Ngày Tháng Không Tên- Đăng Nguyên

NGÀY THÁNG KHÔNG TÊN
Tôi trở về ở đó như một người câm.Một người điếc. Một người mù.Những tháng năm dài trong trại cải tạo làm cho tôi xa cách với cuộc đời bên ngoài.Ra đường đi là cúi mặt, sợ gặp lại người quen.Một buổi sáng trên đường ra ngả ba Vủng Tàu, bỗng nghe có người gọi:
  • Anh Hai !
           Giọng đàn bà trẻ. Rất nhẹ.Hơi quen.Nhưng tôi chưa muốn quay lại.Cúi đầu tiếp tục đi.Bởi vì từ ngày được VC thả về, bị quản chế thời gian dài ở xã An Hòa này, tôi ngại lắm.Đi được mấy bước nữa thì người đàn bà trong quán cà phê chạy ra, vượt qua mặt tôi, giọng nhỏ nhẹ qua hơi thở:
-Anh Hai đây mà ! Bộ anh quên em há ?
Tôi dừng lại,nhận ra Thu Hà.
-À ! em Hà , em ở đâu đây ?
-Quán cà phê của em đó. Em về đây lâu rồi.Từ ngày mất nước.Lâu lâu gặp lại anh em cũ của mình, mừng quá.Mời anh vào uống nước.Tôi ngại ngùng đi theo Hà vào quán.Nhìn trước, nhìn sau như sợ có ai theo dõi mình.Ngồi vào chiếc bàn kê trong cùng của quán, nhìn ra trước mặt là khu chợ mới mở, kẻ mua người bán tấp nập.Được một cái quán như vậy mà làm ăn trong thời buổi khó khăn này kể cũng khá.Hà bưng ra cho tôi ly cà phê đen nóng, ngồi xuống chiếc ghế đối diện với tôi và nói :
– Lâu quá mới pha cho anh một ly cà phê đen đặc nhé ! nghe anh đã được thả về mà em chưa kịp lên thăm. À, anh còn hút thuốc không ?
-Thôi , cám ơn Hà ! anh bỏ được thuốc lá lâu rồi. Thời buổi này bỏ đuợc cái nào hay cái nấy. Mà cũng nhờ trại cải tạo đó.
Tôi nhìn quanh thấy quán vắng khách, mới hỏi nhỏ:
-Còn anh Vân đang ở trại nào ?
Ngước nhìn tôi với đôi mắt u buồn, một lúc lâu Hà mới nói:
  • Vậy anh chưa biết gì à !…Anh ấy bị chúng nó giết từ lúc tụi nó mới vào.Lời Hà uất nghẹn.
-Anh thật vô tình.Mà mới về không dám đi đâu nên chẳng biết chuyện gì hết. Anh thành thật chia buồn cùng Hà và các cháu.Cho anh đốt nén nhang trên bàn thờ anh Vân.
Hai giọt lệ lăn trên gò má. Hà dẫn tôi lên căn gác nhỏ.Bàn thờ Vân kê ở giữa phòng, sát vách tường.Nhìn lên tấm ảnh Vân còn rất trẻ. Tôi đốt nhang, vái người bạn cùng khóa. Lòng buồn đau vô hạng. Từ đó tôi là khách quen thường trực của Cà Phê Hà.Tôi thì gì bỏ cũng được mà cà phê thì bỏ không xong. Sống đời cô đơn, cứ buồn là đi ngồi quán cà phê.
          Tôi với Thu Hà quen nhau từ nhỏ, cùng quê ở xã An Hòa. Hà là em gái của Phước, bạn học cùng lớp với tôi. Hà nhỏ hơn tôi hai tuổi, học sau tôi hai lớp. Cùng trường Ngô Quyền, Biên Hòa.Thời ấy nàng là hoa khôi xứ Bưởi. Nơi những bà mẹ  thường hát ru con :
          À ơi…        Sông Biên Hòa chảy ra bãi cát
          Bưởi Biên Hòa vị ngọt mùi thanh
          Mười  năm khói lửa chiến tranh
          Cô em bán bưởi bỏ mình vì ai…
Cuộc sống êm đềm thơ mộng nơi thành phố nhỏ hiền hòa, có dòng sông rợp bóng dừa xanh qua đi thật mau.Tôi thầm yêu Hà nhưng chưa kịp tỏ tình. Hà cũng biết vậy nhưng không nói. Cứ làm như mình là em gái ngây thơ.Đệnh mệnh trái ngang kể từ tôi học xong Tú Tài, chưa kịp vào đại học thì bị  động viên đi trường sĩ quan Thủ Đức. Từ đó xa nhau.
          Sau chín tháng tại quân trường, tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy, tôi được chuyển về đơn vị xa, ít khi về quê nhà.Bẵng đi một  thời gian lâu,khi tôi được nghỉ phép thường niên về thăm quê  thì nghe tin Thu Hà đã có chồng. Nàng kết hôn với Vân, cũng là bạn cùng khóa Thủ Đức với tôi.Vân ra trường được chọn đi ngành Quân Báo.Sau khi tốt nghiệp trường Cây Mai thì về đơn vị 101, ngụy tích thành dân thường hoạt động tại vùng Long Thành.Vì nghiệp vụ, Vân đã mở một quán nhậu thịt rừng cạnh Quốc Lộ 15 để  liên lạc với các mật báo viên lấy tin tức tình báo.Mỗi lần Sư Đoàn 18 Bộ Binh có dịp hành quân qua đó, tôi đều ghé quán nhậu Vân Hà để thăm bạn, nên tình bạn của chúng tôi rất thắm thiết.Dù đã có chồng cùng cấp bậc với tôi, Thu Hà vẫn luôn gọi tôi là “ Anh Hai” như hồi còn đi học.
          Cho tới 30 Tháng Tư năm 1975, cột mốc thời gian lạnh lùng của lịch sử xương máu dân tộc.Bóng đêm hải hùng phủ xuống người dân Miền Nam. Bọn “Cách Mạng 30” điềm chỉ, lùng sục. Đâu đó trong đêm, những tiếng súng lẽ loi,những mạng người gục ngã.Không tội trạng. Không nhân chứng.Xác bị chôn vùi đâu đó.Ngoài những người bị bắt đi cải tạo, còn có những người không bao giờ trở về với vợ con nữa.Trong bối cảnh kinh hoàng ấy,chủ quán nhậu thịt rừng Vân Hà đã bị phát hiện là Thiếu Tá ngụy và bị bắt đi giữa đêm khuya.Vân trở thành miếng mồi ngon cho Năm Tấn, Bí Thư Huyện Ủy Long Thành, chúa tể vùng Quốc Lộ 15.Không phải vì là sĩ quan chế độ cũ, mà vì gia tài của ông chủ quán Vân Hà.Năm Tấn cùng với đàn em đã dấu nhẹm,không chuyển Vân lên cấp trên. Chúng đã nhốt Vân vào hầm kín và bỏ đói cho đến chết.Một đêm tăm tối lạnh lùng,xác Vân bị ném xuống nơi vực sâu của dòng sông An Hòa, một nhánh của sông Đồng Nai, lúc nước thủy triều đang dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết.Hà bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng.Bị đầy đi kinh tế mới.
          Chờ mãi không thấy tin chồng, Hà đi dò hỏi khắp các trại tù cải tạo, không nơi nào có tên Vân.Thân cô thế cô.Trước quyền lực của bọn độc tài thống trị. Hà chỉ biết ngậm ngùi thương nhớ chồng trong nỗi buồn vô vọng.
           Nhưng đời thật không ai ngờ.Mấy năm sau, bọn Cộng Sản miền Bắc thanh toán loại bỏ dần bọn kháng chiến miền Nam để giành phần ăn.Tại Biên Hòa, vụ án Mười Vân, tên giám đốc Công An tỉnh Đồng Nai, khét tiếng độc ác, sắt máu, bị tội tử hình. Đó cũng chỉ là một cái cớ để bọn miền Bắc loại bỏ Khu Ủy Đông Nam Bộ cũ.Từ Năm Chử đến bọn đàn em, Huyện Ủy, Xã Ủy mỗi tên một tội. Bị vào tù hoặc bị cách chức về quê làm ruộng. Riêng Năm Tấn, Bí Thư huyện Long Thành bị  đàn em tố cáo vụ tự ý giết Thiếu Tá Vân để cướp tài sản làm của riêng, thêm nhiều tội danh khác nữa nên bị lột Đảng Tịch và đi tù.
          Ngày tháng dần trôi, tên giặc rừng giả danh cách mạng hết hạng tù trở về sống cô độc ở làng quê. Mọi người xa lánh, khinh bỉ.Chán đời, ngày ngày hắn rượu chè be bét.Đây là xứ rượu nổi danh “ rượu Bến Gỗ ai đổ nấy uống”.Mỗi lần say sưa,hắn chửi bới bọn đàn anh, chửi bới bọn Cộng Sản Bắc Kỳ bằng đủ thứ ngôn ngữ tục tằn.Một hôm trong cơn say, hắn như người mất trí, nhảy xuống vực thẳm của dòng sông. Nơi khúc quành mà chính bàn tay độc ác của hắn đã từng dìm bao nhiêu xác người dân vô tội bị hắn chụp lên đầu cái mũ Việt Gian, Phản Động….nơi hắn đã sai đàn em ném xác Vân xuống đó.Hắn chới với giữa dòng nước thủy triều đang lên. Người dân đứng hai bên bờ sông vổ tay, reo hò, nhưng để mặc hắn, không ai thèm cứu.Cuối cùng hắn chết đuối. Lâu dần, người dân không ai còn nhắc đến tên hắn nữa.Dòng sông An Hòa rợp bóng dừa xanh vẫn còn đó.Khúc quành của dòng sông vẫn còn đó.chứng tích lịch sử của tội ác vẫn còn đó.Nước sông vẫn ngày ngày chảy xuôi dòng.
          Không biết ngày giờ này, em gái Thu Hà của tôi lưu lạc nơi tiểu bang nào của xứ Bắc Mỹ lạnh lùng. Có còn nhớ “ Anh Hai” của em không !
                                                          Texas, Bốn Mươi Năm Quốc Hận.
April 27, 2020