – Hậu vẽ cô vì giận cô. Hậu chỉ thích cô mặc áo dài mãi mà thôi.

            Rồi Hậu quay mình phóng thẳng xuống bực thềm lớp, chạy vội ra phía cổng trường.

            Tôi ngơ ngẫn trông theo, chợt biết mình đã đánh mất một điều gì khó xác định, nhưng lại cảm thấy một niềm vui rất lạ lùng vừa chợt đến với tôi. Mùa xuân trong tôi bỗng dưng bật dậy, và tôi nhìn quanh, nơi đây không còn là một căn lớp học nghèo nàn nhếch nhác chốn thôn quê, mà là một vùng trời đầy nắng mai chan hoà màu sắc cùng tiếng chim kêu.

           Tôi trở về phòng trọ tập thể. Nỗi vui bất chợt làm tôi quýnh quáng, như rối hẳn lên. Những chiếc áo lụa màu yêu thương của tôi đã được Hậu chiêm ngưỡng đến giận dỗi khi tôi không mặc chúng nó. Tôi vội lục lấy cái bàn ủi than dưới góc giường, chạy xuống nhà bếp xin mấy cục than đỏ, quạt hồng những viên than đen đủi xấu xí như thổi bùng niềm vui của tôi. Và tôi vội ủi ngay lại mấy chiếc áo dài lụa màu cho láng thêm. Tôi cố hình dung lại những ánh mắt si mê của đứa học trò nam mỗi lần tôi đứng trên chiếc bục giảng bằng gỗ. Những chiếc áo dài tôi đã mặc, trong mắt Hậu chắc đã là một quyến rũ đầu đời cho nó.

            Buổi cơm trưa tập thể tôi đã quên lấy phần mình, chị cấp dưỡng nhà bếp ngạc nhiên :

            – Cô Hương có điều chi vui mà quên cả ăn. Lại còn buổi trưa nóng như ri mà đi ủi áo quần?

            – Em đang có chuyện vui đó chị ạ!

             Nhưng tôi lại cố không để lộ ra nỗi ray rức, lo lắng trong tôi. Hậu đã vắng học trong suốt cả tuần qua. Thêm vài ngày nữa, cha Hậu đến trường báo tin Hậu đã trúng tuyển vào trường Mỹ thuật Hà Nội và chuẩn bị vào trường mới.

 

             Tôi thường nhủ lòng: “Tình yêu là một loài ngọc trân quý, mình hãy cất giữ, như một gia sản riêng cho đời mình.”  Với đứa học trò này, tuổi trẻ của nó có bầu máu nóng thịnh vượng, sôi sục. Cái đốt cháy rồi bùng nổ sẽ mau tàn rụi. Hậu đã mạnh dạn thổ lộ, như thú thật vào mắt tôi để tôi nhìn thấy được gì trong trái tim chớm yêu của đứa học sinh. Và tôi đã cất giữ. Mai này, Hậu sẽ gặp đúng đối tượng của nó, Hậu sẽ hiểu được tình yêu có nghĩa là gì khi một cơn gió hiu hiu đã đi qua đời mình.

            Tôi lại lật qua trang giấy khác, sau khi viết đậm nét hàng chữ: “Tình đầu trên những tà áo lụa là tình không biên giới.”

 

Võ Hương Phố

Trích trong tập Bút ký, Áo Lụa Bên Đường và Những Mối Tình của Tôi ”

 

         Món Quà Trước Ngày Sinh Nhật               

         Chồng tôi vừa mới 65. Thế mà lại thấy anh ấy khoẻ mạnh và như trẻ hơn với một số tuổi của một giới nam quá lục tuần để sắp sửa đến cái thời của thất thập cổ lai hy. Tôi cũng thấy vui và ngầm nhủ thầm với mình khi nhìn thấy và so sánh anh ấy với những ông bạn già cùng tuổi. À! thì ra mình cũng biết chăm sóc khéo, biết ăn ở khéo và là người vợ đảm đang cho anh ấy. Vậy mà anh ấy đã không giữ được một trái tim nguyên vẹn cho đến phút này. Anh đã làm vỡ trái tim anh thành hai mảnh, một nửa cứ giữ cho tôi, còn nửa kia anh cho một người tình, một người tình càng ngày càng gắn bó mặn nồng keo sơn. Còn trái tim tôi, có thể hiểu ra nó có tan nát thành vụn vỡ hay không, khi biết sự bội phản của chồng mình ngay tại căn nhà hạnh phúc đang xế chiều của chúng tôi vào những đêm đêm khuya khoắt, thâu canh, hay cả ngày vắng bóng tôi khi tôi đến sở làm.

        Đúng vậy…! Tại ngôi nhà lầu cũ kỹ có căn phòng ngập ánh nắng hoàng hôn của gia đình chúng tôi. Căn phòng của hai chúng tôi ở dưới lầu. Căn phòng của con gái tôi ở trên tầng hai nay đã thành một căn phòng đọc sách. Sau khi con gái tôi đi xa vì có một công việc tốt ở một tiểu bang khác, nay để lại cho anh ấy. Tôi để mặc anh ấy sắp xếp lại và trang hoàng theo ý thích của anh ấy. Chồng tôi đã thay đổi nhiều từ thói quen hàng ngày đến những đồ vật gì quá cũ, sau khi quyết định cởi áo, quăng kiếm, rửa tay vào chậu đá và…hưu trí tại nhà. Lý do về hưu non thì nhiều lý do. Nhưng đó chỉ là những lý do chung chung và riêng riêng của anh ấy, cũng không đụng gì đến quyền riêng cá nhân tôi, miễn sao đừng khoét một chổ hổng lớn trong cái khối nho nhỏ thịnh vượng chung của gia đình. Từ nay tôi có thêm một trợ thủ đắc lực giúp tôi những công việc mà người ta gọi là “job không tên”. Tôi cũng hoan hỉ.  

       Những chuyến về thăm bà cụ thân sinh của anh ấy, đã gần 95, tôi cũng đã tiếp cận những trạng thái khó xử cho chính tôi khi vui vẻ cho anh ấy về thăm nhà những hai ba tháng một năm để săn sóc phụng hầu mẹ già. Chẳng qua vì một chữ lớn nhất trong trời đất, chữ Hiếu. Nghe người ta nói già nói non, nói thăm mẹ già rồi thăm “mẹ trẻ”…vân vân và vân vân… Lúc đầu, tôi cũng bị lung lay, chi phối đến yếu cả người, lay chuyển cả con tim đang đập nhịp bình yên, và cũng dự liệu những tình huống sẽ xa nhau mãi mãi. Đó là chuyện bình thường của khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi dần dần nhận ra được cái nguyên lý của chữ không: ” không thấy, không tin, không đúng”. Dựa vào đâu mà tin,nhưng mà nếu thấy được thì thấy chưa chắc là đúng. Thêm vào, các chị em bên chồng luôn luôn bảo đảm sự chung thuỷ một lòng một dạ của anh ấy đối với tôi. Họ cho tôi biết sáng sớm chiều hôm gì anh ấy cũng quấn lấy mẹ già như đứa con trai nhỏ bên mẹ. Còn tình yêu của anh ấy dành cho tôi có còn nguyên vẹn hay không, tôi không khẳng định thêm gì nữa. Dò sông dò rạch dễ dò hơn dò lòng người. Tôi thì chỉ biết dùng trái tim tôi để dò lòng chồng. Thôi cứ, êm êm, cứ phớt tỉnh ăng lê đi cho nó khoẻ trí.Thế giới này mỗi ngày một đổi thay, huống gì một con người nhỏ bé như loài người chúng ta.

 

      Buổi sáng mai, tôi thức dậy nghe tiếng chim kêu ngoài vườn sau, nhìn qua cửa sổ thấy nắng mai chói loà vàng óng, cây hoa sứ với nhiều cành lá xanh đong đưa bên khung cửa sổ mở rộng. Ui chao! Một ngày thật đẹp đang đến với tôi! Nếu có thêm tách cà phê nóng đang đợi tôi dưới bếp thì quả là một ngày thần tiên cho tôi. Nhưng sao tôi cảm thấy không một tiếng động nào trong nhà. Căn nhà dưới im vắng như chốn không người. Chỉ là cơn gió mát ban mai từ cánh cửa lưới ở phòng khách ngang ngược thôi tung những bức rèm cửa sổ. Ông đi đâu rồi vậy ta?

    Có tiếng lách tách trên lầu. À!Lại một buổi mai cho hẹn hò gặp gỡ! Mà sao gặp nhau chi mà sớm quá vậy! Mới đêm qua, tôi đi làm về khuya, vẫn còn nghe tiếng rầm rì nho nhỏ của đôi tình nhân, nay mới sáng mắt ra là đã chuyện trò. Quả là gan ông trời, đem luôn người tình vào nhà tôi. Yêu nhau kiểu này chắc đã lậm lắm rồi! Ôi thôi! Tôi đã dần quen với hiện tượng yêu đương của đôi trai gái này rồi. Cũng đã vài tuần đi qua. Tôi cũng muốn bước lên thang lầu để nhìn tận cảnh yêu đương của họ, nhưng với nỗi mặc cảm của tôi, tôi chỉ sợ nhìn thấy một sắc vóc nõn nà, một khuôn trăng kiều diễm hơn tôi, thì mình chỉ là kẻ thua trận.Thôi thì tôi đành làm kẽ bàng quang, mặc kệ họ.

      Tôi cố nín  lặng, một mình tự lọc lấy cho mình tách cà phê và chế một bình trà Huế xanh ngát hương Lài. Có tiếng bước nhẹ ở tầng thang lầu, tiếng bước chân xuống dần rồi dừng lại ở căn bếp.

    – Để anh lọc cà phê cho em, rồi nướng mì cho em! Mà em muốn bánh mì phết bơ bretel hay bơ đậu phụng?

    – Cà phê và trà đã pha, còn mì thì chưa nướng, bretel hay peatnut chi cũng  được.

    – Thấy me ngủ ngon, anh không dám thức. Thôi để anh làm peanut sanwich cho em.

     Rồi chàng ta làm cặp sanwich đậu phụng, nhanh như một cơn bảo cuốn. Cho mì vào toaster nướng, lấy dao phết bơ thật nhanh, để vào dĩa, có thêm con dao nhỏ và chiếc nĩa kẹp thêm tờ napkin mỏng. Tất cả động tác của một con sóc trên cành. Chần chừ một chút xem thử tôi cần gì thêm. Tôi bỗng dưng thấy buồn cười, nên tha cho chàng:

   – Thôi đã đủ rồi, em không cần chi nữa đâu.

   – Are you sure?

    Vừa nghe câu ấy và biết chắc là tôi sẽ không còn để anh tự nguyện hành hạ mình cho buổi điểm tâm này nữa. Chàng ta vờ đứng yên một chút, rồi cởi ngay đôi dép mỏng, bước vội lên thang lầu.

     Một mình tôi, bên khay điểm tâm, chua chát nghĩ thầm: “Rõ là cái kiểu săn sóc của ông chồng đang cho vợ cái sừng.” Nhìn vào tấm gương lớn của bàn trang điểm, tôi đã có chút gì đã không còn là một quyến rũ trăm năm như lời chàng từng nóì? Một hình bóng khác hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn, lôi cuốn hơn đã xen vào giữa hai chúng tôi để rồi mỗi buổi sáng tôi đành ngồi uống tách cà phê đắng nghét và nuốt cái hương vị chua cay của nỗi cô đơn theo từng giọt nước màu đen đậm ngắt vào lòng.

    Tháng Ba thời tiết mát mẻ, hoa Palo Verdi vàng thắm nở rộ khắp nẻo đường. Những vạch nắng trên vách nhà phía ngoài sân dịu lại một màu vàng nhạt, gió mơn man cành lá, có tiếng chim hót trong vườn nhà láng giềng chung một hàng rào.  Lòng tôi bỗng dưng nhẹ lại, nắng đang lên cao và chợt thấy hồn mình bình yên, không chút gì dao động khi nghĩ về anh ấy. Tôi mặc kệ, thế giới loài người này là một thế giới quay cuồng, đảo điên, nhiều nỗi thị phi, nhiều đổi thay nhanh chóng đến chóng cả mặt. Thôi mình hãy trở về thế giới của riêng mình là hơn hết, một thế giới thật hoàn toàn  khác biệt với thế giới bên ngoài hàng rào của khu vườn nhà tôi. Và tôi đã ngồi yên, tự tại trong cõi thanh bình lặng lẽ bên chiếc bàn nhỏ trong góc vườn nhà. 

     Hình như có một quyển sách tôi đã bỏ quên trên bàn của phòng đọc sách. Đã lâu tôi đọc và bỏ lại trên bàn, cũng đã lâu, nay muốn đọc lại. Chần chừ muốn bước vội vào nhà và lên phòng để lấy lại cuốn sách. Căn phòng và cầu thang lầu chỉ cách xa năm mười bậc thang mà sao thấy như một ngàn bậc thang cách trở. Vì lòng ngại. Vì mắt không muốn nhìn. Vì tâm không mở. Vì sợ chạm phải một sự thật. Vì … ôi, lung tung. Sao mà tôi “yếu” thế này! Trong tôi đã không còn là những gì của tôi nữa. Hình như tôi đã đang cố tình đánh mất cái tự tin dũng mãnh của một con thú trong một khu rừng hạnh phúc.

      Anh ấy, sau khi đã làm xong “thủ tục hầu vợ” buổi sáng cho tôi, lại rút lên lầu. Bất chợt tôi lại nhớ đến câu nói của người bạn Mỹ hay nói với tôi : “ You will see and you know “ . Vậy thì mình cần phải thấy anh ấy đã làm gì trước cho anh ta và sau đó sẽ biết mình sẽ làm gì cho mình.

     Thế là tôi đã không ngại khó vì ngăn sông cách núi, tôi bước nhẹ lên lầu.  Phòng đọc sách chỉ khép nhẹ, không khoá. Nhìn qua khe cửa nhỏ, thấy anh ấy ngồi im như đang chiêm ngưỡng một ai đó trước màn hình vi tính đời mới 27 inches , mới mua. Trên  màn hình hiện ra một cô gái xỏa tóc dài bay theo gió, hai vạt của chiếc aó dài xanh mỏng lồng lộng cũng tung bay theo gió biển . Mới nhìn qua khe cửa là tôi đã biết đó là một cô gái tuyệt đẹp như một người mẫu dù tôi chưa thấy được khuôn mặt của cô ta. Không can đảm để nhìn thêm nữa, để nghe anh ấy nói những lời yêu thương cho cô ấy, tôi vội lùi bước nhẹ để không phát ra tiếng động, nhưng tim tôi thì đập mạnh như trống hội làng.

      Lòng ghen lại dấy lên, thêm lòng hiếu kỳ của người đàn bà, tôi quay ngược lại. Lần này thì tiếng động của những bước chân dậm vào nền thảm như những tiếng động của trận cuồng phong. Chồng tôi hiện ra ngay cánh cửa phòng đang mở rộng, cười tươi như hoa để chào đón khách chủ nhân.

      -Em vào đây anh cho xem.

      Lần này thì chính tôi như kẻ trộm bị bắt quả tang, lúng ta lúng túng, mặt tôi cảm thấy như bị nung đỏ lên.

     -Em xin lỗi, đã làm ngắt quãng buổi hẹn hò của anh .

     Chàng ta phá lên cười thật to, đến gần và quàng hai tay ôm vai tôi:

     – Lâu nay anh cố tình dấu em, anh xin lỗi. Mời em vào xem, rồi biết.

      Thế rồi, chàng lăng xăng kéo ghế cho tôi ngồi trước máy vi tính, nhanh tay bấm nút này, kéo “con chuột” nọ, và bắt đầu những thao tác trên máy một cách nhẹ nhàng rất lành nghề. Trước khi bắt đầu cho một công phu đặc biệt của mình trong hai tuần vừa qua và bắt đầu trình diễn trước mắt tôi trên màn hình nhỏ, chàng nhìn sâu vào mắt tôi  và nói cùng một nỗi vui đang lên cao:

      -Anh vừa hoàn thành xong cái clip hình và video này cho em. Ngày mai là ngày sinh nhật của em, anh dự tính sẽ cho em xem, như món quà sinh nhật cho em. Nhưng anh tính không bằng trời tính, em đã tính trước cho anh, và đây là món quà sinh nhật đến sớm trước cho em.

       Chết rồi! Lại cái tính hay quên cố hữu của tôi, ngay cả cái ngày sinh nhật của mình mà tôi cũng không nhớ là sẽ vào ngày mai. May mà còn có ông chồng nhớ dùm, quả thật đúng chồng là một nửa trái tim, một nửa cơ thể, một nửa cái đầu của mình.

      Chàng, với một cách tự tin trong thao tác, những ngón tay, hai bàn tay và “con chuột” bắt đầu đồng hành để làm hiện ra những hình ảnh đẹp và sống động trên màn hình nhỏ của máy vi tính. Ngạc nhiên và thích thú nhất cho tôi là tất cả những cô gái trong hình đều là chung một khuôn mặt,  một vóc dáng, một nụ cười, một đuôi mắt. Ôi!  Những cô gái trong clip này, chính là tôi. Chàng đã sửa sang, đã chỉnh hình, đã cắt xén, đã phối hình các phong cảnh , đã lắp ghép từ những tấm ảnh của tôi trong những chuyến đi chơi đã qua. Và chàng đã đưa tôi vào một thế giới xinh đẹp có mặt đại dương sóng vỗ mênh mông cùng chiếc du thuyền sang trọng bồng bềnh trên mặt biển xanh, hay những khu vườn xanh ngát ngàn hoa, hay những đoạn đèo khúc ngoặc lên non cao, hay những cánh rừng thông cao ngất, hay những khu phố đông người, hay những quán sá không tên bên lề đường phố, hay những khu resort xinh tươi mát mẻ tiên nghi, hay khu bếp ấm thân yêu của gia đình tôi, và những ngày cùng gia đình đoàn tụ bên quê nhà. Thêm vào là những khúc tấu nhạc cổ điển hay nhạc êm dịu của những bản nhạc hay mà tôi yêu thích. Quả là một công phu của một kỹ thuật gia nghiệp dư hưu trí trong vòng hai tuần.

       Biết nói sao đây! Tự dưng hai giòng nước từ từ lăn trên má tôi từ khi nào. Hai giòng nước mặn đổ vào tim tôi biến thành dòng nước hối lỗi và ăn năn. Tôi đang sống trong một cái tội lớn cần phải đọc kinh sám hối để được tha thứ.  Nhưng tôi lại cảm thấy bù lại cho nỗi hối hận đang giày vò tôi là một niềm hạnh phúc mà tôi đã và đang ao ước, đó là tình yêu của chàng vẫn trọn vẹn dành cho tôi. Bóng hình một nữ nhân mới nào đó của chàng mà tôi đã gieo vào trong đầu tôi chỉ là một bóng hình của ảo giác, của trên màn hình ảo. Bên chàng, tôi vẫn là một hình nhân thật, cho dù tôi là thế nào, và tôi vẫn không có một đối phương nào hơn tôi. Trong nỗi tự thẹn với chính mình, một lời khen cũng bằng thừa cho chàng, tôi chỉ nở một nụ cười thật tươi để xóa đi cái khuôn mặt ghen tuông xấu xí đang đối diện cùng chàng.

       Tôi biết rằng cuốn phim mà chàng làm cho tôi, chàng đã dốc cả tâm tư lẫn công phu để xây thêm một vòng thành cho lâu đài hạnh phúc của hai chúng tôi. Cho dù biết rằng, cuộc đời này chỉ là những thước phim dài hay ngắn có đoạn kết hậu hay không hậu. Nhưng hai chúng tôi không phải là hai vai diễn. Ngày mai là sinh nhật của tôi. Tôi biết là tôi sẽ làm gì cho chính tôi và tôi sẽ làm gì cho chàng để tạ tội.

       Tôi chợt nhớ lại câu nói của người bạn Mỹ: “ You will see and you know “.

 Cancun, Mexico.11/ 2020

                                              Phoenix, 10/26/20

                                               Võ Hương Phố               

                                                  Cancun, Mexico. 2020

 

Chân Dung Hạnh Phúc

 

           Mọi người đã sắp xếp cái ngày đặc biệt này cho Jane khi bà tuyên bố ngày về hưu của mình. Buổi Potluck để tiễn người đi với đủ loại thức ăn đã sắp đặc, để đầy ngập cả một bàn dài phủ khăn trắng được nối nhau bằng mấy chiếc bàn ăn nhỏ ở phòng ăn của sở. Từ đây cánh cửa bận rộn lại được đóng kín lại sau lưng Jane, những tiếng reo đánh thức của đồng hồ để bàn sẽ tắt hẳn, và thời gian trước mặt sẽ là chuổi ngày dài tự do riêng mở  ra cho Jane. Tôi đã mời Jane bửa trưa ở quán ăn Ý vào ngày hôm qua, chổ mà Jane và tôi thường đến. Hôm nay, cuối cùng cho một rời xa là cái ôm vai, ghì siết nhau thật lâu, thật sát như một lần cuối trút hết tình cảm cho nhau, để rồi mơ hồ biết được là không thể còn có nhau nữa.

             Ngay tại bực cửa phòng làm việc trong phút chia ly ấy, tôi lại nghĩ đến một trở về của đám lá thu già vàng úa bay tản mạn. Rồi một chiếc lá lìa cành lại được rơi xuống êm ái bên gốc cây mẹ. Jane đã cùng tôi hiện diện trong căn phòng, cùng chia sẻ, cùng chung nhau những công việc, những trách nhiệm trên vai. Tôi nghe như chính mình đang reo vui cho ngày trở về của bà bạn thân đồng nghiệp, nhưng cũng nghe mình đang khóc cho những ngày hạnh phúc bên nhau đã thật sự ra đi.

             Những kỷ niệm của hai đứa tôi hình như đang nhuộm một màu mắt xanh của Jane. Từ đây, màu xanh ấy sẽ được cất kín vào một ngăn ký ức trong tôi.  Jane trở về lại gia đình ở Idaho. Còn tôi, vẫn nơi này, ngày từng ngày vẫn ngồi yên trên chiếc ghế nhiệm vụ, vẫn là những ngày tháng bận rộn như vô tình gắn chặt tôi trong căn phòng đầy ắp giấy bút này, và vẫn là những cảm giác về một nơi thân thiết khó rời xa để níu chân tôi ở lại.  

                                                    *****

           Christine được chuyển đến để thay vị trí cho người cọng sự lâu năm nhất của tôi.

           Ở phút đầu tôi đoán Christine cũng chỉ là một cô gái ở giữa quá xuân thì. Một điều gì khác lạ làm cho người ta nghĩ đến một khác biệt của cái bình thường ở một cô gái. Gần đây, nhìn thoáng xa trong sở làm, tôi thường chú ý đến cái bên ngoài khác lạ ấy của cô ta và thường tự hỏi: “Con gái hay con trai?” nay lại biết tên cô ta, một cái tên rất đẹp của phụ nữ.  Khi cô ta bước vào căn phòng làm việc vốn trước đây gồm Jane và tôi, là lúc tôi biết rằng từ đây, một thế giới già cỗi cũ mèm ở nơi này sẽ không là mãi mãi của riêng tôi đối với tôi nữa.

             Vốn lây lất chút khó tính từ Jane cùng với cái nhìn soi mói của người lớn tuổi. Quả thật, khó mà tìm thấy một vẻ con gái hay phụ nữ nào ở cô ta ngoại trừ đôi mắt to đen, buồn buồn man dại của nữ tính.  Mái tóc dài thẳng, suông bóng mà tôi thích nhất khi nhìn vào một cô gái, thì Christine lại cắt thật ngắn gần như mới được mọc ra lại từ một cái đầu trơn nhẳn. Trời hởi! Tôi vừa bá vai bá cổ chia tay với cái đầu tóc hai màu cực ngắn, xoắn tít của Jane, nay lại ngậm cay đắng bắt tay với một mái tóc húi cua quân trường trên thân thể một nữ lưu. Tôi thầm oán hận ông sếp. Christine bước vào phòng làm việc với bộ y phục của một quần jean bạc gối, rách tua tủa ở đùi, cái áo thun tay ngắn đen đen tròng ngoài cái áo thun tay dài màu trắng. Dây nịt quần trể xuống ở lưng cô bé lại lủng lẳng xâu chìa khóa trỉu nặng. Cảm giác như tự dưng một kẽ lạ đang tấn công vào bộ váy đắt tiền tôi đang mặc. Tôi vốn là người ăn mặc đẹp có tiếng ở sở làm, mọi thứ tôi trang bị cho chính mình từ đầu đến chân đều phải đồng bộ theo thời trang. Hình như tôi cũng bị một ảnh ảo đang đánh lừa tôi để che dấu tuổi tác của mình.

             Bổng nhiên tôi cảm thấy bất an vì một người trẻ tuổi đang bước chân vào ngôi nhà êm đềm như bức tranh của tôi và vung vẩy những bút cọ ngang dọc lên trên những gốc cây, những bãi cỏ nhuộm màu mưa nắng. Tôi đâm ra không thích cô ta một cách vô cớ, không một nguyên nhân, mà có lẽ là do đường ranh giữa mới và cũ, giữa cận kề nhau của hai mái đầu xanh và muối tiêu đã thành hình trong tôi.

            – Chào cô, cô khỏe không?

            Tôi khựng lại, ngạc nhiên khi nghe một âm thanh tiếng mẹ đẻ của tôi. Nhìn vào nước da nâu nâu của Christine, vóc dáng cao cao mạnh khỏe, tôi đoán già đoán non cô ta là người Phi hay người gốc của một hải đảo trong quần thể hải đảo Á châu nào đó. Ai ngờ, ông sếp tôi biết ý. Như một cơn giông đổ xuống trong một chiều mùa hạ. Giòng điện trong tôi bỗng đổi ngược chiều, tôi cười nhẹ như một nhấp nháy của tín hiệu đáp trả:

            – Cháu là người Việt?

            – Vâng, cháu là Christine Nguyễn.

            Xưa nay tôi chưa khi nào có một đồng nghiệp trẻ trung, cùng màu da cùng tiếng nói để cùng chia xẻ đắng cay với cái phòng giấy đầy ngộn của sở này. Chắc đây là điều mà ông sếp đã hiểu để sắp xếp khi nhìn thấy tôi trở nên chậm đi, mầy mò bên bàn vi tính với đôi mắt kính lảo dày thêm trước đống sổ sách giấy tờ. Christine quá trẻ để tôi cảm thấy nhột nhạt khi nghĩ đến một người cọng sự mà khả năng ngùn ngụt như khối lửa sẽ thiêu dần gốc cây đa già trong ngôi làng trơ trọc này. Chút ganh tỵ bỗng vùn vụt như cơn gió lốc thổi vào, ma cũ bắt nạt ma mới ngay:

            – Nhớ đừng đảo lộn một thứ tự nào trong phòng này, ngoại trừ cái bàn của cháu.

            – Vâng, cháu sẽ không làm phiền cô đâu. Có điều gì không biết cháu sẽ hỏi cô và cô chỉ cho cháu.

             Một cơn gió mát đã đi vào, êm như tiếng thì thầm cây cỏ. Nhưng tôi vẫn lẫn lộn lung tung trong cái mớ hổn độn của cay cú và hòa nhả mà tôi vốn có. Tôi cựa mình lay động cái khó tính của tôi:

            – Công việc Sếp đã giao cho cháu thì cháu phải biết.

            Lại tiếng khiêm tốn trong khí thế chịu đựng thử thách:

            – Cháu là người mới. Có nhiều điều cháu cần học hỏi thêm.

            Tôi tự nhủ thầm khen cô nàng và không còn muốn làm khó làm dễ cô ta nữa. Chút cảm tình tự nhiên len lén đi vào trong trái tim nguội ngắt như đá của tôi. Christine không còn là một người lạ mặt trong tôi nữa. Trước đây tôi được biết Christine đã tự nguyện xin thuyên chuyển về đây từ một tiểu bang khác, chắc hẳn đã có một lý do.

            Christine biểu lộ năng lực làm việc với một nguồn sinh lực mới của tuổi trẻ tràn đầy bầu nhiệt huyết. Công việc trong phòng bổng trở thành suông sẽ dễ dàng hơn trước. Mỗi người một bàn, một công việc khác nhau. Những lúc tôi kẹt… tôi lại hỏi cô ta, lúng túng ngượng ngập, như thú nhận cái chậm lại của mình. Nhưng Christine hình như không chú ý đến điều đó, cô gái vui vẻ trong nhiệt tình khi giải vây cho mối nguy cơ của tôi. Khả năng vi tính nhạy bén và tiếng đánh máy của Christine chứng tỏ cô ta là một nhân viên giỏi và là đã từng tốt nghiệp đại học. Trái ngược hẳn khi làm việc, sự im lìm xa vắng thường hiện ra trong dáng vẻ bất động và đôi mắt nhìn về một nơi nào đó. Hình như cô nàng cố vùi mình trú ẩn một nỗi buồn vào công việc, rồi lại ngồi im để thả hồn vào một thế giới riêng của nàng.

            Tôi cố không để ý đến cái vòng dây vô hình bao quanh chúng tôi, lặng im tôn trọng những gì thuộc riêng tư của cô đồng nghiệp trẻ như nâng niu một nỗi buồn lan dần trong hồn tôi khi từ năm ngoái tôi đã mất đi một người mẹ. Dần dần khoảng cách giữa chúng tôi khép hẳn lại. Từ mối thiện cảm ngấm ngầm, lòng khao khát về một đứa con gái khi tôi chỉ có hai con trai, rồi lại cùng chia sẽ những công việc, bỗng nhiên điều gì đó âm thầm, dịu dàng tràn vào lòng tôi như những cơn sóng nhẹ. Ngày hôm nay trông cô ta như chìm sâu thêm vào cõi xa vắng mênh mang. Tôi không cầm được sự tò mò và hỏi:  

            – Christine có điều chi buồn?  Cháu có thể chia sẽ cùng cô.

            Hình như chút long lanh ở đôi mắt đen:

            – Vâng, ngày này là ngày giổ thứ ba của anh ấy, mặc dù cháu không biết rõ là ngày nào nhưng chỉ chọn cái ngày khi cháu nhận được tin báo ngày anh ấy đã mất ở chiến trường.

            Thảo nào bức ảnh cùng chàng trai trẻ tóc cụt ngắn vàng óng đang ôm vai người yêu, cũng đôi mắt xanh màu đại dương như bà Jane bạn của tôi, Christine đã nâng nhẹ lau bụi hàng ngày trên mặt gương của khung ảnh như không còn một hột bụi vô hình nào nữa. Khung hình được đặt trên bàn, ngay trước mặt nàng mà tôi chỉ nhìn chứ chưa có dịp hỏi.

            Thật ngạc nhiên đến xúc động như cùng nổi cảm xúc của một người thân, tôi tìm lời nhưng lại vụng về hỏi:

            – Cháu cần cô giúp gì không?

            Ngập ngừng như đánh giá sự thân thiết của tôi, rồi nàng cũng nói ra khi nhận ra sự cảm xúc cuả tôi:

            – Chiều nay tan sở, nếu cô rảnh đi cùng cháu đến chùa để cầu nguyện cho anh ấy.  Như cháu đã từng cùng đi với mẹ cháu vậy.

            Gì chứ đến chùa là tôi hăm hở lắm, lại được mời như mẹ đi cùng con gái, quả là một hạnh phúc bất ngờ cho tôi. Tôi nhận lời mời ngay như nhận một món quà đúng ý:

            – Vậy thì mình cùng về nhà cháu trước để thay áo lễ chùa, hơn nữa bộ đồ tây của cô cũng không cần phải thay.

                                                             *****

            Tôi lại thêm một ngạc nhiên, lồng trong một sự hợp lý hài hòa của đầu tóc gần như cắt cụt hết và bộ đồ chùa màu lam nhạt tay rộng. Christine hiện ra giữa cánh cửa phòng ngủ mở rộng như một nữ tu, trông cô bé thanh thoát khác biệt hẳn trong thế giới thứ hai này của nàng. Trong căn chung cư nhỏ nhưng gọn gàng xinh xắn, những tấm hình vẽ, chụp của Christine cùng chàng trai được sắp đặt một cách mỹ thuật trên bàn, trong góc phòng, choán ngập khắp tường của căn hộ một phòng ngủ. Nổi bật nhất là tấm hình vẽ phác chân dung của cô gái bằng chì than, như tấm ảnh liêu trai với đôi mắt đen sâu hút những tia nhìn mơ màng trong một đam mê dễ cuốn hút. Lẻ loi đơn giản là bàn thờ nhỏ có ảnh người đàn bà trung niên mà tôi đoán là mẹ nàng được đặt dưới khung ảnh lớn hơn của Phật Bà ở phòng khách. Tiếng nhẹ của Christine bên vai tôi:

            – Mẹ cháu mất khi cháu mới vào đại học. Jeff là người đã lo cho cháu sau khi mẹ cháu mất.

            Thấy tôi cứ nhìn mãi vào bức tranh chì than ấy, giọng cô bé nghe như nghẹn lại:

            – Bức tranh vẽ cháu là cũng do anh ấy đã họa khi chúng cháu gặp nhau lần đầu ở sân trường đại học.

            Lần đầu tiên từ khi biết nhau, Christine đã nói ra những điều mà tôi thầm tự hỏi lâu nay.  Cảm giác trống hổng của một mất mát lớn trong tôi như có kẻ đồng minh.  Nỗi niềm thiếu mẹ trong tôi như chất nặng quả tim nay đang có người chia xớt cùng tôi. Christine còn có Jeff đã bù vào điều bất hạnh xảy đến cho nàng, thế thì tại sao Jeff lại ra đi. Tôi không biết sao để lý giải, con đường tôi đi đã dài và đã qua nhưng tôi nhận ra tôi vẫn không có những khúc quanh ngoặt nghèo gai góc hơn nàng.

             Những tiếng kinh êm êm trầm trầm cầu nguyện cho Jeff, mùi hương trầm và thoang thoảng mùi thơm của hoa tươi trong không gian thanh thoát như bị cuốn hút, lượn lờ qua tấm di ảnh của chàng trai được đặt ở một góc nhỏ trên tường ở phòng thờ các vong linh tại chùa. Ngôi chùa vắng lặng trở lại trong ngày thường khi vị trụ trì làm lễ xong.  Hai chúng tôi chần chừ chưa muốn về. Phong cảnh chung quanh chùa toàn những tượng đá, đài Phật, hồ cá nhỏ, mấy chậu hoa nở, dãy tùng xanh mướt. Vài cây liểu mềm mại rũ mình cô đơn trong cơn gió nhẹ của buổi chiều sắp tắt. Chúng tôi đang đối diện một không gian của bình yên.

            Christine như muốn nói ra những điều chôn kín lâu nay, cô gái cứ lúng túng xoắn mãi chiếc khăn nhỏ trong tay. Hiểu được, tôi chọn chiếc ghế dài dưới gốc cây tùng sum suê, những đỉnh lá nhọn vắt xanh thẩm nhuộm tia nắng vàng yếu của buổi chiều muộn. Ánh sáng lung linh của hoàng hôn ẻo lả xuyên nhẹ qua mái chùa ngói đỏ, rồi như một giòng suối nắng oà ngập làm sáng lòa khắp khuôn viên chùa.

            Chúng tôi ngồi lại sân chùa dưới bóng chiều đang buông dần. Đôi mắt Christine vẫn còn ươn ướt, và tôi bắt đầu một câu mà sách Phật thường dạy cho hợp tình hợp cảnh ở đây:

            – Đã là kiếp người thì ai cũng có khổ đau. Cháu cứ nghĩ rằng không riêng gì cháu, mà chung quanh ta đã là cái thế giới đầy những đau thương.

            Christine cố ngăn những giọt lệ, như hoài niệm về một cõi mới nhưng thật xa có bóng dáng của Jeff, mơ màng như nói cho chính mình:

            – Mới đó mà đã ba năm kễ từ ngày anh ấy trở lại chiến trường và rồi đi mãi không về.

            Sực tỉnh lại khi biết có tôi ngồi cạnh, thoáng ngượng ngập vì đã không kềm được phút yếu đuối trước giòng cảm xúc:

            – Cháu biết là không nên nuôi dưỡng sự đau khổ thêm, nhưng cả mẹ cháu và anh ấy đều đã mang đi những niềm vui của cháu. 

            Tôi tìm lời để làm giảm đi nổi xúc động của nàng:    

            – Cháu hãy nghĩ đến cháu còn quá trẻ, con đường trước mặt cháu còn dài thì niềm vui không phải là ngừng ở đây.

            Câu nói của tôi như đánh thức, vơi bớt mối sầu muộn nặng chỉu đeo đẳng như những viên đá cuội lớn dần trong lòng nàng. Ngập ngừng một chút rồi Christine bắt đầu kể:

            – Cháu không có cha, một người cha mà cháu không hề mơ ước để gặp được và cũng không mong muốn để đi tìm. Khi hai mẹ con mới rời đảo để được định cư thì bà cán sự xả hội đã nhiều lần hỏi mẹ cháu những tin tức của ông ấy để tìm dùm. Mẹ cháu cũng không muốn .

            Cũng một câu chuyện của thời chiến để lại một di sản trong một cơn giao tình vội vàng, chớp nhoáng. Thảo nào nhìn cái nét pha trộn của hai dòng máu, Christine thật là một cô gái đẹp mặn mà với màu da, nhất là đôi mắt sâu đen hun hút với hàng mi trên dài cong vút tỏa quanh đến tận đuôi mắt không cần chải uốn.

            – Hai mẹ con cháu được đến Mỹ sau sáu tháng ở đảo. Lúc đó, cũng may mắn cho mẹ và cháu là không có một rũi ro bất hạnh nào, cháu cũng còn nhỏ xíu nên cũng thoát khỏi những đôi mắt cú vọ của bọn lính canh gác địa phương.  

            Tôi đã từng được nghe qua về nhiều câu chuyện xảy ra trên một đất nước láng giềng.

 Tuy được phép cứu vớt, nhưng không hẳn là một thế giới an toàn của một hòn đảo nhỏ hoang vu. Sự man dại rừng rú của con người, của những cánh rừng nhiệt đới bí hiểm trên những đảo hoang bổng chốc trở thành một nơi tiếp cư tạm thời hoang dã. Tôi hoàn hồn, thở hắt ra thật dài như thể hai mẹ con Christine là người thân của tôi đã vượt qua mối hiểm họa:

            – May quá. Vậy sao mẹ cháu lại mất? 

             Giòng nước mặn như chực trào ra khóe mắt, cô bé cố ngăn lại và kể tiếp:

            – Sau khi mãn hạn được trợ cấp, mẹ cháu xin được một chân phụ bếp cho một nhà hàng Tàu lớn, cũng đủ sống cho hai mẹ con và cho cháu tiếp tục học cho đến khi nào cháu tốt nghiệp đại học.  Đó là một mơ ước của mẹ cháu. Mẹ cháu thường bảo cháu: ” Con gắng học, mẹ khi xưa không được đi học vì ngoại quá nghèo, khi nào học thành tài mẹ sẽ dẫn con về thăm ngoại rồi xây lại ngôi nhà cho ngoại có mái ngói đỏ, có hàng cây cau và cây trầu leo để ngoại ăn cau trầu.”

            Nhưng giấc mơ đơn giản của bà mẹ không bao giờ thành hiện thực. Một chiều, nhà hàng đông khách, người chủ yều cầu mẹ Christine ở lại thêm để phụ với người phụ bếp mới thay ca. Bà yên tâm vì chuyến xe buýt thành phố vẫn còn chạy cho đến nữa đêm, lại nghĩ tới món tiền kiếm thêm để dành cho mẹ già.

            Biết là cuối tháng nhân viên thường được trả lương, lại là tiền mặt. Hai kẽ gian chận bà ta lại trong một góc tối gần chổ đứng đón chuyến xe buýt vừa mới đi qua mà mẹ Christine đã lỡ không bắt kịp. Một đứa giựt chiếc xách tay, đứa kia xô mạnh làm bà té ngữa và đập đầu vào vách thành bằng xi măng của khuôn viên một khu chung cư cạnh đó.  Mẹ Christine đã ngất và không bao giờ tỉnh lại ở bệnh viện.

            Cô gái nhún vai, chua chát:

            – Chấn thương sọ não, mạch máu ở não lại vỡ toang thì dù có sống cũng chắc gì là sống tốt hở cô?  Ca mổ lại quá tốn kém, mà chắc gì đã cứu được mẹ cháu.

            Tôi lặng mình, chút gì cuộn lại trong tim làm tôi muốn nghẹt thở cùng nỗi đau đớn của Christine. Thoáng đâu đây, tôi như nhìn thấy lại cái xác người đàn bà sóng soài chết ngất, cái đầu tóc đen chảy dài bẹp dúm dưới góc tường xi măng cứng như một khối đá định mệnh giáng xuống cuộc đời cho cả hai mẹ con Christine. Khi ấy Christine vừa mới ghi danh để bước chân vào bực thềm đại học.

                                                           *****

           Khuôn viên trường tỏa rợp những bóng im khổng lồ của hàng cây cao rậm rì lay động theo cơn gió nhẹ. Bãi cỏ non mượt mà phẳng phiu trải rộng, chạy quanh dọc theo những lối đi trải nhựa đen đến tận từng góc sân trường. Những chiếc lá khô vương vãi trên từng thảm cỏ xanh của một mùa lá đỏ ở nơi đây. Những bụi hoa nở quanh năm, bồn nước bắn tia nước, chiếc băng ghế đá dài im lắng. Mùa thu đã dịu dàng về quanh đây.

           Duổi chân dài ra trên thảm cỏ, lưng dựa vào gốc cây nham nháp những cọng rễ già nổi trên mặt cỏ, Christine đưa mắt nhìn xa xa, hàng mi cong như đang khép lại mơ màng. Nàng vừa xong thủ tục hủy bỏ học khóa đầu tiên. Nàng chỉ mơ một cuộc sống bình thường bên mẹ để được đến trường như mọi người. Nay nàng đang hụt chân chới với trong một hố sâu mù mịt. Khung cảnh êm ả chung quanh khi chưa đến mùa học, gương mặt cô gái như bất động cùng nổi buồn làm đậm thêm màu da, dáng ngồi cô bé như chơi vơi trên một cõi riêng vô hình.

             Ngày đó, Jeff cũng đến trường ghi danh cho khóa học cuối cùng của lớp hội họa chân dung và sơn dầu. Chiếc cặp da dày cộm, chứa đầy những tấm giấy vẽ, đồ dùng để hoạ hình luôn mang theo bên tay. Jeff nhìn về một góc nhỏ dưới gốc cây già lớn, hình ảnh một cô gái tóc nâu suông thẳng ngồi im lìm như pho tượng sống, vài chiếc lá màu đỏ sẩm rơi quanh chân, đôi mắt đen hun hút trầm ngâm. Cầm lòng không được trước một bối cảnh có sức hút mạnh, anh ta bỏ dụng cụ vẽ xuống cỏ bước đến và chào Christine bằng một câu chào thân thiện cố hữu và tự giới thiệu:

            – Tôi là Jeffery, đang học năm cuối của lớp họa truyền thần. Tôi vừa mới ghi danh lại vào sáng nay. Cứ sợ là trễ, không kịp cho khóa học này.

            Christine cố làm vẻ tự nhiên không xa lạ hỏi lại:

            – Sao lại sợ trễ? Còn một tuần nữa mới bắt đầu cho khóa mùa thu mà.

            Chàng trai cười, nụ cười đầy vẻ ngượng ngập bên cạnh vẻ sáng ngời kiêu hãnh của một người lính chiến trở về từ một chiến trường xa xôi:

            – Tôi mới được trở về nhà từ Afghanistan. Những tin tức gì về trường lớp ở đây hình như tôi đang bỏ quên chúng nó.

            Christine thật lạ lùng khi nghe tên một nơi chốn dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh mà một chàng trai vóc dáng thật thanh tao nghệ sĩ với đầu tóc vàng hoe cụt ngủn lại đã từng hiện diện trong cuộc chiến ấy. Không ngăn được nỗi tò mò:

            – Sao ông lại được trở về?  Hay là ông đã bị thương?

            Jeff nheo mắt chế nhạo cái trẻ con chân thật của cô nàng:

            – Cô nghĩ cuộc chiến nào cũng có người bị thương để được trở về?

            Lúng túng một chút, Christine chống chế:

            – Nghe tin trên đài, nhìn hình ảnh ở TV tôi thấy những binh sĩ được trở về sớm hơn hạn định đều toàn là người đã hy sinh và bị thương.

            – Vậy cô thấy tôi có phải là người bị thương hay không?

            Christine nheo nheo đôi mắt như ngắm nghía chàng trai, rồi bật cười xòa:

            – Hình như ông đã lành vết thương rồi.

            Jeff cười theo, thú vị về cái nhanh nhẹn đối đáp của cô gái, đôi mắt trong veo của bầu trời xanh viền chút mây trắng như cười cùng đôi mắt đen:

            – Cô thông minh và duyên dáng lắm. Tôi nghĩ là cho tôi được làm quen với cô.

            – Thì tôi và ông nãy giờ nói chuyện với nhau như người quen rồi mà. Nhưng mà…Ý chết ! Không được đâu! Tôi không phải là sinh viên học ở đây.

            Lần này lại đến phiên chàng trai tò mò:

            – Cô không học ở đây, vậy sao lại ngồi đây? Hay là ngồi đợi bạn trai vào ghi danh rồi anh ta dông tuốt với ai đó, bắt cô chờ mãi nên mặt cô trông có vẻ buồn và giận dỗỉ?

            Chút tủi thân trào ra khoé mắt, không giận vì câu nói đùa, cô gái thành thật kể:

            – Ông ghi danh để tiếp tục học, còn tôi xóa tên để bỏ học. Mẹ tôi vừa mới mất, không còn ai để trang trãi cho đời sống của tôi lẫn chuyện học hành. Chắc tôi phải tìm một công việc nào đó để đủ trả tiền thuê nhà, còn ăn uống thì tôi ăn ít lắm, đi xe bus đến chổ làm cũng ít tốn miễn khỏi đi bộ là được.

            Cố nuốt những chua chát vào lòng, cô gái nói thêm:

            – Sau này khi tôi để dành được tiền, tôi sẽ đi học lại.

            – Vậy thì có gì khác đâu, cô vừa làm vừa học bán thời gian.

            – Cám ơn ông, bộ ông tưởng dễ như vậy sao, tôi cũng đã có nghĩ đến điều đó. Nhưng với tôi thì đành phải chọn một.

            Ngầm thương cảm cho cô gái, bổng một ý tưởng thoáng qua như một tia nắng loang, Jeff vội nói như sợ tia nắng vàng lung linh sẽ tan biến theo cơn gió chiều:

            – Tôi đang tìm một người làm mẫu cho những bức chân dung của tôi để hoàn tất khóa học. Cô có thể giúp tôi và tôi sẽ tìm cách giúp cô để cô cứ tiếp tục đến trường.

            Lúng túng một chút, Jeff thú thật:

            – Chẳng dấu gì cô, tôi thuộc diện quân đội trừ bị, khi chiến tranh không cần đến tôi được tạm trả về. Khi nào chiến trường sôi động lại, họ lại gọi tôi. Nhưng lần này chắc là lâu vì tôi đã phục vụ nhiều năm, lại có lý do chính đáng là cần tốt nghiệp để lấy bằng sau này giãi ngũ có thể hành nghề. 

            Jeff như muốn đổ ra hết những chất chứa tương lai vào một khung trời đang ươm nắng trong đôi mắt đen mở to của cô gái:

            – Thời gian qua, tôi đã dồn dụm để thực hiện một phòng triển lảm sau khi tốt nghiệp, nhưng cần thêm một số tranh nửa. Khi ở bên kia tôi đã vẽ nhiều cho căn cứ và được trả tiền nhiều lắm cọng thêm tiền lương của tôi nên tôi nghĩ là tôi có thể làm được nếu tôi cứ dồn thêm tranh.

            Christine như không tin vào tai mình, một tia sáng mong manh loé lên từ cuối con đường hầm tối đen, nhưng cô gái thật thà ngây thơ lại thoáng lo lắng:

            – Liệu tôi có thể là người mẫu được không? Tôi lại không đẹp sợ tranh của ông sẽ xấu thì điểm tốt nghiệp của ông sẽ thấp. 

            Mắt chàng trai ngời sáng, tự tin:

            – Nếu mà tôi vẽ cô, chắc tranh của tôi sẽ có điểm cao và sẽ bán rất chạy. Cô có thể bằng lòng thì bây giờ cô thử để tôi vẽ cô một vài nét xem có giống cô không.

             Ngần ngại, nhưng một chút hiếu kỳ tuổi trẻ làm Christine không kềm được tò mò, vả lại nàng đang không biết sẽ làm gì sau khi về lại căn chung cư nghèo nàn lôi thôi nhếch nháp của hai mẹ con nàng. Và cô gái đã ngồi yên trên tảng đá lớn, đôi mắt đen sâu thẳm hồn người nhìn xa xa để Jeff vẽ mặt mình.

             Mùa thu lá đỏ như đọng lại dịu dàng trên đôi tay mềm mại cầm cọ của chàng trai. Những đường nét chấm phá bắt đầu thành hình, rồi những tô chuốt, bôi xóa nhẹ nhàng để hiện ra khuôn mặt thanh tân đượm nét trẻ thơ, làn tóc xoả tung bay theo cơn gió, chiếc miệng cười ngượng ngập hé nhẹ đôi môi thanh tú, đôi mắt đen sâu lắng được đong đầy nét buồn bằng màu chì than đã là một cuốn hút si dại cho người sinh viên ngành hội hoạ như một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Nguồn cảm hứng chớp nhoáng đã thể hiện ra một bức tranh như thực, làm chàng trai như mơ màng quên rằng mình đã hoàn thành bức vẽ. Sực tỉnh lại, bối rối như bị bắt gặp phút xuất thần để lộ ra cái nhậy cảm yếu đuối của mình, chàng trai thu dọn lại những dụng cụ hoạ cất vào hộp, ngắm nghiá lại bức chân dung của cô gái. Thoáng mãn nguyện với chính mình và hãnh diện với cô gái:

            – Cô nhìn xem có giống cô không? Có chổ nào không đẹp hơn người mẫu ở ngoài tranh?

            Ngạc nhiên đến tột độ, Christine mở căng đôi mắt như muốn to hơn vì lần đầu tiên được nhìn mình trong tấm tranh vẽ, nàng reo lên:

            – Đẹp quá, tôi không nghĩ là tôi được như vậy.

            Chàng trai nhún vai, nói khiêm tốn:

            – Cô về nhà, nhìn hình mình trong gương sẽ thấy mình đẹp hơn.  Đây chỉ là tôi mới vẽ tạm, chưa đủ hết những vẽ đẹp của người mẫu như cô.

            Hồng đôi má, cô gái thoáng vui trên gương mặt sũng ướt một màu buồn:

            -Nếu mẹ tôi thấy được hình tôi như thế này chắc bà vui lắm.

            Chàng trai lại thuyết phục:

            -Tin tôi đi, mẹ cô sẽ vui hơn nữa khi cô bằng lòng ngồi để cho tôi vẽ cô và cô sẽ không bỏ học.

                                                               ******

           Họ gặp nhau hàng ngày ở phòng vẽ của Jeff. Trong khuôn viên trường đại học. Những ngày dã ngoại của cuối tuần ngoài trời bên bờ hồ phản chiếu ánh mặt trời xanh biếc như ngọc. Trong khu rừng phong dầy đặc rì rào tiếng rơi của mùa thu trên từng chiếc lá đỏ. Tay đan tay. những ngày tháng mật ngọt theo từng chiếc lá rơi. Giá vẽ luôn là bạn đồng hành. Họ đã hòa chung những nhịp đập trong đôi tim.

          Số tiền dành dụm cho phòng triển lảm chàng đã rút ra và trang trải học phí cùng những chi tiêu cho Christine trong năm đầu tiên, cọng thêm tiền trợ cấp cho sinh viên nghèo của đại học, Christine thật sự tạm ổn và bình yên trong căn chung cư rẽ tiền đầy ắp kỷ niệm của mẹ con nàng. Giấc mơ đơn giản được đến trường để mai này thành một nữ nhân viên kế toán bỗng nhiên lại thành hiện thực. Christine đến trường học như chạy đua cùng thời gian để tốt nghiệp sớm. Ngoài thời gian cho bài vỡ, nàng lại đến phòng vẽ vừa là nơi ở của Jeff để làm mẫu cho những bức tranh truyền thần tốt nghiệp và triển lảm. Lại vui vẻ chan hòa bên nhau. Christine đã tìm thấy được một trú ẩn cho đời mình.

            Ngày khánh thành phòng tranh của Jeff khá thành công vì bạn học nhiều, một số thầy cô, hoạ sĩ cảm tài của chàng và một số bạn từ chiến trường trở về mua tranh ủng hộ. Christine luôn được Jeff giới thiệu là người mẫu và cũng là người yêu trong suốt cả tuần lễ triển lãm tại thư viện thành phố.  Điều này lại càng làm cô gái hảnh diện, và hình như nàng đang có một quyết định nào đó.

             Sau bửa ăn tối cùng Jeff để chúc mừng cho nhau về sự thành công của phòng tranh vì số tiền bán tranh khá lớn.  Christine vội vả trở về căn chung cư của mình. Mọi thứ dường như nàng đã sắp đặt sẵn. Những thùng giấy lớn đã dán kín bằng băng keo lại, chiếc va li đã căng kín những tư trang, chiếc cặp sách lớn đeo vai hàng ngày phồng to lên nằm trên chiếc bàn học cũ kỹ. Christine đã trả lại căn chung cư cho chủ. Nàng quyết định từ giả một nơi chốn đã là một khung trời nhỏ đầy những dấu tích yêu thương của mẹ con nàng. Con chim nhỏ đã tìm được một mái hiên ấm áp trú mưa trong một thế giới bao la đầy màu sắc của chiếc cầu vồng tình yêu. Christine đã dang đôi cánh, không e ngại, không một lo âu để bay vào khung cửa đã mở rộng cho nàng.

            Jeff mở cánh cửa sau tiếng chuông reo. Thấy người tài xế taxi đang phụ khiêng những thùng giấy lớn để đem vào nhà. Christine hiện ngay trước tầm mắt ngạc nhiên tột cùng của chàng trai.  Nàng trông thật nhỏ bé bên chiếc vali lớn căng phồng, vẻ tự tin quả quyết trên đôi mắt đen lánh, đôi má hồng hồng phấn chấn nhưng cũng không che dấu chút ngượng ngập lúng túng trên bàn tay run run đã chạm tới một quyết định.

            – Điều gì đã xảy ra cho em? Anh không muốn nghe những điều gì xấu cho em.

            Christine cười nhẹ trấn an người yêu:

            – Anh thử đoán xem, điều gì đã đến cho hai chúng ta?

             Chàng trai đùa với cái đùa cố hữu:

            – Họ đã quăng em ra khỏi nhà như sút quả banh vì em thiếu tiền nhà?

            Đứng thẳng người, vẻ nghiêm trang như sắp nói ra một lời tuyên bố quan trọng. Christine nhìn ngay vào mặt Jeff, chiếu sâu tia nhìn nồng nàn vào đôi mắt xanh thẳm đại dương của chàng trai, chậm chậm nói từng tiếng:

            – Không ai có thể quăng em cả, mà chính em quăng cả cuộc đời của em vào đôi tay anh.

Hãy đón em vào ngôi nhà của anh đi, và để em chia sẽ cùng anh những vui buồn của hai chúng ta.

            Jeff thật ngỡ ngàng, xúc động dâng cao làm chàng ngơ ngẫn như đang trong mơ. Từ lâu nay chàng trai đã nói ra thật nhiều về tương lai, về tình yêu, về những nỗi lo lắng của người yêu khi yêu một người lính chiến. Nhưng lần này Christine đã nói ra điều muốn nói từ lâu từ đáy lòng nàng là muốn sống chung cùng người yêu dù bất cứ một điều gì sẽ xảy ra.

            Christine bình tỉnh khi nói ra quyết định của mình, nhưng trông cô bé mềm nhũn run rẩy như con mèo ướt. Jeff dìu nhẹ Christine, cả hai cùng đưa nhau đi vào căn chung cư ấm áp nồng hơi thở, ngổn ngang những yêu thương cùng đống giá vẽ và những cọ bút vẽ, chì màu. Đời con gái của nàng từ đây đã giao phó cho Jeff, như cành lan cần tựa vào khúc thân cây tươi để đón bầu sương sớm. Nhưng Jeff vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ của người lính chiến.Cứ mỗi ba tháng cuối năm thì chàng phải trở lại chiến trường, lần lượt thay phiên cho các đồng ngũ dự bị khác. 

            Jeff đã mở được phòng tranh, ký được một hợp đồng dài ngày với một công ty bài trí nội thất để cung cấp những bức tranh sơn dầu hay truyền thần trang hoàng cho những ngôi nhà kiểu mẫu. Christine vẫn quyết tâm học chăm đợi ngày tốt nghiệp. Họ bên nhau đằm thắm như vợ chồng. Chậu hoa hồng đỏ rực, mùi chiên nấu đồ ăn trong góc bếp nhỏ. Thế giới mơ mộng trong mắt nhau bỗng hiện ra thành ảnh thật. Thế giới ảo của Christine nay là thế giới thật. Bạn bè nhìn thấy hạnh phúc ấy lúc đầu chia sẽ cái vui, dần rồi trở thành ganh tị, có đứa nói:

            –  Có người yêu là chiến sĩ thì lo lắm.

            Christine chỉ cười nhẹ, tự tin:

            – Mình rất hảnh diện về anh ấy là chiến sĩ và may mắn mình đã gặp được anh ấy. Tình yêu sẽ cho mình yên tâm mãi. Nếu bạn không có tình yêu cùng bạn thì bạn sẽ là người đáng lo lắng hơn. Có ai khi yêu mà sống trong lo lắng đâu.

              Hàng năm, vào dịp gần cuối năm Jeff lại ra đi lại, rồi trở về.  Hàng phong đỏ trên những con đường Christine đi qua để đến trường, vẫn lặng lẽ cùng nàng. Dù mong manh như một cành lan chờ nắng ấm, nhưng Christine cũng yên tâm bên ngọn đèn ở bàn học chờ đợi ngày trở về của Jeff . Năm học cuối cùng của nàng cũng là năm Jeff sẽ được giãi ngũ. Còn vài tháng là kết thúc nghĩa vụ của Jeff dù cuộc chiến vẫn chưa ngừng lại. Vẫn cứ đạn bom rơi. Vẫn những tiếng nổ kinh hoàng. Vẫn những chàng trai trẻ nhận lảnh nhiệm vụ tiếp tục lăn mình vào cái hố phi lý của chiến tranh. Rồi vẫn là những thây người ngã gục.

         Jeff đã ngã gục xuống, đã không còn đợi kịp cái ngày của giấc mộng hồi hương hiện thật để về nhà cùng Christine.

         Người lính với bộ quân phục Bộ binh thẳng nếp, đôi giày đen láng bóng đứng tần ngần trước cổng trường đại học. Giòng người quan khách đến tham dự ngày lễ tốt nghiệp qua lại đông chật kín khuôn viên của sân vận động trường.  Christine đứng bên đám bạn nhưng cứ dõi mắt trông xa xa về một hướng nào đó. Nàng mơ hồ rằng Jeff sẽ trở về đúng ngày này cùng bộ quân phục nhuộm màu nắng chói của chiến trường như lời hẹn trong thư .

       Một người gác dan của trường dẫn người lính trẻ ấy đến bên đám con gái đang cười nói rôm rã. Đám trẻ không ngừng bấm những chiếc phone nho nhỏ xinh xinh có kèm thêm khung máy ảnh để chụp hình cho ngày đăng quang.

      Người lính ngả mũ chào Christine và lúng túng bắt tay nàng.Tay người đàn ông run run cố kềm giữ xúc động :

    -Xin lỗi cô, tiếc là tôi đã mang một tin không tốt đến cho cô, Jeffery đã không còn về với  cô được nữa .

      Hung tin đưa đến, người bạn đồng ngủ đại diện cho đơn vị của Jeff đến đưa tin và cho biết thêm: họ không tìm được thi thể của Jeff sau khi chiếc xe hành quân tuần tiểu trong vùng sa mạc bị phục kích bởi một quả mìn cực mạnh. Tất cả chiến sĩ trong đoàn quân đều tan biến vụn vữa theo lửa khói.

 

                                                 *****

                                                   

             Màn đêm buông nhẹ xuống từ lúc nào.  Hàng cột đèn bóng tròn bằng thủy tinh trong khuôn viên chùa tỏa ánh vàng hiu hắt, chiếu nhẹ trên những chùm lá đêm đen thẫm đang rì rầm điệu buồn như câu chuyện buồn của Christine. Hình như đã đến giờ cổng chùa đóng, chú tiểu nhỏ cứ lẫn quẩn đâu đó. Biết rằng nhà chùa đang đợi chúng tôi để khóa chiếc cổng sắt, tôi nhẹ bảo:

            – Mình về thôi, ngày mai mình còn nhiều chuyện muốn nói.

            Chúng tôi giữ im lặng khi ra về. Tôi nghe tiếng bước chân nhẹ tênh nhưng vẫn là tiếng lao xao trên đám sỏi trắng của sân chùa như âm vang những lời kinh cầu cho Jeff. Tôi lại nghe hình như trong đêm có tiếng lá đang trở mình thở dài. Bốn năm trăng mật của tình yêu đủ cho một đời người con gái. Nay, Christine như là một hình nhân khác. Nàng đã cắt bỏ hẳn mái tóc dài nâu suông mướt, khoác vào người bộ y phục của phái nam như chối từ sự hiện diện của người nữ có số phận bất hạnh.

             Bửa cơm trưa cùng chung ở phòng căng tin trong sở, tôi hỏi tiếp câu chuyện buồn của Christine:

            – Sau khi được tin Jeff mất, cuộc sống cháu chắc là nhiều khó khăn?

            – May mà cháu đã ra trường và công ty đã gọi cháu làm ở một thành phố khác. Cháu dọn đi, phòng tranh của Jeff thì trả lại cho chủ, đồ dùng của Jeff thì cháu giữ lại và mang theo.

            Tôi lại tò mò hỏi tiếp:

            – Sao cháu lại xin thuyên chuyển về thành phố này?

            Christine ngập ngừng như không muốn kể, hình như chạm vào một điều gì đó khó nói ra. Tôi lại càng muốn biết nhưng chỉ đành tỏ vẻ là không muốn đi sâu thêm vào điều thầm kín của cô gái:

            – Cô nghĩ là cháu không cần phải kể thêm nữa.

            – Không phải đâu cô, cháu muốn kể lắm nhưng cứ ngại cô hiểu sai về tình yêu của cháu đối với Jeff. Với cháu, Jeff vẫn luôn luôn trong cháu. Jeff vẫn sống trong cháu. 

            Tôi có sự tinh ý của phụ nữ, đoán hỏi:

            – Sau ba năm để tang cho Jeff, bộ cháu đã có một tình yêu khác?

            Christine vội nói như phân minh:

            – Người ta theo đuổi cháu mãi, nhưng cháu không chấp nhận tình yêu của ông ấy. Ông ta là sếp của cháu. Ông ta đã đặt nhiều áp lực lên cháu, lên cuộc sống riêng tư của cháu, ngay cả những di vật kỹ niệm của Jeff. Càng lúc cháu càng thấy tình yêu cháu dành cho Jeff vẫn trọn vẹn, không muốn một ai đụng chạm đến. Và cháu làm đơn xin chuyển đi đến thành phố này, để được sống yên với tình yêu của mình.

            Rồi nhìn vào bộ quần áo “con trai” của mình, Christine hảnh diện khoe:

            – Đây là điều cháu quyết định khi đến chùa cầu nguyện cho mẹ và anh Jeff, cháu muốn thoát khỏi những phiền phức cứ bao vây cháu. Cháu cắt đi mái tóc cũng vì nghĩ rằng mái tóc cháu cắt để dành cho Jeff. Anh ấy rất yêu mái tóc của cháu.

          Tôi nín lặng như chào thua cô gái trẻ. Lòng tôi choáng ngợp niềm cảm phục. Tôi đã hiểu được nổi sống chết cho tình yêu của một cô gái cô đơn rũ mềm như cành lan trong gió, lại có những quyết định rất cá tính mạnh mẽ để nuôi dưỡng một mối tình trong vô vọng. Đó là một món quà tặng cho người đã mất, cho những ngày hạnh phúc Jeff đã mang đến cho nàng trong quá khứ. Nay Jeff đã rời xa thế giới của hai người, còn lại mình Christine cùng đời sống riêng tư duy nhất cho mình nàng. Sự chọn lựa cho tình yêu là một chọn lựa thật đúng với nàng hay không, nhưng Christine đã chọn một tình yêu cho mình cùng một đời sống cô quạnh.

             Tôi đang mơ hồ về một điều gì khó hình dung ra trong câu chuyện tình này. Chuyện tình của Christine đã tác động đến tôi, thật xúc động, thương cảm và hình như trong tôi tiếng cầu nguyện cho sự ra đi của Jeff âm vang một điều gì đó thật khác thường. Mơ màng về một ảo giác hồi sinh cứ âm ỉ, lan dần trong tâm trí tôi.

             Nàng Christine còn quá trẻ.  Mầm sống của nàng không thể là một ánh bình minh vội tắt trên sườn núi, ngoài bìa rừng hay trên mặt biển xanh. Tuổi xuân của nàng không thể là một cô đơn gánh chịu trong đêm đen. Tôi chỉ biết xót xa cho nàng.

           Tôi khuyên nàng:

           -Cháu nên đi chơi xa một chuyến, cho lòng được thanh thản.

           – Vâng, cháu định sẽ đi thăm mẹ anh Jeff.

           Và một ngày, Christine lấy phép để đi thăm bà mẹ. Bà ấy đã đến thăm Jeff khi chàng còn sống ở căn chung cư và cũng đã gặp Christine. Hai người đàn bà rất có cảm tình với nhau nhất là Christine mất mẹ nên rất quý mến bà, nhưng vẫn chưa có dịp để đi cùng Jeff thăm bà ở một thành phố xa khác. Lần này, Christine bỗng nhớ đến mẹ Jeff. Nàng có ý nghĩ đi thăm để trả lại cho mẹ Jeff những kỷ vật của đứa con trai duy nhất, và để thăm mẹ Jeff .

          Cố lục tìm trong đống giấy vẽ, sổ ghi chép hàng ngày và ngay cả những mẩu giấy liên hệ với khách mua tranh kỳ trước của Jeff. Christine run run như đang lục tìm lại đống hạnh phúc quá khứ. Bỗng rơi ra từ tấm giấy vẽ bức tranh còn dang dỡ một khuôn mặt phụ nữ của mặt mẹ Jeff, tấm card mừng Sinh nhật Jeff của bà ấy, góc trái có đề địa chỉ người gửi. Christine đã theo địa chỉ ấy. Nàng dự tính muốn dành một bất ngờ cho bà mẹ.

            Nhà mẹ Jeff ở xa thành phố nơi Christine ở khoảng nửa ngày lái xe. Nắng nhẹ lên cao nơi thành phố nhỏ. Trung tâm thành phố không có xe cộ nhiều, đường phố im lìm nghỉ yên vào ngày cuối tuần. Nghĩ đến bó hoa để làm quà cho bà mẹ, Christine tạt vào một góc công viên gần khu thương mãi, đậu xe dưới bóng cây, đi bộ chậm chậm một khoảng đường ngắn rồi băng qua đường để đến một tiệm hoa. Christine chọn bình hoa hồng đỏ thắm xen lẫn đám hoa trắng nho nhỏ cùng những chiếc lá tươi xanh thẩm xoè quanh chiếc bình pha lê trong suốt. 

            Christine trở lại công viên nơi đậu xe, nghe vọng lại từ xa ở một góc của công viên tiếng nói cười lao xao của đám đông. Hình như là một buổi pinic ngoài trời cho một sinh nhật của đứa con nhỏ. Một ngày vui cuối tuần cho gia đình, bè bạn, người thân. Còn nàng vẫn chơ vơ cùng nắng như một cành cây khô. Bên nàng chỉ là mớ hành trang của Jeff để lại, nàng đã chọn một số để đem về trả lại cho mẹ chàng.

             Một nhóm đứa bé đạp những chiếc đạp nhỏ xinh xinh đi qua mặt Christine, vô tình nàng ngẫn nhìn theo, thoáng lạ lùng khi nàng thấy mỗi đứa đều cầm trong tay tờ giấy trắng khá lớn. Đợi chúng nó quay trở lại, Christine ngoắt tay chận lại và tò mò hỏi để xem. Trên mỗi tấm giấy cứng và trắng của loại giấy để vẽ chân dung, mỗi đứa mỗi khuôn mặt non dại được vẽ phác, giống nét thật dù không đẹp như ngoài tranh nhưng những đôi mắt xanh của những viên bi thủy tinh là những đôi mắt đen có hồn người của trẻ thơ trong sáng trên tấm giấy. Một đứa trong nhóm nói và chỉ tay về một góc khác của công viên:

            – Miss, cô muốn vẽ cho cô thì đến đó đi.  Ông ta chỉ vẽ free, nhưng ông ấy vẽ đẹp lắm.  Cuối tuần là ông ta lại ngồi ở đó để vẽ cho người ta.

            Lạ lùng, lại hiếu kỳ, tay vẫn cầm bình hoa Christine lần bước theo bọn trẻ, trong tiềm thức nàng ẩn hiện giòng hồi tưởng về chàng sinh viên hội hoạ năm nào.

             Dưới bóng râm của táng cây rậm lớn, trên bãi cỏ xanh phẳng phiu, đám trẻ vẫn bu quanh người đàn ông ngồi trước giá vẽ. Chiếc mũ rơm rộng vành che mất nữa khuôn mặt, nửa thân mình ngồi gọn trên chiếc xe lăn, đôi ống quần lủng lẵng lay động nhẹ theo nhịp tay khi ông ta đang vẽ cho một đứa bé gái có đôi bím tóc vàng hoe. Tụi nhỏ thích chí chỉ trỏ nói với nhau nho nhỏ như đang chiêm ngưỡng bức tranh hiện dần khuôn mặt của bé gái trên giá vẽ. Con bé nhỏ đứng yên lặng cách xa người hoạ sĩ một khoảng cách ngắn, mắt mở tròn to, miệng mím lại. Cảm giác rùng mình chạy dọc cơ thể cô gái, như nhớ lại ngày nào Christine ngồi yên cho chàng trai xa lạ vẽ mình, rồi từ đó là những chuổi ngày hạnh phúc và nay là một con người có nhiều bi luỵ như nàng

             Bỗng Christine đứng khựng lại, tim nàng đập mạnh, đôi tay run rẩy như bị một cơn động kinh làm bình hoa rơi vỡ tan trên nền xi măng của lối đi dành cho người đi bộ. Người hoạ sĩ tàn tật nghe tiếng động quay nhìn như chào một người khách đến xem mình vẽ. Ông ta cũng khựng lại, chiếc bút chì than trên tay rơi xuống bờ cỏ, khuôn mặt người đàn ông bổng bất động như xác ướp dưới vành mũ rơm. Christine đã nhận diện ra được người đàn ông đó. Nàng nghẹn lại chỉ thốt ra trong tiếng òa khóc:

            – Anh Jeff !

            Jeff đã không chết, đồng đội đến tiếp cứu đã tìm thấy chàng thoi thóp trong đống thịt nát bấy của đôi chân. Họ quyết định cưa gấp, cắt bỏ đôi chân đến tận đùi để giữ lại mạng người. Jeff đã mê man mấy ngày trên giường của bệnh viện, khi tỉnh lại trong đau đớn chàng chỉ yêu cầu cấp trên báo tin cho Christine là mình đã chết không tìm thấy xác. Chàng không muốn để Christine thêm một lần chua xót khổ sở bên người yêu tàn phế.

            Christine ôm choàng lấy Jeff khóc như chưa một lần được khóc. Đám trẻ vội tãn ra rồi trèo lên xe tiếp tục cuộc chơi đua xe. Bỏ lại hai người đang ôm chầm nhau, hai đôi vai run run, tiếng khóc theo tiếng lá rì rào cùng những giòng nước mắt chảy dài trên hai đôi má sầu muộn.

            – Sao anh lại dấu em?

            Vuốt đầu tóc ngắn con trai của Christine, Jeff vẫn hóm hỉnh:

            – Để cho em có một cuộc đời khác, như bây giờ. Cứ theo anh thì chỉ là một người mất cả đôi chân thì làm sao mà dìu em vào nhà.

            Christine nhìn vào mắt Jeff, vẫn nồng nàn như thuở nào:

            – Anh vẫn nguyên vẹn, không một mất mát nào trong em. 

            Christine nói như tỉnh giấc sau một cơn mộng dữ dài:

            – Em sẽ xin chuyển về đây với anh.  Anh vẫn vẽ tranh, còn em sẽ sinh cho anh mấy đứa con để anh vẽ chúng nó.

            Lại qua đi một giấc mơ để họ không bao giờ mơ đến lần nữa trong đời họ. Jeff đã sống như đã chết, tàn phế bên mẹ già. Nay chàng đã được sống lại. Đôi chân bị cưa ngắn đau buốt nay được ngâm vào suối nước hồi sinh, để tái tạo lại cái vùng thịt da đã bị cuộc chiến nghiền nát, và Christine đang ở bên chàng như hiển hiện một nữ thần hiền dịu. Sự sống lại như một số phận mới đang được được bù đắp cho chàng trai. Đôi tay tài hoa vẫn là gia tài nguyên vẹn của Jeff để chàng vẫn tiếp tục vẽ những bức tranh thật trong đời.

                                                    ******

            Christine điện thoại về sở để báo tin vui cho tôi:

            – Cô Hoàng ơi, cháu đã tìm thấy Jeff.

            Trái tim tôi đập nhịp lùng bùng như tiếng trống hội làng. Lần này thì đến phiên tôi lại trong mơ. Tôi mơ hồ hỏi như mê:

            – Thật hả cháu? Có thật vậy không?

            – Dạ, thật đó cô. Anh Jeff đã không chết. Anh ấy chỉ bị thương và nay thì đã lành.

             Hai tuần sau, đơn xin thuyên chuyển của Christine được chấp thuận. Rồi thiệp báo tin cưới theo sau. Chúng tôi lại thêm một lần làm tiệc đưa tiển. Tôi lại thêm một lần nghe con tim reo vui cho một hạnh phúc của đồng nghiệp. Tôi lại nhớ đến Jane. Nhớ đến những câu chuyện kỷ niệm của bà bạn già và tôi ngày nào, nhớ những buổi ăn trưa ngắn ngủi vội vàng bên nhau, nhớ những cái ôm siết nhau giả từ. Nay mai tôi lại có thêm một đồng nghiệp mới cùng phòng với mình. Mỗi hạnh phúc mà tôi cầu mong cho những người chung quanh tôi là mỗi giòng đời không có một vũng xoáy cuốn sâu, mà chỉ êm đềm trôi như một giòng sông.   

           Chuyến bay đêm bỗng gặp cơn mưa đầu mùa. Con chim cánh sắt màu xám nhạt đang đưa tôi đến thành phố lớn để ngày mai tham dự ngày cưới của cô bạn trẻ. Cơn mưa lớn hình như kèm theo luồng gió mạnh của mùa bão đang về trên vùng trời của hướng Đông. Chiếc máy bay như đảo mạnh. Những giọt mưa vỗ vào khung cửa sổ của máy bay tôi lại nghe như những giọt đàn thánh thót rơi xuống lòng mình. Lời nguyện cầu thầm kín trong tôi về một hồi sinh đã được soi thấu như một ước lệ đặc biệt dành cho tình yêu chung thủy cao vời của Christine. Tôi tin vào sự huyền bí mầu nhiệm của Trời Phật ban cho loài người như ban một tình yêu cho cả hai người đã cùng yêu thương và cùng hy sinh cho nhau.

            Đám cưới ngoài trời, cô dâu trong chiếc áo đầm trắng xoá cười tươi như hoa nắng lung linh. Bó hoa tươi trên tay cô dâu đỏ thắm. Đôi mắt đen e ấp sáng long lanh. Chàng rễ ngượng nghịu ngồi trên chiếc xe lăn cùng đôi giày da bó đôi chân sắt trong bộ suit đen, cổ thắt nơ đỏ. Tay họ lại trong tay. Bức tranh tuyệt tác cùng một gam màu hạnh phúc ấy sẽ luôn theo tôi, sẽ mãi mãi trong tôi là một câu chuyện tình thần thoại có một kết thúc đẹp. Chuyện tình của một cành hoa lan mong manh đã cho tôi một chiêm ngưỡng, ca ngợi về người con gái trẻ đã sống cho đến cùng tận với hào quang hay bóng tối của một tình yêu chân thật, và đoạn cuối, nàng đã tìm thấy một chân dung hạnh phúc cho hôm nay và vĩnh viễn.

          Tôi đi bên mẹ Jeff. Khuôn mặt người mẹ sáng ngời ánh hạnh phúc cuối đời. Người đàn bà già nua, nụ cười tỏa nắng, tay run run cầm tay đứa con dâu đi trên con đường cỏ xanh vương vãi nhiều chiếc lá đỏ.

         Tôi cúi lượm một chiếc lá trên lối đi, chiếc lá màu đỏ thắm đẹp nồng ấm, rồi thả nhẹ cho chiếc lá chao nghiêng một lời chúc phúc đến họ.Tôi hỏi Christine:

        – Những ngày sau tuần trăng mật, cháu sẽ làm gì cùng chồng?

        – Dạ, cháu sẽ đi cùng Jeff, lăn chiếc xe đến góc công viên để Jeff hoàn thành bức tranh còn dang dở cho con bé. Cô bé có đôi bím tóc vàng hoe như màu của nắng.

Phoenix, AZ

Võ Hương Phô

Còn Một Nơi Để Bắt Đầu

               Người đàn ông ấy, đứng im lìm, hai tay cầm tấm giấy bìa khá lớn. Tấm giấy có vẻ còn mới, dày và cứng như chưa nhuộm màu của bụi đường và bạc màu của nắng. Giòng chữ viết ngay ngắn bằng mực đen đậm trên tấm bìa giấy cũng còn in nét mới : “Cần giúp đỡ, tiền hoặc công việc. Cám ơn.” Người đàn ông ấy tôi chỉ thấy trong một vài ngày trước đây ở một góc bên ngã tư đường. Có một chút gì lạ cho tấm giấy chuyển đến một tín hiệu cầu cứu đây, khi một người đàn ông dáng dấp trông còn có thể tự đi xin việc làm hoặc tự mình có thể làm một điều gì để có thể tự sinh tự dưỡng qua ngày.
           Nơi góc ấy, ngã tư đường rộng nhưng vắng xe qua lại. Vẫn là hai cột đèn hai bên góc đường có vòng tròn đèn xanh đỏ vàng chớp sáng xoay vần. Vẫn là mũi tên xanh đỏ vàng phát ra những tia sáng chợt loé lên rồi đổi màu trong một vài khoảnh khắc chờ đợi của người lái xe. Góc đường ấy là một góc nhỏ thân quen của tôi,  nơi mà mỗi tuần, năm ngày, chiếc xe của tôi thường ngừng lại trong vài giây, hoặc lâu hơn thì cả phút để đợi chiếc mũi tên màu xanh cho phép đi qua trái, rồi thẳng đường đến sở làm. Cũng chỉ thêm vài phút nữa cho tôi, để chiếc xe chậm lại và dừng trước chiếc cổng sắt lớn có hệ thống khoá an toàn. Tấm thẻ bọc mi ca có hình khuôn mặt của tôi cài trước ngực cũng chính là chiếc chìa khoá để cho tôi mở ra và đi vào. Trước mắt tôi cả một ngày dài quây quần với đống giấy tờ, với tiếng chuông điện thoại reo vang phòng, và một thế giới khác biệt với bên ngoài cánh cổng sắt lớn kia. Một thế giới không nhiều màu sắc, mà chỉ là những quy luật gò bó, những vòng quay của chiếc kim chỉ giờ một cách vô tình và của cái lịch tháng năm nằm tự tại trên bàn làm việc của tôi.
        Tháng Chín. Một ngày cho thành phố núi bỗng như dịu lại sau những ngày nắng chói chang. Vẫn còn hơi nóng bốc lên như tàn hơi của đám cháy vừa tàn trong lòng thung lũng. Cây xương rồng đứng thẳng, trơ trọi cùng đám cây mọc hoang của miền sa mạc bên triền núi, trên từng con đường, trên mỗi hàng phố cao ốc hay từng góc nhỏ lặng lẽ của từng xóm nhà nho nhỏ xen lẫn những ngôi biệt thự im vắng. Hàng cây Palm vẫn chơ vơ cùng nắng với từng phiến lá lớn như cánh quạt ở trên cao chuyển màu vàng nhạt của màu nắng cháy. Rồi ánh chiều xuống dần, đám mây đen kéo về, trôi cuồn cuộn trên bầu trời xanh chuyển dần thành màu xám sậm làm nhạt màu những tia nắng cuối cùng. Trong phút chốc, cơn mưa giông lớn đổ xuống như giòng thác vỡ để chuẩn bị cho cơn bão ghé qua thành phố vào đêm.
        Đài khí tượng địa phương quả thật chính xác khi thông báo trên mạng lưới thông tin cho cư dân của thành phố. Đêm nay có bão.
        Cơn bão đã ghé qua đêm trong lòng thành phố này.  Gió mạnh mẽ lay, như muốn rung chuyển cả vòm trời đêm, tiếng sấm vang động lớn, rồi tiếng gãy đỗ của cây. Cơn bão đến như một tên hung thần ra oai. Rồi cơn bão kéo đi, bỏ lại đàng sau những tan tác, đổ vỡ cho thành phố. Hàng cây trên những con đường xơ xác lá. Những thân cây lớn ngả nghiêng trốc gốc. Những hàng cột điện đường vẫn đứng yên nhưng hình như đã chết lặng lẽ trong làn chớp động từ đêm qua. Những bóng tròn thủy tinh trên cột đèn cao đã không còn chớp nháy đổi màu.  Giòng xe nối đuôi nhau như những giòng lũ bao quanh thành phố, trôi chậm chậm trên những con đường lớn còn ngập ngụa nước và xác lá rơi trong một buổi sáng mát dịu với bầu trời trong. Cơn mưa còn sót lại từ đêm qua vẫn còn bay bay trên những hàng cây ướt rũ hai bên đường.
        Người đàn ông ấy vẫn đứng ở góc ấy, vẫn một vóc dáng cao nhưng trông tiều tuỵ hơn vì cơn gió lạnh của cơn bão đêm qua. Ông ta vẫn cầm tấm bảng giấy hình như đã thấm nước mưa và những nét chữ trên tấm giấy cũng như đã nhoè. Ông ta vẫn với mái tóc nâu vàng ngắn, vẫn khuôn mặt như lạnh lùng vô cảm với đôi mắt chiếu thẳng, và vẫn đứng lặng lẽ bên lề sự sống dậy sau cơn bão trong đêm với tấm giấy cầu cứu. Không hiểu sao mà trong tôi lại có ý nghĩ là muốn giúp người đàn ông ấy, nên bỗng nhiên có cái nhìn quan sát tỉ mỉ hơn.Thấy ông ta trông khác thường so với những người mang tấm bảng vô gia cư thường đứng bên những góc đường. Và tôi vẫn kiên nhẫn ngồi trên xe với giòng suy nghĩ đang cuốn tôi vào giòng xe đang chờ đợi trên con đường trong cơn mắc cạn. 

 

        Chiếc xe của tôi lăn chậm dần về phía trước, rồi lại chậm hẳn và tôi phải dừng ngay khi phía trước và phía sau xe tôi đều có cả một hàng xe dài đang nối đuôi nhau đợi chờ trong tiếng xe ầm ì nổ máy đều đặn. Một ánh chớp vừa loé lên trong đầu tôi, hay là một viên nhỏ thiên thạch rơi xuống trước mũi xe của tôi, hay là một kỳ ngộ trong muôn vàn cái kỳ ngộ trong đời người chợt hiện đến. Xe tôi dừng ngay trước mặt người đàn ông đang đứng u sầu rủ héo như một cây khô trong làn mưa mỏng với vạt nắng mai nhè nhẹ. Như vâng theo một ý định thành hình trong tôi tự khi nào, tôi vội móc trong chiếc ví tay nhỏ của tôi tấm thiệp có địa chỉ và số phone phòng làm việc của tôi. Hạ cửa kiếng xe, vẫy tay ra hiệu cho người đàn ông đến gần. Tôi nói vội khi trao tấm thiếp cho người đàn ông:

         ­- Công ty của chúng tôi đang cần người, ông hãy gọi tôi nếu ông cần và thích. Tôi sẽ cho ông một buổi hẹn để tiếp xúc với ông. Tên tôi là Jacky Vo. Chức vụ và công việc của tôi đã có ghi trong thiếp. Còn tên ông là gì?

         ­- William Benn. Cám ơn bà. Tôi sẽ gọi và hy vọng sẽ được gặp bà.

         Tôi chào người đàn ông khi giòng xe trước mặt đang từ từ chuyển bánh. Trong tôi đang dấy lên một niềm vui nhè nhẹ. Bất giác tôi thở ra một hơi dài như nén chặt đã lâu. Cho dù ông ta có gọi tôi hay không, cho dù ông ta có chịu được thêm những thử thách nào để không còn là một hạt bụi bên đường đời nữa không. Miễn sao là tôi đã làm được một việc tốt cho người như tôi đang giang tay đón nhận một hạt bụi vô tư đang bám nhẹ vào tim tôi.

 

                                                                      ***

   

        Will đã gọi tôi ngay vào ngày mai, và tôi đã sắp đặt cho anh ta môt buổi hẹn tại văn phòng của tôi, cũng như một vài người khác cũng có buổi hẹn để xin được một buổi phỏng vấn cho việc làm.

         Will đã đến đúng giờ hẹn của cuộc phỏng vấn. Chiếc áo sơ mi tay dài màu xám nhạt, màu xám vẫn còn mới  nhét vào bên trong chiếc quần tây đen có thắt nịt màu nâu sậm, đôi giày đen còn ánh bóng của da giày. Chút ngạc nhiên cho tôi, vì trông Will không giống như ngày hôm qua đứng bên đường cầm tấm giấy tội nghiệp kia. Lại thêm một ngạc nhiên lớn nữa cho tôi khi tôi đọc xong hai trang giấy khai báo về hồ sơ lý lịch của Will, một kỹ sư ngành điện toán bị thôi việc vì công ty đã bị phá sản. Trong giai đoạn của ngành điện toán đang lao đao xuống dốc của thị trường, hàng trăm công ty cũng đang trên đà bị đóng cửa. Thảo nào Will cũng không may như hàng ngàn người nhân viên đã bị mất việc, dù trong bản khai có kèm thêm tấm giấy khen của công ty về một nhân viên có khả năng cao của Will. Mối thiện cảm dần dần thành hình trong tôi cho người đàn ông có dáng cao, vẻ khoẻ mạnh, nét mặt tuấn tú đượm chất đàn ông đang ngồi trước mặt tôi. Anh ta trông tự nhiên, điềm tỉnh, không vẻ lo ngại căng thẳng của một người bị quan sát và chuẩn bị cho những câu hỏi của buổi phỏng vấn.

            – Chào ông Will, vui vì được gặp ông lại.

            – Chào bà, cám ơn bà đã cho tôi cuộc phỏng vấn này.

          Tôi bắt đầu cho những gì sẽ làm, sẽ nói, sẽ hỏi trong buổi tiếp xúc với những người lạ mặt hôm nay đang hiện diện trong phòng làm việc của tôi. Đó là công việc tôi đảm nhiệm và được giao phó. Như ngày ngày, như mỗi lần tôi ngồi vào chiếc ghế của nhiêm vụ với những quyết định sáng suốt để chấp nhận hay từ chối.

          Một chút ngần ngại cho tôi vì tôi đã tự đánh giá cao cho Will trong khi công ty của tôi lại cần những công vịệc không cần đến khả năng cao như anh ta.

           – Chúng tôi chỉ có một vài công việc để vận hành máy bằng computer, cũng không cần dùng đến khả năng điện toán cao như ông. Không biết ông có thích công việc này không?

         – Thưa bà, bây giờ thì tôi không có một chọn lựa nào khác cả, có một công việc cho tôi lúc này là tốt lắm, còn hơn tôi phải tắm mưa nắng ngoài đường.

         – Vâng, thế thì ông sẽ được nhận. Tôi hy vọng đợi đến một thời gian nào đó chúng tôi sẽ chuyển sang một công việc khác thích hợp cho ông hơn.

         Nét mặt người đàn ông như vui hẳn lên hơn vẻ lạnh lùng, vô cảm mà tôi đã thấy anh ta đứng bên góc đường, bên giòng xe chạy và bên lề đường với những làn gió lạnh vô tình thổi qua những tia nhìn u ẩn. Lần này ánh mắt anh ta sáng hẳn lên, nhìn thẳng với tia nhìn vui mừng vào tôi như muốn nói thêm lời cám ơn. Nhưng hình như anh ta đang bối rối điều gì đó, nên có phần lưỡng lự như chưa dám nói một lời nào đó.

       –  Hình như ông có điều gì cần hỏi thêm về công việc này?

       – Không, thưa bà, chỉ là một yêu cầu nhỏ về cá nhân của tôi thôi, mong bà chấp nhận.

       – Vâng, ông cứ nói.

       – Tôi đã được phép ở bên con gái của tôi vào ban ngày ở bệnh viện trẻ em, nên xin bà cho tôi được làm vào ca đêm.

        Chút tò mò muốn biết thêm về tình trạng cá nhân của người nhân viên mới mà tôi đã có một sự ưu ái đặc biệt này. Tôi thân thiện hỏi ngay, và anh ta đã cho biết.

        ­  -Vợ chồng chúng tôi đã xa nhau khi bé Melanie mới một tuổi. Tôi được quyền nuôi con. Nay con bé đã được 5 tuổi và đang mắc chứng bệnh về máu. Bác sĩ đã quyết định cho cháu vào bệnh viện chửa trị cả mấy tháng nay. Cũng may, phát hiện bệnh kịp. Bệnh viện phải giữ cháu một thời gian dài. Tôi muốn bên cạnh con tôi vào ban ngày dù đã có y tá chăm sóc. Bây giờ gia đình tôi chỉ là tôi và bé Melanie thôi. Mọi chi phí cho hai cha con tôi đều phải do tôi, và những trợ cấp xã hội cho tôi đều đã hết.  

         Tôi chợt nghĩ lại, một đất nước gọi là một cường quốc của thể chế tự do, nhưng không hẳn là được tự do có tất cả. Tất cả đều có cái giá để được cái tự do. Thật đúng là hoạ vô đơn chí cho Will,  tôi cảm  thấy mắt tôi như muốn ứa ra những giọt nước mắt chia xẽ cùng người đàn ông này. Một vòng tay tôi muốn giang ra để ôm vai ông ta, để an ủi, san sẽ nỗi bất hạnh cho người đàn ông này. Nhưng, có những điều ta muốn làm mà không được làm. Chỉ là những niềm thấu hiểu sâu trong tâm cảm, chỉ là vì bộ áo tôi đang khoác bên ngoài, và chỉ là vì cái ghế tôi đang ngồi trong căn phòng của một công ty lớn đang hoạt động này.  Tôi chỉ biết thầm thở dài, ngoài mặt vẫn vẻ điềm tinh và trấn an ông ta.

         – Tôi sẽ chuyển ông sang làm ở ca ban đêm. Chúng tôi sẽ nhận một người khác có công việc vào ban ngày. Có một điều vui cho ông là làm ca đêm thì ông sẽ được thêm lương, cũng giúp ông được thêm phần nào.

         – Vâng, cám ơn bà.

        Tôi chào người đàn ông sau câu chúc may mắn cho ông ta trong công việc mới, và dặn ông ta sẽ bắt đầu công việc vào đêm mai.

        Trong tôi tự dưng dấy lên một cảm xúc thật khác biệt khi nhìn người đàn ông bước ra khỏi phòng với một vóc dáng vui khỏe và hăng hái như một người chiến sĩ sẳn sàng ra trận. Bỗng nhiên tôi thấy mối cảm tình với người nhân viên mới này đang dâng cao lên trong tôi hay là do vì lòng thương người khi nghĩ về đứa con gái của ông ta bị xa mẹ và đang mắc chứng bệnh nan y. Và tôi lại đang muốn nghĩ đến họ nhiều hơn ở mức độ của một kẻ bàng quan. Một điềm hiếm có cho tôi, xưa nay tôi chỉ làm xong công việc, ra về lòng không vướng bận về những gì đằng sau cánh cửa phòng làm việc.

       Hàng ngày, Will đến đúng giờ làm việc, khi về thì cố nán lại vài phút để làm sạch vùng đặt máy móc làm việc của mình. Một thái độ làm việc hiếm có của một nhân viên dù đã có bằng cấp cao mà nhận lảnh một công việc ở mức bình thường. Phải chăng đó là sự nhẫn nhục, chịu đựng, như anh ta đã nhận chịu một số mệnh bất hạnh để ôm tấm giấy xin cưú giúp bên đường. Tôi cố tìm hiểu thêm về anh ta và đang tìm cách giúp thêm cho Will.

        Buổi họp tại phòng khánh tiết của sở, tôi gặp lại Will. Mọi ca làm việc ban ngày hay ban đêm đều phải đến vào buổi họp này. Sau buổi họp, tôi tìm đến Will , cũng chỉ muốn hỏi han về hoàn cảnh anh ta trong lúc này. Trông Will vẫn dáng vẻ thư thái và vui hơn.

         – Chào ông Will. Lâu nay ông khoẻ chứ. Cháu bé có khoẻ không? Công việc mới ông có thích không?

        – Chào bà, vui được gặp bà lại. Cha con chúng tôi đểu khoẻ. Bé Melanie còn thêm vài cái xét nghiệm trong vài tháng tới để chắc hẳn là sẽ bình phục. Tôi cũng đã quen với công việc rồi, hình như cảm thấy dễ chịu hơn vì chỉ ngồi nhìn cái cổ máy to bự nó chạy thôi.

        – Thế thì xin chúc mừng cho ông.

      Hình như tôi cũng đang tự chúc mừng cho tôi, vì tôi đã thấy được chút hào quang của hạnh phúc tôi đã mang đến cho người. Will vẫn trong một trạng thái lạc quan, chấp nhận một cuộc sống mới một cách  vui vẻ, không than van, khác với những nhân viên trước mà tôi đã gặp. Một chút gì lâng lâng trong tôi như tôi đang nhìn một nụ hồng nhỏ vừa mới nở hoa. Tôi cầu mong sao cho bé Melanie được khỏi bệnh, được đi đến trường lại, được đêm về ngủ trong giường của bé có lời cha đọc vài trang sách ru ngũ, và được nhắm nhẹ đôi mi khi cái hôn thương yêu đặt trên trán con của cha trước khi bé chìm vào giấc ngủ thiên thần.

       Trong một thời gian không lâu, tôi cố tìm một chổ trống trong phòng làm việc của kỷ sư cho Will . Will không thể ngày ngày phải chịu đựng sự mai một khả năng của một kỹ sư giỏi điện toán  qua những cổ máy chạy xình xịch suốt đêm, và đồng lương có hạn. Chổ của Will phải là những màn hình nhỏ với những con sóng điện nhấp nhô theo ngón tay bấm nút keyboard nhanh như máy, và những gì mà Will cần  phải làm, cần phải có, cần phải được cho cuộc sống của hai cha con anh ta.  Và, tôi đã nói chuyện với cấp trên của tôi để cho Will một chức vụ hợp với khả năng của anh ta. Tôi được chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi, cũng như ngày ngày tôi cũng có quyền chấp nhận  các đơn xin việc. Nỗi vui này tôi càng thấu hiểu thêm như khi được nhận một đặc ân cho chính tôi.

         Tôi hẹn gặp Will tại phòng làm việc của tôi. Will có chút ngạc nhiên khi bước vào phòng, vì giờ làm việc của anh ta là ban đêm, mà nay lại là thời gian của ca việc làm ban ngày. Tôi cười thật vui để trấn an anh ta:

         – Chào ông Will. Một tin vui đến cho ông, và tôi cũng xin chúc mừng ông.

         – Thưa bà tôi không hiểu gì cả, chuyện gì đã xảy ra cho tôi ?

         – Ông đã được chuyển sang công việc ở bộ phận kỹ sư điện toán. Những trách nhiệm gì về công việc ở bộ phận này ông sẽ biết thêm sau này khi ông phụ trách chức vụ của ông được giao . Thêm một điều tốt cho ông là ông vẫn được làm việc vào ca đêm, và …đồng lương của ông sẽ được điều chỉnh lại theo quy chế của một kỹ sư.

          – Thật là bất ngờ cho tôi, và cũng là một  thay đổi lớn cho tôi. Tôi thành thật cám ơn công ty và nhất là bà đã quan tâm nhiều đến tôi.  

          Sau cái bắt tay từ giả người nhân viên với cái tin vui cho ông ta, hình như trong tôi đã thấy không còn sự ngăn cách giữa hai chúng tôi. Khoãng cách đã dần dần được nối lại khi công việc giữa hai chúng tôi có sự liên hệ cần thiết. Chúng tôi thường gặp nhau qua những thông tin trên máy tính. Như gần, thật gần để trò chuyện với nhau. Nhưng cũng thật xa, vì chỉ là những liên hệ công việc và những tín hiệu vui vẻ nhảy nhót trên mạng sau những hoàn thành cho công việc.  Will rất giỏi, bắt đầu và kết thúc nhiêm vụ thật nhanh hơn sự mong đợi của công ty. Tôi thầm tự hào về điều này. Trong căn phòng làm việc của tôi luôn như có tín hiệu của Will gửi đến cho tôi, cái thì công việc, có khi chỉ là một cành hoa nở bung lời thăm hỏi tôi. Thế cũng đủ cho tôi. Sự nhàm chán về những gì trong phòng này, về những đống giấy tờ kia, về những gì ẩn dấu cho riêng tôi đã chuyển thành một điều hưng phấn trong tôi, để tôi còn chút vui thích khi ngồi lại trên chiếc ghế nhiệm vụ này. Cô gái trẻ tóc vàng óng, người phụ tá công việc cho tôi đùa :

        – Hình như bà thích ông ta. Ông ấy vẫn một mình nuôi con dại.

       –  Tôi chưa có cảm giác nào khác ngoài cái tình đồng nghiệp. Tôi chỉ thấy vui khi có người làm việc tốt như ông ta để tiếp xúc, học hỏi.

       – Tôi cũng mong ông ta ở lại trong công ty của chúng ta lâu hơn.  

       Câu nói với nhiều tình cảm quý mến của cô gái trẻ dành cho Will bỗng làm tôi vướng phải một chút lo lắng mơ hồ. Một ngày nào đó, Will sẽ không còn dừng chân trong cơn mắc cạn tại công ty của tôi và sẽ đi xa hơn, một thành phố nào đó hay một công ty nào đó tốt hơn cho Will. Vẫn biết khi có người ra đi thi sẽ có người sẽ đến, chúng tôi sẽ tuyển người, đó là công việc bình thường của tôi. Nhưng, hình như có cái gi đang thật sự chạm vào tim tôi. Hạt bụi bên đường ngày đó đang lớn dần và nở thành một hạt giống trong tôi.

 

                                                                      ***

         

            Tôi chọn một bó hoa hồng phấn có thêm vài cành hoa có nụ hoa nhỏ màu trắng, con búp bê nhỏ cũng mặc áo đầm hồng như màu hoa, hai mắt to xanh như hai viên bi, hai bím tóc vàng hoe sáng lóng lánh. Món quà sinh nhật cho bé Melanie thật đẹp, tôi chắc là con bé sẽ thích lắm. Sau ca ngày làm việc của tôi, tôi mang đến phòng làm việc của Will . Trông Will rạng rỡ, vui hẳn hơn mọi khi vì ngày mai Will sẽ bên con trong ngày sinh nhật của bé. Thật bất ngờ, Will hình như có chút lúng túng:

        –  Cám ơn bà, thật ra bà không nên mua quà nhiều cho cháu như vậy. Hỏi thăm cháu là đủ rồi.

        –  Chút quà nhỏ có đáng là gì, mong cháu vui và thích là được. Ngày sinh nhật phải có gì đặc biệt cho cháu chứ. 

       Tôi đang như sống trong một vài phút giây êm ấm của sự đoàn tụ gia đình. Gia đình họ chỉ là hai người, thêm vào tôi, không mối liên hệ gần gũi. Thế mà tôi cảm nhận như mình được xếp đặt một cách vô hình để cùng chia với họ niềm hạnh phúc mong manh. Bé Melanie vẫn chưa hẳn là bình phục hoàn toàn. Người cha vẫn ngày ngày bên con với một niềm hy vọng, đêm đêm lại miệt mài bên chiếc máy tính như một vũ khí để chống lại một hoàn cảnh mà sự sinh tồn phải là do đôi tay mình và một ý chí thật dũng cảm khi lâm vào một trận chiến cam go.

        Will tiễn tôi ở cửa phòng làm việc. Cái bắt tay chào giã từ cũng bình thường như những lần bắt tay  khác. Bỗng nhiên tôi muốn được một vòng tay ôm thân yêu, siết nhẹ qua vai, và thật ấm hơi nóng chuyền qua lớp áo, như ngày nào vợ chồng chúng tôi đã bên nhau. Nay hai chúng tôi không còn quàng vai nhau để đi chung trên một con đường nữa.  Nhưng với Will, người đàn ông ấy vẫn là một khoãng cách thật xa đối với tôi dù hai chúng tôi đang mặt đối mặt, và tôi vẫn luôn luôn giữ một lớp vỏ để không dám tự lột nó ra.

 

        Một năm qua, trôi nhẹ như một làn mây trời. Will vẫn đêm đêm đến sở làm, bé Melanie gần như đã được bình phục, nhưng vẫn còn trong thời gian kiểm soát của bác sĩ. Một năm chưa hẳn là một giấc mộng dài dù đã qua mau. Nhưng một năm cũng đủ để nhận ra những gì đã có sự gắn bó, không là những khoãng không để tôi đối diện mỗi ngày trong căn phòng làm việc này. Tôi gặp Will mỗi ngày qua trang mạng làm việc ở sở. Hình như đó là một thường xuyên đối mặt nhau trong một khoãng cách vô hình nhưng thật gần. Will cũng không một lần nào quên gửi chùm hoa hồng đỏ nở bung những tín hiệu thương yêu cho tôi sau một ngày dài làm việc. Thế mà hai chúng tôi vẫn chưa một lần hò hẹn. Hình như Will còn vướng mắc một vài điều gì khác và đã cố tự bỏ quên bản thân mình. Tôi vẫn cố chờ mong, như chờ mong một ngày nào đó những cái gút thắt sẽ được tháo gỡ tôi và ngay cả cho Will..

 

                                                                ***

  

        Tờ đơn xin thôi việc của Will để lại trên bàn, báo trước cho công ty 2 tuần là sẽ nghỉ việc với lý do gia đình. Cha Will đã qua đời, để lại di chúc là Will sẽ kế thừa cái trang trại trồng khoai tây ở một tiểu bang thuộc miền Trung Mỹ. Thì ra từ lâu, Will đã sống tự lập xa cha mẹ. Nay cánh chim di phiêu bạt đã được về lại tổ ấm để săn sóc bà mẹ già, cai quản một nơi chốn mà nơi mình đã sinh ra và để tiếp tục một  đời sống bình thường trong hạnh phúc. Tôi thầm hiểu. Đó là cái cuộn giây có những cái nút thắt của Will. Anh ta đã cố cột chặt lại khi bé Melanie vướng phải căn bịnh ngặt nghèo, và nay đang chờ đợi một phép mầu. Còn những cái nút thắt của tôi, tôi cần phải tự mở lấy. Vì tôi biết những gì đang xảy ra trong tôi. Tôi biết trái tim tôi đã có những nhịp rung của một bản đàn bắt đầu lại cho một đời lẻ bóng của riêng tôi.

       Ngày cuối của Will tại sở, cũng chỉ là một ngày bình thường như những ngày của những câu chào nhau từ giả, của những bắt tay tiễn đưa, của những cái ôm vai chia lìa nồng ấm để rồi xa nhau khó có thể gặp nhau lại. Tôi ngồi lại trong căn phòng một mình với những cảm giác rõ ràng là mình sẽ thiếu vắng, sẽ nhớ nhung, sẽ không còn yên vui với những bó hoa hồng nhảy nhót rồi nở bung lời yêu thương trên cái màn hình nho nhỏ kia. Hình như cái thế giới đang nở hoa trong tôi như đang chấm dứt để sẽ thành là một nơi không cho tôi bắt đầu lại, để cho tôi trở về với cái vóc dáng của một hình thái càng xa hơn cái thế giới riêng tư xưa cũ của tôi. Tôi cảm giác mình thật là kẻ ngu để mặc nhiên chấp nhận.

        Tiếng chuông điện thoại reo vang. Cô thư ký ở phòng tiếp tân của sở báo tin một tin hiệu cho tôi là có người muốn gặp tôi ở phòng khách.

         Tôi không nghĩ là tôi sẽ gặp  Will tại một nơi vào một thời điểm như lúc này. Will đứng đó, vẫn vóc dáng cao khoẻ, bên cạnh con gái. Bé Melanie với đầu tóc ngắn vừa mới mọc ra lại sau kỳ chửa hoá trị,  nay được cắt ngắn theo kiểu con trai, cũng một màu vàng nâu óng ánh giống cha, đôi mắt bi tròn xanh như mắt con búp bê đang cầm trên tay.Trông bé khoẻ mạnh và hồng hào như lấy lại sức sống của một cây con sau cơn mưa bão. Con bé trông thật xinh. Hai cha con đến chào từ giã tôi trước khi lái chuyến xe dong ruỗi một hành trình dài về lại quê nhà .         

        ­-  Con hãy chào cô Jacky đi. Cô là người mà cha thường nhắc đến với con nhiều lần, và là người đã giúp cha con mình trong thời gian qua nhiều lắm.

       Con bé vẩy nhẹ bàn tay chào tôi, rồi bất chợt nó chạy thẳng đến và ôm choàng hai tay qua người tôi và siết chặt. Nó đang muốn có một vòng tay cho mẹ, để không còn muốn là một đứa trẻ chỉ bên cha mà thôi. Bất ngờ đến tột độ, và cũng chưa bao gìờ tôi có được một cảm giác của người mẹ được con ôm, tôi chợt lúng túng rồi tự nhiên tôi cúi thấp xuống và dang hai tay tôi ôm quàng lấy cả thân hình bé nhỏ của con bé, ôm chặc con bé như một người mẹ từ nơi xa xăm nào đó trở về được ôm lại đứa con yêu của mình. Nước mắt tôi ứa ra, từng giọt lệ nhỏ lăn nhẹ trên má tôi. Những giọt nước mắt yêu thương chất kín đã nhỏ vào tim tôi, vào tim của người cha, và Will hình như cũng bàng hoàng, đứng yên cả người nhìn cảnh hai chúng tôi đang ôm nhau như hai mẹ con gặp nhau lại. Qua phút xúc động, Will đã cố giữ vẻ bình thản trở lại, và lần này thì không chút ngần ngại, chàng ta không còn cố dìm nén những chất chứa lâu nay, đã đến bên tôi vòng tay và ôm siết vai tôi, ngẫng đầu ra nhìn thẳng vào mắt tôi và nói nhẹ như một lời tỏ tình :

       –  Anh và con mong muốn được gặp em lại. Chúng ta đã bỏ mất đi nhiều rồi, chúng ta hãy bắt đầu lại.

        Phút giây này thì tôi không còn gì để cản đường tôi lại cả, Will đã mở rộng vòng tay, mở cửa con tim để đón tôi vào với chàng.  Cảm giác cái nút thắt trong tôi đã được tháo gỡ. Tôi không còn ngại vì chiếc áo chức vụ, ngại vì cái ghế ngồi, ngại vì những đống giấy tở, ngại vì những khuôn mặt căng thẳng lo lắng trong căn phòng phỏng vấn cho công việc. Lần này thì tôi cũng không còn ngại ngùng trước cái nhìn chăm chú, ngạc nhiên, khó hiểu của cô thư ký tại quầy tiếp tân của sở, và tôi mặc kệ những người xung quanh nhìn tôi như thế nào, tôi không cần biết. Tôi choàng hai tay vòng qua vai chàng, siết nhẹ, nói như ru một lời hứa cùng chàng:

        -Vâng, anh hãy đợi em.

        Tôi đã đệ đơn xin thôi việc. Ngày mai Will sẽ bay về lại nơi tôi ở để đón tôi về với gia đình chàng . Mẹ chàng, bé Melanie, và cái trang trại khoai tây đang chờ đón tôi. Trái tim của Will sẽ che chở cho tôi. Mặt trời sẽ hồng sáng trong toàn thế gian này và một cuộc đời mới đang ở trước mặt cho chúng tôi. Chàng và tôi vẫn còn có một nơi để bắt đầu.

 

Phoenix AZ 4/2020

 Võ Hương Phố   

.

– Last updated on April 14, 2021 by B-Lien Bien Hoa
September 28, 2020