Tìm Mây- Đỗ Dung

Tìm Mây

Đỗ Dung
 
Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất.  Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung.  Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu.
Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân.  Không gian tĩnh lặng, êm đềm.  Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ.  Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản.  Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây.  Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.
Như vòng xoay của tạo hoá, một năm có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Một ngày có bốn buổi: Sáng, trưa, chiều, tối. Bà đang ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời: Buổi tàn thu hay lúc chiều tà chạng vạng.
  • Bà ơi, tôi đi đây!
Tiếng ông từ trong nhà vọng ra. Bà nhỏm dậy định bước vào.  Ông như biết ý nói thêm:
  • Tôi thấy giỏ đồ ăn bà sắp sẵn đây rồi. Cứ ở ngoài đó đi, tôi tự đóng cửa được mà.
  • Ờ, trời lạnh, khi cho chúng nó ăn ông nhớ bỏ vào “microwave” hâm nóng. Mỗi hộp chỉ cần bốn mươi giây là đủ ấm, vừa ăn đó nha!
  • Nhớ rồi, cứ ở đó đi, khi thấy lạnh bà phải nhớ vào nhà. Tôi đi!
Chả là mỗi ngày, cỡ hai giờ chiều ông sang nhà con trai cũng ở gần, cách khoảng mười phút lái xe.  Đợi các cháu đi học về, ông trông cho chúng nó làm bài vở, cho chúng ăn uống rồi ông ngồi chơi cho có người lớn trong nhà.  Đợi đến khi bố mẹ chúng nó về thì ông từ giã. Hôm nào có giờ bơi lội hay học đàn, tập võ, ông chở luôn cả đám trẻ đi.  Và lúc ông sửa soạn ra đi thì bà luôn lăng xăng bên ông, tiễn ông ra tới ngoài đường mới quay vào đóng cửa nhà xe.
Hồi còn ở nhà cũ bên tiểu bang Texas, khi đã về hưu ông vẫn có thói quen mỗi ngày phải lái xe ra khu chợ Việt Nam gặp mấy ông bạn già, chỉ để ngồi bên tách cà phê chuyện gẫu, hết chuyện nước non nhà lại đến chuyện nhân tình thế thái.  Hình như các ông không thể ngồi nhà cả ngày.  Hễ hôm nào biếng đi là y như rằng không nhức đầu cũng cảm mạo, ho hắng.  Bà chỉ thích quanh quẩn trong nhà, thu xếp dọn dẹp rồi ra cắt tiả ngoài vườn.  Bà chơi với vườn rau, vườn hoa của bà cả ngày không biết chán.  Thêm nữa bà có nhiều thú vui khác như sơn phết, trang hoàng nhà cửa, may vá, viết văn, đọc sách, nghe nhạc… Đôi khi bà thấy một ngày có hai mươi tư tiếng với bà không đủ.  Mặc dù vậy bà vẫn dành những phút thả hồn theo những cụm mây trắng lang thang, bềnh bồng phiêu lãng.
Ông bà có hai người con, một gái một trai, xong trung học cả hai đều được nhận vào trường đại học Berkely, California. Khi ra trường cả hai đều gặp được người ý hợp tâm đầu, lại được công việc tốt nên lập nghiệp bên ấy.  Khi ông bà về hưu đã có hai thằng cháu ngoại, cậu con trai cũng lập gia đình rồi.  Cả hai đều có nhà riêng.
Cuộc sống hưu trí của hai vợ chồng già êm ả trôi cho đến ngày nghe tin con trai sắp có con đầu lòng, bà bàn với ông:
  • Mình dọn nhà về ở gần các con được không ông?
Ông còn ngần ngừ:
  • Chúng nó có cần không mà về? Nhà Cali đắt đỏ, sao mình mua nổi?  Đang ở bên này nhà cửa rộng rãi, thoải mái!
Như có thần giao cách cảm, cô con gái điện thoại sang thủ thỉ với mẹ:
  • Mẹ ơi, bố mẹ sắp có cháu nội. Bố mẹ thu xếp sang ở gần chúng con.  Bố mẹ ngày một già, có chuyện gì chúng con ở gần vẫn dễ hơn.  Bây giờ đứa nào gia đình cũng đùm đề.  Bố mẹ ở xa chúng con cũng khó thăm viếng.  Vả lại các cháu cũng cần nhờ ông bà trông nom, dậy dỗ.
Khi các bà bạn nghe nói ông bà có ý định dọn về Cali, ở gần con để trông cháu, có bà đã nói:
  • Cẩn thận nghe bà, đừng mắc bẫy chúng nó. Khi cần thì nói ngon nói ngọt.  Khi hết cần thì chúng sẽ có cả ngàn lý do để quét mình đi thẳng cánh.  Già rồi, hãy lo cho thân mình đi.
Bà bạn già khác cũng nhắn nhủ:
  • Cô đừng tưởng không có mình trái đất sẽ ngừng quay. Không có cô mọi việc cũng sẽ đâu vào đấy. Hồi chúng mình mới sang đây, có nội ngoại nào ở gần đâu, vậy mà chúng nó cũng nên người đó thôi. Việc chính là hai vợ chồng già phải lo cho nhau. Khi rảnh rỗi thì đi chơi chứ vướng cháu thì chả còn đi đâu được nữa.
  • Mẹ chồng nàng dâu là truyện truyền kiếp, từ xưa đến nay, từ Âu sang Á. Bà hãy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định.  Đừng để mắc vào cảnh dở khóc dở cười.  Nhất là đừng ở chung, phức tạp lắm.
  • ………..
Những lời dặn dò cũng khiến bà nao núng.  Những kinh nghiệm và hoàn cảnh đau thương cuả những người quen mà bà chứng kiến cũng khiến bà ngại ngùng. Bà nhớ ngày xưa ấy, buổi tối trước ngày bà lên xe hoa, mẹ bà đã dặn dò con gái về nhà chồng phải nhớ chữ nhẫn nhịn và trong đời cứ đối xử tốt sẽ gặp hay.  Cứ ăn ở cho đầy đượm, hết lòng, cho phải đạo làm người.  Gieo nhân lành sẽ gặp quả tốt… Bà đã về nhà chồng với niềm tin phơi phới, với hành trang là trái tim đầy ắp yêu thương.  Tình thương bà sẵn sàng cho đi trước để mong được nhận lại. Nhưng thực tế đã khiến bà ngỡ ngàng, những đối xử khó khăn của mẹ chồng làm bà không hiểu nổi, chỉ biết im lặng chịu đựng.  Cuối cùng nhân lành của bà gieo cũng nhận được quả ngọt. Những năm tháng về sau hai mẹ con đã thông cảm nhau hơn, thương yêu nhau hơn, nhất là những ngày sau biến cố Tháng Tư năm bẩy lăm. Trong phút lâm chung cụ đã nắm tay bà mà nói: “ Bỏ qua nhé, bỏ qua hết nhé… Mẹ sẽ phù hộ cho các con, mẹ sẽ phù hộ cho các cháu…”.  Khi đi vượt biên, lúc nào bà cũng cảm thấy như có cụ ở kế bên. Nguy hiểm nào cũng như được cụ phù hộ để vượt qua.
Bây giờ bà là mẹ chồng và có nàng dâu. Bà tâm niệm rằng sẽ yêu thương dâu, rể hết lòng để lịch sử không hay về mẹ chồng nàng dâu không tái diễn. Lịch sử phải sang trang!
Cô con dâu phải sinh mổ nên đã chọn ngày.  Bà sắp sẵn công việc để sang Cali trước ngày sanh cháu.  Bà muốn là người đầu tiên ôm cháu nội vào lòng như trước kia bà đã vào phòng sanh với con gái và là người thân đầu tiên bế thằng cháu ngoại. Con bé thật xinh, đôi mắt tròn to, vầng trán cao thông minh.  Ôm con bé vào lòng mà bà sung sướng ngất ngây, niềm yêu thương dào dạt. Bà gửi hình cho ông và báo cho ông biết là bà sẽ ở lại chơi với cháu, trông nom mẹ con nó cho đến khi đầy tháng bà mới về. Ông biết là ông lại bị bà bỏ rơi như khi bà sang chăm lo cho thằng cháu ngoại.
Một tháng nuôi gái đẻ bà đã lo lắng chu toàn như mẹ đẻ lo cho chính con gái ruột. Cô con dâu theo kiểu xưa nên kiêng rất kỹ.  Cô ở trên lầu, bếp ở nhà dưới, hàng ngày bà phải ba bữa sửa soạn cơm nước sắp vào khay bưng lên tận phòng. Bà nấu cơm nghệ, hầm chân giò với hạt sen, rim thịt thăn với nước mắm, hạt tiêu, thật khô cho bà đẻ.  Mỗi ngày bà lại nấu một nồi nước xông bỏ thêm vỏ bưởi, vỏ quít  để cô hơ mặt, lau mình.  Bà đã làm tất cả bằng sự thương yêu, tự nguyện. Con bé cháu thì bà vuốt ve, nắn bóp chân tay.  Ầu ơ ví dầu hát ru cháu, cả ngày bà thủ thỉ chuyện trò với con bé. Mỗi sáng bà bế nó sang giường bà phơi nắng.  Những vạt nắng vàng tươi, trong trẻo, xuyên qua cửa sổ ngay cạnh giường bà.  Nắng vuốt ve, ôm ấp cái lưng xinh xinh, bé xíu.
Sau ngày đầy tháng con bé bà trở về Texas. Bà nhớ quắt quay ba đứa cháu nội, ngoại bên Cali.  Bà nài nỉ:
  • Ông ơi, mình dọn về Cali nhá!
  • Mình đang sống yên ổn bên này. Chúng mình mỗi ngày một già, bà liệu còn sức mà chạy theo mấy đứa nhỏ không? Cố gắng rồi gục xuống, đau ốm lại khổ.
  • Đến đâu hay đến đó ông à. Mình ở đây rảnh rang, chúng nó thì bận rộn.  Giúp cho chúng nó được lúc nào hay lúc ấy.  Ông lo gì xa quá.
Bà hạ giọng thuyết phục thêm:
  • Ông này, nhìn con bé tôi thương lắm. Hay là mình về trông cháu vài năm. Khi con bé biết nói thì thôi.  Nghĩ đến việc mướn người hay gửi người ta trông tôi ngại lắm ông ạ. Nhỡ nó bị hành hạ… Nó đã biết nói đâu mà mách. Ông xem trên truyền hình hay trên mạng đi.  Bây giờ có nhiều kẻ bịnh hoạn, nhiều người độc ác lắm đó ông ơi…  Về nhá…!
Ông nghe cũng hơi xiêu lòng:
  • Để tôi nói chuyện với chúng nó xem sao. Bà sửa soạn đặt vé máy bay đi. Bà với tôi cùng về Cali một chuyến. Tôi cũng muốn sang thăm mấy đứa cháu.  Đi về rồi mới tính được.
Nghe nói bố mẹ sang chơi thăm thú tình hình để xem có thể dọn về không, hai người con đều dọn dẹp một phòng riêng tươm tất ở mỗi nhà để tuỳ bố mẹ thích ở nhà nào cũng được vì hai nhà cũng gần nhau.
Gặp mặt ba đứa trẻ ông như bị hớp hồn. Thằng cu Bi, cháu ngoại lớn, mới ngày nào đến thăm ông, nó mới biết đi lẫm chẫm mà mỗi buổi chiều khi nghe chuông cửa đã biết ông đi làm về để lủn tủn như con chó con vẫy đuôi chào rồi cất mũ, cất giầy cho ông, bây giờ đã học lớp hai tiểu học. Thằng cu Tý, em nó, khi mới đẻ nằm trong nôi cứ toét miệng cười đã sắp vào mẫu giáo. Con mé MiMi  trắng trẻo, bụ bẫm, đôi mắt tròn xoe đã biết nhìn ông hóng chuyện.  Ông bà ở chơi một tuần với con cháu, đi thăm khắp vùng xung quanh.  Hai thằng cháu ngoại đưa ông bà đến thăm ngôi trường chỉ cách nhà hơn một block.  Khung cảnh quanh đó cũng êm ả, thanh bình. 
Nhà hai con ông chỉ cách nhau vài khúc rẽ. Đi bộ thì mất độ nưả giờ mà lên xe thì không đến mười phút. Cả hai nhà đều tươm tất, sạch sẽ; vườn trước, vườn sau rộng rãi, khang trang.  Đi xem giá nhà thì quá đắt so với bên chỗ ông. Bằng căn nhà ông đang ở thì bên này giá gấp bốn hoặc năm lần. Nếu dọn về thì đó thật là vấn đề nan giải.
Những cặp mắt đen láy của các cháu ngước nhìn ông, những câu nói ngây thơ hồn nhiên, những tràng cười khanh khách, giòn tan của hai thằng nhỏ quyến rũ ông, khiến ông bà quyết định về gần chúng nó.
Những năm đầu thật hạnh phúc, đúng như ao ước của bà, nhà có già có trẻ, vui vẻ, ấm cúng. Thoạt đầu ông bà ở nhà con trai vì bé Mimi nhỏ nhất.  Bà trông nom con bé, nấu ăn cho cả hai nhà.  Mỗi buổi sáng ông xách giỏ đồ ăn bà nấu sẵn sang nhà con gái, trông nom dậy dỗ hai thằng cháu ngoại.  Được một năm cô con thèm một đứa con gái nên ráng sanh thêm, nhưng lại ra thằng con trai nữa. Thằng bé tuổi chó nên ông gọi là con chó Lu.  Ông bà lại dọn sang nhà bé Lu vì bé nhỏ nhất. Bé Mimi lớn hơn nên mỗi buổi sáng bố nó phải đưa sang nhà bác trước khi đi làm.  Buổi chiều mẹ nó đến đón, tiện xách cơm về luôn.  Ông bà quên hết các thú vui khác, suốt ngày chạy theo các cháu.
Ông bà như trái banh bị đá qua đá lại giữa hai nhà vì năm sau cô con dâu cũng lại sanh thêm đứa nữa.
Thấm thoắt ông bà về Cali đã hơn mười năm, cu Bi sắp vào đại học.  Nếu ở Việt Nam thì Mimi sắp là nữ sinh Trưng Vương.  Thời gian qua thật nhanh, ông bà cũng già yếu đi nhiều.  Các cháu đã lớn không cần sự săn sóc nhiều nữa, cu út cũng lên bẩy, đã đến trường.  May mắn gặp được căn nhà nhỏ vừa túi tiền, vừa với nhu cầu nên ông bà đã ra ở riêng.  Sống với con cái cũng có những đụng chạm, bà coi như đó chỉ là những chuyện nhỏ, những suy nghĩ khác nhau cuả hai thế hệ, cung cách sống, quan niệm về đời sống khác nhau giữa già và trẻ để giữ cho mình được cái tâm thanh thản. Mình không biết trước được những gì xẩy ra nhưng được an lạc hay không là do tâm mình.
Bây giờ bà đã chính thức về hưu chỉ còn ông vẫn “đi làm” ngày vài tiếng, để ông khuây khoả, khỏi phải lái xe đi tìm bạn già chuyện gẫu.  Bà cũng có một khoảng thời gian riêng, không gian riêng của mình bà. Bà lại ngước mắt tìm mây, những cụm mây trắng nhẹ như bông lang thang trong bầu trời, ở đó bà đã gửi gấm những mộng mơ, lãng mạn của thời niên thiếu. Bà cũng đi tìm mây để hỏi khi vướng phải những trắc trở, chông gai.  Bà đã biết chấp nhận những đau khổ, đã tìm ra những khiá cạnh lạc quan của sự việc và cho rằng đó chỉ là những thử thách nên mọi chuyện cũng thoáng qua, nhẹ bay đi như những làn mây trắng.
Thu tàn trời sẽ sang đông.  Mỗi muà đều có những vẻ đẹp riêng. Hết muà đông cây cối sẽ đâm chồi nẩy lộc.  Xuân về với những chùm Wisteria tím rung rinh trong nắng.  Muôn hoa sẽ khoe sắc, toả hương.  Buổi sáng ông bà sẽ cùng đi bộ trên những con đường có hai rặng anh đào hồng thắm, những rặng Dogwood trắng muốt tinh khôi.  Mây trắng trên cao vẫn lờ lững theo bà. Chim chóc ríu ríu hát ca.  Cảnh thiên nhiên khiến bà ngất ngây.  Bà muốn ôm hết vũ trụ này, lòng bà ngập tràn hạnh phúc.
 
Đỗ Dung

 

 

 

July 12, 2020