Trong Bóng Hoàng Hôn- Vi Vân

TRONG   BÓNG   HOÀNG   HÔN

                                                                  Vi Vân.

                                    Chợt nghe tha thiết nhớ thương nhiều

                                   Trong bóng hoàng hôn lạnh hắt hiu

                                   Loáng thoáng qua hồn cơn đau cũ

                                  Ân tình còn đọng giữa tim yêu.

       Vào một ngày Chúa Nhật sau khi rời khỏi nhà thờ Saint Christopher tôi lang thang đi bộ về nhà vì thời tiết thật đẹp. Nắng trãi dài trên những ngọn cây maple đã chuyển màu vàng, đỏ, rơi lả tả theo từng cơn gió thoảng qua. Mây bồng bềnh trôi trên bầu trời thênh thang rộng, suốt con đường yên tĩnh hắt hiu, vắng bóng người qua lại, êm đềm thơ mộng, trầm mặc như một bức tranh. Giữa khung cảnh tuyệt vời như thế không hiểu vì sao lòng tôi thấy nao nao buồn. Có lẽ ở lứa tuổi vào thu cô đơn chiếc bóng, tâm tư tôi trăn trở nhớ thương một cái gì đó đã nằm ngủ yên trong tiềm thức.Tôi rẽ sang con đường khác, ghé vào một quán cà phê Việt Nam. Tôi gọi một ly cà phê sữa đá và nhìn qua khung cửa kính hình ảnh thân quen của thành phố trong một ngày cuối Thu.Tôi thấy cô chủ quán đang cầm một xấp danh thiếp trao cho vài người khách quen và bảo rằng đó là của bạn cô, tôi đưa tay xin một tấm xem coi là việc gì, trên tấm danh thiếp đề:

            Jason  Nguyễn Hàn Đông Vũ M.D….

    Tôi nghĩ thầm: “ Cái tên đẹp quá! Anh chàng bác sĩ nầy nếu đẹp trai nữa thì thật tuyệt vời. Nhưng…có điều gì đó làm tôi thấy bâng khuâng, bồi hồi trong dạ. Mắt tôi vẫn không rời khỏi tấm danh thiếp và miên man suy nghĩ như đã từng thấy ở đâu, tôi lẩm bẩm:

           Nguyễn Hàn Đông Vũ…Nguyễn Hàn Đông…

  A! Tôi nhớ ra rồi. Cái tên của vị bác sĩ nầy đã khơi lại trong tôi những hình ảnh xa xôi trong quá khứ, trong tuổi thơ hồn nhiên, một thời ngọc ngà hoa bướm đẹp tươi nhưng cũng nhiều đắng cay, đau khổ.

     Hơn hai mươi năm rồi, chuyện ngày xưa tưởng đã phôi pha theo năm tháng nhưng sao kỷ niệm bỗng hiện về thật rõ rệt như mới ngày hôm qua…

      Lệ Hằng, Mai Lê và tôi ở cùng xóm, chơi thân nhau từ nhỏ cho đến lúc vào trung học cũng được học chung trường, chung lớp. Mai Lê ở sát cạnh nhà tôi, còn Lệ Hằng đang sống trong một căn biệt thự ở bên kia đường. Ba Hằng là một thương gia danh tiếng, mẹ Hằng là một phụ nữ cởi mở giao tiếp bạn bè rộng rãi, Lệ Hằng là con út trong gia đình, cô có ba người anh trai. Hằng thường sang nhà tôi chơi nhưng ba tôi không thích tôi sang nhà Hằng mặc dù ông rất mến Hằng. Sau nầy tôi mới hiểu lý do ba tôi không muốn tôi qua nhà Hằng vì cô có nhiều anh trai.

   Khoảng một năm sau ngày chúng tôi vào trung học thì mẹ Hằng đột ngột qua đời. Tôi tìm mọi cách để an ủi, chia xẻ nỗi đau xót mất mẹ của Hằng và cũng nhờ vậy mà tôi được biết mẹ Hằng bị ung thư gan. Gia đình Hằng đã biết trước rồi nên để cho bà được vui vẻ sống những ngày tháng còn lại, ba Hằng đã để bà giao tiếp bạn bè tùy tiện. Ba người anh trai của Lệ Hằng đều lớn hơn tôi nhiều. Anh Quốc Gia là bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện Đa Khoa, anh Trường Giang là lính Hải Quân, chỉ có anh Hàn Đông còn đi học nhưng anh học trên tôi ba lớp.Tôi thích nhất là anh Hàn Đông, dù ba mẹ anh đặt cho anh cái tên nghe lạnh giá như vậy nhưng con người anh trái ngược lại, anh rất nhiệt tình, ấm áp, thân thiện, bình dị, dễ hoà hợp, rất quan tâm đến người khác. Anh luôn sốt sắng tham gia những sinh hoạt học đường cũng như những công tác xã hội. Mặc dù ba tôi không thích, tôi vẫn lén sang nhà Lệ Hằng chơi mỗi khi rỗi rãnh. Anh Đông có biệt tài thổi harmonica và đàn guitar rất hay nên ở trường anh là một trong những nam sinh nổi tiếng. Hàn Đông thương tôi và chăm sóc tôi như em gái Lệ Hằng, rất chân thật, rất tự nhiên. Những buổi trưa Hè tôi sang nhà Hằng cùng Mai Lê và Đông hái xoài, mận ở sau nhà anh, chúng tôi tha hồ chấm muối ớt và uống nước. Sau đó được nghe anh Đông đàn hát một bản nhạc hoặc thổi harmonica, anh thích nhất là những bản nhạc xưa. Tiếng kèn u buồn áo não của anh đã làm con tim non nớt của tôi và Mai Lê  bồi hồi xúc động:

“Đêm nay thu sang cùng heo may, đêm nay sương lam mờ chân mây. Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng, như nhớ thương ai chùng tơ lòng. Trông cây hơi thu cùng heo may, vi vu qua muôn cành mơ say…”*

      Mùa Thu năm đó khi tôi mới bắt đầu lớp Đệ Tứ thì phải bùi ngùi tiễn Đông lên Sàigòn để vào Đại Học. Lúc nầy tình hình đất nước rối ren, hình ảnh thanh bình của nền Đệ Nhất Cộng Hòa không còn nữa sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, không khí chiến tranh đang khởi sự. Một ngày kia tôi thấy Hàn Đông xách vali về nhà dù chưa hết niên học. Anh sang nhà tìm tôi, Ba tôi không còn ngăn cản anh và tôi nói chuyện nữa. Tôi nghe ba hỏi:

– Sao cháu bỏ học về đây vậy?

 Hàn Đông lắc đầu buồn bã:

– Học làm sao vô được hở bác? Cháu đã đăng vào lính, với tình trạng đất nước thế nầy mình còn ngồi đây học yên sao? Ở trên đó sinh viên biểu tình xuống đường hoài, tin đồn lung tung…cháu chẳng biết sao nữa.

Ba tôi vỗ vai anh thở dài:

– Thôi vậy cũng tốt, mong cháu gặp nhiều may mắn.

Ba tôi bỏ đi vào nhà trong, tôi đứng nhìn anh ngơ ngẩn. Tôi vừa nghe anh nói gì? Anh định đi lính thật sao?  Biết rằng anh đang muốn sống đúng ý nghĩa của người trai thời loạn nhưng sao tôi lo sợ quá. Anh mỉm cười khi thấy thái độ trẻ con của tôi, anh hỏi:

– Em làm sao vậy? Nghe anh đi lính sợ anh mang súng về dọa em hả?

Tôi hơi bực mình:

– Anh nầy, còn giỡn được nữa sao?

– Em làm gì mà ra vẻ quan trọng dữ vậy? Anh đi lính thôi mà. À, em qua nhà, anh có quà cho em, cả Mai Lê và Lệ Hằng nữa.

   Tôi theo anh qua nhà, vào chào ba anh rồi thắp nhang cho mẹ anh. Nhìn anh tôi thấy vui buồn lẫn lộn, anh thật sự đã trưởng thành, trước mắt tôi là một thanh niên chửng chạc, đã ý thức được trách nhiệm, bổn phận với quốc gia, dân tộc trong tình hình đất nước hiện tại…tôi bỗng thấy thông cảm và hiểu anh hơn bao giờ hết.

  Anh bảo tôi theo anh ra sân sau nơi có cái bàn dài mà chúng tôi thường ngồi tụ họp chơi với nhau. Anh trao cho tôi một xấp lụa màu tím:

– Anh nhớ em rất thích màu tím, anh tặng em xấp vải nầy để em may áo dài và chỉ được mặc khi đi với anh thôi nhé!

– Ơ…tại sao?

– Anh muốn như vậy, không tại sao hết.

Tôi nhìn anh ngạc nhiên, anh nầy độc tài thật, anh là cái gì của tôi mà bắt buộc tôi phải làm thế nầy thế khác. Hay là…tôi không dám nghĩ thêm nữa.

Hàn Đông có lẽ đọc được ý nghĩ của tôi nên dịu dàng lại:

– Em không hiểu ý anh sao? Cái áo nầy thuộc về anh, em cũng thuộc về anh nên chỉ một mình anh được ngắm thôi.

Tôi mở to mắt nhìn anh:

– Em thuộc về anh? Hồi nào? Đừng nói giỡn nghe.

Đông nắm tay tôi:

– Anh nói vậy mà em chưa hiểu sao? Nghĩa là…anh yêu em, em là của anh. Điều nầy đã có trong lòng anh từ lâu rồi nhưng anh chưa tiện nói ra. Giờ đây anh sắp sửa đi xa, chúng ta sẽ phải đối diện với thử thách, với đợi chờ, với nhung nhớ…nên anh không im lặng được nữa. Em không từ chối anh đâu, phải không em?

   Tôi ngỡ ngàng xúc động. Thật sự tôi rất mến anh, tôi đã có một cảm tình đặc biệt với anh, trong những ngày xa anh tôi rất nhớ và mong anh sớm quay về. Từng ngày lặng lẽ đi qua lối cũ, ngõ phố thân quen vắng anh như không còn niềm vui nào sót lại, đêm đêm tôi nghe mơ hồ bên tai âm thanh của tiếng kèn harmonica đưa lại. Tôi nhìn anh, những lời tỏ tình của anh đơn giản và chân thật, bao năm bên nhau, những sự lo lắng quan tâm của anh tôi đều hiểu rõ, nhưng bây giờ anh nói được có thế thôi sao? Tôi chỉ biết đáp lại tình anh bằng cái gật đầu trìu mến. Đông mừng rỡ ôm tôi vào lòng, vuốt tóc tôi, mắt nhìn ra ngoài xa, lời anh nói nhẹ như gió:

– Anh cám ơn em. Em là niềm an ủi lớn lao trong đời anh. Anh sẽ có đủ nghị lực để đi tới tương lai. Em hứa phải chờ anh nghe Liên.

    Tôi gục đầu vào ngực anh mà thấy như mình đang ôm cả một trời hạnh phúc. Nắng chiều bao trùm trên tóc, trên vai, trên khuôn mặt trầm tư xa vắng của anh, trông anh như một hoàng tử của chiều nào trong huyền thoại. Một cơn gió nhẹ thổi qua, những chiếc lá úa vàng rơi bám vào tóc anh, tôi đưa tay gỡ chúng xuống. Nhìn anh tôi thấy lòng dâng ngập một tình yêu dạt dào, bất tận. Đâu đây âm vang tiếng sóng vỗ nhẹ vọng về từ dòng sông quê mẹ êm đềm như một khúc dân ca, thoảng trong gió ngạt ngào hương hoa cau, hoa bưởi, hương khói chiều quê…

      Tình yêu chúng tôi bắt đầu chưa được bao lâu thì anh phải lên đường nhập ngũ. Ngày tháng nhớ nhung đằng đẵng chỉ biết tìm an ủi qua những cánh thư gửi về từ quân trường. Cuộc đời anh đã lật qua một trang sử mới, từ đây về sau anh sẽ là người trai của sông núi, của  khói súng và máu lửa sa trường. Tôi thấy hãnh diện và thương làm sao người con trai ấy. Mỗi ngày sau giờ học tôi bắt đầu viết nhật ký, kể lể những nỗi nhớ thương, lo lắng về anh. Mỗi đêm khi trời khuya thanh vắng tôi ngồi tập làm thơ, gửi tâm tình mình lên trang giấy trắng.

    Lúc nầy có nhiều biến đổi xảy ra. Bên nhà anh, anh Quốc Gia lập gia đình và thuyên chuyển về Sàigòn để gần bên vợ. Anh Trường Giang xin xuống tàu đi biển, ba anh cùng Lệ Hằng cũng dời lên Sàigòn ở luôn.  Kế đến gia đình tôi dời nhà, không ở chỗ cũ nữa. Thế là bộ ba: Lệ Hằng, Mai Lê và Ngọc Liên đành tan rã.

  Hai năm sau anh ra trường chỉ kịp về Sàigòn dự đám tang của ba anh nên anh không xuống thăm tôi được. Sau đó anh đi thẳng ra đơn vị mới trình diện. Tôi buồn bã nhớ thương chỉ biết nuốt lệ thầm và chờ mong định mệnh an bài cho tình duyên hai đứa. Tình yêu chúng tôi chỉ còn là những cánh thư qua lại.

   Rồi Mai Lê lên Đà Lạt để vào trường Chính Trị Kinh Doanh, tôi ở lại vào  Luật Khoa Cần Thơ. Tôi thật sự bơ vơ lạc lỏng từ đấy, ngày chia tay hai đứa ôm nhau khóc rất nhiều như đôi tình nhân trong giờ ly biệt. Trong lớp tôi cũng có nhiều bạn bè nhưng Mai Lê và Lệ Hằng là người chứng kiến mối tình của tôi và Hàn Đông nên thiếu hai người đó tôi không thể than thở, tâm sự cùng ai khác.

    Thời gian thầm lặng trôi qua, hơn một năm sau anh đi phép về thăm tôi cho tình yêu chúng tôi thêm đậm đà gắn bó. Những yêu thương nồng ấm, những kỷ niệm ngọt ngào bên nhau tưởng không bao giờ phai nhạt. Tôi còn nhớ rất rõ ngày đó anh đứng chờ tôi trước cổng trường trong bộ quân phục còn phảng phất nắng gió của miền cao nguyên với huy hiệu Sư Đoàn 1 bên vai nên rất đặc biệt. Anh khác hẳn với những anh lính đến trường đón bạn gái ở đây đa số họ mang huy hiệu Sư Đoàn 21, Sư Đoàn 7, Sư Đoàn 9… Thấy tôi anh kêu lớn:

– Ngọc Liên, anh Đông đây.

Tôi mừng rỡ chạy đến bên anh, chúng tôi cùng nắm tay nhau đi trên con đường ngập đầy lá thu rơi. Tôi nghe có vài tiếng xầm xì của bạn bè sau lưng:

– Con Ngọc Liên thích làm người yêu của lính. Nó không sợ làm quả phụ sớm hay sao?

-Thôi kệ nó, mỗi người có mộng ước riêng mà. Nó thích người hùng xông pha trận mạc, tụi bây thích mấy chàng mang kính cận mặc áo thụng đen ra giữa Toà Án kết tội người ta thì tùy ý tụi bây.

Tôi không màng bọn họ nói gì chỉ thấy Hàn Đông trước mắt tôi giờ đây oai phong, dũng mãnh vô cùng, đúng là một héro trong lòng tôi hằng mơ ước. Nhưng chinh chiến còn triền miên dai dẵng, máu lửa lan tràn khắp nơi nên những người lính như anh còn đi, đi mãi. Tôi vẫn cam phận đợi chờ, chờ một ngày tàn cơn binh biến để duyên tình chúng tôi được tròn ước tròn mơ.

    Rồi lần đi phép kế tiếp Đông đề nghị đính hôn với tôi nhưng tôi chưa chấp nhận vì hoàn cảnh khó khăn của hai đứa.Tôi chưa học xong, không có nghề nghiệp, còn Đông là lính tác chiến, không có nơi, có chỗ ổn định. Tôi chỉ mong một tương lai tốt đẹp cho hai đứa nên chỉ biết cố gắng học và kiên nhẫn đợi chờ một ngày nào đó.

   Nhưng có một ngày vào cuối mùa Đông 1974, một ngày đau đớn nhất trong đời tôi, Mai Lê từ Đà Lạt về nhắn tôi lên nhà gặp cô gấp. Tôi vui mừng hớn hở đến gặp cô bạn thân để được hàn huyên tâm sự, được chia xẻ vui buồn trong những ngày xa cách. Lòng tôi nôn nao rạo rực khi bước vào nhà, tôi hết sức ngạc nhiên khi Hàn Đông đang hiện diện ở đó. Trông anh hơi xanh xao, anh thấy tôi liền đứng dậy, ánh mắt lộ vẻ vui mừng nhưng rồi chợt lạnh lùng và buông một câu khách sáo:

– Ngọc Liên tới chơi à? Trông em lớn và chửng chạc hơn ngày trước nhiều đó.

Tôi sững sốt trước thái độ của anh:

– Anh…anh về hồi nào? Sao không báo cho em biết? Sao anh có vẻ xa lạ với em như vậy?

– Anh cũng vẫn như xưa thôi mà, anh vừa mới về cùng Mai Lê.

Vừa lúc ấy Mai Lê từ sau nhà bước ra ôm tôi:

– Ngọc Liên, gặp mầy tao mừng quá. Mầy có khỏe không? Sao gầy quá vậy? Chắc là “ gạo” dữ lắm phải không cô?

Tôi không đủ can đảm để nghe Mai Lê nói tiếp vì sự có mặt của Đông cùng một lúc với cô làm tim tôi đau nhói. Tôi hỏi Mai Lê:

– Sao anh Đông về cùng với mầy? Ảnh ở Sư Đoàn 1, tận ngoài Trung kia mà, mầy gặp ảnh ở đâu?

– Ảnh hẹn gặp tao trước ở Saigon rồi cùng nhau về đây.

– Hẹn trước?

– Ừ! Xin lỗi nghe Ngọc Liên.

– Xin lỗi việc gì?

Mai Lê ngập ngừng giây lát rồi tiếp:

– Hôm nay tao muốn báo cho mầy một tin, có lẽ sẽ làm mầy buồn lắm và sẽ mất cả tình bạn của chúng ta nhưng bất đắc dĩ tao phải làm vậy. Tao và anh Đông sắp …cưới nhau rồi!

– Trời ơi, mầy nói gì Mai Lê?

Tôi nghe như trời long đất lỡ, đầu óc tôi quay cuồng điên đảo, mắt tôi tối mù. Tôi quay sang Đông:

– Anh Đông, có đúng như vậy không?

Đông nhìn tôi bằng đôi mắt kỳ lạ rồi khẻ gật đầu.

– Tại sao? Tại sao hai người đối với tôi như vậy, tôi chờ, tôi đợi bao năm rồi sao anh chà đạp tình yêu của tôi?Tôi là con bé ngu đã thành trò cười cho các người rồi phải không?

    Nước mắt tôi tuôn trào uất nghẹn, tôi gục đầu đau đớn xót xa. Ôi! Người yêu tôi đó, người thanh niên mà tôi dành trọn nhớ thương yêu mến suốt tuổi thơ, người mà tôi quý trọng và tôn thờ như thần như thánh, tôi chưa bao giờ dám ngờ vực lòng chung thủy của anh. Còn người con gái kia là bạn thân thiết nhất của tôi, người đã cùng tôi chia xẻ từng trái xoài, trái mận, đã cùng tôi sống gần nhau suốt quãng đời ngà ngọc của tuổi học trò…Vậy mà bây giờ họ liên kết nhau đưa tôi vào tận cùng ngõ tối âm u không lối thoát. Tôi nhìn hai người và lớn tiếng:

  • Từ nay tôi mong hai người đừng gặp tôi nữa. Hãy cố yêu thương nhau mà sống lâu dài. Chúc các người thật nhiều hạnh phúc.

     Tôi loạng choạng bước ra cửa, tôi không muốn ngồi thêm một phút một giây nào ở đây nữa.Tôi không muốn nhìn những khuôn mặt đã phản bội, đùa giỡn với tình yêu của tôi.

    Tôi thờ thẩn một mình đi qua lối cũ, lối mòn kỷ niệm như còn in dấu chân hai đứa đã đi qua, những chiếc lá khô vỡ vụn dưới bước chân tôi như xác của tim tôi đang vỡ tan thành muôn mảnh. Gió thổi nhiều làm tóc tôi tung bay rối bời tơi tả, nước mắt tôi lả chả tuôn dòng.Tiếng chuông từ giáo đường vọng về nghe não nuột, u buồn làm tôi chạnh nhớ tới những chiều xưa hai đứa cùng đi xem lễ, cùng quỳ bên nhau nguyện cầu cho tình yêu bền vững dài lâu.

    Bây giờ đã hết, tất cả đã lui vào bóng tối, đã thành dĩ vãng mịt mù không thấy nẽo tương lai. Bóng chiều đỗ xuống thành phố, tôi lang thang hết con đường nầy sang đường khác không biết mình sẽ đi đâu, về đâu khi tâm tư đang ngập tràn bão loạn. Tôi cứ đi, đi mãi trong bóng hoàng hôn đen tối nhất của cuộc đời:

 “ Thế là hết, nước trôi qua cầu. Đã chìm sâu những tháng ngày đam mê. Thôi đành quên những phút yêu đầu, những lời yêu ấy nay đã quá xa…Ta giờ đây như là chim rã rời cánh biết bay phương trời nào…”**

   Đông ơi! Đông ơi! Em sẽ đau khổ trọn đời, em sẽ oán hờn anh suốt kiếp, em không bao giờ tha thứ cho anh đâu!

 

                                                *      *    *

   Sau ngày đó tôi không gặp lại Mai Lê và Hàn Đông nữa.Tôi cố quên đi những kỷ niệm đẹp về hai người nhưng lòng mãi nghẹn đau thương. Tim tôi như vừa trãi qua một trận “cuồng phong” nên tôi không còn cảm xúc, tôi không còn tin ai và cũng không muốn yêu thương ai cả. Rồi một trận “cuồng phong” thật sự khác ồ ạt kéo đến. Quê hương ngập tràn máu lửa, xác người chồng chất ngổn ngang và đất nước tôi không còn nữa. Tôi đã mất tất cả, tình yêu, nhà cửa, quê hương, thân lạc loài trôi nổi xứ người, sống đời lưu vong xa nước non ngàn dặm.   

    Hơn hai mươi năm sau, khi tôi ổn định được cuộc sống ở xứ tạm dung thì tuổi đời đã đi quá nửa. Gần năm mươi tuổi rồi còn nghĩ chi đến một mái gia đình. Cuộc sống tẻ nhạt đã dần quen thì hôm nay cái tên của anh bác sĩ nào đó đã làm ký ức tôi chợt hồi sinh. Tôi bùi ngùi moi trong trí nhớ, tìm lại những kỷ niệm buồn thương mà tôi tưởng đã nhạt nhoà theo bóng thời gian trôi ngoài song cửa.

    Không xoá được thắc mắc trong lòng, tôi quyết định tìm đến văn phòng vị bác sĩ có cái tên làm tôi không ngủ yên giấc. Quả đúng như tôi nghĩ, đó là một bác sĩ trẻ khoảng ba mươi tuổi, rất đẹp trai và lịch thiệp, nhã nhặn, phong thái không kém gì người bạn của tôi ngày trước. Thật là một sự bất ngờ không thể tưởng tượng được khi tôi tỏ ý hỏi về tên anh ta, anh cho biết tên đó là do cha nuôi của anh đặt. Cha anh tên Nguyễn Hàn Đông và ông đã lấy tên mình đặt cho anh chỉ thêm chữ Vũ cho khác một chút. Tôi nghẹn lời, cảm thấy lồng ngực mình nghẹt cứng, máu nóng dâng tràn trong cơ thể. Chắc chắn là người ấy rồi, tôi phải tìm gặp anh để hỏi một câu mà hai mươi năm trước tôi đã quên mất lúc ra về. Tôi cho cậu bác sĩ biết rằng cha cậu có lẽ là người bạn cũ của tôi và xin địa chỉ nhà ông ấy để tôi đến thăm.

                                                  *   *   *

    Xe tôi ngừng lại trước một căn nhà xinh xắn thuộc vùng WestCovina South Hill dưới chân ngọn đồi. Căn nhà nằm giữa một thảm cỏ xanh, nhiều cây cypress bao bọc quanh rào và nhiều hoa hồng trước ngõ. Tôi run run bấn loạn khi thấy một người đàn ông đứng lặng yên dưới gốc cây thông đang nhìn ráng chiều bên kia con dốc thoai thoải. Vóc dáng nầy, mái tóc nầy đã in sâu vào tâm khảm tôi chưa thể mờ phai dù tôi cố tình chối bỏ. Tôi thật bối rối không biết xử sự ra sao, tôi lên tiếng:

– Thưa ông, cho tôi hỏi thăm…

Người đàn ông quay lại, mắt chợt sáng lên và tiến về phía tôi:

– Chị là…ai? Tôi có quen không? Sao giống một người bạn của tôi quá.

Tôi đã biết chắc chắn anh là Hàn Đông rồi vì anh không thay đổi nhiều, chỉ già đi một chút nên lấy lại bình tĩnh nhìn anh:

– Anh nghĩ kỹ xem tôi là ai. Nếu có quen nhau chắc cũng đã xa xôi lắm rồi phải không?

Mặt anh hơi tái xanh và nghẹn lời như muốn khóc:

– Em là… Ngọc Liên phải không?

– Anh còn nhớ đến tôi sao?

– Trời ơi! Tạ ơn Chúa, đúng là em đây rồi Liên ơi! Anh không ngờ có ngày nầy. Mời em vào nhà, chúng ta cần nói nhiều chuyện lắm.

Tôi theo Đông vào nhà, căn phòng khách sạch sẽ, gọn gàng tao nhã. Trong khi Đông lấy nước cho khách tôi nhìn lướt qua gian phòng, vài bức tranh phong cảnh trên tường và một tấm ảnh lớn của Đông chụp chung với cậu con trai, không còn gì khác. Đông trở lại với hai ly nước trên tay, tôi không chờ đợi lâu được nên vội hỏi:

– Mai Lê đâu? Sao cả hình cô ấy cũng không có đây?

Đông nhìn tôi thật buồn:

– Anh sẽ trả lời hết những thắc mắc của em. Anh rất mừng vì còn có dịp nầy nếu không chắc đến chết anh còn ân hận.

– Anh nói nhanh đi sao cứ dài dòng hoài vậy.

Hàn Đông nhìn vệt nắng chiều lung linh, lướt thướt ngoài song cửa, ánh mắt như mờ đi, như đang thả hồn về một khoảng thời gian nào đó, anh bắt đầu kể:

– Anh xin lỗi em, xin lỗi thật nhiều về quyết định của anh ngày trước. Thật ra anh nhờ Mai Lê đóng kịch với anh thôi, chúng tôi không có gì với nhau cả. Ngày đó khi anh bị thương được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hoà thì phát hiện ra anh bị ung thư gan. Em cũng biết mẹ anh đã chết vì bệnh đó mà, anh biết mình sẽ đi theo mẹ rất nhanh nên muốn em đừng mơ tưởng đến anh nữa, chỉ có một cách làm em từ bỏ anh là nói dối em về việc anh cùng Mai Lê đám cưới. Khi thấy em khóc bỏ đi lòng anh đau đớn hơn lúc bị thương ngoài chiến trận, anh cố gắng chịu đựng chỉ tội nghiệp cho Mai Lê phải mất một người bạn thân.Từ đó anh và Mai Lê cũng không gặp nhau, anh đã tuyệt vọng vì bịnh tình của mình nên không màng gì cả. Một ngày cuối tháng Ba 1975 tình cờ anh gặp một em bé 7,8 tuổi đi lạc, không tìm được mẹ cha nó nên anh giữ bé lại cùng anh. Nó rất thích anh và anh cũng nhờ nó mà đỡ buồn phiền. Cuối thángTư dù biết mình không sống được bao lâu nhưng nghĩ đến đứa bé anh ôm nó ra bến tàu và chạy theo đoàn người di tản. Còn gia đình anh Quốc Gia, Lệ Hằng theo Trường Giang chạy chung trên một chiếc tàu nhỏ đã bị bắn chìm chết hết lúc đó rồi.

       Riêng anh Chúa còn thương xót nên khi đến Mỹ, thật may mắn nên sau một thời gian chữa trị bịnh anh đã được khỏi hẳn. Lúc nầy anh nhớ đến em thật nhiều, nhớ đến nỗi đớn đau tuyệt vọng vì bị tình phụ của em anh ăn năn vô cùng. Anh tìm mọi cách liên lạc với bạn bè cũ để kiếm em nhưng không ai có tin tức gì về em cả. Anh vừa đi làm vừa đi học cố gắng nuôi bé Đông Vũ lớn khôn và học hành nên người. Cha con nương tựa nhau suốt hơn hai mươi năm trời, nó thương anh lắm nên chưa chịu cưới vợ. Còn em ra sao, đến Mỹ khi nào? Nói cho anh biết về cuộc sống của em đi.

  Tôi ngồi lặng yên nghe anh kể, tôi không thể nào ngờ sự việc lại như thế! Bao nhiêu năm nay tôi cứ oán hờn, trách móc hai kẻ bạc tình vô nghĩa có ngờ đâu họ vì thương tôi mà cố tình làm tổn thương tôi. Xin lỗi Mai Lê, không biết bây giờ mầy ra sao, ở đâu? Xin lỗi anh Hàn Đông…Tôi đưa mắt nhìn anh nghẹn ngào ứa lệ:

– Trời ơi! Như một giấc chiêm bao dài, sự hy sinh cả ¼ thế kỷ của anh làm em mang mặc cảm tội lỗi khi em đã đem lòng oán hận Mai Lê và anh. Em xin lỗi anh, ngàn lần xin lỗi anh Hàn Đông ơi!

Hàn Đông bước tới ôm tôi vào lòng như ngày xưa ở sau nhà anh. Tôi giật mình đẩy anh ra, sợ sệt:

– Anh… đừng làm như vậy, nếu vợ anh về bắt gặp không tốt đâu.

Đông cười lắc đầu:

– Anh làm gì có vợ. Anh đã nói với em rằng anh chỉ có thằng con nuôi là Đông Vũ đó thôi.

Tôi ngạc nhiên mở to mắt nhìn anh:

– Thật sao? Anh không đùa chứ? Anh đã khỏe mạnh lại mà vẫn không lập gia đình sao?

– Anh cứ mãi nghĩ đến người xưa và hứa với lòng sẽ chờ đợi người ấy dù bao lâu, dù người ấy có chồng anh cũng sẽ không cưới vợ. Anh muốn đền bù tội lỗi mình cho những giọt nước mắt của em ngày đó, những giọt nước mắt đã làm quặn thắt trái tim anh.

   Nước mắt tôi tuôn tràn theo từng lời nói của Đông. Tim tôi chợt hồi sinh, yêu thương ngày ấy bỗng trở về, dạt dào êm ả như dòng sông quê mẹ chảy miên man. Tôi thấy Đông vẫn trẻ trung, oai dũng như ngày nào trong bộ quân phục và ánh mắt anh vẫn đa tình, đam mê quyến rũ, đã một thời làm bao cô gái miền Tây mơ ước. Tôi trả lời Đông rất nhỏ:

– Riêng em từ ngày “thất tình” chàng trai ấy em chẳng còn yêu thương ai được nữa nên vẫn còn một bóng cô đơn. Bây giờ đã thành “gái già” rồi đó anh.

Nét mặt Đông rạng rỡ hẳn lên:

– Có thật không em? Em có thể cho anh cơ hội…tiếp tục những gì dang dở của chúng ta ngày xưa không? Anh cầu xin em đấy!

   Tôi không trả lời anh chỉ đưa mắt nhìn về phía vườn sau nhà anh, khu vườn xanh tươi với nhiều cây cối. Đông nhìn theo ánh mắt tôi rồi chợt cười thật tươi:

– À, anh quên mất một việc. Em ra đây với anh.

Đông nắm tay tôi kéo ra vườn.Tôi hết sức ngạc nhiên khi Đông chỉ vào những cây xoài, mận Việt Nam, bưởi Biên Hoà. Đông nói:

– Em nhớ không? Ngày trước ở sau nhà anh có ba thứ cây nầy và tụi mình tha hồ hái trái ăn khi đến mùa. Sang đây anh cố gắng tìm mua để trồng, mỗi lần có trái là anh nhớ nhà và nhớ em nhiều lắm. Anh mong có một ngày được cùng em hái trái, có chén muối ớt đỏ, có những ly nước đá lạnh và anh sẽ thổi harmonica cho em nghe… Điều mơ ước của anh có thể đạt thành không em?

Tôi cảm động vô cùng, những điều Đông làm tuy không lớn lao to tát nhưng chứa đựng cả nỗi niềm nhớ nhung thương mến của Đông với tôi. Lòng tôi chợt chùng xuống, tôi quên hết giận hờn ngày trước chỉ thấy thương Đông thật nhiều, nhiều như ngày mới bắt đầu yêu. Tôi gục đầu vào ngực anh nghẹn lời xúc động:

– Anh, em cảm ơn tình yêu anh đã dành cho em từ bao nhiêu năm nay. Vâng! Em sẽ đền trả ân tình đó cho anh và cũng để cho người con gái cô đơn kia tìm được lẽ sống trong quãng đời còn lại.

   Đông ôm tôi vào lòng thật chặt như sợ tôi sẽ biến mất một lần nữa. Hai tâm hồn cô đơn đã tìm về nhau sau hơn hai mươi năm dài xa cách.Tôi nghe tim tôi đang đập mạnh và tim anh reo mừng nhảy múa hân hoan.

    Ngoài kia hoàng hôn dần xuống, ráng chiều đỏ ối lan trùm cả ngọn đồi xanh, một sự hoà hợp màu sắc của thiên nhiên thật hài hoà, kỳ diệu, tuyệt vời. Tôi cảm thấy như mình đang trong cơn mơ, tôi như bồng bềnh trên sóng nước, như lơ lững giữa những tầng mây…và tôi nghe mơ hồ trong gió  âm thanh của tiếng kèn harmonica  du dương, réo rắt qua một cung nhạc êm đềm thoát tục :

“ Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ ngày xưa Lưu Nguyễn lạc lối Đào Nguyên. Kìa đường lên Tiên, kìa nguồn hương duyên, theo gió tiếng đàn xao xuyến, phím tơ lưu luyến mấy cung u huyền…” ***

        Vi Vân.

 

* Con Thuyền Không Bến (Đặng thế Phong)

** Cho Người Tình Lỡ  ( Hoàng Nguyên)

*** Thiên  Thai    ( Văn Cao)

December 23, 2020