Lưu Vong- Ngọc Cường

Lưu Vong
* Ngọc Cường
Lan tính chu đáo, làm việc gì cũng cẩn thận. Như trong bữa cơm đêm nay, nàng luôn để mắt theo dõi thức ăn trên bàn, lo tiếp thêm cho khách…Nhưng khi thấy mọi người dùng một cách ngon lành, nàng  hài lòng như trút được mối lo..nhưng rồi cũng ngạc nhiên tự hỏi: Mình chỉ nấu có vài món giản dị, không ngờ ai nấy cũng tận tình thưởng thức, xem ra họ khoái khẩu hơn cả những lần đãi các món cơm Tây cầu kỳ trước đây…
Bất giác, Lan mỉm cười nghĩ bụng, trước kia mấy món này được coi là đạm bạc nhưng ở Pháp, rau cỏ Á Đông còn đắt hơn thịt cá, hai món rau muống và cá kho bữa nay lại trở thành quý giá!
Bốn người, cả khách lẫn chủ đều ăn rất nhanh: Họ đói, hay là bữa cơm hôm nay quả đúng là đạm bạc quá chăng? Thoáng một cái tiệc đã sắp sửa tàn, khác hẳn với những bữa Lan thường tổ chức đãi mấy đồng nghiệp bác sĩ Tây của chồng: Mỗi lần như vậy kéo dài đến khuya; vì riêng thời gian ăn các món chính cũng kéo dài hơn cả giờ đồng hồ,chưa kể trước khi ngồi vào bàn,Tây với Đầm còn lai rai khai vị, trên tay họ luôn có ly rượu. Họ nói chuyện ồn ào ở sa-lông, nhất là mấy mụ đầm cười hô hố, lớn tiếng hơn cả mấy ông chồng. Và còn tráng miệng; bánh ngọt và trái cây. Xong lại một chầu rượu nữa.  Cuối cùng bên tách cà-phê, họ tán gẫu cả đêm, như thể không bao giờ dứt được câu chuyện…
Liếc nhìn một lần nữa, Lan thấy thức ăn đã vơi, và có vẻ như không còn ai muốn gắp thêm; và câu chuyện quanh bàn ăn cũng bắt đầu thưa thớt, khác hẳn lúc ban đầu sôi nổi, hào hứng như mở hội.  Đoán chừng mọi người đã no đủ, nàng vẫn hỏi khéo khách: “Anh chị Dũng dùng thêm gì nữa không.. Hay thêm tí canh dấm cà chua rau muống, dùng cho mát ruột?”
Cả hai nhìn nhau rồi cùng lắc đầu. Như để đáp thay cho chồng, Oanh khen: “Món nào cũng ngon quá chị Lan ạ… nhưng đủ  rồi…Phải nói là lâu lắm vợ chồng em mới được ăn bữa cơm truyền thống như thế này…Em bận đi làm,  đâu có thường lên Paris mua đồ Việt-Nam được. Anh Dũng nhà em chỉ mong được thưởng thức các món như chị cho ăn hôm nay: Cá kho mặn, rau muống luộc, rồi cả đậu hũ chiên…Chắc chắn là khiến anh nhớ đến những ngày đi lính trước 75 ở bên nhà. ”
Dũng xen vào:“Bữa cơm đêm nay làm tôi nhớ đến lúc đóng quân ở vùng Phù Mỹ, Bình Định.Người  địa phương họ kho cá nục cũng ngon như vầy.Chỉ khác là họ cho ăn rau lang thay vì rau muống như hôm nay. Chị chỉ cho Oanh nấu nghe chị?”
“Món gì chứ cá nục kho thì dễ ợt. Đâu phải như là bouillabaisse của Tây hay bào ngư của Tàu… Được rồi, sẵn sàng truyền nghề cho cô Oanh ngay!”
Lan trả lời với nụ cười như đắc ý trên môi. Nghe vậy, bác sĩ Thọ ngồi đầu bàn bên kia, nói thêm vào: “…Nghe anh Dũng đề nghị ăn bữa cơm nhà quê, tôi mới bảo Lan phải làm một chuyến đi chợ Tăng Frères mua cho được rau muống và cá nục về kho mời anh chị dùng đấy.”
Chứng tỏ thỏa mãn về bữa cơm ngon, chàng vừa xoa bụng vừa đề nghị:“Mời anh chị Dũng qua phòng khách ngồi uống digestif (*)cho tiêu cơm. Tôi có chai cognac bệnh nhân biếu đã lâu chưa khui”
Mọi người cùng kéo ghế đứng dậy và chuẩn bị đi thì bà Thọ ngập ngừng: “Anh chị qua bên phòng khách trước với anh Thọ. Tôi dọn dẹp chút đỉnh rồi mang bánh qua ăn tráng miệng. Cơm ta ăn thì ngon, nhưng để lâu trên bàn mùi nồng lắm…À này, chị Oanh mang đến cái bánh ga-tô hạnh nhân, anh Thọ rất thích đấy.”
 “Chị Lan ơi, cái bánh đó em mua ở chợ Carrefour, rẻ rề..mà không biết có ngon không nữa..Hai ông qua đó đi, em phụ chị dọn dẹp cho nhanh nhe.” Vừa nói, Oanh tự động cùng Lan thu xếp trên bàn, mặc hai ông chồng bước qua phòng khách, nơi nối liền với phòng ăn, có lò sưởi ở một góc toát ra hơi ấm của mấy thanh củi đang âm ỷ cháy.
Mới cuối tháng Mười nhưng năm nay bên Pháp lạnh sớm, nhất là ở Jaux, một ngôi làng nhỏ nằm phía Bắc Paris, nơi bác sĩ Thọ mở phòng mạch Nhi Khoa từ khi ra trường.Ở ven làng này, vợ chồng anh xây một căn villa đồ sộ, bốn tầng lầu, có giây leo mọc kín cả một góc tường, trông ở xa như một lâu đài. Xong Trung học ở Sài-Gòn, qua Pháp du học, rồi sau ba chục năm hành nghề, năm ngoái Thọ về hưu. Còn Lan cũng xin nghỉ việc để cùng chồng vui thú điền viên và đi du lịch. Nghỉ việc một công chức thường cho thành phố Compiègne, nàng chưa làm đủ năm để được hưởng hưu trí nhưng chấp nhận về hưu non. Hai vợ chồng Thọ có môt đứa con trai đã trưởng thành, lấy vợ đầm, đi làm tận bên Bỉ, ít khi về thăm nhà. Tự nhiên đâm ra rảnh rỗi, cả hai thích mời khách cuối tuần đến ăn nhậu…
Trong khi đó qua Pháp trễ, Dũng sau hai năm ra tù, không có bằng cấp và nghề nghiệp nhất định, đành chấp nhận làm việc lao động tay chân cho hãng Air France trong phi trường Orly.
Cách đây một năm, vào dịp đi Chùa ở Paris cúng Tết đầu năm, Dũng tình cờ gặp Thọ, một người bạn học cũ của anh mình tử trận đã lâu. Lúc nhỏ, Hướng, anh của Dũng cùng học một lớp với Thọ ở trường Jean Jacques Rousseau. Qua câu chuyện trên Chùa, Thọ thổ lộ rằng dù không thân nhưng rất mến Hướng thời còn học chung với nhau. Nhắc đến người bạn cũ ấy, Thọ thường bảo“ ở đời, những người hiền lành như Hướng thường yểu số!”Nhưng Dũng thì cho đó chỉ là câu khen lịch sự. Có ai chê người chết bao giờ..Hơn nữa, theo chàng, nếu như vậy thế gian còn lại toàn là kẻ hung dữ, trong đó có cả mình và Thọ nữa!
Dạo trước ở Sài-Gòn, Dũng và Thọ có đôi lần gặp nhau nhưng nay đã quá lâu nên khi gặp lại ở Pháp, Dũng không ngờ sẽ trở nên thân thiết vì chàng vốn nhút nhát kém giao tế, nên tỏ ra e dè với Thọ.  Ngược lại, người bạn của ông anh mình lại rất sốt sắng, thân thiện với vợ chồng chàng…
Cả hai cùng bước qua phòng khách. Thọ dừng lại chỗ tủ kính để lấy chai rượu rồi loay hoay tìm mấy cái ly. Dũng ngồi xuống chiếc ghế bành cạnh lò sưởi, ngắm mấy thanh củi đang cháy. Hơi nóng tỏa ra dễ chịu so với cái máy sưởi ở nhà mình ở Savran, một tỉnh nhỏ thuộc ngoại ô Paris, chàng dơ tay ra  hứng lấy hơi ấm, dù căn phòng không lạnh lẽo gì..Xem ra chàng cảm thấy rất thích nhìn ánh lửa cháy  củi trong một lò sưởi. Hơi ấm tự nhiên tỏa ra mang đến cho Dũng một cảm giác êm ái, như đang được sống trong một mái ấm gia đình, trái ngược hẳn với cái lạnh bên ngoài như cảnh tàn nhẫn xâu xé nhau ngoài đời…
Bình thường Dũng rất ngại giao tế với hạng người sang trọng giàu có hơn mình, nhất là các bác sĩ, Cho là sự thông thái và hiểu biết nhiều của giới này, chàng có cảm tưởng là họ tự cao, khinh người; và  nếu quen với họ thì mình tự cảm thấy quá nhỏ nhoi.
Hôm Lan gọi điện thoại mời ăn cơm, chàng đang đứng bên cạnh Oanh, cố ngoắc tay ra dấu cho vợ từ chối. Nhưng vốn người hoạt bát, Lan đã khéo thuyết phục được Oanh, và một khi vợ đã nhận lời rồi thì Dũng đành phải chiều lòng theo.
Trước khi đi, chàng còn giao hẹn với vợ là ăn xong, phải xin kiếu chủ nhà ngay để ra về, không được nán lại: Dũng không muốn nói chuyện lâu với Thọ.. Chính Dũng cũng ngạc nhiên về tính thân thiện tự nhiên của Lan: Nàng gọi nhắc Oanh về bữa tiệc và còn hỏi xem Dũng thích ăn món gì, cơm Tây hay đồ ăn Việt-Nam, để chuẩn bị. Ngoài ra Thọ còn sốt sắng đề nghị lái xe tới Savran đón vợ chồng Dũng đến làng Jaux. Thấy quá phiền hà nên Dũng nhất mực từ chối. Cuối cùng, Thọ để cho hai vợ chồng đi xe lửa rồi ra nhà ga Compiègne đón, chỉ cách nhà họ có dăm phút lái xe.
Nhưng nay tiệc đã vãn, ngại ở lâu, Dũng đâm băn khuăn, sợ trễ chuyến tàu. Cơm nước xong mà chủ nhà lại còn cầu kỳ bầy ra vụ uống rượu cho tiêu cơm thì đến bao giờ mới xong, lúc nào mới về được..  Chuyến xe lửa cuối sẽ rời Compiègne vào 11 giờ đêm..Liếc nhìn đồng hồ trên tay, thấy mới 8 giờ, vẫn kịp giờ cho dù uống có lâu một chút, Dũng cảm thấy yên tâm…
Đang suy nghĩ mông lung thì chợt có tiếng điện thoại reo lên ở góc phòng gần chỗ bếp,Lan vội lau tay và bốc máy…Nàng xổ tràng tiếng Pháp với một giọng khó chịu với ai đó bên kia đầu giây… rồi quay sang chồng: “Anh ơi ! Lại cái bà già Hoàng Tộc ở chỗ maison de retrâite (*) này…Sao anh không bảo dứt khoát là mình đã về hưu, để họ kiếm người khác. Anh cứ cả nể cái bà này làm gì …Hôm nay nhà có khách bỏ đi sao được!”
Cầm trên tay hai ly rượu nhỏ vừa rót, Thọ vội đưa một ly cho Dũng, rảo bước tới chỗ Lan để đỡ chiếc điện thoại từ tay vợ…
Với tay cầm cái ly nhỏ hình bầu dục đặc biệt dùng để uống loại rượu cognac, Dũng chưa biết có nên uống ngay không. Chàng bèn dơ cao chiếc ly rượu ngắm: Một màu nâu lạt trong như hổ phách ánh lên từ đốm lửa chiếu qua, chàng đưa chiếc ly thủy tinh lên môi rồi từ từ nếm thử. Một mùi nồng thơm ngát tỏa ra, và khi uống vào thì vị hơi đắng và cay, nhưng sau đó lại đượm vị ngọt có hậu đến sau khi rượu trôi qua cổ họng. Đây là lần đầu tiên chàng được thưởng thức loại cognac uống sec, không pha soda hay coca như chàng vẫn dùng trước kia ở Việt-Nam, lúc còn đi lính được ông đơn vị trưởng cho uống thử… Hương vị thơm của rượu vẫn phảng phất trong miệng khiến Dũng ngây ngất khiến chàng  nhấp thêm một ngụm nữa…
Nói chuyện xong, Thọ gác máy điện thoại rồi nói với vợ, lúc này đang trở lại công việc rửa chén trong bếp: “ Em à ! Có lẽ anh phải đi gặp Mụ, giúp một lần chót cho bà ta yên tâm”
Quay qua Thọ nhìn Dũng như thể chưa biết nói lời cáo lỗi thế nào…Cả bốn người đều lặng yên chốc lát… Oanh thốt lên:” Anh Thọ cứ tự nhiên đi lo việc. Tụi em chờ .Đâu có gì trở ngại.”
Rồi như vừa nghĩ ra điều gì, Thọ đề nghị: “À, hay là thế này: Dũng đi với mình gặp bà ta…Thật ra bà ta không phải là bệnh nhân của mình mà chỉ là một người Việt sống ở Compiègne đã lâu, cần mình giúp chút đỉnh thôi…Bọn mình đi không lâu, nên cũng sẽ về cũng kịp chuyến xe lửa cuối cùng.”
Sẵn hiểu sự e ngại của chồng, Oanh lên tiếng khuyến khích:“Ồ, hay đó. Anh đi với anh Thọ cho vui. Ở nhà em phụ chị Lan lai rai dọn dẹp. Xong việc các anh về là cắt bánh ăn tráng miệng.”
Nghe câu chuyện, Lan cũng ý kiến:“Nhưng anh Dũng là người lạ…Bệnh nhân già tụi Tây nó dễ cho là vi phạm luật bảo vệ sự riêng tư của bệnh nhân?”
“Không sao. Thứ nhất, bà ta không phải là bệnh nhân, anh chỉ đến coi như thăm chơi thôi… Anh sẽ nói là Dũng là một đồng nghiệp đi theo để giúp anh.”Thọ giơ ly cognac lên về phía Dũng:“Thôi mình uống cạn ly này rồi đi. Allez! Santé.”
Hai người cụng ly, uống một hơi cạn. Họ khoác thêm áo lạnh rồi cùng bước ra ga-ra .
                                                                              *
Trời đã xụp tối. Bên ngoài phố xá yên tĩnh vắng vẻ, đèn đường tỏa xuống một thứ ánh sáng vàng yếu ớt, khiến cảnh làng quê trông mờ ảo như một cảnh trí trong dĩ vãng. Chiếc Renault của Thọ nổ lạch tạch lao nhanh qua những con đường nhỏ có nhiều quãng lát gạch khiến chiếc xe lắc lư dằn lên xuống như đang ngồi trên xe ngựa của ngày xưa…
Là một làng nhỏ nằm cạnh thành phố Compiègne, Jaux vẫn còn nhiều nét cổ kính, tiêu biểu cho miền quê nước Pháp:Nhà cửa cổ lâu đời, không lớn lắm, thường xây bằng gạch, trông vững chắc và đều có vườn nhỏ được bao quanh bằng những bức tường đá cao kiên cố, như cố bít kín cuộc sống riêng tư của chủ. Nhà cửa nơi đây được cha truyền con nối từ nhiều thế hệ, cuộc sống dường như không hề thay đổi qua thời gian, luôn luôn êm đềm như giòng sông Oise từ ngàn đời vẫn chảy qua thành phố Compiègne . 
Nhìn cảnh đang lướt qua nhanh hai bên đường tĩnh mịch và lạnh lẽo, Dũng nghĩ đến hoàn cảnh cô đơn của nhiều người sinh sống nơi đây, ..Cũng như của Thọ không biết lý do gì mà đã lưu lạc đến kiếm sống ở cái làng hẻo lánh này…Có lẽ chỉ mình Thọ là người Việt..Làm sao lại quyết định chọn nơi này làm quê hương..mà có thể tìm được chút hơi ấm gia đình bên người vợ, còn chung quanh toàn Tây Đầm xa lạ…
Liếc nhìn qua Thọ lúc này đang tập trung lái xe, Dũng chỉ thấy hình ngang khuôn mặt người bạn: Đã có tuổi, chừng giữa sáu mươi, mái tóc còn đen thưa nhưng để dài xõa sang một bên vành trán cao, mũi  không cao nhưng nhọn và hơi hểnh lên, khuôn mặt Thọ khiến ai cũng chú ý đến hàm răng đều hơi nhô ra điển hình của người miền Trung. Trông Thọ khắc khổ nhưng hiền lành. Mỗi khi nói chuyện, giọng Huế nặng của anh nghe khó hiểu, và khi nói anh thường dơ một tay lên xuống như cố thuyết phục người nghe…
“Bà đó tên gì…mà sao anh chị gọi là Mụ? Bà ta bị bệnh gì mà giờ này anh phải tới chăm nom vậy?” Dũng lên tiếng hỏi Thọ.
Vẫn giữ tay lái và nhìn thẳng phía trước, Thọ đáp:“À, Mụ là tiếng ở Huế gọi mấy con cháu trong Hoàng Tộc, còn Mệ là các con của Vua…Câu chuyện của Mụ hơi dài giòng…Đại khái cách đây hai năm, trước khi về hưu, tôi có đến dự một buổi hội thảo về căn bệnh trầm cảm, do Hội các bác sĩ chuyên về Tâm Thần tổ chức tại nhà thương Compiègne…Thật sự tôi chỉ muốn tạt qua phòng họp để xã giao..Các hãng bào chế thường hay chi tiền đãi khi có hội thảo mục đích để quảng cáo thuốc…Không ngờ hôm ấy gặp một đồng nghiệp quen, trước học cùng lớp ở Paris bây giờ chuyên về tâm thần…Gặp tôi, anh ta vui mừng như vớ được vàng. Chẳng là anh ta đang có một bệnh nhân người Việt mắc bệnh trầm cảm. Đó là bà Cẩm-Hường mà chúng ta sắp đến gặp, bà ta đang ở một nhà già ở gần khu rừng Compiègne.”
Đã tới, Thọ ngừng nói, cho xe chạy chậm lại rẽ vào một bùng binh lớn, chạy quá nửa vòng rồi quẹo sang bên phải, đi sang hướng Tây thay vì đi thẳng vào thị xã.
Đường phố lại thưa thớt nhà cửa. Thọ nhấn ga cho xe chạy nhanh lên. Ánh đèn pha của chiếc Renault chỉ quệt hai vệt sáng yếu ớt ở trước mặt, chỉ đủ thấy một con đường làng nhỏ,và hai bên bóng của những thân cây sồi mọc cao, san sát và đứng thẳng như muốn vươn lên trời … Xe đang chạy qua khu rừng Compiègne nổi danh…Chính tại nơi đây, hai cuộc Đại Chiến Thế Giới trong thế kỷ 20 là hai lần ký kết ngưng bắn: Lần đầu khi Đức thua và thứ nhì là Pháp đầu hàng. Hai buổi lễ đều ký kết trên cùng một toa xe lửa, di tích này còn trưng bầy và trở thành địa điểm du lịch. Thật là trớ trêu vì hai cuộc đại chiến ấy đều đẫm máu, tàn nhẫn cướp đi hàng triệu sinh mạng, đa số là thanh niên của hai nước thù nghịch mà nay họ lại là đồng minh gắn bó nhau.Mồ mả tử sĩ của họ vẫn còn đang trải dài trong những nghĩa trang của cả hai bên thắng và thua cuộc…Chẳng biết sự hy sinh của hàng triệu sinh linh ấy có đạt được mục đích gì không, hay đơn giản là họ đã chết một cách phi lý?…
Thọ cho xe quẹo vào con đường nhỏ, che khuất bởi cây rừng…Rồi đột nhiên phía trước hiện ra một tòa nhà nhiều tầng sáng trưng, trông như một khách sạn, bãi đậu xe ở một bên có nhiều xe đang nằm im lìm.
Kiếm được chỗ trống gần cổng chính, nơi có mái hiên che và đèn sáng, trái hẳn cảnh đen tối xung quanh khu rừng bên cạnh. Dũng có cảm giác như vừa được kéo về với hiện tại của trần gian.
Đến trước cổng khóa trái cửa, Thọ bèn nhấn số vào máy intercom gắn bên tường  và tự giới thiệu tên họ. Liền sau đó, cổng có tiếng “cạch” mở khóa cho hai người vào, nhưng họ còn phải bước thêm một lớp cửa nữa. Bên trong là phòng khách không lớn lắm, bầy biện như ở một tư gia, có kê ghế sa-lông xung quanh cái bàn chỏng trơ một chậu hoa giả, trên tường treo nhiều tranh thắng cảnh như cố làm cho căn phòng lạnh lẽo ấy được ấm thêm…Ngay giữa ghế dài, một người bà cụ Việt-Nam đang ngồi chờ… Thấy Thọ, bà nở nụ cười rồi reo lên, một giọng Huế đặc sệt, rất nhỏ nhẹ, có lẽ vì sức yếu: “Thọ đây rồi…Chị mừng chi lạ!”
Nhưng khi nhìn thấy có thêm người lạ, bà ta hơi khựng lại, chỉ tay về phía Dũng hỏi:“Ai đây vậy Thọ?”
Bước vội đến gần, Thọ cúi người hai tay nắm lấy một bàn tay của bà. Anh ngồi xuống bên cạnh mép ghế, một tay anh vỗ lên bàn tay của bà như  vỗ về an ủi. Trên khuôn mặt hình chữ điền, mái tóc đã bạc trắng như bông, bà ta nở một nụ cười hiền dịu, để lộ hàm răng hơi nhô ra trắng và đều; tuy nhiên nếp nhăn hiện ra quanh đôi mắt nhỏ ấy trông lạc lõng như mất hồn.
Thật khó đoán rõ tuổi bà Hường: dù mái tóc trắng xóa nhưng khuôn mặt vẫn thanh tú, vài nếp nhăn tố cáo ít ra bà phải cỡ trên dưới bẩy mươi…,cũng có thể tám mươi, chín mươi không chừng? Không khí  trong nhà ấm áp nhưng bà vẫn mặc cái áo len màu lam như mấy người tu tại gia…
Thọ ghé sát mặt bà nói nhỏ, có lẽ để giới thiệu Dũng. Bà nhìn chàng gật đầu, xong họ lại tiếp tục câu chuyện với nhau.Thọ hỏi thăm bà về sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, ngủ nghê và gia đình đứa con gái nuôi.. Bà trả lời mạch lạc như một người bình thường, chẳng có chút dấu hiệu là mắc bệnh tâm thần…Lúc nhắc về đứa con gái bà, Thọ an ủi:” Thời buổi ni tụi nhỏ sống hoang đàng lắm, chứ không như cái thời của chị và em đâu. Tụi chúng nó lâu lâu còn ghé thăm chị là quý rồi…”Sau đó họ lại nhỏ giọng xuống như thì thầm với nhau. Dũng chỉ lóang thóang nghe được lời than thở:“…chị nhớ thằng cháu ngoại quá…”
Cảm thấy thừa thãi, Dũng đến ngồi xuống một ghế bành kế bên, mắt vẫn không rời hai người…Vừa lúc đó, một cô y-tá từ trong hàng lang bước ra, trên tay cầm lọ thuốc đến gần Thọ. Họ chào nhau và nói chuyện như đã quen biết từ lâu, xong cô ta trao lọ thuốc cho anh, rồi nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời cám ơn, và vội vàng đi khuất. Dũng đoán chừng cô ta dặn người bệnh cần phải uống thuốc gấp. Nhìn theo cô y tá bà cụ không nói gì và lại châu đầu nói chuyện với Thọ, nhỏ nhẹ như có tâm sự với nhau. Vẻ ung dung và tự nhiên của Thọ khiến Dũng lấy làm lạ về mối giao hảo giữa hai người, nó chắc phải có điều gì sâu đậm hơn sự liên lạc bình thường của một bệnh nhân với bác sĩ…Đột nhiên chàng nhớ đến ông anh rể đang ở Cali, cũng là một bác sĩ về hưu, nổi danh mát tay chữa bệnh, cũng có tính từ tốn, kiên nhẫn và mỗi khi làm điều gì đều tuần tự nhất định ngăn nắp lớp lang. Có lẽ chính thái độ ấy đã mang đến sự an tâm, tin tưởng qua việc chữa bệnh của anh. Kiên nhẫn phải là một đức tính quan trọng của một lương y: Đang cầm mạng sống của bệnh nhân trong tay, họ không thể hấp tấp, dễ sinh ra lỗi lầm được?
Vừa lúc Dũng định tiến lại gần cửa sổ nhìn ra vườn quan sát chung quanh thì Thọ dìu bà Hương đứng dậy, đồng thời anh ngoắc Dũng đi theo. Cả ba cùng bước đến cửa thang máy, bà cụ lúc ấy mới quay sang Dũng :“Bác sĩ cùng học với anh Thọ trước đây ở Paris?”Câu hỏi bất ngờ khiến Dũng lúng túng: “Dạ thưa không ạ…Anh Thọ học trước cháu nhiều.”“Úi chà, tui đâu có già dữ vậy…Bác sĩ cứ gọi tui bằng chị, như Thọ đây nhe.”
Nhìn mái tóc trắng như bông trên khuôn mặt hiền lành ấy, Dũng cảm tưởng như đang đứng trước một vị tiên phong đạo cốt trong phim Tàu…Họ chỉ đi vài bước đã đến trước phòng, bên cửa có đề tên  người cư ngụ. Dũng thấy ghi dòng chữ “Cong Tang Ton Nu Cam Huong”.
Thọ hỏi chìa khóa, bà ta lắc đầu và đưa tay tự mở cửa. Cả ba cùng bước vào bên trong. Qua ánh sáng mờ của ngọn đèn gắn dưới chân tường. Trong chốc lát mọi vật hiện ra rõ ràng: Đó là một căn phòng khá rộng, ghế sa-lông kê ngang với giường ngủ, phía trong có cái bàn nhỏ. Đồ đạc ngăn nắp,gọn gàng như được gia chủ nâng niu chăm sóc mỗi ngày.
Yên lặng và có vẻ đã thành một thông lệ, Thọ dìu bà Hoàng Tộc đến bên giường, rồi cúi xuống tháo đôi giầy khỏi đôi chân bé nhỏ, xong cho bà nằm xuống, chêm cái gối dầy để nâng cao đầu bà cụ lên. Cử chỉ của Thọ tự nhiên nhẹ nhàng như đã quen thuộc và có chủ đích…Bà cụ ngoan ngoãn theo sự dìu dắt của Thọ, như thể anh là một người thân thiết đáng tin cậy, như thể anh  vốn là người con đang săn sóc bà mẹ, hơn cả một bác sĩ thường chăm lo bệnh nhân một cách máy móc, vô tình…
Để bà cụ nằm yên, Thọ kiếm nút điện vặn đèn ngủ sáng lên, giơ mấy lọ thuốc lên đọc,  và lấy ra từng viên xem lại một lần nữa thật kỹ lưỡng…Cầm sẵn mấy viên thuốc trong nắm tay, anh đến bên bàn nhỏ kê cạnh giường rót nước đưa gần cho bà Hường …Và, trước sự ngạc nhiên của Dũng, bà cầm từng viên thuốc trong bàn tay của Thọ bỏ vô miệng uống một cách dễ dàng, như vốn đã đặt niềm tin vào anh…Xong đâu đấy, anh tắt đèn.Căn phòng lại chìm trong mờ ảo. Bà cụ nhắm mắt lim dim..Thọ ra dấu cho Dũng, cả hai cùng nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng…
Xuống  nhà dưới, Thọ chỉ tay chỗ phòng khách nói với Dũng:“Cậu ngồi chờ tôi tý, mình tạt qua cô y tá trực báo tin là bà đã uống đủ thuốc cho ngày hôm nay.”
 
Nhấn ga cho chiếc xe lao nhanh qua khu rừng Compiègne hướng trở về Jaux, Thọ như hối hả cho kịp  chuyến xe lửa cuối cùng đi Paris của vợ chồng Dũng.Trong xe, yên lặng không ai nói một lời nào.
Một lát sau, nôn nóng như không thể dấu sự tò mò câu chuyện về bà Hoàng Tộc, Dũng định lên tiếng hỏi..nhưng chàng chưa biết lựa lời sao cho chỉnh: có nên đi sâu vào công việc khám bệnh của bạn.. và đó là chuyện riêng tư giữa hai người… Dũng ướm lời:“Trông anh có vẻ thân với bà cụ Hường…Chắc anh đến thăm cụ thường lắm?”
 Thọ vẫn ghì tay lái, mắt nhìn phía trước:“Đâu có! Vài ba tháng một lần. Chỉ khi bà ta không chịu uống thuốc thì bọn y tá mới phone cho tôi…Tôi là người đồng hương Huế, bà quý mến tôi như bà con thân thiết. Hơn nữa lúc bà ta mới mắc bệnh, tôi có cho thuốc và từ đó bà khen là tôi chữa mát tay, giỏi hơn mấy bác sĩ Tây…Câu chuyện về Mụ này dài dòng, lát nữa về nhà, ngồi uống digestif tôi sẽ kể cho cả Dũng và Oanh nghe luôn.”
                                                                          *
Đang tán gẫu, nghe tiếng lạo xạo của bánh xe chạy trên sân sỏi sau nhà, Lan và Oanh biết hai người đã về, bèn rủ nhau qua bếp cắt bánh, để cho vợ chồng Dũng còn kịp chuyến xe lửa chót.
Khi hai người bước vào phòng, Oanh vội đến gần Dũng, ghé nói nhỏ: “Đã gần mười giờ rồi, mình ăn nhanh rồi còn nhờ anh Thọ đưa ra trạm xe. Chị Lan nói chuyến cuối cùng départ đúng 11 giờ. “
Không trả lời, Dũng lẳng lặng đến bên lò sưởi đứng nhìn đống củi cháy …Trong khi đó Lan lo bầy biện bánh trên bàn, Thọ loay hoay với bốn ly cognac:“ mình qua đây ngồi uống tý rượu, ăn cái bánh hạnh nhân của Oanh…Tôi thích nhất bánh này đây. Nào mời ngồi quý vị…Em ơi mau lên chứ…Lâu lâu mới có khách quý đến nhà!”
Chủ khách nâng ly, họ vừa uống cognac vừa ăn bánh…Oanh không biết uống rượu nên chỉ nhắp một ngụm, nhăn mặt xong đẩy qua cho Dũng. Họ lặng yên thưởng thức miếng bánh …Mấy thanh củi  mới được bỏ thêm, nổ lách tách, văng ra những đốm lửa nhỏ li ti rồi tắt lịm trên thềm lò sưởi…
Ăn xong, Lan liếc nhìn chồng:“Bà Công Chúa mạnh giỏi, bình thường hả anh?”  Thọ đang ngồi thoải mái trong ghế bành, lim dim mắt, từ tốn nói:“Bình thường thôi em…”
Nghe nhắc đến nhân vật Mụ ly kỳ ấy, Dũng đề nghị:“Anh Thọ kể về Mụ đi…nếu không gì trở ngại.”
Thọ chồm người dậy:“ Có gì trở ngại đâu. Bà ta là bạn mình mà…Quý vị ngồi xuống đây, thoải mái bên lò sưởi với ly Martell, tôi xin kể cho nghe.”
Vẫn nhẩn nha nâng ly uống thêm một ngụm cognac, chờ cho vợ tắt đèn bếp rồi  bước ra, ngồi xuống ghế trên khuôn mặt xương, đôi mắt một mí như to ra và sáng lên, Thọ với một vẻ thỏa mãn, ung dung của một người phong lưu …Mọi người an vị xung quanh cái lò sưởi. Căn phòng trở nên tối hẳn, khuôn mặt mọi người như ủng đỏ, không biết vì rượu hay do phản chiếu ánh lửa … Với giọng Miền Trung trầm bổng, nghe nặng tai nhưng nhẹ nhàng từ tốn, Thọ bắt đầu lên tiếng:
“Quả chỉ do một sự tình cờ rất nhỏ trong một ngày, cách đây gần hai năm…” Nhìn về phía vợ, như để ám chỉ điều gì riêng với Lan, Thọ hơi nhếch mép mỉm cười, ra vẻ bí mật:“Chắc quý vị cũng đồng ý với tôi là cuộc đời đôi khi thay đổi chỉ do một sự tình cờ…Trước đây tôi không nhớ Thạch-Lam hay Nhất-Linh có viết một truyện ngắn tên là Cái Tẩy thì phải, mô tả sự thay đổi lớn lao của một thanh niên chỉ do một cục tẩy …Xẩy ra trong một kỳ thi gì đó… lâu quá tôi quên mất rồi…Trong đời tôi cũng thế, nhiều biến cố đến chỉ do một ngẫu nhiên hay tình cờ, tưởng chừng nhỏ nhoi, không đáng kể, vậy mà đã làm thay đổi cuộc sống. Như một người lái xe tình cờ quyết định rẽ tay lái sang con đường khác, mà sau đó đã lệch đi ngàn dậm…Hôm đó, vì muốn kiếm một bữa ăn gratuit nên sau khi thăm bệnh cho một chú bé ở nhà thương Compiegne, tôi lò mò đến phòng họp, lúc đó đang có một buổi Hội Thảo về bệnh tâm thần… Khi tạt qua chỗ để món ăn, mà nhìn qua, chẳng thấy có gì ngon đặc sắc, tôi định bỏ ra phố ăn, nhưng lúc vừa bước ra thì gặp một đồng nghiệp, bạn học cũ tên Rolland, anh này học dở nhất lớp tụi này, anh ta chuyên môn doubler, suýt bị sortie-lat, bây giờ chuyên về Tâm Thần, vậy mà ra đời anh ta lại trở nên kẻ giàu nhất promo!
Gặp tôi, anh mừng rỡ. Sau khi thăm hỏi nhau, anh thổ lộ là đang có một bệnh nhân người Việt cần nhờ tôi giúp vì anh bị trở ngại về ngôn ngữ, không  thông hiểu nổi người bệnh. Và Rolland gửi tôi hồ sơ bệnh lý mà anh đã tốn công thiết lập chu đáo, nhờ tôi ghé thăm người bệnh hiện đang nằm ở nhà dưỡng lão… Bà cụ Hường lúc nãy đó…Tập hồ sơ bệnh lý dầy cộm, ghi chép nhiều buổi phỏng vấn Rolland làm việc với bệnh nhân. Trong đó có rất nhiều chi tiết về cuộc đời của bà Hường, mà tôi gọi là Mụ như tiếng xưng hô ngoài Huế…Xin tóm gọn lại đây, xem như là một câu chuyện, quý vị nghe qua rồi bỏ nhe:
 Sinh ra trong một gia đình Hoàng Tộc,ở An Cựu, một làng gần Huế, dường như Tước của Mụ là Hầu Chúa hay Công Chúa gì đó…và là hậu duệ thuộc Đế Hệ vua Minh Mạng. Ông cụ thân sinh ra Mụ là một Hầu Tước làm quan đến chức Tham Tri một Bộ trong Triều nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại; nhưng mẹ bà chỉ là cô gái quê, nhà nghèo.Vì là con gái út duy nhất trong gia đình toàn con trai nên từ nhỏ ông cụ rất gần gũi với Mụ. Trong khi mẹ bà ưu tiên lo mấy người anh trai thì ông bố cưng chiều Mụ như trứng nước. Chỗ này, bác sĩ Rolland P. có ghi chú rằng đây có thể là một ca bị “mặc cảm Oedipe” rất nặng, nhưng tôi thì không tin vào lý thuyết viển vông này của Freud cho lắm. Tuy nhiên, theo lý lịch khai thì được biết bên họ ngoại của bà có nhiều người mắc bệnh tâm thần, trong số đó có một bà cô tự vẫn lúc còn con gái vì đã mang bầu ngoại hôn, một điều cấm kỵ trong xã hội ta vào đầu Thế Kỷ trước, nhất là ở kinh đô cổ kính Huế.
Khi Mụ được 5 tuổi, trong một chuyến về thăm quê ở Faifo (1), bà cụ thân sinh có mang về làm con nuôi một cậu bé 10 tuổi ,nhà nghèo, mồ côi, nó tên là Hách. Tiếng là con nuôi nhưng không rõ mẹ bà có thực sự thương đứa bé đó như con, hay chỉ muốn nuôi nó thành một gia nhân, sai vặt trong nhà như nhiều trường hợp gia đình Hoàng Tộc thời đó. Ở quê, nhiều gia đình quá nghèo, họ đành phải cho con đi như vậy, còn hơn là ở nhà chết đói…
Gia đình Mụ ở căn nhà lớn mà người dân quanh vùng gọi là Dinh Ông Hầu. Nó rộng rãi, gồm nhiều phòng, nằm ngay bờ sông An Cựu. Mệ sống yên ổn và đầm ấm, trong một gia đình kín cổng cao tường nhưng  lại có được Hách để chơi, và hai đứa bé lưu luyến nhau y hệt anh em ruột thịt. Cả hai đều được đi học cùng trường và nhiều lần Hách đã bênh em mình khỏi bị những đứa trẻ tinh nghịch trêu ghẹo. Và có lần nó còn cứu Mụ khi bị té xuống sông, kỷ niệm này ghi dấu sâu đậm trong trí nhớ một cô bé 10 tuổi – đây cũng là ghi chú của Rolland -.
Tuy mang danh là con nuôi trong nhà, nhưng với khung cảnh một xã hội phong kiến cổ hủ ở Huế vào thời đó, Hách vẫn chỉ là đứa bé nhà quê ở đợ và đến 15 tuổi thì không được cho đi học nữa, ở nhà làm những công việc nặng, như kéo nước giếng, chẻ củi cho nhà bếp. Từ đó, anh cũng chỉ quanh quẩn ở mái nhà dưới cùng với mấy chị bếp người làm.
Trong hồ sơ bệnh lý, Rolland có ghi chú là có thể tình yêu hay tình cảm gắn bó đã nẩy nở giữa hai đứa trẻ cùng lứa. Đến khi thấy quyến luyến sâu đậm rồi thì cha mẹ Mụ bèn gửi cô bé vào Nam ở nhà người chú đang làm Đốc Học ở Phan-Rang nhằm cách ly Mụ và Hách.
Y hệt như những mối tình đầu, mãnh liệt và vô lý như của Romeo và Juliette, không gì có thể ngăn cản được sự sôi nổi của Hách và Hường mà không biết bằng cách nào Hách kiếm ra địa chỉ của người chú để viết thư cho Hường. Bức thư đầu đã ngỏ dự tính rủ Hường đi trốn, nhưng chẳng may ông chú bắt gặp và giấu nhẹm đi…Mụ chẳng hề hay biết chuyện Hách hẹn đến gặp nhau ở nhà ga Tháp Chàm  rồi cùng trốn vô Sài-Gòn. Cho nên khi đặt chân xuống nhà ga thì Hách không thấy người yêu ra đón, mà cũng chẳng có ai quen cả…Thế rồi Hách từ đó đã biến vào quên lãng và trở thành dĩ vãng của mọi người trong gia đình Mụ.
Cô bé Hường đành phải chấp nhận số phận và sống trong nhà người chú. Nhưng trong tâm tư Mụ có lẽ bị dằng co giữa một bên là gia đình, áp lực xã hội, đạo lý, và truyền thống phong kiến; còn một bên kia là mối tình giản dị, đơn sơ nhưng âm ỷ và mãnh liệt…Ban đầu,hoàn cảnh đã thắng thế nhưng càng về sau, khi về già, tình cảm tưởng chừng đã tắt thì không ngờ lại bùng lên như thanh củi lửa sắp tàn lụi nhưng khi được khơi lại bùng cháy sôi nổi hơn bao giờ.
Thật sự không ai biết rõ đời của Hách ra sao. Từ ngày chờ đợi ở ga Tháp Chàm, anh đã mất liên lạc với mọi người. Nhưng qua tâm sự, có lẽ do dò hỏi sau này khi thanh bình trở lại, Mụ lại tiết lộ với Rolland là Hách lêu bêu ở Sài-Gòn rồi sau đó đăng lính. Như bao thanh niên con nhà nghèo thời chinh chiến, đi theo đơn vị tác chiến. Và trong một trận đánh ác liệt, anh ấy đã bị trúng đạn và bỏ xác trên trận địa ở một nơi nào đó trên đất Việt-Nam …
 Ở Phan Rang ít năm, nhờ ông chú làm Đốc Học, Mụ xin được chân dậy học cho một trường tiểu học trong tỉnh, ngoài ra nàng phụ gia đình nấu nướng, nội trợ và trở nên sành sỏi. Khi ông chú về hưu, Mụ phụ giúp gia đình mở quán bún bò Huế bên cầu Đá, và đã trở thành nổi danh ngon nhất của tỉnh lỵ, tiếng đồn về tận Sài-Gòn lẫn lan ra trong giòng họ ngoài Huế.
Vào cuối năm 60, có một người trong Hoàng Tộc qua Paris mở quán ăn, người bà con này đã kéo Mụ theo giúp nấu món bún bò Huế, cho đến bây giờ tiệm ăn đó vẫn còn và là chỗ có món bún bò Huế ngon nhất ở Paris. Bây giờ là tiệm Imperiale ở Quận 13 nhưng không biết còn là chủ cũ không?
Đó là nguyên nhân Mụ đặt chân đến Pháp, bắt đầu cuộc sống lưu vong…
Sau chiến tranh, Mụ về thăm Huế và có nhận một bé mồ côi ở chùa Từ Đàm đem qua Pháp làm con nuôi. Nay nó đã lấy chồng Tây và sống ở miền Nam Pháp…Đến đọan này, Rolland có ghi chú:  Mụ rất xúc động khi nghe kể về cái chết của Hách; và cũng theo Rolland thì đây chính là nguyên nhân đã gây ra sự trầm cảm của người bệnh: Tâm hồn bà trở thành trận địa giữa lý trí và tình cảm; và một khi con người phân vân, không thể quyết định giữa hai sự lựa chọn, đưa tâm trạng đến mối ân hận rồi tiếc nuối, dằn vặt, bất an theo sau là tình trạng mất ngủ triền miên, để bắt đầu mầm mống đưa đến sự tha hóaNghĩa là nạn nhân của hoàn cảnh, của xã hội, và cuối cùng của cả chính mình.”
 
Thọ lại ngừng kể, mỉm cười, nhìn mọi người.với cái ly rượu trên bàn chiêu một ngụm, anh tiếp:“Khi về hưu, Mụ rời Paris đắt đỏ ồn ào để về Compiègne tìm cuộc sống yên ổn dễ chịu hơn. Mụ trở thành một bà Công Chúa lưu vong: Cao tuổi cộng thêm căn bệnh già lẫn, rồi lâm vào cảnh tha hóa, như là một hình thức lưu vong với chính mình? Nếu lưu vong là phải xa cố hương, còn tha hóa là xa rời với  ngay chính bản thân mình,thuộc về nội tâm.
Người ta thường nói : Người điên là một kẻ mất tất cả, trừ lý trí của họ. Ở trường hợp của Mụ, có khi lý trí thắng mà cũng có khi tình cảm lại chủ động lấn lướt, khiến bà hành sử bất thường. Như tối nay, nhất định không chịu uống thuốc, nhưng có lẽ vì vốn sẵn tin vào tôi vừa là bạn, đồng hương, lại vừa là thầy thuốc mát tay , nên bà bắt y tá gọi tôi đến.
Có một điều tôi muốn nói để quý bạn rõ rằng thuốc men là do Rolland cho toa, nhưng tụi Tây chúng chỉ biết theo sách vở; còn tôi thêm vào cho Mệ một liều thuốc ngủ, một chút thuốc bổ, gây tác dụng như một effet placebo. Tôi gọi toa của tôi là  cocktail à la mode du docteur Tho! Không ngờ Mụ lại hợp với toa thuốc này; và từ đó mong tôi đến, đôi khi chỉ ngồi tán chuyện về Huế xưa…Nhưng khốn nỗi cứ vài ba tháng, khi nhớ ra là Mụ làm eo với y tá, không chịu uống thuốc. Thì họ lại phải kêu đến tôi. Nay về hưu rồi, tôi vẫn đến thăm Mụ nhưng chỉ như một người nhà mà thôi…”
 
Thọ ngừng kể. Mọi người vẫn ngồi tại chỗ và căn phòng trở nên yên lặng, họ trầm ngâm như đang thấm về câu chuyện của Mụ Hường… Dường như mỗi người đều có một suy nghĩ riêng về thân phận con người, về sự tha hóa của bản thân của Mụ,…hay của chính họ?
Liếc nhìn vợ chồng chủ nhà đang ngồi ung dung với vẻ phong lưu quý phái, Dũng cảm nhận như có sự khác lạ vừa xẩy đến: Chàng tự nhiên thấy gần gũi với họ hơn: Với bề ngoài có vẻ xa cách tự cao, khinh người nhưng trong thâm tâm Thọ lại là một bác sĩ có lòng với bệnh nhân; còn Lan tuy vốn thuộc con nhà đài các nhưng lại sống thành thật và giản dị…Chàng ân hận là đã hời hợt  xét đoán về người bạn xưa của anh mình, rồi quay ra tự vấn lương tâm: Trong khi chính mình đầy rẫy tính xấu, tại sao lại đòi hỏi ở người khác phải toàn hảo?…
Liếc lên đồng hồ treo tường rồi nhìn Dũng, Oanh đứng lên:“Gần 11 giờ rồi…Xin phép anh chị về để cho kịp chuyến xe lửa.”
Cũng ngước nhìn lên đồng hồ, Lan chợt đề nghị:“ Trễ rồi …Hay là ông bà nghỉ lại đêm nay. Nhà dư phòng cho khách, sáng mai bọn mình đi thăm Château de Compiègne, xem thư phòng của bà Hoàng Josephine, vợ vua Napoleon…”
Thọ cũng thêm vào:“Phải đấy, bọn mình còn nhiều tâm sự với nhau, và tha hồ uống rượu bệnh nhân biếu còn đầy dưới cave. Trưa mai đi thăm lâu đài xong, tôi đãi anh chị Dũng một chầu cơm Tây rẻ tiền trên phố.”
Oanh nhìn chồng dò xét… Dũng đứng lên, nâng ly nói:“Phải đấy, đồng ý ở lại đêm nay. Cám ơn  lòng hiếu khách của anh chị. Xin mời tất cả…Chúc sức khỏe và hạnh phúc!”
Bốn người cùng giơ cao ly cụng vào nhau. Họ uống và cùng nhau phá lên cười…Niềm vui tuy nhỏ nhoi nhưng  đầy thân mật và ấm cúng …
Dường như, dù ở làng Jaux hẻo lánh hay bất cứ nơi xa xôi nào khắp thế giới, một khi có tình yêu gia đình và tình thân của bạn bè, nơi đó có niềm vui và hy vọng./.
—————————————————————————————
* Rượu mạnh uống sau bữa ăn cho dễ tiêu.
** Nhà dưỡng lão.
(17:00 Wenesday, july 26 / 2017)

May 11, 2020