
Tiểu Sử :
. Tên thật Lê Tống Mộng Hoa, Bút hiệu Lê Mộng Hoàng
. Trước năm 1975, tốt nghiệp thủ khoa Đại học Văn Khoa Đà Lạt, và dạy học tại các trường Trung học công lập Trần Quý Cáp (Quảng Nam) và Trung Thu (Sài Gòn).
Sau năm 1975:
– Tốt ngiệp Đại Học (1987)
– Dạy học tại trường Tiểu học công lập Glenn Carlyn (Arlington, Virginia, 1986)
– Giữ chức vụ Hiệu trưởng và dậy tiếng Việt cho trẻ em Mỹ gốc Việt từ 1976-2005 tại trường Việt ngữ Hoa Thịnh Đốn của hội Giáo Dục Trẻ Em Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn
– Làm việc cho chính phủ Liên bang tại Washington, DC
. Tích cực hoạt động các công tác xã hội, văn hóa, từ thiện sau khi về hưu năn 2007
. Chủ tịch Hội Thân Hữu Quảng Đà Miền Đông Bắc Hoa Kỳ (1999-2003)
. Sáng lập và chủ tịch Charity Group of Virginia Affection Inc. (Nhóm Từ Thiện Tình Thương VA)
Kính mời quý vị bấm vào tựa đềdưới đây để đọc bài viết của Minh Tâm Ngô Tằng Giao:
Ngô Tằng Giao Giới thiệu tập sách của Lê Mộng Hoàng: “Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình”
Tác Phẩm đã Xuất Bản:
Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình của Lê Mộng Hoàng (1996)
Tập truyện Nhớ Mẹ Âm Thầm của Lê Mộng Hoàng (2017)








Nữ văn sĩ
Lê Mộng Hoàng

Nhà từ thiện
Lê Tống Mộng Hoa
Kính mời quý vị nhấn vào những tiêu đề dưới đây để đọc các bài viết của nhà văn Lê Mộng Hoàng
Làm Sao Mà Quên Được Nỗi Đau Dai Dẳng?
Lê Mộng Hoàng
Chúng ta đang bước vào mùa hoa anh đào đầu tháng 4 ở thủ đô Washington D.C., năm nầy hoa đào không khoe sắc thắm rực rỡ, tươi tắn như năm trước, vì các cây hoa nở sớm đã bị trận tuyết cuối tháng 3 vùi dập, rơi rụng trông thật thảm thương! Đầu tháng 4 là mùa hoa đào hồng nhưng cuối tháng 4 lại là “NỖI ĐAU DAI DẲNG” không thể nào quên được của ngày 30 tháng 4 năm 1975! Thế là đã trải qua 42 năm rồi mà sao cứ vào tuần cuối tháng 4 đến là cơn buồn, nỗi nhớ đến các người thân đã tử nạn, đến các vị “anh hùng vị quốc vong thân” tại Sài Gòn, nơi tôi đã phải hối hả xa lìa vào ngày 28 tháng 4 cứ âm thầm xâm chiến trong tim, trong não tôi!
Tôi không biết phải làm sao, làm sao mà quên được?
Ngày 28 tháng 4 năm 1975 tôi lo thu dọn tất cả đồ đạc từ nhà riêng của hai mẹ con trên đường Nguyễn Thiện Thuật đem về nhà ba má tôi ở đường Tô Hiến Thành, Sài Gòn vì theo lời má tôi nói: “Người ta đồn khi Việt Cộng ngoài Bắc vô Nam, họ sẽ buộc các góa phụ trẻ có chút nhan sắc như con VK phải lấy những thương phế binh có công lớn với nhà nước” vì nỗi lo sợ ấy nên cả nhà đều hối thúc tôi phải tìm cách trốn đi.
Tuy đã khá lâu rồi, 42 năm qua mà những gì xảy ra vào các ngày cuối tháng 4 năm 1975 vẫn còn âm thầm chất chồng trong sâu thẳm của lòng tôi. Trưa hôm ấy, sau khi đem đồ đạc từ nhà riêng qua để tạm ở sân trước nhà ba má tôi, vì trời quá nóng bức tôi định đi tắm cho tỉnh táo thì có tiếng chuông ở cửa trước, chạy ra mở cửa, tôi gặp người anh rể – chồng của chị XL, chị ruột của D, chồng tôi đã đột ngột từ trần vì tai nạn xe Vespa cách đây hơn 4 năm–Anh nầy đem tin cho hay: “Gia đình anh chị Bùi & XY đã tụ họp tại vi lla số 13 đường Hồ Xuân Hương sửa soạn lên phi trường đi qua Mỹ, mợ và bé Lina nên đến nơi này ngay” Lúc nầy lòng tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì đây là cơ hội để hai mẹ con có thể cùng đi chung với gia đình anh chị Bùi, lo là phải rời bỏ gia đình, ba má các em để ra đi xứ lạ xa xôi, chỉ có mẹ góa con côi, bé Lina mới 4 tuổi rưỡi thôi, biết phải làm gì khi bỏ xứ mà đi? Tôi chào từ biệt ba má, ôm thật chặt ba tôi hôn lên má ông mà không ngờ đó là nụ hôn cuối cùng vì sau ngày 28 tháng 4 ấy tôi không có cơ hội trở lại Sài Gòn và ba tôi đã qua đời vì cơn đau tim vào năm 1979 dù ông chỉ mới 65 tuổi.
Trở lại chuyến viễn hành bất ngờ và vội vã của hai mẹ con tôi, khi em trai tôi chở bé Lina và tôi đến villa 13 Hồ Xuân Hương thì cổng sắt của biệt thự này đóng kín, tôi đang băn khoăn nghĩ “Chắc không thể nào vào bên trong được” có 1 người lính cầm súng đứng gác trước cổng, bỗng có chiếc xe jeep nhà binh chạy tới, người lính gác cổng mở rộng cửa cho xe vào, tôi chầm chậm dắt Lina tiến vào bên trong. Lúc ấy lòng tôi đang bối rối lo lắng không biết có gặp được gia đình anh chị Bùi không thì có tiếng gọi từ chiếc xe van trắng đậu trên sân: “Mợ Tám tôi ở đây” Chị XY, bà chị chồng tốt bụng đã thương yêu chăm sóc cho mẹ con tôi từ ngày ba của Lina đột ngột lìa trần lúc cháu mới được 4 tháng tuổi–đã dơ tay vẫy cho tôi thấy. Trước tiên tôi gặp một người đàn ông Việt Nam đứng gần chỗ xe van đậu, tôi chào ông ta và hỏi thăm: “Thưa ông, tôi là góa phụ ở chung với gia đình bà chị chồng đang ngồi trong xe kia, làm thế nào cho tôi được đi cùng với anh chị tôi?” Ông ấy nói: “Tôi không có quyền hạn gì cả, Cô có biết tiếng Anh không thì tới nói với ông Mỹ đứng đằng kia kìa”. Tôi trả lời “Dạ có” rồi vội vàng đến gặp ông Mỹ. Ông nầy mau mắn chấp nhận lời yêu cầu của tôi rồi nói với ông Việt Nam lúc nãy ra bảo xe van hãy khoan đi, chờ ghi thêm tên hai mẹ con tôi vào danh sách ra phi trường. Mọi sự xảy ra như một cơn lốc, và tôi như có sự dẫn dắt của hương linh anh D, người chồng đã thì thầm với tôi: “Nếu lấy được em mà có chết anh cũng vui…” khi anh biết được là bố của anh đã chọn “ngày rước dâu” là ngày xấu, không hạp với tuổi anh? hoặc là có đức Quán Thế Âm Bồ Tát luôn theo dõi độ trì cho mẹ con tôi? Lúc xe van rời villa 13 Hồ Xuân Hương chạy lên phi trường Tân Sơn Nhất, mọi người đều hoảng sợ khi nghe tiếng nổ chát chúa. Sau này mới biết đó là quảbom nổ ở bệnh viện Từ Dũ trưa ngày 28 tháng 4, 1975. Vài giờ sau, chúng tôi gồm 10 người, gia đình anh chị BH và XY có 8 người, thêm 2 mẹ con tôi thành 10 xếp hàng lên phi cơ. Khi phi cơ cất cánh bay lên, không hẹn trước mà ai nấy cùng thoát ra tiếng khóc xót xa vĩnh biệt Sài Gòn rồi cùng im hơi lặng tiếng, chỉ nghe tiếng trẻ con khóc trong suốt chuyến bay lịch sử này, còn người lớn thì nước mắt vẫn chảy dài trên hai gò má họ. Nhưng theo suy nghĩ của tôi thì nỗi đau “mất nước, mất nhà, xa người thân yêu” quá lớn, quá bất ngờ khiến họ thẫn thờ như người mất trí, khủng hoảng tâm thần lặng câm chẳng thốt nên lời?
Đoàn người di tản được nghỉ qua đêm ở đảo Guam, sau đó đưa đến tạm trú tại các trại của khu quân sự Fort Chaffee, Arkansas. Chiều 30 tháng 4 năm 1975, trong lúc mọi người họp nhau ngồi trên sân cỏ để nghe Khánh Ly hát và ngóng trông tin tức từ Sài Gòn qua một radio của một bác cao niên mang theo thì từ máy phóng thanh lệnh truyền “Bỏ Súng đầu hàng vô điều kiện” của tướng Dương Văn Minh đã khiến ai đó sửng sốt la lên: “Chết rồi, hết rồi, mất nước rồi!” và rồi không ai bảo ai họ khóc thảm thiết như có người thân vừa qua đời và lặng lẽ bỏ ra về, buổi họp mặt “văn nghệ lần đầu tiên tại Fort Chaffee” thất bại và cũng từ ngày ấy “Nỗi Đau Mất Nước” kéo dài triền miên lặng lẽ trong lòng các “người di tản buồn” thế hệ thứ nhất giống như tôi!
Năm sau 1976 khi liên lạc được với gia đình qua ngã Paris, rồi Canada, tôi mới biết được cùng ngày 30 tháng 4, 1975 ấy, ngoài các anh hùng tử sĩ tuẫn tiết vì không muốn mang nỗi nhục đầu hàng giặc Cộng như Ngũ Hổ Tướng Công– Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, còn có đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn tháng 8 cùng năm 1975 và Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Long đã anh dũng tự sát trước tòa nhà Quốc Hội Việt Nam Cộng Hoà chiều ngày 30 tháng 4 ấy, và còn có rất nhiều vị quân nhân Việt Nam Cộng Hòa khác đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên khắp 4 vùng chiến thuật và nhiều không kể xiết những người vượt biển, vượt biên đi tìm Tự Do đã kết liễu đời mình để tránh nỗi nhục bị Việt Cộng tra khảo hành hạ hoặc bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp tàn bạo.
Dù đã 42 năm qua rồi mà tôi vẫn không quên hình ảnh cô Tống Nữ Bích Hà, em gái út của ba tôi, đã uống độc dược quyền sinh chiều ngày 30 tháng 4 khi hay tin Việt Cộng từ miền Bắc đã vào tới Sài Gòn. Cô không muốn bị chồng cô (chú H) từ bên kia chiến tuyến quay về hạch hỏi vấn tội cô. Cô tôi đã đi theo Việt Công vào mật khu để gặp chồng cùng hoạt động với chú, nhưng sau đó vì quá kham khổ cô sinh đủ chứng bệnh đành trốn về Hội An, tiếp tục nghề dạy học, ở với bà Nội tôi và cuối cùng tự sát để bảo tồn danh dự của chính mình.
Vẫn còn đấy trong cõi riêng sâu kín của” con tim Việt Nam” của tôi hình ảnh hai người bạn gái đã lìa trần vào ngày Quốc hận 30 tháng 4, 1975:
Bạn Nguyễn Thị Nga đã học cùng trường nữ tiểu học Hội An và trường trung học Trần Quý Cáp với tôi, sau này Nga đi dạy tiểu học. Trong chuyến tàu vượt biên tìm đến bến bờ Tự Do, khi Nga bị hải tặc Thái Lan lên tàu của chị và bắt đàn bà con gái còn trẻ mang ra nhốt riêng để thỏa mãn nhục dục thì chị đã can cường nhảy xuống biển sâu tự vẫn.
Người sau cùng nhưng rất gần gũi, thân mật với tôi vì chúng tôi cùng ở một phòng tại Đaị Học Xá Viện Đại Học Đà Lạt trong 3 năm liền 1963-1966 và cũng đi về trò chuyện vui đùa với nhau, cùng ngồi học một lớp ban Văn Chương Việt Nam Đaị Học Văn Khoa Đà Lạt
em Lưu Thị Bích Đào, hoa khôi xinh xắn dễ thương, hao hao giống tài tử Audrey Hepburn với đôi môi đỏ chúm chím, mái tóc ngắn ngủn và má lúm đồng tiền rất duyên dáng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương viện Đaị Học Đà Lạt, Bích Đào đám cưới với người em yêu Dược Sĩ Trần X Chiểu mà trước đây đã bị ông anh Cả ngăn cản, nên Bích Đào phải đợi lúc ông anh này vì bệnh hoạn lâu ngày không còn sức kiểm soát chuyện tình cảm của cô em út xinh đẹp- đã làm vô số trái tim nam sinh viên Đại Học Xá Viện Đại Học Đà Lạt xao xuyến thổn thức – mới lấy chồng
và về dạy học ở trường Trung Học Cần Thơ. Vào mấy ngày cuối tháng 4, gia đình Bích Đào- Chiểu và 3 con nhỏ tìm đường vượt biên theo mối lái của một chủ tàu đánh cá. Không ngờ người này lại lường gạt cả nhóm để lấy vàng , lấy tiền rồi sau đó ngầm báo tin cho Công An theo dõi chặn đường và bắt buộc đoàn người phải trở về nhà. Về tới nhà thì nhà của Bích Đào đã bị cán bộ phường chiếm giữ không cho vào và đòi tống giam tất cả 5 người. Lựa chọn sau cùng của Chiểu và Bích Đào là đến tá túc tạm tại nhà một người quen rồi sáng sớm hôm sau Chiểu dùng ống tiêm chích độc dược cho 3 con nhỏ, cho vợ và cuối cùng cho chính mình. Tội nghiệp, oan uổng cho Chiểu, thuốc không còn đủ để kết liễu đời anh nên anh vẫn còn sống. Khi gia đình Bích Đào hay tin, quá đau khổ vì cái chết của 4 mẹ con Bích Đào, họ đã gọi công an tống giam Chiểu. Vào nhà tù, Chiểu trở nên mất trí, điên loạn và cuối cùng cũng tìm cách thoát ly cõi
trần ai khốn nạn và nỗi hối hận dày vò vì quyết định chấm dứt cuộc sống của vợ con trước khi tự sát!
Từ năm 1975 đến nay, vào tuần lễ cuối tháng 4, tôi luôn tưởng niệm và đọc kinh cầu siêu cho các hương hồn quý liệt sĩ “Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần” cùng tất cả quân nhân Việt Nam Cộng Hoà, các nạn nhân trong biến cố đổi đời kinh hoàng cùng 3 người thân thương đã lặng lẽ chấm dứt cuộc đời trong buồn đau, tủi hờn. Từ ngày chùa Hoa Nghiêm được xây dựng rộng rãi, khang trang, tôi đã đưa ra ý kiến xin thầy Trù Trì cử hành lễ cầu siêu trọng thể cho tất cả oan hồn tử sĩ, nạn nhân tuẫn tiết trong ngày 30 tháng 4 dương lịch hàng năm. Thầy Trù Trì và ban hộ trì tam bảo đã chấp thuận, thành thử Chủ Nhật 30 tháng 4 năm nay, chùa Hoa Nghiêm cũng sẽ cử hành Lễ Cầu Siêu cho toàn thể anh linh vị quốc vong thân cùng đồng hương tử nạn, kính mời quý vị vẫn chưa quên được niềm Đau Dai Dẳng ngày 30 tháng 4 đến Chùa Hoa Nghiêm
9111 Backlick Road
Fort Belvoir, VA 22060
để cùng nhau chúng ta dâng nén tâm hương tỏ bày lòng Tri Ân cảm phục đến những ai đã nằm xuống đắp đường cho chúng ta tiến tới ánh sáng Tự Do.
“Tôi có mình tôi rất ngậm ngùi
Bốn mươi lần đếm tháng Tư rơi
Chén đắng sao ai mời uống mãi
Bên dòng bi sử dật dờ trôi…” PXT
Giây Phút Phù Du.
* Lê Mộng Hoàng
Hôm nay là Good Friday, ngày thứ Sáu trước lễ Phục Sinh. Hoa Anh đào trong xóm Sleepy Hollow Run nở rộ, rực rỡ, thơ mộng. Mỗi lần có cơn gió đến các cánh hoa đào bay phất phơ từng đàn trong gió giống như cảnh trữ tình qua câu thơ:
“Lá đào rơi rắc lối thiên thai…” (Tản Đà)
Từ cửa sổ nhà mình nhìn ra, tôi cảm thấy thích thú và vui ghê vì các loài hoa đang thi nhau khoe sắc thắm, hoa Dogwood màu hồng đậm, hoa Azelea (Đỗ Quyên) màu đỏ, màu trắng, hoa Anh Đào màu hồng, hoa Daffodil màu vàng, hoa Tulip (Uất kim cương) màu cam, hoa Carmelia (Trà Mi) màu rượu chát đỏ, hoa Pansy màu tím, màu vàng. Thật đúng là:
“Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa đã nở
Trong vườn Tình Ái của hồn tôi” (Xuân Diệu)
Mà cuộc tình này đã kéo dài 31 năm rồi, vẫn còn vui. Nhìn đồng hồ thấy đã 4 giờ rưỡi, tôi vội vàng đi thay áo quần. Huyền dặn: “Anh sẽ về sớm để chụp hình em và hoa đào”. Sân trước nhà tôi có hai cây Anh Đào và hai cây Dogwood nở hoa màu hồng đậm nên trông rực rỡ cả một góc trời. Mặc bộ suit màu tím hoa sim thêm cái mũ cùng màu tím có vành rộng tím đậm tôi theo H. ra sân. Anh chụp liên miên, bảo tôi thay đổi vị trí từ cây hoa Anh Đào qua cây hoa Dogwood đến khóm hoa Azelea, rồi đến con đường trong xóm. Cả xóm là một lối thiên thai, toàn hoa đào tươi thắm.
Mặt trời sắp lặn, hết nắng rồi nên chúng tôi vào nhà. H. lo đi tập chạy bộ (treadmill) còn tôi lo đi nấu cơm chiều. Nhà tôi đang ở, bếp, phòng ăn, phòng chơi gia đình và 3 phòng ngủ đều nằm ở tầng trên. Tầng dưới gồm phòng khách, phòng của Mẹ tôi, phòng ăn cho khách nay làm phòng computer và tập thể dục và phòng giặt giũ.
Trước khi thay áo quần để đi xuống bếp tôi đứng trước gương ngắm nghía bộ đồ màu tím hoa Sim mà tôi rất yêu thích và chiếc mũ xinh xắn. Kể ra một bà già đã 66 tuổi mà vẫn còn những lúc vui sướng vì chọn được màu áo mình yêu thích thì cũng mừng thật! Tôi không thích nữ trang đắt giá (hột xoàn, cẩm thạch), cực chẳng đã khi đi dự tiệc cưới thì cũng phải đeo chút đỉnh với thiên hạ nhưng ngày thường tôi không muốn vướng bận vì các của nợ ấy. Hành trang thường ngày của tôi là 1 backpack (túi đeo sau lưng), 1 xách tay có ngăn để đựng vé Metro, đôi giầy ba ta, áo quần xuềnh xoàng nhưng phải hợp màu-từ áo cánh, áo khoác, quần, áo choàng mùa đông (coat) và mũ. Theo tôi, người đàn bà không biết hòa hợp màu sắc là đã mất đi 20% duyên dáng mà trời dành riêng cho phái nữ rồi! Trong bao nhiêu năm đi làm ở Washington D.C. hoặc Maryland tôi đều dùng tàu điện Metro và cảm thấy thoải mái vì khỏi lo sợ kẹt xe như các người lái xe hơi. Tôi chỉ lái xe các ngày cuối tuần thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật.
Trở lại với ngày Good Friday, tôi đang lui cui nấu ăn trong bếp thì nghe tiếng H. gọi từ dưới lầu: “Hoa ơi Hoa” và gì nữa tôi không nghe rõ nên Dạ một tiếng lớn và chạy vội đến chỗ thang lầu để hỏi anh ấy nói gì. Chân tôi vừa bước ra khỏi cánh cửa bếp thì nghe tiếng lẻng kẻng tôi thụt lùi lại. Cả bức tường bằng kính rơi xuống cắt ngang lưng tựa của chiếc ghế gỗ Cherry rất chắc chắn. Mảnh kính bay đến chân tôi, may mà tôi có mang tất. Tôi la lên một tiếng “A!” rồi niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Chỉ cần tôi chạy nhanh hơn 1 hoặc 2 giây là thân hình tôi đã bị cắt từng đoạn rồi! Đây là sự nhiệm mầu của Phật Quán Thế Âm; Ngài đã độ trì cho tôi. Mặc dù tôi chấp nhận sự chết vì biết rằng ai rồi cũng có ngày phải chết nhưng chết chém như chiếc ghế gỗ trước mắt tôi thì thê thảm quá!
Ông xã tôi từ dưới lầu chạy lên vừa hỏi: “Chi rứa, chi rứa?” Nhìn cảnh tượng kính bể ngổn ngang ổng cũng sợ luôn! Kính này rất dày, bề ngang 4 feet bề cao 8 feet nên nặng trịch. Tôi nói với ảnh: “Huyền, từ nay em phải làm nhiều việc thiện hơn nữa mà anh đừng có cản. Đúng là có Phật độ cho em.” Huyền im lặng. Tôi đoán trong giây phút đó anh đã cảm nhận được nỗi Vô Thường của đời sống này. Chỉ một giây phút phù du thì tất cả đều biến mất! Nhan sắc, tiền tài, danh vọng, kiến thức, gia đình, bằng hữu. Có còn chăng chỉ là chút từ tâm và hạnh Hỷ Xả tôi mang theo về bên kia thế giới. Câu nguyện cầu của tôi mỗi buổi sáng vẫn còn hiệu lực: “ Xin Phật phù hộ cho con Làm Điều Lành, Tránh Điều Dữ. Sớm đem cho người thêm niềm vui. Chiều giúp người bớt khổ”
Từ hôm nay, Good Friday 14 tháng 4 con xin cố gắng làm nhiều việc thiện nguyện hơn nữa. Chiếc ghế bị cắt ngang lưng chắc tôi sẽ giữ làm kỷ niệm để nhắc nhở tôi và các người tôi thương về biên giới giữa Cái Chết và Sự Sống chỉ là một Giây Phút Phù Du, không biết trước, không phải chờ đợi 80-90 năm đâu!
Khi đã hoàn hồn tôi mới gọi điện thoại cho em tôi DL ở CA, vì biết giờ ấy DL còn đang ở sở. Cô y tá bảo “Bác sĩ đang mổ răng cho bệnh nhân xin cô để lại message bác sĩ sẽ gọi lại.”
Nửa giờ sau khi DL gọi, tôi vẫn còn kinh hoàng vì tai nạn xảy ra. Thử tưởng tượng trước đó 10 phút khi tôi đứng trước gương ngắm nghía bộ đồ màu tím tôi yêu thích nếu kiếng rơi xuống thì thân xác tôi còn lại gì? Hoặc tai nạn này xảy ra vào dịp hội họp gia đình có đông đủ bà con, thường tôi sắp một dãy ghế trước bức tường có kiếng ấy để các cụ ngồi. Em tôi bảo: “ Nghe chị kể mà em đã run cả người rồi!” Mà đúng như vậy, thật là khủng khiếp khi bức tường kiếng này đổ xuống vào ngày có đông người!
Tôi nhớ đã có lần trong bài giảng của một Linh mục chương trình Áng Sáng Tin Mừng, ngài bảo: “ Thượng Đế đã nhiều lần gửi thư Cảnh Cáo đến cho bạn mà bạn cứ làm ngơ như không thấy, không nghe, không biết đến Sự Chết, mỗi khi bạn bị tai nạn hoặc đau ốm hoặc bị mổ xẻ là một lần bạn phải tỉnh thức.”
Hôm nay là ngày cảnh giác khó quên cho tôi và cho gia đình bà con thân thương của tôi. Hai tấm kính nhỏ hai bên đã được tháo xuống, bức tường sẽ trở lại nguyên hình dáng cũ. Tôi nghĩ trước khi bán căn nhà này cho chúng tôi chủ nhà đã gắn kính to và dày khắp bức tường với dụng ý khiến phòng ăn nhìn rộng hơn. Thế là đã 20 năm tấm kính nằm yên, an bình với kỹ thuật quá thô sơ; dùng một thứ keo (nail gel) màu đen phết lên tường từng vệt nhỏ; có độ 12 hoặc 14 vệt như thế rồi dán tấm kính lớn vào tường.
Nếu không có sự che chở huyền diệu của Ơn Trên, Trời Phật, Tổ Tiên, Ông Bà thì gia đình chúng tôi đã gặp tai nạn thảm khốc. Ngày hôm sau, thứ bảy khi Sam con trai út của tôi đang đi vacation ở North Carolina cùng vợ nó gọi tôi, tôi đã nói với con: “Ngày hôm qua, thứ sáu con suýt mất Mẹ trong một tích tắc. Mẹ muốn nói với con điều này: “Tiền bạc, của cải, kiến thức, danh vọng trên đời này đều là Tạm Bợ chỉ có Từ Tâm và Hạnh Bố Thí, giúp đỡ người khác mới bền lậu mà thôi, đừng có nghĩ mỗi tháng tôi dành dụm $10.000 đô thì trong hai năm chắc chắn tôi sẽ đủ tiền đặt cọc mua một căn nhà vừa ý, không chắc đâu.” Nghe con cười qua điện thoại tôi nói thêm: “Có lẽ con nghĩ rằng Mẹ tiêu cực quá, have negative thought nhưng đây là lời nói rất thành thật của Mẹ. Nhớ đến Mẹ là nhớ CHIA XẺ, GIÚP ĐỠ mọi người, nhớ làm VIỆC THIỆN”
Không hiểu con tôi có biết đây cũng là lời trối trăn, là mong ước duy nhất của mẹ nó không?
Ngày 30 tháng 4 gần kề, tôi nhớ lại cảm giác lo sợ ngổn ngang khi tôi ẵm con gái LINA lúc ấy mới 4 tuổi lên Tân Cảng tìm cách đi trốn nhưng không được, đành trở về. Cuối cùng thì Phật đã đưa đẩy cho mẹ con tôi đi cùng chuyến với gia đình người cô của LINA, bác sĩ H. vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 bằng phi cơ tới đảo Guam để sau này tôi mới có cơ may bảo lãnh Mẹ và các em, các cháu đến miền đất tự do này.
Biết bao sinh mạng đã mất đi trong cơn Quốc biến, trong sóng gió bão bùng của biển sâu, tron g đói khát sức nóng của sa mạc và trong cơn cuồng si giận giữ của các kẻ cướp biển, cướp bộ. Hàng triệu người đã nằm xuống cho mẹ con tôi có được ngày an bình hôm nay. Năm 1975, một cặp vợ chồng bạn tôi ở Los Angeles Thái Tú Hạp-Ái Cầm cũng đã trải qua giây phút giữa Sống và Chết như tôi vào ngày 14 tháng 4 vừa qua khi tàu của họ bị đắm sau cơn bão. Gia đình Hạp đã thoát nạn, nay Hạp-Ái Cầm cùng một số bạn “ có lòng”, biết rõ giá trị vĩnh cữu của tâm linh cùng góp công, góp sức xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân (XDTĐTN) tại Westminster Little Sàigon, CA trong khuôn viên chùa Bảo Quang để khắc tên các nan nhân đã bỏ mình trong biển cả trên đường đi tìm TỰ DO. Hai bạn nhờ tôi làm liên lạc viên ở miền Đông Bắc để kêu gọi sự đóng góp của quý vị hảo tâm giúp cho công tác XDTĐTN được hoàn tất mỹ mãn.
Có Tin Vui Trong Tháng Tư Buồn.
* Lê Mộng Hoàng
Ngày 14 tháng 4 năm nay 2010 ban Quản Trị của Hệ Thống Thư Viện quận Fairfax (Fairfax County Public Library) đã vinh danh và ghi ơn Cộng Đồng người Mỹ gốc Việt tại Virginia (VA) Maryland (MD) và Washington DC (DC) trong buổi lễ cấp bằng tưởng thưởng cho các thiện nguyện viên đã cộng tác, giúp đỡ các thư viện trong quận Fairfax năm 2010 gọi là “2010 STAR VOLUNTEER AWARDS PRESENTATION” tổ chức tại thư viện George Mason 7001 Little River TurnPike,Annandale,VA 22003.
Sở dĩ có việc vinh danh cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại VA-MD-DC là vì cách đây 3 năm vào tháng 7 năm 2007, bà Quận Trưởng quận Mason Penny Gross có cho Ủy Ban Yểm Trợ Phòng Đọc Sách Tiếng Việt(UBYTPĐSTV) – Thư Viện Thomas Jefferson hay rằng thư viện nầy sẽ được tân trang và mở rộng hơn, và phòng đọc sách tiêng Việt tại thư viện nầy cũng sẽ lớn hơn trước. Cũng xin nhắc lại là Phòng Đọc Sách Tiêng Việt Thư Viện Thomas Jefferson đã được khai trương vào tháng 12 năm 2005 thể theo một văn kiện đã ký giữa bà Quận Trưởng Penny Gross ,ông Giám đốc Hệ thống Thư viện quận Fairfax Edwin Clay, và hai hội Cựu Sinh Viên Quôc Gia Hành Chánh, hội Thân hữu Quảng Đà Miên Đông Hoa Kỳ. Cho đến hôm nay UBYTPĐSTV đã tặng Thư viện Thomas Jefferson hơn 2000 cuôn sách và báo chí và sẽ tiếp tục tặng thêm sau khi thư viện hoàn tất việc tân trang.
Một phái đoàn của hội cựu Sinh Viên Thân Hữu, Quảng Đà Miền Đông Bắc Hoa Kỳ đã đề nghị với bà cho phép Cộng Động Việt Nam xây 1 lối đi lót gạch tại lối vào cổng chính của thư viện và Cộng Đồng Việt Nam sẽ đóng góp chi phí xây dựng. Lối đi nầy sẽ lấy tên “Gateway to Freedom (Đường Đến Tự Do) với 3 mục đích chính:
Đánh dấu sự hiện diện của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản
Ghi lại thành quả và đóng góp của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ nhất là trong lãnh vực văn hóa và giáo dục.
Biểu tượng lòng tri ân của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản đối với đất nước Hoa Kỳ.
Dự án “Đường Đến Tự Do” và sơ đồ kiến trúc lối vào thư viện Thomas Jefferson với hơn 1,000 viên gạch có khắc tên các người Việt tỵ nạn Cộng Sản đóng góp vào dự án nầy đã được Giám Đốc Hệ Thống Thư Viện quận Fairfax Edwin Clay và bà Giám Đốc điều hành Fairfax County Library Alvah T Beauder chấp thuận.
Tháng 7 năm 2009, một ủy ban yểm trợ Dự Án “Đường Đến Tự Do” được thành lập gồm các thành viên của hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh các ông Đổ Quang Tỏa, Nguyễn Kim Hương Hỏa, Vũ Bá Hoan, Giáo sư Cao Thị Lễ và hội Thân Hữu Quảng Đà: ông Lễ Hữu Em, bà Lê Tống Mộng Hoa. Ủy ban nầy khởi sự gây quỹ cho dự án “Đường Đến Tự Do” bằng cách gởi thư kêu gọi đồng hương tỵ nạn Cộng Sản trên toàn cầu đóng góp các viên gạch tình nghĩa bằng 1 trong 2 cách:
A- Đóng góp $1,000.00 với danh nghĩa Mạnh Thường Quân (Founding Sponsors) tên sẽ được ghi vào bảng đồng lưu niệm treo tại thư viện
B- Đóng góp $50.00 cho 1 viên gạch với danh nghĩa ân nhân, tên và địa chỉ của ân nhân được khăc bằng tia Laser trên viên gạch, giới hạn mỗi gia đình 2 viên gạch.
Tất cả những đóng góp đều được gởi đến Fairfax County Library Foundation. Cơ quan nầy sẽ kiểm soát thu và cấp biên nhận miễn trừ thuế. Ủy Ban Yểm Trợ Đường Đến Tự Do cũng lập ra một website www.duongdentudo.com để liệt kê tên các Mạnh Thường Quân và các ân nhân đóng góp. Anh Nguyễn Kim Hương Hỏa , Chủ Tịch hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh đã hết lòng tận tụy design website Đường Đến Tự Do và cập nhật hàng tuần để các đồng hương khắp nơi có thể theo dõi sau khi gửi chi phiếu ủng hộ.
Đến ngày 22 tháng 11 năm 2009 chương trình gây quỹ cho Đường Đến Tự Do đợt 1 tạm thời khóa sổ. Tổng số Mạnh Thường Quân đóng góp $1,000.00 là 32 người, và có 269 ân nhân đóng góp cho một viên gạch. Số hiện kim thu nhận được là $45,450.00, số tiền nầy sau khi trừ chi phí mua gạch lát Đường Đến Tự Do sẽ được sung vào quỹ của Thư Viện Thomas Jefferson để tiếp tục mua sách tiếng Việt và mở mang Phòng Đọc Sách Tiếng Việt. Công trình xây cất thư viện đã khởi sự vào tháng 1 năm nay 2010 và dự trù hoàn tất vào cuối tháng 6 này. Ủy Ban Yểm Trợ Đường Đến Tự Do sẽ thông báo rộng rãi để mời các Mạnh thương quân và các ân nhân đến tham dự lễ khánh thành thư viện mới và Đường Đến Tự Do với các viên gạch tình nghĩa có khắc tên của họ.
Lễ cấp bằng tưởng thưởng cho các thiện nguyện viên thuộc Hệ Thống Thư Viện Quận Fairfax được tổ chức rất trang trọng với sự tham dự của toàn thể Ban Quản Trị Hệ Thống Fairfax County Public Library, khách mời danh dự là ông Dân Biểu của tiểu bang Virginia Mark Sickles và cử tọa hơn 60 người. Vừa bước vào phòng họp chúng tôi 3 người – anh Đổ Quang Tỏa và Vũ Bá Hoan, hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh và tôi Mộng Hoa, hội Quảng Đà, đã được đón tiếp niềm nở và mời ăn bánh ngọt uống cà phê, nước trà.
Buổi lễ chính thức bắt đầu lúc 7 giờ tối. bà Giám Đốc điều hành hệ thống Thư Viện quận Fairfax lên chào mừng quan khách, cảm ơn sự đóng góp tích cực và liên tục của các thiện nguyện viên và đặc biệt Cộng Đồng người Mỹ gốc Việt tại VA – MD – DC . Sau đó bà giới thiệu dân biểu tiểu bang Virginia Mark Sickles lên trao bằng tưởng lệ. Theo lời dân biểu Sickles thì sau 35 năm định cư tại Hoa Kỳ các người Việt tỵ nạn Cộng Sản thế hệ thứ 2 đã thành công trên đường học vấn, chính trường, thương trường. Họ đã đóng góp tích cực cho đất nước Mỹ. Ông nhiệt liệt ghi ơn sự đóng góp của 2 hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh và hội Quảng Đà qua dự án Đường Đến Tự Do đã tặng cho thư viện Thomas Jefferson 1 số tiền lớn. Ông nói tiếp: “Đây là lần đầu tiên Cộng Đồng người Mỹ gốc Việt tại Virginia hiến tặng một món quà có giá trị và có ý nghĩa cho nhân dân và tổ quốc Hoa Kỳ.”
Ông trao tặng phái đoàn của Ủy Ban Yểm Trợ Dự Án Đường Đến Tự Do một tấm bảng sơn mài trên có ghi dòng chữ bằng đồng:
The Fairfax County Public Library
Presented to:
Vietnamese & American Community
For Outstanding Contributions
to the Fairfax County Public Library
April 14, 2010
Cả 3 người trong Ủy Ban Yểm Trợ Dự Án Đường Đến Tự Do, anh Tỏa, anh Hoan, và Mộng Hoa đã chụp hình chung với dân biểu Sickles trong tiêng vỗ tay chúc mừng của cử tọa hiện diện. Buổi lễ tiêp tục với phần trao bằng tưởng thưởng cho 11 thiện nguyện viên đã đóng góp 1,000 giờ làm việc giúp đỡ các thư viện John Marshall, KingsPark, Kingstowne,Pohick, Reston, Sherwood, Tyson-Pimmit và văn phòng của City of Fairfax trong năm vừa qua. Có 2 thiện nguyện viên đã đóng góp 3000 giờ công tác nhiều hơn cả là bà Ruth Pietrowicz đã đóng góp 7,500 giờ công tác.
Phần sau cùng nhưng cũng là phần gây chú ý và sự cảm phục của cử tọa là khi dân biểu Sickles trao bằng tưởng thưởng cho các thiện nguyện viên xuất sắc đã cống hiến, giúp đỡ các thư viện Chantilly, John Marshall, Kingtowne, Patrick Henry, Reston Woodrow Wilson trong các phần vụ như bán sách sale, kiểm soát sách đã mượn vượt quá thời gian ấn định, lập website, sửa chữa máy computer… Đa số thiện nguyện viên là các người Mỹ cao niên đã hưu trí, có một bà cụ đã 90 tuổi mà còn rất khoẻ và vui tính (Cụ Jean Bahler.) Trong thiểu số người trẻ đã tình nguyện giúp đở thư viện có cậu LÊ NGUYÊN, người Việt mới 22 tuổi đang theo học tại Đại Học George Mason đã được thư viện Woodrow Wilson tri ân vì công lao sửa chữa computer và design web site cho thư viện. Ngồi nghe dân biểu Sickles ca tụng, tán dương cậu Lê Nguyên trẻ tuổi, người Việt Nam duy nhất trong số 25 vị ân nhân của hệ thống thư viện quận Fairfax mà lòng tôi sung sướng và hãnh diện vô chừng! Tôi chạy đến bắt tay Nguyên và mời em tham dự lễ khánh thành “Đường Đến Tự Do” của thư viện Thomas Jefferson cuối tháng 6.
Mặc dù 35 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau mất nước, nỗi nhớ thương những người bạn, người thân đã bỏ mình trên biển cả, trong ngục tù sau biến cố 30 tháng 4 vẫn còn đây, khó mà quên được! Tháng tư vẫn còn là Tháng Tư Đen, tháng 4 buồn nhưng nhìn lại các thành quả tốt đẹp trong mọi lãnh vực của các người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi thế hệ thứ 2, thứ 3 đã đạt được sau 35 năm và ngay giờ phút ấy sự dấn thân giúp ích của người trẻ Lê Nguyên đã gieo trong trí tôi một niềm hy vọng lóe sáng: sẽ có nhiều Lê Nguyên ở khắp nơi trên nước Mỹ – vừa đi học toàn thời gian, đi làm toàn thời gian mà vẫn dấn thân giúp ích – sẽ có nhiều Gateway To Freedom Đường Đến Tự Do ở khắp các thư viện công cộng của các tiểu bang khác, sẽ có phòng đọc sách tiếng Việt tại các thư viện ấy để bày tỏ với nhân dân Hoa Kỳ rằng người Việt Nam luôn luôn mong muốn Tự Do và luôn nhớ ơn các người đã ban ơn cho họ.
Rồi một ngày nào đó không xa, tháng tư sẽ không còn là tháng tư buồn, Tháng Tư Đen, mà sẽ là tháng tư xanh, tháng tư Tự Do, chúng ta sẽ cùng nhau trở về Việt Nam, một Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự do, thoát khỏi ách Cộng Sản và được điều hành bởi các người trẻ thế hệ thứ 3 tài giỏi, có lòng tốt biết dấn thân giúp ích như Lê Nguyên kể trên.
4/20/2010
Lê Mộng Hoàng
Món Quà Tết Nhỏ, Niềm Hy Vọng Lớn…
* Lê Mộng Hoàng
Trúc thân mến,
Năm nay quà Tết chị gởi cho em không có bánh chưng, bánh tét, mứt như mọi năm mà lại có các loại nut (cashew, walnut, pecan, peanut) và một chiếc khăn quàng màu tím.
Chị vừa nhận được Email tuần trước về “cách làm mứt kém vệ sinh” bên Việt Nam, 2 phần mứt 1 phần ruồi sa vào nước đường xên mứt, nên hãi hùng quá không dám đụng đến mứt Tết nữa – cho dù mứt bán tại Mỹ – Còn chiếc khăn quàng màu tím xinh xinh ấy thì lại rất đặc biệt; khăn quàng nầy có lịch sử kéo dài 22 năm phấn đấu với bệnh tật, buồn chán tuyệt vọng bất hạnh của người con gái làng Thanh Hà bên bờ sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam mang tên Bùi thị Phước Hạnh.
Phước Hạnh sinh ra trong một gia đình đông con , nghèo khó với tất cả 10 anh chị em. Ba em làm nghề thợ hồ rất vất vả để kiếm sống và nuôi nấng đàn con, vì thế Phước Hạnh sau khi học xong bậc tiểu học phải lo phụ giúp ba trong công việc xây cất nặng nhọc. Năm em lên 18 tuổi, tuổi trăng tròn tươi đẹp nhất của cuộc đời thiếu nữ thì Phước Hạnh bị một tai nạn lao động trong lúc đẩy xe chở gạch cùng với ba lên dốc đến công trường xây cất. Một xe vận tải đã đụng vào xe chở gạch khiến tất cả gạch đổ xuống đè lên người em. Phước Hạnh bị tê liệt cột xương sống và luôn cả 2 chân!
Từ ngày đen đủi, rủi ro ấy (năm 1990) Phước Hạnh không còn đi lại được nữa, phải nằm luôn trên giường, vì nằm mãi trên chiếu nên lưng em bị ngứa ngáy lột da khó chịu. Trong tình trạng bi thảm nầy, Phước Hạnh tưởng chừng như mình không thể sống nổi, chỉ còn biết nằm chờ chết! Nhưng với thời gian, nỗi bất hạnh cũng vơi đi. Trong bài viết “Tấm Gương Sáng Vượt Khó của Bùi Thị Phước Hạnh” do anh Lưu Viên một đồng hương Quảng Nam (em chị Lưu Thị Ngâu) ở Sài Gòn thường quan tâm giúp đỡ các em khuyết tật Hội An, Phước Hạnh đã tâm sự: “Ngày lại ngày tôi cứ nằm với hai chân bất động trên giường và chỉ làm bạn với bốn bức tường mà thôi. Rồi đến năm 1994, có mấy người bạn cùng cảnh ngộ đến thăm và bầu bạn với tôi, những người bạn đó đã đem lại niềm vui cho tôi, giúp tôi có được niềm tin vào cuộc sống. Lúc đầu chỉ có mấy chị em thôi, nhưng dần dần những người bạn cùng cảnh ngộ tìm đến với nhau rất đông và chúng tôi thành lập một nhóm có tên là “Chi Hội Thanh Niên Khuyết Tật Hội An”, hàng tháng chúng tôi đến với nhau vào ngày 12 âm lịch mỗi tháng, để giao lưu và thăm hỏi lẫn nhau. Tôi thấy tinh thần tôi rất phấn khởi và nỗi buồn của tôi cũng đã tan biến tự lúc nào tôi cũng không hay biết.Tôi bắt đầu học đan len và đã đan được những tấm khăn quàng cổ, bí tất , mũ trẻ em khi có người dặt hàng và sống lây lất qua ngày. Nhờ vậy mà mấy năm qua tôi sống rất vô tư và vui vẻ. Nhưng bây giờ tôi lại có một nỗi lo riêng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba mẹ nay đã già yếu, tôi thì bệnh nặng vì suy dinh dưỡng (tôi chỉ còn nặng 31 kí lô). Mọi việc sinh hoạt hằng ngày tôi phải nhờ đến ba mẹ giúp đỡ như bồng ra xe lăn vì tôi không thể tự đi được. Vì thế tôi rất buồn và lo lắng cho tương lai của mình.
Hằng ngày tôi nằm trên giường đan khăn quàng, bí tất và mũ trẻ em khi có người đặt đan. Tôi cũng được tổ chức từ thiện Lifestart foundation của Úc cho đi học lớp làm tấm thiệp bằng tay (hand made card) với một nhóm gồm 5, 6 bạn cùng cảnh ngộ”.
Hạnh nói : “Dù cuộc sống hiện tại của gia đình tôi còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn tin vào cuộc sống, trong đó có nhiều tấm lòng nhân ái, những cánh tay rộng mở luôn sẵn sàng đón nhận những người kém may mắn như tôi .Những tấm lòng từ thiện nhân ái từ các cô chú anh chị ở khắp mọi nơi có thể đặt hàng đan qua địa chỉ e-mail của một người bạn thân của tôi sau đây: Bùi thị Phước Hạnh email: nhatpt2001@ yahoo.com hoặc trực tiếp liên hệ theo địa chỉ: Khối 7, phường Thanh Hà, Thành phố Hội An. Quảng Nam”.
Tuy nhiên việc đan khăn quàng, mủ, tất cho trẻ em tại Phố Hội nhỏ bé không khá nổi, không giúp Phước Hạnh khả dĩ kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân. Sau khi đọc bài viết của anh Lưu Viên, vài đồng hương người Quảng trong đó có chị đã gởi tiền giúp Phước Hạnh mua tấm nệm nước để nằm thay chiếc chiếu may ra lưng của em sẽ bớt lở lói ngứa ngáy.
Năm ngoái 2011 khi nghe anh Khuê, trong ban Bảo Trợ các em Khuyết Tật Hội An nhắc đến hoàn cảnh bế tắc, bất động đáng thương của Phước Hạnh, chị nảy ra ý nghĩ đặt cọc một số khăn quàng của Phước Hạnh đem qua Virginia làm quà tặng Giáng Sinh và Tết cho các vị bác sĩ, nha sĩ của gia đình mình cùng các bằng hữu thân mến.
Trên mỗi chiếc khăn có ghi vài giòng chia xẻ tâm tình của người con gái hiếu thảo đã đánh mất tuổi xuân” một cách bất ngờ tội nghiệp! “This scarf was handmade by a girl named PHUOC HANH BUI in Quang Nam, Viet Nam, whose legs were paralyzed in 1990 by an accident while she helped her father with constructuion job. HANH was 18 years old at that time. She cannot walk anymore and has to stay in bed! Now she tries very hard to knit these colorful scarves at Mong Hoa’s suggestion. Thank you for using this “scarf of Hope, Patience and Love” and helping our Charity Group of VA-Affection to bring a little sunshine to HANH’s dark days ( Khăn quàng nầy được đan bằng tay bởi người con gái tên Bùi Phước Hạnh cư ngụ tại Quảng Nam, Việt Nam, đã bị liệt cả 2 chân trong một tai nạn năm 1990 trong lúc phụ giúp cha làm việc xây cất. Năm ấy Phước Hạnh vừa tròn 18 tuổi. Cô không còn đi lại được nữa, và phải nằm bất động trên giường. Bây giờ theo sự đề nghị của Mong Hoa, Hạnh đã cô gắng đan các khăn quàng nhiều màu sắc nầy. XIN CẢM ƠN bạn đã dùng “chiếc khăn quàng của Niềm Hy Vọng, đức Kiên Nhẫn và Tình Thương” và giúp NHÓM TỪ THIỆN TÌNH THƯƠNG VIRGINIA đem chút ánh nắng ấm áp vào chuổi ngày đen tối của Hạnh).
Chị gởi về Phước Hạnh một số tiền để mua len đan thử 20 khăn quàng. Phước Hạnh đã làm theo ý chị và gởi sang Mỹ với sự giúp đỡ của một đệ tử của sư cô Ấn Liên về thăm Việt Nam đem qua Ohio. Christmas năm nầy thay vì tặng kẹo chocolate cho các bác sĩ, nha sĩ như nhiều năm trước, chị đã biếu họ các khăn quàng màu xanh, màu xám, màu hồng, màu nâu do Phước Hạnh đan.
Bác sĩ gia đình Pamela Alexandra đã viết: “Thank you very much for the lovely knitted scarf made by Phước Hạnh Bùi. She is fortunate to know such generous people who pass on her work” (Cảm ơn bà nhiều lắm về chiếc khăn quàng xinh đẹp do Bùi Phước Hạnh đan. Cô nầy may mắn quen biết những người có lòng rộng lượng đã truyền bá sản phẩm của cô).
Bác sĩ nhãn khoa Carlson, người đã từng tự nguyện về Gò Công, Việt Nam mổ mắt cataract cho dân quê nghèo cùng với một phái đoàn bác sĩ Hoa Kỳ năm 2006 đã viết mấy giòng cảm ơn: “Thank you so much for the beautiful scarf made by Phước Hạnh Bùi. This is the nicest, most meaningful gift of this year”(Cảm ơn bà rất nhiều với chiếc khăn quàng xinh xắn làm bằng tay bởi Bùi Phước Hạnh. Đây là món quà đẹp và có ý nghĩa nhất trong năm nay đối với tôi).
Còn Trúc thì đã hài lòng thật nhiều khi nhận được “chiếc khăn quàng màu tím” và đã bàn với cô bạn My Vân và các bạn ở NA UY nảy ra ý định tuyệt vời là đặt mua 32 khăn quàng cho 24 em gái và 8 em trai mồ côi ở nhà thờ Phước Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị!
Chị vô cùng sung sướng khi nghe Trúc gọi điện thoại nhờ chị bảo Phước Hạnh lo đan 32 cái khăn nầy. Tuần trước chị đã nói chuyện với Phước Hạnh và gởi một số tiền thưởng Hạnh khi chị nhận được 20 khăn quàng của Hạnh. Phước Hạnh vui lắm, chị có thể tưởng tượng ra nụ cười tràn đầy Hy Vọng của cô gái dễ thương nầy. Sáng thứ hai vừa rồi khi nghe nói “Bạn cô Mộng Hoa muốn đặt 32 khăn quàng, khi nào Phước Hạnh làm xong cô sẽ nhờ người gởi đi qua bưu điện” Phước Hạnh cảm ơn rối rít, thật đáng mừng!
Xin THÂM TẠ những tấm lòng nhân ái, vị tha đã mau mắn nhận thức được giá trị, công sức, sự cố gắng vượt qua cơn đau nhức, buồn rầu của người con gái “bất hạnh” mang tên “Phước Hạnh” để ngày nầy qua ngày nọ đan từng mũi nhỏ dệt thành tấm khăn quàng của Hy Vọng, của Nhẫn Nại và của Tình Thương”; tình người đồng hương của Trúc, My Vân; tình nhân loại của các bạn người Na Uy, Úc, Mỹ các bác sĩ Alexander, Carlson….
Mong rằng tình thương vị tha, bao dung nầy sẽ mang lại ánh nắng ấm áp cho khoảng đời còn lại tẻ lạnh của Phước Hạnh, chiếu sáng Niềm Hy Vọng mà em đang cố gắng vun bồi.
Nếu có ai mở lòng muốn dùng các” chiếc khăn quàng của Hy Vọng” nầy thì xin liên lạc qua địa chỉ của Phước Hạnh trên đây hoặc qua
Charity Group of Virginia Affection (Nhóm Từ Thiện Tình Thương VA)
6543 Renwood Lane
Annandale, VA 22003
(703) 354 – 0051
hoặc vào website www.tuthientinhthuongva.com
Năm mới sắp đến cầu chúc em và cả nhà luôn được Thân Tâm An Lạc, riêng em sức khỏe mỗi ngày mỗi khả quan để tiếp tục dấn thân giúp các người nghèo khó, các trẻ em mồ côi và 32 đứa con của em và My Vân đang trông cậy vào Mẹ Trúc và Mẹ My Vân. Cảm ơn em thật nhiều!
Lê Mộng Hoàng
TÌNH NGHĨA THẦY TRÒ
** tác giả: Lê Mộng Hoàng **
Tôi bắt đầu nghề “Gõ đầu trẻ” ở quê tôi, tỉnh Quảng Nam, trường trung học Trần Quý Cáp từ năm 1966 cho đến nay 2015 là gần nửa thế kỷ – 49 năm.
Sau khi thi xong chứng chỉ Ngữ Học Việt Nam để hoàn tất mảnh bằng Cử Nhân Giáo Khoa Văn Chương tại đại học Văn khoa, Viện Đại Học Đà Lạt tháng 5/1966, tôi bị bệnh “Phó Thương Hàn” (Paratyphoid) lên cơn sốt, co giật chân tay trong lúc cư ngụ tại Cư Xá Nữ Sinh Viên trong khuôn viên Viện Đại học Đà Lạt. Các chị em cùng cư xá hoảng sợ phải cầu cứu Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập, ngài bèn cho tài xế chở tôi vào bệnh viện Đà Lạt điều trị. Bác sĩ giám đốc bệnh viện thời ấy là người Pháp, quen với Cha Lập nên tôi được Cha gởi gắm, tôi phải nằm nhà thương 10 ngày, đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải “nằm một chỗ” không đi lại, không hoạt động. Các chị em sinh viên cùng cư xá như Bích Lan, Bích Đào, Ngọc Điệp, Kim Châu, Mỹ Linh, Kim Huê, Ngọc Yến thay phiên nhau vào bệnh viện ngủ lại săn sóc “Chị Cả”. Thật là chí tình – tôi được các em bầu làm Chị Cả đại diện cho 13 nữ sinh viên của cư xá
.
Đến ngày thứ 9 trước khi tôi rời bệnh viện thì bác Bảy , tài xế của Cha Viện Trưởng vào phòng báo cho tôi biết “Cha Viện Trưởng sẽ đến thăm cô” tôi rất ngạc nhiên, lo ngồi dậy sửa soạn đón ngài.
Tuy tôi là một Phật tử nhưng tôi rất kính mến và khâm phục tấm lòng nhân ái, quảng đại và hòa nhã, khiêm cung của Cha Lập. Ngài luôn gần gũi sinh viên, nhất là các sinh viên ở những miền xa xôi lặn lội đến Đà Lạt cố tâm học tập. Lúc Cha Viện Trưởng xuất hiện, ngài có mang theo một bao thư lớn trao cho tôi và nói: “Đây là bằng Cử Nhân Giáo khoa Văn chương Việt Nam của con”. Tôi run run vì quá xúc động, cầm bao thơ mà không cầm được nước mắt!
Cha nói tiếp: “Con đậu hạng Bình và đậu Thủ Khoa kỳ thi nầy”. Tim tôi đập thình thịch, thật là bất ngờ! Cha Viện Trưởng còn cho biết: “Cha sẽ trả tiền bệnh viện cho con nên con khỏi lo xin tiền cha mẹ ở Quảng Nam”. Thưa Cha, những lời ái ngữ nầy Cha nói cách đây 49 năm mà con không bao giờ quên, có lẽ suốt đời con, tấm lòng độ lượng, nhân từ và đức hạnh khiêm nhường từ tốn của Cha đã là gương sáng của một bậc Thầy Khả Kính mà con luôn cố gắng noi theo. Tình nghĩa Thầy Trò, tình thương bao dung của Cha đối với các sinh viên trong viện Đại học Đà Lạt đã được truyền miệng lan xa khắp thành phố và các tỉnh nào có sinh viên gia đình hoàn cảnh khó khăn đã được Cha giúp đỡ. Trong đám sinh viên thời ấy đã có câu:
“Ai cần thì Cha đến
Ai thiếu thì Cha cho”
để ca ngợi lòng bác ái, yêu thương học trò của Cha Nguyễn Văn Lập.
Lúc tuổi đã cao, Cha không điều hành viện Đại học Đà Lạt nữa, được vinh thăng Giám Mục về cư trú tại nhà thờ Bình Triệu, Sài Gòn và tổ chức Chương trình “Huấn Nghệ cho các trẻ vị thành niên, bụi đời” ở Sài Gòn.
Các sinh viên ngày trước theo học Chính Trị Kinh Doanh hoặc Văn Khoa, Khoa Học tại viên Đại học Đà Lạt vẫn không quên nghĩa cử cao quý của Cha đã góp công, góp của, đồng tâm nhất trí xây dựng cho Cha một căn nhà trong khu đât của nhà thờ Bình Triệu rất khang trang rộng rãi để Cha an hưởng tuổi già. Mỗi năm đến ngày kỷ niệm Lễ Thụ Phong Linh Mục của Cha Lập, các cựu sinh viên Đà Lạt đều tụ họp lại để chúc mừng người Thầy giáo nhân từ, vị cha già giàu lòng thương người, không phân biệt tôn giáo, giới tính, đồng thời cũng để tỏ lòng biết ơn chân tình đối với ngài. Cha Lập rất hân hoan khi gặp lại các sinh viên ngày xưa nghịch ngợm, phá phách ngoài giờ học, nhiều lần hỏi mượn tiền Cha mà không trả, nay đã trở nên ông bà nội, ngoại, có cơ sở kinh doanh, có địa vị trong xã hội. Trước giờ Cha Lập được Chúa gọi về cõi Thiên Đàng, ngài có tâm tình với các người học trò tình nghĩa rằng: “Trong thời gian làm Viện Trưởng, nếu Cha có nói điều gì không đúng làm mất lòng các con thì mong các con bỏ qua cho…” Tôi nghe bạn tôi kể lại mà bái phục tâm hồn cao thượng, rộng lượng của ngài vô cùng!
Trở lại với con đường sự nghiệp gập ghềnh của tôi, sau 3 năm dạy Việt văn và Anh ngữ tại trường Trần Quý Cáp tôi lấy chồng và phải “xuất giá tòng phu” vì ông xã tôi đang dạy tại trường Cao đẳng Quốc Phòng ở Sài Gòn. Tháng 9 năm 1969, tôi thuyên chuyển vào dạy tại trường Trung Tiểu học Trung Thu trên đường Thành Thái, Sài Gòn cho đến 30 tháng 4 năm 1975.
Vì nhu cầu của trường cần giáo sư dạy Anh ngữ nên tôi chỉ dạy môn nầy cho các lớp Đệ Tam A-B mà không dạy Việt văn nữa. Hơn một năm sau tôi sinh con đầu lòng, cháu Lina – Đặng Tống Mộng Quỳnh, vào đầu tháng 11, năm 1970. Lina chỉ mới được 4 tháng tuổi mà phải mồ côi cha! Ông xã tôi Đặng Xuân Dũng bất ngờ gặp một người lính đâm xe Honda vào xe vespa của anh, nên ảnh bị chấn thương sọ não và từ trần vào tháng 3, 1971 ở tuổi 34 còn rất trẻ!
Tôi chỉ mới bắt đầu dạy tại trường Trung Thu hai năm thì biến cố đau buồn nầy xảy ra, thay đổi, xáo trộn nếp sống tinh thần lẫn vật chất của tôi!
Tôi bị “chứng mất ngủ” kéo dài nên sụt mất 12 ký thịt, trông gầy gò, ốm yếu, không còn tươi trẻ, khỏe mạnh như trước đây – dù chỉ mới 30 tuổi! Trong giờ Anh ngữ, khi dạy đến bài nào nói về hạnh phúc gia đình, những buổi sum họp đầm ấm vào các dịp lễ Thanksgiving, Christmas nước mắt bỗng dưng chảy dài trên má tôi, mặc dù tôi cố gắng cầm cự, tôi cảm thấy xấu hổ khi nghe tiếng cười của các nam sinh, nói nhỏ “Coi kìa, Cô đang khóc tụi bây ơi…” Tôi vội chạy ra ngoài hành lang thở vào thật sâu để dằn cơn xúc động lấy lại bình tĩnh rồi mới vào tiếp tục bài giảng. Các nữ sinh thì tế nhị và thông cảm với “nỗi đau thầm lặng” của cô MH nên không phê bình, cũng không cười trêu chọc. Có vài nữ sinh đã đến thăm tôi ở NTT, chơi với bé Lina và chỉ dẫn cho cô giáo làm Ô Mai Cam Thảo ngày Tết, lâu quá rồi nhưng tình cảm ngây thơ, chân thật của học trò Trung Thu ngày ấy tôi vẫn nhớ mãi, mà tên các em thì tôi không nhớ hết, chỉ còn nhớ Tuyết Lan, Kiều Nga, Phượng… Sau nầy, tháng 4 năm 1975, hai chị em Tuyết Lan-Kiều Nga có đi với Ngọc Diệp tìm đến thăm tôi và bé Lina ở trại tị nạn Fort Chaffee, Arkansas.
Tôi luôn luôn trân quý và biết ơn “những tấm lòng trải rộng”, những thăm hỏi ân cần của các bạn đồng nghiệp cô Lệ, cô Uyên, cô Lành, cô Yến, thầy Vị, thầy Hoành, thầy Sâm và của các em học sinh trường Trung Thu Sài Gòn: Đức, Sơn, Tuấn, Khương, Việt, Nhân Từ, Thông, Kim Phượng, Túy Phượng, Liên, Huỳnh Hoa, Hồng Mai, Hằng, P.Tú… đã luôn “gìn vàng giữ ngọc” duy trì Tình Nghĩa Thầy Trò sắt son, cho dù thời gian dài nửa thế kỷ và không gian xa xôi cách trở…
Tôi cũng xin ân cần cảm tạ thầy Huyền đã đem tình “yêu thương thật lòng” sưởi ấm trái tim giá băng và khiến cuộc sống 40 năm qua của tôi được thăng hoa, an lạc.
Tôi cũng luôn cảm phục và ủng hộ “Ban Tổ Chức” các cuộc Hội Ngộ Trường Trung Thu lâu nay. Mặc dù tuổi đời cũng đã cao, tôi luôn cố gắng tham dự các buổi Họp Mặt nầy để may ra gặp lại các bạn đồng nghiệp cũ, các em học trò dễ thương của “những ngày xưa thân ái” ấy, mà thật tình tôi rất mừng, các em học trò Trung Thu đúng là “ Chí Tình, Chí Nghĩa”; các em đã hy sinh thì giờ, công lao, tiền bạc để tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa thầy trò trường Trung Thu, kèm theo lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các giáo chức đã từ trần, quà tặng tình thân cho các Thầy cô đến tham dự và một chương trình văn nghệ chan chứa tình thương, nêu cao Tình Nghĩa Thầy Trò. Các buổi hội ngộ nầy đã “giữ cho đời thầy cô giáo trường Trung Thu còn Chút Dễ Thương” đó các em ơi!
CẢM ƠN CÁC EM HỌC TRÒ CŨ TRƯỜNG TRUNG THU DẤU YÊU LẮM LẮM!
Tình Nghĩa Thầy Trò thủy chung
Trải qua bao cuộc đổi thay vẫn bền
Cảm ơn tình cảm trắng trong
Món quà quý hiếm cô hằng khắc ghi.
LÊ MỘNG HOÀNG
9/21/2015
Cám Ơn Đời Cám Ơn Người
Lê Mộng Hoàng
Cám ơn đời, cám ơn người
Cho con cơ hội nói lời tri ân
Cám ơn vô lượng hóa thân
Trải con tim rộng dệt thành trang kinh **
Bốn câu thơ này của vị thầy khả kính cũng đơn giản như tư cách từ tốn thư thái của thầy. Từ ngày thầy đọc mấy câu thơ này trong một kỳ thuyết pháp tôi nhớ mãi và đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Cuộc đời này sẽ trở nên trơ trẽn, sần sùi, khô cằn nếu “thiếu vắng những lời cám ơn chơn chất, những cử chỉ biết ơn thành kính”.
Trong các ngày lễ hội của quê hương thứ hai thương mến này tôi thích nhất là lễ Tạ Ơn Thanksgiving rồi đến Ngày Cho Mẹ (Mother Day), Ngày Cho Cha ( Father Day), Christmas (Lễ Giáng Sinh) và Valentine sau cùng. Có lẽ vì tuổi đời đã chồng chất nên tim tôi không còn đủ sức nóng để háo hức đón mừng ngày lễ của Tình yêu chăng? Dù sao đi nữa lễ Tạ Ơn cũng có màu sắc đặc biệt, tràn đầy tình thân gia đình, bằng hữu, đồng nghiệp và muôn vàn người thân khác trong suốt chiều dài cuộc sống của mỗi người.
Tôi còn nhớ mãi “câu thú tội” của một anh bạn có vợ mất sớm là “Tôi chưa từng khen hoặc cám ơn bà xã tôi bao giờ, kể cũng phí ghê!”. Nhưng đã quá muộn rồi! Có ăn năn thì người ấy cũng đã đi xa; xa quá rồi. Hỡi các đấng nam nhi, cây cổ thụ vững chãi, hùng dũng, oai phong của các gia đình Việt Nam thế hệ 1935-1950 xin mời quí ông, quí bạn nhân ngày lễ Tạ Ơn vào bữa cơm thân mật của tất cả các con, các cháu hãy mở rộng tấm lòng Hỷ Xả, Vị Tha nói đôi lời cám ơn “Má bầy trẻ” đã bao nhiêu năm qua cần cù, tận tụy, im lìm, kiên nhẫn lo cho chồng, cho con. Dưới mắt tôi, một người đàn bà tầm thường, kiến thức tầm thường với 65 mùa xuân trên mái tóc muối tiêu thì không có người đàn bà nào giỏi chịu đựng, giỏi lặn lội, lo toan gánh vác việc nhà, việc làng, việc nước với thái độ “chấp nhận vô điều kiện”như người Mẹ Việt Nam. Tôi hãnh diện được có một bà Mẹ Việt Nam và được làm bà Mẹ Việt Nam với nguyên vẹn tính cách Việt Nam trong một gia đình Việt Nam, mặc dù không gian đã thay đổi, hoàn cảnh cũng phải tùy nghi ứng biến. Mẹ tôi nay đã già 91 tuổi, đã lẩn thẩn quên nhiều hơn nhớ nhưng bà vẫn còn cười vui sung sướng khi được con cháu nói lời cám ơn hoặc ôm hôn bày tỏ lòng biết ơn.
Không gì quí giá bằng bữa cơm gia đình nhân lễ Tạ Ơn mọi người cầm tay nhau cảm tạ Trời Phật trước khi bắt đầu bữa cơm hội họp đông đủ bà con thân quyến. Lễ Tạ Ơn là dịp hiếm có trong một năm để ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt gặp nhau chuyện trò thân mật, giới thiệu các phần tử mới của gia đình (cô dâu, chú rể mới, em bé mới chào đời). Lễ Tạ Ơn cũng là cơ hội quí giá để giải tỏa những nỗi bất bình, những giận hờn ngấm ngầm trong đại gia đình, bà con họ hàng. Mặc dù tôi là Phật tử, có đức tin mãnh liệt và hoàn toàn tin tưởng vào luật Nhân Quả của đạo Phật hàng năm tôi vẫn đón mừng lễ Tạ Ơn cùng với gia đình nhỏ (chồng và các con và gia đình lớn (các em, các cháu, các chắt) để được có dịp: Nhìn Lại “Cám Ơn Đời Cám ơn Người
Năm nay Thanksgiving nhằm ngày 24 tháng 11, một ngày sau sinh nhật 65 tuổi của tôi. Nhìn lại 65 năm qua tôi cảm thấy mình rất may mắn, tuy về tài sản vật chất tôi không nhiều tiền, lắm của, đeo hột xoàn bự, đi xe sang trọng Mercedes, Lexus nhưng về mặt tâm linh tình cảm tôi được đầy đủ, phong phú tình thương, tình thân, được sự hổ trợ giúp đỡ từ muôn phương, vạn hướng.
Xin cúi đầu Cảm Tạ Mẹ Tôi, người đã khó nhọc sinh ra tôi- vì theo lời bà thì “Con Vành Khuyên lúc mới sinh ra to như con Tây nên tôi rặn hoài không chịu ra và đau quá chừng!”. Mẹ tôi còn nói lúc nhỏ tóc tôi màu vàng đỏ nên có người hỏi ba tôi “Con của ông Đốc sao lại có tóc vàng?( Ba tôi làm Ty trưởng Học chánh nên được gọi là Ông Đốc Học). Ba tôi chỉ nhìn mẹ tôi rồi cười vì lúc nào ông cũng tin tưởng nơi người bạn đời “thủy chung, đoan trang, con nhà gia giáo”của mình nên không mảy may nghi ngờ. Cũng may cho mẹ tôi là khi tôi lớn lên 8-10 tuổi thì tóc dần dần đen hơn không vàng như thuở bé nữa. Cám ơn Mẹ đã nuôi dạy con rất kỹ càng từ cách ăn, cách ngồi, câu chào, câu hỏi đến cách dọn dẹp nhà cửa, đối xử với người dưới, kẻ thấp kém hơn mình. Cám ơn Mẹ đã dạy con lòng Từ Bi, Hạnh Bố Thí từ lúc con mới 4-5 tuổi. Hễ có kẻ ăn xin tới nhà là Mẹ cho con mang cơm mang tiền ra cho họ; “Con phải đưa một cách lễ phép, cung kính không được liệng vào trong lon; trong giỏ của họ”Đã bao nhiêu năm qua con vẫn không quên lời dạy này. Bây giờ mỗi chiều thứ Năm là ngày cuối trong tuần làm việc của con, khi đi bộ qua công viên trên đường 18 và đường H ở Washington DC trước Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) để về nhà , con thường cho mỗi người homeless vô gia cư ngồi tại đó một đồng. Con cúi xuống bỏ nhẹ vào ly họ rồi nói “have a nice evening”và cười.
Nhờ thừa hưởng hạnh Bố Thí của Mẹ mà nay con đã gầy dựng được “Nhóm Từ Thiện Tình Thương Virginia”qui tụ hơn 40 người các con các cháu, các bạn thân, các bằng hữu ở nhiều nơi, nhiều lứa tuổi góp nhặt hiện kim và tình thương để giúp các cụ già neo đơn, các trẻ mồ côi, khuyết tật, các nạn nhân bị thiên tai, bão lụt, chiến tranh nghèo đói và gửi quà Tết về Việt Nam qua các sư cô, các Linh Mục.
Từ Tâm và Hạnh Bố Thí mà Mẹ đã trao truyền cho con là một gia tài vô giá, chẳng bị bão lụt cuốn trôi, không bị chiến tranh tàn phá. Ngày nay con đang cố gắng khơi động lòng vị tha, hạnh Bố thí quí giá ấy nơi các con, các cháu. Cầu xin Trời Phật cho con gặp duyên lành để thế hệ mai sau hiểu được giá trị vĩnh hằng, quan trọng của lòng Từ Bi và Hỷ Xả; biết chia xẻ với người khác mà Mẹ đã liên tục dạy cho con.
Xin Cảm Tạ Ba Tôi, dù người đã khuất núi 26 năm rồi nhưng lúc nào người cũng theo bên cạnh tôi nhắc nhở tôi “Đừng nói xấu người khác sau lưng họ. Ba tôi suốt đời không nói xấu một ai. Đối với nhân viên dưới quyền hễ có điều gì không phải, ông mời họ vào văn phòng rồi nói thẳng với họ. Ba tôi cũng là gương sáng siêng năng, cần mẫn và ăn ở hiếu thảo với mẹ cho tôi noi theo. Mỗi tuần hai ba lần sau giờ làm việc hoặc dây học ba tôi đều ghé về vườn bà Nội tôi để trò chuyện thăm hỏi bà. Bà Nội tôi tuy chẳng giàu có gì nhưng luôn vui vì con cháu tới lui hằng ngày.
Xin chân thành biết ơn các vị Thầy ở trường học, ở sở làm, ở các khóa Tu; quí vị này có người lớn tuổi hơn tôi, có người cùng trang lứa với tôi; đôi khi kém tuổi tôi nhưng họ đã khai sáng trí tuệ cho tôi. Nhờ sự chỉ dạy ân cần của các Thầy, các cô, các ni sư, các bạn trong tăng thân mà 65 năm qua tôi sống nhiều vui hơn khổ-mặc dù có lúc lên có lúc xuống, lúc sướng lúc cực, lúc làm thầy lúc làm tớ làm bồi nhưng tôi luôn luôn cố gắng sống mỗi ngày có ý nghĩa, làm được một việc thiện, cho dù là một việc nhỏ nhặt.
Tôi được may mắn đặc biệt là có rất nhiều bạn tốt, bạn thân. Ngày xưa lúc tôi mới 8 tuổi ba mẹ tôi có rước một ông thầy bói mù về nhà gieo quẻ. Tôi còn nhớ khi mẹ tôi hỏi về tương lai của tôi, ông thầy đã nói rằng
“Con nhỏ này phải tha phương cầu thực thì mới khá. Nó sẽ hành động như là con trai của ông bà và cung bằng hữu của nó rất tốt.”
Đúng như thế, tôi được nhiều bạn thương mến, giúp đỡ, từ lúc ở trại tị nạn Fort Chaffee không có một đồng trong túi, cho đến lúc ở California làm house keeper cho ông bà sponsor Pat Baker lại muốn bay sang Louisa vừa đi làm vừa đi học thì lập tức có HM, QH, DL giang tay giúp đỡ. Mỗi lần có một chuyện vui, chuyện buồn trong gia đình điều mà tôi trân quí, giữ gìn với lòng biết ơn sâu xa là sự chia xẻ chân tình của các bạn tôi, từ Úc, từ Pháp, từ Canada, từ Việt Nam, ở Mỹ từ khắp các tiểu bang, hỡi những người bạn thân thương của tôi, MH xin các bạn biết cho rằng:
“Many people will walk in and out of your life but only true friends will leave foot prints in your heart” (Rất nhiều người đến rồi đi trong đời tôi duy chỉ có bạn thân sẽ lưu lại dấu tích trong tim tôi). Tình thương của các bạn đã đem lại Niềm vui cho tôi trong bao nhiêu năm qua. Xin Cám Ơn Các Bạn từ đáy sâu của tim tôi.
Sở dĩ tôi thường nói “Tôi may mắn được nhiều người thương và giúp đỡ”vì ngoài các bạn bè ra tôi còn được bà con của mình và bà con bên chồng-hai gia đình họ Đặng và họ Lê mến thương đỡ đần. Xin cảm tạ các anh chị, các em, các cháu đã luôn luôn đối xử thân thiện, đầy tình cảm và tiếp tay trong mọi biến cố vui buồn của gia đình tôi.
Sau cùng sau 65 năm nhìn lại, ngày nay hai con tôi là LINA và SAM đều đã trưởng thành, đã lập gia đình, có nghề nghiệp vững vàng, có nơi ăn ở tiện nghi và chúng cũng đang cố gắng “Sống sao cho có ý nghĩa”của một đời người, tất cả điều tốt lành này là nhờ sự đóng góp đầy tình thương và công khó của người bạn đời có trái tim diệu hiền (TÂM DIỆU) của tôi: Lê Khắc Huyền. Em Cám Ơn Mình!
tháng 9 ngày 11 vừa qua có cô bạn gửi cho tôi một bài thơ rất hay rất có ý nghĩa và đúng sự thật 100%
If I Knew
..If I knew it would be the last time
I could spare on extra minute
to stop and say “I love you”
instead of assuming you would know I do
…Tomorrow is not promised to anyone
young or old alike
And today may be the last chance
you get to hold your loved one tight…
tạm dịch là:
…Nếu biết-chỉ gặp nhau lần cuối này thôi
tìm mọi cách, em sẽ cố chạy đến gần anh
thỏ thẻ bên anh vạn lần câu “yêu anh mãi”
vì anh hỡi, cuộc đời là giấc mộng mong manh.
Nào ai biết được ngày mai rồi sẽ ra sao?
Tuổi tác, cuộc đời có mang ý nghĩa gì đâu
Nếu nhỡ hôm nay sẽ là ngày cuối mình gặp
Anh hỡi, em xin kề vai anh tựa mái đầu…
Bài thơ này được đề tặng cho hương linh các nạn nhân khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 nhưng nó cũng nói lên được lẽ Vô Thường của cuộc sống ở xã hội văn minh tân tiến đầy bận rộn, vội vàng này.
Thế thì các chị em chúng ta nhân dịp lễ Tạ Ơn hãy cùng nhau “Cám ơn đời cám ơn người”.
Xin cám ơn các độc giả thủy chung của trang Phụ Nữ; chúc các chị em một mùa Tạ Ơn nhiều niềm vui, tình thương và đầy bao dung tha thứ.
Lễ Tạ Ơn 11/24/2005
Giây Phút Phù Du
* Lê Mộng Hoàng*
Hôm nay là Good Friday, ngày thứ Sáu trước lễ Phục Sinh. Hoa Anh đào trong xóm Sleepy Hollow Run nở rộ, rực rỡ, thơ mộng. Mỗi lần có cơn gió đến các cánh hoa đào bay phất phơ từng đàn trong gió giống như cảnh trữ tình qua câu thơ:
“Lá đào rơi rắc lối thiên thai…” (Tản Đà)
Từ cửa sổ nhà mình nhìn ra, tôi cảm thấy thích thú và vui ghê vì các loài hoa đang thi nhau khoe sắc thắm, hoa Dogwood màu hồng đậm, hoa Azelea (Đỗ Quyên) màu đỏ, màu trắng, hoa Anh Đào màu hồng, hoa Daffodil màu vàng, hoa Tulip (Uất kim cương) màu cam, hoa Carmelia (Trà Mi) màu rượu chát đỏ, hoa Pansy màu tím, màu vàng. Thật đúng là:
“Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa đã nở
Trong vườn Tình Ái của hồn tôi” (Xuân Diệu)
Mà cuộc tình này đã kéo dài 31 năm rồi, vẫn còn vui. Nhìn đồng hồ thấy đã 4 giờ rưỡi, tôi vội vàng đi thay áo quần. Huyền dặn: “Anh sẽ về sớm để chụp hình em và hoa đào”. Sân trước nhà tôi có hai cây Anh Đào và hai cây Dogwood nở hoa màu hồng đậm nên trông rực rỡ cả một góc trời. Mặc bộ suit màu tím hoa sim thêm cái mũ cùng màu tím có vành rộng tím đậm tôi theo H. ra sân. Anh chụp liên miên, bảo tôi thay đổi vị trí từ cây hoa Anh Đào qua cây hoa Dogwood đến khóm hoa Azelea, rồi đến con đường trong xóm. Cả xóm là một lối thiên thai, toàn hoa đào tươi thắm.
Mặt trời sắp lặn, hết nắng rồi nên chúng tôi vào nhà. H. lo đi tập chạy bộ (treadmill) còn tôi lo đi nấu cơm chiều. Nhà tôi đang ở, bếp, phòng ăn, phòng chơi gia đình và 3 phòng ngủ đều nằm ở tầng trên. Tầng dưới gồm phòng khách, phòng của Mẹ tôi, phòng ăn cho khách nay làm phòng computer và tập thể dục và phòng giặt giũ.
Trước khi thay áo quần để đi xuống bếp tôi đứng trước gương ngắm nghía bộ đồ màu tím hoa Sim mà tôi rất yêu thích và chiếc mũ xinh xắn. Kể ra một bà già đã 66 tuổi mà vẫn còn những lúc vui sướng vì chọn được màu áo mình yêu thích thì cũng mừng thật! Tôi không thích nữ trang đắt giá (hột xoàn, cẩm thạch), cực chẳng đã khi đi dự tiệc cưới thì cũng phải đeo chút đỉnh với thiên hạ nhưng ngày thường tôi không muốn vướng bận vì các của nợ ấy. Hành trang thường ngày của tôi là 1 backpack (túi đeo sau lưng), 1 xách tay có ngăn để đựng vé Metro, đôi giầy ba ta, áo quần xuềnh xoàng nhưng phải hợp màu-từ áo cánh, áo khoác, quần, áo choàng mùa đông (coat) và mũ. Theo tôi, người đàn bà không biết hòa hợp màu sắc là đã mất đi 20% duyên dáng mà trời dành riêng cho phái nữ rồi! Trong bao nhiêu năm đi làm ở Washington D.C. hoặc Maryland tôi đều dùng tàu điện Metro và cảm thấy thoải mái vì khỏi lo sợ kẹt xe như các người lái xe hơi. Tôi chỉ lái xe các ngày cuối tuần thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật.
Trở lại với ngày Good Friday, tôi đang lui cui nấu ăn trong bếp thì nghe tiếng H. gọi từ dưới lầu: “Hoa ơi Hoa” và gì nữa tôi không nghe rõ nên Dạ một tiếng lớn và chạy vội đến chỗ thang lầu để hỏi anh ấy nói gì. Chân tôi vừa bước ra khỏi cánh cửa bếp thì nghe tiếng lẻng kẻng tôi thụt lùi lại. Cả bức tường bằng kính rơi xuống cắt ngang lưng tựa của chiếc ghế gỗ Cherry rất chắc chắn. Mảnh kính bay đến chân tôi, may mà tôi có mang tất. Tôi la lên một tiếng “A!” rồi niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Chỉ cần tôi chạy nhanh hơn 1 hoặc 2 giây là thân hình tôi đã bị cắt từng đoạn rồi! Đây là sự nhiệm mầu của Phật Quán Thế Âm; Ngài đã độ trì cho tôi. Mặc dù tôi chấp nhận sự chết vì biết rằng ai rồi cũng có ngày phải chết nhưng chết chém như chiếc ghế gỗ trước mắt tôi thì thê thảm quá!
Ông xã tôi từ dưới lầu chạy lên vừa hỏi: “Chi rứa, chi rứa?” Nhìn cảnh tượng kính bể ngổn ngang ổng cũng sợ luôn! Kính này rất dày, bề ngang 4 feet bề cao 8 feet nên nặng trịch. Tôi nói với ảnh: “Huyền, từ nay em phải làm nhiều việc thiện hơn nữa mà anh đừng có cản. Đúng là có Phật độ cho em.” Huyền im lặng. Tôi đoán trong giây phút đó anh đã cảm nhận được nỗi Vô Thường của đời sống này. Chỉ một giây phút phù du thì tất cả đều biến mất! Nhan sắc, tiền tài, danh vọng, kiến thức, gia đình, bằng hữu. Có còn chăng chỉ là chút từ tâm và hạnh Hỷ Xả tôi mang theo về bên kia thế giới. Câu nguyện cầu của tôi mỗi buổi sáng vẫn còn hiệu lực: “ Xin Phật phù hộ cho con Làm Điều Lành, Tránh Điều Dữ. Sớm đem cho người thêm niềm vui. Chiều giúp người bớt khổ”
Từ hôm nay, Good Friday 14 tháng 4 con xin cố gắng làm nhiều việc thiện nguyện hơn nữa. Chiếc ghế bị cắt ngang lưng chắc tôi sẽ giữ làm kỷ niệm để nhắc nhở tôi và các người tôi thương về biên giới giữa Cái Chết và Sự Sống chỉ là một Giây Phút Phù Du, không biết trước, không phải chờ đợi 80-90 năm đâu!
Khi đã hoàn hồn tôi mới gọi điện thoại cho em tôi DL ở CA, vì biết giờ ấy DL còn đang ở sở. Cô y tá bảo “Bác sĩ đang mổ răng cho bệnh nhân xin cô để lại message bác sĩ sẽ gọi lại.”
Nửa giờ sau khi DL gọi, tôi vẫn còn kinh hoàng vì tai nạn xảy ra. Thử tưởng tượng trước đó 10 phút khi tôi đứng trước gương ngắm nghía bộ đồ màu tím tôi yêu thích nếu kiếng rơi xuống thì thân xác tôi còn lại gì? Hoặc tai nạn này xảy ra vào dịp hội họp gia đình có đông đủ bà con, thường tôi sắp một dãy ghế trước bức tường có kiếng ấy để các cụ ngồi. Em tôi bảo: “ Nghe chị kể mà em đã run cả người rồi!” Mà đúng như vậy, thật là khủng khiếp khi bức tường kiếng này đổ xuống vào ngày có đông người!
Tôi nhớ đã có lần trong bài giảng của một Linh mục chương trình Áng Sáng Tin Mừng, ngài bảo: “ Thượng Đế đã nhiều lần gửi thư Cảnh Cáo đến cho bạn mà bạn cứ làm ngơ như không thấy, không nghe, không biết đến Sự Chết, mỗi khi bạn bị tai nạn hoặc đau ốm hoặc bị mổ xẻ là một lần bạn phải tỉnh thức.”
Hôm nay là ngày cảnh giác khó quên cho tôi và cho gia đình bà con thân thương của tôi. Hai tấm kính nhỏ hai bên đã được tháo xuống, bức tường sẽ trở lại nguyên hình dáng cũ. Tôi nghĩ trước khi bán căn nhà này cho chúng tôi chủ nhà đã gắn kính to và dày khắp bức tường với dụng ý khiến phòng ăn nhìn rộng hơn. Thế là đã 20 năm tấm kính nằm yên, an bình với kỹ thuật quá thô sơ; dùng một thứ keo (nail gel) màu đen phết lên tường từng vệt nhỏ; có độ 12 hoặc 14 vệt như thế rồi dán tấm kính lớn vào tường.
Nếu không có sự che chở huyền diệu của Ơn Trên, Trời Phật, Tổ Tiên, Ông Bà thì gia đình chúng tôi đã gặp tai nạn thảm khốc. Ngày hôm sau, thứ bảy khi Sam con trai út của tôi đang đi vacation ở North Carolina cùng vợ nó gọi tôi, tôi đã nói với con: “Ngày hôm qua, thứ sáu con suýt mất Mẹ trong một tích tắc. Mẹ muốn nói với con điều này: “Tiền bạc, của cải, kiến thức, danh vọng trên đời này đều là Tạm Bợ chỉ có Từ Tâm và Hạnh Bố Thí, giúp đỡ người khác mới bền lậu mà thôi, đừng có nghĩ mỗi tháng tôi dành dụm $10.000 đô thì trong hai năm chắc chắn tôi sẽ đủ tiền đặt cọc mua một căn nhà vừa ý, không chắc đâu.” Nghe con cười qua điện thoại tôi nói thêm: “Có lẽ con nghĩ rằng Mẹ tiêu cực quá, have negative thought nhưng đây là lời nói rất thành thật của Mẹ. Nhớ đến Mẹ là nhớ CHIA XẺ, GIÚP ĐỠ mọi người, nhớ làm VIỆC THIỆN”
Không hiểu con tôi có biết đây cũng là lời trối trăn, là mong ước duy nhất của mẹ nó không?
Ngày 30 tháng 4 gần kề, tôi nhớ lại cảm giác lo sợ ngổn ngang khi tôi ẵm con gái LINA lúc ấy mới 4 tuổi lên Tân Cảng tìm cách đi trốn nhưng không được, đành trở về. Cuối cùng thì Phật đã đưa đẩy cho mẹ con tôi đi cùng chuyến với gia đình người cô của LINA, bác sĩ H. vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 bằng phi cơ tới đảo Guam để sau này tôi mới có cơ may bảo lãnh Mẹ và các em, các cháu đến miền đất tự do này.
Biết bao sinh mạng đã mất đi trong cơn Quốc biến, trong sóng gió bão bùng của biển sâu, tron g đói khát sức nóng của sa mạc và trong cơn cuồng si giận giữ của các kẻ cướp biển, cướp bộ. Hàng triệu người đã nằm xuống cho mẹ con tôi có được ngày an bình hôm nay. Năm 1975, một cặp vợ chồng bạn tôi ở Los Angeles Thái Tú Hạp-Ái Cầm cũng đã trải qua giây phút giữa Sống và Chết như tôi vào ngày 14 tháng 4 vừa qua khi tàu của họ bị đắm sau cơn bão. Gia đình Hạp đã thoát nạn, nay Hạp-Ái Cầm cùng một số bạn “ có lòng”, biết rõ giá trị vĩnh cữu của tâm linh cùng góp công, góp sức xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân (XDTĐTN) tại Westminster Little Sàigon, CA trong khuôn viên chùa Bảo Quang để khắc tên các nan nhân đã bỏ mình trong biển cả trên đường đi tìm TỰ DO. Hai bạn nhờ tôi làm liên lạc viên ở miền Đông Bắc để kêu gọi sự đóng góp của quý vị hảo tâm giúp cho công tác XDTĐTN được hoàn tất mỹ mãn.
Có Tin Vui Trong Tháng Tư Buồn
* Lê Mộng Hoàng*
Ngày 14 tháng 4 năm nay 2010 ban Quản Trị của Hệ Thống Thư Viện quận Fairfax (Fairfax County Public Library) đã vinh danh và ghi ơn Cộng Đồng người Mỹ gốc Việt tại Virginia (VA) Maryland (MD) và Washington DC (DC) trong buổi lễ cấp bằng tưởng thưởng cho các thiện nguyện viên đã cộng tác, giúp đỡ các thư viện trong quận Fairfax năm 2010 gọi là “2010 STAR VOLUNTEER AWARDS PRESENTATION” tổ chức tại thư viện George Mason 7001 Little River TurnPike,Annandale,VA 22003.
Sở dĩ có việc vinh danh cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại VA-MD-DC là vì cách đây 3 năm vào tháng 7 năm 2007, bà Quận Trưởng quận Mason Penny Gross có cho Ủy Ban Yểm Trợ Phòng Đọc Sách Tiếng Việt(UBYTPĐSTV) – Thư Viện Thomas Jefferson hay rằng thư viện nầy sẽ được tân trang và mở rộng hơn, và phòng đọc sách tiêng Việt tại thư viện nầy cũng sẽ lớn hơn trước. Cũng xin nhắc lại là Phòng Đọc Sách Tiêng Việt Thư Viện Thomas Jefferson đã được khai trương vào tháng 12 năm 2005 thể theo một văn kiện đã ký giữa bà Quận Trưởng Penny Gross ,ông Giám đốc Hệ thống Thư viện quận Fairfax Edwin Clay, và hai hội Cựu Sinh Viên Quôc Gia Hành Chánh, hội Thân hữu Quảng Đà Miên Đông Hoa Kỳ. Cho đến hôm nay UBYTPĐSTV đã tặng Thư viện Thomas Jefferson hơn 2000 cuôn sách và báo chí và sẽ tiếp tục tặng thêm sau khi thư viện hoàn tất việc tân trang.
Một phái đoàn của hội cựu Sinh Viên Thân Hữu, Quảng Đà Miền Đông Bắc Hoa Kỳ đã đề nghị với bà cho phép Cộng Động Việt Nam xây 1 lối đi lót gạch tại lối vào cổng chính của thư viện và Cộng Đồng Việt Nam sẽ đóng góp chi phí xây dựng. Lối đi nầy sẽ lấy tên “Gateway to Freedom (Đường Đến Tự Do) với 3 mục đích chính:
- Đánh dấu sự hiện diện của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản
- Ghi lại thành quả và đóng góp của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ nhất là trong lãnh vực văn hóa và giáo dục.
- Biểu tượng lòng tri ân của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản đối với đất nước Hoa Kỳ.
Dự án “Đường Đến Tự Do” và sơ đồ kiến trúc lối vào thư viện Thomas Jefferson với hơn 1,000 viên gạch có khắc tên các người Việt tỵ nạn Cộng Sản đóng góp vào dự án nầy đã được Giám Đốc Hệ Thống Thư Viện quận Fairfax Edwin Clay và bà Giám Đốc điều hành Fairfax County Library Alvah T Beauder chấp thuận.
Tháng 7 năm 2009, một ủy ban yểm trợ Dự Án “Đường Đến Tự Do” được thành lập gồm các thành viên của hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh các ông Đổ Quang Tỏa, Nguyễn Kim Hương Hỏa, Vũ Bá Hoan, Giáo sư Cao Thị Lễ và hội Thân Hữu Quảng Đà: ông Lễ Hữu Em, bà Lê Tống Mộng Hoa. Ủy ban nầy khởi sự gây quỹ cho dự án “Đường Đến Tự Do” bằng cách gởi thư kêu gọi đồng hương tỵ nạn Cộng Sản trên toàn cầu đóng góp các viên gạch tình nghĩa bằng 1 trong 2 cách:
A- Đóng góp $1,000.00 với danh nghĩa Mạnh Thường Quân (Founding Sponsors) tên sẽ được ghi vào bảng đồng lưu niệm treo tại thư viện
B- Đóng góp $50.00 cho 1 viên gạch với danh nghĩa ân nhân, tên và địa chỉ của ân nhân được khăc bằng tia Laser trên viên gạch, giới hạn mỗi gia đình 2 viên gạch.
Tất cả những đóng góp đều được gởi đến Fairfax County Library Foundation. Cơ quan nầy sẽ kiểm soát thu và cấp biên nhận miễn trừ thuế. Ủy Ban Yểm Trợ Đường Đến Tự Do cũng lập ra một website www.duongdentudo.com để liệt kê tên các Mạnh Thường Quân và các ân nhân đóng góp. Anh Nguyễn Kim Hương Hỏa , Chủ Tịch hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh đã hết lòng tận tụy design website Đường Đến Tự Do và cập nhật hàng tuần để các đồng hương khắp nơi có thể theo dõi sau khi gửi chi phiếu ủng hộ.
Đến ngày 22 tháng 11 năm 2009 chương trình gây quỹ cho Đường Đến Tự Do đợt 1 tạm thời khóa sổ. Tổng số Mạnh Thường Quân đóng góp $1,000.00 là 32 người, và có 269 ân nhân đóng góp cho một viên gạch. Số hiện kim thu nhận được là $45,450.00, số tiền nầy sau khi trừ chi phí mua gạch lát Đường Đến Tự Do sẽ được sung vào quỹ của Thư Viện Thomas Jefferson để tiếp tục mua sách tiếng Việt và mở mang Phòng Đọc Sách Tiếng Việt. Công trình xây cất thư viện đã khởi sự vào tháng 1 năm nay 2010 và dự trù hoàn tất vào cuối tháng 6 này. Ủy Ban Yểm Trợ Đường Đến Tự Do sẽ thông báo rộng rãi để mời các Mạnh thương quân và các ân nhân đến tham dự lễ khánh thành thư viện mới và Đường Đến Tự Do với các viên gạch tình nghĩa có khắc tên của họ.
Lễ cấp bằng tưởng thưởng cho các thiện nguyện viên thuộc Hệ Thống Thư Viện Quận Fairfax được tổ chức rất trang trọng với sự tham dự của toàn thể Ban Quản Trị Hệ Thống Fairfax County Public Library, khách mời danh dự là ông Dân Biểu của tiểu bang Virginia Mark Sickles và cử tọa hơn 60 người. Vừa bước vào phòng họp chúng tôi 3 người – anh Đổ Quang Tỏa và Vũ Bá Hoan, hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh và tôi Mộng Hoa, hội Quảng Đà, đã được đón tiếp niềm nở và mời ăn bánh ngọt uống cà phê, nước trà.
Buổi lễ chính thức bắt đầu lúc 7 giờ tối. bà Giám Đốc điều hành hệ thống Thư Viện quận Fairfax lên chào mừng quan khách, cảm ơn sự đóng góp tích cực và liên tục của các thiện nguyện viên và đặc biệt Cộng Đồng người Mỹ gốc Việt tại VA – MD – DC . Sau đó bà giới thiệu dân biểu tiểu bang Virginia Mark Sickles lên trao bằng tưởng lệ. Theo lời dân biểu Sickles thì sau 35 năm định cư tại Hoa Kỳ các người Việt tỵ nạn Cộng Sản thế hệ thứ 2 đã thành công trên đường học vấn, chính trường, thương trường. Họ đã đóng góp tích cực cho đất nước Mỹ. Ông nhiệt liệt ghi ơn sự đóng góp của 2 hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh và hội Quảng Đà qua dự án Đường Đến Tự Do đã tặng cho thư viện Thomas Jefferson 1 số tiền lớn. Ông nói tiếp: “Đây là lần đầu tiên Cộng Đồng người Mỹ gốc Việt tại Virginia hiến tặng một món quà có giá trị và có ý nghĩa cho nhân dân và tổ quốc Hoa Kỳ.”
Ông trao tặng phái đoàn của Ủy Ban Yểm Trợ Dự Án Đường Đến Tự Do một tấm bảng sơn mài trên có ghi dòng chữ bằng đồng:
The Fairfax County Public Library
Presented to:
Vietnamese & American Community
For Outstanding Contributions
to the Fairfax County Public Library
April 14, 2010
Cả 3 người trong Ủy Ban Yểm Trợ Dự Án Đường Đến Tự Do, anh Tỏa, anh Hoan, và Mộng Hoa đã chụp hình chung với dân biểu Sickles trong tiêng vỗ tay chúc mừng của cử tọa hiện diện. Buổi lễ tiêp tục với phần trao bằng tưởng thưởng cho 11 thiện nguyện viên đã đóng góp 1,000 giờ làm việc giúp đỡ các thư viện John Marshall, KingsPark, Kingstowne,Pohick, Reston, Sherwood, Tyson-Pimmit và văn phòng của City of Fairfax trong năm vừa qua. Có 2 thiện nguyện viên đã đóng góp 3000 giờ công tác nhiều hơn cả là bà Ruth Pietrowicz đã đóng góp 7,500 giờ công tác.
Phần sau cùng nhưng cũng là phần gây chú ý và sự cảm phục của cử tọa là khi dân biểu Sickles trao bằng tưởng thưởng cho các thiện nguyện viên xuất sắc đã cống hiến, giúp đỡ các thư viện Chantilly, John Marshall, Kingtowne, Patrick Henry, Reston Woodrow Wilson trong các phần vụ như bán sách sale, kiểm soát sách đã mượn vượt quá thời gian ấn định, lập website, sửa chữa máy computer… Đa số thiện nguyện viên là các người Mỹ cao niên đã hưu trí, có một bà cụ đã 90 tuổi mà còn rất khoẻ và vui tính (Cụ Jean Bahler.) Trong thiểu số người trẻ đã tình nguyện giúp đở thư viện có cậu LÊ NGUYÊN, người Việt mới 22 tuổi đang theo học tại Đại Học George Mason đã được thư viện Woodrow Wilson tri ân vì công lao sửa chữa computer và design web site cho thư viện. Ngồi nghe dân biểu Sickles ca tụng, tán dương cậu Lê Nguyên trẻ tuổi, người Việt Nam duy nhất trong số 25 vị ân nhân của hệ thống thư viện quận Fairfax mà lòng tôi sung sướng và hãnh diện vô chừng! Tôi chạy đến bắt tay Nguyên và mời em tham dự lễ khánh thành “Đường Đến Tự Do” của thư viện Thomas Jefferson cuối tháng 6.
Mặc dù 35 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau mất nước, nỗi nhớ thương những người bạn, người thân đã bỏ mình trên biển cả, trong ngục tù sau biến cố 30 tháng 4 vẫn còn đây, khó mà quên được! Tháng tư vẫn còn là Tháng Tư Đen, tháng 4 buồn nhưng nhìn lại các thành quả tốt đẹp trong mọi lãnh vực của các người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi thế hệ thứ 2, thứ 3 đã đạt được sau 35 năm và ngay giờ phút ấy sự dấn thân giúp ích của người trẻ Lê Nguyên đã gieo trong trí tôi một niềm hy vọng lóe sáng: sẽ có nhiều Lê Nguyên ở khắp nơi trên nước Mỹ – vừa đi học toàn thời gian, đi làm toàn thời gian mà vẫn dấn thân giúp ích – sẽ có nhiều Gateway To Freedom Đường Đến Tự Do ở khắp các thư viện công cộng của các tiểu bang khác, sẽ có phòng đọc sách tiếng Việt tại các thư viện ấy để bày tỏ với nhân dân Hoa Kỳ rằng người Việt Nam luôn luôn mong muốn Tự Do và luôn nhớ ơn các người đã ban ơn cho họ.
Rồi một ngày nào đó không xa, tháng tư sẽ không còn là tháng tư buồn, Tháng Tư Đen, mà sẽ là tháng tư xanh, tháng tư Tự Do, chúng ta sẽ cùng nhau trở về Việt Nam, một Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự do, thoát khỏi ách Cộng Sản và được điều hành bởi các người trẻ thế hệ thứ 3 tài giỏi, có lòng tốt biết dấn thân giúp ích như Lê Nguyên kể trên.
Lê Mộng Hoàng( Lê Tống Mộng Hoa) 4/20/2010
Kính mời quý vị nhấn vào tựa đề màu xanh dưới đây để đọc chi tiết diễn văn của nhà văn Lê Mộng Hoàng giới thiệu 2 bạn văn trong buổi Ra Mắt Sách Thong Dong Tuổi Vàng
Lê Mộng Hoàng giới thiệu hai tác giả Lê Thị Hàn & Lê Tạ Bích Đào trong buổi Ra Mắt Sách Thong Dong Tuổi Vàng
Tâm Tình
của
nhà văn
Lê Mộng Hoàng
(chị Lê Tống Mộng Hoa)
(Đây là tâm tình Của Một Người Cầm Bút Nữ tầm thường ở Hải ngoại dự định chia xẻ trong cuộc họp mặt “Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Kỳ III tại thủ đô Washington D.C. 2010 nhưng chưa gặp duyên lành nên bị lãng quên , nay hâm nóng lại mong được tỏ bày trong gia đình văn but hải ngoại miền Đông 2014)
Xin thân mến kính chào quý vị các bạn văn thi hữu khắp nơi trên thế giới đã vượt đường xa để về đây tham dự Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Kỳ III tại thủ đô Washington D.C.
Tôi tên là Lê Tống Mộng Hoa bút hiệu Lê Mộng Hoàng trước tiên tôi muốn gởi đến Ban Tổ Chức Đại Hội – Cô Jackie Bông….., anh Quoc Nam, Phạm Bá Vinh, chị Ngọc Dung, đặc biệt là chị Phong Thu lời Cảm Ơn chân thành về những đóng góp thì giờ, công lao khó nhọc liên tiếp trong nhiều tháng trời để sửa soạn cho Ngày Họp Mặt của tất cả chúng ta hôm nay.
Sau đây tôi xin kể cho các chị, các bạn nghe về những vui buồn của một người đàn bà bình thường vừa làm vợ, làm mẹ, làm bà ngoại, bà nội, làm công chức, làm nội trợ, làm cô giáo dạy tiếng Việt, làm thiện nguyện viên mà lại ham mê nghiệp cầm bút” như là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống thường ngày.
Thú thật tôi chưa bao giờ dám nhận tên gọi “nhà văn” vì tôi tự biết mình không được huấn luyện, học hỏi về cách thức viết văn, làm thơ, cách dàn dựng cấu trúc của chuyện ngắn, chuyện dài các lớp chuyên môn của trường đại học. Tất cả vốn liếng tiếng Việt tôi còn nhớ để viết, để nói, để dạy cho các em học sinh hôm nay là tôi đã học được từ Việt Nam qua các trường tiểu học, trung học và Đại Học Văn Khoa, thứ tiếng Việt trước 1975 xưa cũ.
Lúc còn ở trường Trung Học tôi rất thích đọc các truyện và thơ của các nhà văn nữ Nguyễn Thị Vinh, Minh Đức Hoài Trinh, Nhã Ca, Túy Hồng….
Từ lúc đến Mỹ tháng 4 năm 1975 đến nay đã 35 năm tôi phải lo học Anh Văn, học ngành chuyên môn để có việc làm nuôi gia đình, học nói, học viết Anh Ngữ để giao thiệp trong sở làm, và trong xã hội, trong gia đình.. Vì gia đình hai bên sui gia con gái và con trai đều là người Mỹ có học thức cao (Khoa Trưởng và Giáo Sư Đại Học). Tôi lo rằng nếu không chịu khó viết lách, thực tập bằng cách nói trước đám đông, dạy cho các em người Mỹ gốc Việt thì một ngày nào đó vốn tiếng Việt của tôi sẽ “cạn dần” … đôi lúc tàn lụn.
Trở lại với những kinh nghiệm vui buồn sau 35 năm sống tại Mỹ của một cô giáo người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản mà lại ưa thích viết lách như tôi thì đúng là “tiền hung hậu kiết”, trước buồn sau vui mà buồn ít vui nhiều. Tôi và con gái Lina 4 tuổi đã đến Hoa Kỳ ngày 28 tháng 4 năm 1975 trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Mười lăm năm đầu rất vất vả, chật vật bận rộn lo cho mình, cho chồng con, và có rất nhiều đồng hương cần sự giúp đỡ như thông dịch tại trường học, giúp xin Medicaid, SSI nên tôi không còn khoảng trống nào để thỏa mãn đam mê viết lách của mình; bù vào đó hàng ngày tôi vẫn viết nhật ký để giải bày nỗi niềm riêng tư, thường là nhiều nước mắt mà ít niềm vui.
Năm 1989 với sự khuyến khích của anh Chử Bá Anh (Cố Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Diễn Đàn Garden Grove – CA và là phu quân của nữ sĩ Vi Khuê) tôi bắt đầu viết cho mục “Câu Chuyện Bạn Gái” của báo Phụ Nữ Diễn Đàn nầy; từ đó đến nay đã hơn 20 năm tôi vẫn tiếp tục viết để chia xẻ, viết để bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm phục hoặc sự tán đồng ủng hộ việc làm cao quý, công tác hữu ích của một bậc thức giả, một vị thầy hoặc viết để mong đem lại sự hoà nhập giữa hai nền văn hóa Đông Tây.
Trong quá trình 21 năm đeo đuổi nghiệp dư cầm bút, tình nguyện cộng tác với các tờ báo như Phụ Nữ Diễn Đàn (CA), Saigon Times, CA USA, Bút Việt, TX, Mạch Sống (VA, Kỷ Nguyên Mới (VA) tôi đã thấu hiểu được những khó khăn của người phụ nữ Việt Nam sống trong xã hội văn minh tân tiến Hoa Kỳ vừa làm việc để kiếm gạo nuôi gia đình, vừa lo việc nội trợ, vừa lo nuôi dạy con cái, hoạt động xã hội mà lại vừa say mê nghiệp cầm bút như thế nào?
- Thì giờ eo hẹp, gò bó: Sáng sớm 5 giờ đã phải thức dậy lo sửa soạn cho con gái đến trường, rồi đến sở làm, chiều đến 7-8 giờ tối mới về nhà, đón con lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, trả các bills điện nước, credit card thì đã nửa đêm.Lúc nầy mới bắt đầu viết lách, từ 12 giờ khuya – 2 giờ sáng là thời gian yên tĩnh của riêng mình.” Mặc dù theo lời bác sĩ gia đình thì việc thức khuya sau 11 giờ tối có hại cho trí nhớ nhưng tôi vẫn không còn lựa chọn nào khác trong lúc ban ngày quá bận bịu.
- Trí óc đầy ắp nhiều mối lo khác nhau nên nguồn cảm hứng khó bộc phát. Suốt ngày làm quá nhiều việc nên đêm đến ngồi vào bàn viết đôi lúc chẳng viết được nhiều như dự tính.
- Không được sự khích lệ, tận tình nâng đở của chồng con, gia đình về các đứa con tinh thần: Điều nầy xảy ra thường xuyên, không những trong gia đình tôi mà còn trong các gia đình khác. Tôi có một chị bạn làm thơ rất hay và dễ dàng, nhưng đến ngày ra mắt tập thơ đầu đời thì ông xã chị không tham dự vì bận chuyện khác. Thật đáng buồn! Tôi đã có câu hỏi trong đầu muốn đưa ra chất vấn các đấng lang quân có bà xã mang “nghiệp cầm bút tài tử” Có phải quý ông vẫn nghĩ nhà bếp mới là giang sơn chính của phụ nữ?
- Gặp khó khăn cản trở về việc xuất bản in ấn các tác phẩm văn chương: Các bạn viết văn không chuyên nghiệp tùy hứng và tài tử như tôi khi muốn in ấn tác phẩm của mình tại Mỹ gặp nhiều trở ngại, tiền ấn phí quá đắt, việc đánh máy vào computer và layout không rành nên dù bài vở đã có sẵn vẫn khó in thành sách. Hơn nữa với sức phát triễn mạnh mẽ của internet số độc giả mua sách để đọc cũng giảm đi rất nhiều.
Ngoại trừ 4 điểm khó khăn đã nêu ra các bạn gái đeo đuổi “nghiệp dư” viết lách giống tôi đã đạt được nhiều điều lợi ích và thuận tiện khác bù đắp cho các khuyết điểm trên.
- Được hấp thụ 2 nền văn hóa Đông và Tây nên trí óc phong phú, tầm nhìn mở rộng. Học cái hay của người mà vẫn giữ cái đẹp của mình. Vai trò người nữ trong xã hội Hoa Kỳ được đề cao (Lady first) nên trong gia đình cũng bớt nhọc nhằn hơn ở Việt Nam. Các ông xã người Việt đã tự “Mỹ hóa” (Americanize), biết giúp đở vợ trong việc mua thức ăn, chăm sóc con cái. Ước ao chiều hướng tốt lành nầy còn tiếp tục về lâu về dài, nhất là các bạn trai thế hệ thứ 2, thứ 3
- Bày tỏ ước muốn, nhu cầu giá trị tinh thần của người nữ trong đời sống hiện tại
Qua các bài tùy bút, truyện ngắn đăng trên các báo tôi đã có gắng đưa ra vai trò cao quý đặc biệt của “Người Mẹ Việt Nam” mà theo tôi nghĩ rất là quan trọng cho việc bảo tồn nền tảng gia đình, hướng dẫn con cái. Cũng qua các bài viết nầy tôi nói lên các nhu cầu cần thiết và các ước muốn đơn sơ của người phụ nữ Việt Nam sống tại Mỹ: muốn chồng con tiếp tay trong công việc nhà, muốn nhận được cử chỉ biết ơn và thương yêu từ gia đình, sẵn sàng học hỏi để hòa nhập với xã hội Hoa Kỳ, muốn có ít thì giờ cho đời sống tâm linh của mình.
- Cổ vỏ các bạn gái bồi dưỡng niềm tự tin, ý chí tự lập, các bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Qua mục “Câu chuyện Bạn Gái” tôi đã chú tâm kêu gọi các bạn gái cố gắng thoát ra khỏi “Vỏ Ốc” cô đơn, học hỏi tìm tòi để có ý chí tự lập, niềm tự tin vào mình và thực tập các bí quyết để tổ ấm gia đình được bền lâu vững mạnh mà các tâm lý gia Hoa Kỳ đã bỏ công nghiên cứu và viết thành sách.
Các bài nầy đã được gom góp lại trong cuốn Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình của Lê Mộng Hoàng xuất bản 1996.
- Sau cùng nhưng lại rất quan trọng và là Niềm Vui lớn nhất của tôi là sự đam mê Đọc và Viết đã trở nên trò giải trí trang nhã và thích thú giúp tôi nới rộng vòng tay thân ái với bằng hữu khắp nơi, chia xẻ tâm tình và giúp trí óc hoạt động trong tuổi “thất thập cổ lai hy” làm chậm sự xâm nhập nguy hiểm của bệnh đãng trí (dementia). Hơn nữa khi mối liên lạc bạn bè thêm gắn bó, vui vẻ, có nhiều bạn tốt, giúp thân tâm an lạc thì theo thống kê của nhiều bác sĩ chuyên nghiên cứu về tuổi già “càng sống vui, càng thêm tuổi thọ”
Xin cảm ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi có duyên lành được kể chuyện “cầm bút tài tử” của mình với các bạn văn thi hữu khắp nơi.
Thưa quý vị và các bạn, trong lúc viết hoặc nói với người khác tôi luôn ghi nhớ lời Mẹ dạy:
“Sống ngay thẳng thành thật
Là phước đức tốt nhất”
Người Mỹ cũng có câu
“What comes from the heart touches the heart”
Điều gì đến từ con tim, sẽ làm con tim rung động.
Nếu những điều tôi vừa thành tâm tỏ bày có làm phật lòng ai đó thì xin rộng lượng bỏ qua.
Theo bài viết Ba thế hệ cầm bút hội tụ trong Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam toàn cầu kỳ II của nhà văn Nguyễn Quốc Nam
Vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn như thêm rực rỡ với 36 phụ nữ tài năng Việt Nam tụ họp trong Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam (ĐHVCPN) kỳ II trong 2 ngày 14 và 15 tháng 8 năm 2010. Tên tuổi họ là: Vi Khuê, Trương Anh Thụy, Như Hảo, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Thu Nga, Kiều Mộng Hà, Ngô Tịnh Yên, Phan Thị Ngôn Ngữ, Phong Thu, Jackie Bông, Nhật Hạnh, Nguyễn Lê Mộng Tuyền, Trịnh Thanh Thủy, Bảo Như Trần, Sầu Phương Thủy, Nguyễn Thanh Xuân, Hoàng Bạch Mai, Ngô Thy Vân, Như Quỳnh, Hồ Hương Lộc, Bạch Mai, Huỳnh Thu Tâm, Tuyết Thu, Nguyễn Phương Thúy, Lê Mộng Hoàng (Lê Tống Mộng Hoa), Mộng Trinh, Vũ Thảo, Cung Thị Lan, Hồng Thủy, Hoàng Trúc Ly, Hoàng Dung, Minh Châu, Ngọc Hạnh, Bạch Cúc; cùng 2 nữ tác giả đến Mỹ từ góc trời xa nhất là Lê Mỹ Hân (Japan, Á Châu) và Anh Thư (Úc Châu).
Hình ảnh buổi Ra Mắt Sách Nhớ Mẹ Âm Thầm
của
Lê Mộng Hoàng ( Lê Tống Mộng Hoa)
Kính mời quý vị nhấp vào video clip dưới đây để xem buổi Ra Mắt Sách Nhớ Mẹ Âm Thầm
của Lê Mộng Hoàng ( Lê Tống Mộng Hoa)
Lá thư đầy nhân ái của Lê Tống Mộng Hoa
Món Quà Tết Nhỏ, Niềm Hy Vọng Lớn…
* Lê Mộng Hoàng*
Trúc thân mến,
Năm nay quà Tết chị gởi cho em không có bánh chưng, bánh tét, mứt như mọi năm mà lại có các loại nut (cashew, walnut, pecan, peanut) và một chiếc khăn quàng màu tím.
Chị vừa nhận được Email tuần trước về “cách làm mứt kém vệ sinh” bên Việt Nam, 2 phần mứt 1 phần ruồi sa vào nước đường xên mứt, nên hãi hùng quá không dám đụng đến mứt Tết nữa – cho dù mứt bán tại Mỹ – Còn chiếc khăn quàng màu tím xinh xinh ấy thì lại rất đặc biệt; khăn quàng nầy có lịch sử kéo dài 22 năm phấn đấu với bệnh tật, buồn chán tuyệt vọng bất hạnh của người con gái làng Thanh Hà bên bờ sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam mang tên Bùi thị Phước Hạnh.
Phước Hạnh sinh ra trong một gia đình đông con , nghèo khó với tất cả 10 anh chị em. Ba em làm nghề thợ hồ rất vất vả để kiếm sống và nuôi nấng đàn con, vì thế Phước Hạnh sau khi học xong bậc tiểu học phải lo phụ giúp ba trong công việc xây cất nặng nhọc. Năm em lên 18 tuổi, tuổi trăng tròn tươi đẹp nhất của cuộc đời thiếu nữ thì Phước Hạnh bị một tai nạn lao động trong lúc đẩy xe chở gạch cùng với ba lên dốc đến công trường xây cất. Một xe vận tải đã đụng vào xe chở gạch khiến tất cả gạch đổ xuống đè lên người em. Phước Hạnh bị tê liệt cột xương sống và luôn cả 2 chân!
Từ ngày đen đủi, rủi ro ấy (năm 1990) Phước Hạnh không còn đi lại được nữa, phải nằm luôn trên giường, vì nằm mãi trên chiếu nên lưng em bị ngứa ngáy lột da khó chịu. Trong tình trạng bi thảm nầy, Phước Hạnh tưởng chừng như mình không thể sống nổi, chỉ còn biết nằm chờ chết! Nhưng với thời gian, nỗi bất hạnh cũng vơi đi. Trong bài viết “Tấm Gương Sáng Vượt Khó của Bùi Thị Phước Hạnh” do anh Lưu Viên một đồng hương Quảng Nam (em chị Lưu Thị Ngâu) ở Sài Gòn thường quan tâm giúp đỡ các em khuyết tật Hội An, Phước Hạnh đã tâm sự: “Ngày lại ngày tôi cứ nằm với hai chân bất động trên giường và chỉ làm bạn với bốn bức tường mà thôi. Rồi đến năm 1994, có mấy người bạn cùng cảnh ngộ đến thăm và bầu bạn với tôi, những người bạn đó đã đem lại niềm vui cho tôi, giúp tôi có được niềm tin vào cuộc sống. Lúc đầu chỉ có mấy chị em thôi, nhưng dần dần những người bạn cùng cảnh ngộ tìm đến với nhau rất đông và chúng tôi thành lập một nhóm có tên là “Chi Hội Thanh Niên Khuyết Tật Hội An”, hàng tháng chúng tôi đến với nhau vào ngày 12 âm lịch mỗi tháng, để giao lưu và thăm hỏi lẫn nhau. Tôi thấy tinh thần tôi rất phấn khởi và nỗi buồn của tôi cũng đã tan biến tự lúc nào tôi cũng không hay biết.Tôi bắt đầu học đan len và đã đan được những tấm khăn quàng cổ, bí tất , mũ trẻ em khi có người dặt hàng và sống lây lất qua ngày. Nhờ vậy mà mấy năm qua tôi sống rất vô tư và vui vẻ. Nhưng bây giờ tôi lại có một nỗi lo riêng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba mẹ nay đã già yếu, tôi thì bệnh nặng vì suy dinh dưỡng (tôi chỉ còn nặng 31 kí lô). Mọi việc sinh hoạt hằng ngày tôi phải nhờ đến ba mẹ giúp đỡ như bồng ra xe lăn vì tôi không thể tự đi được. Vì thế tôi rất buồn và lo lắng cho tương lai của mình.
Hằng ngày tôi nằm trên giường đan khăn quàng, bí tất và mũ trẻ em khi có người đặt đan. Tôi cũng được tổ chức từ thiện Lifestart foundation của Úc cho đi học lớp làm tấm thiệp bằng tay (hand made card) với một nhóm gồm 5, 6 bạn cùng cảnh ngộ”.
Hạnh nói : “Dù cuộc sống hiện tại của gia đình tôi còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn tin vào cuộc sống, trong đó có nhiều tấm lòng nhân ái, những cánh tay rộng mở luôn sẵn sàng đón nhận những người kém may mắn như tôi .Những tấm lòng từ thiện nhân ái từ các cô chú anh chị ở khắp mọi nơi có thể đặt hàng đan qua địa chỉ e-mail của một người bạn thân của tôi sau đây: Bùi thị Phước Hạnh email: nhatpt2001@ yahoo.com hoặc trực tiếp liên hệ theo địa chỉ: Khối 7, phường Thanh Hà, Thành phố Hội An. Quảng Nam”.
Tuy nhiên việc đan khăn quàng, mủ, tất cho trẻ em tại Phố Hội nhỏ bé không khá nổi, không giúp Phước Hạnh khả dĩ kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân. Sau khi đọc bài viết của anh Lưu Viên, vài đồng hương người Quảng trong đó có chị đã gởi tiền giúp Phước Hạnh mua tấm nệm nước để nằm thay chiếc chiếu may ra lưng của em sẽ bớt lở lói ngứa ngáy.
Năm ngoái 2011 khi nghe anh Khuê, trong ban Bảo Trợ các em Khuyết Tật Hội An nhắc đến hoàn cảnh bế tắc, bất động đáng thương của Phước Hạnh, chị nảy ra ý nghĩ đặt cọc một số khăn quàng của Phước Hạnh đem qua Virginia làm quà tặng Giáng Sinh và Tết cho các vị bác sĩ, nha sĩ của gia đình mình cùng các bằng hữu thân mến.
Trên mỗi chiếc khăn có ghi vài giòng chia xẻ tâm tình của người con gái hiếu thảo đã đánh mất tuổi xuân” một cách bất ngờ tội nghiệp! “This scarf was handmade by a girl named PHUOC HANH BUI in Quang Nam, Viet Nam, whose legs were paralyzed in 1990 by an accident while she helped her father with constructuion job. HANH was 18 years old at that time. She cannot walk anymore and has to stay in bed! Now she tries very hard to knit these colorful scarves at Mong Hoa’s suggestion. Thank you for using this “scarf of Hope, Patience and Love” and helping our Charity Group of VA-Affection to bring a little sunshine to HANH’s dark days ( Khăn quàng nầy được đan bằng tay bởi người con gái tên Bùi Phước Hạnh cư ngụ tại Quảng Nam, Việt Nam, đã bị liệt cả 2 chân trong một tai nạn năm 1990 trong lúc phụ giúp cha làm việc xây cất. Năm ấy Phước Hạnh vừa tròn 18 tuổi. Cô không còn đi lại được nữa, và phải nằm bất động trên giường. Bây giờ theo sự đề nghị của Mong Hoa, Hạnh đã cô gắng đan các khăn quàng nhiều màu sắc nầy. XIN CẢM ƠN bạn đã dùng “chiếc khăn quàng của Niềm Hy Vọng, đức Kiên Nhẫn và Tình Thương” và giúp NHÓM TỪ THIỆN TÌNH THƯƠNG VIRGINIA đem chút ánh nắng ấm áp vào chuổi ngày đen tối của Hạnh).
Chị gởi về Phước Hạnh một số tiền để mua len đan thử 20 khăn quàng. Phước Hạnh đã làm theo ý chị và gởi sang Mỹ với sự giúp đỡ của một đệ tử của sư cô Ấn Liên về thăm Việt Nam đem qua Ohio. Christmas năm nầy thay vì tặng kẹo chocolate cho các bác sĩ, nha sĩ như nhiều năm trước, chị đã biếu họ các khăn quàng màu xanh, màu xám, màu hồng, màu nâu do Phước Hạnh đan.
Bác sĩ gia đình Pamela Alexandra đã viết: “Thank you very much for the lovely knitted scarf made by Phước Hạnh Bùi. She is fortunate to know such generous people who pass on her work” (Cảm ơn bà nhiều lắm về chiếc khăn quàng xinh đẹp do Bùi Phước Hạnh đan. Cô nầy may mắn quen biết những người có lòng rộng lượng đã truyền bá sản phẩm của cô).
Bác sĩ nhãn khoa Carlson, người đã từng tự nguyện về Gò Công, Việt Nam mổ mắt cataract cho dân quê nghèo cùng với một phái đoàn bác sĩ Hoa Kỳ năm 2006 đã viết mấy giòng cảm ơn: “Thank you so much for the beautiful scarf made by Phước Hạnh Bùi. This is the nicest, most meaningful gift of this year”(Cảm ơn bà rất nhiều với chiếc khăn quàng xinh xắn làm bằng tay bởi Bùi Phước Hạnh. Đây là món quà đẹp và có ý nghĩa nhất trong năm nay đối với tôi).
Còn Trúc thì đã hài lòng thật nhiều khi nhận được “chiếc khăn quàng màu tím” và đã bàn với cô bạn My Vân và các bạn ở NA UY nảy ra ý định tuyệt vời là đặt mua 32 khăn quàng cho 24 em gái và 8 em trai mồ côi ở nhà thờ Phước Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị!
Chị vô cùng sung sướng khi nghe Trúc gọi điện thoại nhờ chị bảo Phước Hạnh lo đan 32 cái khăn nầy. Tuần trước chị đã nói chuyện với Phước Hạnh và gởi một số tiền thưởng Hạnh khi chị nhận được 20 khăn quàng của Hạnh. Phước Hạnh vui lắm, chị có thể tưởng tượng ra nụ cười tràn đầy Hy Vọng của cô gái dễ thương nầy. Sáng thứ hai vừa rồi khi nghe nói “Bạn cô Mộng Hoa muốn đặt 32 khăn quàng, khi nào Phước Hạnh làm xong cô sẽ nhờ người gởi đi qua bưu điện” Phước Hạnh cảm ơn rối rít, thật đáng mừng!
Xin THÂM TẠ những tấm lòng nhân ái, vị tha đã mau mắn nhận thức được giá trị, công sức, sự cố gắng vượt qua cơn đau nhức, buồn rầu của người con gái “bất hạnh” mang tên “Phước Hạnh” để ngày nầy qua ngày nọ đan từng mũi nhỏ dệt thành tấm khăn quàng của Hy Vọng, của Nhẫn Nại và của Tình Thương”; tình người đồng hương của Trúc, My Vân; tình nhân loại của các bạn người Na Uy, Úc, Mỹ các bác sĩ Alexander, Carlson….
Mong rằng tình thương vị tha, bao dung nầy sẽ mang lại ánh nắng ấm áp cho khoảng đời còn lại tẻ lạnh của Phước Hạnh, chiếu sáng Niềm Hy Vọng mà em đang cố gắng vun bồi.
Nếu có ai mở lòng muốn dùng các” chiếc khăn quàng của Hy Vọng” nầy thì xin liên lạc qua địa chỉ của Phước Hạnh trên đây hoặc qua
Charity Group of Virginia Affection (Nhóm Từ Thiện Tình Thương VA)
6543 Renwood Lane
Annandale, VA 22003
(703) 354 – 0051
hoặc vào website www.tuthientinhthuongva.com
Năm mới sắp đến cầu chúc em và cả nhà luôn được Thân Tâm An Lạc, riêng em sức khỏe mỗi ngày mỗi khả quan để tiếp tục dấn thân giúp các người nghèo khó, các trẻ em mồ côi và 32 đứa con của em và My Vân đang trông cậy vào Mẹ Trúc và Mẹ My Vân. Cảm ơn em thật nhiều!
Chia Xẻ Tâm Tình Của Một Người Cầm Bút Nữ ở Hải ngoại
Lê Mộng Hoàng
(Đây là tâm tình Của Một Người Cầm Bút Nữ tầm thường ở Hải ngoại chia xẻ trong cuộc họp mặt của gia đình văn but hải ngoại miền Đông 2014)
Xin thân mến kính chào quý vị các bạn văn thi hữu khắp nơi trên thế giới đã vượt đường xa để về đây tham dự cuộc hội ngộ của các văn thi hữu VBHNMĐ nầy.
Tôi tên là Lê Tống Mộng Hoa bút hiệu Lê Mộng Hoàng trước tiên tôi muốn gởi đến Ban Tổ Chức Đại Hội – lời Cảm Ơn chân thành về những đóng góp thì giờ, công lao khó nhọc liên tiếp trong nhiều tháng trời để sửa soạn cho Ngày Họp Mặt của tất cả chúng ta hôm nay.
Xin 1 tràng pháo tay ghi ơn Ban Tổ Chức.
Sau đây tôi xin kể cho các chị, các bạn nghe về những vui buồn của một người đàn bà bình thường vừa làm vợ, làm mẹ, làm bà ngoại, bà nội, làm công chức, làm nội trợ, làm cô giáo dạy tiếng Việt, làm thiện nguyện viên mà lại ham mê nghiệp cầm bút” như là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống thường ngày.
Thú thật tôi chưa bao giờ dám nhận tên gọi “nhà văn” vì tôi tự biết mình không được huấn luyện, học hỏi về cách thức viết văn, làm thơ, cách dàn dựng cấu trúc của chuyện ngắn, chuyện dài các lớp chuyên môn của trường đại học. Tất cả vốn liếng tiếng Việt tôi còn nhớ để viết, để nói, để dạy cho các em học sinh hôm nay là tôi đã học được từ Việt Nam qua các trường tiểu học, trung học và Đại Học Văn Khoa, thứ tiếng Việt trước 1975 xưa cũ.
Lúc còn ở trường Trung Học tôi rất thích đọc các truyện và thơ của các nhà văn nữ Nguyễn Thị Vinh, Minh Đức Hoài Trinh, Nhã Ca, Túy Hồng….
Từ lúc đến Mỹ tháng 4 năm 1975 đến nay đã 35 năm tôi phải lo học Anh Văn, học ngành chuyên môn để có việc làm nuôi gia đình, học nói, học viết Anh Ngữ để giao thiệp trong sở làm, và trong xã hội, trong gia đình.. Vì gia đình hai bên sui gia con gái và con trai đều là người Mỹ có học thức cao (Khoa Trưởng và Giáo Sư Đại Học). Tôi lo rằng nếu không chịu khó viết lách, thực tập bằng cách nói trước đám đông, dạy cho các em người Mỹ gốc Việt thì một ngày nào đó vốn tiếng Việt của tôi sẽ “cạn dần” … đôi lúc tàn lụn.
Trở lại với những kinh nghiệm vui buồn sau 35 năm sống tại Mỹ của một cô giáo người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản mà lại ưa thích viết lách như tôi thì đúng là “tiền hung hậu kiết”, trước buồn sau vui mà buồn ít vui nhiều. Tôi và con gái Lina 4 tuổi đã đến Hoa Kỳ ngày 28 tháng 4 năm 1975 trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Mười lăm năm đầu rất vất vả, chật vật bận rộn lo cho mình, cho chồng con, và có rất nhiều đồng hương cần sự giúp đỡ như thông dịch tại trường học, giúp xin Medicaid, SSI nên tôi không còn khoảng trống nào để thỏa mãn đam mê viết lách của mình; bù vào đó hàng ngày tôi vẫn viết nhật ký để giải bày nỗi niềm riêng tư, thường là nhiều nước mắt mà ít niềm vui.
Năm 1989 với sự khuyến khích của anh Chử Bá Anh (Cố Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Diễn Đàn Garden Grove – CA và là phu quân của nữ sĩ Vi Khuê) tôi bắt đầu viết cho mục “Câu Chuyện Bạn Gái” của báo Phụ Nữ Diễn Đàn nầy; từ đó đến nay đã hơn 20 năm tôi vẫn tiếp tục viết để chia xẻ, viết để bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm phục hoặc sự tán đồng ủng hộ việc làm cao quý, công tác hữu ích của một bậc thức giả, một vị thầy hoặc viết để mong đem lại sự hoà nhập giữa hai nền văn hóa Đông Tây.
Trong quá trình 21 năm đeo đuổi nghiệp dư cầm bút, tình nguyện cộng tác với các tờ báo như Phụ Nữ Diễn Đàn (CA), Saigon Times, CA USA, Bút Việt, TX, Mạch Sống (VA, Kỷ Nguyên Mới (VA) tôi đã thấu hiểu được những khó khăn của người phụ nữ Việt Nam sống trong xã hội văn minh tân tiến Hoa Kỳ vừa làm việc để kiếm gạo nuôi gia đình, vừa lo việc nội trợ, vừa lo nuôi dạy con cái, hoạt động xã hội mà lại vừa say mê nghiệp cầm bút như thế nào?
Thì giờ eo hẹp, gò bó: Sáng sớm 5 giờ đã phải thức dậy lo sửa soạn cho con gái đến trường, rồi đến sở làm, chiều đến 7-8 giờ tối mới về nhà, đón con lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, trả các bills điện nước, credit card thì đã nửa đêm.Lúc nầy mới bắt đầu viết lách, từ 12 giờ khuya – 2 giờ sáng là thời gian yên tĩnh của riêng mình.” Mặc dù theo lời bác sĩ gia đình thì việc thức khuya sau 11 giờ tối có hại cho trí nhớ nhưng tôi vẫn không còn lựa chọn nào khác trong lúc ban ngày quá bận bịu.
Trí óc đầy ắp nhiều mối lo khác nhau nên nguồn cảm hứng khó bộc phát.
Suốt ngày làm quá nhiều việc nên đêm đến ngồi vào bàn viết đôi lúc chẳng viết được nhiều như dự tính.
Không được sự khích lệ, tận tình nâng đở của chồng con, gia đình về các đứa con tinh thần: Điều nầy xảy ra thường xuyên, không những trong gia đình tôi mà còn trong các gia đình khác. Tôi có một chị bạn làm thơ rất hay và dễ dàng, nhưng đến ngày ra mắt tập thơ đầu đời thì ông xã chị không tham dự vì bận chuyện khác. Thật đáng buồn! Tôi đã có câu hỏi trong đầu muốn đưa ra chất vấn các đấng lang quân có bà xã mang “nghiệp cầm bút tài tử” Có phải quý ông vẫn nghĩ nhà bếp mới là giang sơn chính của phụ nữ?
Gặp khó khăn cản trở về việc xuất bản in ấn các tác phẩm văn chương: Các bạn viết văn không chuyên nghiệp tùy hứng và tài tử như tôi khi muốn in ấn tác phẩm của mình tại Mỹ gặp nhiều trở ngại, tiền ấn phí quá đắt, việc đánh máy vào computer và layout không rành nên dù bài vở đã có sẵn vẫn khó in thành sách. Hơn nữa với sức phát triễn mạnh mẽ của internet số độc giả mua sách để đọc cũng giảm đi rất nhiều.
Ngoại trừ 4 điểm khó khăn đã nêu ra các bạn gái đeo đuổi “nghiệp dư” viết lách giống tôi đã đạt được nhiều điều lợi ích và thuận tiện khác bù đắp cho các khuyết điểm trên.
Được hấp thụ 2 nền văn hóa Đông và Tây nên trí óc phong phú, tầm nhìn mở rộng. Học cái hay của người mà vẫn giữ cái đẹp của mình. Vai trò người nữ trong xã hội Hoa Kỳ được đề cao (Lady first) nên trong gia đình cũng bớt nhọc nhằn hơn ở Việt Nam. Các ông xã người Việt đã tự “Mỹ hóa” (Americanize), biết giúp đở vợ trong việc mua thức ăn, chăm sóc con cái. Ước ao chiều hướng tốt lành nầy còn tiếp tục về lâu về dài, nhất là các bạn trai thế hệ thứ 2, thứ 3
Bày tỏ ước muốn, nhu cầu giá trị tinh thần của người nữ trong đời sống hiện tại
Qua các bài tùy bút, truyện ngắn đăng trên các báo tôi đã có gắng đưa ra vai trò cao quý đặc biệt của “Người Mẹ Việt Nam” mà theo tôi nghĩ rất là quan trọng cho việc bảo tồn nền tảng gia đình, hướng dẫn con cái. Cũng qua các bài viết nầy tôi nói lên các nhu cầu cần thiết và các ước muốn đơn sơ của người phụ nữ Việt Nam sống tại Mỹ: muốn chồng con tiếp tay trong công việc nhà, muốn nhận được cử chỉ biết ơn và thương yêu từ gia đình, sẵn sàng học hỏi để hòa nhập với xã hội Hoa Kỳ, muốn có ít thì giờ cho đời sống tâm linh của mình.
Cổ vỏ các bạn gái bồi dưỡng niềm tự tin, ý chí tự lập, các bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Qua mục “Câu chuyện Bạn Gái” tôi đã chú tâm kêu gọi các bạn gái cố gắng thoát ra khỏi “Vỏ Ốc” cô đơn, học hỏi tìm tòi để có ý chí tự lập, niềm tự tin vào mình và thực tập các bí quyết để tổ ấm gia đình được bền lâu vững mạnh mà các tâm lý gia Hoa Kỳ đã bỏ công nghiên cứu và viết thành sách.
Các bài nầy đã được gom góp lại trong cuốn Chìa Khóa Mở Cửa Hạnh Phúc Gia Đình của Lê Mộng Hoàng xuất bản 1996.
Sau cùng nhưng lại rất quan trọng và là Niềm Vui lớn nhất của tôi là sự đam mê Đọc và Viết đã trở nên trò giải trí trang nhã và thích thú giúp tôi nới rộng vòng tay thân ái với bằng hữu khắp nơi, chia xẻ tâm tình và giúp trí óc hoạt động trong tuổi “thất thập cổ lai hy” làm chậm sự xâm nhập nguy hiểm của bệnh đãng trí (dementia). Hơn nữa khi mối liên lạc bạn bè thêm gắn bó, vui vẻ, có nhiều bạn tốt, giúp thân tâm an lạc thì theo thống kê của nhiều bác sĩ chuyên nghiên cứu về tuổi già “càng sống vui, càng thêm tuổi thọ”