Ngô Tằng Giao Giới thiệu tập sách của Lê Mộng Hoàng: “Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình”

Giới thiệu tập sách của Lê Mộng Hoàng:

 “Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình

_________________
     Tập sách “Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình” của Lê Mộng Hoàng do Sông Thu xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1996. Sách dày khoảng 350 trang.
     Lê Mộng Hoàng tên thật là Tống Nữ Mộng Hoa. Tập sách là một tập hợp các bài viết mà bà đã cho đăng tải trên báo chí trong khoảng 7 năm từ 1989 tới 1995 dưới đề tài “Câu Chuyện Bạn Gái”, bởi vậy cuốn sách hầu như chỉ nhắm vào độc giả phái nữ.
     Tập sách được chia làm hai phần rõ rệt: phần thứ nhất đề cập đến “Tuổi Thanh Xuân” và phần thứ nhì là “Cuộc Sống Chung Đôi”.
     Mở đầu trong phần “Tuổi Thanh Xuân” tác giả đề cập đến cách bạn gái làm thế nào để từ lời ăn, tiếng nói, dáng điệu và cử chÌ v.v… có thể thu hút được sự chú ý của phái nam. Đừng nghĩ rằng “độn ngực cho lớn và mặc chiếc váy ngắn hấp dẫn là được ngay” (tr.9) mà phải làm cách nào để “khiến chàng muốn nói chuyện với cô, chứ không phải chÌ là ngắm cô mà thôi” (tr.9). “Khi đàn ông nhìn nàng, họ chiêm ngưỡng vẻ đẹp cả hình thức lẫn nội tâm” (tr.22).
     Tiếp đó tác giả liệt kê một số điều và khuyên những người thiếu nữ khôn ngoan nên có những quyết định đúng đắn trong lời nói. “Có những điều mà chị chẳng nên bao giờ nói với người khác” (tr.27) nhất là trong những lúc nóng giận.
     Kế đó tác giả phân tích sự khác biệt giữa người con gái lãng mạn và người đàn bà thực tế rồi mời người đọc “hãy làm thử cuộc trắc nghiệm để biết mình thuộc mẫu người nào?” (tr.34) vì những cá tính này có ảnh hưởng lớn cho cuộc sống.
     Rồi vấn đề “làm thế nào để chàng cảm thấy thoải mái” cũng được đặt ra. Tác giả khuyên bạn gái đừng tò mò về tình trạng tài chính của chàng, đừng nhắc đến các người tình cũ của mình v.v… và nên điều chÌnh sự vồn vã của mình vì “săn đón quá cỡ là một trong nhiều cách khiến đàn ông chạy trốn” (tr.48).
     Khi chàng yêu cô quá nhiều thì nên mừng hay nên lo? Kinh nghiệm cho biết “việc chiều chuộng nâng niu quá độ lúc ban đầu thường dẫn đến thất bại, gãy đổ về sau” (tr.64). Muốn cho mối liên hệ tình cảm được lâu dài thì “…chÌ có sự chăm sóc trìu mến chân thành lẫn nhau giữa hai người mới có thể tồn tại…”(tr.64).
     Với câu hỏi “Tiếng Sét Ái Tình có thật chăng?” tác giả đưa ngay ra câu trả lời qủa quyết là “có thật trên đời” (tr.65) và cuộc kết hợp tình cảm do tiếng sét ái tình dẫn dắt “thường hòa hợp lâu dài” (tr.65). Tác giả dẫn chứng cái kinh nghiệm của chính bản thân mình với cái tiếng sét ái tình xảy ra cách đây gần hai chục năm trong một trại ty nạn ở Arkansas. “Tình yêu thuở ban đầu chỉ là phím đàn khởi sự cho bản trường ca phu thê kéo dài suốt cả đoạn đường dài chung đôi” (tr.74). Lời một bác sỹ về tâm thần được viện dẫn: “Tiếng sét ái tình cũng giống như cảnh vật thiên nhiên nhủ thầm với bạn: đây là con đường cái đưa bạn tìm về nhà, bạn đang đi đúng đường rồi” (tr.74).
     Về vấn đề màu sắc tác giả khuyên bạn gái nên tìm hiểu thứ ngôn ngữ hiệu nghiệm của màu sắc và “dùng màu sắc để đạt những điều mong ước của mình”. “Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực và sự đam mê (…) màu đỏ cũng đi đôi với sự kích thích dục tình” (tr.78). Màu xanh biểu lộ uy quyền, sự tin cậy (tr.79). “Bí mật của sự thành công có thể đang nằm trong tủ áo của bạn đấy!” (tr.83).
     Cuối phần “Tuổi Thanh Xuân” là mục “Làm Sao Kiếm Được Người Trong Mộng” với một bản danh sách liệt kê mười điểm để bạn gái dựa vào đó mà dò đoán ý trung nhân của mình hầu có thể “tìm một bạn lòng hoàn hảo cho cuộc đời”. Tuy thế tác giả cũng sợ các cô bị mù quáng, bồng bột vì tình mà lầm lẫn nên khuyên các cô nên giới thiệu bạn trai của mình với cha mẹ, bà con, bạn bè là những người đáng tin cậy để xem họ xét đoán chàng ra sao (tr.86). Dù sao mọi việc cũng chỉ là tương đối vì “chẳng có quy luật nào đích xác để tìm hiểu người tình cả (…) cuộc đời này sẽ buồn nản biết bao nhiêu nếu mọi cô thiếu nữ đều tuân theo một số quy luật giống nhau khi lựa chọn người yêu (…) con cóc của cô này có thể trở thành hoàng tử của cô kia” (tr.91).
*
     Phần thứ nhì đề cập đến “Cuộc Sống Chung Đôi”. Văn sĩ người Anh là A.P Herbert đã từng quan niệm rằng “nếu có hai người sống chung với nhau 25 năm mà không cãi cọ hoặc gây gổ trầm trọng thì thật ra sự chung đụng ấy thiếu linh hồn, chÌ có loài cừu mới sống như vậy thôi”. Chính vì thế nên trong cuộc sống lứa đôi sự bất hòa nếu có giữa vợ chồng là điều không thể tránh được. Tập sách đề nghị ra những biện pháp cụ thể để giải quyết mối bất hòa nếu có thí dụ như tìm hiểu vấn đề, tạo sự thông cảm, phối hợp tình cảm và lý trí v.v…Đó là cái chìa khóa mở cửa hạnh phúc gia đình. “Bất đồng ý kiến với người đối ngẫu không có nghĩa là đưa đến ly dị” (tr.93).
     Trong “nghệ thuật sống chung” giữa vợ chồng thì “tình yêu chân thật có thể san bằng mọi trở ngại, lấp đầy mọi ngăn cách và dung hòa bất cứ khác biệt nào” (tr.107).
     Sách lần lượt đề cập đến “15 bí quyết để giữ tình yêu sống động và bền lâu”, “8 lối dẫn đến tổ ấm yêu thương dài lâu”, “34 cách giúp làm khuây khỏa sau những cơn gió lốc cay nghiệt trong đời”, những đề nghị về các sinh hoạt nên có trong các dịp đặc biệt như mùa Giáng Sinh, Valentine, hè v.v… và vấn đề qùa tặng giữa vợ chồng.
     Một số “nghệ thuật” cũng được đề cập tới như cách làm dịu cơn nóng giận, cách phê bình làm sao cho có hiệu qủa và nếu chẳng may phải cãi vã to tiếng thì nên theo “nghệ thuật cãi nhau” như thế nào v.v…
     Về vấn đề “tình dục” sách nhấn mạnh rằng “làm vợ làm chồng là một công tác vĩ đại, một big job mà chúng ta chưa được huấn luyện bởi một trường chuyên môn nào cả!” (tr.154). Trong khi đó theo phong tục và văn hóa Đông phương thì chúng ta ai cũng rất dè dặt khi nói tới chuyện chăn gối phòng the. Cuộc sống ở nước ngoài đã mang lại những cái nhìn mới về vấn đề tình dục do đó vợ chồng nên thoải mái nói thẳng với nhau về chuyện “làm tình” này, đưa ra những yêu cầu, san sẻ với nhau những ước mơ tình dục để “làm sống động cuộc sống lứa đôi ân ái” (tr.156), để có “quan hệ tình dục tương đắc” (tr.162).
     Về vấn đề “ngoại tình” sách tiết lộ rằng theo thống kê thì đa số đều cho rằng “lòng chung thủy là yếu tố chính cho hôn nhân hạnh phúc” nhưng riêng trong năm 1990 tại Mỹ đã có đến gần một triệu bẩy trăm ngàn vụ ngoại tình. Sách viện dẫn lời của bác sỹ Marilyn Ruman: “Việc ngoại tình là lỗi lầm thông thường nhất khiến cho vợ chồng oán ghét nhau” (tr.208). Bác sỹ chuyên gia này khuyên: “Hãy quên đi và tha thứ (…) Hãy để cho ký ức phủ rong rêu bằng cách đừng khơi lại chuyện cũ (…) Hãy để cho thời gian phủ lớp bụi mờ lên trí nhớ” (tr.218).
 
*
     Tập sách “Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình” của Lê Mộng Hoàng đã được tác giả tổng hợp những chiêm nghiệm của chính bản thân mình cùng với các công trình nghiên cứu của rất nhiều chuyên viên có thẩm quyền khác như các tiến sỹ, bác sỹ, giáo sư đại học, nhà báo, nhà nghiên cứu về tâm lý học, về tâm thần, về trị liệu tình dục, về nhân chủng, về xã hội học v.v… tại Hoa Kỳ.
     Nhiều ý kiến có vẻ mới mẻ và táo bạo theo cái nhìn của người Đông phương thí dụ như những đề nghị về vấn đề tình dục giữa vợ chồng, nhưng cũng có những “khám phá” thật ra đã được dân Việt ta từ xa xưa nói tới. Văn chương bình dân Việt Nam đã từng đánh giá thấp cái vẻ “sexy” bề ngoài của thân hình và đề cao cái đẹp của tâm hồn bên trong: “Cái nết đánh chết cái đẹp”; khuyên vợ chồng lựa lời phê bình, chÌ trích nhau khi nóng giận: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “Chồng giận thì vợ làm lành. Cơm sôi nhỏ lửa chẳng thành cơm khê”; khuyên vợ chồng hãy có lòng tha thứ cho nhau: “Thương nhau chín bỏ làm mười” hoặc: “Hết tình còn nghĩa”.
     Nhiều mối tương quan giữa vợ chồng (thí dụ như quà cáp tặng nhau trong những dịp đặc biệt như ngày Valentine v.v…) thì chính kinh Phật cũng đã nói đến từ lâu. Trong Kinh Sigàla và Thiện Sinh Đức Phật đã dạy thanh niên Sigàla đảnh lễ 6 phương. Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là thày giáo, phương Tây là tương hệ vợ chồng. Ngài dạy “tương hệ vợ chồng là thiêng liêng đáng được tôn kính đảnh lễ”, “áo mặc và đồ trang sức là món quà rất phù hợp với mong chờ của phái nữ… làm phát khởi niềm hoan hỷ nơi ngườI nhận…”
     Hiến pháp của đa số các quốc gia đều khẳng định rằng gia đình là nền tảng của xã hội. Tại Hoa Kỳ theo những con số thống kê mới nhất thì cứ hai cuộc hôn nhân lại có một cuộc đổ vỡ trong tương lai sau đó. Riêng với người Việt Nam chúng ta sinh sống tỵ nạn tại nước ngoài nhiều khi thiếu chuẩn bị cho cuộc hội nhập khi rơi vào một môi trường đa văn hóa. Chúng ta cần phân tích “mùi hương”, nhất là “hương tình”. Đừng để cho con tim “chuồi theo giòng cảm súc” mà trở thành như “thuyền ngư phủ lạc trong sương” theo lời mấy nhà thơ vì e rằng sẽ rơi xuống vực thẳm của đổ vỡ gia đình. Chúng ta cần nắm lấy cái bí quyết tìm chân hạnh phúc, nắm lấy cái “Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình” mà tác giả Lê Mộng Hoàng đã có nhã ý trao cho chúng ta.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
    (Tóm lược bài nói chuyện trong buổi ra mắt sách ngày 16 tháng 3 năm 1997
tại trường Đại Học Luật Khoa George Mason, Arlington, Virginia, Hoa Kỳ.)
___________________________
April 16, 2020