Ngục Tù Cộng Sản ở Long Giao năm 1976- Đào Hiếu Thảo

Trại tù Long Giao 1976

                                                         Đào Hiếu Thảo

Tuần lễ cuối tháng 6 năm 1975, cùng với hàng trăm ngàn nam nữ quân nhân, công chức Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi phải đến trình diện Ủy Ban Quân Quản Saigon-Gia Định.  Rồi vài ngày sau đó, bị lùa vào các trại tập trung mà chánh quyền VC cho là đi học tập, cải tạo để “trở thành người dân lương thiện cho xã hội”?

Nhà tù đầu tiên chúng tôi bị “bên thắng cuộc” giam cầm là Thành Ông Năm/Hóc Môn, doanh trại cũ của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo, cách Saigon 20 km về hướng Tây Bắc.

Chúng tôi bị nhốt ở đây khoảng một năm, bằng mọi cách họ nhồi nhét cho hết 10 bài gọi là “bồi dưỡng chính trị” chứa đựng những nội dung nhằm tẩy não và khủng bố tinh thần chúng tôi, những người bị họ cho là “lính đánh thuê, là tàn dư Mỹ Ngụy, là kẻ thù của nhân dân”.  Hàng ngày phải  khai báo lý lịch cho đầy cuốn vở 100 trang, phải kể chi tiết ba đời giòng họ nội, ngoại của mình cũng như bên người phối ngẫu.  Một hôm, có nhiều dấu hiệu cho thấy lại sắp có đợt chuyển trại, nghe nói họ đóng cửa hai trại giam ở Côn Sơn và Phú Quốc, chuyển toàn bộ tù nhân về Hóc Môn, các cấp Thiếu tá ở đây đã lần lượt bị chuyển đi nơi khác.  Bọn bộ đội cai ngục chuẩn bị võ khí, lương khô, hành trang cho kế hoạch họ gọi là “cơ động hành quân” dài ngày…

Vào một buổi chiều, cơm vừa xong, toàn bộ trại tù chúng tôi được lệnh mang hành lý ra sân tập họp để “điểm nghiệm”. Màn lục soát, tịch thu, vơ vét “tài sản xơ xác, còm cõi” của anh em tù chúng tôi lại tái diễn như bao nhiêu lần trước. Lục soát xong, mấy trăm tù nhân gồng gánh đồ đạc của riêng mình lên xe Molotova chuyển trại ngay tức khắc.

Số còn lại thì trở về buồng giam theo danh sách Tổ, Đội, vừa “biên chế” (sắp đặt) lại. Những anh em này thuộc thành phần ít nguy hiểm hơn theo đánh giá của cộng sản như: công binh, quân nhu, quân y, quân vận, quân nhạc, quân huấn, quân cụ, hành chánh, tài chánh, quân tiếp vụ…

Nhìn sơ qua thành phần chuyển đến trại tù khác thì thấy có những thành phần bị cộng sản buộc tội là nguy hiểm, ác ôn, độc hại, như an ninh quân đội, tình báo, quân cảnh, quân pháp, chỉ huy đơn vị tác chiến, chiến tranh chính trị, tuyên uý, nhảy dù, biệt động quân, thuỷ quân lục chiến, biệt kích, hắc báo, pháo binh, viên chức biệt phái… Cá nhân tôi từng phục vụ ngành chiến tranh chính trị, được đào tạo chuyên môn tại Hoa Kỳ, chức vụ sau cùng là Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng Không Quân bị xem là “thành phần ác ôn, ngoan cố” nên có tên lên xe Molotova đợt đầu tiên. Trong suốt thời gian bị giam ở Hóc Môn, thỉnh thoảng tôi bị gọi lên “văn phòng” gặp các cán bộ cao cấp cộng sản, họ hạch hỏi về nhân lực, trang bị, bố trí của các sư đoàn, đại đơn vị Không Quân Việt Nam Cộng Hoà khắp bốn Vùng Chiến Thuật.  

Đoàn xe vài chục chiếc Molotova bắt lầu lăn bánh hướng ra cổng chánh Thành Ông 5 Hóc Môn lúc xế chiều hôm ấy, không hiểu vì lý do gì mà cán bộ cộng sản cho phép để mui trần, không phủ kín đến ngộp thở như lần họ đưa chúng tôi rời Saigon ngày đầu trình diện vào một đêm u tối hồi tháng 6 năm 1975.

Lúc đoàn công voa di chuyển nhanh ra ngoài tỉnh lỵ Hóc Môn thì hai bên đường bà con cô bác vẫy tay chào, có người hỏi chúng tôi “Được về hả?”, anh em chỉ lắc đầu, đồng bào ném vội lên xe cho chúng tôi những bọc kẹo đậu phọng. Xe chạy theo hướng Thủ Đức, Lái Thiêu, Biên Hoà, Hố Nai, Bùi Chu, Phát Diệm là nơi những Xứ Đạo Công Giáo kiên cường, từng nổi lên chống cộng sản lúc còn sống ở Miền Bắc sau năm 1954. Bà con cũng ném tới tấp lên xe Molotova những bọc quà bánh, trẻ em chờ hai bên đường ném đá cuội vào những tên bộ đội võ trang, có nhiệm vụ canh chừng chúng tôi. Các em hét lớn “ Đ…m… mầy bộ đội, nhảy đại đi mấy chú, tụi VC nó không dám bắn đâu”!

Người dân ruột thịt Miền Nam, bà con, cô bác đứng chờ hai bên đường ném lương khô, bánh ích, bánh ú cho tù, trẻ nít mắng chửi, ném đá tới tấp vào bộ đội khiến chúng tôi phải suy nghĩ, một năm rồi mình bị hoàn toàn cô lập với bên ngoài, không biết gia đình sinh sống ra sao, ai còn, ai mất, ai đi, ai ở, nếu sống sót thì sống bằng cách nào dưới chính sách đổi tiền mà mỗi đầu người chỉ được sở hữu 200 đồng tiền “giải phóng”?.   Khó khăn và chật vật vậy, tại sao đồng bào lại bóp bụng cho anh em tù chúng tôi những quà bánh bất ngờ, hiếm hoi  như thế, tại sao trẻ nhỏ lại ném đá, chửi mắng bộ đội cộng sản thậm tệ?!  Vậy, Chỉ sau một năm cộng sản Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam, ai thật sự được lòng dân? Và, trong cuộc chiến quốc-cộng này, ai thắng ai?  

Suy nghĩ mông lung, màn đêm buông xuống từ lúc nào, đoàn xe vận tải Molotova rời quốc lộ, rẽ vào thị xã Long Khánh và hướng đến Long Giao,  căn cứ đóng quân và khu trại gia binh trước đây thuộc Trung đoàn 52, Sư đoàn 18 Bộ binh Việt Nam Cộng Hoà.  À, thì ra nơi đây đã được biến thành trại tù để giam giữ người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi.

Xuống xe, tập họp, điểm danh, phân chia Tổ, Đội, vào buồng giam nhận tạm chỗ là đã quá hai giờ sáng. Tiếng kẻng báo thức vang lên lúc 6 giờ, lại phải lục tục ra sân tập họp làm các động tác thể dục trong 20 phút, sau đó ăn sáng với bát cháo trắng, nước nhiều hơn cái.

Trại tù này đã được thiết lập để giam cầm trên 1200 sĩ quan cấp tá và cấp uý Việt Nam Cộng Hoà từ tháng 6 năm 1975.  Với đợt tù mới tới thì đây là trại tù thứ hai, sau Thành Ông 5 Hóc Môn.

Long Giao là vùng đất đỏ, thời tiết về đêm lạnh gần giống như Lâm Đồng, Bảo Lộc, công việc lao động mà anh em tù chúng tôi phải làm là cuốc đất, trồng khoai mì, khoai lang, rau muống, bắp, ngoài ra còn phải sửa sang doanh trại mà đa số đã bị tróc mái tôn, sụp tường, tăng cường hệ thống kẽm gai bao bọc căn cứ cho cao thêm và dày lên để nhốt chính mình và các bạn đồng cảnh, trong khi bọn cai tù thì nói làm vậy là “để bảo vệ chúng tôi” khỏi bị “dân chúng vì thù hận mà tràn vào tàn sát!”  Thật là những luận điệu láo khoét của bọn Vẹm, đúng là cười ra nước mắt!  Chuyện nặng nhọc và nguy hiểm nhất là phải đào giếng nước, vì Long Giao là vùng đất gò nên phải đào rất sâu, thông thường là trên 23 mét mới chạm đến mạch, ở Hóc Môn chỉ 4 mét là đã có nước trong vắt để dùng.

Dụng cụ đào giếng được cấp phát rất thô sơ bao gồm cuốc, xẻng, cuốc chim (có mỏ nhọn) thùng xách nước, giây thừng. Vì phải kéo đất từ độ sâu lên tới mặt đất, rồi mang đổ thành đống cao,  nên không giây thừng nào chịu đựng nổi với thời gian. Các bạn tù mới có sáng kiến lấy giây thép gai, cắt thành từng cọng dài khoảng 10 cm rồi uốn làm khoen tròn, móc vào nhau như giây xích, nối dài hàng chục mét. Nhờ những giây làm bằng thép gai nối dài, quấn quanh một thân cây tròn, dùng làm trục, nằm ngang trên hai cột, có cây sắt xuyên qua để quay,  anh em tù chúng tôi mới đưa được người xuống giếng và kéo những thùng đất lên.  Không có ngày nào qua đi mà không có người bị thương, tuy nhiên với vài chục người tù rồi cũng đào xong một cái giếng nước mà không bao giờ tin rằng chỉ bằng sức người mà có thể làm được, đúng là “chuyện đội đá vá trời”. Vì là miền đất đỏ nên nước giếng ở Long Giao rất đục, có màu đất sét, phải lóng bằng bột vôi trắng cho trong mới nấu ăn được.

Đất Long Giao rất lầy lội, trơn trợt nhất là sau những trận mưa lớn, các loại dép râu kiểu Bình Trị Thiên mà chúng tôi làm bằng vỏ và ruột xe GMC hay xe Jeep khi còn ở Hóc Môn, không còn dùng được nữa, bước đi mấy bước là sút quai ngay. Chúng tôi phải lấy gỗ, xà ngang trên trần những căn nhà bị đổ nát để cưa, đẽo, đóng quai cao su, làm thành guốc mộc, mới đi được trên đất ở Long Giao. Nhiều người không tìm ra phương tiện làm guốc thì đành phải thường xuyên đi chân đất.  

Khi ra ngoài lao động, gặp lại các bạn đã đến đây từ một năm trước được nghe họ kể lại trường hợp trốn trại của hai anh Thịnh và Bé, không may bị bộ đội  bắt lại, hai anh bị đưa ra toà án “nhân  dân” xét xử và kết tội tử hình. Hôm xét xử hai anh Đại Úy Thịnh và Bé bị VC ghép tội “chống phá cách mạng”, họ cho tất cả tù nhân nghỉ lao động, bắt ngồi nghe diễn tiến phiên xử qua loa phóng thanh. Vừa nghị án xong, hai anh bị bộ đội nhét giẻ vào miệng, trói tay, bịt mắt và kéo lê ra sân bắn, hai anh lãnh một tràng đạn AK vào người. Tối hôm trước, xe lam đã chở hai cái hòm vào trại, một số bạn tù phải đi đào huyệt mộ trong đêm.  Xưa nay, với VC vẫn là thế, chưa xử đã có sẵn bản án rồi!?

Anh em tù cũng cho hay, một số lớn thanh niên Miền Nam trong thành phần phản kháng, phục quốc và những thành phần nghiện ngập xì ke, ma tuý, tệ đoan xã hội bị bắt đưa vào trại tù Long Giao. Họ không được đối xử như tù cải tạo tức là không được nhận quà do gia đình gởi vào qua bưu điện, không được cung cấp thuốc men lúc đau yếu nên số tử vong khá cao. Cứ vài ba ngày là có những thanh niên tử vong được bạn tù khiêng xác ra vùi lấp ở nghĩa trang gần bờ rào trại.

Mỗi ngày chúng tôi phải đi đào giếng, canh tác hoa màu, rào thêm mấy lớp kẽm gai quanh vòng đai, ban đêm phải sinh hoạt Tổ, Đội, ôn 10 bài học tập chính trị, phải tự phê bình, tự kiểm thảo để “thấy rõ tội lỗi của mình đối với đảng và nhân dân”.

Cán bộ quản giáo ngồi nghe anh em chúng tôi “liên hệ bản thân” “thành khẩn” khai báo “tội ác tày trời” do mình gây ra, luôn phê phán là chúng tôi chưa giác ngộ, còn lẩn khuất, quanh co, che dấu, khó tiến bộ. Đối với người cộng sản thì khai báo bao nhiêu họ cũng cho là chưa đủ, chưa đúng, chưa thật, chưa sâu, chưa sát? Không biết mình mắc phải tội gì, giết hại, bóc lột, “ăn gan, uống máu ai” theo như cộng sản tố khổ, nhiều anh em tù phải cố thổi phồng, tô vẽ, phóng đại tội lỗi của mình như một hình thức bị ép cung cho vừa lòng cán bộ cộng sản để sống còn qua ngày!

Một hôm, trời nắng chói chan, tôi mang quần áo vừa giặt xong tiến gần tới hàng rào kẽm gai phơi cho mau khô, đồng thời cũng dễ trông chừng, vì nếu sơ ý một chút là áo quần “như cánh vạc bay đi”. Từ chòi canh gần đó, có tiếng thét của bộ đội không cho tôi đến sát hàng rào, chưa kịp thu hồi quần áo mang đi nơi khác thì nghe một loạt tiếng đạn AK nổ tung ngay sát bên tôi, theo phản ứng tự nhiên tôi ôm đầu nằm sát xuống đất và bò ra xa hàng rào kẽm gai. Suýt chút nữa thì toi mạng, tôi đã quên là bất cứ vì lý do gì, không ai được phép đến sát hàng rào thép gai.

Chính tại Long Giao tôi đã chứng kiến một vụ vượt ngục thành công vô cùng hiếm có. Đó là trường hợp đào thoát của anh Trương Văn Út, biệt danh Út Bạch Lan, Đại uý Nhảy dù, xuất thân khóa 22 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, một sĩ quan nổi tiếng có nhiều thành tích chiến đấu xuất sắc.

Vào một đêm tối trời, một thân một mình, anh Út đã vượt hàng rào thép gai, lẩn tránh trong rừng rồi tìm đường ra thế giới bên ngoài.  Chiều hôm trước, khoảng 5 giờ, anh tươi cười ghé thăm vài người bạn cùng buồng giam với tôi, rồi đêm đó anh biến mất. Anh em cùng cầu nguyện cho anh Út được bình an, may mắn vì nếu bị cộng sản bắt lại anh Út sẽ bị xử bắn như trường hợp của hai đồng đội là Đại uý Thịnh và Bé.      

Sau này, chúng tôi được biết anh Út Bạch Lan đã may mắn đến định cư tại Texas, Hoa Kỳ.

Trong các nhà tù cộng sản hai miền Nam Bắc, anh em chúng tôi thường bị thay đổi buồng giam, thay đổi người thuộc các Tổ, Đội mà VC gọi là “biên chế” có nghĩa là xào xáo, “trộn bài” sắp xếp lại nhân sự, họ không muốn để tù nhân sống lâu ngày bên nhau, trở nên thân thiện rồi dễ bề toan tính tìm cách vượt ngục, thoát thân.

 

Đày biệt xứ:   Miền Bắc, nước tôi?

Quyết định đưa anh em tù chúng tôi từ Hóc Môn lên Long Giao, nhốt đó là để phân loại thành phần sẽ bị đưa ra miền Bắc để giam giữ lâu dài và chia cách họ với gia đình.

Qua tin tức do các báo đài cộng sản phổ biến mà tù nhân được theo dõi hàng ngày, như một hình thức học tập, thảo luận về chính trị thì quốc hội đã thành công tốt đẹp trong đại hội hiệp thương thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội  vào tháng 6 năm 1976.

Đối với nhà cầm quyền cộng sản thì một khi đất nước đã thống nhất, việc đưa các tù hàng binh ra Bắc lao động khổ sai là biện pháp hữu hiệu để giam giữ những thành phần đầu não của “nguỵ quân, nguỵ quyền Saigon” bị liệt kê vào danh sách nguy hại, ác ôn, cực kỳ phản động, cần phải khai trừ bằng mọi cách. Trại tù Long Giao là địa điểm tập trung, sàn lọc, chuyển tiếp những đối tượng bị ghi tên vào sổ đen, với tổng số tù nhân mà VC cho là nguy hiểm cho xã hội, có thể lên tới vài chục ngàn người.

Vào một buổi chiều sau giờ cơm, lệnh tập họp khẩn cấp được phổ biến, toàn thể trại viên phải mang hết hành trang ra sân để “điểm nghiệm”. Màn lục soát lại tái diễn cho dù qua bao lần vơ vét, đồ đạc của tù nhân nay chỉ còn lại mớ quần áo cũ và những vật dụng cần thiết cho cuộc sống lao lý trước mắt.

Từ suốt buổi trưa, bên ngoài trại tù, nhiều xe tăng bao quanh, đại bác hạ nòng, họng súng chỉa thẳng vào buồng giam chúng tôi, các bộ đội súng AK cầm tay, trong tư thế xung phong đang nhìn chúng tôi chăm chăm.

Sau màn lục soát hành lý, cán bộ quản giáo đọc tên những tù nhân sắp chuyển trại đi nơi khác. Ai không được gọi tên thì mang hành lý trở vào láng trại.

Tôi có tên trong số những người phải lên đường, anh em chúng tôi gồng gánh đồ đạc, xếp hàng chờ lên xe Molotova, lần này các xe tải đều phủ kính bằng mui vải. Sau khi người cuối cùng lên xe, bộ đội khoá chặt tấm bửng sắt và dùng giây thừng buộc xung quanh tấm mui vải. Tiếng còi phát xuất vang vọng, đoàn xe bắt đầu lăn bánh, rời vùng đất đỏ Long Khánh, trong đêm tối.

Số người bị nhồi nhét lên xe Molotova quá đông, ngồi chồng chất lên nhau, chen chúc với những bao hành lý ngổn ngang, một số anh em bị đè đến ngộp thở, rất may là có vài bạn tù còn cất dấu kỹ vài lưỡi lam cạo râu, dùng rọc đường dài trên mui vải, làn gió mát hiu hiu bên ngoài lọt vào xe giúp không khí bớt ngột ngạt và dễ thở hơn.

Chừng một giờ đồng hồ sau, đoàn xe Molotova dừng lại, bộ đội vén mui vải lên, hạ bửng xe, chúng tôi được lệnh bước xuống xe và tập họp trên một bãi đất trống bao la, đèn chiếu sáng rực tứ phía. Nhận ra đây là khu vực Tân Cảng, nằm cạnh xa lộ Saigon, Thủ Đức, Biên Hoà là nơi các tàu buôn cặp bến để bốc dỡ hàng hoá xuất nhập cảng tiếp tế cho vùng thủ đô Saigon.

Toán tù nhân đầu tiên xếp hàng chuẩn bị lên tàu Sông Hương, mọi người phải leo bằng thang giây cao ngất, bề ngang rất hẹp, bước đi gập ghềnh, đong đưa, trơn trợt, lúc lắc, nhiều người bị trợt chân, guốc, dép rơi xuống giòng nước. Bên dưới cầu thang giây có giăng lưới như trong các gánh xiệc đề phòng khi nghệ sĩ biểu diễn rủi ro rơi xuống. Chưa bao giờ tôi thấy run như thế, nhưng cũng lấy hết can đảm, tự  nhủ nếu anh em “làm được, mình phải làm cho được”, tại sao người ta không dựng chiếc cầu bằng sắt di động, gắn trên bánh xe, như loại thường dùng để bước lên, bước xuống các chiến hạm hay tàu buôn lúc cặp bến cảng? Sau này nghe kể lại thì đã có trường hợp tù nhân bị trợt chân rơi xuống sông và bị nước chảy siết cuốn trôi mất tích.

Khó khăn lắm chúng tôi mới bám được vào thành của thang giây, lần mò từng nấc, tiến lên, vừa đặt chân đến boong tàu, mấy tên bộ đội tay cầm roi quất vào đầu, vào lưng chúng tôi và hét lớn, thúc dục chúng tôi bước nhanh hơn để họ đếm từng người một. Nhóm chúng tôi bước vào một hầm sắt khá rộng, căng thẳng và mệt mỏi, chưa biết họ đưa mình đi đâu mà phải cần dùng đến tàu thuỷ có trọng tải vài chục ngàn tấn như tàu Sông Hương này, trong khi hai trại giam ở Côn Sơn và Phú Quốc đã đóng cửa,  chúng tôi nằm dài trên sàn tầu rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Đang lúc mơ màng, tiếng động ồn ào khua chúng tôi dậy, nhiều bạn tù  bước vào cùng khoang tàu, các anh em khác đến từ những trại tù ở  Tam Hiệp, Suối Máu, Kà Tum, Phước Long, Xuân Lộc…Gần sáng, thêm nhiều tù nhân nữa bước vào đây, chỗ ngồi của mỗi người cứ bị thu hẹp dần, sau cùng ai nấy đều phải chen chúc, co quắp, nép sát vào nhau, chạm lưng, đụng vai, bó gối, mồ hôi nhỏ giọt, mặc dù chúng tôi chỉ mặc quần đùi, cởi trần ngay lúc mới bước vào hầm sắt.

Khoang tàu nhốt anh em chúng tôi ở ngay phía trước boong tàu Sông Hương là kho chất chứa hàng hoá, súc vật, tứ bề toàn bằng sắt, bịt bùng, không có lỗ thông hơi, ánh sáng mù mờ khi cửa hầm đóng chặt, dĩ nhiên là nóng bức đến nghẹt thở. Mỗi khi cần đi tiểu tiện hay đại tiện, phải chứa trong bao nylon được bộ đội phân phát, rồi lần bước đến bỏ vào mấy thùng phuya loại 200 lít dựng ở cửa ra vào khoang thuyền. Khi những phuya này đầy thì các anh em ngồi gần đó phải mang lên boong tàu, trút thùng phân và nước tiểu xuống biển.

Các anh bạn tù là cựu sĩ quan Hải Quân hay tình nguyện đi đổ thùng để xem phương hướng,  biết tàu đang di chuyển như thế nào. Kết quả do các anh Hải Quân báo lại cho anh em biết thì tàu Sông Hương đang chạy ra miền Bắc.

Lúc mới bước xuống tàu Sông Hương, mỗi người chúng tôi được nhận một túi lương khô giống như loại bánh đậu xanh cứng có vị ngọt, chưa bao giờ chúng tôi nếm thử món ăn đó nhưng dễ nuốt vì lạ miệng. Không ai ngờ rằng, ăn lương khô mà không uống nhiều nước thì sẽ bị táo bón và nín tiểu, quả thật là “cách mạng” có “trăm, ngàn con mắt”, biết tính toán trước mọi sự việc một cách nham hiểm!

Đếm số thứ tự thì biết khoang tàu chứa chúng tôi có tất cả 351 người, cần biết chính xác như thế để bộ đội phân phát khẩu phần ăn hàng ngày. Mỗi buổi sáng, nóc cửa hầm sắt mở ra, bộ đội thòng ống cao su xuống cho anh em chúng tôi hứng nước trong lon để giữ lại uống trọn ngày. Kế đó, họ ném từng bọc lương khô cho đúng số 351 tù nhân trong khoang, bộ đội vừa ném lương khô vừa bắt loa hô chúng tôi phải giữ trật tự, mỗi người chỉ được một phần ăn, không được giành giựt, nói xong họ cười ngạo mạn, còn chúng tôi thì cảm thấy mình không khác nào những con khỉ nhốt trong chuồng ở sở thú, chờ người qua lại ném, bố thí cho chút ít thức ăn.  Phát thức ăn xong, bộ đội đóng nắp hầm sắt lại, màn đêm u tối bao phủ, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, nhiều người say sóng, nôn mửa, bài tiết  tại chỗ, cái nóng hực lửa làm chúng tôi như đang lên cơn sốt.

Đến ngày thứ 5 từ khi tàu Sông Hương nhổ neo ra khơi, nắp hầm mới được mở, bộ đội cộng sản bắc loa báo là tàu sắp đến Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, nơi đây là địa điểm thuận lợi nhất để chúng tôi được “đảng và nhân dân giúp đỡ tận tình trong việc lao động cải tạo”  cho sớm có kết quả tốt.

Ngày 7 tháng 5 năm 1976, tàu Sông Hương cặp vào Bến Bính, Hải Phòng. Tàu lớn nên phải đậu xa bờ, chúng tôi cũng  xuống bằng thang giây, bước lên những con tàu nhỏ chỉ chở được vài chục người mỗi bận. Khi còn cách xa bờ vài chụt mét, mọi người phải xuống lội nước bì bõm, vì tàu nhỏ không thể tiến xa hơn, theo như giải thích của lái tàu. Nước dâng cao tới ngang ngực, bao nhiêu hành lý mang vác theo bị thấm nước  trở nên rất nặng nề.

Đến đất liền thì chúng tôi đã thấy đàn chó săn chờ chực sẵn, sủa vang, phóng tới như muốn táp vào mặt mình, nếu không có mấy tên bộ đội giữ chúng níu kéo lại. Chúng tôi phải xếp hàng, điểm danh, được chích ngừa (không biết là thuốc gì) sau đó lãnh một bọc nhỏ có 3 củ khoai lang luộc, rồi mọi người được dẫn vào một nhà kho chứa hàng rất rộng để ngủ đêm trên nền đất.  Buốt lạnh.

Đêm hôm ấy, vì không đủ nhà vệ sinh, mấy trăm anh em chúng tôi phải phóng ra bên ngoài nhà kho giải quyết gấp nhu cầu “bị chất chứa” suốt mấy ngày đêm khi phải ngồi chen chúc trên tàu Sông Hương từ Nam hướng ra Bắc.

Khi nói về ngục tù cộng sản, trên mạng lưới Internet toàn cầu, nhiều bạn tù bị đưa ra Bắc như chúng tôi vào thời điểm của tháng 7 năm 1976, sau khi hai miền Nam-Bắc thống nhất, cũng cùng suy nghĩ rằng chuyến hải hành trên tàu Sông Hương là “địa ngục chốn trần gian”.

Sáng sớm hôm sau, cán bộ cho biết, chúng tôi được nghỉ ngơi một ngày, được tắm giặt, chờ phương tiện di chuyển đến các trại khác. Lâu ngày không tắm gội, nghe nói được đi tắm thì quá mừng rỡ, tôi theo các anh em tù phóng xuống cái ao ngay trước nhà kho. Theo bộ đội cộng sản thì đây là vết tích của hố bom B 52, khi không quân Mỹ mang bom ném vào khu vực bến cảng Hải Phòng trong thời chiến tranh.

Vừa trầm mình xuống ao, chân phải của tôi bỗng đau nhói vì chạm vào một vật nhọn từ đáy nước nhô lên, tôi vội phóng nhanh lên bờ, chạy lấy khăn mouchoir băng vết thương trên đầu gối chừng 3 cm, mấy bạn gần đó nhín cho chút thuốc lào, đắp cầm máu.  Cái may của tôi là tôi có một thói quen từ bé, lúc nào trong túi cũng phải có 1 cái khăn mouchoir nên dù trong tù, tôi cũng xé một vuông vải và luôn để trong túi làm khăn dùng để băng bó, cầm máu vết thương.

Một trong những bạn tù đến hỏi thăm tôi là Trung tá Chu Trọng Đễ, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Phó Không Quân, bậc đàn anh cùng làm việc với tôi trước tháng 4, 1975,  khi phục vụ tại Tư Lệnh Bộ Không Quân ở Tân Sơn Nhất. Giờ chót, ông bị kẹt lại Saigon, đi tù, vợ và bốn con đã được di tản qua Mỹ trước.

Nhìn quanh mình,  tôi nhận được nhiều bạn tù từ cấp Đại uý đến Trung tá nằm xếp lớp trên nền xi măng trong nhà kho ở bến cảng Hải Phòng, không biết phải chờ đến bao giờ rồi sẽ đi đến đâu và những đoạn đường nào trên đất Bắc đang chờ đợi bước chân tù chúng tôi.  Đây, một phần quê hương Viêt Nam của tôi, nơi quê ngoại, Ông tôi người Bắc Ninh, Bà tôi từ Hải Dương mà sao tôi thấy sông nước này thậtahHhhhHHHHHHHHH xa lạ, chẳng một chút tình. Lại một ngày nữa, tự bảo mình “ai sao mình vậy” phải cố gắng  sống để còn thấy lại mặt người thân.

Xin thành kính tưởng niệm vong linh các bậc tiền bối, chiến hữu đồng cảnh đã vĩnh viễn nằm lại trong chốn ngục tù cộng sản, cầu nguyện cho oan hồn của quý anh, quý chị được siêu thoát Cõi Vĩnh Hằng. 

Viết nhân tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng tư năm thứ 45 (1975-2020) và để nhớ lại những ngày, tháng tù đày qua các trại lao động khổ sai: Hóc Môn, Long Giao, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái Khu A & C, Nghệ Tĩnh K1 & K3.    

 

                                                Đào Hiếu Thảo/ KBC 3011     

Cách đây đúng 45 năm, 24 tháng sáu 1975, ngày bắt đầu cuộc sống tù đày trong hỏa ngục cộng sản kéo dài suốt 6 năm

June 24, 2020