Những Ngày Cuối Với Mẹ- TT Thái An

NHỮNG NGÀY CUỐI VỚI MẸ

TT-Thái An
Cuối tháng 9, 2018. Em Khánh gọi cho tôi, bảo rằng em sẽ đi Texas 5 ngày, từ mùng 5 – 9 tháng 10; mong rằng tôi sẽ thu xếp để qua Toronto thăm bố mẹ trong thời gian em tôi đi vắng.  Vì bố tôi yếu lắm rồi, không biết có sống được đến cuối năm nay không.
Tôi thu xếp đi Toronto một ngày trước khi em Khánh đi Texas để em có thể đón tôi ở phi trường. 
Thứ Năm, ngày 4 tháng 10, 2018, đi làm ra tôi đi chyến bay tối.  Sau hơn một giờ bay, tôi đến phi trường Pearson Int ở Toronto lúc 11:14 pm.  Em Khánh đón tôi về nhà.  Những năm mẹ còn khỏe mạnh, mẹ hay theo Khánh ra phi trường đón tôi.  Nhưng mấy năm gần đây, mẹ không đi được nữa vì yếu rồi.
Mẹ biết tôi đến nên thức chờ dù đã gần nửa đêm.  Bố mẹ tôi ở dưới basement nhà em Khánh, có bếp riêng, có bàn ăn và chỗ để ghế sofa ngồi xem TV, có lối đi riêng.  Khánh ở trên lầu với vợ con. 
Khi tôi bước vào nhà.  Mẹ đang đứng ở gần sofa dang tay ra đón tôi và nói: “Con đến rồi à!  Kỳ này con định ở mấy ngày?”.  Tôi đến ôm mẹ rồi nói: “Con sẽ ở 10 ngày”.  Mẹ cười có vẻ vui, vì mấy kỳ trước tôi chỉ ở độ 1 tuần.  Kỳ trước tôi qua thăm bố mẹ vào tháng 7, 2017, cách nay 15 tháng rồi.
Bố tôi đang ngồi ở sofa nhìn tôi.  Mẹ hỏi bố: “Bố có biết ai đây không?”  Bố tôi vẫn không nói năng gì.   Mẹ bảo tôi bố không nhớ gì đâu. 
Mẹ hay dùng dầu gió.  Mấy kỳ trước tôi đem dầu gió xanh cho mẹ.  Canada cũng có bán dầu gió xanh, nhưng mẹ ít khi ra phố nên tôi mua bên Mỹ đem qua cho mẹ.  Cũng có lần tôi đem dầu gió đỏ mua ở Thái Lan cho mẹ.  Kỳ này tôi đem cho mẹ 3 lọ dầu gừng sản xuất ở Hà Nội.  Nghe người ta giới thiệu dầu gừng dùng xoa bóp rất tốt, hết đau lưng, hoặc đau nhức chân tay, mình mẩy. Tôi đã giải thích công dụng của dầu gừng với mẹ rồi.  Nhưng vài phút sau mẹ lại hỏi:
-Dầu này để làm gì?
Tôi giải thích thêm lần nữa.  Năm phút sau mẹ lại hỏi cũng một câu hỏi như thế.  Tôi lại trả lời như cũ.  Cứ năm phút mẹ lại hỏi một lần và tôi kiên nhẫn trả lời.  Đến lần thứ tư, mẹ hỏi:
-Dầu này có ăn được không?
Tôi hoảng quá, nói ngay:
-Ăn coi chừng chết đó!
Rồi cầm cái hộp đựng chai dầu gừng có ghi hàng chữ “Dầu xoa” “Không được uống” cho mẹ đọc cho rõ.   Thế này tôi biết trí nhớ ngắn hạn (short term memory) của mẹ đã có vấn đề rồi.  15 tháng trước trí nhớ của mẹ chưa có trạng thái này.
Nửa giờ sau, khi tôi đi ngang bố.  Bố nhìn tôi và hỏi “An đấy à?”  Như thế trí nhớ của bố thỉnh thoảng có trở lại.
Bố đi đứng khó khăn, bước từng bước run rẩy và thức ít, nằm ngủ nhiều.
Sau đó tôi đi ngủ vì đã quá khuya. 
Sáng hôm sau em Khánh ra phi trường để đi Mỹ lúc trời còn tối nên khi tôi dậy thì em đã đi. 
Tôi dậy sau 7 giờ sáng.  Ngồi một mình trong bếp pha cà phê uống.  Bố mẹ dậy trễ hơn.  Lúc trước còn khỏe, mẹ dậy sớm lắm.  Bây giờ thì khác rồi, gần 10 giờ mẹ mới dậy.  Thấy tôi, mẹ nói ngay: “Hôm nay là thứ Sáu, còn 9 ngày nữa con về”. 
Mẹ không ăn được nhiều từ hơn 10 năm nay.  Tôi đem cháo ra hâm cho mẹ ăn sáng.  Mẹ thích ăn cháo trắng với chao và trứng gà chiên, có thế thôi.  Em dâu tôi thì luôn chê ăn chao có gì bổ mà ăn.  Nhưng mẹ thích ăn chao thì vẫn cứ ăn.
Mẹ đã không đi nhà thờ từ 6 tháng nay vì không thể ngồi lâu.  Ngồi độ nửa tiếng mẹ đã thấy mệt lắm, phải nằm xuống.  
 Như thế mẹ cũng không đi chợ được nữa vì lúc trước mỗi tuần mẹ chỉ đi chợ một lần khi tan nhà thờ ra.  Em Khánh chở mẹ ghé chợ ở phố Tàu Đông để mua thức ăn cho cả tuần. 
Mẹ không còn sức đi chợ, cũng chẳng còn sức nấu ăn.  Vì thế lúc sau này Khánh phải đi chợ cho mẹ.  Khánh mua toàn thức ăn nấu sẵn ở chợ Tàu gần nhà, loại thức ăn “cơm chỉ”.  Và mua nhiều gói mành thánh đông lạnh để sẵn trên ngăn đá.  Khánh là con trai, nấu nước lèo chỉ có nước súp gà.  Nhưng mẹ cũng phải ăn thôi.
Em Khánh nhờ cô Tuyết trong nhà thờ ghé nhà đón tôi đi chợ vào chiều hôm thứ Sáu.  Cô Tuyết đưa tôi đến một siêu thị của Đài Loan mới mở thật lớn, có ba dãy bán đồ ăn nấu chín của Tàu, Nhật và Âu Châu.   Tôi mua vịt quay, heo quay, và nhiều thứ rau, thịt tươi để nấu cho bố mẹ những món mà bố mẹ thích ăn nhưng không còn sức để tự làm.
Tôi nấu nồi nước lèo để ăn mành thánh.  Mẹ thích ăn nấm hương nên tôi cho cả nấm hương vào.  Mẹ ăn được một bát nhỏ.  Mỗi lần mẹ chỉ ăn được một tí là đã thấy no, nên ăn nhiều lần trong ngày. Bố ăn ít hơn mẹ.  Cả bố và mẹ đều phải uống sữa Ensure mỗi ngày vài lần.
Hôm sau tôi làm gỏi cuốn, mẹ ăn được ba cuốn là nhiều lắm rồi đấy.  Bố không ra bàn ăn.  Bố chỉ ngồi dựa ở sofa.  Tôi phải lấy một đĩa đựng hai cái gỏi cuốn và 1 bát tương đưa cho bố.  Bố ăn chậm nhưng ăn hết.  Ăn xong, bố đưa cái đĩa trống ra, ý nói “ăn nữa”, vì bố không nói chuyện nữa, chỉ ra hiệu.  Mẹ bỏ vào đĩa cho bố thêm 1 cuốn.  Mẹ lấy bát trên tay bố để lấy thêm nước chấm.  Nhưng thay vì lấy tương, mẹ lại lấy nước mắm đưa cho bố.  Vì cả hai lọ tương và lọ nước mắm đều để trên bàn ăn.  Bố cầm lấy bát nhìn vào rồi trả lại cho mẹ.
Mẹ than phiền:
-Đấy, bố không thèm ăn đưa trả kia kìa.
Tôi nhìn vào cái bát trên tay bố, thấy nước mắm thì nhịn cười không được.  Tôi cười toang lên rồi nói ngay:
-Bố đưa trả là phải rồi, vì bố còn nhớ là ăn gỏi cuốn với tương chứ ai ăn với nước mắm!
Đến lượt mẹ ngơ ngác nhìn tôi không hiểu tại sao.  Tôi thấy đúng là trí nhớ của mẹ có vấn đề rồi.  Bố tuy không nhớ người nào ra người nào, nhưng riêng về món ăn ông vẫn còn nhớ món nào ra món nấy.
Nhưng có những chuyện đời xửa đời xưa mẹ vẫn còn nhớ như in.  Trí nhớ của mẹ thật kỳ lạ, hiếm có.  Những câu ca dao, tục ngữ mẹ nghe các cụ ở làng Tây Hồ hay nói từ lúc mẹ còn bé, mẹ hãy còn thuộc lòng. 
Mẹ kể chuyện trước khi di cư vào Nam năm 1954, mẹ có trở về làng Tây Hồ (làng Tây Hồ nằm bên cạnh Hồ Tây, ngoại thành Hà Nội. Giờ đã sáp nhập vào thành phố Hà Nội) ở vài tháng.  Trong một đêm thanh vắng, có tiếng người đàn bà kêu la từ bên kia hồ Tây vọng lại bên này: “Anh ơi! Chị cả đánh em”.
Mẹ cười đọc câu tục ngữ: “Khôn đi làm bé, khỏe đi ở mùa”.  Mẹ bảo đàn ông ngày xưa hay có nhiều vợ, vợ bé thường được chồng thương yêu hơn nên người ta mới chế ra câu tục ngữ ấy.
Mẹ còn đọc cho tôi nghe một câu ca dao thật hay và lạ, tôi chưa nghe qua bao giờ.  Tôi hỏi mẹ nghe ở đâu câu này.  Mẹ bảo lúc bé hay nghe các cụ trong làng Tây Hồ nói.  Độ mười phút sau tôi đem bút ra ghi lại, tôi không nhớ rõ nên nhắc mẹ đọc lại thì mẹ đã quên rồi.  Mẹ tự phân trần có khi chợt nhớ rồi lại chợt quên.
Kỳ này, mỗi lần ngồi nói chuyện với tôi, mẹ hay chỉ vào cái ghế cạnh mẹ bảo tôi ngồi xuống.  Mẹ nói độ nửa giờ hay bốn mươi phút là kêu mệt, mẹ bảo phải đi nằm.  Mẹ ngủ nhiều hơn thức.  Tôi nhận thấy mẹ yếu hẳn so với tháng 7 năm ngoái.  Vậy là trong 15 tháng tôi không gặp mẹ, mẹ đã sa sút nhiều quá. Có vài lần vừa đứng lên, mẹ ôm ngực kêu mệt quá, không thở được, lại phải ngồi xuống thở.  Một lúc sau mới đứng dậy được.
Trông thấy thế tôi đau lòng quá.  Tôi đặt tay lên mẹ và cầu nguyện với Chúa: “Chúa ơi, nếu đến thời điểm Chúa đem mẹ con đi, xin Chúa cho mẹ con đi bình an.  Nếu như chưa tới thời điểm, xin Chúa chữa lành hai lá phổi của mẹ con.  Chứ con thấy mẹ con thở khó khăn như vầy con đau lòng quá, tội nghiệp mẹ con quá.”
Buổi sáng, tôi có dậy sớm cũng phải ngồi trong bếp uống cà phê chờ mẹ dậy.  Muốn nghe mẹ kể chuyện đời xưa cũng không được nhiều thời giờ nữa vì mẹ dậy thì phải ăn để uống thuốc.  Ăn xong, mẹ ngồi với tôi một lúc rồi lại đi nằm. 
Tôi cố gắng nấu cho mẹ mỗi ngày một vài món khác nhau.  Mẹ và bố chỉ còn ăn được những thứ mềm.  Bố và mẹ thích ăn bánh cuốn, tôi làm bánh cuốn tráng chảo.  Mẹ ăn được ít, nhưng có thể ăn bánh cuốn vài lần trong ngày.  Bố không nói chuyện nữa, nhưng ăn bánh cuốn bố lại mở miệng nói: “Cám ơn nhé!”  Như thế bố vẫn còn nhận biết món ăn mà mình thích. 
Một buổi sáng mẹ lấy quả chuối plantain chín, vỏ thâm đen ra cắt từng miếng ngắn rồi lấy bột chiên tôm chuối ra pha để chiên chuối.  Tôi chụp ngay vài tấm ảnh cho mẹ vì thấy mẹ còn đứng bếp được vài phút để làm món mà mẹ thích ăn.  Tôi cũng chụp cho bố mẹ vài tấm khác rồi đưa cho mẹ xem.  Mẹ nhìn rồi cười, bảo: “Sao già quá vậy?”  Tôi trả lời: “Mẹ đã 88 tuổi rồi còn gì.”
Khi nồi cháo trắng đã hết, mẹ còn nấu được cơm bằng nồi điện để sáng hôm sau đem cơm này ra cho vào nồi khác, cho thêm nước để nấu cháo vài phút là xong.  Quanh năm, mẹ ăn điểm tâm bằng cháo vào buổi sáng.
Mẹ thích ăn ngọt.  Tôi nấu chè đậu ván cho mẹ, nhưng lọ bột năng mà tôi ghi nhãn hiệu “Bột Năng” bên ngoài từ năm ngoái đã hết, mẹ cho bột mì vào đó mà tôi không hay nên khi nấu thành chè thì có màu đục, không trong veo và dẻo như bột năng.  Thế mà mẹ vẫn ăn ngon lành, không chê gì hết.  
Mẹ lẫn thẫn rồi, lọ bột mì có ghi nhãn hiệu “Bột Mì” mà mẹ không cho bột mì vào đó.  Có lẽ mẹ chẳng còn để ý đến nhãn hiệu bên ngoài lọ.  Trong khi mẹ vẫn còn đọc được Kinh Thánh mỗi ngày mà.
Trước khi về Mỹ một ngày tôi nhờ Khánh chở đi chợ mua bột năng và đường đem về cho vào lọ.  Tôi nghĩ rằng tháng 12 trở lại Canada tôi sẽ nấu chè đậu ván cho mẹ, kỳ này là bột năng đàng hoàng.
Có mấy bà trong nhà thờ tự nguyện thay phiên nhau nấu canh, nấu cháo, nấu các thức ăn mềm đem cho bố mẹ tôi mỗi tuần.  Trong nhà thờ ai cũng gọi bố mẹ tôi là “Ông, Bà” vì họ xem bố mẹ tôi như ông bà của họ.  
Riêng cô Tuyết tuy đáng tuổi cháu ngoại, nhưng cô rất thân với mẹ tôi.  Từ khi mẹ tôi không còn đi nhà thờ được, cô hay gọi phone cho mẹ tôi mỗi tuần để hỏi thăm và cầu nguyện chung trong điện thoại.  Cả cô Tuyết và mẹ tôi có chung một điểm giống nhau là có tấm lòng cầu nguyện với Chúa rất thống thiết.  Cũng bởi thế, mẹ tôi hay nhận được những khải tượng đến từ Chúa qua những giấc mơ đặc biệt báo trước những việc quan trọng.  Cô Tuyết thì thỉnh thoảng được Chúa phán bên tai khi cô đang cầu nguyện với Ngài về những điều cấp bách.  Cô hay nghe được tiếng Chúa.
Riêng có một câu chuyện mà mẹ kể cho tôi nghe hai tháng trước trong điện thoại, lần này gặp tôi, mẹ kể lại y như thế, không quên điểm nào; đó là giấc mơ mà mẹ được Chúa báo cho.  Trong giấc mơ, mẹ trông thấy một miếng gỗ thật đẹp trên có khắc mấy hàng chữ.  Có tiếng nói với mẹ: “Hãy đến gần mà đọc, và đọc nhiều lần cho đến khi thuộc.  Đừng đọc một lần rồi bỏ đi”.  Mẹ đến gần đọc ba lần hàng chữ đó: 
“Ta sẽ chỉ cho ngươi con đường mình phải chọn.  Linh hồn ngươi sẽ được ở nơi bình an.  Con cháu ngươi sẽ được hưởng đất làm sản nghiệp”.
Kể xong, mẹ giải thích “Linh hồn ngươi sẽ được ở nơi bình an” có nghĩa là Chúa sẽ đem linh hồn mẹ lên Thiên Đàng, hưởng bình an đời đời.  Như thế Chúa sắp đem mẹ đi rồi.
Mẹ lại nói:
-Mẹ đã sẵn sàng đi với Chúa.  Chỉ sợ bố ở lại không có ai săn sóc, tội nghiệp.
Tôi cãi ngay:
-Thế nào bố cũng đi trước mẹ.  Mẹ còn sống thêm nhiều năm nữa với chúng con.
Tôi nói thế vì nghĩ thế thật.  Chính em Khánh cũng nói với tôi phải thu xếp qua thăm bố vì không chắc bố còn sống đến cuối năm nay.  Mẹ nghe tôi nói thế chỉ yên lặng, có vẻ suy nghĩ.
Khi em Khánh từ Mỹ về, tôi kể cho Khánh nghe về giấc mơ của mẹ.  Khánh nói ngay mẹ cũng kể cho em nghe giấc mơ này, lâu rồi, từ ba tháng trước.  Em tìm thấy câu này trong Kinh Thánh, sách Thi Thiên 25: 12-13. 
Nhưng nguyên văn trong câu 12 là “Ai là người kính sợ Đức Giê-hô-va? Ngài sẽ chỉ dạy cho người ấy con đường mình phải chọn”.   Chúa không phán với mẹ tôi “Ai là người kính sợ Đức Giê-hô-va”, Ngài phán thẳng với mẹ tôi “Ta sẽ chỉ cho ngươi con đường mình phải chọn” vì Ngài biết mẹ tôi rất kính sợ Ngài.
Mẹ khổ suốt đời với bố.  Mẹ quá hiền lành, quá nhân từ.  Bố thì luôn hung dữ, độc tài và vũ phu.  Bố từng có bồ trẻ, mẹ cam lòng chịu đựng.  Từ khi ra khỏi Việt Nam bố mất liên lạc với cô kia.
Thế mà mẹ không để lòng thù hận bố.  Mẹ bỏ qua tất cả, cứ xem như một tai nạn trong cuộc đời.  Mẹ vẫn hàng ngày cầu nguyện với Chúa xin tha thứ cho bố và cứu linh hồn bố.  Cũng nhờ mẹ cầu thay cho bố trên ba mươi năm, cuối cùng bố đã nhờ mẹ cầu nguyện cho bố tiếp nhận Chúa vào năm 1994, lúc còn ở Paraguay.
Từ khi rời Việt Nam, ba năm đầu tạm cư ở Đài Loan.  Sau đó bố nghe lời rủ rê của mấy người Đài Loan đi Bolivia làm ăn.  
Qua Bolivia rồi bố mới hỡi ôi.  Bố chẳng còn làm ăn gì được.  Bố hùn tiền với người ta mở nhà hàng, chưa được một năm thì chủ nhà lấy lại tiệm.  Chỉ có mẹ bương chải, ra chợ trời thuê sập bán quần áo cả gần một năm.  Vừa bán hàng vừa học nói tiếng Tây Ban Nha.  Sau đó dọn qua Paraguay, thuê nhà mở tiệm tạp hóa.  Cũng chỉ có mẹ đi mua hàng về bán.  Bố phụ mẹ chút đỉnh trông cửa tiệm.
Suốt gần 20 năm ở mấy nước bên Nam Mỹ, bố phải sống nhờ mẹ buôn bán tảo tần.  Vậy mà bố vẫn hung dữ với mẹ, vẫn luôn quát tháo, đàn áp.   Mẹ luôn im lặng nín chịu vì thế nét mặt mẹ luôn đăm chiêu, buồn khổ.  Chỉ những năm cuối ở Canada, mẹ được thanh thản và bớt cực nhọc tấm thân.
Mỗi buổi sáng thức dậy, trông thấy tôi mẹ lại đếm: “hôm nay còn năm (bốn, ba, hai) ngày nữa con về”.  Đây là lần đầu tiên mẹ đếm từng ngày như thế.  Đến khi chỉ còn một ngày, mẹ nói:
-Ngày mai con về rồi mẹ buồn lắm vì không còn ai nói chuyện với mẹ nữa.
Lần đầu tiên mẹ nói với tôi câu này.  Tôi áy náy quá vì biết mình ít được ở gần mẹ. Mẹ không có người trò chuyện.  Mẹ không nói chuyện với bố được vì bố lẫn quá rồi.  Em Khánh thì mỗi ngày xuống thăm bố mẹ một, hai lần rồi lại lên lầu.  Đây cũng là lần đầu tiên mẹ đếm từng ngày xem tôi còn ở với mẹ được bao lâu.  Có lẽ mẹ biết mình sắp lên Thiên Đàng, sẽ không còn gặp lại tôi lần nữa trước khi mẹ đi.
Tôi định thầm khi nào tôi về hưu sẽ qua ở với mẹ mỗi lần vài tháng, sẽ nấu cơm cho bố mẹ mỗi ngày.
Nhưng tôi đã mua sẵn vé máy bay qua Canada vào tháng 12, 2018 nên nói với mẹ:
-Tháng 12 con sẽ qua thăm mẹ nữa. 
Đôi mắt mẹ sáng lên khi nghe tôi sẽ trở lại thăm mẹ trong vòng hai tháng tới.  Tôi cũng nói với mẹ:
-Con sẽ gọi cho mẹ thường xuyên hơn.  Nhưng lắm khi con gọi mà không ai bắt lên nghe.  Có lẽ mẹ ngủ.
Sáng hôm sau ngày 14 tháng 10, 2018 tôi rời Canada trở về Mỹ.  Tôi đi lúc trời chưa sáng tỏ nên mẹ hãy còn ngủ.
Tôi về Mỹ gọi cho mẹ được ba lần, lần cuối là ngày 6 tháng 11.  Lần này mẹ bảo không nghe thấy tiếng tôi trong phone.  Tôi có gào thật lớn cho mẹ nghe, nhưng mẹ vẫn bảo không nghe thấy gì.  Nhưng mẹ cứ nói một mình, mẹ kể lúc này mẹ mệt lắm, ăn ít lắm; bố cũng yếu lắm rồi, chỉ uống sữa Ensure thôi.  Mẹ còn nói nhiều nữa, tiếng nói còn rõ ràng, làn hơi không đứt quãng, nhưng chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi của tôi.   Tôi bực bội vì đường dây điện thoại bị trục trặc nên mẹ không nghe được tiếng tôi.  Rốt cuộc, cuộc gọi bị cắt ngang, tôi không còn nghe thấy tiếng mẹ nữa.  Tôi gác điện thoại, hy vọng hôm khác gọi, đường dây sẽ rõ hơn.
Tối ngày 11 tháng 11, 2018 em Khánh gọi cho tôi báo tin mẹ đang nằm trong nhà thương.  Bác sỹ bảo không cứu được nữa, chỉ còn chờ đi.  Tôi hỏi Khánh mẹ vào nhà thương hôm nào.  Khánh bảo từ tối thứ Năm ngày 8 tháng 11.  Tôi hỏi sao không báo cho tôi biết ngay, bây giờ mới nói.  Khanh bảo vì lúc đầu bác sỹ bảo chữa xong sẽ cho mẹ tôi về và từ đây sẽ phải dùng bình dưỡng khí thường xuyên.  Nhưng hai hôm sau bác sỹ nói rằng mẹ tôi sẽ không qua khỏi.  Vì thế Khánh mới gọi cho tôi hay. 
Tối ngày 13 tháng 11 tôi bay qua Canada, đã hơn 11 giờ khuya, em Khánh đón tôi đưa ngay vào nhà thương.  Mẹ tôi đã nhắm mắt mê man, thở bằng dưỡng khí, hơi thở ngắn.  Tôi đứng nhìn mẹ quá gầy gò, chỉ còn da bọc xương.  Nhưng nét mặt mẹ bình thản.  Tôi cố nói chuyện với mẹ, hy vọng mẹ nghe thấy.  Tôi nói với mẹ rằng: Con thương mẹ lắm, con muốn nói chuyện với mẹ lắm.  Chắc mẹ đã thấy thiên sứ của Chúa đứng cạnh mẹ để chờ đưa mẹ lên Thiên Đàng.  Mẹ sẽ gặp lại ông ngoại, gặp bà Nhàn, gặp ông bà Sùng, gặp anh Cường..”
Sau đó em Khánh và tôi cầu nguyện cho mẹ rồi ra về.  Vì trong phòng không có chỗ cho người nhà nằm lại.  Khánh bảo sáng sớm mai sẽ trở lại thăm mẹ.
Sáng hôm sau tôi chưa thức dậy đã nghe tiếng Khánh gõ cửa phòng bảo sửa soạn vào nhà thương gấp vì vợ Khánh trước khi đi làm ghé nhà thương thăm mẹ tôi đã gọi về báo tin cô y tá bảo là mẹ tôi sắp đi rồi.  Thế là tôi vội vàng sửa soạn đi theo Khánh.
Xe chạy vào giờ cao điểm, hơn ba mươi phút mới đến nơi, lên được lầu 6, vừa đến cửa phòng của mẹ, cô em dâu, vợ Khánh ra đón khóc bù lu bù loa, bảo rằng: “Bà vừa đi có ba phút”. 
Tôi và Khánh bước vào đến cạnh giường của mẹ.  Mọi dây nhợ gắn vào người mẹ đã được cô y tá tháo ra.  Mắt mẹ nhắm nghiền như đang ngủ, vì thế tôi không cần phải vuốt mắt cho mẹ.  Tôi và Khánh cùng khóc, cùng nói xin lỗi mẹ vì chúng con có rất nhiều thiếu sót với mẹ, chúng con không có nhiều thì giờ cho mẹ, và nhiều khi chúng con làm mẹ buồn lắm, xin mẹ tha lỗi cho chúng con.
Cô y tá còn đứng đó đang khóc cho mẹ tôi.  Lạ nhỉ! Y tá đã chứng kiến bao nhiêu người chết rồi, sao còn cảm động được trước cái chết bình thường của mẹ tôi? Nhưng cô bảo khi nghe em dâu tôi kể sơ qua về mẹ tôi, hiền lành, nhịn nhục và cầu nguyện với Chúa từng ngày cho từng người trong nhà thờ, cho các con, các cháu và những người bà quen biết, kể cả cho các Tồng Thống Mỹ, nước Mỹ, nước Canada, nước Do Thái, nước Việt Nam vv..” Cô thấy mẹ tôi cũng giống như mẹ cô, có tấm lòng yêu thương cầu thay cho người khác.  Cô biết rằng Chúa đã đem mẹ tôi đi thanh thản, không đau đớn khó nhọc.
Em dâu tôi kể sáng hôm qua thứ Ba, ngày 13 tháng 11 mẹ tôi còn ăn bữa ăn sáng cuối cùng trong nhà thương.  Mẹ ăn được chén oatmeal bé và uống ít sữa, khi uống nước mẹ bảo nước lạnh quá nên em dâu tôi đi xin nước nóng về pha thêm cho âm ấm để mẹ uống.   Sau khi ăn xong mẹ bắt đầu ngủ cho đến khi em Khánh đón tôi từ phi trường đưa đến thăm mẹ lúc gần nửa đêm.  
Tôi ước ao sao Khánh báo cho tôi hay từ hôm mẹ mới vào nhà thương để tôi qua sớm hơn thì còn nghe được mẹ nói chuyện.
Tôi gọi cho hai con trai lớn của tôi đang trên đường lái xe qua Toronto báo tin bà vừa về với Chúa, các con cứ lái từ từ, đừng vội vã nữa.  Xong, tôi nhắn tin cho con trai út đang làm việc ở New York báo tin. 
Các con tôi tưởng đâu mẹ tôi chỉ vào nhà thương điều trị vài hôm rồi về nhà vì đây là lần đầu mẹ tôi phải vào nhà thương.  Nhưng hai con lớn tôi cũng thu xếp để qua Canada thăm bà ngoại chúng vì bà phải nằm điều trị trong nhà thương.
Trở về căn basement của bố mẹ, nhìn thấy cái bếp mà mẹ ra vào mỗi ngày để hâm thức ăn trong microwave, nhìn thấy lọ bột năng chỉ vơi đi chút đỉnh, nhìn lọ đường còn y nguyên tôi chợt nhớ mẹ rạt rào.  Những thứ này tôi chẳng bao giờ còn cơ hội để nấu cho mẹ chè đậu ván nữa, chẳng còn bao giờ nấu cho mẹ được một bữa ăn nào nữa. 
Cái bếp không có mẹ ra vào trở nên lạnh lẽo làm sao.  Cái bàn này không còn mẹ ngồi ăn mỗi buổi sáng, buổi trưa, buổi tối nó u buồn thế nào.  Tôi nhìn đâu cũng thấy hình ảnh mẹ.  Một sự trống vắng đổ ụp xuống trên tôi. 
Tôi rời mẹ ngày 14 tháng 10, 2018 thì đúng ngày 14 tháng 11, 2018 mẹ qua đời. 
Tự dưng tôi hiểu được Chúa đã tạo cơ hội cho tôi gặp mẹ vào tháng 10, ở với mẹ được 10 ngày.  Mẹ con còn chuyện trò với nhau được 10 ngày và tôi có cơ hội nấu ăn cho mẹ được bấy nhiêu ngày.  Tôi dâng lời cảm tạ Chúa về điều này.  Nếu không được gần mẹ vào tháng 10 vừa qua, thì giờ này tôi đau khổ, ân hận biết bao nhiêu.
Dù biết rằng mẹ đang ở trên thiên đường hưởng bình yên với Chúa, tôi vẫn khóc và nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ quá.  Mẹ đi rồi, không còn mẹ để nói chuyện với con nữa, con buồn quá!”
Khi bố tôi thức dậy, trông thấy tôi, bố hỏi: “Mẹ đâu?”  Tôi trả lời: “Mẹ ở trong nhà thương.” 
Bố chỉ nhớ đến mẹ, ngoài ra không nhớ gì khác.  Khi em dâu tôi xuống, nhìn thấy con dâu bố lại hỏi: “Bà đâu?” Em dâu tôi nói ngay, không dấu diếm: “Bà về với Chúa rồi.” 
Nghe câu trả lời của tôi hay của con dâu không biết bố có hiểu không, nhưng miễn có trả lời thì bố không hỏi nữa.  Bố lại đi ngủ. 
Gần 2 giờ chiều, hai con trai tôi lái xe đến nhà cậu Khánh.  Chúng xin cậu Khánh đưa đến nhà thương để nhìn xác bà ngoại.  Tôi lại đi theo các con vào nhà thương nhìn xác mẹ lần nữa.  Các con tôi, em Khánh và tôi thay phiên nhau dâng lời cảm tạ Chúa đã đem mẹ tôi đi bình yên, đã tiếp rước linh hồn mẹ tôi lên Thiên Đường và chúng tôi hẹn gặp lại mẹ tôi trên Thiên Đường với Chúa. 
Trở về nhà, em Khánh nhờ tôi dọn dẹp quần áo, sách vở của mẹ để đem cho hay đem bỏ.  Tôi phải mở từng ngăn kéo, từng ngăn tủ đem ra một đống sách vở, thư từ mẹ chất chứa từ mấy mươi năm qua.  Tôi bắt được những bức thư của ông ngoại tôi gửi ra từ Việt Nam qua Đài Loan cho mẹ khi ông còn sống, còn cả bao thư đóng dấu bưu điện.  Tôi đọc lại những bức thư này.  Mẹ đã đem chúng theo qua Bolivia, qua Paraguay, rồi qua Canada.  Mẹ là người chắt chiu kỷ niệm.  Mẹ không bỏ được kỷ niệm.  Cả những tấm ảnh đám tang của ông do ông mục sư gửi từ Việt Nam qua Đài Loan năm 1978 cho mẹ hãy còn nguyên.
Giờ đây đến lượt tôi giữ lại những bức thư của ông ngoại tôi.  Để hình đám tang của ông ngoại lại cho em Khánh giữ.  Có lẽ tôi cũng mang trong người tánh chắt chiu kỷ niệm của mẹ.  Khánh tìm thấy cuốn nhật ký của mẹ ghi lại những giấc mơ khải tượng của Chúa cho, ghi rõ ngày tháng và chi tiết của giấc mơ.  Có những giấc mơ đã hiện thực.  
Em Khánh gọi cho nhà quàn, đặt chỗ làm tang lễ sáng ngày Thứ Bảy ngày 10 tháng 11.  Nhà quàn đã đồng ý, nhưng hôm sau gọi lại báo tin vì mẹ tôi nằm trong diện của bộ xã hội trang trải mọi phí tổn mai táng nên chỉ được làm trong những ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu.  Có muốn bù thêm tiền để làm ngày Thứ Bảy cũng không được.  Như thế cũng không sao, dời tang lễ qua ngày thứ Sáu.  Vì thế ngày thăm viếng cũng phải dời lại  vào tối thứ Năm.
Cả ba con trai tôi đến đầy đủ để an ủi tôi và để tiễn đưa bà ngoại.   Con trai lớn tôi dẫn theo con trai đầu lòng của cháu, vừa hai tuổi.  Riêng con dâu tôi phải ở lại Mỹ vì đứa cháu nội thứ hai của tôi còn bé quá, chưa đến 6 tháng, không tiện bế theo.
Tối thứ năm thăm viếng, khách đến đông ngồi kín những dãy ghế, những người đến sau phải đứng ở sát tường vì hết ghế ngồi.  Chúng tôi thật cảm động vì một người vô danh, tầm thường như mẹ mà được nhiều người thương yêu đến thăm viếng như thế này.
Tôi đã đưa cho nhà quàn cái áo dài mầu ngọc phỉ thúy có kết hoa kim tuyến trắng của mẹ để người ta mặc cho mẹ.  Chiếc áo này do người quen ở Canada khi về Việt Nam mua vải và may ở Việt Nam đem biếu mẹ.  Mặc dù em dâu tôi bảo là mẹ tôi thích chiếc áo dài có hoa lốm đốm, nền áo màu xanh dương đậm đem theo từ năm 1975 khi rời Việt Nam. 
Nhưng năm ngoái, tháng 7 năm 2017 khi tôi đến thăm mẹ, mẹ lại chỉ mấy cái áo dài mẹ thích bảo tôi cầm về làm kỷ niệm.  Lúc đó tôi trả lời: “Đem về để chật nhà, con đâu mặc vừa áo của mẹ.”  Mẹ chỉ yên lặng không nói gì thêm.  Bây giờ nghĩ lại, có lẽ mẹ biết chẳng còn sống bao lâu nữa, mẹ muốn tôi giữ lại một vài kỷ niệm của mẹ.  Vì thế, tôi không muốn làm mẹ buồn, tôi phải đem chiếc áo dài này và chiếc áo dài mầu cổ vịt lụa tơ tằm mà mẹ mua vải và đặt may ở một tiệm may xường xám ở Cao Hùng, Đài Loan, theo về Mỹ.  Đem về treo thôi, không mặc được cũng chẳng sao.  Nhìn thấy chúng, tôi lại nhớ đến mẹ.  Người mẹ âm thầm chịu đựng nhiều gian truân, khó nhọc nhưng không bao giờ than thở hay oán trách ai, cũng không oán trách Chúa.
Tôi bế đứa cháu nội đến bên quan tài nhìn mẹ tôi.  Tôi nói với cháu rằng bà cố đang ngủ.
Phải nhìn nhận nét mặt mẹ tôi trông thanh thản, tuy gầy gò nhưng không thấy nếp nhăn như khi còn sống.  Tôi cố ý nhìn kỹ để tìm nếp nhăn trên mặt mẹ, nhưng chúng biến đâu mất hết.  Sống mũi mẹ cao vừa tầm, thẳng nhọn một đường thật đẹp.  Chúa cho mẹ một sắc đẹp không cần sửa chữa gì cả.  Thế mà những năm còn ở nhà với mẹ, tôi đâu nhìn biết mẹ tôi đẹp.  Có lẽ trông thấy mẹ hằng ngày nên quen mắt.  Sau này nhìn lại những bức ảnh cũ của mẹ, tôi mới nhận thấy mẹ đẹp.
Em Khánh nhờ tôi soạn bài nói về mẹ tôi để đọc tối nay và sáng thứ Sáu trong tang lễ.  Có một cô trong nhà thờ lo việc làm slice show, phóng những bức ảnh của mẹ lên màn hình từ thời trẻ cho đến tháng 10 năm 2018.  
Khi Mục Sư giảng xong và mọi người xếp hàng lên viếng mẹ lần cuối, có bà đến đưa tay đặt lên ngực mẹ khóc mãi vì thương mẹ quá.
Viếng xong, mọi người được mời qua phòng tiếp tân để ăn piza và trái cây. 
Sáng thứ Sáu, ngày 14 tháng 11, 2018 trời lạnh 35 độ F, nhưng có nắng và khô ráo suốt cả ngày.  Em Khánh nhờ một thanh niên theo khiêng hòm cho mẹ vì nhà tôi và nhà em Khánh chỉ có 5 con trai, còn thiếu một người đi theo khiêng hòm.  Anh Phong vui vẻ nhận lời ngay.
Sau khi mục sư giảng xong, mọi người lên viếng mẹ lần chót để đóng hòm lại.  Sau đó mọi người được mời qua phòng tiếp tân để ăn nhẹ.
Sau khi hòm đã đóng lại, cháu nội hai tuổi của tôi đi vào phòng nhờ chú Út bế lên xem bà cố.  Thấy hòm đã đậy lại, cháu bảo chú mở ra cho cháu xem.  Nhìn thấy bà, cháu nói: “She is sleeping” –Bà đang ngủ-. 
Trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, nhưng lạnh 35 độ F.  Mọi người tiễn mẹ tôi ra nghĩa trang không phải lầy lội.  Cháu nội tôi cũng đứng ở nghĩa trang suốt cả buổi mà không bị cảm lạnh.
Riêng bố tôi thì không được cho theo ra nhà quàn từ tối qua vì ông quá yếu không ngồi nổi quá 20 phút, chỉ có nằm ở ghế đừng nói chi ra nghĩa trang đứng cả gần hai giờ.
Qua sáng thứ Bảy trời tối xầm và mưa tầm tã từ sáng đến tối.  Rõ là hôm nay quá khác biệt với hôm qua. 
Tối thứ Bảy hôm đó có buổi học kinh thánh tại nhà chị Bảy. Tôi theo em Khánh đến nhà chị.  Ai nấy dâng lời cám ơn Chúa đã cho ngày hôm qua có nắng đẹp, khô ráo để tang lễ của mẹ tôi tốt đẹp, mọi người theo ra nghĩa trang không bị ướt sũng. 
Cô em dâu tôi nói có lẽ  Chúa biết trước ngày thứ Sáu có nắng khô ráo nên khiến cho nhà quàn dời tang lễ của mẹ tôi từ thứ Bảy qua thứ Sáu.  Tôi không đồng ý như vậy vì Chúa là Đấng biết trước mọi sự, Ngài cũng là Đấng làm ra thời tiết.  Ngài biết trước nhà quàn sẽ dời tang lễ của mẹ vào thứ Sáu nên Ngài phán với thứ Sáu rằng “Phải khô ráo và có nắng” thì phải có như vậy.
Anh Phong, người đi theo quan tài của mẹ tôi từ trong nhà quàn ra xe, và từ xe đến huyệt mộ  làm chứng một điều:
-Tối hôm thứ Năm, khi mọi người đi lên viếng xác bà và đã đi ra; chỉ còn tôi là người sau cùng lên nhìn bà.  Khi tôi vừa nhìn vào bà, tức thì có hình ảnh bà hiện ngay ra trước mặt tôi.  Bà cười thật hiền và nói với tôi rằng: “Ngày mai con sẽ đi bên cạnh bà.”  Tôi nghe như vậy không hiểu gì hết nhưng trong lòng thấy vui lắm.   Qua sáng hôm sau ông mục sư đến nhờ tôi đi theo quan tài của bà ra xe, tôi nhận lời ngay và chợt hiểu câu bà nói: “Ngày mai con sẽ đi bên cạnh bà.”
Mọi người ồ lên cảm tạ Chúa vì đây là một phép lạ.
Tôi phải giải thích cho anh Phong và mọi người hiểu đó là khải tượng đến từ Chúa, không phải linh hồn mẹ tôi hiện về nói chuyện với anh.  Vì người chết trong Chúa đã lên Thiên Đường, không bao giờ trở lại thế gian này.  Chúa cho anh nhìn thấy khải tượng này vì Ngài muốn cho anh biết Ngài hiện diện trong tang lễ của mẹ tôi.  Ngài lo cho mẹ tôi đến phút cuối cùng nên chọn anh là người khiêng hòm cho mẹ.  Điều này cũng cho anh biết Chúa quan tâm đến anh, Chúa lo liệu cho mẹ tôi thế nào, Ngài cũng sẽ ở cùng anh và con dân của Ngài thế ấy cho đến khi Ngài đem họ về Thiên Đường.  
Cô Tuyết cũng có lời làm chứng.  Cô nói rằng tuy không có máu mủ ruột thị với mẹ tôi, nhưng cô thương mẹ tôi như ruột thịt.  Vì thế khi hay tin mẹ tôi vừa mất cô đau lòng quá. Cô vừa vào nhà thương thăm mẹ tôi sáng thứ Ba lúc 10 giờ sáng.  Mẹ tôi đã ngủ sau khi ăn sáng.  Cô đánh thức mẹ tôi dậy bằng cách vỗ vào đùi mẹ lạy dậy.  Mẹ tôi mở mắt ra nhìn cô.  Cô hỏi mẹ tôi: “Con là Tuyết đây, bà có nhìn ra con không?”  Mẹ tôi nhìn cô, mấp máy môi nhưng không nói ra lời.  Nhưng cô biết mẹ tôi có ý nói nhìn ra cô.  Cô cầu nguyện cho mẹ rồi ra về, hẹn hôm sau sẽ trở lại thăm bà.  Vậy mà sáng thứ Tư mẹ tôi đã trút hơi thở sau cùng.  Cô đâm ra oán trách Chúa.  Cô khóc lóc với Chúa rằng:
-Con tưởng Chúa đem ông đi trước, tại sao Chúa đem bà đi trước?  Chúa đem bà đi rồi con mất một người cầu nguyện, hội thánh mất một người cầu nguyện.
Vừa nói với Chúa cô vừa khóc.   Tức thì cô nghe thấy tiếng Chúa phán bên tai:
-Ta đem bà đi vì đã đúng thời điểm rồi.  Bà không chết vì bệnh gì hết.  Bà đã làm xong phận sự mà ta giao phó thì Ta đem bà đi.  Vũ khí của bà là sự cầu nguyện.  Ta đã nhậm lời cầu xin của bà cho nhiều việc, Ta đã lo cho bác Nguyên, ta đã lo cho các con của bác An.  Còn con, nếu con chưa làm xong công việc Ta giao cho, con có muốn chết cũng không chết được.  Kẻ nào muốn hại con, muốn giết con cũng không giết được.  Ta cho chị X là người duy nhất được nhìn thấy lúc bà trút hơi thở cuối cùng vì Ta muốn thay đổi tấm lòng của chị X đối với ông bà.
Nghe xong những lời này, cô Tuyết không còn dám oán trách Chúa nữa.  Và nỗi buồn trong cô cũng nguôi ngoai.
Mọi người nghe xong lời làm chứng của anh Phong và cô Tuyết đều dâng lời cảm tạ Chúa.  Ngài vẫn hiện diện ở thế gian với dân sự của Ngài cho đến khi đúng thời điểm Ngài đem họ đi với Ngài.
Chị Thanh cũng kể lại khi chị và chị Bảy vào nhà thương thăm bà vài ngày trước khi bà mất.  Chị khích lệ bà: “Bà hãy vững lòng nghe bà!” Nhưng bà bình yên trả lời bằng một câu kinh thánh: “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp vì ta là Đức Chúa Trời ngươi!” (Ê-sai 41:10a)
Tuy biết chắc rằng tôi sẽ gặp lại mẹ ở Thiên Đường, nhưng ngày đó còn bao lâu?  Trong lúc chờ đợi này, tôi cảm thấy một nỗi trống trải mênh mông vì không còn mẹ để kể chuyện ngày xưa cho tôi nghe, vì tôi không còn cơ hội để nấu những bữa ăn cho mẹ nữa.
Hình như lúc mẹ còn sống, tôi chưa bao giờ nói với mẹ rằng tôi thương mẹ. Tôi muốn nói với mẹ ngàn vạn lần rằng “Mẹ ơi con thương mẹ quá, con nhớ mẹ quá!”
Ôi! Những ngày tôi được ở gần mẹ trên quả đất này quá ngắn ngủi.
Dù mẹ luôn tha thứ cho chúng tôi, nhưng tôi xin Chúa tha thứ cho tôi và các em trai, cho em dâu những lỗi lầm, những thiếu xót của chúng tôi đối với mẹ. 

TT-Thái An

3/10/2019
May 10, 2020