Trần Thị Diệu Tâm

Tiểu sử:
  

  Sinh tại Huế, học các trường Jeanne D’Arc, Đồng Khánh. Cử nhân Chính Trị Kinh Doanh Viện Đại Học Đà Lạt. Qua Pháp cùng với gia đình năm 1987.
Hiện định cư tại Pháp.

Những tác phẩm đã xuất bản :

  •  Người Về, 1992
    (Nhà xuất bản Nam Á, Paris)

  • Rong biển, 1997 (tự xuất bản)

  • Phía bên kia mặt trăng, 2001
    (Nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ)

  •  Cầu ” Pont- Neuf “, 2008
    (nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ)

  • Những Mẫu Chuyện Đời

 

Kính mời quý vị bấm vào những tựa đề dưới đây để thưởng thức các tác phẩm của nhà văn Trần Thị Diệu  Tâm

                     An Hiên Quán

                              Ngày tháng cũ

                                                  Ký Sự

                                                      Trần Thị Diệu Tâm

 

 

Đang làm việc tại một cơ sở thuộc nhà sách Hachette, tôi đành bỏ ngang để làm nhà hàng với ông xã ở phố quận 13, Paris. Nghĩ rằng mở một cái tiệm ăn nhỏ tự đứng ra cai quản, coi bộ khỏe hơn đi làm nhân viên dưới quyền điều khiển của sếp đầm khó chịu .

  Chọn cái tên cho tiệm ăn giống như tìm đặt tên cho đứa con của mình. Chợt nhớ quê nhà quê mình có một biệt phủ xưa tên gọi An Hiên. Hiên là mái nhà, an là bình an. Ai mà chẳng mong có một mái nhà an bình để sông.

 Tôi không phải là người giỏi giang chi về bếp núc. Ở Việt Nam lúc đi học thì lo học chứ đâu để ý chi chuyện làm bếp. Khi lấy chồng thì có chị giúp việc nấu nướng ngon lành. Việc chi mà phải nhọc tay chân. Qua đây liều mình mở hàng ăn , quả thật mình có lá gan to của con ngỗng béo. Ở xứ sở này, nghề bếp núc nấu nướng lại là nghề có giá trị . Tìm được một người bếp giỏi không phải là chuyện dễ dàng. Tôi phải biến thành nhà bếp, bếp chính. Như thế mình không phải phụ thuộc vào bất cứ bếp chính nào. Chủ nhà hàng sợ nhất là khi quý vị bếp chính se mình nghỉ việc.

Quán ăn nhỏ đủ cho hai vợ chổng và một người phụ bếp. Cuối tuần khách đông có con gái nghỉ học ra phụ, hạn chế phí tổn tối đa may ra mới sống nổi ở xứ Xã Hội khó khăn này. Nghĩ bụng mấy năm học “Quản trị xí nghiệp” ở Đàlạt bộ không quản trị nổi cái quán ăn bé nhỏ này sao. Thật ra nhỏ hay lớn  đều cần  phải biết cân bằng chi thu, làm nhà hàng phải cần có số thu ít nhất hơn gấp 4 lần số chi, để có thể trang trải gánh nặng về thuế má.Nếu may ra số thu có tỉ lệ cao hơn nữa mới mong có lời.  Một bài tính không dễ thực hiện với một người lơ mơ và ít tiền là tôi.

 An Hiên có địa chỉ ngay quận 13, nơi này mọi thứ vật liệu Á Đông đều có người cung cấp đưa tận nơi, chỉ cần đặt hàng qua điện thoại. Nhà tôi có khá nhiều bạn hữu quen biết xưa nay, họ đến ủng hộ khá đông. Không những khách Ta mà có cả khách Tây. Anh ấy đứng két thu tiền, vừa có tiền lại vừa gặp bạn đến chơi mỗi ngày, nên vui lắm . Đa số khách Việt ta đều trả tiền mặt. Tôi rất thích, vì được chạm, sờ và đếm, vui hơn là nhìn những con số qua chi phiếu. Đúng là nhà quê thực tình. Nhưng số tiền giấy đó không phải thuộc về chúng tôi đâu, mà thuộc về thuế má chi phí phải thanh toán .Chuyện tiền bạc bỗng dưng trở thành gánh nặng lo lắng mỗi ngày.

 Để cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tôi thường vẽ vời trong trí tưởng một cuộc đời khác bên lề, nó đi song song với cuộc đời đầy mắm muối này. Đó là sáng tạo các nhân vật truyện của mình. Trong lúc nấu nướng với bếp lửa xanh phừng phực cao độ, tôi ước chi được phút giây rảnh rổi, tiếp tục viết tiếp câu nói trong câu chuyện ngắn dở dang. Không ai ngờ rằng thời gian làm bếp là thời gian tôi mê viết nhất, viết nhanh và viết gọn. Có lẻ viết là một cách thoát ra đời sống thường nhật với những tính toán tiền bạc vật chất, để đến với thế giới khác của riêng mình, cùng đem theo đôi điều suy nghĩ không thể nói ra trong cuộc đời thường. 

Nếu cho rằng viết văn là một nghệ thuật, thì nấu bếp cũng là nghệ thuật vậy. Một bên là sản xuất món ăn  cho cơ thể, một bên là sản xuất món ăn cho trí tuệ. Món nào cũng thấy cần thiết cho đời. Muốn nấu món ăn ngon, điều quan trọng là nêm nếm gia vị. Muốn viết hay cũng cần gia giảm tình tiết chữ nghĩa. Cả hai loại nghệ thuật này đều cần sự tận tâm tận tình. Một người bạn đến chơi nói đùa “ nhà văn bây giờ trở thành nhà ăn”. Tôi chẳng phải nhà văn mà cũng chẳng phải nhà ăn, chỉ là mảnh ván cho tôi bám vào  trôi nổi trên biển động trăm năm này.

 Và hình như cái nhà vững chắc hơn cả đó là Nhà Tôi.

Điều làm cho hai vợ chồng chúng tôi phấn khởi làm việc là sự lui tới thường xuyên của thân hữu thuộc nhiều giới khác nhau. Những người ở xa ghé đến ăn không chỉ vì món ăn mà còn là dịp gặp gỡ . Nhà Tôi là người dạy học ở Saigon, Đàlạt, do đó học trò cũ khá đông. Có học trò cũ mắt ứa lệ khi thấy ông thầy giáo mình ngưỡng mộ  năm xưa, nay vất vả kiếm sống nơi quê người. Nhưng làm viêc tốt hơn thất nghiệp xin trợ cấp, trả lời đơn giản. Chúng tôi là những người không hề có mặc cảm, trước kia không tự tôn, nay không tự ti.

Người ta cho rằng quán ăn của chúng tôi là quán ăn nghệ sĩ, cũng đúng. Đa số người có “tâm hồn nghệ sĩ” thích đến đây, ăn xong thêm một tách cà-phê, có thể ngồi chuyện trò cà kê đến chiều với ông chủ quán. Những vị nào độc thân hay gần như độc thân (vì một lý do nào đó không tiện nói ra) thường đến vào buổi tối ít bận rộn hơn, và chúng tôi xin họ ngồi gần nhau để cùng ăn bữa cơm chung như trong một nhà. Như thế giá vừa rẻ cho mỗi người mà tiện cho việc nấu nướng. Vì đứng bếp vào buổi tối , tôi và anh phụ bếp cũng đều oải lắm rồi.

Từ lúc mở An Hiên quán, trong không gian nhỏ bé, chúng tôi được tiếp xúc khá nhiều nhân vật, những vị lãnh đạo cao cấp của quân đội, những nhân vật chính trị, những người giàu có của thời VNCH. Xưa kia dễ dầu gì chúng tôi được diện kiến họ. Những người Bên Ni, Bên Nớ khi đến Paris đều có lần đến “diện kiến” An Hiên !

Cô đầm lai TinTao (giống tên của một loại bia tàu), rất dễ mến thường đưa những bạn bè Pháp đến, có khi là một tác giả cuốn sách nổi tiếng, hay một đạo diễn xi-nê đi tìm vai diễn Á Đông cho phim. Có khi cô  đưa một anh đàn ông hào phóng chịu chi cho chai rượu đắt tiền. Cô có duyên nói năng dịu dàng. Buổi tối, trong ánh đèn lung linh, người ta dễ dàng tâm sự đôi ba điều tình cảm. Những quán ăn ở xứ này đều có chung một khung cảnh ánh sáng trữ tình buổi tối. Có mấy lần Cô Tintao đưa bà Monique, vợ cuối của Hoàng Đế Bảo Đại đến ăn. Sau khi vua chồng mất, bà Monique thấy gầy ốm. Tôi hỏi sao lúc này bà gầy. Bà trả lời rằng ” buồn vì chồng mới mất”. Nhưng rồi bà đến hỏi riêng Nhà Tôi ” trong tương lai, khi nào tôi có thể có chồng khác ? ” ! Bà tặng tôi một tấm hình bà chụp cùng ông Bảo Đại. Tôi cất vào album. Dù sao bà này cũng là một chỗ dựa cuối đời của một vì vua nước tôi. Trước đây hoàng tộc cũng gửi cho chúng tôi một tấm hình của Vua với hoàng hậu Nam Phương rất đẹp chụp thời còn vương triều ở Huế. Tôi luôn mong muốn giữ mãi trong lòng sự cung kính đối với hoàng đế, nên đã từ chối lời đề nghị của một người  quen, muốn tổ chức bữa ăn món Huế mời Ngài ngự ở An Hiên Quán. Nghĩ rằng khung cảnh quán không đủ sang trọng xứng đáng mời Ngài.

Chị Bích Hồng có ông chồng về ở Việt Nam, mỗi năm chỉ trở lại Pháp một lần để khai báo thuế má.  Cũng xem chị như sống độc thân. Chị thường đến ăn buổi tối, và ở lại cho đến 11 giờ đóng cửa tiệm, chúng tôi đưa xe chị về luôn vì tiện đường. Chị đi du học Pháp từ lâu, gia đình rất giàu có xưa kia ở thành phố Đà Nẵng. Chị là người căn cơ có nhà cao cửa rộng, và thích đầu tư vào nhà cửa.  Có một hai ông khách độc thân muốn ngắm nghé chị , nhưng chị dững dưng. Chị nói “chán đàn ông”. Chồng chị về Việt Nam có nhân tình. Một hôm chị bắt được lá thư của cô bồ viết đòi hỏi chồng chị phải thế này thế nọ. Chị bèn đem lá thư sao photocopy, thuê tủ sắt ở ngân hàng để lưu trữ. Chị nói sau này ly dị, chị có bằng chứng tố cáo chồng có lỗi. Chị là người tính toán tiền bạc rất giỏi, tôi thường hỏi han chị nhiều điều không biết. Vì cùng giọng nói, lại là người dễ chịu, chị cần có bạn, tôi cũng vậy. Để giải khuây, chúng tôi thường đảo qua các phố phường Paris thượng vàng hạ cám lúc rổi  rảnh.

Sau thời gian sang bán quán ăn năm 2000, tôi ít gặp chị. Rồi chị gọi điện thoại hỏi tôi có thể cho chị ở tạm một phòng trong nhà được không. Tôi ngạc nhiên, mời chị đến chơi ở lại ăn cơm trưa, nhưng không thể làm theo đề nghị. Chị nói rằng chị rất đau, tôi thật thà hỏi chị đau gì, đau ở đâu ? Chị khóc trả lời  “sợ cô đơn và không muốn sống một mình”

Không biết vì buồn chuyện tình hay buồn chuyện tiền, nói chung là buồn chuyện đời, chị Bích Hồng đã tìm đến cái chết một cách quyết liệt không chút luyến lưu. Và bức thư chị lưu giữ trong cốp nhà băng nay không còn hữu dụng.

 Một vị khách quen thuộc khác, chúng tôi thường gọi bác Bửu, bác lớn tuổi du học Pháp từ rất lâu, sau khi thành tài về nước giữ chức vụ giám đốc đầu tiên của “Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh VN”. Người vợ của bác là chị ruột của bà Ngô Bá Thành, chủ tịch ” Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống”, nổi đình đám chống đối chính quyền thời tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Bác giận vợ chi đó, thuê nhà ở riêng tại phố quận 13, vậy là bác độc thân như ai. Bác xem An Hiên như một nơi chốn tìm về không khí ấm cúng, thân tình để hàn huyên những mẫu chuyện đời lý sự. Có chuyện chi vui buồn bác cũng kể cho chúng tôi nghe. Bác đề nghị trả trước hằng tháng số tiền ăn mỗi ngày, nhưng tôi từ chối.  Bác hay kể chuyện xưa, cho biết có mấy cô ca sĩ nổi danh đã qua tay bác. Bác cao lớn, làm giám trung tâm điện ảnh, thiếu gì cô muốn ngã vào lòng. Thỉnh thoảng bác kể về mối tình cũ xa xưa, tôi nhớ nhất là : ” Thời trẻ ở Huế, có nhiều buổi chiều tui phải bơi dọc trên dòng sông Hương, chỉ để ôm lấy đôi bàn chân của một mỹ nhân đang ngồi đong đưa bên bến sông vắng người “. Chao ơi là tình. Tôi hỏi bác thế chắc chắn là phải hẹn hò trước chứ. Bác trà lời: Thì cũng có, nhưng thành thói quen, hai người ai cũng muốn gặp gỡ như rứa mỗi chiều “.

 Nhà tôi cứ nhớ mãi và lạ lùng cho cuộc hẹn hò trên sông nước này, cho rằng chỉ có thể xảy ra ở cái xứ lãng mạn Huế mà thôi. Tuy chưa bao giờ về thăm quê vợ, nhưng anh ấy  thuộc hầu hết các tên tuổi  giai nhân quê tôi, và cho rằng không ở đâu các cô gái có những cái tên đẹp và kỳ lạ như xứ Huế.   

 Sau thời gian không còn An Hiên nữa, bác Bửu ra đi về bên kia, nơi đó, linh hồn bác không còn chơi vơi giữa khoảng đời chập choạng tuổi già cô quạnh.  Một ý kiến cho rằng nếu An Hiên còn, có lẻ bác hay chị BH  không ra đi vội như thế. Có những nguyên nhân không đâu lại đưa người ta đến cái chết bất ngờ.

 Một hôm buổi tối trời mưa buồn, vắng khách , bỗng một vị khách ăn xong về nhà đem cây đàn guitar đến, vừa đàn vừa hát “La paloma”, chao ơi nghe mà lòng rưng rưng. Ông khách Tây bàn bên kia  thích thú vỗ tay khen ngợi.

Chúng tôi nhớ đến nhà văn Duyên Anh mỗi lần từ Mỹ vể, ông kéo lê chiếc vali nhỏ vào quán ăn uống trước khi về nhà. Dù tay bị liệt, sức khỏe yếu  sau vụ bị hành hung ở bên đó, nhưng ông vẫn luôn vui sống xem nhẹ mọi chuyện. Tay phải liệt, ông viết tay trái thành thạo. Làm nhà văn ở bên nhà xưa kia rất được chú ý quý trọng, nhất là những người nổi tiếng. Họ đi đâu cũng được chú ý theo dõi. Có lần ông Duyên Anh vào quán ngồi ăn, tôi giới thiệu cho một thực khách về ông. Anh ta trả lời : “Tôi không biết ông ấy là ai” nên không đến chào hỏi. Nhà văn bèn tỏ ý thắc mắc, tại sao lại có một người Việt không biết đến mình, tên tuổi Duyên Anh.

An Hiên cũng từng tiếp đón các tên tuổi khác trong văn học nước nhà khi đến Paris. Chị Thụy Khuê (nhà phê bình văn học) có mấy lần đưa Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp đến ăn cơm tối, hai nhà văn này đã làm dậy sóng một thời trong xã hội văn học VN. Nhà văn NHT có nét mặt khắc khổ rắn rỏi, nước da ngăm như dân tộc miền núi. Tôi khoái  truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chữ nghĩa trần trụi, và ác. Đọc chân thiện mỹ hoài chán, đọc cái ác cái xấu thấy hay, vì xã hội luôn tồn tại xấu ác. Viết thiện dễ, viết xấu ác mới khó.

 Nhà thơ Cù Huy Cận, tác giả của Tràng Giang, Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại sầu trăm ngã/ Củi một cành khô lạc mấy dòng . Các câu thơ tôi thuộc nằm lòng lúc còn bậc trung học. Ông đi Paris cùng với phái đoàn, đến An Hiên ăn cơm tối. Ông gọi hai món ăn với nhiều thịt.  Trong lúc mọi người trong đoàn chuyện trò râm ran, ông rất lặng lẽ, rất chú tâm vào món ăn không nói một lời nào. Ông ăn đến hết cọng rau cuối cùng phần mình, trong khi người khác bỏ lại vì quá no nê . Ông có dáng mập mạp hơn người, nên chuyện ăn nhiều là tốt là phải cách. Nhưng sao tôi cảm thấy thất vọng quá. Còn đâu hình ảnh cô liêu củi một cành khô lạc mấy dòng.

Vào một mùa thu năm nào, nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, người sáng lập Hiệp Hội Âm Nhạc Pháp- Việt đến gặp chúng tôi, cho biết sắp đưa một đoàn văn công và ca nương sang trình diễn “Nhã Nhạc Cung Đình Huế”, đề nghị giá tiền tối thiểu bữa ăn cho khoảng 20 người trong thời gian ở tại Paris. Ông cho biết vì ngân sách khiêm tốn, nên phải tiết kiệm tối đa. Nặng tình với quê nghèo, tôi bằng lòng với giá ông đề nghị. Ông Tôn Thất Tiết là người soạn nhạc nền cho các phim của đạo diễn Trần Anh Hùng (Mùi đu đủ xanh, Xích Lô, Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng ).                

 Ông là người có tâm huyết phục hồi cho nhạc dân tộc truyền thống  mà chính quyền trong nước bỏ quên không đoái hoải tới. Sau khi trình diễn một vòng qua  các nước Âu Châu, đoàn về Paris. Tôi có tham dự một buổi, khán phòng đông nghẹt, đa số là tây đầm bản xứ. Khi nghe và nhìn thấy những bản dân ca cổ truyền và điệu nhạc xưa quê mình, lòng tôi nức nở. Nước mắt cứ chảy dài trong bóng tối. Sau mỗi màn kết thúc, tất cả khán thính giả đều đứng dậy vỗ tay vang dội không dứt. Bên cạnh chỗ tôi, một cặp vợ chồng người Pháp luôn miệng khen ngợi, cho thấy họ rất trân trọng yêu quý giá trị cổ nhạc Việt Nam. Không như người Việt trong nước, rất thờ ơ giá trị ấy của dân tộc.

Buổi tối mùa thu khá lạnh, đoàn đến ăn cơm nóng với  món cá kho, canh rau cải, ai nấy suýt soa. Bao ngày qua đi trình diễn các nước Âu Châu, bữa nay mới được ăn bữa cơm quê nhà. Chúng tôi hỏi thăm tin tức chuyện trò. Chị ca nương Thanh Tâm lấy trong xắc một hủ mắm ruốc Huế trộn với cơm ăn cho đậm đà mặn miệng. Chị nói đi đâu tui cũng đem theo hủ mắm ni. Có hôm tôi đề nghị đổi món, ăn bánh mì với thịt nguội Pháp, ai nấy đều lắc đầu. Thấy mấy nhạc công lớn tuổi co ro, chúng tôi về nhà kiếm áo len dạ đem biếu mặc cho ấm, chứ tiền đâu sắm nổi áo quần ở đây. Họ sẽ đem về dùng tại xứ sở suốt đời mưa lạnh. Mấy anh nhạc công trẻ tuổi ăn xong ra ngoài ngồi kiểu “nước lụt” trước quán, miệng hút thuốc lá phì phèo. Báo hại mấy ông Tây cảnh sát đi ngang qua tưởng có chuyện gì không ổn, định biểu tình chăng. Chúng tôi kéo họ vào gấp, một anh nói trọ trẹ: chi mô mà sợ.  Có lẻ đấy là lần duy nhất họ được ra nước ngoài trình diễn. Sau này không nghe nói đến nữa.

 Nguồn thực khách đến thường xuyên hằng ngày là giới tài xế taxi, vì trước quán là parking của taxi, đa số người Việt. Họ thích những món ăn ít dầu mỡ, và cùng nhau chuyện trò về công việc. Chúng tôi xem họ nhữ những người thân gia đình, nên các bữa cơm thắm thiết hơn ( sau này khi chúng tôi bán cửa tiệm, gặp chúng tôi họ cứ tiếc và nhớ các món ăn của An Hiên, mong chúng tôi mở lại nơi khác, có anh nói nếu cần vốn thêm họ sẻ góp phần vào, vài người khác cũng muốn ủng hộ như vậy.)

Ngoài thực khách Việt, còn những khách Tây bản xứ. Những người Pháp có gia đình ông bà xưa kia đã một thời sống tại Viêt Nam, từng yêu mến nước non Việt. Các con cháu từng được nghe kể lại thời vang bóng vàng son ấy. Yêu mến đất nước Việt và yêu luôn món ăn Việt. Một buổi sáng vừa mở cửa , một anh Tây da đen vào, tôi nói nhỏ với phụ bếp :Sáng nay chưa chi mà thấy đen rồi. Tức thời, anh ta quay lại nói tiếng Việt : Đen nhưng ăn cũng trả tiền! Tôi vội vàng cười giả lã, tỏ vẻ thân thiện hỏi thăm: Sao anh nói tiếng Việt giỏi quá vậy? Trả lời: Tôi sinh tại Saigon trước đây, qua Pháp theo diện con lai. Anh ta thường dẫn các bạn da màu đến ăn cơm Việt, ( nên nói da màu cho tế nhị hơn, mình không kỳ thị chủng tộc).

Nói về tiệm ăn mà không nói về món ăn là vô cùng thiếu sót. Mấy món tôi chú tâm thực hành là những món bình dân quê nhà: Bún bò Huế, bánh Bèo, bánh Nậm và bánh Bột Lọc. Đặc biệt món bành bèo, tôi không muốn khiêm tốn, vì đó là món được nhiều người hâm mộ. Bánh được làm theo lối cổ truyền công phu, mỏng tang trong bóng,  sắp đều đặn trên dĩa, điểm xuyết một lượt tôm tươi giã nhuyễn hồng nhạt, thêm chút hành lá xanh và tóp mỡ vàng óng. Khách ăn một lại muốn ăn hai. Bánh Nậm  hay bánh bột Lọc đều được gói với lá chuối tươi chứ không gói bằng giấy nylon . Những loại bánh này do cô con gái út làm ở nhà đem ra tiệm . Cô bé khéo tay làm rất nhanh và gọn gàng. Món bún bò cũng thường được thực khách gọi tên.

Chúng tôi cũng chú ý một bà khách lớn tớn tuổi thường đến tiệm một mình, chỉ luôn gọi ăn món Bún Bò Huế, bà người miền Bắc có dáng quý phải. Nhà Tôi cho biết đó là phu nhân của ông Trịnh Xuân Ngạn, vị chánh án của Tối Cao Pháp Viện thời VNCH, và là thân mẫu của học giả về vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận  nổi tiếng trong lãnh vực này. Sau thời gian đến thường xuyên bỗng không thấy nữa, nghe nói bà đã mất. Kể ra như thế cho thấy rằng cái món bún bò Huế của An Hiên Quán cũng không tệ.  

 Có hôm chúng tôi vừa đỗ xe xong vào mở cửa, thấy một ông khách đứng chờ. Tôi cho biết tiệm chưa đến giờ mở cửa đón khách. Ông nói :Tôi từ xa đến đây, thôi chốc nữa tôi ghé lại. Sau đó, ông vào ăn bún bò Huế. Vị khách đến sớm này hỏi : “Đây có phải là quán của nhà văn TTDT không ? Tôi muốn gặp”. Khi nghe đến tên mình dưới cái vỏ bọc nhà văn, tôi rất e dè, nhất là lúc mình đầy gia vị tiêu hành mắm muối tỏi ớt cay nồng. Hình ảnh thực tế này chẳng có chút nào thơ mộng, chẳng có chút gì bay bỗng trên nền trời văn chương nghệ thuật cả. Nhất là dưới cái nhìn của một độc giả từ phương xa tới. Ông nói chuyện cho biết là độc giả ở đâu đó bên xứ Hoa Kỳ, tôi nghe mà ái ngại, tôi chỉ Dạ, rồi vô bếp làm việc. Hiện giờ mình là nhà bếp chứ không ai khác. Có lẻ thất vọng, ông một đi không trở lại.

 Một người khách đăc biệt, chúng tôi rất yêu mến, đó là giai nhân xứ Huế có cái tên gợi cảm Diệm My. Người đẹp này thường đến ăn cơm tối sau buổi chiều đi làm về ở cơ sở thuộc bộ Ngoại Giao. My là thiếu nữ có vẻ đẹp rất thanh tú, dáng dấp thanh nhã, là một nhan sắc tôi rất ngưỡng mộ lúc nàng học cùng trường Đồng Khánh, dưới tôi hai lớp. Sắc đẹp của một mỹ nhân không thể dùng những chữ tầm thường diễn tả. Ta chỉ nên cảm nhận, chiêm ngưỡng. Nàng là người thiếu nữ mà Nhà Tôi nhớ mãi, dù anh chỉ  được thấy một lần ở Saigon trong hiệu sách Khai Trí trên đường Lê Lợi.

 Bây giờ My là khách thường xuyên của An Hiên, tha hồ ngắm giai nhân. Mỗi tối đến ăn, nàng đều có một chút quà để dành cho chúng tôi như một nhánh hoa, vài cây bút chì mới, hay một thứ lặt vặt nào đó, thật dễ thương. Trong ánh đèn lung linh của tiệm ăn, nhan sắc nàng khiến cô đầm ngồi bàn bên cạnh đã suýt soa khen ngợi. Buổi tối sau khi ăn xong, My trở về nhà với xe bus gần tiệm, nhiều tối trời đổ tuyết lạnh, tôi e ngại cho nàng. Một vị khách quen biết xin đưa nàng về bằng xe hơi. Nhưng nàng từ chối. My là một người không dễ tính . Nhìn dáng người đẹp lầm lủi bước trong đêm lạnh, thực tình chúng tôi rất thương cảm.

Họa sĩ Trịnh Cung ngồi ăn kể lại: Thời trẻ tuổi lúc ở Huế, hôm đó, khi bắt gặp nàng lúc tan trường, tui đã hấp tấp dựng chiếc xe đạp bên bờ tường (quên không khóa ) để nối gót theo sau nhìn bóng giai nhân. Sau khi nàng vào nhà, tui trở lui lấy xe thì xe đã biến đâu mất, khổ thân tui, chiếc xe đó tui đi mượn của bạn mà!

Một chị bạn có lần kể, chị vào thăm một anh bạn nằm bệnh viện vì cơn bệnh Alzheimer giai đoạn cuối. Chị hỏi ” Anh nhớ tôi là ai không ?” Anh bạn nhìn chị một hồi bèn thốt lên : “Diệm My”. Trong bóng đêm đen của căn bệnh mất trí nhớ, não bộ của người đàn ông này lại biết gìn giữ bóng hình và tên của một mỹ nhân. Nghe nói dạo nàng ở Paris du học, các anh sinh viên Việt rất đỗi ngưỡng mộ nàng. Ngưỡng mộ, nhưng khó ai thân thiết được nàng. Một lần lấy chồng một lần ly dị dỡ dang. Tôi chợt nghĩ e nàng là một tiên nữ trên cõi trời cao, vì một phút lầm lỡ, bị Ngọc Hoàng Thượng Đế đày xuống trần gian này. Do đó, đôi lúc thấy nàng chợt vui chợt buồn, đôi mắt đen huyền nhìn về cõi xa xăm nào, như nhớ nhung chốn thiên tiên của mình đã đánh mất. Ôi những người sống lẻ loi một mình…

Có một chuyện, nhớ lại mà cười. Một cặp vợ chồng trẻ quen vói con gái chúng tôi đến ăn cơm tối, cô vợ đến chào nhà tôi. Ông chủ quán tỏ ra thân thiện hỏi thăm sao lâu nay ít thấy, dạo trước hai cháu đến ăn luôn. Cô vợ trả lời ngay: Cháu mới đến đây lần này là lần đầu. Sau đó con gái cho biết anh chồng gọi điện kể lể sự tình : Khi về nhà họ gây gỗ nhau, vợ truy cho ra chồng đã dẫn ai nhiều lần đến quán An Hiên? Rồi con gái dặn bố: Ai đi với ai mặc kệ người ta, mấy lần trước anh đó dẫn cô bạn gái đến ăn, nay dẫn cô vợ thì cũng mặc, cốt giữ lấy khách. Ông nhà tôi nói tĩnh bơ: Tao làm sao phân biệt được đứa nào là bồ đứa nào là vợ, lắm chuyện ! An Hiên không còn thấy họ đến nữa, người chồng, cô bạn gái và cô vợ.

Có một câu chuyện có vẻ hi hữu nhưng lại xảy ra tại An Hiên Quán. Đó là cuộc gặp mặt của nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả của tác phẩm nổi danh Đêm Giữa Ban Ngày xuất bản năm 1997. Sau khi ông Vũ Thư Hiên được định cư tại Pháp, ông cũng có nhiều dịp đến quán, và ông đã gặp bà Diệm Song, bà là vợ của ông Tôn Thất Tần. Ông Tôn Thất Tần là một bạn tù lâu năm của ông Vũ Thư Hiên ở trại tù Tân Lập miền Bắc. Đó là một người sống suốt 1/4 thế kỷ trong bóng tối trại giam. Trang 515 của tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày, tác giả kể lại cụ Tôn Thất Tần là một người tù già nua nhất của trạị, cụ bị bắt vào năm 1946 ở Phan Thiết vì rải truyền đơn chống đối Hiệp Ước của Hồ Chí Minh, và bị đưa ra Bắc. Cụ ở chung phòng giam với ông Vũ Thư Hiên. Cụ Tôn Thất Tần bị giam lâu  vì không ai còn biết cụ có tội gì để xét xử, vả lại cụ không có thân nhân gia đình ở ngoài Bắc, nên cụ xem nhà tù như một nơi chốn nương thân suốt đời mình. Sau năm 1975, cụ Tôn Thất Tần tìm cách liên lạc với gia đình cô con gái ở Sàigòn và cụ được tha về Nam. Xin nói thêm con gái cụ là Tôn Nữ G.T vợ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

 Bác Diệm Song sau đó có gia đình khác, và định cư tại Paris. Ông Vũ Thư Hiện gặp mặt bác  tại An Hiên quán đôi ba lần. Bác Bửu có lần cho biết: Bà Diệm Song xưa có đôi mắt huyền đẹp lắm. Quý danh Diệm Song nhăc nhở nét thanh nhã của Huế xưa.. Bác Diệm Song mất sau khi Quán An Hiên không còn trên đại lộ Masséna quận Paris 13.

Đến năm 2000, vào một mùa hè, chúng tôi đi ăn đám cưới ở ngoại ô xa Paris. Tai nạn xảy ra bất ngờ trên con đường đến lâu đài đám cưới, khiến tôi phải nằm nhà ba tháng liền. Xương vai, xương sườn gãy tuốt luốt. Nếu cái xe cam nhông kia tông mạnh hơn một chút, một chút thôi, có thể cột sống sẽ bị gãy đôi, hay tôi phải chết ngay trên ghế xe bên phải. Nằm bất động trên giường suốt thòi gian ấy, tôi mới ngộ rằng chết và sống liền kề nhau trong một tích tắc đồng hồ. Vậy chuyện chi mình phải lo toan cho cuộc đời này ? Hãy rủ bỏ hết mọi thứ ràng buộc.

Thứ ràng buộc lớn nhất hiện tại của chúng tôi là cái quán nhỏ này. Đấy là huyết mạch làm ăn buôn bán kiếm sống. Nhưng giờ đây, tiền bạc cũng chẳng có giá trị gì trước hố đen thăm thẳm của cái chết. Mỗi tối sau khi nuốt trọn mấy viên thuốc giảm đau chứa chất morphin, tôi chìm vào cơn mê. Trong đó nhiều lần tôi thấy những người thân gia đình chết từ rất lâu, đến bên giường lay tôi thức dậy, bảo tôi đi theo họ. Tôi có vùng vẫy thoát thân. Tỉnh dậy mới biết mình còn sống.

 Kề cận với “La mort”, tôi chẳng còn thiết tha chi với  chốn bụi hồng này nữa. Vì chết là hết, khỏe ru, đơn giản. Ham chi nữa !

Cảm thán chuyện tai nạn, tôi kể lể sự tình qua bài “Còn lại với đời” như đôi lời tâm sự cho chính mình. Chúa hay Phật đều là nguồn an ủi tôi trên giường bệnh. Và trong lúc thấy được cái phận người mong manh bé nhỏ, tôi quyêt định bán tiệm. Đó là một cú sốc đối với Nhà Tôi, và là cú sốc của bạn bè thân hữu. Bảng hiệu An Hiên biến mất không một lời giã biệt.

 Sau khi thoát gánh nặng trên vai, tôi bình tĩnh sống thảnh thơi, như luôn chờ đợi một ngày ra đi. Có thời gian nhìn lại cuộc sống gia đình với các con các cháu. Riêng tôi có thời gian đọc sách báo tin tức TV. Thời gian này, qua sự giới thiệu, ông Nguyễn Thanh Hoàng( Hồ Anh), chủ nhiệm tờ Văn Nghệ Tiền Phong” đề nghị tôi viết “Lá Thư Ba Lê”, mỗi tháng hai kỳ gửi qua Mỹ. Đây là một tờ báo gây nhiều tranh cãi nhất tại hải ngoại vào thời kỳ có bỉnh bút Lê Triết. Trong thời gian viết báo, vì phải đọc tin hằng ngày qua báo chí Pháp để viết sang tiếng Việt, nên quá bận bịu theo dõi thời sự. Quên bén mất những suy nghĩ về những dự tính viết riêng cho mình. Tôi để mất khoảng thời gian dài nhiều năm mà không “dzăn” ra một câu chuyện lãng mạn nào.

An Hiên Quán là một miền không gian chứa đựng nhiều kỷ niệm của chúng tôi, trong đó biết bao khuôn mặt, biết bao nhân vật nay còn nay mất. Dù không nhắc đến trên khuôn giấy hạn hẹp, nhưng chúng tôi luôn ghi nhớ họ, từng người một, hiện diện trong miền ký ức xa xăm  thương nhớ ấy.

Người ta thường nói rằng thời gian đi mất không bao giờ trở lại, nhưng với tôi, thời gian không mất, vẫn luôn ở với chúng ta./

                                       Paris, tiết Sương Giáng, 2019.

Thiếu nữ và con mắt trái

                                              Trần Thị Diệu Tâm

 

 

Thiếu nữ ấy là bạn tôi. Cô ta có thói quen nhìn cuộc sống với con mắt phía trái. Điều này có nghĩa là cô thường nhìn sự việc phía mặt sau của nó.

Cho nên tính tình cô khó chịu, bạn bè không ai ưa vì cái tật nói thẳng, nói như đâm vào tim. Có lẻ thể nên cô chưa có chồng, dù năm nay đã gần bốn chục xuân. Tôi cũng đọc thân như cô, tuy nhiên tôi có người yêu. Người yêu tôi đang còn ở Việt Nam. Chúng tôi yêu nhau từ ngày xa xưa, lúc chưa có trại tù mọc lên như nấm trên thân thể quê hương hình chữ S. Tôi chờ chàng ra tù, vì chúng tôi đã hứa hôn.

Thiếu nữ và tôi có hai nghề nghiệp khác nhau, cô ấy hiện là y tá trong một bênh viện lớn ở Paris, phụ trách phòng hồi sinh, khi người nào sắp được ăn bát cháo lú quên chuyện đời sắp bước qua cây cầu biên giới giữa sống và chết, thì cô kéo ngược họ họ trở về, bắt họ đổ mồ hôi lẫn nước mắt cho cuộc trần ai này. Còn tôi đứng bán hàng cho một trung tâm mỹ phẩm và nước hoa danh tiếng tại đại lộ Champs-Élysées. Có lể vì ảnh hưởng nghề nghiệp nên tôi ngửi cuộc đời này với mùi hương hoa, lại còn tô thêm son thêm phấn cho đời thêm diễm ảo.

Chúng tôi thuê chung một căn nhà. Ban ngày đi làm có chuyện gì vui, tối về kể cho nhau nghe.

– Hôm nay bạn ơi, có một ông người Ý mua một lô nước hoa toàn mùi trứ danh của ba nhà Christian Dior, Chanel và Rochas, ông ta bắt phải gói thật đẹp để làm quà. Thật có ít đàn ông nào tặng vợ lịch sự như thế.

Thiếu nữ: – Người đàn ông như thế phải giàu, mà giàu thì cũng năm mươi sáu mươi. Tuổi này ít nhất là một vợ và hai nhân tình.

– Sao biết ?

– Mua ba loại nước hoa mùi khác nhau có nghĩa là tặng vợ một, còn thì tặng bồ..

Tôi ngẩng mặt, hình ảnh ông khách lịch sự ban sáng trở nên tầm thường.

Tôi cãi: – Nhưng trông ông ta đứng đắn lắm.

Thiếu nữ: –  Sự đứng đắn của đàn ông có thể ẩn dấu một khoái cảm đàn bà cao độ.

Tôi chợt hỏi : – Vậy đàn bà thì  sao?

Thiếu nữ: – Đàn bà là một thứ “Sex” có quyền lực lớn hơn hết mọi quyền lực ở đời.

 Tôi trả lời : –  Nhưng đàn bà cần tình yêu hơn quyền lực.

Cô bạn lại nói: – Trong thế giới văn minh này, người đàn bà được trau chuốt óng ả cốt để quyến rũ thu hút dâm tính đàn ông.

Tôi không còn thắc mắc tài sao lâu nay cô bạn mình sống dửng dưng với áo quần thời trang, với son phấm xanh đỏ tím vàng. Đàn ông với cô chỉ là một con thú bất trung tầm thường.

Tôi khơi niềm hy vọng: – Thế còn tình yêu ?

Thiếu nữ lãng đãng : – Đó là sản phẩm trí óc con người. Con người từng đau khổ hay hạnh phúc đều do sự tưởng tượng về tình yêu của mình. Thật ra tình yêu chỉ là sự rung động của hai thể xác, hết rung động là hết yêu.

Tôi nhìn bạn: – Không nên tuyệt vọng với đời như thế, hãy gìn giữ một điều tốt đẹp cho mình và cho người.

Thiếu nữ trả lời : – Tôi không tuyệt vọng vì không hề hy vọng bất cứ điều gì.

Rồi cô kế tiếp: – Sáng nay trong bệnh viện có một bà tự tử vì ghen tuông, đem vào cấp cứu thì đã muộn. Trong túi áo có bức thư tuyệt mệnh cho biết vì qúa yêu chồng không muốn chia xẻ tình yêu. Tự tử vì qúa tin vào tình yêu, thật khùng!

– Đó là một cách cảnh cáo chồng, chắc hẳn ông chồng ân hận lắm.

Thiếu nữ cười : – Ân hận đôi ba ngày lo chôn cất vợ xong, rồi có tình mới ngay thôi.

Tôi trầm ngâm: – Đời sống lứa đôi là một thảm kịch.

Sau một lúc trò chuyện, thấy xót xa cho chính mình, tôi là người luôn bám víu những màu mè của cuộc sống để thấy nó tươi tắn nồng nàn. Tuần này chúng tôi nhận được giấy mời dự buổi họp mặt của một hội đoàn, có văn nghệ ca hát ngâm thơ. Bạn tôi không thích đám đông, tôi trái lại vì có dịp điểm trang chưng diện, thiếu nữ nhìn toi cười;

– Coi chừng, diện đẹp thế là nguy.

– Sao lại nguy ?

– Có người tán tỉnh thêm mệt

Tôi chỉnh: -Vui chứ, không có đàn ông theo mới buồn.

Thiêu nữ ; –  Nè bạn, hãy trung tín với người đàn ông đang ở trong tù.

– Tôi luôn luôn chờ đợi.

Thiếu nữ; – Chải chuốt bóng bẩy là ngụ ý quyến rũ đàn ông, bạn chờ đợi trong manh nha phản bội.

Tôi bực mình vì cách nói cay độc, nhưng rồi cô ta xin lỗi đã lỡ nói lên điều suy nghĩ thành thật của mình. Đến buổi họp mặt, đa số đều là những khuôn mặt đàn ông đàn bà thấy nhiều lần của cộng đồng. Có ông đến gần thiếu nữ bắt chuyện:

– Có ai lọt vào mắt xanh của cô chưa ?

Tức thì bạn tôi đốp: – Xin lỗi ông, tôi là người Việt, mắt tôi không xanh, mắt tôi đen nên thấy mọi điều đen tối cả, kể cả ông.

Ông ta hoảng sợ bỏ đi. Tôi kéo tay bạn gái

–  Quái ác vừa thôi chứ, ông ta mấy lần điện thoại hỏi thăm bạn.

Thiếu nữ phân trần: – Chả ăn mặc bảnh bao đúng mốt nhưng ngu, nói năng vô duyên, đuổi thằng cha đi tán cô khác cho rảnh.

Trên bục diễn, một ông đang hùng hồn phát biểu. Thiếu nữ nói lớn;

–  Lão này có bệnh mê mi-cô

Tôi suỵt nói khẽ chứ. Hơn nửa giờ  sau cái mi-cô mỏi mệt kêu rè rè. Nghỉ giải lao, uống nước ăn bánh ngọt. Rồi lại có người lên phát biểu ý kiến về vấn đề Việt Nam, kêu gọi tình người, giúp đỡ những nạn nhân Cộng Sản.

Cô bạn cho ý kiến: – Đám đông của bạn là những người có bằng cấp cao, có tiền có bạc, trông mặt mày họ mãn nguyện quá. Họ làm việc xã hội với những toan tính cá nhân làm gi có lòng tốt để thương yêu kẻ khác chân thật, chỉ có ai đã từng đau khổ mới hiểu thế nào là tình người.

Giọng cô sắc làm mấy ông bà sang trọng ngồi cạnh khó chịu. Có bà nói :- Con này khùng!

Tôi ngượng kéo tay thiếu nữ ra về.

Mấy hôm nay trời đã sang thu, cái lành lạnh của trời đất làm tôi se mình nhớ nhung người yêu xa xôi, cảm thấy mình thật đơn độc. Tôi mua một lô sách báo Việt về nằm đọc buổi tối, không còn muốn chuyện trò với cô bạn cùng nhà. Những trang sách chứa đựng nhiều khắc khoải, bỗng dưng tôi muốn viết, thèm viết một điều gì đó. Biết đâu yêu chữ nghĩa lại sung sướng thích thú hơn yêu người.

Thiếu nữ vào phòng tôi hỏi han: –  Buồn lắm hả ? – Ừ.

– Thế đọc sách viết văn có đỡ buồn không ?

Tôi không biết trả lời thế nào, cô trả lời giùm:

– Văn chương tạo ra ảo ảnh, người viết văn bị ảo ảnh quyến rũ nên vô tình bày ra một thế giới nhắm đánh lừa độc giả, nhưng chính nhà văn là kẻ bị đánh lừa trước tiên… đau đớn thay bị lừa gạt bởi chính mình mà mình không hay.

Nói xong thiếu nữ cười lãnh lót, tiếng cười vừa cay đắng vừa ghê rợn. Tôi co người lại không dám nhìn cô bạn mang tính ác quỹ. Cô vừa làm chết đi nguồn hy vọng đang chớm nở trong tôi.

Cô nói tiếp như thương hại: – Muốn khỏi buồn, đừng mơ tưởng.

Tôi đau nhói, mơ tưởng là điều quý giá nhất khi người ta còn lại một mình. Tôi mỉa mai cô ta: – Bạn là một người bệnh, trước hết nên đến bác sĩ chữa mắt, võng mô trong mắt bạn bị cấu tạo ngược chiều khác thường.

Thiếu nữ lại cười như trêu cợt :- A ! chính nhờ con mắt ngược ấy mới thấy được sự giả hình của người đời .

– Để làm gì chứ ? Tôi chậm rãi hỏi.

– Làm gì à, để thương cho họ.

Lòng tôi chùng lại khi nghe xong. Tôi thấy mình cách biệt với bạn. Tôi luôn đi tìm cái ưu tú nơi người để yêu thương, còn cô, cô luôn tìm thấy sự tầm thường thấp kếm để yêu thương họ. Đó là một cái nhìn vững chắc về đời sống, về con kiếp làm người hèn kém. Do đó thiếu nữ không bao giờ tuyệt vọng, cô luôn thản nhiên trước mọi điều tệ hại xảy đến.  Và tôi nhận ra rằng trước khi cô có con mắt ác quỹ, cô đã là một thiên thần.

Một hôm thiếu nữ trở về nhà mặt mày thờ thẫn, tôi thắc mắc tại sao, cô cho biết:

–  Vừa mới hồi sinh một ông tự tử !

– Vậy bạn nên mừng vì đã cứu một mạng người.

Cô lắc đầu: –  Nếu không vì cái lương tâm vô lý của nhân đạo mà người ta bày đặt ra, tôi để chết luôn cho được việc. Ít ra ông ta cũng thành công trên đời một lần trong việc chấm dứt cuộc sống của mình.

– Thật đáng thương, bạn nên chăm sóc ông ta.

Thiếu nữ nhún vai :- Ông ta la hét om sòm khi biết mình còn sống, ông thù hận tôi mỗi khi tôi đến gần, và bị ông mắng nhiếc thô bỉ. Nghĩ cho cùng, tôi đã phạm tôi với ông ấy như người ta giết chết một kẻ đang muốn sống, vì ông cho rằng sau cái chết ông được an toàn hạnh phúc.

Lần đầu tiên tôi thấy cô bạn băn khoăn. Băn khoăn vì phạm tội cứu sống một con người, vì tự hỏi công việc đang làm thực sự đúng hay sai. Đời sống của hai chúng tôi trãi qua những buổi tối như thế, Tôi chẳng bao giờ giải đáp được điều gì cho cả hai.

Có lúc tôi chợt nói:-  Chúng mình sống, như thiếu thiếu một cái gì.

Cô bạn cười vang :-  Thiếu đàn ông.

– Ừ đúng. Tôi nói

Cô ấy khuyên: – Hãy sống như chẳng bao giờ có đàn ông.

Tôi cười nói: – Nhưng thượng đế sinh ra đàn ông trước khi sinh ra đàn bà.

Thiếu nữ nhắc đến thượng đế : Đó là cái nhìn của thánh kinh Thiên Chúa giáo, bạn không biết rằng kẻ hậu sinh giải thích thánh kinh cho hợp với xã hội. Trước kia giáo hội Công Giáo buộc đàn ông đi tu thì không được lấy vợ, vì cho rằng ông Chúa không có vợ. Bây giờ xảy ra nhiều vấn nạn của mấy ông tu hành, biết đâu mai mốt cũng cho phép họ lấy vợ. Để được hợp thức chính đáng, biết đâu người ta dựa vào thánh kinh dẫn chứng, xưa kia Chúa cũng có người yêu thì sao, đó là thánh nữ Madeleine. Người yêu trở thành vợ mấy hồi. Người ta khá thông minh dùng chữ nghĩa linh thiêng biện luận sự sống trần thế. Tôn giáo cũng chỉ là một phương tiện cho đời sống thôi.

Rồi như muốn khẳng định một điều gì đó, cô nói thêm:

– Chúa hay Phật hơn ai hết mong muốn con người đau khổ. Vì nếu không đau khổ, chẳng ai đến quỳ lạy dưới chân họ.

Tôi xót xa :- Vậy niềm tin tìm nơi đâu?

Cô ta nói bâng quơ : – Không có gì vĩnh cữu, cũng không có gì tuyệt đối. Mình tự cứu mình để sống.

Thời gian qua đi . Vào một chiều thứ bảy, trời nắng đẹp, tôi đang dọn dẹp áo quần và các đồ dùng trang điểm, thiếu nữ qua phòng tôi hối hả:

– Ê, bạn ơi qua đây nhờ chút việc.

– Gì thế ?

– Vào chọn dùm tôi bộ áo quần nào thích ý nhất.

– Đi đâu ?

– Mặc đi ăn tối nay

Chuyện lạ, lần đầu tiên cô hỏi han tôi về cách ăn mặc. Mọi ngày cô chỉ jeans, pull, trời lạnh khoác blouson.

– Nhanh đi kẻo trễ.

Tủ áo cô toàn màu tối đen, nâu hay vàng úa như lá khô rụng trên đất. Tôi chọn cho cô bộ màu xanh đen, có lẻ mua từ kiếp nào. cái váy ngắn và chiết vét. Tôi cho cô mượn chiếc sơ- mi lụa hồng nhạt mặc bên trong. tôi đưa cho cô đôi tai vàng óng ả, thiếu nữ lắc đầu sợ nữ trang. Tôi thuyết phục:

– Đàn bà phải có nữ trang, bạn không muốn mình là đàn bà sao? Ít nhất tối hôm nay.

Sau khi diện áo quần, đeo bông tai, trông thiếu nữ lạ hẳn đi. Trong gương hiện ra người con gái mặn mà duyên dáng. Tôi đề nghị phớt lên đôi má cô chút phấn hồng. Thiếu nữ đưa tay sờ vào gương như muốn tìm xem đây có phải thân xác thật của mình hay không. Tôi vui vui nói;

– Đó là hình ảnh phản chiếu con người thật của bạn, không phải là ảnh ảo.

Tôi chải lại mái tóc ngắn” à la garçonne” cho cô và bơm nhẹ một thoáng Chanel. Thiểu nữ sợ hãi né tránh mùi hương giả tạo, cô vội vã phân bua:

– Tôi muốn đến với anh ấy bằng bộ mặt thật của mình không hương phấn.

Lòng tôi bừng nở: – Có một người đàn ông rồi, ai?

Do dự một lát, thiếu nữ cầm lấy tay tôi nói chậm rãi:

– Người đàn ông mà tôi đã phạm tội cứu sống.

Im lặng, rồi tôi tiếp lời: –  Sau lần thất bại không được chết, lần này ông ta thành công .

Thiếu nữ gật đầu :-  Đó là người hiểu rõ tình thương và giá trị thật của nó.

Từ đấy, tính tình thiếu nữ có vẻ dịu dàng hơn, tươi mát hơn. Môi luôn sẵn sàng cười, nói những câu làm  mát lòng người nghe. Cô nhìn cuộc đời bằng hai con mắt phải và trái với một chiều rộng nhân ái. Tâm đạo chìm sâu dưới đáy lòng cô nay thoát hiện, bắt đầu bén rễ trên mảnh đất bụi bặm này.

Bởi vì thiếu nữ đã yêu.

         Paris, 1992.

Trần Thị Diệu Tâm

                     Hột Xoàn                                    

                                                    Trần Thị Diệu Tâm

 

 

 Trong đời sống đơn sơ tầm thường giản dị ở chốn bếp núc, người đàn và như chị biết rất nhiều loại ngũ cốc, nôm na là biết nhiều loại hột, kể sao cho xiết. Nhưng thật tình mà nói, chị chỉ thích có một thứ, loại này không có khả năng nẩy mầm cho hoa cho trái, nhưng có khả năng làm sảng khoải tâm hồn chị.
Đó là hột xoàn.
Hột xoàn là thứ hột cho ánh sáng lấp lánh, nhìn nó phát mỏi mắt, nhìn nó mà mê tơi. Không có ánh sáng nào đẹp bằng thứ ánh sáng của hột xoàn. Đàn bà ai chả thích, đâu phải một mình chị. Trong lúc ngồi ăn cơm, chị thật thà đem chuyện thích hột xoàn nói với chồng cho vui. Chồng chị gắt “ Chồng không yêu, lại đi yêu hột xoàn, đừng có dại !”
Chị cụt hứng, nhưng chị không dại mà cũng không điên. Vì khi biết biết mình còn ham mê, nghĩa là biết mình còn ham sống, còn yêu cuộc đời này lắm. Niềm ham mê ấy chị giữ riêng, một mình chị biết một mình chị hay. Chị dành dụm tiền mặt mỗi tháng một ít, vì chẳng bao giờ biết dùng chi phiếu hay thẻ ngân hàng, chồng đưa tiền mặt cho chị đi chợ mỗi đầu tháng. Như con kiến tích trữ lương thực, suốt hai năm liền. Các tủ nhà đều không có chìa khóa, chị phải dấu số tiền ấy mỗi nơi một ít, không nên để chung một chỗ. Nhưng sau thời gian hai năm, trí nhớ của chị có đôi chút lãng đãng, vì có nhiều góc khuất kín đáo. Thấy mẹ lục lọi như tìm kiếm, cô con gái hỏi mẹ “Mẹ tìm gì vậy? nói con tìm cho “. Chị trả lời ” Dọn dẹp đồ đạc cho gọn gàng thôi”. Chồng chị thắc mắc “Em sao cứ dọn hoài vậy”. Chị không trả lời, cho biết làm gì chứ, con, chị không tin, huống chi tin chồng. Chờ dịp cả hai không có ở nhà, chồng đi làm, con bận đi học, chị sắp xếp lại tất cả các tủ áo quần, các ngăn kéo. Cái gì không dùng nữa còn tốt chị cho vào một xắc riêng đem cho hội từ thiện. Chị thấy cũng có lý do tốt cho việc tim kiếm. Thật là một công đôi việc. Và rồi chị cũng tìm ra hết những gói tiền cất dấu lâu nay. Chị thở ra ” thật mừng như tiền ai cho”. Sau khi kiểm kê tài sản, chị xếp lại mớ tiền theo thứ tự mặt trước mặt sau. Bản tính vốn cẩn thận với những tờ tiền chi tiêu, chị rất thích tiền giấy ơ-rô, vì nó có nhiều kích cở và màu sắc khác nhau, nếu sau này mắt mù, mình cũng có thể đếm được tiền. Đếm đi đếm lại cũng được vài ngàn. Chị cuộn tròn xấp tiền lấy sợi giây thun buộc lại cho gọn, cử chỉ này làm chị nhớ ngày xưa quê nhà mẹ chị cũng cất giữ tiền như thế.
Chị sẽ thực hiện điều ao ước bấy lâu nay, chị sẽ mua chiếc nhẫn hột xoàn lấp lánh ấy. Chiếc nhẫn nằm trong tủ kính cửa hiệu có tên Eternelle. Chị vốn không mấy giỏi tiếng bản xứ, nhưng cũng lờ mờ hiểu rằng có nghĩa là mãi mãi. Ai mà không quý trọng những gì có tính mãi mãi, bất diệt. Biết bao nhiêu cặp tình nhân, bao nhiêu cặp vợ chồng đám cưới đều tặng người mình yêu dấu chiếc nhẫn kim cương hột xoàn lấp lánh, hy vọng chiếc nhẫn  sáng ngời soi sáng cho tình yêu họ đến suôt cuộc đời. Nếu họ có bỏ nhau, không phải tại chiếc nhẫn xinh đẹp vô tội kia, mà vì chính họ là người thay lòng đổi dạ. Chứ chiếc nhẫn hột xoàn là một thứ thủy chung muôn đời bất diệt.
Trước đây, mỗi lần vào trung tâm mua sắm, chị luôn đến trước cửa hiệu Eternelle, ngắm nghía mãi mê mấy chiếc nhẫn lóng lánh kia, ước chi một ngày nào đó, chị sẽ đeo một chiếc vào ngón tay mình. Chị không hề biết loại nào tốt nhất, nước sáng            xanh hay sáng tím, nhưng chiếc nhẫn sẽ kèm theo một một hóa đơn ghi giá trị số tiền. Từ ao ước đến khi được chiếm hữu là một tiến trình tâm lý rất tự nhiên của con người, không có chi lạ. Do đó nó phải ở trong tay chị, chì là sở hữu chủ, chị không cần phải đi qua mấy chuyến tàu mê-trô mới gặp nó nằm yêu kiều trong tủ kính.
Chị đi vào cửa hiệu một cách tự tin, không e dè như trước đây. Cô gái bán hàng trông như thờ ơ, có lẻ biết người đàn bà Á Đông này đã nhiều lần đến xem, cô nhiều lần đón tiếp, nhưng bà ta chỉ  lắc đầu đi ra. Nhưng lần này thì khác. Chị chỉ vào chiếc nhẫn đã từng chọn sẵn, thích hợp với số tiền trong túi, hình như nó đang chờ đợi chị, không ngoài ai khác. Cô bán hàng liền nở nụ cười tươi, nhẹ nhàng mở tủ kính, duyên dáng hỏi chị rất lịch sự:
Thưa bà, muốn chiếc này?
Chị cười gật đầu, cô ân cần đưa chị đến ghế ngồi có đèn chiếu sáng rất rực rỡ. Cô lại ân cần cầm bàn tay chị, xỏ chiếc nhẫn vào ngón tay chị, thật là vừa khít, tuồng như chiếc nhẫn được tạo ra đúng khuôn.
 Cô bán hàng reo lên: Ồ, chiếc nhẫn thật là thích hợp với tay bà!
Đúng, đó là sự thật không chối cãi, chị rất mãn nguyện, lại cảm thấy như mình là một thượng đế trong giây phút ấy, được đối xử trang trọng và lịch sự. Chị hân hoan đưa xấp tiền và đếm một cách cũng trang trọng không kém. Thực hiện điều mơ ước bấy lâu nay, chị vui thú biết bao. Khoảng đường từ Eternelle về đến nhà là thời gian chị được sống hạnh phúc nhất, mãn nguyện nhất. Về đến nhà chị vẫn còn đắm đuối với chiếc nhẫn tuyệt với đó.
 Nhưng thời gian sau, mỗi lần đeo vào ngón tay, chị nhận thấy chiếc nhẫn lóng lánh kia làm nổi bật bàn tay xương xẩu nhiều gân xanh, một bàn tay nhiều công việc vất vả. Bàn tay của những tháng năm mòn mỏi bổn phận. Bỗng dưng bàn tay co lại như muốn che dấu, chị xúc động toàn thân, nhận thấy rõ bàn tay mình không có ngón tay  thuôn đẹp để mang chiếc nhẫn kim cương tuyệt với ấy. Viên kim cương này có thực sự làm tăng thêm  giá trị cho người đeo không? Chị mơ hồ, mình không thích hợp. Tuy nhiên chị nghĩ rằng đó chỉ là cảm giác nhất thòi trong lúc mệt mỏi.
Để đánh tan mặc cảm, chị luôn đeo nó khi đi chợ ra phố xá, tuy nhiên chẳng một ai trên đường phố biết rằng chị đang đeo trên ngón tay một chiếc nhẫn có giá trị cao. Niềm mơ ước ấy nay có giá trị thực không. Chị nghi hoặc về nó và hoài nghi luôn cả về chính mình, đúng hay sai. Có thể chị nhầm lẫn, nhầm lẫn điều gì, chị không biết trả lời cho mình. Chỉ thấy hơi buồn. Bao nhiêu kỳ vọng về một ước mơ, nay mơ ước đạt được, nó đang ở trước mắt, nó đang thuộc về mình, bỗng dưng soi rõ một điều bất ngờ vô cùng, chị không thuộc về nó. Một mâu thuẩn khó giả thích. Có lẻ chị không phải là một mẫu người sang trọng, quý phái thích hợp loại trang sức đắt tiền kia.
Và, chị thấy nó không còn hấp dẫn như trước đây. Có một buổi tối, chị đem chiếc nhẫn ra ngắm nghía, trong bóng đêm, viên hột xoàn không còn chiếu sáng, chị tức thời hiểu ra, chiếc nhẫn chỉ có thể lấp lánh chói lòa khi nhận được ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào. Tự thân nó không có hào quang, nó phải nhờ, phải phụ thuộc vào ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời để có thể khoe khoang vẻ đẹp. Nó thật sự chỉ là một viên sỏi đá, chị nghĩ như thế. Lúc chiếc nhẫn nằm ở trong tủ kính, sao đáng mê thế, bây giờ nằm trong lòng bàn tay chị, không còn quyến rũ nữa. Chị thấy mình bỗng dưng thở dài khi nhớ đã mua với số tiền dành dụm không nhỏ.
Không gian nhà bếp là nơi chốn thân thương nhất với chị, chị sống trong đó nhiều giờ nhất trong mỗi ngày, nên chị muốn cất chiếc nhẫn nơi này cho dễ nhớ, khi cần thì lấy ra dễ dàng. Chị bọc nó vào túi ny-lông nhỏ nhét vào lon bột nếp dùng làm bánh, chắc chắn bọn trộm cắp không bao giờ nghĩ ra. Nghe nói dạo này bọn nó cứ tìm đến các nhà có đàn bà Á Đông tấn công.
Thời gian sau, nhân dịp cùng chồng đi dự đám cưới con nhà bạn, chị lo chuẩn bị áo quần, chợt nhớ tới chiếc nhẫn quý báu, nhủ thầm ít ra mình cũng có chút gì đeo vào cho nhấp nháy với đời. Dạ tiệc cưới đầy ánh sáng, chắc hẳn chiếc nhẫn của chị sẽ rực rỡ hơn ngày thường gấp bội, chị thấy phấn khởi. Nhưng tìm mãi không thấy lọ đựng bột nếp nằm nơi đâu, tìm suốt buổi sáng, nhưng nó biệt tăm.  Chị nghi ngờ về trí nhớ của mình, lo sợ một chứng bệnh quyên lãng đến sớm.
Buổi chiều khi cô con gái về nhà, Chị nói: Mẹ định làm bánh bột nếp, nhưng tìm mãi không thấy lon bột, con vô bếp tìm giúp mẹ”. Tức thời con gái trả lời:
–  Mấy hôm trước con thấy lon bột có con gián bò vào, nên đem vất ra thùng rác rồi ! Mẹ cẩn thận phải xịt thuốc trừ gián gấp.”
Câu trả lời của con làm chị hoảng hốt, bần thần, nhưng chị không dám nói ra sự thật. Đã dấu thì dấu luôn, nếu không sẽ bị chồng con chỉ trích là khờ dại. Chị  nghẹn ngào muốn khóc, thấy mình đã làm vợ, đã làm mẹ rồi mà sao ngu quá.
Lỗi tại mình. Đáng lý ra chị không nên mơ tưởng nó, nó không phải là thứ thích hợp cho phận mình. Nó có ý nghĩa thực sự gì cho chị ? Mơ ước làm vui cho tâm hồn, nhưng giờ đây chị không dám mơ ước. Chị vừa trải qua một thứ thử thách đắt giá làm chị đau xót, cả về vật chất lẫn tinh thần đúng nghĩa. Một nhầm lẫn tai hại cho chính chị. Trước mặt chị, đối mặt chị là căn phòng bếp thân thương hằng ngày, là nơi đem lại ấm áp cho chị và gia đình, là chủ nhân thưc sự. Nơi đây các thứ gia vị nấu nướng được bày biện trong những chai lọ thủy tinh trong suốt cũng bắt mắt cho người đàn bà nội trợ. Hiên tại là điều gì đáng quý nhất, đáng trân trọng nhất. Hiện tại mới là cuộc sống thực sự của chị. Tại sao chị đi tìm đâu xa xôi cái bóng bẫy lấp lánh huyễn hoặc không thuộc đời chị. Chị tự hỏi và cũng không biết câu trả lời.
                                            Paris, TT Diệu Tâm

Cung thị Lan created on June 27,2020/ Updated on July 30,2020

June 27, 2020